LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 17

 

Phần 3: NÓI VỀ CÁC PHÁP: THỌ GIỚI, BỐ TÁT, AN CƯ, TỰ TỨ, Y, GIÀY DÉP DA, THỨC UỐNG V.V…

Đoạn 1: NÓI VỀ PHÁP THỌ GIỚI (Tiếp Theo)

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, có một ngoại đạo lõa hình rất thông minh, người trong nước Ma-kiệt gọi là kẻ biết nhiều thấy rộng, ông ta đến trong Tăng phường hỏi: Sa-môn Thích tử có ai dám cùng ta luận nghị? Thời điểm ấy các Tỳ-kheo đang an trú trong thiền định, không ai chịu luận nghị, cũng không ai chịu nói chuyện. Tôn giả Xá-lợi-phất khởi ý niệm: Người này nói như vậy, nếu không có vị nào luận nghị, chắc sẽ hủy nhục Phật pháp. Nay ta có thể cùng người này luận nghị. Hơn nữa, Ni-kiền này được người trong nước Ma-kiệt tôn kính, nếu ta dùng một cú nghĩa để hỏi, không thể thông suốt, chắc mất tiếng đồn có thể trở về với đại pháp. Nay ta nên dùng thời gian bảy ngày để luận nghị. Nghĩ như vậy rồi, tuyên bố: Tôi sẽ cùng ông luận nghị trong bảy ngày.

Bấy giờ, thành Vương-xá, Trưởng giả, Cư sĩ, Sa-môn, Bà-la-môn đều cùng nghĩ: Sa-môn Thích tử Xá-lợi-phất là đệ nhị sư hẹn cùng Nikiền đệ nhất sư bảy ngày luận nghị, chúng ta sẽ cùng nhau đến nghe. Thời hạn từ ngày thứ nhất đến ngày thứ sáu luận nói bao nhiêu việc đều khiến cho Ni-kiền thắt lưỡi lại, đến ngày thứ bảy, Xá-lợi-phất nói: Dục từ tư tưởng sinh. Ni-kiền-tử nói: Dục từ đối cảnh sinh. Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất nói kệ:

Thế gian dục là gốc
Đều từ tư tưởng sinh
Trụ thế gian do dục
Nên có tâm nhiễm đắm.

Ni-kiền liền dùng kệ nạn vấn lại:

Nếu dục do tưởng sinh
Do đó sinh nhiễm đắm
Tỳ-kheo giác quán ác
Bèn mất ngay phạm hạnh?
Xá-lợi-phất lại dùng kệ trả lời:
Nếu tưởng không sinh dục
Mà từ đối tượng sinh
Thầy ông thấy các sắc
Tại sao không thọ dục?

Ni-kiền nghe kệ này rồi không thể trả lời thêm được gì bèn sinh tâm thiện, muốn xuất gia học đạo trong giáo pháp của Đức Phật. Ngay lúc ấy, Bạt-nan-đà là người có tướng mạo cao đẹp nhất trong chúng, còn Xá-lợi-phất lại hình dung thấp nhỏ, Ni-kiền khởi ý nghĩ: Tỳ-kheo thấp nhỏ này mà tài trí còn như vậy, huống chi là người với tướng mạo đường đường kia. Ni-kiền liền đến chỗ Bạt-nan-đà thưa: Cho con xuất gia thọ giới cụ túc. Bạt-nan-đà liền độ. Xá-lợi-phất luận nghị xong, đến chỗ Đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân rồi ngồi lui ra một bên. Đức Phật hỏi:

– Thầy cùng Ni-kiền luận nghị bảy ngày như thế nào?

Xá-lợi-phất trình bày đầy đủ.

Đức Phật khen:

– Lành thay! Lành thay Xá-lợi-phất! Thầy có nhiều sự thương xót, có nhiều sự lợi ích.

Tỳ-kheo-Ni-kiền kia hỏi Bạt-nan-đà về kinh luật, đều không thể trả lời được, bèn khinh khi Phật pháp, cho là các Tỳ-kheo đều không biết gì, trở về lại ngoại đạo. Các Tỳ-kheo Trưởng lão hỏi, quở trách: Tại sao Tỳ-kheo mười tuổi hạ mà không biết pháp, không thể vì đệ tử giải quyết sự nghi hoặc khiến họ trở về lại với ngoại đạo? Quý vị bạch Phật. Đức Phật hỏi Bạt-nan-đà:

– Sự thật thầy có như vậy không?

– Bạch Thế Tôn! Sự thật con có như vậy.

Đức Phật quở trách như trên rồi, bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu chính mình không biết pháp mà cho người xuất gia thọ giới Cụ túc, phạm Đột-kiết-la.

Tỳ-kheo nào thành tựu mười pháp được trao giới cụ túc cho người: Thành tựu giới, thành tựu oai nghi, cẩn thận sợ tội nhỏ. Đa văn, có khả năng thọ trì pháp Phật nói. Tụng rành hai bộ luật, phân biệt nghĩa lý. Đủ khả năng dạy đệ tử tăng giới học, tăng tâm học, tăng tuệ học. Có khả năng trừ nghi cho đệ tử, cũng khiến cho người trừ nghi của họ. Có khả năng trị bệnh cho đệ tử, cũng có khả năng khiến cho người trị bệnh của họ, đệ tử sinh tà kiến ác có thể dạy cho họ bỏ, cũng có thể khiến cho người dạy bỏ. Nếu quốc độ nào, đệ tử hiểu biết còn sai lầm thì có khả năng xoay ý hướng cho họ, cũng có khả năng khiến cho người xoay chuyển việc đó. Đủ mười tuổi hay hơn mười tuổi. Lại thành tựu mười pháp nên trao giới cụ túc cho người: Biết tội nặng, biết tội nhẹ. Biết tội thô, biết phi tội thô. Biết tội hữu dư, biết tội vô dư. Biết tội có Yết-ma, biết tội không Yết-ma. Biết nhân duyên của tội. Đủ mười tuổi hay hơn mười tuổi. Lại phải thành tựu năm pháp nên trao giới cụ túc cho người: Có khả năng dạy đệ tử tăng giới học, tăng tâm học, tăng tuệ học, xét kỹ việc làm của mình, buộc niệm trước mắt. Lại thành tựu năm pháp: (ba pháp trước như trên) Thông minh, Biện tài. Lại thành tựu năm pháp: Giới thành tựu, Định thành tựu, Tuệ thành tựu, Giải thoát thành tựu, Giải thoát tri kiến thành tựu. Lại thành tựu năm pháp: Chính mình trụ nơi giới, dạy người trụ nơi giới. Tự mình trụ nơi định, dạy người trụ nơi định. Tự mình trụ nơi tuệ, dạy người trụ nơi tuệ. Tự mình trụ nơi giải thoát, dạy người trụ nơi giải thoát. Tự mình trụ nơi giải thoát tri kiến, dạy người trụ nơi giải thoát tri kiến. Lại thành tựu năm pháp: Thành tựu giới chúng vô học, định chúng vô học, tuệ chúng vô học, giải thoát chúng vô học, giải thoát tri kiến chúng vô học. Lại thành tựu năm pháp: Có khả năng dạy đệ tử tăng thượng giới, tăng thượng phạm hạnh. Biết phạm, biết không phạm. Biết sám hối, chưa sám hối. Đủ mười tuổi hoặc hơn mười tuổi. Nên trao giới cụ túc cho người. Độ Sa-di hay vì người làm y chỉ cũng như vậy.

