NHIẾP ĐẠI THỪA LUẬN THÍCH

Tác giả: Bồ-Tát Thế Thân
Hán dịch: Đời nhà Trần, người nước Thiên Trúc, Tam tạng Pháp sư Chân Đế
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

A. GIẢI THÍCH Y CHỈ TRONG THẮNG TƯỚNG

Trí chướng rất mờ tối,
Là chấp riêng chân tục,
Do như lý, như lượng,
Trí sáng Vô phân biệt.
Phá thành Vô Đẳng giác,
Diệt tâm mê không sót,
Thường trụ đức viên trí,
Hằng tùy hạnh đại bi.
Như căn tánh chúng sinh,
Cực giải thoát chân đạo,
Nói cho thập phương giới,
Năng vô công dụng tâm.
Do vô phân biệt trí,
Không trụ nơi sinh tử,
Vì thường khởi đại bi,
Không nhập vào Niết-bàn.
Do nhiếp trí phương tiện,
Đến cực lợi tự tha,
Con đem thân khẩu ý,
Đảnh lễ Phật Thế Tôn.
Vô thượng Chánh pháp ấy,
Như Lai tự giác thuyết,
Nếu người giỏi chánh hạnh,
Đến dấu cam lồ diệu.
Nếu phỉ báng pháp này,
Chìm hầm cuồng không đáy,
Do trí và tín tâm,
Đảnh lễ pháp chân thật.
Trụ đạo, trụ quả Tăng,
Thắng khắp tất cả chúng,
Trí đạo tục thanh tịnh,
Phước điền của thế gian.
Thiện nhỏ đem vào đó,
Rộng lớn như hư không,
Thành tựu thế gian lạc,
Và Niết-bàn thanh lương.
Con nhất tâm đảnh lễ.
Phật Thánh, chúng đệ tử
Người thông minh tà mạn,
Tu A-hàm thoái lui.
Nói làm theo tự chấp,
Không được chứng chánh lý,
Thờ Bồ-tát Di-lặc,
Y chỉ nhật quang định.
Soi rõ thật pháp tướng,
Vô động và xuất thế,
Vì bọn ta mà nói,
Chánh pháp chân đạo lý.
Như trời trăng mùa Thu,
Văn từ khắp thế gian,
Thậm thâm đại chủng chủng,
Cú nghĩa nương liễu kinh.
Khiến cho người thông tuệ,
Hạ tâm khởi tôn kính,
Pháp tế mật khó thông,
Trí chấp nhiễm không ngại.
Tám pháp đời như lợi v.v…
Tâm thường không nhiễm trước ,
Vô ngại xứng với nghĩa,
Người thông mẫn hằng tụng.
Trời, người đều khắp biết,
Đảnh lễ chân Đại sư,
Biện thuyết thường vô tận,
Mưa cam lồ văn nghĩa.
Nương vào tùy phần nghe,
Cũng như chim xin mưa,
Duyệt xem tạng quyết định,
Giải thích Nhiếp Đại Thừa,
Nguyện lời này lợi ích,
Cho những người sợ hãi!

 

 

PHẨM 1: CHÚNG DANH

Giải thích: Phẩm này có ba chương:

– Chương 1: Vô đẳng Thánh giáo.
– Chương 2: Thứ tự mười nghĩa.
– Chương 3: Chúng danh.

CHƯƠNG 1: VÔ ĐẲNG THÁNH GIÁO

Luận nói: Nhiếp Đại Thừa Luận tức là A-tỳ-đạt-ma giáo và Đại thừa Tu-đa-la.

Giải thích:

Hỏi: Câu nói này dựa vào nghĩa nào và nhân nào mà khởi?

Đáp: Nương vào Thật Tánh thậm thâm quảng đại tất cả sở tri y của các pháp. Nếu lìa oai lực của Phật Bồ-tát thì ai là người có công năng để có khả năng nói nghĩa này?

Hỏi: Tại sao tạo luận phải do tướng này mà nói?

Đáp: Nếu lìa tên gọi A-tỳ-đạt-ma, thì không biết Luận này là Thánh giáo. Vì nghĩa này vậy.

Lại nữa, vì để hiển thị tên Kinh, ví như Kinh Thập Địa.

Hỏi: Hiện tại tạo luận này, dụng của nó như thế nào?

Đáp: Vì muốn khiến cho chúng sinh điên đảo ngu si vô trí được giải thoát. Lại nữa, Luận nầy nói tên A-tỳ-đạt-ma và Đại-thừa Tu-đa-la là muốn hiển bày loại pháp môn riêng của Như Lai, và hiển bày tên gọi riêng của Luận này. Nói Đại-thừa, là muốn phân biệt rõ với A-tỳ-đạtma của Tiểu thừa.

Hỏi: Tại sao không chỉ nói tên A-tỳ-đạt-ma mà còn phải nói tên Tu-đa-la?

Đáp: Vì có A-tỳ-đạt-ma không phải là Thánh giáo. Lại nữa, nói tên A-tỳ-đạt-ma vì để hiển thị luận này chính là Bồ-tát tạng.

Hỏi: Lại nữa, lập tạng là muốn làm gì?

Đáp: Là để diệt trừ chính mình còn mê hoặc trong Đại thừa, tức phiền não của Bồ-tát. Tại sao vậy? Vì Bồ-tát lấy phân biệt làm phiền não. A-tỳ-đạt-ma, lấy pháp tánh thậm thâm rộng lớn làm tướng.

Hỏi: Bồ-tát Tạng nầy gồm có mấy thứ ?

Đáp: Cũng có ba thứ, tức Tu-đa-la, A-tỳ-đạt-ma và Tỳ-na-da. Ba thứ nầy do các Thừa trên dưới sai biệt cho nên thành hai thứ, là Thanhvăn tạng và Bồ-tát tạng.

Hỏi: Ba thứ nầy và hai thứ kia tại sao gọi là tạng ?

Đáp: Do có khả năng gồm thâu được, tức gồm thâu tất cả nghĩa ưng tri của bất cứ pháp nào.

Hỏi: Tại sao thành ba thứ mà lại có lập riêng chín thứ ?

Đáp: Tu-đa-la, là để đối trị nghi hoặc của người khác. Nếu có người nổi lên ngờ vực pháp nầy thì giúp cho họ được trí quyết định. Cho nên, thành lập Tu-đa-la. Để đối trị với hai giới mà riêng lập Tỳ-na-da. Do Phật ngăn cản sự thọ dụng có tội lỗi mà lập Tỳ-na-da để đối trị với giới hạn của việc thọ dụng của các hành động ái lạc. Do Phật tùy hỷ trong thọ dụng không có tội lỗi mà lập Tỳ-na-da để đối trị với giới hạn của các hành đông khổ sở (khổ hạnh). Vì để đối trị tự kiến chấp thủ mà riêng lập A-tỳ-đạt-ma, nó có khả năng làm sáng tỏ thật tướng của pháp không điên đảo. Lại nữa, vì nói ba thứ tu học, mà riêng lập Tu-đa-la. Vì thành tựu sự nương vào giới và tâm học mà riêng lập Tỳ-na-da. Tại sao vậy? Nếu người trì giới thì tâm không có hối, do không có hối mà có thể lần lượt đắc định. Vì thành tựu sự nương vào Tuệ học mà riêng lập A-tỳ-đạt-ma. Tại sao vậy? Vì có thể chọn lựa nghĩa không điên đảo. Lại nữa, chính sự thuyết pháp và nghĩa đều do Tu-đa-la, thành tựu nghĩa của pháp thì do Tỳ-na-da. Tại sao vậy? Nếu người tu diệt hoặc theo Tỳ-na-da thì được thông đạt hai Pháp nầy và nghĩa của nghĩa pháp, quyết định thắng trí đó do A-tỳ-đạt-ma mà được. Do chín nhân duyên mà thành lập Tam tạng.

Hỏi: Thông dụng của Tam tạng nầy như thế nào?

Đáp: Để giải thoát sinh tử là thông dụng của nó.

Hỏi: Làm thế nào để được giải thoát?

