NHIẾP ĐẠI THỪA LUẬN THÍCH (2)

Tác giả: Bồ-tát Vô Tánh.
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phần thứ 3, (Đoạn 1): TƯỚNG CỦA ĐỐI TƯỢNG NHẬN THỨC

Luận nói: “Đã nói chỗ dựa của đối tượng nhận thức, tướng của đối tượng nhận thức làm sao thấy được? Tướng nầy lược có ba thứ: 1. Tướng Y tha khởi. 2. Tướng Biến kế sở chấp. 3. Tướng Viên thành thật”.

Giải thích: “Đã nói chỗ dựa của đối tượng nhận thức” là sẽ không nói lại nữa. “Tướng này”, là chỉ cho tướng của đối tượng nhận thức. “Lược có ba thứ”, là tất cả pháp phải có điều nên biết, cái nên đoạn, cái nên chứng khác nhau. “Tướng Y tha khởi”, là y theo đối tượng được giữ lấy, chủ thể giữ lấy của nghiệp phiền não, kế chấp khắp hết tùy hợp với pháp khác mà được khởi, như vậy tướng gì tiêu biểu để biết gọi là tướng Y tha khởi?.

“Tướng Biến kế sở chấp” là vĩnh viễn vô tướng. Vĩnh viễn vô tướng là Biến kế sở chấp, đối tượng được giữ lấy, chủ thể giữ lấy nơi Bổ-đặc-già-la và tướng của đối tượng nơi pháp hữu tánh, thế nào là phi hữu có thể làm tướng của đối tượng ? Do đức Bạc-già-phạm nói những lời như vậy, cho đến thật hữu không biết thật hữu, cho đến phi hữu không biết phi hữu, như vậy thật hữu biết là thật hữu, hoặc phi thật hữu biết là phi thật hữu.

“Tướng Viên thành thật”, tức là đối với đối tượng được giữ lấy, chủ thể giữ lấy của Biến kế sở chấp, hoặc tánh của ngã, hoặc tánh pháp vô tánh, dùng tánh đó làm lượng cho chỗ thấy rõ tánh cảnh thì biến tri kia mới có thể phân biệt rõ, Biến kế sở chấp quyết định là phi hữu, vì có tánh trái nhau nên không phải làm tánh cảnh.

Luận nói: “Trong đây cái nào là tướng Y tha khởi? Là thức A-lạida làm chủng tử, chỗ gồm thâu các thức là phân biệt hư vọng. Thức nầy lại là thế nào? Là thân thức, thức thân giả, thức thọ giả, thức bỉ sở thọ, thức bỉ năng thọ, thế thức, số thức, xứ thức, thức ngôn thuyết, thức tự tha sai biệt, thức cõi thiện cõi ác, nơi tử sinh. Trong đây hoặc thức thân, thân giả, thọ giả, hoặc thức bỉ sở thọ, thức bỉ năng thọ, hoặc thế thức, số thức, xứ thức, thức ngôn thuyết, thì những thức nầy do chủng tử của danh ngôn huân tập. Nếu tự tha sai biệt thức, thì thức nầy do chủng tử của ngã kiến huân tập. Hoặc thức của cõi thiện, cõi ác nơi sinh tử, thì thức nầy do chủng tử hữu chi huân tập, vì những thức nầy là chỗ gồm thâu của tất cả giới cõi tạp nhiễm, tướng Y tha khởi phân biệt hư vọng đều được hiển hiện. Như vậy các thức nầy đều thuộc về phân biệt hư vọng, chỉ thức làm tánh, là vô sở hữu, không phải nghĩa chân thật hiển hiện chỗ dựa, như vậy gọi là tướng Y tha khởi. Trong đây cái gì là tướng Biến kế sở chấp? Là trong vô nghĩa chỉ có thức tợ nghĩa hiển hiện. Ở đây cái gì là tướng Viên thành thật ? Tức là đối với tướng Y tha khởi, do tợ nghĩa tướng mà vĩnh viễn không có tánh”.

Giải thích: “Là thức thân, thân giả, thọ giả”, là sáu nội giới như nhãn… Làm tánh, như sự thích ứng mà chỗ dựa nơi ý giới của nhãn… năm thức gọi là thức thân giả. Chỗ dựa nơi ý giới của ý thức thứ sáu gọi là thức thọ giả. “Thức bỉ sở thọ ”, là sắc… nơi sáu ngoại giới. “Thức bỉ chủ thể thọ ”, là sáu thức giới. “Thế thức”, là ảnh hiện tợ ba thời. “Số thức”, là ảnh hiện tợ nhất đẳng toán số. “Xứ thức”, là ảnh hiện tợ xóm làng vườn rừng. “Thức ngôn thuyết”, là ảnh hiện tợ kiến văn, giác tri ngôn thuyết. “Thức tự tha sai biệt”, là thức của các thân, ngã ngã sở chấp tương tục, không đoạn chấp ngã ngã sở, tha tha sở… có sai biệt. “Thức cõi thiện, cõi ác nơi sanh tử”, là ảnh hiện tợ tử sinh của thiên, nhân, Nại-lạc-ca, bàng sinh và ngạ quỷ. “Trong đây hoặc thân, thân giả cho đến thức ngôn thuyết, những thức nầy do chủng tử danh ngôn huân tập”, các thức kia đều do chủng tử danh ngôn huân tập, sự biến hiện của thức không có riêng khác. “Hoặc tự tha sai biệt thức, thì thức nầy do chủng tử ngã kiến huân tập”, là ngã kiến của ý nhiễm ô huân tập làm nhân biến hiện. “Hoặc thức cõi thiện, cõi ác nơi sanh tử, thì thức nầy do chủng tử hữu chi huân tập”, là do hữu chi huân tập làm nhân biến hiện. “Các thức như vậy đều là thuộc về phân biệt hư vọng”, là như đã nói trước, đối tượng được giữ lấy, chủ thể giữ lấy của thân, thân giả, thọ giả, phân biệt hư vọng an lập làm tánh. “Chỉ thức làm tánh”, là do hai phần của phân biệt tà hiển hiện, thật ra chỉ là thức. Trong các pháp thiện tuy không có chấp tà, nhưng do lực duyên khởi nên có hai phần hiển hiện, cũng chỉ là thức. “Thì vô sở hữu, không phải nghĩa chân thật hiển hiện chỗ dựa”, chỗ giữ lấy sắc gọi là vô sở hữu, chủ thể giữ lấy thức gọi là phi chân thật, hai thứ nầy đều là Biến kế sở chấp, đều là danh làm nghĩa. Phân biệt hư vọng đã gồm thâu các thức là hai thứ đối tượng được giữ lấy, chủ thể giữ lấy nầy hiển hiện nhân duyên, nên gọi là chỗ dựa. “Như vậy gọi là tướng Y tha khởi”, như trên đã biện luận thức A-lại-da làm chủng tử, đều gọi là tướng Y tha khởi. “Là trong không nghĩa chỉ có thức tợ nghĩa hiển hiện”, thật ra không có nghĩa của đối tượng được giữ lấy và chủ thể giữ lấy nghĩa, mà chỉ có sự gồm thâu của phân biệt hư vọng, Biến kế chỗ giữ lấy trong vô số thức tợ nghĩa hiển hiện. “Tức là đối với tướng Y tha khởi, do tợ nghĩa tướng mà vĩnh viễn không có tánh”, là đối với duyên khởi tâm và tâm pháp, trong chỗ hiện ảnh do hoành kế tướng (tướng chấp càn bướng) vĩnh viễn không có chỗ hiển hiện chân như thật tánh, đây tức là tướng Viên thành thật. Lại nữa, tất cả pháp từ nhân duyên sinh, Duy thức làm tánh, phải biết đều gọi là tướng Y tha khởi. Tợ nghĩa của điên đảo hoành kế hiển hiện, phải biết đều gọi là tướng Biến kế sở chấp. Biến kế sở chấp trên Y tha khởi vĩnh viễn không có chỗ hiển hiện, là chân như thật tánh, phải biết đều gọi là tướng Viên thành thật. Ví như lực khát nước tương tục của nai mà an lập tương tợ thuỷ, phải biết tà biến kế tánh của đối tượng được giữ lấy, chủ thể giữ lấy gọi là tướng Y tha khởi hoành kế thật hữu, phải biết tướng thuỷ hiển hiện gọi là tướng Biến kế sở chấp, tức là trong lực khát nước tương tục của nai như vậy mà khởi chấp càn bướng có tướng thuỷ, rốt cùng là không có tánh, phải biết gọi đó là tướng Viên thành thật. Lại nữa, tướng Biến kế sở chấp tức là tự tánh Biến kế sở chấp, tướng Y tha khởi tức là tự tánh Y tha khởi, cũng gọi là phân biệt tự tánh, tướng Viên thành thật tức là tự tánh Viên thành thật, cũng gọi là pháp tánh tự tánh. Ba thứ như vậy tức là 3 pháp tuyên nói phải biết, phải đoạn và phải chứng. Như trong kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng nói: “Phật bảo Bồ-tát từ thị: Nếu trong các sự hành tướng kia, biến làm sắc, làm thọ, làm tưởng, làm hành, làm thức cho đến làm chỗ dựa của tất cả pháp Phật, gọi là tưởng nêu đặt ngôn thuyết biến kế, lấy làm tự tánh của các sắc, cho đến tự tánh của tất cả pháp Phật gọi đó là Biến kế sở chấp sắc, cho đến Biến kế sở chấp tất cả pháp Phật, nếu trong sự hành tướng kia chỉ có pháp tánh phân biệt an lập, thì phân biệt làm duyên khởi các hý luận, giả lập gọi đó là tưởng nêu đặt ngôn thuyết. Là làm sắc cho đến làm hết thảy pháp Phật, gọi đó là phân biệt sắc cho đến phân biệt tất cả pháp Phật. Hoặc chư Như Lai xuất hiện nơi đời, nếu không xuất hiện, thì pháp tánh an lập và pháp giới an lập là do Biến kế sở chấp sắc kia. Phân biệt sắc nầy thường thường, hằng hằng là tánh chân như, tánh vô tự tánh, tánh pháp vô ngã, tánh thật tế, gọi đó là pháp tánh sắc, cho đến do Biến kế sở chấp tất cả pháp Phật kia, phân biệt hết thảy pháp ấy thường thường, hằng hằng cho đến gọi đó là pháp tánh tất cả pháp Phật”. Nói rộng như trong kinh.

