LÔ SƠN LIÊN TÔNG BẢO GIÁM
Đời Nguyên, Phổ Độ biên tập.
NÓI VỀ CHÁNH NHÂN NIỆM PHẬT
Từng nghe, trong hằng hà sa số các Như Lai, Đức Di-đà là bậc nhất, trong các cõi Phật nhiều như số bụi nhỏ ở mười phương thì Cực lạc là nơi trở về chí lý nhất. Vốn chỉ là duy tâm, nên người mới học phải do nhân địa, nên biết có chăm bón cây thì cây mới phát triển xanh tốt, đi ngàn dặm phải bắt đầu từ bước thứ nhất, muốn vượt thoát sinh tử cũng phải lấy Tịnh độ làm nơi hướng về để chứng Niết-bàn. Nên niệm Phật là yếu chỉ để chánh tâm. Tin sâu Cực lạc, diệu môn chân giải thoát, nhớ tưởng Đức Phật Di-đà, đấng cha lành đáng quý của chúng sinh, xưa đã nói rõ về cảnh giới này, nên nhìn quả để tu nhân, dần dần đến con đường huyền diệu. Ấy cũng chính là từ nhân đến quả. Các Bậc hiền đức nhóm họp kết xã, dựa vào yếu chỉ này chuyên niệm Phật và khuyên bảo người cùng tu tập giáo môn này. Nhân rộng thì quả lớn, sông dài thì nguồn sâu, hình ngay thì bóng thẳng, tiếng dội vang theo âm thanh, Ngài Thế Chí chỉ ra tông yếu để chứng viên thông. Đức Thế Tôn dạy: Tu nhân Tịnh nghiệp từ văn, tư, tu chứng Tam-ma-địa. Nương tín, hạnh, nguyện vào pháp giới môn. Cho nên một niệm sinh khởi, muôn loại đều biết. Tín tâm sinh thì chư Phật hiện, vừa xưng danh hiệu tôn quý đã gieo giống ở thai sen, một khi đã phát tâm Bồ-đề thì tên ghi ở đất vàng ròng. Người có duyên gặp pháp môn này thì tự tu tự ngộ, niềm tin cạn mỏng không tu trì là rất ngu và lầm to. Cho nên nói Nhất thừa xướng cao, cuối cùng đạt đến Lạc bang. Tu muôn hạnh tròn đầy tối thắng, riêng xưng danh hiệu quý báu thì tội nặng trong tám mươi ức kiếp đều tiêu diệt, những phương xa vời hơn mười vạn ức cõi, phút chốc liền đến, giống như có cánh. Tưởng niệm chuyên chú tức là quán tâm mà thấy thân Phật. Tâm cảnh giao xen nhau tức là cửa của nhân. Nếu tâm duyên cảnh thành quả tốt thì tất cả tịnh, uế, thư thái, mệt mỏi đều ở nơi đầu mối nhỏ nhiệm này, tánh bao dung, bén nhạy bao trùm khắp pháp giới.
Thế nên chư Phật và chúng sinh không khác, cõi tịnh và cõi uế khắn khít nhau. Người ngu tối và người thông thái đồng hiểu được, sự lý vô ngại giống như thần châu bao gồm các thứ của báu, như lưới trời đan xen tỏa ngàn tia sáng. Tâm ta đã như thế thì chúng sinh và Phật cũng giống như vậy. Cho nên biết thần thức đi qua ức cõi thực ra sinh từ trong tâm của mình. Gá chất vào chín phẩm thai sen, chẳng lẽ trốn chạy trong mé sát-na. Nếu những Bậc hiền nhị thừa hồi tâm liền sinh đến đất vàng ròng, hạng phàm phu phạm tội ngũ nghịch chỉ nhất tâm niệm Phật mười niệm liền được sinh về thế giới Bảo liên.
Than ôi! Hiểu ý sai, nghiệp chướng nặng, lòng tin ít, nghi ngờ nhiều, chê bai Tịnh nghiệp là Quyền thừa, chê bai việc tụng trì là hạnh thô, há khỏi chìm vào nhà lửa ư? Một khi đã chìm trong bể lửa thì tự mình cam chịu, muôn kiếp đắm chìm. Làm trái lời dạy của đấng cha lành thì phải chịu đau khổ suốt đời, nên phải có lòng tin Phật. Nếu không nương vào tha lực dứt trừ tội chướng thì không biết nhờ đâu để dứt trừ? Nếu không gặp được pháp môn này, tu tập giải thoát sinh tử thì không phát thệ nguyện giống như chư Phật, nên theo lối mòn của chư Phật thuở xưa tu tập, sau khuyến khích những người tu Nhị thừa đã thật tôn sùng pháp môn này. Đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện, làm bất cứ một công đức gì đều hồi hướng về cõi Phật Di-đà. Nếu đã sinh về cõi Tây phương, đang sinh, sẽ sinh về cõi Tây phương thì niệm niệm đều hồi hướng về Tịnh độ. Nếu muốn dùng việc trong một đời để giải thích thì cũng ở trong tất cả thời. Bởi lẽ, một ngàn chiếc xe đều lăn trên một con đường, trong bốn oai nghi, muôn điều lành hồi quy đồng lên diệu môn Cực lạc, mau thành Tam-muội niệm Phật, do vậy bước đầu tiên phải rõ ràng sau đó mới thẳng đường đến Tây phương.
