LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 12

 

Phần 2: GIỚI PHÁP CỦA TỲ KHEO NI

Đoạn 3: NÓI VỀ BA MƯƠI PHÁP XẢ ĐỌA

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, Tôn giả Ưu-ba-ly thưa hỏi: Đức Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: Tỳ-kheo nào ba y đã may xong, y Ca-hi-na đã xả, y dư được chứa đến mười ngày, nếu chứa quá, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, cho đến câu: Tỳ-kheo nào tự tay cầm vàng bạc và tiền, hoặc khiến người cầm, hoặc khởi tâm thọ nhận, phạm Nitát-kỳ-ba-dật-đề. Chúng con nên thọ trì thế nào? Đức Phật dạy: Cả hai bộ Tăng nên thọ trì. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào, ba y đã may xong, y Ca-hi-na đã xả, y dư được chứa cho đến mười ngày, nếu chứa quá, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Tỳ-kheo-ni nào, y đã may xong, y Ca-hi-na đã xả, trong năm y nếu lìa mỗi một y nào, ngủ quá một đêm, trừ Tăng Yết-ma, phạm Nitát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Tỳ-kheo nào, y đã may xong, y Ca-hi-na đã xả, được y phi thời, nếu cần thì nhận, phải mau chóng làm thành để thọ trì. Nếu đủ thì tốt, không đủ, mong có chỗ để cho đủ, chờ một tháng, nếu chờ quá, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Tỳ-kheo-ni nào, đến chỗ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải bà con xin y, trừ có nhân duyên, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Nhân duyên là: Y bị đoạt, bị mất, bị cháy, bị trôi, bị hư hoại, như vậy gọi là nhân duyên.

“Tỳ-kheo-ni nào, y bị đoạt, bị mất, bị cháy, bị trôi, bị hư hoại, đến nơi Cư sĩ hay vợ Cư sĩ không phải bà con xin y. Nếu Cư sĩ, vợ Cư sĩ muốn cúng nhiều y, Tỳ-kheo-ni ấy nên nhận hai y, nếu nhận quá, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Trường hợp Cư sĩ, vợ Cư sĩ không phải bà con cùng nhau bàn luận: Nên dùng số tiền may y như thế, may y cho Tỳ-kheo-ni có tên… Tỳkheo-ni ấy trước không được mời tùy ý nhận, bèn đến chỗ cư sĩ, vợ Cư sĩ hỏi: Người vì tôi dùng số tiền may y như thế phải không? Người kia công nhận là có. Tỳ-kheo-ni nói: Lành thay! Cư sĩ, vợ Cư sĩ có thể may y như vậy, như vậy cho tôi. Vì muốn đẹp, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Trường hợp Cư sĩ, vợ Cư sĩ không phải bà con cùng nhau nghị bàn: Mỗi người chúng ta nên dùng số tiền như thế để may y cho Tỳkheo-ni có tên… Tỳ-kheo-ni ấy trước không nhận lời mời theo ý muốn, mà đến hỏi Cư sĩ, vợ Cư sĩ: Quý vị vì tôi dùng số tiền như thế để may y cho tôi phải không? Vâng, đúng như vậy. Tỳ-kheo-ni bèn nói: Lành thay! Cư sĩ, vợ Cư sĩ có thể hợp lại may một y cho tôi. Vì muốn đẹp nên phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Trường hợp Vua, Đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ vì Tỳ-kheo-ni nên sai sứ giả đem tiền may y đến. Sứ giả đến chỗ Tỳ-kheo-ni nói: Thưa sư cô! Vua, Đại thần… sai tôi mang số tiền may y này đến, sư cô nhận cho. Tỳ-kheo-ni ấy nói: Tôi không được phép nhận tiền để may y. Nếu được tịnh y thì tôi sẽ nhận thọ trì. Sứ giả nói: Sư cô có người chấp sự nào không? Tỳ-kheo-ni liền chỉ chỗ người chấp sự. Sứ giả đến chỗ người chấp sự nói: Vua, Đại thần sai tôi đem số tiền may y này đến cho Tỳkheo-ni tên… Người vì sư cô nhận số tiền này để may y cho sư cô! Sứ giả giao tiền rồi, trở lại chỗ Tỳ-kheo-ni nói: Thưa sư cô! Người chấp sự sư cô chỉ, tôi đã giao tiền rồi. Khi nào cần y, sư cô có thể đến lấy. Khi cần y, Tỳ-kheo-ni ấy hai lần, Ba lần đến chỗ người chấp sự nói: Tôi cần y! Tôi cần y! Nếu nhận được y thì tốt, bằng không thì đến lần thứ tư, lần thứ năm, lần thứ sáu đứng im lặng trước người chấp sự. Nhận được y thì tốt, nếu đến quá sáu lần để mong cầu được y thì phạm Ni-tát-kỳba-dật-đề. Trường hợp cuối cùng không nhận được y thì nên tự mình đến chỗ người cúng y, hoặc sai người đến nói: Người vì Tỳ-kheo-ni… sai người đem tiền cúng y đến, cuối cùng Tỳ-kheo-ni… không nhận được y, người nên đến lấy lại chứ đừng để mất. Sự việc như vậy nên giải quyết như vậy”.

“Tỳ-kheo-ni nào tự mình đi xin tơ tằm, thuê thợ dệt, dệt y, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Trường hợp Cư sĩ, vợ Cư sĩ thuê thợ dệt dệt y, Tỳ-kheo-ni ấy trước không nhận được lời, mới tùy ý mà đến thợ dệt nói: Người biết chăng? Y này họ vì tôi may, người nên vì tôi dệt cho tốt, vừa rộng vừa dài, bền chắc tôi sẽ trả ơn riêng cho ông. Sau đó trả ơn bằng một bữa ăn hay trị giá bằng một bữa ăn. Khi nhận được y, phạm Ni-tát-kỳ-badật-đề”.

“Tỳ-kheo-ni nào cho y cho Tỳ-kheo-ni, sau vì giận không vui, tự mình đoạt lại, hay sai người đoạt lại, nói: Trả y lại cho tôi, tôi không cho cô, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Tỳ-kheo-ni nào biết đàn-việt muốn cúng vật cho Tăng, mà xoay về cho mình, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Tỳ-kheo-ni bệnh nào được uống bốn thứ thuốc hàm tiêu như tô, dầu, mật, thạch mật, một lần thọ được để đến bảy ngày, nếu để quá phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Tỳ-kheo-ni nào hoặc tiền hay hậu an cư, còn mười ngày nữa mới đến lễ Tự tứ, nhận được y cấp thí, nếu cần thì nhận, cho đến thời của y, nếu để quá, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Tỳ-kheo-ni nào bình bát bị nứt chưa đủ năm đường, lại xin bát mới, vì muốn đẹp, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Tỳ-kheo-ni nào mua bán bằng mọi cách để cầu lợi, phạm Ni-tátkỳ-ba-dật-đề”.