Luận nói: “Trong đây thức thân, thân giả, thọ giả, phải biết tức là sáu nội giới như nhãn…. thức bỉ sở thọ tức là sắc nơi bỉ sở ngoại giới. Thức bỉ năng thọ phải biết tức là sáu thức giới như nhãn… ngoài ra các thức khác là sai biệt của các thức này”.

Giải thích: “Các thức này”, là như trước nói thân thức… làm đầu, bỉ chủ thể thọ thức làm cuối. “Sai biệt”, tức là có tánh sai biệt trong thức hữu vi nầy, có cái đã hành, hiện đang hành và sẽ hành, nương vào đó mà kiến lập thức thế ảnh hiện. Đối với các thức nầy đều có tánh nhất đẳng sai biệt, nương vào đó mà kiến lập thức số ảnh hiện . Đối với chỗ thọ nhận thức có tánh sai biệt là hạ đẳng và thượng đẳng khác nhau, nương vào đó mà kiến lập thức xứ ảnh hiện. Các loại còn lại thì phải biết.

Luận nói: “Lại nữa, các thức nầy đều là chỉ có thức, vì đều là không nghĩa. Trong đây lấy gì làm dụ để hiển thị? Phải biết mộng… làm dụ để hiển thị, là như trong mộng đều không có nghĩa đó, chỉ riêng có thức, tuy các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, nhà, rừng, đất, núi… ảnh hiện tợ nghĩa, trong đây đều không có nghĩa, do thí dụ nầy hiển phải tùy theo đó để hiểu rõ. Tất cả thời xứ đều chỉ có thức, do những câu nói nầy phải biết lại có các thí dụ huyễn, cuống, lộc, ái, mắt mờ… nếu khi giác (tỉnh thức) tất cả thì thời xứ đều như mộng… chỉ có thức, là như từ mộng thức tỉnh liền giác ngộ trong mộng đều chỉ có thức. Khi giác thì tại sao không chuyển như vậy? Khi giác ngộ chân như thì cũng chuyển như vậy, như trong mộng thì giác nầy không chuyển, khi tỉnh giác từ trong mộng thì giác nầy mới chuyển, như vậy khi chưa đắc chân trí giác thì giác nầy không chuyển, khi đắc chân trí giác thì giác nầy mới chuyển”.

Giải thích: “Hết thảy Duy thức đều không có nghĩa, nêu các thí dụ mộng… Để hiển thị”, là thành lập chung do đó như trong mộng… Văn dễ hiểu không cần giải thích lại.

Luận nói: “Ai chưa đắc chân trí giác, thì trong Duy thức làm sao có thể so sánh biết? Do giáo và lý nên có thể so sánh biết. Trong đây, như kinh thập địa, đức Bạc-già-phạm nói: “Như vậy tam giới đều chỉ có tâm”. Lại nữa, đức Bạc-già-phạm trong kinh Giải Thâm Mật cũng nói như vậy, là trong kinh đó: “Từ Thị Bồ-tát hỏi Thế Tôn: Ảnh tượng nơi đối tượng hành của các Tam-ma-địa, ảnh tượng kia cùng với tâm nầy, nên nói là khác hay nên nói là không khác. Phật bảo từ thị: Nên nói không khác. Tại sao vậy? Vì ảnh tượng kia chỉ là thức, ta nói thức của đối tượng duyên, Duy thức hiện bày. Bồ-tát Từ Thị nói: Bạch Thế Tôn! Nếu ảnh tượng nơi đối tượng hành của Tam-ma-địa cùng với tâm nầy không có khác thì làm sao tâm nầy trở lại nắm lấy tâm nầy? Này Từ Thị! Không có ít pháp nắm lấy ít pháp, nhưng ngay nơi tâm nầy khi sinh như vậy thì có ảnh tượng như vậy hiển hiện. Như chất làm duyên trở lại thấy bản chất, mà nói: Ta nay thấy ảnh. Và nói: Lìa chất riêng có chỗ thấy. Ảnh tượng hiển hiện tâm nầy cũng vậy. Khi sinh như vậy là tương tợ có ảnh tượng sự thấy khác, tức là do giáo lý nầy cũng hiển hiện. Tại sao vậy? Vì trong định tâm tùyđiều quán thấy ảnh tượng nơi xanh sình… tất cả không riêng khác. Các sự xanh sình… Chỉ thấy trong tự tâm, do đạo lý nầy mà Bồ-tát trong tất cả thức có thể so sánh biết, đều là chỉ có thức, không có cảnh giới. Lại nữa, trong xanh sình… Như vậy, không phải thức nhớ giữ thấy cảnh của đối tượng duyên hiện tiền trụ, chỗ thành hai thức nhớ giữ của văn và tư cũng lấy quá khứ làm đối tượng duyên. Chỗ hiện ảnh tượng được thành Duy thức là do tỷ lượng nầy, Bồtát tuy chưa đắc chân trí giác cũng đáng có thể so sánh mà biết”.

