Niệm Phật ra Khỏi Ba Cõi

Hỏi: Cực lạc Tịnh độ là ở ngoài ba cõi hay ở trong ba cõi?

Đáp: Tịnh độ Cực lạc chắc chắn ở ngoài ba cõi. Nói ba cõi là cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc. Cõi dục từ Diêm Phù Đề này lên đến Lục dục thiên. Sắc giới từ Lục dục thiên lên đến Phạm chúng thiên gồm có 18 cõi gọi là sắc giới thiên. Vô sắc giới gồm bốn cõi trời từ Không vô biên xứ đến Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Lại nữa, tam giới hướng lên gồm có 28 cõi trời, hướng xuống đến vô gián địa ngục loài người ở giữa, như ở trong lao ngục, nên Kinh Pháp Hoa nói:  “Ba cõi không yên cũng như nhà lửa.” Chúng sanh thường bị sanh già bệnh chết, lo lắng tai họa, thiêu đốt không dứt, cho nên Bà Vi Đề Hy nhàm chán Ta Bà cho là nơi ngũ trược ác xứ. Vì sao gọi là ngũ trược? 1- Kiếp trược chỉ dịch bệnh, cơ cẩn, đao binh hoành hành. 2- Phiền não trược chỉ tất cả chúng sanh đều bị phiền não bức bách. 3- Mạng trược chỉ cho nhơn mạng vô thường ngắn ngủi. 4- Kiến trược chỉ chúng sanh điên đảo chấp lầm bài báng không tin. 5- Chúng sanh trược chỉ chúng sanh say mê trong dục vọng xoay quanh trong sanh tử, lấy khổ làm vui không cầu ra khỏi. Lại có ác đạo như địa ngục ngạ quỷ súc sanh đầy dẫy, các việc ác chứa nhóm. Quả thật cõi  Ta Bà này là cõi trược ác. Vì vậy Chư Phật rũ lòng thương dạy nhàm chán cõi ác trược, ưa mến điều vui ở cõi Cực lạc phương Tây, nên Kinh có bài tụng:

Phật từng ngục ba cõi
Dẫn chúng sanh ra ngoài
Đấng Đại Trí nhơn thiên
Thương xót chúng mê muội
Nên mở môn cam lộ
Rộng độ các chúng sanh.

Trong Luận nói:
Vượt khỏi ngục ba cõi
Mắt như hoa sen xanh
Chúng thanh văn vô số
Nên con cung kính lễ.

Vãng Sanh Luận nói:
Quán tướng của cõi kia
Vượt khỏi xa ba cõi
Cứu kính như hư không
Rộng lớn không ngăn mé.

Quần Nghi Luận nói:
Tịnh độ vượt ngang ba cõi
Thoát khỏi tất cả năm đường
Người được vãng sanh cực lạc,
Không có danh xưng ba cõi
Thẳng đến vô thượng Bồ Đề.

Qua những lời kệ tụng trên cho thấy Tịnh Độ Phật A Di Đà ở ngoài ba cõi, nên nói người tu niệm Phật mau ra khỏi ba cõi.

Nếu muốn niệm Phật A Di Đà mau sanh Tịnh độ cần phải thành tựu ba nghiệp, thứ nhất tâm chỉ có lòng tin kiên cố, thứ hai miệng chỉ có niệm danh hiệu Phật kiên cố, thứ ba thân chỉ có cung kính, không hỏi có người không người, cao thấp già trẻ, ngày đêm thường không giải đãi gọi là kỉnh thành tựu. Không bàn về lỗi người tốt xấu, không nói suông như nói ăn, đếm của cho người, chỉ miệng niệm Phật, mỗi tiếng liên tục không dứt gọi là khẩu thành tựu. Không rơi vào tham sân phiền não, không náo loạn, đánh mắng náo loạn, oán hận, tật đố, sát, đạo, dâm, vọng là cái nhơn đọa tam đồ cùng pháp niệm Phật không tương ứng. Vì thế, chỉ có người lòng tin chắc niệm Phật, không phân biệt kẻ đạo người tục, không hỏi nam nữ, giàu nghèo, không hỏi tạo tội có nặng nhẹ, chỉ cần có lòng tin làm gốc, nếu thành tựu thì vạn bệnh đều lành, không cần thuốc thang ở thế gian, muôn thiện đều tự thành; không nhờ vào kinh sách thế gian mà sớm thành tựu muôn thiện vì nó không phải là khả năng của mình là được, cũng không phải do sức tu hành của mình mà được. Nếu y cứ vào kinh văn, người tu từ phàm phu đến sơ địa phải trải qua một Đại A Tăng kỳ kiếp. Nếu nhờ năng lực của Tam Bảo không phải trải qua nhiều kiếp. Y Kinh văn nói: Người nghe nói danh hiệu Phật A Di Đà cho đến một niệm một lòng hoan hỉ dũng mãnh, chí tâm hồi hướng liền được vãng sanh, ở vào vị Bất Thối.

