LÔ SƠN LIÊN TÔNG BẢO GIÁM

Đời Nguyên, Phổ Độ biên tập.

NÓI VỀ CHÁNH NGUYỆN NIỆM PHẬT

“Lý” do trí dắt dẫn, “hạnh” do nguyện phát khởi. Hạnh nguyện bằng nhau, lý trí đầy đủ. Lý trí đầy đủ thì tâm tâm, niệm niệm đều là Di-đà, trần trần, sát sát đều là Tịnh độ. Nếu không phải năng lực của hạnh nguyện rộng lớn thì làm sao đạt được như vậy?

Nếu muốn cho mọi người chứng được Tam-muội này thì chủ yếu ở tâm tín nguyện sâu xa, ấy chính là căn bản. Nguyện là thích, là mong muốn. Muốn sinh Tịnh độ Tây phương, mong gặp Phật A-di-đà, cho nên phát nguyện này. Vì thế nhờ vào sức mạnh của đại nguyện mà thẳng đến Cực lạc. Cho nên Ngài Từ Chiếu nói: “Thường luôn phát nguyện ưa thích vãng sinh, ngày ngày cầu nguyện chớ để lui mất. Nếu không phát nguyện thì thiện căn ngày càng chìm mất. Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Không phát nguyện lớn, là việc làm của ma.” Cho nên Ngài Phổ Hiền phát nguyện rộng lớn như biển cả, Phật Di-đà có bốn mươi tám lời nguyện. Từ đó mới biết chư Phật mười phương, các bậc tiên hiền đều nhờ nguyện lực mà thành tựu Bồ-đề. Nếu không phát khởi tâm nguyện ưa thích thì không thể thành tựu hạnh nguyện ưa thích. Vì thế nói rằng: Pháp môn rộng lớn không nguyện không thành, cho nên Đức Phật tùy theo tâm của mỗi người mà đáp ứng đầy đủ hạnh nguyện, huống gì chuyên tu Tịnh nghiệp nguyện vãng sinh Tịnh độ, thì làm sao không tùy tâm mãn nguyện được? Sám có ghi: “Con nguyện không thối tâm Bồ- đề, con nguyện nhất định sinh Cực lạc, con nguyện mau gặp Phật Di-đà, con nguyện suốt đời không có niệm khác, chỉ duy tâm Tịnh độ.” Lại kinh Di-đà ghi: “Nếu có người nào tin thì nên phát nguyện, nguyện sinh về Cực lạc.” Sám ghi: “Chúng sinh vô biên thệ độ hết, phiền não vô tận thệ dứt hết, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, cho nên gọi đây là bốn lời nguyện rộng lớn. Ngài Từ Chiếu tập hợp thành sám, vì sợ người đời chấp sự mê lý nên nói rằng:

“Tự tánh chúng sinh, thệ nguyện độ, tự tánh phiền não, thệ nguyện dứt, tự tánh pháp môn, thệ nguyện học, tự tánh Phật đạo, thệ nguyện thành.” Bốn câu này nói thẳng chân lý, muốn độ hết tất cả chúng sinh ở trong tự tánh, tất cả các vọng niệm chúng sinh, cái gọi là tâm tà mê, tâm vọng tưởng, tâm tham lam, tâm si mê, tâm ganh ghét, tâm sân giận, v.v… Cho nên khiến phát thệ nguyện rộng lớn, tự tánh tự độ. Lại đối với tự tánh dứt trừ tất cả phiền não, cái gọi là trần lao, nghiệp thức, suy nghĩ tà vạy, niệm ác, giống như mây nổi che lấp tự tánh nên ánh sáng không hiện ra, vì thế khiến phát thệ nguyện lớn để tự dứt trừ nó, không bao giờ cho nó phát khởi. Lại ở trong tự tánh, tu học tất cả pháp môn, cái gọi là Tam-muội niệm Phật, Bi Trí, Hạnh nguyện vô lượng pháp môn, nên kh- iến phát thệ nguyện rộng lớn, tự ngộ tự tu, thường không lui sụt, thẳng đến Bồ-đề, không vì được chút ít mà cho là đủ. Lại đối với tự tánh thì tin rằng có Phật, phát thệ nguyện lớn, thường tự quán chiếu, tự nguyện thành Phật Bồ-đề. Đây chính là tâm từ bi tha thiết của Ngài Từ Chiếu nói rõ cho hậu học, mở ra một cánh cửa, chỉ cần mọi người tin tưởng, tự chấp nhận theo đây tu hành, thì sẽ ngộ được tự tánh Di-đà, đạt đến duy tâm Tịnh độ, thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Các thiện nhân ở đời không biết ý này, lại hướng ra bên ngoài tìm cầu, khác gì người cầm hạt châu thần mà đi xin ăn, không phải là ngu muội sao? Nguyện tất cả mọi người thấy nghe đều khuyên bảo, sách tấn nhau, cùng khởi chánh niệm, sớm bước lên được con đường nhiệm mầu, biết lỗi lầm trước của trước đây, hiểu rõ địa vị sau của sau này. Lập chí khí lớn, phát mạnh mẽ lớn, phát thệ nguyện lớn, thề độ vô biên chúng sinh, thề dứt bỏ vô tận phiền não, thệ học vô lượng pháp môn, thề nguyện vãng sinh về thế giới Cực lạc ở Tây phương gặp Phật A-di- đà, thề cùng tất cả các thiện nhân viên thành Phật đạo vô thượng. Có thể nói rằng, không có gió xuân hoa không nở, hoa muốn nở rực rỡ phải cảm được sức mạnh của gió xuân.

1. Khuyên phát nguyện lớn.

Ngài Từ Chiếu nói: “Có Hành không có Nguyện thì Hành ấy sẽ trơ trọi; có nguyện mà không Hành thì nguyện ấy chắc là rỗng không. Không hành, không Nguyện thì luống trụ ở Diêm-phù; có Hành, có Nguyện thì thẳng đến vô vi. Đây là vấn đề căn bản của Phật tổ tu Tịnh nghiệp”. Thời nay, nhìn khắp những người tín tâm quy y Phật, hoặc vì bệnh khổ mà phát tâm, hoặc vì báo đáp công ơn cha mẹ mà nảy sinh ý nghĩ, hoặc vì bảo vệ, giữ gìn gia đình, hoặc vì sợ tội lỗi mà trì trai giữ giới. Những người này tuy có tín tâm nhưng không có hạnh nguyện, tuy nói niệm Phật nhưng không đạt đến cội nguồn. Hễ tu duyên lành đều để hoàn thành tâm nguyện, ít có người vì giải thoát sinh tử cho chính mình mà phát nguyện niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, thường lo nhang đèn cho đạo tràng, những lời chú nguyện hồi hướng đều là để cầu khẩn thần minh khiến cho không còn tai họa và kéo dài tuổi thọ mà thôi! Cho nên so với bổn ý của kinh sám thì trái ngược nhau, không phù hợp với bản nguyện của chư Phật. Cho dù suốt đời tu hành mà không hiểu rõ lý thú, dụng công sai lầm thì đó là suốt ngày đếm của báu cho người khác mà mình không được nửa đồng.

Người qua đời sở dĩ không được vãng sinh Tịnh độ là vì không có hạnh nguyện. Lại có hạng người ngu si thọ giới với Phật mà lại ở trước Tam bảo đốt hương thề nguyện: Nếu con phá giới sẽ bị bệnh nan y làm khổ thân này, mãi mãi bị đọa vào địa ngục. Hoặc nói: Dù mắt trái chảy máu, mắt phải chảy mủ cũng cam chịu các thứ hình phạt của quan ty. Thấy có nhiều người nói nhưng vô tâm, phá trai, phạm giới nguyện chịu quả báo đau khổ, cam tâm bị đọa lạc. Họ tự đào huyệt chôn mình, thật không biết Phật, Tổ luôn có tâm thương xót chúng sinh, có bao giờ dạy người như vậy? Những người ấy đều là tà sư sai lầm, đem những hình phạt làm lời phát nguyện, sao lại quá mê muội như thế!

