PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước
Nguồn Gốc Chuỗi Niệm Phật
* Tiếp dẫn căn cơ giác ngộ:
Chốn Thiền môn thanh tịnh u tịch, mọi người thường thấy chư Tăng Ni khi tụng kinh tọa thiền, tay cầm một xâu chuỗi lần từng hạt, hai mắt hơi khép lại tư duy, miệng thầm tụng đọc kinh văn, khiến cho người trông thấy có cảm giác như các vị ấy đang đi sâu vào trong thiền định.
Chuỗi niệm Phật còn gọi là niệm châu, Phật châu, sổ châu, tụng châu, chú châu, nhân vì những hạt nầy có liên quan đến nhà Phật, khi đeo nó lên trên thân thì sẽ có một cảm giác thú vị đặc biệt, cho nên dần dần trở thành một pháp khí trong thiền môn và cũng lưu hành ngoài thế tục.
Trước hết là thiện nam tín nữ vì tin kính Phật mà đeo. Sau nầy trở thành món đồ trang sức ở thế gian, cho đến các nơi phố xá có bán rất nhiều. Bây giờ, chúng ta tìm hiểu xuất xứ về chuỗi hạt trong Phật giáo.
* Xuất xứ về chuỗi:
Chuỗi là một loại đạo cụ trong Phật giáo, Niệm châu còn gọi là sổ châu. Sổ châu nghĩa là nhớ số lượng hạt chuỗi đã được niệm qua, cũng còn gọi là sổ châu, tụng châu, chú châu,…
“Thích Thị Yếu Lãm” chép: “Mâu Lê Mạn Đà La Chú Kinh” chép: Tiếng Phạn là “Bát Tắc Mạc”, đời nhà Lương gọi là “Sổ Châu”, đây chính là vật để tiếp dẫn người hạ căn tinh tấn tu tập đạo nghiệp”.
Về chất liệu để làm chuỗi thì có hạt Bồ đề, hạt Kim cang, hạt sen, vàng, bạc, đồng, sắt, thủy tinh, mộc hoạn tử, trầm hương, ngọc, đá, trân châu, san hô, xà cừ, đế thích tử, ngà, xích châu, ma ni châu, lưu ly,… Những loại chuỗi trên là căn cứ vào: Quyển 2, phẩm Tác Sổ Châu Pháp Tượng, kinh Đà La Ni Tập; Quyển 9, kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chúa Đà La Ni; Quyển hạ, phẩm Trì Niệm kinh Phật Cảnh Giới Nhiếp Chơn Thật; Kinh Mạn Thù Thất Lợi Chú Tạng Trung Giảo Lương Sổ Châu Công Đức; Quyển trung, phẩm Cúng Dường Thứ Đệ Pháp, kinh Tô Tất Địa Yết Ra; Quyển thượng, phẩm Trừ Chướng Phần kinh Tô Bà Hô Đồng Tử Thỉnh Vấn…
Số lượng hạt thì theo kinh Mộc Hoạn Tử chép: Có 108 hạt; Kinh Đà La Ni có 108 hạt, 54 hạt, 42 hạt, 21 hạt; Kinh Sổ Châu Công Đức có 108 hạt, 54 hạt, 27 hạt, 14 hạt; Kinh Kim Cang Đảnh Du Già Niệm Tụng chép: Bậc thượng thì có 1080 hạt, 108 hạt, bậc trung thì có 54 hạt, bậc hạ có 27 hạt.
Kinh Văn Thù Nghi Quỷ, phẩm Sổ Châu Nghi Tắc chép: Bậc thượng thì có 108 hạt, bậc trung có 54 hạt, bậc hạ có 27 hạt, cao nhất là 1080 hạt.
Ý nghĩa của sổ châu thông thường cho rằng 108 hạt là cơ bản, đem 108 giảm ½ thì có 54 hạt, đem 54 giảm ½ có 27 hạt, đem 27 giảm ½ có 14 hạt. Lại đem 108 nhân 10 thì có 1080 hạt, đến như 42 hạt hoặc 21 hạt đều có cách giải thích.