1. Nhân địa của Phật A-di-đà.
Kinh Cổ Âm Vương nói: Trong kiếp quá khứ có nước tên Diệu Hỷ, vua nước ấy là Kiều-thi-ca, ông nội là quốc vương nước Thanh Thái, vua cha là Nguyệt Thượng Chuyển Luân vương, mẫu hậu là Thù Thắng Diệu Nhan. Hai người sinh được ba người con, con trưởng là: Minh Nguyệt, con thứ là Kiều-thi-ca, con út là Đế Chúng.
Lúc ấy, Đức Phật Thế Tự Tại Vương thị hiện ở đời, Kiều-thi-ca Phát tâm về nương Phật, lìa bỏ ngôi vị, đầu Phật xuất gia hiệu là Tỳ- kheo Pháp Tạng.
Kinh Đại Di-đà nói: Tỳ-kheo Pháp Tạng ở chỗ Đức Phật Thế Tự Tại Vương Phát tâm vô thượng, tất cả người thế gian không thể sánh bằng. Nhân lúc Đức Phật Thế Tự Tại Vương giảng về hai trăm mười ức
cõi nước chư Phật, Pháp Tạng cảm thấy thích ứng với tâm nguyện của mình liền cúi đầu lễ Phật, phát bốn mươi tám nguyện lớn (kinh này có chép)… “Nếu không được như vậy thì thề không thành Phật.”
Lúc ấy mặt đất rung chuyển, chư thiên rải hoa đẹp, trong hư không đồng thanh khen ngợi rằng chắc chắn sẽ thành Phật.
2. Bổn nguyện nhân địa của Phật A-di-đà và Phật Thích-ca.
Kinh Bi Hoa nói: Trong kiếp xa xưa có vua Chuyển luân tên là Vô Tránh Niệm, đại thần tên Bảo Hải là Thiện tri thức. Hai vị cùng ở chỗ Đức Phật Bảo Tạng phát tâm Bồ-đề. Ngài Vô Tránh Niệm phát nguyện:
“Ta tu Đại thừa nguyện ở nơi cõi tịnh thành A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-Bồ-đề. Chúng sinh ở cõi nước ta không có các khổ não. Nếu không tạo được cõi Phật như thế thì ta nguyện không thành Chánh giác.” Nay đã mãn nguyện, hiệu là A-di-đà đang ở cõi Tịnh độ. Còn đại thần Bảo Hải nguyện ở ngay cõi uế trược giáo hóa thành thục chúng hữu tình. Nay đã mãn nguyện, hiệu là Thích-ca Mâu-ni ở trong cõi đời ô trược này chứng thành quả Phật Bồ-đề.
3. Phật giảng Chánh nhân Tịnh nghiệp cho Thánh hậu Vi-đề-hy nghe.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: Bấy giờ, bà Vi-đề-hy rơi lệ bạch Phật:
– Bạch Đức Thế Tôn, cúi mong Ngài nói rộng cho con nghe nơi nào không có lo buồn, con sẽ vãng sinh về đó, con không thích ở cõi đời dơ uế Diêm-phù nữa.
Lúc đó, Đức Thế Tôn từ giữa hai đầu chân mày phát ra ánh sáng chiếu khắp vô lượng thế giới ở mười phương. Các cõi nước của chư Phật đều hiện trong luồng ánh sáng ấy.
Vi-đề-hy xem xong bạch Phật rằng:
– Các cõi nước chư Phật tuy thanh tịnh và đều có ánh sáng nhưng nay con thích sinh về thế giới Cực lạc, chỗ của Phật A-di-đà, cúi xin Đức Thế Tôn dạy con tư duy, dạy con chánh thọ.
Phật bảo Vi-đề-hy:
– Cõi Phật A-di-đà cách đây không xa, bà hãy buộc niệm quán kỹ cõi nước kia. Nay ta sẽ nói rộng cho bà nghe, cũng khiến cho hàng phàm phu ở đời sau tu Tịnh nghiệp được sinh về cõi nước Cực lạc Tây phương. Người muốn sinh về cõi kia phải tu ba thứ phước:
- Hiếu thảo, nuôi nấng cha mẹ, kính thờ sư trưởng, có từ tâm không sát hại, tu thập thiện nghiệp.