Đáp: Có thể huân, giác, tịch và thông cho nên được giải thoát. Do nghe (Văn) và suy nghĩ về (Tư) Tam tạng cho nên có thể huân tập, do huân tập cho nên giác biết, do giác biết cho nên được tịch tĩnh, do tịch tĩnh cho nên thông suốt, do thông suốt cho nên được giải thoát. Nếu nói sơ lược Tam tạng thì từng tạng đều có bốn nghĩa. Nếu có khả năng hiểu rõ nghĩa nầy thì Bồ-tát có đủ Nhất thiết trí. Nếu Thanh-văn có thể hiểu rõ nghĩa của một câu hay một bài kệ thì đạt đến vị chấp dứt lưu chuyển sinh tử (Lưu tận).

Hỏi: Từng tạng đều có bốn nghĩa là thế nào?

Đáp: Bốn nghĩa của Tu-đa-la: Vì để hiển thị bốn nghĩa sau đây nên gọi là Tu-đa-la.

1. Y, là xứ, là nhân (người), là dụng. Nương vào ba thứ xứ, nhân, dụng nầy mà Phật nói Tu-đa-la, cho nên gọi là Y.

2. Tướng là tướng của hai đế chân và tục, cho nên gọi là Tướng.

3. Pháp là ấm, giới, nhập, duyên sinh, đế, thực (ăn), định, vô lượng, vô sắc, giải thoát, chế nhập, biến nhập, trợ đạo, vô ngại biện, vô tránh… cho nên gọi là pháp.

4. Nghĩa là sự đã làm cho nên gọi là nghĩa. Sinh đạo diệt hoặc gọi là sự.

Bốn nghĩa của A-tỳ-đạt-ma là Đối, Số, Phục, Giải:

1. Đối là pháp đối hướng vô trụ xứ Niết-bàn. Tại sao vậy? Vì có khả năng làm rõ đế đạo môn cho nên gọi là đối.

2. Số là tùy một pháp trong các pháp, hoặc lấy danh, hoặc lấy tướng riêng, hoặc lấy tướng chung, các số hiển thị là một pháp nầy cho nên gọi là số.

3. Phục là pháp nầy có khả năng hàng phục các thuyết khác về hai thứ năng lập và năng phá đều do chánh thuyết, phương tiện y chỉ cho nên gọi là phục.

4. Giải là nghĩa của A-tỳ-đạt-ma và Tu-đa-la dễ hiểu cho nên gọi là Giải.

Tỳ-na-da có bốn nghĩa: Do tội lỗi, do duyên khởi, do hoàn tịnh, do xuất ly.

Tội lỗi là tội ngũ thiên và thất tụ.

Duyên khởi có bốn thứ, hoặc có tám thứ:

Bốn thứ: 1. Vô tri. 2. Phóng dật. 3. Phiền não xí thạnh. 4. Khinh mạn.

Tám thứ: 1. Do tâm, không do thân khẩu. 2. Do thân, không do tâm khẩu. 3. Do khẩu, không do thân tâm. 4. Do tâm thân, không do khẩu. 5. Do thân khẩu, không do tâm. 6. Do tâm khẩu, không do thân. 7. Do thân, khẩu, tâm. 8. Không do thân, khẩu, tâm.

Hoàn tịnh là do thiện tâm, không do đối trị. Phật thiện tâm là như gốc thọ trì và đối trị.

Xuất ly có bảy sự: 1. Mỗi mỗi phát lộ, ngăn chặn sự nối tiếp. 2. Phạt thọ và học. 3. Trước chế giới sau khai mở giới đã chế trước, sau đó do ý riêng cho nên khai mở. 4. Xả thêm nếu đại chúng tụ tập đồng ý như trước, xả thêm người phạm tội trước thì đó là hoàn tịnh. 5. Chuyển y Tỳkheo và Tỳ-kheo ni, chuyển hai căn nam nữ nếu không có tội chung. 6. Như thật quán: Do bốn thứ pháp Uất-đà-na quán sát các pháp. Lại nữa, như đối trị pháp tướng, hằng quán sát tội của tự mình. 7. Pháp nhĩ đắc: Nếu thấy Tứ đế tiểu tùy thì tiểu tội, không sửa đổi cho nên phạm, là do sở đắc của pháp vốn như vậy.

Lại nữa, Tỳ-na-da có bốn nghĩa: 1. Nhân (người), là Phật, Thế Tôn căn cứ vào người mà lập giới. 2. Lập chế nghĩa là đã nói lỗi xong rồi, đại sư tập hợp chúng lập ra Học xứ. 3. Phân biệt nghĩa là đã sơ lược lập chế giới rồi, giải thích rộng thêm. 4. Trong lập chế giới nầy thế nào là phạm tội, thế nào là không phạm, hiện tại sẽ giải thích bản văn.

Luận nói: Trước Phật Thế Tôn.

Giải thích: Có ý muốn làm sáng tỏ sự cung kính và lời nói không khác.

Luận nói: Bồ-tát Ma-ha-tát khéo nhập cú nghĩa của Đại-thừa.

Giải thích: Đã được công đức của các Đà-la-ni. Do công đức nầy mà có khả năng nhiếp trì văn cú và nghĩa lý, cũng có thể như lý mà nói năng hiển thị cho nên gọi là thiện nhập (khéo nhập). Tại sao chỉ nói Bồ-tát Ma-ha-tát mà không nói tên? Vì muốn hiển thị nhiều Bồ-tát Ma-ha-tát có chung công năng này. Tại sao nói hai tên? Vì muốn hiển thị đầy đủ hai công hạnh.

Luận nói: Muốn hiển thị Đại-thừa có công đức thù thắng nương vào giáo pháp Đại-thừa.

Giải thích: Chỉ trong Đại-thừa mới có công đức thù thắng, còn trong các thừa khác thì không có. Vì để thuyết minh công đức Bất cộng của Đại-thừa, cho nên nói rằng Muốn hiển thị Đại-thừa có công đức thù thắng nương vào giáo pháp Đại-thừa.

Luận nói: Nói lời như vậy: Chư Phật Thế Tôn có mười tướng thù thắng, điều Phật nói là vô đẳng, vượt hơn các sự giáo huấn khác.

Giải thích: Lời nói nầy là muốn thuyết minh chỗ nào để hiển thị Đại-thừa có tướng công đức thù thắng? Là thật có và lợi tha, như trong giải thích mười hiệu của chư Phật Thế Tôn.

Luận nói: Mười tướng thù thắng.

Giải thích: Do mười tướng của y chỉ khác nhau cho nên nói rất thắng diệu và lấy mười nghĩa làm nhân, ngôn thuyết làm quả. Vì nghĩa thù thắng cho nên nói là vô đẳng

Luận nói: 1. Tướng nương tựa của ứng tri (pháp sở tri).

Giải thích: Hiểu biết là pháp của phẩm tịnh và phẩm bất tịnh, tức là tam tánh, tam tánh nầy y chỉ nhân của tam tánh, tức là y chỉ tướng thù thắng. Do y chỉ tướng thù thắng nầy mà ngôn thuyết của Như Lai cũng thù thắng, tức là A-lại-da thức y chỉ, vào tướng thù thắng này. Ví như thạch tử (đứa con bằng đá) cho đến trí quả thù thắng cũng như vậy.

Luận nói: 2. Tướng ứng tri thù thắng.

Giải thích: Tướng nầy thường biết rõ tự tánh, hoặc thật tướng.

Luận nói: 3. Tướng hội nhập ứng tri thù thắng.

Giải thích: Tướng nầy chính là sự thể nhập vào tam tánh, tức năng nhập và sở nhập, hay còn gọi là duy thức.

Luận nói: 4. Tướng hội nhập nhân quả thù thắng.

Giải thích: Hội nhập vào duy thức, chính là bố thí… thuộc sáu pháp. Ba-la-mật thế gian ở vị trong nguyện vui lòng còn nhập vào quả tức là đi hội nhập duy thức. Sau đó, sáu Ba-la-mật sau đó ở ngôi vị thông đạt chuyển thành quả, gọi là xuất thế gian.

Luận nói: 5. Tướng tu nhân quả có phần thù thắng khác biệt.

Giải thích: Hội nhập nhân quả tức là thể nhập hành sáu Ba-la-mật của thế gian và xuất thế gian. Tu là thường huân tập bốn đức để tham dự vào trong địa vị tu đạo. Vì địa bất đồng cho nên gọi là sai biệt, tức là mười địa như: Hoan hỷ…

Luận nói: 6. Tu khác biệt thù thắng nương vào giới học.

Giải thích: Đây chính là học giới sai biệt trong việc tu tập của các địa. Do nương vào giới mà Bồ-tát tu quán, tức là tất cả giới của Bồ-tát trong mười địa, đối với các pháp ác không khởi tâm trở lại.

