PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước

 

Nguồn Gốc Vân Bảng Trong Phật Giáo

* Định nghĩa và cấu tạo:

 Trong các tự viện lớn của Phật giáo, có rất nhiều liêu phòng, dưới mái hiên của các đường nhà, thường treo một khí cụ có hình dẹp, đây chính là bảng. Bảng cũng là một loại nhạc khí thuộc bộ gõ, nhưng đã được dùng trong sinh hoạt của tự viện rất sớm, nó là một pháp khí thật dụng không thể thiếu.

Bảng còn là một công cụ dùng để báo giờ làm việc. Bảng thường được làm bằng gỗ, độ lượng lớn nhỏ, chiều ngang dọc, và bề dày cũng bất đồng, phần trên cắt bỏ 2 góc.

Ở phần trên chính giữa bảng dùi một cái lỗ để xỏ dây vào mà treo. Ở hai góc dưới cũng có thể dùi thêm hai lỗ xỏ dây cột lại, để khi đánh bảng không bị lúc lắc.

Bảng còn có tên là Vân Bảng: Là một loại trống canh để báo giờ trong nhà chùa.Vân bảng còn gọi là đại bảng, được làm bằng kim loại. Vân bảng cho đến ngày nay các Tăng sĩ vẫn còn dùng. Do hình dáng được đúc như một đám mây nên có tên là vân bảng. Thường treo trước trai đường, nhà trù của chùa. Vân bảng là vật báo giờ khi chư Tăng vào trai đường.

Bảng có khi dùng chất liệu kim loại đúc thành, cũng có thể khắc chữ “Bảng” ngay giữa.

Tam Tài Đồ Hội chép: “Vân bảng tức là cái chiêng để đánh điểm canh ngày nay”.

Vì vậy trong các tự viện, Tòng lâm thuở xưa, ở các điện đường, kho lẩm, liêu,… đều có treo một cái bảng cỡ vừa. Ví như:

Trước kho treo đại bảng, vì so với các điện đường nó lớn hơn.

Trước phương trượng treo Phương trượng bảng.

Trước liêu chúng Tăng treo Ngoại bảng.

Trong liêu chúng Tăng treo Nội bảng.

Bảng treo dưới bán chung gọi là Chung bảng.

Ngoài ra còn có thủ tòa bảng, chiếu đường bảng, khách bảng, tọa thiền bảng, trai bảng, tuần hỏa bảng, hỏa bảng,…

Mỗi khi đánh bảng đều có tác dụng biểu thị sự việc khác nhau như: Ăn uống, ngủ nghỉ, hành đạo, làm việc, quy củ, lễ pháp.

Đổng Thượng Già Lam Tạp Ký Lược chép: “Trong ngoài thiền môn và phương trượng, kho, viện,… các nơi ấy đều có treo bảng lớn hoặc nhỏ. Căn cứ theo thời khắc, sự việc đã định, hoặc đánh 1, 2, 3 hồi, cho đến đánh hồi dài để báo chúng. Trong các thanh quy có một quy tắc nhất định”.

* Nguyên nhân có bảng:

Bái Khí Môn, Thiền Lâm Tượng Khí Tiên chép: “Căn cứ theo truyền thuyết dân gian, vào thời xưa báo canh đã từng đánh trống. Tống Thái Tổ Triệu Khuôn Dẫn cảm thấy tiếng trống quá mạnh mẽ thường khiến người kinh hãi, ảnh hưởng đến sức khỏe nên sai người đổi để đánh khánh bằng sắt, cũng gọi là chiêng, về sau trải qua quá trình thay đổi và biến thành cái bảng mà chúng ta thấy ngày nay vậy”.

Do âm hưởng của bảng rất thích hợp với sự trang nghiêm trong tự viện, cho nên được đưa vào và trở thành một pháp khí quan trọng trong Phật giáo.

* Chất liệu làm bảng:

Bảng đa phần chế tạo bằng gỗ, cũng có khi làm bằng đá, đồng, sắt, nhưng hiếm thấy. Hình thức chế tạo bảng có 10 loại khác nhau, nhưng thường thấy là hình dẹp dài, hai đầu làm hình đám mây, cũng có khi là hình tròn, hình dạng rất giống đám mây đang trôi, lại có khi thấy hình con cá, trên mặt còn có khắc vài câu kệ như:

Cẩn bạch đại chúng
Sanh tử sự đại
Vô thường tấn tốc
Các nghi giác tỉnh
Thân vật phóng dật
(Kính bạch đại chúng
Sanh tử việc lớn
Vô thường mau chóng
Cần nên tỉnh giác
Chớ có buông lung)

Nam Mô Kiết Tường Vương Bồ Tát…

* Bảng có rất nhiều hình dạng:

Bảng được sử dụng trong Phật giáo, căn cứ theo chỗ dùng bất đồng mà có hình dạng cũng bất đồng như: Chiếu đường bảng, chung bảng, tự bảng, vân bảng,… Bảng có  khi treo ở phía dưới báo chung ở thiền đường, chánh điện thì gọi là chung bảng.