Giải thích: “Do giáo và lý”, là do chí giáo lượng và do tỷ lượng, tuy chưa chứng đắc chân trí Duy thức, nhưng có thể so sánh nhận biết Duy thức không có cảnh. “Kinh Thập địa”, trong kinh nầy tuyên nói nghĩa Bồ-tát có mười thứ địa. Kinh ấy tức là an lập hành tướng với mười địa danh cú, văn thân, sự biến hiện của thức tụ tập làm thể. “Các bậc Thánh kia”, là sự biến hiện ảnh tượng của kim cương tạng thức làm duyên tăng thượng. “Văn”, là ảnh hiện trên thức trong thân tương tợ pháp môn kia, như vậy lần lượt truyền lại đến nay, gọi là giáo. “Chỉ có tâm”, tâm thức là một, chỉ có âm thanh làm nghĩa để dứt trừ cảnh đã giữ lấy, do sự giữ lấy không có nên chủ thể giữ lấy cũng không, không ngăn cản tâm pháp do sự giữ lấy kia cùng với tâm không trái nhau, như nói nếu không có tâm sở hữu pháp, thì tâm chưa từng chuyển. Nếu như thế thì định diệt tại sao chỉ có tâm? Đó là lỗi của tông kia. Tông Đại thừa của ta, nếu đã có tâm thì nhất định cũng có tâm tương ưng pháp, nếu đã không có tâm tương ưng pháp thì tâm nhất định cũng không, như vậy tam giới đều chỉ có tâm, câu nói nầy hiển thị tam giới Duy thức. “Tam giới”, là cùng với dục… ái kết tương ưng ở tại tam giới. Những câu nói Duy thức nầy thành lập chỉ có các tâm và tâm pháp, không có tam giới là đối tượng duyên càn bướng, câu nói nầy không loại trừ chân như của đối tượng duyên và y tha đối tượng duyên, là đạo đế gồm thâu, là đối tượng duyên của hai thứ trí Căn bản và trí Hậu đắc. Do chân như kia không bị ái chấp trước, vì không phải sở trị, không phải mê loạn, không phải tam giới gồm thâu, cũng không lìa thức nên không nói đối đãi. Nếu như thế thì phải nói hai giới như vậy. Kinh Bộ cho trong cõi Vô sắc chỉ có tâm và tâm pháp, câu nạn nầy không đúng, vì chỗ giữ lấy nghĩa của thức đều là vô nghĩa, nên không phải chỉ có cõi Sắc và cõi Vô sắc gọi là Duy thức. Cái gì cũng vô? Chỗ giữ lấy nghĩa của thức hư không khác, các sư thuộc kinh bộ thừa nhận cõi Vô sắc, các tâm và tâm pháp là không sắc tướng, không có thể, không có thật. Chỗ giữ lấy cảnh nghĩa hiển hiện chỗ dựa, sợ rằng sư thuộc kinh bộ kia chấp làm phi tâm pháp phi tâm nên nói tam giới đều chỉ có tâm. Chỗ thuyết minh ý nghĩa sâu xa của kinh Giải Thâm Mật, cũng như Thập địa giải thích, kinh là giáo pháp. “Tam-ma-địa”, là có thể khiến cho tâm trụ một cảnh tánh, tâm pháp làm thể, cảnh của đối tượng duyên nầy gọi là chỗ hành hóa, cảnh căn bản gọi là chất. “Tợ kia hiện”, gọi là ảnh tượng. “Ta nói thức là đối tượng duyên, Duy thức hiện bày”, là ta nói cảnh nơi đối tượng duyên của thức tại bên ngoài, chỉ là chỗ hiển hiện của nội thức, tức là thức của cảnh nơi đối tượng duyên làm nghĩa của tự tánh. Ý nầy nói cảnh đối tượng duyên của thức chỉ là chỗ hiện ảnh tượng trên thức không có riêng thể. “Làm sao tâm nầy trở lại nắm lấy tâm này”? Đấy là hiển tác dụng đối với tự nó trái nhau. “Này Từ Thị! Không có ít pháp nắm lấy ít pháp”, đấy là giải thích câu vấn nạn trước, vì không có tác dụng, nên tác dụng nơi tác giả của tất cả pháp đều không thành. “Khi sinh như vậy”, là vì oai lực lớn của các pháp duyên khởi, tức là trên một thể có hai ảnh tượng sinh, đối chiếu lẫn nhau bất tức bất ly. Các tâm, tâm pháp do lực duyên khởi, tánh pháp nhĩ của nó như vậy mà sinh. “Như chất làm duyên trở lại thấy bản chất”, ví như nương vào chất mặt mình, trở lại thấy bản chất trong gương, do mê loạn nên nói “Ta thấy ảnh”. Do gương duyên vào oai lực lớn, tuy không có dị ảnh mà tợ riêng có ảnh tượng hiển hiện, tâm nầy cũng thế. “Khi sinh như vậy”, là các thứ ức niệm, phân biệt… của tâm tâm pháp duyên có công năng lớn. Khi sinh như thế, tuy không có ảnh tượng nơi chốn hành của Tam-ma-địa khác, mà tợ riêng có ảnh tượng hiển hiện. “Tức là do giáo lý nầy cũng hiển hiện”, là trong giáo ấy cũng bao gồm việc hiển đạo lý tỷ lượng. “Tại sao vậy? Vì trong định tâm”, là trình bày trong giáo có nghĩa lý riêng, là xanh bầm không lìa tâm, tùy chỗ thích muốn mà hiển hiện, ví như đã thấy xanh bầm trong mộng. “Lại nữa, trong xanh bầm … như vậy, không phải thức nhớ giữ…”, là sợ sư thuộc kinh Bộ kia có dị chấp, nên nói như vậy, là nếu ai khởi chấp như vậy, là do người đó trước hết đối với nẻo vắng lặng thấy cốt toả… Hiện tại cũng còn nhớ, làm ảnh tượng nơi chốn hành của Tam-ma-địa, để ngăn cản kế chấp nầy nên nói “Trong xanh bầm… như vậy, không phải thức nhớ nghĩ thấy cảnh nơi đối tượng duyên hiện tiền mà trụ”. Nếu đối tượng duyên nầy tức là sự nhớ giữ xưa kia, như chỗ thấy phương xứ quyết định xưa cũ, như sự thọ nhận đáng nhớ như vậy xưa kia, nhưng không tu tập tạo thành trí như thế, là cảnh giới phân minh hiện tiền mà chân hiện lượng đã thấy, không phải thức nhớ nghĩ có các sự như vậy. Nếu như thế thì chỗ thành thức tương ưng của văn huệ và tư huệ ghi nhớ chuyện xưa thì hai nẻo hành kia phải lìa, đối với thức nầy cũng không phải như thế. Do hai thức nhớ nghĩ của văn tư kia, vì duyên quá khứ. Quá khứ đã không có ảnh tượng của chỗ duyên đều chỉ là thức, ví như nhớ xưa kia mình còn thiếu niên, nên thức nầy hiện sự nhớ nghĩ, đều chỉ có chỗ niệm trống rỗng của thức. Như người hành quán sự tưởng hiện tiền, ảnh tượng nữ nhân cốt toả bất tịnh, do ngữ nghĩa của các tỷ lượng nầy phân minh, không cần giải thích lại.

Luận nói: “Như vậy đã nói chủng chủng các thức, như các thí dụ mộng… ngay trong đây thức của nhãn thức… có thể thành Duy thức. Các thức như nhãn… đã là hữu sắc, cũng chỉ có thức, làm sao thấy được? Điều nầy cũng như trước là do giáo và lý”.

Giải thích: Giáo tức là kinh Thập địa, Giải thâm mật. Lý tức là đạo lý trong kinh đã nói, là ảnh tượng nơi chốn hành của Tam-ma-địa và các thí dụ mộng… đều như đã nói trước.

Luận nói: “Nếu các thức nầy thể cũng là thức, thì tại sao tánh tợ sắc hiển hiện? Một loại kiên trụ tương tục mà chuyển, vì cùng với các pháp tạp nhiễm điên đảo… làm chốn nương dựa. Nếu không như thế thì trong phi nghĩa khởi lên nghĩa điên đảo phải không có được. Nếu không có điên đảo nầy, thì tạp nhiễm của phiền não chướng và đối tượng nhận thức chướng phải không có được. Nếu không có điên đảo nầy, thì các pháp thanh tịnh cũng phải không có, nên các thức phải chuyển như vậy.

Trong đây có tụng:

Tướng loạn và thể loạn,
Phải nhận làm thức sắc,
Và cùng thức phi sắc,
Hoặc vô dư cũng vô”.

Giải thích: “Nếu các thức nầy thể cũng là thức…”, đây là hỏi nhân của sắc thức kiên trụ tương tục chuyển. “Một loại”, nghĩa là tương tợ. Trước sau một loại không có biến khác, cũng không có gián đoạn nên gọi là “Kiên trụ”. Ngay trên kiên trụ nầy gọi là “Tương tục mà chuyển”. “Cùng với các pháp tạp nhiễm điên đảo… làm chốn nương dựa”, chữ đẳng (vân vân…) tức là đồng lấy phiền não nghiệp sinh các pháp tạp nhiễm. Nhãn… Các thức cùng với các pháp tạp nhiễm của điên đảo… Là chốn nương dựa. “Chốn nương dựa”, nghĩa là nhân. “Vì”, có nghĩa là cần thiết. Quan sát ý của câu hỏi đó mà trả lời như vậy, là trong vô nghĩa mà hiển hiện tương tợ đối với nhãn… các thức. Một loại kiên trụ tương tục mà chuyển, là do loại nầy khởi pháp của sự điên đảo… kia. “Nếu không như thế” là nếu không chuyển như vậy, thì trong phi nghĩa khởi lên nghĩa điên đảo phải không có được. Nếu không có điên đảo nầy, thì tạp nhiễm của phiền não chướng và đối tượng nhận thức chướng phải không có được, vì không có nhân duyên. Nếu không có tạp nhiễm ấy, thì thanh tịnh cũng không có, phải dứt mất tạp nhiễm để hiển thanh tịnh. “Cho nên các thức phải chuyển như vậy”, là các thức như nhãn… Phải chuyển như vậy.

Vì không có lực của nhân mà các pháp được sinh không cần lực hay sao? Không phải tùyhỏi mà đáp như vậy, vì câu hỏi kia hỏi chỗ cần thiết, không phải hỏi loại nhân, do câu hỏi kia không chấp riêng có các sắc, chỉ hỏi cần gì mà thức A-lại-da không những đã biến làm thức mà còn biến làm các sắc, nên nói tụng để đáp câu nầy. Tướng loạn thừa nhận làm tợ sắc biến thức, thể loạn thừa nhận làm phi sắc biến thức. Thuận kết theo pháp làm tụng nên văn có vượt cách khoảng, nghĩa thì gồm thuộc lẫn nhau. Nếu không có chỗ biến nhân thức của tợ sắc, thì quả thức của phi sắc không có được, vì nếu vô cảnh thì hữu cảnh cũng không có.

