CHỨNG CỨ
CÁC LOẠI TRÌ PHẠM

BIÊN SOẠN: LÝ VIÊN TỊNH
DỊCH CHÚ: THÍCH GIÁC QUẢ

 

Chương Sau
PHƯƠNG DIỆN PHẠM GIỚI

Mục I: RĂN BẢO VỀ GIỮ GIỚI.

– Kinh Đại Phương Quảng Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới: “Đối với Giới Cấm, tự mình phải giữ gìn thanh tịnh; giả như thấy người khác phạm Giới nên khởi tâm đại bi thương xót, chứ đừng sân giận ghét bỏ họ.”

– Kinh Bồ-Tát Thiện Giới: “Hạng Chiên-đà-la[note] Chiên-đà-la: Còn gọi là Chiên-đồ-la. Dịch là Đồ giả (Kẻ đồ tể), chấp bạo ác nhân- Là loại người thấp hèn nhất, đứng sau 4 giai cấp của xã hội Ấn độ thời đức Phật.[/note]cho đến những kẻ đồ tể dù họ làm các việc độc ác, nhưng không phá hoại Chánh pháp của Như Lai; do vậy, không hẳn tất cả họ đều bị đọa vào Ba đường ác. Còn, đã làm Thầy mà không dạy bảo Đệ tử, khiến họ giữ gìn Giới Cấm, tức phá hoại Phật pháp phải bị đọa vào Địa Ngục.”

– Kinh Phân Biệt: “Không hiểu rõ nguyên tắc trọng yếu xuất xử của Giới-Luật, mà vọng động truyền Giới pháp cho người khác, là trái với giáo huấn của đức Phật, đấy là tội cực nặng.”

– Luận Tát-Bà-Đa: “Vì sao lại bảo phá Giới là tội rất nặng so phạm lỗi với các Kinh?- Bởi lẽ, Giới-Luật là mảnh đất Phật pháp để mọi điều thiện phát sinh, hết thảy Đệ tử của đức Phật đều nương tựa vào đây để được an lành. Nếu không giữ Giới thì không có cơ sở để hội nhập thành Niết-Bàn theo Pháp của đức Phật. Chính Giới Luật là những chuỗi anh-lạc trang nghiêm Chánh pháp của đức Phật; vì vậy, người huỷ phạm Giới Luật mang tội rất nặng.”

– Kinh Ngũ Bách Vấn: “Nếu Tỷ-kheo đã mười tuổi hạ mà không tụng đọc Giới Luật, thì hằng ngày ăn gì, uống gì hay nằm ngồi trên giường, trên chiếu đều phạm tội trộm cắp.”

– Kinh Niết Bàn: “Nếu Tỷ-kheo đã phạm Giới, không chịu sám hối lại cố tình che dấu, kiêu ngạo, thì Tỷ-kheo này chính là người phá Giới đích thực. Là Bồ-Tát vì bảo vệ Giới pháp, dù lỡ phạm Giới nhưng không gọi là kẻ phá Giới.”

– Kinh Đại Tập: “Đức Phật bảo các Tỷ-kheo: Người nào không giữ Giới hẳn nhiên bị đọa vào Ba đường ác dữ; giả như, muốn làm thân kẻ hạ tiện cũng không thể được, huống gì là người có phước đức.”

– Kinh Phước Cái Chánh Hạnh Sở Tập: “Người trì Giới thanh tịnh thì xa lìa mọi âu lo sợ hãi, luôn được an ổn hân hoan, có thể vượt qua bể khổ để hội nhập Niết Bàn, khéo léo phá tan bốn loại Ma[note] Bốn loại Ma (Tứ Ma): Đó là: Phiền não Ma, Ấm Ma (Ngũ ấm Ma), Tử Ma, Tha-hoá-tự-tại Thiên tử Ma (Còn gọi làTự – tại Thiên Ma. Gọi tắt là Thiên Ma).[/note], thanh tịnh hoan hỷ, hành hoạt mọi Phật sự giáo hoá Trời, Người. Kẻ phá Giới thì không thể đảm nhận Phật sự ấy, tương tự như chiếc xe bị hư thì không thể vận chuyển được.”

– Kinh Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán: “Vào biển Phật pháp lấy đức Tin làm căn bản, vượt qua dòng sanh tử lấy Giới-Luật làm thuyền bè. Nếu người xuất gia mà không giữ gìn Giới Cấm, lại tham đắm vướng mắc những thú vui thế tục, huỷ báng Giới pháp quý báu của đức Phật, hạng Tỷ-kheo như thế không còn được gọi là người xuất gia nữa!”

