NHỮNG BÀI KINH NGẮN

Thích Thiện Phước dịch

 

PHẬT NÓI KINH ĐẠI THỪA GIỚI

(Thi Hộ đời nhà Tống dịch)

Tôi nghe như vầy, một thuở Phật tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc nước Xá Vệ. Bấy giờ thế tôn bảo các thầy tỳ kheo rằng : Nếu có người tu mà phá hoại thọ mạng giới hạnh, có người tu đoạn diệt căn lành thì kẻ xuất gia đó khó có cơ hội trọn lòng tinh tấn giữ gìn kiên cố. Nếu có thầy tỳ kheo … ở trong Phật pháp mà cầu giải thoát, xa lìa tất cả các điều xấu ác khổ não, như Phật đã nói: Thà ta bỏ thân mạng này mà phải chịu sự vô thường, chứ không được buông lòng vi phạm giới luật. Bởi người xả thân mạng thì chỉ hoại diệt trong một đời, còn kẻ phá giới thì khiến cho muôn kiếp phải bị chìm đắm trong đường ác, nếu người trì giới thì sẽ được thấy Phật. Giới là sự trang nghiêm tối thượng, giới là diệu hương tối thượng, giới là nhân an vui thù thắng. Giới thể thanh tịnh, như nước trong mát lạnh, trừ được nhiệt não, công đức giữ giới pháp rất lớn, dù cho chú pháp ở thế gian bày ra sự độc hại của rồng rắn cũng không thể xâm tổn. Người trì giới thì tiếng lành đồn khắp, trì giới sẽ được an lạc đến khi mạng chung sẽ được sanh lên cõi trời.

Phật bảo các thầy tỳ kheo, nếu phạm luật nghi thì giống như người mù không thấy các sắc, lại cũng như không chân chẳng thể đi được. Kẻ ấy xa lìa Niết Bàn không đến được bờ bên kia. Nếu người trì giới thì sẽ thành tựu được tất cả các pháp báu, ví như cái bình tốt nguyên vẹn bền chắc, hay đựng được tất cả trân báu. Nay nếu bị bể, mẻ sẽ làm rơi mất trân báu, còn người phá luật nghi thì kể như bỏ tất cả thiện pháp. Nếu trước đã từng phạm giới mà sau tâm muốn cầu chứng Niết Bàn thì giống như bỏ mắt vậy, mà lại soi mình trước gương, thì nào có thể được.

Phật dạy các thầy tỳ kheo : “Người nữ hay tráu trở không được gần gũi, ân vua tuy thù thắng nhưng không thể ỷ lại, cậy nhờ bọt nước không thật nên không thể nắm bắt, giàu sang không bền nên chẳng thể ở lâu, sắc tướng như hoa, phút chốc biến đổi, mạng sống như trái chín không thể dừng lâu. Như thuyền qua dòng nước chảy xiếc, như tạm ở trong nhà mục, ta thà uống thuốc độc chứ không được uống rượu, thà vào trong lửa dữ chớ không được ham dục”.

Phật nói kinh này rồi thì các thầy tỳ kheo kia và các Bồ Tát đều rất hoan hỉ tin nhận vâng làm.

 

KINH A NAN THẤY BẢY ĐIỀM MỘNG

(Tam Tạng Trúc Đàm Vô Lan nước Thiên Trúc dịch vào thời Đông Tấn)

Khi tôn giả A Nan ở nước Xá Vệ có bảy điềm mộng, Ngài bèn đến hỏi Phật:

Mộng thấy trong vũng nước, tự nhiên lửa phựt cháy ngập trời.

Mộng thấy mặt trời, mặt trăng lặn mất và tinh tú cũng lặn mất.

Mộng thấy tỳ kheo xuất gia lại ở trong hầm bất tịnh, còn hàng cư sĩ tại gia leo lên đầu tỳ kheo đi ra.

Mộng thấy bầy heo đến ủi rừng Chiên Đàn.

Mộng thấy đầu đội núi Tu Di mà không có cảm giác nặng.

Mộng thấy con voi lớn bỏ con voi nhỏ.

Mộng thấy các thứ hoa đẹp rải tung trên đầu của sư tử chúa, lại thấy bảy sợi lông và con sư tử ấy đang nằm chết ở dưới đất. Tất cả loài cầm thú thấy thế nên kinh hoàng sợ hãi, sau thấy trùng trong thân sư tử chui ra rồi lại ăn thịt nó.

Lúc ấy, Tôn giả A Nan đem những điềm mộng này đến hỏi Phật. Đức Thế Tôn đang thuyết pháp ở giảng đường Phổ Hội. Ngài nói pháp về bốn đế khổ – tập – diệt – đạo cho vua Ba Tư Nặc nghe. Vì trông thấy trên mặt A Nan hiện ra vẻ buồn lo sầu khổ không thể nói, nên Phật bảo ông: “Những điềm mộng mà ông đã thấy đều là điềm ứng hiện của năm trược đời ác ở mai sau, không có gì tổn hại đến ông đâu! Thế thì tại sao ông phải lo buồn?”.

Thấy trong vũng nước có lửa bốc cháy ngập trời là ứng điềm các Tỳ kheo đời sau này  tâm lành dần dần trở nên ít ỏi, ác nghịch mỗi lúc một lẫy lừng, lại còn giết hại lẫn nhau, thật không thể nói hết!

Mộng thấy mặt trời, mặt trăng và tinh tú lặn mất là ứng điềm sau khi Phật nhập Niết Bàn thì tất cả các hàng Thanh Văn cũng nhập Niết Bàn theo Phật, không trụ lại nơi đời. Thật là con mắt của chúng sanh diệt mất.

Mộng thấy tỳ kheo xuất gia lại ở trong hầm bất tịnh, còn hàng cư sĩ tại gia leo trên đầu của tỳ kheo mà đi ra là ứng điềm sau này các thầy tỳ kheo sẽ ôm lòng tật đố đến nỗi giết hại lẫn nhau, lại bị đạo sĩ chém đầu. Hàng bạch y thấy thế can ngăn trách móc, nhưng tỳ kheo không chịu nghe theo. Vì thế, sau khi chết, tỳ kheo bị đọa vào địa ngục chịu khổ. Còn hàng cư sĩ vì tinh tấn tu hành nên sau khi chết được sanh lên cõi Trời hưởng thụ quả vui.

Mộng thấy bầy heo đến ủi rừng Chiên Đàn là ứng điềm đời sau này, hàng cư sĩ tại gia vào chùa tháp phỉ báng chư tăng,vạch tìm chỗ hay dở của họ, lại còn phá tháp hại tăng.

Mộng thấy đầu đội núi Tu Di nhưng không có cảm giác nặng là ứng điềm sau khi Phật Niết Bàn, A Nan sẽ làm thầy của 1000 vị A La Hán, nói lại kinh điển không quên một câu. Người được giác ngộ cũng nhiều nên A Nan không có cảm giác nặng.

Mộng thấy con voi lớn bỏ con voi nhỏ là ứng điềm đời sau này, bọn tà kiến dữ mạnh làm hoại nát Phật pháp. Những người có đức hạnh đều ẩn cư, không xuất hiện.

