LƯƠNG HOÀNG SÁM
QUYỂN THỨ NĂM
Đầu Quyển Năm
Kỳ-viên quả tư vị thậm kham thường,
Thanh qua, hồng thị, a-lê-dạng,
Hiệp-chi, long-nhãn kham cúng-dường,
Yêm-ma-la quả thế vô song,
Bà-la-môn thiên, nhơn,
Thân hiến Liên-đài thượng.
Nam mô Phổ Hiền Vương Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)
CUNG VĂN:
Tịnh ngũ nhãn chi Từ-Tôn, hách hách hiện quang minh chi diệu tướng, khai ngũ thừa chi giáo hải lảng lảng tuyên Bát-nhã chi huyền âm. Ngũ thập ngụ vị chi thánh hiền, niệm niệm bồ-đề quả mãn. Ngũ căn ngũ lực chi Đại-sĩ, trần trần giải thoát nhân duyên. Quy-y tắc tăng trưởng phước điền; lễ niệm tắc năng tiêu tội cấu. Tích nhiên bất động, cảm nhi toại thông. Nguyện từ Từ-quang chứng-minh tu phụng.
Thượng lai phụng vì cầu sám đệ tử đẳng ….. Tu kiến Từ-Bi Đạo-Tràng Sám-Pháp, kim đương đệ ngũ quyển, nhập đàn duyên khởi, Cầu bị hương đăng quả minh, phỉ cúng trân tu. Phổ phụng chư Phật Thánh-hiền, xưng dương hồng danh bảo hiệu. Khể tảng, lễ bái, phát lộ, đầu thành. Thiết niệm cầu sám đệ tử đẳng ….., tùng tích lụy kiếp, trực chí kim sanh, mê ngũ uẩn chi khứ lai, tùy ngũ trược chi lưu chuyển. Ngũ dục oanh triền, ngũ trần giao tế. Ngũ nghịch vị trừ, khỉ nhơn ngã ái tắng chi niệm. Ngũ pháp vị ngộ, tăng tự tha phiền não chi tình. Ngơn duyên ký dĩ vô sai, quả báo thật nan đào tị. Kim đắc pháp chúng kiền thành chi chí, các khai giải thoát chi môn. Quy y ư Đại-viên-cảnh trung, Tẩy địch ư Bồ đề hải hội. Tình ý như tư, Phật tất ai lân. Ngưỡng khấu Hồng-từ, minh huân gia bị.
Phật thân thanh tịnh tợ lưu-ly
Phật diện do như mãn nguyệt huy
Phật tại thế gian thường cứu khổ
Phật tâm vô xứ bất từ-bi.
Khải vận Từ-Bi Đạo-Tràng Sám-Pháp, nhất tâm, quy mạng Tam thế chư Phật:
Nam mô Quá Khứ Tỳ Bà Thi Phật.
Nam mô Thi Khí Phật.
Nam mô Tỳ Xá Phù Phật.
Nam mô Câu Lưu Tôn Phật
Nam mô Câu Na Hàm Mâu Ni Phật.
Nam mô Ca Diếp Phật.
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Dương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.
CHƯƠNG THỨ CHÍN: GIẢI OAN THÍCH KIẾT
Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng hiểu rõ tất cả chúng sanh đều có oán thù với nhau.
Vì sao mà biềt?
Vì không có oán thù thì không có ác đạo. Nay ác đạo không dứt, ba đường còn mãi, nên biết oán thù không bao giờ cùng tận .
Kinh dạy rằng:
“Hết thảy chúng sanh đều có tâm. Vì có tâm nên đều được làm Phật”.
Nhưng chúng sanh tâm tưởng điên đảo, tham đắm thế gian, không biết lối ra, cứ vun trồng gốc khổ não, bồi đắp cội oán thù. Sở dĩ phải luân hồi ba cõi qua lại sáu đường, xả thân lại thọ thân không bao giờ cùng tận.
Vì sao vậy?
Vì vậy hết thảy chúng sanh từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay, mê muội mãi mãi, vô minh che lấp, nước ái nhận chìm, nên khởi ra ba độc căn, khởi ra bốn điên đảo. Từ ba độc căn ấy sanh ra mười phiền não ([1]). Y nơi thân kiến khởi ra ngũ kiến ([2]). Y nơi ngũ kiến khởi ra sáu mươi hai kiến ([3]). Y nơi thân, khẩu, ý khởi ra mười hạnh ác. Thân, sát, đạo, dâm miệng vọng ngôn, ỷ ngữ lưỡng thiệt, ác khẩu, ý tham, sân, si.
Tự mình làm mười điều ác, dạy người làm mười điều ác, khen ngợi người làm mười điều ác. Như vậy, y nơi thân, khẩu, ý khởi ra bốn chục điều ác.
Lại y nơi sáu căn tham đắm sáu trần hơn nữa là mở rộng cửa ác cho tám vạn bốn ngàn trần lao xâm nhập. Trong khoảng một niệm khởi ra sáu mươi hai kiến chấp. Trong khoảng một niệm tạo đủ bốn chục điều ác. Trong khoảng một niệm mở cửa cho tám vạn bốn ngàn trần lao, huống nữa trong khoảng một ngày thì khởi ra biết bao tội ác; huống nữa trong khoảng một tháng khởi ta biết bao tội ác; huống nữa một năm khởi ra biết bao tội ác; huống nữa chung thân lịch kiếp khởi ra biết bao tội ác.
Tội ác như vậy, vô lượng vô biên oán thù theo nhau không bao giờ cùng tận.
Nhưng chúng sanh đồng sanh với ngu si, vô minh che lấp trí huệ, phiền não che lấp tâm tánh, chúng sanh không tự hiểu biết.
Tư tưởng điên đảo không tin lời kinh, không tin lời Phật, không biết giải oan, không tông giải thoát.
Chúng sanh tự reo mình vào đường ác, như phủ du tự reo mình vào đèn sáng, nhiều kiếp mê muội, chịu vô lượng khổ.
Giả sử nghiệp báo hết rồi, được trở lại làm người, thì người ác như thế, trọn không cải cách, nên Thánh nhân phải sanh tâm thương sót. Như vậy cũng chỉ vì chúng sanh có oán thù với nhau mà ra.
Chúng con nay đã phát tâm Bồ đề, tu Bồ tát đạo thấy Bồ tát Ma ha tát, lấy việc cứu khổ làm tư lương, lấy việc giải oan kết làm yếu hạnh. Bồ tát không xả bỏ chúng sanh mà lấy việc cứu khổ, chịu khổ thế cho chúng sanh làm nền tảng.
