LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 10
Phần 1: GIỚI PHÁP CỦA TỲ KHEO
Đoạn 6: NÓI VỀ BỐN PHÁP HỐI QUÁ
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Ưu-bà- di tên Hòa-già-lamẫu, tin ưa Phật pháp, thường cúng dường Sa-môn, được người ca tụng. Về sau, với lòng tin ấy bà xuất gia, sống thiểu dục, tri túc song vẫn tạo nhiều sự cúng dường. Trên đường khất thực về, gặp một Tỳ-kheo bà hỏi: Thầy đi đâu đây? Tỳ-kheo đáp: Đi khất thực. Bà lại thưa: Có thể nhận thức ăn này của con không? Tỳ-kheo nói: Có thể. Bà liền dâng cúng, rồi lại vào một gia đình khất thực. Có hai Tỳ-kheo trao đổi với nhau: Tỳ-kheo-ni Hòa-già-la-mẫu có khả năng nhận được thức ăn, nên đến đó lấy. Các Tỳ-kheo nghe thế, đến đó đều nhận được. Tỳ-kheo-ni này nhận được thức ăn gì lại đều trao cúng cả, với ý nghĩ: Ta nhận được phần sau cùng sẽ đem về ăn, lần cuối nhận được thức ăn mang về lại gặp một Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng thưa hỏi như trước, rồi cũng lại trao cúng. Tỳ-kheo-ni bát rỗng không ra về. Các Tỳ-kheo, sau khi ăn xong, tập hợp lại bàn thảo với nhau: Tỳ-kheo-ni kia may mắn có thể nhận được nhiều thức ăn, chúng ta phiền gì phải đi nhiều chỗ cầu xin, hằng ngày chúng ta chỉ cần kéo nhau đi theo cô ta là được. Thế là sáng ngày hôm sau, các Tỳ-kheo kia vào tìm cô ni để đi theo. Tỳ-kheo-ni kia nhận được thức ăn đều trao cúng hết, đành bưng bát không trở về. Đến cả ba ngày đều như vậy. Sáng hôm ấy, khi đi khất thực, vì muốn tránh chiếc xe ngựa chở Trưởng giả, Tỳ-kheo-ni kia lảo đảo té nhào xuống đất. Trước đó, Vua Ba-tư-nặc có ra lệnh: Trong nước, ai khinh mạn Sa-môn Thích tử sẽ bị trị tội nặng. Do đó, Trưởng giả kia hoảng hồn, liền xuống xe đỡ Tỳ-kheo-ni lên và xin lỗi: Tôi không đụng cô sao cô lại té như vậy?! Cô ni nói: Thật sự ông không đụng, nhưng vì tôi đói nên té. Vị Trưởng giả hỏi: Cô khất thực không được sao? Cô ni đáp: Thức ăn tôi khất thực được đều đem cúng hết cho Tỳ-kheo, nên đưa đến tình trạng xấu này. Ông Trưởng giả nói: Xin sư cô nhận thức ăn của tôi đây. Cô ni im lặng thuận nhận, rồi cũng đem dâng cúng cho các Tỳ-kheo.
Khi ông Trưởng giả xuống xe, dân chúng tụ hội lại rất đông, đều chê trách nói: Tuy Tỳ-kheo-ni này dâng cúng không biết nhàm chán, nhưng người thọ nhận phải biết suy nghĩ chứ. Các người ấy thường nói thiểu dục, tri túc mà nay tham lam nhận lấy thức ăn của người đồng đạo cúng dường, khiến họ phải bị khốn khổ thế này! Lời oán trách ấy đến tai các Tỳ-kheo Trưởng lão, bằng mọi cách vạch rõ sai lầm rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni này. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đến chỗ Tỳ-kheo-ni nhận thức ăn thì Tỳ-kheo ấy nên hướng đến các Tỳ-kheo nói lên lời ăn năn: Tôi bị rơi vào pháp đáng quở trách, nay hướng đến các Đại đức nói lên lời ăn năn, như vậy gọi là pháp Hối quá”.
Các Tỳ-kheo có Tỳ-kheo-ni thân quyến có khả năng nhận được thức ăn, thấy các Tỳ-kheo khất thực khó khăn, nói: Đừng nên tự mình nhận lấy sự khốn khổ, hãy đến chỗ con nhận lấy thức ăn. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật không cho phép chúng tôi nhận lấy thức ăn nơi Tỳ-kheoni. Các Tỳ-kheo-ni nói: Quý thầy nên bạch Phật: Chỉ người thân thuộc biết thì nên cúng, biết rõ nên nhận. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo nhận thức ăn nơi các Tỳ-kheo-ni thân thuộc. Từ nay pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni này nên nói như sau: “Tỳ-kheo nào đến nơi Tỳ-kheoni chẳng phải thân quyến nhận thức ăn, Tỳ-kheo ấy nên hướng đến các Tỳ-kheo nói lên lời ăn năn: Tôi bị rơi vào pháp đáng quở trách, nay hướng đến các Đại đức nói lên lời ăn năn. Như vậy gọi là pháp Hối quá”.
Lại có các Tỳ-kheo dìu Tỳ-kheo bệnh đi khất thực, nên bệnh nguy kịch thêm. Các Tỳ-kheo-ni nói: Đừng nên tự chuốc lấy sự khốn khổ, cứ đến chỗ con nhận thức ăn. Tỳ-kheo bệnh nói: Đức Phật không cho phép tôi nhận thức ăn từ Tỳ-kheo-ni không phải bà con. Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép Tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn nơi Tỳ-kheo-ni không phải bà con. Từ nay pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni được nói như sau: “Tỳ-kheo nào không bệnh, nhận thức ăn nơi Tỳ-kheo-ni không phải bà con, Tỳ-kheo ấy nên hướng đến các Tỳ-kheo nói lên lời ăn năn: Tôi bị rơi vào pháp đáng quở trách, nay hướng đến các Đại đức nói lên lời hối quá. Như vậy gọi là pháp Hối quá”.
