NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

QUYỂN MỘT

Chương ba

Mar 4th, 1990

Kính thưa Thượng Tọa trụ trì cùng chư vị đạo hữu…

Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ 103 về kinh Hoa Nghiêm tại chùa này…

Vừa rồi, chúng ta có tụng phẩm “Thập Hồi Hướng,” đến chỗ hồi hướng thứ tám tức là Chân Như Tướng Hồi Hướng. Nếu quí vị để ý sẽ thấy văn chương trong phẩm này rất hay, có lẽ không có sách vở thế gian nào sánh kịp. Đồng thời, chúng tôi cũng xin nhắc rằng, tất cả những thiện căn của mình, nếu ta mang tâm vô trước, vô ngại mà hồi hướng, thì những thiện căn đó sẽ đi đến bình diện sâu nhất của tâm thức, tức là bình diện Chân Như. Giống như một làn sóng, thiện căn của mình cũng đi y như vậy, nếu nó đập vào những chỗ dưới, nó dội lại rất ít, nhưng nếu nó đi sâu vào biển chân như, thì sự dội lại liên miên vô cùng tận. Chỗ đó là tất cả bí ẩn của đạo Phật. Nên ở phẩm thập hồi hướng, đức Phật dạy chúng ta làm cách để có thể tăng trưởng thiện căn của mình đến chỗ vô cùng, vô tận.

Lần trước, chúng ta đã gặp ngài Thiện Tài, và đến chỗ ngài Văn Thù Sư Lợi sắp dạy Thiện Tài. Nhưng trước khi trở vào kinh, chúng tôi xin nhắc quí vị mấy điểm về vấn đề thiền quán của Thiền Tài Đồng Tử, những điểm này cần phải lưu tâm đến thì mới có thể hiểu rõ được vị trí của ngài sau này…

Chúng ta thường đọc các sách của những vị Tổ thiền tông để lại, nói về không, trung, giả. Nhiều khi ta thấy những chữ đó rất xa lạ, nhưng cũng chính những chữ đó đem lại cho ta nhiều ý tưởng lạ lùng.

Hằng ngày, tâm thức chúng ta thường qua lại giữa cái không và cái giả mà không bao giờ biết. Tại sao? Ví dụ như khi ta ra vườn tưới cây, ta để ý đến cây cỏ, đó là ta đang đi vào giả, vì lúc đó ta khởi nhiều tâm niệm về pháp giới, khởi tâm yêu, ghét, hoặc không yêu không ghét v.v… Nhưng sau đó, ta thấy mệt, dừng lại, thì lúc đó, ta đang đi vào không (dù chỉ là một cái không nông cạn trên bình diện tưởng ấm). Sau đó đi vào nhà, mở sách đọc mấy trang kinh, suy tư về kinh, thì đó là ta đang đi vào diệu hữu, và nếu suy tư về tánh không thì lúc đó ta đang đi vào không. Nói cho dễ hiểu hơn, trong chúng ta có năm lớp, gọi là năm ấm: sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, và thức ấm. Khi những vị thiền sưtu xuyên qua những lớp sương mù đó, họ có thể vào được đến hành ấm hoặc đến thức ấm. Trong khi chúng ta kém hơn, ta suy nghĩ thì chỉ lăng xăng ở tưởng ấm mà thôi, nhưng so với sắc ấm thì cũng sâu hơn nhiều. Một hành động chúng ta làm, như tưới cây chẳng hạn, thì nó ở bình diện của thân, tức là sắc ấm, nhưng ta không làm nữa, ngưng lại để suy nghĩ, thì lúc đó chúng ta vượt sắc ấm đi vào tưởng ấm. Vì vậy, chúng ta cũng luôn luôn làm con thoi, đi ra đi vào hàng ngày từ giả vào không mà chúng ta không hề biết. Vì vậy nên nhớ rằng: chư Phật và Đại Bồ Tát chỉ khác chúng ta ở một điều, khi các ngài làm con thoi từ giả vào không các ngài đi vào không rất sâu và liễu tri rành rẽ. Còn chúng ta cũng làm con thoi từ giả vào không nhưng chỉ lăng xăng từ sắc ấm đến tưởng ấm là cùng, lại không liễu tri được gì mấy, mà còn khởi đầy đủ vọng tình vọng tưởng, nên sinh ra nhiều kiến chấp và tà kiến. Vì vậy, sự chuyển động tâm thức là một sự tự nhiên, đạo Phật chỉ dạy cho chúng ta làm sâu sắc hơn, đến chỗ mầu nhiệm. Tâm thức của chúng ta không thể nào vượt ra khỏi giữa cái không với cái giả được, giống như một ông lái đò chỉ lăng xăng ở giữa dòng mà không vào đến bến. Nói một cách hệ thống hơn, muốn quán đi vào không ta phải quán nhân duyên, lên trên là quán như huyễn.

Tôi xin lược nói sơ qua cho quí vị dễ hiểu. Đầu tiên ta phải buộc tâm vào một chỗ, như vào chóp mũi hay bạch hào chẳng hạn, và chỉ khởi một niệm là tâm mình trụ ở bạch hào, còn tất cả những tâm niệm khác đều không cho xen vào, không cho khởi lên. chú tâm lâu, lúc đó trong tâm hành giả chỉ còn một làn sóng duy nhất, có thể gọi là định. Sau đó hành giả có thể quán chóp mũi hay hơi thở đều do vô lượng nhân duyên họp lại mà thành, đó là quán về sắc tướng. Quán lâu, tâm thức hành giả sẽ bén nhạy, có thể chia chẻ tiêu dung sắc â’m, rồi tiêu dung cảm giác, tâm tưởng, có thể qua được những lớp sương mù của các ấm để vào đến thức ấm, tức là chớm vào không hải. Vì vậy, trong đạo Phật nếu không giảng kỹ về năm ấm này chính là thức biến thì ta cũng không nắm vững được ý kinh cho lắm. Đại lược là như vậy. Đến khi hành giả vào đến không hải rồi (tức là thức ấm), giống như một con thỏ, chân đã chấm vào nước, thì đây là mức độ của ngài Thiện Tài, đứng ở bờ rồi, thò được chân xuống nước, nhưng chưa thể lặn sâu đến đáy biển, và cần phải lặn sâu xuống đáy biển mới lấy được châu báu. Hành trình đi tìm cầu thiện tri thức của Thiện Tài chính là để lặn sâu vào tàng thức ấy thôi. Khi đã lặn hơi sâu rồi, không được dừng chân. Phải khởi quán giả và Đại Bi Tâm… Nhà Thiền Đông Độ gọi là “thõng tay vào chợ,” tức là sau khi tu trong núi vài ba chục năm, vào được không hải vững rồi, tâm không còn bị lắt lay, lúc đó các ngài cần “thõng tay xuống núi,” đi vào chợ, trải tâm mình trên các nhân duyên, dù là ngang, ngược, dọc, xuôi, lên cao, xuống thấp v.v…, tất cả duyên sự đến, tâm hành giả tiếp ứng mà không được xao động. Trong khi đi vào những nhân duyên đó, hành giả vẫn phải quán nhân duyên, để nhớ rằng những cảnh giới đều là giả cả. Lần lữa qua các kiếp, sẽ thuần thục, đắc ngả không pháp không, được vô sanh nhẫn. Rời bỏ nhục thân, lấy Pháp thân, làm Pháp thân Bồ Tát. Vì trong việc độ sanh, nhục thân không làm được mấy đỗi, nó chỉ có một cái lưỡi, hai bàn tay, hai chân v.v… dù có độ suốt đời cũng không được mấy. Nên cần lên đến bậc “Vô sanh pháp nhẫn,” tức là Bồ Tát đệ bát địa, để có thần thông hóa thân vô lượng để độ sanh. Đó là quán giả của các bậc Bồ Tát. Đến khi vào trung đạo, hành giả phải làm con thoi giữa không và giả, đó là quán như huyễn. Như huyễn tức là không thật, không hư, tức là quán trung đạo để dần trôi vào biển Đại Giác. Nói về quán như huyễn này, theo ý tôi, cần nêu lên những hình ảnh cho quí vị dễ nhớ, dễ làm và còn đem lại sự thích thú nữa. Nghĩa là khi ta gặp bất cứ cảnh giới nào, bệnh hoạn, gặp khó khăn, hay tất cả những chuyện vui buồn khác xin quí vị nghĩ rằng đó là như hoa trong gương, trâng đáy nước, ngay cả người vợ, người chồng, con cái mình cũng chỉ là những chập chùng huyễn hiện, còn duyên thì hiện ra, hết duyên thì ẩn đi, chợt hiện rồi chợt tan. Nếu chịu khó suy nghĩ kỹ ta sẽ thấy đúng như vậy, suy tư lâu dần, sẽ ra khỏi tất cả tình nhiễm.

Một lối quán thứ hai là quán về tia chớp nháng (flash), sát na của nhà Phật. Mọi sự mọi vật chỉ được tạo dựng lên bằng vô lượng vô số tia chớp nháng, phụt lên từ Tàng thức sơ năng biến, kết lại thành ảnh tượng. Khi duyên chín mùi thì nó tới, hiện ra với mình, sau một vài chục năm, duyên hết, nghiệp dứt thì nó lại tắt đi. Những tia chớp nháng ấy phụt lên, rồi tắt đi ngay, sau đó, tia sau lại phụt lên, giống hệt nhưtia trước, kết thành những ảnh tượng tương tợ tương tục mà ta lầm tưởng là có thực và là người thân của mình. Khi hiểu được như vậy, thì tất cả tài, sắc, danh, lợi, thực thùy v.v… nó cũng nhẹ bớt vài phần. Dĩ nhiên không thể nào nhẹ được hết, vì sự quán chiếu của chúng ta còn quá thấp, và vì nghiệp chướng còn sâu dày, nhưng chắc chắn cũng làm cho chúng ta vơi được ưu tư và sầu khổ. Nếu quán chiếu lâu, dần dần ta sẽ được một tâm bình đẳng, người thân, kẻ sơ cũng không khác biệt gì mấy, mà lúc đó ta sẽ khởi được tâm đại từ bi muốn độ hết tất cả chúng sanh.

Đó là những pháp mà tôi cho là dễ quán mà lại thích thú, đồng thời lại thênh thang, vì đi đâu cũng có thể quán chiếu được. Đến khi ta nghĩ được rằng tất cả đều là hoa trong gương, trăng đáy nước, thì tâm ta sẽ nhẹ đi nhiều, và những thiện căn tích tập cũng tăng trưởng rất nhiều.

Đó là sơ lược những điểm về thiền, để quí vị thấy rõ rằng, thiền nó lồng vào trong đời sống chúng ta, lúc nào cũng làm được, lúc nào chúng ta cũng có thể không quán và giả quán, lúc nào cũng có thể thấy hoa trong gương, trăng đáy nước. Ngay cả hơi thở ra vào của ta cũng vậy, nó chính là hơi thở của Bát Nhã và Đại Bi, khi trong tâm ta có những niệm Bát Nhã và Đại Bi tức là lúc đó ta đang thiền, một thứ thiền cao, lần lần có thể đi sâu vào pháp giới.