“Tỳ-kheo-ni nào dùng vàng, bạc và tiền để trao đổi, mua bán các loại, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

“Tỳ-kheo-ni nào tự tay cầm vàng bạc và tiền, hoặc sai người cầm, hay có tâm thọ nhận, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà đến xin bát nơi người bán quán. Người bán quán mua bát cho. Khi nhận được bát, cô ta lại nói: Tôi không cần bát, có thể cho tôi tô. Người bán quán lại cho tô, rồi đem cái bát vừa mua bán lại. Người bán quán kế bên thấy vậy nói: Bán các thứ hiện có nơi quán không đủ sống hay sao nay lại vì người bán thêm bát? Người bán quán nói: Cô ni Thâu-la-nan-đà đến tôi xin bát, tôi mua bát cho. Cô ta lại nói không dùng, xin tôi tô, tôi cho tô, nên bán lại cái bát này. Mọi người nghe đều nói: Phàm phép người đi xin thì lấy cái mình xin, tại sao “Được voi lại đòi tiên” là thế nào?! Đám người này thường nói ít ham muốn, biết vừa đủ, nay lại không hề biết nhàm chán, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, bèn nghiêm khắc quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi Thâu-la-nan-đà: Thật sự cô có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật con có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào vật gì đã xin trước được rồi, lại không dùng, đòi xin thứ khác, phạm Ni-tát-kỳ-badật-đề”. Tùy theo vật xin lại nhiều hay ít, mỗi thứ đều phạm Ni-tát-kỳba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo-ni dùng y phi thời làm y để thọ trì, nên các Tỳ-kheo-ni khách không thể nhận được y. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão thấy, bèn quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi các Tỳ-kheo-ni: Thật sự các cô có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật chúng con có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào dùng y phi thời làm thời y, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Y này nên xả cho Tăng, không được xả cho một, hai hoặc ba Tỳ-kheo-ni. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo-ni cấp hạ tọa, ít người quen biết, nhận được vải chưa may thành y, lại không biết may, mang đến chỗ các Tỳkheo-ni nói: Con là hạnh tối hạ tọa, không quen biết ai, cầu mong các cô may giùm y cho con. Các Tỳ-kheo-ni nói: Chúng tôi công việc đa đoan, không thể may cho cô được. Cô có thể đến nơi Thâu-la-nan-đà hỏi xem sao! Cô ấy có nhiều y may đã thành, có thể trao đổi mua bán, hoặc là cô ta may giùm. Tỳ-kheo-ni ấy liền đem vải đến thưa hỏi Thâula-nan-đà. Thâu-la-nan-đà lấy y đã may sẵn đổi lấy vải. Tỳ-kheo-ni hạ tọa nhận được y rồi đem về trú xứ. Các Tỳ-kheo-ni hỏi: Cô được y chưa? Cô ta đáp lời: Được rồi. Lại hỏi: Cô nhận được y từ vị nào? Thưa: Thâu-la-nan-đà. Các Tỳ-kheo-ni nói: Đem y đến để cùng xem với! Chiếc y được mang ra và các cô xem xét. Các Tỳ-kheo-ni nói: Chiếc y này tốt hơn chỗ vải của cô gấp bội. Chưa cô nào được điều may mắn như thế. Nay bỗng dưng cô được việc ấy là điều rất hy hữu. Khi đó, Thâu-la-nan-đà ở cách vách nghe được, bèn nói với Tỳ-kheo-ni hạ tọa: Cô trả chiếc y của tôi lại, tôi không đổi cho cô. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, bèn quở trách cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (cũng như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào, đổi y cho Tỳ-kheo-ni khác, sau hối tiếc đòi trở lại, nhận được y, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiếtla. Nếu cả hai bên đều hối tiếc, nhận được y, không đúng như lời cam kết, thì lấy lại, không phạm.

Khi đó, mẹ của Tỳ-xá-khư phát tâm cúng cho Tỳ-kheo-ni Tăng đồ mặc khi có nguyệt thủy, sai người đến đo kích cỡ để may. Chư ni đều để đo, chỉ có Thâu-la-nan-đà không cho đo lại nói với người thừa lệnh: Tôi đã lìa dục, không còn nguyệt thủy, không cần đồ mặc ấy. Tỳxá-khư-mẫu may y xong, sai người đến thưa với các Tỳ-kheo-ni: Y may đã xong, mời các cô đến nhận. Các Tỳ-kheo-ni đều đến để nhận. Khi ấy, nhằm lúc Thâu-la-nan-đà đang có nguyệt thủy, bèn nhận y trước. Theo thứ tự các Tỳ-kheo-ni nhận y, y bị thiếu không đủ, vị ni hạ tọa không nhận được y. Tỳ-xá-khư-mẫu hỏi: Chư ni nhận đủ hết y chứ? Có vị đáp: Vị ni hạ tọa không nhận được. Hỏi: Tại sao vậy? Các cô nói: Vì Thâu-la-nan-đà trước đây nói không cần, nên không cho đo cỡ, nay lại lấy trước, nên thiếu y?! Tỳ-xá-khư-mẫu nói: Tại sao trước nói không cần, nay lâm sự lại lấy trước, làm cho người khác phải thiếu! Các Tỳkheo-ni Trưởng lão nghe, bèn quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (cũng như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào, các Tỳ-kheo-ni nói: Cô lấy đồ mặc khi có nguyệt thủy, tự mình nói: “Không dùng” đến khi đó lại lấy trước, phạm Ni-tátkỳ-ba-dật-đề”. Y này nên xả cho Tăng, không được xả cho một, hai, ba vị Tỳ-kheo-ni. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Trường hợp tuy trước nói không dùng, nhưng sau do y có dư mà nhận thì không phạm.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà thường ra vào trong vương cung của Vua Ba-tư-nặc. Nhà Vua nói: Thưa cô, cô có cần gì cứ đến chỗ tôi lấy. Cô ni nói: Tôi cần cái y nhiều lớp (áo ấm). Nhà Vua nói: Cô đến hậu cung lấy. Cô ni lại nói: Tôi muốn chiếc y Khâm-bà-la Vua đang mặc. Nhà Vua liền cúng. Các quan dị nghị, nói: Tỳ-kheo-ni này xuất gia trong pháp vô vi, mặc áo hoại sắc cắt rọc, nay tại sao lại đòi xin áo Vua đang mặc. Tuy nhà Vua không tiếc, nhưng người thọ nhận phải tự lượng sức của mình chứ. Các người này thường nói ít ham muốn, biết vừa đủ mà nay không nhàm chán, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn.

Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Hắc-ly-xa được các Ly-xa ở Tỳ-xá-ly cung kính cúng dường, vì mọi người khi bị kiện thưa, nhờ cô ta giúp đỡ, họ đều hoan hỷ nói: Chúng ta nhờ cô ni được khỏi tội, nay hỏi cô cần thứ gì chúng ta cùng nhau phụng sự. Cô ni nói: Tôi cần y dày (áo ấm). Họ hỏi: Cô cần y dày trị giá bao nhiêu? Tôi cần y dày trị giá một ngàn tiền. Họ bèn dè bỉu: Chúng ta dùng phí tổn cho việc kiện thưa ấy, dù có gấp năm, sáu lần hơn cũng không bằng với ngân khoản này. Các người này thường nói ít muốn, biết đủ mà nay không nhàm chán! Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe bèn nghiêm khắc quở trách… cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. (cũng như trên). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào xin y dày (áo ấm) thì nên nhận lấy loại kém giá trị nhất, ngang với bốn đại tiền mà thôi, nếu nhận cái quý giá, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Y dày là y mặc trong khi lạnh. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.

Lúc này, Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà lại đến Vua Ba-tư-nặc xin chiếc “Y mỏng” (áo mặc mùa nóng) nhà Vua đang mặc và Tỳ-kheo-ni Hắc-ly-xa đến các người Ly-xa đòi “Y mỏng” trị giá năm trăm tiền. Các quan và mọi người dị nghị… cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (cũng như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheoni nào xin “Y mỏng” chỉ nên nhận thứ kém giá trị, ngang với hai tiền rưỡi mà thôi, nếu nhận y quý giá, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Y mỏng là loại y mặc lúc nóng. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Sai-ma đến thành Xá-vệ, Bố-tát nơi đất trống, bị gió mưa đất bụi mòng muỗi gây phiền toái. Tỳ-kheo-ni cựu trú nói với một Cư sĩ: Nay Tỳ-kheo-ni Tăng Bố-tát giữa trời, gặp phải những phiền toái như vậy, như vậy, như lời Phật dạy: Nếu cúng dường phòng nhà cho Tăng là điều tốt nhất. Lành thay Cư sĩ! Có thể vì Tăng làm nhà Bố-tát. Người Cư sĩ nói: Tôi bận nhiều việc không thể tự mình làm được. Tôi có thể cung cấp vật liệu, nhờ cô coi ngó làm giùm, khi nào xong nói với tôi, tôi sẽ đến dâng cúng cho Tăng. Các Tỳ-kheo-ni sau khi nhận được phương tiện lại cùng nhau bàn: Y phục chúng ta bị rách nát, số phương tiện này có thể chia cho nhau để may y phục, chúng ta chịu khó Bố-tát ngoài trời. Bàn như vậy xong, họ chia nhau may y, rồi nói với Cư sĩ: Người nên hoan hỷ, y phục của các Tỳ-kheoni bị rách nát, nên phương tiện đó chư ni chia nhau để may y rồi. Cư sĩ nghe rồi, trách cứ nói: Tôi không hoan hỷ được. Tại sao vậy? Trước đây nói: Cúng dường nhà Bố-tát là điều tốt nhất, tại sao nay lại đem may y phục?! Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe nghiêm khắc quở trách… cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (cũng như trên). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào, vì Tăng làm việc gì đó đến chỗ cư sĩ xin phương tiện, rồi lại đem làm việc khác, phạm Ni-tátkỳ-ba-dật-đề”. Nếu khởi tâm muốn phân chia cho đến tạo phương tiện để chia, phạm Đột-kiết-la. Vật ấy nên xả cho Tăng, không được xả cho một, hai, ba Tỳ-kheo-ni. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Trường hợp tuy vì việc gì đó xin của đàn-việt, sau đó họ đồng ý làm việc khác thì không phạm.

Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Sai-ma Bố-tát giữa trời… cho đến câu: Bị mồng muỗi gây phiền toái (như trước đã nói). Các Tỳ-kheo-ni cần làm nhà Bố-tát đi khắp nơi xin phương tiện… cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳkheo-ni kiết giới (như trước đã nói). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào vì Tăng làm việc gì đó, đến các nhà Cư sĩ xin phương tiện rồi đem làm việc khác, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Ngoài ra, như giới trước đã nói.

Lúc này, Tỳ-kheo-ni Sai-ma không có chỗ để nghỉ ngơi, đến một Cư sĩ nói: Tôi không có chỗ để nghỉ ngơi, làm cho tôi một Tinh xá. Cư sĩ nói: Không rảnh để làm, chỉ xin cúng vật liệu. Khi nhận được phương tiện rồi, Sai-ma lại nghĩ: Y phục ta bị rách nát nên dùng phương tiện để may y, còn nơi nghỉ thì không thiếu gì. Sau khi may y xong, Sai-ma nói với Cư sĩ… cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (cũng như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào tự mình đến một Cư sĩ xin phương tiện để làm việc gì đó, rồi đem dùng làm việc khác, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Ngoài ra như trước đã nói.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Sai-ma không có nơi để nghỉ ngơi, đến nhiều nhà Cư sĩ xin phương tiện… cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới (cũng như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào, cần làm việc gì cho mình, đến nhiều nhà Cư sĩ xin phương tiện, rồi đem làm việc khác, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Ngoài ra như trước đã nói.

Lúc này, các Tỳ-kheo-ni dồn chứa nhiều vật dụng. Trước chùa, sau chùa, trong chùa chỗ nào cũng có. Chùa bị cháy, chư ni di chuyển đồ vật ra nhiều vô số, các Cư sĩ chữa cháy thấy hỏi: Đồ của ai nhiều thế? Được trả lời: Vật dụng này là của các Tỳ-kheo-ni. Họ dị nghị nói: Hạng người này chẳng làm được việc lớn, xuất gia trong pháp vô vi, mặc áo hoại sắc cắt rọc may thành, mà dồn chứa vật dụng nhiều như quốc vương, Đại thần. Họ thường nói ít muốn, biết vừa đủ mà nay lại dồn chứa không nhàm chán, không có hạnh của Sa-môn, phá pháp Samôn. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, bèn nghiêm khắc quở trách… cho đến câu: Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (cũng như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào dồn chứa nhiều vật dụng, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Vật dụng tức đồ dùng cho cuộc sống. Luật chỉ cho phép chứa tô, dầu, mật, hương dược, mỗi thứ có một cái bình để đựng. Cho phép chứa chõ, vạc, thìa, Bình-sành, mỗi thứ một cái để đựng thức ăn, chứa quá mức định, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề. Thứcxoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.

