NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
QUYỂN MỘT
Chương hai
Feb 18th, 1990
Trong lần trước, chúng tôi đã trình bày với quí vị trên đại cương lộ trình tiến tu của Thanh Văn thừa và lộ trình tiến tu của Bồ Tát đạo, và cũng có đi vào một đoạn kinh ngắn. Hôm nay, trước khi đi vào kinh, chúng tôi xin mạn phép lấy một chút thì giờ để nói thêm về con đường thiền quán của Bồ Tát đạo. Vì cần phải hiểu những điều này rành rẽ thì mới có thể theo dõi bước tiến tu của Thiện Tài được.
Trong lần trước chúng tôi đã nói rằng, Thanh Văn thừa thường tu giới và thiền quán đi đến chỗ tiêu diệt những phiền não và chấm dứt phân đoạn sinh tử, tức là đi đến chỗ giải thoát cá nhân. Còn Bồ Tát đạo thì tu hành cao hơn nhiều, xa gấp mấy lần đoạn đường đó, vì không những phải tiêu dung phiền não chướng và phân đoạn sanh tử, mà còn phải tiêu dung sở tri chướng cùng biến dịch sanh tử để đi tới nhập pháp giới.
Hôm nay, cần nói thêm mấy điểm về vấn đề thiền quán để quí vị thấy rõ Thiện Tài tu theo quán giả và quán trung chứ không phải ngài cần tu theo quán không.
Thanh Văn chỉ tu có giới và thiền quán thôi mà không tu tất cả các hạnh như các vị Bồ Tát. Bồ Tát thường phải tu mười hạnh, còn bên Thanh Văn cũng tu bố thí nhưng cũng rất ít, chưa đi đến chỗ bố thí ba la mật như các vị Bồ Tát. Còn trì giới thì các ngài Thanh Văn cũng trì giới một cách tiêu cực gọi là biệt giải thoát giới, trong khi các vị Bồ Tát phải trì tâm địa tịnh giới, vì ngoài cái biệt giải thoát giới để trừ điều ác, các ngài còn phải làm tất cả điều lành, gọi là thiện pháp giới, và cả nhiêu ích hữu tình giới, tức là tu những hạnh làm nhiêu ích cho tất cả chúng sanh… Bồ Tát không bao giờ nghĩ đến riêng mình cả mà lúc nào cũng nghĩ đến tất cả chúng sanh. Còn về chữ “nhẫn” là nhẫn nhục thì Bồ Tát phải tu nhẫn nhục đến mức ba la mật, bố thí cũng phải bố thí ba la mật, tinh tấn cũng là tinh tấn ba la mật, thiền định cũng thiền định ba la mật v.v… Bồ Tát không chĩ thuần tu không quán mà còn phải tu cả giả quán và trung quán nữa, và trí huệ là trí huệ “Đại bát nhã ba la mật” chứ không phải là trí huệ nhất thiết trí của Thanh Văn. Bồ Tát còn có những độ sâu hơn nữa là độ nguyện, độ phương tiện, độ lực và độ trí mà bên Thanh Văn hoàn toàn không có. Trong kinh thường có một câu mà quí vị cần nhớ, đó là câu “Nhất tâm tam quán,” tức là chỉ có một cái tâm đó thôi mà có thể quán ba cách. Đạo Phật dạy rằng tất cả các pháp đều tùy sự lắt lay của tâm thức, chúng ta sống trong đời, cứ nghĩ rằng cái này có hoặc không, nhưng đạo Phật đặc biệt dạy rằng tâm mình có thể quán được nhiều cách, nếu quán lâu bền một vật là có thì tự nhiên nó trở thành có, nếu quán không thì lần lần nó trở thành không, dù đó là vật cứng chắc ù lì đến đâu chăng nữa. Hoặc nếu quán cao hơn nữa là “chẳng có chẳng không” thì sự vật trước mắt ta đều như huyễn cả. Tất cả các kinh đều chỉ dạy có vậy thôi. Nên người tu cần quán cái tâm chẳng có chẳng không ấy, tương tự như người đi dây, hoặc như con chim bay, không nghiêng về một bên nào cả thì mới bay bổng tuyệt vời được. Ngày xưa tôi cứ thắc mắc, lấy làm lạ nghĩ rằng: “Quái! chỉ có một tí đó thôi mà nó lại là cái bí ẩn cao vời của đạo Phật.” Cái “một tí” đó chính là cái chẳng có, chẳng không, tức là giữ cái tâm bồng bềnh đập đúng theo nhịp đập của diệu tâm ấy, một nhịp đập nguyên sơ trước khi bị vô minh che đậy. Ngày xưa, ngài Trí Khải lập tông Thiên Thai về thiền quán nối được cả tông lẫn giáo. Tông là cái yếu chỉ của tâm, còn giáo là sự giải thích về cái Tâm đó, và ngài có nói về Nhất tâm tam quán. Trong kinh Lăng Nghiêm và Viên Giác cũng nói đến ba lối quán đó, tức là quán không, sau quán giả rồi sau cùng đến quán trung, trung đạo song chiếu.
Kinh Lăng Nghiêm và Viên Giác gọi quán không là Samatha, quán giả gọi là Sa-ma-bát-đề, còn trung quán song chiếu gọi là Thiền Na hoặcTam-na-đề. Như vậy, Bồ Tát đạo có ba giai đoạn tu, từ sắc vào Không, rồi khởi Giả rồi Trung đạo song chiếu, trong khi bên Thanh Văn chỉ tu quán không mà thôi. Một hành giả, muốn làm con cá tích đi ngược dòng qua năm màn sương mù là sắc, thọ, tưởng, hành để vào đến thức ấm thì gọi là thành tựu không quán. Rồi khi vào đến biển không hải ấy, các vị Thanh Văn thường dừng lại ở đó, không khởi tâm tiến tu nữa, các ngài đã tiêu trừ những mầm mống sinh tử và vào Niết Bàn, lúc còn sắc thân thì gọi là hữu dư niết bàn. Sau khi chết thì gọi là vô dư niết bàn. Nhưng các ngài vẫn còn những tập khí của biến dịch sanh tử, những vi tế của sở tri chướng chiếu soi chấp ngã, chấp thọ giả, tri giả v.v…, nên trong kinh Pháp Hoa mới nói rằng đó chỉ là Niết Bàn hóa thành mà thôi, chứ không phải Niết Bàn thực, mà Niết Bàn thực là Đại tịch diệt của Như Lai, là sự nhập pháp giới trọn vẹn đồng thời cũng là sự giải thoát tột độ nữa. Nên đại thừa không nhấn mạnh đến sự giải thoát, tức nhập Niết Bàn cho riêng mình, mà phải ôm trọn pháp giới vào thân mình mới là sự giải thoát rốt ráo, mới là nhập đại niết bàn tịch diệt, đó chính là Nhập Pháp Giới.
Nên con đường tu chứng của các vị Thanh Văn thì các ngài chỉ mới đi được một phần ba con đường thôi, có thể là một phần tư, một phần năm vì hai đoạn kia dài xa cần khổ hơn nhiều, phải qua nhiều a tăng kỳ kiếp mới thành tựu. Trong kinh nói, Thanh Văn có thể tu trong 60 kiếp, nếu kiếp nào cũng xuất gia, trì giới, thiền quán thì có thể đắc A L a Hán, (tức là vào được đến thức ấm). Trong khi đi con đường quán giả và quán trung, thường các vị Bồ Tát phải qua 3 a tăng kỳ kiếp, phải thí thân hoài hoài, bố thì hoài hoài, làm tất cả những hạnh, nguyện và phương tiện để độ sanh, như thế đủ hiểu con đường Bồ Tát mênh mang dài xa, cần khổ như thế nào. Nên Thiện Tài tu trong thức ấm ấy, quán chiếu những sở tri chướng để tiêu dung những tập khí vọng tưởng về ngã, về pháp giới, về ngã giả, về thọ giả, về tri giả, về kiến giả, về chiếu soi v.v…, phải làm như thế mới có đại tự tại lực, mới biến hóa không cùng được, mới có thể độ được tất cả chúng sanh. Đó là điểm “nhất tâm tam quán” mà chúng tôi muốn nhắc quí vị, khi quí vị hiểu được sự bí ẩn lắt lay của tâm thức, mà tất cả sự lắt lay ấy đậu trên đầu một tâm niệm thì lúc đó chúng ta có thể thấy được đạo. Vì nếu khởi một niệm có thì pháp giới này trở thành có, vì sao? Vì tâm niệm ấy cứ huân tập hết kiếp này đến kiếp khác từ vô số kiếp về trước đến giờ nên nó trở thành có, hiện tướng để chúng ta có cảm giác cái này là thực có, là ù lỳ chướng ngại, chứ thực ra, nó chỉ là những tâm niệm của chúng ta mà thôi. Ngược lại, nếu ta muốn trở về, muốn làm con cá tích bơi ngược dòng trở về diệu tâm, thì cần khởi tâm niệm là không, rồi lên cao hơn nữa là chẳng có, chẳng không. Như thế, trong vô lượng vô số kiếp thì đến một lúc nào đó pháp giới này sẽ biến chuyển đúng theo tâm thức của người tu hành, lên đến bực cao nhất là Phật thì tâm các ngài là tâm bình đẳng, chẳng có, chẳng không vậy.