Tôi thường nghĩ mà thương xót, nên khuyên mọi người cùng phát chánh nguyện, cầu sinh Tịnh độ, nguyện cùng thành Phật. Người kia nói: “Ta là phàm phu làm sao dám mong sinh về Tịnh độ, nguyện cùng thành Phật? Nếu ta có tâm này là còn vọng tưởng.” Tôi trả lời rằng: Không phải như vậy, này Thiện tri thức! Phật là giác, Tịnh độ là tâm. Tâm này người nào cũng có. Giác là Phật, mê là chúng sinh. Người thế gian trái với chánh giác, hợp với trần tục, nên luân hồi trong bốn loài, sáu đường thuộc ba cõi. Nghiệp duyên thiện ác phải chịu quả báo xấu tốt đều do nhận thức sai lầm về bốn đại, cho rằng bốn đại là thân ta, lục trần là thật có, rồi chạy theo huyễn cảnh, suốt ngày trôi lăn, không hề tạm ngừng để thức tỉnh chính mình. Từ sinh đến chết chỉ lo cho gia đình không đầy đủ của cải, không vừa lòng, càng nhiều càng tìm cầu, càng tham lam không biết đủ. Tuy nói làm lành, kính thờ Phật, đốt hương lễ bái làm phước, nhưng chỉ mong vinh hoa giàu sang, sống hoài không chết. Mới làm được một ít việc lành thì cầu mong đủ thứ, muốn lúa thóc đầy kho, tơ tằm tăng gấp bội, con cháu vinh hiển, bò ngựa sinh nhiều. Nhưng chỉ một điều không vừa ý thì oán Phật không giúp cho đầy đủ. Của cải càng ngày càng tăng thêm, bèn nói trời, rồng cảm ứng. Tham lam như thế chính là vọng tưởng, tự không hay biết. Lại nói niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh độ, là tự tạo ra vọng tưởng, há không phải là quá điên đảo sao? Hễ cho là làm phước tất cả đều thuộc hữu vi, bởi vì đó là nhân hữu lậu của thế gian, chẳng phải việc tu hành đạo vô vi xuất thế. Cho nên người Phật tử tu hành nên suy nghĩ kỹ, ngày nay mình có cơ duyên gặp được Phật pháp, nên nghiên cứu tìm về cội nguồn, chớ cạnh tranh nhau về chi phái, một niệm xoay trở về chính mình tu pháp xuất thế, nguyện ra khỏi Ta-bà sinh về Tịnh độ. Cũng như người đi xa lâu ngày mong muốn được trở về quê cũ.

Tâm nguyện sinh Tịnh độ, nguyện thành Phật làm sao có thể so sánh giống với vọng tưởng của phàm phu? Há không thấy trong sám ghi: Con nguyện lúc sắp qua đời dứt trừ hết tất cả chướng ngại, được thấy Đức Phật A-di-đà, liền được vãng sinh cõi Cực lạc. Có thể nói rằng một ngày, được bước trên con đường tìm về bảo sở mới biết trước đây mình dụng tâm sai lầm.