Có một ngoại đạo muốn xuất gia, đến trong Tăng phường thưa với các Tỳ-kheo: Bạch Đại đức cho tôi xuất gia thọ giới Cụ túc. Các Tỳkheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Trước hết nên bạch nhị Yết-ma cho họ biệt trú bốn tháng để thử thách họ. Nếu hợp ý với các Tỳ-kheo, vậy sau mới cho họ xuất gia thọ giới Cụ túc. Khi tác pháp Yết-ma nên bảo ngoại đạo cởi bỏ giày dép, để trống vai bên phải, kính lễ sát chân tất cả Tăng, quỳ gối chấp tay, thưa:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con tên là… trước đây là ngoại đạo, nay cầu xin xuất gia trong pháp luật này, đến xin Tăng bốn tháng Biệt trú, xin Tăng rủ lòng thương cho con làm pháp Biệt trú. Nếu hợp ý với các Tỳ-kheo thì sau đó cho con xuất gia thọ giới cụ túc. Xin như vậy Ba lần. Tăng nên sai một Tỳ-kheo như pháp bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là… trước đây là ngoại đạo, nay muốn xuất gia thọ giới Cụ túc trong pháp luật này, nay đến xin Tăng pháp bốn tháng Biệt trú. Nay Tăng cho pháp bốn tháng Biệt trú. Nếu sau đó hợp ý với Tăng sẽ cho xuất gia thọ giới Cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là… trước đây là ngoại đạo, nay muốn xuất gia thọ giới Cụ túc trong pháp luật này, đến Tăng xin bốn tháng Biệt trú. Nay Tăng cho bốn tháng Biệt trú. Nếu sau đó hợp ý với Tăng sẽ cho xuất gia thọ giới Cụ túc. Các Trưởng lão nào chấp thuận xin im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã cho ngoại đạo tên là… pháp bốn tháng Biệt trú rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Không hợp ý với Tăng: Nghĩa là sáng sớm vào xóm làng chiều tối mới về, hoặc thường tới lui nhà đàn bà, dâm nữ, đồng nữ lớn tuổi, thường cùng với chúng nói năng, tìm cầu sắc dục bằng mọi phương tiện, hoặc nghe chê bai ngoại đạo trước đây đã theo thì ôm lòng giận dữ, nghe khen ngợi Tam bảo không vui, không thích, không ưa thích oai nghi Tỳ-kheo, không ưa tụng tập kinh Phật, không ưa thọ giáo giới. Như vậy gọi là không hợp ý với Tăng. Nếu ngược lại là hợp ý thì nên cho xuất gia thọ giới cụ túc.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo độ người mắc nợ cho thọ giới cụ túc. Thọ giới cụ túc rồi vào trong thành khất thực, chủ nợ thấy, nói: Người trả nợ cho tôi, ai cho người xuất gia? Có người nói: Nên đoạt lấy y bát, bắt đem đến cửa quan. Có người nói: Họ đã vào trong thành vô úy, nên thả đi cho rồi. Tại sao vậy? Vua Bình-sa có ra lệnh: Trong nước, nếu ai hủy nhục Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni sẽ bị trọng tội. Người chủ nợ bèn chê trách nói: Các Sa-môn này, không biết người nào nên độ, người nào không nên độ, tại sao lại độ kẻ mắc nợ, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Samôn. Tỳ-kheo Trưởng lão nghe bèn nghiêm khắc quở trách rồi bạch Phật. Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:

-Thật sự các thầy có như vậy không?

-Bạch Thế Tôn! Sự thật chúng con có như vậy.

Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo:

-Không nên độ người mắc nợ, cho thọ giới cụ túc. Khi độ và trao giới cụ túc, trước hết nên hỏi: Ngươi có mắc nợ ai không? Nếu nói không mắc nợ thì nên độ, nên cho thọ giới. Nếu nói có mắc nợ thì không độ, không nên cho thọ giới, nếu độ, cho thọ giới đều phạm Đột-kiết-la. Nếu không hỏi cũng như thế. Độ đầy tớ cũng như vậy.

Khi ấy, có một thiếu nhi cha mẹ bảo đến thầy học chữ và các kỹ thuật. Ông thầy dạy học sai làm các việc và thường đánh đòn. Thiếu nhi bỏ thầy về lại nhà. Cha mẹ liền bảo trở lại nhà thầy. Thiếu nhi nghĩ: Ông thầy hành hạ ta, cha mẹ lại không bênh ta. Nay ta nên bằng cách nào để cho thoát khỏi nạn này? Chỉ có một cách xuất gia thọ giới cụ túc. Nghĩ xong, liền đến Tăng phường thưa với Tỳ-kheo: Cho con xuất gia thọ giới Cụ túc. Các Tỳ-kheo bèn độ. Ông thầy giáo mất học trò, đến hỏi cha mẹ nó, cha mẹ nó nói: Tôi bảo nó trở lại nơi thầy, tại sao không có! Thế là cha mẹ nó và ông thầy đi tìm khắp nơi, đến Tăng phường hỏi các Tỳ-kheo… Các Tỳ-kheo đều nói không thấy, trong đó chỉ vị ấy đứng im lặng. Thầy giáo và cha mẹ nó tìm không được nên ra về. Sau đấy, thiếu nhi này vào thành khất thực, thầy giáo thấy chê trách nói: Sa-môn Thích tử thường nói không nói dối, tại sao độ người của tôi lại nói không thấy? Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bèn nghiêm khắc quở trách, rồi bạch Phật. Đức Phật dạy: Không nên độ người của kẻ khác, cũng như trên đã nói. Từ nay nếu độ người nên dẫn đến từng phòng để lễ Tăng, tự xưng danh tự khiến cho Tăng đều biết.

Lúc này, nơi thành Xá-vệ có nhóm đồng tử mười bảy người, chưa đủ hai mươi tuổi, Tất-lăng-già-bà-ta cho thọ giới cụ túc, không thể kham nhẫn được sự đói rét nên kêu khóc đòi ăn (như trong giới kinh đã nói). Khi cho thọ giới cụ túc nên hỏi đã đủ hai mươi tuổi chưa?

Bấy giờ, các Tỳ-kheo độ đám giặc ở chỗ A-luyện-nhã cho thọ giới cụ túc, sau đó vào thành Vương-xá khất thực, các Cư sĩ nói: Người này trước đây giết tôi như vậy, như vậy, họ đã cướp lấy của cải của tôi. Có người nói nên bắt đem đến nộp cho quan… cho đến câu: Phật bảo Tỳkheo không nên độ (như trên đã nói). Lại có các đám giặc nhàm chán việc ác, cầu xuất gia thọ giới cụ túc. Các Tỳ-kheo không biết nên giải quyết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Cho phép đem đến chỗ không ai biết họ, cho xuất gia thọ giới Cụ túc.

Khi đó, có một người gây tai họa cho thôn ấp, nhà chức trách tâu với Vua: Xin Vua ra lệnh cho nó đừng làm ác. Vua bảo: Các ngươi dẫn nó đến đây ta sẽ cho người giết nó. Thủ phạm nghe được liền trốn thoát. Truy tìm không ra, nhà chức trách lại tâu với Vua. Vua liền ra lệnh: Nếu bắt được cho phép giết liền. Thủ phạm nghe, khởi ý niệm: Nay ta trốn chỗ nào cho được an toàn tánh mạng? Chỉ nơi đạo Sa-môn Thích tử mới cứu được ta. Thủ phạm bèn đến trong Tăng phường cầu xuất gia. Các Tỳ-kheo liền độ. Sau đó vào thành Vương-xá khất thực, mọi người thấy, muốn bắt giết. Có người nói: Xuất gia rồi coi như đã chết, khỏi phải giết làm chi. Có người nói: Người này đã vào trong thành vô úy… cho đến 32 câu: Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Không nên độ (như trước đã nói).

Lúc ấy, Bạt-nan-đà có hai Sa-di, một tên là Kiển-trà, một tên là Ma-kiệt-đà, hành dâm lẫn nhau. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bạch Phật. Đức Phật hỏi Bạt-nan-đà:

-Sự thật ông có nuôi hai Sa-di không?

-Bạch Thế Tôn! Có.

Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo:

-Không nên nuôi hai Sa-di, nếu nuôi thì phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, có một gia đình bị phi nhân làm hại chỉ còn hai cha con. Ông cha khởi ý: Nhà ta bị tai ương, tang khó chưa mãn lại bị đói khổ cùng cực, nên đến nơi nào để tránh khởi họa này! Ông ta lại nghĩ: Samôn Thích tử được nhiều sự cúng dường, đau ốm có thuốc thang. Nay ta có thể dẫn hài nhi vào đó xin xuất gia thọ giới Cụ túc. Nghĩ rồi liền đến Tăng phường thưa các Tỳ-kheo: Cho con xuất gia thọ giới Cụ túc. Các Tỳ-kheo bèn cho xuất gia thọ giới Cụ túc. Khi vào thành khất thực, Tỳkheo kia, một tay bồng con một tay bưng bình bát, các bạch y thấy chê bai nói: Sa-môn Thích tử này không tu phạm hạnh. Hoặc có người nói, khi chưa xuất gia, hài nhi này đã có rồi. Nhưng các Tỳ-kheo sao không đợi hài nhi lớn rồi mới độ họ, để người này phải bồng con khất thực. Ai mà không lầm tưởng người này phá phạm hạnh?! Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bạch Phật. Đức Phật dạy: Không nên độ người có tiểu nhi.