Điểm thứ hai chúng tôi xin nhắc ở đây là câu “Tam đế viên dung.” Đế là chân lý. Đạo pháp có thế đế (tục đế), là đế của người phàm phu chúng ta, đế thứ hai cao hơn một nấc là Chân Đế, tức là chân lý của hàng Thanh Văn, Duyên Giác, đế thứ ba là Đệ Nhất Nghĩa Đế, tức là chân lý của chư Phật và chư Đại Bồ Tát. Thế đế của phàm phu thường chấp một bên. Ví như trông thấy cái bàn thì chúng ta coi là có cái bàn, trông lên hư không chúng ta gọi là không, hoặc tốt hoặc xấu, rõ rệt một cách nhị biên như thế. Nhưng khi tu lên đến bực Thanh Văn thì các ngài quán không và vào chỗ chân đế, thì các ngài cho pháp giới này là không, cái ngã cũng không. Lên cao hơn nữa đến chư Đại Bồ Tát thì các ngài vượt luôn qua cả chân đế đó, vượt qua cái trệ không, các ngài giữ tâm chẳng có, chẳng không như một người đi dây giữa không trung vậy. Đây gọi là Đệ Nhất Nghĩa Đế.
Nhân đây, tôi xin trở lại một chút về “tứ cú” mà tôi đã giảng mấy lần ở đây rồi. Ta sẽ thấy rằng, phàm phu là đệ nhất cú, tục đế, chân đế của Thanh Văn là cú thứ hai, đệ nhất nghĩa đế của các vị Bồ Tát là cú thứ tư, còn đệ tam cú, cũng có cũng không là của ngoại đạo. Đệ nhất nghĩa đế là đệ tứ cú, chẳng có chẳng không hoặc giữ im lặng là tối thượng. Còn khoa học mà người ta thường tôn sùng là chỉ ở đệ nhất cú mà thôi (thếđế), vì họ đều chấp có vi trần, có núi non, có người, có vật v.v… Nên phải nhớ rằng giáo lý tự tâm biến hiện của Phật giáo mà chưa tin thì chưa hẳn là một Phật tử.
Trước đây, có một người Tầu được giải Nobel, khi ủy ban trao giải Nobel hỏi ông rằng, gần như năm nào anh cũng làm được một việc đáng được giải Nobel cả, vậy thì tại sao anh lại giỏi như vậy? Ông trả lời rằng, tôi chỉ đọc và hiểu đạo Phật mà thôi.
Điều thứ ba là cả Thanh Văn lẫn Bồ Tát tu hành đều dùng tâm. Bên Thanh Văn thì dùng tâm chỉ và quán, chỉ tức là định, quán tức là huệ. Bồ Tát thừa cũng dùng chỉ và quán nhưng dụng tâm sâu sắc hơn. Song Bồ Tát thừa lại có thêm một điểm quan trọng đó là nguyên lực. Bên Thanh Văn dùng nhiều định lực (chỉ), một ít huệ lực (quán), không có nguyện lực. Trái lại, Bồ Tát dùng định lực, huệ lực đều nhau và nhiều hơn hết là nguyện lực.
Tôi xin nói về Thanh Văn thừa trước…
Các vị Thanh Văn thừa là những vì rất nhàm chán thân máu mủ này, rất chán thế gian này, vì các ngài luôn quán rằng không có cái gì vui được lâu, cái vui bây giờ cũng sẽ chuyển thành cái khổ. Còn xác thân này thì luôn luôn phải chịu sanh già bệnh và chết. Nên không có gì gọi là vui cả. Nên khi đức Phật nhập diệt, có mười tám ngàn A La Hán tự đốt thân theo Phật và mưa xá lợi. Các ngài tu để giải thoát cho mình, diệt những phiền não chướng, để khỏi thọ sinh thân máu thịt, các ngài dùng định lực và huệ lực, nhưng dùng định lực nhiều hơn.
Trong con đường diệt phiền não, các ngài có hai cách tu: Trạch diệt vô vi và phi trạch diệt vô vi. Trạch là săm xoi, quán chiếu để hiểu rành rẽ nguyên do nào phiền não được cấu tạo, để tiêu dung, nên trạch diệt thuộc nhiều về quán, tức là thuộc về trí huệ. Còn phi trạch diệt thuộc về chỉ, dùng định lực để đè các phiền não không cho khởi, mà không săm xoi cỗi nguồn phiền não, giống như ta lấy một tảng đá đè lên đám cỏ dại, hoặc xây ciment lên thì cỏ dại sẽ không mọc. Còn trạch diệt là cứ để phiền não mọc lên rồi quán chiếu rành rẽ và tiêu dung những phiền não đó đi, như người để cỏ dại mọc và nhổ cho đến khi hết sạch. Phi trạch diệt dùng định lực đè phiền não thì sẽ vào được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, bốn vô sắc định. Nhưng chưa chắc đã đắc bốn quả thánh, vì phiền não chưa được diệt. Như trường hợp của Thiện Tinh Tỳ Kheo, ngài đã đắc đệ tứ thiền, nhưng chưa đắc được quả thánh nào cả, nên đến khi chết thấy thân trung ấm cùa mình vẫn còn, và vẫn thấy đầy rẫy phiền não, nên ngài mới kêu lên: “Chẳng có Niết Bàn gì cả, chư Phật chỉ nói lời hư vọng,” vì vậy ngài bị đọa địa ngục. Còn dùng trạch diệt vô vi là quán chiếu để tiêu dung nó đi. Phương pháp này dùng huệ để tiêu dung phiền não, biết rằng nó chỉ là giả huyễn, do vô lượng nhân duyên họp thành tham, sân, si, mạn, nghi v.v…, các vị chiếu soi hoài hoài sẽ tiêu dung được cội rễ của phiền não chướng, sẽ đắc bốn thứ quả thánh là Tu Đà Hoàn, Tu Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán, đồng thời có thể được bốn quả thiền, bốn vô sắc định và diệt tưởng định.
Hỏi: Có phải sau khi diệt thân này thì mới đắc bốn quả thánh haỵ đắc được quả ngay khi còn thân này?
Đáp: Ngay khi còn thân này đã có thể đắc được rồi.
Hỏi: Thiền này có đồng nghĩa với thiền đốn ngộ nói rằng: trên đầu sào trăm trượng nên bước thêm bước nữa không?
Đáp: Thiền đốn ngộ thuộc Đại Thừa nên cao hơn. Nhưng trước sau cũng là đi vào thức ấm, và khi vào đến đây, phải “bước thêm bước nữa,” có nghĩa là phải diệt thêm sở tri chướng để trờ thành Bạch Tịnh Thức.
Nếu ta làm một sự so sánh về định lực, thì một Bồ Tát đệ ngũ địa bằng định lực của một vị A La Hán, nhưng về huệ lực và nguyện lực thì vị Bồ Tát đệ ngũ địa hơn A La Hán rất nhiều, các vị Bồ Tát thường quán không, quán giả, và quán trung, còn bên Thanh Văn các ngài quán không mà thôi. Nhưng ở chặng giữa, ở chặng đường thập hồi hướng thì định lực của các vị Bồ Tát thua các vị A La Hán.
Hỏi: Vậy thì thiền vipassana (Minh sát tuệ) của Nam Tông thuộc loại gì? Trạch diệt vô vi hay phi trạch diệt vô vi?
Đáp: Đó là trạch diệt vô vi, nhưng tuệ đó chưa phả là tuệ cao lắm vì chỉ dùng trạch diệt vô vi để tiêu dung phiền não thôi. Ở đạo Phật, khổ một cái là danh từ cứ trùng trùng điệp điệp, (vì thế gian trùng điệp), quá nhiều danh từ nên nhiều Phật tử bị lạc lõng.
Đại khái, các vị Thanh Văn tu trạch diệt vô vi và phi trạch diệt vô vi, dùng định lực và huệ lực. Còn các vị Bồ Tát cũng tu cả định lẫn huệ, đồng thời thêm nguyện lực nữa. Nguyện lực nó rất ghê gớm ở chỗ nó vừa là định, cũng vừa là huệ tâm lớn hiểu rõ mình và pháp giới là gì, Phật là gì, nhân duyên, như huyễn v.v… Rồi do huệ tâm sanh ra Đại bi và Nguyện. Vì vậy, chĩ ở chỗ nguyện thôi mà những vị quĩ thần hay hộ trì cho những vị này. Như trong kinh, có những vị ngồi thiền đắc sơ thiền, nhị thiền, nhưng kinh không hề nói có chư Thiên đến cúng dường, vì các ngài chưa phát được những thệ nguyện rộng lớn, chưa làm lợi ích cho ai.
Còn điểm thứ tư là định và tam muội. Vậy định và tam muội khác nhau ra sao? Trong kinh thường nói đến cửu thứ đệ định mà thôi, từ tứ thiền, tứ không định và diệt tận định. Còn tam muội thì trong kinh Hoa Nghiêm hoặc Pháp Hoa thì nói đến vô số tam muội. Nhưng khi lên đến chỗ tột cao như thủ Lăng Nghiêm tam muội thì kinh cũng gọi là thủ Lăng Nghiêm định. Vậy là sao? Nếu ta quyết đoán định khác tam muội, thì tại sao trong kinh lại nói là Đại Định Thủ Lăng Nghiêm cũng là Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, và cũng là Như Huyễn Tam Ma Đề?
Trong giáo lý nhà Phật thường các ngài chỉ nói ẩn hiện thế thôi, một người muốn tìm hiểu phải bơi lội bì bõm trong ấy lâu mới hiểu được.
