Phật Thuyết Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật
Hán dịch: Tây Vực Tam Tạng Pháp sư Cương-lương-da-xá đời Lưu Tống
Việt dịch: Tại gia Bồ-Tát giới Ưu-bà-tắc Nguyên Thuận

 

NGUYỆN HƯƠNG

(Quì gối đưa nhang lên nguyện hương)

Nguyện mây hương mầu này
Khắp cùng mười phương cõi
Cúng dường tất cả Phật
Tôn pháp, các Bồ Tát
Vô biên chúng Thanh Văn
Và cả thảy Thánh Hiền
Duyên khởi đài sáng chói
Trùm đến vô biên cõi,
Khắp xông các chúng sanh
Đều phát lòng bồ đề,
Hết một báo thân này
Sanh về cõi Cực Lạc.

Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát (1 lạy)

TÁN THÁN PHẬT

(Đứng Lên Đánh Khánh Tụng)

Sắc Thân Như Lai đẹp, trong đời không ai bằng, không sánh, chẳng nghĩ bàn, nên nay con đảnh lễ.

Sắc thân Phật vô tận, trí huệ Phật cũng thế, tất cả pháp thường trú, cho nên con về nương. Sức chí lớn nguyện lớn, khắp độ chúng quần sanh, khiến bỏ thân nóng khổ, sanh kia nước mát vui. Con nay sạch ba nghiệp, qui y và lễ tán, nguyện cùng các chúng sanh, đồng sanh nước Cực Lạc.

(Đại Chúng Đồng Tụng Nhất Tâm Đảnh Lễ)

NHẤT TÂM ĐẢNH LỄ:

Nam Mô Thường Tịch Quang Tịnh Độ
A Di Đà Như Lai
Pháp Thân Mầu Thanh Tịnh
Khắp Pháp Giới Chư Phật. o (1 lạy)

Nam Mô Thật Báo Trang Nghiêm Độ
A Di Đà Như Lai
Thân Tướng Hải Vi Trần
Khắp Pháp Giới Chư Phật. o (1 lạy)

Nam Mô Phương Tiện Thánh Cư Độ
A Di Đà Như Lai
Thân Trang Nghiêm Giải Thóat
Khắp Pháp Giới Chư Phật. o (1 lạy)

Nam Mô Cõi An Lạc Phương Tây
A Di Đà Như Lai
Thân Căn Giới Đại Thừa
Khắp Pháp Giới Chư Phật. o (1 lạy)

Nam Mô Cõi An Lạc Phương Tây
A Di Đà Như Lai
Thân Hóa Đến Mười Phương
Khắp Pháp Giới Chư Phật. o (1 lạy)

Nam Mô Cõi An Lạc Phương Tây
Giáo Hạnh Lý Ba Kinh
Tột Nói Bày Y Chánh
Khắp Pháp Giới Tôn Pháp. o (1 lạy)

Nam Mô Cõi An Lạc Phương Tây
Quán Thế Âm Bồ Tát
Thân Tử Kim Muôn ức
Khắp Pháp Giới Bồ Tát. o (1 lạy)

Nam Mô Cõi An Lạc Phương Tây
Đại Thế Chí Bồ Tát
Thân Trí Sáng Vô Biên
Khắp Pháp Giới Bồ Tát o  (1 lạy)

Nam Mô Cõi An Lạc Phương Tây
Thanh Tịnh Đại Hải Chúng
Thân Hai Nghiêm Phước Trí
Khắp Pháp Giới Thánh Chúng. o (1 lạy)

CỬ TÁN

(Đại chúng đồng tụng theo tiếng mõ)

Lư hương vừa ngún chiên đàn,
Khói thơm ngào ngạt muôn ngàn cõi xa,
Lòng con kính ngưỡng thiết tha,
Ngưỡng mong chư Phật thương mà chứng minh

Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)

BÀI VĂN PHÁT NGUYỆN

Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo (3 lần)

Lạy đấng tam giới tôn
Quy mạng mười phương Phật
Nay con phát nguyện lớn
Trì tụng kinh Vô Lượng Thọ
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ ba đường
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát Bồ đề tâm
Khi mãn báo thân này
Sanh qua cõi Cực lạc.

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật (3 lần)

BÀI KỆ KHAI KINH

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Nay con nghe thấy chuyên trì tụng,
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần)

Phật Thuyết Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật
Hán dịch: Tây Vực Tam Tạng Pháp sư Cương-lương-da-xá đời Lưu Tống
Việt dịch: Tại gia Bồ-Tát giới Ưu-bà-tắc Nguyên Thuận

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở trên núi Linh Thứu gần thành Vương Xá, cùng với 1.250 vị đại Tỳ-kheo và 32.000 vị Bồ-Tát đồng câu hội. Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử làm bậc thượng thủ.

Lúc bấy giờ ở đại thành Vương Xá, có một thái tử tên là A-xà-thế. Vì thuận theo lời chỉ giáo của ác hữu Đề-bà-đạt-đa nên đã bắt phụ vương Tần-bà-sa-la, nhốt vào trong ngục kín với bảy lớp tường và cấm các quần thần không được lui tới. Nhưng quốc thái phu nhân tên là Vi-đề-hy rất cung kính đại vương. Sau khi tắm gội sạch sẽ, hoàng hậu dùng mật ong và bột sấy khô bôi lên thân mình, trong các hột chuỗi anh lạc đựng nước trái nho và lén dâng lên cho đức vua.

Lúc bấy giờ, đại vương ăn bột và uống nước nho, rồi xin nước súc miệng. Khi súc miệng xong, ngài chắp tay cung kính và hướng về núi Linh Thứu đảnh lễ Thế Tôn mà bạch rằng:

“Đại Mục-kiền-liên là thân hữu của con, nguyện ngài hãy khởi lòng từ bi và truyền thọ Bát Quan Trai cho con.”

Khi ấy, ngài Mục-kiền-liên như chim ưng bay, liền vụt đến chỗ của đại vương. Mỗi ngày như vậy, Tôn giả truyền thọ Bát Quan Trai cho nhà vua. Đức Thế Tôn cũng bảo Tôn giả Phú-lâu-na thuyết Pháp cho đức vua. Thời gian như thế trải qua 21 ngày, đức vua ăn bột và mật ong, lại nghe được Pháp nên nhan sắc hòa vui. Lúc đó, vua A-xà-thế hỏi người lính canh ngục:

“Tới hôm nay phụ vương của trẫm vẫn còn sống à?”

Lúc ấy, người lính canh ngục tâu rằng:

“Tâu đại vương! Quốc thái phu nhân bôi mật ong và bột lên thân mình, lại dùng xâu chuỗi anh lạc đựng nước nho và đem đến cho nhà vua. Sa-môn Mục-kiền-liên và Phú-lâu-na từ trên không bay tới thuyết Pháp cho quốc vương nên chẳng thể nào cấm ngăn được.”

Khi vua A-xà-thế nghe tâu xong, liền nổi giận mẹ mình:

“Mẹ trẫm là giặc, cùng giặc làm bạn. Sa-môn ác nhân, mê huyễn chú thuật, khiến cho ác vương lâu ngày rồi mà chưa chết.”

Lúc đó, vua A-xà-thế liền cầm gươm bén muốn hại mẹ mình. Khi ấy có một vị đại thần, thông minh tài trí, tên là Nguyệt Quang, cùng với Kỳ-bà vội đến hành lễ nhà vua, tâu rằng:

“Đại vương! Thần nghe trong sách điển phệ-đà nói là từ kiếp ban sơ đến nay có 18.000 ác vương, vì tham ngôi vị nên sát hại phụ vương. Song chưa từng nghe có ai vô đạo giết hại mẹ mình. Nay đại vương làm chuyện ngỗ nghịch này thì sẽ ô uế dòng sát-đế-lợi, là hạng chiên-đà-la. Thần bất nhẫn nghe việc này. Chúng thần chẳng nên ở lại đây nữa.”

Khi hai vị đại thần nói lời ấy xong, liền lấy tay vỗ lên thanh kiếm và từng bước thoái lui.

Lúc ấy, vua A-xà-thế kinh hoàng hãi sợ và nói với Kỳ-bà:

“Khanh cũng không vì trẫm sao?”

Kỳ-bà tâu rằng:

“Tâu đại vương! Hãy thận trọng chớ hại mẹ.”

Khi nhà vua nghe lời ấy xong, lòng cầu xin sám hối, liền buông kiếm và dừng ngay việc hại mẹ. Rồi truyền lệnh các nội quan giam giữ vào thâm cung và chẳng cho bước ra ngoài nữa. Trong lúc hoàng hậu Vi-đề-hy bị nhốt giam, lòng buồn âu lo, thân thể tiều tụy. Hoàng hậu hướng trông về núi Linh Thứu, đảnh lễ Đức Phật và thưa rằng:

“Lúc xưa Như Lai Thế Tôn thường cử ngài A-Nan đến thăm hỏi con. Nay lòng con ưu sầu nên chẳng thể thấy được Đức Thế Tôn uy nghi. Cúi mong Ngài hãy sai Tôn giả Mục-kiền-liên và A-Nan đến cho con được thấy.”