2. Kệ và lời tựa Ngài Từ Chiếu Tông Chủ dạy người niệm Phật phát nguyện.

Di-đà tiết yếu ghi: Người niệm Phật việc lo lắng nhất là không khéo tương ưng, vì sao? Vì tuy nói giữ giới niệm Phật nhưng chưa hề phát tâm nguyện sinh về Tịnh độ, thì tất cả đều là vùi đầu cho qua ngày tháng, tự mình làm mất đi lợi ích tốt đẹp. Nói chung niệm Phật điều quan trọng trước tiên là phát tâm. Muốn vượt khỏi sinh tử, vãng sinh Tịnh độ nên lấy nguyện lớn làm ý chính, thường nên niệm Phật, sớm chiều chuyên tâm lễ bái Phật Di-đà như chầu vua. Mỗi ngày hai thời đầy đủ, càng gần thì càng thân. Tâm-miệng tương ưng với Phật; Cách Phật không xa, miệng niệm tâm nhớ tưởng, mong được thấy Phật; phát nguyện sâu dày, tin chắc không nghi ngờ; trải qua nhiều năm công phu thuần thục, tự nhiên Tam-muội được thành tựu. Người đó lúc qua đời được Phật Di-đà tiếp dẫn, cõi Tịnh độ hiện ra trước mắt, lại nguyện trong đời hiện tại này thường gặp bậc Thiện tri thức, không gặp thầy tà kiến, không bị mê hoặc tâm mình, không sinh lười biếng. Nếu niệm Phật như thế, lại có niềm tin sâu sắc và phát nguyện thì tín, hạnh, nguyện không thiếu sót. Vì thế người ấy sắp qua đời thấy Phật tức chẳng phải Phật từ bên ngoài đến mà tất cả đều do tâm hiển bày. Giống như hạt giống gieo xuống đất gặp mùa xuân thì dễ phát sinh, đâu phải từ bên ngoài đến mà chính là từ đất sinh ra.

Người tu hành ngày nay cũng vậy, niệm Phật, tín, nguyện huân tập vào thức A-lại-da thì lúc sắp qua đời phát hiện ra Tịnh độ Di-đà, tức chẳng phải bên ngoài đến, tất cả đến từ tâm hiện ra.

Kệ rằng:

Muôn pháp từ tâm sinh

Muôn pháp từ tâm diệt P

hật ta đại Sa-môn

Thường giảng nói như vậy

Giữ giới không tín nguyện

Không được sinh Tịnh độ

Chỉ được phước trời, người

Phước hết chịu luân hồi

Xoay vần khó ra khỏi

Xem kinh không mắt tuệ

Không biết ý sâu Phật

Đời sau được thông minh

Loạn tâm khó xuất ly

Chi bằng niệm Phật đi!

Hiện đời không danh lợi

Lúc nào cũng niệm Phật

Chính là A-di-đà.

Phát nguyện đem công đức giữ giới

Hồi hướng sinh về Cực lạc

Chính là hợp với hành trì

Trong ngàn người không sót một người

Những lời từ miệng vàng Đức Phật nói

Người ấy được đích thân

Phật Di-đà nhiếp thọ

Chư Phật đều hộ niệm

Các vị trời khéo che chở

Chúng ta thấy người niệm

Phật như thế Không cách xa Phật

Nên ngồi trong đạo tràng

Xoay bánh xe đại pháp

Độ khắp vô lượng chúng sinh

Ví như cô gái nghèo cùng

Mang thai vua chuyển luân

Các vị trời thường theo che chở

Mà cô ta không biết

Trong bụng mình có quý tử

Nay người niệm Phật

Ý cũng giống như vậy

Người nhớ tưởng Phật, thường niệm

Phật Không lâu sẽ thành Phật.

Chư Phật khéo che chở

Nhưng người ấy không biết mình

Sẽ sinh Tịnh độ

Lại muốn đời sau

Được sinh vào cõi người.

Giống như người nghèo cùng

Trong đất nhà mình có kho báu chôn dưới đất

Có thần thường giữ gìn

Không để nó mất mát

Mà tự mình không biết

Trong nhà có kho báu

Phải đi khắp nơi

Tìm kiếm cơm áo để sinh sống

Nay người niệm Phật này

Ý cũng giống như vậy

Không biết người niệm Phật

Có đủ kho Như Lai

Lại nói ta không có phần

Ngược lại muốn sinh trong loài người.

Ví như người bệnh

Có thuốc hay

Nhưng không biết tính chất của nó

Thì không thể tự trị bệnh được

Suốt ngày nằm trên giường

Chịu đựng sự đau đớn.

Nay người niệm Phật này

Ý cũng giống như vậy.

