LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Phật Đà Bạt Đà La, người Thiên Trúc và Sa-môn Pháp Hiển
Việt dịch: Thích Phước Sơn – Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh Sài Gòn, Việt Nam, PL 2543 (TL 2000)

 

Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri

Quyển Thứ Bảy

NÓI RÕ PHẦN CÒN LẠI CỦA GIỚI TĂNG TÀN

9. GIỚI: XUYÊN TẠC ÐỂ HỦY BÁNG.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, như trên đã nói, bấy giờ tôn giả Ðà Phiêu Ma La Tử được chúng Tăng đề cử trông coi chín việc mà trên đã đề cập. Thế rồi, nhóm sáu Tỉ-kheo nhận phòng xấu, thức ăn kém, nên tâm thường sầu khổ, bèn suy nghĩ: “Nếu trưởng lão Ðà Phiêu Ma La Tử mà còn sống phạm hạnh lâu dài thì chúng ta còn chịu khổ não. Nhưng Thế Tôn đã chế giới không cho phép vu khống người khác phạm tội Ba La Di một cách vô căn cứ. Nay ta phải tìm chứng cứ của tội lỗi”. Nghĩ như thế rồi, họ bèn theo sát tôn giả Ðà Phiêu Ma La Tử, trong những lúc đi, đứng, nằm, ngồi, đều theo sát hai bên. Hằng tháng vào các ngày mồng 8, 14 và 15 các Tỉ-kheo-ni đến lễ Phật, khi ấy tôn giả Ðà Phiêu Ma La Tử đang ngồi đối diện cách Phật không xa, nên các Tỉ-kheo-ni đến đảnh lễ chân Phật rồi, bèn đến đảnh lễ tôn giả Ðà Phiêu Ma La Tử. (281b) Bấy giờ, có một Tỉ-kheo-ni trong khi đảnh lễ bị gió thổi làm tung góc y của cô vướng trên đầu gối của tôn giả, tôn giả liền dùng tay dở lên.

Thế rồi, nhóm sáu Tỉ-kheo bèn nói: “Trưởng lão Ðà Phiêu, ông phạm tội Ba La Di”.

Ðà Phiêu nói: “Tôi không có việc ấy”.

Nhóm sáu Tỉ-kheo lại nói: “Việc ấy tôi đã thấy, còn nghi ngờ gì nữa, có ai ăn trộm mà lại nói mình là kẻ ăn trộm bao giờ”.

Rồi họ đem việc ấy nói tại chỗ vắng, chỗ nhiều người và chỗ chúng Tăng. Bấy giờ, Ðà Phiêu bèn đem nhân duyên ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bảo đi gọi là nhóm sáu Tỉ-kheo đến. Thầy liền đi gọi đến.

Phật liền hỏi nhóm sáu Tỉ-kheo: “Có thật các ông vu khống Ðà Phiêu Ma La Tử phạm tội Ba La Di một cách vô căn cứ chăng?”

Ðáp: “Không phải vậy, bạch Thế Tôn! Có chứng cứ thật”.

Phật nói: “Có chứng cứ gì?”. Nhóm sáu Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn, gặp ngày trai kỳ, các Tỉ-kheo-ni đến đảnh lễ Thế Tôn rồi họ sang đảnh lễ Ðà Phiêu. Khi ấy gióthổi làm tung chéo y của Tỉ-kheo-ni lên đầu gối của Ðà Phiêu. Ðà Phiêu bèn dùng tay nắm y của cô ấy, đó là chứng cứ”.

Phật nói: “Này kẻ ngu si, đó chẳng phải là bằng chứng phạm tội Ba La Di. Ðó chỉ là một việc nhỏ thuộc phạm vi khác”. Thế rồi, Phật khiển trách nhóm sáu Tỉ-kheo: “Các ông không từng nghe ta dùng nhiều nhân duyên ca ngợi việc đem thân, khẩu, ý, từ ái, kính trọng những người tu phạm hạnh hay sao? Nay vì sao đối với một Tỉ-kheo thanh tịnh vô tội, mà các ông lại muốn phá sự thanh tịnh của họ, rồi đem một việc nhỏ thuộc phạm vi khác chẳng phải Ba La Di của Tỉ-kheo mà vu cáo họ phạm tội Ba La Di? Ðó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được”.

Ðoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá vệ phải tập họp lại tất cả, rồi vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng nghe lại:

— Nếu Tỉ-kheo vì sân hận, không vui, đem một việc nhỏ thuộc phạm vi khác chẳng phải Ba La Di của Tỉ-kheo mà vu cáo họ phạm tội Ba La Di để phá hoại sự phạm hạnh của họ; rồi sau đó, hoặc bị tra hỏi, hoặc không ai tra hỏi mà tự nói rằng: “Chỉ vì sân hận nên tôi đem một việc thuộc phạm vi khác mà vu cáo”, thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa.

Giải thích:

Tỉ-kheo sân hận không vui: Như trên đã nói.

Thuộc phạm vi khác: Trừ 4 Ba La Di, từ 13 giới Tăng Già Bà Thi Sa trở đi là thuộc phạm vi khác.

Những việc nhỏ: Chúng học pháp và các oai nghi.

­- Chẳng phải Ba La Di của Tỉ-kheo mà vu khống là phạm Ba La Di: Việc đó không thuộc Ba La Di, mà vu khống rằng phạm các giới trong 4 Ba La Di.

Muốn phá phạm hạnh của người ấy: Muốn làm cho người ấy không phải là Tỉ-kheo, không phải là Sa môn, không phải là con dòng họ Thích. (281c) Muốn họ làm Sa di, làm người thế tục, làm người giữ vườn, làm kẻ ngoại đạo.

Sau đó, hoặc bị tra hỏi, hoặc không bị tra hỏi.

Tra hỏi: Như hỏi: “Ông thấy việc gì? Việc dâm chăng? Việc trộm cắp chăng? Cố ý giết người chăng? Không thật được pháp thượng nhân mà tự xưng được pháp thượng nhân chăng? Thấy tại chỗ nào?”Ðó gọi là tra hỏi. Nếu không hỏi như vậy thì gọi là không tra hỏi.

Nếu vì sân hận đối với một Tỉ-kheo thanh tịnh vô tội mà đem một việc nhỏ thuộc phạm vi khác vu khống họ phạm tội Ba La Di, thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa.

(Phần còn lại như trên đã nói rõ) Thế nên nói:

– “Nếu Tỉ-kheo vì sân hận không vui mà đem một việc thuộc phạm vi khác, cho đến “vì sân hận mà nói”, thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa”.

(Hết giới Tăng tàn thứ 9.)
10. GIỚI: PHÁ TĂNG HÒA HỢP.

Khi Phật an trú tại thành Vương xá, nói rộng như trên. Bấy giờ, Ðề Bà Ðạt Ða vì muốn phá sự hòa hợp của Tăng đoàn, cho nên tìm đủ mọi cách để phá hoại việc của Tăng.

Ðối với 12 bài tựa của giới Kinh, 4 Ba la di, 13 Tăng già bà thi sa, 2 Bất định, 30 Ni tát kì ba dạ đề, 92 Ba dạ đề, 4 Ba la đề đề xá ni, Chúng học pháp, 7 Pháp diệt tránh, pháp Tùy thuận.v.v…

Những gì Phật không chế, thì ông chế thêm; những gì Phật chế thì ông mở ra. Cho đến, những pháp mà người tại gia, xuất gia cùng thực hành như 9 bộ kinh:

1- Tu Ða La; 2- Kỳ Dạ; 3- Thọ Ký; 4- Già Ðà; 5- Ưu Ðà Na; 6- Như Thị Ngữ Kinh; 7- Bản Sanh Kinh; 8- Phương Quảng; 9- Vị Tằng Hữu Pháp.

Ðối với 9 bộ Kinh này, ông liền tạo ra những câu khác, những chữ khác, những ý nghĩa khác. Mỗi thứ đều có những lời văn khác để mà tụng đọc, cũng như dạy người khác tụng đọc. Khi ấy các Tỉ-kheo nói với Ðề Bà Ðạt Ða: “Ông chớ tìm cách phá sự hòa hợp của Tăng đoàn, chớ có kiên trì tìm đủ mọi cách để phá việc của Tăng, cố ý tranh cãi. Trưởng lão nên hòa mình với Tăng. Vì sao vậy? Vì Tăng hòa hợp vui vẻ, không tranh cãi, cùng học một giáo lý, như nước hòa với sữa, điều gì như pháp thì nói là như pháp một cách rõ ràng, để cùng sống an lạc”.

Sau khi khuyên can lần thứ nhất như vậy mà không chấm dứt, rồi khuyên can lần thứ hai, thứ ba cũng đều không đình chỉ, cho nên các Tỉ-kheo đem nhân duyên ấy bạch lên Phật: “Bạch Thế Tôn! Ðề Bà Ðạt Ða vì muốn phá sự hòa hợp của Tăng, nên đã kiên trì tìm đủ mọi cách để phá việc của Tăng. Từ bài tựa của giới cho đến 9 bộ Kinh, ông đều đặt ra những chữ khác, ý nghĩa khác; (282a) mỗi thứ đều chế ra những thứ văn từ khác, rồi tự mình tụng đọc và dạy người khác tụng đọc. Thế nhưng, các Tỉ-kheo khuyên can lần thứ nhất không chấm dứt, rồi khuyên can lần thứ hai, thứ ba cũng không chấm dứt”.

Phật liền nói với các Tỉ-kheo: “Nếu ông Ðề Bà Ðạt Ða ngu si này vì muốn phá sự hòa hợp của Tăng, nên đã kiên trì tìm đủ mọi cách để phá việc của Tăng sự, cho đến đối với 9 bộ Kinh làm ra những câu khác, chữ khác, ý nghĩa khác và mỗi thứ đều dùng những văn từ khác, mà khuyên can đến lần thứ ba vẫn không chấm dứt, thì các ông nên đến đó khuyên can ông ở chỗ vắng ba lần, rồi khuyên can ở chỗ đông người ba lần, sau đó khuyên can giữa chúng Tăng ba lần, khiến cho ông ta bỏ việc ấy”.

Khi Tỉ-kheo khuyên can ở chỗ vắng, thì nên nói như thế này: “Ông Ðề Bà Ðạt Ða kia, có thật ông muốn phá sự hòa hợp của Tăng, kiên trì phá Tăng sự, đối với 9 bộ Kinh tạo ra câu khác, chữ khác, ý nghĩa khác, văn từ khác, rồi tự mình tụng đọc và đem dạy người khác chăng?”

Nếu đáp: “Có thật như vậy”.

Thì nên nói với Ðề Bà Ðạt Ða: “Ông chớ có phá sự hòa hợp của Tăng, kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự. Trưởng lão Ðề Bà Ðạt Ða! Phá sự hòa hợp của Tăng là tội ác rất nặng, phải đọa vào đường ác, rơi trong địa ngục, phải chịu tội đến một kiếp. Ðề Bà Ðạt Ða, nay tôi vì lòng từ muốn ông được lợi ích, vậy phải nghe lời tôi. Một lần khuyên can đã qua, còn hai lần khuyên can nữa, vậy ông có bỏ việc ấy không?”

Nếu trường hợp không bỏ, thì phải khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba cũng như thế. Lại khuyên can ở chỗ đông người, cũng như vậy, nếu vẫn không chấm dứt, thì phải đưa đến giữa chúng Tăng làm pháp Yết ma cầu thính (Xin trình bày).

Bấy giờ, người làm Yết ma nói như sau:

“Xin đại đức Tăng lắng nghe. Ông Ðề Bà Ðạt Ða vì muốn phá sự hòa hợp của Tăng, mà kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự. Ðối với 12 bài tựa của giới cũng như 9 bộ Kinh, ông làm ra những câu khác, chữ khác, ý nghĩa khác, văn từ khác rồi tự tụng đọc và dạy người khác. Các Tỉ-kheo đã khuyên can tại chỗ vắng ba lần, tại chỗ nhiều người ba lần mà vẫn không chấm dứt. Nếu thời gian thích hợp với Tăng, nay ở giữa Tăng nên khuyên can ba lần nữa khiến ông chấm dứt”.

Bấy giờ, Tăng nên hỏi Ðề Bà Ðạt Ða: “Có thật ông đối với 12 bài tựa của giới, cũng như 9 bộ Kinh, làm ra những câu khác, chữ khác, ý nghĩa khác, văn từ khác, rồi tự tụng đọc dạy người tụng đọc chăng? Thế rồi các Tỉ-kheo đã khuyên can ba lần tại chỗ vắng, khuyên can ba lần tại chỗ nhiều người mà vẫn không chấm dứt chăng?”

Nếu đáp: “Có thật như vậy!”, thì khuyên can giữa Tăng: “Này ông Ðề Bà Ðạt Ða, đừng vì muốn phá sự hòa hợp của Tăng mà kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự, rồi đối với 9 bộ Kinh, tạo ra câu khác, chữ khác, ý nghĩa khác, và văn từ khác. Ông đừng phá sự hòa hợp của Tăng, vì phá sự hòa hợp của Tăng là một tội ác lớn, là tội nặng, phải đọa vào đường ác, rơi trong địa ngục, phải chịu tội khổ đến một kiếp. (282b) Ngày nay chúng Tăng vì lòng từ khuyên can, muốn ông được lợi ích. Vậy hãy vâng lời chúng Tăng. Một lần khuyên can đã qua, còn hai lần nữa, vậy ông bỏ việc ấy đi?”.

Thế nhưng, ông ta không bỏ, rồi tiếp tục khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba cũng không bỏ. Cuối cùng, các Tỉ-kheo phải đem việc ấy bạch lên Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn! Chúng Tăng đã khuyên can ông Ðề Bà Dạt Ða tại chỗ vắng ba lần, tại chỗ đông người ba lần, giữa chúng Tăng ba lần, mà vẫn không bỏ việc ấy”.

