NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

QUYỂN BỐN

Chương hai

Ngày 31 tháng 3 năm 1991

 

Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ 124 về kinh Hoa Nghiêm tại chùa này.

Trước khi đi vào phẩm Nhập pháp giới cùng với ngài Thiện Tài, chúng tôi muốn nói một ít về Đại Bát Nhã. Buổi giảng hôm nay có nhiều ý nghĩa quan hệ vậy xin quí vị cố lắng nghe.

Trong hành trình vào Bát Nhã, thường có ba giai đoạn học về Đại Bát Nhã. Trước hết là văn tự bát nhã, thứ nhì là giai đoạn quán chiếu bát nhã và thứ ba là giai đoạn thực chứng bát nhã. Ngay cả về Hoa Nghiêm hay những kinh khác cũng thế, cũng có văn tự Hoa Nghiêm, quán chiếu Hoa Nghiêm và cũng có thực chứng Hoa Nghiêm.

đây, chúng ta đều là những người sơ học nên thường chỉ nói đến văn tự bát nhã nhiều chứ chưa đến quán chiếu bát nhã được. Và sự mong cầu của tôi chỉ là muốn cho quí vị làm quen với những danh từ bát nhã, hiểu ý nghĩa những danh từ đó, để khi đọc kinh bát nhã không cảm thấy chới với, thì đó tôi cũng lấy làm mãn nguyện lắm rồi. Còn quán chiếu là phải tự mình suy ngẫm, và tự quán chiếu lấy.

Trong Bát Nhã có rất nhiều danh từ, mà danh từ nào cũng khó cả, vì nó đều trừu tượng, và phải suy tư lâu mới mong hiểu được đôi phần. Hôm nay, tôi xin nói về một số danh từ ấy, cho quý vị thấy một số sắc thái khác nhau. Vì nhiều người hay phàn nàn đọc kinh thường lạc vào một rừng danh từ, mà danh từ nào cũng mờ ảo, mịt mùng, nên nhiều khi không hiểu sắc thái khác nhau chỗ nào.

Trong lần trước, tôi đã trình bày những chữ như chữ không, rồi đến chữ vô, bất, phi, ly. Hôm nay lại đến một số danh từ nữa, như danh từ “Như Như,” mà trong kinh Hoa Nghiêm có một bài kệ rất hay mà tôi đã từng nhắc nhở:

Tất cả các pháp đều là duyên khởi.
Tất cả các pháp đều như huyễn,
Tất cả các pháp đều Như Như.
Tất cả các pháp đều tịch tĩnh…

Đoạn kệ này, cho chúng ta biết có bốn tầng lớp mức độ tâm thức, càng lên cao bao nhiêu thì càng vi tế bấy nhiêu. Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ chữ Như là thế nào. Nhưng trong Phật pháp, lại có một chữ nữa, rất ghê gớm và cũng được nhiều người nhắc tới, mà có lẽ ít người hiểu. Đó là chữ “Bình Đẳng vô nhị pháp môn,” hay “Pháp môn không hai.” vậy chữ bất nhị là gì? mà chữ bất nhị đó đối với chữ Như Như giống hay khác? Chữ thứ ba là chữ “Bát Nhã” nghĩa là thế nào?

Ngày xưa, khi đọc kinh Pháp Bảo Đàn, thấy kể rằng, ngài Huệ Năng từ phương Bắc mang y bát xuống phương Nam, đến một chùa gặp một vị sư. Sư hỏi ngài Huệ Năng rằng, Thưa ngài, khi ngài còn ở với ngài Hoằng Nhẫn, (tức là vị tổ thiền tông thứ năm), ngài Hoằng Nhẫn dạy ngài những gì? và luận về những gì? có luận về thiền định và giải thoát hay không? Ngài Huệ Năng trả lời rằng, không có luận về thiền định, cũng không luận về giải thoát, mà chỉ có luận về pháp môn không hai thôi, bất nhị. Ngài nói thêm rằng, “Phật pháp là pháp môn không hai.”

Chúng ta từng tụng và nghe giảng về kinh Duy Ma Cật thấy rằng kinh Duy Ma Cật dạy về pháp môn bất nhị. Vậy, câu hỏi được đặt ra là trong ba chữ là chữ “Như Như” chữ “Bất Nhị” và chữ “Bát Nhã” khác nhau hay giống nhau?

Một câu hỏi nữa cần được đặt ra, Bát Nhã có dừng chữ Như Như không?

Trong kinh Đại Bát Nhã mà chúng ta đang tụng có nói rằng, ngay cả đến chữ Như cũng không được dừng lại ở đó, mà phá luôn cả ý tưởng Như ấy. Nhưng bây giờ, chúng ta lại bà thấp hơn một chút là nói đến cái Như Như. Thế nào là Như Như.

Để trả lời cho dễ hiểu hơn, tôi xin đưa thí dụ như thường ngày ta trông thấy sự vật, cây cỏ, núi non, người, thì thấy pháp nào cũng có sanh ra, lớn lên, rồi diệt đi. Chữ “Như Như” là nhìn thấy tất cả các pháp không có sanh, không có diệt. Nói một cách khác, nó được diễn tả trong “bát bất” của ngài Long Thọ: “Bất sanh, bất diệt. Bất đoạn, bất thường, bất đồng, bất dị, bất lai, bất khứ. ” Phàm phu ngược lại, lúc nào cũng trông thấy tất cả những sự chia hai, thấy như có sanh có diệt, có đoạn có thường v.v…, Chư Phật thì các ngài chỉ thấy Như Như, không sanh không diệt… Tại sao vậy? Chỉ vì tâm chúng sanh Động, còn tâm của Phật không Động.

