LÔ SƠN LIÊN TÔNG BẢO GIÁM

Đời Nguyên, Phổ Độ biên tập.

NÓI VỀ CHÁNH QUYẾT NIỆM PHẬT VÃNG SANH

Pháp môn vãng sinh của Tịnh độ bao gồm các kinh, sáng như mặt trời trên cao. Phương pháp vào đạo của người tu hành chân chánh chính là chỗ gá tinh thần vào chỗ niệm mà vô niệm, niệm chính là niệm Phật A-di-đà, sinh mà vô sinh, sinh là sinh về Tịnh độ. Cho nên Bồ-tát hạnh sâu trải qua các đời làm thầy khuôn phép. Quan nổi tiếng, học giả tài giỏi, người dân thường đều dốc một lòng tin theo đạo này. Người lập thệ tiến tu nhiều không thể kể xiết. Ý đó thế nào? Tức là nhất định muốn vãng sinh về Tịnh độ, gặp Phật Di-đà mới thôi. Nhưng nên biết rằng Phật vốn không có thân, cũng không có cõi nước, mà tất cả đều do tâm thanh tịnh của chúng sinh cảm ứng nên. Không nghe kinh nói sao? Tâm này làm Phật, tâm này là Phật, biển Chánh biến tri của chư Phật cũng từ tâm mà ra. Cho nên Đại sư Thiên Thai giải thích rằng, Phật vốn không có tâm tịnh nên có, nên chúng sinh tâm thanh tịnh thì pháp thể hiện tiền, chúng sinh tâm ô nhiễm thì trôi lăn trong sáu đường. Đây là lý bình thường, tại sao lại nghi ngờ? Nói theo Viên thật giáo thì duy tâm vốn đầy đủ, hoặc đây, hoặc kia, hoặc nhiễm, hoặc tịnh đều không vượt qua một niệm của tâm mình. Tâm là cội gốc tạo tội, cũng là chỗ cội gốc để thành Phật.

Cái gọi là cõi nước do tâm mà có (giới nhĩ hữu tâm) nên ba ngàn thế giới đầy đủ, nhưng ba ngàn các pháp đã sẵn đủ mười pháp giới, mười như, ba thứ thế gian giúp đỡ lẫn nhau mà hiển bày, vậy cõi nước An dưỡng, bỏ cái này để cầu cái gì? Chẳng phải chỉ có Tịnh độ duy tâm mà địa ngục cũng duy tâm. Lại nói: Tất cả Chánh báo, Y báo ở địa ngục A-tỳ hướng về tự tâm cực Thánh, thân độ Phật Tỳ-lô-giá-na không vượt qua một niệm của kẻ phàm, vừa khởi kiến chấp mê ngộ liền rơi vào đường tà, không phân biệt tịnh nhiễm khác nhau. Vì thế mới quy về chánh đạo. Núi dao rừng kiếm đều là hoa đốm giữa hư không, sen vàng ao báu đều thành việc mộng, nhận thức như thế mới hiểu được chân tu giải thoát hoặc chưa thì nên y theo Quyền tiệm mà tu hành thêm. Tin tưởng rằng Phật A-di-đà là bản tánh của ta, quý ở chỗ lễ, tụng, sám, niệm, trong tất cả mọi lúc đi, đứng, nằm, ngồi phải chiếu soi ba quán. Nếu khế hợp với một tâm thì toàn trí phát ra cảnh, toàn cảnh chính là tâm. Nên biết y báo, chánh báo của Đức Phật đều là tâm, tất cả đều do tâm tạo. Tin rằng Tịnh độ Di-đà rõ ràng ảnh hiện trong mắt tâm. Thí như mài đồng thành gương là nhờ dày công, khiến cho các dơ bẩn trở thành sạch sẽ thì bản thể sáng ngời tự nhiên hiển bày, tất cả sắc tượng đều không ẩn giấu. Nên biết hình bóng trong gương, nếu nói có thì không thể thừa nhận vì không nắm bắt được, nếu nói không thì tại sao các hình ảnh thấy được rõ ràng. Cái gọi là có không nhất định có, không không nhất định không. Không có cứ để nó mặc tình là đúng nhất! Vì nó là cảnh không thể suy nghĩ bàn luận. Đạo duy tâm diệu quán muốn chứng được phải rõ nhân của nó, nên biết nhân bao trùm biển quả, quả thấu suốt nguồn nhân, từ đầu đến cuối không lìa một niệm. Từ nhân đến quả chỉ do tâm ban đầu. Nếu khéo tu thế nào thì đến lúc qua đời sẽ được quả báo như vậy. Thế mới biết chuyên tâm niệm Phật là nhân, vãng sinh Tịnh độ là quả. Bắt đầu từ nghe rồi tin, tin rồi tu hành, chứa nhóm công đức Tịnh nghiệp, được cơ duyên đầy đủ, thời tiết đã đến chân lý chiếu soi, thấy sự chết chỉ như trở về nhà, há không vui mừng sao? Cho nên tôi thương chúng sinh mà trình bày chánh quyết vãng sinh, chỉ rõ con đường về nhà, lúc này tin tưởng không còn nghi ngờ thì ngày kia sẽ được ra khỏi, không bao giờ nhầm lẫn; như thế thì lo gì không sinh về nước An dưỡng, tự tánh Di-đà chắc chắn thành tựu, cùng các bậc Thánh hiền đều thành tựu tịnh hạnh. Người đạt đến địa vị cao nhất thật cũng do ở đạo này.