Khi đó, người nước Ma-kiệt mắc phải bảy thứ trọng bệnh: Cả người mọc mụt ghê tởm, ung nhọt, hủi trắng, nửa người khô da quái gỡ, loang lỗ từng chấm đỏ, mỡ chảy ra. Chữa trị các chứng này chỉ có Kỳvức, ngoài ra không ai chữa được. Vua Bình-sa có ra lệnh cho Kỳ-vức: Ngươi nên trị bệnh cho nội cung của ta và Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, không được trị cho người khác. Do đó, các bệnh nhân đều tìm cách xuất gia thọ giới Cụ túc, các Tỳ-kheo đều cho xuất gia thọ giới Cụ túc. Vì phải tìm dược thảo và bào chế thuốc nên bận rộn nhiều việc, nên Tỳ-kheo bê trễ việc hành đạo. Các bạch y thấy chê trách, nói: Các Sa-môn như thầy thuốc, như đệ tử của thầy thuốc thường bào chế thang dược độ người trọng bệnh, không cân nhắc người đáng độ hay không đáng độ, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn.

Trường hợp có một Trưởng giả, bỗng nhiên mắc phải bảy thứ trọng bệnh, đến nói với Kỳ-vức: Chữa giùm bệnh cho tôi: Kỳ-vức trả lời: Ông không nghe nhà Vua ra lệnh hay chăng? Ông Trưởng giả nói: Ông bí mật vì tôi chữa bệnh, tôi sẽ tạ ông trăm ngàn kim tiền. Kỳ-vức trả lời như ban đầu. Ông Trưởng giả lại hứa tặng thêm hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm ngàn kim tiền, cho đến giao hết gia tài sự nghiệp và cả vợ con đều làm nô tỳ. Kỳ-vức vẫn trả lời như lúc đầu. Ông Trưởng giả khởi ý niệm: Đến thế này vẫn không kết quả, chỉ còn có cách xuất gia thọ giới Cụ túc. Ông bèn đến Tăng phường bạch với các Tỳ-kheo xin xuất gia thọ giới Cụ túc. Các Tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới Cụ túc. Kỳ-vức chữa suốt bảy ngày là lành hết các trọng bệnh nên không còn thì giờ để trị bệnh cho người trong cung Vua. Bệnh nhân trong cung có người phải chết. Ông Trưởng giả kia lành bệnh rồi liền hoàn tục. Kỳvức thấy, hỏi: Ông đã xuất gia tại sao lại bỏ đạo. Ông Trưởng giả nói: Sự thật tôi không có ý xuất gia, do ông không chịu chữa bệnh cho tôi, nên tôi quyền biến xuất gia, nay bệnh lành rồi thì hoàn tục. Khi ấy, Kỳvức đến chỗ Đức Phật, trình bày đầy đủ sự việc và thưa: Nếu nhà Vua biết việc này thì tội tôi không phải nhỏ, nguyện xin Đức Phật dạy các Tỳ-kheo không nên độ người có trọng bệnh. Đức Phật vì Kỳ-vức nói các pháp diệu rồi khiến ông về lại chỗ ở. Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:

-Thật sự các thầy có độ người trọng bệnh hay không?

-Bạch Đức Thế Tôn! Có.

Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo:

-Không nên độ người có trọng bệnh (như trên).

Bấy giờ, các Tỳ-kheo độ người thuộc về của nhà quan. Khi vào thành Vương-xá khất thực, các Cư sĩ thấy, biết, chê trách, nói: Tại sao Sa-môn Thích tử độ người thuộc của nhà quan, các người này không biết ai là người nên độ, ai không nên độ, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Hơn nữa, Vua A-xà-thế có một kiện tướng, sức mạnh bằng một ngàn người, người đời bấy giờ gọi là lực sĩ thiên nhân. Ông nhàm chán đời khổ, nên có suy nghĩ: Các Sa-môn Thích tử đều phụng hành chánh pháp, ta nên đến đó xuất gia để dứt trừ gốc khổ. Ông đến trong Tăng phường cầu độ, các Tỳ-kheo liền độ. Sau đó, nhà Vua muốn xuất quân, không thấy có người này, liền hỏi phần hành thuộc ông ta quyền. Họ tâu với Vua: Không biết lực sĩ thiên nhân ở đâu. Nhà Vua liền ra lệnh: Nếu quân đội tập hợp quân sĩ nào không đến, sẽ dùng quân pháp trị tội. Ngày quân đội tập hợp, nhà Vua lại hỏi: Kiện tướng đến chưa? Tâu chưa đến. Nhà Vua nói: Bộ binh mà không có người này cũng nhu tượng quân không có đệ nhất tượng. Khi quân giáp đã giải tán, mới nghe Sa-môn Thích tử độ cho xuất gia, nhà Vua nổi giận: Như thế này thì không lâu lắm Sa-môn Thích tử sẽ độ hết binh chủng của ta. Nhà Vua liền nghiêm cấm: Nếu độ quan nhân sẽ chẻ gân cốt vị Hòa thượng, cắt lưỡi A-xà-lê, còn các Tăng khác sẽ trị thật nặng, lấy cát lột da đánh tám roi, đuổi ra khỏi nước. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bèn nghiêm khắc quở trách, rồi bạch Phật. Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:

-Sự thật các thầy có như vậy không?

-Bạch Đức Thế Tôn! Có thật như thế.

Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo:

-Không nên độ người thuộc của nhà quan (cũng như trước).

Khi ấy, các Tỳ-kheo ở mãi nơi thành Vương-xá, các Cư sĩ dè bỉu, nói: Ngoại đạo còn có biết tùy thời đi ở. Sa-môn Thích tử cột chặt niềm vui một chỗ, bốn mùa không thay đổi cùng người đời đâu có khác? Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: Ông phổ biến đến các Tỳ-kheo: Nay Như Lai sẽ du hành về phương Nam, vị nào muốn tháp tùng thì tùy ý.

Tôn giả A-nan vâng lời Phật đi phổ biến chỉ thị này. Trong số các Tỳ-kheo từ một tuổi hạ cho đến chín tuổi hạ, thông minh biết hổ thẹn, muốn học giới, khởi ý niệm: Nếu Hòa thượng A-xà-lê của ta đi thì đi theo các thầy còn không đi thì cũng được. Tại sao vậy? Nếu ở đây ta thỉnh y chỉ, đến đó lại cùng thỉnh y chỉ thì lắm chuyện, lắm việc, phế bỏ việc hành đạo. Lúc Đức Phật khởi hành, các vị tùy tùng rất ít. Đức Phật cùng số ít Tỳ-kheo du hành về phương Nam. Chậm rãi thời gian đi qua, Đức Phật lại trở về thành Vương-xá. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tôn giả A-nan: Tại sao các Tỳ-kheo cùng ta du hành về phương nam quá ít? Tôn giả A-nan trình bày đầy đủ vấn đề. Đức Phật bằng mọi cách khen ngợi người thiểu dục, tri túc, khen giới, khen người trì giới rồi, bảo các Tỳ-kheo: Người nào thành tựu năm pháp được lìa y chỉ: Giới thành tựu, định thành tựu, tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. (đều như trong giới “Được trao giới cho người” đã nói.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở tại nước Thích Ca, các Tỳ-kheo độ người chưa được cha mẹ họ cho phép. Các Cư sĩ dị nghị, nói (như trên). Sau đó, Đức Thế Tôn sáng sớm đắp y bưng bát đến cung Vua Tịnh Phạn. Khi ấy, mẹ của La-hầu-la dẫn La-hầu-la lên trên lầu cao, từ xa thấy Phật đi đến, nói:

-Con thấy Sa-môn kia khôngLa-hầu-la thưa:

-Con có thấy.

Gia Du lại nói:

-Đó là cha của con, con có thể đến đòi của cải.

Đức Phật vào trong cung, ngồi nơi chỗ đất trống trước sân. Lahầu-la chạy xuống lầu tới chỗ Phật, đầu mặt kính lễ sát chân rồi đứng trong bóng của Đức Phật, thưa:

-Bóng mát này thích quá. Nguyện Phật cho của cải của cha con.

Đức Phật nói:

-Con nghĩ kỹ, có muốn được hay không?

La-hầu-la thưa:

-Con muốn được.

Đức Phật bèn dẫn về chỗ ở, bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

-Ông có thể độ đứa nhỏ này.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

-Trước đây Đức Thế Tôn cấm không được nuôi hai Sa-di, con đã có Châu-na rồi, không thể độ nữa.

Đức Phật dạy:

-Nay cho phép những người như ông, có khả năng giáo giới được nuôi hai Sa-di.