Chúng con ngày nay cũng phải như vậy; phải khởi tâm dõng mãnh, khởi tâm từ bi, tâm đồng như tâm Phật, nương nhờ Phật lực, dựng phan Đạo tràng, đánh trống cam lồ, cầm cung trí huệ, nắm tên kiên cố, nguyện vì hết thảy tứ sanh lục đạo oán thù ba đời, cha mẹ, sư trưởng, lục thân quyến thuộc mà cởi mở oán thù.
Những oán thù đã kiết đều xả bỏ, những oán thù chưa kiết, rốt ráo không kết nữa.
Nguyện xin chư Phật, chư Bồ tát, dùng từ bi lực, dùng bổn nguyện lực, dùng thần thông lực, đồng gia tâm che chở, chiết phục, nhiếp thọ, làm cho vô lượng oán thù ba đời từ nay trở đi cho đến ngày thành Phật cởi mở sạch hết, không còn kết oán thù trở lại, hết thảy khổ não hoàn toàn đoạn trừ.
Cùng nhau chí tâm, một lòng tha thiết, đầu thành đảnh lễ Tam bảo, nguyện xin thế cho hết thảy chúng sanh trong bốn loài sáu đường; oán thù ba đời; nguyện xin thế cho cha mẹ, sư trưởng và hết thảy bà con quyến thuộc mà quy y Thế gian Đại từ bi phụ:
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Thích Ca Mâu ni Phật
Nam mô Thiện Ý Phật
Nam mô Ly Cấu Phật
Nam mô Nguyệt Tướng Phật
Nam mô Đại Danh Phật
Nam mô Châu Kế Phật
Nam mô Oai Mãnh Phật
Nam mô Sư Tử Bộ Phật
Nam mô Đức Thọ Phật
Nam mô Hoan Thích Phật
Nam mô Huệ Tụ Phật
Nam mô An Trú Phật
Nam mô Hữu Ý Phật
Nam mô Ương Già Đà Phật
Nam mô Vô Lượng Ý Phật
Nam mô Diệu Sắc Phật
Nam mô Đa Trí Phật
Nam mô Quang Minh Phật
Nam mô Kiên Giới Phật
Nam mô Cát Tường Phật
Nam mô Bảo Tướng Phật
Nam mô Liên Hoa Phật
Nam mô Na La Diên Phật
Nam mô An Lạc Phật
Nam mô Trí Tích Phật
Nam mô Đức Kỉnh Phật
Nam mô Kiên Dõng tinh tấn Bồ tát
Nam mô Kim Cang Huệ Bồ tát
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát.
Lại quy y như vậy mười phương tận hư không giới hết thảy Tam bảo.
Tất cả oán thù như vậy nay ở trong lục đạo, những người đã chịu trả oán rồi, nguyện xin nhờ Phật lực, Pháp lực, Hiền Thánh lực, khiến các chúng sanh ấy điều được giải thoát. Hoặc có chúng sanh nào ở trong lục đạo đang chịu trả oán, hoặc chưa chịu trả oán, nguyện xin nhờ Phật lực, Pháp lực, Hiền Thánh lực, khiến các chúng sanh ấy hoàn toàn không trở lại trong các đường ác nữa, hoàn toàn không có ác tâm đến với nhau nữa, hoàn toàn không làm độc hại khổ sở nhau nữa; tất cả đều xả bỏ, không còn phân biệt oán thân nữa. Tất cả tội lỗi đều được tiêu trừ. Tất cả oán thù đều được giải thoát, cùng nhau đồng tâm, hoà hiệp như nước với sữa, tất cả đều được hoan hỷ như ở Sơ địa ([4]). Thọ mạng vô cùng, thân tâm an lạc mãi, tùy ý sanh lên Thiên cung hay vãng sanh về Tịnh độ. Tưởng ăn có ăn, tưởng mặc có mặc, không còn nghe tiếng oán thù đấu tranh nữa.
Thân không bị sự biến diệt xâm lăng, tâm không bị ngoại trần mê hoặc nhiễm trước. Điều lành tranh nhau nhóm họp. điều ác tranh nhau tiêu tan; phát tâm Đại thừa tu đạo Bồ tát. Tứ đẳng lục độ đầy đủ, xả bỏ quả báo sanh tử, đồng đăng Đạo tràng, thành bậc Chánh giác.
Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng biết cái gì là nguồn gốc của oán thù đau khổ?
Chính vì mắt tham sắc, tai tham tiếng, mũi tham hương, lưỡi tham vị, thân tham xúc tế nhị, nên chúng sanh thường bị năm ngoại trần ràng buộc nhiều kiếp ở trong đêm dài mờ mịt, không được giác ngộ và giải thoát.
Lại nữa sáu giòng bà con, tất cả quyến thuộc đều là nguồn gốc oán thù ba đời của chúng ta vậy.
Tất cả oán thù đều do nhân khởi ra. Nếu không có thân thì không có oán. Vậy ly thân tức là ly được oán.
Vì cớ gì vậy?
Mỗi người ở một xứ, xa cách tha hương, như thế thì trọn không thể sanh tâm oán hận. Tâm oán hận sanh ra được đều do thân cận với nhau.
Vì gốc ba độc tham, sân, si nên xúc não nhau; vì xúc não nhau nên phần nhiều hay sanh tâm oán hận.
Sở dĩ bà con thân thích hay trách lẫn nhau. Hoặc cha mẹ trách con, hoặc con trách cha mẹ; anh em chị em hết thảy đều hay trách lẫn nhau, và hiềm hận lẫn nhau.
Có chút gì không bằng lòng liền sanh tâm giận dữ.
Nếu giàu sang phú quý thì nhìn bà con, đua nhau đến xin; khi nghèo thiếu thì không ai để ý.
Lại nữa càng xin càng lấy làm thiếu; càng được càng lấy làm không đủ. Trăm lần xin, trăm lần được cũng không lấy làm ơn, hơi không vừa lòng trở lại giận hờn. Từ đó đã bắt đầu lòng ôm ác niệm, nghĩ tìm cách cố ý kết thù liên họa, đời đời không thôi.
Suy ra mà biết, oán thù ba đời, thật không ai xa lạ, đều là bà con thân thích, quyến thuộc chúng ta cả.
