CHỨNG CỨ
CÁC LOẠI TRÌ PHẠM

BIÊN SOẠN: LÝ VIÊN TỊNH
DỊCH CHÚ: THÍCH GIÁC QUẢ

 

Chương đầu
PHƯƠNG DIỆN GIỮ GIỚI

Mục I: KHÁI LƯỢC VỀ GIỚI.

– Kinh Di Giáo: “Này các Tỷkheo! Sau khi Ta diệt độ cần phải tôn trọng kính ngưỡng Ba-la-đề-mộc-xoa (Giới Luật), như kẻ mù tối được sáng mắt, kẻ nghèo hèn được vàng ngọc. Phải biết Giới-Luật là bậc Thầy cao cả của quý vị, dù Ta ở đời cũng không khác gì Giới-Luật ấy.”

– Kinh Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ-Nại-Da: “Ta bảo các Thầy, cứ mỗi nửa tháng phải thuyết Giới-Luật. Phải biết Giới Luật là bậc Thầy cao cả của quý vị, dù Ta ở đời cũng không khác gì Giới Luật ấy.”

– Kinh Đại Báo Ân: “Muốn báo đền ân Phật phải thực hành Giới Cấm, hộ trì Chánh pháp. Nếu thường tu tập Phật pháp, chứng đạt Đạo quả Tam thừa liên tục không gián đoạn, tất cả đều phát xuất từ căn bản hành trì Giới-Luật.”

– Luật Tứ Phần: “Giới Luật chính là thọ mạng của Phật pháp, Giới Luật hiện hữu là Phật pháp hiện hữu.”

– Kinh Tứ Thập Nhị Chương: “Người Đệ tử dù cách xa Ta ngàn dặm, nhưng luôn hành trì Giới Luật, tất nhiên sẽ chứng Đạo quả. Trái lại, người Đệ tử ở cạnh Ta, thường thấy Ta, nhưng không giữ Giới kết quả sẽ không chứng Đạo quả.”

– Kinh Đại Tập Hiền Hộ: “Người xuất gia, trước hết cần phải hộ trì Giới hạnh thanh tịnh mới có thể thành tựu Thiền định trong hiện tại, để viên mãn quả vị Vô Thượng Bồ-Đề.”

– Kinh Bát Chu Tam Muội: “Đoạn tuyệt tình ái làm vị Tỷ-kheo là muốn tu học Thiền định, thì cần phải trì Giới thanh tịnh, không để khiếm khuyết, không được sai phạm.”

– Luận Lục Môn Giáo Thọ Tập Định: “Muốn giữ Giới thanh tịnh phải hội đủ bốn yếu tố: Thứ nhất, bảo hộ lục căn; thứ hai, ăn uống biết hạn lượng; thứ ba, đầu đêm cuối đêm giác tỉnh tương hợp với Thiền định; thứ tư, Chánh niệm Tỉnh giác trong bốn Oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi. Thực hiện được như thế, hẳn nhiên việc giữ Giới sẽ được thanh tịnh.”

– Kinh A-Hàm: “Người không giữ Giới nên phải đọa vào trong Ba đường ác dữ. Hàng Tỷ-kheo thành tựu viên mãn Oai-nghi Giới luật, lỡ phạm một lỗi nhỏ còn rất sợ hãi huống gì lỗi lớn; đấy gọi là thành tựu Pháp đệ-nhất. Do vậy, tệ ác như ma Ba Tuần cũng không có cơ hội để quậy phá, tương tự như bức tường thành rất cao dày thì khó có thể phá hoại.”

