SỐ 261
KINH ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Tam tạng Bát-nhã, người nước Kế Tân.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 5: BỐ THÍ BA-LA-MẬT-ĐA

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở trong đại chúng rống tiếng Sư tử nói xong năm loại phát tâm Bồ-đề. Đại Bồ-tát Từ Thị cùng vô lượng, vô số trăm ngàn câu-chi Đại Bồ-tát, Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi làm thượng thủ và tất cả đã thành tựu sáu pháp Ba-la-mật-đa. Lại có vô lượng đại A-la-hán các lậu đã hết, việc làm đã xong, xả bỏ gánh nặng, phạm hạnh thanh tịnh và vô số câu-chi trăm ngàn vạn ức nado-tha Trời, Rồng, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Dạ-xoa, La-sát, Càn-thát-bà, Tỳ-xá-già, Nhân phi nhân…

Khi ấy, Đại Bồ-tát Từ Thị ở giữa đại chúng liền đứng dậy, chỉnh đốn pháp phục, trịch áo bày vai phải, quỳ gối chắp tay, nhất tâm cung kính thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói tâm không thoái chuyển Đại thừa Bồ-tát. Bồ-tát tu tập bao nhiêu pháp mới được gọi là Đại Bồtát? Cúi xin Đức Thế Tôn phân biệt giải nói.

Khi ấy Đức Thế Tôn dạy Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Nếu có thiện nam, thiện nữ nào với tâm thanh tịnh quy y Phật, Pháp, Tăng bảo, phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì chứng được quả vị không thoái chuyển, vị đó gọi là Bồ-tát, sống trong pháp của ta gọi là Ma-ha-tát (Đại), làm Pháp vương tử cho hằng hà sa chư Phật Bồ-tát, vì các hữu tình ấy mà làm cha mẹ, làm ánh sáng đại phước đức soi chiếu hơn cả trăm ngàn mặt trời để trang nghiêm thân Phật.

Đại Bồ-tát Từ Thị thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát này làm sao viễn ly, làm sao thân cận? Lấy ai làm bạn lữ? Trước tiên phải làm gì và nên trụ như thế nào? Tu hành ra sao? Điều phục tâm như thế nào? Giữ gìn những gì? Nhờ thế lực của ai để mau chứng đắc Vô thượng Bồ-đề?

Đức Thế Tôn dạy:

–Thiện nam, thiện nữ nào dắt dẫn chúng sinh trong năm đường đạt đến Vô thượng Chánh giác Bồ-đề, tránh xa ngoại đạo, pháp tà, bạn ác; gần gũi người tu hành, đầy đủ Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, lấy người hành Đại thừa làm bạn lữ, chính mình nên lắng nghe Chánh pháp, siêng năng tụng trì, an trụ sáu pháp Ba-la-mật-đa như vậy, tinh tấn tu hành, điều phục tâm ý, thu thúc sáu căn. Nhờ năng lực này mà mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nên gọi là Đại Bồ-tát.

Thế nào là sáu pháp Ba-la-mật-đa? Đó là: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ ba-la-mật-đa.

Bồ-tát Từ Thị thưa:

–Vì sao nói Bố thí ba-la-mật-đa là pháp đầu tiên?

Đức Phật dạy Từ Thị:

–Ta sẽ vì ông mà phân giải rộng nói. Trong sáu pháp Ba-lamật-đa, Bố thí ba-la-mật-đa rất dễ tu tập cho nên nói trước, giống như những việc làm ở thế gian, việc nào dễ thì nên làm trước, cho nên nói Bố thí ba-la-mật-đa đầu tiên.

Tất cả hữu tình ai cũng có thể hành Bố thí ba-la-mật-đa. Dạxoa, La-sát, sư tử, hổ, sói, cai ngục, đồ tể, đầu bếp… là những chúng sinh bạo ác nhất trong loài hữu tình mà còn có thể bỏ xan tham thi hành bố thí. Bố thí thế nào? Nghĩa là chúng nuôi con, vì thương xót mà cho con bú sữa. Chúng sinh này tuy không thể biết phước lợi nhưng nhờ có lòng thương xót mà được khỏe mạnh, sống lâu, an lạc, lìa khổ đói khát. Đó cũng gọi là bố thí. Do đó mà bố thí đối với sáu pháp Ba-la-mật-đa thì nói Bố thí ba-la-mật-đa trước tiên.

Lại như, tất cả chúng sinh nghèo khổ đói lạnh, lõa thân, thân tâm không an, làm sao có thể làm mọi việc? Nếu cho họ cơm ăn, áo mặc để được an lạc thì sau đó mới có thể tu các thiện nghiệp. Đại Bồ-tát cũng vậy, thấy các hữu tình bị nghèo khổ bức bách, không thể phát lòng tin vô thượng để tu hành tất cả sự nghiệp Đại thừa, làm các việc lớn nên trước tiên bố thí tất cả áo quần, đồ ăn uống, phòng xá, giường chiếu, thuốc thang… để tâm họ được an lạc rồi sau đó làm cho họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu hành pháp Đại thừa. Do đó mà Bố thí ba-la-mật-đa là cửa đưa đến thành tựu sáu pháp Ba-la-mật-đa, là hạnh đầu tiên của bốn Nhiếp pháp. Giống như tất cả vạn vật đều nhờ đất mà sinh trưởng; do đó mà nói Bố thí ba-la-mật-đa đầu tiên.