*

Điểm thứ hai tôi xin nhắc quí vị hôm nay là về điểm a-tăng-kỳ. Trong đạo Phật, nói đến a-tăng-kỳ là chỉ cho kiếp số về thời gian, có khi một a-tăng-kỳ rất nhanh, có khi lại rất chậm. Đó là tùy tâm hành giả. Như nhân vật Long Nữ trong kinh Pháp Hoa đạt tới Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nhanh chỉ trong khoảng khắc, ngược lại, có khi phải tu 3 a-tăng-tỳ mới chứng đắc. Theo kinh, a-tăng-kỳ tu tập thứ nhất trải từ thập tín, thập trụ cho đến thập hồi hướng, hành giả tu những thứ đó có thể trong một kiếp, hai kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp nhẫn đến a-tăng-kỳ kiếp. Còn a-tăng-kỳ thứ hai thì bắt đầu từ bậc Bồ Tát sơ địa, đến địa thứ bảy, tức là Viễn Hành địa. ở a-tăng-kỳ này, hành giả dần dần có nhiều thần thông, ở sơ địa, hành giả có thể hóa hiện 100 hóa thân, mỗi một nấc lên cao, thần thông lại càng nhiều, đến địa thứ bảy, Viễn Hành địa các vị Bồ Tát thường hóa hiện vô lượng hóa thân. Song việc hóa hiện vẫn còn hạn hẹp, và gọi là “tam muội nhạo ý sanh thân.” Tức là bậc Bồ Tát muốn hiện hóa thân thì phải nhập tam muội. Vào tam muội thì “nhạo ý,” tùy theo ý niệm của bậc Bồ Tát đó vui thích khởi tâm niệm gì để biến hóa thân mình, còn xuất tam muội thì không hóa hiện được. Kinh có kể nhiều vị thiện tri thức hiện hóa thân bời bời, và đó là con đường tu chứng của a-tăng-kỳ thứ hai… Đến a-tăng- kỳ thứ ba là từ Bất Động địa, địa thứ tám lên đến gần Diệu Giác. Lúc này, các Đại Bồ Tát đã có thần thông vô lượng gọi là “Giác Pháp TựTánh Tánh Ý Sanh Thân.” ở bực này, các ngài không cần phải vào tam muội, vì lúc nào các ngài cũng ở trong tam muội. Cho nên, chuyện vãng sanh Cực Lạc quan trọng kinh khủng, vì nếu được sang bên kia rồi, lúc nào chúng ta cũng ở trong định, và lúc nào cũng có thể hóa thân độ sanh. Kinh dạy rõ rằng, tuy chúng ta còn nghiệp chướng, nhưng khi sang Cực Lạc rồi, lúc nào cũng ở trong định và có ngũ thông. Vì vậy, cầu vãng sanh và tu theo tịnh độ là một pháp môn tối thắng. Tối thắng vì dễ làm, dễ nhớ, chỉ có cái là nhiều người không chịu tin và không chịu hiểu mà thôi. Còn như chúng ta tu thiền thì có khi phải qua nhiều a-tăng-kỳ mới đến được đệ bát địa, tức Bất Động địa.

Đến đây, cần nhận xét rằng trong phẩm nhập pháp giới, ngài Thiện Tài đi qua 53 vị, không có vị nào dạy ngài quán sổ tức, quán bất tịnh, cũng không có vị nào dạy quán tứ đế hay thập nhị nhân duyên, hoặc quán thoại đầu hoặc quán công án cả. Vì sao? Vì tất cả những thứ đó đều là những chặng đường đi vào không quán, còn Thiện Tài đã thành tựu không quán rồi nên kinh mới nói rằng “thân, ngữ, ý không lỗi lầm, tâm thanh tịnh như hư không, hồi hướng bồ đề không chướng ngại…”

Ta nên đem ngài Thiện Tài so sánh đôi chút với lịch sử nhà Thiền Đông Độ. Trong lịch sử nhà thiền, có ngài Huệ Khả tức là tổ thứ nhì bên Trung Hoa. Ngài đến xin thọ giáo ngài Đạt Ma. Hôm đó là một ngày mưa tuyết, ngài Huệ Khả quì ngoài sân thỉnh đạo nhưng không thấy ngài Đạt Ma nói gì. Ngài Huệ Khả muốn tỏ lòng chí thành của mình, nên chặt một cánh tay. Lúc đó, ngài Đạt Ma mới mở mắt và hỏi rằng: “Ông đến đây có lòng cầu gì?” Huệ Khả thưa “Xin thầy an tâm cho tôi,” “Vậy tâm ông đâu, đưa đây tôi an cho.” Ngài Huệ Khả nghĩ một lúc thưa rằng: Con không thấy tâm đâu cả.” “Vậy thì ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.” Ta tạm ngừng câu chuyện thiền ở đây, để xem coi mức độ tu chứng của ngài Huệ Khả so với ngài Thiện Tài như thế nào? (Vì cần tìm xem mức độ thiền định của hai bên để hiểu con đường thiền như thế nào). Sau khi nghe ngài Đạt Ma hối tâm đâu, đưa ta an cho, thì ngài Huệ Khả tìm tâm mình qua sắc ấm, qua thọ ấm, tưởng ấm, rồi đến hành ấm cũng không thấy được tâm, như vậy đủ hiểu rằng ngài Huệ Khả đã sắp vào thức ấm rồi. Ở đây, ngài Huệ Khả còn kém ngài Thiện Tài một chỗ là ngoài cái thành tựu không quán, ngài Thiện Tài còn có rất nhiều phước đức và thánh tài. Riêng về mức độ thiền quán, cả hai đều sấp xỉ, tức là đều mới chớm vào thức ấm… Sau đó, Huệ Khả tu ít lâu, một hôm ngài Đạt Ma hỏi rằng: “Ông đã buông được muôn duyên chưa?” “Con đã buông được rồi.“Tức là buông tất cả giả pháp để vào đến không hải. Nhưng ngài Đạt Ma vội nhắc ngay: “Cẩn thận, chớ rơi vào đoạn diệt, hãy đi vào diệu hữu…”Ý ngài muốn nói rằng: ông nên cẩn thận, đừng dừng ở không hải, phải nhớ đến cái bi nguyện từ nhiều kiếp mà hãy trở ra giả quán…

Vì nếu cứ ngồi lỳ trong không hải, thì rơi vào hôn trầm vô ký. Trong kinh nói rất rõ, có điều chúng ta phải mò mẫm đối chiếu mới hiểu được rành rẽ con đường tu hành và mức độ nông sâu của nó…

Sau cùng, khi ngài Đạt Ma sắp tịch diệt, ngài họp các môn đệ mà hỏi rằng: “Bấy lâu nay, ta dạy các ông, nay các ông trình bày chỗ chứng đắc cho ta nghe.” Đầu tiên, một vị đệ tử tên Đạo Phó bước ra nói rằng: “Theo ý con nghĩ thì không được chấp văn tự, cũng không được lìa văn tự.” “Ông được phần da của ta.”Có nghĩa là sao? Thiền Đông Độ chủ trương bất lập văn tự. Nhưng ông Đạo Phó này đã hiểu được trên cái lý bất nhị, giữa văn tự và Thật Tướng Như Như. Chấp văn tự thì quên mất Thật Tướng. Còn lìa văn tự tức là không hiểu rằng văn tự chính là sự hiện tướng của Như Như. Tuy nhiên, ông chi hiểu trên lý thôi, còn trên sự thì chưa có gì cả, vì vậy ngài Đạt Ma mới bảo rằng: Ông mới được cái phần da của ta… Đạo Phật là đạo bình đẳng vô nhị, không có một pháp nào có thể nói là có, hoặc có thể nói là không. Giống như tôi và quí vị, không thể nói là một, vì tất cả đều khác biệt, song cũng không thể nói là khác, vì những phần vi tế của chúng ta vẫn dung thông với nhau, và chúng ta đều khởi lên từ tàng thức đó… Nói rộng hơn, cõi Ta Bà không thể coi là một và cũng không thể coi là khác với cõi Cực Lạc, vì nó chỉ khác trên phần thô kệch, mà lại thông suốt nhau trong phần vi tế. Nên trong kinh vẫn thường nói, khi đức Phật dùng thần lực thì tất cả các cõi đều thông suốt. Đó là nguyên lý bất nhị, nhưng không phải là nguyên lý đồng nhất của các triết học Tây phương, vì đạo Phật không phải là biện chứng đồng nhất, mà là biện chứng Nhất như… Trở lại câu chuyện thiền Đông Độ, đến vị đệ tử thứ nhì là một vị sư ni, tên Tổng Trì bước ra nói rằng: “Theo như con, con cảm thấy hơi giống như ngài A Nan, vì con chỉ thấy được cõi Phật A Súc một lần thôi, sau đó không nhìn thấy nữa…” “Ngươi được phần thịt của ta.” Nghĩa là sao? ở đây, ta lại phải nương theo năm ấm để giải thích, thì mới thấy rằng năm ấm trong Lăng Nghiêm rất quan trọng. Nếu quí vị đọc Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm v.v,.. mà không hiểu rõ về năm ấm thì không cách gì hiểu rõ được kinh. Trong trường hợp của vị ni cô Tổng Trì này, bà là người tu hành không quán, bà đã đi qua được sắc ấm mà không chấp ở sắc ấm nữa, qua được cảm giác biết được thọ ấm là hư minh, qua được tưởng ấm vì biết thứ đó đều là những dung thông vọng tưởng, qua được một chút cái ngã là hành ấm, nhưng bà dừng ở đó mà chưa vào được thức ấm. Nhưng có một lần, bà đột nhập được vào thức ấm, hoặc do sức gia trì của ngài Đạt Ma, hoặc do một cơ duyên nào đó, nên bà trông thấy cõi Phật A Súc ở phương Đông, tức là bà đã lọt được vào tàng thức sơ năng biến nhìn thấy được như thế. Nhưng sau đó, lại bị mất tam muội ấy, không thể trở lại được nữa, bà chưa làm chủ được tam muội ấy một cách thường trực nên chỉ lọt được vào một lần thôi. Bà đang đứng giữa ranh giới của hành ấm và thức ấm. Vì vậy nên ngài Đạt Ma mới bảo rằng bà được phần thịt của ngài. (Chúng ta cũng nên để ý giữa sự đối đáp của ngài Đạt Ma và các vị đệ tử của ngài thì thấy rõ từng bậc tu chứng đi lên, về sau Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm cũng vậy). Đến vị đệ tử thứ ba nói rằng: “Con nghĩ rằng, bốn đại vốn không, năm ấm chẳng có nên theo ý con thì không có một pháp nào có thể có được.” “Ông đã được cái phần xương của ta. “Bốn đại là địa, thủy, hỏa, phong, và năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Bốn đại là chỉ sắc ấm, nên vị này sau khi quán chiếu bốn đại, năm ấm một cách rốt ráo thì thấy tất cả đều không có thực, vì vậy không thể có một pháp nào có thể có.