Thể thức độ như sau: Trước hết trao cho ba pháp quy y của Ưubà-tắc, dạy họ nói: Con tên là… quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng. Nói như vậy Ba lần. Lại dạy nói: Con tên là… quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tỳ-kheo Tăng rồi. Cũng nói ba lần: Con là Ưu-bà-tắc của Phật Bà-già-bà. Lại nên dạy nói: Con tên là… trọn đời không sát sinh, trọn đời không trộm cắp, trọn đời không tà dâm, trọn đời không nói dối, trọn đời không uống rượu. Lại nên dạy nói: Con tên là… quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng. Nói như vậy Ba lần. Nay con ở trong chánh pháp của Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, xuất gia làm Sa-di, Hòa thượng pháp hiệu… Kế tiếp dạy nói: Trọn đời không sát sinh là giới của Sa-di. Trọn đời không ăn trộm là giới của Sa-di. Trọn đời không dâm dục là giới của Sa-di. Trọn đời không nói dối là giới của Sa-di. Trọn đời không uống rượu là giới của Sa-di. Trọn đời không ca múa xướng hát, không xem nghe là giới của Sa-di. Trọn đời không đeo tràng hoa, thoa đồ thơm vào mình là giới của Sa-di. Trọn đời không ngồi nằm trên giường cao rộng là giới của Sa-di. Trọn đời không nhận và chứa cất vàng bạc, tiền của là giới của Sa-di. Trọn đời không ăn quá giờ ngọ là giới của Sa-di. Đây là mười giới của Sa-di. Khi ấy, Vua Tịnh Phạn nghe Phật đã độ La-hầu-la, nên rất áo não, đến chỗ Phật bạch: Xưa kia Phật xuất gia còn có Nan-đà không làm cho tôi áo não như vậy. Nan-đà đã lại xuất gia, còn chút hy vọng ký thác nơi đứa cháu này, nay lại xuất gia! Vấn đề thừa kế việc nước, việc nhà thế là đoạn tuyệt! Kẻ chưa dứt được vọng tình làm sao nhẫn chịu?! Nhà Vua lại nhân trường hợp của mình, bạch Phật: Sự luyến ái đối với con cháu còn hơn cốt tủy, tại sao các Tỳ-kheo lại lén dụ dẫn con người ta độ cho làm đạo, cúi xin Phật từ nay ra lệnh các Tỳ-kheo: Cha mẹ không cho phép thì không được độ. Đức Phật vì nhà Vua nói các pháp mầu, chỉ vẽ sự lợi ích khiến được hoan hỷ rồi, nhà Vua cáo từ trở về cung. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo:

-Cha mẹ của họ không cho phép, thật sự các ông có độ họ cho thọ giới cụ túc hay không?

Đáp: Bạch Thế Tôn! Có.

Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo:

-Từ nay cha mẹ không cho không được độ (cũng như trước).

Lúc đó, tại thành Vương-xá có một Trưởng giả đại phú tin ưa Phật pháp, thường đãi cơm cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Sau đó bị phi nhân làm hại, chỉ còn hai đứa nhỏ, nghèo khổ bần cùng, thường lượm thức ăn dư để sống. Hai đứa nhỏ trước kia thường thấy các Tỳ-kheo, cho nên từ xa thấy các Tỳ-kheo bèn chạy đến, cầm y bát, ngồi trên bắp vế của Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo sợ nhớp y bát nên tránh xa nó. Các Cư sĩ thấy, chê trách, nói: Nhà này, trước đây giàu có, tất cả Samôn không ngày nào là không đến, nay thấy kẻ mồ côi, bần cùng lại tránh đi xa, không biết ơn nuôi dưỡng, chỉ có thức ăn mới gần, không phạm hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bèn nghiêm khắc quở trách, rồi bạch Phật. Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:

-Thật sự các ông có như vậy không?

-Bạch Đức Thế Tôn! Có.

Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi hỏi Tôn giả A-nan:

-Hai đứa nhỏ kia bao nhiêu tuổi? Có thể đuổi quạ nơi nhà ăn được hay chưa?

Tôn giả A-nan thưa:

-Có thể đuổi được. Đứa lớn tám tuổi, đứa nhỏ bảy tuổi.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Nay ta cho phép độ hai đứa nhỏ… cho đến câu: Có thể đuổi quạ.

Các Tỳ-kheo độ hai đứa nhỏ rồi, sai nó đuổi quạ nơi nhà ăn mà không cho thức ăn chánh. Các Cư sĩ thấy, nói: Các Sa-môn này thường khen ngợi sự bố thí, ăn bình đẳng, nay độ hai đứa nhỏ này chỉ sai đuổi quạ mà không cho thức ăn chánh. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe bạch Phật. Đức Phật dạy: Như phần ăn của Thượng tọa nhận được, phần của Sa-di cũng như vậy, đứa nhỏ đuổi quạ cũng cho bình đẳng như trên.

Bấy giờ, có một thanh niên hại mẹ, suy nghĩ về tội nặng, thường

có sự hối hận sợ sệt, không biết làm thế nào để tiêu diệt tội này, nghĩ: Sa-môn Thích tử đều phụng hành chánh pháp, tịnh tu phạm hạnh, nếu ta vào đó xuất gia tội sẽ nhẹ bớt. Nghĩ xong, người thanh niên bèn đến Tăng phường thưa các Tỳ-kheo: Cho tôi xuất gia thọ giới Cụ túc. Các Tỳ-kheo hỏi thanh niên: Ngươi là ngoại đạo, không kính tin Phật pháp, tại sao nay lại muốn xuất gia ở nơi đây? Thanh niên đem sự thật để trả lời. Các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Người hại cha mẹ đối với giáo pháp của Ta không sinh lại, không nên cho xuất gia thọ giới Cụ túc, nếu đã thọ giới Cụ túc thì nên diệt tẫn (đuổi đi).

Lúc ấy, có giặc ở A-luyện-nhã giết một Tỳ-kheo ở A-luyện-nhã, từ đó về sau, ông ta, tâm thường bị đốt cháy, não loạn, giống như tro nóng bị nướng cháy thân hình, ngày đêm thống khổ, không một chút bình yên, bèn nghĩ: Sa-môn Thích tử đều phụng hành chánh pháp, tịnh tu phạm hạnh, nếu ta xuất gia nơi đó có thể tránh khỏi nỗi nhiệt não này. Nghĩ rồi liền đến Tăng phường cầu xin xuất gia. Các Tỳ-kheo nói: Ông là giặc ở A-luyện-nhã thường ưa giết người cướp đoạt của cải của người, không có tâm thương xót, nay tại sao lại muốn xuất gia trong pháp luật của Phật? Đương sự bày tỏ sự thật để trả lời. Các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Tỳ-kheo bị giết kia là vị A-la-hán, nên kẻ sát này đối với giáo pháp của Ta không sinh lại, không nên cho xuất gia thọ giới Cụ túc, nếu đã thọ giới Cụ túc thì nên diệt tẫn.

Khi đó, Điều-đạt với tâm ác làm thân Phật chảy máu, các Tỳ-kheo không biết phải nên đãi ngộ thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Với tâm ác làm thân Phật chảy máu, đối với giáo pháp của Ta không sinh lại, không nên cho xuất gia thọ giới Cụ túc, nếu đã thọ giới Cụ túc thì nên diệt tẫn. Điều-đạt phá Tăng cũng như vậy, không nên cho xuất gia.

Bấy giờ, Đức Phật du hóa ở nước Câu-tát-la, cùng với Đại Tỳkheo Tăng một ngàn hai trăm năm mươi vị đầy đủ, tuần tự du hành đến bên sông Hắc-ám, dừng chân dưới rừng Ta la. Có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên phải, đầu gối bên phải chấm đất, chấp tay, bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn! Rừng Ta la này là nơi phá phạm hạnh số đông Tỳ-kheo-ni.

Đức Phật hỏi:

-Tại sao ngươi biết?

-Bạch Thế Tôn! Khi ấy con ở đây.

Đức Phật lại hỏi:

-Ngươi có phá phạm hạnh của Tỳ-kheo-ni không?

Tỳ-kheo ấy thưa: Có.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Người phạm dâm Tỳ-kheo-ni đối với giáo pháp của Ta không sinh lại, không nên cho xuất gia thọ giới Cụ túc, nếu đã thọ giới Cụ túc thì nên diệt tẫn.

Lúc này, có một A-tu-la tử nhàm chán sinh lão bệnh tử, khởi ý niệm: Sa-môn Thích tử đều phụng hành chánh pháp, tịnh tu phạm hạnh, ta nên đến đó xuất gia, sẽ dứt hết các gốc khổ. Nghĩ rồi, hóa thành hình người đến Tăng phường cầu xin xuất gia, các Tỳ-kheo liền cho thọ giới Cụ túc. Tỳ-kheo mới này ăn phần ăn của một người cho đến bảy người mà vẫn không no, ăn cả thức ăn dư của Tăng mà vẫn không đủ. Khi ấy, thành Vương-xá có hai Cư sĩ, cùng một ngày, mỗi nơi mời năm trăm vị Tăng thọ trai. Các Tỳ-kheo đồng đến một nhà, chỉ riêng một Tỳ-kheo hóa thân này đến một nhà, trong chốc lát ăn hết năm trăm phần ăn, các Cư sĩ chê trách, nói: Tại sao các Tỳ-kheo lại độ phi nhân. Tỳ-kheo kia biết người ta biết rõ mình rồi, vội vã trở về vị trí cũ. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bạch Phật. Đức Phật dạy: Ở trong giáo pháp của Ta phi nhân không sinh lại, không nên cho xuất gia thọ giới Cụ túc, nếu đã thọ giới Cụ túc thì nên diệt tẫn. Khi thọ giới cụ túc nên hỏi: Ngươi có phải là phi nhân không?