Mộng thấy sư tử chúa chết là ứng điềm sau khi Phật Niết Bàn1470 năm, trong thân tâm của những đệ tử vì tu hành đức hạnh nên tất cả các ác ma đều không nhiễu loạn được. Còn bảy sợi lông là ứng việc sau 700 năm vậy!

 

KINH TỲ KHEO ĐỊNH TỰ SÁT VÌ MUỐN LÁNH TIẾNG XẤU CỦA NGƯỜI NỮ

(Sa môn Pháp Cự đời Tây Tấn dịch)

Tôi nghe như vầy: Một thuở, Phật ở nước Xá Vệ, trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, lúc bấy giờ có một Tỳ kheo an trụ trong một khu rừng tại Câu Tát La. Khi ấy, Tỳ kheo cùng với nữ trưởng giả đùa giỡn mà khởi ra tiếng xấu.

Bấy giờ, Tỳ kheo nghĩ thế này: “Ta nay không nên cùng với người nữ đùa giỡn để khỏi nghe tiếng xấu nữa! Ta nay muốn ở trong rừng này tự sát”.

Đương thời, vị thiên thần ở trong khu rừng đó nghĩ thế này: “Điều xấu ác bất thiện không giống nhau. Vị tỳ kheo nếu hủy hoại thân mình cũng không vì thế mà hết tội lỗi, ở trong rừng muốn tự sát. Ta nay nên đến để làm phương tiện khai ngộ”.

Lúc ấy, vị thiên thần hóa làm thân nữ trưởng giả và đến nói với Tỳ kheo rằng: “Những người ở khắp các đường sá, ngõ hẻm, trong nhà giam… khởi ra lời nói xấu xa rằng tôi và thầy tôi đã cùng nhau tập nhiễm, gần gũi nhau để làm việc bất chánh. Thế nên, đã lỡ có tiếng xấu thì nay thầy nên hoàn tục để chúng mình cùng nhau thụ hưởng những thú vui!”.

Tỳ kheo đáp: “Vì ở khắp trong các đường sá, ngõ hẻm và xóm làng ấy, tôi cùng cô đã tạo ra tiếng xấu, cùng nhau tập nhiễm gần gũi, lại làm việc bất chánh, nên nay tôi muốn tự sát!”.

Bấy giờ, người nữ ấy lại hiện ra thân thiên thần và nói bài kệ rằng:

Dù nghe nhiều tiếng xấu
Người khổ hạnh nhẫn nhục
Không nên khổ tự hại
Cũng không khởi não sầu
Nghe tiếng sợ hãi đó
Ấy là thú trong rừng
Là chúng sanh nóng nảy
Không thành pháp xuất gia
Nhân giả nên cam chịu
Tiếng ác thượng trung hạ
Giữ tâm bền an trụ
Đó là phép xuất gia
Không vì lời người khác
Khiến Ngài thành giặc cướp
Cũng không do người khác
Khiến Ngài thành La Hán
Như pháp tự biết rồi
Các trời lại cũng biết!

Lúc bấy giờ, Tỳ kheo được thiên thần khai ngộ xong, liền dốc lòng tư duy, chẳng bao lâu trừ bỏ hết các phiền não và chứng được quả A La Hán.

 

PHẬT NÓI KINH MẠT LA VƯƠNG

(Cư sĩ Thư Cừ Kinh Thinh dịch vào đời Tống)

Ta nghe như vầy: Một thuở, Phật cùng với 1250 Thầy Tỳ kheo ở nước Xá Vệ, trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ, có một vị quốc vương tên là Mạt La. Nước ấy có đất đai màu mỡ, nhân dân mạnh mẽ, trong nước lại có một tảng đá vuông vức, chu vi chừng vài mươi dặm, nằm ngay đường vua đi.

Bấy giờ, các quần thần cùng nhau bàn tính để khải thỉnh vua dời tảng đá. Sau khi bàn tính xong, vua bèn ra lệnh chọn chín ức người trong nước, sai họ đào dời tảng đá đi nơi khác. Công việc ấy trải qua một thời gian rất dài, nhân dân tuy mệt nhọc kiệt sức nhưng vẫn không động đậy được tảng đá! Phật nghĩ rằng những người dân này thật là ngu si, tự cần khổ mà đá vẫn không hề bị lay chuyển.

Ngài bèn gọi A Nan và bảo rằng: “Ta cùng với ngươi nên đến nơi ấy.”. Bấy giờ như khoảng khảy móng tay liền đến nước ấy. Phật làm sa môn đắp y phục, đứng ở bên tảng đá, bảo người dân rằng: “Vì cớ gì mà các ngươi phải dời tảng đá này đi?”.

Lúc đầu thì không ai trả lời, Đức Phật hỏi như thế đến lần thứ ba, người dân nóng giận nói: “Chúng tôi đào tảng đá này cần khổ trải qua rất nhiều năm tháng, vậy ông là người gì mà lại đến hỏi chúng tôi?”.

Thế là mọi người đều bỏ đi. Phật liền cười và dùng ngón chân đẩy tảng đá ra, Ngài lại lấy tay cầm tảng đá ném ở trên không, rồi lại dùng tay cầm đá đứng ở dưới đất. Phật bèn phóng ánh sáng hiện ra tướng tốt. Cả thảy chín ức người thấy oai thần của Phật, ai nấy đều kinh sợ!

Họ cùng nhau cúi đầu và nói: “Chúng con thật ngu si, không rõ được đâu là chân ngụy. Ngài là thiên thần gì?”

Phật đáp: “Ta là Phật”.

Người dân hỏi: “Phật dùng những lực gì mà nhấc được tảng đá này?”

Thế Tôn đáp: “Ta có bốn lực để nhấc được tảng đá này:

  1. Tinh tấn lực
  2. Nhẫn nhục lực
  3. Bố thí lực
  4. Phụ mẫu lực.

Tinh tấn lực là gì? Tức là không giết hại sanh vật, không trộm cướp, không dâm dục và không khi dối; lại còn rộng bày, diễn nói kinh pháp đến khơi mở và dẫn dắt mọi loài. Như thế, ta chưa lúc nào biếng trễ, đó là tinh tấn lực.

Nhẫn nhục lực là gì? Nếu có sự tàn hại hủy nhục, lại thêm những điều ác ở nơi ta thì tâm ta như đất,  tiếp nhận tất cả, đó là nhẫn nhục lực.

Bố thí lực là gì? Từ cõi trước, đồ vật quý báu cho đến vợ con, đầu mắt ta đều đem thí cho người mà không có lòng hối tiếc, đó là bố thí lực.

Phụ mẫu lực là gì? Tức là chịu ơn cha mẹ cho bú mớm, dưỡng nuôi hoặc có người dùng châu báu chất từ dưới mặt đất cao lên đến 28 tầng trời, thảy đều đem thí hết cho người, vẫn không bằng cúng dường cha mẹ, đó là phụ mẫu lực.

Người dân lại hỏi: “Lại có những lực gì?”

Phật đáp: “Lại có bốn lực: Thứ nhất là sanh, thứ hai là già, thứ ba là bệnh và thứ tư là chết”.