Như các loài Dạ-xoa… đã nói ở trên, không biết những gì là ruộng phước và chẳng phải
ruộng phước, nhưng do lòng yêu thương mà cho con bú, thì sẽ được làm người giàu có của cải, không đói thiếu. Do nhân này mà sinh ra chỗ nào cũng không có tánh xan tham, bố thí cho tất cả hữu tình để dứt trừ sự bần cùng khốn khổ. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát muốn làm lợi ích cho các hữu tình, trước tiên phải thực hành hạnh Bố thí ba-la-mật-đa. Người nào đến xin thì đem cho, không được nhăn nhó, khinh thị cũng không sân giận, tiếc nuối. Mình có gì đem cho nấy, không được chần chừ và sinh lòng keo kiệt. Đối với những gì mình yêu thích như: áo quần, giường chiếu, đồ ăn uống, thuốc thang, đất nước, vợ con, nô tỳ, đầy tớ, voi ngựa, bảy báu… đều lấy đem bố thí, cho đến một niệm cũng không hối tiếc. Nếu ai nghi ngờ thì đó là ma. Vì sao vậy? Vì ma vương Ba-tuần hóa làm của cải để khiến người xan tham. Nó làm cách ấy là để mê hoặc tâm ta, làm cho chướng ngại đại Bồ-đề. Do nghĩa này nên không được xan tham mà suy nghĩ như vầy: “Phải xả bỏ tất cả của cải mà ta yêu mến.”

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Từ Thị thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu ta bố thí của cải yêu thích mà không tiếc nuối thì Đại Bồ-tát là Chuyển luân vương có bảy báu ngàn người con vây quanh không biết làm gì, giống như cây cỏ rất nhỏ sống ở khe rạch lại gặp mưa dữ dội, nước lớn tràn về trôi sạch không còn lại một thứ gì. Vua Chuyển luân có năm dục thỏa thích, hùng mãnh, quyền lực, ngàn người con đi theo mình, làm tâm Bồ-đề đều phải trôi hết, như vậy làm sao tu tập hạnh bố thí, do vậy mà khó xả ly.

Đức Thế Tôn dạy Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Này thiện nam! Đại Bồ-tát sinh ra chỗ nào luôn giàu có, của cải sung túc và pháp đạo cũng như vậy. Chuyển luân thánh vương nên suy nghĩ hai điều:

1. Tư duy chư Phật quá khứ hành những hạnh khó làm và tất cả giáo pháp của Phật Bồ-tát. Năm dục khoái lạc của Chuyển luân vương do vọng chấp phân biệt mà có, giống như huyễn mộng. Với cảnh năm dục ấy, Chuyển luân thánh vương không phân biệt, không chấp trước, làm sao có thể làm chướng ngại tâm Bồ-đề.

2. Tư duy: Ta đã đưa tất cả hữu tình vào chỗ an lạc vô thượng Bồ-đề cũng như quá khứ hằng hà sa chư Phật Như Lai xả bỏ những việc khó xả, ta cũng thề phải xả bỏ như vậy. Vì muốn tẩy trừ đi những cấu uế xan tham mà phát tâm nguyện: Từ đây cho đến khi thành Phật, thề đem thân này bố thí cho cả pháp giới, để cho tất cả chúng sinh được tu phước nghiệp. Dù nhiều hay ít, nguyện cùng hưởng với tất cả chúng sinh, hồi hướng lên Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Lấy đó mà quán sát: Xưa kia ta đã xả vô số thân mạng như núi Diệu cao, quán thân ta giống như hạt cải, thân này còn xả, huống gì của cải. Nếu Bồ-tát có nhiều tài sản quý báu mà không bố thí thì giống như voi trắng đã tắm rửa sạch sẽ trong sông Hằng rồi dùng vòi hút lấy phân dơ, đất bụi bôi khắp thân. Ta lấy nước sạch phước đức tắm rửa thân thể cho sạch sẽ, đoan trang, thơm khiết, chứ không nên xan tham mà yêu thích của cải để bôi dơ nhớp lên thân.

Từ Thị nên biết! Đại Bồ-tát tư duy như vầy: Có người đến xin da của ta, ta liền lột đưa vui vẻ với lòng hoan hỷ, không một chút sân hận. Nếu xin thân, đầu, máu, thịt, xương, tủy cũng đều đem cho. Do đó mà Đại Bồ-tát làm lợi ích an vui cho các hữu tình, không xả bỏ sinh tử mà không chấp lấy Niết-bàn.

Lại nghĩ như vầy: Nay thân này của ta trước đây không đến, sau này không đi, do cha mẹ hòa hợp hạt giống bất tịnh mà có thân ta, ở trong chỗ bào thai dơ nhớp. Giống như trồng cây, cành lá tốt tươi thì hoa quả thành trái; thân ta cũng vậy, lấy khổ làm cành, lo buồn làm lá, dối gạt làm hoa, si làm gốc. Quỷ La-sát sân giận ở cây này, lại bị những nghiệp ác như hổ báo, chó sói, sư tử… bao quanh cây. Nay tạm thời ta nghỉ dưới gốc cây này, tại sao tham tiếc cây độc dữ này làm gì? Thân cây này không có ngã và ngã sở, giả sử nếu có thì ta cũng xả nó, nguyện đem cho chúng sinh theo yêu cầu của họ, không bao giờ tham tiếc. Vì sao vậy? Vì ngã đã xả rồi nên không cầu quả báo, không mong cầu ân đức, không chấp trước. Vì sao vậy?

Vì thân ác độc này bị trói buộc bởi ba pháp ác:

1. Bất tịnh. 2. Rất khổ. 3. Vô ân.

Nếu có người bị La-sát độc ác và loài thú dữ bao quanh, trong chúng có ai cứu vớt thì nên biết người đó là ân nhân của ta, đã làm lợi ích cho ta. Ta luôn nhớ ân đức của người này, sao lại tiếc thân này với họ ư? Tất cả cây cỏ thuốc thang, gốc rễ, cành lá, hoa quả, nông sản trên mặt đất này đều có thể mặc, ăn, mang, đội. Nếu dùng búa chém, chặt hết cho người thì có thể làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh. Nhưng mặt đất này không nghĩ rằng chúng sinh đã ăn thân, cành, lá, hoa, quả của mình mà được khỏi bệnh. Loài vô tình kia không phân biệt mà còn có thể làm lợi ích cho tất cả hữu tình, huống gì thân ta mà không thể hành bố thí để làm lợi ích cho người khác sao! Ngược lại có người đến xin thì ta có tâm ngã mạn khinh khi, nhục mạ.