Tác bạch lời ấy xong, trong lòng đau khóc, lệ tuôn như mưa, và hướng trông về Đức Phật mà đảnh lễ. Trong khi vẫn còn chưa kịp ngẩng đầu lên thì lúc bấy giờ, Thế Tôn ở trên núi Linh Thứu đã biết tâm niệm của hoàng hậu Vi-đề-hy. Liền lập tức sai Đại Mục-kiền-liên và ngài A-Nan từ hư không bay đến. Đức Phật cũng ẩn mất ở núi Linh Thứu và xuất hiện trong hoàng cung.

Lúc đó, hoàng hậu Vi-đề-hy đảnh lễ xong và ngẩng đầu lên thì liền thấy Đức Thế Tôn Thích-ca-mâu-ni Phật, thân màu vàng tím, ngồi trên tòa hoa sen trăm báu. Ngài Mục-kiền-liên hầu bên tả, ngài A-Nan hầu bên hữu. Còn ở trên hư không có Đế-thích, Phạm Vương và Hộ Thế chư thiên rải hoa trời khắp nơi để cúng dường.

Khi thấy Đức Phật Thế Tôn, hoàng hậu Vi-đề-hy tự bứt bỏ xâu chuỗi anh lạc, thân mình trên đất, kêu gào khóc than và hướng Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Con đời trước đã mắc tội gì mà sinh ra đứa ác tử này? Đức Thế Tôn lại có nhân duyên thế nào mà cùng với Đề-bà-đạt-đa làm quyến thuộc. Ngưỡng mong Thế Tôn vì con hãy rộng nói về nơi không có ưu lo phiền não. Con nay muốn vãng sanh và chẳng còn vui thích trong đời ác trược ở Diêm-phù-đề nữa. Chốn ác trược này đầy dẫy địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và nhiều việc bất thiện tụ hội. Nguyện con đời sau sẽ chẳng nghe tiếng ác, không gặp người xấu. Con nay hướng về Đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ sát đất và cầu xin sám hối. Duy nguyện Đức Phật dạy con Pháp quán tưởng của nơi thanh tịnh nghiệp.”

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn phóng ra hào quang sắc vàng từ giữa đôi chân mày. Ánh sáng đó biến chiếu vô lượng thập phương thế giới, rồi trở về trụ trên đỉnh đầu của Đức Phật và hóa thành kim đài lớn như núi Tu-di. Các cõi nước tịnh diệu của thập phương chư Phật đều hiện ở trong. Hoặc có quốc độ do thất bảo hợp thành. Lại có quốc độ toàn là liên hoa. Lại có quốc độ như Tự Tại Thiên Cung. Lại có quốc độ như gương kính pha lê. Các cõi nước mười phương đều hiện bên trong và có vô lượng chư Phật quốc độ trang nghiêm hiện rõ như vậy, để khiến cho hoàng hậu Vi-đề-hy được thấy. Khi đó, hoàng hậu Vi-đề-hy bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Các Phật độ ấy tuy rất thanh tịnh và đều có quang minh, nhưng con nay chỉ thích sinh về Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà. Duy nguyện Thế Tôn dạy con tư duy và dạy con chánh thọ.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn liền mỉm cười và từ trong miệng của Đức Phật có tia sáng năm màu phóng ra. Mỗi tia sáng chiếu đến đỉnh đầu của vua Tần-bà-sa-la. Khi ấy, đức vua tuy bị giam kín nhưng tâm nhãn không bị chướng ngại và từ nơi xa thấy được Thế Tôn. Ngài cúi đầu đảnh lễ và tự nhiên chứng quả A-na-hàm.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Nay hoàng hậu có biết chăng? Đức Phật A-di-đà cách đây không xa. Hoàng hậu nên nhiếp tâm và quán rõ cõi nước kia là do tịnh nghiệp tạo thành. Ta nay vì hoàng hậu mà rộng nói các thí dụ. Lại cũng khiến cho tất cả phàm phu đời vị lai, những ai muốn tu tịnh nghiệp thời sẽ được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc ở phương tây. Phàm muốn sanh đến quốc độ kia thì phải nên tu tam phước:

– Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, lòng từ không giết hại, và tu Thập Thiện Nghiệp.

– Hai là thọ trì Tam Quy, giữ các giới trọn đủ và không phạm uy nghi.

– Ba là phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Kinh điển Đại Thừa, và khuyến tấn người khác tu hành.

Ba điều này gọi là Tịnh Nghiệp.”

Phật bảo hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Hoàng hậu nay có biết không? Ba loại nghiệp này là chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế chư Phật thuở quá khứ, hiện tại cùng vị lai.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Lắng nghe, lắng nghe và khéo tư duy! Nay Như Lai vì hết thảy chúng sanh đời vị lai, những kẻ bị giặc phiền não nhiễu hại, mà nói về nghiệp thanh tịnh.

Lành thay Vi-đề-hy! Hoàng hậu đã khéo sớm hỏi được việc ấy.

Này A-Nan! Ông nên thọ trì và rộng vì đại chúng mà tuyên nói lời Phật dạy. Nay Như Lai sẽ dạy Vi-đề-hy cùng tất cả chúng sanh đời vị lai Pháp quán tưởng đến Thế Giới Cực Lạc ở phương tây. Do bởi Phật lực nên ông sẽ thấy được cõi nước thanh tịnh kia, như cầm gương sáng và tự trông thấy mặt của mình. Khi thấy được những sự vui vẻ vi diệu của cõi nước kia, nên tâm sanh hoan hỷ và sẽ liền lập tức đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.”

Phật bảo hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Hoàng hậu là phàm phu, tâm tưởng yếu kém và chưa mở thiên nhãn nên chẳng thể quán xa. Tuy nhiên, chư Phật Như Lai có phương tiện đặc biệt để khiến hoàng hậu thấy được.”

Lúc ấy, hoàng hậu Vi-đề-hy bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Con nay do thần lực của Phật nên thấy được quốc độ kia. Nếu sau khi Phật nhập diệt, các chúng sanh đời ác trược bất thiện bị năm thứ khổ sở bức bách, thì phải làm sao để thấy Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà?”

Phật bảo hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Hoàng hậu và chúng sanh phải nên nhất tâm chuyên niệm một nơi, đó là quán tưởng ở tây phương. Quán tưởng như thế nào? Hết thảy chúng sanh có mắt thì đều thấy mặt trời lặn, trừ phi bị mù bẩm sinh. Phàm người tu quán tưởng này, nên ngồi ngay thẳng xoay về hướng tây, rồi khởi tưởng niệm và quán rõ nơi mặt trời sắp lặn, làm cho tâm kiên trụ, chuyên tưởng không đổi dời. Quán thấy mặt trời lặn giống như cái trống đang treo. Khi đã quán thấy mặt trời xong thì lúc nhắm mắt hay mở mắt đều phải minh bạch.

Đây là Nhật Tưởng, gọi là Sơ Quán. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Khi sơ quán thành tựu, thứ đến quán tưởng nước. Quán tất cả mọi thứ ở tây phương đều là đại thủy, thấy nước lắng trong và cũng phải cho rõ ràng, tâm ý không được phân tán.

Lúc thấy nước xong nên khởi tưởng đến băng. Thấy băng trong suốt rồi tưởng đến lưu ly. Khi quán tưởng này thành tựu thì thấy đất lưu ly, trong ngoài xuyên suốt.

Phía dưới có tràng phan làm bằng kim cang bảy báu nâng đỡ đất lưu ly. Cây tràng phan có đầy đủ tám cạnh và tám góc. Ở mỗi cạnh đều do 100 thứ bảo châu tạo thành. Mỗi bảo châu có 1.000 tia sáng. Mỗi tia sáng có 84.000 màu sắc và chiếu sáng xuyên đất lưu ly như 1.000 ức mặt trời đến chẳng thể nào thấy cho hết.

Trên đất lưu ly có sợi dây vàng kim phân chia từng nơi của bảy thứ châu báu, rất sáng rõ và ngay hàng thẳng lối. Trong mỗi châu báu có 500 màu tia sáng. Những tia sáng ấy như đóa hoa và tựa như các ngôi sao và mặt trăng, treo ở giữa hư không và tạo thành đài ánh sáng. Trên đài có ngàn vạn lầu các do 100 thứ báu hợp thành. Ở hai bên đài có 100 ức tràng hoa và vô lượng nhạc khí dùng để trang nghiêm. Có tám loại gió trong thanh từ nơi ánh sáng thổi ra và khua động các nhạc khí, vang ra âm thanh diễn nói: khổ, không, vô thường và vô ngã.

