KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Đại sư Cù-đàm Bát-nhã-lưu-chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 2: SINH TỬ

(Từ quyển 3 – đầu quyển 5)

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ-kheo tuần tự bỏ lậu hoặc như thế nào? Đầu tiên xả bỏ pháp bất thiện, tiếp đến tu hành pháp thiện, tư duy chánh quán, giữ tâm theo chánh niệm.

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Vị Tỳkheo kia đầu tiên quán như vầy: Căn trần đối nhau nhưng lại làm nhân duyên cho nhau. Vì thế mà tất cả thế giới từ vô thỉ đến nay luân hồi trong sinh tử. Người kia quán như vầy: Tất cả đều do duyên sinh, cảnh giới đại hải đều vô ngã, chỉ có nhân duyên của nội tâm và ngoại cảnh lưu chuyển trong thế gian. Như vậy đầu tiên phải tu tập hạnh xa lìa, phải xa lìa nơi ồn náo, ưa thích chốn thanh vắng, nơi Alan-nhã, trong vùng núi rừng, đồng rộng, bên gốc cây, nơi đất trống, gò mả… thì có thể chế ngự được cái tâm khỉ vượn. Nhờ vào sự tu tập nên tâm được tịch tĩnh, không ưa thích ca múa, đùa giỡn, ồn ào trong xóm làng, cũng không thích nhìn phụ nữ già, trẻ, không thích nói nhiều. Có hai loại kết hủy hoại phạm hạnh. Một là dâm nữ; hai là nói nhiều. Hai kết này phải nên lìa bỏ. Lìa bỏ chúng rồi tâm mới được hoàn toàn tịch tĩnh, người ấy theo đấy mà an trụ.

Thế nào là chánh quán? Đầu tiên quán pháp gì? Đầu tiên người kia quán mười tám hành của ý, khi quán có thể khởi lên căn thiện, căn bất thiện và căn vô ký.

Mười tám hành của ý là gì? Tỳ-kheo quan sát đúng đắn về ý:

Khi mắt thấy sắc, nếu bị nhiễm do ý hỷ thì mắc quả báo bất thiện, nếu khởi ý ưu, lìa bỏ ý nhiễm dục thì được quả báo thiện, còn khởi ý xả thì đưa đến quả báo vô ký.

Lại nữa, khi tai nghe âm thanh, nếu bị nhiễm do ý hỷ thì mắc quả báo bất thiện, nếu khởi ý ưu, lìa bỏ ý nhiễm dục thì được quả báo thiện, còn khởi ý xả thì đưa đến quả báo vô ký.

Lại nữa, khi mũi ngửi mùi hương, nếu bị nhiễm do ý hỷ thì mắc quả báo bất thiện, nếu khởi ý ưu, xa lìa ý nhiễm dục thì được quả báo thiện, còn khởi ý xả thì đưa đến quả báo vô ký.

Lại nữa, khi lưỡi nếm mùi vị, nếu bị nhiễm do ý hỷ thì mắc quả báo bất thiện, nếu khởi ý ưu, xa lìa ý nhiễm dục thì được quả báo thiện, còn khởi ý xả thì đưa đến quả báo vô ký. Lại nữa, khi thân xúc chạm, nếu bị nhiễm do ý hỷ thì mắc quả báo bất thiện, nếu khởi ý ưu, xa lìa ý nhiễm dục thì được quả báo thiện, còn khởi ý xả thì đưa đến quả báo vô ký.

Lại nữa, khi ý biết pháp, nếu bị nhiễm do ý hỷ thì mắc quả báo bất thiện, nếu khởi ý ưu, xa lìa ý nhiễm dục thì được quả báo thiện, còn khởi ý xả thì đưa đến quả báo vô ký.

Do ba quả báo thuộc mười tám hành của ý làm cho chúng sinh luôn sinh tử trong thế gian. Nếu Tỳ-kheo kia quan sát mười tám hành của ý như vậy thì đạt được Sơ địa.

Bấy giờ, Dạ-xoa sống trên đất thấy sự việc như vậy trở nên hoan hỷ, tuần tự nói cho Dạ-xoa nơi hư không nghe. Dạ-xoa sống trên đất và Dạ-xoa nơi hư không hoan hỷ hướng đến tâu với Tứ Đại vương, Tứ Đại vương hướng đến Tứ Thiên vương hoan hỷ nói:

–Trong cõi Diêm-phù-đề, ở nước… thuộc thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y, xuất gia theo chánh tín, lìa bỏ chỗ ồn ào, ở nơi tịch tĩnh. Nay lại quan sát mười tám hành của ý đã chứng được Sơ địa.

Tứ Đại vương tâu như vậy, Tứ Thiên vương lại vô cùng hoan hỷ, nói:

–Quân ma bị tổn giảm, bạn chánh pháp được tăng trưởng.

Tứ Thiên vương lại hướng đến cõi trời Tam thập tam, hoan hỷ tâu với Thiên vương Đế Thích:

–Trong cõi Diêm-phù-đề, ở nước… thuộc thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, đắp pháp y, xuất gia theo chánh tín, lìa xa nơi ồn ào, cho đến… ở chốn gò mả, đã quán mười tám hành của ý, đúng như pháp chứng được Sơ địa, như pháp mà chánh quán.

Tứ Thiên vương tâu với vua Đế Thích như vậy. Vua Đế Thích Kiều-thi-ca ở cõi trời Tam thập tam nghe xong tâm rất vui mừng.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp. Tỳ-kheo kia đúng như pháp đã quán mười tám hành của ý chứng được Sơ địa. Sau đó làm sao chứng được nhị địa?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Tỳkheo kia tuần tự quan sát bằng bốn thứ. Bốn thứ là Tuệ, Đế, Xả và Xuất.

Thế nào là Tỳ-kheo trú trong Tuệ gia? Nghĩa là Tỳ-kheo kia quan sát tự thân theo chánh pháp, nhận biết đúng như thật rõ ràng về từng phần. Trong thân này có địa giới, thủy giới, phong giới, hỏa giới, không giới và thức giới.

Thế nào gọi là địa giới? Địa giới có hai là nội địa giới và ngoại địa giới.

Sao gọi là nội địa giới? Các bộ phận hiện có trong thân thể gọi là nội địa. Nội địa đó có cảm giác.

Vị ấy có cảm giác như thế nào? Nghĩa là khi chúng hòa hợp với da, thịt thì có cảm giác. Đó là lông, tóc, móng, răng… các căn, chúng thuộc về chất cứng và nhám, cảm giác ấy thuộc nội nhập.

Nội địa còn gì nữa? Đó là lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, mạch, cốt, tủy, thận, tim, phổi, dạ dày, lá lách, đàm, sinh tạng, thục tạng, đại trường, tiểu trường, đầu não. Như vậy tất cả vật gì thuộc phần bên trong thân, thuộc chất cứng và nhám, có cảm giác thì gọi là nội địa giới.

Sao gọi là ngoại địa giới? Tất cả phần địa hiện có bên ngoài thuộc chất cứng và nhám, không có cảm giác thì gọi là Ngoại địa giới. Nếu nội địa giới và ngoại địa giới hòa hợp lại thì địa giới chỉ là địa giới. Quán địa giới không có người tạo tác và không có người thọ nhận. Tất cả đều do nhân duyên, vô thường, không vui thích, vô ngã, bất tịnh. Tỳ-kheo quan sát bằng trí tuệ như vậy sẽ được giải thoát. Tất cả đều không phải là ngã, không phải là ngã sở, cũng không phải là tự ngã của ngã. Thấy, biết đúng như thật về địa giới như vậy, tâm lìa được dục. Đó là Tỳ-kheo bằng trí tuệ mà được giải thoát.

Thế nào là thủy giới? Thủy giới có hai là nội thủy giới và ngoại thủy giới.

Thế nào là nội thủy giới? Tất cả các loại nước đều thuộc về tướng của thủy giới. Nghĩa là tướng hòa tan thấm ướt trong thân như nước mắt, nước dãi, não, máu, mỡ, tủy mật, tiểu tiện, mồ hôi… Tất cả các loại nước bên trong thân thể thuộc về cảm giác nên gọi là nội thủy giới.

Sao gọi là ngoại thủy giới? Các loại nước bên ngoài thuộc về chất ẩm ướt. Chúng bất giác tức là không cảm giác. Vì không có cảm giác nên gọi là ngoại thủy giới.

Nếu nội thủy giới và ngoại thủy giới hòa hợp làm một thì thủy giới chỉ là thủy giới. Quan sát thủy giới này tất cả không phải là ngã, cũng không phải là ngã sở, lại cũng không phải là tự ngã của ngã. Thấy, biết đúng đắn như thật về thủy giới thì tâm lìa được dục. Đó là Tỳ-kheo trú trong trí tuệ.

Thế nào là hỏa giới? Hỏa giới có hai là nội hỏa giới và ngoại hỏa giới.

Thế nào là nội hỏa giới? Tất cả những phần nóng hiện có thuộc hơi nóng nơi thân thể, bên trong có cảm giác, nghĩa là hơi ấm trong thân nhưng không thiêu đốt và có thể tiêu hóa.

Sao gọi là có thể tiêu hóa? Khi ăn uống những thức ăn đồ uống, những thức ngon lưu chuyển, tiêu hóa. Đó là nội và nội phần nơi thân, nóng thuộc về hơi nóng, bên trong có cảm giác nên gọi là nội hỏa giới.

Thế nào gọi là ngoại hỏa giới? Tất cả những loại lửa bên ngoài thuộc về sự nóng, không cảm giác. Vì không có cảm giác nên gọi là ngoại hỏa giới. Nếu nội hỏa giới và ngoại hỏa giới hòa hợp làm một thì hỏa giới chỉ là hỏa giới. Quán hỏa giới tất cả đều không phải là ngã, không phải là ngã sở, cũng không phải tự ngã của ngã. Thấy biết đúng đắn, như thật về hỏa giới thì tâm lìa được dục. Như vậy hỏa giới không có người tạo tác, không có người thọ nhận.

Thế nào là phong giới? Phong giới có hai là nội phong giới và ngoại phong giới.

Thế nào là nội phong giới? Nội và nội phần bên trong thân thuộc về phong giới, chuyển động nhẹ, có cảm giác. Còn như thế nào nữa? Nghĩa là gió thổi lên, gió thổi xuống, gió thổi bên. Những thứ gió phát sinh giống như kim chích, như bị dao chặt. Gió nghiêng, gió xoáy, những thứ gió như vậy có tám mươi loại, chúng chuyển động giống như trùng bò. Tám mươi thứ gió phân chia đi khắp tám mươi chỗ. Như vậy, từng phần, từng chỗ bên trong thân thể thuộc về phong giới, chuyển động nhẹ có cảm giác nên gọi là nội phong giới.

Thế nào gọi là ngoại phong giới? Có những loại gió bên ngoài thuộc sự động nhẹ, hòa hợp không có cảm giác. Đó là ngoại phong giới. Nếu nội phong giới và ngoại phong giới hòa hợp làm một thì phong giới chỉ là phong giới. Quán phong giới tất cả không phải là ngã, không phải là ngã sở, cũng không phải tự ngã của ngã. Thế thì phong giới không có người tạo tác, không có người thọ nhận. Thấy biết đúng đắn như thật về phong giới thì tâm lìa được dục. Đó là Tỳkheo đạt được trí tuệ.

Thế nào là hư không giới? Hư không giới cũng có hai là nội hư không giới và ngoại hư không giới.

Thế nào là nội hư không giới? Nghĩa là nội phần trong thân. Hư không của nội phần thuộc về hư không giới, chỗ có cảm giác và có khắp mọi nơi. Chỗ sắc chuyển động, như những thứ thức ăn đưa xuống tiêu hóa bài tiết, chỗ ruột phồng lên. Hư không ở trong cổ họng, trong tai, trong mắt, trong mũi, hư không nơi lưỡi, hư không nơi miệng… hư không khi lưỡi trong miệng hoạt động, đều gọi là nội hư không giới.

Thế nào gọi là ngoại hư không giới? Nghĩa là tất cả hư không mà không thuộc về cảm giác, có trong tất cả khắp nơi. Hư không trong thân cây, cành, nhánh, lá. Trong các lỗ hang đều có hư không, núi sông, ao rạch đều có hư không như hang lỗ bên ngoài. Đó là ngoại hư không giới. Nếu hư không giới thuộc nội sắc và hư không giới thuộc ngoại sắc hòa hợp làm một thì giới này chỉ là giới. Quán hư không giới này tất cả đều không phải là ngã, không phải là ngã sở, cũng không phải tự ngã của ngã. Như vậy thấy biết đúng đắn như thật về hư không giới thì tâm lìa được dục. Quán như vậy rồi tâm không còn buông lung thấy rõ không giới này đều không phải là ngã, không phải là ngã sở, cũng chẳng phải tự ngã của ngã không có tác giả, cũng không có người thọ nhận. Biết vậy rồi thì tâm lìa bỏ dục.

Thức giới là gì? Nghĩa là mười hai nhập do trong và ngoài hòa hợp lại với nhau. Như nhãn thức thấy vật, ý thức phân biệt. Như vậy, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức gọi là thức giới, trong đó ý là căn bản. Nên tất cả đều do ý thức nhận biết. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ý dẫn đầu các pháp
Ý có sức nhanh chóng
Đầu tiên ý chuyển động
Đưa đến nói và làm.
Rũ sạch các nghiệp ác
Có thể biết chuyển sinh
Biết rõ quả báo nghiệp
Thì đạt chỗ bất tử.
Hay chế ngự các căn
Thích làm lợi chúng sinh
Giữ các căn tịch tĩnh
Là Tỳ-kheo an ổn.
Cỡi chiếc xe sáu căn
Giết được giặc tâm dục
Trí dũng hành lan-nhã (tịch tĩnh)
Đến được nơi tịch tĩnh.
Chỗ thanh vắng biết đủ
Nằm đất cảm thấy vui
Hay dứt sạch pháp ác
Như gió tan mây mù.
Thân khẩu nghiệp đều thiện
Ưa thích tạo điều lành
Thấy rõ nhiệt tâm làm
Có thể phá quân ma.
Các dục không thể trói
Tâm thiện không tham đắm
Có nhiều tâm Từ bi
Xuất gia làm Tỳ-kheo.
Cảnh giới là nhân trói
Ai không ưa thích sắc
Được tịch tĩnh thù thắng
Đến chốn không khổ não.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Suy nghĩ như vậy rồi, người kia quán mười tám hành của ý và đã thành tựu được Sơ địa. Biết rõ về sáu giới thì chứng được Địa thứ hai. Lại phải niệm pháp gì để đạt được Địa thứ ba?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Nhận biết đúng như thật, rõ ràng về năm thọ căn, nên đạt được Địa thứ ba.

Thế nào là biết đúng về lạc thọ do dục sinh?

Người kia nhận biết đúng như thật, tuần tự biết về khổ thọ sinh, biết hỷ thọ sinh, biết ưu thọ sinh, biết xả thọ sinh, tất cả những thứ vui đều biết. Biết do xúc làm nhân mà sinh lạc thọ. Biết lạc thọ rồi, người kia nhận biết đúng như thật: Tôi biết lạc thọ. Tỳkheo kia biết do xúc làm nhân duyên mà sinh lạc thọ. Khi tiếp xúc với lạc thọ thì không sinh tham dục, biết lạc thọ do xúc sinh rồi thì lạc thọ diệt. Lạc thọ diệt rồi, người kia nhận biết đúng như thật: Ta đã diệt lạc thọ.

Người kia nghĩ như vầy: Khổ thọ của ta sinh, do nhân duyên mà sinh. Người kia biết khổ thọ sinh cũng giống như lạc thọ. Người kia biết rõ cũng như lạc thọ do xúc với nhân duyên mà sinh. Ở trong khổ thọ nói rộng ra như vậy.

Thế nào là Tỳ-kheo nhận biết hỷ thọ? Do nhân duyên với xúc là sinh hỷ thọ.

Thế nào là Tỳ-kheo nhận biết ưu thọ? Do nhân duyên là xúc mà sinh ưu thọ.

Nếu tùy thuận quán hỷ thọ ấy thì hỷ thọ diệt. Thấy hỷ thọ diệt thì lìa bỏ được dục hỷ thọ. Nếu hỷ thọ của ta mới sinh ra thì liền diệt ngay, thấy nó diệt rồi thì nhận biết đúng như thật về thọ, người kia lìa được dục. Như vậy nói rộng ra về ưu thọ và xả thọ cũng như thế.

Người kia thấy biết đúng như thật nên đạt được Địa thứ ba. Dạxoa sống trên đất biết được nên hoan hỷ, tuần tự hướng lên nói với Dạ-xoa nơi hư không. Dạ-xoa nơi hư không tâu với Tứ Đại vương, Tứ Đại vương tâu với Tứ Thiên vương, Tứ Thiên vương lại tâu với vua Đế Thích Kiều-thi-ca:

–Ở cõi Diêm-phù-đề, trong nước… thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, đắp pháp y, xuất gia theo chánh tín chứng được Địa thứ ba muốn cùng ma chiến đấu, làm suy yếu quân ma và tăng trưởng bạn chánh pháp.