Phật bèn nói với các Tỉ-kheo: “Ông Ðề Bà Ðạt Ða này là kẻ ngu si, phá sự hòa hợp của Tăng, kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự và đã khuyên can ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ đông người ba lần, ở giữa chúng Tăng ba lần mà vẫn không bỏ việc ấy, thì Tăng nên làm pháp Yết ma cử tội (vạch tội)”.

Các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Vì sao ông Ðề Bà Ðạt Ða này không chịu nghe lời các Tỉ-kheo khuyên can mà tự chuốc lấy khổ não?”.

Phật nói với các Tỉ-kheo: “Không những ngày nay ông không nghe lời người khác, phải tự chuốc khổ não mà trong thời quá khứ cũng đã từng có như vậy”.

Các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Ðã từng có như vậy sao?”.Phật đáp: “Ðúng như vậy! Trong thời quá khứ, tại thành Ba La Nại, nước Già Thi có một người Bà la môn đào một cái giếng tại nơi hoang vắng để làm phước thiện; nhằm giúp những kẻ mục đồng, những người đốn củi và khách bộ hành tới đó uống nước và tắm rửa. Bấy giờ, sắp đến lúc hoàng hôn, có bầy dã can đến đó uống nước dưới giếng, chỉ có con dã can chúa không chịu uống nước dưới giếng mà đút đầu vào trong lu để uống nước. Uống xong, nó bèn mang cả cái lu giơ cao đầu lên đập vỡ chiếc lu. Nhưng miệng lu vẫn còn vướng vào cổ nó, đàn dã can bèn nói với dã can chúa: “Nếu một chiếc lá cây ướt mà còn dùng được, người ta vẫn gìn giữ nó, huống gì cái lu này rất có ích cho người đi đường”.

Dã can chúa nói: “Ta làm việc này vì cảm thấy trong lòng thích thú, đâu cần gì biết đến việc khác”.

Bấy giờ, những người đi đường bèn nói với Bà la môn: “Cái lu của ông để trên giếng đã bị vỡ rồi. Vậy ông hãy đặt lại cái lu khác ở chỗ cũ”. Dã can phá như vậy chẳng phải một cái lu mà đến 14 cái, mặc dù đàn dã can vẫn thường khuyên can, nhưng dã can chúa vẫn không nghe lời. Thế rồi, Bà la môn bèn suy nghĩ: “Ta đào giếng làm việc phước thiện nhưng không biết ai đã gây ra chướng ngại nhỉ? Nay ta phải đến xem”.

Khi đến nơi, ông ta thấy rõ sự việc, bèn đem cái lu khác đặt lại trên giếng như trước, rồi núp tại một chỗ khuất theo dõi, thì thấy các người bộ hành uống nước liền đi, không ai phá lu cả. Ðến lúc mặt trời về chiều, ông bèn thấy bầy dã can đến uống nước dưới giếng, chỉ có con dã can chúa là uống nước trong lu, rồi đập vỡ lu. Thấy thế, ông bèn nghĩ: “Chính con dã can này gây ra tai họa đối với việc đào giếng làm phước của ta”.

Rồi ông làm một cái thùng bằng gỗ kiên cố khó mà phá vỡ (282c), hễ đút đầu vào thì dễ mà rút ra thì khó, đem đặt bên giếng, bèn cầm gậy núp ở chỗ khuất mà rình. Ông thấy những bộ hành uống nước xong rồi đi. Vào lúc xế chiều, bầy dã can lại tụ về uống nước giếng như lần trước. Chỉ có dã can chúa là uống nước trong thùng, uống xong liền đập thùng xuống đất, nhưng không phá được. Khi ấy ông Bà la môn bèn cầm gậy chạy tới đập chết dã can. Thấy thế, từ trên không trung một vị trời bèn đọc kệ:

“Bạn từ tâm khuyên can
Ương ngạnh không nghe lời
Kẻ ngu chuốc tai họa
Tự hại tính mạng mình
Thế nên dã can ngu
Gặp nỗi khổ thùng gỗ”.

Phật bèn nói với các Tỉ-kheo: “Dã can chúa thuở ấy, ngày nay chính là Ðề Bà Ðạt Ða; còn bầy dã can khi ấy, ngày nay là các Tỉ-kheo khuyên can Ðề Bà Ðạt Ða. Các Tỉ-kheo nên biết, trong thời quá khứ, ông ta đã không chịu nghe lời khuyên ân cần của các bạn bè đến nỗi tự hại tính mạng; ngày nay cũng lại không chịu nghe lời khuyên can của các Tỉ-kheo, nên sẽ rơi vào ác đạo, chịu khổ lâu dài”.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, rồi vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— “Nếu Tỉ-kheo phá sự hòa hợp của Tăng, bèn kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự, đấu tranh với người khác. Rồi các Tỉ-kheo nói với Tỉ-kheo ấy: “Trưởng lão, chớ phá sự hòa hợp của Tăng, kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự, đấu tranh với người khác. Trưởng lão hãy hòa mình với chúng Tăng. Vì sao phải thế? Vì Tăng phải hòa hợp, vui vẻ, không tranh chấp, cùng học một giáo pháp, như nước hòa với sữa, điều gì như pháp thì nói là như pháp một cách rõ ràng để cùng sống an lạc. Trưởng lão hãy bỏ động cơ phá Tăng ấy đi”.

Khi các Tỉ-kheo đã khuyên can Tỉ-kheo ấy như vậy, mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các Tỉ-kheo phải khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba cho bỏ việc ấy. Khi khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba mà bỏ thì tốt, nếu không bỏ, thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa”.

Giải thích 

Tăng hòa hợp: Không biệt chúng. Các Tỉ-kheo tuy có tranh cãi, nhưng vẫn nói chuyện với nhau, lại cùng ở trong một ranh giới, trong một chúng, một trú xứ, cùng Bố tát, tự tứ, đó gọi là Tăng hòa hợp.

Thế thì, đến chừng mực nào mới gọi là phá sự hòa hợp của Tăng, kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự? Ðó là:

Nếu Tỉ-kheo đối với mười hai việc trong bài tựa của giới, 4 pháp Ba La Di, 13 pháp Tăng Già Bà Thi Sa, 2 pháp Bất định, 30 pháp Ni Tát Kỳ Ba Dạ Ðề, 92 pháp Ba Dạ Ðề, 4 pháp Ba La Ðề Ðề Xá Ni, pháp Chúng Học, 7 pháp Diệt Tránh, (283a) pháp Tùy thuận.v.v…, Phật không chế mà chế ra, Phật đã chế liền khuếch đại, đó gọi là phá sự hòa hợp của Tăng.

Lại nữa, đối với các tội thuộc năm chúng, Phật không chế mà lại chế ra, Phật đã chế rồi đem khuếch đại, đó gọi là phá sự hòa hợp của Tăng.

Lại nữa, đối với các tội thuộc bốn chúng, Phật không chế mà chế ra, Phật đã chế mà khai mở, đó gọi là phá sự hòa hợp của Tăng.

Lại nữa, đối với các tội của ba chúng, các tội của hai chúng, các tội của một chúng như 4 Ba La Di, Phật không chế mà lại chế ra, Phật đã chế mà khai mở, đó gọi là phá sự hòa hợp của Tăng.

Lại nữa, đối với sáu pháp “Tác xả”như:

1- Yết ma chiết phục; 2- Yết ma không nói; 3- Yết ma phát hỉ; 4- Yết ma Tẫn Xuất; 5- Yết ma cử tội; 6- Yết ma biệt trú.

Trong sáu pháp Yết ma tác xả này, những gì Phật không chế mà chế, những gì Phật đã chế bèn khai mở. Ðó gọi là phá sự hòa hợp của Tăng.

Tỉ-kheo phá sự hòa hợp của Tăng: Như trường hợp Ðề Bà Ðạt Ða.

Các Tỉ-kheo: Hoặc một người, hoặc hai người, hoặc nhiều người, hoặc chúng Tăng.

Ba lần khuyên can: Ba lần khuyên can ở chỗ vắng, ba lần khuyên can ở chỗ nhiều người và ba lần khuyên can ở giữa chúng Tăng.

Ba lần khuyên can ở chỗ vắng: Chẳng hạn hỏi: “Trưởng lão! Ông có thật phá sự hòa hợp của Tăng, kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự, cho đến đối với mười hai đoạn trong bài tựa giới Kinh Phật không chế mà chế ra, Phật đã chế mà khai mở chăng?”Nếu đáp: “Ðúng như vậy”, thì vị Tỉ-kheo ấy bèn khuyên can: “Trưởng lão, ông chớ có phá sự hòa hợp của Tăng, kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự, đối với mười hai đoạn trong bài tựa giới kinh Phật không chế mà chế ra, Phật đã chế liền khai mở; phá Tăng là một tội lớn, sẽ đọa vào đường ác, rơi xuống địa ngục, chịu đau khổ lâu dài. Nay tôi có lòng từ khuyên can ông vì muốn được lợi ích. Ông hãy nghe lời tôi. Một lần khuyên can đã xong, còn hai lần nữa, ông có bỏ việc đó chăng?”. Nếu không bỏ thì lần thứ hai, thứ ba cũng khuyên can như thế. Rồi lại khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần cũng như vậy. Nếu vẫn không bỏ thì đem đến giữa chúng Tăng làm phép Yết ma cầu Thính như sau:

“Xin đại đức Tăng lắng nghe! Tỉ-kheo mỗ giáp này vì muốn phá sự hòa hợp của Tăng mà kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự, đã khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần vẫn không chấm dứt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay ở giữa Tăng hãy khuyên can ba lần để cho ông chấm dứt”.

Thế rồi, Tăng lại hỏi: “Trưởng lão, ông có thật vì muốn phá sự hòa hợp của Tăng mà kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự cho đến những gì Phật không chế, ông liền chế, những gì Phật đã chế, bèn khai mở chăng?”

Nếu đáp: “Ðúng như thế”, thì nên khuyên can: “Trưởng lão, nay chúng Tăng khuyên ông, đừng vì muốn phá sự hòa hợp của Tăng mà kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự, cho đến những gì Phật không chế, bèn chế; những gì Phật đã chế, bèn khai mở; phá Tăng là việc đại ác, tội lỗi rất nặng, phải chịu khổ đau lâu dài trong đường ác. Ngày nay chúng Tăng có lòng từ quở trách ông, ông hãy đình chỉ ngay việc đó”. (283b) Nếu không bỏ thì phải khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba cũng như thế. Khi khuyên can như vậy, nếu bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa.

Tăng Già Bà Thi Sa: Như trên đã nói.

Khi vị Tỉ-kheo ấy được khuyên can ở chỗ vắng một lần mà không bỏ, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Lần thứ hai, thứ ba cũng như thế. Khi khuyên can ở chỗ nhiều người, một lần mà không chấm dứt thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Lần thứ hai, thứ ba cũng như thế. Nhưng khi đến giữa Tăng khuyên can lần thứ nhất, nói chưa xong, thì phạm tội Việt Tỳ Ni; nói xong, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Khuyên can lần thứ hai, nói chưa xong thì phạm tội Việt Tỳ Ni; nói xong thì phạm tội Thâu Lan Giá. Khuyên can lần thứ ba, nói chưa xong, thì phạm tội Thâu Lan Giá; nói xong thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa.

Tội Tăng Già Bà Thi Sa phát khởi từ lúc khuyên can ở chỗ vắng, khuyên can ở chỗ nhiều người và khuyên can giữa chúng Tăng. Tất cả các tội Việt Tỳ Ni, các tội Thâu Lan Giá gộp lại thành một tội Tăng Già Bà Thi Sa. Nếu giữa chừng mà đình chỉ, thì tùy theo chỗ đình chỉ để trị tội. Thế nên nói:

“Nếu Tỉ-kheo vì muốn phá sự hòa hợp của Tăng mà kiên trì tìm đủ mọi cách để phá Tăng sự, cho đến ba lần khuyên can (ở giữa chúng Tăng) mà không bỏ, thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa”.

(Hết giới Tăng tàn thứ 10)
11. GIỚI: ÐỒNG LÕA VỚI NGƯỜI PHÁ TĂNG

Khi Phật an trú tại thành Vương xá nói rộng như trên. Bấy giờ, các Tỉ-kheo tác pháp Yết ma cử tội Ðề Bà Ðạt Ða. Lần Yết ma đầu tiên xong, không có ai ngăn cản, đến lần Yết ma thứ hai chấm dứt, cũng không có ai ngăn cản. Nhưng đến lần Yết ma thứ ba, thì Ðề Bà Ðạt Ða nhìn vào mặt nhóm sáu Tỉ-kheo, nói như sau: “Này nhóm sáu Tỉ-kheo! Các ông từ lâu phụng sự ta, cùng cộng tác với ta, nay chúng Tăng làm Yết ma vạch tội ta đến lần thứ hai mà sao các ông vẫn im lặng? Ngày nay, các ông đem ta bỏ vào giữa đám đông giống như dùng sữa chua phết lên bún, rồi đem cho quạ, hoặc như dùng váng sữa bôi lên bánh, rồi đem cho Na Câu La, hoặc như dùng dầu trộn với cơm, rồi đem cho dã can. Người tu phạm hạnh trông thấy kẻ khác bị khốn đốn mà lại ngồi xem sao?”Lập tức nhóm sáu Tỉ-kheo liền đứng dậy nói với (người làm Yết ma): “Như vậy, như vậy đó trưởng lão. Vị Tỉ-kheo ấy nói đúng như pháp, nói đúng như luật. Ðiều gì Tỉ-kheo ấy nói thì chúng tôi đều chấp nhận cả, những ý kiến của Tỉ-kheo ấy chúng tôi cũng đều công nhận. Vị Tỉ-kheo ấy biết mới nói, chứ không phải không biết mà nói”. Vì lúc ấy có nhiều người ngăn cản, nên Yết ma không thành. Thế rồi, các Tỉ-kheo bèn nói với nhóm Tỉ-kheo sáu người : “Các trưởng lão chớ trợ giúp Ðề Bà Ðạt Ða phá sự hòa hợp của Tăng, cùng a dua, cùng đồng ý, mà nên cộng tác với Tăng. Vì tất cả Tăng cần phải hòa hợp, hoan hỉ, không tranh cãi, cùng học một giới pháp, như nước hòa với sữa, (283c) điều gì như pháp thì nói là như pháp một cách rõ ràng, để được sống an lạc”. Khuyên can lần thứ nhất như vậy mà không từ bỏ; họ bèn khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba, vẫn ngoan cố không từ bỏ. Thế nên, các Tỉ-kheo bèn đem nhân duyên ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-kheo: “Nhóm sáu Tỉ-kheo này cùng với Ðề Bà Ðạt Ða ngu si muốn phá hoại sự hòa hợp của Tăng, nên a dua, đồng ý với nhau, Tăng đã một lần, hai lần, ba lần khuyên can vẫn không từ bỏ. Vậy các ông hãy đi tới chỗ vắng khuyên can ba lần, rồi tới giữa chỗ đông người khuyên can ba lần; sau cùng đến giữa Tăng chúng khuyên can ba lần, khiến cho bỏ việc ấy”. Tỉ-kheo lãnh giáo liền đi tới chỗ vắng hỏi nhóm sáu Tỉ-kheo: “Có thật chăng các ông cùng với Ðề Bà Ðạt Ða ngu si phá sự hòa hợp của Tăng, cùng a dua, cùng đồng ý kết làm bè đảng, rồi các Tỉ-kheo đã ba lần khuyên can vẫn ngoan cố không từ bỏ?”…

Họ đáp: “Ðúng như vậy”.