– Kinh Hằng Thủy: “Một hôm đức Phật đến cạnh sông Hằng vào ngày rằm ngày thuyết Giới hàng tháng đức Phật bảo A-Nan v… rằng: Vấn đề sanh tử, tử sanh của con người mãi bị luân chuyển trong năm đường[note] Năm đường (Ngũ đạo): Thiên, Nhân, Súc Sanh, Ngạ Quỷ và Địa Ngục (Tu – La thuộc Thiên).[/note], vì tâm ý của họ bất chánh, buông lung, chẳng biết căn nguyên của thân mạng là gì. Thân người rất khó được, Giới-Luật rất khó được nghe, được nghe lại khó tin khó tu tập, được tu tập lại khó gi gìn Giới-Luật. Giờ đây, các Thầy đều giữ được tâm Chơn ý Chánh, luôn nghĩ đến sự đau khổ lớn lao của sanh tử, nên nghiêm giữ Giới-Luật không để khiếm khuyết sai phạm. Người giữ Năm Giới sẽ được tái sanh làm Người, người giữ Mười Giới thiện sẽ sanh lên cõi Trời[note] Cõi Trời: Chỉ Dục-thiên.[/note], người giữ Hai trăm năm mươi Tịnh Giới trong đời hiện tại có thể chứng đạt quả Niết Bàn cao cả, như A-La-Hán, Bích-Chi-Phật, Bồ-Tát và Phật-Đà.”

* Luật Thiện Kiến: “Hết thảy những việc phạm Giới, làm ác không phải không ai biết. Vị thấy biết đầu tiên là Thần hộ mạng, kế đến là các Thiện Thần có Tha tâm thông, rồi đến chư Thiên Sắc giới và Vô sắc giới, tất cả đều thấy biết rõ. Tóm lại, những người phạm Giới thì chư Thiên đều rõ biết; vì thế, người có Trí tuệ thà giữ Giới mà chết còn hơn phạm Giới để sống. Hành trì Giới-Luật có sáu công đức: Thứ nhất, nắm giữ Giới Luật; thứ hai, hiểu rõ việc Bốtát; thứ ba, hiểu rõ việc Tự-tứ; thứ tư, truyền giới Cụ túc cho kẻ khác; thứ năm, nhận làm y chỉ Sư; thứ sáu, được nhận nuôi Sa-di. Nếu như không hiểu rõ Giới Luật mà chỉ hiểu biết về Kinh và Luận thì không được nuôi Sa-di và làm y chỉ Sư; vì rằng, vị Luật-sư thường hành trì Giới Luật thì sẽ làm Phật pháp trú thế đến năm ngàn năm.”

– Kinh Lăng Nghiêm: “Người tu hành có ba yếu tố nhất định; đó là, nhiếp tâm giữ Giới, do Giới sanh Định và do Định phát Tuệ. Đây được gọi là Tam vô lậu học vậy.”

– Kinh Ma-Ha-Bát-Nhã-Ba-La-Mật: “Trì Giới là tự mình không Sát sanh, cũng dạy bảo người khác không Sát sanh, tán thán sự kiện không Sát sanh và hoan hỷ tán thán những người không Sát sanh. Cho đến, tự mình không Tà kiến, cũng dạy bảo người khác không Tà kiến, tán thán sự kiện không Tà kiến và hoan hỷ tán thán những người không Tà kiến.”

– Luật Ngũ Phần: “Xưa kia, có Tỷ-kheo Tất-lăng-bà-già thấy cha mẹ mình nghèo khổ đói rách, muốn cung phụng áo cơm cho song thân, nhưng sợ phạm Giới nên đến bạch đức Phật. Đức Phật bảo các Tỷ-kheo: Giả như có người trải qua một trăm năm, vai phải cõng cha, vai trái mang mẹ, thậm chí cha mẹ đi đại-tiểu tiện trên đôi vai; cho đến dùng y phục, thực phẩm trân quý nhất trên đời để phụng dưỡng, cũng không thể báo đền được một phần nhỏ công đức của cha mẹ. Từ khi các Tỷ-kheo nghe được lời dạy của đức Phật, từ đó hết lòng phụng dưỡng mẹ cha cho đến suốt đời.”

– Kinh Úc-Ca-La-Việt[note] Úc-Ca-La-Việt: Tên của một Trưởng giả.[/note] Vấn Bồ-Tát Hạnh: “Bồ-Tát tại gia nên tu tập thêm Giới Bát Quan Trai và Thập Thiện để tô bồi cho Đạo nghiệp của mình.”

