SỐ 157
KINH BI HOA
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người Thiên trúc
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Quyển 1
Phẩm 1: CHUYỂN PHÁP LUÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ngự tại núi Kỳ-Xà-Quật, thuộc thành Vương Xá, cùng với đông đủ sáu vạn hai ngàn vị đại Tỳ-kheo Tăng đều là bậc A-La-Hán, đã sạch các lậu, không còn phát sinh phiền não, đã được hoàn toàn tự tại, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát, giống như voi chúa đã thuần thục trọn vẹn, việc làm đã xong, đã rũ bỏ gánh nặng, được tự lợi, cắt đứt các trói buộc; với trí tuệ chân chánh giải thoát, tâm được tự tại đối với tất cả, đã đạt đến bờ bên kia, chỉ trừ Tôn giả A-Nan.
Các bậc Đại Bồ-tát này có đến bốn trăm bốn mươi vạn vị, Bồ-tát Di-Lặc làm thượng thủ, đều được Đà-la-ni, nhẫn nhục, thiền định, hiểu rõ các pháp đều không, không có tướng nhất định. Các bậc Đại sĩ như vậy đều là bậc không còn thối chuyển.
Bấy giờ, có Đại Phạm Thiên vương cùng với vô lượng trăm ngàn các Phạm Thiên tử; Tha Hóa Tự Tại Thiên vương cùng quyến thuộc bốn trăm vạn vị; Hóa Lạc Thiên vương cùng với quyến thuộc ba trăm năm mươi vạn vị; Đâu-Suất Thiên vương cùng quyến thuộc ba trăm vạn vị; Dạ-Ma Thiên vương cùng quyến thuộc ba trăm năm chục vạn vị; Đao-Lợi Thiên vương là Thích Đề-Hoàn Nhân cùng quyến thuộc bốn trăm vạn vị; Tỳ-Sa-Môn Thiên vương cùng quỷ thần quyến thuộc mười vạn vị; Tỳ-Lâu-Lặc Thiên vương cùng Câu- Biện-trà quyến thuộc một ngàn vị; Tỳ-Lâu-Lặc-Xoa Thiên vương cùng các rồng quyến thuộc một ngàn vị; Đề-Đầu-Lại-Tra Thiên vương cùng Càn-Thát-Bà quyến thuộc một ngàn vị; Nan-Đà Long vương, Bà-Nan-Đà Long vương mỗi vị cũng cùng một ngàn quyến thuộc, các chúng hội này đều đã phát tâm hướng đến Đại thừa, đã tu hành sáu Ba-la-mật.
Bấy giờ, cùng với đại chúng vây quanh, Thế Tôn thuyết pháp vi diệu để tất cả đại chúng dứt trừ bốn điên đảo, sinh ánh sáng pháp lành, được trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ bốn Thánh đế và muốn cho tất cả các Bồ-tát ở đời sau được vào Tam-muội, sau khi vào Tam-muội, vượt qua địa vị Thanh văn, Bích-chi-Phật, cho đến khi chứng quả vị A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, không còn thối chuyển.
Bấy giờ, Bồ-tát Di-Lặc, Bồ-tát Vô Nghi Kiến, Bồ-tát Thủy Thiên, Bồ-tát Sư Tử Ý, Bồ-tát Nhựt Quang cùng các Bồ-tát ma-ha- tát thượng thủ như vậy mười ngàn vị, từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về hướng Đông Nam một lòng vui mừng, cung kính chiêm ngưỡng và niệm lên rằng:
-Nam-mô Liên Hoa Tôn, Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng giác. Nam-mô Liên Hoa Tôn, Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng giác.
