Nhân duyên kết hôn của Tôn giả Ca-diếp

Trích dịch từ kinh Tạp thí dụ
Nguyên Ý-Đức Trí-Nguyên Tựu Việt dịch

Thân phụ của ngài Ca-diếp[1] là Ni-câu-luật-đà, người nước Ma-kiệt[2] xuất thân từ dòng dõi bà-la-môn[3]. Nhờ kiếp trước có phúc đức lớn, nên đời này ông được giàu sang. Vàng bạc, bảo vật, trong nước không ai sánh bằng, so với của cải nhà vua thì ông hơn gấp ngàn lần. Hai vợ chồng ông sống cô độc, không có con nối dõi. Lúc đó ở gần nhà ông có vị thần cây, vì muốn có con nên ông đã đem trâu, dê, heo đến đó cúng tế để cầu xin. Nhiều năm như thế, nhưng hoàn toàn không linh nghiệm. Ông tức giận ra thời hạn cho thần cây rằng:

– Ta sẽ hết lòng cúng tế trong bảy ngày, nếu vẫn không linh nghiệm thì sẽ chặt cây, đem ra đường đốt.

Thần cây nghe ông ta nói vậy rất sợ, không biết phải làm sao để người này có con nối dõi, liền đem hết sự tình thưa lại cho thiên vương Tức Ý nghe. Thiên vương dẫn thần cây đến gặp trời Đế Thích, tâu lại sự việc. Bấy giờ, trời Đế Thích dùng thiên nhãn quán sát cõi Dục, thấy không có ai đủ đức độ để sinh làm con của ông ta. Đế Thích lại đem sự việc này tâu lên Phạm Thiên vương. Dùng thiên nhãn quán sát, Phạm Thiên vương thấy ở trong cõi mình có một vị Phạm thiên sắp lâm chung, liền bảo:

– Ông hãy sinh xuống cõi Diêm-phù-đề, làm con của một vị bà-la-môn tên Ni-câu-luật-đà ở nước Ma-kiệt.

Phạm thiên đáp:

– Bà-la-môn phần nhiều theo tà kiến, dầu tôi có sinh xuống cũng không thể làm con của người ấy.

Phạm vương nói:

– Người bà-la-môn này có phúc đức rất lớn, chúng sinh cõi Dục không ai xứng đáng làm con ông ta. Nếu ông sinh vào trong nhà đó thì ta sẽ bảo trời Đế Thích hộ trì, không để ông rơi vào đường tà.

Phạm thiên đáp:

– Kính vâng! Tôi không dám trái lệnh!

Bấy giờ, trời Đế Thích trở về cõi Dục, đem hết mọi việc nói cho thần cây nghe. Thần cây rất vui mừng, rồi báo cho trưởng giả rằng:

– Ông chớ buồn giận, bảy ngày sau, ông nhất định sẽ có con!

Như lời của vị thần cây đã nói, đúng bảy ngày sau thì vợ của ông biết mình đã mang thai. Mãn mười tháng thì sinh ra một bé trai tên là Ca-diếp. Khi mới sinh ra, toàn thân Ca-diếp có ánh sáng màu vàng. Vị thầy xem tướng đoán:

– Đứa bé này đời trước có phúc báu và oai đức rất lớn, ý chí thanh cao, không tham đắm gia nghiệp. Về sau, nếu xuất gia nó sẽ thành tựu Thánh đạo.

Nghe vậy, cha mẹ rất buồn, sợ Ca-diếp lớn lên bỏ nhà xuất gia. Phải tìm cách để ngăn chặn ý chí này? Sau đó ông trưởng giả suy nghĩ: “Ở trong cõi Dục này, nữ sắc là thứ con người tham đắm nhất. Ta phải chọn một người nữ đoan trang xinh đẹp để ràng buộc nó”.

Đến năm mười lăm tuổi thì cha mẹ muốn cưới vợ cho Ca-diếp. Ca-diếp hết sức buồn rầu, thưa với cha mẹ:

– Tâm con chỉ thích thanh tịnh, không muốn cưới vợ.

Từ chối ba lần, nhưng cha mẹ không chấp thuận, Ca-diếp nói với cha mẹ:

– Con không muốn cưới một người nữ bình thường làm vợ, nếu có người nữ nào trên thân tỏa ra ánh sáng vàng ròng, xinh đẹp không ai bằng thì con mới lấy làm vợ.

Sở dĩ nói như thế, là vì Ca-diếp nghĩ việc này họ không thể nào làm được.