Luận nói: “Tại sao thức thân, thân giả, thọ giả, thức sở thọ, thức năng thọ, trong tất cả thân đồng thời có hoà hợp chuyển ? Vì có thể sinh sự hiển bày của thọ dụng viên mãn”.

Giải thích: “Tại sao thân… như câu hỏi trên”, “Vì có thể sinh… như câu đáp trên”, là do năm thức nầy trong tất cả thân, không có thức nào mà không đầy đủ, sự hiển bày của thọ dụng nếu thiếu một chi tức không được viên mãn.

Luận nói: “Tại sao như nói thế… các thức sai biệt mà chuyển ? Vì từ vô thỉ đến nay sinh tử lưu chuyển không dứt đoạn, vì các hữu tình giới vô số lượng, vì các giới khí thế vô số lượng, vì các chỗ tạo tác sự tiếp nối nơi ngôn thuyết cùng vô số lượng, vì mỗi mỗi riêng thọ dụng sai biệt vô số lượng, vì các ái phi ái nghiệp nơi quả dị thục thọ dụng sai biệt vô số lượng, vì sở thọ nhận tử sinh đủ loại sai biệt vô số lượng”.

Giải thích: “Tại sao như nói thế… các thức… như câu hỏi trên”, chữ đẳng (vânvân…) Là đồng lấy thức số, thức xứ, thức ngôn thuyết, thức tự tha sai biệt, cõi thiện cõi ác và tử sinh, là sáu thứ thức biến hiện. “Vì từ vô thỉ đến nay…” Cho đến câu cuối “Chỗ thọ nhận tử sinh đủ loại sai biệt vô số lượng”, là như số thứ tự mà hiển quả cần phải nói của… các thức nơi thế gian .

Luận nói: “Lại nữa, tại sao an lập các thức như vậy? Để làm thành tánh Duy thức lược có ba tướng: 1. Do Duy thức không có nghĩa. 2. Do hai tánh có hai thức riêng khác là hữu tướng và hữu kiến. 3. Do vô số hành tướng mà sinh khởi. Tại sao vậy ? Vì tất cả thức nầy không có nghĩa, vì được thành Duy thức có tướng kiến, được thành hai loại, như năm thức là nhãn… lấy sắc… các thức làm tướng, lấy thức của nhãn thức làm kiến, cho đến lấy thức của thân thức làm kiến. Nếu ý thức, lấy tất cả nhãn làm tối sơ, pháp làm tối hậu, các thức làm tướng, lấy thức của ý thức làm kiến, vì ý thức nầy có phân biệt, tương tợ tất cả thức mà sinh khởi. Trong đây có tụng:

Duy thức hai vô số,
Ý người quán giỏi nhập,
Do ngộ nhập duy tâm,
Thức kia cũng đều lìa”.

Giải thích: “Lại nữa, tại sao an lập các thức như vậy”, là y theo lý trên, lấy thêm lý khác trình bày các câu hỏi. “Do Duy thức”, có nghĩa là vô nghĩa, nên kế đó nói là “Không có nghĩa”. Sự nói “Duy”, là chuyên làm nghĩa loại trừ. Lý của vô nghĩa đã nói ít phần và ít phần sẽ nói. “Do hai tánh”, là do tướng và kiến, là hữu tướng và hữu kiến trong tất cả thức, hai phần đồng thời chuyển, hai phần tướng kiến bất tức bất ly, bắt đầu từ nhãn thức cho đến thân thức, tùy loại mà mỗi mỗi đều riêng biệt biến thành sắc… chủng chủng tướng thức gọi là Tướng phần, các thức như nhãn… Phân biệt cảnh giới có thể thấy nghĩa biên gọi là Kiến phần. Lại nữa, phần của sự giữ lấy gọi là tướng, phần của chủ thể giữ lấy gọi là kiến, đó gọi là hai tánh. “Do vô số”, là vì vô số hành tướng mà sinh khởi. Trong một thức, một phần biến dị tợ tướng được giữ lấy, một phần biến dị tợ chủ thể giữ lấy kiến. Hai phần nầy mỗi thứ đều có nhiều thứ hành tướng sai biệt, cùng lúc mà khởi. Nếu người không thừa nhận một thức cùng lúc có mọi thứ tương ưng thì không có cùng lúc nhận biết mọi cảnh. “Nếu ý thức, lấy tất cả nhãn làm tối sơ…”, là ý thức đó có thể cùng một lúc nắm lấy tất cả nghĩa, tăng thượng thế lực nhãn thức làm đầu, pháp thức làm sau cùng. Sự an lập là Tướng phần của nó, tức phân biệt rõ nghĩa biên của ý thức nầy gọi là Kiến phần. Do ý thức nầy phân biệt khắp, nên tợ tất cả thức sinh khởi, cho nên ý thức gọi là tướng, gọi là kiến, cũng gọi là đủ loại. Trong Dà-đà, các sư Du-già có thể nhập hai tánh đủ loại của Duy thức, loại trừ cảnh giới bên ngoài, cuối cùng là chế phục lìa xa tâm là chủ thể giữ lấy, vì đối tượng duyên không có, thức là chủ thể duyên cũng không có được. Vì phân biệt không có nên người phân biệt cũng không, không phải không có phân biệt mà có người phân biệt, không có tướng cảnh giới thì không có sự phân biệt, cũng gọi là hữu cảnh nơi tâm có thể phân biệt. Hoặc tâm xuất thế tuy lìa chủ thể giữ lấy đối tượng giữ lấy của phân biệt, nhưng có Thánh trí nội chứng làm chỗ dựa thì chủ thể duyên và đối tượng duyên ở tại tánh bình đẳng.

Luận nói: “Lại nữa, trong đây có một loại sư nói một ý thức, căn kia nương vào chuyển mà được tên, như nghiệp ý tư gọi là nghiệp thân ngữ ”.

Giải thích: “Lại nữa, trong đây có một loại sư nói một ý thức…”, đây là hiển sự thấy sai biệt của các sư, nói có một loại Bồ-đề-tát-đoả muốn khiến chỉ có một tánh ý thức, nương vào nhãn… kia sinh thì được tên, chỗ gọi là nhãn thức cho đến ý thức, trong đây không có riêng chủng loại của các thức khác. Thức nầy như những gì mà giống nghiệp ý tư ? Như một ý tư tại xứ sở của thân, phát động nơi thân thì gọi là thân nghiệp; tại xứ sở của ngữ phát động thì gọi là ngữ nghiệp, cùng với ý tương ưng thì gọi là ý nghiệp. Ý thức cũng vậy.

Luận nói: “Lại nữa, khi tất cả chỗ dựa chuyển, thì tợ hai ảnh tượng của vô số tướng chuyển, là ảnh tượng chỉ nghĩa và ảnh tượng phân biệt. Lại nữa, tất cả xứ cũng lấy chỗ tiếp xúc ảnh tượng mà chuyển. Trong giới hữu sắc thì ý thức nầy nương vào thân, cũng như các sắc căn khác nương vào thân”.

Giải thích: Hoặc nói, nếu lúc đó ý thức như vậy đáng lẽ không có phân biệt vì chỗ dựa trì độn, như nhãn… nơi các thức. Nói về chủ thể dựa, đều thuận với chỗ dựa, như ý nhiễm ô làm chỗ dựa nhiễm ô, ý thức đồng thời chuyển cũng thành tạp nhiễm, để giải thích vấn nạn nầy, nên nói “Đối với tất cả chỗ dựa chuyển”. “Tất cả sở y”, là nhãn… “Khi chỗ dựa chuyển”, là khi sinh khởi. “Thì tợ hai ảnh tượng của vô số tướng chuyển”, là tợ hai ảnh tượng của chủ thể giữ lấy chỗ giữ lấy chuyển, để giải thích hai ảnh tượng nầy nên tiếp theo nói, là chỉ có nghĩa… chỉ có một ý thức, một phần thì ảnh tượng tợ nghĩa hiển hiện, phần thứ hai thì đối với nghĩa phân biệt mà sinh, do đó không có lỗi vô phân biệt. “Lại nữa, tất cả xứ tương tợ chỗ tiếp xúc ảnh tượng mà chuyển”, là trong định lãnh nạp phân biệt các xúc nặng nhẹ… mà không phải tán loạn, vì tùy thuận. “Trong cõi Hữu sắc”, không phải đối với cõi Vô sắc. Tại sao vậy? “Vì ý thức nầy nương vào thân, cũng như các sắc căn khác nương vào thân”, là như nhãn… các căn hữu sắc khác dựa thân, tức là đối với thân nầy có thể khởi tổn giảm tăng ích, ý thức cũng vậy, vì trong cõi Hữu sắc nương vào thân, tức là đối với thân nầy lãnh nạp phân biệt, có thể khởi tổn giảm và tăng ích.