Khi ấy, các Tỳ-kheo-ni hoặc ở nơi Tăng phường, hoặc ở tại trú xứ của mình, hoặc tại gia đình vì các Tỳ-kheo dọn bữa ăn trước, bữa ăn sau bằng bát đát na (bún) và cháo, lại chuẩn bị cả nước tắm, các thứ dầu, tô. Các Tỳ-kheo không biết làm thế nào, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép nhận thức ăn do Tỳ-kheo-ni cúng, nhưng không được nhận nơi ngả tư, đường hẻm. Từ nay pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào không bệnh, tại nơi đường hẻm, đối với Tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, tự tay nhận lấy thức ăn, Tỳ-kheo này nên hướng đến các Tỳ-kheo nói lời ăn năn: Tôi bị rơi vào pháp đáng quở trách, nay hướng đến các Đại đức nói lên lời hối quá. Như vậy gọi là pháp Hối quá”.
Nếu Tỳ-kheo ở ngoài xóm làng, Tỳ-kheo-ni ở trong tu lạc nhận thức ăn, Tỳ-kheo ở trong xóm làng, Tỳ-kheo-ni ở ngoài xóm làng nhận thức ăn. Tỳ-kheo ở trên không, Tỳ-kheo-ni ở dưới đất nhận thức ăn, Tỳ-kheo ở dưới đất, Tỳ-kheo-ni ở trên không nhận thức ăn đều phạm Đột-kiết-la. Sa-di phạm Đột-kiết-la.
Xong pháp thứ nhất
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc ấy, có Cư sĩ thỉnh hai bộ Tăng thọ trai Lục quần Tỳ-kheo cùng Lục quần Tỳ-kheo-ni ngồi đối diện, thay nhau bảo người dọn ăn đem thêm thức ăn cho nhau, nên các Tỳ-kheo thiện không nhận được thức ăn, nói với người chủ: Nay người thỉnh Tăng sao không đem thêm thức ăn. Gia chủ nói: Tại các Tỳ-kheo này làm tôi rối ý, không biết vị nào nên thêm, vị nào nên không thêm. Người chủ bèn chê trách Lục quần Tỳ-kheo: Mấy ông bà này cùng khuyến khích nhau ăn giống như người đời dẫn vợ đi ăn cỗ nhà người, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, nhà bạch y mời thọ trai, trong khi ấy có Tỳ-kheo-ni nói như vầy: Đem cơm cho Tỳ-kheo này, đem canh cho Tỳ-kheo kia. Các Tỳ-kheo
nên nói với Tỳ-kheo-ni ấy: Sư cô không nên làm như vậy, chờ các Tỳkheo dùng xong đã. Nếu trong số Tỳ-kheo đó, không có một Tỳ-kheo nào nói với Tỳ-kheo-ni ấy: Sư cô không nên làm như vậy, chờ các Tỳkheo dùng xong đã, thì các Tỳ-kheo nên hướng đến các Tỳ-kheo nói lời ăn năn: Tôi bị rơi vào pháp đáng quở trách, nay hướng đến các Đại đức hối quá. Như vậy gọi là pháp Hối quá”.
Bấy giờ, có năm trăm Tỳ-kheo thọ trai tại nhà vị Trưởng giả. Gia đình ấy thường cúng dường cho cô Tỳ-kheo-ni nên cô ni ấy đến. Các Tỳ-kheo đồng loạt nói: Sư cô lui lại một chút! Sư cô lui lại một chút! Tỳ-kheo-ni kia rất xấu hổ, bỏ về. Người chủ thấy vậy hỏi các Tỳ-kheo: Tỳ-kheo-ni này có xúc phạm đến quý vị không? Tại sao quý thầy đồng loạt đuổi cô ta? Có người lại nói: Các Sa-môn này sợ Tỳ-kheo-ni đoạt phần ăn của mình nên mới đuổi như vậy. Đồng xuất gia với nhau, mà đố kỵ nhau làm điều không tốt như vậy huống chi là đối với người khác. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu khi Tỳ-kheo thọ trai, Tỳ-kheo-ni không làm theo sự giận, si, sợ mà bảo thêm thức ăn, cho đến đứng im lặng mà phạm Ba-la-đề-đề-xá-ni là điều không thể có. Từ nay pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, nhà bạch y mời thọ trai, có Tỳ-kheo-ni bảo người phục vụ: Thêm cơm cho Tỳ-kheo này, thêm canh cho Tỳ-kheo kia. Các Tỳ-kheo nên nói với các Tỳ-kheo-ni ấy: Sư cô chờ một chút, đợi các Tỳ-kheo dùng xong đã. Nếu trong chúng cho đến không có một người nói như thế, thì Tỳ-kheo như vậy nên hướng đến các Tỳ-kheo nói lên lời ăn năn: Tôi bị rơi vào pháp đáng quở trách, nay hướng đến các Đại đức nói lên lời ăn năn. Như vậy gọi là pháp Hối quá”. Nếu có Tỳ-kheo-ni bảo thêm thức ăn cho Tỳ-kheo thì vị Tỳ-kheo Thượng tọa thứ nhất nên nói. Nếu lời nói của vị Thượng tọa thứ nhất không tác dụng thì vị Thượng tọa thứ hai nên nói, như vậy lần lượt cho đến vị mới thọ giới. Nếu Thức-xoa-mana, Sa-di-ni bảo thêm thức ăn cho Tỳ-kheo mà Tỳ-kheo không nói: “lùi xuống một chút” thì phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ-kheo bảo thêm thức ăn cho Tỳ-kheo không công bằng, mà ăn thì phạm Đột-kiết-la. Sa-di phạm Đột-kiết-la.
