Tăng Già Chưa Hẳn Là Tăng Bảo
Tác giả: Thích Thánh Nghiêm
Dịch giả: Sakya Minh-Quang

 

Gần đây có một số ít cư sĩ đề xướng, định bắt chước Phật giáo Nhật Bản sáng lập Tăng đoàn cư sĩ tại gia, đồng thời cường điệu rằng nguyên nghĩa của chữ Tăng-già (Saṃgha) không có phân biệt giữa xuất gia và tại gia. Chỉ cần là đoàn thể nhiểu người đều có thể gọi là Tăng-già. Đây là cách nói dường như đúng nhưng thật ra rất sai, nó dễ sinh ra hiện tượng vàng thau lẫn lộn. Cho nên tôi xin khảo sát gốc ngọn của từ Tăng-già nhằm gạn đục khơi trong, giúp đệ tử Tam Bảo chánh tín tránh rơi vào tà kiến, phỉ báng Chánh Pháp mà không tự biết.

Xét lại hoàn cảnh Phật giáo Nhật Bản, vì Minh Trị Thiên Hoàng tiến hành chính sách duy tân, đối với tăng lữ trong chùa có thái độ thù địch, xem như những người lang thang, không có nghề nghiệp. Vào năm Minh Trị thứ 5 (1872), Minh Trị Thiên Hoàng ban lệnh tăng lữ được ăn thịt, để tóc, có vợ và sử dụng tên họ thế tục. Chính sách này đã khiến tăng lữ xuất gia càng lúc càng cảm thấy khó khăn, việc kế thừa trụ trì tự viện liền không thể không nghĩ đến dùng cách cha truyền con nối theo thế tục để duy trì. Đây là hoàn cảnh lịch sử của việc tăng lữ Nhật Bản trở nên thế tục hóa. Phong khí này đến nay đã lưu truyền một trăm mười ba năm (tính đến thời điểm tác giả viết bài này, 1985?).

Cho nên ngày nay ở Nhật Bản, khó kiếm được một người tăng lữ xuất gia. Người xuất gia thật hiếm hoi như lông phượng sừng lân! Người cư sĩ ở chùa tuy vẫn được xem là tăng lữ, nhưng họ chỉ là nhà truyền giáo (priest) mà không phải người xuất gia (monk). Khi cử hành nghi thức tôn giáo họ mang hình thức tăng lữ, còn lúc bình thường họ sống và ăn mặc như người thế tục. Họ không thọ giới tỳ-kheo, cũng không nhận được sự cúng dường cơm áo của tín thí. Các tín thí của chùa viện được gọi là “đàn gia” (danka system), họ chỉ hết sức duy trì và bảo vệ kiến trúc của tự viện. Tăng lữ ở chùa và vợ con của họ đều phải làm việc, có lương bỗng để chi trả cho phí dụng sinh hoạt và duy trì cuộc sống của mình mà không nhờ vào tín thí mười phương. Tăng lữ là thân phận của họ mà không phải là nghề nghiệp mưu sinh.

​Sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản xuất hiện không ít tôn giáo mới. Tuy phần nhiều trong số đó mượn danh Phật giáo, cũng chủ trương “tăng-già” chính là đoàn thể tôn giáo, nhưng họ dùng tên giáo đoàn hay giáo hội mà không gọi mình là tăng-già gì đó. Giáo đoàn tại gia theo hình thái của Nhật Bản đã truyền đến nước Mỹ, tuy họ chủ trương mình là tăng-già, nhưng chỉ lấy tên chùa (temple), trung tâm (center) và cộng đồng (community). Tuy có thiểu số thanh niên đặt tên túc xá, nhóm nấu ăn, chỗ tập họp… của họ là tăng-già (sangha), nhưng ngay bản thân họ cũng không dám tin Tăng-bảo thời đức Phật giống như họ.