Đây là Thủy Tưởng, là Pháp quán thứ nhì. Khi quán tưởng này thành tựu thì mỗi điểm quán sẽ sáng suốt rõ ràng. Phải luôn nhớ đến việc này, chỉ duy trừ lúc ngủ, còn lúc nhắm mắt và mở mắt thì đừng để phai mất. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Khi các Pháp quán tưởng trên thành tựu thì gọi là Thô Kiến Cực Lạc Quốc Địa. Nếu đắc tam-muội thời sẽ thấy đất của cõi nước kia vô cùng rõ rệt đến chẳng thể nào nói cho hết.

Đây là Địa Tưởng, là Pháp quán thứ ba.”

Phật bảo ngài A-Nan:

“Ông hãy thọ trì lời Phật dạy và vì tất cả đại chúng đời vị lai, những ai muốn thoát ly khổ ách mà nói Pháp quán Địa Tưởng này. Nếu quán Địa Tưởng thì sẽ diệt trừ 80 ức kiếp nghiệp tội sanh tử. Khi xả báo thân ở thế giới đó thời sẽ vãng sanh Tịnh Độ, tâm được vô nghi. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Khi Địa Tưởng thành tựu, thứ đến quán tưởng cây báu. Quán mỗi bảo thụ ở trong bảy lớp hàng cây báu. Mỗi cây cao 8.000 do-tuần. Trên cây báu toàn là hoa lá bằng thất bảo. Mỗi hoa mỗi lá có màu sắc báu khác nhau. Trong màu sắc lưu ly tỏa ánh sáng vàng kim. Trong màu sắc pha lê tỏa ánh sáng hồng. Trong màu sắc mã não tỏa ánh sáng xa cừ. Trong màu sắc xa cừ tỏa ánh sáng bảo châu xanh biếc. San hô, hổ phách và hết thảy chúng bảo đều dùng làm trang trí.

Có màn lưới bảo châu vi diệu trùm khắp trên cây. Trên mỗi cây có bảy lớp lưới. Ở giữa mỗi lớp lưới có 500 ức cung điện, tráng lệ như thiên cung của Phạm Vương và có các đồng tử cõi trời tự nhiên ở trong đó. Mỗi đồng tử được trang nghiêm với xâu chuỗi anh lạc của 500 ức ngọc năng thắng ma-ni. Ánh sáng của ngọc ma-ni ấy chiếu soi 100 do-tuần, sáng chói như trăm ức nhật nguyệt hòa chung với nhau đến chẳng thể nào kể xiết. Lại có các châu báu xen lẫn trong những màu sắc tuyệt đẹp.

Những cây báu với từng hàng thẳng tắp, mỗi lá cân xứng đối nhau. Ở giữa các lá cây nở ra các bông hoa vi diệu. Trên các bông hoa tự nhiên có quả bằng bảy báu. Mỗi lá cây dài rộng 25 do-tuần. Lá ấy có 1.000 màu sắc và 100 loại hình vẽ như chuỗi anh lạc cõi trời. Có những đóa hoa vi diệu như vòng lửa xoay với màu vàng kim của diêm-phù-đàn, uyển chuyển ở giữa lá cây và vọt sanh các quả như từ bảo bình của Thiên Chủ Đế-thích. Trái cây có ánh sáng lớn phóng ra, hóa thành tràng phan và vô lượng bảo cái. Trong những bảo cái này, ánh hiện Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới và cũng hiện hết thảy Phật sự của mười phương quốc độ chư Phật ở trong đó. Khi đã thấy toàn diện của cây rồi, thì cũng nên theo thứ tự quán thân cây, nhánh lá và hoa quả. Mỗi mỗi đều phải rõ ràng.

Đây là Thụ Tưởng, là Pháp quán thứ tư. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Khi Thụ Tưởng thành tựu, thứ đến quán tưởng nước tám công đức. Quán tưởng cõi nước Cực Lạc có tám ao nước. Mỗi ao nước do thất bảo tạo thành. Các châu báu ấy mềm nhuyễn và từ như ý châu vương sanh ra. Ao nước phân làm 14 nhánh. Mỗi nhánh có các màu sắc vi diệu của thất bảo. Những kênh nước làm bằng vàng kim. Ở dưới đáy kênh đều dùng tạp sắc kim cang rải làm cát. Trong mỗi ao nước có 60 ức hoa sen bảy báu. Mỗi hoa sen đều viên tròn, chu vi 12 do-tuần. Có nước ma-ni chảy lên xuống trên cuống sen và phát ra âm thanh vi diệu, diễn nói: khổ, không, vô thường, vô ngã, các Pháp Ba-la-mật, hoặc ngợi khen tướng tốt của chư Phật.

Còn như ý châu vương thì phóng ra các tia sáng màu vàng kim vi diệu. Các tia sáng đó hóa thành những loài chim với trăm màu bảo sắc và hót lên tiếng hòa nhã, thường tán thán niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Đây là Bát Công Đức Thủy Tưởng, là Pháp quán thứ năm. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Trên mỗi vùng của chúng bảo quốc độ ấy có 500 ức bảo lầu. Trong những lầu các đó có vô lượng chư thiên trỗi âm nhạc trời. Lại có các nhạc khí treo lơ lửng giữa hư không và như tràng phan báu cõi trời, không cần khảy mà tự vang. Trong những thanh âm ấy đều diễn nói niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo Tăng.

Khi các Pháp quán tưởng trên thành tựu thì gọi là Thô Kiến Cực Lạc Thế Giới Bảo Thụ Bảo Địa Bảo Trì.

Đây là Tổng Quán Tưởng, là Pháp quán thứ sáu. Nếu quán thấy như vậy thì sẽ diệt trừ vô lượng ức kiếp cực trọng ác nghiệp. Sau khi mạng chung thì họ sẽ nhất định vãng sanh về cõi nước kia. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Lắng nghe, lắng nghe và khéo tư duy! Nay Ta sẽ vì ông và hoàng hậu mà phân biệt giảng giải Pháp diệt trừ khổ não. Các con nhớ thọ trì và rộng phân biệt giảng giải cho đại chúng.”

Khi vừa dứt lời ấy, Đức Phật Vô Lượng Thọ liền xuất hiện và đứng trụ ở hư không. Đứng hầu bên tả bên hữu là hai vị Đại sĩ: Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Quang minh của các ngài chói rực đến chẳng thể nào thấy hết, cho dù cả trăm ngàn màu vàng kim của diêm-phù-đàn thì cũng không thể sánh bằng.

Khi thấy được Đức Phật Vô Lượng Thọ, hoàng hậu Vi-đề-hy cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Con nay do uy lực của Phật nên thấy được Đức Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Bồ-Tát. Chúng sanh vị lai thì phải làm thế nào để quán Vô Lượng Thọ Phật cùng nhị vị Bồ-Tát?”

Phật bảo hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Phàm muốn quán Đức Phật kia thời phải nên khởi tưởng niệm. Quán tưởng trên đất bảy báu có các hoa sen. Mỗi cánh hoa sen tựa như tranh vẽ cõi trời. Trên đó có 100 màu bảo sắc và có 84.000 đường gân. Mỗi đường gân có 84.000 tia sáng, rất rõ rệt và đều thấy được. Chiều dài và rộng của mỗi cánh hoa nhỏ là 250 do-tuần. Mỗi hoa sen có 84.000 cánh hoa. Ở giữa mỗi cánh hoa có 100 ức ma-ni châu vương dùng làm trang trí. Mỗi ma-ni châu vương phóng ra 1.000 tia sáng. Tia sáng đó như lọng che của bảy báu hợp thành và trùm khắp trên mặt đất.

Trên hoa sen có một kỳ đài bằng ngọc báu thích-ca-tỳ-lăng-già và được trang trí với 80.000 kim cang ngọc xích bảo, ngọc ma-ni từ cõi Phạm Thiên và màn lưới diệu bảo châu. Ở trên kỳ đài tự nhiên có bốn trụ bảo tràng. Mỗi bảo tràng cao lớn như trăm ngàn vạn ức núi Tu-di. Trên bảo tràng có màn che báu như ở cung trời Dạ-ma và lại có 500 ức bảo châu vi diệu dùng làm trang trí. Mỗi bảo châu có 84.000 tia sáng. Mỗi tia sáng có 84.000 loại màu vàng kim khác nhau. Mỗi màu vàng kim biến khắp cõi nước báu, nơi nơi biến hóa và hóa hiện các dị tướng lạ thường. Hoặc hóa thành đài kim cang. Hoặc hóa thành màn lưới bảo châu. Hoặc hóa thành đám mây với nhiều loại hoa khác nhau. Chúng tùy ý biến hiện ra các Phật sự trong mười phương.

Đây là Hoa Tòa Tưởng, là Pháp quán thứ bảy.”

