ngũ nghiệp

Phật Quang Đại Từ Điển

(五業) I. Ngũ Nghiệp. Năm loại nghiệp. Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 114 thì tùy theo sự mau hay chậm của việc chịu báo mà nghiệp được chia làm 5 loại: 1. Thuận hiện pháp thụ nghiệp: Đời này gây nghiệp chịu báo ngay ở đời này. 2. Thuận thứ sinh thụ nghiệp: Gây nghiệp ở hiện tại đời sau mới chịu báo. 3. Thuận hậu thứ thụ nghiệp: Từ đời thứ 3 trở về sau mới chịu báo. 4. Thời phận bất định dị thục định nghiệp: Chỉ biết quả mà không biết lúc nào chịu báo. 5. Thời phận bất định dị thục bất định nghiệp: Không biết quả mà cũng không biết lúc nào chịu báo. [X. luận Câu xá Q.15; luận Thuận chính lí Q.40; Câu xá luận quang kí Q.15]. II. Ngũ Nghiệp. Cứ theo thuyết của luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 7, 5 nghiệp là: 1. Thủ thụ nghiệp: Như mắt có thể thấy sắc v.v… 2. Tác dụng nghiệp: Như đất có khả năng giữ gìn, nâng đỡ … hoặc tạo ra tự tướng các pháp, nghĩa là các sắc chất ngại, biến hoại… 3. Gia hạnh nghiệp: Trước hết ý hiểu biết rồi đưa đến thân tạo nghiệp… 4. Chuyển biến nghiệp: Như những người thợ kim hoàn làm ra các đồ trang sức… 5. Chứng đắc nghiệp: Tu Thánh đạo, chứng Niết bàn… [X. luận Đại thừa a tì đạt ma tập Q.4; Tạp tập luận thuật kí Q.8]. III. Ngũ Nghiệp. Năm hạnh nghiệp của chư Phật đối với chúng sinh nói trong Nhiếp đại thừa luận bản, quyển hạ(do ngài Huyền trang dịch). Đó là: 1. Lấy việc cứu giúp hết thảy chúng sinh trong khổ nạn làm nghiệp: Chúng sinh tạo các nghiệp ác, phải chịu những tật não như mù, điếc, điên cuồng… sống trong khổ nạn, nếu khi được gặp Phật cứu giúp thì người mù được thấy, người điếc được nghe, người điên được tỉnh. 2. Lấy việc cứu giúp các cõi ác làm nghiệp: Chúng sinh vì tạo nghiệp chẳng lành bị rơi vào các cõi ác, Phật mở lòng đại từ bi cứu giúp họ ra khỏi 3 đường ác(địa ngục, ngã quỉ, súc sinh)khiến được yên vui trong cõi người, cõi trời. 3. Lấy việc cứu giúp những người tu theo phi phương tiện làm nghiệp: Phi phương tiện nghĩa là phương pháp không đưa đến giải thoát; ngoại đạo tu các hạnh khổ như giữ giới bò(bắt chước bò ăn cỏ), giới chó(bắt chước chó ăn phân) v.v… không thể ra khỏi 3 cõi, gọi là Phi phương tiện. Đức Phật dạy các ngoại đạo lìa bỏ phi phương tiện mà cầu hạnh giải thoát, sống trong giáo pháp của Như lai. 4. Lấy việc cứu giúp Tát ca da kiến làm nghiệp: Tát ca da kiến tức là thân kiến (thấy có thân ta), chúng sinh trôi lăn trong 3 cõi, nhận lầm thân ngũ uẩn giả hòa hợp là cái ta thường hằng bất biến. Đức Phật muốn cứu giúp chúng sinh chấp ngã, nên chỉ cho con đường chính vô ngã có thể vượt khỏi 3 cõi, làm cho chúng sinh phá trừ thân kiến giả dối không thực. 5. Lấy việc cứu giúp các thừa làm nghiệp: Thừa ở đây chỉ cho 2 hạng người tu hành đạo Phật. Một là người đối với đạo Bồ tát muốn trở lui; hai là hàng Thanh văn có chủng tính quanh co giữa Đại thừa và Tiểu thừa, không biết đi đường nào. Hạng người thứ nhất thấy chúng sinh khó độ, hạnh Bồ tát khó làm nên muốn rút lui khỏi đạo Bồ tát Đại thừa, mà tu đạo Tiểu thừa; hạng người thứ 2 tuy có chủng tính Đại thừa nhưng lại phát tâm nhỏ hẹp. Đức Phật thương xót 2 hạng người này, nên nói pháp Nhất thừa khiến cho Bồ tát muốn trở lui không còn thoái tâm, mà Thanh văn bất định thì bỏ Tiểu thừa về Đại thừa. [X. luận Nhiếp đại thừa Q.hạ (bản dịch đời Lương); Nhiếp đại thừa luận thích Q.10 (bản dịch đời Đường)]. IV. Ngũ Nghiệp. Năm nghiệp nói trong luận Vãng sinh của bồ tát Thế thân. Tức là: 1. Nghiệp thân: Lễ lạy. 2. Nghiệp khẩu: Nói lời khen ngợi. 3. Nghiệp ý: Khởi tâm phát nguyện 4. Nghiệp trí: Phát khởi trí quán. 5. Nghiệp trí phương tiện: Phát tâm hồi hướng. Năm nghiệp trên đây là pháp môn tu hành cầu sinh về Tịnh độ của đức Phật A di đà. [X. Vãng sinh luận chú Q.hạ; Vãng sinh luận chú kí Q.5].