Các Tỉ-kheo liền khuyên can: “Này nhóm sáu Tỉ-kheo, chớ cấu kết với Ðề Bà Ðạt Ða để phá sự hòa hợp của chúng Tăng, rồi cùng a dua, cùng đồng ý. Các ông phải hợp tác với chúng Tăng. Vì tất cả chúng Tăng cần phải hòa hợp, hoan hỉ, không tranh cãi, cùng học một giới pháp, như nước hòa với sữa, điều gì như pháp thì nói là như pháp một cách rõ ràng, có vậy mới sống an lạc được. Các trưởng lão, phá sự hòa hợp của Tăng là tội ác rất lớn, sẽ đoạ vào ác đạo, rơi xuống địa ngục, chịu đua khổ lâu dài. Nay tôi vì từ tâm khuyên các ông, muốn cho các ông được lợi ích. Vậy phải nghe lời tôi. Một lần khuyên đã xong, còn hai lần khuyên nữa, các ông phải bỏ việc ấy đi”. Nếu họ không bỏ, thì lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế. Rồi lại khuyên can ở giữa đông người ba lần, cũng như vậy. Nếu vẫn không từ bỏ, thì phải đến giữa Tăng làm pháp Yết ma cầu thính như sau:

“Xin đại đức Tăng lắng nghe! Nhóm sáu Tỉ-kheo này cùng với Ðề Bà Ðạt Ða phá sự hòa hợp của Tăng, cùng a dua, cùng đồng ý với nhau, đã được khuyên can ba lần ở chỗ vắng, khuyên can ba lần ở chỗ đông người, vẫn ngoan cố không bỏ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, thì nên khuyên can ba lần ở giữa Tăng, khiến cho bỏ việc ấy”.

Thế rồi, thầy Yết ma hỏi nhóm sáu Tỉ-kheo: “Có thật chăng các ông cùng với Ðề Bà Ðạt Ða phá sự hòa hợp của Tăng, cùng a dua, cùng đồng ý và đã được khuyên can ba lần ở chỗ vắng, được khuyên can ba lần ở chỗ đông người mà vẫn ngoan cố không bỏ?”.

Họ đáp: “Ðúng như vậy”. Các Tỉ-kheo liền khuyên can: “Này nhóm sáu Tỉ-kheo! Các ông chớ cấu kết với Ðề Bà Ðạt Ða để phá sự hòa hợp của Tăng, rồi cùng a dua, cùng đồng ý. Vì phá sự hòa hợp của Tăng là tội ác rất lớn, sẽ đọa vào ác đạo, rơi xuống địa ngục, chịu đau khổ lâu dài. Nay Tăng có lòng từ khuyên can các ông là vì muốn cho các ông được lợi ích. Vậy hãy vâng lời chúng Tăng. Một lần khuyên can đã xong còn hai lần nữa, các ông hãy bỏ việc ấy”. Nếu như không chấm dứt, thì lần thứ hai, thứ ba cũng khuyên can như vậy. Thế nhưng họ vẫn ngoan cố không bỏ.

Các Tỉ-kheo liền đem việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu Tỉ-kheo đến, họ bèn đi gọi đến.

Bấy giờ, Phật liền hỏi nhóm sáu Tỉ-kheo: “(284a) Có thật các ông cùng với Ðề Bà Ðạt Ða ngu si cùng a dua, cùng đồng ý phá sự hòa hợp của Tăng, rồi các Tỉ-kheo đã khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ đông người ba lần, khuyên can giữa chúng Tăng ba lần mà vẫn không bỏ phải không?”.

Ðáp: “Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!”

Phật bèn khiển trách: “Này các Tỉ-kheo! Ðó là việc ác, các ông không thường nghe Ta dùng nhiều nhân duyên để chê trách tính ương ngạnh, khó khuyên bảo và dùng nhiều nhân duyên để khen ngợi tính nhu nhuyến dễ khuyên bảo hay sao? Các ông vì sao lại ương ngạnh khó khuyên bảo? Ðó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy; không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được”.

Các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Vì sao nhóm sáu Tỉ-kheo cùng cấu kết với Ðề Bà Ðạt Ða cùng a dua, cùng đồng ý, để phải chịu đau khổ một cách oan uổng?”.

Phật nói với các Tỉ-kheo: “Nhóm sáu Tỉ-kheo này không những ngày nay cùng a dua, cùng đồng ý để phải chịu đau khổ oan uổng mà trong đời quá khứ cũng đã từng như vậy”.

Các Tỉ-kheo bèn hỏi Phật: “Ðã từng có như vậy sao? Xin Thế Tôn hãy nói về việc ấy”.

Phật bảo với các Tỉ-kheo: “Trong thời quá khứ tại thành Ba la nại, nước Già Thi có năm trăm con khỉ đột sinh sống trong rừng tại một nơi hoang vắng, rồi chúng du hành đến một cây Ni câu luật. Dưới cây này có một cái giếng. Trong giếng có bóng trăng hiện ra. Con khỉ đột chúa khi thấy bóng trăng ấy, liền nói với đồng bọn: “Mặt trăng hôm nay đã chết và rơi vào trong giếng, chúng ta phải cùng nhau vớt lên, chớ để thế gian sống mãi trong tăm tối”.

Thế rồi chúng cùng nhau bàn bạc: “Vớt lên bằng cách nào đây?”.

Ðoạn, khỉ đột chúa nói: “Ta biết cách đem lên. Ta nắm cành cây, các ngươi nắm đuôi ta, nối kết vào nhau, thì có thể vớt lên được”.

Thế rồi, các khỉ đột liền làm theo lời khỉ chúa, lần lượt nắm vào nhau, nhưng chưa tới nước mà vì một chùm khỉ quá nặng còn cành cây thì yếu ớt nên bị gãy tiện. Thế là, cả chùm khỉ đột đều rơi tõm vào trong giếng nước. Bấy giờ, thần cây liền đọc kệ:

“Một bầy thú lẩn thẩn
Ngu si nắm đuôi nhau
Tự mình gây khổ não
Làm sao cứu thế gian?”.

Bấy giờ, Phật liền nói với các Tỉ-kheo:”Con khỉ đột chúa thuở ấy, nay là Ðề Bà Ðạt Ða, còn bầy khỉ đột lúc bấy giờ, nay là nhóm sáu Tỉ-kheo này. Ngày xưa đã từng tùy thuận nhau mà chuốc lấy khổ não, rồi ngày nay cũng lại như thế”.

Ðoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại thành Vương xá phải tập họp lại tất cả, rồi vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— “Nếu Tỉ-kheo đồng ý tương trợ nhau, hoặc một, hoặc hai, hoặc nhiều người cùng nói, cùng ý kiến, muốn phá sự hòa hợp của Tăng (284b); khi các Tỉ-kheo khuyên can Tỉ-kheo ấy, thì Tỉ-kheo đồng bọn nói: “Các trưởng lão chớ nói về việc tốt xấu của Tỉ-kheo ấy, tại vì sao? Vì Tỉ-kheo ấy nói đúng pháp, nói đúng luật. Những lời nói của Tỉ-kheo ấy chúng tôi đều chấp nhận, những ý kiến và việc làm của Tỉ-kheo ấy chúng tôi đều chấp nhận. Tỉ-kheo ấy biết mới nói, chứ không phải không biết mà nói”.

Các Tỉ-kheo phải khuyên can Tỉ-kheo đồng tình này như sau: “Các trưởng lão chớ nên nói rằng: Tỉ-kheo ấy nói đúng pháp, nói đúng luật. Tại vì sao? Vì đó là Tỉ-kheo nói phi pháp, nói phi luật. Các trưởng lão chớ nên trợ giúp việc phá Tăng, mà nên vui vẻ tán trợ sự hòa hợp của Tăng. Tại vì sao? Vì Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh cãi, cùng học một giới, như nước hòa với sữa, điều gì đúng pháp thì nói là đúng pháp một cách rõ ràng thì mới sống an lạc. Các trưởng lão nên bỏ việc phá Tăng ấy đi”.

Nếu Tỉ-kheo đồng bọn khi được các Tỉ-kheo khuyên can mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các Tỉ-kheo nên khuyên can lần thứ hai, thứ ba để ông ta bỏ việc ấy. Nếu khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba mà bỏ việc ấy thì tốt, nếu không bỏ thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa”.

Giải thích

Tỉ-kheo: Ở đây chỉ cho Ðề Bà Ðạt Ða.

Tỉ-kheo cùng nói, cùng ý kiến: Chỉ cho nhóm sáu Tỉ-kheo.

Hoặc một, hoặc hai, hoặc nhiều người cùng nói, cùng ý kiến: Hoặc có khi cùng nói mà không cùng ý kiến, hoặc có khi cùng một ý kiến mà không cùng nói; hoặc có khi cùng nói cũng cùng ý kiến; hoặc có khi không cùng nói cũng không cùng một ý kiến.

Cùng nói mà không cùng ý kiến: Dùng lời nói để trợ giúp nhau, nhưng không đồng ý kiến với người ấy; đó gọi là cùng nói mà không cùng một ý kiến.

Cùng ý kiến mà không cùng nói: Cùng chung ý kiến với người ấy mà không nói giúp vào. Ðó gọi là cùng một ý kiến mà không cùng nói.

Cùng nói và cùng ý kiến: Hỗ trợ lời nói của người ấy, đồng thời cùng ý kiến với họ. Ðó gọi là cùng nói cùng ý kiến.

Chẳng cùng nói cũng chẳng cùng ý kiến: Không tán trợ lời nói của người ấy, cũng không cùng ý kiến. Ðó gọi là chẳng cùng nói cũng chẳng cùng ý kiến.

Trong những trường hợp trên: Cùng nói chẳng cùng ý kiến và cùng nói cùng ý kiến, thì đáng khiển trách.

Cùng nói và cùng chung ý kiến: Ðối với mười hai pháp (mười hai đoạn của bài tựa giới kinh), Phật không chế mà chế ra, Phật đã chế mà khai ra, đó gọi là cùng nói và cùng ý kiến. Lại nữa, đối với năm chúng tội, Phật không chế mà chế, Phật đã chế bèn khai ra; đối với bốn chúng, ba chúng, hai chúng và một chúng tội cũng thế, nghĩa là Phật không chế mà chế ra, Phật đã chế liền khai mở. Lại nữa, đối với sáu pháp “Tác xả”, Phật không chế mà chế ra, Phật đã chế bèn khai mở. Ðó gọi là cùng nói cùng ý kiến. Trong trường hợp này, các Tỉ-kheo nên khuyên can thầy Tỉ-kheo ấy rằng: “Trưởng lão đừng tham dự vào việc phá sự hòa hợp của Tăng, rồi tìm đủ mọi cách để cùng nói và cùng đồng ý”.

Trong khi các Tỉ-kheo khuyên can (284c) mà các Tỉ-kheo ấy vẫn kiên trì cố chấp vào việc đó: Ðó là nhóm sáu Tỉ-kheo.

Các Tỉ-kheo: Hoặc là Tăng, hoặc là nhiều người, hoặc là một người vậy.

Khuyên can ba lần: Khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở giữa nhiều người ba lần và khuyên can giữa chúng Tăng ba lần.

Khuyên can ở chỗ vắng: Chẳng hạn nói: “Các trưởng lão có thật tham dự vào việc phá sự hòa hợp của Tăng, tạo phương tiện, cùng nói cùng chung ý kiến với người đó chăng?”

Ðáp: “Có thật như vậy!”

Lại nói: “Trưởng lão! Ông chớ có tham dự vào việc phá sự hòa hợp của Tăng, rồi tạo phương tiện cùng nói, cùng chung ý kiến với người đó. Vì phá Tăng là việc ác rất lớn, sẽ rơi vào đường ác, chịu đau khổ lâu dài. Tôi nay vì từ tâm khuyên can ông. Vậy ông nên bỏ việc đó đi. Lần khuyên can thứ nhất đã hết, còn hai lần khuyên can nữa”. Nếu bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như thế. Khi khuyên can ở giữa nhiều người cũng như vậy. Rồi đến giữa Tăng ba lần Yết ma khuyên can mà vẫn không đình chỉ, thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa.

­- Tăng Già Bà Thi Sa: Như trên đã nói. Nếu Tỉ-kheo ấy được khuyên can ở chỗ vắng một lần mà không chấm dứt thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Lần thứ hai, thứ ba cũng như vậy. Ðược khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần cũng như vậy. Nhưng nếu ở giữa Tăng làm Yết ma khuyên lần đầu chưa xong mà không chấm dứt, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nhưng nếu nói xong (lần đầu) thì phạm tội Thâu Lan Giá. Lần Yết ma thứ hai chưa xong mà không chấm dứt, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu nói xong, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Lần Yết ma thứ ba chưa xong mà không chấm dứt, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu nói xong, thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa.