Luận nói: 7. Tướng thù thắng nương tựa vào tâm học.

Giải thích: Chữ Học đã giải thích như trước. Tâm tức là định. Định lấy sự nhất tâm làm thể. Do nương vào sự nhất tâm mà tu tập, nghĩa là định của tất cả Bồ-tát gọi là nương vào tâm mà tu học.

Luận nói: 8. Tướng thù thắng của việc nương vào trí tuệ.

Giải thích: Vì có thể đắc quả cho nên gọi là nương vào trí tuệ. Do lấy trí tuệ làm chỗ nương, nên mới khởi tâm hành tu tập. Trí tuệ đó gọi là Vô phân biệt.

Luận nói: 9. Tướng thù thắng của quả Học tịch diệt.

Giải thích: Tịch diệt có ba thứ: 1. Tối thắng. 2. Phẩm loại. 3. Tự đối giải thoát định trí. Chướng ngại bị diệt trừ tức liền đắc vô trụ xứ Niết-bàn.

Luận nói: 10. Tướng thù thắng của trí tuệ sai biệt.

Giải thích: Là đã lìa tất cả chướng trí. Trí tức là vô phân biệt trí, gọi là đạo đối trị sai biệt. Đây cũng là trí của Phật Như Lai đã lìa tất cả chướng tùy miên. Trí nầy là sai biệt của Vô phân biệt trí.

Luận nói: Do mười nghĩa tướng thù thắng này, nên pháp mà Như Lai nói vượt hơn các giáo pháp khác. Như vậy, giải thích văn cú của Tu-đa-la để hiển thị rõ Đại thừa đúng là Phật thuyết.

Giải thích: Làm sao có thể hiển thị được? Do giải thích sơ lược văn cú nầy để trình bày rõ mười nghĩa trên, trong Tiểu thừa không có nói đến chỉ có Đại thừa mới có nói.

Luận nói: Lại nữa, tại sao trong đây giải thích sơ lược mà có thể hiển thị Đại thừa thù thắng hơn các giáo pháp khác? Quá trình giải thích sơ lược nầy nhằm nêu rõ mười nghĩa trên, chỉ có Đại thừa mới có, còn Tiểu thừa thì không. Những gì là mười? Nói rằng thức A-lại-da gọi là tướng, nương tựa của ứng tri. Tướng của ứng tri là ba thứ tánh là: 1. Y tha tánh. 2. Phân biệt Tánh. 3. Chân thật tánh. Tướng hội nhập ứng tri là hội nhập Duy thức giáo thuyết, tướng hội nhập nhân quả là nói sáu pháp Ba-la-mật.

Giải thích: Tại sao vậy? Do đạo lý pháp duy thức, được hội nhập ba tánh, ở vị tu nhân với nguyện cầu ưa thích nên nói. Sáu pháp Bala-mật tuy là pháp thế gian, nhưng có thể dẫn đến pháp xuất thế, vì có thể sinh đạo duy thức. Đây gọi là hội nhập nhân của ba tánh. Bồ-tát đã nhập địa, thì đi vào sáu Ba-la-mật xuất thế đã thanh tịnh tức hội nhập nhân quả của ba tánh.

Luận nói: Mười địa của Bồ-tát, gọi là tướng nhập vào nhân quả tu sai biệt.

Giải thích: Mười thứ Bồ-tát địa xuất thế, gọi đó là nhập nhân quả tu sai biệt.

Luận nói: Cấm giới mà Bồ-tát giữ gìn bảo vệ, gọi là tướng giới học tu sai biệt. Các định Thủ-lăng-già-ma hư không, gọi là tướng tâm học Vô phân biệt trí, gọi là tướng tuệ học. Vô trụ xứ Niết-bàn gọi là tướng tịch diệt của quả. Học Ba thân của Phật tức là Tự tánh thân, Ứng thân và Hóa thân. Ba thân nầy gọi là tướng quả trí vô phân biệt.

Giải thích: Trong địa có ba thứ tu quán, gọi là ba thứ nương vào học xứ quả của học này tức là diệt nghĩa là diệt trừ ba chướng. Vô phân biệt trí gọi là nương vào tuệ học. Trí nầy không, có sự phân biệt bốn đảo như Thanh-văn và không có sự phân biệt về tất cả pháp như Bồ-tát nên gọi là Vô phân biệt. Đó là hai tướng khác biệt của vô phân biệt trí. Như vậy ba thân thì Phật là quả vô phân biệt trí. Nếu lìa tự tánh thân và pháp thân không thành, ví như nhãn căn. Nếu lìa pháp thân thì Ứng thân không thành, ví như nhãn thức lìa nhãn căn thì không thể thành Phải biết hai thứ nầy là do năng y và sở y mà được tương ưng. Nếu lìa Ứng thân, thì đã nhập Đại địa không thọ dụng pháp lạc của Bồ-tát. Nếu không có thọ dụng pháp lạc thì tư lương của Bồ-đề không được đầy đủ. Ví như thấy sắc, nếu lìa Ứng thân thì Hóa thân không thành. Nếu không có Hóa thân thì chư Bồ-tát trong hạnh nguyện ưu thích, và Thanh-văn trong hạnh nguyện ưa thích yếu ớt mới bắt đầu phát khởi tu hành đều không được thành. Cho nên quyết định phải có ba thân.

Luận nói: Như vậy mười loại xứ chỉ trong Đại thừa mới có, khác với Tiểu thừa cho nên nói là đệ nhất.

Giải thích: Mười loại xứ nầy là nhân của Vô thượng Bồ-đề, thứ tự dẫn nhau cho đến Vô thượng Bồ-đề.

Luận nói: Phật Thế Tôn chỉ nói mười nghĩa nầy cho Bồ-tát.

Giải thích: Đại thừa chỉ là Phật nói, Tiểu thừa là nói chung. Đại thừa là chỉ nói cho Bồ-tát, không vì Nhị Thừa mà nói. Do ba nghĩa nầy cho nên Đại thừa thù thắng hơn Tiểu thừa.

Luận nói: Cho nên nương vào Đại thừa mà Chư Phật Thế Tôn có mười tướng thù thắng, lời nói của Phật không thể sánh kịp vượt hơn các giáo phái khác. Lại nữa, tại sao lời nói không thể sánh kịp, của mười tướng thù thắng nầy được nói ra, không thể có gì thể sánh kịp có thể hiển thị Đại thừa? Là chính vì Như Lai nói để ngăn chặn Tiểu thừa, quyết định đây không phải Đại thừa. Vị trong Tiểu thừa chưa từng thấy mười nghĩa này, tùy giải thích một nghĩa thì chỉ thấy giải thích trong Đại thừa. Lại nữa, mười nghĩa nầy có thể dẫn đến Vô thượng Bồ-đề, thành tựu và tùy thuận không trái nhau.

Giải thích: Có ba nghĩa làm chứng cho mười nghĩa có thể dẫn đến Vô thượng Bồ-đề, vì là nhân của Vô thượng Bồ-đề. Thành tựu là nếu căn cứ theo Thánh giáo và chánh lý thì chọn lựa tư duy mười nghĩa nầy thành tựu. Không thể phá hoại, ví như đã thấy đạo tướng mà bậc Đạo sư đã nói. Tùy thuận, nếu người hạnh quán đang ở địa vị tu tập, thì mười nghĩa nầy tùy thuận tu quán mà trụ, ví như tùy thuận theo đạo của Đạo sư nói đạo mà trụ. Không trái nhau, là trong mười địa không có nhân chướng ngại, ví như: Trong đạo mà Đạo sư đã dạy không có chướng giặc cướp, cọp, chó sói… Lại nữa, có sinh tử và Niết-bàn trong các địa không chướng ngại nhau. Do đó mười nghĩa có thể dẫn đến Vô thượng Bồ-đề.

Luận nói: Vì các chúng sinh mà đắc trí của Nhất thiết trí.

Giải thích: Do mười nghĩa nầy có đủ ba đức là: 1. Vô đẳng cảnh. 2. Vô đẳng hạnh. 3. Vô đẳng quả. Nếu ai Văn, Tư, Tu ba đức nầy thì chắc chắn họ sẽ đắc Vô thượng Bồ-đề, cho nên nói rằng Vì các chúng sinh mà đắc trí của Nhất thiết trí.