Tu hành là gì? Là tới chỗ hành giả giác ngộ, hiểu rõ rằng không có một pháp nào có thể có được, thành Vô Thượng Giác, tức nhập pháp giới trọn vẹn, đồng thời cũng hiểu rằng vì không có pháp nào có thể có được nên mọi pháp chỉ là hoa trong gương, trăng đáy nước mà thôi… Sau cùng, ngài Huệ Khả bước ra, ngài đứng im không nói gì cả, giống như ngài Duy Ma vậy, tức là lúc đó ngài đã buông bỏ nhân duyên, khởi giả quán và đi vào trung quán nhiều rồi. Khi vào trung quán tức là vào đến chỗ im lặng, như như, vô ngôn, nên ngài Đạt Ma mới bảo rằng: “Ông được cái phần tủy của ta.”

Nên vì vậy, ta thấy rõ được trình tự của con đường thiền quán là như thế, sở dĩ tôi phải nói một cách hơi dài dòng, chính là để soi sáng về ngài Thiện Tài, và sau đây, khi đi vào kinh, ta có thể hiểu ngài Thiện Tài đến được mức độ nào rồi.

Trước khi đi vào kinh, tôi cũng xin mở một dấu ngoặc để nói đến chữ “diệu trang nghiêm.” Đó là chữ chỉ cho cái tàng thức sơ năng biến. Cũng như trong kinh, ta hay gặp những chữ như: trang nghiêm, phổ trang nghiêm, thanh tịnh trang nghiêm, và diệu trang nghiêm. Diệu trang nghiêm là -chỉ đến chỗ tột cùng vào cái tàng thức.

Tỷ dụ như khi Thiện Tài đến gặp ngài Di Lặc, ngài Di Lặc hiện ra diệu trang nghiêm lâu các, đó cũng chính là cái pháp giới này, cũng chính là cái tàng thức của ngài vậy. Vì tàng thức ngài đồng nhất hóa với pháp giới, nên ngài muốn hiện cảnh giới nào cũng được. Còn ở vị thiện tri thức thứ năm, ngài này cũng đạt được môn giải thoát gọi là “vô ngại trang nghiêm,” tức là đi vào tàng thức đó một cách vô ngại, nhưng ở mức độ này thì nông hơn, vì chỉ có trang nghiêm mà thôi. Rồi đến vị thiện trí thức Từ Hạnh cũng thế, ngài cho Thiện Tài coi lâu các của ngài, thì cũng là sự biến hiện trong tàng thức và của pháp giới này. Những vị sau, dần dần càng đi sâu vào tàng thức cho đến ngài Di Lặc thì gọi là Diệu Trang Nghiêm Lâu Các. Nên phải hiểu rằng, hành trình tìm cầu thiện tri thức của Thiện Tài là đi trong tàng thức của mình, cũng là đi trong tàng thức của các vị thiện tri thức, đồng thời cũng là đi trong pháp giới, vì tất cả ba mà đồng nhất làm một.

Điểm thứ hai cần nhớ là trong 53 vị thiện tri thức, lời các ngài nói như nước chảy mây trôi, nhiều khi người đọc lạc lung tung trong đó. Nhưng thực ra chỉ có độ 6, 7 vị đầu tiên là chỉ những nét chính về tu hành và chỉ con đường quán giả, sau là quán trung, còn những vị về sau, các ngài thường mở những cảnh giới trong tàng thức của các ngài cho Thiện Tài vào. Song ta nên nhớ rằng, mỗi vị đều tu theo một lối, có vị tu theo bố thí, có vị tu theo tâm từ, hoặc như ngài Tự Tại Đồng Tử Bồ Tát tu theo toán số cùng công xảo ở thế gian này v.v… Nói tóm lại, mỗi vị tu theo một cách, trăm hoa nghìn lá, nhưng nét chính là chỉ có khoảng bảy vị đầu chỉ rõ cho Thiện Tài con đường quán giả và quán trung, còn những vị sau chỉ như hoa, lá, cành, rất đẹp mà thôi, vì đó cũng chính là pháp giới vậy.

Vì vậy, phẩm nhập pháp giới rất khó và chập chùng ở chỗ nó vừa là cảnh giới trong tàng thức, mà đồng thời cũng chính là cảnh giới của pháp giới này, vì sao? Vì trong tàng thức của các ngài đẹp đẽ như thế, và tàng thức ánh ra pháp giới, và nếu tâm của hành giả tương ưng, hoặc được sự gia trì của các ngài thì hành giả sẽ thấy những thứ ấy.

*

Đây, xin đi vào kinh…

Trong kinh, ngài Văn Thù minh định rõ ràng vị trí của Thiện Tài, trong bốn câu kệ đầu tiên:

Kinh:

Lành thay tạng công đức Có thể đến gặp ta Phát khởi tâm đại bi Siêng cầu Vô Thượng Giác.

Giảng:

Ở đây, kinh tả rằng thiện căn và công đức của Thiện Tài rất nhiều, đã vào được đến không hải, bây giờ chỉ muốn khởi tâm đại bi để siêng cầu Vô Thượng Giác, khởi tâm đại bi tức là khởi diệu dụng của Không Hải Bát Nhã để đi vào pháp giới, và độ chúng sanh.

Kinh:

Ngài Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử lại biết Thiện Tài đã từng cúng dường quá khứ chư Phật, gieo sâu căn lành, tin hiểu rộng lớn, thường thích gần gũi các thiện tri thức, thân, ngữ, ý đều không lỗi lầm, tu Bồ Tát đạo, cầu nhứt thiết trí thành Phật pháp khí, tâm Đồng Tử này thanh tịnh như hư không, hồi hướng bồ đề không chướng ngại. Ngài Văn Thù Sư Lợi quán sát như vậy rồi liền an ủy chỉ dạy tất cả Phật pháp. Những là nói pháp tích tập của tất cả Phật, pháp tương tục của tất cả Phật, pháp pháp luân hóa đạo của tất cả Phật, pháp sắc thân tướng hảo của tất cả Phật, pháp pháp thân thành tựu của tất cả Phật, pháp ngôn từ biện tài của tất cả Phật…

Giảng:

Ta nên trở lại từng chữ một trong kinh…

“NHỮNG LÀ NÓI PHÁP TÍCH TẬP CỦA TẤT CẢ PHẬT…” Tích tập là chứa nhóm, pháp tích tập là tất cả các pháp mà từ xưa các đức Phật tu ra sao, để nói cho Thiện Tài nghe. “PHÁP TƯƠNG TỤC CỦA TẤT CẲ PHẬT…,” tức là tất cả các hành pháp của chư Phật khởi lên, lúc nào cũng tương tục, từ kiếp này qua kiếp khác. “PHÁP THỨ ĐỆ CỦA TẤT CẢ PHẬT…,” tuy các ngài tu tương tục như thế, nhưng đến khi các ngài xuất hiện nơi đời, các ngài luôn luôn xuất hiện theo thứ đệ mà dạy các chúng sanh. “PHÁP LUÂN HÓA ĐẠO CỦA TẤT CẢ PHẬT..” tức là các ngài chuyển pháp luân để nói pháp, “PHÁP SẮC THÂN TƯỚNG HẢO CỦA TẤT CẢ PHẬT,” tức là chư Phật phải tu ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp để khi xuất hiện ở thế gian, chúng sanh chỉ cần nhìn những tướng hảo tốt đẹp như vậy đã tăng trưởng nhiều thiện căn rồi. Đại khái trong đoạn này, kinh nói rằng lúc nào cũng kết thúc bằng quang minh chiếu diệu đó, chiếu diệu các pháp bình đẳng, vô nhị, đồng thời gần tới chỗ thấy không còn một pháp nào nữa. Vì vậy, ngài Huệ Năng dạy rằng: “Đức Phật chỉ dạy cái pháp vô nhị,” vì sao? Vì khi ta còn chấp có pháp này, tức là tâm ta còn trụ vào pháp đó, nhưng đến khi tâm không chấp trước vào bất cứ pháp nào cả, tức là gần đến chỗ như như vô nhị rồi…

Kinh:

Ngài Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử vì Thiện Tài Đồng Tử và đại chúng mà nói những pháp như vậy rồi, lại ân cần khuyên dạy cho họ tăng trưởng đạo lực, cho họ hoan hỷ phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, lại làm cho họ tự ghi nhớ thiện căn thuở quá khứ. Ngài là vì tất cả đại chúng mà tùy nghi thuyết pháp. Sau đó ngài rời rừng mà đi.

Ngài Thiện Tài được nghe pháp nơi ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, được nghe những công đức của chư Phật như vậy, liền nhứt tâm cần cầu Vô Thượng Bồ Đề, đi theo ngài Ỵăn Thù Sư Lợi Bồ Tát mà nói kệ rằng:

Giảng:

Lúc trước ngài tu tam hiền, Trụ Hạnh và Hồi Hướng, thì Thiện Tài có lẽ chưa hiểu rõ pháp Phật ra sao, tuy rằng tu rất nhiều kiếp, ngài chưa hiểu rõ chính diệu tâm hiện ra chư Phật mười phương, công đức của chư Phật vô lượng, và chính các chư Phật và pháp giới là một, cũng là sự biến hóa không cùng tràn đầy thế gian. Bây giờ, Thiện Tài mới thấy rõ lẽ đó. Nên lúc này, Thiện Tài mới nhất tâm cầu Vô Thượng Giác. Tôi xin đọc mấy câu kệ ngài Thiện Tài nói với ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Kinh:

Thế gian chấp điên đảo Thường thích tưởng ngã tịnh

Giảng:

Ý muốn nói rằng, chúng sanh thường hay có điên đảo tưởng, những pháp vô ngã lại nghĩ là có ngã, những pháp bất tịnh, lại cho là thanh tịnh.

Kinh:

Trí nhãn đều rời được
Dạy tôi môn giải thoát
Khéo biết đường tà, chánh
Biết rõ tâm không khiếp
Đấng quyết rành tất cả
Dạy tôi được Bồ Đề.

Giảng:

Lúc đầu Thiện Tài xin với ngài Văn Thù “dạy tôi môn giải thoát” thôi, sau ngài lại lên dần đến chỗ “dạy tôi được Bồ Đề,” tức là đến chỗ Vô Thượng Giác để có thể nhập pháp giới trọn vẹn. Phẩm này rất dài, vì vậy tôi lược bớt mà chỉ đọc lên những lời kinh chính.

