PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước

 

Nguồn Gốc Giới Xích Trong Phật Giáo

*Định nghĩa và phân loại:

Giới xích có hai loại, một loại là văn cụ, sử dụng trong việc học tập, một loại là pháp khí sử dụng trong việc tu hành, lễ tiết. Sau đây chúng ta tìm hiểu sự khác biệt giữa giới xích và giới xích (戒尺và 界尺).

Chữ giới (戒) tiếng Phạn gọi là Sila hay Thila. Tức là phòng hộ, ngăn cấm sự sai quấy của ba nghiệp. Riêng bộ Tỳ Bà Sa gọi Giới là  thanh lương, vì khi hành giả giữ giới thì ba nghiệp mát mẽ không bị lửa phiền não đốt cháy nữa, cho nên gọi là thanh lương.

Còn chữ giới (界) tiếng phạn gọi là Loka, Dhalu, dịch là giới, chỉ cho cõi nước, tức là sự vật nầy và sự vật khác có ranh giới phân biệt nên không bị lẫn lộn. Quyển 8, Đại Thừa Nghĩa Chương chép: “Chữ giới tức là tính chất khác biệt của các pháp”.

Chữ xích (尺) là cây thước, thước đo.

*Giới xích (戒尺)    

Giới xích còn gọi là xích, còn gọi là thủ xích, phủ xích, chấn xích, xích, dùng gỗ làm thành, sử dụng trong lúc qui y, thế độ, truyền giới, thuyết pháp, chẩn tế, và trong những nghi thức pháp hội khác. Đây là 1 pháp khí có tác dụng cảnh giác đại chúng, hoặc an định trật tự của Pháp hội.

Sắc Tu Bách Trượng Thanh Qui. Sa Di Đắc Độ chép: “Khi thiết tòa Giới sư và tòa Trụ trì, thì trên án phải để hương đèn, thủ lư, giới xích”.

Thiền Lâm Tượng Khí Tiên chép: “Giới xích vì chuyên dùng trong lúc thọ giới cho nên gọi là giới xích”.

Nếu Giới xích (戒尺)là một loại bái khí của Phật giáo, thì Giới xích (界尺)là một loại khí vật trong Phật giáo.

Giới xích (界尺) còn gọi là giới phương (界方) dùng gỗ, kim loại, ngọc, đá làm thành.

Sách Thiền Lâm Tượng Khí Tiên, Khí Vật môn chép: “Giới xích 界尺 là một loại văn cụ dùng để kẻ hàng, dằn giấy, thật không giống với giới xích (戒)”.

Do đó mà ta biết được giới xích 界尺 là một loại văn cụ, nó là một công cụ dùng để gạch hàng dằn giấy.

Lúc giảng kinh, thì dùng nó để dằn giấy để ổn định tư liệu, có khi gõ nhẹ trên mặt bàn để biểu thị cho thính chúng biết là thời giảng kinh sắp kết thúc”.

Trong bộ “Thiền Lâm Loại Tụ có một Tắc công án liên quan đến giới xích (界 尺): “Vua Lương Võ Đế thỉnh phó Đại sĩ giảng kinh, Đại sĩ thăng tòa, dùng giới xích gõ trên bàn 1 cái chát, liền ngồi xuống. Vua ngạc nhiên.

Chí Công hỏi vua : Bệ hạ hiểu không?

Vua đáp : Không hiểu

Chí Công nói : Đại sĩ giảng kinh xong.

Trong lúc giảng kinh cần phải vẽ trước 1 lằn ranh giới. Ví như kinh sách khai quật ở Đôn Hoàng phần lớn là có 1 lằn kẻ ranh giới.

* Thước tấc giới xích ( ):

Thiền Lâm Tượng Khí Tiên, Bái Khí Môn chép: “Gồm có 2 miếng gỗ nhỏ một miếng ngữa, 1 miếng úp, miếng ngữa thì để ở dưới, lớn hơn so với miếng úp, chiều dài chừng 7,6 tấc Tàu, độ dày 0,6 tấc, rộng 1,1 tấc. Trên mặt 4 bên có chạm đường chỉ, miếng úp thì để ở trên, chiều dài 7,4 tấc, độ dày 0,5 tấc, chiều rộng 1 tấc. Trên mặt 4 bên đều có chạm đường chỉ, ở miếng gỗ trên có một cái gù dài 2,5 tấc, cao 0,7 tấc, để nắm nó mà vỗ xuống”.

Thời đại ngày nay Tăng sĩ sử dụng giới xích (戒尺đã có sự cải cách. Giới xích thường thấy, phần lớn là dùng 1 miếng gỗ dài chừng 1 tấc, rộng 0,5 tấc, dày 0,5 tấc có khi gia giảm tùy theo sở thích mà chế tạo, được làm bằng gỗ cứng chắc nặng, dùng để vỗ xuống bàn. Có khắc chữ án a hồng ở trên, hai đầu khắc chữ hột rị hai bên hông chạm hình sư tử. Nói chung Giới xích dùng 2 miếng gỗ làm thành, hình dạng, thước tấc đều có qui định rõ ràng.

* Công dụng của giới xích 戒尺:

Loại xích này được sử dụng trong các nghi lễ : Quy y, cạo tóc, truyền giới, thuyết pháp, cho đến sử dụng trong nghi tiết “Du Già Diệm Khẩu Thí Thực”.

Giới xích được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt nhà Phật, các trường hợp có thể sử dụng giới xích như: Tăng chúng trong lúc tu thiền, khi thấy hành giả hôn trầm, khi giảng kinh, truyền giới, pháp hội thí thực…

Khi khởi đầu các pháp hội, khai chung bảng, chẩn tế… trên bàn kinh hương đăng phải sắp xếp: thủ lư, giới xích, nhang đèn, sớ giấy, danh sách  thí chủ, tên kỳ siêu kỳ an…

Vị gia trì niêm hương mật niệm kết ấn vẽ tự chủng án dạ hồng vào giới xích xong, đọc bài kệ khai xích:

Thủ trì phủ xích biến thập phương

Chư Phật long thiên giáng kiết tường

Nhất thông thiên giới nhị thủy để

Tam thông địa phủ miễn tai ương.

Tạm dịch:

Tay cầm phủ xích khắp mười phương

Chư Phật trời rồng hiện kiết tường

Một thông chư thiên hai dưới nước

Ba nguyền địa ngục khỏi tai ương.

Vị gia trì quán tưởng, quay tay, vỗ nhẹ xuống bàn ba lần:

– Lần thứ nhất nguyện chư thiên đến hộ trì.

– Lần thứ hai ở địa phủ đều nghe được.

– Lần thứ ba đại chúng cùng xưng tán.

Vì có công năng như thế cho nên trong tự viện ngày nay, trên bàn kinh ở chánh điện, pháp tòa ở giảng đường, giới đàn, pháp hội thí thực… hay những hoạt động nghi lễ Phật sự khác đều sử dụng giới xích. Nhằm tăng thêm vẻ tôn nghiêm đàn nghi và thị oai cảnh giác sự hôn trầm./.