Thật hy hữu thay! Thế Tôn thành Chánh giác chưa bao lâu mà Ngài có thể thị hiện vô lượng các pháp thần túc biến hóa, khiến cho vô lượng, vô biên trăm ngàn ức na-do-tha chúng sinh được trồng căn lành, được không thối chuyển nơi quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lúc ấy, trong hội có vị Đại Bồ-tát tên là Bảo Nhựt Quang Minh, từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay hướng lên Đức Phật, thưa:
-Kính bạch Thế Tôn, Bồ-tát Di-Lặc, Bồ-tát Vô Nghi Kiến, Bồ- tát Thủy Thiên, Bồ-tát Sư Tử Ý, Bồ-tát Nhựt Quang, cùng mười ngàn vị Bồ-tát ma-ha-tát thượng thủ như vậy, vì nhân duyên gì các vị bỏ việc nghe pháp, rời tòa đứng dậy,bày vai bên phải, gối bên phải quỳ sát đất, bắt tréo tay rồi chấp lại, hướng về phía Đông Nam một lòng vui mừng, niệm: “Nam-mô Liên Hoa Tôn, Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng giác. Nam-mô Liên Hoa Tôn, Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng giác. Thật hy hữu thay! Thế Tôn thành Chánh giác chưa bao lâu mà Ngài có thể thị hiện vô lượng các pháp thần túc biến hóa, khiến cho vô lượng, vô biên trăm ngàn ức na-do-tha chúng sinh được trồng căn lành”.
Kính bạch Thế Tôn, Đức Phật Liên Hoa Tôn này cách đây gần hay xa? Đức Phật đó thành Phật đến nay thời gian đã bao lâu? Cõi nước đó tên là gì? Và dùng vật gì để trang nghiêm? Phật Liên Hoa Tôn vì sao thị hiện biến hóa nhiều cách, nơi mười phương thế giới, chỗ có chư Phật, Ngài thị hiện biến hóa vô lượng cách. Hoặc có Bồ- tát thấy được, riêng con không được nhìn thấy.
Đức Phật bảo Bồ-tát Bảo Nhựt Quang Minh:
-Thiện nam tử! Lành thay! Lành thay! Những điều ông hỏi chính là châu báu, chính là hiền thiện, chính là biện tài, chính là khéo hỏi.
Này thiện nam tử, ông có thể hỏi Như Lai về diệu nghĩa như vậy là vì muốn được Như Lai giáo hóa cho vô lượng vạn ức na-do-tha chúng sinh, khiến họ đều được trồng căn lành, muốn được hiển bày vô số sự trang nghiêm ở cõi Liên Hoa Tôn, nên mới thưa hỏi như thế.
Này thiện nam tử, nay Ta sẽ nói, ông hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, khéo lãnh thọ và giữ gìn.
Bồ-tát Bảo Nhựt Quang Minh một lòng vui mừng vâng nhận và lắng nghe Phật dạy.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với Bồ-tát Bảo Nhựt Quang Minh:
-Này thiện nam tử, ở phương Đông Nam, cách đây một ức trăm ngàn cõi Phật, có thế giới của Phật tên là Liên Hoa, trang nghiêm bằng vô số các loại xinh đẹp, dâng các hoa đẹp, hương thơm bay tỏa khắp nơi, cây báu trang nghiêm, lớp lớp núi báu với đất bằng lưu ly xanh biếc, có vô lượng Bồ-Tát ở khắp trong cõi ấy. Âm thanh vi diệu về pháp lành nghe vang khắp nơi. Đất ở nơi đó mềm mại giống như Thiên y. Khi đi, chân đạp lún sâu xuống đất bốn tấc, nhưng khi giở chân lên thì đất trở lai như cũ và có các loài hoa sen mọc lên tự nhiên. Có cây bảy báu cao bảy do-tuần, trên nhánh cây đó tự nhiên có treo y ca-sa trời.