Vua Đế Thích nghe như vậy tâm rất hoan hỷ. Vua Đế Thích Kiều-thi-ca liền cỡi voi lớn là Yên-la-bàn-na, từ chỗ Thiên chúng thần thông lớn bậc nhất đến Diệm-ma thiên hoan hỷ nói:

–Ở cõi Diêm-phù-đề, trong nước… lần lượt cho đến đạt được Địa thứ ba, muốn chiến đấu với ma, làm tổn giảm quân ma, tăng trưởng bạn chánh pháp.

Diệm-ma thiên nghe vua Đế Thích nói như vậy tâm rất vui mừng.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ-kheo kia đạt được Địa thứ ba rồi, phải tu như thế nào để chứng đắc Địa thứ tư?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Tỳkheo ấy muốn đạt được Địa thứ tư phải quan sát như vầy: Do xúc làm nhân duyên mà sinh lạc thọ. Nếu nhân duyên của lạc thọ diệt, tịch tĩnh vắng lặng thì không còn lạc thọ. Do xúc làm nhân duyên mà sinh khổ thọ. Như vậy người kia xa lìa các khổ, khổ do xúc sinh, khổ do thọ sinh, khổ do tập sinh. Nguyên nhân của các khổ, người kia nhận biết thọ do xúc làm nhân duyên. Thọ của ta trong mỗi niệm cùng với xúc sinh khởi. Do xúc sinh người kia đối với lạc thọ tâm không sinh hoan hỷ, không sinh hỷ lạc, không khen ngợi thọ ấy, cũng không tạo tác nhiều, không tham đắm. Như thế người ấy không bị khổ thọ bức bách, không buồn, không loạn, hành xả như vậy, ức niệm, biết đúng về hành xả và ba thọ các tâm còn lại đều không bị nhiễm, tất cả đều được lìa bỏ như vậy là được thanh tịnh, trong sạch.

Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: Ta nay đối với xả này đã được thanh tịnh như vậy, trong sạch như vậy, nay ta làm sao đạt được hư không xứ? Người kia hy vọng muốn được sống ở hư không xứ: Làm sao ta đạt được tâm của xứ đó? Ta đã hiểu rốt ráo, chắc chắn về xả. Nay ta đã xả hoàn toàn về hỷ lạc, luôn thâu giữ không lìa bỏ. Ta nhờ vào xả này mà được vào hư không xứ, nhờ vào xả này ta được thanh tịnh như vậy, trong sạch như vậy. Ta rất hy vọng đạt đến Thức xứ vô sở hữu xứ. Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ta rất mong được vào xứ ấy. Với chánh hạnh như vậy, người kia hành đúng đắn theo Phi tưởng phi phi tưởng xứ và nghĩ: Nay ta nhờ vào xả này mà được ở xứ kia, giúp ta đạt được pháp của xứ đó. Ta nhờ vào xả này mà đạt hỷ lạc trong xứ đó, chánh hạnh Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ví như người thợ vàng khéo léo, hay học trò của ông ta đem khối vàng sống, đẹp đặt vào lửa, dùng ống bễ thổi, tay cầm kềm vừa thổi vừa đập một cách điêu luyện thành thạo. Vàng sống ấy trở thành mềm mại, sáng sủa, rực rỡ tùy ý dùng. Vàng ấy được làm ra bất cứ vật gì đều đáng khen ngợi. Đem nó đi bất cứ phương nào, nơi nào cũng không ai chê bai, vì mài nó không còn vết nhơ, không uế tạp, không rít nhám là vật sáng mềm bậc nhất. Những vật được làm ra đều đẹp đẽ, bóng láng, sáng rỡ. Ánh sáng của nó che lấp những thứ vật báu khác. Vì người thợ vàng thiện xảo ấy và những học trò của ông ta đã biết cách mài dũa khéo léo khối vàng thật ấy nên biết đó là vật báu đích thực. Biết như vậy rồi, tùy theo sự nhớ nghĩ mà có thể làm bất cứ vật gì khiến cho ai trông thấy đều hoan hỷ. Như làm cái linh, hoặc để trang nghiêm thân, chỗ thấy hoặc không thấy, dùng làm hoa tai để trang nghiêm nơi tai, làm chuỗi anh lạc để trang nghiêm nơi cổ, hoặc để trang nghiêm cúng dường kinh luận. Hoặc làm nhẫn đeo tay, vòng nhẫn khắc chữ để trang nghiêm nơi ngón tay, hoặc làm vòng hoa, mão báu để trang nghiêm nơi tóc. Vật báu đích thực ấy trang nghiêm bất cứ chỗ nào, những vật trên đều tương ứng hoàn hảo. Đạt trí tuệ, Tỳkheo giữ giới nghĩ: Ta nay nhờ nơi xả này mà được thanh tịnh như vậy, trong sạch như vậy, chánh hạnh như vậy để vào hư không xứ, được tương ứng. Ta dựa vào xả ấy mà buộc niệm vào xứ ấy, hỷ lạc trong xứ ấy, trụ vào xứ ấy. Ta nhờ vào xả này mà hội nhập nơi Hư không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Lại suy nghĩ: Ta trụ vào xả này, làm sao để nó luôn luôn không động, không hoại, không diệt trong từng niệm.

Người kia suy nghĩ như vậy rồi, sau đó duyên dựa vào bốn xứ Vô sắc. Xả kia chẳng phải là thường, chẳng phải là vô thường; chẳng phải là động, hay bất động; chẳng phải là thường hay vô thường. Người kia biết duyên vào Hư không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ kia, chẳng phải là thường hay vô thường, ở trong xứ đó tâm không hỷ lạc, biết nó không tịch tĩnh, là vô thường, động chuyển.

Người kia lại quán về thọ, biết thọ do dục sinh. Biết thọ do dục sinh rồi thì biết thọ cũng do dục diệt. Biết thọ diệt rồi thì biết thọ do nhãn xúc sinh, tuần tự biết thọ do nhĩ xúc sinh, biết thọ do tỷ xúc sinh, biết thọ do thiệt xúc sinh, biết thọ do thân xúc sinh, biết thọ do ý xúc sinh. Người kia đã nhận biết rõ về thọ rồi, lại từ thọ ấy quán xét thật kỹ: Thọ do nhãn xúc sinh, dục sinh, đã sinh rồi cùng với thọ ấy trụ ta đều biết rõ, biết thọ của ta diệt, dục diệt đều đã diệt.

Lại nữa, biết thọ do nhĩ xúc sinh thì thọ do nhãn xúc sinh bị diệt, đều đã diệt nên nhàm chán và vứt bỏ không trở lại nữa.

Thọ này đã diệt theo thứ lớp quán thọ do nhĩ xúc sinh làm duyên cho khổ, vui và không khổ, không vui. Thọ do nhĩ xúc sinh như vậy tùy thuận mà quán xét. Biết như thế rồi thì khi thọ thuộc nhĩ xúc không sinh hỷ lạc. Biết rõ về thọ ấy rồi thì lìa bỏ dục và được giải thoát.

Trên nói về thọ do nhĩ xúc sinh, thọ ấy đã diệt rồi, lại quán thọ do tỷ sinh và nhân duyên của tỷ xúc. Thọ này của ta sinh nếu duyên vui thì sinh vui, duyên khổ thì sinh khổ, duyên không khổ không vui thì sinh không khổ không vui.

Như vậy tùy thuận quan sát: Thọ do tỷ xúc sinh, nhận biết đúng như thật thì thọ sẽ diệt. Biết thọ diệt thì thọ do tỷ xúc sinh cũng diệt luôn. Biết thọ do tỷ làm duyên sinh khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Về sau thọ do duyên của tỷ sinh, quan sát như vậy, cũng sinh như vậy, sinh rồi lại diệt.

Thọ do tỷ xúc sinh đã diệt, bây giờ quán thọ do thiệt sinh. Khi thọ sinh cũng có ba loại như đã nói ở trên. Tuần tự cho đến quán thọ do ý sinh cũng có ba loại.

Người kia nhận biết đúng như thật về thọ rồi, chứng được Địa thứ tư, vị ấy tinh tấn dũng mãnh muốn thoát khỏi sự ràng buộc của quân ma. Dạ-xoa sống trên đất biết được nên rất hoan hỷ lại hướng lên nói với Dạ-xoa nơi hư không. Dạ-xoa nơi hư không hướng đến Tứ Đại vương tâu như vậy. Tứ Đại vương hướng đến tâu với Tứ Thiên vương. Tứ Thiên vương hướng đến tâu với vua Đế Thích. Vua Đế Thích lại hướng đến Diệm-ma thiên, nói:

–Ở cõi Diêm-phù-đề, trong nước… thôn… làng… có thiện nam… họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y, xuất gia theo chánh tín, trì giới, tinh tấn, theo thứ tự mà nhận biết đúng như thật về thọ và đã chứng được Địa thứ tư. Ta nay hướng lên trời mà nói rõ khiến cho quân ma tổn giảm, bạn chánh pháp được tăng trưởng.

Diệm-ma thiên thấy vua Đế Thích cỡi voi trắng Yên-la-bàn-na, tâm sinh hoan hỷ nói với vua Đế Thích:

–Này Đế Thích, con người trong cõi Diêm-phù-đề tùy thuận theo pháp mà thực hành, phải nên yêu mến người ấy, đó là điều ông phải làm.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ-kheo kia làm sao lìa bỏ được sự trói buộc của ma, quan sát về xả thọ.

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Tỳkheo kia quan sát kỹ về thọ: Do nhân duyên của nhãn thức mà sinh thọ bất thiện. Thọ ấy muốn khởi lên thì duyên nơi thiện thứ hai làm cho thọ bất thiện diệt, thọ thiện được sinh. Duyên ký kia diệt thì thọ ký diệt, thọ vô ký sinh. Tuần tự thọ do nhĩ xúc sinh, thọ do tỷ xúc sinh, thọ do thiệt xúc sinh, thọ do thân xúc sinh, thọ do ý xúc sinh. Nếu biết rõ về thọ như vậy thì pháp thiện được đầy đủ, phiền não tiêu trừ. Người kia tu hành như thế rồi lại quán kỹ về thọ. Người kia muốn quán về pháp của thọ, pháp của thọ đều bị che lấp. Như ánh sáng đèn thì bị ánh sáng mặt trời, mặt trăng che lấp. Hai thọ ấy ngăn che cũng như vậy. Thọ thiện đã sinh rồi thì ngăn che thọ bất thiện. Nên biết như ánh sáng đèn, nếu có ánh sáng đèn thứ hai thì không thể làm chướng ngại nhau. Lại, suy xét về thọ. Thọ nào và cùng với thọ nào ngăn che nhau một cách rốt ráo? Người kia thấy thọ thiện ngăn che thọ bất thiện một cách rốt ráo. Còn như ánh sáng đèn thì ánh sáng của sao không ngăn che nhau.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia suy xét quan sát: Thọ cái gì? Và đối với thọ nào có thể hủy hoại? Người kia quan sát về thọ duyên vô lậu hủy hoại thọ duyên hữu lậu. Ví như ánh sáng lửa có thể che lấp ánh sáng của tuyết.

Thọ nào thắng thọ nào? Người kia lại quán xét: Thọ bất thiện kia ngăn che thọ thiện, sau đó sinh trở lại. Giống như ban ngày, ánh sáng mặt trời che lấp ánh sáng mặt trăng. Vào ban đêm ánh sáng mặt trăng không bị che lấp.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia suy xét đúng đắn về thọ: Nhiều thọ hòa hợp lại thì một thọ có thể che lấp, vượt hơn nhiều thọ kia. Quán nhiều thọ kia là thọ thế gian. Một thọ là thọ của tâm vô lậu xuất thế gian. Thọ này thù thắng có thể che lấp thọ hữu lậu. Giống như trong đêm tối có rất nhiều sao, nhưng chỉ một ánh sáng của trăng là có thể che lấp tất cả vì sao kia.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia tùy thuận quan sát về thọ vi tế kia.

Thế nào là nhiều thọ? Nghĩa là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân khởi lên đó là thọ hữu lậu.

Thế nào là thiện phát sinh? Người kia quán xét về các thọ trong thế gian có nhiều thọ hữu lậu, không có thọ vô lậu, vì thế gian không có diệu lực. Như ánh sáng của sao trong đêm tối, khi có trăng thì nó không thể chiếu sáng hoàn toàn.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quán xét về thọ ấy: Thọ này của ta trụ được bao lâu? Người kia quan sát thọ của ta sinh diệt tương tục, giống như ánh sáng của điện chớp.

Tỳ-kheo quan sát: Nghĩa này như thế nào? Nhân duyên của nhãn thọ có sinh ra tỷ thọ không?

Người kia quan sát đúng đắn do duyên của ý căn sinh thọ, thọ ấy hủy hoại thọ của tất cả căn khác. Giống như bò, trâu, ngựa, lạc đà đều có chung một tướng hoại, nhưng nhân duyên đưa đến cái hoại thì khác nhau. Từ vô thỉ đến nay, năm căn khởi lên đều duyên dựa do hỷ lạc, nhưng cảnh giới của hỷ lạc lại khác nhau. Nếu hủy hoại cảnh giới của tướng ý lạc thì cảnh giới của căn hoại theo. Ví như trâu, ngựa, lạc đà, heo…

Tỳ-kheo kia quán về thọ như vậy thì được trí tuệ vi tế.

Tỳ-kheo kia đối với trí ấy ưa thích tu tập và thực hành nhiều. Quán xét về lạc thọ rồi, tùy thuận quán thọ một cách rốt ráo. Tỳkheo kia suy nghĩ: Thọ này của ta do nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý mà khởi lên. Nó từ đâu sinh và diệt thì đi về đâu?

Tỳ-kheo kia tùy thuận quan sát thì biết thọ đã diệt sạch, do tư duy về đạo lý. Quán như vậy rồi, Tỳ-kheo kia biết thọ không từ đâu sinh và diệt thì cũng không đi về đâu. Nhãn thọ này của ta xưa không, nay có, có rồi lại hoàn không. Nhãn này của ta không từ đâu đến, giống như nước biển. Diệt rồi thì không đi về đâu như nước các sông đều chảy về biển cả. Thọ thuộc về nhãn của ta xưa không, nay có, có rồi lại hoàn không, nó do nhân duyên sinh. Thọ thuộc về nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng đều như vậy. Giống như người thợ gốm hoặc đệ tử của ông ta nhờ vào các duyên: Bánh quay, khối đất, sức lực và kỹ thuật, nước, khúc cây của con người mà làm ra cái bình. Như vậy cái bình không từ đâu đến và diệt thì cũng không đi về đâu, nhưng cái bình ấy nhờ vào các nhân duyên mà có. Như vậy, nhãn nhờ duyên với sắc, ánh sáng, hư không, sự nhớ nghĩ mà sinh ra nhãn thọ là khổ, vui hay không khổ không vui.

Giống như cái bình kia nếu nhân duyên tốt thì được cái bình tốt, còn nhân duyên xấu thì có cái bình xấu. Như vậy, duyên vào duyên thiện thì sinh nhãn thọ thiện. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng đều như vậy.

Nếu hợp những thọ thiện lại, thuận theo thứ lớp mà tu hành thì đạt đến Niết-bàn. Nếu nhân duyên bất thiện thì nhãn thọ bất thiện sinh dục, sân, si. Luôn luôn sinh tử bị đọa vào cảnh giới của đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Tất cả việc làm thiện, quả báo thiện của Tỳ-kheo kia, nếu tùy thuận chuyên tâm quan sát về thọ ấy thì không có chỗ nương dựa, không có người tạo tác, không có nhân khởi, không phải là không có nhân khởi, không có nhóm họp, phi thường, phi sắc, luôn luôn thay đổi trong từng niệm, chẳng phải là pháp điên đảo.

Tỳ-kheo thấy thọ ấm như vậy thì diệt hữu ái, hỷ lạc sinh. Ái dục xấu ác, tất cả sinh tử đều thấy là vô thường, người kia lại ưa thích tu tập và tu tập nhiều về đạo xuất thế gian đoạn trừ tất cả kết, xa lìa hết thảy sử.

Thế nào là kết? Là kết của ái, kết của chướng ngại, kết của vô minh, kết của kiến giải, kết của sinh, kết của kiêu mạn, phải đoạn trừ hết các kết này.