Vậy nên biết, quyến thuộc là nhóm oan gia, chúng ta không thể không hết lòng ân cần sám hối, chí tâm đầu thành đảnh lễ Tam bảo. Nguyện vì tử khi có thần thức trở lại cho đến ngày nay, cha mẹ nhiều đời, bà con nhiều kiếp ở trong sáu đường, đã kết oán thù cùng nhau, hoặc là oán thù hay không phải là oán thù, hoặc khinh hoặc trọng, hôm nay hoặc ở trong đường địa ngục, đường ngã quỉ, đường súc sanh, đường a tu la, hay ở trong nhân đạo; hoặc ở trên các cõi Trời, hoặc ở trong các loài Tiên hay ở trong vòng bà con quyến thuộc của chúng ta; như thế những người oán thù và quyến thuộc của các người ấy trong ba đời, ngày nay chúng con tên . . . xin đem tâm từ bi, tâm không phân biệt oán thân, tâm như tâm Phật, nguyện như nguyện Phật, xin thay thế hết thảy chúng sanh ấy mà quy y Thế gian Đại từ bi phụ:
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Thích Ca Mâu ni Phật
Nam mô Phạm Đức Phật
Nam mô Bảo Tích Phật
Nam mô Hoa Thiên Phật
Nam mô Thiện Tư Nghị Phật
Nam mô Pháp Tự Tại Phật
Nam mô Danh Văn Ý Phật
Nam mô Lạc Thuyết Tụ Phật
Nam mô Kim Cang Tướng Phật
Nam mô Cầu Lợi Ích Phật
Nam mô Du Hý Thần Thông Phật
Nam mô Ly Oán Phật
Nam mô Đa Thiên Phật
Nam mô Di Lâu Tướng Phật
Nam mô Chúng Minh Phật
Nam mô Bảo Tạng Phật
Nam mô Cực Cao Hạnh Phật
Nam mô Đề sa Phật
Nam mô Châu Giác Phật
Nam mô Đức Tán Phật
Nam mô Nhật Nguyệt Minh Phật
Nam mô Nhật Minh Phật
Nam mô Tinh Tú Phật
Nam mô Sư Tử Tướng Phật
Nam mô Vi Lam Vương Phật
Nam mô Phước Tạng Phật
Nam mô Khí Âm Cái Bồ tát
Nam mô Tịch Căn Bồ tát
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát
Lại quy y như vậy mười phương tận như không giới hết thảy Tam bảo, nguyện xin nhờ Phật lực, Pháp lực, Đại địa Bồ tát lực, hết thảy Hiền Thánh lực, khiến cho cha mẹ, bà con chúng con ở trong sáu đường, nếu người nào có oán thù và quyến thuộc các người ấy đều đồng thời vân tập đến Đạo tràng nầy, cùng nhau sám hối tội đời trước, giải các oán thù đã kết. Nếu người nào thân hình bị câu thúc, trở ngại không thể đến được, nguyện xin nhờ thần lực của Tam bảo, thâu nhiếp tinh thần của các người ấy, khiến họ đến được Đạo tràng, đem lòng từ bi thọ lãnh sự sám hối của chúng con ngày nay, nguyện mong giải thoát hết thảy oán thù.
Đại chúng trong Đạo tràng đều nên tâm niệm nói lời nầy:
Chúng con tên . . . từ vô thỉ, khi có thần thức trở lại cho đến ngày nay, đối cha mẹ nhiều đời bà con nhiều kiếp, chú bác cô dì, quyến thuộc nội ngoại, vì gốc ba độc ([5]) khởi ra mười nghiệp ác, hoặc vì không biết hoặc vì không tin, hoặc vì không tu, bởi vô minh che lấp trí huệ nên sanh ra oán kết, đối với cha mẹ, bà con cho đến cả trong lục đạo cũng có oán thù.
Những tội như vậy vô lượng vô biên, ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Lại nữa từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay, hoặc vì giận hờn, hoặc vì tham ái, hoặc vì ngu si, do gốc ba độc mà tạo ra các tội. Tội ác như vậy, vô lượng vô biên, hổ thẹn, sám hối, nguyện xin xả thí hết.
Lại nữa, từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay, hoặc vì ruộng vườn, hoặc vì nhà cửa, hoặc vì tiền của mà sanh ra nghiệp oán thù, đối với bà con, cha mẹ đem tâm sát hại đủ điều. Những tội sát ấy không thể kẻ xiết, sanh ra oán thù không bao giờ hết. Ngày nay hổ thẹn, tỏ bày sám hối, nguyện xin cha mẹ, sáu dòng bà con, hết thảy quyến thuộc, đem lòng từ bi cho chúng con sám hối, xả bỏ tất cả tội lỗi, không còn tâm oán hận nữa. Cho đến trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, thập ác, ngũ nghịch, chúng con đều có làm cả; vì vọng tưởng điên đảo, phan duyên các cảnh, tạo ra hết thảy tội.
Những tội như vậy vô lượng vô biên, hoặc đối với cha mẹ mà khởi ra, hoặc đối với anh em, chị em mà khởi ra, hoặc đối với cô gì, chú bác mà khởi ra, từ khi có thần thức trở lại cho đến ngày nay, đối với lục thân quyến thuộc mà khởi ra oán thù.
Những tội như vậy vô lượng vô biên. Tội nhân khổ quả như thế phải trả báo, chịu hành phạt, kiếp số lâu mau, oán kiết nhiều ít, chỉ có hết thảy chư Phật chư Dại Bồ tát trong mười phương mới thấy hết, biết hết.
Như chỗ chư Phật và Bồ tát đã thấy đã biết, tội lượng nhiều ít, oán thù bao nhiêu, thời gian dài ngắn, đến đời vị lai mới thọ lãnh sự trả thù ấy; ngày nay chúng con rất hổ thẹn, nghẹn ngào, đau khổ, tự trách tự hối, xin cải vãng tu lai, không dám làm nữa.
Nguyện xin cha mẹ, bà con quyến thuộc, tất cả thân nhân, đem tâm nhu nhuyến, tâm điều hòa, tâm lạc thiện, tâm hoa hỷ, tâm phò hộ, tâm như tâm Phật, cho chúng con xin . . . sám hối; xả bỏ tất cả tội lỗi cho chúng con không tưởng đến oán thân nữa.
Lại nguyện xin cho cha mẹ bà con tất cả quyến thuộc nếu có bị ai oán thù trong lục đạo, cũng nguyện xin tất cả chúng sanh trong lục đạo đồng chung xả bỏ oán thù.
Hết thảy oán thù trong ba đời nhất thời sạch hết. Từ nay trở đi cho đến ngày thành Đạo, vĩng biệt tam đồ, tuyệt bốn ác thú; tất cả đều hòa hiệp như nước và sữa, tất cả đều không chướng ngại, như hư không rộng rãi, hằng làm bà con Phật pháp, quyến thuộc Từ bi. Mọi người đều tu tập vô lượng trí huệ, thành tựu tất cả công đức, dõng mãnh tinh tấn, không thôi không nghỉ, tu Bồ tát đạo không biết mỏi mệt. Tâm đồng như tâm Phật, nguyện đồng như nguyện Phật, được pháp tam mật ([6]) của chư Phật, đủ năm phần pháp thân, cứu cánh vô thượng Bồ đề, thành bậc Chánh giác.
Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng đã giải oán kết với cha mẹ rồi thứ lại nên giải oán kết với Sư trưởng.
Từ bậc Đại thánh trở xuống, tâm thể chưa được hoàn toàn viên tịch, vô sanh pháp nhẫn ([7]), còn bị ba tướng thiên diệt.
