NHỮNG LỜI DẠY ĐÚNG LÚC
Kim Sơn Thiền Tự
đầu thập niên 70
Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Lời Tựa

Những Lời Dạy Đúng Lúc (pdf)

Quyển sách này mở ra một cánh cửa sổ vào cuộc sống thường nhật của Tu Viện Kim Sơn Thánh Tự tại San Francisco trong những năm đầu hoằng pháp của Hòa Thượng Tuyên Hóa tại Mỹ. Vào mùa hè năm 1968, Hòa Thượng bắt đầu một loạt bài giảng về các kinh điển vĩ đại của Đại Thừa, hoàn thành trước nhất là Kinh Lăng Nghiêm, tiếp theo là Kinh Pháp Hoa và sau cùng vào năm 1979 là Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka), và Ngài tiếp tục giảng kinh thường xuyên cho đến khi Ngài nghỉ hưu dần dần vào cuối thập niên 80. Những bài giảng kinh không thể so sánh này là những bài đầu tiên nhất thuộc thể loại này được nghe giảng ở quốc gia phương Tây. Trong những năm đầu này, thính giả của Ngài phần lớn là những người Mỹ trẻ tuổi như tôi, mỗi chúng tôi bị lôi cuốn bởi hoàn cảnh may mắn và không thể giải thích được, và những bài giảng kinh của Ngài là một trong những phương tiện đúc khuôn những người thực hành Phật giáo từ những mẫu đất sét Hoa Kỳ không có chút hứa hẹn gì như chúng tôi. Chúng tôi là những người may mắn đã có cơ hội, và ước muốn sinh ra từ trong trực giác thâm sâu để nhiều lần trở lại vào trong sự hiện diện của nhân vật phi thường này.

Ở đó, Ngài hướng dẫn, dỗ dành, làm vui, la mắng, an ủi, lo ăn ở, luôn luôn dẫn dắt chúng tôi trong việc quyết tâm hướng đến đời sống thanh tịnh của chúng tôi, luôn luôn thúc giục chúng tôi trong việc tu tập tâm linh – tóm lại, như Ngài nói là dạy dỗ chúng tôi làm người.

Tất cả việc đó đều cần thời gian, cả thời gian của Ngài và của chúng tôi, và thời điểm chính là mỗi tối lúc 7:30. Sau lúc thỉnh pháp theo nghi thức truyền thống, khi đó Ngài sẽ xuống lầu để giảng kinh. Nhưng Kinh không chỉ là chủ đề duy nhất của ngài. Tất cả các vấn đề của chúng tôi, những sự việc gây ngạc nhiên hay lo lắng cho chúng tôi, việc tiếp đón khách hay sự việc khác như hành động dại dột của một đệ tử lạc lối, bất cứ chương trình, công việc nào của Chùa, tin tức gì liên quan đến từng chúng tôi, những báo cáo từ người vừa du hành về – tất cả những điều này đều được Hòa thượng nêu lên và mang ra thảo luận. Đó chính là những buổi thảo luận không chính thức này, trong khoảng thời gian 2 năm, từ năm 1972 đến năm 1974 – mà những người phiên dịch và biên tập không mệt mỏi ở Viện Phiên Dịch Kinh Sách đã trích ra từ những bài giảng của Hòa Thượng và tập hợp trong quyển sách này.

Trong các bài giảng thân mật không chính thức của Ngài, như các bài được trình bày trong những trang tiếp theo đây có lẽ người ta nghe được những lời giáo huấn của Ngài rõ ràng hơn là ngay cả với nhũng buổi giảng kinh chính thức. Sự thông minh sáng suốt, tính khôi hài ưu việt, lòng từ bi đơn giản, sự cảm nhận sâu sắc, trí huệ vô song và biện tài vô ngại không ai sánh bằng của Ngài – tất cả đều hiện diện trong những buổi thảo luận về những vấn đề bình thường nhất. Đối với Hòa Thượng, không có việc gì được cho phép là bình thường; mọi việc là một dịp để thử lại một lần nữa để thúc đẩy một người đệ tử bước thêm một tấc gần hơn đến trí huệ. Ta cũng có thể thấy trong những bài trích lại sau đây, sự kiên định của Hòa Thượng để các đệ tử cư sĩ và tu sĩ tham gia vào những buổi thảo luận công khai và các cách giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong lúc đó. Mục tiêu của Ngài không chỉ chính yếu là giải quyết những vấn đề mà còn chuyển mỗi điều khó khăn đó thành cơ hội để dạy về lòng từ bi và trí huệ, và xây dựng một cộng đồng tâm linh. Ngài miễn cưỡng trong việc áp đặt ý chí của mình và không thích việc vâng lời mù quáng. Những gì Ngài cần ở chúng ta là sự cởi mở, thẳng thắn, trung thực, không ích kỷ và tinh tấn – theo lời của Ngài rằng chúng ta cần cố gắng hết sức mình. Đáp lại, Ngài cho chúng ta món quà lớn nhất của Ngài: đơn giản là, dù chúng ta có nhiều thất bại và nhiều cơ hội cho Ngài ra đi tiếp tục, Ngài vẫn ở lại với chúng ta.

David Rounds (果 舟 – Quả Chu)
Ngày 24 tháng Hai, năm 2005.