Lại nên quán sát trong ngoài thân của chính mình. Trước tiên quán sát bên trong thân: Mắt là của ta ư? Nếu không phải của ta thì vì sao tham tiếc?

Tai, mũi, lưỡi, thân… cũng như vậy. Quán khắp hết thì không có gì là ta và của ta.

Lại quán ngoài thân: Sắc là ngã ư, là ngã sở ư? Thanh, hương, vị, xúc lại cũng như vậy.

Quán sát khắp cả trong ngoài thân đều không có ngã, đã không có ngã thì vì sao xan tham không bố thí? Nên phải tư duy chắc chắn như vầy: “Nguyện đem thân này cống hiến cho tất cả.” Vì sao? Vì thân này vô thường biến đổi, không nhất định, sinh diệt trong từng sát-na, không có gì cả.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ai bắt ta bỏ thân, của cải
Không được tự do, không lợi ích,
Biết vậy rồi, tư duy thật kỹ
Mở lòng bố thí là tối thắng.
Người mê nếu ngộ pháp mộng huyễn
Trong ngoài đều xả, không chấp hữu,
Bố thí như vậy sánh hư không
Không ta, không nhận là tối thắng.

Lại nữa, này Từ Thị! Nếu Đại Bồ-tát tu hành Đại thừa, cầu Vô thượng Bồ-đề thì nên tu pháp Không, vì quán Không nên tâm mới được tự tại. Ở chỗ hằng hà sa chư Phật được thọ ký, tâm quả vị không thoái chuyển mà hành bố thí, không có mỏi mệt. Bố thí là con dao chặt đứt giặc xan tham; giặc xan tham là cội gốc của các khổ. Bồ-tát bố thí không tham tiếc. Vì sao vậy? Vì Đại Bồ-tát tuy có phiền não nhưng đó đều là phương tiện để làm lợi muôn vật. Những phiền não đó không có tội lỗi, vì đó là nguyện lực của Đại Bồ-tát. Thân, khẩu, ý trụ vào “Vô công dụng” mà được thanh tịnh, khéo điều phục năm Căn không buông lung, làm nhiều lợi ích cho tất cả chúng sinh, biết Thắng nghĩa đế và Thế tục đế, lấy nước Chánh định để rửa sạch bụi xan tham. Đã trừ sạch cấu bẩn này rồi thì bố thí một cách tự tại, nói pháp Đại thừa, ánh sáng oai nghiêm chiếu rực rỡ giống như mặt trời tỏa sáng, phá trừ các tối tăm. Ánh sáng của tiếng nói pháp trừ đi tâm hôn mê.

Đại Bồ-tát Từ Thị thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao thuyết minh pháp thí trước tiên?

Phật dạy:

Pháp thí có ba vượt hơn tài thí:

1. Bố thí tài của thì có thể hết, còn bố thí pháp thì càng bố thí càng tăng trưởng không hết. Do đó mà nó vượt hơn tài thí.

2. Người nhận tài thí chỉ được ích lợi đời hiện tại. Còn người nhận pháp thí thì được lợi ích đời này và đời sau, nó luôn luôn đi theo ta vô số kiếp, không ai có thể cướp đoạt, cho đến chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng không lìa bỏ.

3. Bố thí tài, thì người bố thí được lợi ích, người nhận thì không được lợi ích. Còn bố thí pháp thì cả hai đều được lợi ích. Vì do nghe pháp mà phát tâm mau hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Do ba nghĩa trên mà pháp thí vượt hơn Tài thí. Nhờ thực hành Pháp thí nên tiếng đồn vang, tất cả người trời đều tôn trọng, cung kính. Do đây mà trước tiên nói về Pháp thí.

Nếu Đại Bồ-tát tu tập Bố thí Ba-la-mật thì lấy ba việc và các công đức để làm gốc:

a) Làm lợi ích cho mình và người. Nếu không làm lợi ích cho người mà riêng mình hưởng cái vui ở đời thì chẳng phải hạnh Bồ-tát.

b) Ở trong Đại thừa không thoái lui.

c) Tu tập một chút phần bố thí là gốc của vô lượng công đức. Vì sao? Vì tâm thanh tịnh không phân biệt.

Giống như mặt trời chiếu sáng khắp thế gian, các loài hữu tình và vô tình đều nhờ ân được lợi ích. Mặt trời đó không nói: Ta đã chiếu sáng, cũng không phân biệt hữu tình hay vô tình. Bồ-tát đã làm những công đức như vậy cho đến bố thí một cái hoa, một cái quả đều vì lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nhờ công đức này mà thành quả Vô thượng, lòng Từ bi biến khắp mười phương, chỉ dạy dẫn dắt cho tất cả muôn loài.

Lại nữa, này Từ Thị! Đại Bồ-tát dùng của báu bố thí để làm dụng cụ trang nghiêm cho đến lúc thành Phật, tướng tốt trang nghiêm. Vì sao bố thí ít mà được công đức nhiều? Dùng chút ít sức phương tiện bố thí, hồi hướng phát nguyện cùng tất cả chúng sinh đồng chứng Bồ-đề Vô thượng Chánh đẳng. Do đó mà được công đức vô lượng, vô biên, giống như chút mây mà dần dần bủa khắp thế giới.