Thế nào là sử? Là sử của dục nhiễm, sử của hữu nhiễm, sử của kiến giải, sử của chướng ngại, sử của mạn, sử của vô minh. Kết của hành trang, kết của chướng ngại, kết của ganh ghét, kết của đố kỵ, sử của nghi hoặc do các nhân duyên này mà luân hồi trong ba cõi, đi trong ba cõi, quay tròn nơi ba đường ác, đi dài qua ba thời gian. Đối với ba phẩm huân tập theo ba thọ, là nhân duyên luân chuyển sinh tử trong ba đời.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ-kheo kia làm sao nhận biết về nhân duyên của nhãn? Người kia quán nhãn do nhân gì duyên gì mà sinh?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Nghiệp là nhân của nhãn, nhãn nhân nơi nghiệp mà sinh. Chúng xoay tròn như thế. Giống như hạt ni-cư-đà trong thế gian, từ hạt mà mọc ra cây ni-cư-đà. Cây ấy lại sinh ra hạt. Chúng bị trói buộc trong nhân duyên như vậy. Biết do nghiệp sinh, nghiệp lại chuyển sinh. Có sinh thì có già, chết, lo buồn, than khóc, khổ não. Do nghiệp nhân bị trói chặt trong lưới ái, khiến cho hết thảy kẻ phàm phu ngu si luân chuyển trong biển sinh tử mà tưởng là đến chỗ tất cả ái. Do không tạo nghiệp nên không có ái, do không có ái nên không có thọ. Nhân duyên đó giống như ngọn đèn: Nhờ có tim đèn, bầu đèn, dầu, lửa mà có ánh sáng đèn phát ra liên tục. Tỳ-kheo kia quán xét nguyên nhân của thọ, quán kỹ tất cả thọ sinh ra do nghiệp nhân, nghiệp pháp và nghiệp lực. Bầu đèn dụ cho thân, dầu dụ cho căn, tim đèn dụ cho thọ, dục, sân si dụ cho lửa luôn luôn phát sinh, lửa dụ cho từng niệm trí phát sinh, ánh sáng dụ cho trí tuệ.

Người tu hành kia thấy biết tất cả nơi ba cõi đều có thọ này. Giống như người thợ vàng hoặc đệ tử của ông ta được vàng ròng thì có thể tạo thành những vật trang sức tốt đẹp. Người thợ thiện xảo kia dụ cho người tu hành, vàng ròng dụ cho duyên dựa theo điều thiện. Nếu duyên dựa theo thiện thì được nghiệp thiện đạt đến đạo Niếtbàn, còn duyên dựa theo điều bất thiện thì đưa đến nghiệp bất thiện. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Biết rõ nhân và duyên
Định rõ nghĩa vi tế
Luôn hỷ lạc giải thoát
Không bị ái sai khiến.
Chúng sinh theo dòng nghiệp
Rồi theo nghiệp mà sinh
Quả nghiệp trói buộc rồi
Đi trong cõi hiểm ác.
Ai lìa nghiệp bất thiện
Thường hỷ lạc nghiệp thiện
Người tu hành như thế
Như trăng sáng trong lành.
Người kia đốt nghiệp ác
Như lửa đốt cỏ khô
Chói sáng trong ba cõi
Giải thoát các pháp ác.
Nếu ai cầu giải thoát
Tâm không thích sinh tử
Không bị sinh tử trói
Như chim bay trên không.
Biết rõ nguyên nhân thọ
Biết rõ quả báo thọ
Thì sẽ được giải thoát
Biết rõ về ba cõi.
Khổ vui không lay động
Tốt xấu không để tâm
Thấy thế gian như lửa
Người tu hành từ bi.
Ý không bị lỗi lầm
Thích thực hành chánh pháp
Tâm thích pháp Tỳ-kheo
Thế gọi là Tỳ-kheo.
Không thích gặp thân ái
Thích gặp bậc Hiền thiện
Xuất gia lìa nhà cấu
Như vậy là Tỳ-kheo.
Giữ các căn tịch tĩnh
Không tham đắm cảnh giới
Đi nhìn đất một tầm
Như vậy là Tỳ-kheo.
Không mắng nhiếc người khác
Nhất định không mua bán
Không thích đến ngã tư
Như vậy là Tỳ-kheo.
Không thích xem ca múa
Không ưa chốn người giàu
Thích ở nơi gò mả
Như vậy là Tỳ-kheo.
Ngày chỉ ăn một bữa
Không cất để ngày mai
Ăn vừa đủ hai phần
Như vậy là Tỳ-kheo.
Xả bỏ áo quần đẹp
Ưa thích y phấn tảo
Ăn khế hợp với tu
Như vậy là Tỳ-kheo.
Không tạo nghiệp thế tục
Không mong quả thế gian
Không khổ cầu vật dụng
Như vậy là Tỳ-kheo.
Giải thoát khỏi dục, sân
Lìa bỏ tâm bùn si
Pháp ác không làm dơ
Như vậy là Tỳ-kheo.
Vượt qua tất cả kiết
Xả ly tất cả sử
Giải thoát mọi trói buộc
Như vậy là Tỳ-kheo.
Đi đường tám Chánh đạo
Hướng đến thành Niết-bàn
Lìa ý ác phiền não
Như vậy là Tỳ-kheo.
Ý vững, căn vắng lặng
Lìa bỏ vũng bùn dục
Thường nhất tâm chánh niệm
Như vậy là Tỳ-kheo.
Đã chứng được trí địa
Tâm tịch tĩnh thấy rõ
Biết thiện, ác các địa
Như vậy là Tỳ-kheo.
Pháp lậu, pháp vô lậu
Đều do duyên mà sinh
Biết tất cả mọi pháp
Như vậy là Tỳ-kheo.
Chánh trực tu phạm hạnh
Tịch tĩnh lìa biếng trễ
Dạy sớm, tịnh, cung kính
Như vậy là Tỳ-kheo.
Ưa thích tu định, huệ
Lại ưa thích tứ thiền
Ưa thích chốn vắng lặng
Như vậy là Tỳ-kheo.
Như chim bay trên không
Bóng nó luôn theo bên
Như ý thuận chánh pháp
Như vậy là Tỳ-kheo.
Hay diệt các phiền não
Quán thiện ác bình đẳng
Khéo biết thở ra vào
Như vậy là Tỳ-kheo.
Nếu biết theo thứ tự
Thấy rõ pháp mình tu
Biết rõ đạo, phi đạo
Như vậy là Tỳ-kheo.
Được lạc, tâm không hỷ
Gặp khổ, lòng không ưu
Hỷ, ưu, tâm bình đẳng
Như vậy là Tỳ-kheo.
Nếu biết rõ sinh tử
Thiên, Tu-la kính lạy
Biết chúng sinh thiện ác
Như vậy là Tỳ-kheo.
Y bát thường biết đủ
Không chứa của cải quý
Thiểu dục và phạm hạnh
Như vậy là Tỳ-kheo.
Nhất thực lìa cấu uế
Không tham đắm mùi vị
Thường xả bỏ lợi dưỡng
Như vậy là Tỳ-kheo.
Hành tâm Xả, tâm Bi
Lìa bỏ ác ganh tỵ
Thiêu đốt mọi lỗi lầm
Như vậy là Tỳ-kheo.

Tỳ-kheo kia trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát thọ như vậy. Quán thọ được trí vi tế rồi, vị ấy lại quan sát sâu xa: Biết thọ do xúc sinh, do duyên mà hoạt động. Như vậy quán chỗ duyên dựa thứ hai của nhãn tác hợp lại thì diệt thọ do xúc sinh. Duyên dựa nơi thọ do nhãn xúc sinh đã diệt thì duyên dựa với âm thanh, ta sinh ái thọ. Nếu không ái thọ thì tâm không cùng diệt. Tỳkheo kia dùng dây chẳng sầu cột tâm vào cây cột duyên dựa. Thọ kia đã diệt thì chỗ duyên dựa của âm thanh và thọ thuộc về nhĩ đều diệt.

Tỷ duyên với hương mà sinh tỷ thọ. Tỳ-kheo kia quán thọ do tỷ xúc sinh. Vị ấy tư duy: Tỷ của ta cùng với hương mà sinh thọ thuộc tỷ là thiện hay bất thiện, ký hoặc vô ký? Tỷ này của ta thọ thì tâm không diệt. Tỳ-kheo quán xét sự hoại diệt của tâm với chỗ duyên dựa luôn luôn hoạt động. Như vậy thì phải điều phục tâm, lấy pháp thiện huân tập tâm để trở thành pháp thiện vô lậu. Bấy giờ được bất động.

Thiệt duyên hợp với vị, duyên hợp này là thiện hay bất thiện, ký hoặc vô ký. Tỳ-kheo biết rõ sự duyên dựa này rồi, tiếp tục quan sát về thọ khổ, vui, không khổ, không vui. Quán như vậy và tư duy: Tâm này của ta hoại hay không hoại?

Lại quan sát thọ do duyên hợp với vị mà sinh, nó có thể phá hoại tâm. Quán xét như vậy rồi, dùng sợi dây chẳng sầu cột tâm kia vào cây cột duyên hợp, phải giữ gìn như vậy do sự tu hành. Nếu tâm như thế thì các sự ưa thích của vị do thiệt thọ không bị cướp mất.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quán thân xúc, như vậy thân xúc cùng với thọ của xúc cột vào nơi cây cột duyên dựa thiện hay bất thiện, ký hoặc vô ký. Quán thọ của thân xúc, nếu tâm động hay hoại thì lấy dây cột vào trụ duyên hợp để điều phục nó, tất nó sẽ không hủy hoại.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quán thọ do ý buộc vào pháp mà sinh thiện hay bất thiện, ký hoặc vô ký? Thấy thọ của ý hoại, Tỳ-kheo kia lấy dây chẳng sầu cột tâm kia vào cây cột duyên hợp để điều phục thì nó không hủy hoại. Tỳ-kheo kia đã quán thọ của sáu trần với sáu căn rồi, biết rõ năm thọ nên được xứ bất tận. người kia lấy đèn trí, quán thọ do nhãn xúc sinh, nhận biết thọ gì để sinh?

Người kia quán ý thức do duyên sinh ra thọ ấy mà tâm ý bị cột giữ. Tất cả kẻ phàm phu ngu si trong thế gian do lửa phân biệt mà tự thiêu đốt mình. Như vậy không có người thọ chỉ do các hành nhóm họp lại mà sinh, chỉ do các hành nhóm họp lại mà diệt. Tất cả đều bị trói buộc vào nhân duyên. Tùy thuận quán thọ do nhãn xúc sinh rồi, tùy thuận mà hoạt động, không thể nắm bắt, tâm không thay đổi, không chết, không loạn.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quan sát thọ thuộc về nhĩ.

Thế nào là thọ thuộc về nhĩ? Thọ này ai nhận biết? Người kia thấy rõ ý thức tùy thuận chỗ trói buộc. Thọ thuộc nhĩ trói buộc với ý, nương nhờ vào ý. Thọ này không có người tạo tác, không có người thọ nhận, chỉ do nhân duyên mà sinh. Như vậy thọ thuộc nhĩ không có người tạo tác, không có người thọ nhận chỉ do các hành tụ họp, nhân duyên và sức mạnh mà sinh hoặc diệt.

Tỳ-kheo quan sát thọ thuộc tỷ. Thọ này ai nhận biết? Người kia quan sát thọ trói buộc với ý thức, duyên dựa theo ý ấy, nương nhờ vào ý ấy, nhờ nhân duyên ấy tùy thuận mà sinh, chỉ do các hành tụ họp, không có người tạo tác, không có người thọ nhận, nó lưu chuyển tương tục. Ai quán thọ thuộc tỷ rồi thì xa lìa sự thọ nhận.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quán thọ thuộc thiệt. Thọ này ai nhận biết? Người kia quan sát thọ trói buộc với ý thức, như vậy thiệt thọ nương vào ý ấy, cột vào sự duyên dựa ấy. Nó do duyên sinh nên không có người tạo tác, không có người thọ nhận, không có vật nào riêng biệt, chỉ do các hành nhóm họp và năng lực của nhân duyên mà sinh.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quán thọ do thân xúc sinh. Thọ này ai nhận biết? Thọ này là của ai? Tỳ-kheo kia quan sát sự trói buộc của ý như vậy, thì thọ thuộc thân này không có người tạo tác, không có người thọ nhận, không phải một vật riêng biệt, chỉ do các hành tụ họp và năng lực của nhân duyên chuyển biến.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quan sát thọ thuộc ý. Thọ này ai nhận biết? Quan sát thọ thuộc ý duyên với pháp trần mà sinh ý thức, do ba sự hòa hợp mà sinh xúc, xúc cùng với thọ sinh. Giống như hòa hợp tất cả vật thơm lại thì có một hương thơm đặc biệt. Hương thơm đặc biệt này chẳng do một nhân duyên, mà do nhiều nhân duyên hợp lại. Như vậy, tất cả thọ sinh ra không có người tạo tác, không có người thọ nhận. Giống như tên hoa sen là nhờ vào thân, lá, nhụy, mùi thơm hợp nên. Như vậy, hoa sen chẳng phải do một duyên mà có được. Như vậy thọ do nhãn xúc sinh là nhờ con mắt, sắc, hư không, niệm, ánh sáng. Nó nhờ vào con mắt mà sinh thọ. Như vậy, thọ không chỉ có một điều kiện mà sinh ra được, không phải do một vật mà sinh, không phải hòa hợp làm một loại mà sinh, chẳng phải cùng một tướng mà sinh, chẳng phải nhóm họp sinh, chẳng phải hóa sinh.

Tỳ-kheo kia hiểu kỹ về thọ như vậy nên sinh pháp thanh tịnh. Giống như nước mía bỏ trong nồi nấu. Đầu tiên gạt bỏ chất dơ gọi là phả-ni-đa, nấu lần thứ hai đặc dần gọi là cự-lữ, nấu lần thứ ba biến thành màu trắng gọi là thạch mật. Như vậy nước mía càng nấu, gạt bỏ chất bẩn, đặc dần cho đến thành màu trắng. Tỳ-kheo kia lấy nồi duyên với lửa trí để nấu, hầm liên tục. Đầu tiên thiền quán như phảni-đa, thứ hai như cự-lữ, thứ ba như thạch mật trắng. Như vậy tâm Tỳ-kheo tương tục nơi pháp dùng lửa trí để nấu, tức thành pháp vô lậu trong sạch, xa lìa trần cấu, không còn xen tạp, sinh pháp xuất thế để ra khỏi sinh tử, xa lìa trần cấu giống như giặt áo.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia lại dùng pháp khác quán xét thật kỹ về thọ

do nhãn xúc sinh có thô có tế, cấu uế nặng không nhẹ đi theo với si. Thọ của chúng sinh… thọ… ấy có thể hủy hoại, còn lại chút ít không chỗ nương dựa. Như vậy thọ thuộc nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, Tỳ-kheo kia đã tu tập, đã quan sát thành tựu về thọ, quân ma sẽ bị hoại diệt. Dạxoa ở trên đất trở nên vui mừng nói cho Dạ-xoa nơi hư không. Dạxoa sống trên đất, Dạ-xoa nơi hư không nói với Tứ Đại vương, Tứ Đại vương tâu với Tứ Thiên vương, Tứ Thiên vương tâu với vua Đế Thích.

Bấy giờ, vua Đế Thích liền cỡi voi trắng Yên-la-bàn-na hoan hỷ nói với Diệm-ma thiên. Nói đầy đủ như trên. Diệm-ma thiên nghe Đế Thích nói càng sinh tâm hoan hỷ, đem những thứ trang sức bằng báu trời đan kết đẹp đẽ đủ thứ màu sắc để trang nghiêm thân, cỡi đủ thứ xe, có thanh, hương, vị, xúc, đáng ưa thích. Những thứ đáng ưa thích, tất cả những thứ vui đó nhiều không thể nói hết. Thiên chúng Diệm-ma thiên rất hoan hỷ, hướng đến Đâu-suất thiên khoảng bốn vạn do-tuần có cung điện bằng bảy báu, lầu gác tươi sáng đẹp đẽ, tất cả cung thất, thành do ý phân biệt một vạn do-tuần, gọi là nơi chốn của Bồ-tát Vô Lậu Lạc. Di-lặc Thế Tôn đang trú nơi ấy, có đầy đủ năm trăm Bồ-tát. Diệm-ma thiên đến chỗ Đức Thế Tôn, tâm rất vui mừng, mặc thiên y hở bày vai, gối phải sát đất, lễ lạy rồi chắp tay nơi trán, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Các Thiên chúng của con nay biết nơi đất nghiệp của cõi Diêm-phù-đề, trong nước… thôn… làng… có thiện nam… họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y, xuất gia theo chánh tín, trì giới tu hành, cung kính các bậc tôn trưởng, chứng được Địa thứ tư, cầu pháp thiện vô lậu, thấy rõ về thọ phá trừ chúng quân ma, khéo làm chắc chắn cây cầu chánh pháp, mở bày bạch pháp, khiến cho ma vương không còn sức lực, chư Thiên được tăng trưởng có uy lực lớn, như con hôm nay đã nói.

Di-lặc Thế Tôn nghe xong nói với Diệm-ma thiên:

–Chư Thiên có sức mạnh, ma vương yếu kém, bạn chánh pháp tăng trưởng, phiền não bị chế ngự, quân ma thất bại, ta nghe rất vui mừng.