Luận nói: “Trong đây có tụng:

Nếu viễn hành độc hành,
Không thân ngủ trong hang,
Điều khó điều tâm nầy,
Ta nói chân phạm chí”.

Giải thích: Nói một ý thức nơi Bồ-đề-tát-đoả, dẫn phát lời làm chứng, như đi xa du lịch hết thảy cảnh mà mình biết, gọi là “Viễn hành”. Để làm chứng nghĩa nầy lại nói “Độc hành”, vì không có người thứ hai. “Không thân”, là không có hình chất. “Ngủ trong hang”, là ở tại bên trong. “Điều”, là đối với tâm mà khởi tự tại. “Khó điều tâm nầy”, là vì tánh bi thảm.

Luận nói: “Lại nữa, như kinh nói: “Như vậy sở hành cảnh giới của năm căn, ý mỗi mỗi đều có thể thọ, ý làm chỗ y của cảnh giới kia”.

Giải thích: Lại dẫn đệ nhị Thánh giáo làm chứng. “Như vậy cảnh giới của nẻo hành nơi năm căn, ý mỗi mỗi đều có thể thọ”, là cảnh giới của nẻo hành nơi năm căn chỉ là ý thức, mỗi mỗi đều có thể riêng lãnh thọ nghĩa. “Ý làm chỗ dựa của cảnh giới kia”, là do tăng thượng mà cảnh giới kia sinh khởi.

Luận nói: “Lại nữa, như trong mười hai xứ, đã nói sáu thức thân đều gọi là ý xứ”.

Giải thích: Lại dẫn đệ tam Thánh giáo làm chứng. “Nói sáu thức thân đều gọi là ý xứ”, đó gọi là nói về sự nơi ý thức.

Luận nói: “Nếu xứ an lập thức A-lại-da làm nghĩa thức, phải biết trong đây tất cả thức khác là tướng thức của nó. Nếu ý thức nhận thức và chỗ dựa là kiến thức của nó, do tướng thức kia là tướng duyên của thức nầy sinh, khi tợ nghĩa hiện thì có thể làm kiến thức sinh sự nương dựa, như vậy gọi là an lập các thức thành tánh Duy thức.

Giải thích: “Nếu xứ an lập thức A-lại-da làm nghĩa thức”, nghĩa là nghĩa của nhân, tức là an lập thức A-lại-da lấy làm nhân thức. “Tất cả thức khác”, là thân, thức thân giả… “Là tướng thức của nó”, là tướng đối tượng duyên, là nẻo hành. “Nếu ý thức nhận thức và chỗ dựa ”, thì là đệ sáu thức và chỗ dựa , ý quá khứ vô gián và cùng với ý nhiễm ô, hai ý nầy có thể làm sinh khởi tánh nơi chỗ dựa tạp nhiễm. “Là kiến thức của nó”, là vì có thể phân biệt. “Do tướng thức kia là tướng duyên của thức nầy sinh”, là chỗ tướng biến dị của thức A-lại-da, là hai kiến, thức sinh duyên tướng. “Khi tợ nghĩa hiện”, là khi ý thức, kiến thức hiển hiện tợ nghĩa. “Thì có thể làm kiến thức sinh sự nương dựa”, là nhãn… thức có thể cùng với kiến thức khởi sinh các sự nương dựa.

Luận nói: “Các nghĩa hiện tiền phân minh hiển hiện, nhưng không phải là có. Làm sao biết được? Như Thế Tôn nói: “Nếu chư Bồ-tát thành tựu bốn pháp thì có thể tùy theo đó ngộ nhập tất cả Duy thức, đều không có nghĩa: 1. Thành tựu trí thức tướng trái nhau, như ngạ quỷ, bàng sinh và chư thiên nhân, đồng nơi một sự mà sự nhận thức của họ thấy có sai biệt. 2. Thành tựu trí không chỗ duyên thức hiện khả đắc, như mộng ảnh của quá khứ vị lai trong duyên những cái có được. 3. Thành tựu trí nên lìa công dụng không điên đảo, như trong hữu nghĩa có thể duyên nghĩa thức, đáng lẽ không có điên đảo, không do công dụng, vì nhận biết chân thật. 4. Thành tựu diệu trí nơi ba loại thắng trí tùy chuyển. Những gì là ba loại thắng trí: 1. Tất cả Bồ-tát đắc tâm tự tại đắc tĩnh lự, là tùylực thắng giải mà các nghĩa hiển hiện. 2. Người đắc pháp quán Xa-ma-tha, là khi vừa khởi ý thì các nghĩa hiển hiện. 3. Người đã đắc Trí vô phân biệt, là khi Trí vô phân biệt hiện tiền thì tất cả các nghĩa đều không hiển hiện”. Do đó, đã nói ba loại thắng trí, tùy chuyển diệu trí và đã nói ba loại nhân duyên ở trước mà đạo lý của các nghĩa và vô nghĩa thành tựu”.

Giải thích: Lại vì thành lập nghĩa không có cảnh nên dẫn các giáo và các đạo lý khác. Nói “Nếu chư Bồ-tát thành tựu bốn pháp… trí trái nhau thức tướng”, là trái nghịch nhau nên gọi là trái nhau. Trái nhau do thức gọi là thức trái nhau, nhân sinh ra thức nầy gọi là tướng, biết rõ tướng nầy thì chỉ có nội tâm hiện khắp. Nghĩa ngoại thì không thành, nên không có nghĩa gọi là trí. “Như ngạ quỷ, bàng sinh và chư thiên, nhân”, là đối với tự nghiệp biến khác nơi lực tăng thượng của ngạ quỷ, mà thấy dòng sông là tròn đầy mủ máu; cá, rùa… Bàng sinh thì thấy là nhà ở, dạ chơi theo đường đi; chư thiên thì thấy là đất có các thứ vật báu trang nghiêm; nhân loại thì thấy là nước chảy sóng gợn sạch mát. Nếu nhập định hư không vô biên xứ, là ngay xứ đó chỉ thấy hư không, một vật thật có thì trở thành trái nhau, không phải một phẩm loại trí sinh tánh nhân là không đúng đạo lý. Làm sao trong một dòng sông nầy, đã có phân tiểu đầy ắp, loài người cầm dao gậy hai bên bờ phòng thủ, lại có các thứ nhà ở sạch sẽ, đường sá thanh tịnh, có nhiều vật báu trang nghiêm trên đất, nước mát sạch gợn sóng chảy xiết, cảnh của định hư không, nếu thừa nhận ngoại vật đều không có tánh thật, thì tất cả đều từ nội tâm biến hiện, nhiều sự đều thành. Như có tụng nói:

Nơi một thân dâm nữ đoan nghiêm,
Xuất gia đắm dục và ngạ cẩu,
Xác thối sáng rõ ăn uống ngon,
Ba thứ phân biệt đều bất đồng.

“Trí không chỗ duyên thức hiện có thể đắc”, là quá khứ vị lai đều không phải thật có. Kinh nầy cùng với kinh Bộ cùng thừa nhận thành tựu. Cảnh mộng thật ra không có cảnh biết chung, ảnh tượng nơi chỗ hành của Tam-ma-địa đã nói là phi hữu, cũng không phải nhớ nghĩ. Trong cảnh nước… ảnh tượng của gương mặt đều là không có gì, như trước đã nói. Trong đây không có cảnh mà thức được thành trí nên bị lìa công dụng không điên đảo. Bản văn tuy rõ nhưng có ít trợ thuyết. Nếu muốn khiến như nghĩa chứng đắc tức là chân thật hữu, thì phải không cần dụng công mà tự nhiên giải thoát, vì tất cả hữu tình đều thấy thật. “Đắc tâm tự tại”, là đắc tâm điều thuận đủ năng chỗ tạo tác. “Đắc tĩnh lự”, là các Thanh-văn, Độc giác hoặc đã chứng đắc tĩnh lự thanh tịnh, tâm tánh một cảnh, vì lạc tư lự tịnh gọi là tĩnh lự. “Là tùylực thắng giải mà các nghĩa hiển hiện”, là tùy ý giải tăng thượng với uy lực như điều có được nguyện lạc, muốn khiến cho đất… biến thành nước… đều sẽ hiển hiện. “Người đắc Xa-ma-tha” là đã chứng đắc định Xa-ma-tha, thấm nhuần tương tục khiến tâm tịch tĩnh. Gọi là “Tu”, là không cảnh tương ưng, hoặc đối tượng duyên tương ưng của bốn Thánh đế. Chỉ quán song vận nên gọi là tương ưng, cùng với chỉ quán nầy tương ưng nên gọi là tu. “Pháp quán”, là từ đây về sau được quán chánh pháp diệu huệ của khế kinh. “Là khi vừa khởi ý thì các nghĩa hiển hiện”, là trong pháp giáo chánh của khế kinh, tùy theo nghĩa của một loại vô thường, mà tánh sát-na diệt nhanh chóng của tư duy tác ý như như, như vậy như vậy không phải một phẩm loại cảnh giới hiển hiện khi Trí vô phân biệt hiện tiền. “Tất cả các nghĩa đều không hiển hiện”, Trí vô phân biệt sẽ giải thích sau. Nghĩa nếu thật có, thì trí nầy đáng lẽ không có, không phải có hữu phân biệt thì vô phân biệt được thành. Nghĩa nếu là thật có thì Trí vô phân biệt sinh không nên không hiển hiện, vì trí nầy như thật duyên nghĩa nơi cảnh, do trí nầy đã nói đạo lý vô gián và đã nói ba thứ nhân duyên ở trước, thì các nghĩa đều không có đạo lý thành tựu.