Phật bảo ngài A-Nan:

“Các diệu hoa đó là do sức bổn nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng mà thành. Nếu có ai muốn niệm Đức Phật kia thời trước tiên phải nên quán tưởng tòa hoa vi diệu ấy. Lúc quán tưởng này thì không được tạp quán. Phải nên mỗi điểm quán, mỗi cánh hoa, mỗi hạt ma-ni châu, mỗi tia sáng, mỗi kỳ đài, mỗi bảo tràng, đều phải cho rõ ràng; thấy rõ như tự soi mặt của mình trong gương.

Khi quán tưởng này thành tựu thời người đó sẽ diệt trừ 500 ức kiếp nghiệp tội sanh tử và nhất định sẽ vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Khi thấy việc ấy rồi, thứ đến quán tưởng Phật. Quán tưởng như thế nào? Pháp thân của chư Phật Như Lai châu biến Pháp Giới và vào khắp tâm tưởng của tất cả chúng sanh. Cho nên, khi tâm của các con nghĩ tưởng đến Phật, tâm ấy chính là 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của chư Phật. Khi tâm làm Phật sự, tâm đó là Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật đều từ tâm tưởng sanh. Vì thế, phải nên nhất tâm chuyên niệm và quán kỹ Đức Phật kia, bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác.

Phàm muốn quán tưởng Đức Phật kia, trước tiên nên quán tưởng hình tượng. Lúc nhắm mắt hay mở mắt thì phải thấy một bảo tượng ngồi trên tòa liên hoa với màu vàng như diêm-phù-đàn. Khi thấy được hình tượng tọa trên đó, tâm nhãn mở khai và thấy rất rõ các thất bảo trang nghiêm ở cõi nước Cực Lạc. Như là đất báu, ao báu, từng hàng cây báu, màn che báu của chư thiên trùm khắp trên cây, và các màn lưới báu giăng khắp giữa hư không. Phải thấy các việc như thế hết sức rõ rệt, như nhìn trong lòng bàn tay.

Lúc thấy việc như vậy xong thì cũng phải nên quán ở bên trái của Phật có một hoa sen lớn và giống như hoa sen ở trước không khác. Lại quán ở bên phải của Phật cũng có một hoa sen lớn. Sau đó, quán tưởng có một hình tượng của Quán Thế Âm Bồ-Tát ngồi trên tòa hoa bên trái, sắc vàng cũng như tượng ở trước không khác. Tiếp đến, quán tưởng có một hình tượng của Đại Thế Chí Bồ-Tát ngồi trên tòa hoa bên phải. Khi quán tưởng này thành tựu thì tượng của Phật và Bồ-Tát đều phóng hào quang. Ánh hào quang sắc vàng đó chiếu sáng hàng cây báu. Ở dưới mỗi gốc cây cũng có ba hoa sen và trên các hoa sen có tượng của Phật cùng nhị vị Bồ-Tát biến khắp cõi nước kia.

Khi quán tưởng này thành tựu, hành giả sẽ nghe tiếng nước chảy, ánh hào quang, cùng những cây báu, chim nhạn và chim uyên ương, đều tuyên nói diệu Pháp. Lúc xuất định hay nhập định, hành giả đều luôn nghe diệu Pháp. Khi đã xuất định thì cũng nhớ thọ trì đừng quên và phải hợp với Khế Kinh. Nếu không khế hợp thì là vọng tưởng. Còn như khế hợp thì gọi là Thô Tưởng Kiến Cực Lạc Thế Giới.

Đây là Tượng Tưởng, là Pháp quán thứ tám. Quán như vậy sẽ diệt trừ vô lượng ức kiếp nghiệp tội sanh tử. Ở trong đời hiện tại sẽ đắc Niệm Phật Tam-muội. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Khi quán tưởng này thành tựu, thứ đến quán tưởng thân tướng quang minh của Đức Phật Vô Lượng Thọ. Này A-Nan! Ông nên biết, thân của Đức Phật Vô Lượng Thọ như màu vàng của trăm ngàn vạn ức Dạ-ma Thiên diêm-phù-đàn. Thân Phật cao 60 vạn ức na-do-tha Hằng Hà sa do-tuần. Lông mày trắng ở giữa đôi chân mày uốn quăn về phía hữu và uyển chuyển như năm ngọn núi Tu-di. Mắt Phật xanh trắng và sáng rõ như nước của bốn biển lớn. Những lỗ chân lông nơi thân phóng ra ánh sáng lớn như núi Tu-di. Vầng hào quang của Đức Phật kia viên tròn như 100 ức Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Ở trong vầng hào quang có 100 vạn ức na-do-tha Hằng Hà sa hóa Phật. Mỗi hóa Phật cũng có vô số chúng hóa Bồ-Tát làm thị giả.

Đức Phật Vô Lượng Thọ có 84.000 tướng hảo. Trong mỗi tướng hảo có 84.000 vẻ đẹp. Trong mỗi vẻ đẹp lại có 84.000 tia sáng. Mỗi tia sáng biến chiếu đến khắp chúng sanh niệm Phật ở mười phương thế giới, nhiếp thủ chẳng rời xa. Trong tướng hảo, vẻ đẹp và tia sáng có hóa Phật nhiều đến không thể kể xiết. Hành giả nên luôn nhớ tưởng và làm cho tâm nhãn thấy rõ. Khi thấy được việc ấy, liền tức khắc thấy tất cả mười phương chư Phật. Nhân do thấy chư Phật nên gọi là Niệm Phật Tam-muội. Quán như vậy gọi là Quán Nhất Thiết Phật Thân. Do quán thân của Phật nên cũng thấy được Phật tâm. Tâm của Phật là đại từ bi. Dùng vô duyên từ để nhiếp thọ các chúng sanh. Quán được như thế thì lúc xả báo thân ở thế giới đó, thời sẽ vãng sanh đến trước chư Phật và đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Vì thế, bậc trí giả phải nên nhất tâm quán kỹ Đức Phật Vô Lượng Thọ. Phàm muốn quán rõ Đức Phật Vô Lượng Thọ thì nên từ một tướng tốt mà vào, chỉ nên quán lông mày trắng ở giữa đôi chân mày và phải cho hết sức rõ rệt. Khi thấy được tướng bạch hào ở giữa đôi chân mày thời 84.000 tướng tốt sẽ tự nhiên hiện ra. Lúc thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ thì lập tức sẽ thấy vô lượng mười phương chư Phật. Bởi thấy được vô lượng chư Phật nên được chư Phật hiện tiền thọ ký.

Đây là Biến Quán Nhất Thiết Sắc Thân Tướng, là Pháp quán thứ chín. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Khi đã thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ sáng rõ, thứ đến quán tưởng Quán Thế Âm Bồ-Tát. Thân của vị Bồ-Tát này cao 80 vạn ức na-do-tha do-tuần. Thân màu vàng tím. Trên đỉnh đầu có nhục kế. Sau cổ có vầng hào quang và mỗi phía là trăm ngàn do-tuần. Trong vầng hào quang ấy có 500 hóa Phật như Phật Thích-ca-mâu-ni. Mỗi hóa Phật có 500 hóa Bồ-Tát và vô lượng chư thiên làm thị giả. Trong ánh sáng của toàn thân đều hiện ra hết thảy sắc tướng của ngũ đạo chúng sanh. Trên đảnh đội mũ trời bằng ngọc năng thắng ma-ni. Trong mũ trời ấy có một hóa Phật đứng, cao 25 do-tuần.

Gương mặt của Quán Thế Âm Bồ-Tát có màu vàng như diêm-phù-đàn. Tướng bạch hào ở giữa đôi chân mày có sắc màu bảy báu và phóng ra 84.000 tia sáng. Mỗi tia sáng có vô lượng vô số trăm ngàn hóa Phật. Mỗi hóa Phật có vô số hóa Bồ-Tát làm thị giả, biến hiện tự tại khắp thập phương thế giới.

Màu sắc của cánh tay như hoa sen hồng, có 80 ức ánh sáng vi diệu và đeo xâu chuỗi anh lạc. Trong xâu chuỗi anh lạc đó phổ hiện tất cả những sự trang nghiêm. Bàn tay có màu sắc của 500 ức hoa sen khác nhau. Trong mười đầu ngón tay, mỗi mỗi đều có 84.000 tranh vẽ và giống như ấn văn. Mỗi tranh vẽ có 84.000 màu sắc. Mỗi màu sắc có 84.000 ánh sáng. Ánh sáng ấy mềm nhuyễn và phổ chiếu tất cả. Với đôi bàn tay báu này, ngài dìu dắt và tiếp dẫn chúng sanh.