Xong pháp thứ hai
Đức Phật ở tại nước Câu-xá-di. Bấy giờ, Trưởng giả Cù-sư-la tin ưa Phật pháp, thấy pháp đắc quả, thường cúng dường Phật và Tỳ-kheo Tăng. Sau một thời gian, gia đình Cù-sư-la bị kiệt quệ, bà con quen biết đều mang thức ăn đến cho. Các Tỳ-kheo vẫn đến nhà ông ta lấy thức ăn đầy bát mang đi. Người trong gia đình Cù-sư-la không chịu nổi sự đói khổ. Kẻ láng giềng thấy vậy đều chê trách: Người bố thí tuy không nhàm chán, nhưng kẻ thọ nhận phải biết tri túc chứ! Tại sao xâm phạm làm tổn hại đến gia đình người ta? Tài sản của họ khánh tận, chúng ta mang thức ăn đến cho họ, cớ sao vẫn còn tới cắt xén phần ăn của người ta! Không có tâm từ bi, miễn thỏa mãn việc ăn uống của mình, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Sự thật các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta cho phép các Tỳ-kheo vì Trưởng giả Cù-sư-la tác pháp học gia, bằng bạch nhị Yết-ma, không cho phép một Tỳ-kheo nào vào nhà ấy. Nên sai một Tỳ-kheo xướng: Đại đức Tăng xin lắng nghe, Trưởng giả Cù-sư-la này, các Tỳ-kheo tới lui nhà ông ta lấy các thức ăn đầy bát đem về, không lưu lại cho chủ, đến nỗi khiến gia đình ấy tài vật khánh tận. Nay tác pháp Yết-ma học gia, không cho phép bất cứ Tỳ-kheo nào vào nhà ấy. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.
Đại đức Tăng xin lắng nghe, Trưởng giả Cù-sư-la này, các Tỳkheo tới lui nhà ông ta, lấy các thức ăn đầy bát đem về, không lưu lại cho chủ, đến nỗi khiến gia đình ấy tài vật khánh tận. Nay tác pháp Yếtma học gia, không cho phép bất cứ Tỳ-kheo nào vào nhà ông ấy. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói.
Tăng đã đồng ý tác pháp Yết-ma Học gia cho Trưởng giả Cù-sưla rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.
Khi ấy, các Tỳ-kheo lại tác pháp Yết-ma học gia các nhà khác, rồi bạch Phật. Đức Phật dạy: Không cho phép tác pháp Yết-ma học gia các nhà khác một cách bừa bãi. Nếu vợ là Thánh nhân, chồng là phàm phu, hay vợ là phàm phu, chồng là Thánh nhân đều không nên tác pháp Yết-ma học gia. Trường hợp cả vợ lẫn chồng đều là bậc Thánh không còn tâm bỏn sẻn, mà tài vật khánh tận mới được tác pháp Yết-ma học gia. Sau đó, tất cả các Tỳ-kheo đều không dám đến nhà Cù-sư-la, nên gia đình ấy không thấy mặt thầy nào. lúc này, Cù-sư-la đến trong Tăng phường thưa với các Tỳ-kheo: Con quy ngưỡng Tam Tôn chứ không mong cầu phước điền nào khác, xin Đại đức hoan hỷ tới lui nhà con. Các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật cho phép đến. Các Tỳ-kheo đến mà không dám nhận thức ăn. Ông Trưởng giả thưa: Con quy ngưỡng Tam bảo, chứ không mong cầu phước điền nào khác, xin quý thầy nhận thức ăn nơi con. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật, Đức Phật dạy: Cho phép nhận một phần ba của bình bát. Đức Phật cho phép nhạn một phần ba của bình bát, các Tỳ-kheo lại kéo hết đến nhận, tài sản của gia đình lại kiệt quệ hơn trước. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni ấy. Từ nay giới này được nói như sau: “Có các Học gia, Tăng tác pháp Yết-ma Học gia. Nếu Tỳ-kheo nào nhận thức ăn nơi các Học gia đó nên hướng đến các Tỳ-kheo nói lời hối quá: Tôi rơi vào pháp đáng quở trách, nay hướng đến các Đại đức nói lời ăn năn. Như vậy gọi là pháp Hối quá”.
Trước khi tài vật của gia đình Cù-sư-la chưa khánh kiệt, Cù-sư-la có lập riêng một chỗ tịnh dưỡng, mời các Tỳ-kheo bệnh trong Tăng để cúng dường, lại có một chỗ để cúng dường thuốc cũng như vậy. Các Tỳkheo bệnh, sau đó xấu hổ không dám thọ nhận. Ông Trưởng giả thưa: Chủ ý của con là vì quý Tỳ-kheo bệnh ở trong Tăng nên làm ra chỗ tịnh dưỡng này, cũng như lập chỗ để cúng dường thuốc, nếu quý thầy không nhận thì con cũng không đem về. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Những phẩm vật này được thí chủ thiết lập khi gia đình chưa khánh tận, nay cho phép các Tỳ-kheo tùy ý thọ. Từ nay giới này được nói như sau: “Có các học gia, Tăng đã tác pháp Yết-ma học gia, Tỳ-kheo nào không bệnh, trước không nhận được lời thỉnh, đối với học gia này nhận thức ăn, thì Tỳkheo ấy nên hướng đến các Tỳ-kheo nói lên lời hối quá: Tôi rơi vào pháp đáng quở trách, nay hướng đến các Đại đức nói lời ăn năn. Như vậy gọi là pháp Hối quá”.