Luận nói: “Nếu tự tánh Y tha khởi thật chỉ có thức, thì chỗ dựa của tợ nghĩa hiển hiện, làm thế nào thành Y tha khởi? Nhân duyên gì mà gọi là Y tha khởi? Từ chỗ sinh của tự chủng tử huân tập, nương vào duyên khác mà khởi nên gọi là Y tha khởi, sinh sau sát-na, không có công năng, tự nhiên mà trụ, gọi là Y tha khởi”.

Giải thích: “Làm thế nào thành Y tha khởi”, đây là hỏi phương pháp giải thích. “Nhân duyên gì mà gọi là Y tha khởi”, đây là hỏi phẩm giải và phẩm bất giải của chỗ giải thích từ ngữ, do sự quan hệ song song nầy mà có thể hiểu rõ nghĩa, ngoài ra hai câu hỏi về hai tự tánh cũng vậy. Nương vào các câu hỏi nầy mà từng cặp từng cặp giải đáp. “Từ chỗ sinh của tự chủng tử huân tập”, là từ Biến kế sở chấp, danh ngôn được chủng tử huân tập mà sinh. Vì nương vào tự chủng tử mà cái khác được sinh ra, nên gọi là Y tha khởi, đây là nói thể kia nương vào y tha mà sinh. “Sinh sau sát-na không có công năng tự nhiên mà trụ”, đây là nói thể kia nương vào y tha mà sinh, do hai nhân nầy nên gọi là Y tha khởi.

Luận nói: “Nếu tự tánh Biến kế sở chấp nương vào Y tha khởi thì thật là không có gì, tợ nghĩa hiển hiện, làm sao thành Biến kế sở chấp? Nhân duyên gì mà gọi là Biến kế sở chấp? Vô lượng hành tướng nơi ý thức biến kế điên đảo sinh tướng nên gọi là Biến kế sở chấp. Tự tướng thật ra không có, chỉ có Biến kế sở chấp là có thể đắc, do đó gọi là Biến kế sở chấp”.

Giải thích: “Nương vào Y tha khởi”, là nương vào tánh của Y tha khởi Duy thức. “Thì thật là không có gì, tợ nghĩa hiển hiện”, là thật không có thể, chỉ tương tợ nghĩa và tướng mạo của nó mà hiển hiện. Nếu thể thật không có, thì tại sao gọi là nghĩa? Vì để tránh vấn nạn nầy nên nói tợ nghĩa hiển hiện, là do danh ngôn được chủng tử huân tập, tuy không có thể thật nhưng tương tợ có nghĩa và tướng mạo hiển hiện, nên gọi là nghĩa như ảnh tượng huyễn… tợ hữu hiển hiện. “Hiển hiện”, là hiển rõ nghĩa không có, mà dường như có rõ ràng hiện tiền, nên gọi là hiển hiện. Ngay nơi tợ nghĩa nầy làm tự tánh của Y tha khởi, như tự tánh thọ. “Vô lượng hành tướng”, là vô số ảnh tượng nơi cảnh giới ngã pháp. “Ý thức biến kế”, là ngay nơi ý thức gọi là biến kế. “Điên đảo sinh tướng”, là đối tượng giữ lấy và chủ thể giữ lấy của thức loạn, vì nghĩa tướng sinh nhân. “Cho nên gọi là Biến kế sở chấp”, là ngay nơi nghĩa tướng của Biến kế sở chấp mà gọi là tự tánh Biến kế sở chấp. “Tự tướng thật ra không có, chỉ có Biến kế sở chấp là có thể đắc”, là trong thật vô ngã và pháp, chỉ có ảnh tượng tướng mạo của Biến kế sở chấp là có thể đắc, do đây nên gọi là Biến kế sở chấp.

Luận nói: “Nếu tự tánh Viên thành thật là Biến kế sở chấp thì vĩnh viễn không có tướng, làm sao thành Viên thành thật được? Nhân duyên gì gọi là Viên thành thật? Vì không có biến khác tánh nên gọi là Viên thành thật. Lại nữa, vì tánh của đối tượng duyên là thanh tịnh, vì hết thảy pháp thiện là tánh tối thắng, do nghĩa tối thắng mà gọi là Viên thành thật”.

Giải thích: “Vì không có tánh biến khác nên gọi là Viên thành thật”, phải biết tánh nầy thường không biến đổi. Lại nữa, do tánh thanh tịnh của đối tượng duyên, hết thảy pháp thiện là tánh tối thắng và thành tựu chân viên mãn thật làm tánh.

Luận nói: “Lại nữa, có chủ thể Biến kế, có đối tượng Biến kế, thì tự tánh Biến kế sở chấp mới thành. Trong đây cái gì là chủ thể Biến kế? Cái gì là đối tượng Biến kế? Cái gì là tự tánh Biến kế sở chấp? Phải biết ý thức là chủ thể Biến kế, vì có phân biệt. Tại sao vậy? Vì ý thức nầy dùng tự huân tập danh ngôn làm chủng tử, và dùng hết thảy thức với huân tập danh ngôn làm chủng tử, do đó ý thức có vô biên hành tướng phân biệt mà chuyển, trùm khắp đối với tất cả phân biệt lường tính, gọi là Biến kế. Lại nữa, tự tánh Y tha khởi gọi là sở Biến kế. Lại hoặc do tướng nầy khiến cho tự tánh Y tha khởi thành sở biến kế, thì trong đây gọi là tự tánh Biến kế sở chấp. Vì tướng nầy là như nghĩa nầy. Lại nữa, thế nào là biến kế có khả năng lường tính trùm khắp? Duyên vào cảnh giới nào? Nắm giữ tướng mạo gì? Do đâu mà chấp trước? Do đâu mà khởi ngữ? Do đâu mà ngôn thuyết? Thế nào là chỗ tăng ích? Duyên gọi là cảnh, trong tự tánh Y tha khởi nắm lấy tướng mạo đó, do kiến mà chấp trước, do tầm mà khởi ngữ, do bốn thứ ngôn thuyết kiến, văn, giác, tri mà khởi ngôn thuyết, trong vô nghĩa mà tăng ích làm hữu, do biến kế nầy mà có thể lường tính trùm khắp.

Giải thích: “Lại nữa, có chủ thể biến kế…”, đây là muốn phân biệt Biến kế sở chấp nên nói những câu nầy. Phải biết ý thức là chủ thể biến kế, vì có phân biệt”, là do hiển chỗ xen tạp của tùy niệm phân biệt “Dùng tự danh ngôn được huân tập làm chủng tử”, là hết thảy ý thức trong vô thỉ sinh tử, hý luận danh ngôn chủng tử huân tập làm nhân sinh ý thức nầy. “Và dùng hết thảy thức với danh ngôn được huân tập làm chủng tử”, là dùng ảnh thức với danh ngôn làm chủng tử huân tập của vô biên sắc làm nhân, tương tợ danh ngôn kia mà sinh, do đó ý thức có vô biên hành tướng phân biệt mà chuyển. “Lại nữa, tự tánh Y tha khởi gọi là đối tượng biến kế”, vì đây là một phần trong các tướng của nhãn… là đối tượng kế nghiệp. “Lại hoặc do tướng nầy khiến cho tự tánh Y tha khởi thành đối tượng biến kế, thì trong đây gọi là tự tánh Biến kế sở chấp”, là do phẩm loại tướng duyên nầy mà gọi đó là tự tánh Biến kế sở chấp. “Là như nghĩa này”, là như nghĩa của phẩm loại tướng duyên ấy. “Lại nữa, thế nào là biến kế có khả năng lường xét trùm khắp”, đây là đặt câu hỏi để phát khởi, vì muốn nói lên sự sai biệt của tự tánh Biến kế sở chấp. “Duyên gọi là cảnh”, là các cõi thiên của sắc thọ… với cùng danh đối với nghĩa tương ưng mà khởi các biến kế, nói hành tướng dị là thức thì danh đó không phải không có danh, để có thể đối với nghĩa đó để khởi các phân biệt. “Trong tự tánh Y tha khởi nắm lấy tướng mạo đó”, là chấp nghĩa của tự tướng, vì chủ thể giữ lấy tướng gọi là tưởng, như những gì được tưởng mà khởi ngôn thuyêt như vậy, hoặc trong tự tánh Y tha khởi nắm lấy các tướng của nhãn… “Do kiến mà chấp trước”, là do năm phẩm loại suy cầu mà hành chuyển khởi các chấp trước, vì nắm lấy tướng mạo là đã khởi chấp trước. Do đó nghĩa tướng mạo chấp trước chặc do kiến tầm cầu đối với nghĩa quyết định, khởi chấp trước là đã muốn nói cho người khác. “Do tầm khởi ngữ”, như khế kinh nói: “Do tầm do từ mà khởi ngữ ngôn, không phải không có tâm từ mà có thể phát khởi nói năng”. “Do bốn thứ ngôn thuyết kiến văn giác tri khởi nói năng”, là do bốn thứ ngôn thuyết của kiến văn giác tri mà khởi nói năng, như bám lấy các tướng mạo giống như rắn, như sợi dây… rồi nắm lấy các thứ tướng mạo cong queo như rắn, tự chấp trước xong muốn cho người khác biết, nên nói như vầy: Ta đã thấy rắn! Ta đã thấy rắn! Bốn thứ ngôn thuyết nầy cũng vậy, người khác đã nghe rồi thì lại càng thêm tăng ích, cho là thật có.

