NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

QUYỂN HAI

Chương sáu

24 tháng 06, 1990

Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ 111 về kinh Hoa Nghiêm tại chùa này. Trong lần trước, chúng tôi đã giảng đến vị thiện tri thức thứ 40, tức là ngài Thích Nữ Cù Ba, ngày xưa là người vợ Nhân thế thứ hai của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hôm nay sẽ đi tới bà mẹ của đức Phật, tức ngài Ma Gia Phu Nhân, vị thiện tri thức thứ 41.

Từ đây trở đi, Kinh Hoa Nghiêm rất cô đọng, nhưng cũng rất hay. Có những đoạn rất ngắn nhưng rất khó hiểu. Nên từ kỳ sau trở đi, tôi đề nghị quí vị nên mang theo kinh để dễ dàng theo dõi từng chữ một, theo được mạch kinh, và nắm được ý chính dễ dàng hơn.

Các kinh nhà Phật thường dung thông lẫn nhau, nên chúng ta, trong khi giảng Bát Nhã, vẫn có thể giảng Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, duy thức, hay Đại Bảo Tích .v.v… được.

Trước khi đi vào kinh, chúng tôi xin nhắc những điểm chính để quí vị nhớ.

Tất cả giáo lý nhà Phật, là căn cứ trên diệu tâm, căn cứ trên Chân Tâm Diệu Minh. Vậy thì câu hỏi đặt ra là:

“Giữa Bồ Đề Tâm và chân Tâm Diệu Minh khác nhau ra sao?”

Nó cũng là một, cũng là khác, vì Chân tâm diệu minh là chỉ cái khởi đầu, cái bản giác. Còn chúng ta là chúng sanh khởi lên từ chân tâm ấy, do một niệm mê mờ vô thủy, hiện tướng thành chúng sanh và pháp giới này, rồi trôi lăn miên viễn. Nhưng đến một ngày nào đó, do một túc duyên cũ nào, do sự gia trì của chư Phật, do sự huân tập của Chân Tâm, ta bỗng khởi lên một niệm muốn trở về giòng suối nguyên sơ của mình, về chân tâm diệu minh đó. Muốn trở về như thế, hành giả bèn khởi lên cái Bồ Đề Tâm rất lớn. Bồ Đề Tâm tương tự như một trái đào, một phía mầu hồng, phía mầu xanh. Bồ đề tâm bao giờ cũng có hai mặt, một mặt là Bát Nhã, mặt là Đại Bi. Trái đào đó, hành giả nuôi lớn dần lên rồi sẽ thể nhập Chân Tâm Diệu Minh, lúc đó hành giả sẽ đồng nhất hóa với chân tâm diệu minh và trôi vào biển Diệu Giác Vô Sở Đắc. Cái chân tâm diệu minh ấy, vừa diệu, vừa minh. Minh là trong sáng tuyệt vời, khi một hành giả tu hành đến chỗ Bát Nhã thì lúc đó hành giả làm thâm nhập cái hư minh của mình và cái Minh trong sáng tuyệt vời kia. Còn diệu là khả năng ghê gớm kỳ diệu của Tâm ấy, nó có thể phan theo các duyên, hóa hiện tất cả sắc tướng, vì thế gọi là Diệu. Tâm ấy, không những trong sáng gọi là Minh rồi, đồng thời nó có cái diệu dụng lạ lùng là khởi lên mọi hình tướng trong pháp giới này, vì thế gọi là kỳ diệu. Phàm phu chúng ta, cũng khởi từ diệu tâm ấy, nhưng vì một niệm mê mờ vô thủy, ta quên mất cái diệu, không biết rằng mình có cái khả năng biến hóa kỳ diệu đó, chỉ giữ lại một chút minh, mà minh đó lại tụt xuống thành hư minh, chứ không phải còn là cái Minh trong sáng tuyệt vời. Tu hành có nghĩa là phục hồi lại cái Minh và Diệu ấy, vì vậy, giáo lý nhà Phật là giáo lý của sự biến hóa không lường, không tận, không bao giờ ngừng.

Cái Diệu đó sau sẽ thành Đại Bi, còn hư minh kia sau sẽ thành Bát Nhã. Vì vậy, người tu hành tiên quyết là phải có bát nhã và đại bi, còn không thì chỉ là tu theo tà ma ngoại đạo, không thể nhập vào Chân tâm diệu minh được.

Khi quí vị đọc bất cứ kinh nào mà thấy thông suốt, không vướng thì quí vị đi đúng đường. Vì vậy, tôi mới nhấn mạnh đến cái điểm thông suốt ấy.

Đó là điểm cần phải nhớ. Vì có những vị tu học suốt hai, ba mươi năm, mà chỉ biết nói đến bát nhã thôi, quên mất tâm đại bi, hay ngược lại, chỉ nói đại bi mà quên nói bát nhã, thì đó vẫn còn là một điều thiếu sót. Nên tu hành như vậy vẫn chưa đúng với bản hoài Chư Phật, giống như một người đi bằng hai cái nạng, mà tự vất đi một nạng, chỉ dơ cao một nạng còn lại, rồi dạy những người khác chỉ đi một nạng, thì suốt đời đi lệch lạc, loạng quạng mà không đến chỗ tuyệt vời được.

Các vị thiền sư ngày nay dễ vướng vào ngữ lục nhà thiền, thích nói Bát Nhã quên mặt Đại Bi. Chính mình quên thì còn đỡ, mà đi dạy người khác một pháp môn còn thiếu sót thì quả là một sự đáng tiếc.

Bây giờ xin trở về kinh…

Vừa rồi, chúng ta vừa tụng phẩm kinh về thập địa, đến chỗ đệ cửu địa tức là Thiện Huệ địa, và đệ thập địa tức là Pháp Vân địa. Ở đây, các vị Bồ Tát luôn luôn chuyên tâm về sự thuyết pháp, nhưng không phải như người thường thuyết pháp. Các ngài thường ngồi bất động mà chỉ dùng tâm lực của mình phổ vào những lỗ chân lông để khởi lên những diệu âm, hoặc phổ vào cỏ cây, dòng nước , núi non v.v.. trong cả một đại thiên thế giới, để tất cả những thứ đó điều phát ra tiếng pháp, hoặc nói tứ đế, hoặc nói thập nhị nhân duyên, hay nói về Bồ Tát hạnh v.v… Như vậy, ta thấy rõ rằng tất cả pháp giới đều chỉ là biến hiện, đều chỉ là do tâm của vị Bồ Tát đó, và tâm ấy càng cao bao nhiêu lại càng dễ dàng chuyển vật bấy nhiêu. Chúng ta chưa thể vận dụng cái tâm ấy được, nên vì vậy, cây kia thường chỉ phát ra tiếng xào xạc của gió thổi, còn một vị Bồ Tát lớn, khi ngài phổ thần lực thì cây cỏ kia cũng phát ra tiếng pháp… Vì vậy, ở địa thứ chín này, trong kinh có giảng rất nhiều, rất dài về tứ vô ngại: pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại, và lạc thuyết biện tài vô ngại. Sang đến đệ thập địa tức là Pháp Vân Địa, chúng ta thấy rằng, vị đại Bồ Tát đó sắp lên thọ chức vị nên ngài ngồi trên một bông đại bửu liên hoa, (bông liên hoa ấy tự nhiên được chiêu cảm mà hiện ra), thân cân xứng với hoa, mà hoa đó thì bao trùm hàng trăm vạn đại thiên thế giới. Vì tâm vị đại Bồ tát ấy lớn như vậy, tâm ngài bao trùm nhiều đại thiên thế giới, nên ngài mới ngồi cân xứng trên bông liên hoa. Trong kinh nói rõ rằng, ngài Pháp Vân Bồ Tát đó, khi các chúng Bồ Tát nghi ngờ thần lực của ngài, thì ngài bèn nhập cơn tam muội khiến các vị Bồ Tát đều thấy rằng mình đang ngồi trong thân của ngài, vì thân trùm khắp hư không. Nếu suy nghĩ kỹ cũng thấy dễ hiểu, khi tâm một bậc Bồ Tát nở lớn ra, thì lúc đó tâm gần như đồng nhất với thân, nên khi ngài mở tâm ngài thật lớn thì tất cả chúng sanh đều ngồi trong thân ngài cả. Như chúng ta, có một cái tâm rất thường và hạn hẹp, nhưng khi ta khởi tâm thương sót đứa con, người chồng hay người vợ, thì tâm ta tự nhiên như bao bọc lấy người ấy, nhưng người đó chưa ngồi hẳn trong tâm ta được thôi, khi nào ta ngồi đây, mà nhớ đến thương sót những người chết đói bên Phi Châu, hay ở Việt Nam, có làng suốt tháng chỉ ăn rau má, nếu chúng ta chỉ nghĩ sơ sơ thôi thì cái tâm ấy chưa ghê gớm lắm, nhưng nghĩ đến độ phải chảy nước mắt, cảm thấy thương sót thật sự, thì cái tâm của chúng ta cũng đã bắt đầu nở lớn hơn một chút. Nên thường lúc đầu đọc kinh, chúng ta hay rơi vào tình trạng ngơ ngác, sau nếu suy nghĩ kỹ thì thấy quả đúng như vậy.

Một điểm nữa mà tôi cũng xin nhắc lại, được sanh lên cõi trời là sanh trong sắc thân của thọ ấm, trong khi được vãng sanh qua Cực Lạc là sanh trong sắc thân dệt bằng quang minh của thức ấm. Vãng sanh lên trời thì gá vào thân một thiên nữ, hoặc gá vào nách, vào bắp đùi, hay tay v.v… để thọ sanh. Còn như thọ sanh bên Cực Lạc là thọ sanh gá vào hoa sen, điểm khác biệt là ở chỗ đó. Ở cõi trời, cái tay, cái nách, bắp đùi v.v… của Thiên nữ vẫn còn hàm chứa vọng tình, vọng tưởng, còn hoa sen thì hoàn toàn không còn vọng tình vọng tưởng, nên mức độ quang minh tâm thức cao hơn. Sở dĩ tôi nói về những thứ này, là muốn quí vị hiểu rằng tu hành là chúng ta phải hiểu và phải tập làm thần linh, phải hiểu những chúng sanh lớn ở mức trên mình, trước hết là những chư Thiên, họ sinh hoạt thế nào, luyến ái ra sao, cư xử với nhau thế nào, ăn uống thế nào, đại, tiểu tiện thế nào, cuộc sống thế nào v.v… rồi trên nữa là những vị Bồ Tát lớn, và nhất là những vị bên Cực Lạc họ sinh hoạt ra sao? Những điều đó, ta phải hiểu rõ, để mỗi ngày ta suy tư một ít, dần dần nhập được vào tập quán ấy, khi nhập được tập quán ấy phần nào thì có nhiều cơ hội được vãng sanh. Hiểu và suy tư như vậy, cái đó giúp cho “quán lực” của chúng ta, còn về việc niệm Phật là giúp cho “niệm lực” của ta. Hai cái đó dung thông lẫn nhau, tương trợ nhau thì càng tốt hơn nữa.

Hôm nay, trở về phẩm nhập pháp giới, tôi xin đi vào vị thiện tri thức thứ 41, tức là ngài Ma Gia Phu Nhân. Vị thiện trí thức này có thể là một bậc ở Pháp Vân Địa, hay bậc Đẳng Giác, tên ngài là Ma Gia tiếng Ấn là Maya có nghĩa là Huyễn. Người đàn bà mang thai chư Phật, để chư Phật có phương tiện hiện ra nơi đời này, bà tên là Huyễn, cho chúng ta thấy rằng, tất cả các pháp đều là huyễn, bụng của ngài tức là pháp giới này, mà khi pháp giới huyễn, làm phát hiện ra một nhân vật rất lớn, nhân vật này cũng là huyễn, dạy chúng sanh huyễn, nhưng khi dạy chúng sanh huyễn đến một mức độ nào đó, khi đã đi đến tột bờ mé thì cái huyễn ấy chuyển thành thực, lúc đó chúng sanh sẽ vào được thực tướng. Vì vậy, trong kinh Đại Bát Niết Bàn có dạy: “Tất cả các pháp đều là hư nhưng có thể được thực.” Cái thực này mới thật là bền vững, lâu dài, là thường, là an lạc, phi ngã, phi vô ngã, đồng thời rất tịch tĩnh.