Kinh:

… Lúc đó ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát như tượng vương, xoay nhìn Thiện Tài Đồng Tử mà bảo rằng: Lành thay, lành thay, này thiện nam tử, ngươi đã phát tâm Vô Thượng Bồ Đề lại muốn thân cận các bực thiện tri thức để hỏi Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo. Này thiện nam tử, thân cận cúng dường các bực thiện tri thức là nhơn duyên trước nhứt để được đầy đủ nhứt thiết trí.

Giảng:

Ngài Văn Thù muốn nói rằng từ đây trở lên, con đường đi vào tàng thức mịt mùng không phải người nào cũng có thể đi một mình được, và muốn đi sâu vào biển không hải đó, muốn lặn đến đáy tầng tâm thức ấy thì phải có thầy dạy.

Kinh:

Vì thế nên công việc này ngươi chớ có mỏi nhàm.

Thiện Tài Đồng Tử bạch rằng: Cúi xin đức thánh vì tôi mà dạy Bồ Tát phải học Bồ Tát hạnh thế nào, phải nhập Bồ Tát hạnh thế nào, phải tịnh Bổ Tát hạnh thế nào, phải thành tựu Bồ Tát hạnh thế nào, phải tùy thuận Bồ Tát hạnh thế nào, phải ghi nhớ Bồ Tát hạnh thế nào, phải thêm rộng Bồ Tát hạnh thế nào, phải viên mãn Bồ Tát hạnh thế nào,…

Giảng:

Quý vị cũng nên để ý theo dõi lời bạch của Thiện Tài với ngài Văn Thù Sư Lợi, vì lời bạch này cũng chĩ rõ nấc thang đi lên… Lúc đầu, ngài hỏi về Bồ Tát hạnh, sau đó hỏi về tịnh, rồi tùy thuận, rồi thêm rộng và cuối cùng là làm thế nào để được viên mãn. Đây là Thiện Tài hỏi cả một hành trình đi vào đến đáy biển không hải đó. Ngài Văn Thù Sư Lợi nói một bài kệ dài, xin đọc bốn câu đầu cho quí vị nghe:

Kinh:

Lành thay tạng công đức
Có thể đến gặp ta
Phát khởi tâm đại bi
Siêng cầu Vô Thượng Giác
Nếu có các Bồ Tát
Chẳng nhàm khổ sanh tử
Thời tu đạo Phổ Hiền
Tât cả không hoại được.

Giảng:

Bốn câu đầu quan trọng nhất là ngài minh định rõ vị trí của Thiện Tài là đường tu bây giờ của Thiện Tài là khởi đại bi tâm, sau đó ngài Văn Thù nhắc lại là phải đi cầu thiện tri thức…

Kinh:

Thấy thiện tri thức chớ có mỏi nhàm, thiện tri thức có dạy bảo điều chi phải đều tùy thuận, nơi thiện xảo phương tiện của thiện trí thức chớ tìm cầu lỗi lầm…

Giảng:

Đại khái có nhiều vị tùy theo phương tiện để thị hiện, trông đôi khi kỳ quái, nhưng vẫn cần tùy thuận. Vả lại, ở trong kinh, Thiện Tài được lợi điểm là luôn luôn được các vị thiện tri thức giới thiệu đến một vị khác, thì dĩ nhiên những vị đó không thể là những vị “ngụy thiện tri thức” được.

Kinh:

Phương Nam này có một nước tên là Thắng Lạc. Trong nước Thắng Lạc có tòa núi tên Diệu Phong.

Giảng:

Trong kinh bao giờ cũng có hai nghĩa, nghĩa trong và nghĩa ngoài, ngoài đời có một nước tên Thắng Lạc thật, và cũng có một vị Tỳ Kheo tên Đức Vân thật. Nhưng cũng có một nghĩa bên trong tượng trưng. Vì nếu ta chỉ chấp một nghĩa trong hay chấp nghĩa ngoài một bên đều sai cả. Như ngài Quán Thế Âm, có nhiều người nói rằng ngài là tượng trưng cho luồng lực đại bi. Nhưng nói như vậy chỉ đúng được một nửa, và đó là về phương diện phi thần hóa. Còn về mặt thần hóa thì vẫn có một vị Đại Bồ Tát Quán Thế Âm thật, hiện thân để cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Đó gọi là phương tiện đại bi thần hóa. Hai ý nghĩa đó luôn luôn đi liền nhau như hai mặt đồng tiền, vì thế pháp giới này luôn phải nhìn theo hai phía, một phía là thần hóa, một phía là phi thần hóa. Cũng như về chuyện động đất, nhiều người dùng con mắt phàm thì đó là do những yếu tố thiên nhiên địa thủy hỏa phong. Song những yếu tố thiên nhiên bao giờ cũng có một vị quỉ thần vương cai quản. Nên vì thế, chúng ta tụng chú, đọc kinh có thể giảm thiểu những chuyện đó. Vì vậy, chúng ta cần nhớ rằng, trong kinh luôn luôn có nghĩa trong và nghĩa ngoài, nghĩa bóng và nghĩa đen, thần hóa và phi thần hóa tương tự như hai mặt của pháp giới.

Kinh:

Thiện Tài Đồng Tử nghe xong hớn hở vui mừng, đảnh lễ ngài Văn Thù hữu nhiễu vô số vòng, ân cần chiêm ngưỡng, rồi lễ từ tạ mà đi qua phương Nam. Đến nước Thắng Lạc, lên núi Diệu Phong, ở trên núi đó xem ngó tìm kiếm khắp bốn phương, lòng khao khát muốn gặp Tỳ Kheo Đức Vân qua bảy ngày sau mới được thấy Tì Kheo Đức Vân ở trên ngọn núi khác đi kinh hành chậm rãi…

Giảng:

Có một nước tên là Thắng Lạc, đồng thời hiểu theo nghĩa bóng thì đó là tượng trưng cho thức ấm của mình, hay cái tàng thức sơ năng biến, nên theo nghĩa bóng tức là ngài Văn Thù Sư Lợi bảo Thiện Tài rằng: Ông bây giờ đã được không quán rồi, thì đến nước Thắng Lạc. Tại sao lại Thắng Lạc? Thắng Lạc nghĩa là cực kỳ vui sướng. Ta nên nhớ rằng, những vị tu thiền, từ sơ thiền đến đệ tứ thiền, sơ thiền gọi là ly sanh hỷ lạc địa, nhị thiền là định sanh hỷ lạc địa, tam thiền là ly hỷ diệu lạc địa, ba bậc thang đó là vào trong một sự thọ lạc rất vui, nhất là đệ tam thiền. Thế nhưng thọ lạc ở ba bực thang thiền này không ăn thua gì với cái lạc của thức ấm. Đi vào “Thắng Lạc” của tàng thức này, hành giả cảm thấy sung sướng không tả nổi, lâng lâng không vướng chút bụi trần, chính vì vậy mà các vị Thanh Văn thường dừng chân ở đây, không muốn tu lên nữa, nên kinh nói là rơi vào trầm không thú tịch.

Nhưng trong xứ Thắng Lạc lại có ngọn núi Diệu Phong, theo nghĩa đen thì có ngọn núi đó thật, rất kỳ diệu, còn nghĩa bóng thì ta phải nhớ đến câu nhà thiền vẫn thường dùng: “Trên đầu sào trăm trượng, phải co chân nhảy một bước nữa.” Tức là đi vào đến thức ấm rồi vẫn chưa xong, phải chuyển tàng thức đó, (vì vẫn còn nhiều biến dịch sanh tử), trở thành bạch tịnh thức, hay vô câu thức. Phải gột những sở tri chướng đó đi, lặn sâu tới đáy tàng thức. Nói cách khác, đến xứ Thắng Lạcđừng tưởng là xong, mà còn phải leo ngọn núi Diệu Phong. Thiện Tài đi đến đó, tìm ngó khắp nơi không thấy (vì tâm thức của Thiện Tài chưa vào sâu mấy), phải quán chiếu bảy ngày, khao khát tìm kiếm mới thấy. Phải quán niệm ngài Đức Vân thì ngài mới tới. Cũng như chúng ta muốn gặp đức A Di Đà phải quán thật lâu, thân tâm thanh tịnh, ngài A Di Đà mới đến, mới hiện lên trong hào quang tàng thức của mình, vì ngài cũng ở trong tâm mình. Quán chiếu đến mức thuần thục thì đức A Di Đà bên Cực Lạc hiện tướng và nhập một với đức A Di Đà trong tâm mình. Thiện Tài bèn quán chiếu trong bảy ngày liền thấy ngài Đức Vân. Nhưng ngài Đức Vân lại không hiện trên đỉnh núi của Thiện Tài mà ở một đỉnh núi khác. Tại sao? Vì lúc đó, tâm thức của Thiện Tài chưa thuần thục lắm, trong lòng vẫn âm thầm chấp ngã, nghĩ mình là kẻ đi cầu đạo, vẫn còn ranh giới giữa tự và tha, chưa thể nhập một vì thế ngài Đức Vân vẫn là đối tượng đối với Thiện Tài mà Thiện Tài vẫn là chủ thể, vẫn còn chấp có một vị thầy dạy và một người trò thụ giáo mà chưa đến chỗ nhập một được.

Kinh:

Thấy xong, Thiện Tài Đồng Tử liền đến đảnh lễ chân Tỳ Kheo Đức Vân, hữu nhiễu ba vòng cung kính đứng trước Đức Vân mà bạch rằng: Bạch đức Thánh, tôi đã phát tâm Vô Thượng Bổ Đề, mà chưa biết Bồ Tát phải học Bồ Tát hạnh thế nào? Phải tu Bồ Tát hạnh thế nào, nhẫn đến phải thế nào để được mau viên mãn hạnh Phổ Hiền???

Giảng:

Ngài Đức Vân chỉ nói có mấy câu, và lúc này, Thiện Tài cũng chưa vào được tam muội. Ngài chỉ dạy rằng: Thiện Tài phải cầu môn Sanh Tử Niết Bàn của Bồ Tát, cầu môn Bồ Tát quán sát hữu vi vô vi tâm không chấp trước. Vậy thì, thế nào là môn “Sanh Tử Niết Bàn của Bồ Tát?” Tức là Thiện Tài không được trụ vào sanh tử, cũng không trụ vào Niết Bàn, mà chỉ “thiện thệ” qua lại để độ sinh thôi, Bồ Tát là như vậy, không nhập Niết Bàn mà cũng không bị chìm nổi trong sanh tử. Cũng thế, Bồ Tát quán pháp hữu vi, vô vi cũng như vậy, hữu vi là giả, mà vô vi là không, bao giờ các ngài cũng dạy ta chuyển động tâm thức thiện thệ qua lại mà không bao giờ ngưng ở một bên nào cả.