Người dân lại hỏi: “Vậy Phật có sống mãi ở đời không?”

Phật đáp: “Ta đây cũng sẽ vào Niết Bàn”.

Người dân nói: “Phật chính là bậc thần thánh, tướng tốt sắc vàng, trong đời ít có, vậy mà còn phải nhập Niết Bàn, huống gì là hàng vua quan và thần dân chúng con!”.

Chín ức người cùng một lúc được hiểu rõ lời Phật dạy. Họ bèn xin thọ năm giới, tu mười điều thiện và quy mạng tam tôn. Tất cả những kết giải nhơ nhuốc đều được trừ sạch và họ đều chứng được quả Tu Đà Hoàn.

Bấy giờ, Tôn giả A Nan sửa sang y phục, đến trước Phật đảnh lễ và bạch rằng: “Vua và chín ức người đó đã gieo trồng công đức gì mà nay nghe kinh được hiểu rõ mau chóng đến thế?”

Phật dạy: “Chính là do thuở xưa, thời Phật Câu Lưu Tần, vua và chín ức người này cùng một lúc lập chí tu tập, trong đó có người thọ năm giới và mười điều thiện, trì trai; có người thắp đèn, đốt nhang, rải hoa; có người đọc tụng kinh điển; có người nghe kinh. Chính vì thế mà hôm nay, họ vừa nghe kinh thì liền hiểu rõ mau chóng như thế!”

Các thầy tỳ kheo nghe Phật nói xong, vô cùng hoan hi, bèn đến trước Phật đảnh lễ.

 

KINH PHẠM CHÍ TRƯỜNG TRẢO THỈNH VẤN

(Tam Tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh Phụng Chế vua Đường dịch)

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Bạt Già Phạm ở trong núi Thứu Phong tại thành Vương Xá cùng với 1250 vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, quốc vương, đại thần, sa môn, bà la môn, trời, rồng, dạ xoa, nhân và phi nhân đứng chiêm ngưỡng Thế Tôn.

Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp vi diệu tự chứng cho họ nghe. Thế nên, điều lành lúc ban đầu, chặng giữa và rốt sau văn nghĩa đều mầu nhiệm thuần nhất vẹn toàn, tướng phạm hạnh thanh tịnh và sáng suốt.

Bấy giờ, có một vị phạm chí tên Trường Trảo đi đến chỗ Phật. Ông đứng chống gậy, hỏi Kiều Đáp Ma rằng: “Ngài từng nói đời là do từ nơi nghiệp, nghiệp là hay thọ, nghiệp là chỗ sanh, nghiệp là thân tộc, nghiệp là chỗ nương tựa. Vậy có chắc như thế không?”

Phật bảo Bà la môn Phạm chí: “Ta đã nói như thế! Cuộc đời này là do từ nơi nghiệp, nghiệp là hay thọ, nghiệp là chỗ sanh, nghiệp là thân tộc, nghiệp là chỗ nương tựa”.

Bà la môn hỏi: “Nếu nói như thế thì sa môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà đời nay Ngài được thân Kim Cang không hoại?”

Phật bảo Bà la môn: “Ta ở kiếp trước xa lìa được sự giết hại mạng căn của loài hữu tình, vì tu nghiệp nhân này mà nay được quả báo như thế!”

Bà la môn lại hỏi: “Sa môn Kiều Đáp Ma trước gây nghiệp gì mà nay được tướng chỉ tay dài mà chằng chịt như mạng lưới?”

Phật bảo Bà la môn: “Vì Ta đời trước xa lìa sự trộm cắp tài vật của người, do tu nghiệp lực ấy mà được quả báo như thế!”

Bà la môn hỏi tiếp: “Sa môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay Ngài được đầy đủ sắc lực các căn tròn đầy?”

Phật bảo Bà la môn: “Ta ở trong đời trước vì xa lìa được sự dục nhiễm của người nữ, do nghiệp lực ấy mà nay được quả báo như thế!”

Bà la môn lại hỏi tiếp: “Sa môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay được tướng lưỡi rộng dài tự che trùm cả mặt?”

Phật bảo Bà la môn: “Ta ở kiếp trước vì xa lìa được việc nói lời dối trá với người khác, do nghiệp lực ấy mà nay được sự quả báo như thế!”

Bà la môn hỏi: “Sa môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay Ngài được oai nghi mô phạm dáng dấp như sư tử vậy?”

Phật đáp: “Ta ở kiếp trước vì xa lìa được các nơi rượu thịt, buông lung, do nghiệp lực ấy mà nay được quả báo như thế!”

Bà la môn hỏi: “Sa môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay được thân tướng trang nghiêm vi diệu đẹp đẽ?”

Phật đáp: “Ta ở kiếp trước vì xa lìa được sự ca hát nhảy múa, do nghiệp lực ấy mà nay được quả báo như thế!”

Bà la môn hỏi: “Sa môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay trên thân Ngài lại thoảng ra mùi hương mầu nhiệm?”

Phật bảo: “Ta ở kiếp trước vì xa lìa được việc trang sức và đeo tràng hoa anh lạc, do nghiệp lực này mà nay được sự quả báo như thế!”

Bà la môn hỏi: “Sa môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay được thọ dụng bảo tòa Kim Cang thù thắng mầu nhiệm?”

Phật đáp: “Ta ở trong đời trước vì xa lìa được sự buông lung, nằm giường cao tốt rộng lớn, do nghiệp lực này mà nay được quả báo như thế!”

Bà la môn hỏi: “Sa môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay được đầy đủ bốn mươi cái răng trắng đều?”

Phật bảo: “Vì Ta ở đời trước xa lìa được việc ăn uống phi thời, do nghiệp lực ấy mà nay được quả báo như thế!”

Bà la môn hỏi: “Sa môn Kiều Đáp Ma trước đã tạo nghiệp gì mà nay được tướng nhục kế trên đảnh tròn đầy đẹp đẽ?”

Phật bảo: “Vì Ta ở đời trước đối với ba ngôi báu, hai vị thầy, sa môn, bà la môn, cha mẹ và tôn trưởng cung kính phụng thờ, năm vóc sát đất, dùng tâm không kiêu mạnkiền thành đảnh lễ, do nghiệp lực ấy mà nay được quả báo như thế!”

Lúc bấy giờ, Bà la môn nghe Phật nói về lý nhân quả chân thật chẳng hư vọng, nên ông bạch rằng: “Kiều Đáp Ma đây gọi là phước gì và thọ trì như thế nào?”

Phật dạy: “Đây gọi là tám phần tịnh giới. Nếu ai có thể ở trong một ngày một đêm hoặc suốt đời theo thầy vâng giữ thì sẽ được quả báo như thế!”

Lúc bấy giờ, phạm chí Trường Trảo ở chỗ Phật, nghe Phật nói về tám phần tịnh giới thọ trì trong một ngày một đêm xong, do trước đã xa lìa nghiệp chướng hèn xấu nên liền được trang nghiêm mầu nhiệm, thân tâm dốc lòng tin nhận và vui mừng khôn xiết!