Kinh Pháp Hoa nói: “Đối với người có trí, xin đem thí dụ để giải rõ: Ỏ trong thế gian chỉ có mẹ có thể làm cho thân con được yên ổn. Còn xuất thế gian chỉ có Chư Phật có thể làm cho chúng sanh thoát khỏi khổ ba cõi, được sanh về tịnh độ, thấy Phật, nghe pháp.” Y theo kinh thì Phật có lòng từ bi, hỉ xã. Từ là ban vui, bi là cứu khổ. Chẳng luận người chịu khổ hay các loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thọ khổ đều cứu tế bình đẳng, nếu còn hỏi loài nào thì không gọi là Đại Bi. Như người mẹ ở thế gian đối với con có các thứ khổ đều không nài lao nhọc. Chư Phật là đấng Đại bi, không hỏi oán thân, đạo tục, nam nữ, bình đẳng đồng đều cứu khổ hết.

Những khổ đó là gì? Là khổ của thế gian và khổ của địa ngục. Dù khổ trăm ngàn muôn vạn bội, Chư Phật đều cứu hết huống là những khổ nhỏ trong con người, nếu các Ngài không đến cứu là cùng lời dạy trong kinh trái ngược nhau. Những người đang thọ khổ cần phát tâm sám hối, làm các hạnh giới, tạo các công đức, các khổ mau trừ thì lòng tin mới thành tựu, sanh tử từ đây chấm dứt. Người không tin lời Phật dạy thì khổ không thể dứt. Trong các thứ tin, trước phải tin Tam Bảo, năng lực Tam Bảo rất bình đẳng và rộng lớn, trong thế gian không cần hỏi giàu nghèo, nam nữ chỉ có lòng cung kỉnh Tam Bảo thì tự nhiên dự được một phần giải thoát khổ đau. Muốn được giải thoát chỉ có lòng tin nơi Tam Bảo là then chốt, nếu không có lòng tin không khác gì người mù và điếc. Nên biết người niệm Phật mỗi tiếng không dứt, không bệnh nào chẳng lành, không tội nào không dứt, chắc chắn khỏi lo sợ, cũng không thối chuyển, mỗi ngày trong tầm mắt tự nhiên mở tỏ, mỗi việc làm đều hợp với kinh giáo, đi đứng nằm ngồi tâm đức không tán loạn, cũng không mất  oai nghi.

Người niệm Phật dù nghe nhiều Kinh Luận đều cùng tâm hạnh tương ưng tăng thêm lòng vui vẻ, tiếp dẫn những người có lòng tin, như mẹ cứu con không từ mệt nhọc. Người không có lòng tin cần nên ngậm miệng, không nên mở lời làm cho người khác chê bai chán pháp, chẳng những chê bai người mà còn chê bai Đức Phật. Trong kinh A Di Đà, khi Đức Thích Ca Mâu Ni nói pháp môn Tịnh Độ vì tất cả chúng sanh mà nói. Sáu phương Chư Phật đều biết kinh này khó tin, e rằng chúng sanh đời sau nghi chê, nên hiện tướng lưỡi rộng dài để minh xác văn kinh này không dối trá. Gần đây, các hành giả sanh nhiều nghi hoặc và chê bai, chính vì việc ấy, nên Chư Phật có lời huyền ký, biết trong đời mạt pháp, chúng sanh không tin. Nếu có người nào có lòng tin thì tất cả Chư Phật cùng nhau hộ niệm. Tự mình không tin lời Phật dạy, là tự mình không được căn lành và không thể ở vị bất thối. Đây là lời nói của Phật A Di Đà: “Nếu chúng sanh không tạo Tịnh Nghiệp là tự mình làm chướng ngại đường vào cõi Thánh.” Tất cả các kinh đều do Phật nói ra, nếu người nào tự tu hành đúng theo giáo lý, thì Chư Thiện thần luôn luôn hộ trợ, làm cho người ấy sanh lòng kính tin, tu hành không bỏ, Chư Phật sẽ hộ trợ vị ấy theo bổn nguyện lực. Người nghe mà không tin bị đọa thẳng vào địa ngục, không có ngày ra, đâu chẳng phải điều lầm to cho cả một đời sao?