​Theo nguyên nghĩa Phạn ngữ, “tăng-già” (samgha) là từ số nhiều, nam tính (masculine, collective noun). Đối với đại quân của của kẻ địch cũng có thể gọi là “tăng-già”. Nhưng về mặt tôn giáo, không luận là giáo đoàn của giáo phái nào cũng đều có thể gọi là tăng-già. Tăng-già được dịch sang nghĩa chữ Hán là “đa” (nhiều), “chúng” (số đông), “tụ” (nhóm), “tụ hội” (chúng hội), “quảng tụ” (nhóm lớn) v.v… Cho nên, Phật giáo có tăng-già của Phật giáo, Kỳ-na giáo cũng có tăng-già của Kỳ-na giáo. Ấn Độ có tăng-già sa-môn xuất gia và cũng có tăng-già bà-la-môn tại gia. Tăng-già vốn có nghĩa là “chúng”, Phật giáo cũng không phải chỉ có chúng xuất gia, mà còn có các chúng xuất gia và tại gia, chia ra dựa trên nam nữ, lớn nhỏ khác nhau, gồm bảy chúng. Đó là, (1) chúng tỳ-kheo, (2) chúng tỳ-kheo-ni, (3) chúng thức-xoa-ma-na, (4) chúng sa-di, (5) chúng sa-di-ni, (6) chúng ưu-bà-tắc, (7) chúng ưu-bà-di. Vì để phân biệt sự khác nhau giữa chúng xuất gia và chúng tại gia, nên dịch chữ “chúng” của chúng xuất gia là tăng, còn dịch chữ “chúng” trong chúng tại gia là chúng. Chúng tỳ-kheo-ni cũng được gọi là tăng-già ni. Vì tránh sự lẫn lộn giữa nam và nữ, nên gọi đoàn thể các vị tỳ-kheo là Tăng chúng, còn đoàn thể các vị tỳ-kheo ni là ni chúng. Đây là cách dùng quen thuộc ở Trung Quốc.

​Còn như Tăng-già là một trong Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, trung tâm của Phật Pháp thì nghĩa chữ “Tăng” này có sự hạn chế. Tăng già trong Tam Bảo có những hàm nghĩa và tiêu chí sau:

​1. Thánh giả là Tăng-già

Kinh Tạp A-hàm quyển 33 nói: “Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.” “Lại nữa, Thánh đệ tử quán niệm về Tăng: [Tăng] là đệ tử đức Thế Tôn, hướng thiện, hướng Chánh Pháp, hướng ngay thẳng, hướng chí thành, thật hành tùy thuận Pháp. (…) Những vị hiền thánh gồm bốn cặp tám bậc này là Tăng, đệ tử của Thế Tôn, đầy đủ tịnh giới, đầy đủ tam muội, đầy đủ trí tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, xứng đáng được cung kính đón tiếp, phụng sự cúng dường, là ruộng phước tốt. Thánh đệ tử lúc quán niệm về Tăng như vậy, không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si. Cho đến nhờ sự huân tập công đức niệm Tăng, có thể chứng đắc niết-bàn.” Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả cũng nói: Sau khi đức Phật độ năm vị tỳ-kheo, trên thế gian có sáu vị A-la-hán. Trong đó, năm vị là Tăng Bảo, một vị là Phật Bảo.

​2. Xuất gia là Tăng chúng

​Kinh Giáo Hóa Bệnh trong Trung A-hàm nói: “Nếu có những người thuộc những dòng họ, gia tộc khác nhau cạo bỏ râu tóc, đắp y ca-sa, chí thành tin tưởng, bỏ nhà xuất gia, theo Phật học Đạo, đây gọi là [Tăng] chúng. Đức Phật và Tăng chúng này là những vị mà tôi cung thỉnh.

​3. Tăng chúng tỳ-kheo (ni), là chỗ quy y

​Kinh Tỳ-bà-lăng-kỳ trong Trung A-hàm quyển 12 nói: “Quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ Tam Tôn, không si hoặc khổ, tập, diệt, đạo.” Lại nữa, Kinh Cù-đàm-di trong Trung A-hàm quyển 47 cũng ghi giống như vậy. Đại Trí Độ Luận quyển 3 nói: “Thế nào gọi là Tăng-già? Tăng-già: tiếng nhà Tần gọi là “chúng”. Nhiều vị tỳ-kheo hòa hợp ở một chỗ gọi là Tăng-già. (…) Như vậy, riêng mỗi vị tỳ-kheo không gọi là Tăng, nhưng ngoài từng vị tỳ-kheo này cũng không có Tăng. Các vị tỳ-kheo hòa hợp mới có tên gọi là Tăng.”

​4. Tăng là chúng xuất gia xứng đáng được cúng dường

​Kinh Cù-đàm-di trong Trung A-hàm quyển 7 nói: “Những người thiện nam thiện nữ nào có lòng tin, vào thời Phật còn tại thế, bố thí cho Phật và chúng tỳ-kheo, đây là chúng xứng đáng được cúng dường đệ nhất. [Ai cúng] sẽ được phước lớn, quả lớn, công đức lớn, báo rộng lớn. Người thiện nam thiện nữ tín tâm sau khi đức Phật diệt độ không lâu, bố thí cho hai bộ chúng, đó là bố thí chúng tỳ-kheo, bố thí chúng tỳ-kheo ni.”