1. Cha mẹ qua đời vãng sinh Tịnh độ.

Tin tưởng pháp môn Tịnh độ, phát tâm niệm Phật là lúc gieo giống xuống ao hoa sen, nhất tâm niệm Phật, phước lành trang nghiêm là lúc hoa sen lên khỏi mặt nước, niệm Phật viên thành, duyên Tịnh độ chín muồi là lúc hoa sen nở thấy Phật. Là một Phật tử tôn thờ Phật, trước tiên phải hiếu thảo với cha mẹ, lúc nào cũng giữ gìn tâm niệm hiếu thuận với cha mẹ, xem xét sức khỏe cha mẹ mà hết lòng nuôi nấng, làm hết sức mình mong sao cha mẹ được điều hòa. Lại nên nghĩ cha mẹ già như đèn treo trước gió, nên phải chuẩn bị trước đến lúc vãng sinh, trước hết dùng tất cả duyên lành, việc lành tu được của cha mẹ và công đức giúp sức tu tập nhiều người, viết thành một tờ sớ, luôn luôn ở trước cha mẹ đọc tờ sớ ấy, khiến cha mẹ sinh tâm vui mừng. Lại phải khuyên cha mẹ ngồi hay nằm đều xoay về hướng Tây, không quên nguyện vãng sinh Tịnh độ. Đặt tượng Phật Di-đà, khuyên cha mẹ nhất tâm niệm Phật; đốt hương, đánh khánh, khuyên mọi người đồng thanh niệm Phật, khiến âm thanh niệm Phật nối nhau không dứt. Chúng ta không nên vì tình cảm lưu luyến thế gian, e rằng làm mất chánh niệm. Lúc qua đời xả báo thân vẫn phải niệm Phật thì tự nhiên các bậc Thánh đến đón rước, vãng sinh Tịnh độ, ở trong hoa sen báu chắc chắn sẽ thành Phật. Người con hiếu hầu hạ, nuôi nấng cha mẹ chính là lúc này, không nên lười biếng. Người con hiếu nuôi nấng cha mẹ lúc qua đời là việc lớn, lấy đây làm hiếu thì hiếu ấy không gì bằng. Huống chi từ xưa đến nay, người niệm Phật vãng sinh Tây phương chúng ta thấy rất nhiều. Ở đây xin nêu vài trường hợp, để người niệm Phật xem xét, sở dĩ Quốc chủ nước Ô-Trường thấy Thánh chúng đến đón rước, Văn Hoàng hậu đời Tùy nương theo mùi hương lạ đi về hướng Tây, Diêu Hành bà xin Phật chờ, Tống Thế Tử hầu mẹ cùng về Tây. Có thể nói vừa siêu vượt liền nhập vào Như Lai địa (địa vị Phật).

2. Ba điều nghi ngờ lúc sắp qua đời.

Tịnh độ Thập Môn của Từ Chiếu Tông Chủ khuyên rằng: Có ba điều nghi ngờ làm cho người niệm Phật lúc qua đời không được sinh về Tịnh độ.

  1. Nghi mình từ trước đến nay gây nghiệp ác rất nặng mà thời gian tu hành rất ít, sợ không được vãng sinh Tịnh độ.
  2. Nghi mình đang mắc nợ người khác, hoặc có tâm nguyện chưa thực hiện được và tham, sân, si chưa dứt bỏ, sợ không được vãng sinh.
  3. Nghi mình tuy niệm Phật Di-đà, lúc qua đời, sợ Phật không đến đón rước.