- Vâng giữ ba quy y, giữ đủ các giới, không phạm uy nghi.
- Phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả, khen ngợi Đại thừa, khuyên người tinh tấn tu tập. Ba điều này gọi là chánh nhân Tịnh nghiệp.
Phật bảo A-nan và Vi-đề-hy: Lắng nghe, lắng nghe, tư duy điều ấy.
4. Hiếu thảo nuôi nấng cha mẹ.
Niệm Phật là hạnh quan trọng trong các pháp, hạnh hiếu đứng đầu trong trăm hạnh; tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Muốn đắc đạo như chư Phật trước phải hiếu thảo, nuôi nấng cha mẹ. Thế nên Thiền sư Tông Trách nói: Hiếu là cánh cửa của những điều tốt đẹp, lời Phật lấy hiếu làm tông, kinh Phật lấy hiếu làm giới, trong lời nói không có sai lầm, miệng phát ra ánh sáng của giới ngay đó đốn khai tâm địa một cách rõ ràng. Hiếu có hiếu tại gia, hiếu xuất gia.
Hiếu ở tại gia thì được cha mẹ thương yêu, vui mừng và luôn nhớ nghĩ đến. Còn nếu con không hiếu thảo thì cha mẹ la rầy, buồn phiền nhưng không oán giận. Cha mẹ thường chìu ý con, hết lòng dạy dỗ và nuôi dưỡng.
Còn hiếu xuất gia thì cắt dứt tình thân ái, giã từ cha mẹ, ăn uống đạm bạc cốt để thâm nhập đạo lý vô vi, trên báo ơn sâu nặng, hướng đến con đường chính của Sự giải thoát, là con đường ngắn nhất báo đáp ân cha mẹ, không chỉ ở đời vị được lợi ích mà ngay đời hiện tại cũng được thành công. Vì thế, Đức Như lai vào lúc nửa đêm vượt thành xuất gia và chứng đạo trên đỉnh núi Tuyết. Ngài Tuệ Năng để lại tiền bạc và người mẹ già, nối pháp Tổ Hoàng Mai. Nhưng dùng giáo pháp để dứt ân ái thì phải tư duy báo đức. Thế nên Ca-tạp-tước, cha tuy già nhưng vẫn hết lòng lo lắng phụng dưỡng hầu hạ không để cha mẹ phải chịu cơ hàn thiếu thốn. Tất-lăng-già hết lòng giữ giới, Đại sư Nhẫn có nhà dưỡng mẫu, Trần Mục Châu dệt giày nuôi cha mẹ, Pháp sư Lãng cõng mẹ cha đi khắp nơi học đạo. Người xuất gia lấy pháp vị làm ngon ngọt mà không quên ơn bú mớm ẵm bồng của cha mẹ, lấy Phật sự làm cần lao mà chưa bỏ quên lễ nghi thế đế. Chẳng những báo ân cha mẹ trong một đời, mà cha mẹ trong nhiều đời cũng đều báo ân. Không chỉ độ cha mẹ hiện đời mà cha mẹ trong pháp giới cũng đồng độ lên bờ giác. Đâu chỉ xứng với Chu công mà khắp trời chỉ bày bến mê? Đạo hiếu của người xuất gia vượt qua sự thuần hiếu của cha chú. Thế nên lợi ích ấy rất rộng lớn. Còn nếu nhân duyên chưa đủ, cha mẹ không cho phép xuất gia thì ở tại gia hết lòng nuôi nấng cha mẹ, tinh tấn tu nhân xuất gia. Nếu được như vậy thì “Tục” mà “Chân” cũng có con đường thành Phật.
Cha mẹ luôn mong mỏi con mình nên người tốt, không phụ công dạy dỗ nuôi dưỡng của mình. Vì thế phận làm con phải hết lòng báo đáp công ơn sâu dày của cha mẹ.
Người xuất gia chứng đến quả vị Nhất thừa viên mãn, giúp cho Bồ-tát tại gia tu tập hiểu được chánh nhân niệm Phật, không còn nghi ngờ, còn những người xuất gia cao hạnh cũng nhờ đây mà noi theo. Bởi vì có những người chuyên tâm thờ Phật nhưng không hết lòng nuôi nấng cha mẹ, nhân thấy tấm gương này sinh tâm cảm động mà hết lòng hiếu thảo mẹ cha.