Trong kinh, mọi thứ danh từ đều có ý nghĩa. Ngài Ma Gia từ vô lượng kiếp phát nguyện xin mang trí huyễn và cái thân huyễn của mình để mang thai Phật.

Đây, xin quí vị nghe ngài Thiện Tài đi lần đến gặp Ma Gia phu nhân…

KINH: Thiện Tài nhất tâm muốn đến chỗ Ma Gia Phu Nhơn, tức thời chứng được trí quán Phật cảnh giới.

GIẢNG: Lúc bấy giờ đường tu của Thiện Tài đã cao quá rồi, quán không và quán giả đã thành thục, nên khi nhất tâm khởi một niệm thì ngài được sự chứng đắc ngay. Nên tức thời chứng được trí quán Phật cảnh giới. “Trí quản Phật cảnh giới” là gì? Phật cảnh giới là tất cả những cảnh giới hiện ra ở thế gian này, thí dụ như cái cây cũng là Phật cảnh giới, nhưng đối với con mắt thịt, ta chỉ cho là cái cây thôi. Còn đối với các ngài, thì các ngài trông thấy tất cả những quang minh vi tế của nó, ở mức tâm sâu thẳm và trong đó có vô lượng các cõi, vô lượng Chư Phật thuyết pháp, vô lượng chúng sanh… Nói một cách nôm na dễ hiểu, lúc bấy giờ ngài Thiện Tài đã có pháp nhãn, thấy những quang minh hư vô vi tế, thấy ngay những quang minh nơi bờ mé diệu tâm. Phàm phu chúng ta khi nhìn một vật, như cái bàn chẳng hạn, thì ta chỉ cho đó là một cái bàn có thể dùng để đọc sách hay để viết, cũng có thể chẻ ra để làm củi đốt v.v…, nhưng ngược lại, dưới pháp nhãn của các ngài, đó là một tinh hà gồm vô lượng thiên thể… Nhưng lúc bấy giờ ngài Thiện Tài cũng rất băn khoăn, vừa đi vừa nghĩ rằng..

KINH: Thiện Tài tự nghĩ rằng, thiện tri thức này xa lìa thế gian an trú nơi vô sở trụ, siêu quá sáu trần, lìa tất cả chấp trước…

GIẢNG: Ngài Ma Gia đã xa lìa tất cả thế gian rồi, “siêu quả sáu trần” (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Tất cả những thứ ấy đều không dính mắc vào ngài, vì những thứ này là những pháp có hình tướng, còn cái pháp cuối cùng là “pháp,” đối tượng của ý thức, thì cái đó nó là “vô biểu sắc,” nó có hình tướng, nhưng nhục nhãn không nhìn thấy được, mà chỉ có thiên nhãn mới thấy mà thôi. Ngài Ma Gia đã siêu quá các thứ ấy, mặc dù ngài vẫn nhìn thấy, mà sáu thứ ấy không thể dính vào ngài.

KINH: Lìa tất cả những chấp trước…

GIẢNG: Chấp trước có, không, đoạn, thường, lai, khứ, đồng, dị v.v…

KINH: Biết đạo vô ngại…

GIẢNG: Biết cái pháp thân đó và khởi diệu dụng vô ngại, muốn nó nở biến hiện ra sao thì ra, tùy theo tâm niệm của ngài. Còn chúng ta không có cái gì là “vô ngại” cả, muốn thế này, nó lại ra thế khác, nên gọi là “lưu ngại.”

KINH: Đủ pháp thân thanh tịnh, dùng nghiệp như huyễn mà hiện hóa thân…

GIẢNG: Nghiệp đây thực ra không phải là nghiệp vì nó là huyễn, vì vậy, ngài dùng tâm niệm và thần lực như huyễn của ngài, trí như huyễn mà hiện các thứ hóa thân. Hóa thân thường hiện là do lòng đại bi bình đẳng.

KINH: Dùng trí như huyễn mà quán thế gian…

GIẢNG: Nhìn tất cả thế gian đều thấy là huyễn mộng cả. Không biết quí vị có những lúc xuất thần không, đôi khi tôi có những lúc nằm nghỉ, hốt nhiên thấy như chung quanh chẳng có gì cả, mà tất cả chỉ là những ảnh tượng chiêu cảm khởi lên như vậy thôi, nếu tâm ta chuyển thì ảnh tượng lại khác đi ngay. Vì những cái đó tương Ưng đúng với nghiệp hiện hành của ta nên mới thấy như vậy. Hoặc nhiều khi tôi đi xe bus, bỗng nhiên nghe tiếng người cười nói, lúc ấy tôi có cái cảm giác đó chỉ là một tiếng vang chứ không phải thực có. Dần dần, đôi lúc nhìn những người thân thuộc của mình, tôi hơi ngơ ngác, thấy hình như họ hiện lên chứ không phải thực có bằng xương bằng thịt, vì khi còn nhân duyên thì hiện lên, khi hết lại biến mất…

KINH: Dùng nguyện như huyễn mà giữ gìn thân Phật…

GIẢNG: Ngài có cái nguyện là: “Từ đây cho đến tột kiếp vị lai, khi vị Bồ Tất tối hậu thân, thị hiện thọ sanh xuống nhân gian để thành Phật, tôi xin mang cái thân huyễn này cho các ngài gá vào,” để người thế gian nghĩ rằng, vị Phật này cũng do một người đàn bà sanh ra rồi tu được thành Phật thì người thế gian chúng mình cũng có thể tu thành Phật được. Nên cái huyễn này, nhập vào cái huyễn kia, sinh ra một cái huyễn khác làm ích lợi độ cho tất cả chúng sanh. Còn chúng ta làm những việc thường không có gì ích lợi cho ai mấy, ngay cả cái lợi cho chính thân tâm mình cũng không có.

KINH: Theo thân ý thân…

GIẢNG: Trong tam muội nhạo ý sanh thân, là thân ấy khởi lên không phải do nghiệp, mà do tâm niệm, do ý của vị đó muốn độ sanh nên hiện ra thân ấy, gọi là ý sanh thân, thì cũng giống như chữ “theo thân ý thân” vậy.

KINH: Không thân sanh diệt…

GIẢNG: Không phải thân do nghiệp, nên không bị sanh, diệt chi phối.

KINH: Không thân lai khứ…

GIẢNG: Thân không đến, đi mà chỉ hiện ra thôi. Lúc đầu nghe những điều này thì cứ thấy nó vương vướng thế nào. Tỷ dụ như nhìn một đứa con, thấy rõ ràng nó có sinh ra, nó đến với mình, ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm phiền mình, gây cho mình những đau khổ hay sung sướng, tất cả điều đó đều rất thật. Nhưng nếu quí vị cứ chịu khó suy tư lâu ngày thì thấy, quả đúng là nó chỉ hiện ra vậy thôi, không có đi có đến đâu, và khi nghiệp hết, tự nhiên nó bặt đi, tắt mất.

KINH: Chẳng phải thân như thiệt…

GIẢNG: Thân không phải là hư, cũng chẳng phải là thật, vì nó chỉ là ảnh tượng chiêu cảm của nghiệp lực.

KINH: Thân chẳng biến hoại, thân không khởi tận…

GIẢNG: Nó không có khởi, không tận, vì nó là biến hiện.

KINH: Có bao nhiêu tướng đều là thân một tướng…

GIẢNG: Ngài Ma Gia có hiện bao nhiêu thân chăng nữa cũng vẫn là một tướng, tướng đó là cái thân không thân, là pháp thân.

KINH: Thân rời hai bên…

GIẢNG: Thân rời hai bên là thân rời cả có, không, đoạn, thường, sanh, diệt, lai, khứ v.v…

KINH: Thân không chỗ tựa nương…

GIẢNG: Là không nương tựa vào đâu cả… Nếu suy nghĩ kỹ thấy thật bàng hoàng, như quả đất nặng chình chịch thế này, lềnh bềnh giữa hư không thì nó nương vào cái gì? không ai tìm ra được là nó nương vào đâu cả. Khoa học tạm giải thích rằng nó là do sức gravitation, đó là giả thuyết khoa học do Newton nghĩ ra là có cái này hút cái kia, nhưng cũng … chưa chắc rốt ráo đúng. Nên khi hiểu rõ về cái tâm mới thây rất lạ. Ngày xưa, vị Vua hỏi một vị thiền sư rằng: “Mây bay trên trời, mấy nương vào đâu?” Suy nghĩ lâu sẽ thấy đáp số cuối cùng là: Tất cả những cái hình tướng đều nương vào cái tâm vô hình cả.

KINH: Biết thân như mộng, như tượng trong gương…

GIẢNG: Tất cả kinh, chỗ nào cũng nói như vậy, hiểu được thì hiểu, tin hay không cũng … đành chịu, không có cách gì giải một cách rõ ràng theo ý thức phân biệt của phàm phu được, vì đó là chỗ bất khả ngôn thuyết.

KINH: Thân như tịnh nhật, thân hóa hiện khắp mười phương, thân ở tam thế không đổi khác…

GIẢNG: Tam thế là ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai, không đổi khác. Những hình tướng theo nhục nhãn của chúng sinh nhìn thấy nó có đổi khác, nhưng khi dùng Phật nhãn, hoặc pháp nhãn thì sẽ thấy chân tâm đó, pháp thân ấy không có đổi. Mà sự đổi ấy không phải là do vật đổi, mà chính là do tâm chúng sanh động nên mới thấy đổi. Con người già đi là do cái tâm giao động bập bềnh, chấp là có sinh ra, có lớn lên, rồi già đi. Ngay cả những chuyển biến thời tiết trong thế gian này, như Xuân, hạ, thu, đông v.v… cũng là do tâm chúng sanh động mà thấy như thế, chính thật mọi sự đều an nhiên tịch tĩnh, không hề thay đổi. Bí ẩn là ở chỗ đó, đạo Phật không thèm nói gì khác, dù cho khoa học có đầy đủ những dụng cụ thí nghiệm và săm soi tìm cầu vũ trụ này đến cái điểm cuối cùng… cũng chỉ là quanh quẩn như con kiến bò trên miệng chén, thỉnh thoảng khám phá ra được một điều gì thì vội cho là rốt ráo, nhưng vài năm sau lại thấy nó có vẻ không còn đúng nữa, nên cứ lúc nào cũng quanh quẫn, mà không bao giờ ra khỏi được vòng luẩn quẩn ấy. Đạo Phật chỉ tuyên bố một câu thôi là: “Vì cái tâm chúng sanh động, nên pháp giới treo trên đầu một sợi lông, trên đầu một tâm niệm…”

Mới đây, khoa học mới tung lên một viễn vọng kính rất lớn, mà các khoa học gia ham hố hung hăng lắm, chủ quan cho rằng với viễn vọng kính tối tân ấy, người ta có thể nhìn thấy rõ được những hố đen (black hole) trong không gian, rồi từ đó sẽ tìm được nguyên nhân của vũ trụ này. Nhưng … khó có thể được. Vì viễn vọng kính ấy không soi được gì mấy, chỉ có thể nhìn thấy xa hơn một chút thôi, chứ pháp giới này làm sao có thể soi được hết? Và chỉ có tâm mới soi được hết mà thôi. Khi tâm một hành giả lên đến Pháp Vân địa, địa thứ mười, ngồi trên bông liên hoa bao trùm cả pháp giới, trong đó không có một chúng sanh đau khổ nào, không một tinh hà nào thành, trụ, hoại, không, hoặc không có một tâm niệm hay hạt bụi nào dấy lên mà vị Bồ Tát ấy không biết, thì lúc bây giờ mới có thể hiểu được pháp giới trọn vẹn. Chứ còn những viễn vọng kính của khoa học chỉ giúp ta nhìn xa hơn một chút mà thôi, và những điều ấy vẫn nằm trong vòng vọng thức, vẫn là những vọng tưởng. Tỷ dụ như trái táo của Newton rớt xuống, với tốc độ mỗi lúc mỗi gia tăng, thì sau này nó thành định luật mà tất cả khoa-học đều công nhận. Nhưng định luật ấy chỉ đúng với mức độ chung của vọng tưởng cộng nghiệp của chúng sanh trong thế giới này thôi, và nếu tất cả tâm chúng sanh trong cõi Ta Bà này đều chuyển hết, lên cao hơn, thì lúc ấy luật Newton không còn đúng nữa, vì y báo và chánh báo cũng chuyển theo, và cao hơn.