– Kinh Đại Bảo Tích: “Đức Phật bảo ngài Ca-Diếp: Hàng BồTát tại gia nếu thành tựu ba pháp này thì sẽ được bất thối chuyển đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ba pháp ấy là gì? Thứ nhất, nếu cha mẹ không tin Tam Bảo thì khuyến khích cha mẹ tin tưởng; cha mẹ hủy phạm Giới-Luật thì khuyến khích cha mẹ nghiêm trì Giới Luật; cha mẹ keo kiết tham lam thì khuyến khích cha mẹ bố thí phóng xả; đồng thời, vì cha mẹ mà thuyết Pháp và tán thán công đức của chư Phật…”

– Kinh Ngũ Đại Thí: “Bố thí rộng lớn có năm thứ. Đó là: Thứ nhất, không sát sanh; thứ hai, không trộm cướp; thứ ba, không tà dâm; thứ tư, không vọng ngữ; thứ năm, không uống rượu; đấy là năm thứ đại thí vậy.”

– Kinh Thập Lục Quán: “Người tu tịnh nghiệp để cầu nguyện được vãng sanh về thế giới Cực Lạc Phương Tây, muốn đạt kết quả ấy thì phải tu tập ba phước nghiệp. Đó là: Thứ nhất, hiếu dưỡng Cha mẹ, phụng sự Sư trưởng, từ tâm không sát hại và tu Mười thiện nghiệp; thứ hai, thọ trì Tam quy, hoàn thiện mọi Giới Luật và Oai-Nghi; thứ ba, phát tâm Bồ-Đề, tin sâu Nhân quả, đọc tụng Kinh điển Đại thừa, sách tấn những người đang tu tập. Đây là những yếu tố gọi là tịnh nghiệp, và cũng là nhân duyên tịnh nghiệp chính yếu của ba đời chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai vậy.”

– Kinh Đại Báo Ân: “Pháp thọ trai lấy tiêu chuẩn quá giờ ngọ không được dùng.”

– Kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác: “Hạnh Sa-môn, tựu trung là thực hiện Đạo vô vi; tức là, vâng thực hành sáu Ba-la-mật, giữ Giới không để khuyết phạm, thường khởi tâm Từ không sân giận, không giao thiệp với nữ giới, thường giữ trường trai, tâm ý không tham lam luyến tiếc điều gì. Người thực hiện được như vậy, đến khi thọ mạng sắp kết thúc, đức Phật A-Di-Đà sẽ trực tiếp hướng dẫn chư vị Bồ-Tát, A-la-hán đến tiếp đón vãng sanh về thế giới của đức Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.”

– Kinh Đại Thừa Lý Thú Lục Ba-La-Mật-Đa: “Nếu hàng phàm phu bản thân không thanh tịnh, hủy phạm Giới Luật, dù thuyết Chánh pháp, khích lệ người khác giữ Giới, rốt cuộc cũng chẳng ai nghe theo. Qua đó cho thấy rằng, trước hết cần phải thúc liễm thân tâm, xa lìa mọi sự phóng túng, giữ Giới nghiêm túc; sau đó, mới vì người khác giảng giải Chánh pháp, họ mới tin tưởng và thực hiện”.

– Kinh Ưu-Bà-Tắc-Giới: “Thiện nam tử! Bồ-Tát có hai loại, đó là Bồ-Tát xuất gia và Bồ-Tát tại gia. Bồ-Tát xuất gia tu tập tâm Bi thì dễ mà Bồ-Tát tại gia tu tập tâm Bi thì khó. Tại sao như vậy? – Bởi lẽ, Bồ-Tát tại gia có nhiều nhân duyên xấu ác gây trở ngại. Thiện nam tử! Dù vậy, nếu Bồ-Tát tại gia không tu tập tâm Bi thì không thể “đắc Giới” Ưu-bà-tắc; ngược lại, nếu tu tập tâm Bi hoàn mãn thì sẽ trở thành một thiện nam tử đúng nghĩa. Xét về Bồ-Tát xuất gia thì chỉ có thể thành tựu năm Ba-la-mật trừ Đàn-ba-la-mật[note] Đàn-Ba-la-mật: Tức Bố thí Ba-la-mật.[/note], còn Bồ-Tát tại gia thì có thể trở thành tựu cả sáu Ba-la-mật. Tại sao vậy? Bởi lẽ, Bồ-Tát tại gia có thể bố thí tất cả mọi phương diện vào bất cứ lúc nào. Thế nên, là Bồ-Tát tại gia trước hết cần phải tu tập tâm Bi, khi tâm Bi thành tựu thì sẽ viên mãn Giới-Nhẫn-Tấn-Định-Trí tuệ Ba-la-mật. Khi tâm Bi thành tựu thì việc rất khó bố thí vẫn có thể bố thí, việc rất khó nhẫn nhục vẫn có thể nhẫn nhục, việc rất khó làm vẫn có thể làm. Vì ý nghĩa này, nên “tâm Bi” chính là căn bản của hết thảy thiện pháp. Thiện nam tử! Nếu người nào thường tu tập tâm Bi như vậy, thì có thể huỷ diệt nghiệp ác to lớn như núi Tu-Di của mình, và không bao lâu sẽ chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ-Đề. Qua đó, người ấy chỉ tu tập một số thiện nghiệp mà đón nhận quả báo to lớn như núi Tu-Di vậy.”