Này Từ Thị! Bố thí có ba loại:

  1. Bố thí nhỏ.
  2. Bố thí lớn.
  3. Bố thí đệ nhất nghĩa.

Bố thí nhỏ nghĩa là dùng những thứ ăn uống, áo quần, các dụng cụ trang sức, tài bảo, voi ngựa, xe cộ, kho lẫm, thành ấp, xóm làng, vườn cây, nhà cửa và tất cả nhạc cụ của Chuyển luân vương mà đem bố thí thì gọi là bố thí nhỏ.

Bố thí lớn là bố thí những gì mà Chuyển luân vương yêu mến như: hoàng hậu, thứ phi, quyến thuộc và chính bản thân mình đem bố thí cho người gọi là bố thí lớn.

Bố thí đệ nhất nghĩa, nghĩa là có thể lấy thân mạng của mình mà hành bố thí, vì tâm tương ưng với Vô sở đắc nên gọi là Bố thí đệ nhất nghĩa.

Đại Bồ-tát dùng ba loại này mà hành bố thí thì gọi là Bố thí ba-la-mật-đa.

Này Từ Thị! Ai bố thí thức ăn là bố thí năm việc:

  1. Bố thí mạng sống: nếu người không ăn thì khó có thể cứu mạng sống.
  2. Bố thí sắc: nhờ được ăn mà nhan sắc đẹp đẽ.
  3. Bố thí sức: do được ăn mà sức lực phát triển.
  4. Bố thí vui: do thức ăn này thân tâm được an vui.
  5. Bố thí hiểu biết: nếu bị đói khát thì thân tâm nhu nhược, nói phều phào không rõ ràng. Khi ăn uống được sung túc thì thân tâm khỏe mạnh, được trí tuệ và đại biện tài vô ngại.

Khi Đại Bồ-tát bố thí cơm ăn, nên phát nguyện hồi hướng như vầy:

Khi con bố thí thức ăn thì bố thí năm việc này:

  1. Nếu bố thí thân mạng, con nguyện cho tất cả chúng sinh được sống lâu như Phật, một kiếp, hai kiếp, vô lượng kiếp cùng ở với nhau.
  2. Nếu bố thí sắc, con nguyện cho tất cả chúng sinh được sắc thân vàng ròng như Phật, chiếu rực rỡ thế gian, hơn cả trăm ngàn mặt trời.
  3. Bố thí sức lực, con nguyện cho tất cả chúng sinh được mười Lực của Phật, trong mỗi lực đều có tám vạn bốn ngàn sáu trăm sáu mươi ba loại sức Na-la-diên.
  4. Bố thí vui, con nguyện cho tất cả chúng sinh thành Phật, không có gì sánh bằng Niết-bàn an lạc.
  5. Bố thí sự biện tài, con nguyện cho tất cả chúng sinh thành tựu được bốn vô ngại biện của Thế Tôn.

Nếu bố thí mùi vị, nguyện cho tất cả chúng sinh được đầy đủ pháp vị cam lồ vô thượng của Phật, an ổn không gì sánh bằng thanh tịnh Niết-bàn.

Khi bố thí nước, nguyện cho tất cả chúng sinh trừ hết khát ái.

Nếu bố thí những thức ăn ngon, đường cát, đường phèn, mía, bồ đào thì được bốn cái răng giữa trong miệng của Như Lai nên tất cả những thức ăn uống và độc dược khi vào tới răng đều biến thành cam lồ.

Nếu bố thí thuốc thang, nguyện cho tất cả chúng sinh được thuốc sáu Độ chữa lành bệnh sinh tử, được an vui Niết-bàn.

Khi bố thí áo quần, nguyện cho tất cả chúng sinh được áo xấu hổ để che thân, xa lìa thân hình xấu xí, được thân đẹp đẽ màu vàng ròng, tươi đẹp không ai sánh bằng.

Nếu bố thí những loại hương bột, hương xoa, con nguyện cho tất cả chúng sinh được giới hương để xoa thân, tẩy trừ tập khí ô uế phiền não.

Nếu bố thí voi ngựa, xe cộ, thuyền bè, con nguyện cho chúng sinh đều được Tam-muội tùy tâm của Như Lai, đi đứng tự do không có chướng ngại.

Khi bố thí cầu cống, nguyện cho chúng sinh cầu được sáu Độ, qua sông sinh tử, đến bờ Niết-bàn.

Nếu bố thí anh lạc, nguyện cho chúng sinh được trang sức bằng chuỗi châu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.

Nếu ở chỗ đồng hoang sa mạc, qua lại đói khát, bị mặt trời thiêu đốt thì bố thí ao giếng để uống, tắm rửa. Nguyện cho tất cả chúng sinh xa lìa đồng hoang luân hồi sinh tử, cái nóng nực của ba độc, cái khổ của khát ái. Lại nguyện thân ta là ao, suối pháp, nước Nhất thiết trí đầy đủ trong đó để chúng sinh tha hồ uống, tắm rửa, chấm dứt nguồn sinh tử, được chân giải thoát.

Bố thí nhà cửa, nguyện cho chúng sinh tránh xa mưa gió, giặc cướp, thú ác, sợ hãi mà được an lạc. Nguyện cho chúng sinh đều vào nhà Niết-bàn, xa lìa giặc phiền não và địa ngục lạnh nóng, vĩnh viễn không còn lo sợ mưa gió sinh tử.

Nếu bố thí mền mùng mềm mại, giường chiếu… nguyện cho chúng sinh ngồi tòa Bồ-đề, tự nhiên giác ngộ, được chân bình đẳng.

Nếu bố thí những loại áo quần thượng hạng, nguyện cho tất cả chúng sinh có áo pháp tam thừa, che khắp tất cả phiền não chúng sinh.

Nếu bố thí đèn dầu cho Tam bảo, Sư tăng, Cha mẹ, nguyện cho tất cả chúng sinh được mắt Nhất thiết trí.

Nếu bố thí âm nhạc, nguyện cho tất cả chúng sinh được thiên nhĩ, nghe biết được tất cả âm thanh trong mười phương thế giới.