Ngày xưa, Newton cho rằng không gian rộng lớn theo bề thẳng tắp, nhưng đến thời kỳ Einstein thì ông lại bảo rằng, không gian cong và không có gì vượt qua thế tốc độ ánh sáng được. Ngày nay, khoa học lại nói khác, nói rằng có những vật đi nhanh hơn ánh sáng. Song khoa học chưa có thể hiểu rằng có một thứ đi nhanh hơn ánh sáng rất nhiều đó là quang minh của tâm thức.

KINH: Thân tam thế không đổi khác…

GIẢNG: “Thân ở tam thế không đổi khác” chỉ có một câu nói thôi mà suy nghĩ có thể một kiếp cũng chưa ra, đại khái có nghĩa rằng, trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lại, thân không đổi khác.

KINH: Thân chẳng phải thân tâm, dường như hư không chỗ đi vô ngại, siêu thế gian nhãn, chỉ tịnh nhãn của Phổ Hiền mới thấy được.

GIẢNG: Phải đến pháp nhãn của bực Phổ Hiền mới thấy được. Ngài Phổ Hiền gần như Phật rồi.

Sau khi Thiện Tài vừa đi, vừa suy nghĩ băn khoăn thế, thì có ba vị thần lần lượt hiện ra.

KINH: Hạng người như vậy, tôi làm sao được thân cận để kính thờ cúng dường (Thiện Tài nghĩ như vậy), để được cùng ở hầu quán sát dung mạo, nghe tiếng nói, suy nghĩ lời dạy và nhận lãnh.

GIẢNG: “Quán sát dung mạo” để tăng trưởng thiện căn, còn cần “nghe tiếng nói” để suy nghĩ đến lời dạy của các ngài. Trong khi Thiện Tài đương băn khoăn như vậy thì có một vị chủ Thành Thần hiện ra đầu tiên.

KINH: Bấy giờ có Chủ Thành Thần tên là Bửu Nhãn, quyến thuộc vây quanh, hiện thân trên không trung, tay cầm những bửu hoa nhiều màu rải trên mình Thiện Tài mà bảo rằng…

GIẢNG: Có vị Chủ Thành Thần, tức là vị thần giữ cái thành trì về tâm địa. Vị này tên là Bửu Nhãn, tức là pháp nhãn, ở đoạn kinh này, nhấn mạnh về vấn đề nhãn lực, cùng đạo lực của mắt. Ngài cầm hoa rải lên người Thiện Tài, có ý tán thán ca ngợi sự cố gắng tu hành của Thiện Tài. Sau đó ngài khuyên…

KINH: Này thiện nam tử, phải giữ gìn tâm thành, nghĩa là chẳng tham tất cả cảnh giới.

GIẢNG: Phải giữ tâm không tham đắm tất cả những cảnh giới, dù là cảnh giới thế gian hay chư Thiên, hoặc cảnh giới siêu xuất đến đâu cũng vậy. Vì sao? vì tham đắm là dừng chân ở đó, không thể vượt lên trên được, không nhập vào biển diệu tâm được.

KINH: Phải trang nghiêm tâm thành, nghĩa là chuyên ý xu cầu Phật thập lực.

GIẢNG: Lúc nào cũng phải nghĩ đến Phật thập lực. Cũng như tôi đã nói ở đây nhiều lần, lúc nào cũng phải tư duy, ao ước được đi dự những hải hội nhiệm mầu, phải nghĩ đến sau này chúng ta sẽ đến mức độ Chuyển Luân Vương (nếu là một thiện nam) hay Bửu Nữ (tín nữ), thì trong những lúc thối thất, chán nản vẫn có sức tiến lên. Nên người tu lúc nào cũng phải nghĩ đến thập lực của Chư Phật, (tức là nhập pháp giới trọn vẹn) thì dù con đường còn dài xa cần khổ, nhưng chúng ta vẫn có sức tinh tấn tiến lên.

KINH: Phải thanh lương tâm thành, nghĩa là tư duy thật tánh của tất cả các pháp.

GIẢNG: Tức là tư duy cái chân như, pháp thân ấy. Vì chỉ có cái đó làm cho ta sống, và là nguồn gốc làm cho ta tồn tại. Ngoài ra những gì có hình tướng đều sẽ rơi rớt lả tả như cánh hoa Đào vậy.

KINH: Phải tăng trưởng tâm thành, nghĩa là làm xong tất cả pháp trợ đạo.

GIẢNG: Tức là tu hết ba mươi bảy phẩm trợ đạo, có được tinh tấn, niệm, định, huệ, giới, v.v… rút lại vẫn chỉ là Bát Nhã và Đại Bi.

KINH: Phải nghiêm sức tâm thành, nghĩa là tạo lập cung điện thiền định giải thoát.

GIẢNG: Tức là phải thiền định, vào những cơn định lớn, mà những cơn định đó là những cơn định giải thoát, không phải là thiền định tu tập để cầu một ít sức khỏe, hay thần thông. Những cơn thiền định đó, trong kinh gọi là những cung điện. Vì khi vào trong thiền định ấy, hành giả thấy mình như ở trong một cung điện nguy nga, nhiều tự tại lực đồng thời chiêu cảm y báo trang nghiêm lộng lẫy hơn nhiều.

KINH: Phải chiếu diệu tâm thành, nghĩa là vào khắp tấi cả Phật đạo tràng nghe lãnh pháp ba la mật.

GIẢNG: Trong kinh Hoa Nghiêm, khi nói Bát nhã ba la mật tức là đồng thời có Đại bi.

KINH: Phải kiên cố tâm thành, nghĩa là hằng siêng tu tập hạnh nguyện Phổ Hiền. Phải phòng hộ tâm thành, nghĩa là thường chuyên ngăn ngừa ác hữu và ma quân.

GIẢNG: Phải luôn giữ tâm thành, giữ tâm luôn luôn niệm niệm ly, đồng thời đầy đủ hạnh nguyện độ sanh. Đoạn này nói cũng dễ hiểu nên tôi xin đọc lược qua…

KINH: Phải rỗng suốt tâm thành,… phải bồi bổ tâm thành…, phải phò trợ tâm thành…, phải rộng rãi tâm thành…, phải mở cửa tâm thành…

GIẢNG: “Phải mở cửa tâm thành…” tâm không bao giờ bi hạn cuộc bởi cái gì, vì nếu để hạn cuộc thì chỉ mỗi cái đó thôi còn mất tất cả những thứ khác. Như hạn cuộc vào đồng tiền thì chỉ được đồng tiền ấy thôi, mà sẽ mất tất cả cái khác, đến lúc cơ duyên hết, thì ngay cả đồng tiền ấy cũng mất. Hay hạn cuộc vào hư danh, như làm một điều gì tốt mà còn hãnh diện, vênh vang, nghĩ đến hư danh đã có được do hành động mình làm thì công đức cũng kém đi, tự nhiên nó hữu hạn, rồi sau nó hết thì chẳng còn gì. Nhưng nếu tâm không cuộc vào hư danh, làm vì người khác, vì lòng từ bi bình đẳng để độ sanh, và để trang nghiêm pháp giới, thì công đức lại vô cùng vô tận.

KINH: Phải biết tâm thành như huyễn, nghĩa là dùng nhất thiết trí biết rõ những pháp tánh. Này thiện nam tử, đại Bồ Tát do lìa những chướng nạn như vậy, nếu phát tâm mong cầu thiện tri thức, chẳng cần dùng công lực, bèn được thấy. Nhẫn đến rốt ráo tất sẽ thành Phật.

GIẢNG: Đó là lời của ngài Chủ Thành Thần Bửu Nhãn. Tên ngài là muốn nhấn mạnh ở cái mắt. Bây giờ đến vị thần thứ hai, có hai vị nữa hiện ra, những vị này nhấn mạnh ở cái khác.

KINH: Bấy giờ có Thân Chúng Thần tên là Liên Hoa Pháp Đức và Diệu Hoa Quang Minh, vô lượng Chư Thần vây quanh sau trước, ra khỏi đạo tràng dừng ở không trung trước mặt Thiện Tài dùng diệu âm thanh ca ngợi Ma Gia phu nhơn, từ bông tai phóng lưới quang minh vô lượng sắc tướng chiếu khắp vô biên thế giới mười phương, cho Thiện Tài thấy tất cả Chư Phật. Lưới quang minh đó hữu nhiễu thế gian giáp một vòng rồi xoay về chiếu lên đỉnh đầu Thiện Tài và vào khắp lỗ lông trên thân Thiện Tài.

GIẢNG: Phần nhiều các quang minh mà chư Phật phóng đến chiếu nơi đầu và vào những lỗ lông. Hai vị Thân Chúng Thần này (Thân chúng Thần chính tôi cũng không hiểu là gì, nhưng tôi có đọc một cuốn sách cụ Tuyên Hóa nói rằng thân chúng thần là vị thần có nhiều thân, thì chúng ta cũng tạm nhận như thế thôi. Hai vị thần này có vô lượng chư thần vây quanh, các ngài dùng diệu âm thanh ca ngợi Ma Gia phu nhân, rồi từ bông tai các vị thần ấy phóng ra lưới quang minh chiếu khắp mười phương thế giới, cho Thiện Tài thấy tất cả Chư Phật. Chỗ này, muốn giảng rõ, tôi phải giảng qua Lăng Nghiêm một chút. Hai vị Thân Chúng Thần này phóng quang minh từ tai, muốn nhấn mạnh ở tai. Trong Lăng Nghiêm, Phật dạy, cái tai nó cuốn lại giống như hình cái lá, còn mắt giống như hạt bồ đào… Cho chúng ta hiểu rằng, tất cả mọi vật trên đời này đều kết lại bằng nhưng cơn lốc quang minh xoáy tròn mà thành, từ con ốc nhỏ ngoài bể cho đến giải tinh hà đều đi theo con (lường xoáy trôn ốc ấy. Gần hơn nữa, thì ngay các căn trong thân chúng ta cũng đều xoáy lại. Trong sáu căn của ta, cái căn mãnh lợi nhất và vô hình tướng đó là cái ý thức, còn năm căn kia, có hai căn mãnh lợi đó là cái mắt cái tai. Vì thế, hai vị thần này nhấn mạnh tới mắt và tai còn mấy căn khác chưa cần nói đến… Tuy nhiên, khi tu lên cao, cả sáu căn đều không có gì hơn kém,vì tất cả đều dung thông vô ngại, cũng từ cái diệu tâm ấy mà nở ra. Trở lại hai vị Thân Chúng Thần, có một điều lạ là hào quang của các ngài từ tai phóng ra, nhập vào đỉnh đầu Thiện Tài và mở các thứ mắt cho Thiện Tài. Đó là một khối bảo giác viên dung (chữ của kinh Lăng Nghiêm), có thể tác động vào tai, nhưng chính là cái mắt được mở ra, vì lên đến mức này, thì các căn đều hỗ dụng… Dùng tai để nhìn, mắt để nghe…

KINH: Liền đó Thiện Tài chứng được tịnh quang minh nhãn,… chứng được ly ế nhãn…, chứng được tịnh huệ nhãn, chứng được tỳ lô giá na nhãn…, chứng được phổ quanh minh nhãn…, chứng được phổ chiếu nhãn…, chứng được phổ cảnh giới nhãn..,v.v…

GIẢNG: Đại khái Thiện Tài chứng được nhiều thứ nhãn, nhưng thực ra gom lại cũng không ra ngoài mấy thứ nhãn chính là thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Các vị này dùng quang minh ở tai để tác động vào Thiện Tài, mà thực ra sức hộ trì này chính là do ngài Ma Gia phu nhơn gia trì qua các vị Thân chúng Thần này, nên Thiện Tài được nhiều thứ nhãn như thế… Sau đó, lại còn vị thần nữa nói rất nhiều điều hay, vị này là La Sát Quỉ Vương.

KINH: Bấy giờ có La Sát Quỷ Vương thủ hộ pháp đường của Bồ Tát..