​5. Tăng tôn quý nhất trong các chúng

​Kinh Cù-đàm-di trong Trung A-hàm quyển 47 nói: “Thế Tôn cũng lặp lại hai ba lần, bảo: Này Cù-đàm-di, hãy đem chiếc y này bố thí cho chúng tỳ-kheo. Cúng cho cúng tỳ-kheo chính là cúng dường cho Ta (Phật), cũng là cúng dường cho Tăng chúng.” Như vậy, đức Phật cũng là một người trong Tăng chúng tỳ-kheo. Cho nên, nếu cúng dường Tăng chúng tỳ-kheo cũng là cúng dường cho Phật. Vậy mới biết, địa vị của Tăng chúng tỳ-kheo rất cao.

​Lại trong phần mở đầu của các bộ luận thư như Đại Trí Độ Luận, Bảo Tánh Luận và các luận khác, đều có kệ tụng quy kính Tam Bảo. Phần quy kính này xưng tụng đức Phật là bậc “lưỡng túc tôn”. Đây chỉ đức Phật là bậc tôn quý nhất vì đầy đủ cả hai phương diện phước đức và trí tuệ; Xưng tụng Pháp là “ly dục tôn”. Đây là chỉ Pháp Phật tôn quý nhất trong các Pháp giúp người xa lìa lòng dục; Xưng tụng Tăng là “chúng trung tôn”. Đây là chỉ Tăng (đệ tử xuất gia của Phật) là bậc tôn quý nhất trong tất cả hội chúng. Vì vậy Tăng được xưng tụng là Tăng Bảo. Bảo là quý báu như châu ngọc vô giá. Vì vậy, cho đến hiện nay, Phật giáo Nam Truyền, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Trung Quốc đều có chung hình thức kinh văn quy y Tam Bảo: Quy y Phật, lưỡng túc tôn; quy y Pháp, ly dục tôn; quy y Tăng, chúng trung tôn.

​Tăng trong Tam Bảo là chỉ Tăng chúng tỳ-kheo tối tôn, tối thượng trong các hội chúng. Đây bao gồm Hiền Thánh Tăng như Phật và Bồ-tát, cũng như phàm phu Tăng. Đoàn thể cư sĩ tại gia có thể gọi là chúng tại gia, nhưng không thể liệt vào trong Tăng Bảo. Cư sĩ tại gia được làm Pháp sư giảng Pháp (có sự thừa nhận của chư Tăng), nhưng không được tiếm việt Tăng Bảo, làm đối tượng được quy y.

​Phật giáo có ba loại Tăng. Kinh Đại Thừa Tâm Địa Quán quyển 2 nói: “Thế gian và xuất thế gian có ba loại Tăng. Một là Bồ-tát Tăng, hai là Thanh văn Tăng, ba là phàm phu Tăng. Văn-thù-sư-lợi và Di-lặc v.v… là Bồ-tát Tăng. Như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên v.v… là Thanh văn Tăng. Nếu ai thành tựu biệt giải thoát giới (tỳ-kheo, tỳ-kheo ni giới), là phàm phu chân thật thiện lành, cho đến người đầy đủ tất cả chánh kiến, có thể rộng vì người khác mà diễn thuyết, khai thị những Pháp Thánh đạo, lợi lạc quần sinh. Đây gọi là phàm phu Tăng. Tuy những người này chưa chứng được giới định vô lậu và tuệ giải thoát, nhưng cúng dường những vị phàm phu Tăng như vậy sẽ được vô lượng phước. Ba hạng Tăng trên đó gọi là Tăng phước điền chân thật.”

​Bồ-tát Tăng ở đây là chỉ những vị như Văn-thù và Di-lặc v.v…, những Thánh giả ở trong Tăng chúng Tỳ-kheo, chẳng phải là Bồ-tát sơ phát tâm, mà chính là những vị Bồ-tát hiện tướng tỳ-kheo, mà không phải Bồ-tát mang hình thái tại gia. Đại Trí Độ Luận quyển 34 nói: “Chư Phật phần lớn đều lấy Thanh văn làm Tăng, không có Tăng Bồ-tát riêng. Như Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Văn-thù v.v…, vì Phật Thích-ca không có Tăng chúng Bồ-tát riêng, nên các vị Bồ-tát vào trong Tăng chúng Thanh văn theo thứ lớp (thọ giới trước sau) mà ngồi.” Trong quốc độ của các đức Phật khác, cũng có nơi có Bồ-tát Tăng, nhưng nơi cõi giáo hóa của đức Thế Tôn Thích-ca không có Tăng đoàn Bồ-tát, nên Bồ-tát cũng nhập vào trong hàng Thanh văn Tăng, có tướng tỳ-kheo theo thứ lớp (hạ lạp lớn nhỏ) mà ngồi. Đến như phàm phu Tăng, đây là chỉ chúng xuất gia, nhưng vị thành tựu tỳ-kheo, tỳ-kheo ni giới, đầy đủ tất cả chánh kiến. Thanh văn Tăng chính là chư hiền Thánh Tăng bốn cặp tám bậc.

