NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

QUYỂN HAI

Pháp giới này không phải được dệt nên bằng những vi trần, mà chỉ được TREO trên đầu một sợi lông, trên đầu MỘT TÂM NIỆM. Cho nên không gian và thời gian không phải là những thực tại khách quan tồn tại độc lập, mà chỉ là những vọng tưởng hàm số của tâm thức mỗi loài chúng sanh.

Và ngài Thiện Tài đi ta bà các cõi, cũng chỉ là đi trong lỗ lông của ngài Phổ Hiền, mà cũng chỉ là đi quanh quẩn trong Tàng thức của mình mà thôi.

 

 15 tháng Tư 1990

 Chương một

Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ 106 về kinh Hoa Nghiêm tại chùa này. Trong những lần trước, chúng tôi đã nói đến vị Thiện Tri Thức thứ 18, tức vị vua Đại Quang. Hôm nay, chúng ta lại tiếp tục đi vào kinh để gặp vị thiện tri thức thứ 19 là vị Ưu Bà Di Bất Động.

Nhưng trước khi đi vào kinh, tôi cũng xin dành một chút thì giờ để trả lời một số câu hỏi của một vị Phật tử tuần trước.

HỎI: Đến bao giờ thì có đức Di Lặc và hội Long Hoa?

ĐÁP: Muốn hiểu điều này rõ ràng, chúng ta phải nói đến kiếp tăng và kiếp giảm tức là một chu kỳ của đạo Phật. Theo đạo Phật, chúng ta đang ở kiếp giảm, tức là cứ mỗi một trăm năm thì tuổi thọ của chúng sinh trung bình giảm di một tuổi. Như ở thời đức Thích Ca Mâu Ni Phật cách dây 2500 năm, tuổi thọ con người khoảng độ trăm tuổi, dần dần cứ một trăm năm bớt di một tuổi, bây giờ tuổi thọ chỉ còn từ độ bảy chục đến bảy mươi lăm tuổi thôi. Nhưng nó không dừng lại ở con số này, một trăm năm nữa tuổi thọ lại tụt thêm một tuổi cho đến khi xuống tới mười tuổi, thì lúc bấy giờ đến kiếp hoại. Lúc đó, nhân loại chỉ sống mười năm nhưng vẫn làm đủ tất cả mọi sự mà chúng ta làm bây giờ, cũng lớn lên, cũng lấy vợ, cũng sinh con và cũng chết v.v… Đừng tưởng rằng pháp giới này là do chúng ta tạo dựng nên đâu, như trong sự cầy cấy chẳng hạn, đừng tưởng chỉ do công lao cầy cấy của chính mình mà có. Sở dĩ có được là do phước lực của mình, nên các vị quỉ thần tạm để cho mưa thuận gió hòa thì chúng ta mới có lúa gạo mà ăn. Nhưng đến khi phước hết, các vị quỉ thần sẽ làm tất cả các thiên tai, và lúc đó chúng ta không còn gì để ăn cả. Nên phải hiểu, pháp giới rất linh động, nhân lực chỉ làm được có một phần nhỏ thôi, còn lại là do trí huệ và phước đức mà ra cả. Lúc đó trong kiếp hoại, đất cát khô cằn, thiên tai nổi lên khắp nơi, binh đao loạn lạc, không có gì để ăn. Theo như kinh kể thì người ta phải kiếm những xương của người chết gặm gân khô mà ăn. Qua thời kỳ kiếp giảm sẽ sang đến thời kỳ kiếp hoại rồi sau đó sẽ đến kiếp tăng, lúc bây giờ tuổi thọ của chúng sanh từ mười tuổi lại tăng dần lên đến một trăm tuổi, đến một ngàn tuổi, đến vạn tuổi rồi đến tám vạn tuổi thì lúc bấy giờ đức Di Lặc ra đời. Trong đạo Phật nói rất lạ, không có một tôn giáo nào nói như thế cả, và phải hiểu rằng chúng ta chỉ có một đôi mắt thịt, căn cơ lại kém, trí huệ nông cạn, chỉ có thể nhìn được một khúc thời gian rất ngắn. Dù khoa học có mò mẫm tìm kiếm cũng chỉ có thể dựa trên những dữ kiện để đoán biết vài nghìn năm về quá khứ là cùng mà không thể đoán biết được nhiều về tương lai. Trái lại, trong đạo Phật, các ngài là những bậc Đại Giác đã có đủ ngũ nhãn, có thể nhìn thấy vô lượng kiếp, nên các ngài bảo cho chúng ta biết như thế. Không đâu xa, trong phẩm Nhập Pháp Giới, chúng ta thường gặp những danh từ như “từ vi trần số kiếp về trước…” điều này chúng ta nên khởi lòng tin, nếu tin được như vậy, tâm chúng ta có thể mở ra rất rộng.

Lúc đó đức Di Lặc từ cung trời Đâu Xuất xuống thị hiện làm một vị Hoàng Tử, lớn lên đi tu, sau đắc đạo. Nhưng tất cả chỉ là thị hiện mà thôi. Ngài hiện giờ đương ngồi trên cung trời Đâu Xuất, nhìn xuống nhân gian xem gia đình nào có đầy đủ phước đức để mang thai ngài, gọi là vào thai nhưng vẫn là hóa sanh. Lúc bấy giờ, cõi Ta Bà này đã chuyển biến, càng ngày càng đi lên, trang nghiêm và đẹp đẽ hơn bây giờ rất nhiều, chúng sanh cũng nhiều phước đức hơn, nên không phải khổ sở làm lụng vất vả như chúng ta bây giờ.

Nếu làm một con tính từ giờ đến khi ngài Di Lặc ra đời thì còn khoảng tám triệu năm nữa. Trong tám triệu năm, cõi Ta Bà dần dần bớt ô uế, lúc bấy giờ Đức Di Lặc sẽ mở nhiều hội Long Hoa để thuyết pháp. Hội Long Hoa đầu tiên ngài thuyết pháp có chín chục ngàn người đắc đạo, hội Long Hoa thứ hai có chín mươi tư ngàn người đắc đạo, rồi đến hội thứ ba cũng có rất nhiều v.v…, đại khái là vậy. Vì sao chúng sanh đắc đạo được nhiều và dễ thế? Vì lúc đó, phước lực và trí lực của chúng sanh đã cao rồi, nên tuổi thọ mới cao. Sau đó, cõi Ta Bà dần dần được ngài Di Lặc chuyển hóa thành cõi Tịnh Độ mà là tịnh độ ở nhân gian. Nếu so với cõi Tịnh Độ của ngài A Di Đà, thì cõi A Di Đà được kết bằng quanh minh vi diệu hơn, vì sao? Vì ở cõi Tịnh Độ Nhân Gian của ngài Di Lặc, chúng sinh vẫn còn phải mang một sắc thân máu mủ thô kệch, vẫn phải đi đại và tiểu tiện, vẫn có nam nữ .v.v… nên không thể bằng cõi Cực Lạc của ngài A Di Đà. Nhưng không phải vì vậy mà ngài Di Lặc kém ngài A Di Đà đâu, mà vì mỗi loại chúng sanh, có cộng nghiệp thế nào thì các ngài hóa hiện thế giới ấy cũng tương ưng mà thôi. Vì cộng nghiệp thế nào thì y báo luôn luôn tương ưng, chứ không phải Đức Phật này kém Đức Phật nọ.

Phần đông các vị Cao Đài thường hay có ý tưởng chủ quan, nói rằng pháp hội Long Hoa sắp tới rồi, như vậy không đúng, vì dựa theo trong kinh, (và nhiều người cũng đồng ý với con số tính toán như vậy) là phải tắm triệu năm nữa ngài Di Lặc mới ra đời.

HỎI: Có phải ngài Diêm Vương dưới Địa ngục thị hiện tra tấn các tội nhân như Vua Vô Yểm Túc trong phẩm Nhập Pháp Giới không?

ĐÁP: Chúng ta phải nhớ đến câu trong kinh Hoa Nghiêm rằng “Tất cả pháp giới đều tạo dựng nên bằng thần lực hải của Chư Phật, bằng nguyện lực hải của Chư Đại Bồ Tát và bằng nghiệp lực hải của chúng sanh.” Thân căn chúng ta đây tạo dựng bằng nghiệp lực, còn những tội nhân hóa thần của Vua Vô Yểm Túc tạo dựng bằng chính thần lực và nguyên lực của ngài, vì vậy hai loại chúng sanh ấy khác nhau, tuy đều gọi là chúng sanh cả, vì sao? Vì tội nhân của Vua Vô Yểm Túc là những người huyễn, huyễn tức là không có nghiệp lực mà chỉ có thần lực và nguyện lực tạo nên thôi, nên dù rằng cưa, xẻ, chặt đầu, moi ruột, móc óc, mổ sẻ v.v… thì những người huyễn đó không thọ đau đớn. Đó chỉ là những hình thức phương tiện làm gương để hóa độ những chúng sanh can cường khiến chúng cảm thấy sợ thôi. Còn cõi Địa Ngục do ngài Diêm Vương cai quản, thì cũng như mọi sự vật trong pháp giới đều không thực không hư, nhưng vì chúng ta mang nghiệp lực u mê, ám chướng, mờ mịt, nên địa ngục vẫn là thật đối với ta. Vì vậy, xuống Địa Ngục bị cưa chẻ vẫn thọ sự khổ và đau đớn khôn cùng, dầu thế, nhưng lại không chết. Còn nếu khi một hành giả quán được như huyễn tam ma đề, thì cảnh địa ngục không còn lưu ngại nữa. Trong kinh Đại Bát Nhã, ở phẩm “Hóa nhân thính pháp” nói rõ rằng, trong những pháp hội cao siêu, nếu pháp hội đó không có người nghiệp lực đến nghe, thì các vị Bồ Tát sẽ hiện những hóa thân xuống nghe, nghe để làm gương cho người khác. Hóa nhân không có nghiệp lực, nhưng hóa nhân đó vẫn có thể làm đủ thứ như người thường vậy, vẫn ăn, uống, đại tiện, tiểu tiện v.v… và tất cả chỉ đều là thị hiện. Nhưng vì không có nghiệp lực nên không có sự thọ, tức là không yêu, không ghét, không đau đớn, không vui sướng v.v… mà chỉ là do tâm lực của vị Bồ Tát đó suy động thôi. Trong kinh Hoa Nghiêm lại nói rõ rằng, (phẩm Ly thế gian trang 1405) với một vi Bồ Tát lớn, thì ngay hóa thần đó cũng có thể tạo vô lượng hóa thân để độ sanh được, hóa thân lại tạo hóa thần vô cùng tận.