GIẢNG: Pháp đường của Bồ Tát chính là pháp đường của ngài Ma Gia phu nhơn, thủ hộ bằng vị La Sát Quỉ vương. Nên trong kinh Duy Ma Cật cũng nói rằng, nhiều vị Quỉ Vương là những Đại Bồ Tát thị hiện thọ sanh để hộ trì, hay để làm cho chúng sanh kinh sợ, có khi thị hiện quỉ vương để đến xin người tu hạnh bố thí, như xin đầu, mắt, tủy, não v.v.. Những người đến xin những thứ ấy phần nhiều là vị quỉ vương cả, họ xin để thử xem hạnh bố thí của người tu hành đã được viên mãn, tròn đầy hay chưa. Còn người thường không ai đi xin cái đầu cả. Nên khi nào quí vị tu hành đến mức có người đến xin tay, chân, mắt, đầu v.v.. thì lúc đó, quí vị đã vào mức độ khá cao rồi, mà nếu quí vị tinh tấn dám bước một bước nữa, tức là cho không lo sợ, không tiếc nuối, lúc đó quí vị sẽ có thể đắc một vài tam muội, hoặc đi sâu vào thức tâm thêm một nấc nữa. Đạo Phật, nhiều khi Phật dạy bằng những lời nói rất từ ái, nhưng những hạnh làm đôi khi rất khủng khiếp, khốc liệt, phải bỏ đầu, tay, mắt, vợ, con v.v… tất cả đều phải ly hết, ly vọng tình, vọng tưởng, ngay cả cái ngã cũng phải ly thì mới lên đến mức độ tuyệt vời được, mà khi ly được hết thì lại sẽ được tất cả. Sở dĩ chúng ta hay sợ hãi là vì những tập khí cũ của minh tích lũy từ vô lượng kiếp, mà không thể một ngày, một năm, vài năm nhẫn đến vài kiếp hay vài chục kiếp mà có thể xóa nổi.

KINH: Bấy giờ có La Sát Quỉ Vương thủ hộ pháp đường của Bồ Tát tên là Thiện Nhãn.

GIẢNG: Lúc nào cũng nói đến chuyện phải mở con mắt của mình ra. Nên tên ngài là Thiện Nhãn.

KINH: Cùng quyến thuộc một vạn La Sát câu hội, không trung dùng những hoa đẹp rải lên mình Thiện Tài mà nói rằng, này thiện nam tử, Bồ Tát thành tựu mười pháp thời được thân cận chư thiện tri thức. Đây là mười pháp: Tâm thanh tịnh rời những dua bợ phỉnh dối.

GIẢNG: Rời những dua bợ phỉnh dối là tỷ dụ những cảnh sắc, hương của các pháp, như cái sắc này trông đẹp lắm nhưng chính nó là thứ ảnh tượng dua bợ phỉnh dối, nó cho ta một ảo tưởng đẹp đẽ, để ta trôi lăn theo nó, nên phải tỉnh thức để ly, tóm lại, tất cả vẫn là “niệm niệm ly” thôi. Rồi sau trong mười pháp này, ngài dạy đến các hương, vị v.v… cuối cùng lên đến cái ý. Ngay cả một lời khen ngợi cũng thế, đó chỉ như một tiếng vang mà thôi, đừng nên dính mắc, vì tất cả những thứ đó chỉ khiến ta trôi lăn trong sinh tử. Ngược lại, một câu chửi cũng vậy, nếu ta khởi tâm sân hận, thì nó cũng đưa ta vào trôi lăn sinh tử, nên chúng ta phải lìa cả hai bên.

KINH: Đại bi bình đẳng nhiếp khắp chúng sanh, biết các chúng sanh không có thiệt.

GIẢNG: Lúc nào cũng phải có tâm đại bi bình đẳng, nhưng đồng thời vẫn hiểu rằng chúng sanh không thật có (huyễn), như trong kinh Kim Cang Phật dạy, phải độ tất cả mà vẫn biết rằng tất cả người độ, kẻ được độ và hành vi độ sanh đều chỉ là huyễn hóa.

KINH: Xu hướng nhất thiết trí tâm không thối chuyển. Dùng sức tín giải vào khắp tất cả phật đạo tràng.

GIẢNG: (vẫn là vị La Sát Vương khuyên Thiện Tài làm mười pháp để được thân cận thiện tri thức). “Dùng sức tín giải vào khắp tất cả Phật đạo tràng.” Tỷ dụ như đạo tràng nhỏ bé này, chúng ta đương tụng và giảng Hoa Nghiêm, mà lúc này, trong mọi cõi, cũng có thể ngay tại đây, Chư Phật vẫn đương giảng Hoa Nghiêm mà chúng ta không hay biết, vì các căn nhãn, nhĩ của chúng ta quá thô kệch. Nhưng bây giờ, chúng ta đã có lòng tin đối với những câu kinh Hoa Nghiêm, nên có thể được giải đôi chút, tức là ta đã dùng “sức tín giải” để đi sâu vào đạo tràng Hoa Nghiêm. Nơi nào có người nói, tụ họp nhau để tụng kinh thì nơi đó chính là đạo tràng, và khi vào đạo tràng này, chúng ta có tín, có giải. Khi nào sức tín giải cao hơn nữa thì có thể ta dùng thần thông để đi vào đạo tràng mầu nhiệm thật sự mà các chư Phật thường ngồi diễn nói. Sở dĩ chúng ta chưa thấy, không nghe, không hay, không biết những đạo tràng mầu nhiệm, một là vì còn vướng cái thân này, cái mắt này, không nhìn được quang minh vi tế, nên chỉ có thể dùng sức tín giải để vào đạo tràng thô kệch của Hoa Nghiêm ở đây mà thôi. Nhưng như thế cũng không phải là không có công đức, các công đức đọc tụng kinh ở đạo tràng nhỏ bé này, chính nó sẽ đưa chúng ta đến những hải hội nhiệm mầu ở những kiếp vị lai.

HỎI: Trong kinh luôn nói rằng Phật khai thị, dịch nôm na ra tiếng Việt là mở mắt. Khai thị tri kiến Phật, thì cũng tri (biết), cũng kiến (thấy). Còn trong đoạn kinh này chỉ nhấn mạnh về cái nhãn mà thôi, tức là cái nhãn rất thù thắng. Nhưng sao trong kinh Lăng Nghiêm lại nói nhãn căn chỉ có 800 công đức mà nhĩ căn được đến 1200 công đức?

ĐÁP: Không những trong kinh Lăng Nghiêm nói mà cả trong Pháp Hoa cũng có nói rằng, mắt được 800 công đức, tai thì 1200, mũi được 800, lưỡi 1200, thân 800, và cuối cùng là ý được 1200 công đức. Tại sao lại có những sự khác biệt thế, vì mắt chỉ có nhìn thấy được đằng trước hoặc một ít hai bên thôi, không nhìn thấy được đằng sau, (nếu ta không xoay người lại), còn tai thì dung thông hơn, có thể nghe được bốn phương, tám hướng không ngăn ngại. Ý cũng như vậy, nên công năng và công đức được nhiều hơn. Phần này tôi đã giảng qua nhiều lần rồi, nếu quí vị hào muốn tìm hiểu thêm nên giở Lăng Nghiêm mà đọc vì Phật dạy rất rõ trong đó.

HỎI: Nhưng có phải lên một tầng lớp cao hơn thì nhãn căn lại viên thông không?

ĐÁP: Tùy từng người, thông thường thì nhĩ căn viên thông dễ hơn, vì nó gần tâm hơn. Tuy nhiên, nhãn căn không phải nó không có những khả năng ghê gớm đâu, chỉ là vì nó thường hay đưa chúng ta vào vọng, vì dùng mắt là để chạy theo ngoại vật, còn nhĩ căn có thể nghe vào trong được. Còn lưỡi được 1200 công đức là vì nó có thể nói pháp được, còn cái ý thì ghê gớm hơn nhiều, nó là “công vi thủ, tội vi khôi,”công cũng nhất, mà tội cũng nhất. Đi sâu vào tàng thức rất dễ mà đắm vào vọng cũng không ai hơn được. Còn nhãn căn, nghiệp dĩ phần lớn chỉ dong duổi theo sáu trần, nên hay đưa chúng ta vào vọng. Khi trông thấy màu sắc lung linh, chúng sanh hay khởi tâm ưa thích, không biết rằng nó chỉ là ảo huyễn thôi.

KINH: Đại từ bình đẳng che chở khắp chúng sanh. Dùng trí quang minh chiếu rỗng những vọng cảnh.

GIẢNG: Bao giờ câu trên cũng nói vổ từ tằm (đại bi), câu sau lại nhắc ngay bát nhã, phải dùng trí quang minh để chiếu rỗng những vọng cảnh. Những vị La Sát này lại nhấn mạnh ở chỗ tâm thường tùy thuận chư thiện tri thức.

KINH: Lại này thiện nam tử, Bồ Tát thành tựu mười môn tam muội thời thường hiện thấy chư thiện tri thức. Đây là mười môn tam muội: Thanh tịnh luân pháp không tam muội…

GIẢNG: Đại khái có nhiều thứ tam muội liền thường thấy thiện tri thức lắm, tôi xin đọc lược…

KINH: …Thấy khắp tất cả Phật xuất thế tam muội, …tâm hằng chẳng bỏ thiện tri thức tam muội…

GIẢNG: Trong kinh đặt nặng sự quan trọng về thiện tri thức, vì các vị thiện tri thức trong kinh này lớn quá, các ngài có thể gia trì cho chúng ta rất nhiều.

KINH: Này thiện nam tử, Bồ Tát thành tựu mười môn tam muội này thời thường được thân cận chư thiện tri thức. Lại được môn tam muội thiện tri thức chuyển tất cả Phật pháp luân. Được môn tam muội này rồi thời đều biết chư Phật thể tánh bình đẳng, gặp thiện tri thức mọi nơi.

(bỏ một đoạn kinh…)

La Sát vương nói, này thiện nam tử, ngươi nên đảnh lễ khắp mười phương để cầu thiện tri thức. Nên chánh niệm tư duy tất cả cảnh giới để cầu thiện tri thức. Nên dũng mãnh tự tại du hành khắp mười phương dể cầu thiện tri thức. Nên quán thân, quán tâm như mộng, như ảnh để cầu thiện tri thức.

GIẢNG: Đoạn này, vị La Sát Vương nói rất hay, tôi xin nhắc lại để giảng từng câu một. “Ngươi nên đảnh lễ khắp mười phương để cầu thiện tri thức,” cầu thiện tri thức tức là ta muốn tìm thấy, nhìn thấy cái hình ảnh tuyệt vời hiện lên từ diệu tâm ấy, tất cả mọi cảnh giới như cây, cỏ, núi, sông chúng sanh, hữu tình, vô tình v.v… đều hiện lên từ cái tâm ấy. Chúng ta vì là phàm phu nên chỉ nhìn thấy nó là đá, là sông v.v.., còn các bậc tu hành cao, các ngài nghe được tiếng của sông, của từng cái lá. Như trong “Câu chuyện của dòng sông,” Herman Hess nói con sông ấy là sư phụ của người lái đò ngộ đạo. Nhưng trong kinh thì còn tả cao hơn nhiều, nhìn đâu cũng thấy đó là sự khởi lên của diệu tâm ấy.