Than ôi! Thời gian dễ qua, ân cha mẹ khó quên. Cha mẹ còn sống như Phật còn tại thế, lấy đó báo đáp ân đức cha mẹ, viên thành công phu niệm Phật. Nên biết cha mẹ vui thì chư Phật vui, tâm này thanh tịnh tức là cõi Phật. Thanh tịnh có thể gọi là màu sắc hoang dã, không còn bị núi sông ngăn cách, ánh sáng mặt trời soi thẳng xuống đáy sông sâu.
5. Kính thờ sư trưởng.
Người xưa nói: Người sinh ra ta là cha mẹ, người dạy dỗ ta nên người là thầy bạn. Nên biết thầy là bậc đạo sư sáng suốt, hướng dẫn chúng ta ra khỏi đường mê; là ngọn đuốc tuệ trong ngôi nhà đen tối; là con thuyền trên biển khổ; là đôi mắt của trời người. Ân ấy lớn hơn cha mẹ; đức ấy sánh bằng trời đất. Do vậy, đệ tử phải hết lòng kính thờ sư trưởng, cho dù lìa bỏ thân mạng để cầu nửa bài kệ; chặt đứt cánh tay để thưa hỏi chân thừa; dùng thân làm giường ghế cho thầy ngồi suốt bốn mùa để kế thừa tôn chỉ, lìa bỏ tất cả kiến thức thế gian để học Bát-nhã, lao mình vào đống lửa để chứng Bồ-đề. Người xưa vì mến đạo nên quên mình, thờ thầy để được tu học, ngày nay chúng ta không cố gắng tu học ư?
Nên biết xuất gia thờ thầy để cầu chánh kiến, lúc tham vấn chớ khen ngợi tà tông, phải hiểu rõ nguyên do tội phước, xét đoán lợi hại của chánh, tà. Chánh thì thành Phật, tà thì thành ma. Tu tập mà không gặp thầy giỏi thì tu đến già cũng không được gì. Thế nên, Đức Như lai nói thầy là bậc cao cả không gì sánh bằng. Người xưa đã lìa bỏ tất cả để chọn thầy học đạo, còn ngày nay chúng ta sao không như thế? Huống chi đời mạt pháp, có nhiều tà sư, chúng ta muốn tu hành cũng không biết gần gũi ai, chỉ giữ chánh niệm. Phải hiểu rằng: Gặp được minh sư không phải dễ. Thế nên đệ tử kính thờ thầy tổ. Đồng với kính thờ Phật, có thể nói: Cúng dường bốn việc cần dùng cho dù muôn lượng vàng ròng cũng tiêu được.
6. Quy y Tam bảo.
Phật là bậc Đại sư của ba cõi, pháp là con mắt của chúng sinh; tăng là lục Hòa thượng sĩ, cũng là ruộng phước chân tịnh. Nếu trái với đây là tà, thuận theo đây là chánh, công năng của thần không bằng. Năng lực của bậc Thánh khó nghĩ bàn, việc dứt khổ, như trống có bôi thuốc, tên bắn thoát nạn, như gươm bén phá vòng vây, biến khổ thành vui, chỉ trong khoảnh khắc chuyển phàm thành Thánh. Thế nên tướng xe lửa hiện, nhờ quy y Tam bảo nên liền được mát mẻ; sắp đọa vào địa ngục, niệm danh hiệu Phật liền xa lìa khổ. Đức Phổ Minh cho các vua thoát khổ nạn mà không định công, Đế Thích khước từ uy nghiêm Đảnh sinh, năng lực của Bát-nhã cũng giống như vậy. Thế nên, Phật tử có tín tâm quy y Tam bảo, chân thật từ tâm đem hương hoa cúng dường Phật tăng, khen tụng truyền bá làm cho pháp bảo phổ cập nhân gian, chứa nhóm các công đức lành hồi hướng về Vô thượng Bồ-đề, độ khắp chúng sinh đồng sinh Tịnh độ. Há không thấy nói chim Ca-lăng-tần-già xưng niệm cũng được sinh về Tây phương. Chư Thiên, Đế Thích vui mừng phát thệ nguyện cầu Thánh đạo, đều có khả năng trên thành Phật, dưới thoát vòng khổ. Có thể gọi Thiền là đại quy, thơ là Phác, Đại Đường Thiên tử chỉ cho ba người.
7. Phát tâm Bồ-đề.
Quả Phật vô thượng gọi là Bồ-đề. Nếu ai phát tâm này thì chắc chắn thành Phật. Pháp môn Tịnh hạnh gọi là tu Tịnh độ. Người tu Tịnh độ phải phát tâm, khổ là do mình chán ghét ngủ trược, ưa thích chín phẩm hoa sen thì trái với tâm Bồ-đề, đó là nghe pháp môn này rồi hành trì chứ không phát tâm. Nếu là chúng sinh khởi tâm đại bi cầu về nước kia, mong mau thành đạo lực, thần thông trùm khắp hư không mười phương, cứu độ tất cả chúng sinh làm cho họ cùng thành Phật thì thu- ận với tâm Bồ-đề. Bồ-tát này tu tập nên phát tâm Bồ-đề, nay khuyên người khác tu Tịnh nghiệp. Hạng thượng lưu muốn được lợi mình, lợi người thì phải lập chí, đến trước Tam bảo chí thành dâng hương hoa, dốc lòng phát nguyện.