– Sớ Luận Quán Tâm: “Trong khi đang tu quán, nếu tâm phá Giới sanh khởi thì sẽ làm cho Ba nghiệp sai lầm, để phạm Giới-Luật làm cho nghĩa lý quán chiếu không thể phát khởi. Khế Kinh dạy rằng: Giữ Giới không thanh tịnh thì Thiền định sẽ không hiện hữu; chính thế, cần phải chú tâm giữ Giới để xây dựng chiếc cầu, mới có thể vượt qua dòng sông sanh tử.”

– Kinh A-Nan Vấn Sự Phật Cát Hung: “Đức Phật bảo A-Nan: Có những người phụng sự đức Phật do thọ Giới từ Thầy-Tổ, rồi tinh tấn giữ Giới tu tập không chán nản; do vậy, mà tâm niệm luôn được hoan hỷ, thiện Thần bảo vệ, đường hướng tu tập sẽ được tăng thêm những điều cát tường, và mai sau tất nhiên sẽ thành tựu Đạo quả. Hạng người này chính là Đệ tử đích thực của đức Phật vậy. Trái lại, những người phụng sự đức Phật, nhưng không gặp được Minh Sư, không tin Phật pháp, vi phạm Giới Cấm, không có Oai nghi l nghĩa, nếu bị ốm đau cũng chẳng niệm Phật lại cầu khẩn tà Thần; đây là cơ hội tốt để Quỷ dữ quậy phá làm cho đương sự bị suy bại hao tổn, hướng đi sai lầm. Hạng người này hiện tại là tội nhân, không phải là Đệ tử của đức Phật, sau khi chết sẽ đọa vào Ba đường ác. Tóm lại, hết thảy mọi việc Thiện-Ác đều do Tâm tạo, tội hay phước luôn đi theo con người như “bóng theo hình”. Công đức giữ Giới thanh tịnh sẽ được chư Thiên bảo vệ.”

–  Kinh Phân Biệt Công Đức: “Có ba hạng phụng sự Phật. Đó là: Hạng Đệ tử của Ma phụng sự Phật; hạng Trời, Người phụng sự Phật; hạng Đệ tử đức Phật phụng sự Phật. Hạng người dù thọ Giới của đức Phật, nhưng tâm niệm vẫn vui thích những việc Tà đạo, không tin Phật pháp, chẳng rõ quả báo tội-phước, mạo danh phụng sự Phật, song luôn sống trong môi trường Tà đạo. Hạng người này là Đệ tử của Ma phụng sự Phật. Hạng người thọ trì Năm Giới dù chết cũng không huỷ phạm, tin có tội-phước, thường nhớ ng Chánh pháp. Hạng người này là hạng Trời, Người phụng sự Phật. Hạng người phụng trì Năm Giới, học rộng Kinh pháp, tu tập Trí tuệ, hiểu rõ ba cõi là khổ, thực hành Lục độ, không làm những việc tà vạy. Hạng người này là Đệ tử đức Phật phụng sự Phật.”

– Kinh Thiên Thỉnh Vấn: “Thiểu dục rất an lạc, Tri túc đại phú quý, Trì Giới thường đoan nghiêm, Phá Giới luôn xấu xí.”

– Kinh Tượng Pháp Quyết Nghi: “Đã là người xuất gia là vì cầu giải thoát, nên trước hết phải xa lìa các tội lỗi, lấy Giới làm đầu. Nếu không y cứ vào Giới Luật thì những điều thiện không thể sinh khởi được, tương tự như người không có đầu thì các căn huỷ hoại, gọi là người chết.”

– Kinh Di Nhật Ma-Ni Bảo: “Dù Sa-Môn đọc tụng nhiều Kinh điển mà không hành trì Giới-Luật, thì tương tự như viên Ma-ni bị rớt vào hầm phẩn.”

– Kinh Tu-Ma-Đề Trưởng-Giả: “Nếu người nào làm chuyện bất thiện, thậm chí thích thú làm Mười điều ác độc, thì tâm niệm những người này luôn phát triển sự kiêu ngạo, thường bất kính đối với Tam Bảo, biếng nhác chẳng chịu tu tập. Hạng người này được xem là những người đã chết.”