– Kinh Ưu-Bà-Tắc Giới: “Thiện nam tử! Có ba pháp có thể giúp sự giữ Giới thanh tịnh. Đó là: Thứ nhất, Chánh tín Phật-Pháp-Tăng; thứ hai, tin sâu Nhân quả; thứ ba, Chánh kiến. Lại có bốn pháp: Thứ nhất, tâm Từ; thứ hai, tâm Bi; thứ ba, tâm Vô tham; thứ tư, chưa có công đức cứu giúp thì gia tăng sự cứu giúp. Lại có năm pháp: Thứ nhất, đem sự lợi ích cho kẻ oán thù; thứ hai, thấy người sợ hãi thì bảo hộ họ; thứ ba, người cầu học Phật pháp chưa toại nguyện thì khai tâm cho họ; thứ tư, khi bố thí cần bình đẳng không phân biệt; thứ năm, lòng từ trải khắp tất cả không phụ thuộc nhân duyên. Lại có bốn pháp: Thứ nhất, đừng bao giờ tự ti cho mình không thể chứng quả Bồ-Đề; thứ hai, khi đang tu tập hướng về quả vị Bồ-Đề thì tâm niệm phải kiên cố; thứ ba, tinh tấn tu tập hết thảy thiện pháp; thứ tư, làm các việc lớn tâm không mỏi mệt sai lầm. Lại có bốn pháp: Thứ nhất, tự học thiện pháp, học xong dạy lại cho người khác; thứ hai, tự xa lìa mọi ác pháp và dạy bảo người khác cũng xa lìa; thứ ba, khéo phân biệt rõ ràng thiện pháp, ác pháp; thứ tư, tất cả các pháp đều không chấp thủ. Lại có bốn pháp: Thứ nhất, hiểu rõ mọi pháp hữu vi là vô ngã, vô ngã sở; thứ hai, hiểu rõ tất cả nghiệp đều có quả báo; thứ ba, hiểu rõ mọi pháp hữu vi đều vô thường; thứ tư, hiểu rõ từ khổ sanh lạc và từ lạc sanh khổ. Lại có ba pháp: Thứ nhất, đối với tất cả chúng sanh tâm không chấp trước; thứ hai, bố thí sự an lạc cho chúng sanh tâm luôn bình đẳng; thứ ba, như giáo thuyết mà thực hành. Lại có ba pháp: Thứ nhất, thường bố thí niềm an vui cho chúng sanh; thứ hai, điều đã làm, đã nguyện sẽ được báo đền; thứ ba, tự hiểu rõ Thiền định sẽ chứng đạt quả vị Vô Thượng Bồ Đề. Lại có ba pháp: Thứ nhất, vì hết thảy chúng sanh mà thọ nhận mọi khổ não lớn lao; thứ hai, thọ khổ theo thứ tự; thứ ba, giữa chừng không ngừng nghỉ, dù thọ khổ như thế nhưng tâm không bao giờ ân hận. Lại có ba pháp: Thứ nhất, chưa đoạn trừ tâm tham ái mà có thể xa bỏ tâm tham ái đó đối với tha nhân; thứ hai, chưa đoạn trừ tâm sân giận nhưng khi gặp điều ác dữ thì có thể nhẫn chịu; thứ ba, chưa đoạn trừ tâm si mê nhưng có thể phân biệt rõ các pháp thiện ác. Lại có ba pháp: Thứ nhất, khéo hiểu phương tiện để có thể giáo hoá chúng sanh xa lìa các pháp ác; thứ hai, khéo hiểu phương tiện để có thể giáo hoá chúng sanh tu tập mọi pháp thiện; th ba, khi giáo hoá chúng sanh tâm không mệt mỏi sai lầm. Lại có ba pháp: Thứ nhất, khi giúp đỡ chúng sanh xa lìa mọi khổ đau của thân xác thì có thể xả bỏ thân mạng mà tâm không lẩn tiếc; thứ hai, khi giúp đỡ chúng sanh xa lìa mọi khổ đau của tâm thức thì có thể xả bỏ thân mạng mà tâm không lẩn tiếc; thứ ba, khi giáo hoá chúng sanh tu tập các thiện pháp thì có thể xả bỏ thân mạng mà tâm không lẩn tiếc. Lại có ba pháp: Thứ nhất, tự xả bỏ công việc của mình để lo việc lợi ích cho người khác; thứ hai, khi lo việc lợi ích cho người khác không so đo giờ giấc; thứ ba, không nghĩ đến sự khổ nhọc buồn phiền. Lại có ba pháp: Thứ nhất, tâm không đố kỵ; thứ hai, thấy người khác hạnh phúc sanh tâm hoan hỷ; thứ ba, tâm thiện nối tiếp liên tục không gián đoạn. Lại có ba pháp: Thứ nhất, thấy người khác giúp một chút thiện, tâm không bao giờ quên; thứ hai, nhận tơ tóc ân huệ phải nghĩ báo đền nhiều; thứ ba, thọ nhận vô lượng điều khổ não trong vô lượng đời tâm vẫn kiên cố không có tư tưởng lay chuyển. Lại có ba pháp: Thứ nhất, hiểu sâu trong vòng sanh tử đã tạo vô số lỗi lầm, nên không bỏ quên tất cả việc thiện; thứ hai, thấy mọi người chưa quy-y Tam Bảo thì giúp họ quy-y; thứ ba, thấy những người ác độc khởi tâm thương xót, không trách móc lỗi lầm của họ. Lại có ba pháp: Thứ nhất, cần thân cận với Thiện hữu; thứ hai, học Phật pháp không biết chán nãn; thứ ba, thành thật tiếp nhận lời dạy bảo của Thiện tri thức. Lại có bốn pháp, đó là Từ, Bi, Hỷ và Xả.”