Bấy giờ, ông liền ở trước Phật, bỏ tâm ngã mạn, ném gậy xuống đất, chắp tay cung kính đảnh lễ dưới chân Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, con nay mới biết sự cảm báo của nghiệp thiện ác thật chẳng hư dối. Con nguyện từ nay cho đến trọn đời sẽ trở về nương tựa đấng Đại giác Lưỡng túc tôn, cho đến trọn đời trở về nương tựa Đạt ma Ly dục tôn, cho đến trọn đời trở về nương tựa Tăng già Chúng trung tôn, cho đến trọn đời xin lãnh thọ tám phần tịnh giới của người Phật tử cận trụ ngôi Tam Bảo. Bắt đầu từ giờ phút này cho đến khoảng thời gian mặt trời mọc, con nguyện:

Không sát tất cả mạng
Không trộm tài vật người
Không dâm, không vọng ngữ
Uống rượu phóng dật thảy
Hoa, trang sức, ca múa
Giường lớn, ăn trái thời
Con nay thảy xa lìa
Vâng giữ tám tịnh giới

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy!

Phật bảo Bà la môn: “Lành thay! Lành thay! Nên làm như thế!”.

Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp này rồi thì Bà la môn, chúng tỳ kheo, trời và người đều rất hoan hỉ tin nhận vâng làm.

 

KINH PHẬT VÌ CÁC TỲ KHEO TRẺ TUỔI NÓI CHÁNH SỰ

(Sa môn Pháp Cự thời Tây Tấn dịch)

Tôi nghe như vầy: Một thuở, Phật an cư ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, trong thành Xá Vệ. Khi ấy, có rất nhiều thượng tòa thanh văn an cư trong hang xung quanh Đức Thế Tôn.

Bấy giờ, có rất nhiều tỳ kheo trẻ tuổi đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu dưới chân Phật, rồi lui về một bên. Phật vì các thầy tỳ kheo trẻ tuổi nói các thứ pháp, chỉ bày rõ pháp vui, rồi ngồi im lặng. Các thầy tỳ kheo trẻ tuổi nghe Phật nói xong, hoan hỉ vui mừng, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ lui ra. Các thầy tỳ kheo trẻ tuổi đi đến chỗ của các tỳ kheo thượng tòa, kính lễ các ngài, rồi ngồi qua một bên.

Khi ấy, các thầy tỳ kheo thượng tòa nghĩ thế này: “Chúng ta nên nhiếp thọ những tỳ kheo trẻ tuổi này, một người nhận một người hoặc một người nhận hai, ba hay nhiều người”.

Nghĩ như thế, các Ngài liền nhiếp thọ một người nhận một người hoặc một người nhận hai, ba hay nhiều người, có thượng tòa nhận đến sáu mươi người.

Bấy giờ, đến ngày rằm Bố tát, Đức Phật trải tòa ngồi trước đại chúng. Ngài quán xét các tỳ kheo, rồi bảo rằng: “Lành thay! Lành thay! Ta nay vui mừng vì các tỳ kheo thực hành những chánh sự. Thế nên, các tỳ kheo phải siêng năng tinh tấn.”

Ở nước Xá Vệ này, khi mãn ca đề một tháng, các thầy tỳ kheo ở khắp chốn nhân gian nghe Đức Thế Tôn an cư tại nước Xá Vệ mãn ca đề một tháng, liền đắp y cầm bát du hành khắp trong nước Xá Vệ. Các thầy sửa y cầm bát, rửa chân xong, bèn đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu dưới chân Phật, rồi lui về một bên.

Khi ấy, Đức Thế Tôn vì các tỳ kheo ở nhân gian nói các thứ pháp, chỉ bày cho họ rõ pháp vui, rồi ngồi im lặng. Bấy giờ, tỳ kheo ở nhân gian nghe Phật nói pháp, hoan hỉ vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ rồi lui.

Sau đó, các tỳ kheo đi đến chỗ của thượng tòa, cúi đầu làm lễ dưới chân xong, liền lui về một bên. Các tỳ kheo thượng tòa bèn nghĩ thế này: “Chúng ta nên nhiếp thọ những tỳ kheo trẻ tuổi ở chốn nhân gian, một người nhận một người hoặc hai, ba hay nhiều người”.

Nghĩ xong, các Tỳ kheo bèn nhiếp thọ một người nhận một người hoặc hai, ba cho đến sáu mươi người. Các thượng tòa ấy biết rõ thứ lớp trước sau để răn dạy truyền trao cho các niên thiếu tỳ kheo ở nhân gian.

Bấy giờ, đến ngày 15 Bố tát, Phật trải tòa ngồi trước đại chúng, quán xét các tỳ kheo. Thế Tôn bảo: “Lành thay! Lành thay! Các tỳ kheo, Ta vui mừng vì các ông đã làm được chánh sự an vui ở trong các pháp. Này các tỳ kheo, chư Phật ở đời quá khứ cũng có chúng tỳ kheo thực hành chánh sự như các ông hôm nay, chư Phật đời vị lai cũng sẽ có chúng tỳ kheo như thế thực hành chánh sự như các ông hôm nay. Sở dĩ như vậy là sao? Ở trong chúng đây, các trưởng lão tỳ kheo, có người được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, từ bi hỉ xả, không nhập xứ, thức nhập xứ, vô sở hữu nhập xứ, phi tưởng, phi phi tưởng xứ, thảy đều được an trụ đầy đủ; có người đoạn sạch ba kết, được quả Tu Đà Hoàn, không còn rơi vào nẻo ác, về sau nhất định sẽ thành tựu quả chánh giác, trời và người được vãng sanh rốt ráo không còn đau khổ; có tỳ kheo sạch hết ba kết được quả Tư Đà Hàm; có tỳ kheo sạch hết được năm kết sau, cuối cùng được quả A Na Hàm, chứng Niết Bàn, không còn tái sanh nữa. Ở đời này, có các tỳ kheo được vô lượng thần thông thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí và lậu tận trí; có tỳ kheo vì tu bất tịnh quán mà đoạn trừ được tham dục, tu tâm từ bi mà dứt sạch được sân khuể và tu quán tưởng vô thường  đoạn trừ được ngã mạn. Tu pháp An Na Ban Na đoạn trừ được vọng tưởng. Tỳ kheo tu pháp An Na Ban Na đoạn trừ được vọng tưởng là thế nào? Tỳ kheo đó nương nơi làng xóm, nhẫn đến quán hơi thở ra vào. Đó gọi là tu theo pháp An Na Ban Na đoạn trừ được vọng tưởng. Các tỳ kheo nghe Phật nói kinh này xong vô cùng hoan hỉ vâng làm.

 

PHẬT NÓI KINH PHẠM MA NAN QUỐC VƯƠNG

(Mất tên người dịch nay phụ vào Tây Tấn lục)

Tôi nghe như vầy: Một thuở, Phật cùng với 1250 vị tỳ kheo tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Lúc bấy giờ, có quốc vương tên là Phạm Ma Nan thường cúng dường Phật và chúng tăng.