– Kinh Đại Bảo Tích: “Do tâm tham lam mà phạm Giới thì tội còn nhẹ, nếu do tâm sân hận mà phạm Giới thì tội rất nặng. Tại sao như thế?- Bởi lẽ, phạm Giới do tham còn đem đến lợi ích cho chúng sanh; trong khi đó, phạm Giới do sân là bỏ quên chúng sanh.”

– Kinh Phật Tạng: “Tỷ-kheo phá Giới thì phải trải qua trăm ngàn vạn kiếp phải cắt xẻo da thịt của thân thể để trả nợ cho Đàn-na thí chủ. Nếu được sanh vào loài Súc Sanh thì phải làm thân (trâu ngựa) kéo nặng chở nhiều. Tại sao như thế? – Vì rằng, tương tự như chẻ sợi tóc thành ngàn ức phần, Tỷ-kheo phá Giới vẫn không thể tiêu trừ được một phần công đức cúng dường, huống gì là tiêu trừ được nhiều phần.”

– Căn Bổn Ni-Đa-Na: “Người phá Giới mà vẫn ở trong Tăng chúng dù ch ăn một miếng cơm cũng không thể tiêu được (công đức cúng dường của Đàn-na); cho đến, mảnh đất Già-lam cũng không dung chứa một bước chân của kẻ ấy.”

– Kinh Như Lai Bất Tư Nghị Bí Mật Đại Thừa: “Chư vị Bồ-Tát do tu trì Giới hạnh nghiêm túc, nên thành tựu viên mãn hết thảy thắng nguyện của mình. Trái lại, người phá Giới thì mọi pháp ác của họ đã làm như những cơn mưa đá huỷ hoại mọi vật; tức là, họ phá hoại các pháp thiện cũng tương tự như thế.”

– Kinh Đại Tập: “Người phá Giới thì mười phương chư Phật sẽ không hộ niệm. Dù gọi là Tỷ-kheo nhưng không nằm trong hàng ngũ của Tăng, vì đã sống trong phạm vi của Ma.”

– Kinh Niết Bàn: “Đã là Tỷ-kheo, dù không đùa gin, nói cười với nữ nhân, nhưng ở cách tường mà lắng nghe tiếng vòng xuyến của họ, là phá Giới, làm ô-uế phạm hạnh.”

– Kinh Tỳ-Nại-Da: “Có năm trú xứ mà Tỷ-kheo không được đến. Năm trú xứ nào? – Đó là: Đến nhà mại dâm, đến nhà có gái chưa chồng, đến nhà quả phụ không đứng đắn, đến nhà bán rượu bia và đến nhà kẻ trộm cướp. Nếu Tỷ-kheo đến năm trú xứ ấy là phạm tội nặng.”

Kinh Nhập Lăng Già Tam-Muội: “Người ăn thịt chúng sanh là đánh mất tất cả tâm Từ-bi và cắt đứt Tín căn của mình. Vì vậy, này Đại Tuệ! Bồ-Tát vì hộ trì Tín tâm cho chúng sanh nên kiêng cử hết thảy các loại thịt, tức là không ăn bất cứ một loại thịt nào. Tại sao như vậy? – Bởi lẽ, người trong thế gian ăn thịt đa phần là người không có đức tin Tam Bảo, sát hại chúng sanh để ăn nhậu, ác như La-sát, cắt đứt Pháp-luân của Ta[note] Ta: Là đức Phật Thích Ca.[/note], đoạn tuyệt hạt giống Thánh Hiền. Tóm lại, tất cả các việc bất thiện đều phát xuất từ ăn thịt; thế nên, là Đệ tử của đức Như Lai thì không nên khởi lên một tư tưởng về vấn đề ăn thịt, huống gì là trực tiếp ăn nhậu.”

– Kinh Phương Đẳng: “Bồ-Tát Hoa Tụ dạy: Người tạo tội Ngũ nghịch hay Tứ trọng[note] Tứ Trọng: Tức phạm bốn Ba-la-di[/note], Tôi cũng có thể cứu giúp được, chỉ có tội trộm cắp tài sản của Tăng thì Tôi bất lực.”