Trong kinh dạy rằng, đừng khởi vọng tưởng phân biệt. Khi không khởi vọng tưởng phân biệt thì tâm chúng ta sẽ đến được chỗ bất động Như Như. Sở dĩ pháp giới kia có sanh diệt, đoạn thường, lai khứ v.v… là vì (kinh khẳng định rằng), không phải những vật ấy có sanh, có diệt đâu, không phải có khứ lai, cũng không phải đoạn thường, mà chính là do tâm chúng ta động, nên mới thấy pháp giới biến chuyển. Vì bản lai không có vật, pháp giới chỉ là một cái gương lớn, nhưng nếu có người thò đầu nhìn vào cái gương ấy, thì thấy trong đó hiện lên những hình bóng, nếu người ấy động đậy, thì hình bóng trong gương cũng động đậy, tâm chúng ta biến động ra sao thì nó cũng ảnh hiện trong gương như thế ấy, không một mảy may sai khác. Đó là điểm then chốt nhất mà người học Phật phải nhớ.

Để đi đến cái tâm an nhiên bất động ấy, tâm Như Như, tâm thanh tịnh không có phiền não chướng, không có sở tri chướng, thì con đường đi tới là con đường bất nhị. Con đường bất nhị là con đường của sự phủ định, không có gì là có, cũng không phải là không, vì mọi thứ đều không thật, không hư. Thí dụ như ta trông thấy cái bàn và hư không, tâm ta, luôn luôn theo những cộng nghiệp cũ nói rằng đó là cái bàn, và bên cạnh là hư không, không có vật. Đó là cái nhìn còn phân biệt, chấp vào nhị biên. Nhưng người tu cao, họ nhìn pháp giới bằng tâm vô phân biệt, nên họ có thần thông, có thể đi xuyên qua bàn hoặc những vật một cách vô ngại. Như vậy, người tu hành phải tập rời tâm có phân biệt dần dần thành như mặt hồ lặng sóng, lúc ấy tâm tương tự như tấm gương của pháp giới, chiếu tất cả pháp giới một cách trung thực, nên gọi là “Như Như.”

Vậy cái tâm Như Như ấy, có thể gọi là tâm Bát Nhã chưa?

Cũng có thể gọi là bát nhã rồi, nhưng chưa được tròn đầy thôi, vì phải trừ nốt ý niệm Như Như đó mới được.

Danh tự bát nhã rất mờ ảo, khi ta phân tích những danh tự này, cũng giống như chúng ta đang phân tích từng lớp sương mù vậy. Đầu tiên chúng ta cần nhớ đến chữ không, vô, bất, phi, ly. Thứ hai là phải nhớ chữ Như Như, Bất Nhị. Thứ ba là những chữ Bát Nhã, Đại Bát Nhã, Niết Bàn, Đại Niết Bàn, Phật Tánh, Chân Như, Như Lai tạng v.v…

Những chữ này là đồng hay là khác, và phân biệt từng chữ ra sao?

Trong kinh, Phật dạy rằng biển chân tâm ấy, vì không có tên nên ngài đặt ra nhiều thứ tên, nhưng mỗi tên đều mang theo nó một ý nghĩa riêng biệt, tuy cùng dùng để chỉ một phật tánh ấy.

Kinh Đại Bát Nhã, đức Phật giảng trong hai mươi hai năm. Nhưng không phải chỉ riêng trong kinh Đại Bát Nhã Ngài mới giảng về Bát Nhã đâu, mà trong kinh Đại Bát Niết Bàn, cũng có khoảng hai, ba phẩm như phẩm Sư Tử Hống, phẩm Ca Diếp ngài cũng giảng về Bát Nhã, và trong kinh Duy Ma, Đại Bảo Tích, Ngài cũng giảng về Bát Nhã rất nhiều.

Nay ta lấy riêng hai chữ Đại Bát NhãĐại Niết Bàn đem phân tích trước. Đại Bát Nhã có phải là Đại Niết Bàn không?

Cần phải nói đến chữ Niết Bàn trước, Niết Bàn của Thanh Văn ra sao, và Đại Niết Bàn của Chư Phật ra sao, rồi Đại Niết Bàn của Chư Phật so với Đại Bát Nhã như thế nào? Tại sao trong kinh lại rắc rối nói nhiều chữ như thế? Trong kinh Pháp Hoa, gọi Niết Bàn của Thanh Văn là Niết Bàn Hóa Thành. Tức là khi ta vượt qua được sắc ấm, thọ ấm, tưởng âm, hành ấm chớm bước vào thức ấm thì ở nơi đó là Niết Bàn Hóa Thành của Thanh Văn. Nhưng khi vị hành giả bước vào thức ấm ấy, không bằng lòng dừng nơi bờ mé của thức ấm, mà gắng lặn sâu xuống biển thức ấy, tương tự như con hương tượng lặn sâu xuống đáy biển không hải, thì chỗ đó là Đại Niết Bàn của Chư Như Lai, là Đại Tịch Diệt.

Trong khi giảng Đại Bát Nhã, cũng cần phải giảng một ít về Đại Bảo Tích hoặc Đại Bát Niết Bàn, vì nghĩa bổ xung cho nhau rất nhiều. Trong kinh Đại Niết Bàn đức Phật dạy rằng, Niết Bàn của các ông (Thanh Văn) chỉ mới tới được hóa thành thôi, vì Niết Bàn của Thanh Văn chỉ có hai đức tính là Lạc, và Tịnh, còn Đại Niết Bàn của chư Phật thì có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Ngoài cái Lạc và Tịnh, còn thêm cái Thường, và cái Chân Ngã. Lạc thì tương đối dễ hiểu, nhưng cũng khó hiểu lắm. Lạc là vui. Pháp ấn của Thanh Văn là tịch tĩnh, an vui. Các vị vào đấy thấy được sự an lạc ghê gớm.