Khi ta lặn sâu vào tâm thì tự nhiên có sự đáp ứng, nên vị thiện tri thức sẽ hiện ra gặp gỡ, vì vậy phương nào cũng có thể có thiện tri thức được cả. Tuy vậy, chúng ta cũng phải đi hết chân trời góc bể để tìm cầu thiện tri thức, để làm chín thiện căn làm chín cái tâm ấy, khi tâm tương ưng thì thiện tri thức sẽ tự hiện đến. “Nên chánh niệm tư duy tất cả cảnh giới đề cầu thiện tri thức.” Chánh niệm ớ mức dộ thấp như giư hơi thớ ra, thở vào, biết được rằng hơi thở này là hơi thở ra, hơi thở này là hơi thở vào, hay cao hơn nữa là suy nghĩ về tứ đế: khổ, tập, diệt, đạo v.v… đều là chánh niệm. Nhưng chánh niệm cao siêu nhất là phải nhớ tưởng duy tâm sở hiện, tức là quán huyễn, nhìn bất cứ cảnh gì, người nào, việc gì v.v… xảy đến cho ta đều thấy là huyễn mộng, do nghiệp chiêu cảm. Đến khi chết, ta vẫn nhớ được điều này thì chắc chắn sẽ được vãng sanh. “Nên dũng mãnh tự tại du hành khắp mười phương để cầu thiện tri thức.” Dũng mãnh tự tại để khiến tâm ta vô úy, cho tâm ngày càng tăng trưởng thiện căn, để có thể tương ưng với sự hiện ra của thiện tri thức. “Nên quản thân, quản tâm, như mộng, như ảnh để cầu thiện tri thức.” Coi thân tâm mình như huyễn mộng vậy, nếu cần phải xả thí cũng phải xả thí. Như trong phẩm nhập pháp giới lúc Thiện Tài đến gặp Thắng Nhiệt Bà La Môn, vị này bảo Thiện Tài nhảy vào núi lửa đao kia đi, Thiện Tài cũng nhảy, nhưng đến khi nhảy xuống, lại không chết, ngược lại Thiện Tài đắc ngay mấy môn tam muội… Nhưng đối với chúng ta, vấn đề là chúng ta có … dám nhảy hay không? vì lòng sợ hãi và cái ngã của chúng ta quá sâu dày, kiên cố, trải qua từ vô lượng vô số kiếp, nó kết lại thành một cái núi rất lớn, còn to hơn núi Tu Di nữa thì việc xả thân mạng là một điều … rất khó. Nhưng trong cuốn “Đường về Cực Lạc,” có mấy vị sư Tàu cũng lạ lắm, vị này tu hăng quá, một ngày kia, lên một ngọn núi nhảy xuống tự bỏ báo thân này để xin vãng sanh qua Cực Lạc, nhưng lại không chết (có lẽ núi ấy cũng …không lấy gì làm cao lắm) nhưng vị dám nhảy cũng là hay lắm rồi.

Thực ra, chúng ta chưa vào sâu được thiền định, chứ nếu vào được rồi và nhìn thấy rõ nhịp điệu sinh hoạt tồn tại lâu dài của thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm… thì lúc đó ta sẽ không sợ cái chết của xác thân nữa.

KINH: Thiện Tài y lời làm theo.

GIẢNG: Y lời làm theo là lúc nào cũng chánh niệm duy tâm sở hiện, đồng thời phải coi thân mình như mộng, như ảnh. Ở đây, sự quán chiếu của Thiện Tài cũng cao quá rồi, chắc đến lúc này, ngài đã đến địa thứ sáu, hoặc thứ bảy rồi.

KINH: Tức thời thấy Đại Bửu Liên Hoa từ đất vọt lên: cọng bằng kim cang, diệu bửu làm tàng, ma ni làm cánh, quang minh bửu vương làm đài, hương báu nhiều màu làm tua, vô số lưới báu giăng che phía trên.

GIẢNG: Sau khi Thiện Tài tuân theo lời dạy của vị La Sát Vương tức thời liền thấy một bông đại bửu liên hoa từ dưới đất vọt lên. Chúng ta cũng nên nhớ lại là ở vị thiện tri thức thứ hai tức là ngài Hải Vân ngồi mười hai năm ở bờ bể, chỉ quán có biển thôi, nghĩ rằng có cái nào rộng hơn và sâu hơn cái bể này không? Có cái nào kỳ diệu hơn biển này không? Sau mười hai năm (tức là một chu kỳ viên mãn nào đó) thì tự nhiên dưới bể vọt lên một đóa sen lớn, tức là pháp giới này. Thì trong đoạn kinh này cũng vậy, từ đất vọt lên, tức từ tâm địa của mình nở ra. Tất cả mọi vật trong pháp giới vọt lên cũng như bông hoa, mà gốc của nó là Mạt Na Thức, khởi lên cái ý thức thành thân cây, chẽ năm cành là năm căn, (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân), còn tâm sở của nó đều là hoa, lá. Phải quán chiếu như vậy mới có thể hiểu rõ duy thức. Vì vậy, tôi vẫn thường nói rằng pháp giới mọc lên như một bông hoa vậy, từ con kiến, con giun, hòn đá, loài người v.v… đều là bông hoa, vì từ “tâm địa” đó mọc lên. Như trong kinh Đại Bảo Tích nói, khi một bào thai bắt đầu thành lập, có bao nhiêu phong luân nổi lên, cũng giống như ở ngoài, khi vũ trụ hiện lên thì cũng có bao nhiêu phong luân nổi lên. Nói một cách dễ hiểu, nghĩa là sự thành lập một thân căn cũng tương tự như sự thành lập pháp giới này vậy. Khi phong luân nổi lên, nó xoáy tròn lại, các thứ tinh minh tụ lại ở giữa trở thành bông hoa nở ra. Nên ta phải nhớ một điều, kinh Hoa Nghiêm là kinh của quang minh và diệu âm, của những bông hoa, khi nở ra, lúc cụp lại, lúc nở ra thành chữ “hồng” cụp lại thành chữ “úm.”

KINH: Trên đài sen báu ấy có lâu các đẹp lạ tên là Phổ Nạp Thập Phương Pháp giới tạng trang nghiêm.

GIẢNG: Vẫn là pháp giới này thôi, vì nếu ta có pháp nhãn thì pháp giới này chỗ nào cũng là lâu các, cái nào cũng đẹp, cũng trang nghiêm. Như bông tuyết, nếu soi kính hiển vi ta sẽ thấy sự cấu thành của nó rất đẹp, phải có bàn tay mỹ thuật lắm mới có thể tạo ra được. Một thí dụ khác như chiếc lá cây chẳng hạn, bình thường ai cũng trông thấy nó rất tầm thường, nhưng nếu ta dùng một máy ảnh đặc biệt để chụp, ta sẽ thấy nó cũng phát ra một thứ hào quang riêng của nó. Và ngay cả chúng ta đây, nhiều khi ta thấy mình hôi nhơ, hỉ mũi, rót rãi, đi đại tiện, tiểu tiện v.v… nhưng nếu rọi kỹ thì thấy toàn hào quang cả. Nên tùy theo mắt nhìn mà thấy đẹp hay xấu, thanh tịnh hay hôi nhơ.

Nay chúng ta trở về kinh. Lâu các của ngài Ma Gia phu nhơn đẹp lạ lùng…

KINH: Trong lâu các có tòa như ý bửu liên hoa nghiêm sức với những châu báu..

GIẢNG: Lúc nào kinh cũng ví đến những châu báu, vì nó kết dệt toàn bằng quang minh. Quang minh của tàng thức sơ năng biến.

KINH: Xung quanh bửu tòa này lại có vô lượng bửu tòa. Ma Gia phu nhơn hiện tịnh sắc thân ngồi trên đại bửu tòa ấy: những là sắc thân siêu tam giới, vì đã thoát tất cả loài hữu lậu.

GIẢNG: Sắc thân của Ma Gia Phu Nhơn dệt bằng những quang minh rất vi tế, ra ngoài tam giới, vì những quang minh cõi trần gian này không thể dệt nên được sắc thân ấy. Ngay quang minh của cõi sắc và cõi vô sắc cũng không thể dệt nổi vì quang minh đó quá vi diệu, nó thuộc về thức ấm vi diệu, đồng thời thức ấm ấy cũng gột rất nhiều vọng rồi và gần thành Bạch Tịnh Thức. Muốn hiểu mức độ của sắc thân phải y cứ vào ngũ ấm mới thấy rõ. Biết rõ nó là kiên cố vọng tưởng (sắc ấm), là hư minh (thọ ấm), là dung thông (tưởng ấm), là u uẩn (hành ấm) hay là hư vô vi tế (thức ấm), rồi trong hư vô vi tế ấy phải gột thêm cái phần vọng, chỉ còn lại phần chân thì mới lặn sâu vào đến đáy tầng của thức ấm được. Ở đây, kinh chỉ nói tạm là sắc thân của ngài Ma Gia là siêu tam giới, chứ sau này còn nói đến những sắc thân ghê gớm hơn nữa.

KINH: Sắc thân tùy tâm sở thích, vì với tất cả thế gian không chấp trước.

GIẢNG: Sắc thân ngài “đối hiện” ra, tùy tâm sở thích của chúng sanh, chúng sanh nếu thích thân Phạm Thiên thì ngài hiện thân Phạm Thiên, thích thân Thiên Nữ, thì hiện thân thiên nữ, thân Cung Nữ, thân Trưởng Giả, thân Bà La Môn, Thân Phi Nhơn v.v… ngài đều hiện ra tùy theo sở thích của chúng sanh. Trong tất cả các thân đó ngài không chấp trước, không nghĩ rằng thân nào hơn thân nào, vì thân nào cũng chẳng thiệt, chẳng hư..

KINH: Sắc thân cùng khắp vì bằng số tất cả chúng sạnh..

GIẢNG: Ở đây, kinh tả ngài có thể hóa hiện sắc thân bời bời bằng số tất cả chúng sanh. Sau khi hiện những sắc thân này rồi, nhưng đồng thời, nhờ sức gia trì, ngài Thiện Tài cũng hiện đủ những sắc thân cùng khắp như thế để đối diện với sắc thân của Ma Gia phu nhơn. Tôi xin đọc lược các sắc thân, chúng ta nên theo dõi những danh từ trong kinh…

KINH: Sắc thân không gì sánh bằng vì làm cho chúng sanh diệt trừ kiến chấp điên đảo.

GIẢNG: Sắc thân của các ngài, chúng ta chỉ cần nhìn thôi, bao nhiêu kiến chấp về biên kiến, về không kiến, ngã kiến, thường kiến, đoạn kiến v.v… đều tiêu trừ, không thể áp dụng vào sắc thân này được.

KINH: Sắc thân vô lượng thứ, vì tùy tâm của chúng sanh mà thị hiện…

GIẢNG: Cũng vậy, tâm chúng sanh mong sắc thân thế nào ngài hiện sắc thân như thế. Thí dụ như chúng sanh kia không thích sắc thân nào cả, mà chỉ sợ những vị thần dữ dội, ngài lại hiện vị thần dữ dội ấy, để điều phục cho họ đi vào đường lành thôi.

KINH: …Sắc thân đối hiện khắp nơi, vì tùy nghi mà thị hiện.

GIẢNG: Trong kinh dùng chữ “đối hiện” là đứng trước chúng sanh ấy, thì hiện sắc thân ấy, cho dù có độ mấy ngàn chúng sanh thì ngài cũng hiện làm sao cho mọi chúng sanh đều trông thấy sắc tướng họ thích. Đó gọi là “đại phương tiện thiện xảo độ sanh.” Nên trong kinh luôn nói rằng, khi Phật nói pháp, chúng sanh nào cũng tưởng là Phật nói riêng cho mình, vì sự “đối hiện” ấy, tâm chúng sanh như cái gương, như thế nào thì ngài hiện đúng y như vậy.

KINH: Sắc thân giáo hóa tất cả, vì tùy nghi mà thị hiện. Sắc thân hằng thị hiện, vì tận chúng sanh giới mà vẫn vô tận.

GIẢNG: Sắc thân lúc nào cũng thị hiện. “Tận chúng sanh giới mà vẫn vô tận” không thể nói sắc thân là tận hay vô tận được, vì là hiện ra. Cũng như pháp giới này, không thể nói nó là tận hay vô tận, vì nó là biến hiện. Sắc thân của ngài cũng thế, luôn biến hiện, hằng thị hiện nên không thể nói là tận hay vô tận được. Vì sao? Vì nếu nói tận thì không được vì ngài còn hiện nhiều hình tướng, còn nói là vô tận cũng không được vì khi chúng sanh bặt niệm, không động niệm thì ngài cũng không hiện thân.

KINH: Sắc thân vô khứ, sắc thân vô lai…

GIẢNG: Vì nó không đến, không đi…

KINH: Sắc thân bất sanh, bất diệt…

GIẢNG: Cũng vậy thôi…

KINH: Sắc thân chẳng thiệt, vì được như thiệt…

GIẢNG: Trong kinh nhiều khi dạy một cách rất ẩn mật, như trong kinh Đại Niết Bàn Phật dạy: ” Tất cả cảc pháp đều là hư nhưng có thể được thiệt.” Câu dạy trên của ngài Ma Gia cũng như vậy, tuy là sắc thân chẳng phải thiệt, nhưng khi độ sanh thì vẫn độ được, đồng thời sau này người được độ ấy sẽ đến được đạo bồ đề, nên nó là được như thiệt. Nói thế này, tôi biết quí vị cũng … chưa hiểu rõ đâu, vì nó quanh co như rồng rắn lên mây vậy, nhưng ngoài ra, khó có một lối diễn giảng nào có thể dễ hiểu hơn, quí vị nên về phải suy tư thêm may ra mới hiểu được ít phần.