HỎI: Ngài A Nan lâu thành tựu quả A La Hán vì học nhiều, đa văn mà thiếu hành, vậy chữ “hành” ở đây có phải là thiền không?

ĐÁP: Theo tôi nghĩ, nhiều phần là ngài A Nan thị hiện sự giải đãi ấy. Cũng nên nhớ rằng, các ngài Thanh Văn thường chỉ tu giới và thiền, nên có thể về giới ngài giữ không được kỹ lưỡng lắm, nhưng vẫn chỉ là thị hiện cả, thứ nữa là ngài hơi thiếu về thiền, tức là về hành thiền. Trong thiền của ngài, ngài đã vượt sắc ấm rồi, nhưng ngài cứ lãng đãng trong thọ ấm, tưởng ấm mà không vào đến hành ấm, không tiêu dung cái ngã của mình, nên không vào được đến thức ấm và không đắc được quả A La Hán. Nhưng ta cũng phải hiểu rằng những điều đó chỉ là thị hiện, vì sau này, khi Phật diệt độ, ngài bị ngài Ca Diếp quở trách, và ngài chỉ cần tu hai đêm là đắc ngay được quả A La Hán.

Thanh Văn tu hành chỉ có giới lực và định lực mà ít huệ lực, nhưng riêng đối với ngài A Nan thì ngài có nhiều huệ lực.

Đại khái đó là những câu hỏi tương đối quan trọng, còn những câu hỏi khác, tôi nghĩ rằng nếu chị nghe lâu dần dần sẽ vỡ ra thôi.

Bây giờ chúng ta xin trở về kinh…

Trước hết tôi xin tóm lược từ vị thứ 11 đến vị thứ 18 trong những lần giảng trước…

Trong các vị thiện tri thức, các ngài thường đều quán chiếu như huyễn, quán chiếu như huyễn tức là quán chiếu không thật không hư, quán chiếu vừa không, vừa giả, nhưng mỗi vị quán chiếu theo hạnh của mình. Như một vị làm hạnh bố thí, cũng vẫn là quán chiếu như huyễn, trong khi ngài bố thí đưa bát hứng đồ ăn cho mọi người, thì ngài vẫn quán thân này là huyễn, các chúng sanh đến thọ thực cũng huyễn, mà ngay cả cái bát đựng tất vô lượng đồ ăn, khởi từ điểm không hư lên cũng là huyễn mộng. Quán như vậy thì phước đức mới vô lượng, mà đồ bố thí mới vô lượng. Như vị vua Đại Quang, quán chiếu đại từ hạnh, quán đến mức tất cả cây cỏ phải nghiêng về mình, các thú dữ đổi tâm ác thành từ bi, nhưng dù vậy vẫn phải quán như huyễn, quán lòng từ khởi lên chỉ như huyễn, quán tất cã chúng sanh cũng là huyễn mộng, mà dùng pháp huyễn để trị những huyễn kia. Như trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật nói đến Từ Tam Muội, ngài kể rằng lúc đó, có năm trăm tên cướp bị vua Ba Tư Nặc khoét mắt rồi đẩy vào rừng sâu, vừa đi, vừa khóc. Đức Phật thấy những người đó có nhân duyên cũ từ nhiều kiếp trước, ngài bèn nhập từ tam muội, sau đó tự nhiên có luồng gió mát thổi đến, quyện vào mắt của năm trăm tên cướp khiến được lành lặn. Rồi Ngài nói rằng đó chỉ là do lực của từ tam muội làm thành. Vì vậy, ta phải hiểu rằng, trong bất cứ việc làm nào của một bậc Đại Giác, các ngài không bao giờ nói đến cái ta cả, vì sao? Vì nói đến cái Ta tức là còn chấp có, không, còn chấp có tự, có tha. Các ngài chỉ nói đó là sức của tam muội là như vậy mà thôi. Do đó, một vị hành giả đi con đường đạo, dù viết sách, hay giảng kinh, hoặc vào tam muội, hay ngồi tụng kinh, hoặc thọ bát quan trai v.v…nếu vẫn còn chấp có mình làm thì còn thấp, mà phải biết quán như huyễn thì cái quả mới trở nên ghê gớm, vì vậy ta phải mang tâm như huyễn để cúng dường Chư Phật là như vậy. Tất cả diễn trình của thiền định đều phải xả, xả thì mới nhiếp được lục căn trở về bên trong.

Ngài thứ 11 tức là một vị Tỳ Kheo tên là Thiện Kiến. Kinh nói rằng khi Thiện Tài đến gặp ngài Thiện Kiến thấy ngài Thiện Kiến còn rất trẻ, đi kinh hành không mau không chậm, người rất đẹp, có đến ba mươi tướng tốt. Ở đây, chúng ta nên nhớ rằng, tất cả những thân trang nghiêm tốt đẹp, hay giàu có phần đông đều do sự bố thí mà ra cả. Ngài Thiện Kiến nói rằng, ta tuổi còn trẻ, xuất gia chưa được lâu, nhưng ta tu tập từ vô lượng kiếp, ngay nơi đức Phật này, ta đã tu na-do-tha kiếp, thì ta phải hiểu rằng thời gian ở đây không thành vấn đề nửa. Sau ngài lại nói rằng ta đắc được quả giải thoát gọi là “tùy thuận đăng giải thoát.” Tùy thuận đăng là cái đèn tùy thuận căn cơ của chúng sanh mà chiếu soi, tức là ngài chuyên về bố thí pháp. Nhưng chắc chắn là trong khi bố thí pháp, ngài đồng thời cũng biết pháp đó chỉ là huyễn mộng, như vết chim bay, mà chính ngài cũng chỉ là huyễn mộng hiện lên để độ sanh, và những chúng sanh vì mê muội cứ tưởng mình là thật mà cũng chỉ là huyễn mộng mà thôi. Vì vậy, chúng ta đi trên đường Bồ Tát Đạo, thường không cần phải đi đâu xa xôi, hay làm một chuyện gì ghê gớm, mà chỉ cần độ ngay chúng sanh trước mắt mình, đó mới là quan trọng, và lúc nào chúng ta cũng có thể làm được cả. Đồng thời phải hiểu tất cả việc làm ấy đều huyễn hiện, người cho, kẻ nhận đều chập chùng ẩn hiện và nên luôn luôn phải nghĩ đến tâm từ làm lợi ích chúng sanh, cũng như không chấp ở những việc làm đó mới được. Như thế, dần dần tâm ta ngày càng lớn, càng kiên cố, xa lìa hết tất cả sự sợ hãi, và không còn có điều gì có thể lưu ngại được ta nữa.