Kinh:

Này thiện nam tử, ta được sức thắng giải tự tại quyết định, tín nhãn thanh tịnh, trí quang chói sáng, thấy khắp các cảnh giới khỏi tất cả chướng ngại, quan sát khéo léo, phổ nhãn sáng suốt, đủ hạnh thanh tịnh. Qua đến tất cả cõi nước mười phương, cung kính cúng dường tất cả chư Phật, thường nhớ tất cả chư Phật Như Lai…

Giảng:

Đại khái đoạn này nói rằng, ta chỉ tu được một pháp môn là “ức niệm nhát thiết chư Phật mười phương” nghĩa là lúc nào cũng nhớ đến chư Phật mười phương. Nói rõ hơn, ngài Đức Vân đã đắc được môn Niệm Phật tam muội, ngài vào được rất sâu trong tam muội đó, ngài thấy tất cả chư Phật 10 phương. Càng đi sâu vào tam muội càng thấy nhiều phương chư Phật. Nên ngài nói rằng có thể thấy bất khả thuyết, bất khả thuyết chư Phật đông như vi trần, rồi ngài lại bảo rằng có thể có nhiều lối niệm Phật. Nên ngài được môn tam muội Ức niệm nhứt thiết chư Phật, và chỉ dạy Thiện Tài pháp môn ấy.

Tóm lại, ngài Văn Thù đã chỉ vị thiện trí thức đầu tiên, và vị này dạy Thiện Tài môn Niệm Phật tam muội —Môn tam muội này có thể mở cửa tất cả các tam muội. Như vậy, chúng ta phải biết rằng môn niệm Phật tam muội là một môn tối thắng của chư Phật, đó là do lòng đại bi và phương tiện huệ của các ngài. Không biết quí vị nghĩ thế nào chứ riêng tôi, nếu tôi tu độ 10 kiếp thì tôi cũng chưa chắc đi đến đâu cả, may lắm chỉ đến nhị thiền là cùng, vì tâm chúng sinh thường rất buông lung và cái chấp về thân căn lại rất nặng nề, nên muốn xóa những chấp đó rất khó, dù rằng tu từ lúc trẻ. Tu hành càng lên cao càng khó, càng cần đến sức gia trì của chư Phật, bằng cách niệm Phật để có thể vào được Niệm Phật tam muội. Vả lại, ngài Thiện Tài đã được không quán rồi, bây giờ phải tu giả quán, mà giả quán không gì hơn là quán chiếu cái hiện thân tuyệt vời của diệu tâm tức là đức Phật. Hành giả cũng có thể quán núi, cây, sông, nước, v.v…. cũng là quán giả nhưng quán những điều đó không có lợi nhiều, chỉ có lợi làm cho định tâm được mạnh, mà không có sức gia trì nào cả. Thì ở đây, trong kinh không nói rằng ngài Thiện Tài được vào tam muội, không thấy nói rằng ngài nhìn thấy cảnh giới nào cả, chỉ nghe được ngài Đức Vân nói rằng ta nhìn thấy tất cả các cõi mà thôi.

Kinh:

Này thiện nam tử, phương Nam có một nước tên Hải Môn, nơi đó có Tỳ Kheo tên Hải Vân, ngươi đến đó hỏi Hải Vân rằng, Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo.

Giảng:

Trên kia, lúc đầu ngài Thiện Tài đến nước Thắng Lạc, núi Diệu Phong, còn đây thì chỉ đến nơi Hải Môn, đó là tên của một cửa bể. Nghĩa bóng của nó chính là cái biển của tâm, và tên Hải Vân là mây ở trên bể. Mây ở trên bể tức là những thiện căn quảng đại, và vị Hải Vân sẽ dạy Thiện Tài cách đắc các thứ thiện căn quảng đại… Ngài Thiện Tài bèn lễ ngài Đức Vân, để từ tạ mà đi. Trong khi đi, ngài quán sát cái “trí tuệ quang minh môn,” có nghĩa là lúc ấy ngài Thiện Tài hiểu rõ rằng, tất cả pháp giới này chỉ được dệt nên bằng quang minh mà thôi. Vì sao? Vì thấy Phật là thấy đại quang minh, và Phật cũng là Tạng quang minh biến hóa không cùng tràn đầy thế gian. Ngài Thiện Tài tin chắc như vậy, vì lòng tin đó nên mới có cái sức mà đi. Như kinh nói “Chư Phật hiện tiền môn, quang minh môn…” tức là làm thế nào cho mình thấy được những quang minh đó. Thế rồi, ngài Thiện Tài đi lần đến xứ Hải Môn. Thì vẫn có hai nghĩa, vẫn có một xứ tên là Hải Môn thật, và một vị Tỳ Kheo là Hải Vân. Nhưng vẫn có một nghĩa tượng trưng đó là cửa biển của tâm. Lúc đó, ngài Thiện Tài lễ vị Tỳ Kheo Hải Vân và cầu vị đó chỉ cho biết thế nào tu Bồ Tát đạo, và hành Bồ Tát hạnh, như trong kinh nói, (đây là lời của ngài Thiện Tài): “Thế nào bỏ nhà thế tục mà sanh vào nhà Như Lai? Thế nào cạn được biển ái dục mà sanh vào biển đại bi?”…) ở đây, quí vị cũng nên để ý rằng kinh thường nhắc đến chữ đại bi, nhiều hơn nhắc đến chữ bát nhã, vì ở giai đoạn này là bước vào giả quán, và bát nhã của các ngài đã chuyển thành đại bi rồi, thì như vậy mới độ sanh được nhiều. Trong kinh cũng hay dùng chữ “đại bi” hoặc “trang nghiêm” hoặc “phổ trang nghiêm” hay “diệu trang nghiêm” v.v… mà mỗi chữ đều có một ý nghĩa khác nhau. Lúc gặp, ngài Hải Vân Tỳ Kheo trước hết tán tụng Bồ Đề Tâm trước đã, (mà phần đông ngài nào cũng làm thế cả), sau đó ngài mới dạy…

Kinh:

Này thiện nam tử, ta ở nước Hải Môn này đã mười hai năm thường dùng đại hải làm cảnh giới, những là suy gẫm dại hải quảng đại vô lượng, suy gẫm đại hải rất sâu khó lường, suy gẫm đại hải lần lần sâu rộng, suy gẫm đại hải vô lượng châu báu kỳ diệu trang nghiêm, suy gẫm đại hải chứa vô lượng nước, suy gẫm đại hải màu nước, chẳng động, không thể nghĩ bàn. Suy gẫm đại hải là chỗ ở của vô lượng chúng sanh, suy gẫm đại hải dung thọ những chúng sanh thân to lớn, suy gẫm đại hải nạp thọ nước của trận mưa lớn, suy gẫm đại hải không tăng không giảm.

Giảng:

Một mặt, ngài dạy rằng có một cái biển thực như vậy, nghĩa là có nhiều sự kỳ diệu của nó. Thí dụ nó có thể chứa vô lượng chúng sanh, chứa tất cả nước mưa mà không bao giờ đầy vơi cả. Ngài nói rằng “ta ở nơi đây mười hai năm,” thì ta có thể hiểu rằng mười hai năm ở đây có một nghĩa sâu hơn. Trong kinh hay dùng những con số như một, mười hoặc mười hai. số mười hai là chỉ cho sự viên mãn của một chu kỳ, chẳng hạn như ngài nói rằng ngài quán cái biển này mười hai năm, cũng như trong kinh Pháp Hoa có ngài Nhất Thiết chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ Tát, kinh hành tụng kinh Pháp Hoa trong một nghìn hai trăm năm, tức là một chu kỳ lớn hơn, nhưng cũng có ý viên mãn một chu kỳ. Và trong kinh Hoa Nghiêm, có rất nhiều chỗ dùng mười hai năm, như ngài Thiện Tài đi từ ngài thứ tư đến ngài thứ năm đi mất mười hai năm, thì cũng thế, đó cũng là một chu kỳ viên mãn, chứ không phải là mười hai năm thường. Trở về với kinh, ngài thiện tri thức thứ hai này nói ta ở cửa biển này mười hai năm mà ta thường quán cái biển này, tức là quán biển tâm của ngài. Ngài nói đại hải đó rất sâu, mà lại quảng đại rộng lớn vô lượng, thì cũng như cái tâm vậy. Đôi khi, tâm ấy còn rộng lớn vô lượng hơn nữa. Ngài suy ngẫm đại hải này dung chứa tất cả thứ nước, thì cũng như cái tâm, nó dung chứa tất cả pháp giới. Đại hải này dung chứa tất cả chúng sanh, ngay cả những chúng sanh râ’t to lớn, cũng thế, tâm cũng dung chứa hết tất cả pháp giới này, và có một điều rất kỳ lạ là tâm đó không bao giờ đầy, không bao giờ vơi cả, mà thật ra nó cũng chẳng có, chẳng không…

Kinh:

Này thiện nam tử, lúc suy gẫm như vậy, ta lại nhớ rằng thế gian này có gì rộng lớn hơn đại hải không? Còn có gì vô lượng hơn đại hải chăng? Còn có gì sâu hơn chăng? Còn có gì lạ hơn đại hải này chăng?

Giảng:

Tức là sao? ở đây, ta nên nhắc lại chuyện một vị Tổ thiền bên Ấn Độ, ngài đến thăm một vị vua.

Vua có một vị hoàng tử tức là ngài Bồ Đề Đạt Ma sau này. Ngài hỏi ngay rằng: trong thế gian này, cái gì ghê gớm nhất, sâu nhất, lớn nhất? Ngài Đạt Ma trả lời ngay rằng: đó là cái tâm. Thì ở đây cũng thế, ngài suy ngẫm biển kia tuy là lớn, rộng, và sâu nhưng cũng chưa lạ bằng cái tâm, vì tâm kia còn sâu hơn, lớn hơn, còn dung chứa nhiều chúng sanh hơn, mà dung chứa cả pháp giới này. Và hơn nữa, nó mang một tính chất cực kỳ lạ lùng và kỳ diệu, vì nó có khả năng biến hiện tất cả…

Kinh:

Này thiện nam tử, lúc ta suy ngẫm như vậy, bỗng có đại liên hoa xuất hiện.