KINH: Sắc thân chẳng phải hư vì tùy thế gian mà hiện.

GIẢNG: Sắc thân không phải hư vì đó là một sắc thân ngài hiện lên để lợi ích chúng sanh, khiến chúng sanh khởi tâm yêu mến đó mà tu hành nên nó không phải là hư.

KINH: Sắc thân vô động vì lìa sanh diệt, sắc thân bất hoại vì sắc tánh bất hoại, sắc thân vô tướng vì dứt đường ngôn ngữ…

GIẢNG: Sắc thân đó không thể dùng ngôn ngữ nào tả nổi, vì quang minh vi tế quá. Lời nói chỉ là một ngôn ngữ hữu hạn, không thể dùng sự hữu hạn để tả cái vô hạn được. Nên trong kinh hay nói đến chữ “bất khả thuyết” là vậy.

KINH: Sắc thân một tướng vì lấy vô tướng làm tướng.

GIẢNG: Tất cả các hình tướng này, có vô vàn hình tướng khác nhau, nhưng lên đến rốt cùng thì chỉ có một tướng thôi, là không, là vô tướng, từ tâm khởi lên, chứ thật ra nó chẳng có gì cả.

KINH: Sắc thân như tượng vì tùy tâm ứng hiện, sắc thân như huyễn vì huyễn trí sanh ra. Sắc thân như diệm vì chỉ do tưởng mà còn.

GIẢNG: Diệm là ánh sáng mặt trời buổi chiều chiếu xuống đường loang loáng làm ta có cảm tưởng mặt đường ướt nước, đó chỉ là do sự tưởng của ta mà ra. Như khi ta trông đám bụi hào quang kia, từ vô lượng kiếp tưởng nó là người, nhưng đó chỉ là nghiệp duyên biến hiện, khi nào hết nghiệp duyên thì lại biến đi, chứ nó không cố định là gì cả. Cũng như ngay trong giờ phút này, chúng ta đang ngồi trong thân một Bồ Tát lớn, nhưng vì mắt mình thấp kém quá không hay biết gì, còn các vị thần linh lớn thì biết đó là thân Bồ Tát.

KINH: Sắc thân như ảnh, vì tùy nguyện hiện sanh. Sắc thân như mộng, vì tùy tâm mà hiện, sắc thân pháp giới, vì tánh tịnh như hư không.

GIẢNG: “Sắc thân pháp giới” là cái sắc thân đó bao trùm pháp giới, nhập pháp giới.

KINH: Sắc thân đại bi vì thường cứu hộ chúng sanh. Sắc thân vô ngại vì niệm niệm cùng khắp pháp giới.

GIẢNG: Sắc thân đó vô ngại vì niệm niệm đi cùng khắp pháp giới.

KINH: Sắc thân vô biện, sắc thân vô lượng…, sắc thân vô trụ…, sắc thân vô xứ…, sắc thân vô sanh vì huyễn nguyện làm thành.

GIẢNG: Như sắc thân của ngài Ma Gia không thể nói có sanh, có diệt được, mà do sức huyễn của nguyện làm thành.

KINH: Sắc thân như thật, vì định tâm hiện ra.

GIẢNG: Nhưng tuy gọi là huyễn vẫn là như thật, vì do định lực và nguyện lực của ngài hiện ra, sở dĩ có thể nói là như thật vì nó có thể độ sanh, nhưng nó vẫn không phải thiệt thật, vẫn là ảnh tượng huyễn.

KINH: Sắc thân chẳng sanh vì tùy nghiệp của chúng sanh mà xuất hiện.

GIẢNG: Tức là “đối hiện.”

KINH: Sắc thân châu như ý vì khắp thỏa mãn tất cả nguyện cầu của chúng sanh.

GIẢNG: Sắc thân châu như ý là mỗi người nhìn thấy một cách, tùy theo ý chúng sanh mà biến hiện. Hạt châu như ý đó để ở giữa thì tất cả chúng sanh ở chung mà nhìn thấy hạt châu theo sở cầu của riêng mình.

KINH: Sắc thân vô phân biệt, vì chỉ tùy theo chúng sanh phân biệt mà khởi…. Thân như vậy chẳng phải sắc, vì bao nhiêu sắc tướng như ảnh tượng cả.

GIẢNG: Thân đó chẳng phải sắc vì nó là ảnh tượng và đồng thời nó là diệu hữu, không lưu ngại, nên không thể gọi là sắc.

KINH: Sắc thân đó chẳng phải thọ, vì đã diệt hẳn khổ thọ của thế gian.

GIẢNG: Cái sắc thân ấy không dệt bằng thọ ấm, vì nó không có thọ lạc, không có thọ khổ. (Cũng như trong kinh thường hay nói các pháp không thọ, mà mình vẫn nhận pháp ấy, nhưng không khởi vọng tình, nên gọi là pháp không thọ). Nhưng vẫn có thể trừ thọ khổ cho thế gian.

KINH: Chẳng phải tưởng, vì tùy theo chúng sanh tưởng mà hiện.

GIẢNG: Sắc thân đó cũng không dệt nên bằng tưởng ấm, mà chỉ tùy theo chúng sanh tưởng thế nào thì hiện ra như vậy.

KINH: Chẳng phải hành vì nương theo nghiệp như huyễn mà thành tựu.

GIẢNG: Mà sắc thân đó cũng không dệt nên bởi hành ấm vì nương theo trí như huyễn mà thành tựu. Nếu nó là hành ấm thực thì nó phải có ngã, còn nó không có ngã, nó chỉ là huyễn, nó nương theo nguyện lực và sức huyễn của nguyện lực đó mà thành.

KINH: Chẳng phải thức vì nguyện trí không vô tánh của Bồ Tát, vì ngữ ngôn của tất cả chúng sanh đều dứt, vì đã thành tựu thân tịch diệt.

GIẢNG: Sắc thân đó cũng không phải là thức ấm vì trong thức ấm của chúng sanh có cả chân lẫn vọng, mà thân diệu sắc của ngài Ma Gia đã diệt hết vọng, chỉ còn chân thôi, vì vậy nó cao hơn thức ấm.

Tôi xin nhắc lại một chìa khóa căn bản: đó là ngũ ấm giảng nói trong Lăng Nghiêm. Phải hiểu rõ ngũ ấm thì mới biết con đường tiến tu từng thứ bậc đi lên của người tu hành, còn không thì mù mịt, không biết rõ được.

KINH: Bấy giờ Thiện Tài lại thấy Ma Gia phu nhơn tùy theo tâm sở thích của các chúng sanh mà hiện sắc thân siêu quá tất cả thế gian. Những là, hoặc hiện thân siêu quá thiên nữ nơi trời Tha Hóa Tự Tại, nhẫn đến siêu quá thiên nữ nơi trời Tứ Thiên Vương. Hoặc hiện thân siêu quá Long Nữ, nhẫn đến siêu quá Nhơn nữ. Hiện vô lượng sắc thân như vậy để lợi ích chúng sanh.

GIẢNG: Ngài hiện bời bời sắc thân như vậy, tùy loại hiện thân để làm lợi ích chúng sanh.

KINH: Nhóm họp pháp trợ đạo nhất thiết trí hành bình đẳng đàn ba la mật…

GIẢNG: Hiện sắc thân tu đàn ba la mật, tu nhẫn ba la mật, hiện tất cả những sắc thân ấy rồi, thân nào cũng thị hiện tu hành để độ sanh.

KINH:… Thiện Tài thấy Ma Gia phu nhơn hiện diêm phù đề vi trần số môn phương tiện như vậy…

GIẢNG: Tức là hiện diêm phù đề vi trần số thân như vậy để độ sanh. “Diêm Phù Đề” là châu chúng ta đang ở, tức trái đất, và trong đó có bao nhiêu vi trần thì ngài Ma Gia hiện ngần ấy thân như vậy.

KINH: Đúng như số thân của Ma Gia phu nhơn đã hiện, Thiện Tài cũng tự hiện bao nhiều thân ở trước tất cả Ma Gia phu nhơn mà cung kính lễ bái.

GIẢNG: Lúc này con đường tu chứng của ngài Thiện Tài đã cao lắm rồi, đồng thời được sức gia trì, nên ngài có thể hiện vi trần số thân bằng với số thân của Ma Gia phu nhơn mà cung kính lễ bái. Cũng như trong phẩm cuối cùng của Hoa nghiêm, phẩm “mười nguyện Phổ Hiền” cũng dạy như vậy. Tuy bây giờ chúng ta chưa hiện thân được như vậy, nhưng ta nên tập quán chiếu là trong pháp giới, từ chỗ nhỏ nhất như hạt bụi, đến chỗ lớn nhất như các cõi, chỗ nào có Chư Phật thì ta phải dùng tâm tưởng, nghĩ rằng ta hiện thân trước vị Phật ấy để cúng dường. Riêng việc quán đó, công đức đã vô lượng rồi. Tất cả những công đức đều do tâm mà ra, mà nếu tâm tư không chấp trước, không cầu mong thì công đức lại càng vô hạn. Tại sao thế? Vì khi không chấp trước cầu mong, thì tâm ấy an nhiên, tịch tĩnh.

KINH: Tức thời Thiện Tài chứng được vô lượng vô số tam muội, phân biệt quán sát tu hành chứng nhập. Sau khi xuất định, Thiện Tài hữu nhiễu phu nhơn và quyến thuộc của phu nhơn. Đứng chắp tay cung kính thưa rằng. Bạch đại thánh, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát dạy tôi phát tâm vô thượng bồ đề, cầu thiện tri thức để thân cận cúng dường. Ở chỗ mỗi vị thiện tri thức tôi đều kính thờ không bỏ luống, lần lượt đến đây. Xin Đại Thánh vì tôi mà dạy bảo Bồ Tát thế nào học bồ tát hạnh mà được thành tựu.

Ma Gia phu nhơn nói. Này thiện nam tử, ta đã thành tựu môn giải thoát bồ tát đại nguyện trí huyễn, do đây ta thường làm mẹ của Bồ Tát.

GIẢNG: Ngài Ma Gia phu nhơn tu pháp môn như huyễn mà chỉ nguyện rằng, từ đây cho đến tột vị lai tế, khi nào có vị Bồ Tát tối hậu thân xuống Bồ Đề Đạo Tràng ở nơi nào đó, thị hiện đản sanh làm Phật, thì ngài xin làm mẹ của chư vị đó.

KINH: Này thiện nam tử, như ta tại cung vua Tịnh Phạn nơi thành Ca Tỳ La này, từ hông bên hữu sanh Thái Tử Tất Đạt Đa hiện bất tư nghì thần biến tự tại. Như vậy nhẫn đến tận thế giới hải này, tất cả Tỳ Lô Giá Na Như Lai đều vào thân ta mà thị hiện đản sanh tự tại thần biến.

GIẢNG: Tất cả các vị Phật tột đến kiếp vị lai đều gá vào thân ngài mà thị hiện đản sanh.

KINH: Lại này thiện nam tử, lúc ta ở cung vua Tịnh Phạn, lúc Bồ Tát sắp hạ sanh, ta thấy thân của Bồ Tát mỗi mỗi lỗ lông đều phóng quang minh tên là Nhất Thiết Như Lai Thọ Sanh Công Đức Luân.

GIẢNG: Trong mỗi mỗi lỗ lộng những quang minh xoáy tròn từ thân Bồ Tát phóng ra.

KINH: Mỗi mỗi lỗ lông đều hiện bất khả thuyết, bất khả thuyết phật sát vi trần số Bồ Tát thọ sanh trang nghiêm. Những quang minh đó thảy đều chiếu khắp tất cả thế giới, rồi nhập vào đảnh của ta và vào khắp các chân lông…

GIẢNG: Tôi xin nhắc quí vị phần này, và phần của ngài Cù Ba là hai, với bộ kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương nói về đức Quan Thế Âm, luôn luôn nói về lỗ lông. Có những lỗ lông tên là “sái cam lồ,” hoặc nhiều tên khác, lỗ lông nào cũng phóng quang minh, thì ra, theo tôi nghĩ, tất cả mỗi thân hình đều kết bằng vô lượng cơn lốc xoáy trôn ốc để tạo thành những lỗ lông ấy. Trong thân căn chúng ta, có rất nhiều lỗ lông, mà mỗi lỗ lông là một cái “cửa” ra vào của tiều vũ trụ bên trong (thân căn) và đại vũ trụ bên ngoài. Thường thường những quang minh nhóm họp xoáy theo đường vòng trôn ốc thành một lỗ lông.