Vậy cái vui của phàm phu, của thánh nhơn và của chư Phật khác nhau thế nào? Vui của phàm phu là khi chúng ta dược như ý một điều gì thì vui, có được một món tiền, một bữa ăn ngon, đậu một cái bằng, tậu một ngôi nhà, một chiếc hơi mới v.v… thì cho đó là vui. Ngược lại, cái gì không hợp ý thì cho là khổ. Nhưng các vị Thánh Nhân ở trong Niết Bàn, được cái áo mới cũng không thấy vui, mà gặp một hoạn nạn nào đó cũng không thấy khổ, tức là các ngài không thọ khổ, lạc. Trong kinh lại còn nói thêm một câu rất lạ rằng các ngài vui cái “vui không thọ,” không thọ vui, không thọ khổ, như thế mới là rất vui. Vì đó mới là niềm an nhiên vô động. Đó là cái vui của Niết Bàn. Còn chữ “Tịnh” là không có tam độc, Niết Bàn của các vị Thanh Văn là không có tham, sân, si, nghi, mạn, nhưng chỉ trừ được tam độc thô thôi, tập khí vẫn còn, tương tự như con thỏ lội qua sông, chân không chấm được đến đáy. Còn chư Phật thì như con hương tượng lội qua biển thức ấy đồng thời chân chấm được tới đáy. Vì vậy, Đại Tịch Diệt của chư Như Lai khác xa với Thanh Văn, vì có thêm cái “Thường” và cái “Chân Ngã” và đó mới là Thường Trụ.

Đạo phật khẳng định rằng tất cả mọi thứ đều vô thường, nhưng riêng cái đó là Thường, vì nó là thực tại cuối cùng, đồng thời cái thường đó lại có cái Ngã, và đó mới chính là Chân Ngã, vì nó vượt lên cả Ngã và Vô Ngã. Điểm ngã này là một điểm rất lạ lùng, ngày xưa nhiều người học Phật đều lúng túng, và tất cả ngoại đạo ngày xưa đều vấp. Ban đầu, với hàng Thanh văn, Phật dạy vô Ngã. Ngoại đạo nghe như vậy rất chán, không có mấy người theo, vì họ dính mắc vào Thần Ngã nhiều, tin chắc rằng trên cao còn có Thần Ngã và Đại Ngã là các đấng Phạm Thiên. Vì vậy, không thể nào bỏ được ý niệm Ngã ấy. Nhưng đến cuối đời, ngài lại tuyên bố rằng có Thường Trụ và có Chân Ngã, lúc bấy giờ ngoại đạo mới ồ theo. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn tả rất hay ở chỗ kể lại những lời nói của ngoại đạo đến chất vấn đức Phật. Một đoạn kinh ngài kể, hôm ấy, ngài xuống tắm ở sông Ni Liên Thiền, khi ngài xuống tắm thì tất cả chim chóc, cá rùa đều bu lại xem thân kim sắc của ngài. Lúc bấy giờ, có năm trăm người Phạm Chí đi trên bờ sông, vừa đi vừa ta thán với nhau rằng: “Sa Môn Cù Đàm thật lạ, trông tướng ông ta rất đẹp, lại có thần thông lớn, mà ông là người rất hòa nhã từ ái, chỉ khổ mỗi một điều là ông giảng “Vô Ngã, ” nên chúng ta không thể theo được.”

đây, chúng ta phải hiểu cái “Ngã” của ngoại đạo nhìn, vẫn phải dựa theo năm ấm để giảng cho rõ. Họ bị dính vào quan niệm Ngã ở chỗ là chỉ mới vượt được sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm mà thôi, vào đến hành ấm thì dừng lại, cho rằng đã rốt ráo đến được Đại Ngã. Nhưng đức Phật lại bác, bảo rằng đó không phải là Chân Ngã, mà phải phá vỡ hành ấm, đi vào thức ấm, không dừng ở bờ mé của thức ấm mà phải lặn sâu đến đáy tầng, lúc đó mới thấy được “Chân Ngã.”

Đó là những sự khác biệt về niết bàn của ngoại đạo còn vướng Ngã, chưa có cái LạcTịnh, chỉ có cái tương tợ Lạc và tương tợ Tịnh thôi. Niết bàn của Thanh Văn thì có Lạc, có Tịnh nhưng thiếu cái Chân Thường và Chân Ngã. Còn Niết Bàn của Chư Như Lai là có đủ Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, Chân Tịnh. Trở lại vấn đề Đại Bát Niết Bàn và Đại Bát Nhã, hai cái là một hay là khác? Chư Phật triển khai cái thực tại cuối cùng thì các ngài triển khai theo hai cách. Cũng như ngài Mã Minh nói rằng Chân Như đó có hai mặt, đó là mặt “như thật không”“như thật bất không.” Tiểu niết bàn của Thanh Văn chỉ có Lạc và Tịnh, tức là chỉ có một mặt như thật không, (chưa như thật lắm đâu), còn Chân Thường và Chân Ngã kia chính là mặt như thật bất không. Vậy thì Đại Bát Nhã vì có Chân Ngã nên khởi lên được đại bi, đó thuộc về mặt như thật bất không, nên Đại Niết Bàn của chư Phật gồm cả hai mặt như thật không và như thật bất không. Có đủ Lạc và Tịnh của Thanh Văn nhưng đưa đến một mức độ nữa là Chân Lạc và Chân Tịnh. Đồng thời, đưa mặt như thật bất không lên đến chỗ Chân Thường và Chân Ngã.