Giảng:

Ngài ngồi quán cái biển tâm ấy, bỗng một ngày kia ngài nhìn thấy ở mặt biển mọc lên một cây đại liên hoa. Thì cây này cũng rất lạ kỳ…

Kinh:

Liên hoa này cọng bằng vô năng thắng nhơn đà la ni bửu, cánh bằng lưu ly, nở thơm lan tràn khắp tất cả đại hải, trăm vạn A Ta La cầm cọng hoa, trăm vạn châu ma ni kết lưới trang nghiêm, trăm vạn Long Vương mưa nước thơm, trăm vạn Ca Lâu La Vương v.v… (tiếp theo mấy trang nói như vậy…)

Giảng:

Bông liên hoa này chính là pháp giới, vì ngài quán giả, ngài quán cái tâm kia, và cái tâm ấy nó hiện ra pháp giới này, như vậy ngài quán từ không ra giả. cần nhớ rằng, ngài thiện tri thức đầu tiên dạy cho ngài Thiện Tài chỉ quán đức Phật để vào niệm Phật tam muội thôi. Đến đây, ngài thiện tri thức thứ hai dậy ngài Thiện Tài đi sâu hơn nữa về quán giả, là quán cái biển tâm để thấy rõ ràng biển tâm ấy hiện ra pháp giới này. Đây là các ngài chỉ cho ngài Thiện Tài những pháp môn tu hành chính. Và pháp môn này tên là “Phổ Nhãn pháp môn” tức là trông rõ các pháp, và pháp giới là do tâm biến hiện…

Nếu đọc hết thì rất dài, nên ở đây, tôi chỉ nêu lên ý chính mà thôi. Để tóm lại, ngài thiện tri thức đầu dạy Ức Niệm Nhứt Thiết chư Phật, còn ngài thứ hai thì dạy Quang Minh Phổ Nhãn Pháp Môn, tất cả chỉ toàn là quang minh.

Kinh:

Này thiện nam tử, ở nơi đức Phật ấy (tức là sau khi ngài nhìn thấy trong Liên Hoa đó có một vị Phật ngồi), ta thọ trì pháp môn phổ nhãn như vậy trọn một ngàn hai trăm năm (cũng là một chu kỳ viên mãn), trong mỗi ngày ta dùng văn trì đà la ni quang minh lãnh thọ vô số phẩm, dùng tịch tịnh môn đà la ni quang minh xu nhập vô số phẩm, dùng vô biên triền đà la ni quang minh vào khắp vô số phẩm…

Giảng:

Tức là ngài quán chiếu luôn luôn Phổ Nhãn Quang Minh đó đến độ tâm thức ngài mở ra, làm nở nhiều thứ diệu đức, gọi là “đà la ni,” tức là tâm thức nở ra rất nhiều bông hoa.

Kinh:

Dùng quang tụ đà la ni quang minh thêm rộng vô số phẩm, dùng hải tạng đà la ni quang minh luận biện phân tích vô số phẩm.

Giảng:

Khi ngài vào trong tam muội đó nhìn được pháp giới này, rồi ngài lại triền miên trong tam muội ấy nên ngài được nhiều thứ đà la ni khiến nhìn pháp giới ở nhiều khía cạnh. Sau khi dạy bảo, ngài lại chỉ cho ngài Thiện Tài đến ngài thiện tri thức thứ ba. Ngài thứ ba này sẽ dạy rõ hơn hai vị thiện tri thức trước một chút, nhưng ngài cũng chưa gia trì gì cả. Thiện Tài cũng chưa nhìn thấy gì hết, chỉ nghe các ngài nói thôi.

Kinh:

Này thiện nam tử, từ đây qua phương Nam sáu mươi do tuần, bên đường Lăng Già có một tụ lạc tên là Hải Ngạn đó có một Tỳ Kheo tên là Thiện Trụ, ngươi nên đến đó hỏi Bồ Tát làm thế nào tịnh Bồ Tát hạnh.

Giảng:

Ngài thứ ba ở đường tên là Lăng Già, tức tượng trưng cho cái tâm (vì kinh Lăng Già được gọi là kinh Tâm Ấn) và có một tụ lạc tên là Hải Ngạn, cũng vẫn là “hải,” nhưng ở đây hơn ở Hải Môn một chút, vì Hải Ngạn là sang đến bờ bên kia của biển, ở đó, có Tỳ Kheo tên là Thiện Trụ, hãy đến đó hỏi Bồ Tát thế nào tịnh Bồ Tát hạnh.

Theo các sách Trung Hoa, thì họ hay giảng theo từng mức thang đi lên, tỷ dụ như vị thiện tri thức đầu tiên dạy ngài Thiện Tài vào bậc sơ trụ, ngài thứ nhì dạy nhị trụ, ngài thứ ba là tam trụ v.v… Hoặc ngài thứ nhất dạy tu bố thí, thứ nhì dạy trì giới v.v…, lối giảng giải này có vẻ không ổn lắm, vì ta thấy lời kinh không có gì gọi là sơ trụ và nhị trụ, cũng không thấy các vị dạy ngài Thiện Tài bố thí hay trì giới cả. Như ngài Đức Vân đáng lý phải dạy Thiện Tài hành trì bố thí mà không thây ngài dạy gì về bố thí cả mà lại dạy cho Thiện Tài niệm Phật tam muội. Còn ngài Hải Vân, đáng lẽ dạy Thiện Tài trì giới, nhưng lại dạy quán biển tâm. Nên theo ý tôi, nếu giảng theo lối đó cũng có thể được nhưng không ổn lắm. Và chúng ta cần hiểu rằng hành Bồ Tát đạo là đi trong tàng thức để thây cái tâm nó rất chập chùng và biến hóa không cùng. Nên những vị thiện tri thức sau này, là các ngài toàn thi triển những cảnh giới chập chùng trong tâm thức, mỗi ngài thị hiện mỗi khác, có khi vẫn chỉ là bố thí, trì giới v.v… nhưng mỗi ngài mỗi khác, nên chúng ta cũng không thể chia chẻ một cách nhất quyết được. Bây giờ, chúng ta tới ngài Thiện Trụ…

Kinh:

Thiện Tài đảnh lễ chân Hải Vân Tỳ Kheo hữu nhiễu chiêm ngưỡng từ tạ mà đi. Lúc đó Thiện Tài đồng tử chuyên niệm lời dạy của thiện tri thức, chuyên niệm phổ nhãn pháp môn, chuyện niệm Phật thần lực, chuyên trì pháp cú vân, chuyện nhập pháp hải môn, chuyên gẫm pháp sai biệt, thâm nhập pháp xoay chuyển vào khắp pháp hư không…

Giảng:

Lời kinh danh từ đổ xuống như cơn lốc, nên chúng ta rất dễ lạc, không biết tìm danh từ nào chính yếu cho mạch kinh. Tương tự như trong tâm thức chúng ta mọc một cái cây, nhưng cây đó rậm rạp rất nhiều cành lá, nên chúng ta phải suy nghĩ cho khéo để tìm đúng cái thân cây.

Kinh:

Thiện Tài đồng tử vừa tư duy suy gẫm, đi lần qua phương Nam, đến bên đường Lăng Già, nơi tụ lạc Hải Ngạn, xem xét mười phương tìm cầu Thiện Trụ Tỳ Kheo…

Giảng:

Khi một hành giả muốn gặp một vị nào thì phải quán chiếu thâm sâu, như chúng ta muốn gặp được đức A Di Đà thì phải quán chiếu rất lâu. Trong kinh, lúc đầu ngài Thiện Tài phải quán chiếu bảy ngày mới thấy được ngài Đức Vân. Đến đây, ngài quán chiếu một lúc là thấy ngay, như vậy tâm thức của ngài cũng đã sâu hơn trước rồi.

Kinh:

Thiện Tài thấy Thiện Trụ Tỳ Kheo đi kinh hành qua lại ở trong hư không.

Giảng: Lúc đầu, ta nhớ rằng Thiện Tài thây vị thiện tri thức đầu tiên đi kinh hành trên một ngọn núi, vị thứ nhì thây đứng ở bờ biển, còn vị này thì đi giữa hư không. Tức là vị này hình như cao hơn hai vị kia, mà vị này dạy một pháp môn cao hơn thật, vì ngài không dạy quán giả mà ngài lại dạy song chiếu, tức là quán trung.

Kinh:

Có vô số chư Thiên cung kính vây quanh, rưới những thiên hoa, trổi thiên kỷ nhạc, tràng phan gấm lụa thảy đều nhiều vô số dầy khắp hư không để cúng dường. Chư đại Long vương ở giữa hư không nổi bất tư nghì mây trầm thủy hương, chân sấm, xẹt chớp, dùng để cúng dường…

Giảng:

Ở đây, chúng ta thấy vô số chúng cung kính vây quanh, ngài Đức Vân thì không thấy có chúng vây quanh, ngài Hải Vân lúc đầu cũng không thấy, nhưng đến khi ngài nói khi ta quán thấy được bông Liên Hoa nổi lên thì có rất nhiều Ca Lâu La Vương hoặc vua trời v.v… cầm cọng hoa, chứ không phải vây chung quanh ngài Hải Vân. Còn đến ngài Thiện Trụ Tỳ Kheo thì thấy ngài đi kinh hành giữa hư không mà chung quanh toàn những Long Vương, hoặc chư Thiên, Khẩn Na La Vương, Chư Thần v.v… đến hầu, thì có thể mức tu chứng của vị này đã cao hơn rồi, đồng thời ngài cũng dạy cho Thiện Tài pháp môn cao hơn. Ở đây, chúng ta khó có thể xét kỹ các ngài về mức độ tu chứng. Chỉ cần nhận định đối với một vị tu hành cao, mức độ y báo lộng lẫy thường tương xứng với mực độ tâm thức.

Kinh:

Bạch Đức Thánh, tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề mà chưa biết Bồ Tát thế nào tu hành Phật pháp, thế nào tích tập Phật pháp, thế nào đầy đủ Phật pháp, thế nào huân tập Phật pháp, thế nào tăng trưởng Phật pháp, thế nào tổng nhiếp Phật pháp, thế nào cứu cánh Phật pháp, thế nào thâm tịnh Phật pháp, thế nào thông đạt Phật pháp.

Giảng:

Thân tịnh là thế nào? Tức là khi đã lên cao thì sau khi đã quán không, thì phải đi vào giả nữa, và bây giờ phải đến chỗ tịnh hơn nữa, tức là đi vào trung đạo song chiếu.

Kinh:

Tôi nghe đức thánh khéo dạy bảo… (bỏ một đoạn kinh), khi ngài dạy Bồ Tát thế nào chẳng bỏ hữu vi mà cũng chẳng trụ hữu vi, trong tất cả loài hữu lậu, dường như biến hóa, thị hiện thọ sanh tử tu Bồ Tát hạnh? Bồ Tát thế nào chẳng bỏ nghe pháp đều có thể lãnh thọ chánh giáo của chư Phật? Bồ Tát thế nào chẳng bỏ trí quang vào khắp chỗ sở hành của tam thế trí?

Giảng:

Ngài Thiện Trụ lúc đầu khen ngài Thiện Tài, sau ngày nói rằng: “Này thiện nam tử, ta đã thành tựu môn giải thoát vô ngại, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc đến, hoặc lui, tùy thuận tư duy tu tập quán sát, liền được trí huệ quang minh tên là Cứu Cánh Vô Ngại, vì được trí huệ quang minh này, nên biết tâm hành của tất cả chúng sanh không chương, không ngại. Biết sự chết và sanh của tất cả chúng sanh, biết đời trước của tất cả chúng sanh, biết những kiếp vị lai của tâ’t cả chúng sanh, biết những sự trong đời hiện tại của tất cả chúng sanh, biết những ngôn ngữ âm thanh nhiều loại sai biệt của tất cả chúng sanh… (bỏ một khúc…), biết tất cả sát na la-bà- mâu-hô-lật-da, giờ khắc ngày đêm, biết thứ đệ lưu chuyển trong biển tam thế… Biết tất cả sát na, có nghĩa rằng ngài biết từng tia chớp nháng một, và biết từng đơn vị thời gian rất nhỏ.”