Do ba điều nghi ngờ này mà thành chướng ngại, làm mất chánh niệm, không được vãng sinh. Cho nên người niệm Phật điều quan trọng là phải tin sâu xa ý chỉ rõ ràng của kinh Phật, chớ sinh tâm nghi ngờ. Trong kinh ghi: Niệm một câu A-di-đà Phật diệt trừ tội nặng trong ba mươi ức kiếp sinh tử. Trên cho đến nhất tâm bất loạn, dưới cho đến mười niệm thành công thì có Đức Phật dắt dẫn lên chín phẩm hoa sen, lìa bỏ ngủ trược (Ta-bà). Nếu tâm tâm không mê muội, niệm niệm không sai khác, thì nghi tình dứt hẳn, chắc chắn vãng sinh. Có thể nói đường dài mười muôn ức cõi chỉ trong khoảnh khắc là đến, mảy may suy nghĩ cách xa ngàn trùng.

3. Bốn điều quan trọng lúc sắp qua đời.

Tịnh độ Thập môn của Từ Chiếu Tông chủ khuyên rằng: Có bốn điều quan trọng lúc sắp qua đời không được sinh về Tịnh độ:

1/ Phàm phu tuy có tín tâm niệm Phật, nhưng vì nghiệp chướng đời trước nặng nề nên bị đọa địa ngục. Nhưng nhờ thần lực của Phật nên trong lúc bệnh thì bệnh nặng trở thành nhẹ, do bệnh khổ nên hối ngộ thân tâm thì sẽ vãng sinh Tịnh độ. Thế mà người ngu không hiểu việc này, nói rằng, nay ta niệm Phật lại bị bệnh khổ, rồi hủy báng Phật Di- đà, do một niệm tâm ác này nên liền rơi vào địa ngục.

2/ Tuy là giữ giới, niệm Phật, nói về Tịnh độ, nhưng ý lại lưu luyến Ta-bà, không cầu thiện căn xuất thế, tiếc rẻ gia đình giàu có, đến nỗi lúc sắp qua đời mắc phải bệnh khổ, sợ chết tham sống, tin lời trẻ con kêu quỷ, gọi thần,đốt tiền, làm ngựa, giết hại chúng sinh. Người chạy theo tâm tà vạy này thì không được Phật che chở. Nhân đây mà trôi nổi, đọa lạc trong ba đường ác.

3/ Có người vì uống thuốc chữa bệnh nên dùng rượu, thịt, hoặc bị thân thuộc cùng nhau bức ép, người này không có niềm tin quyết định, làm mất thiện căn. Vì thế lúc qua đời người ấy bị đưa đến trước vua Diêm-la, tùy ý vua xét xử.

4/ Lúc sắp qua đời nhớ lại những việc đã làm trong lúc còn sống, tiếc nuối tiền của, luyến ái quyến thuộc, tâm nghĩ mãi làm mất chánh niệm, nên đọa làm ngạ quỷ, đã là họa lớn, lại làm thân chó dữ, hoặc làm thân rắn để giữ gìn gia đình như lúc còn sống.

Thế nên Dương Đề Hình nói: “Ái không nặng không sinh Ta- bà, niệm không nhất tâm không sinh Tịnh độ.” Lời nói này thật đúng thay!

Hễ tu Tịnh độ, thì phải dứt trừ những tư tưởng mộng huyễn, niệm niệm nhớ nghĩ Phật Di-đà, buông bỏ toàn thân. Nếu giữ vững một niệm này, thì sẽ phá được bốn điều quan trọng trên, thì đài sen Tịnh độ đâu phải là xa. Có thể nói một câu A-di-đà Phật không có niệm khác, thì không nhọc khoảnh khắc đến Tây phương.

4. Toát yếu quyết nghi lúc sắp qua đời.

Người tu niệm Phật muốn sinh về Tịnh độ phải luôn nghĩ đến thế gian tất cả đều vô thường, có thành phải có hoại, có sinh thì có tử. Nếu chúng ta không hết lòng nghe Phật pháp thì xả thân này, thọ thân khác luân hồi trong ba cõi, xuống lên trong bốn loài, sáu đường, không có lúc nào giải thoát. Nay chúng ta có duyên lành được nghe chánh pháp, được tu Tịnh nghiệp, chuyên tâm niệm Phật để khi bỏ báo thân này sẽ sinh về Tịnh độ, nhập vào thai hoa, ở đó thọ hưởng nhiều sự vui sướng; xa lìa hẳn sinh tử, không lui sụt đạo Bồ-đề, đây là việc đáng làm suốt đời của bậc đại trượng phu.