Đến vị thứ 12, vị này là Đồng Tử Tự Tại Chủ, ngài thị hiện như một đứa trẻ nhỏ chỉ khoảng độ mười một tuổi, đứng bên bờ sông (tượng trưng cho bờ sông sanh tư), ngài đương đếm một đống cát để chơi, tức là đếm những phiền não của chúng sanh. Ngài nói rằng, ta ở nơi ngài Văn Thù Sư Lợi học được môn gọi là Nhái thiết công xảo trí chúng nghệ, tức là học tất cả những công nghệ ở thế gian, từ tướng số, chữa bệnh, toán pháp .v.v.., ngài nói về toán số cũng tương tự như trong phẩm A-tăng-kỳ mà Đức Phật nói, đại ý là khi tâm mình mở rộng vô lượng thì cũng biết được những con số vô lượng, và ngài học những công xảo này chỉ để độ cho chúng sanh, và vẫn phải quán chiếu như huyễn. Sau đó, ngài chỉ đến vị thiện tri thức khác là bà ưu Bà Di Cụ Túc. Khi Thiện Tài đến gặp vị này thì ngài đã có thiên nhãn, ngài có phước trí trang nghiêm tương ưng, nên Thiện Tài nhìn thấy y báo của vị ưu Bà Di Cụ Túc rất đẹp. Kinh tả vị này đã lớn tuổi, nhưng vẫn xinh đẹp đoan trang, mặc áo trắng, áo trắng nghĩa là ngài tu hành đã chuyển dần tàng thức của mình thành Bạch Tịnh Thức, và ngài để rủ tóc, không đeo hạt châu trên búi tóc. Cũng nên hiểu rằng thường thường hạt châu trên búi tóc tượng trưng cho pháp bảo, nhưng ngài lại không đeo, và không đeo trang sức. Trong nhà thì rỗng rang, chỉ có một cái bát nhỏ, bát đó tượng trưng cho cái điểm không hư (tức hưtâm), và ở nơi đó có thể khởi tất cả pháp giới này, vì vậy ngài đã dùng bát đó làm hiện ra đồ ăn để bố thí cho chúng sanh. Ngài bảo rằng ngài đã đắc được pháp môn gọi là Vô Tận Tạng Phước Đức Giải Thoát Môn, vì sao? Vì ngài lấy trong Diệu Tâm ấy vô số đồ cần dùng cho chúng sanh mà không bao giờ hết. chúng tôi đã giải thích nhiều lần về điểm này, vì khi vào sâu đến Bạch Tịnh Thức, hành giả có thể lấy ra vô lượng những cõi kim cương, hoặc trăm ngàn thiên nữ. Sau đó, Thiện Tài đến một vị khác là Minh Trí, ngài này cũng tu theo hạnh bố thí, nhưng có lẽ cao hơn vị trước một bậc, vì ngài Minh Trí ngồi ở giữa đường, ngoài chợ, tức là cơ duyên trí bình đẳng về cơ duyên cao hơn. Vì sao? Vì ở trong nhà thì cơ duyên gần hơn, có quen biết mới được mời tới, còn vị này thì ngồi ngay giữa chợ, cơ duyên nào đi qua cũng tiếp cả, đều độ hết, tức là tâm bình đẳng trí cao hơn. Ngài Minh Trí bảo rằng vì bố thí như vậy nên ngài đắc được môn Tùy Niệm Xuất Sanh Phước Đức Tạng. Tùy niệm có nghĩa rằng khi ngài muốn bô’ thí thì không cần đến ngoại vật như dùng đến cái bát nữa, mà chỉ cần nhiếp niệm ngẩng mặt lên hư không, thì tự nhiên sẽ có những đồ cần dùng tùy niệm của ngài mà mưa xuống để bố thí cho chúng sanh. Sau đó đến một vị khác là vị Pháp Bửu Kế, ngài cũng tu Vô lượng xuất sanh phước đức tạng, sau đó đến vị Phổ Nhãn, rồi đến vị vua Vô Yểm Túc, tức là vị vua ngồi xử những tội nhân, thị hiện rất nhiều hình phạt ghê sợ, nhưng tất cả chỉ là những hóa nhân, ngài thị hiện để răn dạy chúng sanh thôi, nên ngài tu theo Giải thoát như huyễn. Đến vị thiện tri thức sau là Vua Đại Quang, ngài nhập Đại Từ Tràng Hạnh thì tất cả chúng sanh chung quanh ngài đều khởi tâm từ cả, ngay cả cây cỏ cũng ngả xuống để hướng về ngài. Cũng như ngài Huyền Trang đi Tây Du về, cây tùng ở trong chùa ngài trụ trì đều ngả về phía Tây để đón ngài, như những vị thiền SƯ ngồi trong rừng quán tâm từ lên đến mức độ cao, thì thú dữ đều đến chầu hầu hết, chim chóc đi kiếm những hoa lạ đem đến cúng dường. Nhưng đó cũng còn thấp, quán tâm từ đến mức độ cao ghê gớm hơn nhiều, như Đức Phật, khi ngài khởi tâm từ thì có một luồng gió nổi lên chữa lành cho năm trăm tên cướp khỏi cảnh mù lòa. Trong đạo Phật, đường tu hành thì lắt lay xa vời, nhưng khi tới lại rất ghê gớm, thần biến không cùng. Nên ta thấy trong kinh, các vị thiện tri thức đều nói rằng ta tu từ vô lượng vô số kiếp, không có vị nào nói mới tu đây mà được những thần biến như vậy, rồi thì tu mãi, sẽ có cái tâm không mỏi nhàm, mà không xả bỏ, cứ làm hoài mà không còn nghĩ đến thời gian nữa.

Bây giờ chúng ta đi vào Vị Ưu Bà Di Bất Động thứ 19.

KINH: Này thiện nam tử, phương nam đây có một kinh đô tên là An Trụ, có Ưu Bà Di tên là Bất Động. Lúc đó Thiện Tài đồng tử ra khỏi thành Diệu Quang đi theo đường lớn về phía Nam… (bỏ một đoạn kinh...) Thiện Tài tư duy như vậy buồn khóc rơi lệ, nghĩ thiện tri thức thiệt là hy hữu, là chỗ xuất sanh tất cả công đức, xuất sanh tất cả bồ tát hạnh, xuất sanh tất cả bồ tát tịnh niệm, xuất sanh tất cả đà la ni luân…

GIẢNG: Đà la ni là những diệu đức của tâm thức, vì khi tâm thức vào sâu trong tàng thức, thì nó sẽ nở ra những diệu đức, lúc đó hành giả nhớ hết mọi thứ, như trông cái cây kia biết có bao nhiêu lá, trông con sông có thể biết có bao nhiêu giọt nữớc, nghe chim hót cũng hiểu nó nói cái gì, đó đều là những diệu đức đà la ni. Còn chữ luân có nghĩa là những cơn lốc xoáy mạnh, như khi tâm tưởng xoáy tròn thì hiện tướng ở giữa, nên xoáy tròn trôn ốc là sự chuyển động chung của pháp giới này. Nhất là tâm tưởng của chúng ta luôn luôn xoay tròn, không bao giờ có một tâm tưởng nào đi thẳng tắp cả mà phải đi theo vòng trôn ốc, vì xoay tròn nên hiện tướng, nên khi tu lên cao, nó sẽ hiện lên các thứ đà la ni. Nên phải biết rằng pháp giới này không có đường thẳng, đó chỉ là ảo tưởng của mắt thịt thô kệch này thôi, và trong kinh Phật hay dùng chữ “luân/’để chỉ tất cả mọi sự, mọi vật đều đi theo đường vòng trôn ốc cả.

KINH: Này thiện nam tử, ngươi nên đến Vương Đô An Trụ sẽ được gặp Bất Động Ưu Bà Di Đại thiện tri thức… Đại chúng bảo rằng Bất Động Ưu Bà Di là đồng nữ ở nhà với cha mẹ….

GIẢNG: “Ở nhà với cha mẹ…” cũng có nghĩa bóng là đối với một vị tu hành cao, người Mẹ tượng trưng cho Bát Nhã, còn người cha tượng trưng cho phương tiện huệ, luôn luôn hai thứ đó phải đi liền nhau như cha mẹ vậy. Như trong cuốn kinh Duy Ma Cật có nói rõ một bài kệ như sau:

Trí độ, mẹ Bồ Tát (trí độ tức là độ Bát Nhã)
Phương tiện ấy là cha
Đạo sư tất cả chúng
Đều do đấy mà ra
Pháp hỷ chính là vợ
Tâm từ bi là gái…

Nếu một hành giả đọc kinh mà được pháp hỷ, thì thấy còn thân thiết như người vợ mình, vì pháp hỷ đó không bao giờ ly mình cả. Còn tâm từ bi thì lúc nào cũng hằng khởi gần gũi như con gái mình vậy. Nên trong kinh Phật, chúng ta phải luôn nhớ lòng đại bi bình đẳng và cái tâm như huyễn.

KINH: Vào trong nhà thấy ánh sáng màu chân kim chiếu khắp nơi, người gặp ánh sáng này thời thân tâm mát mẻ…

GIẢNG: “Thân tấm mát mẻ…” nghĩa là những ánh sáng đó rất vi diệu, tác động mạnh vào tàng thức của mình nên lúc đó thấy thân tâm mát mẻ.

KINH: Ánh sáng chiếu đến thân, Thiện Tài liền chứng được năm trăm môn tam muội…

GIẢNG: Thiện Tài chứng được năm trăm tam muội vì ngài có thể vào sâu trong tàng thức sơ năng biến, vào sâu thì uyển chuyển thay những nhịp điệu rung động nên dễ dàng chuyển từ tam muội này sang tam muội khác mà không bao giờ dứt, vì vậy trong kinh nói lúc đó thân (âm nhu nhuyễn thư thai bảy ngày.

KINH: Thiện Tài đến chỗ Ưu bà di cung kính chắp tay nhất tâm quán sát, thấy hình sắc của Ưu bà di đoan trang xinh đẹp. Tất cả nữ nhân trong mười phương thế giới không ai sánh kịp huống là có người hơn. Chỉ trừ Đức Như Lai và chư quán đảnh bồ tát. Miệng Ưu Bà Di phát ra diệu hương.

GIẢNG: Trong tất cả các vị thiện tri thức, vị này được tả là vị xinh đẹp nhất, vì tất cả nữ nhân trong mười phương thế giới không ai sánh kịp, vị này hiện chánh báo rất đẹp, lại y báo thì có cung điện rất trang nghiêm.