Tội Tăng Già Bà Thi Sa phát khởi từ khi khuyên can ba lần ở chỗ vắng (phạm tội Việt Tỳ Ni) ba lần ở giữa nhiều người (cũng phạm tội Việt Tỳ Ni) và ở giữa chúng Tăng phạm tội Thâu Lan Giá. Tất cả các tội ấy gộp lại thành một tội Tăng Già Bà Thi Sa. Nếu giữa chừng mà đình chỉ, thì tùy theo đình chỉ ở chỗ nào mà theo đó trị tội. Do đó đức Thế Tôn nói:

“Nếu Tỉ-kheo đồng tình hỗ trợ nhau, hoặc một, hoặc hai, hoặc nhiều người cùng nói, cùng ý kiến, rồi được Tăng khuyên can ba lần vẫn không bỏ, thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa”.

(Hết giới Tăng tàn thứ 11)

12. GIỚI: NGOAN CỐ.

Khi Phật an trú tại nước Câu xá Di, nói rộng như trên. Bấy giờ, trưởng lão Xiển Ðà ác tánh, khó nói chuyện với thầy. Các Tỉ-kheo như pháp, như luật khuyên bảo, thì thầy nói một cách bướng bỉnh: “Các trưởng lão chớ nói tôi hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói các trưởng lão hoặc tốt hoặc xấu. Vì sao thế? Vì các ông đều là dòng họ tạp nhạp, còn tôi là con nhà quan; ví như chim, quạ ngậm những loại xương khác nhau cùng đậu tại một chỗ, thì làm sao khuyên bảo tôi về các việc Phật Pháp Tăng. Từ khi tôi chấp nhận theo Bồ tát xuất gia, tôi thường theo hầu ngài cho đến ngày nay, chỉ có Phật dạy tôi thì tôi mới vâng lời”. Khi ấy các Tỉ-kheo bèn nói với Xiển Ðà: “Trưởng lão! Các Tỉ-kheo đã khéo nói về các việc vi phạm thuộc lãnh vực giới luật, (285a) thầy đừng có làm cho mình thành người không ai có thể nói chuyện được, thầy nên làm người có thể nói chuyện được. Trưởng lão! Thầy nên khuyên bảo các Tỉ-kheo đúng theo tinh thần của giới luật và các Tỉ-kheo cũng theo đúng tinh thần của giới luật mà khuyên bảo thầy. Vì sao vậy? Vì cùng nói chuyện, cùng bàn bạc, cùng khuyên nhủ, ai có tội thì cùng phát lồ, có như thế chúng đệ tử của Như Lai mới lớn mạnh. Trưởng lão hãy từ bỏ cái tật làm cho mình thành người không ai có thể nói chuyện được đó đi”.

Khuyên can lần thứ nhất như vậy mà không bỏ, rồi khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba cũng vẫn không bỏ, nên các Tỉ-kheo bèn đem nhân duyên ấy đến bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn! Trưởng lão Xiển Ðà tự làm cho mình thành người không ai có thể nói chuyện được, cho đến khuyên can ba lần vẫn không bỏ”. Phật nói với các Tỉ- kheo: “Ông Xiển Ðà này tự làm cho mình thành người không ai có thể nói chuyện được, cho đến khuyên can ba lần vẫn không bỏ. Vậy các ông phải đi đến chỗ vắng khuyên can ba lần. Nếu không bỏ, thì đến chỗ nhiều người khuyên can ba lần. Nhưng nếu vẫn không đình chỉ thì phải đến giữa chúng Tăng làm pháp Yết ma cầu thính, nên nói thế này:

“Xin đại đức Tăng lắng nghe! Trưởng lão Xiển Ðà này có tính xấu, khó cùng nói chuyện. Các Tỉ-kheo như pháp khéo nói về các việc vi phạm thuộc lãnh vực giới luật mà thầy lại tự làm cho mình thành người không ai có thể nói chuyện được.

Thế rồi đã được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần vẫn không chấm dứt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay nên khuyên can ở giữa Tăng ba lần, khiến cho chấm dứt việc ấy”.

Rồi khuyên can ở giữa Tăng: “Trưởng lão Xiển Ðà! Có thật thầy có tính xấu khó cùng nói chuyện, rồi các Tỉ-kheo như pháp như luật khuyên bảo mà thầy vẫn tự làm cho mình thành người không ai có thể nói chuyện được, thậm chí đã được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần mà vẫn không chấm dứt phải không?” Nếu đáp: “Quả thật như vậy!”, thì Tăng nên khuyên can: “Trưởng lão! Thầy không nên có tính xấu khó cùng nói chuyện, nay các Tỉ-kheo như pháp khéo nói về các việc vi phạm thuộc lãnh vực giới luật, thầy đừng có tự làm cho mình thành người không ai có thể nói chuyện được”, cho đến: “Vì cùng nói chuyện, cùng bàn luận, cùng khuyên nhủ, ai có tội thì cùng xuất tội, có như thế chúng đệ tử của Như Lai mới lớn mạnh”. Nay Tăng vì lòng từ khuyên can thầy là vì muốn được lợi ích. Một lần khuyên can đã xong, còn hai lần khuyên can nữa thầy nên đình chỉ việc ấy”. Nếu như không bỏ, thì lần thứ hai, thứ ba cũng khuyên can như vậy. Thế nhưng thầy vẫn ngoan cố không chấm dứt. Do đó, các Tỉ-kheo liền đem việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật bảo: “Gọi Xiển Ðà đến đây”.

Họ liền đi gọi đến. Rồi Phật hỏi Xiển Ðà: “Có thật ông có tính xấu khó cùng nói chuyện, thậm chí được khuyên can ở giữa chúng Tăng ba lần mà vẫn không chấm dứt chăng?”Ðáp: “Có thật như vậy”. Phật bèn khiển trách: “Xiển Ðà, đó là việc xấu. Há ông không thường nghe ta dùng nhiều nhân duyên để chê trách tính bướng bỉnh và khen ngợi tính không bướng bỉnh hay sao? Ðó là điều phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng (285b) việc đó để nuôi lớn thiện pháp”.

Thế rồi, các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Vì sao Tỉ-kheo Xiển Ðà này lại tự phụ nói rằng: “Chỉ có Phật dạy, tôi mới nghe lời?”. Phật liền nói với các Tỉ-kheo: “Tỉ-kheo Xiển Ðà này không những ngày nay không chịu nghe lời người khác, chỉ tin lời ta, mà trong thời quá khứ cũng đã từng như vậy”.

Các Tỉ-kheo lại bạch với Phật: “Ðã từng có như vậy sao? Chúng con muốn được nghe, mong Thế Tôn hãy nói”.

Phật nói: “Ðúng như vậy! Trong thời quá khứ có một trưởng giả ở thành Ba La Nại, nước Già thi, ông ta có một đứa nô bộc tên A Ma Do tính tình hung ác. Bấy giờ, trưởng giả cùng với những cậu con trai của các Bà la môn du hí tại viên lâm, thì bọn người theo hầu đều ở cả bên ngoài cổng vườn. Khi ấy, A Ma Do đang ở ngoài cổng vườn liền đánh bọn người theo hầu. Lúc ấy, mọi người theo hầu đều báo lại với chủ mình. Thế rồi, những người con của các Bà la môn đều ra khiển trách y. Nhưng A Ma Do không nghe lời họ, mà trả lời với những người con của các Bà la môn rằng: “Ta không nghe lời các người. Khi nào chủ ta đến rầy la ta, thì ta mới chịu nghe lời”. Rồi y tiếp tục đánh không ngừng. Họ liền đến báo với chủ của A Ma Do. Chủ của A Ma Do bình sinh có thiên nhãn, ông quan sát thấy dưới chỗ đánh nhau có kho tàng vàng bạc, vì hung khí của chất vàng bạc nên khiến chúng đánh nhau. Do vậy, ông bèn đến đó, la rầy tên nô bộc. Vì vậy, y mới dừng lại”.

Bấy giờ, Phật liền nói với các Tỉ-kheo: “Ông trưởng giả thuở ấy đâu phải ai khác mà chính là Ta đây, còn A Ma Do lúc đó, thì nay là Tỉ-kheo Xiển Ðà”. Các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Vì sao ông Xiển Ðà này ỷ thế Thế Tôn lăng mạ người khác?”.

Phật nói: “Này các Tỉ-kheo! Tỳ kheo Xiển Ðà không những ngày nay ỷ thế Ta khinh thường người khác mà trong thời quá khứ cũng đã từng ỷ thế Ta khinh thường người khác rồi”.

Các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Ðã từng có như vậy sao?”.

Phật nói: “Ðúng như vậy. Trong thời quá khứ tại thành Ba La Nại, nước Già Thi có một Bà la môn học rộng tên là Phất Lô Ê làm quân sư cho nhà vua. Ông thường dạy năm trăm đồng tử học tập. Khi ấy, kẻ gia nô của ông vừa sinh được một bé trai tên là Ca La Ha. Chủ nhà sai y phục dịch cho các đồng tử. Theo phép tắc của Bà la môn thì những chủng tộc khác không được phép nghe (những giáo lý của họ), nhưng vì tên nô bộc này gần gũi cung phụng các đồng tử, nên được ở gần họ. Do đó, khi Bà la môn dạy các đồng tử, thì tên nô bộc sáng dạ này ghi nhớ hết những điều ông giảng dạy. Thế rồi, một hôm, y có chút xích mích với các đồng tử, bèn bỏ sang nước khác, mạo xưng mình là con trai của Bà la môn Phất Lô Ê, (285c) tên Da Nhã Ðạt Ða, và nói với Bà la môn quân sư của quốc vương đó rằng: “Tôi là con trai của Phất Lô Ê, quân sư của quốc vương Ba la nại, vừa mới đến đây, muốn theo đại sư học giáo pháp của Bà la môn”.

Thầy trả lời rằng: “Có thể được!”. Tên nô bộc này bản tính thông minh, trước đã từng nghe, nay được nghe lại nên nghe đâu nhớ đó. Thế nên ông thầy rất vui, bèn nói với y: “Ta có việc phải đi đến nhà vua, vậy ngươi hãy thay mặt ta dạy dỗ năm trăm đồng tử môn đồ”.

Vì ông thầy Bà la môn này không có con trai mà chỉ có một cô con gái, nên suy nghĩ: “Nay ta có thể gả con gái cho Da Nhã Ðạt Ða, vì nó ở trong nhà ta cũng như con trai ta”.

Nghĩ thế, liền nói: “Da Nhã Ðạt Ða hãy nghe ta nói đây!”.

Ðáp: “Xin vâng lời!”.

Thầy liền nói: “Ngươi chớ trở về Ba la nại mà hãy ở lại nước này. Nay ta sẽ gả con gái ta cho ngươi”. Ðáp: “Xin vâng lời”.

Ông bèn gả con. Cô gái này cùng sống với chồng tại nhà mình, khiến gia đình dần dần trở nên giàu có. Nhưng Da Nhã Ðạt Ða vốn là con người khó tính, cô vợ làm thức ăn chua ngọt, mặn nhạt, sống chín không thể nào vừa miệng y, cho nên y thường ôm lòng tức giận. Thấy thế, cô vợ thường suy nghĩ: “Phải chi có người nào từ Ba la nại đến, ta sẽ theo họ học phương pháp nấu ăn, rồi ta áp dụng nấu nướng cung phụng chồng ta”.

Ông Bà la môn Phất Lô Ê nghe được sự tình ấy, liền suy nghĩ: “Tên nô bộc Ca La Ha của ta đã trốn sang nước khác, ta phải đến đó bắt về, may ra được lại nó”. Thế rồi, ông đi đến nước ấy. Lúc bấy giờ, Da Nhã Ðạt Ða cùng các học trò đang đi đến công viên dạo chơi, giữa đường y bỗng thấy chủ cũ từ xa, nên hoảng sợ, nói nhỏ với môn đồ: “Này các đồng tử! Các người hãy trở về, ai nấy lo việc học bài”.

Khi các học trò đi rồi, y bèn đến trước mặt chủ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, bạch với chủ rằng: “Con đến nước này nói với họ rằng đại gia là phụ thân con, rồi tôn vị quốc sư là Bà la môn học rộng làm thầy để học các Kinh điển cao cấp. Thầy Bà la môn ấy bèn đem con gái gả cho con làm vợ. Hiện giờ mong đại gia chớ nói rõ sự thật của con. Con sẽ phụng sự đại gia như đầy tớ đối với chủ”.

Ông Bà la môn này vốn là người hiểu rõ sự đời, liền đáp: “Ngươi thật là con ta, hà tất phải nhiều lời. Nhưng phải tạo điều kiện để ta trở về sớm”. Tên đầy tớ bèn đưa ông về nhà giới thiệu với mọi người trong nhà: “Phụ thân tôi vừa mới đến”.

Người vợ rất vui mừng, bèn sửa soạn các thức ăn uống dâng lên thiếch đãi. Sau khi ăn xong, lựa lúc nhàn rỗi, cô bèn lén đảnh lễ dưới chân Bà la môn, hỏi rằng: “Con phụng sự chồng con là Da Nhã Ðạt Ða, thường dâng các thức ăn uống, nhưng chàng không vừa ý, (286a) xin đại gia chỉ dạy. Lúc còn ở nhà chồng con thường ăn những thứ gì, để con làm các thức ẩm thực giống như khi trước”.

Khách Bà la môn bèn nổi giận, nhưng kiềm chế, suy nghĩ: “Cái thằng chết bầm, làm khốn khổ con gái người ta như thế đó!”, bèn nói với cô ấy: “Con hãy sắp đặt cho ta trở về sớm, đến lúc sắp đi, ta sẽ dạy con một bài kệ. Khi con đọc kệ ấy, sẽ khiến chồng con không thể nói nữa”.