Lại có một Tỳ-kheo không bệnh nhận thức ăn từ Yết-ma học gia, nhận rồi sinh tâm nghi: Liệu ta có khỏi phạm tội Ba-la-đề-đề-xá-ni không? Vị ấy đem về cho lại các Tỳ-kheo khác. Các Tỳ-kheo khác ăn rồi hỏi: Tại sao thầy không ăn? Tôi không bệnh mà nhận thức ăn từ Yết-ma học gia, sợ phạm Ba-la-đề-đề-xá-ni! Tỳ-kheo kia nói: Như điều thầy nghi, nay e tôi bị phạm. Vị ấy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu nhận thức ăn từ Yết-ma học gia, không ăn, cho người khác ăn, đều không phạm. Từ nay giới này được nói như sau: “Có các học gia, Tăng tác Yết-ma học gia, Tỳ-kheo nào không bệnh, trước không nhận lời mời, đối với các học gia ấy, tự tay nhận thức ăn, Tỳ-kheo đó nên hướng đến các Đại đức, nói lên lời hối quá: Tôi rơi vào pháp đáng quở trách, nay hướng đến các Đại đức nói lời ăn năn. Như vậy gọi là pháp Hối quá”. Nếu học gia tài sản của họ bị khánh tận, Tăng có ruộng vườn nên cho họ quản lý, để có thặng dư họ nhờ. Nếu không có ruộng vườn, khi Tăng có món cúng dường nào khác, khiến Học gia kia làm sứ giả để họ nhờ phẩm vật thừa. Nếu phương tiện này vẫn không có thì khi đi khất thực về, nên đến nhà họ ăn, để thức ăn dôi cho họ. Nếu không thể thực hiện được thì nên đem họ về Tăng phường cung cấp phòng nhà, tọa cụ, theo thứ tự cho họ thức ăn, nước uống phi thời cũng nên cho họ. Nếu có nhận được vải cũng nên chia phần cho họ. Các phụ nữ của nhà Học gia, các Tỳ-kheo-ni cũng nên lo liệu như vậy. Sa-di phạm Đột-kiết-la.
Xong pháp thứ ba
Đức Phật ở tại thành Ca-duy-la-vệ, vườn Ni-câu-loại. Bấy giờ, có các bạch y mang thức ăn đến cúng cho các Tỳ-kheo sống nơi A-lan-nhã, bị giặc cướp lấy, các bạch y trách cứ: Tại sao các thầy không báo cho chúng tôi biết. Nếu biết chúng tôi sẽ mang gậy gộc theo để tự vệ, hay là chúng tôi không mang đến. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni này. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào ở chốn A-lan-nhã, nghi có sự khủng bố, không tìm hiểu trước, nhận thức ăn trong Tăng phường, Tỳ-kheo ấy nên hướng đến các Tỳkheo nói lên lời hối quá: Tôi rơi vào pháp đáng quở trách, nay hướng đến các Đại đức nói lời ăn năn. Như vậy gọi là pháp Hối quá”.
Bấy giờ, có năm trăm người tôi tớ của dòng họ Thích làm phản, ẩn náu nơi rừng vắng. Các phụ nữ dòng họ Thích muốn đến thăm viếng và cúng dường chúng Tăng. Các tôi tớ kia nghe, cùng nhau bàn luận: Chúng ta sẽ chận giữa đường để đoạt lấy phẩm vật này. Các Tỳ-kheo nghe, bèn đến báo với các phụ nữ của dòng họ Thích: Trong khu rừng này có đám giặc muốn cướp đoạt, các người đừng đến! Do đó các phụ nữ hủy bỏ chuyến đi. Đám tôi tớ nghĩ: Các phụ nữ dòng họ Thích sở dĩ không đến là do các Tỳ-kheo bắn tin cho họ biết trước, bèn hỏi các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo không nói dối, nên trả lời đúng sự thật. Đám tôi tớ kia đánh các Tỳ-kheo gần chết rồi bỏ đó và cướp đoạt hết y bát. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật, Đức Phật dạy: Không nên nói có giặc mà chỉ nói đừng đến.
Có trường hợp các Tỳ-kheo không biết có người bên ngoài sắp đến. Điều này được bạch lên Phật. Phật dạy: Nên thường để ý nhìn thật xa bên ngoài, nếu thấy có người đến thì mau chóng báo. Có thức ăn thì nhận rồi bảo họ về liền. Từ nay pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào ở nơi chốn A-lan-nhã, nghi có sự khủng bố, không để ý quan sát trước, tự tay nhận thức ăn trong Tăng phường, không ra ngoài để thọ, Tỳ-kheo ấy phải hướng đến các Tỳ-kheo nói lên lời hối quá: Tôi rơi vào pháp đáng quở trách, nay hướng đến các Đại đức nói lời ăn năn. Như vậy gọi là pháp Hối quá”. Có người bất ngờ đem thức ăn đến trong Tăng phường rồi, các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, đem việc này bạch Phật, Đức Phật dạy: Cho phép một người vì họ nhận liền, rồi truất lấy phần của mình, còn bao nhiêu chuyển cho chúng. Lấy phần của mình rồi, giao một người trong chúng chuyển thức ăn, và nhanh chóng khiến thí chủ đi về. Trường hợp không đi được, nên giấu họ, cơm nước cho họ đừng cho giặc thấy. Nếu không giấu được nên cho họ mặc áo ca sa, rồi khiến họ đi. Trường hợp không thực hiện được điều trên thì quyền biến cạo đầu, cho họ mặc áo ca sa để đi. Sa-di phạm Đột-kiết-la. Nếu quân đội đi ngang qua, cho họ thức ăn, hay giặc tự mang thức ăn đến cho họ thì không phạm.
Xong pháp thứ tư
Đoạn 7: NÓI VỀ 100 PHÁP CHÚNG HỌC
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, các Tỳ-kheo mặc y hạ, hoặc cao quá, hoặc thấp quá, hoặc so le, hoặc như lá cây Đa-la, hoặc như lỗ mũi con voi, hoặc như viên nại (túm lại cho tròn vén trước bụng), hay xếp nhỏ, Cư sĩ thấy vậy dè bỉu nói: Các Sa-môn này mặc y hạ hoặc giống như phụ nữ, hoặc giống như kỹ nữ, lại lấy đó làm điều tốt, không có tác phong. Mặc y còn không biết huống nữa là đối với chân lý. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp cần phải học. Từ nay giới này được nói như sau: “Mặc y hạ không cao, không thấp, không so le, không như lá cây Đa-la, không như mũi con voi, không được túm lại cho tròn, không xếp nhỏ, cần phải học”.