Nam-mô Phật, Nam-mô Pháp, Nam-mô Tăng. Đệ tử tên… hôm nay phát tâm rộng lớn không vì mình mà cầu phước báo trời, người, cũng không cầu Thanh văn, Duyên giác, cho đến Bồ-tát quyền thừa, chỉ y theo pháp tối thượng thừa phát tâm Bồ-đề, cầu nguyện cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ nhiều đời, pháp giới chúng sinh, tất cả bà con xa gần đồng sinh về cõi Tịnh, đồng lên giai vị không lui sụt trên đường tiến đến quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề. Nói như vậy ba lần.
Lúc nào cũng nguyện, luôn giữ tâm như vậy, cho nên Thiện Tài chỉ một đời chứng quả, Long nữ tám tuổi thành Phật. Bị đọa trong địa ngục mà phát tâm này thì liền vượt lên Thập địa. Sa-di khởi ý liền vượt khỏi Nhị thừa, có thể nói một khi quay đầu thì ân đức thấm nhuần muôn vật thêm sâu.
8. Thọ trì giới pháp.
Đã phát tâm Bồ-đề còn phải tu hạnh Bồ-tát. Đầu tiên thọ ba quy y, sau đó năm giới rồi dần dần tiến tu thập thiện đến viên mãn ba nhóm luật nghi. Các căn không bị ngoại cảnh lôi kéo, vâng giữ tất cả giới luật, các căn còn giao động trước ngoại cảnh thì chia ra thọ trì: mỗi năm có ba tháng tu tập, mỗi tháng có sáu ngày trai giới. Như vậy. Năm giới khó thực hành, còn bỏ hai giới uống rượu và ăn thịt thì dễ phạm mười tội trọng nên phải giữ giới không sát sinh. Nên biết nhiều hạt bụi tụ lại thành ngọn núi cao; sương rơi từng hạt ven sườn núi cuối cùng cũng về biển cả. Cho nên kinh Niết-bàn nói: “Phật còn tại thế thì tôn Phật làm thầy, sau khi Phật diệt độ thì lấy giới làm thầy.”
Kinh Phạm Võng nói: “Giới như ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, cũng như châu anh lạc, các vị Bồ-tát nhiều như bụi nhơ đều do giới mà thành Chánh giác.” Cho nên rồng không có tâm phạm giới sát, chó sói có ý trì trai, Tỳ-kheo khổ nhọc tiết chế đến nỗi cây cỏ cũng giúp đỡ. Cư sĩ Nga bệnh đến chết cũng không uống rượu, ăn thịt, cho nên biết gốc của các điều lành thì năm giới đứng đầu. Vua đã để lại cương kỷ để trị nước thì người Quân tử phải vâng giữ để lập thân, không thể tạo ra một cương kỷ thứ hai mà xa lìa năm giới, không thể trong khoảng khắc mà phát huy. Phật gọi là năm đức; Nho gọi năm thường, ở cõi trời gọi là ngũ tịnh; ở đất gọi là năm nhạc, ở người gọi là năm tạng; ở xứ gọi là năm phương. Nói rộng ra không chỗ nào mà không hợp nhất; ngửa mặt trông lên, cúi xuống sát đất đều chẳng thể thêm được. Cho nên Pháp Uyển Châu Lâm nói: Ở thế tục còn có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, bao gồm trong nhận thức riêng: sát, đạo, dâm, vọng, tửu. Đạo và tục tuy trái nhau nhưng giáo lý gần như thông nhau. Trong chánh pháp dạy: Tất cả mọi việc chắc chắn bắt đầu từ Nhân. Đây là thật pháp, chỉ cho Sự, lời thẳng thắn không dựa vào lời nói trau chuốt mà nói sai ý hiện thực. Như thế mà tu nhân, không mong quả mà chứng quả, là từ tu nhân mà vào đạo, chứ không muốn trau chuốt ngôn từ cho hay. Nay giữ được giới không sát sinh, không cầu lòng nhân từ mà lòng nhân vẫn hiển bày ở sự giữ giới; giữ giới không trộm cắp, không vui vì nghĩa tình mà tình nghĩa vẫn trang trải; giữ giới không dâm dật, không cầu lễ nghi mà lễ nghi vẫn có; người giữ giới không nói dối, không chuộng chữ tín mà vẫn được người
tin tưởng; người giữ giới không uống rượu, không tu trí mà trí vẫn sáng ngời. Chẳng những luật đã ngăn phòng những điều sai lầm mà còn lấy đó để giữ nước dạy dân. Người muốn tu Tịnh hạnh thì phải giữ gìn giới căn. Có thể nói muôn điều lành đều hoà dung, đồng với cõi Phật. Mọi người hớn hở vui hòa, an hưởng thái bình.