Ðoạn, cô ta bèn nói với chồng: “Ông cụ Bà la môn từ xa đến, vậy hãy sớm tiễn ông ta trở về”.

Anh chồng liền suy nghĩ: “Ðúng như vợ ta nói, phải sớm tiễn ông ta trở về, không khéo ở lâu ngày lỡ nói năng sơ suất, sẽ tổn hại đến ta không ít”.

Rồi anh ta xuất ra nhiều tiền đưa cho vợ bảo sắm thức ăn và đích thân cung phụng để mua chuộc tình cảm của chủ. Sau khi dâng thức ăn xong, cô vợ bèn đảnh lễ từ biệt ông già và xin bài kệ ông đã hứa trước kia. Ông liền đọc bài kệ để dạy cho cô:

“Cô độc tới tha phương
Lừa dối người thiên hạ
Trước ăn thức ăn thô
Ðâu có chê ngon dở?”

Rồi bảo: “Nay ta dạy con bài kệ này, nếu khi nào nó giận dữ chê thức ăn dở, thì con hãy đứng gần nó, quay lưng lại, đọc nhỏ cho nó nghe”.

Dạy như thế rồi, ông bèn trở về lại bản quốc. Khi Da Nhã Ðạt Ða tiễn chủ đi rồi, mỗi lần đến bữa ăn, y lại nổi giận. Cô vợ bèn đứng bên cạnh chồng đọc lên bài kệ ấy. Khi y nghe kệ rồi, lòng thấy không vui, liền suy nghĩ: “Ôi! Ông già quái ác này, phanh phui chuyện xấu của ta”.

Thế nên, từ đó trở đi, y thường nói năng nhã nhặn, vì sợ cô vợ nói với người khác về sự ám muội của mình.

Bấy giờ, Phật liền nói với các Tỉ-kheo: “Bà la môn Phất Lô Ê của nước Ba La Nại thuở ấy nào phải là ai khác mà chính là Ta đây, còn tên nô bộc Ca La Ha lúc ấy thì nay là Tỉ-kheo Xiển Ðà vậy. Thuở ấy, Y đã từng ỷ thế Ta mà lăng mạ người khác, thì nay y lại ỷ thế Ta mà khinh miệt tha nhân”.

Ðoạn Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại Câu Xá Di phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại và chế giới:

–“Nếu Tỉ-kheo nói những lời hung ác, rồi được các Tỉ-kheo như pháp như luật khuyên can, bèn nói một cách bướng bỉnh: “Các ông chớ nói với tôi hoặc tốt hoặc xấu, tôi cũng không nói với các ông hoặc tốt hoặc xấu”, thì các Tỉ-kheo phải khuyên can Tỉ-kheo này rằng: “Trưởng lão! Các Tỉ-kheo như pháp như luật khuyên bảo, thầy chớ có bướng bỉnh mà nên vâng lời. Thầy cũng như pháp như luật mà khuyên bảo các Tỉ-kheo. Vì sao vậy? Vì các đệ tử của đức Như Lai có chỉ bảo lẫn nhau, khuyên can lẫn nhau. Ai có tội thì cùng (286b) phát lồ, thì thiện pháp mới tăng trưởng”.

Khi các Tỉ-kheo khuyên can Tỉ-kheo ấy nên bỏ việc đó, nhưng nếu không bỏ thì phải khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba. Nếu bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa”.

Giải thích

Tỉ-kheo dùng những lời nói bướng bỉnh: Chỉ cho Tỉ-kheo Xiển Ðà.

Các Tỉ-kheo như pháp, như luật khuyên bảo: Ðó là: Bài tựa của giới, bốn pháp Ba La Di, mười ba pháp Tăng Già Bà Thi Sa, hai pháp Bất Ðịnh, ba mươi pháp Ni Tát Kỳ Ba Dạ Ðề, chín mươi hai pháp Ba Dạ Ðề, bốn pháp Ba La Ðề Ðề Xá Ni, pháp Chúng học, bảy pháp Diệt Tránh, pháp Tùy Thuận; dùng các pháp luật này mà khuyên bảo lẫn nhau. Lại dùng năm Chúng Tội, bốn chúng tội, ba Chúng Tội, hai Chúng Tội, một Chúng Tội và sáu pháp Tác Xả để khuyên bảo lẫn nhau. Lại dùng các tội Ba La Di, Tăng Già Bà Thi Sa, Ba Dạ Ðề cho đến tội Việt Tỳ Ni, có thật chứ không phải không có thật, đúng lúc chứ không phải không đúng lúc, có lợi ích chứ không phải không có lợi ích, nói nhã nhặn chứ không phải nói thô lỗ, vì từ tâm chứ không phải cố ý vạch lỗi; đó gọi là như pháp, như luật khuyên bảo lẫn nhau.

Thầy Tỉ-kheo ấy: Tức là Xiển Ðà.

Các Tỉ-kheo: Ðó là một người, nhiều người và chúng Tăng.

Ba lần khuyên can: Khuyên can ba lần ở chỗ vắng, khuyên can ba lần ở chỗ nhiều người, và khuyên can ba lần ở giữa chúng Tăng.

Chỗ vắng: Người khuyên can ở chỗ vắng nên hỏi như sau: “Trưởng lão! Thầy có thật dùng những lời nói ngang bướng, rồi các Tỉ-kheo như pháp, như luật khuyên can, thì thầy tỏ ra ương ngạnh chăng?”Nếu đáp: “Có thật như vậy”, thì liền khuyên can: “Trưởng lão! Thầy chớ có dùng những lời nói ngang bướng. Khi các Tỉ-kheo như pháp, như luật khuyên can thì thầy nên nghe lời, thầy chớ có tỏ ra ương ngạnh…, cho đến “khuyên bảo lẫn nhau thì thiện pháp được tăng trưởng. Tôi nay vì lòng từ khuyên bảo thầy nên bỏ việc ấy đi. Một lần khuyên can đã xong, còn hai lần khuyên can nữa”. Nếu không bỏ, thì lần thứ hai, thứ ba cũng khuyên can như thế. Rồi lại khuyên can ở chỗ nhiều người cũng như thế. Nhưng nếu vẫn không chấm dứt, thì phải đem đến giữa Tăng làm pháp Yết ma cầu thính, tác bạch như sau:

“Xin đại đức Tăng lắng nghe! Thầy Tỉ-kheo mổ giáp này dùng những lời nói ngang bướng, rồi các Tỉ-kheo như pháp, như luật khuyên bảo vẫn không nghe lời. Ông đã được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần mà vẫn không chấm dứt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay nên khuyên can ở giữa Tăng ba lần khiến cho thầy chấm dứt việc ấy”.

Bấy giờ, Tăng liền hỏi: “Trưởng lão có thật dùng những lời nói ngang bướng, rồi các Tỉ-kheo như pháp, như luật khuyên bảo mà không nghe lời, lại được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần mà vẫn ngoan cố không nghe lời phải không?” (286c) Nếu đáp: “Có thật như vậy”, thì Tăng nên khuyên can: “Trưởng lão chớ có tỏ ra ương ngạnh. Các Tỉ-kheo đã như pháp, như luật khuyên can, cho đến “khuyên bảo lẫn nhau thì thiện pháp được tăng trưởng”. Nay Tăng vì lòng từ khuyên can thầy là muốn được lợi ích, vậy thầy nên nghe lời chúng Tăng mà bỏ việc ấy đi. Tăng khuyên can một lần đã xong, còn hai lần khuyên can nữa”. Nếu không chấm dứt thì phải khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba, nếu bỏ thì tốt, nếu không bỏ, thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa.

Tăng Già Bà Thi Sa: Như trên đã nói. Nếu Tỉ-kheo ấy đã được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần mà không chấm dứt thì mỗi lần khuyên can phạm mỗi tội Việt Tỳ Ni. Khi khuyên can ở giữa Tăng lần đầu chưa xong thì phạm tội Việt Tỳ Ni, khi Yết ma lần đầu xong thì phạm tội Thâu Lan Giá. Khi Yết ma lần thứ hai chưa xong cũng phạm tội Việt Tỳ Ni, và khi xong thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nhưng khi Yết ma lần thứ ba chưa xong thì phạm tội Thâu Lan Giá và khi nói xong thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa.

Tội Tăng Già Bà Thi Sa khởi đi từ lúc khuyên can ở chỗ vắng, cho đến khuyên can ở giữa chúng Tăng có các tội Việt Tỳ Ni, Thâu Lan Giá, gộp tất cả các tội ấy thành một tội Tăng Già Bà Thi Sa.

Nếu trường hợp đình chỉ nửa chừng, thì tùy theo đình chỉ ở chỗ nào trị tội ở chỗ đó. Thế nên đức Thế Tôn nói:

“Nếu Tỉ-kheo tự mình nói những lời ngang bướng, cho đến khuyên can ba lần mà không bỏ thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa”.

(Hết giới Tăng tàn thứ 12)

 

13. GIỚI: LÀM MẤT LÒNG TIN CỦA TÍN ÐỒ.

Khi Phật an trú tại thành Xá vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ-kheo ở tại thôn Ca Thi Hắc Sơn làm các việc trái oai nghi: thân trái oai nghi, miệng trái oai nghi, thân miệng trái oai nghi.

– Thân trái oai nghi: Hoặc chạy đi, chạy lại, hoặc nhảy nhót, đi lẩn quẩn, đi xà lui, đi khúm núm, hoặc gõ bồn cười đùa, hoặc cõng nhau, dùng cái thân làm các trò đùa như thế gọi là thân trái oai nghi.

– Miệng trái oai nghi: Giả tiếng voi kêu, lạc đà kêu, trâu rống, dê kêu, tiếng ngắn, tiếng dài, hoặc vểnh tai lên nghe; tạo ra các âm thanh như thế để đùa cợt.

– Thân, miệng trái oai nghi: Vẽ loang lổ trên mình, nửa bên trắng, bôi mặt đen, nhuộm tóc trắng, nhịp trống đánh đàn, gõ nhịp nhảy múa.v.v…

Bấy giờ, các Ưu bà tắc đi đến các Tỉ-kheo muốn lễ bái, nghe pháp, trông thấy việc như thế nên lòng không vui, liền nói: “Thưa thầy! Pháp của Sa môn là làm các việc thiện, khiến cho những người không tin sinh niềm tin, những người đã tin càng thêm tin tưởng, mà nay các thầy làm đều phi pháp, chỉ làm cho người không tin càng thêm bất tín, người đã tin thêm tổn hại”.

Nhóm sáu Tỉ-kheo liền nổi giận nói: “Ngươi là thầy Ta, là Hòa thượng của ta chắc! (287a) Ðó là điều nghịch lý. Lẽ ra ta phải dạy bảo ngươi, trái lại ngươi lại dạy bảo ta!”. Sự giận dữ ấy càng tăng mạnh, làm cho thân tổn hại, thân miệng tổn hại.

– Thân tổn hại: Họ đi vào nhà Ưu bà tắc lôi mấy đứa bé ra vả tát, đánh đấm, đập vỡ đồ dùng, bẽ gãy chân bò nghé, đâm thủng mắt dê, rồi vào trong cửa hàng của họ tại chợ đổ lộn xà ngầu các thứ: Thóc gạo, tiểu mạch, đại mạch, muối, bún, sữa, dầu, sữa chua không còn phân biệt được nữa. Rồi họ ra ngoài đồng ruộng, những đám lúa non cần nước thì họ xả nước cho khô, những đám không cần nước thì họ xả nước vào cho ngập, cắt phá lúa non, đốt cháy lúa chín. Ðó gọi là thân tổn hại.

– Miệng tổn hại: Ði đến nhà vua dèm pha người tốt, vu cáo kẻ lương thiện. Ðó gọi là miệng tổn hại.

– Thân miệng tổn hại: Núp vào chỗ khuất để hù nhát người khác, lôi kéo kẻ vô tội. Ðó gọi là thân miệng tổn hại.

Do thế, các Ưu bà tắc nổi giận nói: “Sa môn con dòng họ Thích mà làm các việc phi pháp, từ nay trở đi chúng ta đừng cúng dường cho họ nữa”.

Bấy giờ, Tỉ-kheo ấy cầm bát đi khất thực, gia đình kia trông thấy thầy, vẫn cho thức ăn như trước nên không đến nỗi vất vả lắm. Thấy thế, các Ưu bà tắc bèn giao ước với nhau: “Sa môn con dòng họ Thích đã làm việc bạo ác như thế, từ nay chúng ta đừng cho họ vào cửa nữa”. Thế rồi, Tỉ-kheo ấy bèn đến những nhà không có tín tâm khất thực. Ban đầu họ vẫn cho thức ăn, nhưng sau đó họ nghe các Ưu bà tắc cắt đứt không cho thức ăn nữa, họ nghĩ: “Nhất định đó là kẻ ác, vì sao ta lại cho thức ăn?”. Do đó họ không cho vào cửa nữa.

Vì vậy các Tỉ-kheo ấy bèn làm các việc thân tà mạng, khẩu tà mạng, thân khẩu tà mạng.

– Thân tà mạng: Làm bình đựng nước, làm đồ dùng bằng gỗ để bán, làm bình đựng sữa, làm túi da, dệt sợi, đan lưới, may áo, học làm bánh rồi đem bán, học bán thuốc, làm liên lạc cho người, làm các việc như vậy để mưu sinh, đó gọi là thân tà mạng.

– Khẩu tà mạng: Tụng đọc các chú thuật, như chú rắn, chú rồng, chú quỉ, chú bệnh, chú nước, chú lửa.v.v.., làm các việc như vậy để mưu sinh, đó gọi là khẩu tà mạng.

– Thân khẩu tà mạng: Tay tự nhiên bốc lửa, miệng niệm chú thuật, tay rưới sữa dầu, rải tung những hạt cải, làm các việc như vậy để mưu sinh, đó gọi là thân khẩu tà mạng.