Khi vị Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni vào thân ngài Ma Gia, theo như trong kinh bên Thanh Văn thừa, nói ngài Ma Gia Phu Nhơn nằm mộng thấy một con voi trắng đi vào. Nhưng nếu nhìn với con mắt pháp nhãn, cao hơn, thì thấy vô lượng những lớp quang minh xuất sanh từ thân của đức Thích Ca Mâu Ni, chiếu khắp các nơi, trụ vào đảnh đầu, và chui vào từng lỗ chân lông của ngài Ma Gia phu nhơn. Và sự diễn nói một sự việc rất nhiều mức độ, từ thấp đến cao. Nên khi đọc kinh, nhiều khi ta hay bị bàng hoàng, thấy kinh có vẻ hay, nhưng lại chưa hiểu rõ nó hay ở chỗ nào. Và người đọc cần suy tư lâu ngày mới mong vỡ ra được đôi chút.

KINH: Lại trong quang minh ấy hiện khắp tất cả danh hiệu của Bồ Tát, cùng thọ sanh, thần biến, cung điện, quyến thuộc, ngũ dục tự vui của Bồ Tát. Trong quang minh lại thấy Bồ Tát xuất gia, đến đạo tràng thành Đẳng Chánh Giác, ngồi tòa sư tử, Bồ Tát vây quanh, các vua chúa cúng dường, vì dại chúng mà chuyển pháp luân.

GIẢNG: Lúc bấy giờ, trong quang minh hiện tất cả tam thế từ khi xuất thai cho đến khi thành Chánh Giác và chuyển pháp luân.

KINH: Này thiện nam tử, lúc diệu quang minh ấy vào thân ta, hình lượng của thân ta dầu chẳng hơn trước, nhưng thật ra thời đã siêu thế gian. Tại sao vậy? Vì lúc đó thân của ta lượng đồng như hư không, đều có thể dung thọ những cung điện trang nghiêm của thập phương Bồ Tát thọ sanh. Lúc Bồ Tát từ cung trời Đâu Xuất sắp giáng thần, có mười Phật sát vi trần số đồng nguyện, đồng hạnh, đồng thiện căn, đồng trang nghiêm, đồng giải thoát, đồng trí huệ, trí lực, pháp thân, nhẫn đến Phổ Hiền thần thông hạnh nguyện thảy đều đồng với Bồ Tát. Vi trần số Bồ Tát này cùng vây quanh.

GIẢNG: Lúc bấy giờ, trong thân ngài Ma Gia, các vị Bồ Tát có thể bước một bước đi qua vô lượng vô số cõi, bất khả thuyết, bất khả thuyết cõi, trong đó vẫn thuyết pháp. Vì vậy, thân ngài lúc đó đồng như hư không dung chứa tất cả vô ngại.

KINH: Chư Bồ Tát ấy ở trong bụng ta du hành tự tại: hoặc dùng Đại Thiên Thế Giới làm một bước, nhẫn đến hoặc dùng bất khả thuyết bất khả thuyết phật sát vi trần số thế giới làm một bước. Lại trong mỗi niệm, chúng hội Bồ Tát ở chỗ Chư Phật Như Lai nơi bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới mười phương, cùng dục giới, sắc giới Chư Thiên Vương, chư Phạm vương vì muốn thấy thần biến của Bồ Tát ở trong thai mẹ để cung kính cúng dường nghe lãnh chánh pháp, nên đều đến vào thân của ta. Dầu trong bụng ta đều có thể dung thọ tất cả chúng hội như vậy, mà thân ta vẫn không lớn thêm, cũng chẳng chật hẹp.

GIẢNG: Khi Đức Phật vào bụng ngài Ma Gia thì tất cả Chư Bồ Tát cũng vào trong ấy để nghe ngài thuyết pháp, và hiện thần biến thế nào.

KINH: Vì ta tu môn giải thoát bồ tát đại nguyện trí huyễn trang nghiêm. Này thiện nam tử, như đức Thế Tôn hiện nay, ta làm mẹ của Ngài, bao nhiêu chư Phật thuở xưa ta cũng làm mẹ như vậy. Này thiện nam tử, thuở xưa, ta từng làm thần ao sen. Bấy giờ có Bồ Tát bỗng nhiên hóa sanh nơi Liên Hoa Tạng, ta liền bồng ẵm, săn sóc nuôi nâng. Thế gian gọi ta là mẹ của Bồ Tát.

GIẢNG: Thuở đó ngài làm thần ao sen, trong ao sen có vị Bồ Tát hóa sanh, do nhân duyên nhiều kiếp nên trông thấy thì cảm thấy trìu mến, thương sót ngay. Sau đó ngài liền ẵm vị Bồ Tát, từ đó về sau, ngài khởi tâm nghĩ muốn làm mẹ của các Bồ Tát. Ở điểm này, chúng ta nên biết rằng, có những thời mà đức Phật hóa sanh trong hoa sen ở nhân gian, chứ không phải cứ lúc nào cũng phải gá thai sanh đâu. Tại sao trong thời này, các ngài không hóa sanh? Hãy nghe trong kinh kể …

KINH: Thuở xưa, ta từng làm thần ao sen. Bấy giờ có Bồ Tát hóa sanh nơi Liên Hoa Tạng, ta liền bồng ẵm săn sóc nuôi nấng. Thế gian gọi ta là mẹ của Bồ Tát. Lại thuở xưa, ta từng là thần Bồ Đề Tràng. Bấy giờ có Bồ Tát bỗng nhiên hóa sanh trong lòng của ta. Người đời ấy cũng gọi ta là mẹ của Bồ Tát. Này thiện nam tử, có vô lượng tối hậu thân Bồ Tát phương tiện thị hiện thọ sanh nơi thế giới này, ta đều làm mẹ của các ngài…

GIẢNG: Cách đây 2500 năm, đức Phật thị hiện thọ sanh, gá vào ngài Ma Gia, để cho những người nhân thế nghĩ rằng, vị Phật đó do người đàn bà sanh ra, tu thành Phật được, thì chúng ta cũng do người đàn bà sanh ra cũng có thể tu thành Phật được. Vì thời này, phước đức cạn mỏng, chỉ co thai sanh thôi. Còn những thời trước, phước đức lớn hơn, người toàn hóa sanh, thì các ngài cũng tùy thuận theo nhân gian mà hóa sanh.

KINH: Này thiện nam tử, như ở trong thế giới Ta Bà này, trong Hiền kiếp…

GIẢNG: Hiền kiếp là kiếp này của chúng ta, còn Trang nghiêm kiếp là kiếp ở quá khứ, kiếp vị lai gọi là tinh tú kiếp. Trong hiền kiếp này, đã có bốn vị Phật ra đời rồi, tức là ngài Câu Lưu Tôn, ngài Câu Na Hàm, ngài Ca Diếp và ngài Thích Ca Mâu Ni. Trong hiền kiếp này, ta đang ở trung kiếp trụ này mới có bốn đức Phật thị hiện nơi đời thôi, mà trong trung kiếp trụ này mới đến tiểu kiếp thứ chín. Hiền Kiếp là một đại kiếp. Đại kiếp gồm bốn trung kiếp là Thành, Trụ, Hoại, Không. Mỗi trung kiếp gồm hai mươi tiểu kiếp, mà một tiểu kiếp dài khoảng mười sáu triệu năm. chúng ta đang ở trung kiếp trụ của Hiền Kiếp. Trong một trung kiếp có hai mươi tiểu kiếp, mà chúng ta đang ở tiểu kiếp thứ chín, và ngài Di Lặc sẽ xuống trần vào tiểu kiếp thứ mười. Đó là những điều cần phải nhớ.

KINH: Như ở thế giới Ta Bà này, trong Hiền Kiếp, quá khứ đức Câu Lưu Tôn Phật, Đức Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Đức Ca Diếp Phật, và Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, hiện nay thị hiện thọ sanh, ta đều làm mẹ, đời vị lai, Di Lặc Bồ Tát từ thiên cung Đâu Suất lúc sắp giáng thần phóng đại quang minh chiếu khắp pháp giới thị hiện thần biến thị hiện thọ sanh cùng chúng Bồ Tát, ta cũng sẽ làm mẹ.

GIẢNG: Sau đó ngài kể một lô các vị Phật, ở đây, tôi xin nhắc rằng, kiếp thứ chín này, chúng ta chỉ có bốn vị Phật ra đời thôi, kiếp thứ mười có một vị Phật là ngài Di Lặc, rồi sau đó bẵng đi mấy tiểu kiếp không có Phật, cho đến kiếp thứ mười lăm có 994 vị Phật ra đời. Đến kiếp thứ hai mươi thì có một vị Phật cuối cùng ra đời đó là ngài Lâu Chí. Tất cả những vị Phật đó thị hiện ra đời thì ngài Ma Gia đều làm mẹ của các ngài.

KINH: Thiện Tài bạch rằng, Đại Thánh được môn giải thoát này đến nay đã bao nhiêu thời gian?

Ma Gia phu nhơn nói, này thiện nam tử, thuở xưa quá bất tư nghì kiếp số, chẳng phải đạo nhãn của bực tối hậu thân Bồ Tát biết được.

GIẢNG: “Bất tư nghì kiếp số” mà dùng đạo nhãn của bậc tối hậu thân Bồ Tát còn chưa biết được, đủ thấy rằng ở mức độ này rất sâu. Có kiếp tên là Tịnh Quang, thế giới tên là Tu Di Đức, năm loài lộn lạo ở chung, trong đó có một vương thành, cai tri bởi chuyển Luân Vương tên là Đại Oai Đức.

KINH: Phía Bắc Vương thành Tự Tại Tràng, có một đạo tràng tên là Mãn Nguyệt Quang Minh. Thần đạo tràng này tên là Từ Đức.

GIẢNG: Vị thần Từ Đức này đứng trên đạo tràng nhìn mãi. Lúc đó, trong đạo tràng có một vị Bồ Tát tối hậu thân sắp thành Phật, nhưng có một con ác ma tên là Kim Sắc Quang tới phá, nhưng vị Phật không dùng thần lực để đuổi, mà chính vua Chuyển Luân Vương lại dùng thần lực của mình để xua ác ma. Lúc đó, vị đạo tràng thần là Tự Đức, trông thấy vua đẹp đẽ quá, khởi tâm mến thích hành động của vua Chuyển luân ấy, và nghĩ rằng người đó là con trai của bà. Từ đó về sau, ngài có nguyện hoài hoài làm mẹ của các vị Phật. Còn vua Chuyển luân ấy sau tu dần thành Đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai. Đó là lời kể của ngài Ma Gia phu nhơn.

KINH: Này thiện nam tử, thế giới này, nơi Đao Lợi Thiên, có Thiên vương tên là Chánh Niệm. Thiên vương có người con gái tên là Thiên Chủ Quang. Ngươi đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo?

Thiện Tài đến thiện cung Đao Lợi…

GIẢNG: Trong kinh nói khơi khơi như thế mà không giải thích Thiện Tài đến Thiên Cung bằng cách nào, có thể là xuất thần thức đến thiên cung, hoặc cũng có thể đem cả báo thân lên thiên cung.

KINH: Đảnh lễ Thiên Nữ Thiên chủ Quang, hữu nhiễu cung kính chắp tay thưa rằng. Bạch đại thánh, tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát thế nào học bồ tát hạnh, thế nào tu bồ tát đạo. Thiên nữ nói, này thiện nam tử, ta được môn Bồ Tát thoát môn tên là Vô ngại niệm thanh tịnh trang nghiêm.