Thế giới của Đức Phật kia thường nghe âm nhạc hay của chư Thiên. Trong tiếng hót ca của các loài chim ở cõi đó thường phát ra âm thanh với các diệu pháp như: Năm căn, năm lực, bảy giác ý. Nhánh, lá cây chạm vào nhau phát ra âm thanh hay hơn cả âm thanh của năm loại âm nhạc chư Thiên. Nơi mỗi gốc cây phát ra mùi hương thơm hơn cả hương thơm của chư Thiên. Hương thơm đó bay xa khắp một ngàn do-tuần. Ở khoảng giữa các cây có treo các loại chuỗi ngọc trời. Có lầu gác bằng bảy báu cao năm trăm do-tuần, ngang dọc bằng thẳng một trăm do-tuần. Có lan can làm bằng bảy báu bao bọc chung quanh. Bốn phía lầu gác đó có ao nước lớn dài tám mươi do-tuần, rộng năm mươi do-tuần. Bốn phía ao có bậc thềm đẹp làm bằng bảy báu. Trong ao nước đó có hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng; mỗi hoa sen cao lớn bằng thẳng bằng một do-tuần. Đầu đêm, có các Bồ-tát sinh trong đài hoa, ngồi kiết già cảm nhận sự an vui, hoan hỷ của giải thoát. Gần sáng, bốn phía có gió thơm dịu dàng chạm vào thân Bồ-tát. Gió đó có thể làm cho các hoa đang khép được nở ra và thổi bay rải khắp đất.
Bấy giờ, Bồ-tát ra khỏi thiền định, lại cảm nhận sự an vui hỷ duyệt của giải thoát, bước xuống đài sen rồi lên lầu cao ngồi kiết già nơi tòa bảy báu, lãnh thọ diệu pháp. Bên ngoài hoa viên kia, bao bọc bốn phía là dãy núi bằng vàng ròng Diêm-Phù-đề cao hai mươi do-tuần, dài rộng bằng thẳng đều ba do-tuần. Trên núi có vô lượng trăm ngàn châu báu, ánh sáng của ngọc châu lưu ly sắc biếc, ngọc châu lưu ly lớn sắc biếc, hỏa châu chiếu sáng xen lẫn nhau.
Bấy giờ, Phật Liên Hoa Tôn dùng ánh sáng lớn và các ánh sáng báu hợp nhau tỏa chiếu rực rỡ nơi thế giới ấy. Cõi đó có ánh sáng vi diệu bậc nhất. Lại nữa, cõi đó không có mặt Trời, mặt Trăng, cũng không có ngày đêm, chỉ xem hoa khép lại và chim đậu nghỉ để biết thời gian. Trên núi báu đó có đài rất đẹp bằng lưu ly xanh biếc cao sáu mươi do-tuần, ngang dọc hai mươi do-tuần. Bốn bên đài có lan can bằng bảy báu bao bọc xung quanh. Giữa đài, có tòa bằng bảy báu, trên mỗi tòa có một Bồ-tát đạt Nhất sinh Bổ xứ ngồi nghe và lãnh thọ giáo pháp.
Này thiện nam tử, thế giới của Đức Phật đó có cây Bồ-đề tên là Nhân-đà-la, cao ba ngàn do-tuần, thân cây to lớn năm trăm do- tuần, nhánh lá tỏa rộng một ngàn do-tuần. Dưới cây có hoa sen, lưu ly làm cành, cao năm trăm do-tuần, nơi mỗi hoa đều có một ức trăm ngàn cánh bằng vàng dài năm do-tuần, nhụy làm bằng mã não, tua bằng bảy báu cao mười do-tuần, hoa lớn bằng bảy do-tuần.
Bấy giờ, sau đêm chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Đức Phật Liên Hoa Tôn ngồi trên hoa sen ấy, tòa hoa này lại có nhiều hoa sen bao bọc xung quanh. Có các Bồ-tát ngồi trên hoa đó chiêm ngưỡng vô số sự biến hóa của Phật Liên Hoa Tôn.
Khi Thế Tôn Thích-Ca mâu-ni thuyết việc này xong, Đại Bồ- tát Bảo Nhựt Quang Minh bạch Phật:
-Kính bạch Thế Tôn, Phật Liên Hoa Tôn dùng hình tướng gì để làm ra các việc biến hóa ấy? Cúi xin Thế Tôn dạy rõ.