Bấy giờ, các Ưu bà tắc ở thôn Hắc Sơn đi đến thành Xá vệ để giải quyết các việc quan. Sau khi xong việc, họ bèn đi đến Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật rồi đứng qua một bên, bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng con là những Ưu bà tắc tại thôn Hắc Sơn. Nhóm sáu Tỉ-kheo ở tại thôn này làm những việc phi pháp (nói rõ như trên), kính xin Thế Tôn hãy kiềm chế họ, khiến họ không ở thôn này nữa thì tốt”.

(287b) Bấy giờ Thế Tôn tùy thuận thuyết pháp dạy dỗ các Ưu bà tắc, khiến họ được lợi ích, hoan hỉ, rồi họ đảnh lễ mà đi. Thế rồi, đức Thế Tôn bảo A Nan: “Ông hãy đến thôn Hắc Sơn làm pháp Yết ma khu xuất nhóm sáu Tỉ-kheo”.

A Nan liền bạch với Phật: “Con không dám đi”.

Phật hỏi: “Vì cớ gì?”.

A Nan đáp: ‘ Bạch Thế Tôn! Nhóm sáu Tỉ-kheo tính tình thô tháo, hung bạo, nếu con đến đó thì cũng giống như các nông phu trồng mía đang chở mía từ ruộng về nhà, bỗng gặp lũ trẻ từ trong xóm đi ra, rồi chúng chạy ùa lại giựt lấy mía mà tìm một chỗ khuất để ăn. Nhóm sáu Tỉ-kheo này cũng như vậy. Nếu nghe con đến, ắt họ sẽ đón đường con làm những việc phi pháp; hoặc làm pháp Yết ma khu xuất con. Thế nên con khó mà đi được”.

Phật liền bảo A Nan: “Vậy thì ông hãy đi cùng với ba mươi người nữa, thì có thể chiết phục được họ”.

Khi ấy, A Nan cùng với ba mươi người thứ tự trước sau đi đến thôn Hắc Sơn. Lại có ba mươi Tỉ-kheo khác nghe tôn giả A Nan tới thôn Hắc Sơn, bèn bảo nhau: “Tôi chưa từng nghe pháp Yết ma khu xuất, vậy chúng ta nên theo A Nan đến thôn ấy để nghe pháp Yết ma khu xuất”. Thế rồi, họ kết hợp với ba mươi người trước thành ra sáu mươi Tỉ-kheo, một đoàn vui vẻ cùng đi.

Khi ấy, nhóm sáu Tỉ-kheo nghe tôn giả A Nan với sáu mươi người nữa cùng kết làm bè bạn đi đến làm pháp Yết ma khu xuất họ, nên họ đâm ra sợ hãi. Do vậy Tam Văn Ðà Ðạt Ða, Ma Ê Sa Ðạt Ða bèn chạy tới thôn Vương Ðạo; còn trưởng lão Xiển Ðà và Ca Lưu Ðà Di đi một do tuần để đón tiếp tôn giả A Nan và sám hối rằng: “Trưởng lão! Những việc làm của chúng tôi là bất thiện, phạm các tội lỗi, từ nay trở đi chúng tôi không dám tái phạm nữa”. Lúc bấy giờ, Tăng chúng nhận sự sám hối ấy, rồi tôn giả A Nan đi tiếp đến thôn ấy. Ở đây, ngoài hai người đã sám hối xong, hai người chạy trốn, còn những người khác đang ở đó, tôn giả bèn làm pháp Yết ma khu xuất. Vì đức Thế Tôn không cho phép chúng (Tăng) làm Yết ma với chúng (Tăng) mà chỉ cho phép chúng Tăng làm Yết ma với hai, ba người mà thôi. Khi làm Yết ma, người làm Yết ma phải nói như sau:

“Xin đại đức Tăng lắng nghe! Các Tỉ-kheo mổ giáp này ở tại thôn này, thường có những hành vi trái oai nghi mà không chấm dứt, người đạo kẻ tục đều biết cả. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nên làm Yết ma khu xuất các Tỉ-kheo mỗ giáp có hành vi trái oai nghi này”.

Rồi bạch như sau:

“Xin đại đức Tăng lắng nghe! Các trưởng lão Tỉ-kheo mỗ giáp kia thường có các hành vi trái oai nghi mà không chấm dứt, kẻ đạo người tục đều biết. Nay Tăng làm pháp Yết ma khu xuất các Tỉ-kheo mỗ giáp ấy. Các đại đức nào đồng ý thì im lặng (287c), ai không đồng ý hãy nói”.

Khi Yết ma xong lần thứ nhất tiếp đến làm Yết ma lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế. Cuối cùng kết thúc:

“Tăng đã làm xong pháp Yết ma khu xuất các Tỷkheo mổ giáp có các hành vi trái oai nghi, vì Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này cứ theo đó mà thi hành”.

Các pháp Yết ma miệng trái oai nghi cũng làm như thế. Ðồng thời, thân tổn hại, miệng tổn hại, thân miệng tổn hại cũng làm như thế. Thân tà mạng, miệng tà mạng, thân miệng tà mạng cũng như thế.

Sau khi nói ba lần Yết ma, các Tỉ-kheo trong nhóm sáu Tỉ-kheo bị khu xuất bèn nói với các Tỉ-kheo: “Tỉ-kheo Xiển Ðà, Tỉ-kheo Ca Lưu Ðà Di cũng làm điều phi pháp, vì sao chỉ đuổi chúng tôi mà không đuổi họ?”. Chúng Tăng bèn nói với mấy người đó: “Vì hai Tỉ-kheo ấy đã đi một do tuần nghinh đón chúng Tăng mà sám hối và chúng Tăng đã nhận sự sám hối của họ. Còn Tam Văn Ðà Ðạt Ða và Ma Ê Sa Ðạt Ða thì đã chạy sang thôn Vương Ðạo trốn thoát. Trong khi các ông hiện diện nơi đây, đã không nghinh đón chúng Tăng để sám hối, cũng không bỏ chạy, cho nên phải làm Yết ma khu xuất”.

Họ lại nói: “Thưa trưởng lão! Tăng nay tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si, cùng có tội như nhau mà kẻ thì bị đuổi đi, người thì không đuổi”. Các Tỉ-kheo bèn khuyên can: “Trưởng lão chớ đem điều phi lý mà hủy báng Tăng. Tăng không tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si, cũng không phải đối với những người đồng tội mà có người thì đuổi đi, người thì không đuổi đi”.

Khi các Tỉ-kheo khuyên can như vậy mà họ vẫn ngoan cố không chấm dứt, nên phải khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba, thế nhưng họ vẫn kiên trì không chấm dứt. Bấy giờ tôn giả A Nan bèn tùy thuận thuyết pháp cho các Ưu bà tắc khiến họ hoan hỉ cúng dường chúng Tăng trở lại như trước. Rồi tôn giả cùng đại chúng chuẩn bị trở về lại Xá Vệ.

Khi ấy các Tỉ-kheo bèn thưa với tôn giả A Nan: “Nay Tăng trở về hết, thì cảnh Già Lam này giao cho ai trông coi?”.

A Nan hỏi: “Thế thì nên để ai ở lại trông coi?”.

Các Tỉ-kheo nói: “Nên để trưởng lão Xiển Ðà ở lại”.

A Nan lại nói: “Xiển Ðà trước đây đã có lỗi khiến người ta không tin, làm sao có thể ở lại được?”.

Tôn giả bèn bổ nhiệm một Tỉ-kheo khác, rồi trở về thành Xá Vệ, đảnh lễ chân Thế Tôn, đứng hầu một bên. Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi: “A Nan! Các ông đã làm pháp Yết ma khu xuất tại thôn Hắc Sơn xong rồi ư?”.

Ðáp: “Ðã làm xong, bạch Thế Tôn! Tỉ-kheo Xiển Ðà và Ca Lưu Ðà Di đi cả một do tuần nghinh đón chúng Tăng để sám hối, còn Tam Văn Ðà Ðạt Ða và Ma Ê Sa Ðạt Ða thì chạy đến thôn Vương Ðạo. Ngoài ra, các Tỉ-kheo khác không tới sám hối, cũng không bỏ chạy, nên chúng Tăng đã làm Yết ma khu xuất. Thế nhưng, họ thấy Xiển Ðà và Ca Lưu Ðà Di không bị (288a) khu xuất, nên đã hủy báng chúng Tăng một cách phi lý rằng: “Tăng tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si, cùng phạm tội như nhau mà có người thì đuổi đi, người thì không đuổi”.

Phật nói với các Tỉ-kheo: “Nếu nhóm sáu Tỉ-kheo vô lý hủy báng chúng Tăng rằng: “Tăng tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si, cùng phạm tội như nhau mà có người thì đuổi đi, có người thì không đuổi”, thì các ông nên khuyên can ở chỗ vắng ba lần, chỗ nhiều người ba lần, rồi đến giữa chúng Tăng khuyên can ba lần, khiến cho họ bỏ việc ấy.

Khi ở chỗ vắng nên hỏi: “Các ông vì phân bì với Tỉ-kheo Xiển Ðà và Ca Lưu Ðà Di mà vô lý hủy báng chúng Tăng rằng: “Tăng tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si, cùng phạm tội như nhau mà có người thì đuổi đi, có người thì không đuổi”, có phải thế chăng?”.

Nếu đáp: “Có thật như vậy”, thì nên khuyên can ở chỗ vắng rằng: “Trưởng lão! Chớ vô lý hủy báng chúng Tăng. Vì sao vậy? Vì chúng Tăng không tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si, cũng không phải đối với những người cùng phạm tội mà có người thì đuổi, có người thì không đuổi. Các ông chớ nói rằng chúng Tăng tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si. Trưởng lão! Nay tôi vì lòng từ khuyên can các ông là vì muốn được lợi ích, vậy hãy bỏ việc ấy đi. Một lần khuyên can đã xong, còn hai lần khuyên can nữa”. Nếu họ không bỏ, thì lần thứ hai, thứ ba cũng khuyên can như vậy. Rồi khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần. Nhưng nếu vẫn không chấm dứt, thì nên đến giữa chúng Tăng làm pháp Yết ma cầu thính.

Người làm Yết ma nên nói như sau:

“Ðại đức Tăng xin lắng nghe! Nhóm sáu Tỉ-kheo này đã vô lý hủy báng chúng Tăng, rồi đã được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần mà vẫn không chấm dứt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay ở giữa chúng Tăng nên khuyên can ba lần khiến họ chấm dứt việc ấy”.

Thế rồi ở giữa chúng Tăng hỏi các Tỉ-kheo ấy: “Các ông có thật vô lý hủy báng Tăng, rồi được khuyên can ba lần ở chỗ vắng, khuyên can ba lần ở chỗ nhiều người mà vẫn không chấm dứt chăng?”.

Nếu đáp: “Có thật như vậy”, thì Tăng nênkhuyên rằng: “Trưởng lão! Chớ vô lý hủy báng chúng Tăng. Vì sao thế? Vì Tăng không có tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si, cũng không phải đối với những người đồng phạm tội mà có người thì đuổi, có người thì không đuổi. Nay Tăng vì lòng từ khuyên can các ông là muốn được lợi ích. Vậy các ông nên bỏ việc ấy đi. Một lần khuyên can đã xong còn hai lần khuyên can nữa”. Nếu họ không chấm dứt, thì lần thứ hai, thứ ba cũng khuyên can như vậy. Thế nhưng họ vẫn ngoan cố không chấm dứt. Do đó, các Tỉ-kheo bèn đem nhân duyên ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn: “Nhóm sáu Tỉ-kheo đã được khuyên can ba lần ở chỗ vắng, cho đến khuyên can ba lần ở giữa chúng Tăng mà vẫn ngoan cố không bỏ”.

Phật bảo: “Gọi nhóm sáu Tỉ-kheo đến”.

Khi họ đến rồi, Phật bèn hỏi nhóm sáu Tỉ-kheo: “Có thật các ông vô lý hủy báng Tăng, rồi được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, cho đến khuyên ở giữa chúng Tăng ba lần màï vẫn ngoan cố không chấm dứt phải không?”.

Ðáp: “Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!”.

(288b) Phật bèn nói với nhóm sáu Tỉ-kheo: “Ðó là việc ác. Các ông há chẳng nghe Ta thường khen ngợi tính dễ khuyên bảo và chê trách tính khó khuyên bảo hay sao? Nay vì sao các ông lại khó khuyên bảo, kiên trì không xả bỏ? Này nhóm sáu Tỉ-kheo! Ðó là điều phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy. Không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp”.

Khi ấy, các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Do đâu nhóm sáu Tỉ-kheo này chỉ vì Xiển Ðà và Ca Lưu Ða Di không bị đuổi mà vô lý hủy báng chúng Tăng?”

Phật nói: “Nhóm sáu Tỉ-kheo này không những ngày nay vô lý hủy báng chúng Tăng mà trong thời quá khứ cũng đã từng vô lý hủy báng người khác”.

Các Tỉ-kheo hỏi: “Ðã từng có như vậy sao?”

Phật đáp: “Ðã từng có như vậy!”

Các Tỉ-kheo nói: “Xin Thế Tôn hãy kể lại, chúng con muốn nghe”.

Phật nói: “Trong thời quá khứ có một thành phố tên Ba La Nại, nước tên Già Thi. Bấy giờ, trong nhà của vua có nuôi hai con chó, nhà vua dùng vàng, bạc làm dây buộc chúng và dùng châu báu đựng thức ăn cho chúng. Ban đêm, người ta mở dây thả ra để cho chúng giữ cửa ngõ. Bấy giờ, nhà vua bị chứng bệnh đau đầu, chữa trị đã mười hai năm mà không bớt, nhưng sau đó đã tạm bớt. Rồi trong khi ngủ, nhà vua nghe tiếng chó sủa khiến ông kinh sợ thức giấc, do đó, chứng đau đầu ngày càng tăng thêm. Bấy giờ, vua liền hỏi người hầu cận: “Vừa rồi có tiếng gì vậy?”

Ðáp: “Tiếng chó sủa đó”.

Vua liền nổi giận ra lệnh kẻ hầu cận đuổi hết các con chó đang có mặt (trong thành phố). Họ bèn theo lệnh đuổi hết chúng đi. Bấy giờ, có một con chó hỏi người đuổi nó: “Vì sao đuổi tôi?”