Không biết tâm niệm Phật

Có công năng diệt trừ bệnh tham, sân

Có công năng làm bậc đại y vương

Có công năng làm kho báu lớn

Cứu độ tất cả mọi người

Có khả năng làm bậc Đại Pháp vương

Che chở chúng sinh

Lại cho rằng là phàm phu

Không được sinh về Tịnh độ

Vì thế họ trì trai giữ giới

Nguyện đời sau được làm người

Xoay vần lại tu hành

Mới được sinh về Cực-lạc.

Chúng ta thấy nhiều người tu hành

Thường nói như vậy.

Người nào không khen ngợi hạnh nguyện của Phật Di-đà

Thì không phù hợp với kinh Tịnh độ

Tà kiến che lấp tâm mình

Thì rốt cuộc khó ra khỏi được

Chẳng phải do người khác ngăn ngại mình

Mà tất cả đều do tâm mình làm chướng ngại mình.

Đời nay không được vãng sinh

Một lần sa đà thì trăm lần sa đà

Khuyên những người tu hành

Phải tin tưởng lời Đức Phật dạy

Vì lời Phật nói hoàn toàn chân thật

Lẽ nào lại có lời luống dối?

Nhưng mỗi người phải tự chuyên cần,

Nhất tâm cầu sinh Tịnh độ.

Nhân gió thổi lửa, năng lực không tiêu hao

Là nhờ có tâm niệm Phật

Nên hồi hướng, phát nguyện vượt ra ba cõi

Gặp của báu mà không lấy của báu

Gặp thức ăn mà chịu đói lạnh.

Than ôi! Bậc đại trượng phu

Mà không thấy được ý chân thật

Nay Ta khuyên nhủ, khen ngợi sơ lược

Xoay vần truyền cho người

Thay ta rộng lưu hành

Làm sứ giả Như Lai.

Ấy thật là Phật tử

Thật gọi là báo ơn Phật

Nguyện khắp chúng sinh

Đúng như lời dạy mà tu hành

Cùng sinh về Cực lạc.

3. Cầu sinh Tịnh độ quan trọng là phát nguyện.

– Luận Trí Độ quyển tám.

Hỏi: Các Bồ-tát hạnh nghiệp thanh tịnh được quả báo tốt đẹp, cần gì phải lập thệ nguyện, sau mới được quả báo tốt đẹp? Giống như người làm ruộng được mùa, lẽ nào đợi phát nguyện sao?

Đáp: Làm phước không phát nguyện thì không có mốc để hướng tới, nguyện làm người dẫn đường cho chúng sinh thì sẽ thành tựu. Như lời Phật dạy, nếu tu ít phước, ít giữ giới, không biết giảng nói chánh nhân, nghe nói đến sự vui sướng của trời, người, thì tâm thường nguyện thích, sau khi qua đời được sinh về đó. Đây là nguyện lực tạo ra. Còn Bồ-tát cầu sinh Tịnh độ thì với chí nguyện vững bền, sau đó mới được như vậy. Vì thế, nên biết nhờ nguyện lực kia, mà được quả báo tốt đẹp. Người xưa nói: “Quả Phật cao xa muốn lên phải có cách thức, cấp bậc. Núi cao tận mây thì phải có tâm rộng lớn dần, huyền đức mới phát ra, chiếu đến cả đời sau, hoằng thệ mới hưng khởi, nguyện mầu trùm khắp thế giới hư không. Một niệm khởi lên chí nguyện tức là hoa đẹp của trần kiếp, nửa khắc kính cẩn cúi mình chính là cam lồ của thế giới đại thiên.” Luận Đại Trang Nghiêm ghi: “Việc lớn ở cõi Phật chỉ thực hành công đức thì không thể thành tựu, phải có nguyện lực giúp đỡ, nhờ đó mới thành tựu. Nhờ nguyện lực nên phước đức thêm lớn, không tan mất, không hư hoại, sẽ sinh về cõi Phật, tùy theo hạnh nguyện được gặp Phật.” Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Người ấy lúc sắp qua đời, phút giây sau cùng tất cả các căn đều không còn tác dụng, tất cả thân thuộc đều xa lìa, tất cả uy thế đều biến mất, cho đến voi, ngựa, xe cộ, châu báu, kho tàng v.v… tất cả mọi thứ không mang theo, chỉ có nguyện vương này không lìa bỏ, bất cứ lúc nào nó cũng dẫn đường đi trước, người ấy chỉ trong khoảnh khắc liền được vãng sinh về thế giới Cực lạc.”