Ở địa vị đẳng giác rồi, Phật còn phương tiện dùng lời khổ khắc, để cho những chúng sanh ác độc nhân đó mà ngộ đạo. Bậc Minh Đức giáo hóa quần sanh còn nhờ lời khổ khắc ấy, huống gì phàm phu, cách tuyệt cảnh thanh tịnh, làm sao khỏi oán.
Nay thiện ác còn phức tạp, minh bạch chưa phân, làm sao tránh khỏi sự sai lầm của tam nghiệp, cho nên nghe lời này phải hổ thẹn.
Đối với ơn đức Sư trưởng phải tự trách mình, lòng nên hổ thẹn, không nên nghi ngờ mà sanh ác tâm.
Trong kinh Phật dạy: “Tuy xuất gia, nhưng chưa được giải thoát, dầu xuất gia cũng không nên tự phụ mình không có điều ác. Người tại gia cũng không nên tự cho mình hoàn toàn không có điều thiện”.
Vả thối, không nên nói việc ấy nữa. Hãy nghe lời Phật dạy trong kinh:
Phật bảo Đại chúng: “Các ngươi nên tưởng nhớ ơn Sư trưởng. Cha mẹ tuy sanh thân nầy, nuôi dưỡng, dạy bảo, nhưng thể làm cho thân nầy ra khỏi ba đường ác. Lòng từ của Sư trưởng rất lớn, khuyến dụ dẫn dắt kẻ sơ cơ, cho được xuất gia, rồi truyền trao cho đại giới (giới Tỳ kheo). Đó tức là kẻ sơ cơ đã hoài thi La hán, sẽ sanh quả La hán, xa lìa đau khổ sanh tử và được yên vui Niết bàn. Sư trưởng có ơn đức xuất thế ấy, ai hay báo đáp? Nếu người nào chung thân hành đạo, đó chỉ là tự lợi, chớ chưa phải báo đáp ơn thầy”.
Phật dạy: “Bạn lành trong thiên hạ không ai bằng Sư trưởng”.
Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng nghe Phật dạy ơn đức Sư trưởng nặng như thế, nhưng chúng con chưa từng khi nào phát tâm nghĩ đến. Trái lại, có khi Sư trưởng dạy bảo còn không tin, không lãnh, cho đến khi nói lời thô tháo sanh tâm phỉ báng ngang ngược thị phi, làm suy đồi Chánh pháp.
Những tội lỗi như thế làm sao thoát được Tam đồ. Khổ báo ấy không ai thay thế! Đến lúc chết rồi, vui đi khổ đến; tinh thần thảm não, tâm ý hôn mê, tinh thần không sáng suốt, năm căn tán loạn, muốn đi chân không thể bước; muốn ngồi thân thể yên; giả sử muốn nghe thuyết pháp tai không thể nghe; muốn xem cảnh đẹp, mắt không thể thấy. Ngay lúc bấy giờ muốn trở lại sự lễ sám hôm nay cũng không được; chỉ có những cảnh tượng rùng rợn hung ác trong địa ngục hiện ra mà thôi.
Sở dĩ trong kinh Phật dạy: “Người ngu si tự thị không tin tội phước, hủy báng Sư trưởng, ghen ghét tật đố. Những người như vậy là Ma vương trong Phật pháp, là dòng giống địa ngục, tự kết oán thù, chịu quả đau khổ vô cùng”.
Như Hoa Quang Tỳ kheo khéo thuyết pháp bí yếu, có một đệ tử thường ôm lòng kiêu mạn, Hòa thượng dạy bảo không tin, không nghe, lại nói thế nầy: “Đại Hòa thượng của ta không có trí huệ, thường hay tán thán những việc trống rỗng như hư không. Tôi nguyện đời sau không thấy Ngài nữa”.
Người đệ tử ấy, từ ngày đó pháp nói phi là phi pháp, phi pháp nói là pháp. Tuy trì cấm giới không hủy phạm, nhưng vì hiểu lầm lời thầy nên sau chết rồi, trong một nháy mắt, liền đọa A tỳ địa ngục, tám mươi ức kiếp, thường chịu đại thống khổ.
Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng nghe lời kinh dạy thế ấy, mọi người há không sợ hãi sao?
Chỉ đối với Hòa thượng sanh một lời ác, còn đọa xuống A tỳ địa ngục tám chục ức kiếp, huống nữa từ khi xuất gia trở lại cho đến ngày nay, tội lỗi đối với Hòa thượng đã sanh ra ác nghiệp vô lượng vô biên. Quyết định bỏ thân nầy sẽ đồng tội với người đệ tử kia, sa xuống địa ngục, không còn nghi gì nữa.
Vì sao vậy? – Vì Hòa thượng và A xà lê thường đem tâm dạy bảo, nhưng chúng con chưa từng đúng như pháp mà tu hành. Đối với các bậc Sư trưởng phần nhiều chúng con hay sanh lòng trái nghịch, hoặc các Ngài cung cấp cho mà không tự biết chán biết đủ, hoặc thầy giận đệ tử, hoặc đệ tử giận thầy, trong ba đời, sự hỷ nộ vô lượng. Những tội như vậy không thể kể xiết.
Trong kinh Phật dạy: “Sanh một lòng sân, oán thù vô lượng”.
Những oán thù ấy không những trong sáu dòng bà con, mà sư đồ, đệ tử cũng hiềm hận lắm lắm.
Lại còn những lúc đồng phòng chung ở đối với các bậc thượng tọa, trung tọa, hạ tọa, chúng con không thâm tín sự xuất gia là pháp viễn ly sanh tử, không biết nhẫn nhục là hạnh an lạc không biết bình đẳng là đường vào Bồ đề, không biết xa lìa vọng tưởng là tâm xuất thế, thầy trò đồng phòng chung ở, vì kiết sử phoền não, nghiệp chướng chưa hết nên hay trái chống nhau, tâm phân biệt đôi nhiên loạn khởi, nên tranh cãi nhau, sở dĩ vì vậy mà đời đời không hoà hiệp.
Lại nữa, người xuất gia, hoặc là đồng học nghiệp, hoặc là đồng sư chung học trong những ngày ấy, thấy người thắng tấn, chúng liền đem lòng độc hại, sân hận vì ganh tị mà không tự biết đó là sức trí huệ đời trước, cho nên mới có phước đức chúng con không có thiện căn, tâm hữu lậu của chúng con hay sanh cao hạ, hay ở đấu tranh, ít khi hòa hiệp, không thể nhường nhịn người dày đức, chúng con bạc phước, bèn hiềm hận nhau, mình quấy, chỉ nói xấu người, hoặc vì ba độc mà sàm báng nhau, không có tâm trung tín, không có ý cung kính, không khi nào nghĩ lại điều trái của chúng con. Cho đến cao tiếng lớn lời nói điều tho lỗ là điều Phật cấm; những điều Sư trưởng dạy bảo cũng không tín. Ccá bậc thượng, trung, hạ tọa, ai cũng ôm lòng phẫn hận chúng con cả. Vì phẫn hận nên lại thị phi nhau, thành ra trong ba đường ác phần nhiều đều có oán thù.