Dưới lòng bàn chân có tướng của bánh xe với 1.000 cây tăm. Khi ngài nhấc chân lên thì tự nhiên hóa thành 500 ức đài ánh sáng. Khi ngài hạ chân xuống thì có hoa bằng kim cang cùng ngọc ma-ni rải khắp mọi nơi và che phủ tất cả. Những tướng tốt khác nơi thân đều vẹn đủ như Phật không khác. Duy trừ trên đảnh nhục kế và vô kiến đảnh tướng thì không bằng Thế Tôn.

Đây là Quán Quán Thế Âm Bồ-Tát Chân Thật Sắc Thân Tướng, là Pháp quán thứ mười.”

Phật bảo ngài A-Nan:

“Nếu có người muốn quán tưởng Quán Thế Âm Bồ-Tát thì nên quán như vậy. Như quán được như thế, thời sẽ không gặp các tai họa, trừ sạch nghiệp chướng và diệt trừ vô số kiếp nghiệp tội sanh tử. Ngay chỉ nghe danh hiệu của vị Bồ-Tát này mà được vô lượng phước, hà huống là quán kỹ. Nếu có ai muốn quán rõ Quán Thế Âm Bồ-Tát thì trước tiên nên quán tưởng trên đảnh nhục kế. Kế đến quán mũ trời. Các tướng khác cũng phải lần lượt quán cho rõ ràng, như thấy rõ trong lòng bàn tay. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Thứ đến quán tưởng Đại Thế Chí Bồ-Tát. Thân lượng lớn nhỏ của vị Bồ-Tát này cũng như Quán Thế Âm Bồ-Tát. Vầng hào quang ở mỗi phía là 125 do-tuần và chiếu soi 250 do-tuần. Ánh sáng toàn thân có màu vàng tím và biến chiếu thập phương quốc độ. Các chúng sanh hữu duyên tất đều sẽ trông thấy. Như có ai thấy được một lỗ chân lông nơi thân thì tức khắc sẽ thấy ánh sáng tịnh diệu của vô lượng chư Phật trong mười phương. Bởi thế, danh hiệu của vị Bồ-Tát này còn gọi là Vô Biên Quang, tức dùng ánh sáng của trí tuệ phổ chiếu tất cả, khiến thoát ly tam đồ và đắc vô thượng lực. Cho nên danh hiệu của vị Bồ-Tát ấy là Đại Thế Chí.

Mũ trời của vị Bồ-Tát này có 500 hoa báu. Mỗi hoa báu có 500 đài báu. Trong mỗi đài đều hiện tướng rộng dài của các cõi nước tịnh diệu ở mười phương chư Phật. Nhục kế ở đỉnh đầu như hoa sen hồng. Trên đảnh nhục kế có một bình báu chứa tụ ánh hào quang và phổ hiện Phật sự. Các thân tướng khác cũng như Quán Thế Âm Bồ-Tát, chẳng chút dị biệt.

Khi vị Bồ-Tát này đi, thì hết thảy thập phương thế giới đều chấn động và ngay tại chỗ đất bị rung động có 500 ức hoa báu. Mỗi hoa báu đều trang nghiêm cao sáng như ở Thế Giới Cực Lạc. Khi vị Bồ-Tát này ngồi, thì các thất bảo quốc độ đồng thời dao động. Ở giữa khoảng không từ thế giới phương dưới của Đức Phật Kim Quang cho đến thế giới phương trên của Đức Phật Quang Minh Vương, đều hiện ra vô lượng vi trần số phân thân của Đức Phật Vô Lượng Thọ, phân thân của Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Hết thảy đều vân tập cõi nước Cực Lạc, dày kín không trung, ngồi trên tòa liên hoa và diễn thuyết diệu Pháp để hóa độ chúng sanh khổ đau.

Quán như thế gọi là Quán Kiến Đại Thế Chí Bồ-Tát. Đây là Quán Đại Thế Chí Sắc Thân Tướng, là Pháp quán thứ mười một. Quán được như thế thời sẽ diệt trừ vô số kiếp a-tăng-kỳ nghiệp tội sanh tử, lại chẳng còn thọ bào thai nữa và thường du hý đến các cõi nước tịnh diệu của chư Phật. Khi quán tưởng này thành tựu thì gọi là Cụ Túc Quán Quán Thế Âm Đại Thế Chí. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Khi thấy việc ấy rồi, thì nên khởi tự tâm của mình vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, ngồi kiết già trên hoa sen. Rồi quán tưởng hoa sen nở, quán tưởng hoa sen khép. Lúc hoa sen nở thì quán tưởng có 500 màu sắc chiếu đến thân mình. Quán tưởng khi mắt của hành giả mở ra thì thấy chư Phật và Bồ-Tát đầy khắp hư không. Những dòng nước, loài chim, cây cối cùng chư Phật đều phát ra âm thanh và diễn nói diệu Pháp khế hợp với 12 Bộ Kinh. Nếu sau khi đã xuất định thời sẽ nhớ thọ trì chẳng quên.

Khi thấy việc ấy rồi thì gọi là Kiến Vô Lượng Thọ Phật Cực Lạc Thế Giới. Đây là Phổ Quán Tưởng, là Pháp quán thứ mười hai. Lúc ấy sẽ có vô số hóa thân của Đức Phật Vô Lượng Thọ, Quán Thế Âm cùng Đại Thế chí thường đến chỗ của hành giả. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Nếu có người chí tâm cầu vãng sanh tây phương thì trước tiên nên quán tưởng có một tượng Phật cao một trượng sáu ở trên hồ nước. Như đã nói ở trước, thân lượng của Đức Phật Vô Lượng Thọ là vô biên, chẳng phải tâm lực của phàm phu có thể suy lường. Tuy nhiên, do sức bổn nguyện của Đức Như Lai kia nên những ai nhớ quán tưởng tất sẽ được thành tựu. Ngay chỉ quán tưởng hình tượng Phật mà được vô lượng phước, huống nữa là quán trọn đủ thân tướng của Phật. Đức Phật A-di-đà có sức thần thông như ý, biến hiện tự tại khắp cõi nước mười phương. Hoặc hiện thân lớn, trùm khắp hư không. Hoặc hiện thân nhỏ, cao một trượng sáu hay một trượng tám thước. Thân hình hóa hiện đều là chân kim sắc vàng. Vầng hào quang của hóa Phật và hoa sen báu cũng giống như đã nói ở trên.

Về thân lượng Quán Thế Âm Bồ-Tát và Đại Thế Chí thì hết thảy ở mọi nơi đều đồng như thân của chúng sanh. Chỉ nên quán hình tướng trên đỉnh đầu thì sẽ biết được vị nào là Quán Thế Âm, vị nào là Đại Thế Chí. Hai vị Bồ-Tát này hỗ trợ Đức Phật A-di-đà phổ độ và giáo hóa tất cả chúng sanh.

Đây là Tạp Tưởng Quán, là Pháp quán thứ mười ba. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Phàm hễ ai sinh về tây phương thì sẽ ở một trong chín phẩm. Ở thượng phẩm thượng sanh, nếu có chúng sanh nào nguyện sinh về cõi nước kia và phát ba thứ tâm thời sẽ vãng sanh ở phẩm trên. Những gì là ba?

1. tâm chí thành
2. tâm tin sâu
3. tâm hồi hướng phát nguyện

Những ai hội đủ ba tâm ấy thời nhất định sẽ sanh ở cõi nước kia. Lại có ba hạng chúng sanh sẽ đắc vãng sanh. Những gì là ba?

1. Lòng từ không giết hại, các giới hạnh trọn đủ.
2. Đọc tụng Đại Thừa Phương Đẳng Kinh điển.
3. Tu hành lục niệm (1), hồi hướng phát nguyện và nguyện sinh về cõi nước kia.

Nếu đầy đủ các công đức đó thì từ một ngày cho đến bảy ngày sẽ liền được vãng sanh. Bởi người ấy dũng mãnh và tinh tấn tu hành nên lúc sắp vãng sanh ở cõi nước kia, Đức A-di-đà Như Lai, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, vô số hóa Phật, trăm ngàn Tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên, và cung điện bảy báu hiện ra. Quán Thế Âm Bồ-Tát cầm đài kim cang và Đại Thế Chí Bồ-Tát sẽ đến trước hành giả. Đức Phật A-di-đà phóng đại quang minh chiếu sáng thân hành giả cùng chư Bồ-Tát dang tay tiếp đón. Đức Quán Thế Âm cùng Đại Thế Chí và vô số Bồ-Tát ngợi khen, khuyến tấn hành giả.

Khi hành giả thấy rồi, vui mừng hớn hở và tự thấy thân mình ở trên đài kim cang, rồi theo sau Phật. Như chừng khảy móng tay liền vãng sanh ở nước kia. Lúc đã sinh về cõi nước kia thì liền thấy sắc thân và trọn đủ các tướng của Phật, thấy vẹn đủ các sắc tướng của chư Bồ-Tát, ánh quang minh và cây báu diễn nói diệu Pháp. Nghe xong, liền ngộ Vô Sanh Pháp Nhẫn. Trải qua chừng vụt thoáng thời có thể phụng sự chư Phật khắp mười phương thế giới và lần lượt được thọ ký ở trước chư Phật. Lúc trở về bổn quốc thì chứng đắc vô lượng trăm ngàn Pháp môn đà-la-ni. Đây gọi là Thượng Phẩm Thượng Sanh.