9. Từ bi không giết hại.
Loài noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh; những loài côn trùng, chim bay thú chạy v.v… đều sẽ là những vị Phật tương lai, hoặc là cha mẹ nhiều đời của chúng ta. Họ đều ưa sống sợ chết, tham cuộc sống an nhàn, tránh né khổ nhọc, ham thích thân mình. Tất cả các loài hữu tình ấy đều cầu mong một cuộc sống an ổn để nuôi thân mạng mình. Nếu phân tích lý do thì có cả ngàn, sao ta nỡ nghe tiếng kêu đau thương mà cầm dao đâm vào mình nó; mắt chằm chằm đuổi theo con vật đến cùng. Hoặc căng lưới nhử thú mắc vào, hoặc giăng bủa lưới ở các ngọn đồi, hoặc đốt lửa trên đỉnh núi để trên cao không thoát dưới thấp cũng không biết chạy đi đâu; khói bay mịt trời, chim cắt, ngựa không ngừng tranh nhau tuôn chạy để săn bắt. Vượn trông thấy cung tên thì hồn bay phách lạc, nhạn nhìn thấy dây cung thì rớt tim bể đầu đổ não, đau thấu tận tim gan, làm sao chịu được tình cảnh này, huống tất cả mọi loài cùng bẩm thọ năm hành; đều gồm chứa bốn tượng, đồng thấm nhuần Phật tánh, đồng có thần minh, làm sao nỡ phơi bày núi thịt này, bắt lấy thú vật xẻ thịt lột da, nấu nướng ăn cho Sướng miệng, thỏa thích lòng tham. Họ không biết cắt đứt mạng sống sinh vật là làm cho thân Phật ra máu. Ăn thịt chúng sinh có lẽ nào không phải là thân cha mẹ; tạo nghiệp sát hại quá sâu dày làm dứt mất hạt giống từ bi thì lúc còn sống phước thọ sẽ ngầm tiêu mòn, sau khi chết bị đắm chìm trong núi đao rừng kiếm. Hết nghiệp ấy trở lại làm thân heo, gà, cá, thỏ… lần lượt bồi thường tội giết hại, nấu nướng này, nhân quả giống nhau, quán sát kỹ ăn thịt có thể nói là đáng sợ, dù cho tiêu thụ thịt ở nhà đồ tể cũng khó tránh khỏi tội nặng. Vì thế hàng Bồ-tát thà chịu chẻ xương chứ không ăn thịt chúng sinh. Thế nên thỏ trắng đốt thân mà vị tiên vẫn không màng đến; cỏ cây còn không nhổ huống chi là nếm mùi vị thịt chúng sinh. Người có lòng Từ bi thường tránh xa việc bếp núc, họ nghe tiếng kêu đau thương của nó, không nỡ ăn thịt. Còn như nuôi súc vật để bán cũng giống như khẩu giết tâm ăn. Bậc đại Thánh rủ lòng Từ bi cho nên chế giới để dứt trừ sát hại. Như vậy đức ấy rất lớn. Thế nên người tu Tịnh độ phải giữ giới, mới được gọi là không tham đắm hương vị, mới là rồng ở đầm báu.
10. Tu thập thiện nghiệp.
Ôi! Huyền yếu của Đại thừa vốn không lìa nhất tâm, chánh nhân Tịnh nghiệp trước phải tu thập thiện, dứt trừ bảy tội nặng của thân, miệng. Bảy hành vi này thành tựu thì diệt trừ được gốc rễ ba độc (tham, sân, si) của ý thức, ba học đầy đủ. Trong kinh A-di-đà nói: Người cầu sinh Tịnh độ phải tu. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: Bậc Ly Cấu Địa có khả năng gần gũi trời, người, cho đến cõi trời Hữu Đảnh thì phải lấy Thập thiện làm duyên thọ sinh. Hàng Thanh văn cho đến quả vị Phật cũng do thập thiện làm gốc mà vào đạo. Nếu không vâng theo lời Phật dạy thì đọa vào ba đường. Nếu được thân người lại gặp hai thứ ác báo, đều do không tu thập thiện. Kính thờ thập thiện làm mười giới chính là nền tảng của Tịnh độ, khuyên mọi người thường tu thập thiện. Thực hành pháp môn này là vườn pháp của Bồ-tát khiến cho mọi người an trụ trong vườn pháp ấy, có thể đến đại thành vô úy để chứng đến địa vị không lui sụt. Công đức lớn không thể suy nghĩ bàn luận. Đây là điều Phật tử nên học.