Đức Phật bảo Bồ-tát Bảo Nhựt Quang Minh:
-Này thiện nam tử, Phật Liên Hoa Tôn vào sau đêm chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ngài thị hiện vô số thần túc biến hóa. Thân Ngài biến hiện đến cõi Phạm thiên. Tướng nhục kế trên đảnh đầu phóng ra sáu mươi ức na-do-tha trăm ngàn ánh sáng chiếu nơi thế giới của các Đức Phật ở phương trên nhiều như số vi trần.
Bấy giờ, Bồ-tát ở phương trên không thấy các sắc duyên với mắt ở phương dưới như là đại, tiểu Thiết vi và các núi nhỏ, chỉ thấy ánh sáng của Phật chiếu đến các thế giới nơi có các Bồ-tát được thọ ký, hoặc được Tam-muội nhẫn nhục đà-la-ni, hoặc được Thượng vị Nhất sinh Bổ xứ. Do ánh hào quang của Đức Phật nên ánh sáng của các vị Bồ-tát không hiện ra được. Đại chúng như vậy đều chắp tay hướng đến chiêm ngưỡng tôn nhan của Đức Phật Liên Hoa Tôn.
Lúc ấy, đại chúng chỉ thấy ba mươi hai tướng quý báu và tám mươi vẻ đẹp lần lượt trang nghiêm nơi thân Ngài, thấy Phật Liên Hoa Tôn và thế giới của Ngài với vô số tướng trang nghiêm. Thấy như vậy rồi, tâm họ được vui vẻ.
Khi ấy, trong các thế giới chư Phật, các vị Bồ-tát nhiều như vi trần trông thấy ánh sáng của Phật Liên Hoa Tôn biến hóa và thế giới của Ngài xong, mỗi vị đều rời bỏ cõi của mình, dùng sức thần túc cùng nhau đi đến gặp Đức Phật kia, lễ bái, vây quanh cúng dường, cung kính, tôn trọng và khen ngợi.
Này thiện nam tử, lúc thấy các Bồ-tát, Đức Phật kia bèn hiện tướng lưỡi của mình che phủ khắp bốn cõi thiên hạ. Tất cả chúng sinh đi, đứng, ngồi… trong đó; hoặc có Bồ-tát vào thiền định và xuất thiền định, đến giữa đại chúng, lễ bái, vây quanh cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Đức Phật Liên Hoa Tôn.
Thiện nam tử, sau khi thị hiện tướng lưỡi dài rộng như vậy, làm các việc biến hóa xong, Đức Phật ấy liền thâu nhiếp tướng lưỡi lại.
Thiện nam tử, Phật Liên Hoa Tôn lại phóng ánh sáng từ nơi lỗ chân lông trên thân, mọi lỗ chân lông phát ra sáu mươi ức na-do-tha trăm ngàn ánh sáng. Ánh sáng đó vi diệu, chiếu khắp mười phương, mỗi phương đều có thế giới của chư Phật nhiều như số vi trần. Trong thế giới đó, ở khắp mỗi nơi đều có Bồ-Tát đã được thọ ký, được Tam-muội nhẫn nhục đà-la-ni, hoặc được Thượng vị Nhất sinh Bổ xứ. Thấy ánh sáng đó rồi, mỗi vị đều rời bỏ thế giới của Phật ấy, dùng năng lực thần thông cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật Liên Hoa Tôn, lễ bái, vây quanh cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.
Thiện nam tử, sau khi biến hóa xong, Đức Phật kia vì để giảng nói chánh pháp cho các Bồ-tát và đại chúng nên Chuyển Pháp Luân bất thối, muốn cho vô lượng, vô biên chúng sinh được lợi ích lớn, được an vui lớn, vì thương xót thế gian, vì Trời, Người cho nên muốn cho tất cả đều được đầy đủ pháp Đại thừa tối thượng.