KINH: … Lúc đó Thiện Tài đồng tử cung kính chắp tay chánh niệm quán sát, thấy thân hình bất động Ưu Bà Di tự tại bất tư nghi, sắc tướng dung nhan thế gian không sánh kịp. Quang minh chiếu suốt không vật gì ngăn dược, vì khắp chúng sanh làm lợi ích. Lổ lông nơi thân Ưu Bà Di thường phát ra diệu hương…

GIẢNG: Nói về những mùi hương thì chúng ta cần biết rằng, tất cả mọi chúng sanh, từ chư thiên, trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, người, quỉ v.v… đều phát ra mùi hương thơm hay không thơm, như hơi người chẳng hạn, vì chúng ta ngửi quen quá nên không còn nhận thấy nữa. Thí dụ như người hay uống rượu thì thân thể họ phát ra mùi hôi của rượu, người hay ăn tiết canh, thì phát ra mùi tanh của máu thịt, cũng vậy người ăn chay thì có một mùi thanh tịnh khác, còn người đồng nữ hay đồng nam cũng có mùi riêng của họ, nhưng chúng ta vì cái mũi thịt này quá thô nên không thể phân biệt rõ những mùi vị đó. Chúng ta thường chỉ nhận được một số mùi vị mà chúng ta hay chú ý đến, chẳng hạn như người nghiện rượu thì họ ngửi hơi rượu rất thính. Càng tu cao bao nhiêu thì mùi hương lại càng diệu hơn, thơm như mùi hương chiên đàn, hoặc như một mùi hoa trên trời, rất thơm, nếu có túc duyên một người nào có thể ngửi được những mùi hương này đều cảm thấy thân tâm nhu nhuyễn thanh tịnh.

Trở lại vị thiện tri thức Ưu Bà Di, ngài đắc được môn tam muội Giải thoát Bồ Tát nan tồi phục trí huệ tạng.

KINH: Này thiện nam tử, ta được môn giải thoát Bồ Tát nan tồi phục trí huệ tạng, Ta được bồ tát kiên cố thọ trì hạnh giải thoát môn. Ta được bồ tát nhất thiết pháp bình đẳng địa tổng trì môn. Ta được bồ tát chiếu minh nhất thiết pháp biện tài môn. Ta được bồ tát cầu nhất thiết pháp vô bì yểm tam muội môn…

GIẢNG: Vị này đắc được nhiều thứ môn nhưng chung qui chúng ta chỉ nhớ rằng vẫn là cái tâm thức ấy xoay vần thành nhiều môn tam muội. Như “Giải thoát bồ tát nan tồi phục trí huệ tạng” tức là trí huệ khó chế phục, nói cách khác, ngài được cái Phật tri kiến, tức là cái tâm mà ngoài cái đó chẳng còn cái gì khác. Vì vậy, ngài được “Bồ tát nhất thiết pháp bình đẳng địa tổng trì môn” cũng từ diệu tâm ấy mà ra, tâm thức xoay tròn một cách nào đó để nhập vào tam muội bình đẳng, thấy không có pháp nào hơn pháp nào cả, tất cả cảnh giới đều bình đẳng… Ngài lại được “Bồ tát chiếu minh nhất thiết pháp biện tài môn,” vì sao? Vì ngài nhìn rõ tất cả pháp nên có biện tài vô tận. Rồi ngài lại được “Bồ tát cầu nhất thiết pháp vô bì yểm tam muội môn,” cũng vậy, cầu tất cả pháp, biết tất cả pháp mà “vô bì yểm” tức là không mỏi nhọc. Rồi ngài lại kể cho Thiện Tài nghe khi ngài tu trong vô lượng kiếp, không bao giờ ngài khởi lên một niệm tham dục cả, và cũng không bao giờ có niệm ngã kiến, tức là không bao giờ nghĩ là có mình.

KINH: Trong những kiếp ấy trụ trì tất cả Như Lai pháp luân…

GIẢNG: Ngài nghe tất cả các pháp Như Lai, mà pháp nào cũng tu cùng trì.

KINH: Tùy pháp đó thụ trì chưa từng bỏ một chữ, một câu, nhẫn đến chưa từng ở trong một pháp mà chẳng được tam muội, nhẫn đến trong một chữ, một câu chưa hề sanh thế trí…

GIẢNG: “Chưa hề sanh thế trí…” tức là không dùng thế gian trí để phân biệt ý nghĩa vi diệu của lời kinh, mà lúc nào cũng dùng cái trí huệ mầu nhiệm vô phân biệt. Thí dụ như một người thường, trông thấy cái cây thì nghĩ rằng cái cây kia là vật, đẹp, xấu, Ưa thích hay không Ưa thích, dùng ý thức phân biệt chủ thể và khách thể có thể dùng vào việc gì nhưng cái nhìn của Bồ Tát lại khác, các ngài nhìn cái cây đó chỉ thây toàn là quang minh và những quang minh ấy đều mọc lên từ tâm, và nếu cây có nhiều bóng mát thì các ngài lại có thể đặt một nồi nước để cho những chúng sanh đi qua ngồi nghỉ mát có nước mà uống, và các ngài lại quán chiếu rằng cây đó cũng là huyễn, mà chính mình cũng huyễn, và giữa mình và cái cây ấy chẳng phải là một, cũng chẳng phải là khác, không bao giờ sanh thế trí cả, mà luôn luôn khởi sanh vô phân biệt trí.

KINH: Này thiện nam tử, phương Nam đây có một đại thành tên là Vô Lượng Đô-Tát-La. Trong thành đó có một xuất gia ngoại đạo tên là Biến Hành.

GIẢNG: Đô-Tát-La có nghĩa là Hạnh Phúc.

KINH: Thiện Tài đồng tử được nghe pháp nơi Bất Động Ưu Bà Di rồi, chuyên tâm nghĩ nhớ lời dạy bảo, thảy đều tin thọ tư duy, quán sát. Đi lần đến thành Đô-Tát-La. Lúc vào thành mặt trời đã lặn, Thiện Tài đi khắp phố phường, khắp các ngã đường tìm Biến Hành. Thành Đông có núi tên là Thiện Đức. Giữa đêm Thiện Tài thấy đỉnh núi ấy, cỏ cây, đồi gộp đều sáng chói như mặt trời mới mọc…

GIÁNG: Trong kinh thường tả, những vị tu hành cao, ngồi ở chỗ nào thì hào quang sáng chói tỏa ra đầy khắp.

KINH: … Thiện Tài liền ra khỏi thành lên núi ấy, thấy Biến Hành ngoại đạo đi kinh hành chậm rãi nơi khoảng đất bằng trên núi. Dung sắc viên mãn, oai quang chiếu sáng hơn cả Đại Phạm Thiên Vương. Có mười ngàn trời Phạm Chúng vây quanh…

GIẢNG: “Đi kinh hành chậm rãi…” chúng ta phải hiểu là ngài tu theo vừa chỉ, vừa quán. Trong khi đi chú tâm vào đó tức là tu chỉ, còn trong khi đi kinh hành ngài suy nghĩ, hoặc quán xét điều gì đó thì gọi là quán. Như trong kinh A Di Đà, khi chúng sanh ở cõi đó đi cúng dường Chư Phật rồi, trở về nhà ăn cơm xong đi kinh hành. “Ăn cơm” tức là nghe pháp, ăn pháp hỷ, sau đó tu chỉ quán, chứ trên đó đâu cần phải ăn cơm. Nên trong kinh.nói nhiều khi rất đơn sơ, nhưng chúng ta cần phải hiểu cái nghĩa sâu của nó. Còn cái tên “Biến Hành” tức là đi khắp mọi chỗ, vị này đi tất cả mọi chỗ. Cũng như trong phẩm Thập hồi hướng, chúng ta thấy có “trí nhất thiết xứ hồi hướng” có nghĩa rằng tâm tưởng hồi hướng của hành giả phải đi khắp tất cả mọi chỗ, như vậy cũng gọi là biến hành. Nhưng vị này rất cao rồi, vì ngoài sự đi vào tâm tưởng của chúng sanh, ngài còn có thể hóa thân khắp mọi chỗ để độ sanh nữa.

KINH:… Biến Hành nói: Lành thay, lành thay, nầy thiện nam tử, ta đã an trụ chí-nhất-thiết-xứ bồ-tát- hạnh, đã thành tựu phổ quán thế gian tam muội môn, đã thành tựu vô y, vô tác thần thông lực, đã thành tựu phổ môn bát nhã ba la mật.

GIẢNG: Thành tựu vô y vô tác thần thông lực là đã ghê gớm lắm rồi, mà ngài còn thành tựu phổ môn bát nhã ba la mật nữa. Bát nhã tức bát nhã, phổ môn tức đại bi. Ngài dùng bát nhã đại bi đó để hóa thân đi khắp tất cả các xứ để làm bồ tát hạnh, nơi ác đạo nào ngài cũng vào, từ địa ngục, các nẻo luân hồi.