Mỗi khi đến ngày trai, vua liền sai các quần thần sắp đặt xe giá. Vua dẫn theo mấy ngàn người đến chỗ Phật, năm vóc gieo sát đất, cúi đầu dưới chân Phật. Mỗi lần Phật nói pháp cho trời người nghe, vua đều vui mừng cung kính đến để tham dự.

Trong hoàng cung, vua cũng vâng thờ ba ngôi báu, vâng giữ trai giới trong sạch. Vua có Thái tử tên là Quân Lân Nho, dốc lòng tinh tấn, không tham quyền quý, hiểu được cõi đời là vô thường, không có ai sống hoài mà không chết. Thái tử thưa với vua cha rằng: “Phật ở đời khó gặp, kinh pháp khó nghe, nay xin phụ hoàng cho con xuất gia theo Phật làm sa môn”. Vua bằng lòng, Quân Thân Nho bèn từ giã vua cha, đến chỗ Phật ngự và xin được xuất gia làm Tỳ kheo.

Bấy giờ, Đức Phật lấy tay xoa đầu Quân Lân Nho, tóc liền rơi rụng và cà sa tự nhiên đắp trên thân. Quân Lân Nho vâng giữ trọng giới tinh tấn tu trì, ngày đêm không chán mỏi. Sau đó ba ngày đêm, Thái tử chứng được thánh quả A La Hán. Vua vì không biết con mình đã chứng quả,  lại thấy tỳ kheo Quân Lân Nho siêng năng khắc khổ và ăn uống kham khổ, nên vua mỗi khi đến cúng dường thì có phần cúng cho tỳ kheo Quân Lân Nho khác hơn chúng tăng. Tâm của vua vốn không bình đẳng, vua đến nói với tỳ kheo Quân Lân Nho rằng: “Trong nước ta có bảy món trân báu, những thức ăn ngon không thứ nào chẳng có, con vì cớ gì mà phải làm sa môn khổ nhọc thế này?”

Phật biết vua còn tâm ân ái,  Ngài liền bảo tỳ kheo Quân Lân Nho thị hiện ra oai thần để độ cho vua cha. Thế là tỳ kheo Quân Lân Nho vâng lời Phật dạy, đầu mặt cúi lạy sát đất, sau đó nhấc thân bay lên trụ trên không, bay đi biến hóa, phân tán xuất nhập không gián đoạn, rồi đầu mặt lễ dưới chân Phật. Vua thấy đạo đức của con mình như thế, nên trong lòng tràn đầy niềm vui buồn lẫn lộn. Ngay khi ấy, vua năm vóc sát đất đảnh lễ tỳ kheo Quân Lân Nho.

Bấy giờ, Phật bảo Quân Lân Nho rằng: Ngươi hãy vì vua cha  nói lẽ trọng yếu của các pháp (khổ, không, vô thường và bốn đế). Vua nghe xong, liền hiểu rõ và chứng quả Tu Đà Hoàn.

Phật bảo A Nan tỳ kheo có bốn việc khi nhận đồ ăn uống và y phục của người bố thí cho, dù là ngon dở hay tốt xấu thì cũng không được nghịch lòng chê bai.

Một là đem phước báu của mình tu tập hồi hướng cho người.

Hai là không nên trái ý người bố thí.

Ba là người già hoặc người có bệnh.

Bốn là người chuyên cần khổ hạnh hành đạo.

Phàm muốn ăn ngon thì nên nghĩ đến trọng giới. Tất cả chúng sanh đều là bà con của ta, chỉ vì từ lâu trôi lăn trong biển khổ sanh tử nên không biết được nguồn cội ấy thôi! Như thân thể con người khi có nhọt độc và bệnh đau, uống thuốc để được thuyên giảm, không được tham đắm.

Nói đến người muốn bố thí thì phải có tâm bình đẳng, không luận là lớn hay nhỏ. Phật bèn sai A Nan khi đến giờ cơm, phải xướng tăng bạt. Tăng bạt nghĩa là cơm của chúng tăng ăn thì ai ai cũng đều có phần bình đẳng như nhau.

 

PHẬT NÓI KINH BA ĐIỀU SẦU NÃO CỦA CON TRƯỞNG GIẢ

(Pháp sư An Thế Cao ở nước An Tức dịch vào thời Hậu Hán)

Tôi nghe như vầy: Một thuở, Phật cùng với 1250 vị tỳ kheo tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ, ở thành Xá Vệ có vị đại trưởng giả tiền của nhiều vô số, nhà cửa, ruộng vườn trâu ngựa… không thể kể xiết, nhưng gia đình ông không có con. Theo phong tục nước ấy, nếu ai không có con thì sau khi mạng chung, tất cả tài sản sẽ quy về của quan. Vợ chồng trưởng giả sớm tối ngày đêm cầu nguyện chư thiên để sanh được đứa con. Họ kiên trì đứng trước cửa nhà cầu nguyện nhưng rốt cuộc không được. Bấy giờ, vợ ông trưởng giả quy y ba ngôi báu, thọ trì năm giới cấm, ngày đêm tinh tấn, không dám biếng trễ. Ít lâu sau, bà mang thai. Ông trưởng giả hay tin vô cùng vui mừng, ngày ngày đều cúng dường chư Tăng đầy đủ những đồ ăn thức uống và y phục. Mười tháng đã mãn, bà hạ sanh được một đứa con trai. Trưởng giả bèn mướn năm người nhũ mẫu để cùng nhau nuôi nấng đứa con này. Người thì cho bú, tắm rửa, mặc áo, bồng giữ. Đứa bé ấy ngày một trưởng thành. Đến năm 15 – 16 tuổi, vợ chồng trưởng giả bèn đi hỏi vợ cho con. Hai ông bà tìm được một người cũng con của gia đình trưởng giả, thân tướng đoan chánh đẹp đẽ. Sau đó, họ tổ chức hôn lễ ngoài viên quán, mời rất đông khách đến ăn uống vui đùa, sắm sửa chu đáo những món ăn ngon. Khách từ khắp nơi đến, ai nấy đều hài lòng. Khách khứa như thế liên tục đến bảy ngày.

Bấy giờ, vợ chồng người con trưởng giả đi dạo trong hoa viên. Sau hoa viên, có một gốc cây tên là Vô Ưu. Trên cây, có những đóa hoa đang xòe nở, màu sắc tươi thắm. Người vợ nói với chồng: “Em rất thích loài hoa này”. Người chồng bèn leo lên cây hái hoa, vì cành cây quá nhỏ nên bị gãy,  con trai trưởng giả liền rơi xuống đất, sau đó mạng chung. Vợ chồng trưởng giả vừa hay tin con mình bị té cây chết, bèn hớt hãi chạy đến. Vợ ông trưởng giả ôm đầu con, ông trưởng giả ôm hai chân con vuốt ve ngắm nghía. Cả hai ông bà buồn thương đau nhói cả tâm can. Những người khách thấy thế, ai nấy cũng chia sớt nỗi buồn đau. Chết sao mà mau chóng đến thế! Mọi người ăn uống, vui đùa chưa xong mà chú rể lại té cây chết đi, thật là mạng sống vô thường.