– Kinh Đại Báo Ân: “Đức Phật bảo A-Nan: Tai họa của mọi người trong thế gian đều phát xuất từ Miệng. Cho nên, cần bảo vệ cẩn thận cái Miệng còn hơn là bảo vệ ngọn Lửa dữ. Nếu ngọn Lửa dữ bùng cháy thì chỉ thiêu đốt tài sản thế gian, còn ác khẩu bùng cháy thì sẽ khiêu đốt cả “Thất Thánh Tài[note] Thất Thánh Tài: Còn gọi là Thất Pháp Tài. Đó là bảy loại Pháp Tài xuất thế gian, gồm: Tín Tài, Tấn Tài, Giới Tài, Tàm quý Tài, Văn Tài, Xả Tài và Định Tuệ Tài.[/note] xuất thế gian.

– Kinh Ca Diếp Cấm Giới: “Tỷ-kheo làm hai việc này thì bị đọa vào Địa Ngục: Một là, phỉ báng Kinh Pháp; hai là, huỷ hoại Kinh Giới.”

– Kinh Anh Lạc: “Nếu phá Mười Giới[note] Mười Giới: Là Mười Giới của Sa-di, Sa-di Ni.[/note] mà không tàm quý sám hối lỗi lầm thì đồng tội với Ba-la-di, phải trải qua mười kiếp mà trong mỗi ngày phải chịu tám vạn bốn ngàn cực hình khổ sở. Đây là hành động phá huỷ hết thảy quả vị Tam Hiền, Thập Thánh cho đến Đẳng Giác, Diệu Giác. Vì Mười Giới này là Giới hạnh căn bản của tất cả chư Phật, chư vị Bồ-Tát. Nếu không do Mười Giới này làm nền tảng mà chứng đạt quả vị Thánh  Hiền là điều không bao giờ có thật.”

– Kinh Pháp Tạng Tận: “Trong tương lai, khi Phật pháp sắp tiêu diệt thì Ma giả dạng Sa-môn (Tỷ-kheo) để gây rối loạn, huỷ hoại Đạo-pháp, bằng cách phỉ báng Thánh Hiền, không hành trì Giới-Luật, không đọc tụng Kinh điển mà lại làm mọi việc bất thiện như Sát-sanh, Trộm-cp, Dâm loạn v.v... chẳng bao giờ làm việc phước đức. Những Ma Tỷ-kheo này khi chết phải bị đọa vào Địa Ngục Vô gián; sau đó, đọa vào Ngạ Quỷ, Súc Sanh trải qua hằng hà sa số kiếp, khó có thể tính đếm được. Sau khi hết tội thì lại bị sanh vào vùng biên địa, chỗ không có Tam Bảo.”

– Kinh Nhập Sử: “Đức Phật bảo Phạm chí rằng: Người phạm Giới tà dâm với vợ kẻ khác (chồng kẻ khác) sẽ bị pháp luật quốc gia bắt trị tội; còn tự tâm vốn tạo tội, nên khi chết bị đọa vào Địa Ngục phải nằm trên giường sắt nóng hay ôm trụ đồng đang cháy đỏ; sau khi ra khỏi Địa Ngục thì đọa vào loài Súc Sanh.”

– Kinh A-Hàm: “Phạm Giới sẽ có năm điều tổn hại. Đó là: Thứ nhất, ước nguyện không thành tựu; thứ hai, những việc đã thành công mỗi ngày mỗi bị tổn hại; thứ ba, đến chỗ nào không ai kính mến; thứ tư, tiếng xấu ác bay khắp thiên hạ; thứ năm, khi chết bị đọa vào Địa Ngục.”

– Kinh Tỳ-Ni Mẫu: “Tỷ-kheo thọ nhận sự bố thí không đúng Pháp thì sự bố thí ấy sẽ bị đọa lạc. Sự đọa lạc này có hai phương diện: Thứ nhất, dùng thực phẩm của kẻ bố thí không đúng Pháp thì sự tu tập sẽ rơi vào phóng túng giải đãi, không thể tạo dựng được thiện pháp; thứ hai, kẻ đem của bố thí từ chỗ này chuyển sang chỗ khác không đúng Pháp, do di chuyển hai chỗ như vậy mà bị đọa vào Ba đường ác dữ.”