Bấy giờ, Thiện Tử tại Long vương nhàm chán sinh, lão, bệnh, tử, khởi ý nghĩ muốn xuất gia, hóa thành thanh niên… cho đến câu: Các Tỳkheo độ cho thọ giới cụ túc, cũng như trên. Theo phép của loài rồng có hai thời gian không thể biến hình, một là khi hành dục, hai là khi ngủ. Sau đó, Tỳ-kheo mới này ngủ, thân đầy cả một phòng, hơi thở nghe như tiếng sấm, trở ngại các Tỳ-kheo tọa thiền, quý vị đến xem. Tỳ-kheo kia nghe tiếng người đến bèn thức dậy, trở lại làm thân hình của Tỳ-kheo, ngồi kiết già. Các Tỳ-kheo kêu: Mở cửa! Tỳ-kheo kia mở cửa. Các Tỳkheo hỏi: Thầy là ai? Tôi là Sa-môn Thích tử. Các Tỳ-kheo nói: Thầy đừng nói dối. Tỳ-kheo kia bèn trả lời đúng sự thật. Các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Súc sinh ở trong giáo pháp của Ta không sinh lại, không nên cho xuất gia thọ giới Cụ túc, nếu thọ giới Cụ túc rồi thì nên diệt tẫn. Từ nay khi thọ giới không biết thì nên để bảy ngày xem thử.

Lúc đó, các Tỳ-kheo độ người huỳnh môn cho thọ giới cụ túc. Người ấy kêu các Sa-di và người giữ vườn cùng làm hạnh bất tịnh, đi ra ngoài thấy người khác cũng làm như vậy. Các bạch y thấy chê bai, nói: Sa-môn Thích tử độ các Huỳnh môn, chắc sẽ cùng làm hạnh bất tịnh, đám người này không biết người nào nên độ, người nào không nên độ… cho đến câu: Nếu đã thọ giới Cụ túc thì nên diệt tẫn, cũng như trên. Khi thọ giới cụ túc nên hỏi trước: Ngươi có phải là trượng phu hay chăng? Hai căn cũng như vậy.

Khi ấy, có một gia đình bị phi nhân làm hại, chỉ còn sống sót ông chủ nhà, ông ta nghĩ: Nay ta cùng cực đói khổ, nên tìm phương cách nào để cứu toàn tánh mạng! Ông ta nghĩ: Sa-môn Thích tử được nhiều y thực, đau ốm có thuốc thang. Ta nay nên tự cạo đầu, mặc áo cà sa ở nhà rồi hằng ngày đến nơi Tăng phường theo thứ tự nhận thức ăn. Nghĩ như vậy rồi liền cạo đầu làm Tỳ-kheo, đến trú xứ của Tỳ-kheo tìm thức ăn. Các Tỳ-kheo kính lễ vị ấy đều nhận, vị ấy cũng kính lễ Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo hỏi: Tại sao thầy kính lễ người khác, lại nhận người khác kính lễ? Thầy bao nhiêu tuổi? Thọ giới khi nào? Hòa thượng, A-xà-lê của thầy là ai? Tỳ-kheo ấy đáp: Tôi tự cạo đầu mặc pháp phục, không có Hòa thượng, không có năm tháng thọ giới. Các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nếu tự cạo đầu, tự xưng Tỳ-kheo, ở trong giáo pháp của Ta không sinh, không nên cho xuất gia thọ giới Cụ túc, nếu đã thọ giới Cụ túc thì phải diệt tẫn.

Bấy giờ, đệ tử của Bạt-nan-đà là Tỳ-kheo-Ni-kiền, trước kia bỏ đạo sau lại đến xin xuất gia. Các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Người ngoại đạo đã từng bỏ chánh pháp, ở trong pháp của ta không sinh, không nên cho thọ giới cụ túc, nếu đã thọ giới Cụ túc thì phải diệt tẫn.

Lúc này, Bạt-kỳ Tử Tôn Đà La Nan-đà không xả giới, hành dâm dục. Về sau vị này tự nói ra chỗ sai phạm ấy. Các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, đem vấn đề bạch Phật. Đức Phật dạy: Nếu tự nói phạm biên tội, ở trong chánh pháp Ta không thể sinh trưởng, không nên cho thọ giới Cụ túc. Nếu đã thọ giới Cụ túc rồi thì phải diệt tẫn. Khi thọ giới phải hỏi: Ông trước đây xuất gia có tịnh tu phạm hạnh không?

Khi đó, các Tỳ-kheo không thọ y chỉ mà trụ, không có người giáo giới nên ngu ám, không biết gì, không thể học giới. Các Tỳ-kheo Trưởng lão bạch Phật. Đức Phật dạy: Phải thọ y chỉ, nếu một đêm không thọ y chỉ, không được phép ở, kể cả uống nước trong Tăng phường, nếu uống thì phạm Đột-kiết-la. Đức Phật không cho phép không thọ y chỉ nên không dám ở trong Tăng phường. Khi ấy, có một Tỳ-kheo tránh nơi nghỉ ngơi, đến chỗ Đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân rồi đứng qua một bên, Đức Phật hỏi: Thầy từ đâu đến? Tỳ-kheo thưa: Con từ… đến. Đức Phật hỏi: Trú xứ đó, đệ nhất Thượng tọa, đệ nhị, đệ tam Thượng tọa là ai? Bạch Đức Thế Tôn! Con không biết. Đức Phật lại hỏi: Trú xứ gần đó, ai là Thượng tọa? Lại đáp: Con cũng không biết. Đức Phật lại hỏi: Tại sao thầy không biết? Lại đáp: Con tránh trú xứ, không vào trong chúng kia, cho nên không biết. Đức Phật hỏi: Tại sao thầy tránh trú xứ? Đáp: Vì Đức Phật không cho phép không thọ y chỉ, cho đến không cho phép uống nước trong Tăng phường, cho nên con tránh. Đức Phật bằng mọi cách quở trách Tỳ-kheo kia: Thầy làm điều phi pháp, không nên vì vấn đề thọ y chỉ mà tránh trú xứ. Quở trách rồi Phật bảo các Tỳ-kheo: Nếu vì vấn đề thọ y chỉ mà tránh trú xứ, phạm Đột-kiết-la.

Lại có Tỳ-kheo trên đường đi thấy Tăng phường bèn vào thọ y chỉ, gặp lúc các Tỳ-kheo ngồi thiền hoặc lúc bực bội không thọ y chỉ được, do đó không đi kịp đoàn, hoặc thọ y chỉ rồi liền đi, các Tỳ-kheo khác hỏi: Tại sao thầy thọ y chỉ rồi liền đi. Đáp: Đức Thế Tôn không cho phép vấn đề thọ y chỉ mà tránh trú xứ đi, nay tôi thấy chỗ nghỉ ngơi của Tăng không dám không đến thọ y chỉ, lại cần đi cho kịp đoàn, do vậy nên đi liền. Có vị vì đi không kịp bạn nên giữa đường gặp giặc. Các Tỳ-kheo Trưởng lão bạch Phật. Đức Phật dạy: Nay cho phép được một đêm thọ y chỉ. Tuy được phép một đêm song vẫn còn gặp nạn, quý vị lại bạch Phật. Đức Phật dạy: Nay cho phép không thọ y chỉ cho đến đêm thứ . Lại có các Tỳ-kheo qua sáu đêm rồi mà không thọ y chỉ, bạch Phật. Đức Phật dạy: Không cho phép quá sáu đêm, nếu quá, phạm Đột-kiết-la.

Khi ấy, các Tỳ-kheo vội vã làm y chỉ cho người cũng vội vã y chỉ với người, bạch Phật. Đức Phật dạy: Tất cả không nên như vậy, nên y chỉ với Trưởng lão, các Tỳ-kheo thiện như pháp, có khả năng chuyển về giáo giới. Nếu người thọ y chỉ muốn dời chỗ khác, trước hết nên thưa Hòa thượng, A-xà-lê biết nơi đó có người có thể y chỉ, vậy sau mới đi.