Tóm lại, Đại Bát Nhã cũng giống Đại Bát Niết Bàn. Nhưng cũng khác là Đại Bát Nhã chỉ nhấn mạnh khía cạnh như thật không thôi, đến chỗ tuyệt vời không, còn Đại Bát Niết Bàn vừa có mặt “không” kia, đồng thời lại nhấn mạnh mặt đại bi tức là như thật bất không.

Không biết quí vị có theo dõi kịp lời tôi nói không?

PHẬT TỬ: Khó quá, mù mịt quá! tôi cứ có cảm tưởng nửa như hiểu, nửa như… hoang mang, chẳng biết đường nào mà lần.

ĐÁP: Tất cả giáo lý đạo Phật huyền nhiệm chính vì chỗ mù mịt ấy, nhưng phải đi vào nó, phân tích nó, đắm mình trong đó, mới mong hiểu được đôi phần.

Còn những chữ như Chân Tâm, Phật Tánh v.v… cũng thế, Chữ Phật Tánh là để nhấn mạnh vào cái tánh của Phật và của chúng sanh, nó có khía cạnh là như thật không và cũng có thể là như thật bất không, và chữ Chân Như cũng vậy thôi. Vì thế khi tu tập Đại Bát Nhã lên đến tột bờ mé thì sẽ đến Kim Cang Tam Muội, tức là Chân NhưTam muội, cũng tức là Thủ Lăng Nghiêm tam muội v.v… vì đi đến tột bờ mé thì tất cả đều là Một. Còn chữ Như Lai tạng, là muốn nhấn mạnh về cái kho tàng tâm thức làm khởi lên pháp giới này.

Tôi biết giảng thế này, cũng không mong quí vị hiểu được ngay, chỉ muốn gieo thêm duyên để quí vị về suy tư may ra mới hiểu rõ thêm phần nào, cũng xin nhắc rằng, dù chỉ suy tư thế nhưng công đức cũng khôn lường, vì càng làm những gì vi diệu bao nhiêu thì công đức càng nhiều bấy nhiêu.

Chúng ta là những người đọc tụng kinh đại thừa đã lâu, nên cần có một cái nhìn thông suốt về kinh, vì tất cả các bộ kinh đều dung thông với nhau, tương tự như một tòa lâu các lớn có nhiều con đường dung thông trong ấy. Cốt tủy của đạo Phật chỉ có Chân Không và Diệu Hữu thôi. Trong kinh Hoa Nghiêm nói nhiều về Diệu Hữu, nhưng vẫn nói một ít về Chân Không, còn Đại Bát Nhã nói về Chân Không, nhưng trong ấy ngài dạy về biến hóa cũng nhiều, nên cũng có Diệu Hữu. Còn kinh Pháp Hoa lại nói về Diệu Hữu, có phẩm nói về thọ lượng của Như Lai, tức đã đi vào Diệu Hữu, mà tất cả thọ lượng Như Lai cũng đều là mộng huyễn. Còn Kinh Đại Bát Niết Bàn, có phẩm “Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát,” nói về công đức của người tụng kinh Đại Bát Niết Bàn, là nếu có người chỉ tụng một biến kinh này thì bảy kiếp không bị đọa và nói công đức tức là nói về Diệu Hữu.

Tiếp theo sau là hai phẩm: Sư Tử Hống Bồ Tát và phẩm Ca Diếp Bồ Tát nói nhiều về Bát Nhã. Nên cần hiểu rằng kinh nhà Phật không đi ra ngoài Chân Không (bát nhã) và Diệu Hữu (đại bi). Còn kinh Lăng Nghiêm nói về vọng tâm và thức biến, ngài giảng rõ cho chúng ta thấy, tâm nở ra những căn như thế nào, trần ra sao, thức là gì. Đồng thời, cốt yếu của kinh Lăng Nghiêm là dạy về Như-huyễn-tam- ba-đề, Phật dạy phải quán căn và trần kia, hai cái đó đều đắm nhiễm nhau, không thể nào có căn mà không có trần, hoặc ngược lại, và lên đến tột cao thì trở thành bất nhị. Đó cũng là điểm bát nhã, vì phàm phu chúng ta luôn tưởng rằng căn độc lập với trần, cho bên ngoài là một pháp giới độc lập không dính dáng gì đến thân căn chúng ta cả, nhưưg kinh lại khẳng định rằng, thân căn (chánh báo) cùng pháp giới (y báo) đắm nhiễm nhau không thể rời được, và khi tu dần lên cao, sẽ đến Như-huyễn-tam-ma-đề, cũng là Thủ Lăng Nghiêm tam muội, cũng là Kim Cang tam muội, cũng là Chân Như tam muội, cũng tức là Bát Nhã tam muội. Sở dĩ Kinh giảng ngang giảng dọc, nói lên nói xuống là chỉ để cho chúng ta nhìn nhiều khía cạnh khác nhau, còn như lên đến tột không thì tất cả sẽ trở thành Một, viên mãn, tròn đầy. Nên người học Phật cần phải hiểu rõ điều đó để khi đi vào kinh không bị rối loạn, bỡ ngỡ.

Tóm lại, hôm nay tôi xin nhấn mạnh về hai điểm.

1. Đừng tưởng rằng những vật kia là có thật, có lai, có khứ, có động, có chuyển, có sanh, có diệt v.v.., vì ngoài kia là bản lai vô nhất vật, nhưng vì tâm chúng sanh động nên hiện lên tất cả sơn hà đại địa này.

2. Chúng ta phải luôn nhớ đến chữ Ảo, tất cả thế gian này đều là mộng, ảo, bào, ảnh, lộ, điển. Tất cả đều từ tâm biến hiện, không có gì nhấtt thiết là vật gì, chỉ do nghiệp chiêu cảm, đủ duyên thì hiện, hết duyên thì ẩn.