Người đuổi đáp: “Nhà vua vừa hơi bớt bệnh, thì trong giấc ngủ nghe tiếng chó sủa khiến vua kinh hãi thức giấc, nên bệnh lại gia tăng, do đó mà đuổi ngươi”.

Chó lại hỏi: “Tất cả chó đều bị đuổi hết phải chăng?”

Ðáp: “Ðều đuổi hết”.

Lại hỏi: “Hai con chó trong nhà của vua cũng bị đuổi chăng?”

Ðáp: “Hai con chó trong nhà của vua không bị đuổi”.

Chó liền giận dữ nói: “Ông vua này vô đạo, tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si”.

Rồi nó đọc kệ:

“Nếu bảo chó nguy hại
Thì nên đuổi tất cả
Mà nay không đuổi hết
Thế là vua vô đạo
Nhà mình nuôi hai con
Không đuổi mà đuổi ta
Mới biết ác vương này
Tùy thương, giận, sợ, si”.

Phật nói với các Tỉ-kheo: “Chó của nhà vua thuở ấy nay là Tỉ-kheo Xiển Ðà và Ca Lưu Ðà Di, còn các con chó khác nay là những Tỉ-kheo còn lại trong nhóm sáu Tỉ-kheo. Khi ấy, do thấy hai con kia không bị đuổi mà chúng bị đuổi nên đã vô lý phỉ báng, ngày nay bị đuổi lại cũng như thế”.

Vì hai Tỉ-kheo Xiển Ðà và Ca Lưu Ðà Di không bị đuổi nên các Tỉ-kheo kia vô lý hủy báng Tăng (288c), do đó các Tỉ-kheo bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Vì sao mọi người muốn cử Tỉ-kheo Xiển Ðà làm tri sự mà A Nan không đồng ý?”

Phật nói với các Tỉ-kheo: “Không những ngày nay Tỉ-kheo Xiển Ðà muốn làm tri sự mà A Nan không đồng ý, mà trong thời quá khứ cũng đã từng muốn được cử làm vua mà A Nan không đồng ý”.

Các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Ðã từng có như vậy sao?”

Phật nói: “Ðúng như vậy!”

Các Tỉ-kheo bạch: “Chúng con muốn được nghe, mong Thế Tôn hãy kể lại”.

Phật nói: “Trong thời quá khứ, tại một ngọn đồi dưới chân núi Tuyết có một chỗ nắng ấm, nhiều loài chim qui tụ về đó cùng bàn bạc: “Ngày nay, chúng ta hãy cử một con chim làm vua để cho các con chim sợ uy, không dám làm việc phi pháp”.

Các con chim nói: “Tốt! Nhưng ai nên làm vua?”

Có một con chim nói: “Nên cử Hồng hộc”.

Một con chim khác nói: “Không được! Vì sao? Vì nó có cẳng cao, cổ dài, giá như khi chúng ta phạm tội, thì nó sẽ mổ đầu chúng ta”.

Cả bầy đều bảo là đúng như vậy. Lại có một con nói: “Nên cử thiên nga làm vua, vì sắc lông trắng tuyệt, nên mọi con chim đều kính trọng”. Các con chim lại nói: “Con này không thể được, nhan mạo tuy trắng, nhưng cổ dài lại gấp khúc. Chính cổ mình đã không thẳng, thì làm sao sửa kẻ khác cho ngay chánh được”.

Rồi nó lại nói: “Chỉ có con công đủ màu sắc, ai xem cũng thấy vui mắt, nên có thể làm vua”.

Con khác lại nói: “Không thể được? Vì sao thế? Vì bộ lông tuy đẹp nhưng không biết hổ thẹn, mỗi lần múa là nó để lộ ra những chỗ xấu, cho nên không thể được”.

Một con khác nói: “Nên cử con chim cú trọc đầu làm vua. Tại vì sao? Vì ban ngày thì ngủ yên còn ban đêm thì siêng năng hoạt động, bảo vệ chúng ta, nên có thể làm vua”.

Cả đàn đều nói: “Ðược!”.

Bấy giờ, có một con oanh vũ, đậu ở gần đó, có trí tuệ, suy nghĩ: “Qui luật của loài chim là ban đêm ngủ nghỉ, mà đặc tính của con cú trọc này ban đêm lại không ngủ nghỉ, bắt mọi con chim phải vây quanh hầu hạ, ngày đêm canh gác túc trực không được ngủ nghỉ, rất là khổ cực. Nhưng nếu ta nói ra thì nó sẽ nổi giận vặt hết bộ lông ta, còn như không nói thì các loài chim phải chịu khốn khổ lâu dài. Ta thà bị vặt lông chứ không thể để lẽ phải bị chà đạp”, bèn đến trước muôn chim trương đôi cánh, cung kính nói với đàn chim rằng: “Xin nghe tôi đọc một bài kệ”. Bấy giờ, đàn chim bèn đọc bài kệ đáp:

“Có trí biết nghĩa rộng
Hà tất kể tuổi tác
Ngươi tuy tuổi còn thơ
Nhưng có trí, cứ nói!”
Khi oanh vũ nghe bầy chim đọc kệ, liền nói kệ:
Nếu nghe theo ý tôi
Chớ cho cú làm vua
(289a) Vì vẻ mặt lúc vui
Trông cũng thấy khiếp sợ
Huống gì khi giận dữ
Bộ mặt không coi được”.

Bấy giờ, bầy chim đều nói: “Ðúng như oanh vũ nói”. Rồi cùng nhau bàn bạc: “Con oanh vũ này thông minh trí tuệ, nên cử làm vua”, bèn suy tôn oanh vũ làm vua.

Thế rồi, Phật nói với các Tỉ-kheo : “Chim cú trọc thuở ấy, nay là Tỉ-kheo Xiển Ðà, còn chim oanh vũ nay là A Nan. Khi ấy con này đã ngăn cản con kia không cho làm vua, thì nay cũng lại ngăn cản không cho làm tri sự”.

Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo cư trú tại thành Xá vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại, rồi chế giới:

— “Nếu có các Tỉ-kheo sống tại thành phố hoặc thôn xóm mà làm những việc xấu khiến ai cũng thấy cũng nghe; làm vẩn đục tín tấm của người khác, ai cũng thấy, cũng nghe, thì các Tỉ-kheo nên nói với những Tỉ-kheo ấy: “Các Trưởng lão! Các vị đã làm những việc xấu khiến ai cũng thấy, cũng nghe; làm vẩn đục tín tâm của người khác, ai cũng thấy, cũng nghe. Các Trưởng lão! Các vị hãy đi khỏi nơi này, không nên ở đây nữa”.

Thế rồi, những Tỉ-kheo này nói với các Tỉ-kheo: “Các đại đức Tăng tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si. Tại sao? Vì có các Tỉ-kheo đồng tội như nhau mà có người thì đuổi, có người thì không đuổi”.

Các Tỉ-kheo nên nói với những Tỉ-kheo ấy: “Các Trưởng lão! Các vị chớ nên nói rằng: “(Tăng tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si. Có các Tỉ-kheo đồng tội như nhau, mà có người thì đuổi, có người thì không đuổi)”. Tại vì sao? Vì Tăng không tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si. Này các Trưởng lão! Các vị đã làm những việc xấu khiến ai cũng thấy, cũng nghe; làm vẩn đục tín tâm của người khác, ai cũng thấy, cũng nghe. Các vị hãy đi khỏi nơi này, không được ở đây nữa”.

Những Tỉ-kheo ấy khi được các Tỉ-kheo khuyên can, nếu vẫn kiên trì không bỏ, thì các Tỉ-kheo nên khuyên can lần thứ hai, thứ ba cho họ bỏ việc ấy. Khuyên can lần thứ hai, thứ ba mà bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa.

Giải thích

Các Tỉ-kheo: Hoặc là chúng Tăng, hoặc là nhiều người, hoặc là một người nương tựa tại thành phố hay tại xóm làng.

Thế nào là nương tựa vào xóm làng?: Nếu Tỉ-kheo ở nơi xóm làng ấy được y phục, ẩm thực, giường chõng, thuốc trị bệnh.v.v.. thì gọi là nương tựa mà sống. Nếu không được các thứ y phục, ẩm thực, giường chõng, thuốc trị bệnh.v.v… mà chỉ có nương tựa vào xóm làng để khỏi các tai nạn, thì cũng gọi là nương tựa mà sống. Nếu Tỉ-kheo không nương tựa vào xóm làng để tránh tai nạn, mà chỉ nương tựa nơi ranh giới của xóm làng, thì cũng gọi là nương tựa mà sống.

– (289b) Người khác: Các nhà Sát đế lợi, Bà la môn, Tỳ xá, Thủ đa la, đó gọi là người khác.

Làm vẩn đục: Nếu các Tỉ-kheo làm các việc phi phạm hạnh như uống rượu, ăn phi thời tại các xóm làng thì chưa phải là làm vẩn đục tín tâm của người khác.

Làm vẩn đục tín tâm của người khác: Nếu có người trong xóm làng trước đây có tín tâm cúng dường chúng Tăng, kiến tạo chùa tháp mà Tỉ-kheo làm cho họ thối thất đạo tâm, thì gọi là làm vẩn đục tín tâm của người khác.

Làm các việc xấu: Thân trái oai nghi, miệng trái oai nghi, thân miệng trái oai nghi; Thân tổn hại, miệng tổn hại, thân miệng tổn hại; thân tà mạng, miệng tà mạng, thân miệng tà mạng, đó gọi là làm việc xấu.

Làm các việc xấu khiến vẩn đục tín tâm của người khác, ai cũng thấy, cũng nghe: Làm các việc xấu tại nơi xóm làng khiến ai cũng thấy, cũng nghe, rồi các Tỉ-kheo nói với những Tỉ-kheo ấy: “Này các trưởng lão! Các vị đã làm những việc xấu, ai cũng thấy, cũng nghe, làm vẩn đục tín tâm của người khác, ai cũng thấy, cũng nghe. Nay chớ có ở đây nữa”.

Các Tỉ-kheo ấy liền nói lại: “Này các trưởng lão! Tăng tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si, có các Tỉ-kheo đồng tội mà người thì đuổi đi, người thì không đuổi”.

Rồi các Tỉ-kheo nói với những Tỉ-kheo ấy: “Này các trưởng lão! Các vị chớ nên nói như thế. Vì Tăng không tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si. Các vị hãy bỏ việc ấy đi”.

Những Tỉ-kheo ấy kiên trì không bỏ, lại còn vô lý hủy báng Tăng: Ðó là nhóm sáu Tỉ-kheo.

Các Tỉ-kheo: Hoặc là Tăng, hoặc nhiều người, hoặc là một người.

Ba lần khuyên can: Khuyên can ở chỗ vắng ba lần, ở chỗ nhiều người ba lần và ở giữa chúng Tăng ba lần.

Khuyên can ở chỗ vắng: Hỏi ở chỗ vắng: “Các trưởng lão! Các vị có thật vô lý hủy báng Tăng rằng: “Tăng tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si. Có các Tỉ-kheo đồng phạm tội mà người thì bị đuổi, người thì không bị đuổi, có phải thế chăng?” Nếu đáp: “Thật như vậy”, liền khiển trách: “Các trưởng lão chớ dùng những lời vô lý hủy báng Tăng. Vì sao thế? Vì Tăng không tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si, cũng không phải đối với những người đồng tội mà có người thì đuổi, có người thì không đuổi. Tôi nay vì lòng từ khuyên can các vị, là vì muốn được lợi ích. Vậy các vị hãy chấm dứt việc ấy đi. Một lần khuyên can đã xong, còn hai lần khuyên can nữa”. Nếu không bỏ thì phải khuyên can lần thứ hai, thứ ba, rồi khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần. Nhưng nếu vẫn ngoan cố không bỏ, thì phải đến giữa Tăng làm pháp Yết ma cầu thính, nói như sau:

“Xin đại đức Tăng lắng nghe! Các Tỉ-kheo mỗ giáp vô lý hủy báng Tăng và đã được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần, nhưng vẫn ngoan cố không chấm dứt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay nên khuyên can ba lần ở giữa Tăng, để cho chấm dứt việc ấy”.

Tăng nên hỏi: “Các trưởng lão! các vị có thật vô lý hủy báng Tăng rằng: “Tăng tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si (289c).v.v.. cho đến được khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần mà vẫn ngoan cố không bỏ phải không?”. Nếu đáp: “Có thật như vậy”, thì Tăng nên khuyên can: “Các trưởng lão! Các vị chớ vô lý hủy báng chúng Tăng. Vì cớ sao? Vì Tăng không tùy thương, tùy giận, tùy sợ và tùy si, cũng không phải đối với những người đồng tội mà có người thì đuổi, có người thì không đuổi. Nay Tăng vì lòng từ khuyên can các vị, là muốn được lợi ích. Một lần khuyên can đã xong, còn hai lần khuyên can nữa. Các vị nên bỏ việc ấy đi”. Nếu không bỏ thì khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba. Nhưng nếu vẫn không bỏ thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa.

Tăng Già Bà Thi Sa: Như trên đãnói. Những Tỉ-kheo ấy được khuyên can ở chỗ vắng ba lần mà không chấm dứt thì mỗi lần khuyên can phạm mỗi tội Việt Tỳ Ni. Rồi khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần cũng như thế. Ðến khi khuyên can ở giữa chúng Tăng, lần đầu chưa xong thì phạm tội Việt Tỳ Ni; nói xong thì phạm tội Thâu Lan Giá. Lần khuyên can thứ hai, nói chưa xong thì phạm tội Việt Tỳ Ni; nói xong thì phạm tội Thâu Lan Giá. Lần khuyên can thứ ba nói chưa xong phạm tội Thâu Lan Giá, nói xong thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa.