4. Nghi thức phát nguyện tu hành của Hòa thượng Thiện Đạo.

Người tu Tịnh độ khi nhập vào quán và lúc ngủ nên phát nguyện này, hoặc ngồi, hoặc đứng chắp tay nhất tâm, xoay mặt về hướng Tây, niệm danh hiệu Phật A-di-đà mười câu, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Thanh Tịnh Đại Hải chúng, xong rồi nguyện rằng: “Đệ tử hiện là phàm phu sinh tử, tội chướng sâu dày, luân hồi trong sáu nẻo, vô cùng khổ não. Nay gặp Thiện tri thức, được nghe công đức bổn nguyện, danh hiệu Phật A-di-đà, một lòng xưng niệm cầu nguyện vãng sinh, cúi mong Phật từ bi không bỏ chúng con, thương xót nhiếp thọ. Đệ tử… không biết thân Phật tướng tốt sáng chói, mong Phật thị hiện khiến cho con được thấy và thấy các Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí v.v… ở thế giới kia, trang nghiêm, thanh tịnh, tướng tốt sáng chói, v.v… khiến cho con mỗi mỗi đều thấy được”. Phát nguyện này rồi, nhất tâm chánh

niệm, liền tùy ý mình nhập quán, hoặc đến lúc ngủ phát nguyện rồi ngủ, có lúc đang phát nguyện liền được thấy, hoặc lúc ngủ được thấy. Chúng ta chỉ cần chuyên tâm phát nguyện, tự nhiên điều mình nguyện sẽ được viên mãn.

5. Văn phát nguyện cầu sinh Tịnh độ của Bạch Thị Lang.

Ký ghi: “Đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni nói rằng, từ cõi này đi về hướng Tây qua mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực lạc, vì không có tám nạn, bốn đường ác. Nước ấy gọi là Tịnh độ vì không có ba độc, ngủ trược. Đức Phật đó hiệu là A-di-đà vì tuổi thọ vô lượng, hạnh nguyện vô lượng, công đức, tướng tốt sáng chói vô lượng. Ngài quan sát tường tận chúng sinh thế giới Ta-bà này, không phân biệt hiền ngu, sang hèn, già trẻ, hễ có người nào phát tâm quy y Phật, chắp tay hướng về Phương Tây, lúc gặp khổ não, nguy hiểm miệng niệm Phật A-di-đà, lại có người dùng vàng đúc tượng, hoặc hòa hợp các loại đất, hoặc khắc vào đá, hoặc thêu trên vải, cho đến trẻ con giỡn nhóm cát, vẽ nước. Tất cả đều được Ngài tiếp độ. Vì Phật A-di-đà là bậc Thượng thủ. Không biết như vậy, do đây mà quán Đức Phật kia có thệ nguyện lớn với chúng sinh, chúng sinh có nhân duyên lớn với cõi Tịnh độ. Nếu không phải như vậy thì Nam, Bắc, Đông, Tây, quá khứ, hiện tại, vị lai có Phật rất nhiều, tại sao chỉ có Phật A-di-đà là như vậy?