Luận nói: Kệ nói rằng:

Y và tướng ứng tri,
Nhập nhân quả tu khác,
Tam học và quả diệt,
Thuộc trí Vô thượng thừa.
Mười nghĩa, khác không có,
Thấy đây nhân Bồ-đề,
Nên Đại thừa Phật nói,
Nói mười nghĩa thù thắng.

 

CHƯƠNG 2: THỨ TỰ MƯỜI NGHĨA

Luận nói: Tại sao mười nghĩa nầy nói thứ tự như vậy? Bồ-tát sơ học trước phải quán các pháp nhân duyên như thật. Do quán nầy nên đối với mười mười hai nhân duyên phát sinh thông Tuệ, sau đó đối với pháp duyên sinh phải hiểu rõ thể tướng của nó. Trí có thể lìa lỗi nhị biên tăng ích, tổn giảm. Chánh tu như vậy, phải thông đạt các tướng sở duyên như thật, sau đó phải giải thoát phải các chướng ngại. Tâm đã thông đạt thật tướng, rồi tiếp đến đối với sáu Ba-la-mật đã được hành làm cho thành tựu thêm, khiến cho thanh tịnh không bị lỗi nữa. Do nương vào thanh tịnh bên trong ý thức, nên kế đó thanh tịnh bên trong gồm thâu các Ba-la-mật. Nương vào mười địa sai biệt, tu tùy một trong ba A-tăng-kỳ kiếp. Kế đó tam học của Bồ-tát trước viên mãn. Đã viên mãn rồi thì đạt được học quả Niết-bàn và Vô thượng Bồ-đề. Từng bước về sau phải được tu theo thứ tự mười nghĩa. Trong đây nói thứ tự thì tất cả Đại thừa đều được viên mãn.

Giải thích: Cảnh giới của mười nghĩa nầy có thứ tự, thì chánh hành cũng có thứ tư. Do quán thấy thứ tự nầy mà lập nên thứ tự mười nghĩa. Lại nữa nếu người nào hiểu rõ nhân của các pháp, đối với mười hai nhân duyên thì chứng đắc thông tuệ. Tại sao vậy? Vì quả từ nhân sinh ra, không từ Tự Tại Thiên hay nhân không bình đẳng sinh ra, cũng không phải không có nhân sinh ra, cho nên lập nhân trí và quả trí. Tiếp theo là pháp từ nhân sinh ra, Bồ-tát phải biết tướng của nó. Thế nào là tướng? Tánh phân biệt thật sự không có thể, chấp cho là có thì gọi là tăng ích; thật sự có tánh chân thật mà chấp cho là không thì gọi là tổn giảm. Sự tăng ích không tổn giảm “có” gọi là nhị biên. Thông tuệ có khả năng lìa nhị biên này. Tiếp theo là chỗ chấp chỉ có thức, do trí nầy thì tương ưng đó có thể thông đạt. Do thông đạt nầy mà không có chướng ngại nào nữa. Tiếp theo là tùy thuận nhập duy thức. Sáu Ba-lamật của thế gian nương vào tục đế, được nương vào chỗ nhiếp của chân đế thanh tịnh ý thì sáu Ba-la-mật của xuất thế gian cũng phải học. Kế tiếp trong mười địa tùy theo sự sai biệt mà phải tu tập mỗi A-tăng-kỳ kiếp không đồng với sự tu tập chứng đắc của Thanh-văn. Tại sao vậy ? Thanh-văn trong ba đời, gieo xuống chủng tử đối trị Chủng, thành thục đối trị đạo. Đối trị đạo thành thục cho nên trong đời thứ ba, giải thoát tam giới, đắc quả A-la-hán. Tiếp theo trong việc tu tập sai biệt này, ba học giới, định, Tuệ phải khiến cho viên mãn. Tiếp theo ba học quả Niết-bàn thì phiền não chướng và trí chướng đều diệt; Vô thượng Bồ-đề và ba thân, những pháp nầy phải nên biết. Nói thứ tự như vậy, nếu lập Đại thừa thì cũng không ra ngoài pháp này. Tại sao vậy? Nếu muốn giải thích nghĩa của duyên sinh thì nhập vào trong A-lại-da thức. Nếu muốn giải thích pháp tướng thì nhập vào ba tánh nhiếp. Nếu muốn giải thích đắc thì nhập vào trong duy thức. Nếu muốn giải thích nhân quả thì nhập vào duy thức quán xứ. Nếu muốn giải thích địa thì nhập vào nhân quả xứ. Nếu muốn giải thích ba học thì nhập vào mười địa. Nếu muốn giải thích diệt thì nhập vào ba học xứ. Nếu muốn giải thích Vô thượng Bồ-đề và ba thân thì nhập vào Vô trụ xứ Niết-bàn thâu nhiếp. Nếu nói Phật thể và nhân quả thì theo số như đây, cho nên nói thứ tự lại có giải thích khác. Mười nghĩa nầy có thể dẫn Vô thượng Bồ-đề, sinh khởi trí vô phân biệt. cho nên gọi là thành tựu, cùng với tứ đạo lý và tam lượng không trái nhau cho nên gọi là tùy thuận, không phải trước tùy thuận, sau trái nhau. Như Kệ nói rằng: Hay trì ái và bi, tùy thuận đối với thiện, không ngã kiến hắc bạch, có ích cũng có tổn, cho nên nói không trái nhau. Có khả năng sinh trí của Nhất thiết trí. Đối với hết thảy pháp vô gián, như lượng, như lý, mà trí sinh. Lại có giải thích khác, lấy phần sau giải thích phần trước.

 

CHƯƠNG 3: CHÚNG DANH

Luận nói: Nay đầu tiên nói về chỗ nương tựa của ứng tri, đặt tên là A-lại-da thức. Đức Thế Tôn ở đâu nói thức nầy, và nói thức nầy tên A-lại-da? Như Phật Thế Tôn trong A-tỳ-đạt-ma kệ tóm lược ý chính nói: Giới nầy từ vô thủy, tất cả pháp y chỉ, nếu có các cõi đạo và có đắc Niết-bàn.

Giải thích: Nay muốn dẫn A-hàm làm chứng cho Thể và tên của A-lại-da thức A-hàm. Là Đại thừa A-tỳ-đạt-ma, trong đó Phật Thế Tôn nói kệ. Giới này, là A-lại-da thức giới, lấy giải giải thích là tánh. Nên Giới nầy có năm nghĩa: 1. Nghĩa thể loại, là tất cả chúng sinh không ra ngoài thể loại này. Do thể loại nầy mà chúng sinh không khác nhau. 2. nghĩa nhân, là vì tất cả pháp của Thánh nhân như tứ niệm xứ… đều duyên giới nầy mà sinh. 3. Nghĩa sinh, là sở pháp thân sở đắc của Thánh nhân, là do tin ưa pháp môn của giới nầy mà được thành tựu. . Nghĩa chân thật, là tại thế gian thì không bị hoại, tại xuất thế gian thì bất tận. 5. Nghĩa tàng chứa nếu xứng với tự tánh thiện của pháp nầy thì trở thành trong pháp này. Nếu ngoài pháp nầy tuy tương ưng, thì trở thành lời chê trách. Cho nên căn cứ theo giới này, Phật Thế Tôn nói: Này các Tỳ-kheo! Chúng sinh sơ cơ không thể liễu đạt, họ bị vô minh tham ái che kín trói buộc, hoặc lưu chuyển, hoặc tiếp xúc, có khi tại địa ngục, có khi tại súc sinh, có khi trong loài quỷ, có khi làm A-tu-la, có khi ở cõi người, có khi sanh cõi trời. Nầy Tỳ-kheo! Các ông thọ khổ thời gian lâu dài như vậy, tăng thêm tham ái, thường bị máu chảy. Do đây làm chứng cho nên biết từ thời vô thủy, như Kinh nói: Bạch Thế Tôn! Thức giới nầy là y, là trì, là xứ, hằng tương ưng, và trí không tách rời nhau không xả bỏ, là công đức vô vi của chư Phật nhiều như số cát sông Hằng. Bạch Thế Tôn! Không phải trí tương ưng, ly tán và xả bỏ, vì các pháp hữu vi và y chỉ, giữ gìn và an trú. Nói “tất cả pháp y chỉ”, như trong Kinh nói: Bạch Thế Tôn! Nếu Như Lai tạng là có do không hiểu rõ, thì có thể nói sinh tử là có. Cho nên nói “nếu có, có các cõi”, như trong Kinh nói: Bạch Thế Tôn! Nếu Như Lai tạng là không có thì không có chán ghét khổ, không có ưa muốn Niết-bàn, cho nên nói “có đắc Niết-bàn”. Lại nữa, giới nầy từ vô thủy, tức là hiển thị nhân. Nếu không lập nhân thì có thể nói hữu thủy.