Chữ Định thường được dùng trong hành trình đi vào Không quán. Trong bước đường đi vào không quán, có những thứ bậc rõ rệt, một hành giả vào đến sơ thiền, nhị thiền rồi đến tam thiền là đã vào đến bình diện thọ ấm, qua đến tứ thiền là vào đến bình diện tưởng ấm, vào đến bốn vô sắc định là vào đến bình diện của hành ấm, đến khi vào diệt tận định là vào được bình diện thức ấm, mức độ đi vào không thì chỉ có từng đó mức độ ấy thôi (cửu thứ đệ định). Dĩ nhiên là không kể đến những thứ định lặt vặt khác, như ta quán một một điểm đen đằng xa, khi có chú tâm thì đó cũng là định, nhưng định đó còn rất thấp. Lại còn có những thứ định như biến xứ định, là khi hành giả quán tất cả nhà cửa, cây cỏ, núi sông đều mầu vàng, quán lâu hành giả sẽ thấy tất cả đều biến thành màu vàng, nhưng chỉ riêng đối với hành giả quán chiếu thấy vậy thôi. Nếu vị này đi sâu vào định hơn nữa thì vị đó sẽ chuyển cái định của mình thành định quả sắc, tức là khiến người chung quanh cũng nhìn thấy mọi vật trở thành màu vàng. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xin nói lược đến những định chính thôi, chứ nói nhiều quá thì quá dài mà có thể đi lạc xa với ý chính… Còn về tam muội thì trái lại, tam muội thường đi vào giả quán nhiều, nên trong kinh có vô số tam muội, vì trong pháp giới có vô số cảnh giới. Khi quán giả, hành giả có thể quán bất cứ một cảnh giới nào. Như trong phẩm Hiền Thủ (số 12) khi một hành giả quán đất, hoặc nước, lúc nhập định thì có nước, đến khi xuất định thì nước biến thành lửa. Khi quán giả, ta có thể mang thân này nhập tam muội đến khi xuất mang thân rồng, mang một thân nhập tam muội lúc xuất lại vô lương thân .v.v… Vì vậy quán giả tức là quán một cảnh giới, lên cao hơn là quán cái biến hóa của nó, như vậy mới có thể hóa thân vô lượng bời bời để độ sanh được. Khi một hành giả quán không đi vào biển Bát Nhã của Thanh Văn rồi, sự biến hóa chưa có mấy, vì trong kinh thường nói, các vị Thanh Văn chỉ có 18 phép biến hóa thôi, còn Bồ Tát thì biến hóa vô lượng. Tam muội khác định là ở chỗ đó, tức là phải dùng đại bi nhiều để đi vào giả, vì đại bi là mầm mống của sự biến hóa. Chính vì vậy, Đại Bi Tâm rất cần thiết cho đường tu chứng của các vị Bồ Tát, không có Đại Bi Tâm mà chỉ có Bát Nhã thì hành giả rất dễ rơi vào con đường Thanh Văn. Nên sự biến hóa của tam muội vô lượng, đồng thời, trong tam muội các vị Bồ Tát lại chuyển từ tam muội này sang tam muội khác một cách rất thần kỳ, có thể trong một niệm nhập xuất hàng ngàn tam muội, đó mới thật là biến hóa, mới thật là có tự tại lực, còn bên Thanh Văn thì từ một định này chuyển qua một định khác phải mất thời gian nhiều hơn, mà chuyển biến cũng không được mau lẹ, không được chập chùng vô lượng. Thí dụ như từ sơ thiền, các ngà i qua nhị thiền, rồi qua tam thiền v.v… từng nấc một, chứ không như bên các tam muội của các vị Bồ Tát, có thể nhập một tam muội mà xuất cả ngàn tam muội được, chỗ khác nhau của định và tam muội là như vậy. Song khi lên đến Trung quán tuyệt vời, vào được như huyễn tam ma đề ở bực Bồ Tát thập địa, thì lúc đó định và tam muội là một, nên Đại ĐịnhThủ Lăng Nghiêm cũng là Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, cũng là Như Huyễn Tam Ba Đề.
Chìa khóa của đạo Phật là đi đến chỗ biến hóa không cùng, mà cái tâm có thể biến hóa nhiều nhất là cái tâm đại bi, và cũng là tâm Bát Nhã tuyệt vời, vì tột không cũng là diệu hữu vậy. Nên phải nhớ, khi hành giả còn tu ở dưới thì tách ra làm hai, nhưng lên tột bờ mé thì nhập lại làm một.
Điểm thứ năm là nói đến lịch trình không, giả và trung quán. Không quán thì ai cũng hiểu rồi, còn giả quán là sao? Tại sao lại phải giả quán? Ta nên nhớ đến câu kệ của ngài Quán Thế Âm: “Sắc bất dị không” tức là đi từ sắc vào không, là quán không. “Không bất dị sắc” là đi từ không ra sắc tức là quángiả. “Sắc tức là không, không tức là sắc” là quán trung. Chỉ một câu nói trong bài Bát Nhã Tâm Kinh mà thâu tóm tất cả đường tu, nhưng khổ nỗi là chúng ta không làm nổi mà thôi.
Câu “sắc bất dị không” tức ta phải quán tất cả đều là không. Và cũng cần biết rằng khi quán chiếu vào không hải có hai cách: một là quán theo lối nhân duyên, tức là theo Thanh Văn thừa, hai là quán theo lối như huyễn của Bồ Tát đạo.
Quán Nhân duyên thì ai cũng biết rằng tất cả sắc trần đều do vô lượng nhân duyên họp lại mà thành, nếu quán lâu hành giả có thể tiêu dung được những vật ù lì này để đi vào không hải kia. Rồi các vị Thanh Văn hay dừng lại đó, còn vị Bồ Tát thì vẫn “yết đế” (vượt lên), đi nốt con đường còn lại bằng cách quán giả, từ không ra sắc. Quán giả để trưởng dưỡng tâm đại bi thêm lớn và có thể biến hóa không lường được. Nên chư Phật bao giờ cũng khuyên rằng, chớ có dừng chân nơi không hải, vì đó mới chỉ một phần ba đoạn đường thôi. Phải yết đế, yết đế, vượt lên, vượt lên nữa để lặn sâu đến chỗ tột không, làm con thoi đi từ không ra giả, từ giả vào không, mà mỗi lần ra vào như vậy thì lại xuống sâu không hải một nấc, ngày càng biến hóa thêm cho đến mức viên dung gọi là “chân không mà diệu hữu.”
Trong kinh tả ngài Thiện Tài đã đến cửa bể rồi, giờ đi tìm cầu thiện tri thức, học thêm về quán giả để chỉ có một mục đích đi vào đến đáy bể đó. Còn trong kinh Viên Giác nói đến chỗ khởi giả là tam ba bát đề, là phải khởi huyễn để trừ huyễn, đó là ngài dạy cho những vị cao. Còn phàm phu chúng ta, chỉ cần biết con đường tu chứng là như thế thôi, sức của chúng ta chỉ có thể quán nông cạn, quán nhân duyên, như huyễn một chút thôi. Nhìn vật gì ta cũng quán nó như một lớp sương mù khởi dậy từ diệu tâm, chứ chúng ta chưa thể biến hóa được. Còn các vị Bồ Tát khi vào được thức ấm rồi thì các ngài biến hóa rất dễ, lúc đó các ngài sắp trở thành pháp thân Bồ Tát, vì thế các ngài không thể ngồi trong thức ấm mà an hưởng sự trầm không thú tịch mà các ngài luôn luôn phải hóa hiện thân hình, hoặc cảnh giới để độ sanh. Tức là khởi những cảnh huyễn để độ huyễn.
Ta cũng cần định nghĩa lược qua chữ tam ba bát đề. Nó có nghĩa thứ nhất là phải nhớ tưởng chư Phật mười phương, sau đó khởi những cảnh huyễn để độ huyễn, nên vì thế trong kinh thường nói đến chữ “thiện thệ,” tức là qua lại, sang giả rồi trở lại không, vào không rồi trở ra giả, cứ thế, luôn luôn làm con thoi qua lại, không trụ bờ bên này, không trụ bờ bên kia, cũng không dừng ở giữa dòng. Càng qua lại thần tốc bao nhiêu thì tự tại lực càng thần biến bấy nhiêu, trong một niệm có thể qua lại vài ngàn lần, hoặc vài vạn lần, hay vô lượng vô số lần, thần tốc càng ngày càng lớn, thì tự tại lực càng biến hóa vô lượng. Như đức Phật nói rằng: “Ta ở nơi không hải mà vẫn diễn nói lịch kiếp tu hành…,” có nghĩa là tâm ngài vẫn ở tột không tịch tĩnh, nhưng đồng thời ngài vẫn khởi Đại Bi nói tất cả pháp để độ sinh, ngài làm như vậy một cách thường trực và hết sức thần tốc, vì vậy mới gọi là thiện thệ. Thiện thệ lâu sẽ biến thành trung đạo song chiếu tuyệt vời, tức là trôi vào biển Đại Giác. Đại cương không, giả và trung là như vậy. Ngay cả tâm thức của chúng ta cũng thế, tuy chẳng quán chiếu giỏi giang gì, nhưng nó cũng đi qua đi lại mà không có mấy người biết. Có điều sự đi qua, đi lại của tâm thứ chúng ta không vào sâu được đến thức ấm mà chỉ có từ sắc ấm vào đến tưởng ấm là cùng. Sở dĩ chúng ta vẫn còn bị trôi lăn vì tất cả những hành vi của chúng ta đều vướng mắc ở những điều vọng, nên không được thần biến, tự tại như chư Đại Bồ Tát và chư Phật.