Thị phi oán thù như thế đều do thầy trò đệ tử chúng con gây ra.
Trong lúc đồng học chung ở thượng trung hạ tòa khởi lên một niệm tâm sâm hận, oán thù đã vô lượng.
Sở dĩ trong kinh Phật dạy: “Đời nay có ý giận nhau, ghen ghét nhau, tật đố nhau một chút, đời sau các xấu ấy càng thêm kịch liệt, thành ra oán thù lớn, huống nữa ác ý đã phát ra trọn đời thì nghiệp báo ấy kể sao cho xiết”.
Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng đều không tự biết trong lục đạo đã gây thù kết oán với các bậc Sư trưởng thượng, trung, hạ tòa. Oán thù ấy không có ngày cùng tận
Sự oán thù này không có hình tướng; thời gian chịu khổ không có kỳ hạn, không có kiếp số, không thể chịu được. Vậy nên Bồ tát ma ha tát xả tâm oán thân, dùng tâm từ bi, tâm bình đẳng mà thâu nhiếp tất cả chúng sanh. Ngày nay Đại chúng đã cùng nhau phát Bồ đề tâm, phát Bồ đề nguyện nên phải tập tu hạnh Bồ tát tứ vô lượng tâm, lục ba la mật, tứ hoằng thệ nguyện, tứ nhiếp pháp đó là sự tu hành căn bổn của chư Phật và Bồ tát đã làm. Như chư Phật và Bồ tát đã làm chúng con ngày nay cũng tập làm, oán thân bình đẳng, hết thảy không ngại nhau.
Từ nay trở đi cho đến ngày thành Phật, thế phải cứu hộ hết thảy chúng sanh, khiến các chúng sanh đều được giải thoát.
Cùng nhau tâm đầu thành đảnh lễ Tam bảo, chúng con nguyện vì hết thảy chúng sanh, kể từ khi có thần thức trở lại đây, trải qua bao nhiêu đời xuất gia, đối với các bậc Hòa thượng, A xà lê, mà có oán thù đối với các bậc đồng đàn tôn chứng, mà có oán thù, đối với quyến thuộc đồng học, thượng, trung, hạ tòa, mà có oán thù, hoặc đối với có duyên hay vô duyên với Phật pháp mà có oán thù, rộng ra cho đến oán thù ba đời, trong tứ sanh lực đạo, khắp cùng mười phương, hoặc có oán thù hay không phải oán hoặc khinh hoặc trọng đối với quyến thuộc của các người oán thù ấy, đệ tử chúng con tên . . . nếu có oán thủ với tất cả chúng sanh trong lục đạo đến đời vị lai hay trong hiện tại, chúng con chịu trả quả báo, hôm nay chúng con nguyện xin sám hối trừ diệt hết.
Nếu thấy tất cả chúng sanh trong lục đạo mỗi mỗi đều oán thù với nhau, ngày nay đệ tử chúng con tên . . . xin đem lòng từ bi, không phân biệt oán thân khắp vì oán thù ba đời mà cầu xin sám hối. Nguyện xin cho các chúng sanh ấy xả bỏ oán thù, không còn nghĩ đến điều ác độc để hại nhau nữa, không còn ôm lòng độc ác đến với nhau nữa. Nguyện xin hết thảy chúng sanh, trong lục đạo cũng đồng xả bỏ oan thù, hết thảy đều hoan hỷ với nhau. Từ nay đã giải oán thù rồi, không còn sân hận nhau, mà cung kính nhau, tâm nghĩ báo ơn nhau, như tâm chư Phật, như nguyện chư Phật mọi người đều nhất tâm đảnh lễ quy y thế gian Đại từ bi phụ:
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Thích Ca Mâu ni Phật
Nam mô Kiến hữu Biên Phật
Nam mô Điện minh Phật
Nam mô Kim sơn Phật
Nam mô Sư tử Đức Phật
Nam mô Thắng tướng Phật
Nam mô Minh Tán Phật
Nam mô Kiên Tinh tấn Phật
Nam mô Cụ túc Tán Phật
Nam mô Ly úy Sư Phật
Nam mô Ứng Thiên Phật
Nam mô Đại Đăng Phật
Nam mô Thế Minh Phật
Nam mô Diệu Âm Phật
Nam mô Trì thượng Công đức Phật
Nam mô Ly Ám Phật
Nam mô Bảo tán Phật
Nam mô Sư tử Giáp Phật
Nam mô Diệt Quá Phật
Nam mô Trì Cam lồ Phật
Nam mô Nhơn Nguyệt Phật
Nam mô Hỷ Kiến Phật
Nam mô Trang Nghiêm Phật
Nam mô Châu Minh Phật
Nam mô Sơn Đảnh Phật
Nam mô Danh Tướng Phật
Nam mô Huệ Thượng Bồ tát
Nam mô Thường bất ly thế Bồ tát
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát
Lại quy y như vậy mười phương tận hư không giới hết thảy Tam bảo nguyện xin nhờ Phật lực, Pháp lực, hết thảy Hiền Thánh lực khiến vô lượng oán thù ba đời, hoặc oán thù hay không phải oán thù và hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới đều phát tâm sám hối cởi mở oán kết; tất cả oán thù đều xả bỏ, không còn phân biệt oán thân tất cả đều hòa hiệp như nước với sữa, tất cả đều hoan hỷ như ở sơ địa, tất cả đều vô ngại như hư không. Từ nay cho đến ngày thành Phật hằng làm bà con Phật pháp, quyến thuộc từ bi, như chư Bồ tát.
Lại nữa, chúng con xin nhờ công đức nhân duyên lễ bái sám hối hôm nay để cởi mở oán kết. Nguyện xin chư vị Hòa thượng các bậc A xà lê đồng đàn Tôn chứng các vị đồng học và hết thảy quyến thuộc của các bậc thượng, trung hạ tòa, có oán thù cho đến các chúng sanh trong bốn loài sáu đường mỗi mỗi đều có oán thù ba đời, chưa được giải thoát, ngày nay hoặc còn ở trong thiên đạo, ở trong tiên đạo còn ở trong A tu la đạo, còn ở trong địa ngục, còn ở trong ngã quỉ đạo, còn ở trong súc sanh đạo, còn ở trong nhơn đạo hay còn ở trong bà con quyến thuộc, mười phương ba đời oán thù như vậy, hoặc oán thù hay không oán thù, mỗi người ấy và bà con quyến thuộc của các người ấy, từ nay trở đi cho đến ngày thành Phật, tất cả tội chướng, nguyện đều tiêu diệt, tất cả oán thù hoàn toàn giải thoát, kiết tập phiền não hằng được thanh tịnh, tránh xa bốn ác thú, tự tại thọ sanh, niệm niệm giải thoát, tâm tâm tự tại, sáu ba la mật đầy đủ trang nghiêm, hạnh nguyện thập địa, hoàn toàn viên mãn, được mười trí lực ([8]) của Phật, thần thông vô ngại, chứng quả Bồ đề thành bậc Chánh giác.
Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đại tràng biết rõ trên đây đã và oán thù ba đời mà giải oán thích kiết rồi. Từ nay trở xuống, riêng từng cá nhơn phải tự trong sạch, phải hết lòng cùng nhau tự xét: Vì sao mà không được giải thoát?
Nghĩ về trước, không thấy được đức Phật đối diện thọ ký cho mình suy sau cũng không nghe được một pháp âm của Phật phô diễn. Bởi vì tội nghiệp sâu dày, oán kiết kiên cố cho nên không những không thấy được Phật đời trước, Phật đời sau, các vị Bồ tát và Hiền Thánh mà còn sợ e không nghe được âm thanh truyền hưởng vang dội của Tam Tạng kinh điển nữa là khác. Xa cách Phật pháp thì ác đạo và thù oán không do đâu mà giải thoát. Bỏ thân mạng nầy rồi chìm xuống biển khổ luân chuyển ba đường trải khắp ác thú, biết bao giờ trở lại được thân người?
Suy nghĩ như vậy mới thật là đau lòng, tâm tư như vậy mới thật là khổ trí.
Chúng con được hạnh phúc may mắn, mong nhờ thuần phong của Phật, nên cái ái từ thân xả gia ly tục, không còn tưởng nhớ gì nữa há lại không tranh thủ thời gian để cầu giải thoát. Nếu ý trí không kiên cường, quyết liệt chịu khổ, không còn lo sợ, thoạt vậy thân lâm trọng bệnh thân trung ấm hiện ra, thì ngưu đầu, ngục tốt, la sát, a bàng, hình tướng dễ sợ thình lình tìm đến, gió phong đao xẻ thân, tinh thần sợ hãi, tán loạn, bà con khóc lóc cũng không hay biết. Ngay lúc bấy giờ sanh một niệm thiện tâm, cầu lễ sám như ngày nay cũng không thể được, chỉ thấy vô lượng đau khổ trong ba đường ác hiện ra.
Ngày nay Đại chúng đều phải nỗ lực tu tập cho kịp thời; nếu cứ tùy ý phóng túng thì chí hướng thượng phải chậm trễ; cho nên phải cố gắng chịu khổ mà dõng mãnh tiến lên.
Vì thế trong kinh có dạy: “Từ bi là Đạo tràng vì nhẫn nhục chịu khổ vậy”. Phát tâm tu theo Đạo tràng nầy thì mọi việc đều xong xuôi”.
Vậy nên biết rằng:”Vạn thiện được trang nghiêm đều nhờ sự cố gắng nhẫn nại; cũng như muốn qua bể cả, phải nương nhờ ghe thuyền. Nếu có tâm cầu an vui mà không làm việc gây nhơn cầu vui thì không thể có kết quả an vui. Lý và sự phải đi đôi với nhau. Người hết lương thực mà chỉ mơ tưởng cao lương mỹ vị tưởng suông như vậy nào có ích gì cho sự đói khát, cần phải làm thế nào cho có cao lương mỹ vị thật sự mới được.
Vậy muốn cầu có quả tốt đẹp nhiệm mầu quyết phải lý và sự đồng hành, không thể thiếu một.
Đại chúng phải cùng nhau sanh tâm tăng thượng, phát ý hổ thẹn mà sám hối diệt tội giải các oán kiết. Trái lại cứ mê mờ theo thói cũ thì chưa biết ngày nào tỏ ngộ. Nếu mọi người đều giải thoát mà ta còn trầm luân thì ăn năn không kịp.
Đại chúng nhất tâm đầu thành đảnh lễ quy y thế gian, Đại từ bi phụ.
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Thích Ca Mâu ni Phật
Nam mô Định nghĩa Phật
Nam mô Thí nguyện Phật
Nam mô Bảo Chúng Phật
Nam mô Chúng Vương Phật
Nam mô Du Bộ Phật
Nam mô An ổn Phật
Nam mô Pháp Sai Biệt Phật
Nam mô Thượng Tôn Phật
Nam mô Cực Cao Đức Phật
Nam mô Thượng Sư Tử âm Phật
Nam mô Lạc Hý Phật
Nam mô Long Minh Phật
Nam mô Hoa Sơn Phật
Nam mô Long Hỷ Phật
Nam mô Hương Tự Tại Vương Phật
Nam mô Đại danh Phật
Nam mô Thiện Lực Phật
Nam mô Đức Man Phật
Nam mô Long Thủ Phật
Nam mô Thiện Hành Ý Phật
Nam mô Nhơn Trang Nghiêm Phật
Nam mô Trí Thắng Phật
Nam mô Vô Lượng Nguyệt Phật
Nam mô Thực Ngữ Phật
Nam mô Nhật minh Phật
Nam mô Dược Vương Bồ tát
Nam mô Dược Thượng Bồ tát
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát
Lại quy y như vậy mười phương tận hư không giới hết thảt Tam bảo đệ tử chúng con tên . . . tích tập tội chướng sâu dày hơn đại địa, bị vô minh che lấp tâm tánh, trong đêm dài mù mịt, do ba độc mà tạo nhơn thù oán, nên mê muội, chìm sâu trong ba cõi khong có ngày ra.
Ngày nay nhờ sức từ bi của chư Phật, chư đại Bồ tát mới mong giác ngộ, sanh tâm hổ thẹn chí thành cầu xin tỏ bày sám hối. Nguyện xin chư Phật, chư đại Bồ tát dủ lòng từ bi thâu nhiếp chúng con, đem sức đại trí huệ, sức bất tư nghì, sức vô lượng tự tại, sức hàng phục tứ ma, sức diệt trừ phiền não, sức giải oan, kiết, sức độ thoát chúng sanh, sức an ổn chúng sanh, sức giải thoát địa ngục, sức tế độ ngã quỉ, sức cứu vớt súc sanh, sức nhiếp hóa A tu la, sức nhiếp thọ nhơn đạo, sức tận chư Thiên chư Tiên hữu lậu, sức vô lượng vô biên công đức vô lượng Vô tận trí huệ, nhờ những sức lực ấy khiến các chúng sanh có oán thù trong bốn loài sáu đường, đồng đến Đạo tràng thọ lãnh sự sám hối của chúng con hôm nay.