Bấy giờ, cha mẹ Ca-diếp bảo các bà-la-môn đi khắp trong nước, tìm người nữ nào toàn thân sắc vàng ròng, thân thể đoan trang thì hãy dẫn về đây. Khi ấy, các bà-la-môn đúc một tượng thần nữ bằng vàng, dung mạo đoan chính có ánh sáng diệu kỳ, rồi để lên trên lưng voi, đi khắp cả nước rao lên rằng:

– Nếu có người nữ nào thấy tượng thần nữ này mà lễ bái cúng dường, thì sau này xuất giá nhất định sẽ tìm được người chồng có tướng quý, toàn thân có màu vàng ròng, dung mạo khôi ngô, trí tuệ không ai bằng!

Nghe rao như vậy, tất cả người nữ ở khắp trong thành, ấp, quận, huyện đều mong muốn, ra nghinh đón, lễ bái, cúng dường. Chỉ có một người nữ toàn thân có màu vàng ròng, đoan trang xinh đẹp ở trong phòng không chịu ra.

Các cô gái đều khuyên can:

– Mọi người nghinh đón thần nữ vàng ròng đều được như ý nguyện, sao chỉ mình cô không ra nghinh đón?

Cô gái nói:

– Tôi chỉ thích được yên tĩnh, chứ không mong cầu gì khác.

Các cô gái ấy lại nói:

– Tuy không mong cầu gì nhưng cùng với bọn tôi nhìn một lần thì có tổn hại gì đâu?

Lúc ấy, các cô gái này cùng với các cô gái kia đi đến trước thần nữ vàng ròng. Cô gái này vừa đến, ánh sáng của thân cô ta rực rỡ khiến ánh sáng của thần nữ vàng ròng kia ẩn mất. Các bà-la-môn thấy thế, trở về báo với trưởng giả. Trưởng giả liền sai người đến nhà cô gái kia dạm hỏi. Cha mẹ của cô gái trước đây cũng đã từng nghe tên Ca-diếp, liền nhận lời. Khi biết được tin này, cô gái vô cùng buồn rầu, bị cha mẹ ép bức, việc không như ý mình, nhưng cũng đành phải nhận lời làm vợ Ca-diếp. Hai người sống với nhau, nhưng đều thanh khiết, nên tuy là vợ chồng mà hoàn toàn không có tình cảm ân ái. Cô gái cam kết, thệ nguyện với Ca-diếp:

– Thiếp với chàng, phòng ai nấy ở, không được ở chung phòng với nhau.

Bấy giờ, Ca-diếp giữ lời cam kết, nên mỗi người ở một phòng.

Một hôm, người cha thăm dò, đợi lúc Ca-diếp đi vắng, ngầm sai người đến phá phòng của Ca-diếp, chỉ mong muốn hai người cùng ở chung một phòng. Tuy ở chung phòng nhưng không cùng giường. Người cha lại sai người dẹp bỏ một giường. Do đó, hai người cùng ngủ chung một giường. Cô vợ lại giao ước với Ca-diếp:

– Nếu khi thiếp ngủ thì chàng nên kinh hành[4], khi chàng ngủ thì thiếp sẽ kinh hành!

Một hôm, trong lúc cô ngủ, một cánh tay của cô ta thòng xuống đất, có một con rắn độc bò đến sắp cắn cô ta. Ca-diếp thấy vậy, vì lòng thương xót, liền dùng vạt áo nâng tay cô để lên giường. Giật mình tỉnh giấc, cô giận trách Ca-diếp:

– Trước đây hai bên đã giao ước rồi, sao bây giờ chàng lại vi phạm?

Ca-diếp nói:

– Cánh tay của nàng rơi xuống đất, rắn độc đến định cắn, do đó, tôi muốn giúp, chứ không có ý xúc phạm nàng. Rắn độc vẫn còn nằm yên đó!

Vừa nói, Ca-diếp vừa đưa tay chỉ con rắn, nên cô vợ mới bỏ qua.

Một hôm, vợ chồng Ca-diếp cùng bàn với nhau:

– Tại sao chúng ta không xuất gia tu học?

Hai người cùng đến từ biệt cha mẹ, cả hai đều xuất gia, vào núi tu hành. Lúc đó, có một vị bà-la-môn dẫn năm trăm đệ tử đến ở trong núi này, thấy vợ chồng Ca-diếp liền chê trách:

– Pháp xuất gia cần phải giữ gìn tịnh hạnh, làm gì có chuyện vợ chồng cùng tu chung với nhau?

