PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước

 

Nguồn Gốc Việc Mang Vớ Đối Với Tăng Sĩ Phật Giáo

Vớ là một trong những phục sức sinh hoạt thường ngày mà Tăng Ni sử dụng. Vớ là loại mang dưới chân, tiếng Hoa gọi là Tăng Miệt, có nguồn gốc vào thời Phật còn tại thế, đây cũng là một vật mà người thế tục dùng trong trang sức ngày xưa. Có nhiều màu: trắng, xám, đen…

Miệt,  Bộ Sự Sao chép: “Vớ cũng là y”.

Luật Tứ Phần chép: “Phật cho phép khi trời lạnh được mang vớ”. Xưa nay chú thích rằng từ thời Tam Đại đến đời Tần, đều mang vớ có góc cạnh. Khi mang vào chỉ đến mắt cá chân. Mãi đến văn của nhà Ngụy cũng vậy.

Thôi Tứ Minh nói: “Tháng Kiến Tý – tức tháng 11 theo lịch nhà Hạ, mang vớ có tác dụng trợ giúp cho việc điều hòa hơi ấm trong cơ thể”.

Luật Ngũ Phần chép: “Ngoại đạo hỏi về y, Tỳ kheo không biết, bèn chê gièm rằng: Sa môn có gì lạ đâu, Y tướng mà không biết, thì làm sao mà biết tâm mình, cho nên văn trước đã chú thích kỹ càng”.

Các Tăng Ni Trung Quốc, ngoài Tăng hài ra còn có mang vớ ống dài cho nên gọi là Tăng miệt. Thật ra thì cũng là một loại vớ bằng vải của Trung Quốc có từ thời xa xưa, ngày nay thì có người gọi là vớ La Hán, đa phần dùng màu xám tro, có tác dụng ngăn lạnh vào mùa Đông, phòng ngừa côn trùng rắn rết,… cắn và dùng để trang nghiêm oai nghi.

Nguồn gốc của vớ nầy như trong Luật Tứ Phần chép: “Vì lạnh nên cho mang vớ”.

Bộ Thích Thị Yếu Lãm chép: “Vớ cũng là dùng vải làm thành”.

Bộ Thích Danh chép: “Miệt – vớ – là mạt – cuối –  vì vậy mà đem mang ở dưới chân”.

Lại nữa, bộ Trung Hoa Cổ Kim Chú Thuyết của Mã Cảo soạn vào thời Ngũ Đại chép: “Từ thời Tam Đại đến đời Chu, mang vớ có góc để bó gót chân, đến đời Ngụy Văn đế mới thay đổi kiểu dáng”.

Ngày nay đối với Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam thì ít ai mang vớ bằng vải có cạnh góc, đa phần mang loại vớ thun đã có bán ở khắp nơi, tiện lợi dễ tìm, vì có độ co giãn cao, dể chịu, thoáng khí, không bị hầm, làm tăng thêm độ ẩm ở lòng bàn chân. Vớ khi mang vào cũng để bảo vệ da bàn chân, tăng thêm uy nghi lịch sự, tao nhã, trong mọi hoàn cảnh./.