Chúng con tên . . . xả bỏ tất cả sự thù oán, không còn tư tưởng oán thù. Những nghiệp oán thù đã kết đều được giải thoát. Hằng lìa tám nạn khổ, không còn bốn ác thú, thường gặp được chư Phật, nghe Pháp, ngộ Đạo, phát tâm Bồ đề, tu nghiệp xuất thế. Tứ Vô lượng tâm, sáu Ba la mật hết lòng tu tập, tất cả hạnh nguyện đều được viên mãn, đồng lên Thập địa, đồng vào Kim cang, đồng thành Chánh giác.
Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng nên nhận thấy rằng: Oán thù theo nhau đều do ba nghiệp ([9]) đày đọa con người tu hành phải chịu khổ báo, khó chứng đạo quả.
Đã biết nguồn gốc đau khổ đều do ba nghiệp thì phải dõng mãnh diệt trừ ba nghiệp. Điều kiện thiết yếu dùng để diệt khổ, duy chỉ có phương pháp sám hối. Cho nên trong kinh Phật khen ngợi rằng: “Ở đời chỉ có hai hạng người mạnh nhất: Một là hạng người không tạo tội; hai là người tạo tội rồi mà biết ăn năn, sám hối.
Ngày nay Đại chúng muốn sám hối, thân tâm đều phải trong sạch, y phục chỉnh tề, sanh lòng hổ thẹn, buồn thảm ảo não, sanh hai niệm tâm thì tội gì cũng diệt, phước gì cũng sanh.
Những gì là hai?
Một là biết hổ; hai là biết thẹn. Hổ là xấu hổ với trời. Thẹn là thẹn thùng với người. Hổ là tự mình hay sám hối, diệt trừ các oán thù. Thẹn là hay dạy bảo người cởi mở các sự trói buộc. Hổ là hay làm các điều thiện. Thẹn là hay tùy hỷ các việc thiện của người. Hổ là tự xấu hổ trong tâm. Thẹn là phát lồ, tỏ bày tội lỗi với người.
Nhờ hai pháp ấy mà người tu hành được pháp an vui vô ngại.
Ngày nay đã sanh tâm đại hổ thẹn, làm lễ đại sám hối, nên phải hết lòng cầu xin Tứ sanh Lục đạo. Vì sao vậy?
Vì trong kinh Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sanh đều là bà con quyến thuộc với nhau, hoặc đã từng làm cha mẹ, hoặc đã từng làm Sư trưởng, cho đến hoặc đã từng làm anh em chị em với nhau. Hết thảy chúng sanh đều như thế. Bởi vô minh che lấp chơn tánh nên không biết nhau. Vì không biết nên hay sanh ra xúc não và oán thù nhau mãi mãi.
Ngày nay Đại chúng đã hiểu biết ý ấy, nên phải hết lòng thành khẩn tha thiết dụng tâm, quyết khiến một niệm tâm cảm mười phương Phật, một lạy đoạn trừ vô lượng oán thù.
Đại chúng đầu thành đạnh lễ quy y Thế gian đại từ bi phụ:
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Thích Ca Mâu ni Phật
Nam mô Định Ý Phật
Nam mô Vô Lượng Hình Phật
Nam mô Minh Chiếu Phật
Nam mô Bảo Tướng Phật
Nam mô Đoạn Nghi Phật
Nam mô Thiện Minh Phật
Nam mô Bất Hư Bộ Phật
Nam mô Giác Ngộ Phật
Nam mô Hoa Tướng Phật
Nam mô Sơn Chủ Vương Phật
Nam mô Đại Oai Đức Phật
Nam mô Biến Kiến Phật
Nam mô Vô Lượng Danh Phật
Nam mô Bảo Thiên Phật
Nam mô Trú Nghĩa Phật
Nam mô Mãn Ý Phật
Nam mô Thượng Tán Phật
Nam mô Vô Ưu Phật
Nam mô Vô Cầu Phật
Nam mô Phạm Thiên Phật
Nam mô Hoa Minh Phật
Nam mô Thân Sai Biệt Phật
Nam mô Pháp Minh Phật
Nam mô Tận Kiến Phật
Nam mô Đức Tịnh Phật
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ tát
Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát.
Lại quy y như vậy mười phương tận hư không giới hết thảy Tam Bảo.
Nguyện xin Tam bảo đồng gia tâm nhiếp thọ chúng con.
Chúng con tên . . . cầu xin: Những điều sám hối đều được diệt trừ, đều được thanh tịnh.
Lại nguyện xin cho những người đồng sám hối hôm nay từ nay trở đi cho đến ngày thành Phật, tất cả oán thù đều được giải thoát, tất cả thống khổ đều được tiêu diệt hoàn toàn; kiết tập phiền não hằng được thanh tịnh. Xa lìa bốn ác thú, tự tại thọ sanh đích thân hầu hạ chư Phật, được Phật thọ ký lục độ, tứ đẳng, nhất thời đồng tu, đủ bốn biện tài, được mười trí lực, tướng tốt nghiêm thân, thần thông vô ngại, vào Kim cang tâm. thành bậc Chánh giác.
Cuối Quyển Năm
Lương-Hoàng Bảo-Sám.
Chí-công tuyên dương,
Cửu trùng cung điện phóng hào quang,
Hy thị miễn tai ương
Cảm tạ quân vương.
Thoát khổ thượng thiên-đường.
Lương-Hoàng Bảo-Sám,
Vạn đức hồng-danh.
Linh văn ngũ quyển tối hoằng thâm.
Tự tự miễn ati truân
Đảnh lễ Phật danh
Tiêu tai bảo an ninh.
Nam mô Nan Thắng Địa Bồ tát Ma Ha Tát (3 lần)
CUNG VĂN:
Diệu tướng nguy nguy, lệ trung thiên chi bảo nhật. Từ phong đản đản chấn đại địa chi xuân lôi. Sái cam lộ ư trần tâm, quán đề-hồ ư sa giới. Hữu cầu giai ứng, vô nguyện bất tòng. Như Lai thư ngũ nhãn chi quang minh, dung hội tác ngũ thời chi Phật sự.
Thượng lai phụng vì cầu sám đệ từ đẳng …. Tu sùng Từ-Bi Đạo-Tràng Sám-Pháp, kim dương đệ ngũ quyển, lễ tụng cáo chung, công huân tương bị. Tập ngũ đức chi cao lưu, chiêm ngũ thiên chi diệu tướng, nhiên ngũ phận chi chơn hương, điểm ngũ phương chi huệ cự. Kệ vi cần hiến, lễ Phật hiệu ư quy khuynh. Tác quán tụng kinh, thù công, dị đức; tiên thân hồi hướng Phật Bồ-đề, nhiên hậu phổ huân châu sa giới xuất sanh thù lợi, phụng vì cầu sám đệ tử đẳng …… Sám vị sám chi tội cấu, tập vị tập chi thắng nhơn. Phục nguyện ngũ uẩn chi vân tự không, ngũ suy chi tướng bất hiện. Ngũ căn ngũ lực nhi cụ túc, Ngũ cái ngũ triền dĩ tiêu dung. Phát minh ngũ chủng chi tâm hoa. Trì thủ ngũ chi chi tịnh giới. Hiện tôn quyến thuộc hy ngũ phước dĩ hàm trân. Quá khứ tôn thân đắc ngũ minh nhi thành tựu. Minh minh u trầm chi loại khổ luân tức, nhi cọng chứng Bồ-đề. Cừu thù chấp đối chi đồ, oan nghiệp giải nhi đồng sanh thiện đạo.