***

Nay, tôi xin trở về với Hoa Nghiêm, đi nốt con đường của ngài Thiện Tài tìm cầu thiện tri thức, và cũng là đi vào con đường của Diệu Hữu…

Lúc này, Thiện Tài đang ở trong Đại Lâu Các cũng là lâu các Bạch Tịnh Thức của ngài Di Lặc.

Ở đây kinh tả chánh báo, tức là những hạnh nguyện của ngài Di Lặc.

KINH: Hoặc thấy Di Lặc Bồ Tát ở xứ Diêm La cứu khổ địa ngục, hoặc thấy ở xứ ngạ quỉ bố thí đồ uống ăn cứu sự đói khát, hoặc thấy ở đạo súc sanh dùng những phương tiện điều phục chúng sanh. …(bỏ một đoạn)… Hoặc thấy Di Lặc Bồ Tát khen nói những công đức của sơ địa nhẫn đến thập địa. Hoặc thấy khen nói đầy đủ tất cả ba la mật. Hoặc thấy khen nói nhập các nhẫn. Hoặc thấy khen nói các môn đại tam muội. Hoặc thấy khen nói những môn giải thoát thậm thâm.

GIẢNG: Trong kinh Hoa Nghiêm có phẩm thập nhẫn, và phẩm thập thông, vì vậy ngài Di Lặc mới khen về những môn đại tam muội đó.

KINH: Hoặc thấy khen nói cảnh giới của những tam muội thần thông. Hoặc thấy khen nói những bồ tát hạnh.

GIẢNG: Bao giờ cũng vậy, khi còn ở dưới thấp, chư Phật nói không nên hiện thần thông, nếu hiện thần thông để khoe mình là sai. Nhưng khi lên cao, ngài lại nói phải hiện thần thông mới độ sanh được nhiều.

KINH: Hoặc thấy khen nói những thệ nguyện lớn. Hoặc thấy cùng với chư Bổ Tát đồng hành khen nói những phương tiện lợi ích chúng sanh. Hoặc thấy Di Lặc Bồ Tát trong trăm ngàn năm kinh hành, đọc tụng, thơ tả kinh quyển, siêng cầu quán sát vì đại chúng mà thuyết pháp.

GIẢNG: Ngài bỏ ra hằng trăm ngàn năm đọc tụng thọ trì, chép kinh, chỉ vì đại chúng siêng cầu quán sát mà thuyết pháp. Vậy mà gần đây, có những vị thiền sư không biết dạy ra sao, mà các đệ tử về quăng hết cả kinh sách, cho rằng, nó không ích lợi gì cả. Nghe như vậy có khổ tâm không? Chúng ta có thể vứt kinh qua một bên nếu ta là người đã thông suốt tất cả các kinh điển đại thừa như ngài Huệ Năng, còn dưới thấp thì… xin chớ, vì kinh kệ thì chưa hiểu mấy chữ, phiền não thì chất ngất, vô minh lại dầy đặc, hờn giận luôn luôn…, mà đòi vất hết kinh sách thì không biết tu ở khổ nào? Nên chúng ta phải nên dè dặt và cẩn thận, chớ vì hồ đồ một phút mà có thể hại đến giới thân huệ mạng cả nhiều kiếp.

KINH: Hoặc nhập tứ thiền vô lượng tâm. Hoặc nhập biến xứ và những giải thoát.

GIẢNG: Biến xứ là gì? Các vị tỳ kheo tu thiền định, thường các ngài tu tứ thiền, tứ vô lượng tâm hay tu mười bếốn xứ gọi là thắng xứ. Các ngài có thể quán chung quanh toàn nước thì tất cả chung quanh sẽ biến thành nước, nhưng chỉ riêng đối với vị ngồi quán thôi, người ngoài sẽ chưa thấy là nước, đó gọi là biến xứ. Hoặc quán lửa cũ ng thế. Trong kinh có kể, một hôm đức Phật đến khu rừng, ngài ngồi trên một gốc cây cổ thụ lớn, ngài nói, này chư tỳ kheo, một người tỳ kheo giỏi có thể ngồi quán thân cây này chỉ toàn là địa đại, nếu quán đúng mức nó sẽ tan thành bụi, và trong kinh Lăng Nghiêm có ngài Nguyệt Quang Đồng Tử quán nước thì chung quanh ngài toàn là nước nổi lên mênh mông. Đó gọi là biến xứ định.

KINH: Hoặc nhập tam muội dùng sức phương tiện hiện những thần biến. Hoặc thấy Di Lặc Bồ Tát nhập biến hóa tam muội, nơi mỗi lỗ lông trên thân hiện ra tất cả biến hóa thân vân.

GIẢNG: Ngài ngồi đây, nhưng từ những lỗ lông của ngài hiện lên những thân vân, đám mây hào quang, tụ lại thành những thân rồng, hay càn thát bà, hoặc nhơn, thiên v.v…

KINH: Hoặc hiện ra thiên chúng thân vân.

GIẢNG: Những đám mây hào quang ấy hiện thành chư thiên.

KINH: Hoặc hiện ra Long chúng thân vân.

GIẢNG: Đám mây hào quang ấy hiện ra thân rồng.

KINH: Hoặc hiện ra bát bộ chúng thân vân. Hoặc hiện ra thánh, phàm, hộ thế, chuyển luân thánh vương. Hoặc hiện ra tất cả chúng sanh thân vân.

GIẢNG: Tất cả đều biến hóa từ hào quang ra các thân chúng sanh, tùy niệm mà hiện.