 

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Về thọ ấm, Tỳ-kheo kia đã thấy biết lược qua giống như ở Lục dục thiên (sáu cõi trời thuộc Dục giới). Bây giờ làm sao đạt được Địa thứ năm?

Tỳ-kheo kia đã thấy rõ về thọ của Thiên chúng ở Lục dục thiên đã tạo nghiệp, nên quán về tướng của tưởng ấm. Vị ấy phân biệt suy nghĩ: “Làm sao trong địa này, ta cùng với tưởng kia thực hành pháp thiện?” Chánh tư duy như vậy rồi thực hành trong phần đó, lại quan sát tướng bạch pháp của tưởng, hành kia, pháp ban đầu như vậy nên biết rõ từng phần.

Thế nào là duyên với hữu kiến, hữu đối sinh ra tưởng bất kiến, vô đối?

Tỳ-kheo kia lại quan sát rộng về tưởng. Tưởng ấy duyên hợp với mười một sắc trần. Đó là dài, ngắn, vuông, tròn, ba góc, một nắm, vàng, đỏ, xanh, trắng, đỏ tía… dựa vào tướng dài mà khởi tướng dài. Cho nên kẻ ngu si thiếu trí trong thế gian bị sinh tử vô biên, quả nghiệp sinh trở lại bị các hoạn nạn về yêu, ghét, lạnh, nóng, đói, khát sai khiến giống như nô tỳ. Lại ăn nuốt lẫn nhau, tập hợp những việc hư vọng không thật, tất cả những việc không lợi ích, như thế có nhiều vô lượng không thể chịu nổi. Tất cả vô lượng trăm ngàn ức nado-tha việc làm do thân, khẩu, ý tạo ra nghiệp khổ não để trang sức thân. Kẻ phàm phu ngu si theo nẻo hư vọng dối trá luôn tạo ra như vậy.

Trong cõi người có các thứ khổ như canh tác… dối gạt lẫn nhau, đong cân không đều, tranh chấp kiện tụng, kinh doanh cầu lợi, hầu

hạ, gần gũi vua…, vào biển, đi xa, làm ruộng, chăn trâu, sinh nơi chốn hạ tiện, biên địa ưa thích tà kiến, các căn không đầy đủ, không được nghe chánh pháp, sinh vào chỗ không có Phật pháp, không có điều kiện tốt, nếu không bị các nạn như trên thì tâm thường ưa thích uống rượu, dâm dục, trộm cắp, tham dục, sân hận, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ. Những người như vậy là sinh tử mãi. Duyên vào tướng dài ấy mà khởi lên tưởng dài.

Trong cõi trời, tướng sinh tử dài duyên vào tướng kia mà tưởng. Như vậy, trong cõi trời cảnh giới không thể nắm bắt nhưng cảnh giới hỷ lạc với sắc, thanh, hương, vị tham dục, sân si, luôn phóng dật, huân tập gần gũi với người nữ trong vườn Hoan hỷ, trang sức đủ loại, treo vật báu nơi cung điện, rừng cây, ao sen rất đẹp, đùa giỡn, hoan lạc, lấy bột cây chiên-đàn, hoa mạn-đà-la để rải, âm thanh ca hát tất cả đều của hàng trời, khiến tâm hỷ lạc, xa lìa chánh pháp. Đó là sinh tử dài. Nếu sinh vào nơi cõi trời thì có những việc như vậy. Do duyên vào tướng dài ấy mà sinh tưởng dài.

Trong loài ngạ quỷ, tướng sinh tử dài duyên vào tướng của nó mà tưởng. Do tạo nghiệp ác nên loài ngạ quỷ bị đói khát, đau đớn, thân dầm mưa chịu nắng, cổ nhỏ như cây kim, hông cao như vách núi, giống cái ống bi. Do tâm ganh tỵ mà chúng dùng dao, kiếm… chém giết lẫn nhau. Ở trong chỗ tối tăm, rơi vào sườn núi nguy hiểm, chạy vội vàng đến sông ngòi, ao vũng, rồi bị đám Diêm-ma-la cầm dao gậy, hoặc những vật sắc bén chặt, đánh, chém, bị khổ não cùng cực, ăn những thứ ói mửa của người, những thức ăn ghê tởm ấy nhiều vô lượng không thể chịu nổi. Còn những khổ như: nước mắt chảy ra, đầu tóc rối bù che cả thân mặt, có trăm ngàn con trùng bò đầy khắp thân, nơi thân mang tất cả thứ bệnh, sống dài trong sinh tử, thường bị quạ sắt dùng móng vuốt, mỏ nóng đỏ như lửa, cào mổ vào mắt, miệng. Ngạ quỷ như cây bị thiêu rụi, chúng ăn nuốt lẫn nhau, đi trong đồng trống ba trăm sáu mươi ức do-tuần nhưng không có chủ, không có người hướng dẫn, bị đói khát hành hạ, thân nó bị lửa đốt, vào trong chỗ tối tăm. Ngạ quỷ như vậy bị tà kiến dối gạt, không được nghe chánh pháp. Đó là sinh tử dài, duyên vào tướng kia mà tưởng.

Nơi loài súc sinh cũng ăn nuốt lẫn nhau, dâm dục không có luân lý, không biết ứng hợp. Nếu sinh trong nước thì đi trong nước, tâm nóng bức, luôn đói, thường sợ người khác bắt như rùa, ba ba, rái cá… Cá đề-di, đề-di-nghê-la có tên là cá ông, cá kim-tỳ-la, cá na-cala, gọi là cá đại khẩu, loài trùng, ốc, hến, con lớn luôn ăn con nhỏ, thường sợ bị lưới chài… ngăn chận để bắt.

Đi trên đất là những loài hươu, nai, trâu, heo, voi, bò, ngựa, lừa, gấu bị trói buộc khổ não, bị dao nhọn đâm giết, bị bệnh già chết não hại lẫn nhau, có trăm ngàn thứ thống khổ.

Đi trên không là chim quạ, chồn bay, thiên nga, khổng tước, oanh vũ, bồ câu, gà, chim trĩ, tu hú, nhạn nước, chim xanh giữ đầm, chim quán, chim sẻ, đó là những loại được người nuôi, còn những loại chim khác bị giết, bị nhốt, đói khát ăn nuốt lẫn nhau, bị lạnh nóng bức bách khổ não, súc sinh các loại như vậy ở dưới nước, trên đất, trên hư không ba nơi đều sợ hãi. Đó là sinh tử dài duyên vào tướng kia mà tưởng.

Trong địa ngục, như địa ngục Hoạt, địa ngục Hắc thằng, địa ngục Chúng hợp, địa ngục Khiếu hoán, địa ngục Đại khiếu hoán, địa ngục Tiêu nhiệt, địa ngục A-tỳ là khổ não bậc nhất, có vô lượng trăm ngàn chẳng thể nghĩ bàn nỗi sợ hãi về đao, lửa… Rơi trong các sông ác, thân máu chảy lai láng, vào rừng đao kiếm, trong lửa dữ, chìm trong sông tro, đi trên đất lửa nóng, chịu khổ não vì lửa thiêu đốt, bị vô lượng loại khổ não, các thứ ác dữ bức bách không thể chịu nỗi. Như vậy, địa ngục là sinh tử dài duyên vào tướng kia mà tưởng.

Tỳ-kheo kia vận dụng trí tuệ quán xét: Hữu kiến hữu đối duyên vào nhân duyên, nghiệp quả của sắc dài, duyên vào Tứ đế để quan sát các hoạt động của chúng sinh trong trăm ngàn do-tuần. Hành đạo như vậy, suy nghĩ theo từng phần, người ấy quan sát về nhân duyên, nhàm chán sinh tử.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ-kheo kia làm sao tư duy từng phần để quán về tướng ngắn?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Tỳkheo kia muốn chiến đấu với quân ma, làm sao tư duy từng phần để quán về tướng ngắn của sinh tử? Nghĩa là thọ giới hạnh đầu-đà, tinh tấn bố thí, giữ giới tu trí tuệ, cung kính bậc tôn trưởng, tâm ngay thẳng hoan hỷ, theo chánh kiến kính trọng cha mẹ, gặp Phật nghe pháp, cung kính cúng dường, không dua nịnh, không ngã mạn, không dối trá, gần gũi Thiện tri thức, giữ niềm tin theo chánh hạnh, hành động theo tâm ngay thẳng, thân, khẩu, ý thanh tịnh, người như thế thì sinh tử ngắn duyên vào tướng kia mà tưởng.

Nếu sinh trong cõi trời thì buông lung nơi vườn Hoan hỷ, xe cộ gắn châu báu, rừng cây, ao sen, có chiên-đàn quý giá, anh lạc thù thắng, đẹp đẽ đoan nghiêm, có cây kiếp-ba. Trong rừng có suối chảy, vui chơi thọ lạc. Hoặc xả bỏ những thú vui ấy, thọ trì giới cấm, ăn uống du hành, tất cả thiền tư đọc tụng, vui gặp người thiện, chỉ dạy người khác đọc tụng, bố thí thuận hợp, tu hành Phạm hạnh, các căn tịch tĩnh, nói ít, thích nghe chánh pháp, ăn uống như pháp. Nếu cõi trời hành hóa như vậy là sinh tử ngắn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Vô số các khổ não
Miệng đói khát, khô nóng
Lửa thiêu đốt khắp thân
Như lửa đốt cây khô.
Khổ ấy nhiều vô lượng
Căn tĩnh trong một niệm
Tạm nương Phật, Pháp, Tăng
Người đó sinh tử ngắn.
Như vậy Tỳ-kheo duyên vào tướng mà tưởng.
Thường lo sợ đánh đập
Bị mưa và lạnh, nóng
Và ăn nuốt lẫn nhau
Những khổ não như thế.
Không thể nào tính nổi
Tâm tĩnh trong một niệm
Tạm nương Phật, Pháp, Tăng
Súc sinh sinh tử ngắn.
Tỳ-kheo duyên vào tướng mà tưởng.
Trong địa ngục Hắc thằng
Hoạt, Hợp và Khiếu hoán
Đại khiếu hoán, A-tỳ…
Những khổ bức cùng cực.
Không thể nào lường nổi
Nếu ở trong một niệm
Tâm tịch tĩnh giữ giới
Địa ngục sinh tử ngắn.

Như vậy là Tỳ-kheo duyên vào tướng mà tưởng.

Tỳ-kheo kia tư duy về tướng sinh tử ngắn như vầy:

Thế nào là bốn cạnh? Người kia quan sát đúng đắn về loài người ở châu Uất-đan-việt, đối với tất cả các vật đều không có tâm ngã sở, quyết định đi lên. Người ấy quán xét về sinh tử nơi bốn cạnh như vậy, Tỳ-kheo duyên vào tướng mà tưởng.

Thế nào là tròn? Trong ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là sinh tử tròn. Vì chúng sinh vô trí nên luân chuyển, tâm không chủ động được. Đó là sinh tử tròn, Tỳ-kheo như vậy là duyên vào tướng ấy mà tưởng.

Thế nào là ba góc? Người hành các nghiệp lẫn lộn giữa thiện, bất thiện, vô ký nên sinh lẫn lộn vào các chỗ địa ngục, trời, người. Nghiệp bất thiện sinh trong địa ngục. Nghiệp thiện sinh vào cõi trời, nghiệp lẫn lộn sinh vào cõi người. Nếu tạo ba nghiệp thì sinh vào ba chỗ ấy. Như vậy gọi là sinh tử ba góc. Tỳ-kheo duyên vào tướng đó mà tưởng.

Thế nào là một nắm? Nghĩa là Tứ đại Thiên vương, trời Tam thập tam, trời Dạ-ma, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại tạo nghiệp tương tự. Nơi cõi trời mà thoái đọa thì sinh trong cõi trời, trong cõi người chết đi thì sinh trong cõi người, nơi không có tai nạn, đó là sinh tử một nắm. Tỳ-kheo duyên vào tướng ấy mà tưởng.

Thế nào là xanh? Nghĩa là thuộc về nghiệp bất thiện, người ở cõi địa ngục thì vào trong địa ngục tối tăm. Đó là sinh tử xanh, Tỳkheo duyên vào tướng đó mà tưởng.

Thế nào là vàng? Nghĩa là thuộc nghiệp màu vàng, sinh trong loài ngạ quỷ hung ác với nhau, hủy hoại lẫn nhau. Ngạ quỷ như thế là sinh tử vàng. Tỳ-kheo duyên vào tướng ấy mà tưởng.

Thế nào là đỏ? Nghĩa là thuộc về nghiệp đỏ, sinh trong loài súc sinh ăn nuốt lẫn nhau, ưa thích máu me. Đó là sinh tử đỏ, Tỳ-kheo duyên vào tướng đó mà tưởng.

Thế nào là trắng? Nghĩa là thuộc về nghiệp màu trắng sinh trong cõi trời. Nghiệp trắng của người kia do cái quý giá của nẻo thiện mà sinh vào hàng trời, người. Khi sắp thoái chuyển nơi cõi trời có các trời khác nói: “Đường lành của ông đi vào thế giới loài người”. Trong cõi người, lúc sắp chết, bà con, bạn bè, vợ con khóc lóc, nước mắt giàn giụa đầy mặt nói như vầy: “Thật đáng thương tiếc! Nay bỏ chúng tôi đi mong sinh vào chỗ tốt đẹp trong cõi người. Trời, người như thế là sinh tử trắng. Tỳ-kheo duyên vào tướng đó mà tưởng như vậy.

Tỳ-kheo kia tư duy như vầy: Được làm thân người, nếu không tạo điều lành, tu tập bố thí, trì giới, trí tuệ thì người ấy tự lừa gạt mình, lưu chuyển trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đi nơi đồng trống vắng, kẻ phàm phu ngu si tụ tập đông đủ. Như vậy về nghiệp đạo, Tỳ-kheo kia quán xét kỹ nơi thọ, quan sát về tưởng ấm dựa theo duyên mà hoạt động, thấy rõ, hiểu rõ nhãn thức do nhãn duyên với sắc, do ba sự hòa hợp sinh ra xúc. Cần phải quán tưởng nhiều, quán xét từng thứ sắc đẹp hay xấu, gần hay xa, dài hay ngắn, vuông hoặc tròn, trắng, ba góc, đó là hình tướng của sắc. Người kia lại quan sát riêng biệt nơi tưởng của các tướng. Quán nhân duyên của tưởng, quán ấm-giới-nhập, quán tưởng của tướng nhân duyên, tuần tự quán xét từng cái riêng biệt. Nếu nghiệp báo ác thì phải hiểu rõ đúng đắn từng phần duyên tương ưng, biết được do tương ưng sau đó mới lìa bỏ. Nếu có lợi ích hoặc không lợi ích mỗi loại đều có tướng riêng biệt. Tưởng biết về quá khứ ở trong nghiệp này, ta được quả báo thiện lại bị quả báo ác như trước đã nói. Biết tưởng như vầy: Nếu có tưởng thì nó giống như nhớ nghĩ. Nhớ nghĩ duyên với tưởng kia mà sinh. Như ánh sáng của đèn, nhờ đèn duyên với đèn, phối hợp với đèn mà có ánh sáng. Như vậy, nhân nơi tưởng duyên với tưởng, do sức mạnh của tưởng mà có nghĩ nhớ. Tỳ-kheo kia đạt được Địa thứ năm.

Tỳ-kheo kia nhận biết xúc của tưởng rồi, đối với các thú vui của cõi trời không sinh tâm tham đắm, đối với khổ trong địa ngục không lo sợ. Vị ấy có nhận thức bình đẳng. Tưởng thuần thục giống như vàng ròng. Tưởng của Tỳ-kheo kia đã phá tưởng như vậy, lại quán xét tưởng của pháp khác và giải thoát tưởng kia. Lại quán tưởng của người khác là hư vọng không thật. Ta nay quán xét: Do nhân gì? Do duyên gì? Do nhân duyên gì mà sinh ra tưởng? Người kia quán xét tưởng do các nhân duyên hòa hợp lại mà sinh ra. Nếu nhân diệt thì tưởng kia cũng diệt. Giống như viên nguyệt châu. Viên nguyệt châu do duyên của nguyệt, duyên của châu mà làm cho nước trong. Tưởng cũng vậy, do nhân duyên mà sinh. Như vậy, tưởng chẳng phải là không có nhân duyên, nên không có người tạo tác, không có người thọ, nó không tự nhiên sinh. Tỳ-kheo kia quán kỹ về tưởng ấm. Vị ấy đã quán kỹ về tưởng ấm rồi nên biết rõ sự sinh diệt.