Nay nói đến điểm cuối cùng là điểm Ma chướng. Thường khi tu hành trong giai đoạn không hay gặp ma chướng. Còn trong kinh, ngài Thiện Tài đi vào giả, nên rất ít gặp ma chướng, ngài chỉ gặp một chỗ thôi nhưng lại diệt được ngay, tức là ở đoạn đi gặp Thắng Nhiệt Bà La Môn. Ông này tu theo lối trí huệ, ông để một rừng gươm rồi đốt một đống lửa lớn, sau đó trèo lên cao rồi nhảy vào rừng gươm đó. Lúc Thiện Tài đến hỏi đạo, thì Thắng Nhiệt Bà La Môn cũng bảoThiệnTài làm y như vậy, Thiện Tài ngần ngừ và nổi lên một ý nghi ngờ: “đây có phải là ma chăng mà sui ta làm như vậy?” Thiện Tài vừa nghĩ thế thôi, thì chư Thiên hiện xuống, người nào cũng bảo cho Thiện Tài biết ông Thắng Nhiệt Bà La Môn này tu theo trí huệ mà không phải cảnh giới là ma, nên cứ việc theo lời thiện trí thức này mà làm. Thiện Tài nghe lời, nhảy đến nửa chừng thì đắc được hai tam muội. Nên phải hiểu, con đường tìm cầu thiện trí thức của Thiện Tài rất ít bị ma chướng, vì chỉ trong giai đoạn tu không quán là bị ma chướng nhiều nhất mà thôi, ở đây, ta lại phải trở về với Lăng Nghiêm để dẫn chứng. Trong Lăng Nghiêm nói rằng, một khi hành giả vượt sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm đều bị ma chướng về tham dục, nhưng khi vào đến hành ấm và thức ấm thi thiên ma không chiếu cố nữa mà chỉ còn ma ý của chính hành giả mà thôi. Tỷ dụ như khi vào đến không hải, lại tưởng đó là Niết Bàn, hoặc nghi cái này, cái khác, đó gọi là ma ý. Còn đi ra giả quán thì ít bị, thiên ma không chiếu cố vì các ngài tu đã khá cao rồi, lại có rất nhiều thiện thần hộ trì, hơn nữa thiên ma chi ngự ở dục giới tức quanh quẩn từ sắc ấm đến hành ấm mà thôi. Sau đó, Thiện Tài lại hơi bị một chút chướng ngại ở chỗ gặp vị thiện trí thức Ba Tu Mật Đa. Đó là một người đàn bà rất đẹp, lại thị hiện làm kỹ nữ. Khi Thiện Tài đến nơi, nghe thấy dân chúng nói về vị này, có người khen, kẻ chê, họ nói rằng: “Đồng tử này trông tướng mạo đoan trang, mắt không nháy, tại sao đi tìm bà dâm nữ này làm gì?” Nhưng có người hiểu và biết rằng Ba Tu Mật Đa là một vị Bồ Tát thị hiện, vì ngài dạy cho Thiện Tài môn “Ly Tham Dục Tế,” tức là lìa hết tham dục. Nếu ai được trông thấy bà đều mất hết tất cả tham dục, “chỉ cần nhìn ta hoặc liếc mắt, hay cầm tay ta là mất hết tham dục…” Như vậy, trong kinh muốn nói rằng Thiện Tài đã tu vào đến thức ấm rồi, nhưng kinh vẫn nhắc đến chuyện tham dục, vì nhiều khi hành giả phải mài tâm mình, tu đi, tu lại nhiều lần, cũng như đức Phật Thích Ca ngồi Bồ Đề Đạo Tràng, đã là bậc Đẳng Giác rồi, thì tại sao ma nữ còn có thể hiện ra để quấy phá ngài được? Tại sao lại phải tranh đấu với Ma Vương làm chi? Trong kinh đại thừa nói rằng, lại còn có cả Ma Vương đem quân đến quấy nhiễu ngài nữa, tại sao thế? Đức Phật đã gần làm chủ pháp giới này rồi thì sao Ma Vương còn có thể quấy phá được? Vì rằng, trong kinh Hoa Nghiêm có dạy, chính vì lòng đại bi, có những chúng sanh thích chiến đấu, thích quân trận nên ngài thị hiện có Ma Vương đến phá, đồng thời thị hiện cả ma nữ đến phá nữa, để nhắc chúng sanh biết rằng, cửa ải tham dục là một cửa ải rất ghê gớm, khó vượt, vì có những bậc tu đã cao rồi mà vẫn còn bị ma nữ ám ảnh, nên ngài khởi từ bi tâm để nhắc nhở chúng ta thôi. Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu chúng ta tu cao lên một chút, vượt qua được tưởng ấm mà vào đến hành ấm thì lúc đó chúng ta không còn bị ma chướng nhiều nữa. Lúc đó chỉ còn ma ý, cái nghi và cái mạn mà thôi. Đó là sáu điểm chúng ta cần phải nhớ trước khi đi vào kinh theo dõi con đường tìm cầu thiện trí thức của ngài Thiện Tài đồng tử…
Nay xin đi vào kinh…
Trên kia, chúng ta thấy đức Phật ngồi vườn cấp Cô Độc trong Trùng các đại trang nghiêm, có năm trăm vị Bồ Tát, năm trăm vị Thanh Văn. về số 500 này, thực tôi chưa hiểu rõ tại sao kinh lại lấy số năm trăm, nhưng hình như kinh hay dùng con số mười là để chỉ cái vô tận và số năm là để cho sự thành tựu hoàn mãn, cũng như Ngũ Cổ Như Lai là năm vị Phật xưa vậy…
Kinh:
Bấy giờ chư Đại Bồ Tát, Đại Đức Thanh Văn những chủ thế gian và quyến thuộc đều nghĩ rằng: cảnh giới của Như Lai, trí hạnh của Như Lai, sức gia trì của Như Lai, lực của Như Lai, vô úy của Như Lai v.v… không tin giải được, không rõ biết được, không nhẫn thọ đưực, chỉ trừ sức gia bị của chư Phật…
Giảng:
Đại khái đoạn này nói đến các vị Bồ Tát và những vị Thế Gian Chủ v.v… tự nghĩ về những cảnh giới, những trí hạnh của Như Lai là thế nào, các ngài chỉ nghĩ thế thôi, nhưng đức Phật vì có tha tâm thông nên ngài biết được các sự nghi đó, thì đây, trong kinh tả…
Kinh:
Bấy giờ đức Thế Tôn biết tâm niệm của các vị Bồ Tát đó rồi liền dùng đại từ bi làm thân, đại bi làm đầu, dùng pháp dại bi mà làm phương tiện đầy khắp hư không, nhập sư tử tần thân tam muội…
Giảng:
Đức Phật biết tâm niệm của các vị Bồ Tát rồi, ngài không giảng bằng lời, mà chĩ giảng bằng tam muội, trong đoạn này, kinh không hề nói đến sự triển khai về Bát Nhã (Tánh Không), mà chỉ dùng Đại bi, mà đại bi là cái tâm sở đưa chúng ta đến chỗ biến hóa nhiều hơn là Bát Nhã. Và ngài đã khởi tâm đại bi, nên ngài đã nhập tam muội gọi là “Sư Tử tần thân tam muội,” Sư tử tần thân là con sư tử chuyển thân, vờn cầu mà không có gì vấp váp cả, đức Phật vào tam muội này cũng thế, ngài cũng thần kỳ chuyển tam muội, chuyển từ tam muội này sang tam muội khác…
Kinh:
Khi đức Thế Tôn nhập tam muội này rồi, tất cả thế gian đều khắp nghiêm tịnh…
Giảng:
Ngài vào tam muội thì ở khu rừng đó trở thành lâu các Đại trang nghiêm, bỗng dưng rộng rãi, không có ngằn mé. Tất cả đều nói lên sự biến hóa, khi ngài muốn nói pháp lớn thì ngài thường nhập tam muội nên đạo tràng trở thành trang nghiêm rộng lớn hơn. Cũng như tôi vẫn nói rằng, khi chúng ta lên núi Linh Thứu ở bên Ấn Độ, chỉ thấy một mảnh sân rất nhỏ, nhưng đến khi ngài ngồi nói pháp thì tự nhiên chỗ đó bỗng rộng rãi ra, dù bao nhiêu người đến dự cũng vừa. Ở đây cũng vậy, nên sau khi nhập tam muội rồi thì tất cả hào quang phóng đi mười phương các cõi, nên mười phương chư Đại Bồ Tát đều vân tập.
Kinh:
Lúc đó, lại do thần lực của Phật, rừng Thệ Đa bỗng nhiên rộng rãi đồng với bất khả thuyết Phật sát vi trần số quốc độ. Tất cả đều diệu bửu xen lẫn trang nghiêm. Bất khả thuyết bửu trải khắp mọi nơi. Vô số bửu làm tường rào. Cây đa la báu trang nghiêm bên dường…
Giảng:
Chỗ này hiện lên cảnh giới y như bên Cực Lạc, vì có những cây, những hoa báu, những giòng nước…
Kinh:
Lại có vô lượng hương hà, đầy những nước thơm sóng gợn xoay quanh. Tất cả hoa báu theo dòng chuyển về phía hữu…
Giảng:
Khi nào hiện tướng thì luôn xoay về phía hữu, khi nào xoay về phía tả tức là chìm vào không, là Bát Nhã, hiện tướng là đại bi. Tôi nghĩ rằng, tất cả những sông, hay giòng nước bát công đức bên Cực Lạc cũng đều xoay theo chiều phía hữu.