11. Tin sâu nhân quả.
Giữ tâm trong sạch để đạt đến đại đạo, tin sâu nhân quả thế gian, bước theo con đường huyền diệu. Nghiên cứu tường tận cội nguồn ấy, chắc chắn phải ở yếu chỉ này. Về mặt dụng thì đối với tâm pháp gọi là tâm. Tâm ấy càng đủ muôn hạnh hội thông nơi chúng sinh. Bởi vì lấy tâm vô thường để chuyên chở thiện ác, thay nhau dùng tội phước làm ảnh hưởng, cho nên nhân quả không trái nhau. Thế nên, biết cảnh động gọi là nhân; do cảnh động thức sinh gọi là duyên, duyên khởi thì có tướng nghiệp, có nghiệp thì chắc chắn có quả báo. Cho nên nhân thiện, ác ở thế gian, cũng là cái quả bốn sinh, chín hữu, ba cõi, sáu đường ở đời sau. Pháp môn niệm Phật là nhân xuất thế gian, chín phẩm hóa sinh Tịnh độ thành Phật là quả xuất thế gian. Đối với nhân quả trên thì trong tâm đã rõ nên không ưa thích pháp thế gian. Còn đối với pháp xuất thế gian thì tâm, hạnh không trái nhau; niệm niệm không quên Tịnh độ, tâm tâm không lìa chữ Di-đà. Vì sao biết như vậy? Vì như nay niệm Phật là nhân, lúc qua đời được về Tịnh độ là quả. Phải tu nhân lành thì mới được quả quý. Điều đó không sai.
Ôi! Thiện ác, khổ vui đều do Tam nghiệp gây nên, do bốn duyên sinh ra, nhân sáu đường thành tựu thì thuộc về năm quả. Nếu một niệm sân nhuế khởi lên tức là nghiệp địa ngục; san tham là nghiệp ngạ quỷ, ngu si ám độn là nghiệp súc sinh, ngã mạn cống cao là nghiệp A-tu-la; giữ chắc năm giới là nghiệp của người, tu thập thiện là nhân của cõi trời; chứng ngộ nhân không là nghiệp Thanh văn; biết tánh duyên khởi là nghiệp Duyên giác; Lục độ cùng tu là nghiệp Bồ-tát. Chân từ bình đẳng là nghiệp Phật. Nếu tâm tịnh thì liền hóa sinh về cõi thanh sạch, hương thơm, cây báu; Tâm uế thì rơi vào cõi nhơ uế, hầm hố gò đồi. Chịu thân hình nào đều là quả báo đẳng luân, thường cảm duyên tăng thượng. Thế nên xa lìa tâm xấu để được hình thể tốt đẹp. Kinh Duy-ma nói: Muốn được cõi thanh tịnh phải rửa sạch tâm mình, nên biết tất cả duy tâm, vạn pháp duy ngã. Ta muốn được quả tịnh thì phải tu nhân tịnh. Nên biết: Xiển-đề bị tà ma xúi giục nên tâm uế khởi lên, phải đọa vào địa ngục một ngàn kiếp. Người phỉ báng nhiễu loạn, không tin nhân quả là quyến thuộc của tà ma. Quán xét quả báo như bóng theo hình, tin nhân quả thì không dám làm điều sai trái.
12. Đọc tụng kinh điển Đại thừa.
Đã mến cảnh Tây phương nên cầu liễu nghĩa Đại thừa. Trong bóng tối có vật báu mà không có đèn soi thì cũng không hề biết được. Gương cũ bụi phủ đầy, nếu không lau chùi thì làm sao sáng? Đọc tụng kinh điển Đại thừa, Tam nghiệp thanh tịnh được nhất tâm; tôn kính Đức Phật, gần gũi bậc Thánh, thâm nhập kinh tạng, tâm khen ngợi đọc tụng thọ trì kinh điển mà hiện đời không đắc đạo thì cũng giống như cây thông mọc trên đỉnh núi cao chót vót, nhờ nhân tốt mà được xanh tươi và có nhiều lợi ích cho đời, còn cây quế sống trên đỉnh núi một trận mưa nhỏ thấm nhuần mới đơm bông tỏa hương, hoa sen mọc trong bùn lầy nhưng không bị bụi trần làm ô nhiễm. Tuy tánh hoa sen tự trong sạch và bản chất cây quế vốn cao quý đều do chỗ nương tựa (đất). Cao thì vi diệu, muôn vật đều có chỗ nương nhờ, đục trong không thể thấm vào.