Nếu đối với chỗ quá xa không có Phật pháp thì xây dựng Tăng phường và Chiêu-đề Tăng để bố thí những dụng cụ ăn uống, thuốc thang, nguyện cho tất cả chúng sinh được thành Niết-bàn an lạc, chấm dứt khổ luân hồi sinh tử.

Nếu bố thí thuốc thang, nguyện cho tất cả chúng sinh dùng thuốc pháp để trừ bệnh phiền não.

Nếu bố thí đầy tớ, nguyện cho tất cả đều như A-nan hầu Như lai.

Nếu cứu người tù đày được tự do, nguyện cho tất cả chúng sinh viễn ly ngục tù phiền não, được giải thoát, hoàn toàn trụ trong ngôi vị Pháp vương.

Nếu bố thí vàng bạc và của báu vô giá, nguyện cho tất cả chúng sinh được trăm tướng phước đức trang nghiêm thân.

Nếu bố thí mũ báu và những dụng cụ trang trí như anh lạc, xuyến, nhẫn, bông tai, vòng hoa… nguyện cho tất cả chúng sinh được tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân.

Nếu bố thí nơi thanh tịnh tu học, nguyện cho tất cả chúng sinh được bốn Thánh chủng làm chỗ nương tựa.

Nếu bố thí kho tàng, nguyện cho tất cả chúng sinh được tài pháp công đức vô thượng của Phật.

Nếu bố thí bảy báu và ngôi vị Chuyển luân vương tự tại an lạc, nguyện cho tất cả chúng sinh được sức mạnh lớn, dùng tay diệu pháp cứu vớt chúng sinh ra khỏi mười nghiệp ác, lấy nước Thập thiện rửa cho sạch sẽ, dùng giới hương thanh tịnh để thoa thân, đoạn trừ tất cả mùi hôi xú uế, lấy áo tàm quý mà làm tàng lọng, lấy công đức Phật làm anh lạc, lấy nhẫn nhục làm vòng hoa để trang sức thân, lấy tĩnh lự làm giường ngồi, an trú bất động, lấy mũ Bồ-đề đội lên đầu, ở trong ngôi vị Pháp vương mà nhận quán đảnh.

Từ Thị nên biết! Bố thí như vậy gọi là Bồ-tát hành tiểu thí.

Lại nữa, đại thí nghĩa là đối với vợ trinh thuận, con xinh đẹp, trai gái bạn bè yêu kính nhất, Bồ-tát đều đem bố thí. Nếu không xả bỏ vợ con này thì làm sao được làm cha mẹ tất cả chúng sinh và có thể yêu thương họ? Hãy thương xót cứu độ chúng sinh như con yêu quý của mình, làm cho lìa sinh, già, bệnh, chết. Do đây mà Đại Bồtát đều bố thí tất cả những gì sủng ái, thương yêu, cho đến thành Phật Vô thượng Bồ-đề.

Từ Thị nên biết! Bố thí như vậy gọi là Bồ-tát hành đại thí.

Bố thí đệ nhất nghĩa: Đại Bồ-tát với tâm thanh tịnh, đem tay chân, da thịt, xương tủy, đầu, mắt, tai, mũi, cho đến thân mạng của mình mà tâm không tiếc nuối. Đem công đức này nguyện cho tất cả chúng sinh đời tương lai được thân Kim cang không hư hoại.

Nếu bố thí tay chân mà không thương tiếc, nguyện cho tất cả chúng sinh đang luân chuyển, nổi trôi trong dòng thác sinh tử, mà không người cứu vớt thì đưa tay Chánh pháp cứu vớt họ, đưa họ lên bờ cõi an lạc.

Nếu bố thí tai, mũi, lưỡi, nguyện cho tất cả chúng sinh đời tương lai đều được năm Căn thanh tịnh của chư Phật, lấy pháp vi diệu ấy trang nghiêm chúng sinh.

Nếu lấy máu thịt bố thí cho chúng sinh thì lúc bố thí nguyện cùng tất cả chúng sinh được thân giống như đại địa, làm chỗ nương tựa cho các hữu tình. Giống như dòng nước lớn có thể tẩy trừ được cấu uế, khe rạch khô ráo được tràn đầy. Lại như ánh lửa lớn phá trừ chỗ tối tăm, được thành tựu tất cả. Như gió lớn thổi làm kinh động tất cả, khai mở sinh trưởng được mọi sự tươi đẹp.

Khi bố thí mắt, nguyện cho tất cả chúng sinh được Phật nhãn.

Nếu bố thí đầu và mũ báu, nguyện cho tất cả chúng sinh được mũ báu bảy Giác chi vô thượng của Phật.

–Này Từ Thị! Đại Bồ-tát đem tất cả những vật tốt đẹp trong thế gian bố thí cho tất cả hữu tình mà không tham tiếc. Vì sao vậy? Vì đem lòng đại Bi xem chúng sinh bình đẳng giống như con một. Nguyện cùng tất cả chúng sinh không còn nghèo khổ, cầu gì cũng được toại nguyện, ở trong đồng hoang sinh tử đầy đủ bảy Thánh tài, được của báu trí Phật.

Này Từ Thị! Vì sao Đại Bồ-tát tu hành bố thí mà không có nguy hoạn? Nghĩa là tự tay mình hành bố thí, chẳng phải ganh tỵ, chẳng phải sợ tiếng xấu, chẳng phải cầu ân đức, chỉ vì cứu vớt người bần cùng cô đơn, khốn khổ. Đó gọi là bố thí. Nếu vì tiếng tốt mà làm thầy, luôn hành bố thí thì giống như người đi buôn, chẳng phải là bố thí chân thật. Có lòng đại Bi, bố thí không phân biệt oán, thân, của cải nhiều hay ít, đó là chân thật bố thí.