– Kinh Hoa Nghiêm: “Những Giáo pháp, Giới Luật mà chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai đã, đang và sẽ thuyết giảng, tất cả Giới-pháp ấy hẳn phải được tôn kính và thực hiện, không được bỏ quên hay đánh mất, có như thế hạt giống Phật-Pháp-Tăng mới hằng hữu không bị đoạn tuyệt. Đức Phật dạy rằng, vị Bồ-Tát thực hành như vậy là đã thành tựu: Giới lợi ích khắp cả, Giới không thọ nhận, Giới không an trú, Giới không hối hận, Giới không xấu ác tranh cãi, Giới không gây tổn hại, Giới không uế tạp, Giới không tham cầu, Giới không lỗi lầm, Giới không huỷ phạm. Sao gọi là “Giới lợi ích khắp cả”?- Tức là, thọ trì Giới-Luật thanh tịnh, căn bản là vì lợi ích cho tất cả chúng sanh. Sao gọi là “Giới không thọ nhận”? Tức là, không thọ nhận và thực hành các giáo pháp ngoại đạo, chỉ thuận theo tự tánh mà tinh tấn phụng hành Giới-Luật thanh tịnh bình đẳng của chư Phật trong ba thời gian. Sao gọi là “Giới không an trú”? Tức là, khi thọ trì Giới-Luật tâm không trú vào Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Sao gọi là “Giới không hối hận”? Tức là, thường được an trú với tâm không hối hận, bởi vì không gây trọng tội, không sống gian dối, không phạm Oai nghi, Giới-Luật. Sao gọi là “Giới không xấu ác tranh cãi”? Tức là, vị Bồ-Tát này không tự thị tự đắc, không huỷ báng kẻ khác, tâm luôn tuỳ thuận Giới-Luật hướng đến Niết Bàn không dám hủy phạm, giữ Giới không gây trở ngại mọi người làm họ khổ sở, chỉ nguyện bất cứ lúc nào tâm cũng được hoan h để hành trì Giới. Sao gọi là “Giới không gây tổn hại”? Tức là, không dựa vào Giới-Luật mà học các chú thuật để chế tạo các loại thuốc gây tổn hại mọi người; trái lại, chỉ vì cứu hộ tất cả chúng sanh mà thọ trì Giới-Luật. Sao gọi là “Giới không uế tạp”? Tức là, không chấp biên kiến, không thọ trì các Giới tạp nhạp, chỉ quán chiếu theo duyên khởi mà hành trì Giới xuất thế gian. Sao gọi là “Giới không tham cầu”? Tức là, không biểu hiện các hiện tượng khác lạ để khoe khoang đức độ của mình, mà chỉ hoàn thiện pháp xuất thế mà thôi. Sao gọi là “Giới không lỗi lầm”? Tức là, không tự kiêu nói rằng tôi là người giữ Giới, thấy người khác phá Giới cũng không khinh chê khiến họ sỉ nhục, chỉ chân thành hết lòng trì Giới mà thôi. Sao gọi là “Giới không huỷ phạm”? Tức là, tuyệt đối đoạn trừ: Sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói ác độc, nói thêu dệt, và tham lam, sân hận, tà kiến; đồng thời, thọ trì đầy đủ Mười thiện nghiệp. Tóm lại, sở dĩ tất cả mọi người huỷ phạm Tịnh Giới đều do tâm ý điên đảo.”