Có các đệ tử khi gần đi mới cáo từ Hòa thượng, A-xà-lê, Đức Phật dạy: Không cho phép khi gần đi mới cáo từ, cần phải thưa trước với thầy hai, ba ngày. Vị thầy nên tìm hiểu chỗ đến có thể có người y chỉ mới cho đệ tử đi. Khi tới nơi, trước hết phải lễ tháp, kế đến lễ Hòa thượng, rồi xin phòng xá, vậy sau mới cầu y chỉ. Tỳ-kheo cho pháp y chỉ nên hỏi: Hòa thượng, A-xà-lê của thầy là ai? Trước đây thầy ở đâu và tụng kinh gì? Nếu trả lời như pháp thì nên tác pháp cho y chỉ. Nếu trả lời không như pháp thì nên nói: Thầy không biết tôi, tôi không biết thầy, thầy nên đến vị nào biết thầy để cầu y chỉ. Nếu trường hợp nghi thì nói: Thầy chờ thời gian. Người thọ y chỉ nên chờ, cho đến thời gian sáu đêm để xem xét, hợp ý thì nên cho y chỉ, nếu không hợp ý thì nói như trên.

Lại có Tỳ-kheo bệnh cầu y chỉ, Tỳ-kheo kia khởi ý niệm: Đức Phật dạy Tỳ-kheo nên xem đệ tử như vậy, như vậy, nay người này bệnh ta không thể chăm sóc được, bèn không cho Tỳ-kheo bệnh y chỉ. Quý vị không biết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nay cho phép khi bệnh không thọ y chỉ, lành bệnh rồi sau đấy mới thọ.

Lại có Tỳ-kheo đang nuôi bệnh cầu y chỉ, Tỳ-kheo kia nói: Đức Phật dạy Tỳ-kheo nên chăm sóc Hòa thượng, A-xà-lê như vậy, như vậy, nay thầy đang nuôi bệnh không thể cho thầy y chỉ. Tỳ-kheo nuôi bệnh không được y chỉ, xấu hổ bèn bỏ bệnh nhân đi cầu y chỉ, người bệnh không có ai chăm sóc, bệnh tình nguy kịch thêm, hoặc đưa đến mạng chung. Quý vị bạch Phật. Đức Phật dạy: Nay cho phép Tỳ-kheo đang nuôi bệnh không thọ y chỉ, đợi bệnh nhân lành, sau đấy mới thọ.

Lại có Tỳ-kheo đối với chỗ xứng ý, hành đạo đắc đạo quả cầu y chỉ, các Tỳ-kheo không cho bèn mất đạo quả, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nếu là chỗ xứng ý hành đạo đắc đạo quả mà không có ngưới cho tác y chỉ thì cho phép ở trong chúng kia đối với bậc Thượng tọa hay là ngang bằng với bậc Thượng tọa, tâm sinh y chỉ, kính như pháp kính thầy để ở. Khi ấy, các Tỳ-kheo, A-xà-lê hoặc qua đời, hoặc thôi tu, hoặc đi xa, hoặc làm ngoại đạo, hoặc ra ngoài giới, không biết mất y chỉ hay không, bạch Phật. Đức Phật dạy: Mất y chỉ có tám trường hợp” Hoặc y chỉ sư đi xa, hoặc thôi tu, hoặc chết, hoặc làm ngoại đạo, hoặc gặp lại Hòa thượng trước (của mình), hoặc y chỉ sư nói: Ông trở lại thầy… thọ y chỉ, hoặc y chỉ sư ra ngoài giới cách đêm, hoặc đủ năm tuổi, thông minh, biện tài, đến khi tướng mặt trời xuất hiện. Đó là tám trường hợp đều mất y chỉ.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo phân phẩm vật an cư cho Sa-di bằng với mình, Sa-di bèn không kính Tăng, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nên dùng phần của một Tỳ-kheo, cho ba Sa-di, Sa-di vẫn không cung kính, lại bạch Phật. Đức Phật dạy: Nên phạt Sa-di. Các Tỳ-kheo không hỏi thầy của Sa-di mà phạt họ, nên họ không vui, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nên nói với thầy của họ. Thầy của họ làm phi pháp để yểm trợ họ. Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Thầy không nên làm phi pháp để yểm trợ trò.

Lại có một Sa-di, Tăng phạt đoạn phần ăn. Người thí chủ nọ, sau đó thỉnh Tăng thọ trai. Các Tỳ-kheo đến theo thứ tự ngồi xong, người thí chủ không dọn thức ăn, các Tỳ-kheo nói: Giờ thọ trai đã đến, sao 02 không dọn thức ăn? Người thí chủ đáp: Đợi Tăng tập. Các Tỳ-kheo nói: Tăng đã tập rồi. Thí chủ nói: Vị Sa-di tôi cúng dường chưa đến. Các Tỳ-kheo nói: Vị ấy không được đến. Thí chủ hỏi: Tại sao? Tăng đáp: Bị phạt không cho ăn. Người thí chủ nói: Có bao nhiêu cách để phạt, tại sao nhẫn tâm đoạn khẩu phần! Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên đoạn khẩu phần, nên phạt bằng cách bắt quét đất, dọn dẹp cỏ rác, sửa chỗ đi kinh hành, làm các cấp nơi đường đi. Áp dụng những cách như vậy để phạt.

Lúc này, có một Tỳ-kheo nam căn biến mất, nữ căn hiện ra. Các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nên dùng vấn đề thọ giới, vần đề thỉnh sư, vấn đề tuổi tác của đương sự chuyển qua trú xứ của Tỳ-kheo-ni, y theo pháp Tỳ-kheo-ni mà sống. Nếu trước kia phạm cộng giới của Tỳ-kheo-ni nên hối quá trong Tỳkheo-ni. Nếu trước kia phạm giới bất cộng thì khỏi phải hối quá. Tỳkheo-ni căn biến cũng như vậy. Có một Thức-xoa-ma-na căn biến, không biết làm thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng vấn đề xuất gia của đương sự, nếu tuổi đủ hai mươi thì trong chúng Tỳ-kheo đủ mười vị cho thọ giới cụ túc, nếu tuổi chưa đủ hai mươi tức là Sa-di, Sa-di-ni cũng như vậy. Có một Sa-di căn biến, không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nên dùng vấn đề xuất gia của đương sự, nếu tuổi đủ thì cho hai năm học giới, liền đối trước chúng Tỳ-kheo-ni thọ hai năm học giới, nếu tuổi chưa đủ thì không cho hai năm học giới, chỉ làm Sa-di-ni.

Khi đó, có một Tỳ-kheo bị lửa dục thiêu đốt không thể kham nhẫn tự chặt đứt “hình nam căn” của mình. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Đức Phật quở trách: Ngươi là người ngu si, cái không nên chặt lại chặt, cái nên chặt lại không chặt. Phật bảo các Tỳ-kheo: Nếu chặt cái đầu âm cho đến phân nửa thì phạm Đột-kiết-la. Nếu chặt hết thì phạm Thâu-langiá. Nếu khử đi một tinh hoàn, thì phạm Thâu-lan-giá. Nếu khử cả hai tinh hoàn thì nên diệt tẫn. Nếu bị thú dữ cắn hoặc bị oan gia làm hại và tự thối nát hư hoại, không phục hồi khả năng người nam nữa đều nên diệt tẫn.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo độ người tay chân bị chặt, cho thọ giới cụ túc, các Cư sĩ thấy, chê trách, nói: Sa-môn Thích tử không biết người nào nên độ, người nào không nên độ, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Trưởng lão nghe, bạch Phật. Đức Phật dạy: Không độ những người như vậy, nếu độ cho họ giới cụ túc, sư tăng phạm Độtkiết-la. Từ nay người bị chặt tay, chặt chân, tay chân bị chặt, sứt tai, sứt mũi, tai mũi bị sứt, chặt ngón tay, chặt nam căn, mất đầu âm, mắt lộ, bị trị phạt bằng roi làm cho hư hoại tướng tốt, phạm tội nhà quan. (Tội bị xâm đốt để lại vết tích trên người), tay chân co quắp, khập khễnh, mất âm thanh, trong thân, ngoài thân bị bướu, thân bên trong cong, thân bên ngoài cong, cả trong lẫn ngoài thân bị cong, mắt lé, một tay dài, một tay ngắn, tay bên tả nhắc lên, câm, điếc, đui, bệnh càn tiêu, bệnh hủi, cuồng, quá già, không có oai nghi, xấu xí, hủy nhục chúng Tăng. Những hạng người như vậy đều không nên độ. Nếu độ cho thọ giới cụ túc… (như trên đã đề cập). Các Tỳ-kheo độ người nói cà lăm, Đức Phật dạy: Không nên độ người nói cà lăm, cho thọ giới cụ túc.