KINH: …(Bỏ một đoạn)… Hoặc ở trong những lỗ lông ấy, lại thấy Chư Như Lai có đại chúng vây quanh. Cũng thấy chư Phật này: chỗ sanh, chủng tánh, thân hình, thọ mạng, quốc độ, kiếp số, danh hiệu, thuyết pháp lợi ích, chánh pháp ở đời mau hay lâu, nhẫn đến đạo tràng chúng hội đều thấy rõ cả. …(Bỏ một đoạn)… Thiện Tài lại thấy thân mình ở tại chỗ chư Phật Như Lai ấy, cũng dự trong chúng hội ấy, đều nhớ rõ tất cả Phật sự và thông đạt vô ngại.

GIẢNG: Do thiện căn của chính Thiện Tài, đồng thời cũng do sự gia trì của ngài Di Lặc, có bao nhiêu pháp hội ngài Thiện Tài cũng dự và đều thấy thân mình hiện trong đó.

KINH: Lại nghe tất cả lưới, linh, nhạc khí, trong tất cả lâu các ấy đều diễn xướng bất tư nghì pháp âm vi diệu …(bỏ một đoạn)… Thiện Tài nghe bất tư nghì pháp Âm như vậy, thân tâm hoan hỉ nhu nhuyễn liền được vô lượng môn tổng trì, vô lượng môn biện tài, các thiền, các nhẫn, các nguyện, các độ, các thông, các minh và các giải thoát, các môn tam muội.

GIẢNG: Thiện Tài được thân tâm hoan hỉ, nhu nhuyễn, tức là khi tâm được pháp hỉ, được sức gia trì thì nó nhu nhuyễn, rất vi tế, không thô tháo như tâm phàm phu chúng ta, dễ nổi giận, hay khởi tâm thèm ăn, hoặc có tâm yêu quái muốn quyến rũ người v.v.., đó là những tâm thô tháo, nổi lên những đợt sóng dồn dập. Còn tâm nhu nhuyễn thì ngược lại, đó là một tâm từ hòa, nhỏ nhiệm, có thể biết được những cái rất vi tế. Ngài Thiện Tài sau khi có được tâm nhu nhuyễn thế liền được môn tổng trì. Tổng trì là môn nhớ tất cả các pháp, nghe pháp nào là nhớ pháp ấy, đồng thời lại có vô lượng môn biện tài, tức là có thể nói được mọi thứ pháp.

KINH: Lại thấy những hình tượng trong các gương báu: những là Chư Phật chúng hội đạo tràng, Bồ Tát chúng hội đạo tràng, Thanh Văn chúng hội đại tràng, Duyên Giác chúng hội đạo tràng, những tịnh thế giới, những uế thế giới, hoặc những tịnh uế thế giới, những thế giới có Phật, những thế giới không Phật, những tiểu thế giới, những trung thế giới, những đại thế giới, những nhân đà la võng thế giới, những thế giới úp, những thế giới ngửa, những thế giới bình thản, những thế giới của địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh ở, những thế giới đầy chúng nhân thiên, ở trong những thế giới như vậy, thấy có vô số chúng đại Bồ Tát hoặc đi, hoặc ngồi làm nhiều sự nghiệp: Những là hoặc khởi đại bi thương sót chúng sanh, hoặc soạn những bộ luận lợi ích chúng sanh, hoặc thọ, hoặc trì, hoặc biên, hoặc tụng, hoặc hỏi, hoặc đáp, ba thời sám hôi hồi hướng phát nguyện. Thiện Tài lại thấy trong tất cả cột báu phóng lưới đại quang minh ma ni vương…

GIẢNG: Đoạn này cũng dễ hiểu, tôi chỉ xin đọc lược…

KINH: …(Bỏ một đoạn)… Trong mỗi châu bửu đều hiện hình Di Lặc Bồ Tát thuở kiếp xưa tu hành bồ tát đạo: hoặc bố thí đầu, mắt, tay, chân, môi, lưỡi, răng, nướu, tai, mũi, máu thịt, da thứa, xương tủy, nhẫn đến móng tóc. Hoặc bố thí vợ con, thành ấp, tụ lạc, quốc độ, ngôi vua. Làm cho người ở lao ngục thời được ra khỏi, kẻ bị trói buộc thời được cởi mở, người bệnh tật thời được lành, người vào đường tà thời chỉ cho đường chánh. Hoặc thấy Di Lặc Bồ Tát làm lái thuyền đưa qua biển lớn. Hoặc làm Mã Vương cứu hộ các nạn, hoặc làm đại tiên khéo giảng luận v.v (bỏ một đoạn)… Lại thấy Di Lặc Bồ Tát từng kính thờ thiện tri thức đều dùng tất cả công đức trang nghiêm. Lại thấy Di Lặc Bồ Tát tại chỗ của mỗi chỗ thiện tri thức thân cận cúng dường, tuân hành lời dạy, nhẫn đến trụ bực quán đảnh.

Bấy giờ chư thiện tri thức ấy bảo Thiện Tài rằng: “Lành thay đồng tử, ngươi nhìn xem những vật bất tư nghì của Di Lặc Bồ Tát chớ có nhàm mỏi.”

GIẢNG: Ở đây, cũng vẫn là trong đại lâu các trang nghiêm của ngài Di Lặc, tức là trong bạch tịnh thức của ngài. Thiện Tài gặp nhiều bực thiện tri thức trong ấy, và nói với Thiện Tài như thế.