Lại quan sát vi tế giống như nước của dòng sông luôn chảy. Tưởng cũng như vậy, tưởng về thiện phát sinh thì do sức mạnh của nhân duyên khác chuyển làm bất thiện. Tưởng bất thiện sinh thì sức mạnh của nhân duyên còn lại chuyển làm tưởng thiện. Tâm kia như khỉ vượn. Đầu tiên phá vô ký thành ký. Người kia quán tưởng vui thì không sinh tham đắm vui. Trong cái vui vô lậu sinh tưởng vui, trong cái vui sinh tưởng khổ. Đó là biết vui. Như vậy làm sao thấy được ấm giới nhập thiện, hoặc sinh hoặc diệt? Không hỷ lạc thọ, không lạc thì tưởng diệt, không giữ lấy thì tưởng diệt, sau đó hành sinh, chẳng phải trụ chẳng phải diệt, tâm không mong cầu vì nhận thức rõ về sinh trụ diệt. Tỳ-kheo biết rõ ấm này cho nên không trụ vào cảnh giới của ma, không bị dục tham, sân, si trói buộc, không thấy có các thường, lạc, ngã, tịnh, vô minh không thể chi phối trong sinh tử, không bị thất niệm do sự trói buộc của lưới ái nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc. Người kia sinh nhớ nghĩ nên có thể diệt hết các lậu, đạt đến Niết-bàn. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Bất cứ Tỳ-kheo nào
Thân cận người biếng nhác
Không siêng năng tinh tấn
Thì chẳng phải Tỳ-kheo.
Ai không thích giường chiếu
Phật nói là Tỳ-kheo
Ai ưa thích biếng trễ
Không thích làm điều thiện.
Một loại phiền não gốc
Đó chính là biếng trễ
Ai có một biếng nhác
Người đó không đắc pháp.
Chẳng phải mặc pháp phục
Mà được gọi Tỳ-kheo
Ai không thích tụng kinh
Không thiền, lậu chưa diệt.
Chỉ có tướng Tỳ-kheo
Chẳng phải là Tỳ-kheo
Chỉ thích dạo trong rừng
Không ưa cảnh giới đạo.
Ý tham vui rượu sắc
Chẳng phải là Tỳ-kheo
Ai cắt dây ma trói
Đoạn trừ các nghiệp ác.
Phật nói là Tỳ-kheo
Không trộm thức ăn tăng
Thà ăn loài rắn độc
Và uống nước đồng sôi.
Trọn không phá giới cấm
Ăn uống vật của tăng
Như vậy không nên làm
Ăn vật không nên ăn.
Ai ăn các phiền não
Thì đọa vào địa ngục
Người xả bỏ phiền não
Như ra khỏi hang rắn.
Tỳ-kheo kia nên ăn
Không thích nhìn người nữ
Đem thân làm chất liệu
Để thỏa mãn tâm ác.
Làm nhơ nhớp Tăng bảo
Sao gọi là Tỳ-kheo!
Ai tham ái, lợi dưỡng
Hỷ lạc nơi cảnh giới
Thấy người nữ đắm nhiễm
Không phải đạo người đời.
Ai thiêu đốt phiền não
Như lửa đốt núi rừng
Là hàng phạm hạnh thiện
Không tham đắm ăn uống.
Ưa thích đến xóm làng
Luôn luôn thích tắm rửa
Ngu si dối mình, người
Tất bị mất đạo pháp.
Tâm tĩnh, chốn thanh vắng
Thường luôn giữ tu thiền
Thế gọi hàng phạm hạnh
Vào cảnh giới đường thiện.
A-lan-nhã chốn tĩnh
Cùng người đó ở chung
Người lìa dục đã trọn
Không hỷ lạc các dục.
Ai ưa thích nói nhiều
Yêu thích các cảnh ác
Không hướng thành Niết-bàn
Chốn bất sinh, bất diệt.
Gần vua ăn món ngon
Uống rượu rồi khởi sân
Chỉ có tên Tỳ-kheo
Vọng ngữ dối tín thí.
Dối trá nói đủ thứ
Thường đến cửa triều đình
Làm người khác đau khổ
Hủy hoại chỗ thanh vắng.
Nếu ai bỏ vợ con
Ở rừng sâu tịch tĩnh
Mà vẫn còn luyến nhớ
Như nhổ ra ăn lại.

Tỳ-kheo kia làm tịch tĩnh các thứ lỗi trên, quan sát về ấm đúng như thật để thấy rõ, siêng năng tu giải thoát, luôn học hỏi các bậc tôn trưởng về đạo hay phi đạo. Vì thấy biết kỹ về tám Thánh đạo mà cầu đến thành giải thoát, siêng năng hành đạo, chánh kiến bình đẳng, tâm không bị cấu nhiễm, nên tâm người ấy tịch tĩnh. Đối với việc hành đạo người ấy ưa thích tu tập và tu nhiều.

Tỳ-kheo kia được pháp thiện nơi nghiệp đạo vô lậu như vậy, hòa hợp mà tu hành làm tổn giảm quân ma, tăng trưởng bạn chánh pháp. Dạ-xoa sống trên đất biết sự việc này nói với Dạ-xoa nơi hư không. Dạ-xoa nơi hư không tuần tự tâu với Tứ Đại vương, Tứ Đại vương lại tâu với Tứ Thiên vương cho đến trời Dạ-ma, trời Đâu-suấtđà, Đức Thế Tôn Di-lặc như đã nói ở trên.

Nơi cõi trời Đâu-suất-đà có một vị Bồ-tát hết sức hoan hỷ hướng đến trời Hóa ứng nói như vầy:

–Trong cõi Diêm-phù-đề có thiện nam… đã cạo bỏ râu tóc, đắc pháp y, như trước đã nêu rõ.

Trời Hóa ứng trở nên vui mừng như trước đã nói.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Làm sao Tỳ-kheo kia đạt được Địa thứ năm?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Người ấy quán mười sắc nhập.

Mười sắc nhập là nhãn nhập, sắc nhập, nhĩ nhập, thanh nhập, tỷ nhập, hương nhập, thiệt nhập, vị nhập, thân nhập, xúc nhập.

Quán xét mười sắc nhập này như thế nào? Do nhân duyên của nhãn nhập, do nhân duyên của sắc nhập mà ta sinh tưởng ấy. Người kia quán như vầy: Do nhân duyên của nhãn, nhân duyên của sắc mà sinh ra nhãn thức. Do ba sự hòa hợp mà sinh xúc, xúc cùng với thọ tưởng tư cùng sinh.

Nếu Tỳ-kheo kia khi thọ biết thọ, khi tư biết tư, khi tưởng biết tưởng: như sắc này dài, sắc này ngắn, sắc này đáng ưa thích, sắc này không đáng ưa thích, sắc này đáng nhìn, sắc này không đáng nhìn, sắc này hữu đối, sắc này vô đối cho đến như vậy.

Ý ấy gọi là sắc, có mười một thứ, phân biệt như vầy: Do ba sự hòa hợp sinh súc, xúc cùng với thọ tưởng tư cùng sinh. Biết nhãn xúc kia sinh ra thọ, tưởng, tư. Nghĩa đó như thế nào? Giác tri gọi là thọ, thọ biết về thời tiết, đó là nghĩa của tưởng gọi là ý chuyển. Như vậy các pháp sinh ra đều có mỗi tướng riêng biệt, có mỗi thể riêng biệt, nghĩa khác của nó là mười pháp đại địa. Như vậy dị tướng là tướng riêng biệt của mỗi pháp: Niệm, tuệ, giải thoát, thọ, tưởng, tư, xúc, nhằm đạt đến Tam-muội. Như thế một duyên dựa thì có tướng riêng biệt. Thế thì tướng của thọ, tướng của tưởng, có khác chứ không phải một. Ví như ánh sáng mặt trời, khi duyên với một thể khác thì thọ của tự thể có khác, tư của tự thể có khác. Biết rõ nhãn xúc sinh thọ, tưởng, tư rồi, người kia quan sát đúng đắn mắt là không, chẳng phải là vật, không bền vững. Tỳ-kheo như thế là nhận thức thật đúng về mắt, biết rõ về đạo, xa lìa tà kiến, chánh kiến được hiện tiền. Người kia xả cả sự ngu si, ô trược. Tưởng của mắt bất tịnh, tưởng không chân thật, quán kỹ về mắt này chỉ là cục thịt, do các vật bất tịnh là máu, mỡ, nước mắt, hợp lại mà có. Biết như vậy rồi, thì có thể đoạn trừ được dục. Người kia biết mắt này là vô thường nên thấy tất cả đều vô thường. Người kia biết mắt này chỉ là cục thịt dính trong xương mà thôi, nên tâm lìa được dục. Lại biết mắt này do các gân bao phủ. Biết nhãn nhập này tự, tha trái nhau, tất cả đều không tương ưng, tất đều không bền vững, đều vô ngã.

Tóm lại, nhãn chỉ là vật gây đau khổ. Quán được như vậy thì lìa được dục thuộc nhãn nhập. Đã quán nhãn nhập và biết rõ như thế nào rồi tuần tự quán về sắc.

Về sắc thì có ưa thích và không ưa thích, là pháp vô ký vì phân biệt không đúng. Sắc này có gì là bền chắc, có gì là tịnh, có gì là thường? Có gì là ngã? Có gì là lạc? Quán sắc như vậy, tư duy rồi biết tất cả sắc đều không bền chắc, chỉ có phân biệt mà có sắc này ưa thích và không ưa thích. Ưa thích, không ưa thích ấy không có tự thể, chỉ do phân biệt thâu lấy chỗ yêu ghét của thế gian rồi nhớ nghĩ lại chỗ yêu ghét ấy. Tỳ-kheo kia đã quán sắc nhập của nhãn (mắt) rồi, lại quán tiếp về thanh nhập của nhĩ (tai).

Người kia quan sát thanh do đâu mà sinh? Căn trần đối nhau mà sinh ra thanh ấy. Người kia quán như vầy: Do nhân duyên của nhĩ và nhân duyên của niệm mà sinh ra nhĩ thức, do ba sự hòa hợp sinh xúc, xúc cùng với thọ, tưởng, tư cùng sinh. Biết được xúc này cùng sinh với thọ, tưởng, tư. Nếu biết xúc này cùng với tư sinh thì giác tri được tư tưởng. Đó là tướng dài. Do các nhân duyên như xa… khi nghe được âm thanh ấy thì làm tăng thêm nghiệp vi tế ưa thích hoặc không ưa thích. Tỳ-kheo kia biết về thanh như vậy, biết tư, biết tưởng và suy xét từng phần do ý thức mà biết được, do tư biết, do thọ biết, nhớ nghĩ tư duy. Thanh nhập của nhĩ kia do tư duy mà chọn lựa. Sau đó giác tri rằng thanh không có tự thể. Ưa thích hay không ưa thích là do phân biệt mà thanh này có. Như vậy thanh không có tự thể, không thường còn, không phải một vật, bị hủy hoại, không bền vững, không vui thích, không phải là ta và không phải là của ta, chỉ do âm thanh ưa thích hay không ưa thích của tham, sân, si. Quán xét đúng về thanh nhập của nhĩ như vậy rồi, thì khi nghe âm thanh không bị mê hoặc, không sinh hỷ lạc, không chấp giữ, không đắm nhiễm, không cho là lâu bền. Quán xét về thanh nhập của nhĩ như vậy rồi nên không ưa thích nhĩ thức, lìa bỏ dục của nhĩ thức. Nhĩ thức không phải ta, ta không phải nhĩ thức. Xúc, thọ, tưởng, tư cũng đều như vậy.

Tỳ-kheo kia lại quán hương nhập của tỷ (mũi). Do nhân duyên của tỷ, nhân duyên của hương, nhân duyên của niệm mà sinh ra tỷ thức hoặc gần hoặc xa, ưa thích hoặc không ưa thích, thơm hoặc hôi, do gió thổi hòa hợp lại, nhờ gió mà nghe mùi. Tỷ là nội nhập, hương là ngoại nhập, do ba sự hòa hợp mà sinh xúc, xúc cùng với thọ, tưởng, tư cùng sinh. Biết tướng của nó rồi, quan sát tướng của hương nhập nơi tỷ, biết tướng của nội xúc thì biết tướng của xúc, tướng của tư đều bình đẳng. Đối với pháp này duyên dựa vào một tướng nhờ vào nhân duyên khác. Khác đó nghĩa là mỗi pháp có mỗi tướng khác nhau, mỗi pháp có mỗi thể khác nhau. Tướng khác do như đã nói ở trong mười pháp đại địa. Như vậy tất cả các pháp đều có mỗi tướng riêng biệt, không phải là một tướng, một nhân duyên mà tạo ra được. Tỳ-kheo kia biết rõ về hương nhập của tỷ như vậy, biết rõ tìm hiểu kỹ thì vật này có gì lâu bền? Vật này có gì là thường còn? Có vật nào không bị hư hoại? Nhập này là vô thường, khổ, không, vô ngã. Người kia biết hương nhập của tỷ đều không phải là ta, không phải là của ta. Chánh tri như vầy: Do phân biệt mà có hương nhập của tỷ, nó là sợi dây trói buộc những chúng sinh ngu si, không phải là người có trí tuệ. Tỳ-kheo quán xét về một loại như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo quán vị nhập của thiệt (lưỡi). Do các duyên như niệm… mà sinh thiệt thức. Do ba sự hòa hợp sinh xúc, xúc cùng với thọ, tưởng, tư cùng sinh. Nó tùy thuận cảm giác gọi là tưởng của thọ, tri là tướng của tưởng, đối là tướng của xúc, tưởng là tướng của tư. Tưởng lại duyên dựa với tướng, nhưng pháp đó mỗi mỗi đều có tướng riêng của nó, lại tướng bình đẳng chỉ do các nhân duyên khác nhau tạo thành, tất cả nhân duyên ấy cộng lại thành một việc. Giống như có ống bễ, kềm, bột, nước, vò và người thợ vàng mà làm ra chiếc nhẫn hoặc chiếc xuyến. Như vậy pháp không do một tướng mà thành. Vị nhập của thiệt này cũng như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quán kỹ về thiệt nhập cùng với vị nhập. Quán như vậy rồi thì biết vị nhập của thiệt kia không thiếu một pháp nào. Thường, lạc, ngã, tịnh, tất cả pháp đó, tư duy một cách vi tế thì không phải do một pháp, một tướng nào tương ưng cả. Nên người kia xa lìa nhiễm về thiệt nhập, vị nhập. Còn tất cả chúng sinh đều chìm đắm trong biển ấy, biển vị hỷ lạc làm chướng ngại lẫn nhau, cho nên chúng sinh bị trói buộc trong biển lớn của năm đường thiên, nhân, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Tỳ-kheo kia đối với vị nhập của thiệt mà lìa dục và được giải thoát. Thiệt nhập không phải là ta, ta không phải thiệt nhập. Nó là vô thường, chẳng phải là vật độc lập, cũng chẳng phải không động, chẳng phải là không bị hủy hoại, chẳng phải là vị nhập của thiệt. Tỳ-kheo kia như thế là lìa được nhiễm dục.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quán xúc nhập của thân. Do nhân duyên thân, nhân duyên xúc mà sinh thân thức. Do sự hòa hợp mà sinh xúc, xúc cùng với thọ, tưởng, tư cùng sinh. Như trước đã nói về nhập của nhãn căn, thì xúc nhập của thân này cũng nên biết như vậy.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ-kheo kia đã quan sát về mười sắc nhập rồi, làm sao quán pháp nhập?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Thấy trong pháp nhập kia bao gồm ba loại pháp. Đó là diệt, do các duyên, diệt không do các duyên và pháp hư không. Vô vi pháp cũng thuộc vào pháp nhập. Quan sát như vậy thì pháp hư không kia cũng là pháp nhập.

Diệt do các duyên pháp này gọi là trí, vô lượng vô số pháp đều đã chứng đắc. Thuận hành với các duyên với sự chứng đắc đó để đoạn trừ các phiền não, làm cho phiền não kia diệt tận, đều bị hủy hoại. Tất cả pháp vô lậu chẳng phải là các duyên. Chúng không do các duyên nên gọi là trí, chứ chẳng phải thọ, chẳng phải tri, chẳng phải là giác, cũng chẳng phải là nghi. Thức của người khác có trong trăm ngàn đời, tất cả đều không có các thức của nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, chúng đã bị hủy hoại rồi không còn sinh lại nữa. Như vậy gọi là diệt không do các duyên, không phải do các duyên ấy là hư không thứ ba. Biết ba pháp này không sinh là thường, chẳng phải thuộc về ba đời. Nó không phải là đang sinh, không phải là đã sinh và cũng chẳng phải là sắp sinh.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia đối với hai loại pháp nhập, phân biệt từng loại là sắc hay vô sắc. Sắc là mười sắc nhập.

Thế nào là nhãn thức phi kiến, phi đối, kiến, đối thấy sắc?

Như vậy, nhĩ thức, phi kiến, phi đối làm sao giữ lấy âm thanh?

Như vậy, tỷ thức, phi kiến, phi đối làm sao giữ lấy mùi hương?