Tất cả pháp y chỉ, là do thức nầy làm nhân của tất cả pháp, cho nên nói tất cả pháp y chỉ. Nếu có thì có cõi và có đắc Niết-bàn, tức là chỗ u chỉ của tất cả pháp. Nếu có đạo các cõi thì có quả báo, cũng có chúng sinh do quả báo nầy mà thọ sinh, sự chuyển dịch (chuyển y) có thể khiến cho hiểu hai thuyết tà chánh phân biệt khác nhau, sau cùng là đắc chánh hạnh thượng phẩm, xứng đáng được công đắc thù thắng. Do phiền não y chỉ cho nên sinh cực trọng phiền não và thường khởi phiền não, là bốn thứ sai biệt của quả báo gọi là y chỉ thù thắng (mạnh). Nếu ngược lại bốn thứ nầy thì gọi là y chỉ yếu. Trong sinh tử không chỉ cõi v.v… chẳng có mà nghĩa Niết-bàn cũng chẳng có. Tại sao vậy? Vì nếu có phiền não thì có giải thoát. Sự Y chỉ của ứng tri cũng có A-hàm, có thể làm chứng cho tên A-lại-da thức.

Luận nói: Trong A-tỳ-đạt-ma lại nói kệ:

Các pháp nương tạng trụ,
Nhất thiết chủng tử thức,
Gọi là A-lại-da,
Ta vì thắng nhân nói.

Giải thích: “Các pháp nương tạng trụ”, câu thứ hai, Nhất thiết chủng Tử thức giải thích câu thứ nhất là do nghiệp phiền não cho nên biến đổi, A-lại-da thức tương tục, quả báo trước, sau đó thành nhân. “Gọi là A-lại-da”, là hiển thị nghĩa để làm chứng cho danh và lấy danh làm đề mục cho thức. “Ta vì thắng nhân nói”, thắng nhân là chư Bồ-tát, là Cảnh giới nương tựa của Bồ-tát và có thể chướng ngại Bồ-tát đạo, cho nên Phật Thế Tôn nói cho Bồ-tát.

Luận nói: Hai bài kệ của A-hàm nầy chứng minh cho thể của thức và danh. Tại sao Phật nói thức nầy tên là A-lại-da”?

Giải thích: Lời nói nầy là muốn hiển thị nhân của sự lập danh.

Luận nói: Vì tất cả pháp trong cõi biến dịch bất tịnh, ẩn tàng trong đó làm quả.

Giải thích: Tất cả là chỉ cho ba đời. Trong ba đời, lấy chánh khi sinh có thể sinh pháp thuộc phẩm vị bất tịnh. Nói ngược với năm thứ phẩm tịnh thì gọi là phẩm bất tịnh.

Luận nói: Vì thức nầy ẩn tàng trong các pháp làm nhân.

Giải thích: Các pháp, là quả của A-lại-da thức, tức là các pháp thuộc phẩm bất tịnh, A-lại-da thức trụ ẩn trong quả nầy mà làm nhân.

Luận nói: Lại nữa, các chúng sinh ẩn tàng trong thức nầy do chấp tướng ngã, cho nên gọi là A-lại-da thức.

Giải thích: Tạng nghĩa là chấp giữ. Căn cứ theo A-đà-na thức và ý thức, thì nói tên là chúng sinh. Tại sao vậy? Vì tất cả chúng sinh không có Vô Ngã chấp. Nếu khởi chấp ngã thì duyên vào cảnh gì hay duyên bản thức mà khởi ? Vì một loại tương tục vi tế không đoạn.

Luận nói: A-hàm nói rằng như trong Kinh Giải Tiết đã nói kệ:

Chấp trì thức thâm tế,
Pháp chủng tử hằng lưu,
Phàm phu, ta không nói,
Kia chớ chấp làm ngã.

Giải thích: Trước đã dẫn Kệ của A-tỳ-đạt-ma làm chứng, trong đây lại dẫn kệ của kinh để làm chứng. A-tỳ-đạt-ma lấy lý làm chính, Kinh thì lấy giáo làm chính. Giáo thì phải có lý, lý thì phải thuận giáo, hai thứ nầy gọi là chứng cứ. Nếu lìa hai thứ chứng cứ nầy mà lập nghĩa thì không thành. Chứng nầy xuất từ kinh Tiết: Phật bảo Bồ-tát Quảng tuệ rằng: Nầy Quảng Tuệ! Trong lục đạo sinh tử, những chúng sinh đó, tùy tại tụ chúng sinh, hoặc thọ noãn sinh, thai sinh, thấp sinh và Hóa sinh, trong đó được thân và thành tựu. Khi mới thọ sinh, Nhất thiết chủng thức trước hết thành thục với đại mà tăng trưởng viên mãn, nương vào hai chấp thủ, là thân hữu dựa vào sắc căn và tướng danh tập khí phân biệt về ngôn thuyết sai khác. Hoặc trong cõi Sắc có hai chấp thủ, hoặc trong cõi Vô sắc không có hai chấp thủ. Nầy Quảng Tuệ ! thức nầy hoặc gọi là A-đà-na. Tại sao vậy? Vì do Bản thức nầy có thể chấp trì thân, hoặc gọi là A-lại-da thức. Tại sao vậy? Vì Bản thức nầy đối với thân thường tàng ẩn đồng cùng thành hoại, hoặc gọi là Chất-đa. Tại sao vậy? Vì thức nầy là chỗ sinh trưởng của các trần sắc thanh hương vị xúc. Nầy Quảng Tuệ! Nương theo duyên bản thức nầy thì thức tụ được sinh, là nhãn thức cho đến Ý thức nương vào thức hữu, nhãn căn duyên sắc trần bên ngoài thì nhãn thức được sinh, cùng với nhãn thức đồng thời chung cảnh, thì có ý thức phân biệt khởi. Nếu một nhãn thức sinh, thì lúc đó một ý thức phân biệt sinh, cùng với nhãn thức đồng cảnh. Nhãn thức nầy nếu chung với hai thức, hoặc ba, bốn, năm thức cùng khởi, thì lúc đó có một ý thức phân biệt cùng với năm thức duyên chung cảnh mà sinh, như sông lớn chảy, nhân có thể nổi sóng đến thì một lượn sóng dấy khởi. Nếu có hai hoặc nhiều nhân có thể nổi sóng đến thì có nhiều lượn sóng dấy khởi. Sông đó thường chảy không bỏ phế, không đứt đoạn. Lại nữa, trong mặt gương thanh tịnh tròn sáng, nếu có một nhân ảnh có thể khởi đến thì một ảnh khởi. Nếu có hai hay nhiều nhân ảnh có thể khởi đến thì nhiều ảnh khởi, mặt gương tròn đó không chuyển thành ảnh, cũng không bị tổn giảm, bản thức nầy cũng như nước chảy và mặt gương. Nương vào bản thức này, nếu có một nhãn thức duyên nhãn thức khởi đến thì một nhãn thức khởi, cho đến nếu có năm thức năm nhân của thức có thể khởi đến thì năm thức khởi. Nầy Quảng Tuệ!