Ôi! Cỏ cây vô tri còn nhờ điều lành mà thành. Con người có ý thức mà không nhân tâm để chứng tâm Phật, há không nghe Ngài Trí Giả tụng kinh Pháp Hoa thấy hội Linh Sơn chưa tan. Ngài Khuê Phong tụng kinh Viên Giác bổng nhiên tâm địa thanh thoát, đạt lý quên tình, khắp am khế hợp với yếu chỉ của kinh Hoa Nghiêm. Nghe câu “ưng vô sở trụ” Lục Tổ ngộ tông Bát-nhã. Hãy nhìn lại những bậc tiền bối mà noi theo. Người đời nay há có thể không học mà gọi là qua sông ư? Muốn qua bờ bên kia phải nương vào mái chèo, khi đến bờ thì không cần thuyền nữa.
13. Khuyên người tinh tấn.
Người mới học Phật, thì tâm đại bi là con đường chính của Bồ-tát hạnh lợi tha phải tu tập tinh tấn mới là Tịnh nghiệp. Do đây các Bậc hiền đời Tấn cầu sinh về nước An dưỡng, hải chúng ở mười phương đều ưa thích lìa bỏ cõi Ta-bà. Than ôi! Sinh tử khó trốn tránh, vô thường qua nhanh, có thể nào không kính mến và tu tập theo những bậc trí tuệ để dẫn dắt con cháu đời sau ư? Khuyên một người, hai người, cho đến nhiều người tu theo pháp môn này, mỗi ngày niệm một câu cho đến ngàn câu danh hiệu Đức Phật sẽ đến được chỗ nhiệm mầu của cõi Cực lạc. Mỗi ngày niệm một ngàn danh hiệu Phật, chứa nhóm cho đến một tháng, một năm thì niệm được ba mươi sáu vạn câu danh hiệu Phật. Cứ chứa nhóm dần dần cũng đến được đất Phật. Mỗi ngày làm một việc lành nhỏ, chứa nhóm đến một tháng, một năm thì có ba trăm sáu mươi việc lành, cứ chứa nhóm lần lần thì cũng bằng người quân tử. Kẻ ngu kẻ tiểu nhân, không chịu sám hối thì cũng giống như cầm thú, do không học cũng không khuyên người học. Kinh nói: Nếu có người dùng bảy chất báu trong bốn thiên hạ cúng dường Phật, Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn được phước đức rất nhiều, nhưng không bằng người khuyên người khác niệm danh hiệu Phật một câu, phước đức ấy rất lớn. Ấy là những điều Đức Thế Tôn khuyến khích tu tập. Cũng nói rằng: Mình muốn lập chí cũng muốn người lập chí, mình muốn thành đạt cũng muốn người thành đạt. Đây là sự khuyến tấn cố gắng của Trọng Ni. Do vậy chúng ta phải cố gắng cùng nhau niệm Phật, tôi luyện tịnh hạnh, hoặc vào tháng giêng, tháng năm, tháng chín cùng nhau nhóm họp lại để tu tập hoặc nửa năm, một năm, ba năm là một kỳ niệm Phật để trồng sâu thiện căn, đồng hồi hướng công đức này đến tất cả mọi người, nguyện họ thường làm bạn đạo với mình. Nếu có ai thoái chí rút lui thì cùng nhau khuyên bảo động viên họ, còn nếu ai nguyện lìa bỏ phàm tục tu tập thì quan tâm gần gũi. Tuy không thể hoằng giáo lợi tha nhưng cũng có thể ôn cũ biết mới, lẽ nào thấy người nghèo mà không bố thí một xu? Người xứng đáng được nhận ân huệ để làm lợi ích cho người mà ta cũng không nói giúp một câu. Người kia lẽ nào không biết tài thí cứu được sự nghèo thiếu trong một đời; bố thí thức ăn thì cứu được thân mạng trong một ngày, pháp thí thì giúp người ra khỏi trần thế; công đức ấy rất lớn không gì so sánh. Tài thí như ánh sáng ngọn đèn chỉ chiếu sáng một gian phòng; pháp thí giống như ánh sáng mặt trời chiếu soi cả đại thiên. Sẻn pháp không khuyến khích người khác tu thì nhiều kiếp đọa vào địa ngục hắc ám. Tự mình thúc liễm thân tâm và thực hành hóa đạo thì hiện đời là A-di-đà, dám mong vận dụng lòng từ khuyến khích mọi người đồng phát tâm bi này, nguyện kết Tịnh duyên này, nhổ gốc khổ đắm chìm, vượt thoát luân hồi, mau lên Tịnh độ để báo ơn Phật. Có thể gọi là người chưa được độ khiến cho được độ.