Kinh:
Vô số báu phóng đại quang minh…, vô số báu trang nghiêm mặt đất, đốt những diệu hương mùi thơm ngào ngạt…
Giảng:
Chỗ này nói khoảng mấy trang, nhưng nếu đọc hết thì dài quá, nên xin đọc lược qua chỉ cần hiểu ý chính là được rồi…
Kinh:
Bấy giờ, trong hư không trên rừng Thệ Đa, có bất tư nghi thiên cung điện vân, vô số bửu liên hoa vân, thiên y vân v.v… Tại sao vậy, vì thiện căn đức Như Lai bất khả tư nghi. Vì oai đức của đức Như Lai bất khả tư nghì. Vì đức Như Lai ở trong một lỗ lông thị hiện quá khứ tất cả chư Phật bất tư nghì. Vì đức Như Lai tuy phóng mỗi một quang minh đều có thể chiếu khắp tất cả thế giới bất khả tư nghi. Vì đức Như Lai có thể ở trong một lỗ lông phát ra tất cả Phật sát vi trần biến hóa vân đầy khắp tất cả chư Phật, tất cả chư quốc độ bất tư nghì v.v…
Giảng:
Những chỗ này đã giảng trước nhiều lần rồi, nghĩa là cả hội trường biến hóa hẳn lên, như cảnh giới của Cực Lạc, có khi còn hơn thế nữa. Khi hội trương biến hóa thế rồi, thì mười phương đông, nam, tây, bắc, và giữa những phương ấy, đều có những vị Bồ Tát từ mười phương vân tập. Lề lối và nghi thức của một đạo tràng lớn là như vậy, tức là đức Phật ngồi đó, vào tam muội phóng quang tất cả các nơi, thay đổi tất cả đạo tràng, rồi chiếu ánh sáng đi mười phương thế giới, tất cả những vị đại Bồ Tát gặp được ánh sáng ấy, đều vân tập đến để nghe pháp, các vị đến thường là đảnh lễ Phật rồi hóa hiện những tòa sen lớn và ngồi lên đó để nghe pháp. Đại lược là như vậy, sau khi các vị Đại Bồ Tát vân tập thì nói đến các vị Thanh Văn…
Kinh:
Lúc đó chư thượng thủ Đại Thanh Văn như ngài Xá Lợi Phát, Đại Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp v.v… chư Đại Thanh Văn này ở tại rừng Thệ Đa mà đều chẳng thấy thần lực của Như Lai.
Giảng:
Tất cả sự biến hiện đó, cùng chư Đại Bồ Tát vân tập đến mà các vị Thanh Văn, A La Hán là những hàng đệ tử cao của Phật không nhìn thấy gì cả.
Kinh:
Chẳng thấy sự nghiêm hảo của Như Lai. Chẳng thấy cảnh giới của Như Lai. Chẳng thấy sự du hí của Như Lai…
Giảng:
Du hí tức là thần thông du hí, tại sao lại gọi là thần thông du hí? Tức là độ sanh mà vẫn tiêu dao, không chấp chước, chữ “du hí” không có nghĩa là giỡn chơi đâu, mà nghĩa của nó là các vị Đại Bồ Tát làm Phật sự một cách dễ dàng, không chấp, không khởi một tâm thiên lệch nào cả…
Kinh:
Chẳng thấy sự tôn thắng của Như Lai, chẳng thấy diệu hạnh và oai đức của Như Lai… Chư Đại Thanh Văn chẳng thấy được thần lực của chư Phật, cũng chẳng thấy được thân những Bồ Tát. Tại sao vậy? Vì thiện căn chẳng đồng…
Giảng:
Thiện căn tức là tu phước, huệ không đồng, vì sao? Vì các vị Thanh Văn chưa có tâm Đại Bi bình đẳng, thứ nữa, các ngài không có tâm Bát Nhã sâu xa, nên nhãn lực các ngài còn rất hạn hẹp, không có thiên nhãn tuyệt vời như chư Đại Bồ Tát và Phật được…
Kinh:
Vì vốn không tu tập thiện căn thấy Phật tự tại. Vì vốn chẳng khen nói công đức thanh tịnh của tất cả Phật độ ồ mười phương. Vì vốn chẳng ca ngợi thần biến của chư Phật Thế Tôn…
Giảng:
Phàm phu chúng ta tuy rằng không có định và huệ gì, nhưng chúng ta có được lòng tin và đôi lúc cũng nói sự tán thán.
Kinh:
Vì vốn chẳng ở trong sanh tử phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, vì vốn chẳng làm cho kẻ khác phát tâm Bồ Đề, vì vốn chẳng có thể làm cho chủng tánh Như Lai không đoạn tuyệt, vì vốn chẳng biết tất cả pháp như huyễn, chư Bồ Tát như mộng…, vì cớ này nên chư Đại Thanh Văn không thấy được, chẳng chứng được, chẳng niệm được, chẳng quán sát được, chẳng tính lượng được, chẳng tư duy được, chẳng phân biệt được. Thế nên dầu cũng ở trong rừng Thệ Đa mà chẳng thấy được những đại thần biến của Như Lai.
Giảng:
Vì thân các vị Bồ Tát quá vi diệu, trụ xứ của các ngài quá sâu, diệu sắc thân của các ngài dệt bằng những hào quang vi tế quá, mà các hàng Thanh Văn chưa đủ nhãn lực để nhìn thấy. Tất cả vi diệu của đạo Phật là ở chỗ đó, mở nhãn lực ra, đó là tâm nhãn, trong kinh có rất nhiều thí dụ để giảng về việc này, tôi xin đọc đại lược một số…
Kinh:
Ví như có ngươi ở giữa đại hội ngủ say, chiêm bao thấy trên đảnh núi Tu Di thiên đế ngự nơi thành thiện kiến, cung điện vườn cây các thứ nghiêm tốt, ngàn muôn ức thiên tử, thiên nữ, thiên hoa rải khắp mọi nơi. Những y thọ sanh ra y phục đẹp. Nhưng hoa thọ đơm nở hoa đẹp. Những âm nhạc thọ trỗi thiên âm nhạc. Những thiên thể nữ ca ngâm tiếng nói. Vô lượng chư thiên ở trong đó vui chơi. Người nằm mộng này tự thấy mặc thiên y đi dạo khắp thiên cung… ở trong đại hội tất cả mọi người dầu đổng ở một chỗ mà chẳng thấy, chẳng biết cảnh giới thiên cung như vậy…
Giảng:
Ở đấy, tôi xin nhắc lại chữ “thọ,” như là những y thọ, những hoa thọ, những âm nhạc thọ v.v… đó chính là những loại cây trên trời, mọc ra những cái áo gọi là y thọ, phát ra những thứ âm nhạc gọi là âm nhạc thọ v.v… chứ chữ thọ đây không phải để chỉ cho thọ ấm đâu. Trong khi người nằm mộng nhìn thấy tất cả những cảnh giới đó, thì những người ở chung quanh không ai nhìn thấy cả, vì thiện căn không đồng. Cũng vậy, tuy các vị Thanh Văn cũng có mặt trong rừng Thệ Đa, nhưng thiện căn của các ngài không đồng nên chẳng nhìn thấy gì cả…
Kinh:
Ví như núi tuyết có đủ các dược thảo, lương y đến đó đều có thể phân biệt hết, còn những thợ săn, những người chăn súc vật thường ở trên đó mà chẳng thấy biết được thuốc hay.
Giảng:
Cũng như ví dụ trên, đức Phật lại cho một tỷ dụ khác về dược thảo, chỉ có lương y mới nhận rõ từng loại thuốc mà thôi, còn người thường thì chẳng biết gì hết. Hoặc người không có phước, nhiều khi nhìn thấy một cây rất quí, nhưng cũng chẳng biết gì hơn.
Kinh:
Đây cũng như vậy, chư Đại Đệ Tử Thanh Văn, dầu ở trong rừng Thệ Đa, thân cận đức Thế Tôn mà chẳng thây thần lực tự tại của Như Lai, vì không có tịnh nhãn vô ngại của Đại Bồ Tát nên chẳng có thể thứ đệ ngộ nhập pháp giới…
Giảng:
Vì không có tịnh nhãn nên chẳng thể nhìn được hết thứ tự lớp lang của pháp giới này. Tùy theo tịnh nhãn của mình càng rộng bao nhiêu thì ta càng nhập pháp giới nhiều bấy nhiêu. Phàm phu chúng ta chỉ nhìn thấy được một khúc rất hạn hẹp, thấy được cây cối, nhà cửa, vợ con, của cải v.v… vì tâm chúng ta chỉ mở được đến đó mà thôi, không thể nhìn thấy sâu, rộng hơn được. Còn chư Đại Bồ Tát lại khác, các ngài nhìn thấy được tất cả từ thai sanh, noãn sanh, hóa sanh, ma quỉ, chư thiên v.v…
Kinh:
Ví như Tỳ Kheo ở giữa đại chúng nhập biến xứ định, như là địa biến xứ định, thủy biến xứ định, hỏa biến xứ định, phong biến xứ định, thanh biến xứ định, huỳnh biến xứ định, xích biến xứ định (tức là tùy theo tâm mà có thể nhìn thấy được các màu khác nhau). Người nhập định này thấy những cảnh đó nhưng người khác không thấy được chỉ trừ người trụ trong chánh định này…
Giảng:
Xin nói đến thái độ của các vị Thanh Văn không nhìn thấy gì cả, các ngài ngồi như đui, như điếc vậy thôi. Sau đó, trong pháp hội, các vị Đại Bồ Tát đứng lên, người nào cũng nói kệ, mỗi vị đại diện cho một số Đại Bồ Tát nói kệ tán thán đức Phật, rồi sau mới vào ngồi trong pháp hội. Sau cùng, ngài Phổ Hiền mới đứng lên, ngài giảng giải qua về những tam muội của đức Phật, tu pháp môn gì thì được tam muội này. Trong khi đức Phật nhập tam muội để dắt những vị thính chúng (Bồ Tát) cùng vào tam muội đó, cũng như sau này, quí vị thấy rằng Thiện Tài đi gặp một vị thiện tri thức là ngài Tỳ Mục Cù Sa cũng đưa Thiện Tài vào tam muội của ngài vậy.