– Luật Tứ Phần: “Phá Giới sẽ gặp năm điều tai hoạ. Thứ nhất: Tự hại mình; nghĩa là, người huỷ phạm Giới Cấm thì Ba nghiệp Thân-khẩu-ý đều bất tịnh, nên thường bị nghèo hèn khốn khổ, Thiện Thần xa lánh. Thứ hai: Bị người trí khiển trách; nghĩa là, người huỷ phạm Giới Cấm thì các Tỷ-kheo hiền thiện đều khiển trách, và sợ hãi lánh xa như lánh xa tử thi hôi hám. Thứ ba: Tiếng xấu bay xa; nghĩa là, người huỷ phạm Giới Cấm thì Ba nghiệp đều bất tịnh, thường sống chung với những kẻ xấu ác, nên người hiền thiện không thích gặp mặt; đồng thời, tiếng xấu xa của người này, xa gần đều nghe biết. Thứ tư: Giờ lâm chung sẽ hối hận; nghĩa là, người huỷ phạm Giới Cấm đến khi lâm chung các cảnh tượng ác dữ hiện ra trước mắt, khi ấy hối hận thì không kịp nữa. Thứ năm: Chết đọa vào đường ác; nghĩa là, người huỷ phạm Giới Cấm thì phạm hạnh khiếm khuyết, chẳng có một điều hiền thiện; do vậy, khi phước hết thì khổ đến và bị đọa vào các đường ác dữ.”

– Kinh Đại Bảo Tích: “Người xuất gia có bốn thứ phiền não vi tế như gánh vật nặng đi vào Địa Ngục. Đó là: Thứ nhất, thấy kẻ khác được lợi thì tâm khởi tật đố; thứ hai, được nghe Kinh, học Luật mà lại huỷ phạm; thứ ba, sống trái ngược với lời đức Phật dạy, che dấu tội lỗi không sám hối; thứ tư, biết mình phạm Giới mà vẫn nhận sự cúng dường của thí chủ.”

– Kinh Đại Bảo Tích: “Đức Phật bảo ngài Ca Diếp: Trong đời vị lai có những kẻ ngu si lạm mặc y phục của Thánh nhân tương tự như các Sa-môn, rồi đi từ làng này sang xóm kia. Những Bà-la-môn, Trưởng giả hay Cư-sĩ có tín tâm thấy những kẻ mặc pháp phục như thế tưởng là Sa-môn, nên họ đều kỉnh trọng, cúng dường. Những kẻ ngu si này nhờ mặc Ca-sa mà được cúng dường nên rất vui mừng; nhưng đến khi chết bị đọa vào đại Địa Ngục Cực nóng, phải mặc áo giáp sắt cực nóng, ăn viên sắt cực nóng và ngồi nằm giường sắt cực nóng.”

– Kinh Đại Bảo Tích: “Người phạm tội Vọng ngữ thì hơi thở thường hôi thối và sẽ bị đọa vào các đường ác dữ không có thể cứu được. Vì vậy cần hiểu rằng, Vọng ngữ là cội gốc của tất cả các điều ác, nó huỷ hoại sự thanh tịnh của Giới-Luật, nên khi chết phải đọa vào Ba đường ác dữ.”

– Kinh Đại Thừa Đồng Tánh: “Đức Phật bảo Vua LăngGià[note] Vua Lăng-Già: Vua nước Tích Lan (Srilanka).[/note] rằng: Nếu chúng sanh nào đối với Giáo pháp của Ta, sau khi đã được xuất gia thọ Giới pháp rồi, mà huỷ phạm các Giới Cấm, thì hạng người này đa phần sẽ bị đọa vào đường ác. Tương tự người vượt biển, đang khi ở giữa biển cả mênh mông mà tàu thuyền hư nát, thì sẽ bị chết chìm vậy.”

– Luật Ngũ Phần: “Khiến người xa rời Tỳ-Ni không đọc không tụng, lại còn huỷ báng thì phạm tội Ba-dật đề. Khiến Ba-la-đề-mộc-xoa không tồn tại lâu dài ở thế gian, lại còn huỷ báng thì phạm tội Thâu-lan-giá. Huỷ báng các Kinh điển cũng phạm tội như thế. Huỷ báng Bốn chúng và Giới Luật của Hai chúng tại gia thì phạm tội Đột-kiết-la. Tỷ-kheo Ni huỷ báng Hai bộ Giới-Luật (Tăng, Ni) thì phạm tội Ba-dật-đề; huỷ báng Giới Luật của Năm chúng[note] Năm chúng (Ngũ chúng): Là Năm chúng xuất gia. Gồm: Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Ni,  Thức-xoa, Sa-di, Sa-di Ni.[/note] thì phạm tội Đột-kiết-la.”

 



CHỨNG CỨ
CÁC LOẠI TRÌ PHẠM