Này Từ Thị! Có hai loại ruộng:

  1. Ruộng Bi: nghĩa là những người cô quả nghèo cùng, khốn khổ.
  2. Ruộng Cung kính: đó là Phật, Pháp, Tăng, Cha mẹ, Sư trưởng.

Không nên xem thường ruộng Bi mà nói không phải ruộng Phước. Với ruộng cung kính không mong cầu quả báo, dùng tâm đại Bi không phân biệt, bố thí bình đẳng cho tất cả, gọi là Chân bố thí. Lại nữa, bố thí chớ vì sự vọng cầu mà không xả bỏ tài sản của cải, hoặc bị quan cưỡng đoạt mà bố thí, hoặc sợ tổn hao mất mát mà bố thí. Không được khinh khi Tam bảo, nên cung kính tôn trọng, không tự khen mình mà hành bố thí. Đem của báu bố thí mà không tiếc nuối, không ngã mạn, không cống cao, đó gọi là Chân bố thí. Đối với ruộng tôn kính mà không cung kính, đem vật không ưa thích bố thí thì không gọi là bố thí. Hoặc vì nhà nghèo không có phẩm vật tốt đẹp mà còn có tâm sỉ diện vì sự thô xấu nên không bố thí, do nhân duyên đó mà không hành bố thí.

Này thiện nam! Người hành bố thí không nên phân biệt, tùy theo chỗ mình có mà người nào đến cần gì đều đem cho, đó là Bố thí ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát khi bố thí không nên ỷ mình có trì giới, đa văn, thiền định, trí tuệ mà hành bố thí, cũng không khinh khi người khác là tham, sân, si, trí kém, phá giới… mà hành bố thí thì đó chẳng phải tịnh thí.

Đại Bồ-tát hành bố thí không sợ nghèo đói, không sợ vào đường ác, tùy chỗ mình có ít hay nhiều gì cũng đều đem bố thí cả. Do tâm rộng lớn này mà được công đức vô tận vô biên. Đó là Bố thí ba-la-mật.

Nếu vì bố thí mà ganh tỵ nhau, làm cho gia đình quyến thuộc cãi vã, đánh lộn, không hòa thuận thì không gọi là bố thí.

Nếu bố thí mà khinh chê người đi xin: “Ông nay khỏe mạnh, các căn đầy đủ, sao không tự mình kiếm nghề sinh sống mà lại đi xin?” Bố thí như vậy không gọi là bố thí.

Hoặc cho rồi hối hận, nói rằng: “Vì ta ngu si mà đem cho của cải”; cho như vậy không gọi là bố thí.

Hoặc bố thí để mong người khen hoặc sợ tiếng xấu, như vậy không gọi là bố thí.

Hoặc vì nguyện xấu mà bố thí, đó không phải là bố thí.

Hoặc chọn ngày bố thí, nghĩa là vào tháng có trăng sáng là ngày mồng một, mồng tám, mười bốn, mười lăm. Tháng không trăng là ngày mồng ba, mồng tám, mười ba, mười bốn, mười lăm còn những ngày khác thì không bố thí. Như vậy không gọi là bố thí.

Hoặc bố thí mà chọn giờ, nghĩa là sáng bố thí, còn giữa trưa thì không, buổi chiều cũng vậy. Bố thí như vậy không gọi là bố thí.

Hoặc lựa người cho, cho người nghèo khổ, không cho người giàu có, hoặc cho người nghèo lẫn người giàu mà không cho người bệnh. Cho người bệnh chứ không cho người khác; hoặc cho người này mà không cho người kia. Bố thí như vậy không gọi là bố thí.

Hoặc chọn người tri thức, có tướng mạo đẹp đẽ mới cho đồ tốt, còn người khác thì cho đồ xấu, đó không gọi là bố thí.

Hoặc thấy người xin làm những hài kịch, tấu nhạc, trò chơi, đùa giỡn thì cho, ngoài ra không cho ai cả, đó không gọi là bố thí.

Người bố thí không cầu quả báo vua Chuyển luân, Đế Thích, Hộ thế, Phạm thiên, Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ. Đã sinh vào những nhà ấy rồi, riêng mình cầu giải thoát mà hành bố thí, cũng không có tâm nhàm chán mỏi mệt, nói ta đã bố thí rồi, không cần bố thí nữa. Bố thí như vậy chỉ gọi là bố thí, chứ không được gọi là Bố thí ba-la-mật-đa.

Này Từ Thị! Đại Bồ-tát không vì sự bố thí phi pháp như trên mà chỉ lấy sự giải thoát chân chính hồi hướng phát nguyện Vô thượng Bồ-đề, đó là chân Bố thí ba-la-mật-đa thanh tịnh rốt ráo, ở trong Vô thượng Bồ-đề chứng quả vị không thoái chuyển. Nếu có thể xa lìa các lỗi lầm như vậy mà hành bố thí vô tướng thì được công đức vô lượng, vô biên, rộng lớn như pháp giới, cứu cánh như hư không.

Đại Bồ-tát đem tâm như vậy bố thí cho một cái hoa, một trái cây, cho đến một giọt nước và đem thọ trì, đọc tụng kinh này, cho đến một kệ một câu, khiến cho người nghe qua trong một sát-na thì được công đức vô lượng, vô biên. Lại có người đã hành bố thí từ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, đem vàng bạc, bảy báu và các đồ quý báu thượng hạng khác… bố thí để cầu ngôi Chuyển luân vương, Phạm thiên, Đế Thích, Hộ thế hoặc cầu quả A-la-hán, Độc giác Bồ-đề và làm các việc khác. Ở trong vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp, tất cả công đức thọ trì tịnh giới mà đem so với công đức bố thí không trụ tướng của Bồ-tát trước thì trăm ngàn vạn câu-chi na-do-tha phần không bằng một phần mà nguyện lực của Bồ-tát này đã bố thí. Như nhỏ một giọt nước vào biển lớn, giọt nước có giới hạn nhưng còn nước biển thì không có giới hạn. Vì chúng sinh vô tận cho nên nguyện lực của Bồ-tát cũng không tận, pháp giới hư không cũng vậy.