Người sinh ở thượng phẩm trung sanh thì không nhất thiết phải thọ trì đọc tụng Phương Đẳng Kinh điển. Nhưng phải khéo lý giải nghĩa thú và tâm đối với đệ nhất nghĩa chẳng kinh chẳng động, tin sâu nhân quả và không hủy báng Đại Thừa. Rồi đem công đức ấy hồi hướng và nguyện cầu sinh về nước Cực Lạc. Khi người thực hành hạnh như vậy sắp mạng chung, Đức Phật A Di đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và vô lượng đại chúng quyến thuộc vây quanh, tay nâng kim đài vàng tím đến trước hành giả và khen rằng:

‘Này Pháp tử! Ông tu hành Pháp Đại Thừa và liễu giải Đệ Nhất Nghĩa. Vì thế Ta nay đến tiếp dẫn ông.’

Bấy giờ có 1.000 hóa Phật đồng thời cầm tay tiếp dẫn. Hành giả sẽ tự thấy mình ngồi trên kim đài vàng tím và chắp tay tán thán chư Phật. Như chừng một niệm khoảnh, liền sanh trong ao thất bảo ở cõi nước kia. Kim đài vàng tím này như hoa báu lớn và trải qua một đêm thì sẽ nở.

Bấy giờ thân hành giả có màu vàng tím. Ở dưới chân cũng có hoa sen bảy báu. Phật cùng Bồ-Tát đồng thời phóng quang chiếu nơi thân hành giả, mắt liền mở sáng. Do nhân tu tập ở đời trước nên nghe khắp âm thanh đều nói toàn Đệ Nhất Nghĩa Đế sâu xa. Sau đó, liền bước xuống kim đài, chắp tay đảnh lễ Phật và tán thán Thế Tôn. Trải qua bảy ngày thì lập tức đắc quả vị bất thối chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngay tức khắc có thể phi hành phụng sự chư Phật khắp mười phương và ở Đạo Tràng của chư Phật tu hành tam-muội. Trải qua một tiểu kiếp thời sẽ đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn và hiện tiền được thọ ký. Đây gọi là Thượng Phẩm Trung Sanh.

Người sinh ở thượng phẩm hạ sanh cũng tin nhân quả và không hủy báng Đại Thừa. Duy nhờ phát Vô Thượng Đạo tâm, rồi đem công đức ấy hồi hướng và nguyện cầu sinh về nước Cực Lạc. Lúc hành giả sắp mạng chung, Đức Phật A-di-đà cùng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí cùng chư Bồ-Tát, tay cầm hoa sen vàng và hiện ra 500 hóa Phật nghênh đón người ấy. 500 hóa Phật đồng một lúc nhấc cánh tay ra và khen rằng:

‘Này Pháp tử! Nay lòng ông thanh tịnh và phát Vô Thượng Đạo tâm. Ta nay đến tiếp dẫn ông.’

Khi thấy việc ấy rồi, tức sẽ tự thấy thân mình ngồi trên hoa sen vàng. Tọa xong, hoa khép lại, theo sau Thế Tôn và lập tức đắc vãng sanh trong ao thất bảo. Trải qua một ngày một đêm thì hoa sen mới nở và trong vòng bảy ngày sẽ thấy được Phật. Tuy thấy thân của Phật song tâm chẳng thấy rõ các tướng tốt. Phải đợi đến 21 ngày sau thời mới thấy rõ ràng và nghe được các âm thanh đều diễn nói diệu Pháp. Sau đó, họ du hành cúng dường mười phương chư Phật và nghe các Pháp thậm thâm ở trước chư Phật. Trải qua ba tiểu kiếp thì sẽ đắc Bách Pháp Minh Môn và trụ ở Hoan Hỷ Địa. Đây gọi là Thượng Phẩm Hạ Sanh.

Trên đây gọi là Thượng Bối Sanh Tưởng, là Pháp quán thứ mười bốn. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Ở trung phẩm thượng sanh, nếu có chúng sanh nào thọ trì Ngũ Giới, thọ Bát Quan Trai, tu trì giữ các giới luật, không tạo năm tội ngỗ nghịch và không làm điều xấu ác. Sau đó, đem thiện căn ấy hồi hướng và nguyện cầu sinh về Thế Giới Cực Lạc ở phương tây. Lúc gần mạng chung, Đức Phật A-di-đà cùng chư Tỳ-kheo quyến thuộc vây quanh, phóng ánh sáng sắc vàng đến thân người đó và diễn nói: khổ, không, vô thường, vô ngã, ngợi khen xuất gia, xa lìa các khổ. Hành giả thấy xong, tâm sanh đại hoan hỷ. Rồi tự thấy thân mình ngồi trên đài liên hoa, hai gối quỳ, chắp tay đảnh lễ Phật và còn chưa kịp ngẩng đầu lên thì đã vãng sanh tới Thế Giới Cực Lạc. Hoa sen liền nở ra. Đương lúc hoa nở thì hành giả nghe các âm thanh ngợi khen Pháp Tứ Đế và lập tức đắc Đạo A-la-hán, đầy đủ Tam Minh, Lục Thông, và Bát Giải Thoát. Đây gọi là Trung Phẩm Thượng Sanh.

Ở trung phẩm trung sanh, nếu có chúng sanh nào thọ trì Bát Quan Trai chừng một ngày một đêm, thọ trì giới Sa-di chừng một ngày một đêm hoặc giới Cụ Túc chừng một ngày một đêm và uy nghi chẳng khiếm khuyết. Rồi đem công đức của giới hương huân tu đó hồi hướng và nguyện cầu sinh về nước Cực Lạc. Lúc hành giả như thế sắp mạng chung, họ sẽ thấy Đức Phật A-di-đà cùng các quyến thuộc phóng hào quang sắc vàng, tay cầm thất bảo liên hoa đến trước hành giả. Khi ấy, hành giả sẽ tự nghe trên không trung có tiếng khen rằng:

‘Này thiện nam tử! Người hiền lương như ông, do tùy thuận lời dạy của tam thế chư Phật nên Ta đến tiếp dẫn ông.’

Lúc đó, hành giả tự thấy mình ngồi trên hoa sen, hoa sen khép lại và liền vãng sanh trong ao báu của Thế Giới Cực Lạc ở phương tây. Qua bảy ngày sau hoa sen mới nở. Khi hoa nở, hành giả mở đôi mắt, chắp tay và tán thán Thế Tôn. Sau khi nghe Pháp, tâm sanh hoan hỷ và đắc quả Tu-đà-hoàn. Trải qua nửa kiếp sẽ thành A-la-hán. Đây gọi là Trung Phẩm Trung Sanh.

Ở trung phẩm hạ sanh, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào hiếu dưỡng cha mẹ, xử thế nhân từ. Lúc người này sắp mạng chung mà gặp được bậc Thiện Tri Thức và vì họ rộng nói các sự an vui nơi cõi nước của Đức Phật A-di-đà cùng 48 lời nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng. Khi nghe việc ấy rồi, liền bỗng mạng chung. Trong khoảnh khoắc ví như vị tráng sĩ co duỗi cánh tay, tức khắc vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc ở phương tây. Qua bảy ngày sau thì sẽ gặp Đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Sau khi nghe Pháp, tâm sanh hoan hỷ và đắc quả Tu-đà-hoàn. Trải qua một tiểu kiếp sẽ thành A-la-hán. Đây gọi là Trung Phẩm Hạ Sanh.

Trên đây gọi là Trung Bối Sanh Tưởng, là Pháp quán thứ mười lăm. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Ở hạ phẩm thượng sanh, nếu có chúng sanh nào tạo các nghiệp ác, tuy không phỉ báng Phương Đẳng Kinh điển nhưng người ngu này tạo nhiều việc xấu, lòng chẳng biết hổ thẹn. Khi sắp mạng chung mà gặp được bậc Thiện Tri Thức và vì họ nói tên Kinh Đại Thừa trong 12 Bộ Kinh. Bởi nghe được các tên Kinh nên diệt trừ 1.000 kiếp cực trọng ác nghiệp. Bậc trí giả lại dạy chắp tay xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Do xưng niệm hồng danh của Phật nên diệt trừ 50 ức kiếp nghiệp tội sanh tử. Lúc bấy giờ, Đức Phật kia liền sai hóa Phật, hóa Quán Thế Âm, hóa Đại Thế Chí đến trước hành giả và khen rằng:

‘Này thiện nam tử! Ông do xưng niệm danh hiệu của Phật nên các tội tiêu trừ. Ta đến tiếp dẫn ông.’