Kinh:
Bấy giờ đức Thế Tôn vì muốn cho chư Bồ Tát an trụ trong Như Lai sư tử tần thân quảng đại tam muội…
Giảng:
Muốn cho các vị BồTát vào được tam muội đó…
Kinh:
Nên từ tướng bạch hào giữa chăng này, phóng ra quang minh lớn gọi là phổ chiếu tam thế pháp giới môn, dùng bất khả thuyết Phật sát vi trần số quang minh làm quyến thuộc, chiếu khắp chư Phật quốc độ trong tất cả thế giới hải ở mười phương… Lúc đó tại rừng Thệ Đa, Bồ Tát đại chúng đều thấy tất cả cõi Phật khắp pháp giới hư không giới. Trong mỗi một vi trần đều có tất cả Phật sát vi trần sấ Phật độ. Hoặc thây ở trong bất khả thuyết Phật sát chúng hội phát ra âm thanh vi diệu đầy khắp pháp giới chuyển chánh pháp luân.
Giảng:
Kinh giảng rằng tất cả chư Bồ Tát cũng nhìn thấy tất cả cảnh giới trong tam muội y như Phật vậy, trong cảnh giới đó chỉ có quang minh và âm thanh thôi, quang minh thuộc về con mắt, âm thanh thuộc về cái tai, còn mấy căn khác không kể. Vì vậy, pháp giới này được dệt bằng quang minh và diệu âm…
Kinh:
Trong hội này, đại chúng Bồ Tát thấy thậm thâm tam muội đại thần thông lực của chư Phật Như Lai như vậy.
Giảng:
Sự độ sanh của đức Phật rất ghê gớm, ngài chỉ cần ngồi đó, nhập cơn tam muội, đưa tất cả vào tam muội mà không cần phải cất chân, đặt tay cả. Trong kinh kể ba, bốn trang về những tam muội thần biến của chư Phật này…
Kinh:
Chư Bồ Tát đó thảy đều đầy đủ đại trí thần thông, minh lợi tự tại, trụ ở trí địa, dùng trí quảng đại quan sát khắp tất cả từ những trí huệ chủng tánh mà sanh, nhất thiết chủng trí thường hiện ở trước. Thân của các ngài (thân của các vị Đại Bồ Tát) siêu xuất tất cả thế gian, được trí huệ vô ngại đối với tất cả pháp, (trông thấy pháp gì cũng hiểu cả), khéo hay tỏ ngộ ngằn mé tận, vô tận…
Giảng:
Trí huệ của các ngài đã đến được ngằn mé tận và vô tận. Còn chúng ta thì khác, chỉ nhìn được có một khúc thôi, không biết vô lượng là cái gì, không biết được cái tận đi vào cái vô tận, như chúng ta không nhìn thấy được con sông lúc nhập vào biển cả… Nhưng chư Đại BồTát thì khác, các ngài đã nhìn lên được chỗ ngằn mé của nó.
Kinh:
Trụ ở ngằn mé, phổ biến nhập vào ngằn mé chân thiện.
Giảng:
Phổ biến tức là tất cả pháp, tức là vô lượng. Khi thấy tất cả pháp vô lượng đều rơi vào cái không đó, thì sẽ thấy được rõ tất cả. Trong Đại Thừa Khởi Tín, ngài Mã Minh nói rằng, khi một vị Bồ Tát chỉ thấy được niệm trụ, niệm dị, niệm diệt mà chưa thấy được niệm sanh thì chưa thấy được ngằn mé của tận và vô tận. Còn phàm phu chúng ta thì chỉ thấy các niệm đã trụ và hiện tướng rồi, chứ không thể biết được những niệm lúc sanh, tức là lúc nó khởi lên từ chân không. Phải lên đến Bồ Tát đệ bát địa mới có thể biết được…
Kinh:
Lúc đó, chư Đại Bồ Tát được bất tư nghì chánh pháp quang minh…
Giảng: Sau khi chư Phật dùng tâm đại bi cho tất cả chúng Đại Bồ Tát vào được tam muội bất tư nghi này rồi, tức là trông thấy được tất cả pháp giới, lúc này ngài Văn Thù Sư Lợi mới xuất hiện, ngài xuất hiện cũng chỉ để nói một bài kệ thôi…
Kinh:
Các ngài đến rừng Thệ Đa…
Giảng: Đại khái đoạn này ngài tán thán sức thần lực của chư Phật, thì lúc đó Thiện Tài mới xuất hiện.
Kinh:
…Bấy giờ ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát sau khi nói kệ rồi từ Thiện Trụ Lâu Các đi ra cùng vô lượng Bồ Tát đồng hạnh và các thần Kim Cang thường theo thị vệ… Các túc hành thần từ lâu phát kiên thệ nguyện thường tùy tùng theo ngài…, các chủ địa thần thích nghe diệu pháp, các chủ thủy thần thương tu đại bi, các chủ hỏa thần chiếu quang minh trí sáng, (những vị này tu theo Bát Nhã), các chủ phong thần Ma Ni làm mão, các chủ dạ thần chuyên cần diệt trụ vô minh hắc ám…
Giảng:
Trong phẩm này ta nên để ý đến các chủ dạ thần, vì có nhiều vị thị hiện làm người nữ, mà chủ dạ thần tượng trưng cho Bát Nhã, thường dạy chúng ta về trí huệ.
Kinh:
Các chủ trú thần xiển minh Phật nhựt, nhất tâm không lười.
Giảng:
Chủ trú thần là những vị coi ban ngày, còn chủ dạ thần là những vị coi ban đêm.
Kinh:
Các chủ không thần trang nghiêm pháp giới tất cả hư không, các chủ sơn thần thường siêng chứa nhóm thiện căn trợ đạo cao như núi, xu hướng nhất thiết trí, các chủ thành thần thường siêng gìn giữ thành Bồ Đề Tâm của tất cả chúng sinh.
Giảng:
Đừng tưởng rằng các chủ thành thần là các ngài thường là những vị thần giữ thành trì đâu, mà là giữ cái thành Bồ Đề Tâm cho chúng sanh. Bởi vậy nên việc phát Bồ Đề Tâm rất quan trọng, người đã phát Bồ Đề Tâm rồi luôn luôn có các vị thiện thần hộ trì cho, vì Bồ Đề Tâm là Nhập Pháp Giới là nền tảng của đạo Phật.
Kinh:
Các đại long vương thường siêng gìn giữ pháp thành vô lượng nhất thiết chủng trí…
Giảng:… (bỏ một đoạn nói đến các chủ thần…)
Kinh bắt đầu tả ngài Văn Thù Sư Lợi ra đi về phía cửa Nam, tức là đi về cõi nhân gian. Ta cũng nên nhắc lại ý nghĩa về “phía Nam” trong kinh. Theo như Mạn Đà La của Mật Tông, bao giờ cũng bắt đầu từ phương Đông đi xuống phương Nam sang phương Tây rồi lên phương Bắc, sau cùng mái đi vào giữa trung tâm. Phương Bắc tượng trưng cho sự tịch diệt, tức là gần đến chỗ Niết Bàn rồi, chỗ đó tượng trưng cho chữ ÚM. Ở phương Bắc có đức Phật Thiên Cổ Như Lai, gọi là Thiên Cổ Như Lai vì vị Phật này có tiếng nói như giọng sâm ù ì của mùa đông, về mùa đông, tuy cái gì cũng rét mướt và mang một khung cảnh chết, nhưng tiếng sấm ù ì đó như quẻ “chấn” trong kinh Dịch, làm khởi lên tất cả mọi mầm sống, giống như sau một giấc ngủ dài lại khởi lên mầm sống mới. Còn phương Nam tượng trưng cho buổi trưa, vạn vật đã sung mãn, như sức nóng nhất của ánh sáng mặt trời. Còn phương Tây là tượng trưng cho sự độ trì viên mãn của đức Phật A Di Đà. Đó là theo Mạn Đà La của Mật Tông. Vì thế ngài Văn Thù Sư Lợi đi về phương Nam, về chỗ phát khởi đại bi viên mãn. Thiện Tài về sau cũng đi về phương Nam, về chỗ đại bi.