Lại nữa, Đại Bồ-tát lần lượt tu hành siêng năng như vậy được đại thần thông, bay lên núi Diệu cao, hoặc vào biển lớn lấy châu bảo vô giá trở về Thiệm-bộ châu mưa xuống vô số vật báu để cứu giúp cho hữu tình, hoặc mưa xuống thức ăn uống, quần áo, ngọa cụ, thuốc thang để đoạn trừ đói khát tật bệnh, nghèo cùng khốn khổ của hữu tình. Đem công đức này nguyện ban bố cho hữu tình đến tận đời vị lai không gián đoạn, rộng lớn như pháp giới, bao la như hư không. Nếu chỉ biết tự lợi mà bố thí thì giống như áng mây trên không bị gió thổi liền tản mác, đâu có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Đại Bồ-tát bố thí như vậy thì sánh bằng với pháp giới, lửa không thể đốt, nước không thể trôi, gió không thể thổi, như vật báu Kim cang rắn chắc không thể hư nát được. Cho nên nguyện lực bố thí của Bồ-tát khiến cho chúng sinh được lợi ích lớn, hoàn toàn an lạc, cũng làm cho tất cả hữu tình đồng một hạnh nguyện này, cho đến lúc chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, luôn thực hành hạnh ấy thề không thoái chuyển, để đến Niết-bàn làm lợi ích hữu tình khiến được giải thoát.

Này Từ Thị! Như Lai ở đời, tất cả hữu tình đem những đồ thượng hạng như y phục, phòng xá, ngọa cụ, đồ ăn uống, thuốc thang, dầu ăn, dầu đèn, dầu chiêm-bặc, các thứ hoa hương để dâng lên cúng dường tôn trọng cung kính, mừng ca, khen ngợi Ngài.

Sau khi Phật diệt độ, lấy xá-lợi của Phật xây tháp, cũng dâng lên những thứ ấy để cúng dường, tôn trọng ca ngợi. Quả báo công đức hai việc ấy đều bằng nhau không sai khác. Do lợi ích này mà làm cho các hữu tình phát tâm ân cần, một lòng ưa thích. Do cung kính yêu thích mà phát tâm Bồ-đề, nghe Chánh pháp rồi theo đó mà tu hành, liền chứng quả A-la-hán, quả Bích-chi-phật và các Bồ-tát thành tựu Thập địa, viên mãn sáu Độ, cho đến chứng quả Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nghĩa là hữu tình này lại khuyến khích cho các hữu tình khác đồng tu thắng hạnh, cho đến chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Do đây mà Đại Bồ-tát tu hành Bố thí ba-la-mật-đa, cho đến bố thí một giọt nước, lợi ích ấy sánh bằng với pháp giới, không có cùng tận. Khi bố thí mà không vì tất cả hữu tình để hồi hướng Vô thượng chánh đẳng Bồ-đề, dù của báu chất như núi Diệu cao mà đem bố thí thì lợi ích chỉ được rất ít. Giống như hạt cải rất dễ có thể tiêu mất, cũng như áng mây bị gió thổi liền diệt mất.

Này Từ Thị! Đại Bồ-tát tu tập Đại thừa, khi bố thí giống như kho tàng luôn đi theo bên cạnh mình, như cây như ý tùy theo ý hữu tình mà làm cho họ mãn nguyện.

Đại Bồ-tát nên phát hai loại thắng tâm:

  1. Tất cả tài sản, vật trong kho lẫm, biết tự tánh nó là không, giống như ráng nắng, mộng tưởng huyễn hóa.
  2. Đem tâm Từ bi rộng lớn với tất cả hữu tình, thương xót kẻ bần cùng.

Phát tâm như vậy rồi phải hiểu rõ một cách chân chánh, đối với tài bảo không nên tham tiếc, tự tay bố thí, nguyện cho tất cả chúng sinh đồng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tất cả của cải ấy mới thật là của ta. Nếu có chất chứa tài vật không phải vì mình mà vì lợi ích cho tất cả chúng sinh đều thành tựu Bố thí ba-la-mậtđa. Nếu ta cất chứa tài sản mà không đem bố thí thì của cải ấy chẳng phải là của ta. Của cải như vậy sử dụng không được tự tại thì cũng như người trần trụi không có tài sản. Do không biết sử dụng tự tại thì đồng với người lõa hình.

Giống như người giữ kho mà chính mình không có phần trong đó, giặc vô thường đến phóng đao xẻ thân, tất cả tài sản, vợ con yêu mến phải cách biệt, hoặc phải đem dâng người khác. Đã vậy, người ấy lại càng thêm lòng tham tiếc cho đến lúc mạng chung lại cũng như vậy, sự tham luyến ấy ngày càng tăng trưởng, không thể nào xả bỏ được. Những người như vậy chỉ cất giữ tạm thời, do đó nên biết, tài sản ấy chắc chắn không phải là tài vật của ta, vả lại thường phải lo sợ vương pháp, giặc cướp, nước lửa, ác tử phân tán, cướp đoạt tài sản nên phải nghĩ cách gởi gắm cho người quen biết, ăn ngủ không an, cứ lo sợ mất mác. Do tham luyến không bố thí mà phải chịu lo buồn như thế.

Này Từ Thị! Đã hành bố thí rồi thì lửa, nước, oán giặc không thể cướp đoạt, ăn ngủ yên ổn, không lo sợ. Nếu đích thân bố thí, hồi hướng phát nguyện thì các hữu tình kia mới được hưởng, cho đến lúc thành quả Phật luôn theo bên mình, tâm luôn an ổn, không còn buồn lo. Người nào xan tham thì luôn lo sợ khổ não, nó là nguồn gốc đau khổ trong đời hiện tại thì đời vị lai nên biết cũng như thế.