Khi ấy, các Tỳ-kheo-ni dồn chứa nhiều bình bát… cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (cũng như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào dồn chứa nhiều bình bát, phạm Nitát-kỳ-ba-dật-đề”. Cho phép chứa bảy loại bát thô:

  1. Đựng cơm.
  2. Đựng hương.
  3. Đựng thuốc.
  4. Đựng thức ăn dư.
  5. Đựng nước.
  6. Đựng rác.
  7. Đựng nước tiểu.

Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.

Các pháp Xả đọa đã nói xong.

Đoạn 4: NÓI VỀ HAI TRĂM LẺ BẢY PHÁP ĐỌA

Đức Phật ở thành Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ưu-ba-ly thưa hỏi: Đức Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: “Tỳ-kheo nào cố ý nói dối phạm Ba-dật-đề… cho đến giới: Tỳ-kheo nào biết đàn-việt muốn cúng vật cho Tăng mà xoay về cho người khác, phạm Ba-dật-đề”. Chúng cho nên thọ trì thế nào? Đức Phật dạy: Cả hai bộ Tăng nên thọ trì. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào cố ý nói dối, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào chê trách Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào nói hai lưỡi gây đấu loạn cho Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào vì người nam nói pháp quá năm, sáu lời, trừ khi có người hiểu biết phân biệt lời nói tốt xấu, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào biết Tăng như pháp phán đoán sự việc rồi, phát khởi trở lại, phạm Ba-dật-đề. Tỳkheo-ni nào dạy người nữ chưa thọ giới Cụ túc học kinh và tụng, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào cùng người nữ chưa thọ giới Cụ túc đồng ngủ một nhà quá hai đêm, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào hướng đến người nữ chưa thọ giới Cụ túc nói mình được pháp hơn người, như nói tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy, dù là sự thật, phạm Ba-dật-đề. Tỳkheo-ni nào biết tội thô ác của Tỳ-kheo-ni đến nói với người nữ chưa thọ đại giới, trừ Tăng Yết-ma, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào nói như vầy: Phiền gì phải tụng những giới vụn vặt, khi tụng giới này khiến cho người phiền não, chê bai giới như vậy, phạm Ba-dật-đề”. Đã nói xong mười pháp.

“Tỳ-kheo-ni nào tự mình chặt phá thôn xóm của quỷ thần, hoặc sai người chặt hay nói: Chặt cây này, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào cố ý không trả lời câu hỏi, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào nơi đất trống tự mình trải tọa cụ của Tăng, hoặc sai người trải, hoặc người khác trải mà mình nằm ngồi, khi đi không dọn, không bảo người dọn, không dặn ai dọn, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào, trong phòng của Tăng, hoặc sai người trải, tự mình trải tọa cụ của Tăng, hoặc người khác trải mà mình nằm ngồi, khi đi không dọn, không bảo người dọn, không dặn ai dọn, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào vì giận, không vui, ở trong phòng của Tăng tự mình kéo Tỳ-kheo-ni ra, hoặc sai người kéo, nói như vầy: Cô đi khỏi chỗ này, cho khuất mắt, đừng ở nơi đây nữa, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào biết người khác đã trải tọa cụ trước, mình đến sau cưỡng bức tự trải, hay bảo người trải, với ý niệm: Nếu họ không vui sẽ tự bỏ đi chỗ khác, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào trên nhà gác của Tăng, ngồi mạnh trên giường dây, giường cây có chân nhọn, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào biết nước có trùng mà nhồi đất, tưới cây, hay dùng trong việc ăn uống, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào ăn mãi ăn hoài, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề”. Nhân duyên: Khi bệnh, khi dâng y gọi là nhân duyên.

Đã nói xong hai mươi pháp.

“Tỳ-kheo-ni nào nhận ăn riêng chúng, trừ nhân duyên, phạm Badật-đề”. Nhân duyên là khi bệnh, khi thời của y, khi dâng y, khi may y, khi đi đường, khi đi trên thuyền, khi đại hội, như vậy gọi là nhân duyên. “Tỳ-kheo-ni nào không bệnh, nơi chỗ cúng một bữa ăn, mà nhận quá một bữa, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào đến nhà bạch y, họ cho nhiều thức ăn như bánh như bún, nếu không vào tại nhà đó ăn, nhận hai, ba bát đem về, nên chia cho các Tỳ-kheo-ni khác cùng ăn. Nếu không có bệnh mà nhận quá và không chia cho các Tỳ-kheo-ni khác cùng ăn, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào ăn rồi, không làm pháp tàn thực mà ăn, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào biết Tỳ-kheo-ni ăn xong rồi, không làm pháp tàn thực, cố sức nài nỉ bảo ăn, muốn cho cô kia phạm, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào không thọ thức ăn mà để vào miệng, trừ nếm, cành dương và nước uống, phạm Ba-dật-đề. Tỳkheo-ni nào trong nhà ăn, cùng nam tử ngồi chỗ vắng, phạm Ba-dật-đề.

Tỳ-kheo-ni nào xem coi quân trận khởi hành, phạm Ba-dật-đề”. Đã nói xong ba mươi pháp.