KINH: Nầy thiện nam tử, ta ở khắp nơi trong thế gian, những hình mạo, những hạnh giải, những chết sống, tất cả các loài: loài trời, loài rồng, loài Dạ Xoa, loài Càn Thát Bà, loài A Tu La, loài Ca Lâu La, loài Khẩn Na La, loài Ma Hầu La Già, Địa ngục, súc sanh, Diêm La Vương, loài phi nhơn, loài người… Lại này thiện nam tử, trong thành Đô Tát La này, khắp mọi nơi, tất cả tộc loại, trong nhơn chúng hoặc nam, hoặc nữ, ta đều dùng phương tiện thị hiện đồng thân hình như họ, để tùy cơ nghi mà thuyết pháp độ họ… Đến mười phương vô lượng thế giới các chúng sanh hải, ta đều ở trong đó tùy tâm sở thích của các chúng sanh, dùng những phương tiện, những pháp môn mà hiện những sắc thân, dùng các thứ ngôn âm mà vì họ thuyết pháp cho họ được lợi ích…

GIẢNG:Chỗ này, phần nhiều các ngài nói về phương tiện huệ để độ sanh. Nên phải hiểu chữ “phương tiện” và chữ “Đại bi” rất quan trọng. Khi một hành giả tu cao, thì vị đó có thể làm ra những hóa thân bời bời đi khắp mọi nơi để độ sanh, còn người tu hành ở dưới chưa có hóa thân thì giỏi lắm suốt đời cũng chỉ độ được vài ngàn người là cùng.

KINH: Này thiện nam tử, phương Nam đây có một nước tên là Quảng Đại, nơi đó có trưởng giả buôn hương tên là Ưu Bát La Hoa. Ngươi đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học bồ tát hạnh, tu bồ tát đạo…. Nhờ thiện trí thức dạy bảo, Thiện Tài chẳng đoái thân mạng, chẳng ham của báu, chẳng thích nhơn chúng, chẳng mê ngũ dục, chẳng luyến quyến thuộc, chẳng trọng ngôi vua…

GIẢNG: Khi một hành giả tu hành đến mức độ cao, thì tất cả ngoại cảnh, không còn bị thu hút và đắm nhiễm nữa.

KINH: Chỉ nguyện cứu độ tất cả chúng sanh, chỉ nguyện nghiêm tịnh tất cả Phật độ, chỉ nguyện cúng dường tất cả Chư Phật… Chỉ nguyện ở trong mỗi lỗ lông của Phật, thấy tất cả Phật tâm không nhàm đủ, chỉ nguyện được tất cả pháp trí huệ, quang minh, có thể thọ trì pháp tạng của chư Phật. Thiện Tài chuyên cầu công đức của tất cả chư Phật và Bồ Tát như vậy, đi lần qua thành Quảng Đại, đến chỗ trưởng giả Ưu Bát La Hoa… Bạch đức thánh, tôi đã phát tâm vô thượng Bồ Đề muốn cầu trí huệ bình đẳng của tất cả Phật. Muốn thấy pháp thân thanh tịnh của tất cả Phật… Muốn an trụ tổng trì của tất cả Bồ Tát. Muốn diệt trừ tất cả chứng ngại. Muốn du hành tất cả mười phương… Này thiện nam tử, ta khéo biết rõ tất cả những thứ hương, cũng biết phương pháp điều hiệp tất cả thứ hương, tất cả hương đốt, tất cả hương thoa, tất cả hương bột. Ta cũng biết chỗ xuất sanh tất cả thứ hương như vậy.

GIẢNG: Vậy, chữ “hương” nghĩa ở đây là gì? Ngoài cái nghĩa thế đế là ngài buôn hương thật, nhưng theo nghĩa bóng thì đó là tất cả những hương tu hành của ngài, đó là giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. Chữ “hương” ở đây cũng ám chỉ đó là một pháp môn tu hành nữa, ngoài ra, hương cũng tượng trưng cho sự hồi hướng, và sự hồi hướng đó làm cho thiện căn của mình lớn ra rất nhiều.

KINH:… Này thiện nam tử, phương Nam đây có một thành lớn tên là Lâu Các, trong thành có một người lái thuyền tên là Bà Thi La…

Bấy giờ Thiện Tài đi về phía thành Lâu Các, quán sát đường xá. Như là xem đường cao thấp, xem đường bằng hiểm, đường sạch dơ, đường cong ngay. Tự nghĩ rằng: tôi phải thân cận thiện tri thức đó, thiện tri thức là nhân thành tựu tu hành những đạo bồ tát…

GIẢNG: Đi vào thành Lâu Các đó cũng như đi vào cái thành tâm của mình, “quán sát đường xá…” cũng có nghĩa là quán sát mọi đường sở hành trong tâm của mình, những đường cao, đường thấp, đường nguy hiểm, đường sạch, đường dơ v.v.., Thiện Tài đến thành Lâu Các thấy Ba Thi La đương đứng trên bờ biển ở ngoài cửa thành. “Trên bờ biển…” ta cũng phải nghĩ đó là trên bờ biển của tâm, thấy trăm ngàn thương gia vây quanh để hỏi về chuyện đi biển, cũng có nghĩa rằng hỏi cách đi vào biển tâm mà không gặp chướng ngại. Ngài bảo Thiện Tài rằng: Ta tu môn “Bồ Tát Đại Bi Tràng'” dùng tâm đại bi chỉ đường cho chúng sanh, ở đây chúng ta hiểu rằng một vi Bồ Tát tương tự như một vị thuyền trưởng, không dừng ở bờ bên này, cũng không dừng ở bờ bên kia, luôn luôn qua lại thiện thệ giữa giòng, làm đủ phương tiện để độ sanh.

KINH: Này thiện nam tử, ta ở nơi đây suy gẫm như vậy, … (bỏ một đoạn kinh), ta biết trong biển, tất cả đảo châu báu, tất cả chỗ có châu báu, tất cả loại châu báu, tất cả thứ châu báu. Ta biết trau dồi tất cả châu báu, soi sỏ tất cả châu báu, sản xuất tất cả châu báu…

GIẢNG: Ý ngài muốn nói rằng, ở trong biển ngài rành rẽ tất cả, đó là nói về phương diện thực. Còn về phương diện tâm, ý ngài muốn nói rằng trong tâm bổn cụ (vốn đủ) rất nhiều thứ, ta có thể lấy những châu báu vô lượng từ tâm ấy, ta soi sỏ vào nhau, tức là “triền đà la ni” từ đà la ni này có thể chuyển thành đà la ni khác. Tóm lại, ngài này tu về “Đại Bi Tràng Hạnh.”

KINH: … (bỏ một đoạn kinh…) Thiện Tài Đồng Tử đảnh lễ nơi chân Bà Thi La, hữu nhiễu vô lượng vòng, buồn khóc rơi lệ, ân cần chiêm ngưỡng, tâm thiết tha cầu thiện tri thức từ tạ mà đi. Lúc đó Thiện Tài phát tâm đại từ cùng khắp, tâm đại bi nhuần thấm tiếp nối không dứt, phước đức trí huệ hai thứ trang nghiêm. Bỏ rời tất cả phiền não trần cấu, chứng pháp bình đẳng, tâm không cao hạ, nhổ gai bất thiện, diệt tát cả chướng, kiên cố tinh tấn dùng làm hào tường, thậm thâm tam muội dùng làm vườn tược…

GIẢNG: Nhập tam muội như đi dạo trong vườn tâm của hành giả ấy vậy, từ đây trở đi kinh tả Thiện Tài chỉ toàn mong cầu Nhất thiết chủng trí cả.

KINH: Thiện Tài đi lần đến thành Khả Lạc, thấy trưởng giả Vô Thượng Thắng ở nơi thành đông, trong rừng vô ưu đại trang nghiêm tràng, có vô lượng thương gia và trăm ngàn cư sĩ vây quanh…

GIẢNG: Thường trong kinh nói phía đông là phía khởi tâm đại bi, còn phía bắc, nói đến cái tâm tịch diệt… Như sau này, khi nói đến vị thiện tri thức là Ba Tu Mật Đa, thì thấy nói là nàng ở cái chợ phía Bắc, nàng thị hiện làm dâm nữ, nhưng tâm vẫn ở trong miền bắc, tức là ở chỗ tịch diệt mà không dính vào tham dục.

Sở dĩ tôi đi lướt qua những đoạn này vì quý vị cũng có thể đọc lấy mà hiểu được, vì cũng chùng nhau, đại khái là tu như huyễn tam muội thôi, ở ngài Vô Thượng Thắng cũng giống như ngài Biến Hành, vì ngài Biến Hành đi tất cả xứ, thì ngài Vô Thượng Thắng cũng làm Bồ Tát hạnh trí nhất thiết xứ, tức là hóa thân đi tất cả mọi nơi. Con đường bồ tát hạnh khi tu lên cao, vị nào cũng phải hóa thân đi khắp mọi nơi để độ sanh, nhưng còn hơi khác nhau ở chỗ hạnh mình chọn, có vị chọn hạnh bố thí, nhẫn nhục, hoặc đưa người đi qua sông, qua biển v.v… nên chúng ta phải hiểu, chúng sanh vô lượng nên hạnh độ sanh của các vị bồ tát cũng vô lượng, và sự biến hóa cũng vô cùng.

KINH: Này thiện nam tử, phương nam đây có một quốc độ tên là Thâu Na. Nước đó có thành tên là Ca-Lăng-Ca Lâm. Trong thành có tỳ kheo ni tên là Sư Tử Tần Thân…

GIẢNG: Thành tên là Ca-Lăng-Ca-Lâm, theo như người Tàu dịch có nghĩa là tự tại, không có sự sợ hãi. Vị tỳ kheo ni tên Sư Tử Tần Thân cũng có ý nghĩa thế thôi, tức là ngài rất tự tại trong tất cả sự độ sanh của mình, tương tự như một con sư tử chuyển động thân hình một cách rất tự tại, ung dung, không sợ hãi.