KINH: Lúc đó vì được sức ghi nhớ chẳng quên, vì được mắt thanh tịnh thấy mười phương, vì được trí vô ngại khéo quán sát, vì được trí tự tại của Bồ Tát…….(bỏ một đoạn)…, nên Thiện Tài ở trong mỗi vật của tất cả lâu các đều thấy vô lượng cảnh giới bất tư nghì như vậy. Như người nằm mộng thấy những cảnh vật, khi thức dậy bèn biết là cảnh mộng, nhưng có thể nhớ rõ không quên mất. Cũng vậy, nhờ thần lực gia trì của Di Lặc Bồ Tát, vì biết những pháp trong tam giới như mộng, vì diệt được tâm tưởng hèn kém chúng sanh, vì được trí giải rộng lớn vô ngại, vì an trụ cảnh giới thù thắng của Bổ Tát, vì nhập trí phương tiện bất tư nghì, nên Thiện Tài thấy được cảnh giới tự tại như vậy. Như người sắp mạng chung, thấy tướng thọ báo theo nghiệp của họ…

GIẢNG: Kinh nói, khi một người sắp mạng chung, thần thức rút sâu vào tàng thức, thấy tất cả những chủng tử nghiệp của mình nở ra…, những cảnh giới cũ.

KINH: Người gây ác nghiệp thời thấy tất cả những cảnh giới khổ nơi địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Hoặc thấy lính ngục tay cầm binh khí sân mắng trói bắt dẫn đi. Cũng nghe những tiếng kêu khóc than van. Hoặc thấy sông tro, vạc nước sôi, núi dao, cây gươm rồi bị bức vào chịu khổ. Người làm lành thời thấy cung điện trời, vô lượng thiên chúng, thiên nữ, y phục trang nghiêm, cung điện viên lâm đều tốt đẹp. Dầu thân chưa chết, nhưng do nghiệp lực thấy những sự như vậy. Cũng vậy, do sức bất tư nghì của Bồ Tát nghiệp, nên Thiện Tài được thấy tất cả cảnh giới trang nghiêm.

GIẢNG: Khi sắp lâm chung, tự nhiên tâm thức có thể lọt được vào thức ấm, lúc bấy giờ thấy những chủng tử nghiệp nở ra rầm rộ, nếu có nhiều chủng tử ác nở ra thì thấy cảnh địa ngục, có người, có lính cầm roi, dao đến bắt, rồi bị đẩy và những sông toàn tro hoặc toàn lửa. Nếu có nhiều chủng tử lành, tự nhiên sẽ thấy cung điện của trời rất đẹp hiện ra. Cũng vậy, ngài Thiện Tài lọt vào tàng thức của ngài Di Lặc thì thấy được vô lượng bất tư nghì cảnh giới trang nghiêm. Phàm phu nghiệp thì hoặc nở những nghiệp địa ngục hay nở cảnh giới chư Thiên, nhưng bồ tát nghiệp thì chỉ toàn nở những cảnh giới trang nghiêm, vì tâm thức của các ngài rất thanh tịnh.

KINH: Như có người bị quỉ nhiếp trì, thấy các sự việc tùy nơi người hỏi đều đáp được cả.

GIẢNG: Trong kinh nói rõ: Người nào bị quỉ nhiếp trì đôi khi có biện tài, hay có sức hấp dẫn để thuyết phục, lôi kéo những người không đủ trí huệ. Như đất Mỹ này là chỗ có đời sống sung túc nhưng cũng rất vất vả. Về đời sống kỹ thuật rất giỏi, nhưng về đời sống tâm linh thì ngây ngô, nên dễ bị lừa. Nhất là những người có một đời sống chơi vơi, lẻ loi, đơn độc, trong những lớp người lớn tuổi từ bốn mươi trở lên. Thí dụ một người đàn bà, hoặc một người đàn ông góa bụa, bị vợ hoặc chồng bỏ, con cái đã lớn có một cuộc sống gia đình riêng tư của nó, công danh sự nghiệp thì lủng củng, không ra gì, hoặc có những người già từ sáu mươi lăm trở đi, có chút tiền già hàng tháng, họ hay rơi vào tình trạng cô đơn, buồn chán, không biết làm gì cho hết một ngày, ngày giờ của họ dài lê thê. Tất cả những người đó, họ cần sự an ủi, cần một lối thoát. Nên có một nghề mọc lên và rất ăn khách, lại có thu tiền vô được nhiều, đó là nghề “Tà Sư” có khi chỉ cần ba hoa cho họ một vài ảo tưởng nào đó, lấy của họ năm, ba chục bạc hay một hai trăm, thì những người kia sẵn sàng trả với giá đó. vì họ nghĩ rằng, sau khi được… điểm hóa, hay ấn chứng thì có thể đắc được đạo rồi. Họ sống trong ảo tưởng đó khoảng dăm ba tháng, hay một hai năm v.v.., cũng đáng tiền lắm chứ. Đến khi ma lực đó không còn nữa, họ lại trở ra, lại càng cảm thấy cô đơn hơn, sợ hãi hơn và càng cần phải tìm nơi nương tựa hơn. Lúc ấy đi tìm lại “sư phụ” thì “tà sư phụ” đã biến mất, có lẽ đến một vùng khác để “làm ăn,” hoặc đã bị sa vào vòng pháp luật. Tà sư lừa đảo những người ngây thơ như thế thời này nổi lên như cát bụi, họ cũng khôn lắm, không lừa nhiều tiền đâu, mỗi lần chỉ độ năm, bảy chục bạc, nhưng người nào mê quá thì cũng có thể cúng dường một, vài ngàn, hai bên đều thuận mua, vừa bán, không ai kêu ca cả. Đồng thời, cả hai đều vui vẻ, một đằng bán ảo tưởng để lấy tiền, một đằng mua lấy ảo tưởng để có được một chút bình an trong tâm hồn.