Vào đời Đường, Đại phu thái tử Thiếu Truyền Bạch Cư Dị lúc tuổi về già mắc bệnh bại liệt. Ông liền xuất tiền của sai thợ Đỗ Kính Tông căn cứ theo hai bộ kinh A-di-đà và Vô Lượng Thọ vẽ một bức tranh thế giới Tây phương cao chín thước, rộng một trượng ba thước, có Phật A- di-đà ngồi giữa, hai Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí hầu hai bên, có trời người chiêm ngưỡng, quyến thuộc vây quanh, lầu đài, kỹ nhạc, cây cối, hoa cỏ, ao nước, chim muông bằng bảy báu, tô điểm năm mầu, trông sáng sủa rực rỡ. Thợ làm xong, đệ tử là Bạch Cư Dị đốt hương cúi đầu đảnh lễ rồi quỳ trước Phật, khởi Từ bi tâm phát thệ nguyện rộng lớn: “Con nguyện hồi hướng công đức này cho tất cả chúng sinh, tất cả chúng sinh người già như con, mắc bệnh như con, mong họ lìa khổ được vui, bỏ ác tu thiện, không qua châu Thiệm bộ ở phía Nam, bèn được thấy cảnh Tây phương, ánh sáng sợi lông trắng ứng niệm chiếu đến, được sinh về lên hoa sen xanh bậc thượng phẩm, tùy theo nguyện lực được vãng sinh. Con nguyện từ đây đến tất cả đời sau thường được gần gũi cúng dường.” Muốn nói lại nghĩa này, liền khen ngợi rằng: “Thế giới Cực lạc thanh tịnh không có các đường ác và các nỗi khổ, nguyện những người già bệnh như con cùng sinh về nước của Phật Vô Lượng Thọ.”

6. Văn bố thí kinh phát nguyện sinh Tịnh độ của Phùng Tế Xuyên.

Lược ghi: Việc bố thí kinh của tôi tuy một nhưng có đủ hai thí (tài thí, pháp thí). Vì sao? Vì mua kinh là tài thí, lấy kinh truyền pháp là pháp thí. Theo lời Phật nói, tài thí thì đời sau sẽ được quả báo phước đức cõi trời cõi người, pháp thí sẽ được thế trí biện thông, là quả báo thế gian. Nên biết rằng cả hai quả báo đều là gốc của quả báo khổ, là nhân của luân hồi. Nay con xin phát nguyện, nguyện hồi hướng hai quả báo này, đến lúc qua đời trang nghiêm vãng sinh thế giới Cực lạc Tây phương, từ hoa sen hóa sinh, được thấy Phật nghe pháp, ngộ Vô sinh nhẫn, được không lui sụt, nhập vào hàng Bồ-tát, rồi trở lại trong các thế giới mười phương, ở cõi đời có năm thứ ô trược này, khiến cho tất cả thấy được thân con mà làm Phật sự. Nguyện đem nhân bố thí tài pháp này, mong được như Bồ-tát Quán Thế Âm đầy đủ từ bi lớn, dạo đi trong năm đường, tùy loài mà hiện thân để giảng nói pháp mầu, khai mở cho những người chưa ngộ, để họ mãi mãi xa lìa đường khổ, được trí huệ, nguyện tất cả chúng sinh đều được thành Phật. Đây là lời nguyện bố thí kinh của tôi. (Phần trên rút bia viết về việc bố thí kinh, Phùng Tế Xuyên bố thí kinh không mong quả báo thông minh, giàu sang ở cõi trời, người mà hồi hướng công đức về Tịnh độ, nguyện gặp Phật Di-đà. Có thể nói Ông ta là bậc trí thức cao minh, hiểu sâu Phật lý, là người của Đại thừa. Ôi! Thế mà thấy phần nhiều người trong Liên xã suốt ngày niệm Phật lại cầu phước báo đời sau, há không phải là sai lầm ư! Tôi mong mọi người được sinh Tịnh độ nên đưa ra văn thí kinh phát nguyện của Phùng Tế Xuyên cho mọi người lấy đó làm gương. Hễ có tu phước, niệm Phật cho đến làm một việc lành nhỏ nhất, tất cả đều phát nguyện hồi hướng Tây phương. Đã có chỗ trở về thì qua đời chắc chắn sinh về Tịnh độ).