Bấy giờ, Thế Tôn cùng với A Nan đắp y cầm bát vào thành Xá Vệ, thấy vợ chồng ông trưởng giả chỉ có một đứa con mà lại bị té cây chết, khóc lóc buồn thương, xót xa thật không thể nói! Phật quán xét thấy người con này đời trước vốn ở cõi trời Đao Lợi, sau khi thọ mạng hết thì sanh vào nhà của trưởng giả, khi chết đi liền sanh làm loài rồng, nhưng chẳng mấy chốc thì bị Kim xí điểu vương bắt ăn thịt. Ba điều bi thương đều cùng tiêu tan.

Phật bảo A Nan theo ngài  đến chỗ trưởng giả, hầu giải bày rõ ràng để tiêu trừ họa hoạn. Nếu không thì e rằng ông bà sẽ lo rầu mà chết đi! A Nan bạch rằng: “Con xin vâng”. Tôn giả A Nan theo Đức Phật đến chỗ trưởng giả. Trưởng giả nghe Phật đến nhà mình thì trong lòng vui mừng, cúi đầu dưới chân Phật. Phật hỏi trưởng giả vì sao buồn lo như thế?.

Trưởng giả bạch Phật: “Phận con vô phước, chỉ có một đứa con. Vừa cưới vợ cho nó, mời khách ăn uống vui đùa chưa xong. Nhân khi nó leo lên cây hái hoa, không may cây bị gãy nhánh, nó rơi xuống đất chết đi. Giờ đây, thân con như đá, tâm con như sắt, chỉ sanh được một đứa con mà nó cũng chết!”

Phật bảo trưởng giả: “Người sống ắt có chết, vật có thành ắt có hoại. Đến khi mạng hết thì không thể trốn tránh. Ông nên vứt bỏ ái niệm, chớ  u sầu!”.

Bấy giờ, Đức Phật phóng ánh quang minh soi khắp mười phương khiến cho trưởng giả thấy trên cõi trời, trong cung rồng, cha mẹ đang khóc lóc thê thảm.

Phật bảo trưởng giả: “Đứa con này trước vốn từ cung trời Đao Lợi, nhưng sau khi thọ mạng hết thì sanh vào nhà ông, khi thọ mạng lại hết thì liền sanh làm loài rồng, nhưng chẳng bao lâu thì bị Kim xí điểu vương bắt ăn thịt. Cùng một lúc, ba chỗ đều khóc thương như thế!”

Trưởng giả hỏi: “Vậy nó là con ai?”.

Phật liền nói bài kệ:

Các thiên tử cõi trời
Là con ông phải chăng?
Làm thân trong loài rồng
Là con Thần Long chăng?
Lúc ấy, Phật giải bày:
Chẳng phải là con trời
Cũng chẳng phải con ông
Lại chẳng phải con rồng
Các nhân duyên sanh tử
Vô thường như huyễn hoá
Tất cả không lâu bền
Ví như khách đường qua.

Phật bảo trưởng giả: “Cái chết không hẳn lìa, việc đi không rong ruổi”.

Trưởng giả bạch Phật rằng: “Đứa con này trước đã tạo tội phước gì mà nay được sanh vào nhà giàu có, nhưng số mạng của nó lại ngắn ngủi, đây là ứng điềm gì?”

Phật dạy: “Đứa con này kiếp trước rất thích bố thí và tôn kính mọi người nên được sanh vào nhà giàu có, lại thích thú vui săn bắn làm thương hại đến mọi loài, vì duyên cớ ấy mà thọ mạng  ngắn ngủi, tội phước luôn theo như hình với bóng vậy!”

Trưởng giả vô cùng mừng rỡ, liền chứng được pháp nhẫn. Nghe Phật nói như thế,  vợ chồng trưởng giả và tất cả chúng hội đều hoan hỉ thọ trì.

 

KINH VÔ CẤU ƯU BÀ DI HỎI PHẬT

(Tam Tạng Cù Đàm Bát Nhã  Lưu Chi, người Trung Ấn Độ dịch vào thời hậu Ngụy)

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Bà Già Bà trụ tại giảng đường Trùng Các, thuộc cung điện Tịch Tĩnh, thành xá Bà Đề. Bấy giờ, Vô Cấu Ưu Bà Di, Hiền Ưu Bà Di… đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui ngồi một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn liền bảo Vô Cấu Ưu Bà Di rằng: “Ưu Bà Di, ngươi không có hạnh phóng dật, không có tâm bê trễ chăng?”.

Ưu Bà Di nói: “Con không bê trễ, lại cũng không có hạnh phóng dật”.

Phật bảo Vô Cấu Ưu Bà Di: “Ngươi vì sao thường không có tâm lười biếng và không có hạnh phóng dật?”.

Vô Cấu Ưu Bà Di bạch Phật: “Thế Tôn, con thường dậy sớm quét dọn tháp Phật. Quét xong, con lau dọn bốn phòng ở bốn nơi. Lau dọn sạch sẽ xong, con lại rải hoa thắp hương, cúng dường như thế. Sau đó, con mới trở về phòng, kế đến ngồi thiền, tu bốn pháp phạm hạnh, chẳng lìa ba điều quy y và vâng giữ năm giới cấm. Con luôn hành trì như thế, không bao giờ bê trễ, lại cũng không buông lung”.

Vô Cấu Ưu Bà Di nói xong, lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn, con nay vẫn chưa biết quét tháp Phật có được căn lành và phước báo gì? Lau dọn bốn phòng, có được căn lành và phước báo gì? Rải hoa và thắp hương cúng dường tháp Phật, có được căn lành và phước báo gì? Tu bốn pháp phạm hạnh, vâng giữ ba pháp quy y và thọ trì năm điều răn cấm, có được căn lành và phước báo gì? Cúi mong Đức Thế Tôn chỉ bày cho con hiểu”.

Phật bảo: “Vô Cấu Ưu Bà Di, quét tháp Phật có được năm thứ phước báo:

Tự tâm thanh tịnh, người khác thấy mình sanh lòng thanh tịnh.

Được người khác yêu mến.
Chư thiên sanh lòng vui mừng.
Gom chứa hạnh nghiệp đoan chánh.
Khi mạng chung được sanh lên cõi Trời.

Này Vô Cấu, ngươi nên biết, người quét tháp Phật có được những phước báu như thế. Nếu người dốc lòng tin Phật, làm hình tròn tô đắp tháp của Phật, rải hoa thắp hương, cúng dường như thế thì khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh làm Phất Bà Đề, giàu có tự tại, khi mạng chung được thác sanh về cõi trời Hóa Lạc.

Này Vô Cấu, ngươi nên biết, nếu người tin Phật làm hình bán nguyệt, đắp nắn tháp Phật, rải hoa thắp hương, cúng dường như thế khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh làm Cù Đà Ni, giàu có tự tại, khi thọ chung liền sanh lên cõi trời Đâu Suất.

Này Vô Cấu, ngươi nên biết, nếu người tin Phật ở bên tháp Phật, lau dọn bốn góc, rải hoa thắp hương, cúng dường như thế thì khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh vào Uất Đan Viết, giàu có tự tại, sau khi mạng chung  được sanh lên cõi trời Diệm Ma.