Lại có các Tỳ-kheo trước không cho thọ giới Sa-di lại cho thọ giới cụ túc. Lại có các Tỳ-kheo không thỉnh Hòa thượng lại cho thọ giới cụ túc. Lại có các Tỳ-kheo đương sự không xin thọ giới cụ túc lại cho thọ giới cụ túc. Lại có các Tỳ-kheo cho người lõa hình thọ giới cụ túc. Lại có các Tỳ-kheo cho người không đủ y, bát thọ giới cụ túc. Quý vị bạch Phật. Đức Phật dạy: Không nên cho thọ như vậy.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo mượn y bát của người khác thọ giới Cụ túc, thọ giới Cụ túc rồi các Tỳ-kheo nói: Thầy mặc y bưng bát cùng đi khất thực. Tỳ-kheo kia nói: Tôi không có y, bát. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật há không cấm người không có y, bát không được thọ giới cụ túc đó sao? Tỳ-kheo kia nói: Đức Phật có cấm, nhưng tôi mượn y, bát của người để thọ. Các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Cho phép dẫn người muốn thọ giới, đến bên ngoài giới đàn, để đứng ở chỗ mắt thấy, tai không nghe, thỉnh chúng mười vị lên giới đàn. Hòa thượng nên nói sư Yết-ma: Trưởng lão, nay làm Yết-ma. Lại nên nói với sư giáo thọ: Trưởng lão, nay thọ Yết-ma. Sư Yết-ma nên bạch Tăng như vầy:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người tên là… cầu Đại đức hiệu… thọ giới Cụ túc, Đại đức hiệu… làm giáo sư. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là tác bạch.

Sư giáo thọ nên từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Hòa thượng thưa hỏi: Đại đức đã độ người này hay chưa? Nếu nói chưa độ thì nên nói phải độ họ trước. Nếu nói đã độ, nên hỏi: Đã vì họ làm Hòa thượng chưa? Nếu nói chưa làm, nên nói phải vì họ làm Hòa thượng, nên hỏi người đệ tử: Y bát đủ chưa? Nếu nói chưa đủ, nên nói trước hết phải đủ y bát. Nếu nói đã đủ, nên hỏi tự mình có hay mượn của người? Nếu nói mượn của người, nên nói, cần khiến người chủ xả nó. Nếu nói tự mình có, nên đến an ủi, nói với người muốn thọ giới: Ngươi chớ nên sợ sệt, trong giây lát nữa ta sẽ đưa ngươi đến chỗ cao cả thù thắng. Trước hết nên tìm hiểu nhau, không nên khi thọ giới Cụ túc mà mờ mịt. Khi sư giáo thọ dạy đắp y, nên kín đáo tìm xem có như pháp không, có trọng bệnh không? Lại nên hỏi: Ba y của ngươi, cái nào là Tăng-già-lê, cái nào là Ưu-đa-la-tăng, cái nào là An-đà-hội? Nếu đương sự không biết, nên nói: Cái này là Tăng-già-lê, cái này là Ưu-đa-la-tăng, cái này là An-đà-hội. Nên cho thọ ba y và bát. Lại nên nói: Ngươi tên… lắng nghe! Nay là lúc cần nói sự thật! Nay ta hỏi ngươi, nếu thật nói là thật, không thật nói là không thật: Ngươi có các chứng bệnh hủi trắng, hủi ung thư, càn tiêu, điên cuồng, trĩ, lậu nhiệt, phù thũng hay không? Nếu nói không, lại hỏi: Ngươi có mắc nợ ai không? Ngươi chẳng phải quan nhân chứ? Chẳng phải tôi tớ chứ? Là trượng phu phải không? Là người phải không? Đủ hai mươi tuổi không? Có đủ y bát không? Thọ Hòa thượng chưa? Tên ngươi là gì? Hòa thượng tên gì? Ngươi đã từng xuất gia chưa? Nếu nói đã từng xuất gia, nên hỏi: Trước kia ngươi xuất gia có trì giới đầy đủ không? Cha mẹ có cho phép không? Ngươi muốn thọ giới cụ túc không? Trong chúng cũng sẽ hỏi ngươi như vậy, ngươi cũng trả lời đúng sự thật như vậy.

Nếu những câu hỏi đều được trả lời như pháp, sư giáo thọ trở lại lên giới đàn nói với vị Yết-ma: Tôi đã giáo thọ… như pháp rồi. Sư Yếtma lại nên bạch Tăng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người tên… cầu Đại đức hiệu… thọ giới cụ túc, Đại đức… như pháp giáo thọ rồi, nên khiến cho họ vào. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Sư giáo thọ nên dẫn họ vào, theo thứ tự đảnh lễ Tăng. Đảnh lễ Tăng rồi, đến trước sư Yết-ma, đầu gối bên phải chấm đất, chấp tay, dạy họ xin thọ giới cụ túc. Lời dạy: Con tên là… cầu Đại đức… làm Hòa thượng thọ giới cụ túc, nay đến Tăng xin thọ giới cụ túc, nguyện Tăng cứu vớt con, rủ lòng thương đối với con. Xin như vậy Ba lần. Vị sư giáo thọ dạy rồi trở về lại chỗ ngồi cũ. Sư Yết-ma nên bạch Tăng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là… cầu Đại đức… thọ giới cụ túc, đến Tăng xin thọ giới cụ túc. Nay tôi sẽ hỏi nan sự của đương sự, để rồi các Yết-ma thọ giới cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Kế đó nên nói với người thọ giới: Bây giờ là lúc cần nói thật. Nay tôi hỏi ông, thật nói là thật, không thật nói là không thật. Ông có các chứng bệnh như hủi bạch, hủi… cho đến câu: Ông muốn thọ giới cụ túc hay không? (Cũng như trước đã nói). Các câu trả lời như pháp rồi, sư Yết-ma nói:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên… cầu Đại đức… thọ giới cụ túc. Người này tên… tự nói thanh tịnh, không có các nạn sự, ba y và bát đủ, đã thọ Hòa thượng, cha mẹ đã cho phép, nay đến trước Tăng xin thọ giới cụ túc. Nay Tăng cho tên… thọ giới cụ túc, Hòa thượng pháp hiệu… Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên… cầu Đại đức… thọ giới cụ túc. Người này tên… tự nói thanh tịnh, không có các nạn sự, ba y và bát đủ, đã thọ Hòa thượng, cha mẹ đã cho phép, nay đến trước Tăng xin thọ giới cụ túc. Nay Tăng cho tên… thọ giới cụ túc, Hòa thượng pháp hiệu… các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng, nếu không đồng ý thì nói. (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).

Tăng đã cho… thọ giới cụ túc, Hòa thượng pháp hiệu… rồi. Tăng đồng ý nên im lặng, việc như vậy, thọ trì như vậy.

Nên nói với người thọ giới: Này ông… lắng nghe! Đức Thế Tôn Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nói bốn pháp đọa, nếu Tỳ-kheo phạm một pháp nào thì chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Thích chủng tử: Ông hoàn toàn không được, cho đến dùng tâm dục nhiễm xem ngó nữ nhân. Tỳ-kheo nào hành pháp dâm, cho đến súc sinh, thì chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Thích chủng tử. Trọn đời ông không nên phạm. Nếu có thể giữ được thì nên nói: Giữ được.

Ông hoàn toàn không được, cho đến lá cây ngọn cỏ, không cho mà lấy. Tỳ-kheo nào hoặc trong xóm làng hoặc nơi đất trống, vật thuộc người khác bảo vệ, trộm lấy năm tiền, hay vật đáng giá năm tiền, thì chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Thích chủng tử. Trọn đời ông không nên phạm. Nếu có thể giữ được thì nên nói: Giữ được.

Ông hoàn toàn không được, cho đến giết loài kiến. Tỳ-kheo nào hoặc người hoặc loài người, tự tay giết hoặc dạy người giết, hoặc tìm dao đưa cho họ, hoặc dạy cho họ chết, hoặc khen sự chết, nói: Này trượng phu với nếp sống đó, chết hơn là sống, thì chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Thích chủng tử. Trọn đời ông không nên phạm. Nếu có thể giữ được thì nên nói: Giữ được.

Ông hoàn toàn không được, cho đến nói dối để vui chơi. Tỳ-kheo nào thật sự không có pháp hơn người, tự xưng là được pháp hơn người, đạt các thiền giải thoát, Tam-muội chánh thọ và các đạo quả, thì chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Thích chủng tử. Trọn đời ông không nên phạm. Nếu có thể giữ được thì nên nói: Giữ được. Chư Phật Thế Tôn vì thị hiện sự việc nên khéo nói thí dụ. Cũng như người chết thì trọn không thể dùng thân này sinh trở lại. Như cây kim thiếu lỗ xâu chỉ thì hoàn toàn không được dùng làm cây kim. Như cây Đa la đã bị chặt từ lõi thì không thể mọc trở lại. Như hòn đá bị vỡ thì không thể hợp lại được. Nếu Tỳ-kheo phạm một pháp đọa nào, lại đạt được pháp Tỳ-kheo, là điều không thể xảy ra.