Trong Thiền Tông, các Tông phái khác nhau thì dùng bảng cũng khác nhau như hình chữ nhật, hình chữ nhật đứng, hình tam giác, hình bán nguyệt, hình tròn, cách đánh thì phối hợp với chung (Tìm xem quyển Chuông Trong Phật giáo).

* Tác dụng của bảng:

Công dụng thì cũng giống như các loại pháp khí khác, dùng để đánh tập chúng. Nhưng việc báo giờ tập chúng cũng có chuyên môn của nó, như ở trước cửa phương trượng thì có phương trượng bảng, ở trước liêu phòng thì có ngoại bảng, trong nội liêu thì có nội bảng, trước cửa khố ty thì có đại bảng,…

Tự bảng cũng dùng để báo việc, nhưng nó không thể đánh một cách tùy tiện. Nếu đánh“Tự bảng” thì là báo hiệu một đại sự trong Tòng lâm như: Phương trượng thăng tòa thuyết pháp, truyền giới, thỉnh chấp sự,… khi cử hành những pháp sự nầy mới được đánh.

Tác dụng chuyên môn của bảng thường dùng trong tự viện là vân bảng, đánh trong lúc Tăng chúng thọ trai, dùng để báo giờ ăn cơm.

Trong Kinh Phật qui định:

“Cơm cháo đã nấu chín, lúc tắt lửa thì đánh 3 tiếng vân bảng, cho nên gọi là “Hỏa bảng”.

Lúc nầy Tăng chúng liền lấy bát vân tập đến cho nên gọi là hạ ‘Bát bảng’.

Trước lúc bắt đầu ăn cháo hoặc ăn cơm thì đánh (1 hồi) kéo dài 36 tiếng cho nên còn gọi là ‘Trường bảng’.

Ngoài ra vân bảng còn gọi là đả bảng, đả phạn, trai bảng, bảng chung,…

Giờ ăn của Tăng chúng, phải có sự qui định nghiêm túc, lúc nầy là Vân Bảng phát huy tác dụng của giới luật.

Trong sinh hoạt tự viện tòng lâm, thời khóa hành trì hằng ngày đều đánh bảng, đối với Nghi lễ Phật giáo miền Nam Việt Nam qui định đánh bảng như sau:

Trước khi cử hành thời khóa phải đánh bảng nhất, nhì, ba.

Bảng nhất đánh lên báo hiệu mọi người biết thời khóa sắp đến, phải ngưng mọi công việc chuẩn bị rửa tay mặt đắp y.

Bảng nhì đại chúng vân tập đầy đủ.

Bảng ba xá Tổ lên chùa để cử hành khóa lễ.

Thường thì do hương đăng và trị nhật đánh. Phải nghiêm túc đánh đúng thời khắc đã qui định, không được sớm, trễ, sai. Nếu không tuân thủ thì bị kỷ luật,  phạt quì hương…

Có loại bảng treo ở nhà ăn, do Trị nhật đánh, theo sự hành trì tại Chùa Hội Phước, đánh theo qui cách như sau:

– Sáng 6 giờ điểm tâm, 4 tiếng bảng  (cốc  cốc   cốc – cốc)

– Trưa 10 giờ 30 cúng ngọ, 6 tiếng bảng (cốc cốc cốc cốc  cốc – cốc)

–  Chiều 5 giờ dược thạch, 3 tiếng bảng  (cốc – cốc   cốc).

Ngoài ra trong hai thời công phu sớm chiều đều sử dụng đến bảng: buổi khuya thì khai bảng, buổi chiều thì khai chung.

Trong sách “Đại Học Hoằng Giới. Tuần Chiếu Pháp Nghi” Ngài Pháp Chuyên có nêu như sau:

Nếu như trong giới đàn nhà rộng, đại chúng đông thì phải treo kiền chùy, để sớm tối truyền âm thanh cảnh tỉnh, nên lập chức Tuần Chiếu, bốn hoặc sáu người, tùy theo số lượng Tăng chúng nhiều ít. Nếu như thường trụ tòng lâm có đại chúng đông, thì ấn định vào thời gian buổi sớm của thường trụ. Thang đầu – tức là trà đầu, phải thức sớm nấu nước sôi, sau đó đánh mộc bảng ba tiếng để các liêu đến lấy nước dùng. Tuần chiếu đánh ba hồi bảng thông tri đại chúng. Nếu ra ngoài giới để kết đàn, thì buổi chiều – đầu hôm canh thứ nhất, Tuần Chiếu đến trước giới đàn hoặc trước đại điện khởi đánh ba hồi bảng xướng rằng:

Nhất canh dĩ đáo vô thường tấn tốc.