Khi mới bị bệnh, người bệnh phải hướng về phía trước, khiến cho thân tâm thoải mái, chớ sinh tâm lo ngại. Nên hướng về phương Tây, ngồi thẳng, chuyên tưởng Phật A-di-đà, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí và vô số hóa Phật đang ở trước mặt mình, một lòng xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật”, niệm mãi không dứt. Đối với tất cả những việc thế gian không được tham luyến, nếu có tâm niệm gì khởi lên thì mau niệm danh hiệu Phật, trong mỗi niệm diệt trừ được tội chướng. Nếu người bệnh hôn mê không thể tự mình niệm Phật thì người nuôi bệnh nên dùng nhiều phương tiện nhắc nhở khuyên giải, chỉ bày cho họ. Dùng tâm giúp đỡ như thế, khiến họ qua đời chỉ cần một niệm này chắc chắn vãng sinh Tịnh độ, nếu số mạng chưa chết thì được bình yên. Người bệnh chớ vọng khởi tâm tham luyến thế gian, sống thì sống, chết thì chết, chỉ mong được vãng sinh, đâu có gì phải lo ngại. Nếu chúng ta hiểu được lý này thì sự chết như cởi áo cũ mặc áo mới, vừa lìa bỏ thân phàm liền chứng quả vị Phật. Kỳ lạ thay! Lớn lao thay! Thật là cùng tột, vô tận. Nếu người đó lúc qua đời nghe nhạc trời hay mùi thơm lạ, hoặc thấy tòa báu sen vàng, đây chính là cảnh Thánh hiện tiền, chớ nghi là cảnh ma. Trong kinh ghi: “Người tu Tịnh nghiệp nhờ nguyện lực của Phật, quán Thật tướng Phật làm cảnh, giống như người gần gũi vua thì ai dám xâm phạm. Huống chi Phật A-di-đà có năng lực từ bi lớn, có năng lực thệ nguyện lớn, có năng lực trí tuệ lớn, có năng lực thiền định lớn, có năng lực uy thần lớn, có năng lực tồi tà lớn, có năng lực hàng phục ma lớn, có năng lực thiên nhãn thấy xa, có năng lực thiên nhĩ nghe xa, có năng lực soi chiếu tâm người, có năng lực ánh sáng chiếu khắp, nhiếp thọ chúng sinh, có năng lực công đức cao vời vô lượng, không thể suy nghĩ bàn luận như thế, há không có khả năng che chở người tu hành hay sao? Người niệm Phật đến lúc qua đời sẽ không bị ma chướng, vãng sinh về Tịnh độ. Có thể nói thân ta thịt nát cũng chưa đủ để đền đáp ơn Phật. Một câu thông suốt, vượt thoát trăm ức kiếp.

5. Tăng Tế lúc sắp qua đời nhất tâm quán tưởng Tây phương.

Tăng Tế là đệ tử của Tôn giả Lô Sơn, lúc ông sắp qua đời, Tôn giả đưa cho ông một cây đèn nói: “Ông phải dồn hết sức lực quán tưởng Tây phương.” Tăng Tế cầm đèn nhất tâm quán tưởng kim dung Phật Di-đà, giữ tâm không loạn động, lại thỉnh chư tăng tụng kinh Thập Lục Quán. Đến canh năm Tăng Tế trao đèn cho mọi người rồi nằm ngủ. Đến khi thức dậy Tăng Tế nói: “Tôi nằm mộng thấy Phật A-di-đà duỗi tay tiếp dẫn, tôi phải đi thôi!” Nói xong, Tăng Tế nằm nghiêng bên phải an nhiên mà hóa. Đây chẳng phải là do sự tu tập giới-định-tuệ, thì lẽ nào có thể ở bên bờ sinh tử mà an nhiên nhẹ nhàng như thế ư! Có thể nói thấy được đường liền đi, không có gì trở ngại, dễ dàng vượt qua cửa sinh tử.