Nếu người đọc kinh văn Tịnh độ, lắng lòng xét kỹ chắc chắn sẽ cùng kinh giáo tương ưng, dùng pháp niệm Phật trì giới để đoạn trừ phiền não. Chỉ cần có lòng tin sâu chắc chí thành không lui sụt, mỗi niệm tiếng Phật không dứt, không cần hỏi kẻ đạo người tục, giàu có, bần hàn, xấu tốt, nam nữ, có tội nặng hay nhẹ, chỉ cầu làm cho lòng tin thành tựu chắc có kết quả mong muốn. Nếu không có lòng tin, dù chư Phật có từ bi như cha mẹ cũng không thể cứu nổi, không thể vãng sanh. Chỉ có lòng tin thành tựu thì Chư Phật thường còn không mất, cũng không lui sụt. Tin Phật là bậc Đại Thánh tối tôn tối thượng, nên dù chúng sanh ở quá khứ hiện tại và vị lai, không cần hỏi tâm thiện ác nhiều ít Phật đều biết rõ. Nếu có người tin Phật Đại từ bi có thể cứu chúng sanh trong ba thời, dù có tạo nhiều ác nghiệp tội chướng mà phát lòng ăn năn chừa lỗi, Phật đều biết rõ và đều cứu độ đúng lúc, như người mẹ thấy con ở chỗ dơ bẩn đói lạnh quyết lòng cứu giúp chẳng bao giờ xa lìa. Dù đứa con không có lòng báo hiếu, mẹ vẫn không nài khó nhọc lo cho con cả cuộc đời, huống chi Đức Phật là bậc đầy lòng Đại Từ Bi thì lòng cứu khổ to lớn hơn cha mẹ ngàn muôn bội. Không phải chỉ có cứu khổ ở thế gian, mà còn cứu khổ lớn sanh tử. Cho nên, thế gian có lòng tin thì Phật liền cứu, cũng không hỏi tội nặng nhẹ.

Kinh Pháp Hoa nói: “Tất cả chúng sanh đều là con ta, ta là cha của chúng nó, các người nhiều kiếp bị các khổ thiêu đốt, ta đều cứu giúp ra khỏi ba cõi.” Đức Phật cứu độ không luận đạo tục, nam nữ, giàu nghèo, già trẻ, tốt xấu, sang hèn và tội nặng nhẹ, chỉ cần có lòng tin, có lòng hối lỗi, lòng tin thành tựu, niệm danh hiệu Phật không dứt là Phật đến cứu. Trong kinh nói: “Tất cả chư Phật đều đến hộ niệm, đều được chẳng thối chuyển. Pháp hy hữu khó tin này chỉ cần lòng tin, không luận người có tội, hoặc người nữ không được vãng sanh. Chỉ luận có lòng tin hay không, nếu giới hạnh thành tựu đều được vãng sanh, chẳng phải là khó tin, chẳng phải là ít có. Thiện nam và thiện nữ nào có thể tin chẳng dối trá chẳng luận tội có nặng nhẹ, các bệnh đều trừ, các bệnh đều dứt, chẳng luận xa gần, chỉ giữ lòng tin, tâm mau dứt nghi hoặc, liền biết niệm Phật như mẹ cứu con nên gọi là pháp hy hữu khó tin. Khi nói kinh này rồi hằng hà sa chư Phật ở sáu phương, mỗi vị đều hiện tướng lưỡi rộng dài, chứng minh cho biết chúng sanh trong ba đời nghe Phật dạy đều được vãng sanh. Nên gọi là pháp hy hữu khó tin. Kinh nói: “Niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật diệt được 80 ức kiếp tội sanh tử. Tất cả Chư Phật đều hộ niệm.”

Lòng Từ Bi của Chư Phật là bình đẳng cứu khắp chúng sanh chẳng luận kẻ đạo người tục biết hối lỗi hồi hướng phát nguyện chắc Phật cứu không hề sai sót, nên chúng sanh có lòng tin niệm Phật được thành tựu thì không có tội nào không diệt hết, không có bệnh nào là không lành, không có khổ nào là không trừ, không có nổi lo nào mà không vui mừng. Nếu có người nghe liền hối lỗi rồi học, thực hành niệm Phật thì năng lực của Phật sẽ gia hộ.

Người có lòng tin mới biết Thân nghiệp không được sát sanh trộm cướp, dâm dật, cũng không được đánh đập hại tất cả chúng sanh, cũng không được ăn mặc lòe loẹt, trang sức trau dồi, gấm vóc lụa là, muôn hồng nghìn tía, quần áo đẹp xinh, khêu gợi lòng người, làm chướng đạo nghiệp dễ bị chìm vào biển khổ. Cũng làm cho người khởi ái tâm. Người mặc áo đẹp trang sức lòe loẹt làm động lòng người. Người tu hành không nên trang điểm lòe loẹt, chỉ ăn mặc giản dị. Riêng thân có 3 điều phải giữ gìn không sát sanh, trộm cướp và tà dâm.

Về khẩu nghiệp, không được uống rượu, ăn thịt, ăn ngũ vị tân, không được nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác. Nếu giữ khẩu nghiệp thanh tịnh là đối với đạo Phật tương ưng, nếu gia tâm niệm Phật thì được sáu phương Chư Phật hộ niệm. Về ý nghiệp thì không được tham, sân, si vì nó là ba độc, bỏ tham sân si chuyên tâm niệm Phật chắc thoát khỏi tam giới./.

 

Trích Niệm Phật Kính

Tuyển tập: Đại Sư Đạo Cảnh và Đại Sư Thiện Đạo