Đại chúng tỉnh tỉnh nhất tâm niệm Phật. (đánh một tiếng bảng)

Nam mô A Di Đà Phật(đánh một tiếng bảng)

Vừa đi vừa niệm (niệm Phật một câu đánh một tiếng bảng), đi hữu nhiễu đến các đường nhà (khi đến các đường nhà xướng kệ như trước…) Lúc quay trở về, đại chúng đi tuần vân tập trước đàn, vấn tấn xong ai về liêu nấy. (Canh 2, 3, 4, 5 cũng như thế chỉ có thay đổi con số 2, 3, 4, 5 mà thôi).

Lại có lúc xướng: Ma ngũ sanh tử ba cõi là bậc nhất, tựa gió thổi qua, như điện chớp nhoáng, nhơn gian nghiệp hết, ra vào trong mộng, Tỳ kheo đệ tử Phật nên tỉnh táo niệm Phật (đánh một tiếng bảng). Niệm Phật đi hữu nhiễu đến các đường nhà như trước… năm canh đầu Tuần Chiếu về đến trước Pháp đàn, thâu bảng ba hồi, thiền đường trị nhật, tiếp đánh báo chung ba hồi.

Ty Chung tiếp đánh Hồng chung xong.

Ty Cổ tiếp đánh Đại cổ.

Phạn Đầu tiếp đánh Mộc bảng.

Hành Đường tiếp đánh Vân bảng.

Khố Đường tiếp đánh Mộc bảng.

Điện Chủ tiếp đánh Trường bảng.

Đông Lang tiếp đánh Mộc bảng.

Đông Đường tiếp đánh Mộc bảng.

Phương Trượng tiếp đánh Mộc bảng.

Tây Lang tiếp đánh Mộc bảng.

Tây Đường tiếp đánh Mộc bảng.

Hương Đăng tiếp đánh Trường bảng.

Thiền Đường tiếp đánh Mộc bảng.

Khai đại tĩnh hành đường tiếp đánh Vân bảng, đại chúng vân tập trên đại điện.

Duyệt Chúng tiếp đánh Tiểu khánh.

Kinh Cổ tiếp đánh ba hồi. Duyệt Chúng tiếp đánh Mộc ngư. Đại Chúng đồng tụng Lăng Nghiêm Đại bi thập chú. Thời khóa sáng xong, đại chúng trở về thiền đường “hòa nam”, người trị nhật ở chữ Thánh đánh một tiếng bảng, ở chữ chúng đánh một tiếng chung. Thời khóa buổi sớm đến đây là xong.

Đến buổi chiều thì người trị nhật thiền đường lúc mặt trời lặn thì khai đại tĩnh, đánh mộc bảng ba hồi. Hành Đường tiếp vân bảng đại chúng vân tập ở đại điện. Duyệt Chúng tiếp tiểu khánh. Kinh Cổ đánh tiếp theo, Duyệt Chúng tiếp đánh mộc ngư, đại chúng cùng tụng kinh A Di Đà, Hồng Danh. Thời khóa chiều xong đại chúng trở về thiền đường “hòa nam”, câu chuông bảng như trước, thời khóa buổi chiều đến đây là xong.

Thiền đường y theo thường lệ chỉ tĩnh xong, Trị Nhật đánh ba tiếng đại khánh gia trì khai tiểu tĩnh. Ty Cổ tiếp đánh đại cổ. Ty Chung tiếp đánh hồng chung. Nhà trù Phạn Đầu tiếp mộc bảng. Phạn Đường, Hành Đường tiếp vân bảng. Hương Đăng trên đại điện tiếp trường bảng. Tây Lang tiếp mộc bảng. Phương Trượng tiếp mộc bảng. Đông Đường tiếp mộc bảng. Điện Chủ tiếp trường bảng. Khố Đầu tiếp mộc bảng. Tuần Chiếu tiếp mộc bảng.

Sau đó đánh ba hồi ở trước Pháp Đường xướng: Sơ canh dĩ đáo… như trên. Cứ như thế giáp một vòng rồi trở lại từ đầu, khi Phật sự ở đàn tràng xong rồi mới thôi.

– Trong nghi lễ qui cũ thiền gia, bảng rất quan trọng, hai thời công phu phải hồi chuông và bảng để câu vào ba hồi mõ cho nên gọi là câu chung bảng, khi cửa hành Pháp sự gì tương đối lớn thì cũng có nghi Khai Chung Bảng.

Trên đã lược nêu những phép tắc về bảng, tuy nhiên có những đạo tràng nhơn sự ít, một mình một chùa, thiếu sự truyền thừa, nếp sinh hoạt nghi thức trong tự viện cũng rời rạc và trở nên đơn giản hóa. Lại có trường hợp sử dụng theo cách tự phát, không có người hướng dẫn, sử dụng không đúng qui cách, người nghe không hiểu, người đánh chẳng rành, chỉ đánh lên cho có tiếng mà thôi. Vì thế qui củ sử dụng bảng cũng bị mai một dần và dường như chỉ treo trang trí, đây cũng là đều cần suy nghĩ.