6. Văn Lâm chung chánh niệm vãng sinh của Hòa thượng Thiện Đạo.

Tri Quy Tử thưa: việc lớn nhất trong đời này không gì bằng sinh tử. Một hơi thở ra không thở vào là đã qua đời khác, một niệm sai quấy liền đọa vào luân hồi. Tiểu tử nhiều hệ lụy, mong được Sư dạy bảo. Pháp niệm Phật vãng sinh, lý của nó rất rõ ràng, nhưng sợ lúc bệnh đến, sắp chết, tâm thức tán loạn, lại nghĩ đến người khác, làm động đến chánh niệm, quên mất nhân Tịnh độ. Cúi mong sư chỉ bày lại phương pháp trở về, khiến cho chúng con thoát khỏi nỗi khổ đắm chìm.

Sư đáp: Hay thay lời hỏi của ông! Tất cả người đời, lúc sắp qua đời muốn sinh về Tịnh độ phải là người không sợ chết, thường nhớ nghĩ thân này nhiều khổ, dơ uế, nghiệp ác, bị các thứ đó trói buộc. Nếu được lìa bỏ thân dơ uế này, sinh về Tịnh độ, thọ hưởng vô lượng sự vui sướng, giải thoát các đường khổ sinh tử, đây là việc vừa ý, như cởi áo xấu mặc áo đẹp. Nhưng phải buông bỏ thân tâm, chớ sinh luyến tiếc, hễ gặp lúc bị bệnh phải nghĩ đến vô thường, một lòng chờ chết, dặn người trong nhà và người nuôi bệnh, nếu có người đến thăn hỏi thì tất cả đều nên đến chỗ tôi niệm Phật, không được nói những lời không đâu hay những việc lặt vặt trong gia đình. Cũng không nên dùng lời dịu dàng an ủi, chúc nguyện an vui. Vì những việc này như hoa đốm giữa hư không, chẳng có ích gì. Nếu người bệnh nặng sắp chết, thân quyến không được rơi lệ, than khóc hay phát ra những tiếng than vãn buồn bã làm mê loạn tâm thần của họ, làm mất đi chánh niệm, phải cùng lúc đồng thanh niệm Phật cho đến khi hơi thở dứt, mới được buồn khóc. Nếu người bệnh có một chút gì luyến tiếc thế gian sẽ trở ngại không được giải thoát. Nếu người bệnh hiểu rõ Tịnh độ, đến khuyên giải họ kịp thì thật là một may mắn lớn. Nếu nương theo những điều này thì chắc chắn vãng sinh không còn nghi ngờ gì.

Lại hỏi: Tìm thầy tìm thuốc có cần không?

Sư đáp: Tìm thầy tìm thuốc ban đầu không ngại gì cả, nhưng thuốc chỉ có thể chữa bệnh, không thể cứu được mạng sống. Nếu mạng sống đến lúc tận thì thuốc làm sao cứu sống được? Nếu giết mạng sinh vật làm thuốc để cầu thân được yên, thì đây là việc không nên làm. Tôi thấy phần nhiều người đời, lúc bệnh thì giữ gìn trai giới, mới được khỏi bệnh chút ít, do thầy thuốc bảo dùng rượu thịt, máu huyết để trị bệnh. Nên người ấy bệnh trở lại. Hãy tin rằng thần lực của Phật có công năng cứu độ, còn rượu thịt không có ích gì.

Hỏi: Cầu thần ban phước thì thế nào?

Đáp: Mạng người dài ngắn lúc sinh ra đã định rồi, làm sao nhờ quỷ thần kéo dài mạng sống được? Nếu mê hoặc tin theo tà đạo, sát hại chúng sinh để cúng tế quỷ thần thì chỉ tăng thêm tội nghiệp, lại giảm tuổi thọ. Đại mạng đã hết thì tiểu quỷ làm sao khống chế được? Người bệnh mong mỏi, sợ hãi, không có người đến cứu vớt họ, vì thế nhất định phải cẩn thận việc này, nên dán văn này trước mắt để lúc nào cũng nhìn thấy nó, để khi lâm chung không bị quên mất.

Hỏi: Người bình thường không hề niệm Phật, nay thực hành phương pháp niệm Phật có được không?

Đáp: Pháp này người tăng kẻ tục, người không hề niệm Phật, nhưng bây giờ dùng pháp này tu tập đều được vãng sinh, chắc chắn không nghi ngờ. Tôi thấy phần nhiều người đời lúc bình thường niệm Phật, lễ lạy rất siêng năng, nhưng đến lúc bệnh lại sợ chết, không lo việc vãng sinh giải thoát. Chỉ đợi khi hơi thở dứt, mạng sống không còn, thần thức rơi vào chốn tối tăm, mới bắt đầu đánh chuông niệm Phật mười niệm, thật giống như giặc qua cửa ải thì làm sao cứu giúp được? Cửa chết rất rộng, phải do tự lực của chính mình. Nếu một niệm sai quấy thì nhiều kiếp chịu khổ nào có thể chịu thay. Bởi thế người đời phải suy nghĩ, những lúc rảnh rỗi nên siêng năng thọ trì pháp này, ấy là việc lớn lúc sắp qua đời. Có thể nói một điều là đường về Tây phương rộng lớn, đi thẳng về nhà chẳng cần hỏi bến bờ.