Mặc cao: Nửa ống chân trở lên. Mặc thấp: Từ nửa ống chân trở xuống. Mặc so le: Là bốn góc không bằng nhau. Mặc như lá cây Đa-la: Là mặc trước cao sau thấp. Như mũi con voi: Là thòng một góc phía trước. Như viên nạn: Túm phía trước cho tròn, để vén trước bụng. Xếp nhỏ: Quấn chỗ eo lưng thành từng lằn nhỏ. Nếu không biết, không hỏi mà mặc, phạm Đột-kiết-la. Nếu hiễu rõ mà mặc thiếu cẩn thận cũng phạm Đột-kiết-la. Hiểu rõ mà khinh giới, khinh người nên mặc như thế, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sadi, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Nếu khi có bệnh, hoặc bị trời mưa bùn nhớp thì không phạm.
Đức Phật ở tại thành Vương xá. Lúc ấy, các Tỳ-kheo không khéo che thân vào trong nhà bạch y, hoặc mặc như vậy ngồi trong nhà bạch y; hoặc lật ngược y lên vai bên trái vào trong nhà bạch y, hoặc mặc như vậy ngồi trong nhà bạch y; hoặc lật ngược y lên vai bên phải vào trong nhà bạch y, hoặc mặc như vậy ngồi trong nhà bạch y… hoặc lật ngược y lên cả hai vai vào nhà bạch y, hoặc mặc như vậy ngồi trong nhà bạch y; hoặc lắc lư thân, lắc lư đầu, hoặc lắc tay, hoặc nắm tay nhau, hoặc trùm kín cả người, hoặc chống nạnh, hoặc chống cằm, hoặc đánh đằng xa, vào trong nhà bạch y, hoặc với dáng điệu đó, ngồi trong nhà bạch y; hoặc ngó lên, hoặc ngó hai bên vào trong nhà bạch y, hoặc ngồi trong nhà bạch y với oai nghi này; hoặc đi nhón chân vào nhà bạch y, hoặc với oai nghi này ngồi trong nhà bạch y; hoặc đi giãn chân vào trong nhà bạch y, hoặc với oai nghi này ngồi trong nhà bạch y; hoặc trùm đầu đi vào nhà bạch y, hoặc với oai nghi này ngồi trong nhà bạch y; hoặc đùa giỡn vào nhà bạch y, hoặc với oai nghi này ngồi trong nhà bạch y, hoặc nói lớn tiếng vào nhà bạch y, hoặc với oai nghi này ngồi trong nhà bạch y; hoặc không chững chàng vào nhà bạch y, hoặc với oai nghi này ngồi trong nhà bạch y. Các Cư sĩ thấy và chê trách như trước. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳkheo kiết pháp cần nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Khéo che thân vào nhà bạch y là điều cần nên học, cho nên đến câu: Chững chàng ngồi trong nhà bạch y, cần phải học”.
Đức Phật du hóa tại nước Bà-già, cùng đầy đủ năm trăm vị Đại Tỳ-kheo Tăng, đi đến núi Thủ-ma-la, trú tại rừng Khủng-bố. Bấy giờ, có thái tử Bồ-đề Vương, vừa mới xây cất xong một giảng đường tại núi ấy, chưa có Sa-môn, Bà-la-môn nào vào ngồi trong đó. Thái tử nghe Đức Phật đến núi này trú tại rừng Khủng Bố, bảo Ma-nạp-tát-xà-tử Ngươi nhân danh ta đến thăm hỏi Đức Thế Tôn xem Ngài có được sức khỏe, ít buồn phiền, đi đứng có được nhẹ nhàng không và thưa: Ta đã lập được một giảng đường mới tại núi này, chưa có Sa-môn, Bà-la-môn nào vào ngồi trong đó, cúi xin Đức Thế Tôn cùng chúng Tăng, trước hết ghi nhận giảng đường này và tại đây ta xin được cúng dường một bữa cơm đạm bạc, khiến ta được an ổn lâu dài. Đức Phật dạy thế nào, ta sẽ phụng hành. Ngươi đến bạch Phật như vậy rồi trở về gấp báo với ta. Ma-nạp vâng lời, sau khi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, trình bày đầy đủ ý kiến của thái tử. Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng. Tát-Xà-Tử biết đã được Đức Phật nhận lời, bèn trở về bạch với thái tử. Suốt đêm ấy, thái tử chuẩn bị nhiều thức ăn ngon bổ, sáng ngày tự tay đưa đến giảng đường. Bên trong và bên ngoài giảng đường đều trải bằng vải nhiều màu sắc. Đến giờ, Thái tử tới thỉnh Phật quang lâm đến giảng đường. Đức Phật cùng năm trăm Tỳ-kheo kẻ trước người sau vây quanh đến đứng trên các từng cấp của đường đi. Thái tử để trống vai bên phải, đầu gối bên phải chấm đất, chấp tay bạch Phật: Kính thỉnh Đức Thế Tôn bước lên giảng đường sơ sài này để con được thọ nhận sự an lạc lâu dài. Đức Phật vẫn không bước lên, cho đến lần thỉnh cuối cùng là lần thứ ba, khi ấy, Đức Phật quay lại ngó Tôn giả A-nan. Tôn giả hiểu được ý của Phật, nói với Thái tử, nên cuốn thảm vải nhiều màu này, Đức Phật không bước lên trên thảm, vì lòng thương đối với đời sau. Thái tử liền ra lệnh cuốn thảm, rồi như lần trước, thỉnh Phật. Lúc này, Đức Thế Tôn cùng chúng Tăng đều bước lên, đến tòa an tọa. Thái tử tự tay dâng thức ăn. Các Tỳ-kheo dùng một ngón tay, hoặc hai ngón tay nắm bình bát đưa xuống nhận thức ăn, bát bị rơi, đồ ăn đổ xuống nhớp cả nền nhà bằng thủy tinh. Các Cư sĩ thấy, chê trách nói: Các Tỳ-kheo ấy giống như những người đóng trò, đùa giỡn. Các Tỳkheo trưởng lão nghe, hết lời quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Khi nhận thức ăn phải chú tâm, cần phải học”. Chú tâm tức là tay bên trái nhất tâm bưng bình bát, tay bên phải đỡ nơi miệng bát.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc ấy, các Tỳ-kheo nhận thức ăn đầy bát làm đổ chảy hao tốn cơm canh, các bạch y chê trách: Các Tỳ-kheo này ham nhận thức ăn, không biết nhàm chán, như người đói khát. Lại có các Tỳ-kheo đến nhà bạch y, nhận được cơm liền ăn hết, không đợi canh, nhận được canh liền ăn hết không đợi cơm. Các bạch y chê trách, nói: Các Tỳ-kheo này ham ăn quá đỗi. Lại có các Tỳ-kheo moi khắp trong bát để lấy thức ăn. Lại có Tỳ-kheo khoét chính giữa bát để lấy thức ăn. Lại có Tỳ-kheo cong ngón tay vét thức ăn trong bát để ăn. Lại có Tỳ-kheo ngửi thức ăn trong bát khi ăn. Các cư sĩ thấy đều chê trách. Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo chế pháp nên học này. Từ nay giới này được nói như sau: “Không được nhận thức ăn quá đầy, ăn canh và cơm đều nhau. Không moi khắp trong bát để lấy thức ăn. Không được khoét giữa bát để ăn. Không được cong ngón tay vét thức ăn trong bát. Khi ăn không được ngửi thức ăn, cần phải học”.