Này Vô Cấu, ngươi nên biết, nếu người tin Phật làm hình mặt Người, quét dọn lau tháp, rải hoa thắp hương, cúng dường như thế thì khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh vào cõi Diêm Phù Đề, giàu có tự tại, khi tuổi thọ hết  sẽ được sanh lên cõi trời thứ 33.

Này Vô Cấu, ngươi nên biết, vì lau dọn tháp Phật, rải hoa thắp hương được căn lành và phước báo như vậy!

Này Vô Cấu, ngươi nên biết, nếu có người ngồi thiền tu pháp phạm hạnh, quy y Phật Pháp Tăng, giữ gìn năm giới cấm thì ở trong vô lượng vố số kiếp về sau sẽ được căn lành và phước báo không thể cùng tận, rốt cuộc lại được chứng quả Niết Bàn.

Này Vô Cấu, ngươi nên biết, nếu có người quy y Thanh văn – Duyên giác, tu tập giới tụ thì sẽ chứng được quả Niết Bàn. Vì sao? Vì thọ trì năm giới, tu bốn pháp phạm hạnh mà được quả mầu như thế!. Ngoài Niết Bàn ra lại không co nơi nào hơn, do có nhiều phứơc đức vậy!”.

Bấy giờ, Thế Tôn nói xong, trong lòng Vô Cấu Ưu Bà Di sanh  nghi ngờ, nhưng vẫn im lặng không nói ra lời.

Khi ấy, Thế Tôn biết tâm niệm của Vô Cấu, Ngài liền từ nơi mặt hiện ra tướng lưỡi rộng dài, che trùm khắp cả hai mũi, hai mắt và hai tai của mình, lại che khắp cả hư không, rồi lại thu vào miệng, nói với Vô Cấu Ưu Bà Di: “Ngươi đã từng thấy người nói vọng, nói hai lưỡi, nói thêu dệt… có tướng lưỡi rộng dài như thế chăng?”.

Bấy giờ, Vô Cấu Ưu Bà Di nghe Đức Thế Tôn nói thế, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, con chưa từng thấy bao giờ! Nếu có người nói chân thật, con cũng chưa từng thấy được tướng lưỡi rộng dài như thế, huống chi là kẻ nói vọng! Chỉ trừ Đức Như Lai ứng cúng chánh biến tri, từ thuở xa xưa cho đến ngày nay, vì Ngài luôn nói lời chân thật, cho nên được tướng lưỡi rộng dài như thế!”.

Bấy giờ, Vô Cấu Ưu Bà Di hiểu được lời của Phật nói vốn chân thật, lìa hết lòng nghi, sanh tâm vui mừng, lại dùng kệ khen rằng:

Con trong ngàn ức kiếp
Không từng nhớ, nghĩ, thấy
Pháp tối thắng như thế
Không nhớ từng cúng dường
Con hôm nay được thấy
Như ngọn đèn thế gian
Đủ thấy như thế rồi
Nghe được pháp thứ nhất

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ đáp Vô Cấu Ưu Bà Di:

Ngươi nghe đã thành thánh
Pháp báu tối thắng này
Là pháp sạch vắng lặng
Được vào thành Niết Bàn

Thế Tôn nói xong, trong lòng Vô Cấu Ưu Bà Di rất đỗi vui mừng. Các hàng tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, tất cả chúng hội, trời, người, A tu la, Càn thác bà… nghe Phật nói xong, bèn khen: “Lành thay!”.

Kinh này nhân trời người
Cũng là nẻo Niết Bàn
Hành giả ở nhân thiên
Cũng về cửa Niết Bàn
 
Công đức dịch kinh này
Thí khắp các chúng sanh
Nguyện mau tu nhân đạo
Trời người được Niết Bàn

 

PHẬT NÓI KINH MA ĐĂNG GIÀ NỮ

(Tam Tạng An Thế Cao nước An Tức dịch vào đời Hậu Hán)

Tôi nghe như vầy: Một thuở, Phật tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Lúc bấy giờ, Ngài A Nan ôm bình bát đi khất thực. Sau khi thọ trai, tôn giả A Nan đi dạo bên bờ sông, thấy một người nữ gánh nước cũng đi bên bờ sông. A Nan bèn đi theo cô gái ấy xin nước. Cô liền hoan hỉ lấy nước cho A Nan. Thế nhưng cô lại mon men đi theo A Nan, theo mãi cho tới khi trông thấy chỗ của A Nan ở mới thôi. Khi trở về nhà, cô bèn kể cho mẹ mình nghe chuyện ấy. Sau đó, cô gái ở trong nhà, nằm dài dưới đất khóc tức tưởi.

Mẹ cô hỏi: “Này con gái cưng của mẹ, vì sao con buồn khóc thế?”

Cô nũng nịu đáp: “Người mà mẹ muốn gả con há chẳng phải là người khác sao? Sáng nay, con đang gánh nước ở bên bờ sông thì gặp một thầy sa môn. Thầy ấy đi theo con xin nước. Con hỏi tên thì thầy ấy đáp là A Nan. Thôi! Bây giờ con muốn lấy A Nan làm chồng. Mẹ phải gả con cho người ấy mới được.”

Khi ấy, người mẹ bèn đi ra ngoài để tìm hỏi lai lịch của A Nan. Thì ra A Nan là người đang theo phụng sự Đức Phật. Sau khi biết rõ nguồn cơn, bà trở về bảo con gái rằng: “Con ơi! A Nan vốn là người vâng thờ Phật đạo. Mẹ chắc chắn rằng cậu ta chẳng chịu làm chồng con đâu!”.

Thế là cô ta bèn khóc òa lên, không chịu ăn uống và nói: “Mẹ chỉ có tài nói gạt con thôi! Mẹ hãy mau mời A Nan về nhà mình ăn cơm đi!”.

Khi bà mẹ mời được A Nan về nhà thì nàng vô cùng vui mừng. Bấy giờ, bà mẹ nói với tôn giả A Nan: “Này! Hiện giờ, con gái tôi muốn làm vợ cậu”.

A Nan đáp: “Không được! Tôi là người tu hành, giữ giới không lấy vợ”.

Bà ta nói: “Nè! Tôi nói cho cậu biết nhe, nếu con gái tôi không lấy được cậu làm chồng thì nó sẽ tự sát đấy!”

A Nan nói: “Đức Phật là Thầy của tôi. Ngài dạy không được giao du với người nữ”.

Bà mẹ liền đi vào nói với con gái: “Mẹ đã nói rồi! A Nan cứ khăng khăng chẳng chịu làm chồng con. A Nan nói là vì vâng thờ Phật đạo nên không lấy vợ”.

Cô ta  khóc lóc nói với mẹ rằng: “Vậy đạo của mẹ bây giờ thì sao?”

Bà ta đáp: “Là đạo thờ trời, không thể hơn đạo Phật và đạo A La Hán”.

Ma Đăng Già Nữ nói: “Vậy mẹ hãy vì con mà đóng cửa nhốt A Nan lại, đến chiều thì  túng thế bắt buộc A Nan phải làm chồng con thôi!”.