Kinh:

Tại sao vậy? Vì được sức thần thông vô trụ, vô tác.

Giảng:

Thần thông vô trụ vô tác là cao lắm rồi, nhưng ở mức độ này cũng chưa phải là mức độ vô trụ, vô tác của chư Phật đâu, vì chúng ta nên nhớ rằng, lộ trình tu hành của nhà Phật đi theo vòng trôn ốc, nên có những nấc viên dung của nó. ở chỗ vô trụ, vô tác này, nếu so với chư Phật thì vẫn còn thấp mà phải đến chỗ vô trụ, vô tác bất động mới là tuyệt vời, tức là đến chỗ vô trụ, vô tác của chư Phật. Nên vị này, mức độ chỉ ở một nấc nào viên dung của trung đạo song chiếu thôi. Khi một hành giả quán giả, để đi vào trung đạo song chiếu, thì thần thông nở ra như hoa, còn như chỉ quán không thôi, thì hành giả đi được vào thức ấm nông cạn, chưa có thần thông gì mấy. Chúng ta nên biết, đi vào không hải phải đi qua tứ thiền, đến được đệ tứ thiền thì có những thần thông như bặt được hơi thở, ngưng tim đập mà không chết. Nên các vị hành giả khi đã vào đệ tứ thiền rồi thì có được sự tự tại trong việc chết, tỷ dụ như có vị thiền sư chỉ cần thắp một nén hương, vào tứ thiền, bặt hơi thở là đi luôn. Ngoài ra, các ngài còn có thể biến hóa và phóng hào quang được, biến hóa thân mình được ít nhiều, như trên thân ra lửa, dưới thân tuôn nước, có thể biến thân lớn như núi, hoặc biến thân nhỏ lại như hạt cải, nhưng không biến hóa được ngoại vật, và cũng chưa đủ sức để hóa hiện nhiều hóa thân, tức là phân thân vô lượng. Vụ này cần phải vào đại bi, vào trung đạo song chiếu để biến hóa được nhiều… Trở lại kinh, ngài Thiện Trụ nói ta được sức giải thoát thần thông vô trụ, vô tác.

Kinh:

Này thiện nam tử, vì ta được sức thần thông này nên ở giữa hư không hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc ẩn, hoặc hiện, hoặc hiện một thân, hoặc hiện nhiều thân, đi xuyên qua tường vách như nơi trong không, ở trên hư không ngồi kiết già qua lại tự tại như chim bay, vào trong đất như xuống nước, đi trên nước như trên đất khắp thân trên dưới đều phát lửa ngọn như đấng lửa lớn. Hoặc có lúc chân động tất cả đại địa, hoặc có lúc lấy tay rờ rẫm mặt nhật, mặt nguyệt, hoặc hiện thân mình cao đến Phạm Cung, hoặc hiện mây hương đốt, hoặc hiện mây bửu diệm v.v… thảy đều rộng lớn dầy khắp hư không mười phương… (bỏ một đoạn…), hoặc trong một niệm qua phương đông một thế giới, hai thế giới, trăm thế giới, ngàn thế giới… bất khả thuyết, bất khả thuyết thế giới…, qua bất khả thuyết, bất khả thuyết phật sát vi trần số thế giới, ta trước chư Phật Thế Tôn trong tất cả quốc độ đó mà nghe thuyết pháp, ớ chỗ mỗi đức Phật, hiện vô lượng Phật sát vi trần số thân sai khác.

Giảng:

Ở đây, chúng ta thấy ngài hiện vô lượng số thân vi trần số sai khác như thế thì đã thấy thần biến rất ghê gớm rồi, nhưng so với chư Phật thì chưa đi đến đâu cả…

Kinh:

Mỗi đức Như Lai, có bao nhiêu lời ta đều thọ trì cả, (tức là ngài đã được văn trì đà la ni), nơi mỗi quôc độ có bao nhiêu sự trang nghiêm ta đều nhớ rõ cả.

Giảng:

Quốc độ đẹp đẽ thế nào thì vị này nhớ rõ cả, mà nói cho cùng, tất cả sự đẹp đẽ trang nghiêm đều nằm trong tàng thức ấy cả, vấn đề là mình phải lọt được vào trong ấy thì sẽ thấy đủ tất cả sự trang nghiêm, và tất cả chín phương kia cũng đều như vậy.

Kinh:

Tất cả chúng sanh trong những thế giới đó ta đều thấy rõ, ta đều thấy rõ tùy theo sự lớn nhỏ thắng liệt khổ vui của họ mà thị hiện đồng thân hình với họ để giáo hóa cho họ được thành tựu… (bỏ một khúc...). Này thiện nam tử, ta chỉ biết pháp môn vô ngại giải thoát mau chóng cúng dường khắp chư Phật thành tựu khắp chúng sanh này.

Giảng:

Vị này, theo quí vị nghĩ ngài dạy pháp môn gì? Ta lại phải trở lại cái tên của ngài, vì chúng ta cũng cần để ý đến những tên, và những ngôn danh trong kinh, luôn luôn mang theo một ý nghĩa cần thiết của nó. Ngài tên là Thiện Trụ, nghĩa là Khéo Trụ. Tức là khéo giữ giữa cái sắc và cái không, giữa Bát Nhã và Đại Bi, tựa như con chim có hai cánh, thì có thể bay xa ngàn dặm được. Đại lược, có khoảng ba, bốn vị đầu dạy cho Thiện Tài những nét chính, còn những vị sau thì chỉ thi triển thần biến, như những bông hoa lạ nở trong pháp giới này mà thôi. Nên phải giữ cái tâm thật khéo mà không nghiêng về bên nào cả. “Khéo khéo lúc dụng tâm, khéo khéo không tâm dụng” là vì vậy, theo như ngài Huyền Giác nói. Đó là một kỹ thuật dụng tâm rất cao siêu mà chúng ta phải cặm cụi nghĩ mãi mới thấy được ít chút sự mầu nhiệm. Nên chúng ta phải khéo dụng tâm, lúc nào cũng nhìn cảnh giới như “hoa trong gương, trăng đáy nước” thôi, và như vậy, ta có thể giữ được tâm ở trung đạo, giữa Bát Nhã và Đại Bi, giữ giữa sắc và không. Tỷ dụ như đối với một người bạn, một người vợ, hay một người con, chúng ta sẽ không bị tình nhiễm bao vây nhiều nữa, dù vậy ta vẫn làm tất cả những lo lắng cần thiết cho người đó để độ sanh. Quán tâm như vậy lâu dài, thì ngay cả đối với những người không thân thiết, ta cũng có thể nhiệt tình giúp họ được, còn như nếu ta coi một người quá thắm thiết thì ta sẽ thiếu Bát Nhã, như vậy tâm vẫn bị lệch, không phải là thiện trụ. Nên bí quyết là phải quán như huyễn, hoặc hoa trong gương, trăng đáy nước, hoặc quán như điện chớp (flash) mà thôi. Theo tôi nghĩ, quán như vậy, thì có thể quán bất cứ nơi đâu, ngay lúc đi chơi ta cũng quán được, không cứ phải ngồi ngay ngắn tham thiền mới quán được. Và có lẽ, ngài Thiện Trụ luôn luôn quán chiếu như thế mới có được nhiều thần thông lực.

Kinh:

Này thiện nam tử, từ đây qua phương nam có một nước tên là Đạt Lý Tỹ Trà, có thành tên là Tự Tại, trong đó có một người tên là Di Già.

Giảng:

Theo tôi hiểu, chữ “Di Già” cũng có nghĩa là mây, vị này là một vị Ưu Bà Tắc, không xuất gia. Trong kinh, rải từ các vị Tỳ Kheo đến Ưu Bà Tắc, rồi qua đến cả ngoại đạo nữa, cả tiên ông, và những vị Bà La Môn. Và ngài Thiện Tài học được rất nhiều ở những vị nữ nhân, và có những người nữ rất giỏi. Nên đi tìm cầu thiện tri thức có thể ở bất cứ tôn giáo nào cũng được, nhưng phải giữ tâm mình thật khéo ở giữa Bát Nhã và Đại Bi thì đi chỗ nào cũng không lạc được. Ngay ở những vị Bà La Môn cũng có thể học được nhiều điều, vì sao? Vì có nhiều vị Bồ Tát thị hiện vào hàng Bà La Môn để giáo hóa họ. Nên ta có thể gặp mọi người, rồi dùng trí huệ tìm hiểu biết vị này là đi con đường chính đạo mà thị hiện, hay là vị đó là ngoại đạo. Vì dù ở bất cứ tôn giáo nào, nếu là một vị Bồ Tát thị hiện, các ngài luôn luôn giữ tâm song chiếu, đúng theo Bát Nhã và Từ Bi mà không có gì khác cả.

Kinh:

Lúc đó Thiện Tài Đồng Tử nhất tâm chánh niệm pháp môn pháp quang minh tin sâu xu nhập.

Giảng:

Chánh niệm là gì? Ta có thể nói chánh niệm có nhiều mức độ, như ta có thể chánh niệm hơi thở, nhưng cũng chưa phải là chánh niệm cao, mà cái cao nhất (như ngài Mã Minh nói) là phải chánh niệm duy tâm sở hiện, tức là nhìn cảnh giới như hoa trong gương, trăng đáy nước. Khi tâm chúng ta nhìn, thấy cả pháp giới đều chỉ là hoa trong gương, trăng đáy nước thì dễ đạt được tâm tịch tĩnh. Còn chánh niệm hơi thở thì ta mới mức độ sắc ấm mà thôi, hoặc chánh niệm tứ đế thì ta lên được mức Thanh Văn thừa. Đến khi nào ta lâm chung, ta có thể nghĩ được rằng, thân này cũng chỉ là sự biến hóa trong tàng thức, như hoa trong gương, trăng đáy nước, và nếu giữ được niệm đó mà chết thì không cách nào bị đọa được. Nếu thêm được câu niệm Phật thì chắc sẽ được vãng sanh, chúng ta cũng nên thử so sánh mức độ ngài Thiện Tài với những vị vãng sanh bên Cực Lạc. Tôi thiển nghĩ những vị ở thượng phẩm có thể hơn mức độ định của ngài Thiện Tài lúc bắt đầu đi tìm cầu thiện tri thức, (tuy rằng không có tạng công đức như ngài), vì những phẩm trên đều đã vào được định, có đủ ngũ thông rồi. Như vậy, càng suy nghĩ ta càng nên đảnh lễ chư Phật đã bày ra pháp môn tịnh độ cho chúng ta tu hành. Là vì tất cả những cảnh giới thị hiện trong phẩm Nhập Pháp Giới, thường thường cũng tương tự như cảnh giới bên Cực Lạc, hoặc cao thấp hơn một chút mà thôi. Vả lại, cảnh giới Cực Lạc cũng chính là cảnh giới nở ra từ tàng thức của đức Phật A Di Đà. Cho nên Thiện Tài Đồng Tử nhất tâm chánh niệm pháp môn pháp quang minh tin sâu xu nhập nơi tàng thức. Nên khi giảng kinh, nếu không giảng về quang minh thì kinh rất khó hiểu.