Chúng ta cũng cần lưu ý thêm về đoạn “... Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử Bồ Tát từ thiện trụ lâu các đi ra cùng vô lượng vô số Bồ Tát đồng hạnh và các thần kim cang thường theo hộ vệ...” Thiện trụ tức là giữ tâm mình chẳng có chẳng không, giữ tâm cân bằng giữa sắc và không, đó là điều chúng ta cần phải nhớ…
Kinh:
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cùng những chúng Bồ Tát công đức trang nghiêm như vậy ra khỏi chỗ mình ở, đồng đến chỗ đức Phật, hữu nhiễu đức Thế Tôn vô lượng vòng. Dâng các món cúng dường lên đức Phật. Cúng dường xong từ tạ Phật rồi đi qua phương Nam đến trong nhơn gian…
Giảng:
Hữu nhiễu tức khởi tâm đại bi đồng thời cũng có nghĩa rằng: Con xin phép đức Phật xuống nhân gian để độ sanh. Và khi ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đến xin đức Phật đi về phương Nam các vị Bồ Tát khác đều trông thấy cả, riêng các vị Thanh Văn không trông thấy chỉ trừ ngài Xá Lợi Phất…
Kinh:
Lúc đó Tôn Giả Xá Lợi Phất thừa thần lực của Phật thấy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cùng chúng hội Bồ Tát trang nghiêm ra khỏi rừng Thệ Đa qua phương Nam du hành nhơn gian…
Giảng:
Ngài Xá Lợi Phất trông thấy được vì do sức Phật gia trì. Nên chúng ta cũng phải hiểu rằng, ngài Thiện Tài tự sức cũng trông thấy đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thì ngài là bậc tu chứng cao rồi. Vì nếu so sánh, ngài Xá Lợi Phất đã đắc được quả A La Hán, tức là đã chớm được vào đến không hải của thức ấm mà còn phải nhờ sức gia trì của Phật mới nhìn thấy được ngài Văn Thù. Sau khi ngài Văn Thù xuất hiện thì có một số vị tăng chạy theo, trong đó có ngài Xá Lợi Phất…
Kinh:
Ngài Xá Lợi Phất bèn nghĩ rằng: Tôi nay nên theo ngài Văn Thù Sư Lợi qua phương Nam…
Giảng: Ý ngài Xá Lợi Phất muốn theo ngài Văn Thù Sư Lợi qua phương Nam nhưng không hiểu vì sao sau này lại không thấy trong kinh nhắc đến ngài nữa…
Kinh:
Nghĩ xong Tôn Giả Xá Lợi Phất cùng sáu ngàn Tỳ Kheo đồng rời chỗ mình ở đến chỗ Đức Phật đảnh lễ chân Phật rồi bạch ý muốn Đức Phật hứa khả. Các ngài hữu nhiễu đức Phật ba vòng từ tạ đi đến chỗ ngài Văn Thù Sư Lợi.
Giảng:
Trong kinh nói ngài Văn Thù Sư Lợi hữu nhiễu đức Phật vô lượng vòng, nhưng ngài Xá Lợi Phất và sáu ngàn Tỳ Kheo chỉ hữu nhiễu ba vòng thôi. Vì sao? Vì cái tâm đại bi của các ngài còn rất mỏng.
Kinh:
Sáu ngàn Tỳ Kheo này vốn cùng ở chung với Tôn Giả Xá Lợi Phát xuất gia chưa lâu, những là Hải Giác Tỳ Kheo, Thiện Sanh Tỳ Kheo v.v… những Tỳ Kheo này đã từng cúng dường vô lượng Phật, trồng sâu căn lành, sức hiểu biết rộng lớn, tin nhãn sáng suốt, tâm lượng rộng rãi, quán Phật cảnh giới, rõ pháp bổn tánh, lợi ích chúng sanh, thường cần cầu công đức của chư Phật… Những Tỳ Kheo này đều do ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thuyết pháp giáo hóa mà được thành tựu…
Giảng: Sở dĩ sáu ngàn vị Tỳ Kheo này đi theo là vì có cơ duyên cũ, trong nhiều kiếp, ngài Văn Thù đã thuyết pháp giáo hóa cho các vị Tỳ Kheo này nghe rồi.
Kinh:
Ngài Xá Lợi Phát quán sát rồi bảo Giác Hải Tỳ Kheo rằng: Giác Hải nên quán sát thân thanh tịnh tướng tốt trang nghiêm của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, tất cả hàng nhơn thiên chẳng nghĩ bàn được. Giác Hải nên quan sát viên quang chói sáng của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát làm chỗ vô lượng chúng sanh phát tâm hoan hỷ…
Giảng: Ngài Xá Lợi Phất khuyên các vị Tỳ Kheo nên quán sát ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, vì càng quán sát bao nhiêu càng tăng thêm thiện căn bấy nhiêu.
Kinh:
Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất vì chư Tỳ Kheo mà tán thán khai thị diễn thuyết ngài Văn Thù Sư Lợi đồng tử có vô lượng công đức trang nghiêm như vậy, chư Tỳ Kheo nghe xong tâm ý thanh tịnh, tin hiểu vững chắc. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát quay lại như tượng vương xoay mình lại các Tỳ Kheo.
Giảng:
Kinh hay tả các chư Phật và chư Đại Bồ Tát mỗi lần xoay mình như tượng vương vậy, tức là cả đầu và mình đều xoay lại, không như phàm phu chúng ta, chỉ có ngoái cổ lại nhìn mà thôi.
Kinh:
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo Giác Hải Tỳ Kheo rằng, chư Tỳ Kheo, nếu thiện nam tử hay thiện nữ nhân thành tựu mười hạnh xu hướng pháp đại thừa thời có thể mau nhập Như Lai địa, huống là Bồ Tát địa. Đây là mười hạnh:
1/ Chứa nhóm tất cả thiện căn lòng không mỏi nhàm.
2/ Thấy tất cả Phật kính thọ cúng dường lòng không mỏi nhàm.
3/ Cầu tất cả Phật pháp lòng không mỏi nhàm.
4/ Thật hành tất cả hạnh Ba La Mật lòng không mỏi nhàm.
Giảng:
Ý ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát dạy rằng, các ông đi theo con đường Bồ Tát đạo, làm tất cả các hạnh không bao giờ được khởi tâm mỏi nhọc, nhàm chán, dù là hạnh gì. cũng vậy, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định v.v…
Kinh:
…(Bỏ một đoạn kinh…) Chư Tỳ Kheo, nếu thiện nam tử hay thiện nữ nhân thành tựu lòng thâm tín Phật mười hạnh lòng không mỏi nhàm này thời có thể trưởng dưỡng tất cả thiện căn, rời bỏ tất cả những loại sanh tử, vượt thoát khỏi tất cả chủng tánh thế gian, chẳng sa vào hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật…, trụ diệt tất cả phiền não, nhập Bồ Tát địa, gần Như Lai địa…
Lúc đó chư Tỳ Kheo nghe pháp này rồi thời được tam muội tên là vô ngại nhẫn (tức đã mở được tâm nhãn) có thể ghi nhớ trước sau mười dời tất cả chúng sanh, có thể ghi nhớ những sự trong mười kiếp quá khứ, mười kiếp vị lai của các thế giới đó. Cũng có thể ghi nhớ chư Như Lai do mười lần bổn sanh sự, mười lần thành chánh giác. Chư Tỳ Kheo này liền thành tựu mười ngàn Bồ Đề Tâm…
Giảng:
Chúng ta nên nhớ con số mười có nghĩa là tượng trưng cho một số nhiều. Sau khi các Tỳ Kheo nghe pháp xong, tâm thức các ngài tăng trưởng ghê gớm, sau đó, kinh không nói đến các vị này theo ngài Văn Thù nữa, có lẽ thấy ngài Văn Thù dạy đủ rồi…
Kinh:
Lúc đó Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát khuyên các Tỳ Kheo trụ hạnh Phổ Hiền. Trụ hạnh Phổ Hiền rồi nhập biển đại nguyện. Nhập biển đại nguyện rồi thành tựu biển đại nguyện, Vì thành tựu biển đại nguyện nên được tâm thanh tịnh. Vì tâm được thanh tịnh nên thân được thanh tỉnh. Vì thân thanh tịnh nên thân nhẹ nhàng nhặm lẹ. Vì thân thanh tịnh nhẹ nhàng nhăm lẹ nên được đại thần thông không còn thối chuyển. Vì được thần thông nên chẳng rời dưới chân của ngài Văn Thù Sư Lợi, đều hiện thân mình khắp tất cả chỗ của chư Phật mười phương. Thành tựu đầy đủ tất cả Phật pháp…
Lúc ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát khuyên dạy sáu ngàn Tỳ Kheo phát Bồ Đề Tâm rồi, lần lượt đi về phía Nam, trải qua nhân gian đến phía Đông Phước Thành, ở trong rừng trang nghiêm tràng Ta La, chỗ đại pháp miếu mà chư Phật thủa xưa từng ngự giáo hóa chúng sanh…
Giảng:
Đến chỗ nhân gian ở làng Phước Thành, trong kinh bao giờ cũng có hai nghĩa, có một chỗ gọi là Phước Thành thực, đồng thời cũng chĩ rằng những người ở đó đều có phúc đức lớn…
Kinh:
…Rừng này thường được sự thủ hộ cúng dường của chư thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già, nhơn cùng phi nhơn. Lúc ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và các quyến thuộc đến rừng trang nghiêm tràng Ta La rồi liền ở tại đó nói khế kinh Phổ-Chiếu-Pháp-Giới cùng với trăm vạn ức na-đo-tha khế kinh.
Giảng:
Các quyến thuộc tức là các vị túc hành thần, chủ dạ thần… ở đây, ngài Văn Thù Sư Lợi nói kinh cho các vị chủ thần vương chứ chưa có người dự…
Kinh:
Khi nói kinh này, trong đại hải có vô lượng trăm ngàn ức chư long đến nghe kinh, nghe kinh xong chư long đều chán thân loài rồng…
Giảng:
Mặc dù làm loài rồng cũng có rất nhiều phước báo thần thông, nhưng sau khi nghe kinh xong, các vị này không còn thích làm thân rồng nữa mà khởi tâm muốn tu lên, phát Bồ Đề Tâm để cầu nhập pháp giới.
Kinh:
Vì chán thân loài rồng nên đều phát tâm cầu Phật đạo, đều xả thân rồng sanh vào loài người hoặc cõi trời. Một muôn chư long đều chẳng thối chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Giảng:
Trong kinh, tả có cả muôn vị rồng xả thân ngay để được sanh trong chư thiên hoặc cõi người, ở cõi người có một điểm hơn loài rồng là tuy không có phước báo và châu ngọc nhiều như loài rồng, cũng không có thần thông, nhưng lại có trí huệ để có thể phát Bồ Đề Tâm.