Luận nói: “Lại nữa, ba tự tánh nầy là khác hay là không khác? Đáng lẽ nói không khác, chẳng phải không khác, là tự tánh Y tha khởi, do dị môn nên thành Y tha khởi, tức tự tánh nầy do dị môn mà thành Biến kế sở chấp, tức tự tánh nầy do dị môn mà thành Viên thành thật. Do dị môn nào mà Y tha khởi nầy thành Y tha khởi? Là nương vào sự huân tập chủng tử khác mà khởi. Do dị môn nào mà ngay nơi tự tánh ấy thành Biến kế sở chấp? Là do tướng sở duyên của Biến kế sở chấp, cũng là Biến kế sở chấp. Do dị môn nào mà ngay tự tánh nầy thành Viên thành thật? Là vì như sự biến kế rốt ráo không có như vậy”.

Giải thích: “Không khác”, là tánh Y tha khởi cùng với Biến kế sở chấp là có và không có. Có mong đối với có, có thể được nói là khác, không phải mong không có như sự không có của sừng thỏ. “Chẳng phải không khác”, là có cùng với không có không thành Một nên tánh Y tha khởi cùng với Viên thành thật cũng lại như vậy, vì tánh bất thanh tịnh và thanh tịnh. Bây giờ lại nương vào ý nghĩa của dị môn mà ba tự tánh nầy hoặc là thành một tánh, hoặc là thành khác tánh. “Là do tướng sở duyên của Biến kế sở chấp, cũng là Biến kế sở chấp”, là do Y tha khởi, các ngã sắc… đó là chỗ nương dựa của Biến kế sở chấp. Lại nữa, Y tha khởi, các ngã sắc… đó là sự Biến kế của ý thức biến kế, do ý nghĩa nầy mà mượn nói Y tha khởi là Biến kế sở chấp. “Là vì như sự biến kế rốt ráo không có như vậy”, là đối với như sự hiển hiện của Y tha khởi là rốt ráo không có. Như vậy tức là nói ba thứ tự tánh không hoàn toàn thành khác, cũng không phải không khác, vì sự quán chờ riêng khác. Nếu lúc đó quán chờ chỗ sinh của chủng tử huân tập thì nghĩa biên trở thành Y tha khởi, không phải do nơi sự trở thành nầy mà có hai tánh khác. Lúc đó nếu quán chờ đối tượng duyên của biến kế thì trở thành biến kế chấp, không phải do nơi sự trở thành nầy mà có hai tánh khác. Nếu lúc đó quán chờ Biến kế sở chấp thì rốt cùng vô biên thành Viên thành thật, không phải do nơi sự trở thành nầy mà có hai tánh khác.

Luận nói: “Ba tự tánh nầy, từng món có bao nhiêu thứ? Nói Y tha khởi lược có hai thứ: 1. Y tha chủng tử huân tập mà sinh khởi. 2. Y tha với tánh tạp nhiễm thanh tịnh bất thành. Do hai thứ y tha riêng biệt nầy nên gọi là Y tha khởi. Biến kế sở chấp cũng có hai thứ: 1. Tự tánh biến kế chấp. 2. Sai biệt biến kế chấp. Do hai thứ nầy mà gọi là Biến kế sở chấp. Tánh Viên thành thật cũng có hai thứ: 1. Tự tánh Viên thành thật. 2. Thanh tịnh Viên thành thật. Do hai thứ nầy mà làm thành tánh Viên thành thật”.

Giải thích: “Y tha chủng tử huân tập mà sinh khởi”, là do nương gá vào nhân duyên mà được sinh nên gọi là Y tha khởi. “Y tha với tánh tạp nhiễm thanh tịnh bất thành”, là do khi phân biệt thì thành tánh tạp nhiễm, khi không có phân biệt thì trở thành tánh thanh tịnh, nương vào hai phần đó nên gọi là Y tha khởi. “Tự tánh biến kế chấp”, là chấp giữ chung sự thể hữu pháp của nhãn… “Sai biệt biến kế chấp”, là chấp giữ riêng nghĩa biệt pháp của nghĩa thường, vô thường… “Tự tánh Viên thành thật”, là chân như hữu cấu. “Thanh tịnh Viên thành thật”, là chân như ly cấu.

Luận nói: “Lại nữa, biến kế có bốn thứ: 1. Tự tánh biến kế. 2. Sai biệt biến kế. 3. Hữu giác biến kế. 4. Vô giác biến kế. Hữu giác là danh ngôn thiện. Vô giác là danh ngôn bất thiện”.

Giải thích: “Danh ngôn thiện”, là hành tự ý hướng trước lời nói, lãnh thọ hiểu rõ đầy đủ nên gọi là hữu giác, trái nghịch với hữu giác gọi là vô giác.

Luận nói: “Biến kế như vậy lại có năm thứ: 1. Y danh biến kế nghĩa tự tánh, là danh như vậy có nghĩa như vậy. 2. Y nghĩa biến kế danh tự tánh, là nghĩa như vậy có danh như vậy. 3. Y danh biến kế danh tự tánh, là biến kế lường xét chưa hiểu rõ nghĩa danh. 4. Y nghĩa biến kế nghĩa tự tánh, là biến kế lường xét chưa hiểu rõ danh nghĩa. 5. Y hai biến kế hai tự tánh, là biến kế lường xét danh nầy nghĩa nầy thể tánh như vậy”.

Giải thích: “Y danh biến kế nghĩa tự tánh”, là người sinh sống tại châu da tử, nghe nói tiếng trâu, họ không hiểu nghĩa là gì, mà niệm niệm phân biệt tiếng trâu như vậy. “Y nghĩa biến kế nghĩa tự tánh”, là chưa từng luyện tập tưởng cùng với hữu tưởng tương ưng lẫn nhau, chợt thấy thân trâu, niệm niệm phân biệt nghĩa trâu như vậy. “Y hai biến kế hai tự tánh”, là nương vào sự giả lập chủ thể và đối tượng nêu giảng mà phân biệt hai thứ.

Luận nói: “Lại nữa, thâu tóm chung tất cả phân biệt, lược có mười thứ: 1. Căn bản phân biệt, là thức A-lại-da. 2. Tướng duyên phân biệt, là thức sắc… 3. Hiển tướng phân biệt, là nhãn thức… Gồm thức sở y. 4. Tướng duyên biến dị phân biệt, là sự biến dị của lão… biến dị của lạc thọ… biến dị của tham… biến dị của thời tiết thay đổi mất, còn, bức hại… biến dị của các cõi như Nại-lạc-ca… và biến dị của cõi dục nơi tam giới. 5. Hiển tướng biến dị phân biệt, là sự có biến dị như đã nói biến dị trước. . Tha dẫn phân biệt, là nghe loại phi chánh pháp phân biệt và nghe loại chánh pháp phân biệt. 7. Bất như lý phân biệt, là các ngoại đạo nghe loại phi chánh pháp phân biệt. 8. Như lý phân biệt, là trong chánh pháp nghe loại chánh pháp phân biệt. 9. Chấp trước phân biệt, là loại tác ý không đúng như lý, Tát-ca-da kiến làm gốc, sáu mươi hai kiến cõi tương ưng phân biệt. 10. Tán động phân biệt, là mười thứ phân biệt của các Bồ-tát”.