Như vậy, Bồ-tát nương vào trí pháp như thật mà có thông tuệ, có thể thông đạt nghĩa bí mật của tâm ý và thức. Do nghĩa như vậy các Như Lai như lí, như lượng, không ghi nhận nói chư Bồ-tát có thể thông đạt nghĩa bí mật của tâm, ý, thức. Nầy Quảng Tuệ! Chư Bồ-tát do như thật không thấy bản thức và A-đà-na thức, bên trong bên ngoài, không thấy tạng trụ, không thấy Sinh và trưởng, không thấy thức, nhãn, sắc và nhãn thức, không thấy nhĩ, thanh và nhĩ thức, cho đến không thấy thân, xúc và thân thức. Nầy Quảng Tuệ! Chư Bồ-tát nương vào pháp như trí mà có thông tuệ, có thể thông đạt nghĩa bí mật của tâm, ý và thức. Các Đức Phật Như Lai, do nghĩa như vậy, ghi nhận nói Chư Bồ-tát có thể thông đạt nghĩa bí mật của tâm, ý và thức. Lại nữa, dẫn Kệ để giải thích lại nghĩa của Kinh đạ nói: Chấp trì thức thâm tế. Tại sao thức nầy hoặc gọi là A-đà-na thức? Vì có thể chấp trì tất cả hữu sắc các căn là năng báo trì hữu y năm căn và tập khí của các tướng, cho nên thức nầy cũng gọi là A-đà-na. “Thâm tế”, là khó diệt trừ và khó hiểu. “Pháp chủng tử hằng lưu”, là chỗ nương trụ của tất cả phẩm bất tịnh pháp có thể sinh khởi và huân tập, như dòng nước, niệm niệm sinh diệt tương tục không gián đoạn. “Phàm phu ta không nói”, vì những người phàm phu không có hạnh thậm thâm, không cầu Nhất thiết trí, căn cơ chậm lụt, cho nên không nói cho họ và Nhị Thừa. “Kia chớ chấp làm ngã” là một tướng khởi thì tương tục sinh trưởng. Nếu chúng sinh nương vào kinh mà khởi tà phân biệt, tức là chấp thức nầy làm ngã. Vì sợ khởi tà chấp cho nên ta không nói cho họ.

Luận nói: Tại sao thức nầy hoặc nói là A-đà-na thức?

Giải thích: Trước đã dẫn chánh lý và chánh giáo, để chứng minh thức tên là A-lại-da. Tại sao bây giờ lại nói thức tên là A-đà-na ?

Luận nói: Có thể chấp trì tất cả các căn hữu sắc, vì tất cả thọ sinh lấy làm y chỉ. Tại sao vậy? Vì các căn hữu sắc là chỗ chấp thủ của thức này, không hoại không mất cho đến tương tục đến đời sau. Lại nữa, chính khi thọ sinh, có thể giữ lấy việc sinh, giữ gìn ấn. Cho nên thân trong báu nẽo đều giữ gìn như thế, và sự, dụng của việc chấp giữ này đều thuộc thức này gìn giữ cho nên gọi là A-đà-na.

Giải thích: Nay là lập đạo lý để làm thành tên A-đà-na. Nguyên tắc , là có thể chấp trì tất cả các căn hữu sắc, do thức nầy chấp trì năm căn hữu sắc, không giống như thân của người chết đang vào lúc biến hoại, vị sình đen hoại rã. Nếu đến lúc chết thì A-lại-da thức xả lìa năm căn, lúc đó các tướng sình đen hoại rã liền khởi, cho nên quyết định biết do chỗ chấp trì của thức nầy trong một thời kỳ mà năm căn không bị rã hoại. “Vì tất cả thọ sinh lấy làm y chỉ”, đây là câu nói lập lại để đáp câu hỏi trước. Thức này, khi chúng sinh chính lúc thọ sinh thì có thể sinh khởi việc chấp thủ ấm giới. Đây là nắm lấy thể tánh chỗ chấp trì của thức. Do thức nầy là thức chánh thọ sinh, cho nên khi chính thọ sinh, tất cả sinh loại đều do thức nầy gồm thâu. Một thời kỳ thọ thân cũng là chỗ nhiếp của thức này. Vì chủng tử của thân trong A-lại-da thức có sẵn đầy đủ. Do nghĩa đó, cho nên A-lại-da thức cũng gọi là A-đà-na thức.

Luận nói: Hoặc gọi là tâm, như Phật Thế Tôn nói tâm, ý và thức.

Giải thích: A-lại-da thức và ý, thấy hai nghĩa nầy không đồng nghĩa với chữ tâm, cũng phải có khác nhau. tướng khác nhau của ba thứ nầy như thế nào ?

Luận nói: Ý có hai thứ, một là có thể cùng với kia sinh khởi sự nương tựa của thứ đệ duyên. Trước hết diệt thức làm ý, lại cũng lấy thức sinh y chỉ làm ý.

Giải thích: Nếu tâm trước diệt tâm sau sinh, vô gián có thể sinh tâm sau, gọi đây là ý. Lại có ý có thể làm y chỉ của chánh sinh thức, cùng với hiện thức không hại nhau. Hai thức nầy làm sinh duyên thức cho nên gọi là ý. Chánh sinh thì gọi là thức, tức là ý và thức khác nhau.

Luận nói: Hai là ý nhiễm ô, cùng với bốn phiền não hằng tương ưng.

Giải thích: Đây là muốn giải thích A-đà-na thức. Những gì là bốn phiền não ?

Luận nói: 1. Thân kiến. 2. Ngã mạn. 3. Ngã ái. 4. Phiền não.

Giải thích: Ngã kiến là tâm chấp ngã, tùy theo tâm nầy mà khởi ngã mạn. Ngã mạn là do chấp ngã mà khởi tâm cống cao, nhưng thật ra không có ngã khởi. Ngã tham gọi là ngã ái. Ba thứ hoặc nầy lấy chung vô minh làm nhân, là nhân quả chân thật. Tâm mê muội thì không hiểu, gọi là vô minh.

Luận nói: Thức nầy là chỗ nương tựa của các phiền não thuộc thức khác. Phiền não thuộc thức nầy do thức y chỉ thứ nhất sinh và do ý thứ hai nhiễm ô.

Giải thích: Thức nhiễm ô nầy do thức y chỉ thứ nhất sinh và do thức thứ hai làm nhiễm ô, thứ tự đã diệt rồi gọi là ý. Các thức còn lại muốn sinh thì có thể cùng sinh với y chỉ. thức thứ hai gọi là thức nhiễm ô, vì là chỗ y chỉ của phiền não. Nếu người chính đang lúc khởi thiện tâm thì cũng có thức này.

Luận nói: Do duyên trần và sự hay phân biệt thứ tự cho nên hai thức nầy gọi là ý.

Giải thích: Vì có khả năng lãnh lấy trần cho nên gọi là thức, có thể cùng với thứ khác sinh cho nên gọi là ý. Thức thứ hai là ngã tướng, hoặc y chỉ với sự năng phân biệt cho nên gọi là ý.

Luận nói: Làm sao biết được có tâm nhiễm ô ?

Giải thích: Lấy đạo lý nào để thành lập nghĩa nầy ?

Luận nói: Nếu không có tâm vô minh độc hành nầy thì không thể nói có hiện hữu.

Giải thích: Tướng của vô minh độc hành như thế nào? Nếu người chưa đắc được đạo đối trị, thì mê lầm gây chướng ngại cho trí tuệ chân thật, gọi là vô minh độc hành. Vô minh nầy đối với năm thức là không có. Tại sao vậy? Như người đang tại năm thức mà không thể bị chướng. Tại sao vậy? Nếu là chỗ sinh của đạo đối trị, thì nơi chướng ngại đó đối với ý thức nhiễm ô ở đây cũng không có. Tại sao vậy? Chỉ vì tâm mê hoặc nầy xứng với sự nhiễm ô. Rồi cùng với các hoặc khác tương ưng đồng hành, nên tên độc hành không thành. Nếu ông nói thức thứ sáu do vô minh độc hành nhiễm ô, thì thức thứ sáu hoàn toàn không thanh tịnh, vì vô minh nầy không hề tạm thời ngơi nghỉ. Tại sao vậy? Các tâm bố thí… trở thành thiện, vì thức thứ sáu hằng cùng với vô minh tương ưng? Nếu có người nói tâm cùng với thiện tương ưng sinh, thì người nầy có lỗi. Nếu thức thứ sáu hằng bị nhiễm ô thì không được dẫn đến đạo đối trị sinh. Nếu ai nói tâm nhiễm ô tương ưng có riêng thiện tâm, thì thiện tâm nầy có thể dẫn sinh đạo đối trị. Do đó tâm nhiễm ô liền diệt mất. Nếu nói như vậy thì không có lỗi.

Luận nói: Cùng với năm thức tương tự thì pháp nầy đáng lẽ không có. Tại sao vậy? Năm thức nầy cùng một lúc có thứ tự nương tựa là các căn như: Nhãn…

Giải thích: Cũng như năm thức Nhãn và năm căn nhãn… cũng đồng thời làm y chỉ. Ý thức thì phải có đồng thời y chỉ, nếu không thì lập các thức khác cũng không có y chỉ này. Như nhãn thức không có y chỉ thì không được sinh. Ý thức cũng phải như thế.