– Kinh Đại Thừa Lý Thú Lục Ba-La-Mật-Đa: “Chấp thủ hình tướng giữ Giới không phải là cách thọ trì Giới-Luật tối thắng, chỉ gọi là Tịnh Giới chứ không phải Tịnh Giới Ba-la-mật. Tại sao như vậy? Vì rằng, giữ Giới như thế chỉ hưởng quả báo hữu lậu trong phạm vi Tam giới, hưởng hết phước thì thôi. Còn, vì hết thảy chúng sanh mà hộ trì Giới-Luật, quán chiếu “Đệ nhất nghĩa không” để liễu tri “Vô ngã tướng, Vô nhân tướng”; tức là, vì hữu tình mà hộ trì Giới-Luật, đây chính là Tịnh Giới Ba-la-mật, có khả năng giúp chúng sanh sớm đạt quả vị Vô Thượng Bồ-Đề.”

– Kinh Đại Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa: “Phát tâm Bồ-Đề xuất gia thọ Giới mà không hồi hướng quả vị Vô Thượng Bồ Đề, thì các Bồ-Tát ấy quyết định không thể thành tựu Tịnh Giới của Bồ-Tát và chỉ là hữu danh vô thực mà thôi. Mặt khác, dù ở tại gia chỉ thọ Tam quy, tin sâu Tam Bảo mà hồi hướng quả vị Vô Thượng Bồ-Đề, dù thọ dụng dục lạc thế gian nhưng không bao giờ tách rời Tịnh Giới Bồ-Tát, thì những vị này chính là những người thọ trì Tịnh Giới chân thật vậy.”

– Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng: “Duy trì xa lánh các việc: Sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói ác độc, nói thêu dệt, tham lam, sân hận, tà kiến, đó là hành trì Giới-Luật trong “Thế gian”. Nhờ hành trì Giới-Luật như thế, thì có thể thành tựu công đức thanh tịnh để hàng phục các loại Ma oán.