7. Hoá Phật đến đón rước.

Tống Kính Lục hỏi: Ngoài tâm không có Phật, thấy Phật là tâm.

Vì sao trong kinh nói có Phật đến đón rước, sinh về Tịnh độ?

Đáp: Pháp thân của chân Phật vốn bất sinh, bất diệt, từ chân như khởi hóa Phật đến tiếp dẫn chúng sinh. Vì hoá tức chân, chân ứng với một đời, không đến không đi, tùy theo cảm ứng với tâm chúng sinh mà hóa hiện. Lại hóa thân là chân thuyết, không đến không đi, từ chân như hóa hiện có đến đi tức là tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy. Không đến mà đến giống như trăng dưới nước tự nhiên hiện ra, không thấy mà thấy, như mây bay bỗng nhiên hiện muôn hình.

Hỏi: Như trên đã nói chân thể là vắng lặng bất động, nhưng hóa tướng tức không đến mà đến, chính là ngoài tâm có Phật khác đến đón rước. Tại sao nói tự tâm là Phật?

Đáp: Đây chính là năng lực bổn nguyện công đức của Như Lai, nên khiến cho chúng sinh có duyên, chuyên tâm tưởng niệm khiến cho tự tâm thấy Phật đến đón rước. Không phải chư Phật thực sự sai khiến hóa thân đến đón rước mà chỉ cần người có duyên với Phật, khi thời cơ thích hợp thì khiến tự tâm thấy Phật đến đón rước. Thân Phật vắng lặng, thường tịch không đến, không đi, chúng sinh biết được tâm là nương vào bổn nguyện của Phật, một niệm biến hóa thì có đến có đi, như bóng trong gương, như việc trong mộng. Hình trong gương chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, việc trong mộng chẳng phải có, chẳng phải không. Tất cả chỉ là tâm sinh khởi, chẳng liên quan gì đến chân thân, hóa thân của Phật. Điều quan trọng đầu tiên của người tu hành chân chánh là muốn sinh về thế giới Cực lạc thì phải chuyên ý nhất niệm, trì một câu A-di-đà Phật, chỉ một niệm này là Bổn sư ta, là hóa Phật, là vị tướng có sức mạnh phá tan địa ngục, là thanh kiếm báu chém bọn tà, là ngọn đèn sáng chiếu rọi chỗ tối tăm, là con thuyền lớn vượt qua biển khổ, là phương pháp khéo léo thoát khỏi sinh tử, là con đường tắt ra khỏi ba cõi, là bản tánh Di-đà, là đạt đến duy tâm Tịnh độ. Chỉ cần nhớ một câu A-di-đà Phật trong một niệm không để quên mất. Niệm niệm thường hiện hữu, niệm niệm không lìa tâm. Vô sự cũng như thế niệm, hữu sự cũng như thế niệm, an vui cũng như thế niệm, bệnh khổ cũng như thế niệm, sinh cũng như thế niệm, tử cũng như thế niệm, một niệm như vậy rõ ràng không mê muội, cần gì phải hỏi người tìm đường về? Có thể nói thuyền trôi nhờ người chèo thuyền, người thông đạt pháp này thì đi đến đường Niết-bàn.

8. Kệ lâm chung niệm Phật của Bồ-tát Hiền Thủ.

Lại phát ra ánh sáng gọi thấy Phật

Ánh sáng này giác ngộ người sắp chết

Hễ nghĩ nhớ thì thấy Như Lai

Qua đời được sinh về Tịnh độ

Thấy ai lâm chung khuyên niệm Phật

Và bày tôn tượng để chiêm ngưỡng

Khiến sinh tín tâm với Đức Phật

Cho nên thành tựu ánh sáng này.