GIẢNG: Vô ngại là không bị ngăn ngại, niệm là nhớ nghĩ. Có nghĩa rằng ngài có được môn tam muội luôn có những niệm nhớ nghĩ thanh tịnh, trang nghiêm một cách vô ngại. Rồi ngài kể cho Thiện Tài nghe, từ vô số kiếp lâu xa về trước, trong kiếp ấy, ngài thường cúng dường hằng hà sa Chư Phật. Rồi bao nhiêu kiếp về sau, có bao nhiêu na do tha Như Lai ngài cũng đều cúng thờ ghi nhớ hết, sau ngài đắc được môn giải thoát ấy. Có nghĩa rằng ngài ghi nhớ dòng thần lực bất tận làm hiện khởi lên tất cả Chư Phật từ diệu tâm ấy trong bao nhiêu kiếp.

KINH: Này thiện nam tử, thành Ca Tỳ La có đồng tử tên là Biến Hữu. Ngươi đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo.

GIẢNG: Từ đây trở đi, có năm, bảy vị dạy Thiện Tài rất ngắn…

Đến đây tôi xin ngưng và dành một chút thì giờ xem có vị nào muốn hỏi xin cứ hỏi.

HỎI: Trong kinh, (và ông cũng giảng rất nhiều lần) về danh từ bất nhị. Vậy nó có đồng nghĩa với chữ bát nhã không?

ĐÁP: Bất nhị, cũng chính là bát nhã, cũng chính là trung đạo. Khi nào ông thấy các pháp đều không phải sanh, không phải diệt, không phải khổ, không phải vui, không phải ngã, không phải vô ngã, không phải là mình, không phải là người, cũng không phải chánh báo, không phải là y bảo v.v… thì lúc bấy giờ ông đã bắt đầu trụ trong Bát Nhã rồi vậy. Còn chấp có cái này là cái này, cái kia là cá kia thì như vậy là vẫn còn rơi vào nhị biên, chưa vào được trung đạo. Và tâm còn động. Vì tất cả cũng là mình và cũng… không phải là mình. Nói như thế ta thấy có vẻ mâu thuẫn, nhưng khi suy nghĩ kỹ ông sẽ thấy cái lý tuyệt vời của nó. Vì hai cái đó bất nhị. Nên cuối cùng, kinh dạy phải nhập pháp giới, lúc đó chánh bảo và y bảo là một. Bất nhị là trạng thái tâm như như của Bát Nhã.

HỎI: Thời Đức Phật còn tại thế, ngài cũng có giảng về Bát Nhã rồi, có điều làm cho các Phật tử sơ cơ mới bước chân vào đạo, khi nói đến Bát Nhã, thường là rơi vào tình trạng sợ hãi hoang mang. Vì từ lâu đời lâu kiếp, ta đã quen với những gì gọi là “có” rồi, như có bạn bè, vợ con, kinh sách, có Phật, có Bồ Tát, có cõi tịnh, cõi uế, có hoa tạng thế giới, có cõi Cực Lạc v.v… thì bây giờ Phật dạy, tu đến một lúc nào, những thứ đó không có nữa, hoàn toàn là… không cả, vậỵ thì còn ai chứng đắc, và còn cái gì gọi là quả vị chứng đắc?

ĐÁP: Ông nên luôn nhớ đến cái bí ẩn lắt lay của tâm thức. Bí ẩn tâm thức chúng ta là ở chỗ nhị đế, và tùy theo lối nhìn của mỗi loài chúng sanh. Cùng cái tâm ấy, phàm phu chúng ta nhìn theo đầu đằng này, thì thấy là có, còn quay lại nhìn đầu đằng kia thì thấy là không. Bồ Tát là những bậc hơn người thường, và hơn cả hàng Thanh Văn là vì biết nhìn theo lối song chiếu. Vừa hiểu nó là không, đồng thời vẫn làm tất cả những Phật sự như là có. Hiểu tất cả Cực Lạc, đường tu, bạn hữu, thầy dạy v.v… đều là mộng cả, nhưng vẫn cứ theo đó để làm, để đi sâu vào tột cùng của tâm thức, chỗ tột cùng của tâm thức là tột không, nhưng từ chỗ tột không ấy sẽ nở ra diệu hữu. Không biết câu trả lời ấy, có làm ông thỏa mãn chưa?

HỎI: Nhưng Lục TỔ trong nhà thiền nói rằng: “Bổn lai vô nhất vật,” thì ta phải có đối tượng và chủ thể. Nói một cách rõ hơn nếu không quán chiếu, nghĩ nhớ đến ngài Quán Thế Ấm, và không có người quán chiếu thì sao? tu hành là tu thế nào? làm gì để biết được cái gọi là “lắt lay tâm thức” như ông vừa nói? Vì ít ra, ta phải là một cái gì thì mới tu được, còn không có cái đó thì lấy gì để suy nghĩ, lấy gì để tụng niệm, lấy gì để cầu mong về Cực Lạc, lấy gì để nhìn thấy đức A Di Đà?

ĐÁP: Sao ông biết là không có cái đó ? Cái đó là cái gì? Trong tất cả kinh đều nói đến cái không, khiến chúng ta nghe thấy sợ hãi, vì cứ tưởng sẽ rơi vào cái không suông. Nhưng ngược lại, cái không này rất mầu nhiệm, tương tự như cái gương, có thể hiện hình các vật giả có. Nên cái bí ẩn của đạo Phật là gì? Là phải biết song chiếu. Vì nếu chỉ đi hoàn toàn về Bát Nhã cũng sai, mà phải có Đại Bi. Ngược lại, nếu chỉ nói hoàn toàn về đại bi cũng sai, mà phải có Bát Nhã. Nếu ông chỉ tu theo sự từ bi thì dễ sa vào bệnh “bi lụy hồ đồ,” lúc nào cũng thương cảm, khóc lóc, ngay cả trông thấy con muỗi, con mòng chết cũng cảm thấy sót sa rơi nước mắt (đó là theo trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy thế), còn tu theo con đường bát nhã không thì sẽ rơi vào Càn Tuệ Địa, huệ khô, phải thấm nước đại bi mới được. Nên phải luôn luôn giữ tâm song chiếu. Thấy người kia vừa có, vừa không. “Có,” để trưởng dưỡng tâm đại bi. “Không,” để vào được cái trí như huyễn của chư Phật, vì tất cả chỉ là ảnh hiện, đủ duyên thì hiện lên, hết duyên thì ẩn đi.     ‘

HỎI: Thú thực mà nói, tôi vẫn chưa … thỏa mãn lắm về câu trả lời của ông, hay nói cho đúng tôi vẫn thấy hình như còn hơi… vấp thế nào. Vì sao? Vì ít ra phải có chủ thể và khách thể thì mới thực hiện được đại bi và bát nhã, nhưng ông lại nói rằng chấp có ta cũng hỏng, chấp không có ta cũng hỏng, thì… thú thật tôi vẫn còn hoang mang lắm.

ĐÁP: Ông nên nhớ rằng, tất cả chỉ có một điểm không hư là cái tâm ấy thôi, chứ còn chấp có ta là hỏng rồi, vì chấp có ta là làm lệch điểm không hư ấy. Mà nó lại “bất khả thuyết,” không thể dùng danh từ gì để có thể diển giảng nổi.

HỎI: Nếu chỉ có cái “điểm không hư” ấy, thì tôi càng sợ hơn nữa vì tu lên đến mức tột cùng chỉ còn cái không hư ấy thì, thì… chúng ta tu đến chỗ đó làm cái giống gì?

(Cả đạo tràng cười ồ…)

ĐÁP: Như vậy là ông vẫn chấp theo lối nhìn của phàm phu, tức là phải có một cái gì. Như chúng ta, sống trong cõi dục giới này, mang một sắc thân máu mủ. Vậy những thú vui của thế gian là gì? Có phải là ăn, chơi với bạn bè, gặp những đều như ý, có vợ đẹp, con ngoan, và cuối cùng là vấn đề nam nữ là điều khoải lạc nhất? Thế mà trong kinh lại khẳng định rằng, tất cả những thứ đó đều là phù du giả dối, vì phàm phu chúng ta chưa biết dùng cái tâm, nó vốn là dòng suối nguyên sơ của hỷ lạc, mà chỉ chạy theo những thú vui tầm thường của thế gian, một cái vui tùy thuộc ngoại vật. Nếu bây giờ một người biết buông tất cả những thú vui thế gian đó đi, thì khi lên đến sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, lúc đó người ấy sẽ mở được cánh cửa vào vô lượng sự hỷ lạc. Mà cái hỷ lạc của tam thiền chưa ăn thua gì cả, mà đến cái vui không thọ của Niết Bàn mới ghê gớm hơn nhiều. Nhưng cái vui không thọ của Niết Bàn cũng chưa ăn thua gì bằng cái vui vô động thường, lạc, ngã, tịnh của Đại Niết Bàn tịch tĩnh. Ở mức độ này, cái tâm vẫn đó, nó là nguồn vui kỳ diệu mà chúng ta không hay biết, cứ khóa chặt cánh cửa đó lại, chỉ chạy theo cái vui vô thường của thế gian. Nên khi ngài Lục Tổ Huệ Năng nói “bổn lai vô nhất vật,” đó là những vật thô kệch có hình tướng trong tam giới thôi, còn cái tâm vẫn đó. Đó là Phật tánh, là Chân Như, nhưng muốn đạt đến cái chân như nguyên sơ đó phải bỏ luôn cả ý niệm có, không đi. Vì sao? Vì khi chấp rằng “có tâm” thì vẫn còn gợn một niệm cuối cùng, nên chưa lặn sâu vào cái tâm nhỏ nhiệm vi tế ấy, và phải đến chỗ cái tâm chẳng phải có, chẳng phải không thì mới thực là thường, lạc, ngã, tịnh.

HỎI: Vậy nếu mình đạt được đến tâm ấy thì ta được cái gì?

ĐÁP: Được cái an lạc vô biên, được thần thông vô lượng. Vì như tôi đã nói ở trên, khi ông đạt đến cái “điểm không hư” ấy, thì từ cái không hư nó sẽ nở ra vô cùng những diệu hữu, nở ra trùng trùng điệp điệp tất cả pháp giới này. Mà tất cả chúng sanh đều trong thân ông cả. Nói tóm lại, mục đích cuối cùng của cuộc đời là gì? Là đi kiếm cái hỉ lạc thôi, nhưng cái hỉ lạc càng lên cao, thì càng vi diệu, càng thần thông biến hóa tràn đầy thế gian, mà muốn ở mức độ đó thì phải ly tất cả, ngay cả ý niệm ly ấy ông cũng phải từ bỏ thì lúc đó ông sẽ được tất cả. Lên đến tột cao của sự hỉ lạc, ông sẽ có một niềm vui vô thọ, vô động. Đó là Đại Niết Bàn tịch diệt của Chư Phật.

Ông nói như trên cũng hơi có ý tưởng giống nhiều nhà ngoại đạo thời đức Phật còn tại thế. Vì khi Phật nói không có ngã thì kẻ ngoại đạo nghe chán quá, không muốn theo, đến khi Phật nói có cái thường, lạc, ngã, tịnh, thì lúc đó bọn ngoại đạo mới bảo rằng: “À, khi lên đến tột không lại thành có ngã, nếu Sa Môn Cù Đàm trước kia nói như thế thì chúng tôi đã theo ông từ lâu rồi, vì ông bảo không có ngã nên không theo.” Đủ chứng tỏ rằng, tâm thức của chúng sanh rất lắt lay, nên thế giới cũng lắt lay biến hiện theo tâm thức ấy, phải vượt khỏi lên trên những sự lắt lay đó thì mới đạt đến mức tuyệt vời của chư Phật. Và ở chỗ đó là bờ mé các bí ẩn của pháp giới, tức là bỏ hết mọi ý niệm, vì ý niệm nào cũng sai cả, vì không có một ý niệm nào có thể áp dụng trọn vẹn cho cái diệu tâm, nên “bất khả ngôn thuyết,” không thể nghĩ bàn…

Tôi nói như thế, nhưng cũng không hy vọng gì ông hiểu ngay đâu. Chỉ mong ông về suy nghĩ thêm, và thao thức đọc thêm một mớ kinh sách, rồi một ngày nào đó tâm thức chui sâu vào có thể vỡ ra được vài phần, lúc đó mới thấy tuệ giác của nhà Phật thật bao la kỳ diệu. Vì không có gì trong pháp giới này có thể ra ngoài lời kinh.

Không biết còn vị nào muốn hỏi nữa không?…

Nếu không ai còn câu hỏi, tôi xin chấm dứt ở đây. Xin cảm ơn quí vị…

HẾT QUYỂN HAI