Như vậy, thiệt thức, phi kiến, phi đối làm sao giữ lấy mùi vị?

Như vậy, thân thức, phi kiến, phi đối làm sao giữ lấy sự tiếp xúc?

Năm nhập bên ngoài kia, năm nhập bên trong này, phi kiến, phi đối mà cùng với kiến, đối làm sao hợp nhau?

Tỳ-kheo kia quan sát như vầy: Khi nhãn thức sinh có hai loại duyên dựa ấy, cho đến ý thức đều có hai loại. Như vậy, thức sinh giống như con dấu in trên vật, vật không giống ấn. Ấn mềm mà vật cứng thì không thể in được. Ấn cứng vật mềm thì mới in ra chữ. Như vậy, thức không có kiến, đối, nó duyên lấy kiến, đối của tất cả các pháp, nếu in lần thứ ba thì vật không giống nhau, hiện ra không giống nhau các pháp cũng vậy, các vật không giống nhau, sinh ra không giống nhau. Đạt đến chỗ thứ nhất, đạt đến chỗ thứ hai thì hai pháp này giống nhau, hiện sinh trở lại giống nhau. Nghĩa là chỉ trắng thì may thành áo trắng. Đạt đến chỗ thứ ba thì không tương ưng với hai loại đầu nên sinh không tương ưng. Giống như bó đuốc đang cháy, do lửa và cây mà tạo nên nhưng thấy chúng không tương ưng. Đạt đến chỗ thứ tư, thấy từ vật lỏng mà sinh vật đặc. Giống như sữa sinh ra sữa chua. Sữa thì lỏng mà sữa chua lại đặc. Pháp kia như vậy là không tương ưng. Như vậy như vậy, pháp không tương tự tức như nhãn thức… các thức do nhân riêng, duyên riêng mà sinh ra nhãn thức…

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ai thích giác tri pháp
Mà hành thiền trong rừng
Chánh giác biết rõ tướng
Đạt đến chốn Vô thượng.
Thường thích hành từ bi
Siêng năng nơi cõi pháp
Biết rõ tướng của thân
Gọi là chân Tỳ-kheo.
Ai chánh ý quan sát
Không bị dục, sân phá
Người đó là Tỳ-kheo
Ngược lại thì không phải.
Ai thương xót chúng sinh
Xả bỏ những tham luyến
Gỡ bỏ các dây trói
Gọi là chân Tỳ-kheo.
Ai điều phục được tâm
Cảnh giới không hủy hoại
Tinh khiết như vàng ròng
Là Tỳ-kheo biết đủ.
Ai với yêu hay ghét
Không làm bẩn tâm ý
Nên biết làm thiện kia
Xả ly tất cả lỗi.
Oai nghi không bị chê
Theo pháp điều phục căn
Ý dũng mãnh thanh tịnh
Như thế là Tỳ-kheo.
Ai luôn luôn hỷ lạc
Biết nghĩa trong kinh luận
Không đắm nhiễm ăn uống
Là Tỳ-kheo tịch tĩnh.
Sống trong rừng thanh vắng
Gò mả, cỏ làm tòa
Cho đó là an vui
Như vậy là Tỳ-kheo.
Biết rõ lỗi nghiệp tội
Đạt thấu các quả nghiệp
Biết rõ nhân và duyên
Là Tỳ-kheo lìa ác.
Phá đồng trống sinh tử
Diệt ác, điều phục căn
Gần gũi bạn tri thức
Là Tỳ-kheo tịch tĩnh.
Được khen, lòng không mừng
Bị chê, tâm không buồn
Sâu xa như biển cả
Là Tỳ-kheo tu hành.
Ý vững, giấu lỗi người
Không ưa lời trau chuốt
Nói năng khéo cung kính
Là Tỳ-kheo tịch tĩnh.
Biết nhân nghiệp Dục giới
Lại biết nhân sắc giới
Biết cả nhân vô sắc
Là Tỳ-kheo thông luận.
Không thích lời thế tục
Thích đoạn trừ các lỗi
Thấy cảnh giới như độc
Phật nói là Tỳ-kheo.
Coi dục như bùn nhơ
Làm theo như ý nghĩ
Người trí mở tâm ý
Thoát khỏi dây sinh tử.
Ai lo chuyên thiền tụng
Xa lìa ma biếng trễ
Làm lợi cho chúng sinh
Là Tỳ-kheo vắng lặng.
Ai trả lời vấn nạn
Biện tài, điều phục căn
Biết đó là Pháp sư
Nếu không như cây cỏ.
Ai thân hành, ý hành
Tất cả không mỏi mệt
Công việc của chúng Tăng
Có thể làm hết thảy.
Mà không cầu của cải
Không ham giàu, ham danh
Chỉ làm lợi ý tăng
Giải thoát các trói buộc.
Trì giới không mong Thiên
Cũng không cầu danh lợi
Trì giới vì Niết-bàn
Là Tỳ-kheo tịch tĩnh.
Nên xa lìa các ác
Chỉ thích làm điều lành
Không gần gũi bạn ác
Là Tỳ-kheo Phật pháp.
Lấy từ để tu tâm
Ý cung kính chân thật
Học giới không khiếm khuyết
Cách Niết-bàn không xa.
Thường sợ già bệnh chết
Không ham vui thế gian
Tu thiền không phóng dật
Cách Niết-bàn không xa.
Người nào biết vô thường
Mình người đều vô ngã
Tu thiền, trí thượng, thượng
Cách Niết-bàn không xa.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ-kheo kia đạt được Địa thứ năm rồi và làm sao để chứng đắc Địa thứ sáu?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Thấy Tỳ-kheo kia hiểu rõ về chỗ đạt đến thứ tư.

Pháp này vì sao có nhân tương tự được quả tương tự? Không có nhân tương tự thì không có quả tương tự? Nhân không tương tự thì quả không tương tự, có nửa tương tự và nửa không tương tự?

Thế nào là có nhân tương tự được quả tương tự? Ví như nhân lúa lại sinh ra lúa. Như vậy, nội tương tự thì nghiệp thiện tương tự. Được quả ấy thì ở trong hàng trời, người là đạt đến chỗ đầu tiên.

Thế nào là không có nhân tương tự thì không có quả tương tự? Ví như sữa ngọt sinh ra sữa chua, không thể ưa thích. Như vậy, nội không tương tự, nghĩa là do ái nhiễm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc… ở nơi đời này mà đưa đến cái quả không ưa thích ở địa ngục. Quả không đáng ưa thích giống như sữa chua. Đây là đạt đến chỗ thứ hai.

Thế nào là nhân không tương tự, quả không tương tự? Giống như màu xanh hợp với màu khác thì màu ấy không tương tự. Như vậy, nội không tương tự nghĩa là quả báo, nghiệp đều không giống nhau, chẳng phải nghiệp quả của nó, đó là tà kiến, trai pháp của ngoại đạo giết dê để trông mong sinh lên cõi trời, nên bị đọa vào địa ngục. Đây là đạt đến chỗ thứ ba.

Thế nào là nửa tương tự và nửa không tương tự? Giống như chỉ trắng thì may thành áo màu trắng. Chỉ nhỏ áo thô là không tương tự. Như vậy, nội nửa tương tự nửa không tương tự. Nghiệp bất thiện tế mà mắc quả báo bất thiện thô trong đại địa ngục. Đây là đạt đến chỗ thứ tư.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia trong tâm tư duy rồi, không giữ lấy nghiệp quả, lại tư duy tiếp và quán nghiệp quả khác hoạt động, trong đó như bánh xe quay tròn. Có bốn chỗ đạt đến:

Có nghiệp chưa đến, mọi người cùng tạo mới có thể gây bức não. Đây là đạt đến chỗ thứ nhất.

Có nghiệp đến rồi mới có thể gây bức não. Đây là đạt đến chỗ thứ hai.

Có nghiệp đến hoặc chưa đến đều có thể gây bức não. Đây là đạt đến chỗ thứ ba.

Có nghiệp chẳng phải là đến, cũng chẳng phải là chưa đến. Đây là đạt đến chỗ thứ tư.

Có nghiệp chưa đến, mọi người cùng tạo mới có thể gây bức não. Như pháp thế gian: Sao tuy chưa hiện ra mà đất nước bị tai ương. Pháp xuất thế gian: như nhãn thức chưa đến mà biển nghiệp có thể gây bức não. Đó là những bức não của tâm dục, ưu bi. Đây là đạt đến chỗ đầu tiên.

Có nghiệp đến rồi mới có thể gây bức não, giống như pháp thế gian: Lửa đến mới đốt, dao đến mới cắt. Như pháp xuất thế gian: Nghiệp bất thiện đến, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh gây bức não. Đây là đạt đến chỗ thứ hai.

Có nghiệp đến hoặc chưa đến đều có thể gây bức não. Như pháp thế gian: Thế lực của chú độc hại đến hoặc chưa đến đều có thể gây bức não. Như pháp xuất thế gian: Khi người sắp chết có tướng trông mong đừng đến địa ngục. Đây là đạt đến chỗ thứ ba.

Có nghiệp chẳng phải là đến hoặc chẳng phải là chưa đến. Giống như những cây thuốc trong thế gian, chẳng phải là có sức sinh, chẳng phải là chưa có sức sinh. Còn xuất thế gian cũng lại như vậy. Tỳ-kheo La-hán quyết định thọ nghiệp, lượng như Tu-di. Vị A-la-hán kia nhập Niết-bàn hoặc chưa nhập Niết-bàn, nghiệp ấy cũng không thể gây bức não vị La-hán. Đây là đạt đến chỗ thứ tư.

Có nghiệp thọ đời hiện tại mà không thọ đời vị lai. Đây là đạt đến chỗ đầu tiên.

Có nghiệp thọ đời sau mà không thọ đời hiện tại. Đây là đạt đến chỗ thứ hai.

Có nghiệp thọ đời sau cũng thọ đời hiện tại. Đây là đạt đến chỗ thứ ba.

Có nghiệp không thọ đời hiện tại, cũng không thọ đời sau. Đây là đạt đến chỗ thứ tư.

Nghiệp nào thọ đời hiện tại mà không thọ đời vị lai? Như ở thế gian: Phạm phép vua bị luật pháp của vua trị phạt. Nghiệp này thọ đời hiện tại mà không thọ đời vị lai. Như xuất thế gian: Tu hành bố thí được người thiện tán thán. Nghiệp này thọ đời hiện tại mà không thọ đời vị lai. Đây là đạt đến chỗ thứ nhất.

Nghiệp nào thọ đời vị lai và không thọ đời hiện tại? Như thế gian: Vào lửa được sinh Thiên. Như xuất thế gian: Đời này hành thiện hoặc hành bất thiện thì đời khác bị quả báo. Điều này có thể thấy ở đời hiện tại. Đây là đạt đến chỗ thứ hai.

Nghiệp nào thọ đời hiện tại cũng thọ đời vị lai? Như ở thế gian: Thọ đời hiện tại mà đời sau cũng thọ. Xuất thế gian cũng vậy. Đây là đạt đến chỗ thứ ba.

Nghiệp nào không thọ đời hiện tại cũng không thọ đời vị lai? Như thế gian: Không nói trì giới, không nói bố thí. Xuất thế gian: Nghĩa là nghiệp vô ký chẳng phải thọ đời hiện tại, không thọ đời vị lai. Đây là đạt đến chỗ thứ tư.

Tỳ-kheo kia ngồi nơi am tranh mà quán như vầy: Có vô lượng mạng lưới của nghiệp, quả báo trùm khắp trong các cõi: Trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Thấy, biết như vậy rồi tùy thuận theo pháp mà thực hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Làm sao Tỳ-kheo kia biết được quả báo của nghiệp?

Nghĩa là biết nghiệp như vậy thì biết quả của nghiệp như vậy. Biết thiện, bất thiện, biết chúng sinh này đã tạo tác hạnh ác về thân, tạo tác hạnh ác về khẩu, tạo tác hạnh ác về ý, hủy báng bậc Hiền thánh, đó thuộc về tà kiến. Người kia vì nhân duyên của nghiệp mà khi qua đời bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu có chúng sinh nào thành tựu hạnh thiện về thân, thành tựu hạnh thiện về khẩu, thành tựu hạnh thiện về ý, ca ngợi bậc Hiền thánh, đó thuộc về chánh kiến. Người kia do nhân duyên của nghiệp mà sau khi qua đời được sinh vào đường lành nơi cõi trời.

Tỳ-kheo kia quan sát như vầy: Tất cả đều từ pháp nghiệp báo. Tỳ-kheo kia quan sát rồi không cùng hoạt động chung với chúng sinh nơi ma giới, cuối cùng đạt đến Niết-bàn.

Như vậy, hành theo pháp là tu hạnh xa lìa nhàm chán, siêng năng hành nẻo thiện, cuối cùng chấm dứt sinh tử, cứu giúp người khác khiến họ vượt qua sinh tử. Tự độ rồi độ người khác. Tỳ-kheo biết pháp của nghiệp báo, quan sát các pháp của các nẻo nghiệp báo nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, trời, người. Giống như viên ngọc Tỳlưu-ly thanh tịnh, vì trang sức mà lấy dây xỏ xuyên qua tùy theo màu sắc nơi sợi dây xanh, vàng, đỏ, trắng, tía… thì thấy màu sắc của nó hiện lên. Như vậy, viên ngọc nghiệp bị dây quả báo xâu vào. Tỳkheo kia thấy, nghe, biết hoặc thấy bằng Thiên nhãn một cách thanh tịnh, sáng suốt.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia thấy hoặc nghe biết về pháp nghiệp báo giống như viên ngọc kia. Ví như có một viên ngọc báu màu trắng tinh khiết, thanh tịnh không có tỳ vết. Dùng vật thanh tịnh xâu vào mài giũa khéo léo, hoàn toàn là thù thắng, được tất cả người đời khen ngợi. Vua và các vương hầu sử dụng. Công đức của viên ngọc thanh tịnh đó chỉ có vua, các vương hầu mới biết giá trị của nó, dùng nó làm những vật trang sức. Như vậy, Tỳ-kheo kia có mười nghiệp đạo thiện là viên ngọc báu trong lành, hoàn toàn tinh khiết thanh tịnh, lìa bỏ những cấu bẩn, không còn tỳ vết, dùng vật thanh tịnh xâu vào có pháp đối trị, có uy lực lớn để trả lời các vấn nạn về pháp, đó chính là Pháp sư, lấy dùi pháp xuyên vào mài giũa khéo léo. Như vậy nguyện bố thí, trì giới, tu trí tuệ, tu sửa viên ngọc mười nghiệp đạo thiện rồi, thì theo sở nguyện làm Chuyển luân thánh vương, hoặc làm Thiên vương, Ma vương, Phạm thiên, tu thiền vô lậu đạt được Tam-muội tự tại. Người kia khéo léo tu sửa viên ngọc chánh pháp gọi là phổ môn. Phổ môn này gọi là cửa trời, người. Viên ngọc chánh pháp kia gọi là phổ môn, ra khỏi thành thế gian rồi nhập vào cửa Niết-bàn, được tất cả thế gian ca ngợi, được người chánh kiến, học nhân ca ngợi. Vua và các vương hầu sử dụng, vào chánh pháp chánh ứng với đạo tâm. Nếu mọi người tin viên ngọc Tỳ-lưu-ly kia có đầy đủ công đức thì ngọc báu ấy tương tự giống với viên ngọc chánh pháp.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quan sát về pháp nghiệp báo giống như viên ngọc kia. Ví như có viên ngọc, viên ngọc ấy có tỳ vết, không thanh tịnh hoàn toàn, không tinh khiết hoàn toàn, không thể lấy dùi xuyên qua, không thể mài giũa, mọi người thấy nó không khen ngợi, chẳng phải vật được vua sử dụng. Tám đạo hạnh chánh pháp Phú-cala là vua của tâm. Viên ngọc ngoại đạo kia không ứng hợp với tám Thánh đạo. Các pháp ấy tương đối giống nhau, viên ngọc phi pháp có tỳ vết nếu cột vào cổ người, viên ngọc tương tự kia vì cột vào cổ người nên từ vô thỉ đến nay chúng sinh luân chuyển theo sinh tử mãi trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Tỳ-kheo kia quan sát viên ngọc giống với viên ngọc. Ví như thế gian có viên ngọc lưu ly giống với viên ngọc Tỳ-lưu-ly, có người trông thấy nói đó là viên ngọc Tỳ-lưu-ly. Kẻ phàm phu ngu si cũng như vậy.