Thời gian gần đây, đối với những loại chuỗi này có những cách giải thích sau: 108 hạt là mong chứng được 108 tam muội, đoạn trừ 108 phiền não; 1080 hạt là ý nghĩa trong 108 tam muội ấy đều có đầy đủ ý nghĩa của 108 pháp tam muội. Ngoài ra có thuyết nói: 108 tôn trong Kim cang giới, đều có đầy đủ ý nghĩa của 108 tôn; 54 hạt là tiêu biểu thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa và 4 thiện căn. Đây là nhân địa của 54 ngôi vị; 42 hạt là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác và diệu giác đây là 42 vị; 27 hạt là tiêu biểu cho 18 ngôi vị học và 9 ngôi vị vô học; 21 hạt là tiêu biểu cho thập địa, thập Ba la mật và Phật quả; 14 hạt là nói rõ 14 pháp vô úy của Bồ tát Quán Thế Âm.
Đối với những người chưa tin Phật, thường tìm một xâu chuỗi để đeo, cũng không có ngại gì. Thế nhưng đối với người kính tin Phật, thì có phong cách để cầm tràng hạt. Ví như, số lượng hạt chuỗi cũng có nhiều loại bất đồng, chất liệu cũng bất đồng, và ý nghĩa cũng bất đồng.
Theo bộ Yếu Lãm chép: “Tiểu thừa, thấy trong “Tu Hiệp Luận”, phiền não tổng cộng có 108. Lại nói rõ “Kiến hoặc phiền não 3 cõi tứ đế trở xuống tổng cộng có 88”, nghĩa là khổ có đầy đủ tất cả những phiền não, tức là mười sử: Tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ”.
Tập, Diệt có 3 thứ “kiến”, nghĩa là hai đế tập và diệt đều trừ bỏ thân kiến, biên kiến, tà kiến. Đạo đế, trừ bỏ hai thứ “kiến”, nghĩa là Đạo đế trừ bỏ thân kiến, biên kiến.
Thượng giới không sân khuể, nghĩa là 4 đế ở thượng giới trở xuống đều trừ bỏ sân, 4 đế ở ba cõi trở lên, tổng cộng có 88, tu đạo đoạn hoặc dục giới có 4: Tham, sân, si, mạn. Hai cõi trên đều trừ sân, tổng cộng có 6. Con số trên biến thành 10, kể ra thì có 98.
Lại thêm mười triền: Vô tàm, vô quí, hôn trầm, ác tác, não, tật, trạo cử (điệu cử), thùy miên, phẩn, phú, họp với con số trên thì có 10 phiền não vậy.
* Trong Phật Kinh có kể ra về nguyên do của tràng hạt:
Phật Kinh chép: Có Bổn Tôn của niệm châu (chuỗi hạt) đó là Tỳ Câu Chi Bồ tát. Tỳ Câu Chi tiếng Phạn gọi là Sát Mi Đầu. Một hôm Phật đang thuyết pháp thì trên đảnh đầu của Bồ tát Quan Thế Âm bỗng dưng hiện ra một vị Bồ tát rất là dũng mãnh và giận dữ. Khi ấy các Kim Cang vô cùng sợ hãi rồi chạy đến núp dưới tòa đức Phật, mong Ngài chở che cứu giúp. Phật bèn nói với vị Bồ tát nầy rằng: “Ông nên dừng lại sự giận dữ ấy đi”. Vị Bồ tát nầy liền dừng lại và nói: “Mong Phật dạy bảo con sẽ phụng hành”. Vị ấy chính là Tỳ Câu Chi Bồ tát.
Trong Phật giáo, Tỳ Câu Chi Bồ tát là đại biểu cho tinh thần đại bi, có đủ oai thế hàng phục, trên trán của vị Bồ tát nầy có mắt, có bốn tay, bên trái một tay cầm hoa sen, một tay cầm tịnh bình, bên phải một tay kết ấn thí vô úy, một tay cầm tràng hạt.
* Tràng hạt lưu truyền trong Tăng chúng như thế nào?