Không nương tựa các hiện tượng của Sắc, không nương tựa các hiện tượng của Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Không nương tựa các hiện tượng của Nhãn, không nương tựa các hiện tượng của Sắc, các hiện tượng của Nhãn Thức, các hiện tượng của Nhãn Xúc, các hiện tượng của những nhân duyên Nhãn Xúc, các hiện tượng của Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh sanh khởi. Không nương tựa các hiện tượng của Ý, không nương tựa các hiện tượng của Pháp, các hiện tượng của Ý Thức, các hiện tượng của Ý Xúc, các hiện tượng của những nhân duyên Ý Xúc, các hiện tượng của Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh sanh khởi. Không nương tựa các hiện tượng của Địa giới, Thuỷ giới, Hoả giới, Phong giới. Không nương tựa các hiện tượng của Không Vô Biên xứ, Thức Vô Biên xứ, Vô Sở Hữu xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ. Không nương tựa các hiện tượng của Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Không nương tựa các hiện tượng trong đời hiện tại và v lai. Không nương tựa các hiện tượng của hết thảy Trí tuệ hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Không nương tựa các hiện tượng của Văn (nghe), của Thiền, của Trí. Không nương tựa các hiện tượng của năng lực Văn, của năng lực Thiền-định, của năng lực Đà-la-ni, của năng lực Nhẫn nhục. Không nương tựa các hiện tượng của năng lực Hữu lậu, Vô lậu; của năng lực Hữu vi, Vô vi; của năng lực Thiện, Bất thiện; của năng lực của Minh, Vô minh mà hành trì Giới-Luật. Đây là hành trì Giới-Luật “Xuất thế gian”, là đạo lộ thanh tịnh bình đẳng phạm hạnh của bậc Thánh để đi vào đại thành Vô-uý. Chư vị Thánh Hiền này đã nương vào “Đệ nhất nghĩa đế” để hội nhập vào Trí tuệ thanh tịnh. Với Thánh Giới thanh tịnh bình đẳng này gia cộng sự tu tập Thất Giác Phần thì sẽ có năng lực làm cho các hiện trạng của Vô minh, của Hữu vi, của Hữu lậu không có cơ sở để sinh khởi. Do ý nghĩa này được gọi là Giới. Này Nhân giả! “Ly dục” là nghĩa của Giới, “Giải thoát” là nghĩa của Giới, “Đình chỉ” là nghĩa của Giới, “Tận” là nghĩa của Giới, “Diệt” là nghĩa của Giới. Tất cả nghĩa ấy là ý nghĩa của Giới-Luật vậy.”

– Bồ-Tát Giới Nghĩa Sớ: “Tam Tụ Giới là: Thứ nhất, “Nhiếp Luật Nghi Giới” Nhiếp Luật Nghi Giới nghĩa là hết thảy Oai nghi, Giới Luật không có điều nào là không giữ gìn. Luật tức pháp Luật, nghĩa của nó là cấm chỉ. Nghi tức là nghi thức, nghĩa của nó là phép tắc. Pháp Uyển Châu Lâm bảo: “Nhiếp Luật Nghi chủ yếu chỉ có bốn điểm: Thứ nhất, không được vì lợi dưỡng mà khen mình chê người; thứ hai, không được keo kiết mà không bố thí những người đến cầu xin; thứ ba, không được sân giận mà đánh đập, chửi rủa mọi người; thứ tư, không được huỷ báng Kinh điển Đại thừa. Giữ gìn bốn điểm này thì xa lìa hết thảy mọi điều ác dữ, cho nên gọi là “Nhiếp Luật Nghi Giới.” Thứ hai, “Nhiếp Thiện Pháp Giới” Nhiếp Thiện Pháp Giới là thực hiện những việc mà việc ấy bao gồm hết thảy thiện pháp; nghĩa là, Thân-khẩu-ý đều thực hiện mọi thiện pháp và tu tập Tam tuệ Văn-Tư-Tu cùng với Lục độ, không có pháp nào là không tu tập, cho nên gọi là “Nhiếp Thiện Pháp Giới”. Thứ ba, “Nhiếp Chúng Sanh Giới” Nhiếp Chúng Sanh Giới nghĩa là thường nhiếp thọ hết thảy chúng sanh, tức thể hiện tinh thần Từ-Bi-Hỷ-Xả. Từ là thương yêu, tức đem đến sự an vui cho chúng sanh, Bi là xót xa, tức cứu giúp những hoạn nạn cho chúng sanh, Hỷ là vui mừng, tức vui thích làm cho chúng sanh lìa xa sự đau khổ, đón nhận sự an lạc, Xả là không thương không ghét, tức thường cầu cho chúng sanh đạt được tâm lý không thương không ghét. Đây là những pháp để Nhiếp chúng sanh vậy.”



CHỨNG CỨ
CÁC LOẠI TRÌ PHẠM