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, các Tỳ-kheo xoay lại ngó hai bên ngóng trông thức ăn. Các bạch y chê trách: Các Tỳ-kheo này như chó, như chim, tự mình ăn lại dòm ngó nơi người, phép ăn còn không biết, huống là các nghĩa lý sâu xa. Các Trưởng lão nghe, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Khi ăn không nên nhìn ngó hai bên.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo không dám nhìn ngó, lại nhắm mắt mà ăn, nên không thấy khi được người thêm cơm canh. Lục quần Tỳ-kheo lấy thức ăn ấy ăn. Khi mở mắt ra, hỏi: Ai lấy thức ăn của tôi? Lục quần Tỳ-kheo trả lời: Các thầy không có con mắt để ngó hay sao mà phải hỏi người ngồi gần? Tỳ-kheo khác quở trách rồi, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp cần phải học ấy. Từ nay giới này được nói như sau: “Khi ăn nên nhìn kỹ vào bình bát, cần phải học”. Nhìn kỹ vào bình bát là tập trung nhìn vào bát, nhìn khi người ta thêm thức ăn.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, các Tỳ-kheo ăn còn thừa thức ăn, các Cư sĩ chê trách nói: Các Tỳ-kheo này ăn như con nít.
Lại có năm trăm Tỳ-kheo thọ trai tại một nhà Cư sĩ, trong số các người bạch y, có người nói, Tỳ-kheo ăn hết, không bao giờ để thừa, có người lại nói, có bỏ thừa. Hai người cãi nhau. Các Tỳ-kheo hôm nay tình cờ lại ăn không để thừa, sau đó, khi thấy ăn nơi chỗ khác lại có để thừa. Các Cư sĩ dị nghị như trên. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Các ông sự thật có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật chúng con có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp cần phải học này. Từ nay giới này được nói như sau: “Không được bỏ thừa thức ăn, cần phải học”.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc ấy, các Tỳ-kheo dùng tay đang bốc thức ăn, cầm đồ đựng cơm sạch, dầu mỡ dính nhơ nhớp, Tỳkheo khác thấy gớm, các Cư sĩ chê trách, nói: Tại sao lấy tay đang bốc thức ăn cầm đồ đựng cơm sạch. Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Khi ăn không nên dùng tay bên mặt cầm đồ đựng cơm sạch. Sau đó các bạch y đem cơm đến, Tỳ-kheo dùng tay bên trái nhận, bạch y không trao cho lại còn nói: Các Tỳ-kheo không nên thế. Việc này được bạch Phật. Do thế, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nên rửa tay sạch cầm đồ đựng cơm. Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp cần phải học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không nên dùng tay bốc thức ăn mà cầm đồ đựng cơm sạch, cần phải học”. Tay bốc thức ăn: Tay đang bốc thức ăn bị dính dầu mỡ nhớp.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc ấy, các Tỳ-kheo ăn bằng cách húp. Lại có các Tỳ-kheo nhai thức ăn có tiếng. Các Cư sĩ thấy chê trách, nói: Các Tỳ-kheo này ăn như chó uống nước. Lại có các Bà-lamôn mời các Tỳ-kheo dùng cháo, các Tỳ-kheo húp cháo có tiếng. Có một Tỳ-kheo nói: Nay các Tỳ-kheo ăn cháo như run vì lạnh. Nói như vậy rồi sinh lòng ăn năn hối hận: Nay Ta phạm tội hủy báng Tăng, không biết làm sao, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, hỏi Tỳ-kheo kia: Ông nói như vậy có ý nghĩa thế nào? Vị ấy thưa: Cũng có ý giận mà cũng có ý nói cho vui. Đức Phật dạy: Với tâm giận thì nên tự quở trách, chứ không phạm, với ý nói cho vui thì quở trách, phạm Đột-kiết-la. Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không nên húp thức ăn khi ăn, không nên nhai thức ăn có tiếng, cần phải học”.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, các Tỳ-kheo dùng lưỡi liếm thức ăn. Các Cư sĩ thấy chê trách nói: Các Tỳ-kheo này ăn như trâu. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật chúng con có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không được dùng lưỡi liếm thức ăn, cần phải học”.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc này, các Tỳ-kheo bốc cơm quá đầy tay nên thức ăn đổ xuống đất. Lại có các Tỳ-kheo hả miệng quá lớn để ăn. Lại có các Tỳ-kheo cơm chưa đến là hả miệng để chờ, ruồi bay vào miệng nên phải ói ra. Lại có các Tỳ-kheo cúi mặt xuống ăn. Các Cư sĩ thấy đều chê trách. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không được bốc thức ăn quá đầy tay, cần phải học. Không được hả miệng quá lớn để ăn, cần phải học. Cơm chưa đến không được hả miệng lớn để chờ, cần phải học”. Các Tỳ-kheo cơm đến rồi mà miệng chưa dám hả nên cơm dính nhớp hai bên miệng, chảy xuống đất. Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: “Không được quá xa, không được quá gần, phải hả miệng cho đúng lúc”.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, các Tỳ-kheo vừa ngạm thức ăn vừa nói chuyện, hoặc cơm bị rớt xuống đất, hoặc cơm bị rớt trên y, hoặc rớt lại trong bát. Các Cư sĩ thấy đều dị nghị chê trách. Tỳ-kheo trưởng lão thấy, bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách, rồi nói: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không được ngậm thức ăn mà nói chuyện, cần phải học”. Sau đó, các Tỳ-kheo, khi bạch y đem thêm thức ăn đến, hỏi: Thầy cần nữa không? Các Tỳ-kheo không dám mở miệng để trả lời, bèn bị bạch y chê trách: Các Tỳ-kheo kiêu mạn, không cùng người nói chuyện. Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Khi bạch y đem thêm thức ăn đến, cho phép nói: Cần hay không cần.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc ấy, các Tỳ-kheo ngậm thức ăn nhiều đến nỗi hai má búng ra. Các Cư sĩ thấy nên chê trách, nói các Tỳ-kheo này ăn như khỉ. Lại có các Tỳ-kheo cắn phân nửa cục cơm, còn để rớt lại trong bát. Các Cư sĩ thấy dị nghị, nói: Các Tỳ-kheo này ăn uống bất tịnh.