Sám chủ Từ Vân Tuân Thức người Thiên trúc nói rằng: Bốn câu trước khen ngợi ánh sáng của Phật. Người thấy ánh sáng gọi là thấy Phật, khiến cho lúc qua đời vãng sinh Tịnh độ, bốn câu sau khen ngợi Phật tu nhân ánh sáng này. Nhân này là khuyên người sắp qua đời niệm

Phật, đồng thời bày tượng Phật cho người ấy nhìn thấy, sinh tín tâm, cho nên lúc thành Phật được ánh sáng ấy. Nay nêu bài kệ này ra khuyên mọi người tín thọ. Hễ khi gặp quyến thuộc và tất cả những ai, lúc sắp qua đời nên an trí tượng Phật trước giường bệnh, khiến cho người ấy nhìn thấy và khuyên họ niệm Phật. Nếu đau đớn ép ngặt, hoặc người ấy trước kia chưa có tín tâm, không chịu niệm Phật thì phải dùng nhiều phương tiện khuyên giải khiến họ niệm Phật, dù chỉ mười niệm cũng diệt được tội nặng, sinh về Tịnh độ, lợi ích này không thể nghĩ bàn. Nếu khuyên được một người sinh về Tịnh độ, dù tự mình không tu hành cũng được sinh Tịnh độ. Hơn nữa tương lai thành Phật sẽ phát ra ánh sáng, chiếu khắp tất cả chúng sinh, lúc qua đời thấy Phật. Thấy người đời phần nhiều vì ân ái nên xúm nhau khóc lóc, không nghĩ đến cứu độ. Đây là ác tri thức. Khổ thay! Khổ thay! Ân ái dẫn dắt đoạ vào đường ác không có lúc nào ra khỏi. Tuy mẹ hiền con thảo cũng không biết phải làm sao? Từ đây chúng ta nghĩ lại, có thể không khuyến thích ư! Có thể nói là nguyện khắp các chúng sinh đang chìm đắm, mau sinh về cõi Phật Vô Lượng Quang.

9. Y cứ vào tình, tưởng nhiều hay it mà nói về quả báo cao thấp. Kinh Thủ-lăng-nghiêm ghi:

Phật bảo A-nan: Tất cả thế gian sinh tử nối tiếp nhau, sinh tùy theo thói quen (nghiệp), tử tùy theo sự trôi lăn. Lúc sắp qua đời chưa xả hơi ấm, thì thiện ác một đời biểu hiện ra cùng một lúc. Nếu thuần tư tưởng thì liền bay đi và sinh lên cõi trời. Tâm nhẹ nhàng lại thêm có phước tuệ và nếu tâm tự nhiên khai mở nguyện sinh thấy Tịnh độ của chư Phật mười phương tùy nguyện vãng sinh. Tình ít, tưởng nhiều, bay đi không xa thì làm vị tiên biết bay. Tình tưởng bằng nhau thì không lên cao, không xuống thấp, sinh vào nhân gian. Tư tưởng sáng suốt thì thông minh, tình cảm u tối thì ám độn. Tình nhiều, tưởng ít đọa làm bàng sinh, nặng làm thú, nhẹ làm chim, “bảy phần tình, ba phần tưởng thì chìm đắm trong thủy luân, lại sinh những nơi có lửa, chịu sức nóng của nó, thân làm ngạ quỷ thường bị thiêu đốt, nước làm hại, không được ăn uống, trải qua nhiều kiếp”. Chín phần tình, một phần tưởng đoạ vào hỏa luân. Nhẹ thì hữu gián, còn nặng thì vô gián. Có hai thứ địa ngục: Nếu thuần tình rơi vào ngục A-tỳ. Nếu tâm đắm chìm lại thêm có sự khinh chê Đại thừa, hủy báng giới cấm của Phật, nói pháp dối trá, tham của tín thí, mong được cung kính, phạm tội ngũ nghịch, mười tội trọng thì đọa vào địa ngục A-tỳ trong mười phương.