Truyện kể rằng: Thuở xưa có vị vua tên là Ba Lưu Lê, có lần vua bạch với Phật rằng: Nước con là một quốc gia bé nhỏ, luôn bị giặc ngoại xâm, cho nên gạo thóc quí hiếm, nhân dân nguy khốn con thường bất an, lòng từ bi trí tuệ của Phật sâu rộng, trông mong Ngài chỉ dạy phương pháp để cho nước con tương lai tươi sáng. Phật bèn nói: Nếu Đại vương muốn diệt trừ phiền não, nước giàu dân mạnh, thì dùng gỗ thơm tiện thành 108 hạt, sau đó xâu thành một tràng chuỗi và luôn mang theo thân mình, trong lúc đi đứng ngồi nằm đều phải niệm: “Nam Mô Phật Đà, Nam Mô Đạt Ma, Nam Mô Tăng Già”.
Mỗi khi niệm một biến thì lần qua một hạt chuỗi, cứ niệm như vậy cho đến một ngàn một vạn, nếu niệm đủ hai mươi vạn biến thì thân tâm không loạn, sạch hết các phiền não. Sau khi mãn báo thân nầy thì được sanh lên cõi trời Diệm Ma. Niệm đủ một trăm vạn biến sẽ sạch hết các kết nghiệp, được quả báo an vui mãi mãi. Vua nói: Phật đã chỉ dạy như thế, con xin phụng hành. Kể từ đó tràng chuỗi bắt đầu được lưu truyền trong Tăng chúng, nhằm để cho mọi người tín thờ nhớ niệm ngôi Tam bảo.
* Ý nghĩa sâu xa của tràng hạt:
Bồ tát đại biểu cho tinh thần đại bi cầm tràng hạt, đó là dụng ý muốn trừ sạch những ưu khổ, dứt hết phiền não, được công quả thượng lạc vô thượng, sau đó ngộ vào thiền cảnh, thấu triệt thiền cơ. Lấy đây mà suy rộng ra: Đang lúc Tăng chúng đọc kinh tĩnh tọa, tay cầm tràng hạt niệm Phật, thì hay khiến cho đoạn trừ tạp niệm trần lao, lòng tin kiên cố, thường ở trong thiền định, hằng ngày tu tập theo giáo pháp của Phật để được vắng lặng phiền não, kiên trì đạt đến cảnh giới: “Triêu phạm lâm vị thử, dạ thiền sơn cánh tịch” (Mờ sáng rừng thiền chưa dội nắng. Đêm về núi vắng lại lặng yên). Nhằm tiếp dẫn hết tất cả mọi căn cơ, lâu dần thì tâm kiền thành hướng Phật, thành tựu chứng ngộ sâu xa. Nhân đây, đối với cái nhìn của người bình thường, Tăng chúng cầm tràng hạt lễ Phật thì tự nhiên cũng cảm thấy an tĩnh hòa nhã trong lòng.
* Nghiên cứu về chất liệu làm chuỗi:
Về chất liệu làm chuỗi trong điển tịch nhà Phật có nhiều Thuyết khác nhau như: Vàng, bạc, đồng, sắt, ngọc, bảo châu, gỗ,… có rất nhiều loại như thế.
Xét theo 5 bộ hoặc 3 bộ trong Mật giáo, việc sử dụng chuỗi cũng bất đồng. Như trong 5 bộ thì cho rằng: Phật bộ dùng hạt Bồ Đề, Kim Cang bộ thì dùng hạt Kim Cang, Bảo bộ thì dùng vàng và các hạt bảo châu. Liên Hoa bộ thì dùng hạt sen,… Trong đó Bồ Đề là tối thắng, chất liệu sai khác, công đức niệm tụng cũng sai khác.