Giải thích: “Căn bản phân biệt”, là thức A-lại-da, là phân biệt căn bản nơi tự tánh khác cũng là phân biệt nên gọi là căn bản phân biệt. “Tướng duyên phân biệt”, là phân biệt sắc… có tướng duyên như vậy. “Hiển tướng phân biệt”, là nhãn thức… gồm thức sở y hiển hiện tợ của tướng đối tượng duyên kia. “Tướng duyên biến dị phân biệt”, là tợ sắc… chỗ khởi phân biệt của ảnh thức biến dị. “Biến dị của lão…”, là tướng của sắc thức… tợ lão mà khởi các thứ biến dị. Tại sao vậy? Vì ngoại sắc và nội sắc đều có tướng lão chuyển biến. “Đẳng (vân vân…)”, là đồng lấy các biến dị bệnh và tử. “Biến dị của lạc thọ…”, là do lạc thọ nên thân tướng biến dị. “Lạc”, là mặt mũi đoan nghiêm. “Đẳng (vân vân…)”, là đồng lấy khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ. “Biến dị của tham…”, là do tham mà thân tướng biến dị. “Đẳng (vân vân…)”, là đồng lấy sân, si, phẫn… nói phẫn là nói hình sắc xấu xí. “Biến dị của thời tiết thay đổi mất còn bức hại…”, là giết hại trói buộc… Khiến cho thân tướng sinh khởi biến dị, thời tiết thay đổi cũng khiến cho các sắc của nội thân ngoại thân hình tướng biến đổi, như khi thời tiết lạnh… bức bách thì thân… biến dị. “Biến dị của các cõi như Nại-lạc-ca…”, chữ đẳng (vân vân…) là đồng lấy tất cả cõi ác, sắc của các cõi kia biến dị thì cùng chung hiểu rõ. “Và biến dị của dục nơi tam giới”, chữ đẳng (vân vân…), là đồng lấy trong cõi Sắc và cõi Vô sắc, vì không có ảnh tượng thức của tợ sắc, trong chư thiên và trong tĩnh lự cũng có hữu tình và khí sắc… các thứ biến dị, như sức oai thần của hạt châu mạt-ni mà vô số ánh sáng màu sắc tịnh diệu biến dị. “Hiển tướng biến dị phân biệt”, là do căn nơi chỗ dựa của nhãn… khiến cho ảnh tượng của tợ sắc… hiển hiện mà các thứ nhãn thức… biến dị, tức là trong đấy khởi các phân biệt, cũng như đã nói biến dị của lão… ở trước, tùy chỗ thích ứng của nó mà khởi biến dị. Tại sao vậy ? Như nói căn của nhãn… có lợi và độn, thức có minh và ám, như chỗ dựa của vô biểu sắc biến dị thì vô biểu sắc kia cũng biến dị, do lạc thọ… biến dị cũng như thế. Nói lạc là vì an định, nói khổ là vì tâm tán động. Tham… Thời tiết thay đổi bức hại biến dị cũng như thế. Nại-lạc-ca… Và cõi Dục… nương vào thân biến dị, thức cũng biến dị phải biết như vậy. Trong cõi Vô sắc cũng có sự tạo tác của thọ… biến dị. “Các thức phân biệt tha dẫn phân biệt” là sự khởi của thiện hữu, ác hữu thân cận, cùng nghe chánh pháp và phi chánh pháp làm nhân phân biệt, tức là ngoại đạo Ca-tỷ-la… và hết thảy sự phân biệt của Tao-yếtđa trong chánh pháp gọi là “Phân biệt bất như lý” và “Phân biệt như lý”. Hai thứ như vậy tùy theo chỗ thích ứng của nó mà có thể sinh tà kiến, chánh kiến tương ưng hai thứ phân biệt. Tát-ca-da kiến làm nhân đã khởi sáu mươi hai kiến tương ưng phân biệt, tức là tiền tế, trung tế và hậu tế trong kinh Phạm võng, cho ngã quá khứ đã từng có hay sao? Các phân biệt như vậy gọi là phân biệt chấp trước. “Kiến thú”, là nghĩa phẩm loại. “Tán động phân biệt”, là tán loạn nhiễu động nên gọi là tán động, tán động nầy tức là phân biệt nên gọi là tán động phân biệt. Đây tức là nhiễu loạn Trí vô phân biệt. Tại sao vậy? Vì do tán động nầy nhiễu loạn Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Trí vô phân biệt tức là Bát-nhã Ba-la-mật-đa. “Là mười thứ phân biệt của các Bồ-tát”, là các Bồ-tát có thể phát khởi ngữ ngôn tha dẫn mà chuyển là không xứng với mười thứ phân biệt của chân lý. Tại sao vậy? Vì chứng ngộ chân lý nếu đang hiện tiền thì bất khả thuyết.

Luận nói: “1. Vô tướng tán động. 2. Hữu tướng tán động. 3. Tăng ích tán động. 4. Tổn giảm tán động. 5. Tánh tán động. . Dị tánh tán động. 7. Tự tánh tán động. 8. Sai biệt tán động. 9. Như danh thủ nghĩa tán động. 10. Như nghĩa thủ danh tán động. Để đối trị mười thứ tán động nầy, trong tất cả Bát-nhã Ba-la-mật-đa nói Trí vô phân biệt. Chủ thể đối trị, đối tượng được đối trị như vậy phải biết, gồm thâu đủ nghĩa của Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Giải thích: Trong tất cả Bát-nhã Ba-la-mật-đa, có nói đủ mười thứ đối trị tán động như vậy, như nói: “Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phải hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế nào? Xá-lợi tử! Là Bồ-tát thật có Bồ-tát là không thấy có Bồ-tát. Tại sao vậy? Vì tự tánh sắc không không phải do không, sắc không không phải sắc, sắc chẳng lìa không, sắc tức là không, không tức là sắc. Tại sao vậy? Xá-lợi tử ! Sắc nầy chỉ có danh, gọi đó là sắc… tự tánh nầy vô sinh, vô diệt, vô nhiễm, vô tịnh, giả lập khách danh, riêng biệt đối với pháp mà khởi phân biệt, giả lập khách danh mà tùykhởi ngôn thuyết, như như ngôn thuyết, như vậy như vậy, sinh khởi chấp trước, tất cả Bồ-tát như vậy không thấy, do không thấy nên không sinh chấp trước. Như nói đối với sắc cho đến đối với thức, phải biết cũng vậy”.

Trong đây vì đối trị vô tướng tán động, nên kinh nầy nói “Không thấy có Bồ-tát…”, tức là tự tánh Biến kế sở chấp vĩnh viễn không có. Để đối trị tăng ích tán động, ngay trong kinh nầy nói “Sắc tự tánh không”, tức là tự tánh Biến kế sở chấp vĩnh viễn không có. Để đối trị tổn giảm tán động, ngay trong kinh nầy nói “Không phải do không…”, nói pháp tánh kia là thật có nên để đối trị nhất tánh tán động, ngay trong kinh nầy nói “Sắc không không phải sắc…”, vì cảnh tịnh và cảnh bất tịnh mỗi mỗi đều riêng biệt. Để đối trị dị tánh tán động, ngay trong kinh nầy nói “Sắc chẳng lìa không”, vì tự tánh Biến kế sở chấp là vô sở hữu tức là không. Để đối trị tự tánh tán động, ngay trong kinh nầy nói “Sắc nầy chỉ có danh nên gọi đó là sắc. Để đối trị sai biệt tán động, ngay trong kinh nầy nói “Vô sinh, vô diệt…”. Để đối trị như danh thủ nghĩa tán động, ngay trong kinh nầy nói “giả lập khách danh, riêng biệt đối với pháp mà khởi phân biệt…”. Để đối trị như nghĩa thủ danh tán động, ngay trong kinh nầy nói “giả lập khách danh mà tùy khởi ngôn thuyết, như như ngôn thuyết, như vậy như vậy sinh khởi chấp trước, tất cả Bồ-tát như vậy không thấy, do không thấy nên không sinh chấp trước”. Đây là có ý nói , đối với danh, đối với nghĩa biết rõ như thật, không có chấp trước hư vọng.

Luận nói: “Nếu do dị môn thì tự tánh Y tha khởi có ba tự tánh. Thế nào là ba tự tánh không thành vô sai biệt? Nếu do dị môn thành Y tha khởi, thì không do ngay chỗ thành nầy mà thành Biến kế sở chấp và Viên thành thật. Nếu do dị môn thành Biến kế sở chấp, thì không do ngay chỗ thành nầy mà thành Y tha khởi và Viên thành thật. Nếu do dị môn mà thành Viên thành thật, thì không do ngay chỗ thành nầy mà thành Y tha khởi và Biến kế sở chấp”.

Giải thích: Nghĩa nầy giống như trước, không cần giải thích lại.