KINH: Thiện Tài đi lần đến thành Ca-Lăng-Ca-Lâm tìm tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân. …(Bỏ một đoạn kinh…), Thiện Tài liền đến vườn Nhật Quang, thấy trong vườn có đại thọ tên Mãn Nguyệt, (mặt trăng tròn đầy), … thấy một diệp thọ tên Phổ Phúc …, thấy một hoa thọ tên Hoa Tạng…, thấy một cam lộ quả thọ …, thây y thọ tên Thanh Tịnh … Lại có âm nhạc thọ tên Hoan Hỷ, vang tiếng âm nhạc hơn cả nhạc trời…

GIẢNG: Những cảnh này không phải thấy được ở nhân gian, mà do y báo của ngài xuất hiện ra. Đại khái khi tu, thì tàng thức biến hiện ra phổ vào cái y báo thì thấy như vậy, hoặc là y báo tương ưng thì ứng hiện ra. Người đi qua đường nếu có tâm nhãn tương ứng thì sẽ nhìn thấy, mắt thịt của phàm phu chúng ta sẽ không thể thấy được. Hiện tượng này trong kinh kể rất thường, chỉ có cái chúng ta có chịu tin hay không mà thôi.

KINH:… Đây là do tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân thấu rõ pháp như huyễn, chứa nhóm phước đức lành thanh tịnh quảng đại mà thành tựu cảnh vườn trang nghiêm này…

GIẢNG: Lúc nào cũng phải quán chiếu như huyễn, vì nếu quán chiếu được như huyễn thì ngay thần chết cũng không thể đến bắt được, rồi sẽ đi dần đến chỗ biến hóa, vì tất cả đạo Phật là ở chỗ đó, biến hóa không cùng tận, mà phải đi vào cái như huyễn đó thì biến hóa mới nhiều được. Sự vật, sở dĩ có thể biến hóa được vì nó như huyễn, chứ nếu nó cứ ù lì nhất định là một vật thì không thể biến hóa được.

HỎI: Xin ông vui lòng nói về sự liên quan giữa Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Hoa Nghiêm.

ĐÁP: Tôi vẫn nói trong đạo tràng này rằng, đọc kinh Hoa Nghiêm thấy khó, nhưng khi hơi hiểu rồi thì thấy rất hớn hở, vì sao? Vì kinh nói đến những cảnh giới ở những bình diện cao và sâu, từ hành ấm, và nhất là thức ấm, và toàn những thần biến chập chùng. Còn Lăng Nghiêm ta lại có cảm giác rất sợ hãi, vì sao? Vì kinh Lăng Nghiêm nói đến những cảnh Địa Ngục do thức ấm, và nói ngay đến các căn, trần, thức của mình, và nếu chúng ta không khéo giữ sẽ bị đọa xuống dưới. Ngược lại, Hoa Nghiêm nói đến các quả vi diệu rất đẹp đẽ, thanh tịnh mà chúng ta sẽ tới, trong khi Lăng Nghiêm lại nói ngay vào vũng sình lầy mà chúng ta đang chịu khổ báo, đang bơi lội trong vũng sình lầy căn, trần, thức đó. Nếu bơi lội không khéo, lại tụt sâu trong vũng sình lầy ấy. Nên kinh nào cũng giống nhau và cũng khác nhau, vì mỗi kinh nói theo một bình diện của târh thức, nhưng đều là do thức tâm biến hiện cả.

Bây giờ xin trở lại Hoa Nghiêm và Nhập Pháp Giới…

GIẢNG: Ngài Sư Tử Tần Thân này ngồi thuyết pháp cho người, trời, chư thiên nhẫn đến đệ cửu địa, mà trong đó không biết cơ man tòa ngồi, chỗ nào cũng là thân của ngài.

KINH: … Tại mỗi tòa sư tử, chúng hội không đổng nhau. Lời thuyết pháp cũng đều sai khác. Hoặc thấy chỗ thời chúng hội là Tịnh cư Thiên, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Vô Tận Giải thoát.” Chỗ thời chúng hội là Phạm Thiên, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Phổ sai biệt thanh tịnh ngôn âm luân.” Chỗ thời chúng hội là Tha Hóa Tự Tại Thiên, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Bồ Tát thanh tịnh tâm.” chỗ thời chúng hội là Thiện Biến Hóa Thiên tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Nhất thiết pháp thiện trang nghiêm.” Chỗ thời chúng hội là Đâu Xuất thiên, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Tâm Tạng triền.” chỗ thời chúng hội là Dạ Ma thiên, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Vô biên trang nghiêm.” Chỗ thời chúng hội là Đao Lợi Thiên, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Yểm lỵ môn.” Chỗ thời chúng hội là chư Long Tử, Long Nữ…, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Phật thần thông cảnh giới quang minh trang nghiêm.”… (bỏ một đoạn kinh thuyết pháp cho các loại thần…) chỗ thời chúng hội là đệ cửu địa Bồ Tát, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Vô sở đắc lực trang nghiêm.”

GIẢNG: pháp môn “Vô sở đắc lực trang nghiêm,” là dùng tâm vô công dụng hạnh, dùng tâm vô sở đắc để làm những công hạnh.

KINH: Chỗ thời chúng hội là đệ thập địa, tỳ kheo ni này vì họ mà nói pháp môn “Vô ngại luân.”

GIẢNG: “Luân” ở đây ngài dạy là dùng cái tâm xoay vần rất thần kỳ để có thể biến hiện đủ mọi thứ mà vẫn vô ngại. Như thế mới gọi là “vô ngại luân.” Vị này đắc rất nhiều “phổ nhãn xả” ngài đắc những môn toàn là Bát Nhã, nhưng đồng thời trong bát nhã ấy vẫn có Đại Bi. Như môn “Bát Nhã ba la mật diễn nói tất cả Phật pháp/’ trong không hải ấy vẫn diễn nói tất cả các pháp môn, một đằng là Bát Nhã, một đằng là Đại Bi. Môn “Bát Nhã ba la mật pháp giới sai biệt,” trong không hải, ngài vẫn diễn nói tất cả pháp giới sai biệt, tức là đại bi. “Bát nhã ba la mật thù thắng trang nghiêm,” trong không hải ấy vẫn đem tâm mình trang nghiêm cõi đó. “Bát nhã ba la mật pháp giới viên mãn” trong không hải ấy làm cho pháp giới tròn đầy viên mãn đúng theo tinh thần Đại Bi bình đẳng v.v..

KINH: Này thiện nam tử, ta được môn giải thoát tên là thành tựu nhất thiết trí…

GIẢNG: ở đây, ngài quán chiếu như huyễn gần đến chỗ nhất thiết chủng trí rồi.

KINH:... Nầy thiện nam tử, ta nhập môn trí quang minh này được xuất sanh nhất thiết pháp tam muội vương. Do tam muội này nên được ý sanh thân qua đến mười phương tất cả thế giới, chỗ của nhất sanh bổ xứ bồ tát nơi cung Đâu Xuất…

GIẢNG: Ngài được tam muội đó, sanh tất cả những hóa thân tùy theo ý niện để đi mười phương. Có những vị hiện những hóa thân ở những nơi ác đạo, như nhân gian hoặc chư thiên cõi dục v.v…, Nhưng ngài này lại hóa thân đến chỗ “nhất sanh bổ xứ ở cung Đâu Xuất.”

KINH:... Trụ trì tất cả pháp luân vì ngộ pháp tự tánh nên ta chẳng phân biệt pháp luân tướng…, Ở trong tự thân hiện khắp tất cả thần lực của Chư Phật. Dùng một sợi lông đỡ khắp tất cả thế giới lên…

GIẢNG: Đó là như huyễn tam muội khiến nhập được thể tánh. Thể tánh là không, là như như tịch tĩnh… Vì chứng nhập được, nên tuy trụ trì tất cả pháp luân mà chẳng hề phân biệt pháp luân tướng.

Cũng từ nơi thể tánh mà có thể hiện tất cả thần lực. Dùng một sợi lông nâng các thế giới…

KINH: Này thiện nam tử, phương Nam đây có một nước tên là Hiểm Nạn.., nước đó có thành tên là Bửu Trang Nghiêm. Trong thành ấy có một nữ nhân tên là Bà Tu Mật Đa.

GIẢNG: Nước đó rất “hiểm nạn” vì phải đi qua cửa ải của tham dục. Nhưng tuy gọi là hiểm nạn mà trong nước ấy có thành tên là Bửu Trang Nghiêm và lại có một vị nữ nhân tên là Bà Tu Mật Đa.

KINH: Thiện Tài được đại trí quang minh soi mở tâm, tư duy quán sát thấy tánh của các pháp. Được môn đà la ni rõ biết tất cả ngôn âm, được môn đà la ni thọ trì tất cả pháp luân, được sức đại bi làm chỗ qui y cho tất cả chúng sanh, được môn quang minh quán sát nghĩa lý của tất cả pháp v.v…

GIẢNG: Đại khái tâm Thiện Tài lúc bấy giờ nở ra như hoa, được các thứ diệu đức và diệu lực. Do sức Bát Nhã và Đại Bi, như chim hai cánh bay bổng tuyệt vời…

KINH: Thiện Tài đi lần đến nước Hiểm Nạn, thành Bửu Trang Nghiêm tìm Bà Tu Mật Đa nữ.