Lại có các Tỳ-kheo duỗi cánh tay lấy thức ăn. Các Cư sĩ dè bỉu, nói: Các Tỳ-kheo này dùng vòi lấy thức ăn như voi. Lại có các Tỳ-kheo chống tay mà ăn. Các Cư sĩ chê trách, nói: Các Tỳ-kheo này giống như voi rảy cái vòi. Lại có các Tỳ-kheo ói ra rồi liếm ăn lại. Các Cư sĩ thấy, chê trách, nói: Các Tỳ-kheo này liếm ăn như chó. Lại có các Tỳ-kheo nuốt trông luôn cả miếng ăn, lại có các Tỳ-kheo vò lọn miếng cơm từ xa quẳng vào miệng. Các Cư sĩ thấy, đều chê trách. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, buông lời quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không được búng má ăn, không được cắn phân nửa ăn, không được duỗi tay ăn, không được chống cánh tay ăn, không được ăn nuốt trộng, không được liếm thức ăn để ăn, không được vò cục cơm từ xa ném vào miệng, là những điều cần phải học”.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc này, các Tỳ-kheo đổ nước rửa bát trong nhà bạch y. Các Cư sĩ thấy, chê trách, nói: Các Tỳ-kheo này không biết nước dơ nên đổ chỗ nào, huống chi là biết việc gì xa xôi.
Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bèn quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Không nên đổ nước rửa bát vào trong nền nhà bạch y.
Có các bạch y mới cất nhà trong xong, tin rằng được nước rửa bát của các Tỳ-kheo rưới vào nền nhà sẽ gặp may mắn. Các Tỳ-kheo không dám rưới. Các Cư sĩ nói: Các Tỳ-kheo này không gắng nhận sự cung kính của người. Các Tỳ-kheo đem vấn đề này bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Cho phép các Tỳ-kheo dùng nước rửa bát, không có thức ăn, rưới trên nền nhà. Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Không được dùng nước rửa bát có thức ăn rưới trên nền nhà bạch y, cần nên học”.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, các Tỳ-kheo dùng cơm phủ canh lại, các bạch y tưởng là chưa có canh nên đem canh đến, sau khi biết có rồi nên chê trách, nói: Các Tỳ-kheo này như con nít, dùng cơm phủ canh lại. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bèn quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Không nên dùng cơm phủ canh.
Có các Tỳ-kheo bệnh, không dám dùng cơm phủ canh, nên trùng sa vào canh không thể bỏ được, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Cho phép dùng cơm phủ canh, nhưng không nên hy vọng được thêm canh. Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới cần phải học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không được dùng cơm phủ canh với hy vọng được thêm canh, cần phải học”.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, có các Tỳ-kheo đến nhà bạch y thọ trai, chê thức ăn. Lại có các Tỳ-kheo tự đòi thêm thức ăn cho mình. Các Cư sĩ chê trách. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, buông lời quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Không nên chê thức ăn, đòi thêm thức ăn cho mình. Các Tỳ-kheo bèn không dám vì Tỳ-kheo bệnh đòi thêm thức ăn, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Cho phép vì các Tỳ-kheo khác đòi thêm thức ăn, chứ không nên vì mình. Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không nên chê thức ăn, cần nên học. Không nên vì mình đòi thêm thức ăn, cần nên học”.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, các Tỳ-kheo nhìn trong bát của vị ngồi gần xem thức ăn nhiều hay ít. Các Cư sĩ thấy, dè bỉu nói: Các Tỳ-kheo này như con nít, xem trong bát của người khác rồi bảo: Thầy được nhiều, tôi được ít, Thầy được ít, tôi được nhiều. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bèn quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Không nên xem trong bát người ngồi gần coi thức ăn nhiều hay ít.