“Tỳ-kheo-ni nào có nhân duyên đến trong quân đội, cho tới hai, ba đêm, nếu ở quá, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào có nhân duyên tới trong quân đội hai, ba đêm mà xem quân đội hợp đồng chiến đấu, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào nói như vậy: Như chỗ tôi hiểu, những gì Phật dạy là pháp chướng đạo thì không có gì là chướng đạo cả. Các Tỳ-kheo-ni nói với Tỳ-kheo-ni ấy: Cô chớ nên nói như vậy, chớ hủy báng Đức Thế Tôn, chớ vu khống Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói pháp chướng đạo, thật sự là chướng đạo. Cô nên bỏ tà kiến ác đó đi. Khi can gián như vậy mà kiên trì không bỏ, nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba can gián, bỏ thì tốt, không bỏ, phạm Ba-dậtđề. Tỳ-kheo-ni nào biết Tỳ-kheo-ni như vậy không như pháp sám hối, không bỏ tà kiến ác mà cùng chuyện vãn, cùng ngồi, cùng ngủ, cùng làm việc, phạm Ba-dật-đề. Sa-di-ni nào nói như vậy: Như chỗ tôi hiểu biết những lời đức dạy là thọ năm dục, không có gì trở ngại đối với đạo. Các Tỳ-kheo-ni nói với Sa-di-ni ấy: Cô chớ nên nói như vậy, chớ hủy báng Phật, chớ vu khống Phật. Đức Phật nói, năm dục là pháp chướng đạo thì sự thật là chướng đạo. Này Sa-di-ni! Cô nên bỏ tà kiến ác đó đi. Khi khuyên can như vậy mà cô ấy kiên trì không bỏ, nên khuyên can lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba, không bỏ, các Tỳ-kheoni nên nói với Sa-di-ni ấy: Cô nên đi khỏi chỗ này, từ nay đừng nói: “Đức Phật là thầy của tôi nữa”, cô đừng nên đi sau các Tỳ-kheo-ni như các Sa-di-ni khác, được phép cùng phòng ngủ với các Tỳ-kheo-ni hai đêm, cô cũng không được việc ấy. Cô là kẻ ngu si nên mau đi khỏi chỗ này, chớ ở nơi đây nữa, Tỳ-kheo-ni nào biết Sa-di-ni đã bị tẫn xuất như pháp như vậy mà đem về nuôi, cùng ở cùng nói chuyện, phạm Ba-dậtđề. Tỳ-kheo-ni nào cố ý làm cho Tỳ-kheo-ni khác sinh nghi hối với ý niệm: Khiến Tỳ-kheo-ni kia nghi hối, cho đến, dù chỉ gây xúc não một thời gian ngắn, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào, khi Tăng xử đoán sự, không gởi dục mà đứng dậy bỏ đi, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào thọc lét Tỳ-kheo-ni khác, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào giỡn trong nước, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào cùng với đồng nam tử cùng ngủ một nhà, phạm Ba-dật-đề”.

Đã nói xong bốn mươi pháp.

“Tỳ-kheo-ni nào uống rượu, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào khinh thường thầy, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào tự mình đào đất, hoặc sai người đào nói: Đào chỗ này, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào cùng cãi lộn rồi lặng lẽ lén nghe với ý niệm: Các Tỳ-kheo-ni có nói việc gì, ta sẽ ghi nhớ, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào nhận bốn tháng mời như ý muốn, nhận quá, trừ mời lại, tự đưa thức ăn đến, mời thời gian lâu, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào thường thường phạm tội, các Tỳ-kheo-ni như pháp can gián, lại nói: Tôi không học giới này, sẽ hỏi Tỳ-kheo-ni khác, trì pháp, trì luật, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào khi thuyết giới, nói như vầy: Nay tôi mới biết pháp này, rút ra từ Giới kinh, mỗi nửa tháng thuyết một lần. Các Tỳ-kheo-ni biết Tỳ-kheo-ni này có đến hai, Ba lần ngồi Bố-tát. Tỳ-kheo-ni ấy không phải do không biết mà thoát khỏi tội. Tùy theo chỗ phạm tội như pháp xử trị, lại cộng thêm cái tội không để ý nghe nói: Điều cô làm bất lợi cho cô, khi thuyết giới, không một lòng lắng nghe, không Ưu-tâm để nghe, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào hẹn cùng đi với đám giặc từ xóm làng này đến xóm làng kia, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào hẹn với nam tử cùng đi một đường, từ xóm làng này đến xóm làng kia, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào không bệnh mà vì sưởi ấm, tự mình cố ý nhóm lửa hoặc sai người nhóm, phạm Ba-dật-đề”.

Đã nói xong năm mươi pháp.

“Tỳ-kheo-ni nào tự mình cầm hay sai người cầm vật báu hay các vật quý, trừ nơi Tăng phường hay trong chỗ nghỉ lại đêm, phạm Ba-dậtđề”. Trong Tăng phường hay chỗ nghỉ đêm lấy vật báu hay các vật quý giá, sau có người chủ đến đòi thì trả lại. Việc như vậy nên giải quyết như vậy. “Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng tắm một lần, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề”. Nhân duyên là khi bệnh, khi làm việc, khi đi đường, khi mưa gió, khi nóng bức, như vậy gọi là nhân duyên. “Tỳ-kheo-ni nào giận dữ cố ý đánh Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào giận dữ đưa tay toan đánh Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào cố ý khủng bố Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào dùng Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ vu báng Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào nói Tỳ-kheo-ni kia cùng đến các nhà sẽ cho các thức ăn ngon, khi đến rồi không cho, lại nói: Cô đi chỗ khác, cùng cô ngồi nói chuyện không vui, ngồi một mình nói chuyện một vui hơn, cố ý gây phiền não cho cô kia, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào nhận được y mới, nên dùng ba loại màu hoặc xanh hoặc đen hoặc lam để làm dấu, không dùng phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào vì đùa giỡn giấu y bát, tọa cụ, ống đựng kim của Tỳ-kheo-ni khác, cho đến tất cả những tư cụ dùng trong sinh hoạt hàng ngày, hoặc sai người giấu, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào khi Tăng đoán sự đúng pháp, trao dục rồi, sau lại trách cứ, phạm Ba-dật-đề”.

Đã nói xong sáu mươi pháp.