Tất cả những “ca” như thế, phần lớn các tà sư đều bị quỉ nhiếp trì cả. Nhưng thứ quỉ này cũng chỉ là quỉ nhỏ thôi, quỷ cho tà sư một vài biện tài lăng nhăng, không phải là loại quỉ lớn như trong kinh kể. Đến khi quỉ chán bỏ đi, thì cả thầy lẫn trò đều sa vào vòng pháp luật, hoặc đều… tiêu tan hết.

Chúng ta là những Phật tử đã biết đọc tụng đại thừa, nên phải có chút trí huệ để hiểu những điều như vậy. Nhưng theo tôi, dù có đi lạc đường, lạc nẻo, đến một kiếp nào đó cũng trở về với đạo Phật mà thôi, chúng ta không có gì phải chống đối cả, nhưng vì thấy thương chúng sanh ngu si, mà phải làm một cuộc hành trình vòng vo quá dài xa cần khổ, mà thời buổi này, những người lãnh đạo tinh thần chân chánh thường hiếm nên chúng ta phải bám vào kinh, nương theo kinh mà đi.

KINH: Như có người bị qỉ nhiếp trì thấy các sự việc tùy nơi người hỏi đều đáp được cả. Cũng vậy, do Bồ Tát trí huệ nhiếp trì nên Thiện Tài được thấy tất cả sự trang nghiêm, nếu có ai hỏi đều đáp được cả.

GIẢNG: Khi qỈ nhập vào người thì nó cho họ một cái lực đồng thời giúp họ có một biệt tài ngôn thuyết, nói rất hay. Thái độ chúng ta là phải nhìn kỹ và nghe nghĩa lý họ nói. Thường thường quỉ nhập vào ai rồi, họ nói năng rất khôn khéo, nói mười phần thì cũng tám, chín phần giống trong kinh, chỉ có một phần sai thôi. Chỉ còn cần phân biệt xem người ấy còn ngã hay không, có thích mọi người lễ lạy nhiều không, có tâm yêu quái thích quyến dụ người khác nghe mình không, có hay khoe khoang những điều tốt mình làm không, nếu có một trong những thứ đó hoặc là có tất cả, thì ta cần cảnh giác, chớ có lò mò vô đó, vì nhiều khi căn cơ còn cạn cợt, chui đầu vô bị lực của người tà sư thu hút thì cũng… hỏng ngay.

KINH: Như có người bị Rồng nhiếp trì…

GIẢNG: Loài rồng tuy là một loài súc sanh, nhưng có nhiều thần thông hơn loài người nên có thể nhiếp trì loài người được.

KINH: Tự cho mình là rồng rồi vào Long Cung, trong thời gian ngắn tự cho là đã trải qua nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm.

GIẢNG: Trong pháp giới này, ta phải biết rằng người rất ít, các quỉ thần khác rất nhiều, đôi khi, vì duyên nợ cũ, các quỉ thần oan ức muốn có một thân người, có nhiều oan khiên với người từ những kiếp trước, nên họ nhập vào một thân người chơi trong một thời gian. Như kiếp trước làm một người nghiện rượu, kiếp này vì nghiệp lực nặng nề, không có được thân người mà phải mang một thân loài quỉ, nhưng chủng tử nghiện rượu vẫn còn, họ muốn có thân người để được uống rượu, vì chỉ ngửi hơi rượu thì không đủ… đã, nên họ nhập vào người nghiện rượu. Nên pháp giới này hay xảy ra những việc duyên nghiệp chập chùng.

KINH: Cũng vậy, vì trụ Bồ Tát trí huệ, vì Di Lặc Bồ Tát gia trì, nên trong một ít thời gian mà Thiện Tài cho là vô lượng kiếp.

GIẢNG: Khi có những thứ gia trì như thế, một là do sức gia trì của Chư Phật, hai là do sức gia trì của Chư Đại Bồ Tát, thì tâm thức của Thiện Tài rung động khác đi, nên vọng tưởng về thời gian cũng khác, có khi kéo sát na rất dài, hoặc một kiếp có thể thu lại chỉ ngắn bằng một sát na thôi. Ngay cả những vị quỉ lớn cũng có thể nhiếp trì quấy phá người tu hành như thế, nhưng không làm được bằng Chư Đại Bồ Tát thôi.

KINH: Như Phạm Thiên Cung tên là Trang Nghiêm Tạng, trong đó hiện tất cả sự vật trong Đại Thiên Thế Giời chẳng tạp loạn nhau.

GIẢNG: Có một điểm ta cũng cần nhớ rằng là trong pháp giới trùng trùng điệp điệp như vậy, nhưng nó không hề tạp loạn nhau bao giờ, mỗi loài chúng sanh ở trên một bình diện tâm thức. Thí dụ như loài quỉ, chúng cũng ở chung với chúng ta đấy chứ, nhưng không bị chạm nhau, hay làm cho pháp giới chật thêm là vì tầng lớp quang minh khác.

KINH: Như cung điện của Thần Dạ Xoa cùng cung điện của người đồng ở một chỗ mà chẳng tạp loạn nhau, đều tùy theo nghiệp nên chỗ thấy chẳng đồng.

GIẢNG: Thần Dạ Xoa (tức là một loài quỉ thần) cũng ở một chỗ với chúng ta mà không bị tạp loạn nhau, sở dĩ ta không nhìn thấy chỉ vì mắt ta còn thô kệch, không nhìn được mức độ quang minh vi tế hơn. Nên phải biết rằng, pháp giới trùng trùng, ẩn hiện ghê gớm, và có nhiều việc chúng ta cứ tưởng chúng ta làm, chúng ta suy tư, nhưng một phần là do quỷ thần tác động vào ta cả, hoặc giúp, hoặc hại, tùy theo nghiệp duyên biến hiện.