Tội Tăng Già Bà Thi Sa khởi đi (trừ ba tội Thâu Lan Giá do vô lý hủy báng chúng Tăng) từ khi khuyên can ở chỗ vắng ba lần, khuyên can ở chỗ nhiều người ba lần và khuyên can ở giữa chúng Tăng ba lần, gồm tất cả các tội Việt Tỳ Ni, các tội Thâu Lan Giá gộp chung lại thành một tội Tăng Già Bà Thi Sa.

Nếu nửa chừng mà đình chỉ thì tùy theo đình chỉ ở chỗ nào, trị tội ở chỗ đó. Thế nên nói:

“Có các Tỉ-kheo nương tựa vào thành phố hoặc xóm làng mà sinh sống…, cho đến khi khuyên can lần thứ hai, thứ ba mà bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa”.

(Hết giới Tăng tàn thứ 13)

HAI PHÁP BẤT ÐỊNH

1. GIỚI: NGỒI CHỖ KHUẤT VỚI NGƯỜI NỮ.
2. GIỚI: NGỒI CHỖ TRỐNG VỚI NGƯỜI NỮ.

Khi Phật an trú tại thành Xá vệ nói rộng như trên. Bấy giờ, ông Bà la môn đồng hương, bạn cũ của trưởng lão Ưu Ðà Di có cô con gái vừa về nhà chồng, ưu sầu, không vui, nên cô sai người báo tin cho cha cô đến thăm, nếu không đi được thì nhờ trưởng lão Ưu Ðà Di đến thăm cô. Người cha được tin bèn đến nói với Ưu Ðà Di: “Con gái tôi vừa mới về nhà chồng, ưu sầu không vui, nên sai người nhắn tin tôi, đồng thời cũng nhắn tin thầy (đến thăm). Tôi nay là người thế tục có nhiều việc nên không thể đi được, xin thầy thỉnh thoảng đến thăm nó”.

Ưu Ðà Di nói: “Có thể được! Nếu ông không dặn dò, tôi cũng phải đến thăm, huống gì ông đã dặn”. Thế rồi, trưởng lão Ưu Ðà Di sáng sớm hôm sau khoác y đi đến nhà ấy. Khi ấy cô ta đang đóng cửa mà ngồi. Ưu Ðà Di ở bên ngoài kêu: “Cô Tuyết có ở nhà không?”. Cô hỏi: “Ai đó?”. Ðáp: “Tôi là Ưu Ðà Di đây!”. Cô nói: “Sư phụ! Thầy hãy vào. Sư phụ, (290a) thầy hãy vào”. Thầy bèn bước vào, ngồi ở trong phòng cùng nói chuyện vãng với cô. Bấy giờ, bà mẹ chồng của cô là Tì Xá Khư Lộc Mẫu có ba mươi hai cậu con trai và ba mươi hai cô con gái, và các nàng dâu bà đều có phước đức, thành tựu các tướng tốt. Khi ấy bà thường dạy bảo con trai, con gái và các nàng dâu, khuyên răn họ về cách đối xử với cha mẹ, bà con. Rồi bà đi tới trước phòng của cô ấy. Bà vốn là người biết rõ lúc nào là đúng thời, nên không vào liền mà đứng trù trừ ở ngoài cửa. Thế rồi, bà nhìn vào khe cửa, thấy trong phòng có người cạo tóc, khoác y, đang nháy nhó thì thầm (với nàng dâu bà). Bà biết đó là người xuất gia nhưng không biết là Tỉ-kheo hay Tỉ-kheo ni, liền gọi cô dâu. Cô dâu ứng ngôn hỏi: “Ai đó?”

Ðáp: “Ta đây”.

Cô nói: “Ðại gia xin mời vào”.

Bà hỏi: “Người ở bên ngươi là ai vậy?”.

Cô đáp: “Thầy Ưu Ðà Di đấy”.

Ưu Ðà Di nói: “Ưu Bà Di vì sao không bước vào?”.

Lộc mẫu liền bước vào, hỏi: “Thầy Ưu Ðà Di! Thầy ngồi đây sao?”

Ðáp: “Ðúng vậy”.

Bà thưa: “Thưa thầy, chỗ ngồi này không được tỏ rõ, giả sử có điều gì mờ ám thì ai có thể biết được! Con sẽ đem việc này nói với các thầy Tỉ-kheo”.

Ưu Ðà Di vặn lại: “Bà nói những gì?”

Tì Xá Khư Lộc Mẫu nói: “Thấy Ưu Ðà Di cùng ngồi với phụ nữ”.

Ưu Ðà Di liền phản pháo: “Tôi cũng sẽ đến Phật nói về bà!”.

Bà bèn hỏi: “Thầy định nói điều chi?”.

Ưu Ðà Di nói: “Tôi thấy Tì Xá Khư Lộc Mẫu cùng ngồi với đàn ông”.

Bà liền hỏi: “Ðàn ông nào?”.

Ưu Ðà Di nói:”Ta chẳng phải đàn ông sao?”

Bà liền nói: “Thưa thầy! Phật không cấm con cùng ngồi với đàn ông, nhưng thầy là người xuất gia phải giữ gìn phép của Sa môn chứ?”.

Ưu Ðà Di giận dữ: “Than ôi! Ngươi đã não loạn ta không ít!”, rồi đứng lên bỏ đi.

Thế rồi, thầy đi tới nơi khác và cùng ngồi với phụ nữ tại một chỗ trống. Còn Tì Xá Khư Lộc Mẫu thì dạy bảo các con gái, con dâu xong rồi, bèn đi ra, lại thấy Ưu Ðà Di cùng ngồi nói chuyện với phụ nữ tại một chỗ trống, bà liền đến bên Ưu Ðà Di nói: “Ðó là việc bất thiện, không phải phép tắc của Sa môn. Vì sao thầy lại ngồi với phụ nữ ở chỗ trống trải, tôi sẽ đem việc này nói với các Tỉ-kheo”. Ưu Ðà Di hỏi: “Bà nói việc gì?”. Tì Xá Khư Lộc Mẫu nói: “Thấy Ưu Ðà Di ngồi một mình với phụ nữ ở chỗ trống mà nói chuyện”. Ưu Ðà Di liền phản pháo: “Ta cũng sẽ đến Phật nói về việc của bà”. Tì Xá Khư Lộc Mẫu hỏi: “Thầy nói điều gì?”. Ưu Ðà Di nói: “Tôi thấy Lộc Mẫu cùng ngồi nói chuyện với đàn ông ở chỗ trống”. Tì Xá Khư Lộc Mẫu hỏi: “Người đàn ông nào?”. Ðáp: “Ta chẳng phải (290b) đàn ông chắc?”. Tì Xá Khư Lộc Mẫu nói: “Tôi là người thế tục ngồi với đàn ông thì Phật cho phép, còn thầy là Sa môn phải giữ gìn phép tắc chớ sao lại thế?”. Ưu Ðà Di nói: “Bà quấy rầy ta ở mọi chỗ”. Nói như thế rồi, liền đứng dậy đi.

Bấy giờ Tì Xá Khư Lộc Mẫu bèn đem việc đó bạch với các Tỉ-kheo. Các Tỉ-kheo bèn đem bạch đầy đủ với Thế Tôn. Phật bảo: “Gọi Ưu Ðà Di đến!”. Họ liền gọi đến. Phật bèn hỏi Ưu Ðà Di: “Ông có thật như thế chăng?”Ðáp: “Có thật như thế, bạch Thế Tôn!”. Phật liền khiển trách Ưu Ðà Di: “Ông là kẻ ngu si. Ðó là một việc xấu, người thế tục còn biết phép tắc của người xuất gia điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Còn ông là người xuất gia mà lại không biết phép tắc ngồi đứng, nói năng, điều gì nên, điều gì không nên. Há ông không thường nghe Ta dùng nhiều nhân duyên chê trách việc tùy thuận dâm dục và khen ngợi ly dục hay sao? Nay vì sao ông làm việc xấu như thế? Ðó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng nó để nuôi lớn thiện pháp”. Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại thành Xá vệ phải tập trung lại tất cả. Khi đã tập họp xong, Thế Tôn bèn đem nhân duyên ấy hướng đến các Tỉ-kheo nói rộng về các nguyên nhân sinh khởi những sự lỗi lầm, khiển trách những lỗi lầm đã sinh khởi, rồi tùy thuận thuyết pháp cho các Tỉ-kheo. Vì mười việc lợi ích mà Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri chế giới cho các đệ tử, lập ra pháp Ba La Ðề Mộc Xoa.

Mười việc đó là:

1- Vì nhiếp phục Tăng.
2- Vì nhiếp phục Tăng một cách triệt để.
3- Vì để cho Tăng được an lạc.
4- Vì để chiết phục kẻ không biết xấu hổ.
5- Vì để những ai có tàm quí được sống an lạc.
6- Vì để cho người không có lòng tin khiến họ tin tưởng.
7- Vì để người đã có lòng tin tăng thêm tin tưởng.
8- Vì muốn chấm dứt Lậu hoặc ngay trong hiện tại.
9- Vì để cho các Lậu hoặc chưa sinh khởi thì không sinh khởi.
10- Vì muốn cho chánh pháp được tồn tại lâu dài, mở cửa cam lồ cho chư thiên và nhân loại.

Ðó gọi là vì mười việc lợi ích mà Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri chế giới cho các đệ tử; ai chưa nghe thì nghe, ai nghe rồi nên nghe lại:

— “Nếu Tỉ-kheo ngồi một mình với người nữ ở chỗ vắng vẻ, che khuất, có thể hành dâm được, rồi Ưu bà di khả tín tố cáo Tỉ-kheo ấy phạm một trong ba pháp: Hoặc Ba La Di, hoặc Tăng Già Bà Thi Sa, hoặc Ba Dạ Ðề. Ðoạn Tỉ-kheo ấy tự nói: “Tôi ngồi chỗ ấy”, thì trong ba pháp kia phạm pháp nào trị phạt theo pháp đó: Hoặc Ba La Di, hoặc Tăng Già Bà Thi Sa; hoặc Ba Dạ Ðề, phải tùy theo lời tố cáo của Ưu bà di khả tín mà trị phạt đúng như pháp. Thầy Tỉ-kheo ấy là người phạm pháp Bất Ðịnh thứ nhất.

Nếu Tỉ-kheo ngồi một mình (290c) với người nữ tại chỗ trống, không thể hành dâm được, rồi có Ưu bà di khả tín tố cáo Tỉ-kheo ấy phạm một trong hai pháp: Hoặc Tăng Già Bà Thi Sa, hoặc Ba Dạ Ðề. Ðoạn Tỉ-kheo ấy tự nói: “Tôi ngồi chỗ ấy”, thì phải căn cứ vào lời tố cáo của Ưu bà di khả tín mà trị phạt Tỉ-kheo ấy đúng như pháp: Hoặc Tăng Già Bà Thi Sa, hoặc Ba Dạ Ðề”.

Giải thích

(Xem lại một số từ ngữ đã được chú thích ở trước)

Chỗ che khuất: Hoặc ở chỗ tối, hoặc chỗ có che chắn.

Chỗ có thể hành dâm: Chỗ nam nữ có thể giao hoan mà không sợ hổ thẹn.

Một mình: Chỉ có một nam, một nữ mà không có người khác; giả sử có người khác mà đang ngủ, hoặc điên cuồng, hoặc trẻ con, phi nhân, súc sinh thì cũng gọi là một mình.

Ngồi chung: Ngồi gần nhau.

Ưu bà di khả tín: Người thành tựu mười sáu pháp sau đây thì gọi là Ưu bà di khả tín:

1- Qui y Phật.
2- Qui y Pháp.
3- Qui y Tăng.
4- Không làm tổn thương lòng tịnh tín đối với Phật.
5- Không làm tổn thương lòng tịnh tín đối với Pháp.
6- Không làm tổn thương lòng tịnh tín đối với Tăng.
7- Tăng chưa được lợi ích có thể làm cho lợi ích.
8- Tăng đã được lợi ích có thể làm cho tăng trưởng.
9- Tăng chưa được danh dự thì có thể làm cho danh dự vang xa.
10- Tăng bị tiếng xấu có thể sớm trừ diệt.
11- Không hành động tùy theo sự thiên vị.
12- Không hành động tùy theo sự giận dữ.
13- Không hành động tùy theo sự sợ hãi.
14- Không hành động tùy theo sự mê muội.
15- Hướng đến sự ly dục.
16- Thành tựu thánh giới.

Những ai thành tựu mười sáu pháp này thì gọi là người khả tín (đáng tin).

Nếu Tỉ-kheo ấy tự nói rằng biết sự việc, nhưng không biết là mình có ngồi hay không, thì nên trị phạt về sự việc. Nếu nói biết là mình có ngồi, nhưng không biết về sự việc, thì nên trị phạt về lỗi đã ngồi. Nếu nói biết về sự việc cũng biết là mình có ngồi, thì nên trị phạt cả hai. Nếu nói không biết về sự việc, cũng biết là mình có ngồi hay không, thì nên căn cứ vào lời tố cáo của Ưu bà di khả tín mà làm phép Yết ma mích tội tướng (tìm xem dấu hiệu của tội).

(Một số từ ngữ đã giải thích ở trước)

Chỗ trống trải: Chỗ sáng sủa trống trải, không có gì che chắn, đó gọi là chỗ trống trải.

Chỗ không thể hành dâm: Chỗ mà, nếu nam nữ giao hoan thì có thể công xúc tu sĩ.

(291a) Thế nên nói:

“Nếu Tỉ-kheo ngồi một mình với một người nữ ở chỗ che khuất, kín đáo, có thể hành dâm được…, cho đến bị Ưu bà di khả tín tố cáo, thì Tăng phải trị phạt Tỉ-kheo ấy đúng pháp. Ðó gọi là pháp Bất Ðịnh thứ nhất.

Nếu Tỉ-kheo ngồi một mình với người nữ ở chỗ trống trải, không thể hành dâm được…, cho đến bị Ưu bà di khả tín tố cáo, thì Tăng phải trị phạt Tỉ-kheo ấy đúng pháp. Ðó gọi là pháp Bất Ðịnh thứ hai.

(Hết hai pháp Bất Ðịnh)

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ bảy