“Tỳ-kheo-ni nào nói như vầy: Các Tỳ-kheo-ni tùy theo sự quen biết của mình mà xoay vật của Tăng về cho người ấy, phạm Ba-dậtđề. Tỳ-kheo-ni nào tịnh thí y cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-mana, Sa-di, Sa-di-ni, rồi cưỡng đoạt lấy lại, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào nhận lời mời của người khác, trước bữa ăn sau bữa ăn đi đến các nhà khác, không tiếp cận để báo cho Tỳ-kheo-ni khác, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề. Nhân duyên là thời gian của y, gọi là nhân duyên. Tỳ-kheo-ni nào dùng bông đâu-la để dồi tọa cụ, phạm Ba-dật-đề. Tỳkheo-ni nào tự mình làm vật dụng nằm ngồi, giường dây, giường cây thì chân của nó nên cao tám ngón tay của Đức Tu-già-đà, trừ phần vào lỗ mộng, nếu cao quá, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào dùng xương, răng sừng làm ống đựng kim, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni nào may y nên may đúng lượng y của Đức Tu-già-đà, nếu quá, phạm Ba-dật-đề. Lượng y của Tu-già-đà là dài chín gang tay, rộng sáu gang tay. Như vậy gọi là lượng y của đức Tu-già-đà. Tỳ-kheo-ni nào biết đàn-việt muốn cúng vật cho Tăng mà xoay về cho người khác, phạm Ba-dật-đề”. Đã nói xong sáu mươi tám pháp.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni ăn tỏi sống, tỏi chín trước giờ ngọ, sau giờ ngọ, hoặc ăn riêng tỏi, hoặc ăn với thức ăn, mùi tỏi làm hôi hám phòng xá. Các Cư sĩ đến thăm nghe mùi tỏi chê trách nói: Giống hệt nhà bếp của bạch y. Lại có Tỳ-kheo-ni đến nhà ông Trưởng giả, ông Trưởng giả nghe mùi hôi của tỏi, nói: Các cô đi ra khỏi chỗ này vì miệng các cô hôi tỏi quá. Các Tỳ-kheo-ni xấu hổ. Lại có một người buôn tỏi, cúng tỏi cho các Tỳ-kheo-ni, do việc làm này, đưa đến sự sa sút liên tục về khẩu phần ăn uống, người ăn kẻ ở trong gia đình nói: Nếu không thể cung cấp sự sống cho chúng tôi thì để chúng tôi đi tìm sự sống nơi chỗ khác, ông bà tự dài lưng ra mà làm đầy tớ cho đám Tỳ-kheo-ni kia. Người hàng xóm nghe thế đều chê trách nói: Nhà ông bà đã không đủ ăn, tại sao phải nuôi các Tỳ-kheo-ni?! Để trả lời, nhà buôn kia trình bày sự thật. Có người không tin ưa Phật pháp nói: Do ông gần gũi Tỳ-kheo-ni nên đưa đến tình trạng khổ như thế, nếu còn tiếp tục gần gũi sẽ còn khổ hơn nữa. Những người này xuất gia chủ yếu là cầu giải thoát, mà nay tham đắm của ngon vật lạ, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Cũng như trước). Từ nay giới này được nói như sau: Tỳ-kheo-ni nào ăn tỏi phạm Ba-dật-đề. Nếu ăn tỏi sống thì một lần nuốt phạm một Ba-dật-đề. Ăn tỏi chín phạm Đột-kiếtla. Nếu khi bệnh ăn, hay cường lực bắt ăn thì không phạm.

Lúc này, có các Tỳ-kheo-ni dùng tay vỗ nữ căn, để phát sinh tâm dục, khiến đã có người hoàn tục, hoặc làm ngoại đạo. Thâu-la-nan-đà cũng dùng tay vỗ nữ căn, nữ căn sưng lớn không thể đi được. Đệ tử đến những gia đình thường cúng dường nói: Thầy bệnh cần thức ăn. Những gia đình ấy liền cung cấp cho. Giới phụ nữ trong gia đình ấy tìm đến thăm hỏi: Sư cô bệnh gì? Thâu-la-nan-đà trả lời: Tôi bệnh. Lại hỏi: Chứng bệnh ấy như thế nào? Chúng ta đồng là nữ giới tại sao không tỏ bày? Thâu-la-nan-đà bèn nói sự thật. Thế là các Cư sĩ nữ đâm ra dị nghị mỉa mai: Những người này thường chê trách về dục, về tưởng đến dục, bị dục thiêu đốt, cảm giác về dục, mà nay lại làm việc như vậy, sao không thôi tu để thọ hưởng năm dục lạc! Họ không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (cũng như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào dùng tay vỗ nữ căn, phạm Ba-dật-đề”. Dùng tay vỗ thì mỗi lần vỗ phạm một Badật-đề, xuất bất tịnh thì phạm Thâu-lan-giá. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.

Đã nói xong bảy mươi pháp.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni dùng hồ giao (keo) làm nam căn để vào nữ căn nhằm sinh tâm dục, nên có vị hoàn tục, hoặc làm ngoại đạo. Lại có Tỳ-kheo-ni cột “Hồ giao căn” vào gót chân rồi đặt vào nữ căn. Lúc ấy, một Thức-xoa-ma-na khử dầu bị phát hỏa cháy phòng, Tỳ-kheo-ni kia hoảng hồn quên mở cái “Bửu bối” đó, mang nó chạy ra ngoài. Mọi người đến chữa lửa, thấy hỏi: Sư cô mang cái gì ở gót chân vậy? Sư cô nói sự thật, liền bị người chê trách nói… cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Cũng như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào làm nam căn để vào nữ căn, phạm Ba-dật-đề”. Xuất bất tịnh thì phạm Thâu-lan-giá. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.

Khi ấy, các Tỳ-kheo-ni hoặc dùng một ngón tay hoặc cả năm ngón tay để rửa bên trong nữ căn, nên bị tổn thương, ra máu, đưa đến bệnh hoạn. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão thấy, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Cũng như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào dùng nước rửa nữ căn, phạm Ba-dật-đề”. Đã bị chế cấm như thế, nên khi trời nóng, nữ căn bất tịnh hôi hám sinh trùng. Tỳ-kheo-ni Ba-xà-ba-đề cùng năm trăm Tỳkheo-ni đến chỗ Đức Phật, bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Người nữ chúng con hình thể hôi hám, phải nhờ nước để rửa, xin Ngài chấp thuận cho. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo-ni dùng nước tác tịnh, Đức Phật cho phép rồi, chư ni lại dùng phương pháp như trước, các Tỳ-kheo-ni thấy, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Bảo các Tỳ-kheo… (như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheoni nào dùng nước rửa nữ căn, chỉ nên dùng hai ngón tay, đưa vào ngang bằng một đốt để rửa, nếu quá mức, phạm Ba-dật-đề”. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Nếu trong căn có ghẻ, hoặc có trùng, hoặc cỏ hay cát bụi vào thì dùng quá một lóng tay không phạm.