GIẢNG: Kinh kể rằng trong thành dân chúng nghĩ về Bà Tu Mật Đa theo nhiều mức độ tâm thức khác nhau. Có nhiều người hiểu lầm ngài là dâm nữ, nhưng cũng có người biết ngài là một vị Bồ Tát thị hiện.

Ở đây, ngài Bà Tu Mật Đa thị hiện thành một dâm nữ… Cũng như trong kinh Duy Ma Cật ngài Duy Ma Cật cũng nói một bài kệ như sau:

Thị hiện trong ngũ dục
Lại cũng hiện tu thiền Đ
Để tâm ma rối loạn
Không thừa dịp hại đặng
Hoa sen sanh trong lửa
Thật đáng gọi ít có
Cõi dục mà tu thiền
Ítt có cũng như thế

Nghĩa là những vị tu thiền cao, thị hiện trong cảnh ngũ dục để làm cho ma ngơ ngác không hiểu ra sao, là thật hay giả nữa. Người tu thiền trong cõi dục này đắc quả thật ít có như hoa sen sanh trong lửa vậy, vì trong cõi dục tu rất khó khăn, phải mang thân máu mủ thai sanh ở trần gian này thì chuyện đắc thiền, quả là rất khó. Những phong trào tu thiền hiện nay chỉ là một loại thiền rất sơ khởi, có thể giữ được tâm tương đối vắng lặng và được một ít sức khỏe mà thôi, còn mong cầu tu thiền giải thoát ở cõi dục này rất khó. Vì hầu hết đều bị vướng vào sắc dục (Sex).

Trong khi thiền giải thoát phải đi qua sắc ấm, qua thọ ấm, phải ly dục, rồi phải qua tưởng ấm, phá vỡ hành ấm để vào đến thức ấm. Còn phần đông các vị tu thiền bây giờ có thể nói rằng chưa mấy ai qua được sắc ấm, thọ ấm, vì cảm giác yêu, ghét, mừng, giận, lòng cầu danh lợi v.v… vẫn còn đầy rẫy, làm sao có thể quán chiếu đi vào cái không hải ấy được?!

Tôi nói lên đây chỉ là một tiếng chuông để cảnh giác thế thôi, phải tự mình biết lấy để đừng chấp chước mà rơi vào tà kiến. Tôi xin đọc tiếp bài kệ của ngài Duy Ma:

Hoặc hiện làm dâm nữ,
Dắt dẫn kẻ háo sắc
Trước lấy dục dụ người
Sau khiến vào trí Phật…

Trong kinh Hoa Nghiêm, ngài Bà Tu Mật Đa cũng thị hiện như vậy, dùng sắc đẹp, nụ cười, lời nói, ánh mắt, chạm xúc v.v… để dụ những người tham dục đến, sau khi đến gần, do sức gia trì của ngài, cộng thêm những túc duyên từ nhiều kiếp trước, họ sẽ cảm thấy nhàm chán tham dục. Nên nhớ rằng trong cuộc hành trình đi qua các cõi, các kiếp, những nhân duyên nam, nữ rất nhiều… ở những bậc cao nhưngài A Nan và bà Ma Đăng Già thì đã năm trăm trăm kiếp làm vợ chồng, lúc đầu bơi lội trong tình dục, cho đến kiếp thứ năm trăm, một là được gặp Phật, hai là do nhiều thiện duyên từ nhiều kiếp trước, lúc đó tình đời chuyển dần thành tình đạo, vọng tình chuyển thành thánh tình, cả hai cùng đắc đạo. Còn những người tầm thường như chúng ta, có thể kiếp này làm chồng vợ với nhau, bẵng đi một vài kiếp lại làm chồng, làm vợ người khác, rồi bẵng đi không biết bao nhiêu kiếp, nếu khéo tu thì cũng có thể chuyển tình đời thành tình đạo được. Theo đạo Khổng, một tôn giáo nói về nhân thừa và nhân sinh trước mắt thì dạy rằng, người đàn bà phải giữ tiết trinh với chồng, để giữ hệ thống gia tộc và trật tự xã hội, vì người Tầu thường có quan niệm không muốn có giòng giống khác lọt vào gia tộc mình. Nhưng lên cao hơn nữa, đạo Phật dạy ly dục, đồng thời cũng nói rằng mỗi chúng sanh có vô lượng nhân duyên, không chỉ riêng có một, các nhân duyên triển chuyển làm chồng, làm vợ làm con cháu cho nhau. Nhưng nếu có những cặp yêu nhau một cách liên tục, có thể nhiều đời kiếp liên tiếp làm vợ chồng với nhau, song rút cục đến mức độ nào đó thì hai người cũng phải dắt nhau vào đạo, thăng hoa tình đời thành tình đạo, vì nếu cứ thai sanh hoài mãi thì không bao giờ tiến lên được. Nên chúng ta phải khởi tâm sợ hãi tình dục và nhàm lìa thai sanh, vì đó chính là đầu mối lên lên, xuống xuống trong luân hồi sanh tử mà không biết bao giờ ra khỏi.

Trong kinh cũng kể rất nhiều trường hợp lứa đôi đang đi trên con đường chuyển hóa, tình đời rất ít mà tình đạo rất nhiều, cùng hẹn nhau đi trên bồ tát đạo, mang nhau ra để bố thí, vì tất cả đạo Phật chỉ nằm trong chữ “chuyển/’ chuyển từ tình đời sang tình đạo, chuyển từ thai sanh sang hóa sanh, tất cả chỉ là chuyển, vì tâm thức lúc nào cũng chuyển, chuyển tức là “biến hóa,” chuyển cho đến khi tâm ấy bao la không cùng tận, mở rộng không bờ bến để ôm trọn được pháp giới này.

Ngay như “định mệnh” mà nhiều người coi là cố định. Đạo Phật cũng dạy rằng, ta cứ chuyển tâm đi rồi định mệnh cũng sẽ chuyển.

KINH: Trong thành những người chẳng biết công đức trí huệ của cô gái ấy nên nghĩ rằng: Đồng tử này thân căn thanh tịnh, trí huệ sáng suốt chẳng mê, chẳng loạn, nhìn kỹ một tầm, không lười mỏi, không chấp trước, mắt ngó chẳng nháy, tâm không tán động sâu rộng như đại hải. Người như vậy chẳng nên ở nơi cô gái Bà Tu Mật Đa mà có tâm tham ái, có tâm điên đảo, sanh tưởng là sạch, sanh tưởng ái dục, chẳng nên bị nữ sắc cám dỗ… Có người đã biết công đức trí huệ của cô gái này bèn bảo Thiện Tài rằng: Lành thay, lành thay, nay thiện nam tử có thể tìm Bà Tu Mật Đa nữ, thế là đã được lợi lành rộng lớn.

GIẢNG: Người đời phần nhiều tri kiến khác nhau, nên sự hiểu biết không đồng. Có người coi Bà Tu Mật Đa là dâm nữ thật, nhưng người trí thì hiểu đó chỉ là sự thị hiện của Bồ Tát để độ sanh.

KINH: Này thiện nam tử, Bà Tu Mật Đa nữ hiện ở nhà của cô tại chợ Bắc trong thành này.

GIẢNG: Hướng Bắc tượng trưng cho Tâm tịch diệt.

Vị này thị hiện trong vũng sình lầy rất lớn, nhưng tâm vẫn an nhiên bất động.

KINH: Thiện Tài vui mừng hớn hở, đến cổng nhà Bà Tu Mật Đa, thấy nhà này rộng rãi nghiêm lệ, cây báu, hào báu, mỗi mỗi bao quanh mười lớp,… cung điện lầu các đều tráng lệ, của nẻo thành hàng nối nhau … (bỏ một đoạn nói về y báo rất đẹp đẽ…) Thiện Tài thấy Bà Tu Mật Đa nữ nhan mạo đoan nghiêm, sắc tướng viên mãn, da màu chân kim, tóc và mắt màu xanh biếc, chẳng dài, chẳng ngắn, chẵng thô tế. Tất cả hàng nhơn thiên cõi dục không ai sánh bằng…

GIẢNG: Trong kinh tả vị này kỹ hơn vị Ưu Bà Di Bất Động. Nhưng vị này không đẹp bằng vị Ưu Bà Di Bất Động. Kinh tả vị này dung mạo rất đoan trang nhưng chỉ có nhân thiên cõi dục là không ai sánh bằng thôi, còn vị Ưu Bà Di Bất Động thì rất nhiều cõi không có ai sánh bằng. Đọc dần dần chúng ta sẽ thấy đoạn kinh này nói về Căn, Trần, Thức cũng như kinh Lăng Nghiêm.

KINH: Tiếng nói thanh tôi hơn trời Phạm Thế, tất cả ngôn âm sai biệt của tất cả chúng sanh đều biết, đều hiểu. Thấu rõ chữ nghĩa khéo luận đàm. Được trí như huyễn nhập môn phương tiện.

GIẢNG: Vị này cũng tu theo Lăng Nghiêm, nghĩa là tu như huyễn tam ma đề, ngài tu đến mức “phương tiện độ.”