Luận nói: Lại nữa, tên ý đáng lẽ không có nghĩa.

Giải thích: Tại sao không có nghĩa? Nếu lập tâm diệt trước làm ý, thì ý nầy chỉ có danh không có nghĩa. Tại sao vậy? Vì ý lấy sự hiểu biết làm nghĩa. Trong vô thức thì làm sao có thể lập được! thức đó tùy theo sáu thức trước đã diệt, thì ý nầy là bất khả đắc, không thể biết rõ được vì vô thể.

Luận nói: Lại nữa, định vô thức và định diệt tâm đáng lẽ khác nhau. Tại sao vậy? Vì định Vô tưởng là chỗ hiển thị của tâm có nhiễm ô. Định diệt tâm thì không như vậy. Nếu không như thế thì hai định nầy phải không khác nhau.

Giải thích: Nếu người lập tâm có nhiễm ô, người nầy đối với định Vô tưởng thì nói là tâm nhiễm ô, đối với định Diệt tâm thì nói tâm không nhiễm ô. Đối với hai định của người nầy là có sai biệt, nếu không như vậy thì đối với hai định, ý thức không hiện hành, vì hai định không khác nhau.

Luận nói: Lại nữa, đối với trời Vô tưởng, một thời hạn phải thành, không lưu chuyển, không mất, vì không có nhiễm ô, hoặc trong đó không có ngã kiến và ngã mạn. Lại nữa, trong môi lúc khởi ngã chấp khắp trong các tâm thiện ác và vô ký. Nếu không như vậy thì ác tâm tương ưng với ngã chấp. Mê lầm về ngã và ngã sở, được hiện hành, trong thiện và vô ký thì mê lầm đó không được hiện hành. Nếu lập hai tâm sinh cùng lúc thì không có lỗi này. Nếu lập cùng với thức thứ sáu tương ưng hiện hành thì có lỗi này.

Giải thích: Sinh lên trời Vô tưởng nếu không có tâm nhiễm ô, trong một thời kỳ sinh thì không có ngã chấp và ngã mạn. Sự sinh nầy không bị lưu chuyển diệt mất. định nầy không phải là chỗ chán ghét của Thánh nhân, nhưng đã là chỗ chán ghét của Thánh nhân cho nên biết định nầy có thức nhiễm ô. Do chấp ngã hằng đeo đuổi,… các thiện như bố thí thường bị sự chấp ngã xen tạp và chấp ngã hằng đeo đuổi. Nếu lìa vô minh thì không có sự này. Vô minh nầy nếu lìa thì y chỉ không được có. Y chỉ của Vô minh nầy nếu lìa A-đà-na thức thì không có thể riêng biệt.

Luận nói:

Không độc hành vô minh,
Và tương tự năm thức,
Hai định không sai biệt,
Tên ý không có nghĩa.
Vô Tưởng, vô ngã chấp,
Một kỳ sinh không mất,
Trong thiện ác vô ký,
Chấp ngã không nên khởi.
Lìa tâm nhiễm, không có,
Hai và ba trái nhau,
Không có những xứ này
Chấp ngã không được sinh.
Chứng thấy nghĩa chân thật,
Chướng hoặc khiến không khởi,
Thường hiện hành mọi xứ,
Gọi độc hành vô minh.

Luận nói: Vì tâm nầy nhiễm ô nên thuộc vào tánh vô ký.

Giải thích: Tâm nầy là chỗ nương tựa của vô minh. Trong ba tánh thì tâm nầy thuộc Tánh nào? Do nhiễm ô cho nên thuộc tánh hữu phú vô ký. Tại sao vậy? Vì có nhiễm ô. Thế nào là có nhiễm ô?

Luận nói: Thường tương ưng với bốn hoặc.

Giải thích: Không hiểu rõ cảnh vô ngã cho nên khởi chấp ngã. Do khởi chấp ngã mà khởi ngã ái và ngã mạn. Bốn hoặc nầy luôn khởi ở tất cả xứ.

Luận nói: Ví như hoặc của cõi Sắc và cõi Vô sắc là hữu phú vô ký, thì phiền não của hai cõi nầy là chỗ tàng của Xa-ma-tha.

Giải thích: Giới lấy tánh sinh làm nghĩa. Lìa dâm dục và đoạn thực dục, do sắc dục sinh cho nên gọi là sắc giới. Lìa Dục của hai giới dưới, do không có Sắc dục sinh cho nên gọi là cõi vô sắc. Hoặc của hai giới nầy tuy cùng với thô thứ sáu thức tương ưng, nhưng không mất tánh vô ký, vì do chỗ ẩn tàng của tám định. Nếu hoặc nầy tại tâm tán loạn của dục giới thì phải trở thành bất thiện, vì do y chỉ thô. Nếu cùng với thức thứ hai (bất thiện) tương ưng thì tuy không ở trong định, nhưng cũng không phải bất thiện, vì y chỉ rất vi tế. Nếu tại Sắc giới và cõi vô sắc, y chỉ tuy thô, là chỗ nhiếp của tám định, vì tâm nhu nhuyễn hoạt bát cho nên cũng không phải bất thiện. Vì có thể sinh sinh tử nên cũng không phải là thiện, cho nên thuộc tánh hữu phú vô ký. Chỗ khởi hoặc của thức thứ hai dấy khởi cũng như thế, vì y chỉ tế cho nên không phải bất thiện. Vì nhân của sinh tử cho nên cũng không phải là thiện.

Luận nói: Tâm nầy hằng sinh không bỏ phế.

Giải thích: Tâm nhiễm ô nầy trong ba tánh, tám định, định vô tưởng và trời vô tưởng, hằng sinh không bỏ phế.

Luận nói: Thể thứ hai của tầm, lìa A-lại-da thức không thể được.

Giải thích: Thức thứ hai duyên thức thứ nhất mà khởi chấp ngã, nếu lìa thức thứ nhất thì thức thứ hai nầy không được khởi, cho nên biết có thức thứ nhất hiện tại thành tựu thức thứ hai, vì để hiển thị thức thứ nhất.

Luận nói: Cho nên A-lại-da thức thành tựu làm ý. Nương vào đây, lấy làm chủng tử thì các thức khác được sinh.

Giải thích: Lìa thức thứ nhất thì không có riêng thức thể để làm thức thứ hai. nhân và nhân của sinh khởi thức, Phật nói tên là tâm, tên nầy làm đề mục cho thức thứ hai. Phật nói tên là thức, thì tên nầy làm đề mục cho lục thức. Phật nói tên là ý, thì tên nầy làm đề mục cho thức thứ nhất. Tại sao vậy? Vì thức thứ hai và sinh khởi thức, nếu trước thức đã diệt và sau đó thức sắp muốn sinh, thì phải nương vào thức thứ nhất mà sinh và có thể sinh tự loại, gọi là ý căn.

Luận nói: Tại sao ý nầy lại nói là tâm? Vì chỗ tụ tập của nhiều thứ huân tập hạt giống.

Giải thích: Thức thứ nhất hoặc gọi là Chất-đa. Chất-đa có nghĩa gì? Là nghĩa chủng chủng và nghĩa tư trưởng. Chủng chủng, tự nó có mười Nghĩa: 1. Tăng thượng duyên. 2. Duyên duyên. 3. Giải tướng. . Cộng tác. 5. Nhiễm ô. 6. Nghiệp huân tập. . Nhân. 8. Quả. . Đạo. 10. Địa. Trong nghĩa nầy mỗi mỗi đều có nhiều loại nghĩa cho nên nói là chủng chủng.

Tư trưởng có ba nghĩa:

  1. Do mười pháp nầy tụ tập, khiến cho tâm nối tiếp trụ lâu.
  2. Tâm nầy có thể nhiếp trì chủng tử của tất cả pháp.
  3. Là nơi chủng tử huân tập tư trưởng của các pháp.

Chủng Tử, là nhân của công năng sai biệt. Sở tư trưởng, là biến dị thành ba giới. Do nghĩa này, cho nên Phật nói thức thứ nhất cũng gọi là Chất-đa.

Luận nói: Tại sao đối với Thanh-văn Thừa không nói tâm tướng này, và nói tên A-lại-da, A-đà-na? Là chỗ nhiếp của cảnh giới vi tế.