Lại nói: Này… lắng nghe! Đức Thế Tôn Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nói pháp tứ y: Đã là người xuất gia thọ giới cụ túc, Tỳ-kheo suốt đời phải nương tựa vào y phấn tảo để sống. Nếu ông có thể giữ được thì nên nói: Giữ được. Về sau, nếu được y Kíp bối, y Khâm-bà-la, y Câuxá-da, y Tha da đều được cất dùng.

Đã là người xuất gia thọ giới cụ túc, Tỳ-kheo trọn đời nương nơi sự khất thực để sống. Nếu ông có thể giữ được thì nên nói: Giữ được. Về sau, Tăng nhận được bữa ăn trước, bữa ăn sau, thức ăn được mời, đều được sử dụng.

Đã là người xuất gia thọ giới cụ túc, Tỳ-kheo trọn đời nương nơi gốc cây để sống. Nếu ông có thể giữ được thì nên nói: Giữ được. Về sau, nếu nhận được nhà lớn, nhà nhỏ, nhà gác thì được sử dụng.

Đã là người xuất gia thọ giới cụ túc, Tỳ-kheo trọn đời nương nơi thuốc dư bỏ để sống. Nếu ông có thể giữ được thì nên nói: Giữ được. Về sau, nếu nhận được tô, dầu, mật, thạch mật thì được sử dụng.

Tiếp theo lại nói: Này ông… lắng nghe! Ông đã được Bạch-tứ-yếtma như pháp thọ giới cụ túc rồi. Điều này đã được chư Thiên, long, quỷ, thần từng phát lời nguyện: “Đến khi nào ta được thân người thì xuất gia thọ giới cụ túc trong chánh pháp luật”. Ông, hiện tại đã đạt được lời nguyện của chư Thiên… như thế, ông là người nhận được quả vị cao quý. Vương vị này chính là ông đã thọ pháp Tỳ-kheo. Đương nhiên phải cùng nhau nói lên lời cung kính, sẵn sàng tiếp nhận sự giáo giới về các giới còn lại. Hòa thượng, A-xà-lê đang rộng lòng vì ông sớm giảng giải để cho ông học đầy đủ các giới Tỳ-kheo ông đã thọ. Học để được giới, định, tuệ, để diệt ba lửa: tham, sân, si, xa lìa ba cõi, không còn các uế trược, thành tựu quả A-la-hán.

Bấy giờ, người thọ giới cụ túc không biết năm tháng, không biết thời gian thọ giới, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nên dạy khiến cho họ biết, nói như sau: Ông nay thọ giới năm nào, tháng nào, ngày nào, giờ nào, trọn đời ông phải nhớ rõ việc ấy.

Lại có các Tỳ-kheo phạm tội thô Biệt trú, nhàm chán Biệt trú, bèn xả giới thôi tu. Lại có vị hành Ma-na-đỏa, Bản nhật trị, và A-phùha-na, bị Yết-ma quở trách, Yết-ma khu xuất, Yết-ma y chỉ, Yết-ma cử tội, Yết-ma hạ ý. Các Tỳ-kheo như vậy đều nhàm chán bỏ đạo, thời gian sau lại muốn xuất gia thọ giới cụ túc trong chánh pháp luật, các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nên hỏi họ trước: Ông có thể trở lại hành các việc trước kia, có thể tùy thuận Tăng, cầu Tăng trừ diệt việc trước kia hay không? Nếu nói không thể thì không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu nói có thể thì nên cho xuất gia thọ giới Cụ túc. Khi đã thọ giới rồi, nếu trước kia đang biệt trú thì khiến trở lại biệt trú… cho đến trước kia đang tác pháp Yết-ma hạ ý thì trở lại trao cho tác pháp Yết-ma hạ ý.

Lại có các Tỳ-kheo, Hòa thượng, A-xà-lê thôi tu, sau lại đến đệ tử cầu xuất gia thọ giới cụ túc, các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Cho phép họ xuất gia thọ giới cụ túc, đệ tử trước kia nên cho y bát, giúp đỡ khiến cho thành tựu được việc xuất gia thọ giới Cụ túc. Vị kia lại cầu người đệ tử mình trước kia làm thầy, các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Cho phép người đệ tử trước kia được làm thầy. Lại không biết ai cung kính ai, các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: Người thọ giới sau, lại nên như pháp cung kính thầy.

Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly bạch Phật:

Các Tỳ-kheo trước đã thọ giới bằng một lời nói, thọ giới bằng hai lời, bằng ba lời nói, cho đến cả thọ giới bằng nói câu “Thiện lai Tỳ-kheo”, thọ giới khi ngủ, khi say, tâm cuồng, tâm tán loạn, tâm bệnh hoại mà thọ giới, Hòa thượng khi ngủ, cho đến tâm bệnh hoại, hai vị cho đến mười vị đều làm Hòa thượng thọ giới, những trường hợp như vậy được gọi là thọ giới cụ túc hay không?

Đức Phật dạy:

Trước khi chưa chế giới thì được gọi là thọ giới cụ túc. Sau khi chế giới rồi thì những trường hợp ấy không được gọi là thọ giới cụ túc.

Lúc này, các Tôn giả Xá-lợi-phất, Ma-ha Mục-kiền-liên, Đại Cadiếp, Ma-ha Câu-ly-la, Ma-ha Ca-chiên-diên, A-na-luật, Phú-lâu-nAdi-đa-la-ni-tử, La-hầu-la, A-nan, Nan-đà, những vị Đại A-la-hán này đến chỗ Đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đồng thanh như Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật, Đức Phật trả lời cũng như trên.

Khi đó, các Tỳ-kheo ngồi không có trên dưới, không cung kính nhau, các Cư sĩ thấy, chê trách, nói: các Sa-môn này ngồi không biết thượng, trung, hạ, không có lớn nhỏ, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bèn nghiêm khắc quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo:

-Thật sự các ông có như vậy không?

-Bạch Thế Tôn! Có như vậy.

Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, hỏi các Tỳ-kheo:

-Ai nên nhận chỗ ngồi thứ nhất, nhận của thí thứ nhất và nhận cung kính lễ bái thứ nhất?

Các Tỳ-kheo, hoặc có người nói:

-Sát lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ xuất gia nên thọ. Hoặc có người nói: Người tụng Tỳ-ni, Pháp sư, A-luyện-nhã, hành mười hai hạnh Đầu-đà, cho đến đắc quả A-la-hán nên thọ.

Đức Phật dạy:

-Không nên như vậy.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

-Nếu không nên như vậy thì ai là người nên thọ?

Đức Phật dạy:

-Đời quá khứ xa xưa, bên bờ biển có cây Ni-câu-luật, bóng cây che phủ cả năm trăm cỗ xe. Khi ấy, có ba con thú ở bên gốc cây này, một là chim trĩ, hai là con khỉ lớn, Ba-là con voi, tuy là thân hữu mà không có sự suy kính nhau. Sau thời gian chúng bàn luận: Chúng ta đã là thân hữu, tại sao không suy kính nhau? Nên dựa theo năm, người nào lớn hơn là tôn, người nào nhỏ hơn là ty. Luận bàn rồi, hỏi voi: Bạn nhớ việc lâu xa như thế nào? Voi nói: Tôi nhớ cây này khi nó ngang bụng tôi. Lại hỏi khỉ lớn, khỉ lớn nói: Tôi nhớ khi tôi đứng thẳng cắn tới đọt cây này. Lại hỏi chim trĩ, chim trĩ nói: Tôi nhớ xưa kia ở nơi chỗ đó, tôi ăn hạt cây này, đến đây nhả ra, hạt đó bèn mọc lên cây ấy. Thế là suy tôn con chim trĩ là lớn, con khỉ lớn bậc trung, con voi nhỏ nhất. Khi cần đi, khỉ lớn cõng chim trĩ, voi cõng khỉ lớn. Chim trĩ dạy hai con kia làm mười nghiệp thiện, chúng đều vâng làm. Người đời nghe đều ghi nhận sự giáo hóa đó, bèn gọi hành thiện là phạm hạnh trĩ. Người phụng hành pháp đó khi mạng chung được sinh lên cõi trời. Này các Tỳ-kheo! Súc sinh còn biết có tôn ty huống chi là trong chánh pháp của Ta lại không có tương kính hay sao?! Từ nay các ông, người nào thọ giới cụ túc trước nên thọ chỗ ngồi thứ nhất, vật cúng thứ nhất, cung kính lễ bái thứ nhất, nên phụng hành như vậy.