Lúc đó, các Tỳ-kheo-ni cạo lông trên hai chỗ: Dưới nách và chỗ kín để sinh tâm ái dục, nên có người hoàn tục, hoặc làm ngoại đạo. Lúc ấy, Thâu-la-nan-đà cũng tự mình cạo lông chỗ kín. Nhà người thí chủ có người con gái sắp lấy chồng, muốn gặp Thâu-lan-nan-đà, sai người đến mời. Tỳ-kheo-ni liền tới. Khi ấy, gia đình kia đang vì người con gái sửa soạn nước tắm. Người con gái nói: Mời Tỳ-kheo-ni tắm trước. Họ liền mời Tỳ-kheo-ni tắm. Cô ni nói: Tôi không cần tắm. Các người nữ bèn cưỡng bức cởi y bắt cô ni tắm. Nhân đó họ biết cô ni cạo lông chỗ kín, bèn hỏi: Vì lý do gì sư cô cạo như vậy? Cô ni hỏi lại: Vậy vì lý do gì các em lại cạo? Các người nữ nói: Chúng em vì nam tử nên cạo. Cô ni nói: Tôi cũng vậy. Các người nữ bèn chê trách nói: Các cô thường chê trách dục, mà nay làm việc như vậy, không tu phạm hạnh, tại sao không hoàn tục để tha hồ thọ hưởng năm dục?! Thế là các cô không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (như trên). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào cạo lông nách và chỗ kín, phạm Ba-dật-đề”. Nếu cạo thì mỗi lưỡi dao cạo là phạm một Ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Nếu vì có ghẻ mà phải cạo, hay bị cường lực bắt cạo thì đều không phạm.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni cùng Tỳ-kheo một mình đứng chỗ vắng cùng nói chuyện, nên sinh tâm nhiễm đắm, có vị hoàn tục, hoặc làm ngoại đạo. Các bạch y thấy nghi ngờ: Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni này một mình chỗ vắng cùng đứng cùng nói chuyện, chắc chắn là nói việc dâm dục, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão thấy, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳkheo-ni kiết giới (như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo-ni nào cùng Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng cùng đứng, cùng nói chuyện, phạm Ba-dật-đề”. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiếtla. Nếu đông Tỳ-kheo-ni với một Tỳ-kheo, hoặc khi có tám nạn thì không phạm.

Khi ấy, các Tỳ-kheo-ni cùng bạch y và ngoại đạo một mình cùng đứng chỗ vắng cùng nói chuyện, đưa đến việc thân thể xúc chạm, nói lời thô ác về dâm dục, hoặc cưỡng bức làm việc dâm dục. Các Tỳ-kheoni Trưởng lão thấy, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào cùng bạch y và ngoại đạo một mình cùng đứng chỗ vắng nói chuyện, phạm Ba-dật-đề”. (Ngoài ra như giới trước đã nói).

Lúc đó, các Tỳ-kheo-ni cùng Tỳ-kheo một mình cùng đứng nơi chỗ trống cùng nói chuyện, sinh tâm nhiễm đắm, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào cùng Tỳ-kheo một mình đứng nơi chỗ trống cùng nói chuyện, phạm Ba-dật-đề”. (Ngoài ra như giới trước đã nói).

Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni cùng bạch y và ngoại đạo một mình cùng đứng chỗ trống cùng nói chuyện, đưa đến vấn đề thân thể xúc chạm, cho tới câu: Nay Ta vì cácTỳ-kheo-ni kiết giới (Như trên). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào cùng bạch y và ngoại đạo một mình đứng chỗ trống cùng nói chuyện, phạm Ba-dật-đề”. (Ngoài ra như giới trước đã nói).

Lúc này, các Tỳ-kheo-ni cùng Tỳ-kheo một mình cùng đứng nơi ngả tư, đường hẻm, nói vừa đủ nghe, bảo Tỳ-kheo-ni bạn đi tránh xa. Các Cư sĩ chê trách. Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào cùng Tỳ-kheo một mình cùng đứng nơi ngả tư, đường hẻm, nói vừa đủ nghe, bảo Tỳ-kheoni bạn đi tránh xa, phạm Ba-dật-đề”. (Ngoài ra như giới trước đã nói).

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni cùng bạch y và ngoại đạo một mình cùng đứng nơi ngả tư, đường hẻm, nói vừa đủ nghe, khiến Tỳ-kheo-ni bạn đi tránh xa. Cư sĩ thấy chê trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào cùng bạch y, ngoại đạo một mình cùng đứng nơi ngả tư, đường hẻm, nói vừa đủ nghe, khiến Tỳ-kheo-ni bạn đi tránh xa, phạm Ba-dật-đề”. (Ngoài ra như giới trước đã nói).

Khi đó, các Tỳ-kheo-ni lõa hình tắm rửa, các bạch y thấy, vây quanh trêu chọc cười giỡn. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào lõa hình tắm rửa, phạm Ba-dật-đề”. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Nếu ngăn không cho người đến, hoặc tắm chỗ vắng, hoặc có cây hoặc 302 có vật gì để ngăn che đều không phạm. Đã nói xong tám mươi pháp.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni đi không mang áo tắm theo, không biết mặc cái gì để tắm. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão thấy, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào đi không mang theo áo tắm, phạm Ba-dật-đề”. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Nếu áo tắm đang nhuộm, giặt, đập hoặc bị cháy, hay nước trôi, hoặc hư hoại thì không phạm.

Khi ấy, đệ tử của Tỳ-kheo-ni Chiên-đồ-tu-ma-na, một lần nhận được cả năm chiếc y mới, bạch với thầy Hòa thượng: Thỉnh thầy mặc trước để con được phước. Thầy Hòa thượng mặc rồi không trả lại. Cô đệ tử phải mặc y thô tệ mà đi. Các Tỳ-kheo-ni thấy hỏi: Cô nhận được năm chiếc y mới, tại sao không mặc? Cô ni nói: Trước khi sử dụng, tôi cúng dường để Hòa thượng tôi dùng trước. Hòa thượng tôi không trả lại. Các Tỳ-kheo-ni chê trách Chiên-đồ-tu-ma-na: Tại sao đệ tử nhận được y mới, cúng dường cho mình mặc trước, rồi không trả lại? Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão đem việc này bạch Phật, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào nhận được y mới, Hòa thượng được cúng dường để mặc trước y mới này xong, thầy Hòa thượng mặc rồi không trả lại cho đệ tử, phạm Ba-dật-đề”. Nếu Tỳ-kheo-ni nhận được y mới cúng dường cho Tỳ-kheo-ni nào đó. Tỳ-kheo-ni ấy nên mặc một ngày, nếu người cúng dường yên cầu mặc thêm thì nên mặc, mặc lâu mau theo ý người chủ, nếu mặc quá hạn, phạm Ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, Sa-dini phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni ngăn cản Tăng chia y, Tỳ-kheo-ni khác đợi chia nên trở ngại việc tọa thiền, hành đạo. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão quở trách: Tại sao Tỳ-kheo-ni lại ngăn Tăng chia y, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào ngăn Tăng chia y, phạm Ba-dật-đề”. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Nếu bệnh không đến được hay không nghe thì không phạm.