Lược lược vi văn hối quá, tế tế nghiệp quả nan trừ. Nhất nhất ngưỡng ư Tuy-lưu, trùng trùng cầu ư sám-hối.
Nam mô Sám Hối Sư Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)
Lương-Hoàng Bảo-Sám, Ngũ quyển công lực, nguyện diệt đệ tử đẳng ….. Ngũ chướng tội, thân chứng Bồ Tát Nan Thắng Địa.
Sám văn cử xứ tội hoa phi,
Giải liễu oan sám liễu tội,
Tiêu tai tăng phước huệ,
Thoát khổ sanh Đao-lợi.
Giải liễu oan sám liễu tội,
Tiêu-diêu trực nhập Long-Hoa-Hội,
Long-Hoa Tam Hội nguyện tương phùng,
Di-Lặc Phật tiền thân thọ ký.
Nam mô Long Hoa Hội Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)
Lương-Hoàng-Bảo-Sám,
Ngũ quyển dĩ toàn châu,
Hồi hướng tứ ân tịnh tam hữu,
Bái sám chúng đẳng tăng phước thọ,
Nguyện tương pháp thủy tẩy khiên vưu,
Nguyện vọng giả vãng Tây du.
Nan Thắng Địa Bồ Tát,
Duy nguyện ai nạo thọ.
Nam mô Đăng Vân Lộ Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh…..
(tiếp tịnh độ và hồi hướng)
TỪ BI ĐẠO TRÀNG SÁM PHÁP
QUYỂN THỨ NĂM
—HẾT—
BÀ BẢY ĐÓN
TÙY HỶ CÔNG ĐỨC SÁM HỐI
Vào khoảng tháng 03 năm 1962, tại xã Lạc-An, quận Ninh-Hòa, tỉnh Khánh-Hòa, có bà Bảy Đón dân quê mộc-mạc, thường ngày buôn gánh bánh bưng, ra vào hai chợ Lạc-An và Ninh-Hòa. Một hôm bận việc, Bà phải ở lại Lạc-An, tại nhà bà Cai Kíp. Nhà này hôm ấy tụng Lương-Hoàng-Sám. Bà Bảy xin tùy hỷ công đức, ngồi nghe và lạy theo chứ không biết chữ. Đêm thứ ba bà thấy trong thân thể ngứa ngáy khó chịu, nhưng bà ấy vẫn cố gắng. Đến đêm thứ tư thì bà thấy trên thân thể có những con mạt ở các ổ gà, làm bà nhức ngứa khó chịu. Riêng bà tự biết, người ngoài không hay. Sau lại bè kêu vang đau nhức và tỏ ra cho mọi người hay. Các Phật tử khuyên bà yên tâm trì chí, theo dõi cho hết bộ -Lương-Hoàng-Sám này, bà sẽ bình yên. Quả thật như vậy, đến ngày hoàn Kinh lễ tạ, bà thấy thân thể nhe nhàng, không có mạt mòng gì nữa.
Chuyện này do thầy NGUYÊN HẠNH thuật lại, lúc thầy còn ở Lạc-An.
CHÚ THÍCH
[1] 10 phiền não: Tức là 10 sử: Tham, sân, si, mạn, nghi: thân kiến, biên kiên, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ.
[2] Ngũ kiến: 1- Thân kiến: lầm chấp thân nầy thật có. 2.- Biên kiến: chấp rhân nầy hoặc chết là hết hoặc chết là còn mãi mãi không luân hồi. 3.- Tà kiến: không tin nhơn quả, không tin luân hồi hủy báng Tam bảo. 4.- Kiến thủ: không chịu bỏ ý kiến cũ mặc dầu biết là sai lầm. 5.- Giới cấm thủ: theo các giới cấm ngoại đạo.
[3] 62 kiến: Đối với năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) ngoại đạo khởi ra bốn món chấp: 1- Chấp sắc lớn ngã nhỏ, ngã ở trong sắc. 2- Chấp ngã lớn sắc nhỏ, sắc ở trong ngã. 3- Chấp ngã ở ngoài sắc, riêng tự tại. 4- Chấp ngã tức là sắc.
Sắc ấm có 4 chấp. Năm ấm có 20 chấp. Chấp suốt ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai nhân thành 60 chấp, thêm vào 2 món chấp đoạn, chấp thường nữa thành ra 62 chấp.
[4] Sơ địa: gọi là Hoan hỷ địa, địa thứ nhất trong hàng thập địa quả vị của Bồ tát.
Địa này rất vui, vì phát tâm từ bi tu hạnh hỷ xả, nên cảm quả báo ở địa này thật là vui.
[5] Ba độc: Tham, sân, si.
[6] Tam mật: Thân mật, khẩu mật, và ý mật. Phật lấy tất cả cảnh sắc làm thân, tất cả âm thanh làm khẩu, tất cả lý tưởng làm ý, và ba điều ấy biến khắp pháp giới, chỉ riêng Phật đã chứng được nên gọi là Phật.
[7] Vô sanh pháp nhẫn: Nói tắt là vô sanh nhẫn: là cái lý thể thật tướng, chơn như bất động. Bồ tát từ sơ địa đến bát địa mới chứng được vô sanh nhẫn, gọi a bệ bạt trí, địa vị bất thối chuyển.
[8] 10 Trí lực của Phật:
1- Trí lực biết chỗ đúng đạo lý hay không đúng đạo lý của sự vật.
2- Trí lực biết nhơn quả nghiệp báo ba đời của chúng sanh.
3- Trí lực biết các môn thiền định giải thoát tam muội.
4- Trí lực biết các căn thắng (hơn) liệt (kém) của chúng sanh.
5- Trí lực biết được sức hiểu biết sai khác của chúng sanh.
6- Trí lực biết mọi cảnh giới sai khác của chúng sanh.
7- Trí lực biết được chỗ sẽ đến của mọi đường chúng sanh.
8- Trí lực biết dùng thiên nhãn không chướng ngại.
9- Trí lực biết được túc mạng vô lậu.
10-Trí lực biết dứt hẳn tập khí.
[9] Ba nghiệp: Hành động củ thân khẩu ý