KINH: …Thiện Tài đảnh lễ chân Bà Tu Mật Đa nữ chắp tay cung kính thưa rằng, bạch đức thánh, tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề mà chưa biết bồ tát thế nào học bồ tát hạnh, thế nào tu bồ tát đạo… Bà Tu Mật Đa nữ nói, này thiện nam tử ta được bồ tát giải thoát môn tên là “lỵ tham dục tế” tùy chỗ sở thích của chúng sanh mà hiện thân..

GIẢNG: “Tế” là ngằn mé. Có nghĩa là về tham dục, ngài đã diệt sạch đến chỗ ngằn mé rồi, và tùy chỗ sở thích của chúng sanh để thị hiện thọ thân, để độ cho họ…

KINH: Nếu chư Thiên thấy ta thời ta là Thiên Nữ xinh đẹp sáng chói. Như vậy nhẫn đến nhơn hay phi nhơn thấy ta thời ta là nhơn nữ hay phi nhơn nữ.

GIẢNG: Bà Tu Mật Đa có nghĩa là “bạn của thế gian này” trong sách gọi là “thế hữu.” Nhưng ở đây, ngài thị hiện là bạn của người và của chư thiên để kéo những người còn say mê ngũ dục ra khỏi bùn lầy của ngũ dục. Vì vậy, “khi chư thiên thấy ta thì ta hiện thành thiên nữ rất xinh đẹp sáng chói, còn người thấy ta thì ta hiện thành người nữ rất xinh đẹp, hoặc phi nhân cũng thế, nên tùy theo loại mà ngài thị hiện độ sanh.”

KINH: Nếu có người vì lòng dục mà đến tìm ta, gặp ta thuyết pháp, họ nghe pháp rồi thời hết tham dục được “Bồ Tát vô trước cảnh giới tam muội” …

GIẢNG: ở đoạn này kinh dạy về việc thanh tịnh sáu căn của chúng ta, cũng như trong kinh Lăng Nghiêm, vị thiện tri thức này cũng dạy quán chiếu đi lần vào các căn từ ngoài vào trong. Khi vào đến cuối cùng như trong kinh tả là “nếu có chúng sinh nào thân cận ta”…, tức là đã đi sâu vào tàng thức rồi. ở đoạn kinh trên, một người đến chỗ Bà Tu Mật Đa, chưa cần nhìn ngài, chỉ dùng tai để nghe thuyết pháp, cũng được nhĩ căn thanh tịnh, lìa tham dục và đắc tam muội. Vì vậy, đối với các cảnh giới của thế gian này không còn chấp trước nữa, và đó mới chỉ là nghe pháp thôi, chưa nhìn, cũng chưa đi sâu vào cái ý của ngài.

KINH: Nếu có chúng sanh tạm thấy ta, thời lìa tham dục mà được “Bồ Tát hoan hỷ tam muội.”

GIẢNG: “Tạm thấy ta…” tức là nói cái mắt chỉ nhìn sơ qua thôi, chỉ thấy sắc tướng đẹp đẽ trang nghiêm ấy, chứ chưa đi vào đến cái ý thì đã được “bồ tát hoan hỷ tam muội” rồi, vì sao? Vì sắc tướng của ngài thanh tịnh, nên mắt người nhìn cũng trờ thành thanh tịnh mà được hoan hỷ tam muội. Khi tâm lìa được tham dục, thì tâm thênh thang hoan hỷ chứ không còn thô tháo lo âu như trước nữa.

KINH: Nếu có chúng sanh tạm cùng ta nói chuyện, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát vô ngại âm thanh tam muội.

GIẢNG: ở trên là chỉ nhìn qua thôi, bây giờ đi sâu hơn nữa là được nói chuyện với ngài mà nghe được âm thanh vi diệu của ngài, vì nghe cái trần thanh tịnh nên căn cũng được thanh tịnh. Vì vậy nên được ” Vô ngại âm thanh tam muội” . Cũng giống như khi một người gặp được đức Phật, khi nhìn được sắc tướng của ngài là tăng được thiện căn ngay.

KINH: Nếu có chúng sanh tạm cầm tay ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tam muội đến khắp tất cả cõi Phật.

GIẢNG: “Tạm cầm tay ta” có nghĩa là thuộc về xúc giác, khi trần thanh tịnh, thì tự nhiên xúc cũng thanh tịnh, mà khi xúc thanh tịnh thì thân nhẹ nhàng bay bổng nên mới được “Bồ Tát tam muội đến khắp tất cả cõi Phật.”

Ở đây, tôi muốn nói thêm tại sao chúng ta không thể bay được? đi đâu cũng phải tùy vào những duyên bên ngoài như xe cộ, máy bay, tại sao thân này cũng hiện lên từ hào quang của tâm, đáng lẽ nó phải nhẹ nhàng bay được mới phải? Là vì từ vô lượng kiếp, chúng ta bơi lội trong tham dục, nên quên cái thân này, xúc giác này là do tâm ấy khởi lên, mà cứ nghĩ rằng thân này là vật có thật, ù lỳ, nặng chịch, nên nó trở thành vọng tưởng kiên cố và vì vậy chúng ta không thể bay được. Nên trong cuốn “Thiền căn bản” có dạy rằng phải quán tâm lực như gió, và thân như bông, quán lâu thì tự nhiên tâm lực đẩy thân này bay được… ở đoạn kinh này, nói rằng ta không cần phải quán gì nhiều nhưng chỉ cần cầm tay của Bà Tu Mật Đa, như thế là vì cầm được vào trần thanh tịnh, thì tự nhiên do lực của ngài nên xúc căn của ta cũng thanh tịnh, có thể bay được và đi tất cả cõi Phật.

KINH: Nếu có chúng sanh tạm lên trên chỗ ngồi của ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát giải thoát quang minh tam muội.

GIẢNG: Khi lên được chỗ ngồi gần ngài, nghe được mùi hương thanh tịnh của ngài thì tỷ cũng thanh tịnh vì vậy mới đắc được “Bồ tát giải thoát quang minh tam muội.” Tất cả chĩ là sự tương Ưng giữa căn và trần… Mùi hương là những quang minh vi diệu hơn, nên được Giải thoát quang minh tam muội.

KINH: Nếu có chúng sanh tạm nhìn ta thời lìa tham dục mà được Bồ tát tịch tịnh trang nghiêm tam muội.

GIẢNG: Trong đoạn kinh trước có nói đến chữ “tạm thấy ta,” ở đây lại nói đến chữ “tạm nhìn ta.” Vậy sự khác nhau là ở chỗ nào? chữ “tạm thấy…” thì chỉ là một cái nhìn thoáng qua, còn chữ “tạm nhìn ta…” là nhìn kỹ hơn, lúc này hành giả dùng cái mắt, đồng thời dùng ý của mình để nhận thức nên mới được “Bồ Tảt tịch tịnh trang nghiêm tam muội.” Sở dĩ chúng ta hay bồi hồi, sợ hãi lăng nhăng là vì cái ý của chúng ta không thanh tịnh, ý sợ cái này, lo cái khác v.v… nên tâm không được tịch tĩnh tang nghiêm.

KINH: Nếu có chúng sanh thấy mắt ta nháy, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát Phật cảnh giới quanh minh tam muội.

GIẢNG: Thỉnh thoảng chúng ta hay nháy mắt là vì tâm chúng ta động. Chư Thiên không bao giờ nháy mắt, vì vậy tâm chư Thiên không động mấy. Nháy tức là tâm ý của chúng ta vậy. Còn ở đây, chúng ta nhìn thấy Bà Tu Mật Đa nháy mắt, là ta phải hiểu cái tâm ý của ngài nên chúng ta cũng được ý thanh tịnh như ngài, và được “Bồ Tát Phật cảnh giới quang minh tam muội.

KINH: Nếu có chúng sanh ôm ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tam muội nhiếp tất cả chúng sanh hằng chẳng bỏ lìa.

GIẢNG: “Ôm ta…” có nghĩa là cả ý và năm căn ở ngoài, vì vậy nên người ôm được cả sáu căn thanh tịnh, do đó có lòng đại bi được tam muội có thể độ chúng sanh chẳng hề bỏ lìa.

KINH: Nếu có chúng sanh nút môi ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tam muội tăng trưởng phước đức tạng cho tất cả chúng sanh.

GIẢNG: Nếu theo sự suy nghĩ của người phàm tục, thì chắc nhiều người cũng phải khẽ cau mày mà nghĩ rằng, tại sao kinh lại nói gì mà có vẻ… thô tục thế? Nhưng như tôi đã nói nhiều lần, kinh thường mang đủ hai nghĩa trong ngoài, nghĩa đen, nghĩa bóng, ở đây chữ “Nút môi…” thuộc về vị căn và xúc căn vì vậy được vị và xúc căn thanh tịnh nên sanh trưởng rất nhiều phước đức, rồi hồi hướng cho tất cả.

KINH: Phàm có chúng sanh nào thân cận ta, tất cả đều lìa tham dục mà được nhập Bồ Tát nhất thiết trí hiện tiền giải thoát vô ngại.

GIẢNG: “Thân cận ta…” thì hơn cái mức “nút môi ta…” vì ở đây là bao gồm cả ý và năm căn kia, có nghĩa là biết rõ tâm thanh tịnh và thân thanh tịnh, có thể vào đến tàng thức rồi, nên được “Bồ Tát nhất thiết trí hiện tiền giải thoát vô ngại.”

Đó là hết vị thiện tri thức thứ 25.