​Tăng trong Luật có nghĩa hòa hợp. Quy định việc nên hay không nên làm trong sinh hoạt của tỳ-kheo và tỳ-kheo ni gọi là giới. Chấp hành và chỉ đạo quy định sinh hoạt này gọi là luật. Hội nghị tác pháp trong Luật gọi là yết-ma. Việc yết-ma có lớn có nhỏ, tùy theo việc lớn nhỏ mà có số người nhất định. Việc càng nhỏ thì số người tham dự để biểu quyết thông qua càng ít. Căn cứ Tứ Phần Luật quyển 44, Tăng có bốn loại: (1) Tăng bốn người, (2) Tăng năm người, (3) Tăng mười người, (4) Tăng hai mươi người. Bốn loại Tăng này phân biệt dùng để chấp hành tất cả công việc của đại chúng trong Tăng đoàn. Việc tác pháp yết-ma cần phải toàn thể Tăng số đồng ý mới được thông qua. Cho nên gọi là hòa hợp Tăng. Sự tôn quý của Tăng, ngoài Thánh đức giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến ra, còn là vì Tăng vô cùng coi trọng việc hòa hợp. Hòa hợp tức vô tư. Phàm việc gì cũng xả kỷ tùng chúng (bỏ cá nhân, theo đại chúng), đây gọi là Tăng. Khẩu hòa, thân hòa, ý hòa, giới hòa, kiến hòa, lợi hòa, gọi chung là sáu hòa kính. Như Kinh Nhân Vương nói: “Trụ trong nhà Phật, tu sáu hòa kính.” Nếu không y Luật, không làm yết-ma, không tu sáu hòa kính, thì thật khó mà thành Tăng Bảo.

​Nêu ra các loại kinh luật của Phật giáo căn bản và Phật giáo Đại Thừa ở Ấn Độ để biện biệt, giải thích sự đồng và khác, cũng như cách dùng tùy chỗ của hai từ “Tăng Bảo” và “tăng-già”. Mục đích là làm sáng tỏ định nghĩa hai từ “Tăng-già” và “Tăng Bảo” trong Phật Pháp, mà không phải ngăn cản hay lo lắng cư sĩ tại gia lạm dụng quyền lợi và địa vị của Tăng chúng xuất gia. Đây là vì từ “tăng-già” trong hoàn cảnh văn hóa Trung Quốc hiện nay hoàn toàn không có ý nghĩa đặc biệt, cũng chẳng đem lại thẩm quyền và lợi ích đặc biệt. Người Trung Quốc vốn “sùng đức báo công” (kính trọng người đức hạnh, đền đáp kẻ có công), lễ hiền hạ sĩ (lấy lễ đãi người hiền, khiêm hạ với kẻ sĩ). Còn khuynh hướng dân gian nói chung lại sùng bái thần dị, tìm cầu linh nghiệm. Chỉ có một số ít tăng ni được lễ kính, quy y tín ngưỡng, bố thí, cúng dường. Đây là do những vị này tu trì tinh tấn, khổ hạnh, hay do nơi công đức rộng tu phước huệ, hoặc vì có cảm ứng thần dị. Còn như đại đa số tăng ni phải tự lực mưu sinh, như tự trồng tự ăn, ứng phó kinh sám (cầu an, cầu siêu), hóa duyên nho nhỏ, cho đến sống nhờ vào tiền cúng dường nhang đèn v.v…. Tóm lại, không nhất định tăng ni là một trong Tam Bảo liền nhận được phụng sự, cúng dường của đại chúng. Chính vì điều này, không luận là tăng hay tục, chỉ cần có thể thành tựu sự nghiệp tu chứng và phước huệ, liền có thể nhận được sự cung kính và hộ trì. Đâu cần phải học theo Nhật Bản, tăng chẳng ra tăng, tục chẳng ra tục, lại hay dùng danh xưng “Tăng-già tại gia”! (tháng 01, 1987)

​Sakya Minh-Quang dịch xong ngày 28 tháng 02, năm 2023 tại Tu Viện Thiện Tường