10. Khi qua đời, thiện ác chiêu cảm quả báo có hơn kém.

Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ chép: Phật dạy: Nếu người khi sắp qua đời biết trước giờ khắc, chánh niệm rõ ràng, tắm gội mặc áo, an lành mà đi thì sẽ có ánh sáng rực rỡ chiếu đến thân, người ấy thấy tướng tốt của Phật, các tướng lành hiện ra, chắc chắn người này được vãng sinh Tịnh độ. Nếu người niệm Phật giữ giới không có tâm tinh tấn, thì khi qua đời cũng không có điềm tốt, cũng không có tướng ác thì địa ngục không nhận, An dưỡng cũng không đón, giống như người ngủ say. Người này nghi tình chưa dứt nên sinh vào thành nghi năm trăm năm thọ hưởng vui sướng, lại tu tín nguyện mới sinh về Tịnh độ. Nếu người khởi tâm thương xót, chánh niệm hiện tiền không luyến ái vợ con, tiền của, mắt nhìn rõ ràng, ngưỡng mặt mỉm cười, nhớ nghĩ cõi trời tương lai sẽ đến đón ta, tai nghe nhạc trời, mắt thấy thiên đồng, thì khi bỏ bảo thân này chắc chắn sinh về cõi trời. Nếu người sinh tâm hòa thuận, khởi tâm phước đức, thân không bệnh khổ, nhớ nghĩ cha mẹ, vợ con, đối với thiện ác tâm không tán loạn. Tâm người ấy ngay thẳng, di chúc tài sản, từ biệt mà đi, thì chắc chắn người này sinh trở lại cõi người. Nếu người đối với quyến thuộc mình mắt dữ nhìn chằm chằm, đưa tay quờ quạng giữa hư không, tiểu tiện không hay biết, thân thể hôi dơ, hai mắt đỏ ngầu, ngửa mặt mà nằm thân co quắp về bên trái, trăm đốt xương đau nhức, hoặc thấy tướng xấu, miệng không nói được, lộ vẻ than vãn, rên rỉ, oan trái hiện tiền, tâm thức tán loạn, say mê điên đảo, khắp thân thể lạnh như băng, tay chân cứng như đá. Người này qua đời chắc chắn đọa vào địa ngục. Nếu người hay liếm môi, thân nóng như lửa, thường bị đói khát, thích nói về ăn uống, há miệng không ngậm, tham luyến tài sản, mạng hết khó dứt, mở mắt mà đi. Người này chắc chắn đoạ làm ngạ quỷ. Nếu người mắc bệnh nặng, tâm thần hôn mê, tán loạn, sợ nghe danh hiệu Phật, thích ăn nhiều thức ăn có máu thịt, không nghe lời khuyên giải, luyến ái vợ con, các ngón tay chân co quắp, toàn thân ra mồ hôi, giọng nói khàn đục, miệng sùi nước bọt. Tướng này chắc chắn đọa làm súc sinh.

11. Mười trường hợp khi sắp qua đời không thể niệm Phật, khuyên nên tu trước.

Phàm phu nghiệp nặng nên nơi nào cũng muốn sinh về. Nếu không có công phu tu tập trước thì khi sắp qua đời không thể niệm Phật. Luận Thập Nghi của Ngài Thiên Thai ghi: Lúc sắp qua đời niệm Phật gọi là tâm sau cùng. Tâm ấy mạnh mẽ, bén nhạy, nên vừa niệm danh hiệu Phật liền vãng sinh Tịnh độ. Vì lúc sắp chết tâm ấy quyết định mạnh mẽ, cho nên hơn lực tu hành trong trăm năm.

Có người hỏi: Lúc sắp qua đời niệm Phật liền được vãnh sinh, tại sao phải nhờ vào công phu tu tập trước mới vượt qua nghiệp lực?

Đáp: Tuổi thọ dài ngắn của con người mấy ai lường được. Hoặc người bị bệnh nặng hôn mê, hoặc chết không kỳ hạn. Nếu lúc còn sống không lo tu điều lành thì khó tránh khỏi tai hoạ đời sau. Nên phải tạo các duyên lành trước, để đề phòng các tai hoạ này.

Có mười trường hợp khi sắp qua đời không thể niệm Phật:

  1. Không gặp được thiện hữu.
  2. Bệnh khổ hành hạ thân xác, tâm thần hôn mê, tán loạn.
  3. Bị trúng gió không nói được nên lời, không niệm Phật được.
  4. Cuồng loạn, mất tâm, khó tập trung tư tưởng.
  5. Gặp nạn nước trôi, lửa cháy, không rảnh chí thành niệm Phật.
  6. Gặp cọp sói quá sợ hãi chết ngay.
  7. Khi chết ác hữu phá hoại đạo tâm.
  8. Ăn uống quá độ, hôn mê đến chết.
  9. Quân lính chiến đấu bị chết.
  10. Rơi từ núi cao xuống, thân bị trọng thương mà chết.

Nên biết rằng lúc sắp qua đời khó bảo đảm được sự lành dữ, cho nên phải tu tập trước. Có thể nói những lúc nhàn rỗi phải mau tu hành, để tránh khi sắp qua đời trở tay không kịp.