Tỳ-kheo kia biết rõ về pháp và phi pháp rồi, đạt được Địa thứ bảy. Dạ-xoa sống trên đất thấy Tỳ-kheo kia trì giới thanh tịnh đạt được Địa thứ bảy, sinh tâm vui mừng, nói với Dạ-xoa nơi hư không. Dạ-xoa nơi hư không tâu với Tứ Đại vương, Tứ Đại vương tâu với Tứ Thiên vương, Tứ Thiên vương tâu lại trời Tam thập tam, trời Tam thập tam nói với vua Đế Thích, vua Đế Thích tuần tự nói với trời Diệm-ma, trời Diệm-ma nói với Thiên chủ Đâu-suất-đà, Thiên chủ Đâu-suất-đà thưa đầy đủ với Thế Tôn Di-lặc, Thế Tôn Di-lặc nói với trời Hóa ứng, trời Hóa ứng nói với trời Tha hóa tự tại:

–Trong cõi Diêm-phù-đề có thiện nam… tuần tự như trước đã nêu rõ.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ-kheo quan sát về pháp nghiệp báo như thế nào?

Pháp thứ mười một gọi là vô tác, thuộc về sắc, trong tất cả các pháp nó tương ưng với sắc. Nếu người nào thọ giới, khi trao giới mà buồn ngủ, hoặc xỉu, hoặc thất niệm, cuồng loạn nhưng các pháp thiện đó vẫn chuyển hành liên tục, giống như dòng sông chảy liên tục không gián đoạn. Người kia cũng vậy, buồn ngủ, xỉu, thất niệm, cuồng loạn như thế mà vô tác vẫn hoạt động không gián đoạn. vô tác là sắc nhưng không thể kiến và đối, thế thì tại sao thuộc về của nghiệp sắc. Sắc vô tác này chính là cây trụ của tất cả pháp thiện. Đây là sắc thứ mười một.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quan sát như vầy: Vì sao chúng sinh có các loại sắc, có các loại đạo, có các loại hình tướng, các loại nương dựa. Người kia quan sát có các loại tâm, các loại nương dựa, các loại tin hiểu, các loại nghiệp. Như vậy, các loại sắc, các loại hình tướng, các loại đạo, các loại nương dựa ví như người họa sĩ khéo léo có đầy đủ trí tuệ hoặc đệ tử của ông ta quan sát nền tốt, bằng, cứng, láng, đẹp. Được nền như thế rồi với tất cả màu sắc rực rỡ, các màu đều khác nhau, đẹp hoặc xấu, ông ta vẽ tùy ý. Hình tướng kia là tâm nghiệp nơi họa sĩ và đệ tử của ông ta. Cũng như vậy, tốt, bằng, cứng, láng là nền của quả báo nơi nghiệp. Cảnh giới sinh tử tùy theo sự hiểu biết của ông ta mà vẽ ra các loại hình tướng, các loại đạo, các loại nương dựa. Tâm nghiệp nơi họa sĩ là chúng sinh tạo nghiệp.

Lại nữa, các màu sắc rực rỡ kia, nếu lấy màu trắng thì làm màu trắng, lấy màu đỏ làm màu đỏ, lấy màu vàng làm màu vàng, lấy màu bồ câu làm màu bồ câu, lấy màu đen làm màu đen. Tâm nghiệp nơi họa sĩ cũng như vậy. Duyên với trắng thì nắm lấy màu trắng, đối với cõi trời, người thì thành màu trắng.

Sao gọi là màu trắng? Nghĩa là không bị các dục lậu cấu uế làm ô nhiễm nên gọi là màu trắng.

Lại nữa, tâm nghiệp nơi họa sĩ nắm lấy màu đỏ, đối với cõi trời, người có thể làm màu đỏ. Sao gọi là màu đỏ? Nghĩa là ái nhiễm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc mà vẽ và quan sát về bức tranh.

Lại nữa, tâm nghiệp nơi họa sĩ nắm lấy màu vàng, đối với hàng súc sinh có thể làm màu vàng. Sao gọi là màu vàng? Kia đây trái ngược nhau, ăn thịt uống máu lẫn nhau, tham dục, sân, si sát hại lẫn nhau. Cho nên gọi là màu vàng.

Lại nữa, tâm nghiệp nơi họa sĩ nắm lấy màu bồ câu, duyên dựa mà quan sát. Ở trong đường ngạ quỷ mà vẽ làm màu bồ câu. Sao gọi là màu bồ câu? Nghĩa là thân người kia giống như lửa đốt cây rừng, bị tất cả khổ não bức bách, đói khát dằn vặt. Tâm nghiệp nơi họa sĩ bị trói buộc do ganh tỵ, bị si ám che lấp.

Lại nữa, tâm nghiệp nơi họa sĩ nắm lấy màu đen. Ở trong địa ngục mà vẽ màu đen. Sao gọi là màu đen? Do nghiệp đen nên sinh trong địa ngục có tường sắt đen, bị thiêu, bị cột khiến cho thân trở thành màu đen, gây nên các loại bệnh, thân bị đói khát. Bị vô lượng khổ não bức bách đó đều do mình tạo nghiệp chứ chẳng phải người khác tạo.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quan sát về bức tranh sinh tử đầy màu sắc của năm đường nơi tam giới. Trụ trong ba địa, đó là Dục giới địa, Sắc địa và Vô sắc địa. Tâm nghiệp nơi họa sĩ huân tập gần dâm dục, duyên dựa theo Dục giới mà vẽ nhiều màu sắc, duyên vào chỗ dựa của sắc mà chia ra có hai mươi loại. Tứ thiền ly dục làm cây bút vẽ, y vào mười sáu địa để làm chỗ vẽ, mà vẽ thành Sắc giới. Xa lìa duyên Sắc giới mà chứng Tam-ma-bạt-đề. Duyên vào Vô sắc giới mà vẽ là bốn xứ. Tâm nghiệp nơi họa sĩ vẽ rộng như vậy thành chiếc áo lớn về tam giới.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quan sát tâm nghiệp nơi họa sĩ như vầy: Nếu lấy pháp khác vẽ thành chúng sinh. Tâm giống như họa sĩ, thân như màu sắc và đồ vẽ, tham dục, sân, si cho là sự kiên cố, tâm duyên dựa giống như cái thang, căn như bút vẽ, các cảnh giới bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc giống như tất cả màu sắc, sinh tử như cái nền, trí như ánh sáng, siêng năng tinh tấn dũng mãnh như cái tay, chúng sinh như bức tranh, thần thông như vô lượng hình tướng của sắc phục kia, bị vô lượng các loại quả báo, nghiệp như bức tranh đã hoàn tất.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia dựa vào thiền mà quan sát tâm nghiệp nơi họa sĩ và các pháp khác. Nếu họa sĩ không bị mỏi mệt, khéo sửa lại các màu sắc để cho tất cả đều sáng sủa, thanh tịnh, khéo biết cây bút tốt để vẽ màu sắc cho đẹp. Tâm nghiệp nơi họa sĩ cũng như vậy, không sinh mỏi mệt mà tu thiền định, khéo tu sửa lại màu thiền, duyên dựa với sự sáng suốt thanh tịnh như ánh sáng của màu sắc rực rỡ kia. Vị tu tập đạo giống như cây bút tốt đẹp. Biết thiền cao, thấp giống như khéo biết ý thức được cái nào giữ cái nào xả, không mỏi mệt như thiền định, tâm nghiệp nơi họa sĩ vẽ các tầng thiền giống như các màu sắc rực rỡ kia. Tâm nghiệp nơi họa sĩ ấy nếu bị mỏi mệt thì vẽ chỗ bất thiện: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Cùng một nhân duyên của nghiệp như vậy: Chày sắt làm cây bút vẽ màu sắc bất thiện, vẽ không phải là vật dụng cho con người đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Những màu sắc như vậy không thể thành bức tranh tốt đẹp, nói rộng như trên.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia tuần tự quan sát cái tâm khỉ, vượn, như thấy con khỉ vượn. Con khỉ, vượn kia nhảy nhót lung tung, quấy phá không chịu đứng yên. Hết thảy cành, lá, hoa quả, rừng cây, những nơi hốc núi, hang sâu ngoằn nghèo nó đi đều không bị chướng ngại. Tâm khỉ, vượn cũng lại như vậy, đi nơi năm đường sai khác như các loại cây. Các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh giống như rừng cây kia. Vô lượng chúng sinh như các cành. Ái như hoa lá. Phân biệt yêu mến sắc, thanh, hương, vị, xúc… cho là các quả, đi trong núi ba cõi, thân như hang sâu, đi không bị chướng ngại đó là tâm khỉ, vượn. Tâm khỉ, vượn ấy thường đi trong vùng đất sinh tử của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia dựa vào thiền mà quan sát ca kỹ của tâm, như thấy ca kỹ kia cầm các nhạc khí, diễn các trò chơi trên sân khấu. Ca kỹ của tâm cũng lại như vậy. Sự thay đổi của nghiệp giống như thay đổi áo quần, sân khấu là nơi chốn của năm đường, hết thảy đồ trang sức là tất cả nhân duyên, các loại nhạc khí là cảnh giới, trò chơi của ca kỹ, là trò chơi nơi sinh tử. Tâm là ca kỹ. Do tạo tất cả những vui chơi mà từ vô thỷ vô chung mãi chạy dài trong sinh tử.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia dựa vào thiền mà quan sát tâm cá di-nê, như thấy cá di-nê. Ví như cá di-nê ở dưới sông, nếu nước sông có sóng lớn, sâu và chảy xiết khó vượt qua, có thể cuốn trôi vô lượng cây cối, sức mạnh của nước sông dữ dội không thể nào ngăn chận, hoặc nước từ trong khe núi chảy cuồn cuộn ra suối sông, thế mà cá di-nê có thể ra vào, bơi đi hoặc ở một chỗ an nhiên. Tâm cá di-nê cũng lại như vậy. Ở trong sông Dục giới sóng lớn dữ dội mà tâm có thể ra vào, đi ở mặc sức. Trong địa ngục có sông tên Tỳ-đa-la-nê.

Sông ấy rất sâu, sóng lớn dữ dội dâng cao khủng khiếp, không lúc nào dừng, thật là đáng sợ chính là dòng nước chảy nhanh xoáy vòng. Nghiệp thiện, bất thiện tức là dòng nước khó có thể qua. Tất cả kẻ phàm phu ngu si trong thế gian không thể vượt qua. Sông năm đường này thường cuốn trôi chúng sinh trong vô lượng kiếp, dòng nước chảy nhanh xiết của cảnh giới không gián đoạn, thế lực bạo ác khó có thể ngăn chận, liên tục không thường, bị thế lực của nó kéo lôi không thể cưỡng lại được. Sông ái dữ dội nhưng tâm cá di-nê vẫn có thể ra vào, đi đứng mặc sức. Đi ra là hàng trời, người, đi vào là các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ở trong sông ái, tâm cá di-nê ra vào cũng lại như vậy.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ-kheo kia quan sát như vầy: Làm sao tu thiền niệm trụ để biết về pháp nghiệp báo, quan sát tâm của tất cả chúng sinh, thường hành động phóng túng, do tâm sai khiến, do tâm trói buộc.

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Tất cả tâm nghiệp của chúng sinh đều phóng túng, lại dựa vào tâm nghiệp mà hành động nên bị tâm sai khiến.

Người kia lại quan sát tiếp: Vì sao chúng sinh từ vô thỉ vô chung bị trói buộc xoay chuyển trong vô lượng kiếp theo vòng sinh tử?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Do tâm bị nhiễm dục nên chúng sinh bị trói buộc, do tâm thanh tịnh nên chúng sinh được giải thoát. Như vậy tâm có vô lượng tướng hoại của duyên dựa, tướng hoại của tự thể, tướng hoại của đồng nghiệp. Tâm có năm thứ, tức là trong năm đường luôn bị giam cầm, hòa hợp tương ưng với tâm kết sử, thường ở trong sinh tử, lìa chỗ dựa bậc nhất là ba pháp vô vi như hư không… tướng hoại của năm căn đều có năm loại tâm là chỗ nương dựa của vô lượng vô biên tâm ái là tất cả tướng hoại.

Tóm lại, đây là phần nhiễm. Vậy dùng phương pháp gì để lìa bỏ nhiễm thuộc ba phiền não căn bản? Có ba cách đối trị. Tất cả chư Phật Chánh Biến Tri ở quá khứ, vị lai đã giảng nói về chánh đạo như vậy. Tham lam dùng quán bất tịnh, sân dùng quán Từ bi, si dùng quán nhân duyên.

Người kia quán dục trong thân như vầy: Tỳ-kheo duyên vào thân, hành quán từng phần trong thân từ móng chân… cho đến đỉnh đầu, quan sát từng phần. Thân thô này có gì là ta, có gì là của ta? Trong phần của tự thân móng chân là như thế. Lìa thân quan sát, móng chẳng phải là thân. Ngón chân chẳng phải là thân, cái gì là thân? Cái gì là ta? Cái gì là của ta? Tay chân chẳng phải là thân, tâm khởi lên chỗ nào mà nói là của ta? Mắt cá này chẳng phải là thân của ta, gót chân chẳng phải là thân của ta, bắp chân chẳng phải là thân của ta, đầu gối chẳng phải là thân của ta, mặt chẳng phải là thân của ta, âm căn chẳng phải là thân của ta, cái đầu lâu này cũng chẳng phải là thân của ta, chỗ tiểu tiện chẳng phải là thân của ta, sau lưng có bốn mươi lăm đốt xương đều chẳng phải là thân của ta, đầu chẳng phải là thân của ta, xương mặt cũng chẳng phải là thân của ta, xương đầu chẳng phải là thân của ta.

Tỳ-kheo kia quan sát từng phần trong thân thể không có cái nào là thân của ta, trong mỗi mỗi phần đều không thấy có thân. Từng phần như vậy đều không thấy thân, cũng lại không thấy phần phần như thế. Người kia lại quan sát nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý đều không thấy gì là thân. Lại quan sát trong ngã không có cái ta. Tất cả những vật kia chỉ là vi trần. Như vậy, người kia quan sát từng phần trong thân giống như hạt cải, cho đến nhỏ như vi trần. Rồi người kia quan sát từng phần nơi các đại, cái gì là ngã? Cái gì là địa giới? Như vậy tuần tự cái gì là ngã? Cái gì là thủy giới? Cái gì là ngã? Cái gì là hỏa giới? Cái gì là ngã? Cái gì là phong giới? Người kia quan sát giới như vậy thì không có giới, không có ngã, không có ngã riêng biệt, không có giới riêng biệt, không có giới và ngã riêng biệt, ngoài ngã, giới không có vật. Tất cả như vậy đều là Đệ nhất nghĩa đế. Ví như có vô lượng cây hòa hợp lại thì thấy một khu rừng. Cây không phải là rừng, ngoài cây ra thì không có rừng, đó là Đệ nhất nghĩa đế. Như vậy, nếu ngoài cây ra thì không có gì riêng biệt là rừng. Lại quán về cây: Nếu lìa gốc, thân, cành, lá của nó ra riêng biệt thì không phải là cây. Đó là Đệ nhất nghĩa đế. Như vậy là không có cây nhưng dựa vào thế đế mà có rừng, có cây. Thân này cũng như vậy, chân tay… hòa hợp lại chỉ là cái tên. Vì dựa vào thế đế mà nói có thân.

Tỳ-kheo kia biết pháp của thân rồi thì lìa bỏ được dục của thân, lìa bỏ dục nơi từng phần trong thân, lìa bỏ được tất cả dục của căn, thọ, giới. Đã lìa dục rồi thì hỷ, dục, ái không thể trói buộc được nữa. Như vậy phải siêng năng quán cách đối trị tâm dục.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia làm sao dốc sức quán cách đối trị tâm sân? Người kia trú trong tâm từ, thường nỗ lực quan sát chúng sinh vì làm điều ác nên mãi sinh tử trong năm đường luôn luôn bị sợ hãi, giống như sợ chết không khác. Tỳ-kheo quán chúng sinh như mẹ thương con. Các chúng sinh kia bị khổ như vậy thì sao có thể sân giận họ? Nếu ta sân giận họ thì như trên mụt nhọt lại thêm một mụt nhọt nữa. Bản tánh chúng sinh đã khổ não như thế thì không nên sân giận họ. Sân là đại phiền não thứ hai, phải siêng năng quán cách đối trị tâm sân.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia làm sao dốc sức quán cách đối trị đại phiền não thứ ba? Chúng sinh vì si mê nên bị che lấp, thân tạo nghiệp bất thiện, khẩu tạo nghiệp bất thiện, ý tạo nghiệp bất thiện. Sau khi qua đời, bị đọa vào năm đường ác sinh trong địa ngục. Nếu người nào lìa bỏ ngu si, tu hành chánh kiến, thân làm điều lành, miệng nói điều lành, ý nghĩ điều lành, biết rõ pháp thiện và pháp bất thiện, biết rõ tâm đúng pháp và phi pháp thì diệt được đại phiền não thứ ba. Như vậy dốc sức quán về cách đối trị tâm si.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia siêng năng quán ba loại phiền não, ba cách đối trị và ba loại phiền não ấy diệt rồi thì tất cả kết sử phiền não đều diệt luôn. Giống như gốc cây bị chặt thì tất cả các phần như vỏ, thân, cành, lá, hoa, quả đều khô héo. Như vậy, nếu chặt đứt ba loại phiền não này thì tất cả phiền não đều diệt luôn.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ-kheo kia làm sao ở trong Địa thứ bảy, tu tập Địa thứ tám đạt được Địa thứ tám.

