như lai độc chứng tự thệ tam muội kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(如來獨證自誓三昧經) Cũng gọi Độc chứng tự thệ tam muội kinh, Như lai tự thệ tam muội kinh. Kinh, 1 quyển, do ngài Trúc pháp hộ dịch vào năm Thái thủy thứ 2 đến niên hiệu Kiến hưng năm đầu (266-313) đời Tây Tấn, Trung quốc, được thu vào Đại chính tạng tập 15. Độc chứng tự thệ tam muội là tên của đạo tràng, tức là tinh xá Giao lộ trong khu rừng cây ở nước Cú đàm di nơi thủa xưa đức Phật ở. Nội dung kinh này đức Như lai nói về 3 loại nhân duyên trong Phật pháp cho bồ tát Hiền nho nghe, tức là Như lai thụ kí cho 3 hạng người là bậc Đồng chân, Liễu sinh và A duy nhan. Sau đó, đức Như lai lại nói về pháp xuất gia và tuyên bố tôn giả Ma ha Ca diếp đã noi theo sự tự thệ này mà được giới. Các bậc Đồng chân, Liễu sinh và A duy nhan được nói trong kinh này tức tương đương với 3 giai vị thứ 8, thứ 9 và thứ 10 của Bồ tát Thập trụ nói trong kinh Hoa nghiêm. Do đó, tư tưởng về thứ bậc tu hành của các Bồ tát Thập trụ, Thập địa rất được học giả đời sau chú ý. Ngoài ra, kinh này còn có bản dịch khác là: Độc chứng tự thệ tam muội kinh, do ngài An thế cao dịch vào đời Đông Hán. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2; Lịch đại tam bảo kỉ Q.6; Đại đường nội điển lục Q.2; Khai nguyên thích giáo lục Q.2].