Này Từ Thị! Người nào xan tham không bố thí mà cất chứa tài sản, giống như cầm bó đuốc cỏ đi ngược gió, cỏ hết sẽ bị cháy tay đau đớn. Nếu mau quăng bỏ thì không có khổ. Biết vậy rồi nên quán sát của cải này giống như bó đuốc, cũng như huyễn, như quáng nắng, nên mau xả ly để cầu quả chân thật.

Nếu hữu tình xan tham cùng nhau ca ngợi: “Ông có trí tuệ, nên cất giữ của cải chớ đừng như người khác bố thí một cách sai lầm.” Người nói phỉ báng như vậy là nhân quả nên đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nếu được làm người thì bị nghèo khổ.

Người hành bố thí được vua, Đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ khen ngợi, nói ra lời nào mọi người đều tin theo. Ngược lại, kẻ xan tham không bố thí thì luôn buồn lo khổ não, cho rằng bố thí không có phước thì sẽ đọa ba đường ác, người bố thí được mọi người cung kính thương yêu, còn kẻ xan tham bị mọi người oán ghét. Người hay bố thí giống như chùa, làm chỗ quay về nương tựa cho tất cả trời, người, còn kẻ xan tham giống như gò mả, tất cả Thánh hiền đều lánh xa cũng như ao khô cạn thì chim không tụ tập về? Hai người như vậy ở trong đại chúng, nếu khen ngợi bố thí thì nghe vui sướng, còn nếu quở trách xan tham thì xấu hổ.

Lại nữa, người hành bố thí thì chư Thiên, Hiền thánh thích ở chung, còn kẻ xan tham không bố thí thì ngạ quỷ, súc sinh tự nhiên đến tập hợp. Hành bố thí vô tướng thì trụ vào Đệ nhất nghĩa và chứng được nhân và pháp không, có thể làm lợi ích viên mãn cho mình và cho người.

Này Từ Thị! Nếu có thiện nam, thiện nữ tự xưng mình là Bồ-tát tu hành Đại thừa thì nhất định phải chánh niệm tư duy: “Công đức bố thí vô lượng, vô biên thì tội lỗi xan tham cũng vô biên vô lượng.”

Biết vậy rồi quyết định đoạn trừ không còn chướng ngại. Thấy người đến xin thì phải vui vẻ, không nên chê bai. Nếu nghe tiếng xin thì vui vẻ thương xót, giống như con có hiếu, xa cách cha mẹ hơn năm mươi năm, bỗng nghe con trở về vui mừng không thể tả. Nghe tiếng người đến xin cũng vậy, đón vào trong nhà coi như Phật.

Phát tâm như vầy: “Thiện tri thức ngày nay nhận sự bố thí của ta là trừ xan tham tội lỗi, đường ác của ta, là vô lượng lợi ích để trang sức trong thân ta, là ngọc Vô thượng Bồ-đề trang sức thân thể ta. Người xin ăn như vậy mặc áo rách dơ, lời nói hòa nhã vui vẻ, thương ta mà đến, đó là bạn lành của ta. Vì sao vậy? Vì người ấy trừ tội ác xan tham trong thân ta. Người ăn xin này là chủ ta, ta là đầy tớ, nên phải nghe theo mệnh lệnh.”

Phát tâm như vậy rồi, đứng dậy cầm vật đem cho, chân phải quỳ sát đất, đem cho một cách vui vẻ, nguyện cho tất cả chúng sinh được lợi ích an lạc và hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đối với người xin, lại phải có tâm lợi ích, người như vậy tức là có thể hành bố thí. Nếu không phải là cây như ý của trời thì làm sao vượt qua được đồng hoang sinh tử? Không thiếu lương thực mà được làm trời, người, đến được bờ Niết-bàn bên kia. Do đó trời, người an lạc vô thượng giải thoát đều nhờ người xin mà được thành tựu.

Này Từ Thị! Nếu người xin đến chỗ Bồ-tát để nhờ ân đức cứu giúp, lúc đó nhà Bồ-tát nghèo, không có gì cả, nên dùng lời nhẹ nhàng an ủi họ, đừng để họ sân hận và nghi ngờ, cho rằng mình có mà không cho, do đó mà họ vui vẻ ra đi.

Lại nữa, Đại Bồ-tát khi hành bố thí, phải nên mở rộng lòng Từ bi, tâm ý khoan dung. Tất cả người xin cứ cho họ lui tới, họ cần gì cứ đem cho, không tiếc rẻ.

Này Từ Thị! Tất cả tài vật đều vô thường hư hoại, là gốc của các khổ, giống như mụt nhọt trên thân, như con chim giữ cục thịt thối, người keo kiệt ấy không dùng cho mình ăn. Của người công đức không tu, lại không cho người, mà ôm giữ tài sản lại cũng vậy. Nên biết người này chẳng phải là người hành bố thí, không gọi là Bồ-tát.

Trong pháp Đại thừa không phát thắng tâm thì cũng không thành ngôi vị không thoái chuyển. Giống như biển lớn không chứa thây chết, trong biển Đại thừa không chứa người xan tham. Sở dĩ Bồtát tu hạnh Đại thừa vì muốn xa lìa tất cả tội cấu, tu đủ công đức, trong Phật pháp không sinh lòng nghi ngờ.

Trong tất cả mọi thời đối với các hữu tình và các tài bảo không có tâm phân biệt, thường hành bố thí để làm lợi ích cho quần sinh. Do hành Bố thí ba-la-mật một cách viên mãn như vậy nên mau chứng Vô thượng Bồ-đề.

Đó là thắng nghĩa thứ ba của Bố thí ba-la-mật-đa.