Trong Kinh Phật Thuyết Giảo Lượng Sổ Châu Công Đức chép: “Mỗi khi tụng một biến thì lần qua một hạt, hạt chuỗi bằng sắt thì được phước gấp 5 lần, hạt chuỗi bằng đồng thì được phước gấp 10 lần, hạt chuỗi bằng trân châu, hạt chuỗi bằng san hô thì được phước gấp 100 lần, hạt chuỗi bằng Mộc Hoạn Tử được phước gấp 1000 lần, hạt chuỗi bằng hạt sen được phước gấp 1 vạn lần, hạt chuỗi bằng Đà La Khư Xoa được phước 100 vạn lần, hạt chuỗi bằng Khai Ô Lô Đà La Khư Xoa được phước 1.000 vạn lần, hạt chuỗi bằng Thủy Tinh được phước 1 vạn vạn lần, dùng hạt Bồ Đề làm chuỗi niệm thì được phước vô lượng.
Vì sao chuỗi được làm bằng hạt bồ đề lại được tôn quý như vậy?. Là vì Đức Phật Thích Ca đã đắc đạo dưới cộ Bồ đề, cây Bồ đề được xem là cây “cây thần”. Dùng hạt của “cây thần” này để làm chuỗi phước báu sẽ thù thắng. Hiện nay tràng hạt chúng ta thường thấy và tương đối tốt đó chính là chuỗi Bồ đề Tinh nguyệt. Tức dùng hạt Bồ đề để làm chuỗi, trên hạt có một chấm lớn và rất nhiều chấm nhỏ giống như muôn ngàn ngôi sao vây quanh mặt trăng nên gọi là Bồ đề Tinh nguyệt”.
Ngoài ra, khi xưa ở Ấn Độ và Trung Quốc các Tăng sĩ tu khổ hạnh đầu đà lấy những xương sọ đầu nhỏ xâu thành chuỗi đeo trên cổ là để luôn nhắc nhở thân mình đây đang cách dần hơi thở từ từ rồi sẽ chết. Vì thế không nên tham tiếc thân thể hư hoạ này mà phải nổ lực tu tập. Nhưng cách “trang sứ”này đã khiến cho người ta cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy nó.
Ngoài ra, việc chế tạo chuỗi niệm Phật cũng có qui định, qui định niệm chuỗi có hạt mẫu châu – tức hạt chuỗi lớn, và hạt để ghi nhớ khác nhau, mục đích là để cảnh tỉnh. Trong Phật giáo, việc niệm chuỗi cũng có phương pháp.
Trước hết đem việc niệm chuỗi khai triển: dùng 4 ngón ở bàn tay phải làm điểm tựa, còn ngón cái lần qua tràng hạt, cứ niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” thì lần một hạt, niệm tuần tự như thế, khi niệm tới hạt mẫu châu, thì phải niệm ngược trở lại, nhân vì trong Phật Kinh chép: Hạt mẫu châu là tiêu biểu cho Phật, còn sợi dây để xâu từng hạt chuỗi lại là tiêu biểu cho Bồ tát Quan Âm, nếu vượt qua hạt mẫu châu thì mắc tội vượt pháp.
Tuy nhiên, những điều nầy là do trong giới Phật giáo qui định, còn việc niệm chuỗi đối với quan niệm của người bình thường thì: Có người đeo để niệm Phật, có người đeo để trang sức cho đẹp,… phương pháp thì tùy ý, có thể căn cứ theo qui định sở thích của từng cá nhân.
Nhìn chung, chuỗi hạt tuy có nguồn gốc từ Phật giáo, các nhà sư dùng để niệm Phật đề tỉnh trong lúc tu hành, nhưng đối với người thời nay đặc biệt là giới trẻ, rất chuộng việc đeo chuỗi hạt và bây giờ thì chuỗi hạt trở thành một món đồ trang sức, cũng là mốt thời trang chốn công sở với kiểu cách chất liệu rất đa dạng, không còn hạn cuộc trong chốn thiền môn nữa. Trên đây đã lược nêu về cách thức nguồn gốc, ý nghĩa, lợi ích… của chuỗi hạt, do đó khi đeo tràng chuỗi trên thân thì đó là một sự nhắc nhở nỗ lực hoàn thiện phẩm cách, chuyển hóa nội tại trong đời sống tâm linh, như trong kinh mà Phật đã dạy./.