Kinh:
Lúc đó người Phước Thành hay tin ngài Văn Thù Sư Lợi ở đại tháp miếu trong rừng trang nghiêm tràng Ta La, vô lượng người ra khỏi thành đi đến rừng. Có Ưu Bà Tắc tên là Đại Trí cùng quyến thuộc năm trăm Ưu Bà Tắc như là…, (bỏ một đoạn nói về tên của các vị ưu Bà Tắc). Lại có năm trăm Đồng Tử như là Thiện Tài, Thiện Hạnh, Thiện Giới, Thiện Oai Nghi, Thiện Dũng Mãnh, Thiện Ty, v.v… lại có năm trăm Đồng Nữ như là Thiện Hiền, Đại Trí Cư Sĩ Nữ v.v… và Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di…
Giảng:
Trong kinh nhiều chỗ không nói rõ là người xuất gia hay tại gia, vì tùy theo tâm người đọc, chứ kinh không bao giờ nói một cách khẳng định cả.
Hỏi: Xin ông cho biết trong sáu nẻo luân hồi, rồng thuộc về loại nào?
Đáp: Tuy là có thần thông và nhiều phước báo, nhưng rồng vẫn bị xếp hạng vào loại súc sanh, nhưng là bàng sanh, đặc biệt ờ bàng sanh thì nhiều phước báo, vẫn còn nhiều dâm dục và thích ngủ, trí huệ lại kém. Vì có nhiều phước báo nên được một ít thần thông, một ít sanh đắc thông và có nhiều châu ngọc. Rồng có thể thọ bát quan trai giới được, nhưng chỉ có thể đắc thiện căn thôi, chứ không thể đắc giới được.
Hỏi: Từ xưa đến giờ, chưa có một người nào được thấy một con rồng bằng xương bằng thịt, nếu ông xếp nó thuộc vào loại súc sanh, thì nó cũng giống như những con vật khác, nghĩa là cũng phải mang một cái thân máu thịt đáng lý mọi ngươi phải thấy chứ, sao không nghe có ai thấy cả?
Đáp: Súc sanh cũng có nhiều thứ, có những loại tuy gọi là súc sanh nhưng không mang thân máu mủ. Dụ như loài A Tu La cũng có nhiều lớp, có loại trên trời, có loại dưới bể, có loại ở nhân thế, và có loại ờ trong ngạ quỉ nữa, mà con mắt thịt của loài người chỉ nhìn thấy được những loài súc sanh có thân máu thịt thôi, ngoài ra còn những thứ súc sanh khác chúng ta không thấy được.
Hỏi: Có thực là loài rồng cũng có thể đi thọ bát quan trai giới được không?
Đáp: Thì trong kinh có nói, một hôm có một vị sư mách với đức Phật rằng, có một con rồng đi thọ bát quan trai giới, (chẳng nói đâu xa, cụ Tuyên Hóa ở Cali này, cụ cũng nói rằng cụ có một số đệ tử là rồng). Thì đức Phật bảo rằng, rồng có thể thọ được bát quan trai giới, nhưng chỉ tăng được thiện căn thôi mà không thể đắc giới được, muốn đắc giới cần phải có trí huệ, phải hiểu các giới.
Hỏi: Như vậy chắc con rồng không có hình tướng nên mọi người tưởng tượng ra một hình dáng nhất định nào đó gọi là rồng, chứ nếu không có thân máu mủ như ông vừa nói thì làm gì có hình tướng, còn nếu có hình tướng thì phải có thân máu mủ chứ, vậy thì ông giải thích ra sao về những hình vẽ của rồng ngày nay? Tưởng tượng hay có thân máu mủ?
Đáp: Bây giờ xin hỏi ông, chư thiên có thân máu mủ không?
Hỏi: Ở đây, tôi đang hỏi về rồng chứ có nói đến chư thiên đâu, vì ông vừa bảo nó là loài súc sanh kia mà, mà nếu làm thân súc sanh thì dứt khoát nó phải có thân máu mủ, như vậỵ nó mới có hình tướng thì người ta mới vẽ lại được chứ?
Đáp: Ông nên nhớ một điều là chúng sanh không nhất thiết phải có một thân máu mủ. Dụ như loài địa ngục, ngạ quỉ đâu có thân máu mủ. Vì rồng có phước báo rất nhiều nên nó không còn thân máu mủ nữa, nó có một cái thân hào quang nhưng thấp thôi.
Hỏi: Vậy người ta căn cứ vào đâu để tạc hình con rồng bây giờ?
Đáp: Là vì chúng ta, cả ông lẫn tôi đều chỉ có hai con mắt thịt, nên không trông thấy, và không tin có một loài gọi là loài rồng, nhưng ngày xưa nhiều vị có thiên nhãn họ nhìn thấy và vẽ lại cho chúng ta xem. Vì vậy, phải hiểu rằng, trong pháp giới này không có cái gì là không có được. Lối lập luận của ông cũng đúng đấy, nhưng đó là lối nhìn của thế nhân, lấy nhục nhãn để nhìn sự vật. Nhưng không phải tất cả những vật chúng ta không nhìn thấy có nghĩa là không có, và cũng không nên trụ vào nhục nhãn nhiều, vì như thế sẽ cản trở con đường tu của mình, vì sao? Vì có tin vào những nhãn trên mới phải tu, vì tin vào sự biến hiện của diệu tâm mới phải tu, vì tin vào huyễn hóa mới phải tu.
Kinh:
Ngài Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử biết người Phước Thành đều đã đến đông đủ, tùy tâm sở thích của họ mà hiện thân tự tại ánh sáng rực rỡ chói lấp đại chúng.
Giảng:
Ngài ngồi đó, dân chúng không trông thấy ngài mà chỉ thấy một vùng hào quang sáng chói. Cũng như ngài Long Thọ nhập “Nguyệt Luân Tam Muội,” dân chúng không thấy được thân ngài mà chỉ thấy hiện lên một vừng trăng tròn lấp lánh. Thì ở đây, ngài Văn Thù Sư Lợi cũng thế, nhưng trong kinh không nói rõ đó là nguyệt luân tam muội.
Kinh:
Lại dùng đại từ tự tại làm cho họ thanh lương, dùng đại bi tự tại khởi tâm thuyết pháp, dùng trí huệ tự tại biết tâm sở thích của họ, dung biệt tài quảng đại sắp vì họ mà thuyết pháp.
Giảng:
“Dùng đại từ tự tại làm cho họ thanh lương…” tức dùng tâm đại từ để cho những người chung quanh cảm thấy mát mẻ. Trong khi ngài Văn Thù hiện hào quang lấp lánh thì ngài nhìn ngắm Thiện Tài…
Kinh:
Lúc đó ngài lại quán sát Thiện Tài Đồng Tử do cớ gì mà có tên như vậy…
Giảng:
Tài có nghĩa bóng là bảy thánh tài, tức là giới tâm, tín tâm, định tâm, huệ tâm, tàm tâm, quý tâm, v.v…
Vì Thiện Tài tu tập công đức sâu dày nên có bảy thứ báu đó.
Kinh:
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát biết Đồng Tử này lúc mới nhập thai, trong nhà tự nhiên hiện ra lâu các thất bửu. Dưới lâu các đó có bảy phục tạng. Trên phục tạng đất tự nứt ra mọc lên nanh thất bửu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, trân châu, xà cừ, mã não…
Giảng:
Phước đức của Thiện Tài lớn đến mức độ lúc sanh, đất nứt ra và có nanh thất bửu trồi lên, không phải hoang đường đâu, đúng thật là như vậy. Cũng như chúng ta đây, có người sinh ra trong nhung lụa, có kẻ sinh ra trong nhà hạ tiện, bần hàn v.v… đều tùy theo phước báo của mình cả. Vì suy luận như vậy, nên tất cả những gì trong kinh nói đều có thể xảy ra được, nhưng vì thời này là thời mạt pháp nên ít ai có đủ phước để có những chuyện như thế xảy ra, do vậy mà đôi khi chúng ta khởi lòng nghi mà không chịu tin.
Kinh:
Ngài Văn Thù Sư Lợi lại biết Thiện Tài đã từng cúng dường quá khứ chư Phật, gieo sâu căn lành, tin hiểu rộng lớn, thường thích gần gũi các thiện tri thức. Thân ngữ ý đều không lỗi lầm, tu Bồ Tát đạo, cầu nhất thiết trí, thành Phật pháp khí. Tâm Đồng Tử này thanh tịnh như hư không, hồi hướng Bồ Đề không chướng ngại…
Giảng:
Vì tâm Thiện Tài thanh tịnh như hư không, hồi hướng Bồ Đề không chướng ngại, nên ta phải hiểu rằng, Thiện Tài đã đi gần hết bậc thập hồi hướng rồi, mà tâm thanh tịnh như hư không tức là đã gần vào được đến không hải. Trong kinh thường tả ở không hải cũng có nhiều mức độ thanh tịnh, tu càng sâu thì càng vào đến mức độ thanh tịnh tột bực, tức là vào đến tột không cũng là ngằn mé của diệu hữu.
Kinh:
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát quán sát Thiện Tài như vậy rồi, liền an ủy chỉ dạy tất cả Phật pháp. Những là nói pháp tích tập của tất cả Phật, pháp tương tục của tất cả Phật. Pháp thứ đệ của tất cả Phật. Pháp chúng hội thanh tịnh của tất cả Phật. Pháp pháp luân hóa đạo của tất cả Phật…
Giảng:
Bây giờ đã hết giờ rồi, ta nên tạm ngưng ở đây, sẽ tiếp theo kỳ sau…