Do đó Ca-diếp liền từ giả vợ, dùng năm trăm lượng vàng đổi một chiếc y bá nạp[5], rồi ở riêng nơi rừng sâu. Cô vợ liền y chỉ[6] vị bà-la-môn kia và xin làm đệ tử. Thấy cô này quá xinh đẹp, năm trăm đệ tử của bà-la-môn phát khởi dục tâm nên hàng ngày làm những hạnh xấu, khiến cho cô ta vô cùng phiền não. Cô không chịu nỗi, thưa với vị bà-la-môn, vị thầy liền chế giới điều phục tâm dục của các đệ tử.

Về sau, gặp Đức Phật xuất thế, Ca-diếp được hóa độ, thụ trì giáo pháp chứng quả A-la-hán. Nghĩ đến người vợ cũ của mình ở chỗ Phạm-chí, Ca-diếp liền đến dẫn về đảnh lễ Đức Phật. Đức Phật liền thuyết pháp độ nàng chứng quả A-la-hán, đầu tóc tự rụng, thân đắp ca-sa, thành tì-kheo-ni, giáo hóa khắp nơi.

Một hôm gặp lúc vua Ba-tư-nặc đi thiết hội, các tì-kheo-ni được vào cung vua giáo hóa các phu nhân. Họ đều cùng thụ trì một ngày trai giới. Đến chiều tối, vua về lại cung, ra lệnh mời các phu nhân. Tất cả đều giữ gìn trai giới, nên không ai chịu đến. Vua nổi giận, hỏi các phu nhân:

– Ai đã dạy các phu nhân thụ trai?

Người hầu thưa:

– Tì-kheo-ni tên đó… !

Vua liền cho mời cô ta vào cung, phạt chín mươi ngày thay các phu nhân giao hoan cùng vua.

Việc này đều là do lời nguyện của cô ta ở kiếp xưa, mặc dù cô đã tu tập chứng quả A-la-hán mà vẫn không thể tránh khỏi.

 ————————————————
[1] Ca-diếp 迦葉 (S: Mahā-kāśyapa): một vị đệ tử xuất sắc của Đức Phật. Tôn giả nổi tiếng có hạnh đầu-đà nghiêm túc nhất trong hàng đệ tử Phật. Trên hội Niêm hoa vi tiếu, Ca-diếp được Đức Phật Thích-ca truyền tâm ấn. Từ đó ngài trở thành sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ.
 
[2] Nước Ma-kiệt (Ma-kiệt quốc 摩榤國; S : Nagadha): một quốc gia thời xưa ở Ấn Độ, một trong mười sáu nước lớn thời Đức Phật còn tại thế, nước này có quan hệ sâu sắc đối với lịch sử phát triển Phật giáo.
 
[3] Bà-la-môn 婆羅門; (S: Brāhmaṇa): giai cấp tăng lữ. Giai cấp cao nhất trong bốn giai cấp ở xã hội Ấn Độ cổ. Chính giai cấp Bà-la-môn này làm lũng đoạn tất cả hệ tri thức của Ấn Độ thời ấy. Họ tự cho mình là dòng dõi cao quí nhất.
 
10 Kinh hành 經行 (S: caṅkramana): đi quanh theo một chiều ở nơi nhất định một cách thong thả, nhàn hạ để giữ cho thân tâm an tĩnh. Kinh hành thường được thực hiện sau khi ăn cơm, ngồi thiền bị hôn trầm hay lúc mệt mỏi. Có năm chỗ thích hợp để kinh hành: nơi vắng vẻ, trước sân nhà, trước giảng đường, quanh tháp, dưới gác (kinh Đại tì-kheo tam thiên oai nghi, q. thượng).
 
[5] Bá nạp y 百衲衣 (Cg: phấn tảo y): y vá trăm mảnh. Pháp ý của tì-kheo đắp, dùng vải cũ rách, sửa sang may lại mà thành. Vì thường dùng năm màu hoặc nhiều màu hỗn hợp may thành, nên còn gọi là ngũ nạp y; do tăng lữ đắp mặc nạp y nên cũng tự xưng là nạp tăng, Bố nạp, v.v…
 
Nạp y vốn có 5 loại: hữu thí chủ y: do thí chủ cúng; vô thí chủ y: không do thí chủ cúng; vãng hoàn y: may bằng vải liệm người chết; tử nhân y: may bằng áo quàn người chết; phấn tảo y: may bằng vải rách thành từng mảnh bị vứt bỏ (Thích Thị Yếu Lãm, q. thượng).
 
[6] Y chỉ 依止 (S: saṃniśrita): nương tựa vào một pháp hay một người nào có năng lực, có đức hạnh để tu tập.