Nói lời ấy xong, hành giả liền thấy hào quang của hóa Phật tràn khắp tịnh thất của mình. Khi thấy rồi, lòng vui mừng và liền đó mạng chung, ngồi trên bảo liên hoa, theo sau hóa Phật và sanh trong ao báu. Trải qua 49 chín ngày, hoa sen mới nở. Đương lúc hoa nở, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-Tát và Đại Thế Chí Bồ-Tát phóng đại quang minh và ở trước người đó thuyết giảng 12 Bộ Kinh thậm thâm. Khi nghe xong thì liền tín giải và phát Vô Thượng Đạo tâm. Trải qua mười tiểu kiếp sẽ đầy đủ Bách Pháp Minh Môn và được vào Sơ Địa. Đây gọi là Hạ Phẩm Thượng Sanh.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Ở hạ phẩm trung sanh, nếu có chúng sanh nào hủy phạm Năm Giới, Tám Giới, hoặc giới Cụ Túc. Những người ngu này lấy trộm đồ vật của chư Tăng, ăn cắp đồ vật của hiện tiền Tăng, bất tịnh thuyết Pháp, lòng không biết tàm quý và dùng các nghiệp ác để trang nghiêm bản thân. Do gây tạo nghiệp ác nên những người tội như thế đáng lẽ phải bị đọa vào địa ngục và khi sắp mạng chung thì các ngọn lửa của địa ngục cũng đồng thời kéo đến. Nhưng nhờ gặp bậc Thiện Tri Thức với lòng đại từ bi, ngài khen nói Thập Lực uy đức của Phật A-di-đà, rộng tán dương hào quang và sức uy thần của Đức Phật kia, cũng như ngợi khen giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Khi người ấy nghe qua thì nghiệp tội sanh tử trong 80 ức kiếp của họ sẽ được diệt trừ. Lửa hừng hực của địa ngục sẽ hóa thành làn gió mát và thổi ra các thiên hoa. Trên hoa đều có hóa Phật và hóa Bồ-Tát đến tiếp dẫn người đó.

Như chừng một niệm khoảnh thì họ liền đắc vãng sanh ở trong hoa sen của ao thất bảo. Trải qua sáu kiếp thì hoa sen mới nở. Đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí sẽ dùng tiếng Phạm âm để an ủi người kia và thuyết các Kinh điển Đại Thừa thâm diệu. Sau khi nghe Pháp xong, họ liền phát Vô Thượng Đạo tâm. Đây gọi là Hạ Phẩm Trung Sanh.”

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

“Ở hạ phẩm hạ sanh, nếu có chúng sanh nào làm các nghiệp chẳng lành, nào là tạo năm tội ngỗ nghịch, làm mười điều ác, và làm toàn việc bất thiện. Do gây tạo nghiệp xấu nên những người ngu như thế, lẽ ra phải bị đọa vào ác đạo và trải qua nhiều số kiếp để chịu khổ vô cùng tận. Song những người ngu này lúc sắp mạng chung, nhờ gặp bậc Thiện Tri Thức ân cần an ủi, thuyết diệu Pháp và chỉ dạy niệm Phật. Tuy nhiên, do người kia bị khổ bức nên chẳng kịp niệm Phật. Khi ấy, bậc thiện hữu lại bảo:

‘Nếu ông không thể thường niệm Đức Phật kia thời nên xưng danh hiệu của Đức Phật Vô Lượng Thọ. Hãy chí tâm xưng Nam-mô A-di-đà Phật và làm cho mỗi tiếng niệm không bị đứt đoạn và đầy đủ mười niệm như thế.’

Do xưng hồng danh của Phật nên trong mỗi niệm diệt trừ 80 ức kiếp nghiệp tội sanh tử. Lúc mạng chung, người đó thấy hoa sen vàng giống như mặt trời hiện ra trước mặt. Như chừng một niệm khoảnh, họ liền đắc vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc. Họ ở trong hoa sen và khi mãn 12 đại kiếp thì hoa sen mới nở. Lúc ấy, Đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí sẽ dùng âm thanh đại bi và vì người đó rộng nói thật tướng các pháp và Pháp diệt trừ tội chướng. Sau khi nghe Pháp, họ sanh tâm hoan hỷ và liền phát Bồ-đề tâm. Đây gọi là Hạ Phẩm Hạ Sanh.

Trên đây gọi là Hạ Bối Sanh Tưởng, là Pháp quán thứ mười sáu.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn vừa nói lời ấy xong, thì hoàng hậu Vi-đề-hy và 500 thị nữ khi nghe lời Phật dạy, họ liền thấy tướng rộng dài của Thế Giới Cực Lạc và thấy được thân của Đức Phật kia cùng nhị vị Bồ-Tát, tâm sanh hoan hỷ và tán thán là việc chưa từng có. Hoàng hậu hoát nhiên đại ngộ và đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Còn 500 thị nữ cũng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và nguyện sanh về cõi nước kia. Đức Thế Tôn thọ ký cho họ đều sẽ vãng sanh và sau khi sinh về nước kia thời sẽ chứng đắc Chư Phật Hiện Tiền Tam-muội. Trong lúc đó, vô lượng chư thiên cũng phát Vô Thượng Đạo tâm.

Lúc bấy giờ, ngài A-Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy và bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì, và Pháp yếu này nên thọ trì như thế nào?”

Phật bảo ngài A-Nan:

“Kinh này tên là Quán Cực Lạc Quốc Độ, Vô Lượng Thọ Phật, Quán Thế Âm Bồ-Tát, Đại Thế Chí Bồ-Tát và cũng gọi là Tịnh Trừ Nghiệp Chướng Sanh Chư Phật Tiền. Ông nên thọ trì và chớ để lãng quên. Phàm người tu hành tam-muội này thì hiện đời họ sẽ thấy được Đức Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Đại sĩ. Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào chỉ nghe danh hiệu của Phật và nhị vị Bồ-Tát thì cũng đã diệt trừ vô lượng kiếp nghiệp tội sanh tử. Hà huống là thường nhớ niệm. Nếu có ai niệm Phật thời phải biết người này chính là hoa sen trắng trong hàng người. Quán Thế Âm Bồ-Tát và Đại Thế Chí Bồ-Tát là thắng hữu của họ. Người đó sẽ ngồi ở Đạo Tràng và sinh vào nhà của chư Phật.”

Phật bảo ngài A-Nan:

“Ông hãy khéo vâng giữ lời này. Những ai thọ trì lời ấy, tức là thọ trì hồng danh của Đức Phật Vô Lượng Thọ.”

Lúc Phật nói lời ấy xong, Tôn giả Mục-kiền-liên cùng Tôn giả A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy khi nghe lời Phật dạy, họ đều rất vui mừng.

Lúc bấy giờ Thế Tôn bước đi trong hư không và trở về núi Linh Thứu. Khi đó, ngài A-Nan vì toàn thể đại chúng mà tuyên lại sự việc trên. Lúc ấy vô lượng chư thiên, rồng, dạ-xoa, khi nghe lời thuyết Pháp của Phật, họ đều sanh tâm đại hoan hỷ, đảnh lễ Đức Phật và cáo lui.

Phật Thuyết Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh.

Khi Quán Tự Tại Bồ-Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa, ngài soi thấy năm uẩn đều không và vượt qua hết thảy khổ ách.

Này Xá-lợi Tử! Sắc chẳng khác không; không chẳng khác sắc. Sắc tức là không; không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.

Này Xá-lợi Tử! Các pháp đều không tướng: không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Cho nên trong không: không có sắc, không có thọ tưởng hành thức; không có mắt tai mũi lưỡi thân ý; không có sắc thanh hương vị xúc pháp; không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới; không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết. Không có khổ tập diệt đạo; không có trí tuệ và cũng không có chứng đắc.

Vì không có chỗ chứng đắc, nên Bồ-Tát y theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm không ngăn ngại. Do không ngăn ngại, nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng, và đạt tới cứu cánh Niết-bàn.

Chư Phật ba đời đều y theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nên đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Phải biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú. Có thể diệt trừ hết thảy khổ, chân thật bất hư.

Cho nên chú Bát-nhã Ba-la-mật-đa đã tuyên nói . Chú thuyết như vầy:

Yết-đế yết-đế, ba-la-yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha. (3 lần)

Vãng Sinh Tịnh Ðộ Thần Chú

Nam-mô a di đa bà dạ, đa tha dà đa dạ, đa điệt dạ tha. A di rị đô bà tỳ, a di rị đa, tất đam bà tỳ. A di rị đa, tì ca lan đế. A di rị đa, tì ca lan đa, dà di nị, dà dà na, chỉ đa ca lệ, ta bà ha.(3 lần)

Phục Nguyện:

Cúi lạy mười Phương chư Phật, chư Đại Bồ tát, chư hiền Thánh Tăng, Thiên Long Bát Bộ, Già Lam Hộ Pháp, thùy từ chứng minh gia hộ cho đệ tử tánh danh …… Pháp danh ……sanh ………tuổi ………. nghiệp chướng tiêu trừ, phước lành tăng trưởng, bệnh căn thuyên giảm, bệnh nghiệp dứt trừ, sở cầu như ý, tăng tiến bồ đề, lâm chung chánh niệm, được vãng sanh Cực Lạc quốc.