Giải thích: Câu hỏi mỗi mỗi đều hỏi về danh và thể, câu đáp thì đáp chung cho hai câu hỏi. Thức nầy trong chỗ hiểu biết thì rất vi tế. Vì không phải sở duyên của nhị thừa. Thức cũng là cảnh giới, nếu người cầu Phật quả, thì cần phải thông đạt thức này. Thức nầy là chỗ nương ẩn của chín nghĩa về sự hiểu biết, cho nên gọi là sở nhiếp. Lại nữa, Bồ-tát có cảnh giới rất vi tế, nên thức nầy khó hiểu cho nên thuộc cảnh giới ẩn chứa vi tế.

Luận nói: Tại sao Thanh-văn không có vị trí cao để đạt được Nhất thiết trí?

Giải thích: Tại sao đối với Thanh-văn thừa không nói cảnh giới vi tế? Vì họ không khởi chánh cần để cầu biết cảnh giới của Như Lai, tu hành chỉ vì tự lợi. Hoặc chướng của họ do khổ trí, tập trí… Quán hành thô thiển đều có thể diệt trừ được.

Luận nói: Cho nên đối với Thanh-văn lìa thuyết nầy là do thành tựu trí, khiến cho bản nguyện viên mãn, cho nên không nói cho họ.

Giải thích: Chư Phật thấy Thanh-văn ít ham muốn biết đủ, cầu trừ chướng hoặc của tự mình. Chướng nầy nếu lìa trí nầy thì do trí khác có thể được trừ diệt. Bản nguyện được thành tựu, không vì giải thoát chướng cho người khác, không phát nguyện cầu pháp thân của Như Lai, tu hành đạo nhiệm mầu vi tế, cho nên không nói cho họ.

Luận nói: Các Bồ-tát phải có quả vị thù thắng để đạt được Nhất thiết trí, cho nên Phật nói cho họ.

Giải thích: Các Bồ-tát cầu diệt hoặc chướng trí chướng của mình và người khác, cho nên tu hành chánh cần. Do đó, Phật vì Chư Bồ-tát mà nói.

Luận nói: Tại sao lìa trí nầy mà đắc Vô thượng Bồ-đề, là không có chuyện như vậy?

Giải thích: Nếu lìa cảnh vi tế nhiệm mầu, mà tu mười loại thứ tự thì không được thành. Nếu lìa sự tu tâm nầy mà phiền não dễ trừ, pháp thân dễ đắc thì không có nghĩa như vậy.

Luận nói: Lại nữa, thức nầy đối với Thanh-văn thừa, do tên khác mà Như Lai đã từng thị.

Giải thích: Lại có đạo lý khác có thể tin thức nầy là có. Tại sao vậy? Vì đối với Thanh-văn thì nghĩa nầy do một tên gọi khác, nơi nơi đều thị hiện rõ.

Luận nói: Như Kinh Tăng Nhất A-Hàm nói: Đối với thế gian sự hỷ lạc của A-lại-da, sự yêu mến A-lại-da, tập khởi của A-lại-da, chấp vào A-lại-da, diệt của A-lại-da, Như Lai thuyết chánh pháp.

Giải thích: Câu thứ nhất lược nói căn bản. Ba câu sau thì căn cứ hiện tại, quá khứ và vị lai. Giải thích rộng thêm: Trước A-lại-da, là căn cứ đời hiện tại. Tập A-lại-da, là căn cứ đời quá khứ. Ái A-lại-da, là căn cứ theo đời vị lai.

Lại có giải thích khác: Hỷ, lạc A-lại-da, là đời hiện tại. Thế nào là đời hiện tại ? Hỷ Lạc A-lại-da do chấp trước A-lại-da của đời quá khứ, do quá khứ và hiện tại niệm niệm huân tập A-lại-da, cho nên vị lai có ái A-lại-da. Lại nữa, hoặc là chấp bốn câu nghĩa nầy không khác nhau. Nếu không khác nhau thì tại sao có bốn câu? Như chỗ thuyết minh của Quyết định tạng Luận thì có hai thứ ái: Hữu ái và Vô hữu ái. Hữu ái tức là ái nhiễm trong ba cõi. Vô hữu ái là cắt đứt yêu mến ba cõi. Hỷ lạc, nếu người sinh tại cõi Dục, duyên đã đắc trần sinh ra hỷ duyên, chưa đắc trần thì sinh sự chấp trước lạc. Nếu người sinh tại cõi Sắc, chưa lìa Dục của Sắc giới, thì sinh ra tham trước Sắc giới và Sắc giới trần do đã đắc Sắc giới định, trong định sinh ra nhiễm, không ưa thích chỗ chưa đắc định, trong đó chấp làm giải thoát cho nên gọi là nhiễm trước. Tập, nếu người sinh tại cõi vô sắc, chưa lìa muốn của cõi vô sắc, thì trước hết quán sát sai lầm của cõi Dục, mà muốn sinh vào cõi Sắc, sau đó quán sai lầm của cõi Sắc, xả bỏ muốn cõi Sắc, muốn sinh vào cõi vô sắc. Muốn nầy do chỗ thành của các định huân tập, cho nên gọi là Tập. Ba thứ nầy gọi là Hữu ái, nương vào thường kiến mà khởi. Ái, nếu người có nhiều hạnh ác, sợ thọ khổ báo, hoặc chấp đoạn kiến để mong không sinh trở lại, gọi đó là ái. Một thứ ái nầy tức là Vô hữu ái, nương vào đoạn kiến mà khởi. Hoặc căn cứ bốn đảo giải thích, hoặc căn cứ bốn ái để giải thích bốn câu này, tức là ẩm thực, y phục, trụ xứ, Hữu ái và Vô hữu ái. Hoặc muốn hiển thị sự biện giải của pháp biện để khiến cho đệ tử đắc nhân của pháp biện luận. Hoặc muốn sáng tỏ một nghĩa có nhiều tên, hoặc muốn khiến cho người căn thấp kém, nếu quên nghĩa nầy thì còn tên khác mà được nhớ lại. Hoặc muốn giúp cho người căn thấp kém, do lập lại tên nhiều lần mà được hiểu. Hoặc muốn cho đệ tử phương khác, nếu không hiểu một tên, thì do các tên còn lại mà được hiểu, cho nên nói bốn câu, tên thì khác, mà nghĩa thì đồng.

Luận nói: Thế Gian ưa nghe.

Giải thích: Là nương vào hai căn tín và trí.

Luận nói: Cho nên thuộc nhĩ.

Giải thích: Chỉ rõ lìa tâm tán loạn, tức là định căn.

Luận nói: Tác ý dục tri.

Giải thích: Là chỉ rõ khởi cung kính không phóng dật, tức là niệm căn.

Luận nói: Sinh khởi chánh cần.

Giải thích: Do đây mà khởi dũng mãnh, bỏ ác giữ thiện, tức là căn tinh tấn. Điều trong đây nói rõ ra tức là ba thứ tuệ. (Văn, tư, tu)

Luận nói: Mới được diệt tận A-lại-da.

Giải thích: Đây là thuyết minh đạo quả, tức là tận vô sinh trí.

Luận nói: Cho đến thọ hành Chánh pháp tương tự của Như Lai.

Giải thích: Như lời dạy mà làm, đó là thọ trì hành theo danh cú vị của Như Lai đã nói oan thì gọi chánh pháp. Đề những nghĩa của danh, cú, vị đặt ta gọi là pháp tương tự. Lại nữa, chánh pháp là chánh thuyết, pháp tương tự là chánh hạnh và chánh đắc. Lại nữa, chánh pháp lấy Ahàm làm thể, tương tự pháp lấy sở đắc làm thể.

Luận nói: Do Như Lai xuất thế là việc hiếm có. Pháp không thể nghĩ bàn hiển thị hiện trong thế gian. Như bản thức, đây là bốn thứ công đức của Như Lai xuất thế. Kinh do nghĩa riêng biệt, đối với Thanh-văn Thừa thì thức nầy đã từng chỉ rõ.

Giải thích: Vì nghĩa khác có ba thứ:

1. Ý riêng khác, là Như Lai muốn nói công đức xuất thế của tự mình, không phải muốn hiển thị A-lại-da thức. Vì thức nầy cùng với công đức tương ưng, cho nên nói thức này.

2. Tên riêng khác: Như Lai chỉ nói tên gọi mà không nói nghĩa.

3. Nghĩa riêng khác: Vì thuộc cảnh giới vi tế, đối với Nhị thừa không thích nghi nói ra, vì chỉ do nghĩa tương ưng, nên nói tên mà không giải thích nghĩa.