Đến lúc sập tối, bà mẹ bèn ra đóng cửa và nói gạt để giữ  A Nan lại. Sau đó, bà ta trải chiếu sửa sang giường nằm. Bấy giờ, Ma Đăng Già Nữ vô cùng mừng rỡ, tự tay nàng sắm sửa các món ăn, rốt cuộc A Nan cũng không chịu đi đến giường nằm. Bà mẹ liền sai người nhóm lửa trước sân nhà, rồi nắm tay A Nan lôi đến nói: “Nếu cậu không chịu làm chồng con gái tôi thì tôi ném cậu vào lửa”. A Nan tự cảm thấy xấu hổ, thân vốn làm sa môn, là đệ tử của Phật mà nay lại ở trong cảnh không thể thoát ra được!

Phật biết tôn giả A Nan đang bị nạn, Ngài liền trì chú để cứu A Nan. A Nan bèn đi đến chỗ Phật và bạch rằng: “Hôm qua, lúc con đi khất thực, thấy bên bờ sông có một thiếu nữ đang gánh nước, con mới theo cô ta xin nước. Sau đó, con lại về đến chỗ Phật, đến sáng này thì có một người nữ muốn thỉnh con về nhà để dùng cơm. Nhưng đến khi sắp ra về, họ bắt con ở lại và muốn đem con gái của mình để gả cho con. Con nói: “Tôi giữ giới của Phật không thể lấy vợ”.

Cô gái thấy A Nan thoát được thì ở trong nhà khóc lóc. Mẹ cô nói: “Mẹ đã nói con rồi! A Nan là người vâng thờ Đức Phật, đạo ta không thể hơn được”. Thế là Ma Đăng khóc ấm ức trên miệng không dừng, mấp máy hai tiếng “A Nan”.

Sáng hôm sau, Ma Đăng đi đến đòi Phật phải trả A Nan lại cho nàng. Nhưng may quá, nàng thấy A Nan đang đi khất thực. Ma Đăng bèn lẻo đẻo theo sau. Thế là nàng nhìn xuống chân, rồi nhìn lên mặt A Nan. Tôn giả A Nan mắc cỡ lảng tránh đi, nhưng nàng Ma Đăng lại đi theo mãi không thôi. Cuối cùng, A Nan trở về được chỗ Phật ngự. Ma Đăng lại đón giữ ngay cửa, vì chờ lâu quá không thấy A Nan ra nên nàng khóc và cuối cùng đành bỏ về.

Sau đó, A Nan đến trước Phật bạch: “Cô Ma Đăng hôm nay lại đuổi theo con nữa!”.

Bấy giờ, Phật bèn bảo người gọi nàng Ma Đăng đến. Phật hỏi: “Ngươi đeo đuổi A Nan để tìm những gì?”.

Nàng nói: “Con nghe nói A Nan không có vợ, phận con đây cũng chưa chồng. Con chỉ muốn làm vợ A Nan thôi!”.

Phật bảo nàng rằng: “A Nan là sa môn vốn không có tóc, còn ngươi thì có tóc. Vậy ngươi có chịu cắt tóc của mình không? Nếu được thì ta bảo A Nan làm chồng ngươi”.

Ma Đăng nói: “Con nhất định sẽ cắt tóc!”.

Phật nói: “Vậy hãy về báo cho mẹ ngươi biết, khi cắt tóc xong thì đến đây”.

Nàng Ma Đăng sau khi trở về nhà thưa với mẹ rằng: “Mẹ không phải vì con mà đến chỗ A Nan nữa. Phật dạy: Nếu ngươi cạo tóc thì ta sẽ bảo A Nan làm chồng ngươi!”.

Mẹ Ma Đăng nói: “Mẹ sanh con ra, nâng niu giữ gìn từng sợi tóc. Giờ đây con vì muốn làm vợ sa môn mà đành cạo trọc sao? Trong nước này, có lắm người giàu sang. Mẹ có thể gả con cho họ!”.

Nàng Ma Đăng nói: “Con quyết sống chết phải làm vợ A Nan cho bằng được”.

Mẹ nàng nói: “Mày thật là người làm ô nhục dòng họ tao!”.

Ma Đăng nói: “Nếu mẹ thương con thì phải chìu theo ý con”.

Thế là bà mẹ đành phải cắt đứt mái tóc của nàng với dòng lệ tuôn trào. Sau đó, nàng lại đến chỗ Đức Phật nói: “Con đã cắt tóc xong”.

Phật dạy: “Ngươi nói yêu A Nan, vậy ngươi yêu ở chỗ nào?”.

Nàng nói: “Con yêu đôi mắt A Nan, yêu lỗ mũi A Nan, yêu miệng A Nan, yêu tai A Nan, yêu giọng nói A Nan và yêu từng bước đi của A Nan”.

Phật nói: “Trong mắt A Nan chỉ có nước mắt, mũi A Nan chỉ có nước mũi, trong miệng A Nan chỉ có nước miếng, trong tai A Nan chỉ có cáu bẩn, còn trong thân thì chỉ có phân và nước tiểu, toàn là những thứ bất tịnh, hôi thối. Cho dù có được làm chồng vợ của nhau đi nữa thì chỉ có phơi bày sự xấu xa. Trong sự phơi bày xấu xa ấy, con cái được sinh ra. Khi đã có con rồi thì có chết, đã có chết thì liền có sự khóc lóc. Thế thì thân nầy có ích gì đâu?!”.

Ma Đăng nghe Phật nói xong, liền tự ngẫm nghĩ về sự dơ xấu của thân thể, nàng tự mình giữ tâm chân chánh. Sau đó chứng được quả A La Hán.

Phật biết nàng đã chứng quả A La Hán, liền bảo: “Thôi! Ngươi hãy đến chỗ A Nan đi!”.

Cô cảm thấy e thẹn, gục đầu xuống, quỳ trước Phật và bạch rằng: “Con trước đây thật ngu si nên đeo đuổi theo A Nan. Hôm nay, tâm con đã được khai ngộ, giống như trong chốn tối tăm có đèn sáng, như người đi thuyền gặp lúc thuyền đắm được nương tựa vào bờ, như người mù được sự dìu dắt, như người già được gậy. Hôm nay, Đức Phật nói đạo lý vô thượng, khiến cho tâm con được tỏ ngộ”.

Các Tỳ kheo hỏi Phật: “Mẹ của người nữ đó theo con đường xấu ác, vì duyên cớ gì mà cô ta được quả A La Hán?”.

Phật hỏi lại: “Này các Tỳ kheo, các ông muốn hiểu biết về người nữ đó không?”.

Các Thầy Tỳ kheo bạch: “Chúng con xin vâng”.

Phật nói: “Nàng Ma Đăng Già này 500 đời trước đã từng làm vợ A Nan. Vì trong 500 đời ấy, họ từng kính mến, tôn trọn, say đắm và yêu thương nhau. Họ cùng ở trong giáo pháp của ta mà được đạo. Thế nên hôm nay, vợ chồng vừa gặp nhau thì giống như anh em”.

Phật nói xong, các Thầy Tỳ kheo thảy đều vui mừng.