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn:

Tỳ-kheo kia đầu tiên quán đúng như thật về nhãn. Vì sao kẻ phàm phu ngu si trong thế gian khi mắt thấy sắc thì khởi lên tâm tham, sân, si? Kẻ phàm phu kia thấy tri thức hoặc phụ nữ thì sinh tâm tham, nếu thấy khác thì sinh tâm sân. Thấy đầy đủ đối tượng thì bị tham sân che lấp. Do nhãn thức đối với sắc không như thật nên tâm bị che lấp. Kẻ phàm phu ngu si do phân biệt nên khi nhãn thấy sắc thì bị tham, sân, si che lấp. Người tham ái tự ý phân biệt. Đây là ta, đây là cái của ta. Ái dục cấu nhiễm giống như con chó gặm cục xương. Do nước miếng, nước dãi chảy ra để mong ăn được chất tủy, mà con chó tham lam kia răng lợi bị chảy máu, rồi liếm mùi vị ấy, cho là trong cục xương. Nó không biết đó là máu của mình có mùi vị như vậy. Do tham đắm mùi vị nên nó không biết mình đã lần lượt cắn lưỡi của mình rồi lại tham đắm nơi mùi vị ấy. Do tham lam che lấp nên nó cho đó là mùi vị của nước trong xương. Kẻ phàm phu ngu si kia cũng lại như vậy. Do hư vọng phân biệt nên khi nhãn thức thấy sắc thì tham đắm hỷ lạc. Suy nghĩ, phân biệt lấy xương khô là sắc, bỏ trong miệng là đắm nhiễm nơi mắt. Cảnh giới giống như răng cắn xé. Ý cấu nhiễm giống như nước miếng. Máu ái chảy ra rồi lại tham đắm vào mùi vị của máu ái đó, cho sắc là ngon, được mùi vị của sắc, giống như con chó kia. Kẻ phàm phu ngu si khi nhãn thức thấy sắc, giống như sắc của cục xương, hư vọng phân biệt giống như con chó gặm cục xương. Quán như vầy: Mắt thấy sắc giống như thấy xương khô. Tất cả kẻ phàm phu ngu si do bị mê lầm mà phân biệt hư vọng.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia tư duy như vầy: Vì sao Tỳ-kheo kia sợ ái mà nhàm chán, xa lìa sinh tử, xả bỏ tất cả dục? Giống như con voi quý sống đến sáu mươi năm mà sức lực vẫn mạnh mẽ. Người khác điều phục voi, bắt cột năm chỗ của nó và bỏ trong chuồng. Sau đó mới dùng các thức ăn ngon, những thứ khiến nó vui vẻ, như mía ngọt và rượu mía ngọt… dùng các nhạc khí tấu lên ca hát để làm cho nó vui, không muốn nó buồn, không để nó nhớ đến những thứ vui trong rừng, lại khiến nó quên bẳng đi. Lại nhốt chung với những con voi thường, điều phục cho thật tốt, tạo sự hệ thuộc vào người khác. Con voi ấy tuy được nuôi dưỡng như vậy, lo lắng như vậy nhưng không thể nào khiến nó không còn sầu muộn, nó không thể nào quên cái vui lúc dạo chơi tự do trong rừng, không quên cây cối, hoa quả ở nơi chốn kia, các thứ tiếng chim hót, hoặc lúc vui đùa bên bờ sông. Suy nghĩ như vậy, nó liền giựt dây buộc bỏ chạy vì nó nhớ lại những cái vui thích kia, không sợ người điều phục, voi liền phá chuồng, rồi chạy về rừng, tâm không thèm nhớ lại đường cát, thức ăn ngon, mía ngọt và rượu mía ngọt, các âm thanh đàn hát. Những thứ ấy không thể nào điều phục được tâm nó, không thể dối gạt được voi, vì nó không quên những sự vui thích trong rừng, không thích ở chung với những con voi thường nên nó quyết trở lại chốn núi rừng.

Tỳ-kheo tu hành cũng lại như vậy. Từ vô thỉ đến nay lưu chuyển mãi trong thế gian, bị cột vào năm thứ trói buộc, đó là tham ái nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc. Người khéo điều thuận là sáu thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Nhà giam (chuồng) là sự yêu mến vợ con, quyến thuộc, chỗ nương ở. Nô bộc, tôi tớ, giàu sướng là sự ngăn che của phiền não cấu nhiễm. Những thức ăn uống, các thứ tạo sự vui vẻ, rượu mía ngọt, vô số những mùi vị ngon… Tâm phân biệt chính là các thứ tạo sự hoan hỷ. Dâm dục là thức ăn uống. Lưới ái nơi tâm là các thứ âm thanh ca nhạc, đùa giỡn. Kẻ phàm phu tà kiến giống như con voi thường. Cùng ở chung là lưới nghi thân kiến, giới cấm thủ và nghi. Chất ngọt trong miệng là ưa thích tà kiến. Hệ thuộc vào người khác là lệ thuộc vào dục, tham, sân, si. Voi được điều phục là người tu hành. Tất cả nhiễm, si, là sự cúng dường. Nhớ nghĩ, xuất ly tức là thiền trong núi. Tam-ma-đề là hang núi. Tâm sinh tám Chánh đạo đây gọi là hoa, Niết-bàn là quả. Âm thanh của các loài chim là Pháp sư, trí tuệ là sông, bờ sông là nhất tâm. Địa phận là bốn phạm hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả. Người tu hành giống như con voi mạnh mẽ, tùy thuận nơi hành trang an vui trong thiền định, hướng về Tăng-già-lam là trở lại với rừng. Như vậy người tu hành đạo cũng như con voi mạnh mẽ. Còn người không tu hành thì cũng như con chó không khác.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là Tỳ-kheo kia ở Địa thứ tám tu tập Địa thứ chín và chứng được Địa thứ chín.

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Tất cả sự vật nơi tam giới đều là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Quán tất cả dục cũng lại như vậy. Ví như cây cổ thụ cao to tên Khưthù-lê ở tận rừng sâu đầy hiểm trở, có rất nhiều gai góc, trái ở đầu ngọn cây đã ít mà cũng khó hái. Nếu lấy được trái ấy thì có nhiều tai họa: Sợ trái rơi xuống chỗ nguy hiểm, lại sợ mất mạng. Bụng cây có lỗ hổng, lỗ hổng ấy bị mục nát lõm vô. Ai leo lên cây đều sợ lỗ hổng mục nát ấy làm mất mạng. Cây ấy rất cao, nếu rớt xuống thì sẽ chết ngay, huống chi rớt xuống từ sườn núi cao hiểm ác. Kẻ phàm phu ngu si mắt mù không có trí, vì tham đắm các mùi vị, mong được nhìn thấy quả của cây kia, mà không xem cây ở nơi sườn núi cao lại có lỗ hổng mục nát. Người ngu si kia do tham đắm mùi vị của quả ấy mà leo lên cây, chưa tới gần quả thì bị rớt xuống đất chết ngay. Lại cũng có người khác biết chút ít về cách hái trái, hoặc có mạng sống lâu nên không bị rớt xuống, được chút ít mùi vị của quả đó nhưng cũng chịu nhiều khổ não.

Tỳ-kheo tu hành kia quán rừng năm đường ở giữa có lỗ hổng. Sườn núi cao vút hiểm trở kia là tất cả thứ bệnh hoạn. Cây Khư-thùlê là tâm tham dục. Vô số gai góc là vô lượng trăm ngàn thứ phiền não. Cầu khó nhọc để được quả kia gọi là khổ. Trái ở ngọn cây là tất cả ý dục. Tham ái về sắc, thanh, hương, vị, xúc khó mà có được là quả dục. Gọi là đi biển hoặc là sợ đao, gần gũi với vua, làm giặc để sống, chịu các khổ như vậy mới đạt được chỗ ham muốn của mình như người kia bị khổ. Có nhiều lỗi lầm là tham dục, sân, si. Rơi từ trên sườn núi cao là rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Chết ngay lập tức là mạng sống của chánh pháp bị diệt tận. Lỗ hổng mục nát nơi cây là sự trống không, không có một vật, tất cả đều không bền chắc. Người ngu si đến là đám người tà kiến ngu si. Bị vô lượng tội lỗi như vậy còn lại tạo thêm nhiều lỗi lầm. Như vậy quả dục mùi vị ít mà tai họa nhiều.

Tỳ-kheo kia quán xét tất cả tâm dục như vậy không sinh phân biệt.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia quan sát tâm dục giống như ngọn lửa, ngọn đèn. Màu sắc ánh sáng rất đáng ưa thích, nhưng chạm vào thì rất nóng. Đám phù du ngu, dại thấy ánh sáng của ngọn đèn tham đắm ái lạc nên bay vào liền bị chết ngay. Kẻ phàm phu ngu si cũng lại như vậy, bị dục, sân, si che lấp, tâm sinh đắm nhiễm với tất cả dục, giống như đám phù du kia thấy màu sắc ánh sáng của ngọn đèn. Nếu lao vào đèn dục tức là đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, giống như con phù du kia bay vào đèn mà chết.

Tỳ-kheo kia quan sát như vậy tâm lìa được dục.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp. Tất cả chúng sinh trong thế gian này bị trói buộc do loại dây nào mà luôn luôn phải sinh tử luân hồi?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Thấy chúng sinh bị hai sợi dây buộc chặt trong thế gian:

  1. Dây ăn
  2. Dây xúc.

Dây ăn có bốn:

  1. Đoàn thực.
  2. Tư thực.
  3. Thiền thực.
  4. Xúc thực.

Đoàn thực là chỗ của bốn châu thiên hạ, sáu cõi trời ở Dục giới, tám đại địa ngục và một phần thuộc ngạ quỷ.

Tư thực là trong loài cá.

Thiền thực là hành thiền của các cõi trời thuộc Sắc giới.

Xúc thực là các loài chim.

Thế nào là xúc? Xúc nghĩa là dục. Có cái cầm lấy, có cái vui chơi, có cái mắt thấy được tất cả đều bị dục xúc gạt lừa. Tất cả kẻ phàm phu ngu si cũng như vậy. Nghĩa là trong Dục giới, người, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục những cõi này đều làm theo dục cho nên gọi là Dục giới. Lại như Tam-ma-bạt-đề ở Vô sắc giới lấy sự duyên dựa làm thức ăn. Do hai sợi dây này mà luôn ở mãi trong thế gian, không lìa được dục, thường bị tất cả các kết sử trói buộc.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia, quán như thật về nhãn. Khi nhãn thức thấy sắc nếu sinh xúc vui thì duyên dựa theo vui, mà nghiệp báo không vui.

Lại quán như thật khi nhãn thức thấy sắc là chỗ không vừa ý. Nếu nhãn xúc sinh, duyên hợp với khổ đó là nghiệp báo vui. Người kia nhận biết như thật vì sao nói nhãn thức thấy sắc duyên hợp với vui nhưng không phải nghiệp báo vui? Ở trong pháp này tùy thuận quan sát: Nhãn thấy sắc rồi tư duy bất thiện, quan sát duyên dựa theo sự quan sát đó nhớ nghĩ về mùi vị rồi tham đắm mà sinh tâm vui thích, hiện tại tuy vui nhưng về sau chịu khổ báo, tạo nên địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Vì nghiệp gì mà trong hiện tại không được quả báo vui, về sau mới được quả báo vui? Nhãn thức thấy sắc sinh nhãn xúc, tư duy tâm thiện, quan sát duyên hợp đời hiện tại tâm không tham đắm, hiện tại tâm không hỷ lạc nên không bị nghiệp báo khổ. Sau sinh vào cõi trời, người được an vui thắng diệu, cuối cùng đạt Niết-bàn. Các thức nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng đều như vậy.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là Tỳ-kheo kia khi nhãn thức thấy sắc thì tâm hành xả?

Nghĩa là Tỳ-kheo kia khi mắt thấy sắc rồi, tâm không hỷ lạc, không phải là không hỷ lạc, không tham, không ghét, tâm không hy vọng, không phải là không hy vọng, không nhớ nghĩ, cũng không phải là không nhớ nghĩ, cũng không bị sự quan sát bất thiện che lấp. Hành xả như vậy gọi là xứ xả, chẳng phải là xứ khổ lạc.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia chứng được Địa thứ mười, hành từ Địa thứ sáu gọi là A-na-hàm trong địa Sơ thiền cho đến Tứ thiền. Đạt được Địa kia, người ấy quán các pháp sinh diệt còn, mất, thường siêng năng tu hành tám Chánh đạo, muốn giác ngộ, muốn đạt đến giải thoát.

Tỳ-kheo kia tinh tấn như vậy, cung ma sẽ bị che lấp. Dạ-xoa sống trên đất biết sự việc như thế rất hoan hỷ, nói với Dạ-xoa nơi hư không. Dạ-xoa nơi hư không tâu với Tứ Đại vương. Tứ Đại vương tâu với Tứ Thiên vương. Tứ Thiên vương tâu lại trời Tam thập tam. Trời Tam thập tam nói với trời Diệm-ma. Trời Diệm-ma nói với Thiên chủ Đâu-suất. Thiên chủ Đâu-suất nói với trời Hóa lạc. Trời Hóa lạc nói với trời Tha hóa tự tại. Trời Tha hóa tự tại nói với Phạm thiên.

–Trong cõi Diêm-phù-đề có thiện nam… nói rộng như trước, cho đến tám địa thâu giữ sáu địa.

Phạm thiên nghe xong rất vui mừng. Phạm-ca-di thiên xuất thiền đi dạo, nghe sự thật như vậy rồi trở nên vui mừng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Làm thiện hoặc bất thiện
Nhất định chịu nghiệp quả
Nghiệp ai gây nấy hưởng
Đều bị nghiệp trói buộc.
Như vậy đất phiền não
Ban đầu ngọt sau đắng
Lìa cảnh giới như độc
Vì nó không lợi ích.
Người trí không phiền não
Thuộc vào cảnh giới trí
Đời này hoặc đời sau
Luôn luôn được an lạc.
Người trí đốt phiền não
Như lửa đốt cỏ khô
Phiền não che trí, phạm
Nên Phật nói Tam bảo.
Ai thích cảnh giới trí
Tịch tĩnh như Mâu-ni
Rắn phiền não cắn ai
Người đó mất tất cả.
Người nào biết nhị đế
Dũng mãnh, thấy biết rõ
Là hành Đệ nhất đạo
Xả ly chốn sinh tử.
Nếu ai thích sinh tử
Hỷ lạc giặc phiền não
Người đó thường bị trói
Lưu chuyển nơi nguy hiểm.
Ai có tâm xuất ly
Thường hành hạnh tịch tĩnh
Chết sinh vào cõi trời
Đạt đến cõi Phạm thiên.
Ai không hỷ lạc dục
Cúng dường Phật, Pháp, Tăng
Người đó bỏ sinh tử
Như gió thổi cỏ khô.
Ai không bị tâm sai
Lại điều khiển được tâm
Có thể trừ phiền não
Như trời mọc trừ tối.
Tâm oán là thứ nhất
Không có oán nào hơn
Tâm thường đốt chúng sinh
Như phóng lửa đốt cây.
Ai tâm hành buông lung
Ngu si không hộ căn
Bị khổ, không tịch tĩnh
Cách Niết-bàn rất xa.
Biết khổ, quả báo khổ
Lại biết nhân của khổ
Thoát khỏi các trói buộc
Lìa hết các phiền não.
Trí là sáng bậc nhất
Si là tối tăm nhất
Có ánh sáng như vậy
Gọi là người trí tuệ.
Si là ác hơn hết
Người trí tuệ xả bỏ
Ai để si hoành hành
Thì khó được tịch tĩnh.
Ai muốn mình an ổn
Thà chạm vào lửa dữ
Hoặc ở chung rắn độc
Trọn không gần phiền não.
Trí: Cam lồ bậc nhất
Trí: An ổn bậc nhất
Trí: Người thân thứ nhất
Trí: Quý báu hơn hết.
Có lửa trí như vậy
Sẽ thiêu núi phiền não
Đốt núi phiền não kia
Được đến chỗ an lạc.
Nếu ai không trí tuệ
Như mù vào chỗ tối
Không nhàm chán tử sinh
Phi pháp luôn chế ngự.
Ai thường niệm chánh pháp
Thành con người lương thiện
Không bị tâm lừa gạt
Đáng được người cúng dường.

Tỳ-kheo kia biết pháp, phi pháp như vậy rồi, y theo chánh pháp mà hành trì. Tâm tịnh như vậy thì có thể phá trừ vô lượng trăm ngàn núi cao sinh tử, không còn sót gì cả, không sinh trở lại, lìa dao phiền não, gần với Niết-bàn.