Phật A Di Ðà thân sắc vàng
Tướng tốt quang minh không ai bằng
Hào quang trắng uyển chuyển như Tu Di
Mắt Phật xanh biếc như bốn biển
Trong quang minh có vô số hoá Phật
Hoá Bồ Tát cũng nhiều vô biên
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sinh
Chín phẩm sen vàng lên bờ giác.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật,

A Di Đà Phật (108,1080 hay nhiều hơn)

PHÁT NGUYỆN ĐẢNH LỄ PHẬT  A DI ĐÀ, CẦU VÃNG SANH CỰC LẠC QUỐC

(Đọc lời phát nguyện này trước khi đảnh lễ Phật A Di Đà)

Kính Lạy Phật Di Đà
Con Nay Xin Phát Nguyện
Thường Xuyên Đảnh Lễ Ngài
Cho Đến Lúc Lâm Chung
Thân thể Không Đau Bệnh. o (1 lạy)

Kính Lạy Phật Di Đà
Con Nay Xin Phát Nguyện
Thường Xuyên Đảnh Lễ Ngài
Cho Đến Lúc Lâm Chung
Tâm Hồn Không Hôn Mê. o (1 lạy)

Kính Lạy Phật Di Đà
Con Nay Xin Phát Nguyện
Thường Xuyên Đảnh Lễ Ngài
Cho Đến Lúc Lâm Chung
Không tham đắm ngũ dục. o (1 lạy)

Kính Lạy Phật Di Đà
Con Nay Xin Phát Nguyện
Thường Xuyên Đảnh Lễ Ngài
Cho Đến Lúc Lâm Chung
Tâm niệm phật Di Đà. o (1 lạy)

Kính Lạy Phật Di Đà
Con Nay Xin Phát Nguyện
Thường Xuyên Đảnh Lễ Ngài
Cho Đến Lúc Lâm Chung
Xả ly ta bà khổ. o (1 lạy)

Kính Lạy Phật Di Đà
Con Nay Xin Phát Nguyện
Thường Xuyên Đảnh Lễ Ngài
Cho Đến Lúc Lâm Chung
Hân nguyện về tịnh độ. o (1 lạy)

Kính Lạy Phật Di Đà
Con Nay Xin Phát Nguyện
Thường Xuyên Đảnh Lễ Ngài
Cho Đến Lúc Lâm Chung
Con thấy kim thân Phật. o (1 lạy)

Kính Lạy Phật Di Đà
Con Nay Xin Phát Nguyện
Thường Xuyên Đảnh Lễ Ngài
Cho Đến Lúc Lâm Chung
Phật phóng quang nhiếp độ. o (1 lạy)

Kính lạy Phật Di Đà
Con nay xin phát nguyện
Thường Xuyên Đảnh Lễ Ngài
Cho đến Lúc Lâm Chung
Liên Hoa Con Hóa Sanh. o (1 lạy)

Kính Lạy Phật Di Đà
Con Nay Xin Phát Nguyện
Thường Xuyên Đảnh Lễ Ngài
Khi Vãng Sanh Tịnh Độ
Hoa Nở Tâm Khai Ngộ. o (1 lạy)

Kính Lạy Phật Di Đà
Con Nay Xin Phát Nguyện
Thường Xuyên Đảnh Lễ Ngài
Khi Vãng Sanh Tịnh Độ
Chứng Ngộ Pháp Vô Sanh. o (1 lạy)

Kính Lạy Phật Di Đà
Con Nay Xin Phát Nguyện
Thường Xuyên Đảnh Lễ Ngài
Khi Vãng Sanh Tịnh Độ
Chóng Viên Thành Toàn Giác. o (1 lạy)

Nam mô pháp giới tạng thân A di đà Phật. o (3 lần)

PHÁT NGUYỆN VÃNG SANH
TÂY PHƯƠNG

Đệ tử chúng con,
hiện là phàm phu,
trong vòng sanh tử,
tội chướng sâu nặng,
luân chuyển sáu đường,
khổ không nói được,
nay gặp tri thức,
được nghe danh hiệu,
bản nguyện công đức,
Phật A Di  Đà,
một lòng xưng niệm,
cầu nguyện vãng sanh,
nguyện Phật từ bi,
xót thương chẳng bỏ,
phóng quang nhiếp thọ,
đệ tử chúng con,
chưa biết Phật Thân,
tướng tốt quang minh,
nguyện Phật thị hiện,
cho con được thấy,
lại thấy tướng mầu,
Quán Âm Thế Chí,
Các chúng Bồ Tát,
và thế giới kia,
thanh tịnh trang nghiêm,
vẻ đẹp quang minh,
xin đều thấy rõ.

Con nguyện lâm chung không chướng ngại,
A Di Đà đến rước từ xa,
Quan Âm cam lồ rưới nơi đầu,
Thế Chí Kim đài trao đỡ gót,
Trong một sát na lìa ngũ trược,
khoảng tay co duỗi đến Liên Trì,
khi hoa sen nở thấy Từ Tôn,
nghe tiếng pháp sâu lòng sáng tỏ,
nghe xong liền ngộ vô sanh nhẫn,
không rời an dưỡng lại Ta Bà,
khéo đem phương tiện lợi quần sanh,
hay lấy trần lao làm Phật sự,
con nguyện như thế Phật chứng tri,
kết cuộc về sau được thành tựu.

Niệm Phật,
Lạy Phật công đức thù thắng hạnh,
Vô biên thắng phước giai hồi hướng,
Phổ nguyện Pháp giới chư chúng sanh,
Tốc vãng vô lượng quang Phật sát
Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não.
Nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu.
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ.
Thế thế thường hành Bồ Tát đạo
Nguyện sanh Tây Phương tịnh độ trung.
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu,
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh,
Bất thối Bồ Tát vi bạn lữ,
Nguyện dĩ thử công đức,  .
Phổ cập ư nhất thiết
Ngã đẵng dữ chúng sanh
Giai cộng thành Phật đạo.

Phục Nguyện

 Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật Liên Toà Chứng Minh.

Phục Nguyện, thượng chúc Phật nhật tăng huy pháp luân thường chuyển, phong điều vũ thuận, quốc thới dân an, thế giới hoà bình chúng sanh an lạc. Đệ tử chúng con nguyện đem công đức này hồi hướng trang nghiêm Tây Phương Phật tịnh độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, xin hồi hướng oan gia trái chủ trong nhiều đời nhiều kiếp, cũng như hiện tại, hữu hình và vô hình, nếu có ai thấy nghe đều phát tâm Bồ Đề, hết một báo thân này, sanh qua cõi Cực Lạc.

Đệ tử chúng con nguyện cầu Đức Phật A Di Đà chấn tích quang lâm phóng ngọc hào quang gia hộ đệ tử chúng con biết trước giờ lâm chung, thân không tật bệnh, tâm không hôn mê, nhất tâm niệm Phật, Phật và thánh chúng tay cầm đài vàng tiếp dẫn chúng con vãng sanh về tây phương Cực Lạc.

Đệ tử chúng con nguyện đức Quan Thế Âm Bồ Tát Thị từ chấn tích quan lâm phóng ngọc hào quang hộ đệ tử chúng con cùng tất cả chúng sanh thân tâm thường an lạc, tật bệnh tiêu trừ căn lành tăng trưởng, phước huệ trang nghiêm, xuân đa các khánh, hạ bảo bình an, thu tống tam tai đông nghinh bách phúc, một hậu đắc Di Đà thọ ký.

Đệ tử chúng con nguyện đức Phật A Di Đà thụy từ phóng ngọc hào quang, tiếp dẫn chư hương linh vong linh cửu huyền thất tổ thập nhị loại cô hồn ngạ quỷ hà xa, hữu vị vô danh, hữu danh vô vị nam nữ thương vong lai đáo Phật tiền văn kinh thính pháp tốc xả mê đồ siêu sanh tịnh độ. Phổ nguyện âm siêu dương thới pháp giới chúng sanh, tình dữ vô tình, đồng sanh Cực Lạc, đồng kiến Di Đà, Đồng Ngộ Vô Sanh. Đồng thành Phật Đạo.

TỰ QUY Y

Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng. o (1 lạy)

Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển. o (1 lạy)

Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh thống lý đại chúng, tất cả không ngại. o (1 lạy)

HỒI HƯỚNG

Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đồng sanh về Tịnh Độ

Nam Mô A Di Đà Phật.

Hết