Kinh:

Chuyên niệm Phật chẳng dứt ngôi tam bảo. Khen tánh ly dục.

Giảng:

Ở đây, chữ dục này bao gồm chữ dục thường của thế gian, và ngay cả thắng dục, tức là cái tâm muốn đi lên và tâm ái luyến pháp của mình cũng phải ly. Như một hành giả tu đắc được một pháp nào đó rồi khởi tâm Ưa thích, thì điều đó cũng phải bỏ…

Kinh:

Chiếu khắp tam thế. Nhớ những đại nguyện khắp cứu chúng sanh. Chẳng chấp hữu vi… (bỏ một đoạn kinh…), đi lần đến thành Tự Tại tìm Di Già, thấy người này đang ngồi trên pháp tòa sư tử nơi chợ giảng thuyết pháp môn luân-tự-trang-nghiêm. Có mười ngàn người vây quanh nghe pháp.

Giảng:

Thiện Tài đến thì thấy ngài Di Già ngồi giữa chợ đang thuyết pháp cho dân chúng nghe về pháp môn “luân-tự-trang-nghiêm,” luân là bánh xe, tự là chữ, như chữ “ÚM,” hoặc chữ “A,” hay chữ “HỒNG” v.v… thì ngài dạy chúng ta phải quán những chữ có xoáy tròn thì đó là pháp môn luân-tự-trang-nghiêm.

ThưỜng thường tu theo mật tông, quí vị cũng nên biết là hành giả phải tụng chú đồng thời phải quán những luân xa trong người xoay tròn, đồng thời quán một mẫu tự chính nào đó, như chữ “ÚM,” quán đến khi nào mẫu tự đó đỏ rực lên xoáy tròn và bay lên, nhập vào miệng hành giả, rồi rơi vào tâm nguyệt luân. Tại sao phải quán thế? Vì mật tông cho rằng pháp giới này được dệt nên bởi quang minh và diệu âm, diệu âm sau viết thành chữ, nên phải quán những chữ đó. Vì trong giáo lý nhà Phật, chữ của thế gian là thứ chữ thường do người đặt ra, như chữ Việt chúng ta thì do ông giám mục Bá Đa Lộc đặt ra, còn chữ của Trung Hoa thì do ông Thương Hiệt đặt ra. Nhưng có một loại chữ nguồn gốc, gọi là chữ thánh là do các bậc thánh đặt ra, những bậc đó thường có thiên nhãn hoặc huệ nhãn, nên các ngài nhìn vào những rung động của các quang minh nguyên sơ để đặt ra thứ chữ đó. Nên khi hành giả mật tông quán những chữ nguyên sơ ấy, tức là đặt tâm mình vào nhịp rung chuyển nguyên sơ của những quang minh, rồi họ lập đàn tràng, tụng chú, quán mẫu tự, bay lớn lên không trùm cả pháp giới. Nhưng chúng ta cũng khó có người làm được điều Ấy, vì tâm chúng ta thường quen tán loạn. Vì vậy, pháp môn của ngài Di Già gọi là “luân-tự-trang-nghiêm.” Ở đây, trên thực tế, cũng có một vị Di Già ngồi giữa chợ thật, chung quanh có mười ngàn người nghe pháp, đồng thời chúng ta cũng phải nghĩ theo nghĩa bóng rằng trong tàng thức của ngài Di Già có mười ngàn hạnh nở ra.

Khi đọc kinh, ta bao giờ cũng cần hiểu theo hai nghĩa, một nghĩa trong, và một nghĩa bên ngoài thì mới đúng ý kinh. Và trong kinh vẫn nói, hành giả tu cao sẽ làm nở vô lượng diệu đức, vô lượng hoa lá của thần thông, mỗi thứ hành một hạnh, hạnh bi, hạnh xả, từ v.v…

Kinh:

Thiện Tài Đồng Tử đảnh lễ chân Di Già hữu nhiễu vô lượng vòng chắp tay cung kính bạch rằng… Bạch đức Thánh, tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề, nhưng tôi chưa biết Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo…, thế nào lưu chuyển trong các loài mà chẳng quên mất tâm bồ đề,…

Giảng:

Lưu chuyển trong các loài, tức là lưu chuyển trong hai mươi lăm cõi mà không bao giờ quên tâm bồ đề…

Kinh:

Thế nào được ý bình đẳng kiên cố bất động,… thế nào phát sanh sức đại bi hằng không mỏi nhọc…, thế nào phát sanh tất cả quang minh nơi tất cả pháp lìa những ám chướng, thế nào đủ sức vô ngại giải biện tài quyết rõ tất cả nghĩa tạng thậm thâm, thế nào được sức chánh niệm ghi nhớ thọ trì tất cả pháp luân sai biệt, thế nào được sức tịnh đạo, nơi tất cả loài khắp diễn thuyết các pháp, thế nào được sức trí huệ nói tất cả pháp đều có thể quyết định phân biệt nghĩa đó??

Giảng:

Ở đây, Thiện Tài hỏi về đại bi, về sự lưu chuyển từ cõi đời này sang cõi đời khác mà không quên tâm bồ đề. Và hỏi về trí huệ…

Kinh:

Di Già bảo Thiện Tài rằng: Ngươi đã phát tâm bồ đề rồi ư? —Vâng, tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề. Di Già liền vội vàng rời tòa sư tử mọp lạy Thiện Tài. Rồi lại rải bông bột mịn chiên đàn, vô lượng thứ y trùm trên mình Thiện Tài.

Giảng:

Tại sao ngài Di Già lại phải lễ ngài Thiện Tài cung kính như thế? Tức là không phải lễ Thiện Tài đâu, mà đó là lễ lậy Bồ Đề Tâm và trùm y lên Bồ Đề Tâm của Thiện Tài. Sau này, đến đoạn Thiện Tài đến gặp ngài Di Lặc, trong kinh sẽ nói về Bồ Đề Tâm một cách huy hoàng. Tỷ dụ như, ngài Di Lặc nói rằng: “Nếu có người mang mão Bồ Đề Tâm, khi đi xuống nước không thể chìm, các Long Vương đều theo hộ trì và nước cũng dạt ra hai bên, và người nào tin được điều này mới thực là khó.” Mà nghĩ cho cùng thì sẽ thấy đúng, có điều là Bồ Đề Tâm của chúng ta quá nhỏ nên hay khởi tâm không tin, và không chịu hiểu.

Sau đó, ngài Di Già nói một tràng dài đại khái ca tụng tâm bồ đề, chẳng hạn như: “Bồ Tát như phong luân, Bồ Tát như đại địa, Bồ Tát như đại hải, Bồ Tát như mặt trời, Bồ Tát như núi Tu Di, Bồ Tát như minh nguyệt, BồTát như mãnh tướng, Bồ Tát như quân chủ v.v…”

Kinh:

Di Già tán thán Thiện Tài như vậy, làm cho chư Bồ Tát hoan hỉ rồi, từ trên mặt phóng ra những ánh sáng chiếu khắp Đại Thiên thế giới.

Giảng:

Sau khi ngài Di Già tán thán Bồ Đề Tâm của Thiện Tài rồi thì ngài phóng quang, nhưng ngài chỉ phóng quang chiếu một đại thiên thế giới thôi.

Kinh:

Chúng sanh trong cõi Đại Thiên gặp ánh sáng này, từ Long Thần nhẫn đến Phạm Thiên đều đến chỗ Di Già.

Giảng:

Ở đây, nên để ý đến một tiểu tiết rằng, vì ngài Di Già phóng ánh sáng cho một cõi đại thiên thôi, nên chỉ có Long Thần nhẫn đến Phạm Thiên đến nghe pháp. Và không thấy nói tới các vị Bồ Tát ở các cõi khác. Sau khi các Long Thần và chư Thiên vân tập đến rồi, thì Di Già đại sĩ liền vì họ mà khai thị pháp môn Luân Tự Phẩm Trang Nghiêm. Có nghĩa rằng ngài dạy tu về Mật Tông, tụng chú, lập đàn tràng và quán những chủng tự, như chữ “ÚM, A, HỒNG” v.v…

Kinh:

Đại chúng nghe pháp xong đều được chẳng thối chuyển nơi vô thượng bồ đề.

Giảng:

Nếu một hành giả tu đến mức độ không thối chuyển nơi vô thượng bồ đề thì cũng cao lắm rồi, gần tương đương đến địa thứ bảy, hay thứ tám của Bồ Tát. Thực ra, các vị Phạm Thiên phần nhiều cũng đã tu đến những địa thứ tư hoặc thứ năm rồi…

Kinh:

Lúc bấy giờ Di Già trở lại lên bổn tòa bảo Thiện Tài rằng: Thiện nam tử, ta đã được Diệu Âm Đà La Ni. Có thể phân biệt ngữ ngôn của tất cả chúng sanh, chư Thiên Long Bát Bộ trong cõi Đại Thiên. Cũng như cõi Đại Thiên này, vô số thế giới nhẫn đến bất khả thuyết, bất khả thuyết thế giới khắp mười phương đều biết rõ ngữ ngôn cả. Này thiện nam tử, ta chỉ biết pháp môn Bồ Tát diệu âm đà la ni quang minh này.

Giảng:

Chúng ta thấy rõ, bốn vị thiện tri thức đầu tiên dạy Thiện Tài những nét chính trong con đường Bồ Tát đạo, phải tu tập thế nào, còn những vị sau thì như thêm hoa, thêm lá để Thiện Tài biết rõ tất cả sự kỳ ảo của diệu tâm mà thôi. Nên đến vị thiện tri thức thứ 5 là ngài bắt đầu cho Thiện Tài nhập tam muội ngay, ngài nhập tam muội đó, thu pháp giới vào trong thân mình để cho Thiện Tài thấy. Tức là ngài “nhập pháp giới” ở một mức độ thấp. (Tuy gọi là thấp nhưng chỉ thấp đối với chư Phật mà thôi, còn đối với phàm phu chúng ta thì thực tình mà nói, không biết phải lẽo đẽo tu đến bao nhiêu kiếp mới được đến mức độ này).

Thôi, tới đây cũng xin ngừng để đến kỳ sau…