Lúc này, có một Tỳ-kheo-ni bậc hạ tọa, nhận được vải chưa may thành y, tự mình không biết may mà cũng không quen biết với ai, mang vải đến chỗ Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà nhờ may. Thâu-la-nan-đà viện lẽ bận việc không may được. Cô ta mang đến các Tỳ-kheo-ni khác, các Tỳ-kheo-ni khác may giùm thành y. Thâu-la-nan-đà hỏi: Ai may y cho cô, đem tôi xem coi có đúng pháp không! Cô ni đem y cho Thâu-la-nanđà xem. Thâu-la-nan-đà nói: Y này may không đúng pháp, phải tháo hết ra, tôi sẽ may lại giùm cho cô. Cô ni liền tháo ra mang đến. Thâula-nan-đà lại không may. Cô ni kia không có y nên phải mặc y thô tệ đi. Chiếc y bị tháo kia đem phơi trên mái nhà. Bấy giờ, nhà (Chùa) bị phát hỏa, gió thổi, những mảnh vải bị cháy, bay đến rớt trên nhà bạch y nên các nhà này bị cháy lây. Các bạch y thấy lửa từ trú xứ của các Tỳ-kheo-ni bay đến cháy nhà mình, bèn nổi giận nói: Chúng ta cúng dường cho các Tỳ-kheo-ni này nay trở lại thành oan gia. Các Tỳ-kheoni Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào tự tháo y của Tỳ-kheo-ni khác hoặc sai người tháo, không may lại thành y, phạm Ba-dật-đề”.

Lại có một Tỳ-kheo-ni tháo y của Tỳ-kheo-ni khác, một ngày không may lại thành y, phải đến bốn, năm ngày mới xong, nên đem việc ấy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép Tỳ-kheo-ni tháo y ra bốn, năm ngày phải may cho thành. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào tháo y của Tỳ-kheo-ni khác, hoặc sai người tháo, quá bốn, năm ngày, không may thành, phạm Ba-dật-đề”.

Lại có Tỳ-kheo-ni tháo y của Tỳ-kheo-ni khác, rồi bị bệnh không thể may thành, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo-ni tháo y của người khác rồi, vì bệnh được phép may không thành. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào tháo y của Tỳ-kheo-ni khác rồi, không bệnh, quá bốn, năm ngày mà may không thành, phạm Ba-dật-đề”. Thức-xoama-na, Sa-di phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni không mặc năm y mà mặc y thô tệ đến các tư gia. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão thấy, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào không mặc năm y mà đi ra đường, phạm Ba-dật-đề”. Không mặc năm y: Từ một nhà đến một nhà, cho đến ra khỏi cửa của trú xứ, phạm Ba dạt đề. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Nếu khi giặt, nhuộm, đập hay vá thì không phạm.

Lúc đó, các Tỳ-kheo-ni lấy y của Tỳ-kheo-ni cho bạch y và ngoại đạo nữ. Họ mặc đi đường, bạch y khác thấy hướng đến làm lễ, họ nói:

Tôi là bạch y, tôi là ngoại đạo. Các bạch y bèn chê trách, nói: Tại sao Tỳ-kheo-ni lấy y của Tỳ-kheo-ni cho bạch y và ngoại đạo nữ. Các Tỳkheo-ni Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào dùng y của Tỳ-kheo-ni cho bạch y và ngoại đạo nữ, phạm Ba-dật-đề”. Y của Tỳ-kheo-ni: Là có điều có viền có điểm tịnh. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Người kia có y Tỳ-kheo-ni dùng để trao đổi hay trừ trả nợ thì không phạm.

Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Sai-ma muốn đi đến thành Xá-vệ, Tỳ-kheo-ni Chiên-đồ-tu-ma-na nghe tin ấy, bèn đến người thí chủ của Sai-ma nói: Tỳ-kheo-ni Sai-ma sắp đến đây, có thứ gì ít nhiều cúng dường không? Người thí chủ nói: Tôi cũng nghe tin ấy, đang chuẩn bị thức ăn mỹ vị và y để dâng cúng. Tỳ-kheo-ni Chiên-đồ nói: Sao không dùng y để cúng cho Tăng, trong Tăng có vị chính hướng và chánh hạnh, khó ai bì kịp, sao không cúng, lại cúng cho một Tỳ-kheo-ni? Người thí chủ nghe như vậy nên chuyển cúng cho Tăng. Tỳ-kheo-ni Sai-ma đến, nhiều thức ăn mỹ vị được dâng cúng, tự tay người thí chủ hiến dâng. Ăn xong người thí chủ nói khẽ: Giờ này, chính là lúc dâng y, mà Tỳ-kheo-ni Chiênđồ-tu-ma-Na-làm trở ngại việc ấy. Các Tỳ-kheo-ni hỏi: Các vị nói gì? Các thí chủ trình bày sự việc. Tỳ-kheo-ni Trưởng lão biết, bằng mọi cách quở trách: Tại sao ngăn chặn vật cúng cho cá nhân để chuyển cho Tăng. Các vị Trưởng lão lập lại sự quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào, gây trở ngại vật thí cho cá nhân chuyển về cho Tăng, phạm Ba-dật-đề”. Vật thí cho cá nhân: Cúng riêng cho người nào trong Tăng, gọi là thí cho cá nhân. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiếtla.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Sai-ma đến thành Xá-vệ, Tỳ-kheo-ni Chiênđồ-tu-ma-na nói: Tôi sẽ giới thiệu thí chủ để họ chăm sóc cô. Sai-ma nói: Khỏi phiền cô làm điều đó. Chiên-đồ-tu-ma-Na-lại nói: Cô nhận sự giới thiệu của tôi, cô được lợi lại được phước độ người. Nghe thế, Saima im lặng chấp thuận. Chiên-đồ-tu-ma-na bèn giới thiệu với các thí chủ. Tỳ-kheo-ni Sai-ma, do đó có nhiều quyến thuộc, hành Tam-muội tâm từ, không ai là không cung kính. Tỳ-kheo-ni Chiên-đồ-tu-ma-na không được ai cúng dường, bèn sinh tâm ganh ghét, nói: Tôi giới thiệu thí chủ khiến cho cô nhận được nhiều sự cúng dường, mà cô lại nói xấu đối với tôi, khiến tôi không nhận được thức ăn. Các Tỳ-kheo-ni bằng mọi cách quở trách: Tại sao Tỳ-kheo-ni vừa bảo hộ lại vừa tiếc lẫn về gia chủ. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (Như trước). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào bảo hộ mà tiếc lẫn về thí chủ, phạm Ba-dật-đề”. Bảo hộ mà tiếc lẫn về thí chủ: Nghĩa là muốn cho thí chủ chỉ cúng cho mình không cúng cho người khác. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.