Bấy giờ, có năm trăm vị Tỳ-kheo thọ trai trong một gia đình, ăn rồi, cùng nhau lắm lời bàn tán: Bữa ăn này rất hy hữu! Tỳ-kheo hạ tọa nói: Thượng tọa được thức ăn ngon, chúng tôi không được. Các Tỳ-kheo lại có ý nghĩ: Nếu Phật cho phép chúng ta xem trong bát của người khác thì biết được vị nào nhận được thức ăn, vị nào không nhận được. Vị nào không nhận được thì bảo họ đem đến. Với ý nghĩ đó các vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Cho phép xem trong bát của vị ngồi gần, nhưng không được sinh tâm ganh tỵ. Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới cần nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không nên với tâm ganh tỵ xem trong bát vị ngồi gần, cần nên học”.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, các Tỳ-kheo đứng đại tiểu tiện. Các Cư sĩ thấy, dè bỉu nói: Các Tỳ-kheo này giống như lừa như ngựa. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, buông lời quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không được đứng đại tiểu tiện, cần nên học”. Khi ấy, các Tỳ-kheo bệnh không thể ngồi xổm được, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Cho phép khi các Tỳ-kheo bệnh được đứng để đại tiểu tiện. Từ nay giới này được nói như sau: “Không được đứng đại tiểu tiện, trừ bệnh, cần nên học”.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, các Tỳ-kheo đại tiểu tiện trong nước, các Cư sĩ chê trách. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bèn quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không nên đại tiểu tiện trong nước, cần phải học”.
Có các Tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo: Thầy cần đại tiểu tiện trong nước để tôi tìm hiểu bệnh trạng mới có thể chữa trị được. Các Tỳ-kheo không dám, bèn nói với thầy thuốc: Thầy nên cho phương thuốc khác. Thầy thuốc nói: Chỉ có cách đó mới có thể tìm hiểu bệnh trạng được. Các Tỳ-kheo bèn nghĩ: Nếu Đức Phật cho phép chúng ta đại tiểu tiện trong nước thì chúng ta sẽ được lành bệnh. Nghĩ xong bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo bệnh được đại tiểu tiện trong nước. Từ nay giới này được nói như sau: “Không được đại tiểu tiện trong nước sạch, trừ bệnh, cần phải học”. Nếu đại tiểu tiện trên cây, nhân đó trôi vào trong nước thì không phạm.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc ấy, các Tỳ-kheo đại tiểu tiện trên rau cỏ. Các Cư sĩ thấy, chê trách nói: Các Tỳ-kheo này giống như trâu như dê. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, buông lời quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không được đại tiểu tiện trên rau cỏ, trừ bệnh, cần phải học”. Nếu đại tiểu tiện ở trên cây, từ đó trôi lên trên rau cỏ thì không phạm.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc đó, các Tỳ-kheo vì người mang guốc dép nói pháp. Các Cư sĩ thấy, chê trách nói: Giáo pháp tôn quý vi diệu đệ nhất mà các Tỳ-kheo vì người mang guốc dép nói, khinh mạn giáo pháp. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, buông lời quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn!
Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Không vì người mang guốc, dép nói pháp, cần phải học”.
Có các người bệnh, cởi guốc dép ra không được mà muốn nghe pháp, các Tỳ-kheo không dám nói, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo vì người bệnh nên cho họ mang guốc dép mà nói pháp. Từ nay giới này được nói như sau: “Người mang guốc không nên vì họ nói pháp, trừ bệnh, cần phải học. Người mang dép không nên vì họ nói pháp, trừ bệnh, cần phải học”. Pháp: Những gì do Đức Phật nói, Thanh văn nói, Tiên nhân nói, chư Thiên nói và tất cả những gì nói như pháp. Nếu có nhiều người mang guốc dép, không thể bảo họ cởi ra được, thì nhân nơi người nào không mang mà nói thì không phạm.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, các Tỳ-kheo vì người để trống ngực, cho đến người cầm gậy nói pháp. Các Cư sĩ thấy, chê trách như trên. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, buông lời quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Người để trống ngực không nên vì họ nói pháp, cần nên học”.
Có các người bệnh muốn nghe pháp, các Tỳ-kheo không dám nói, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Cho phép vì người bệnh để trống ngực nói pháp. Từ nay giới này được nói như sau: “Người để trống ngực không nên vì họ nói pháp, trừ bệnh, cần nên học”. Người ngồi, Tỳ-kheo đứng; người ngồi chỗ cao, Tỳ-kheo ngồi chỗ thấp; người nằm, Tỳ-kheo ngồi; người đứng trước, Tỳ-kheo đứng sau; người ở giữa đường, Tỳ-kheo ở bên đường; vì người che đầu, vì người lật ngược y, vì người lật ngược y cả hai bên, vì người cầm dù, vì người cỡi ngựa, vì người cầm gậy nói pháp đều như trên đã nói.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc này, các Tỳ-kheo vì người cầm đao, người cầm cung tên nói sự khổ nơi địa ngục. Người kia nghe rồi nổi giận dữ đòi chém, bắn Tỳ-kheo chết. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học. Từ nay giới này được nói như sau: “Người cầm đao không nên vì họ nói pháp, cần phải học. Không nên nói pháp cho người cầm cung tên, cần phải học”.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, Lục quần Tỳ-kheo vì Thập thất quần Tỳ-kheo nhận phần ăn nơi nhà được thỉnh. Lục quần Tỳ-kheo cố ý xúc não Thập thất quần Tỳ-kheo nên không đem về sớm, để đợi gần quá ngọ mới đem về. Thập thất quần Tỳ-kheo trèo lên cây cao để trông chừng. Các Tỳ-kheo Trưởng lão thấy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp cần phải học. Từ nay giới này được nói như sau: “Cây cao quá đầu người, không được trèo lên, cần phải học”. Khi ấy, có Tỳ-kheo trên đường đến nước Câu-tát-la, gặp phải thú dữ, không dám trèo lên cây, bị thú làm hại. Các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: Từ nay giới này được nói như sau: “Không được leo lên cây cao quá đầu người, trừ có nhân duyên lớn, cần phải học”. Nhân duyên lớn: Là gặp thú dữ hay các nạn, gọi là nhân duyên lớn. Tỳ-kheoni, trừ đại tiểu tiện trên rau cỏ sống, ngoài ra đều như Tỳ-kheo. Thứcxoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.
Xong 100 pháp Chúng học
Đoạn 8: NÓI VỀ 7 PHÁP DIỆT TRÁNH
– Vấn đề nên áp dụng Tỳ-ni hiện tiền thì phải áp dụng Tỳ-ni hiện tiền: Xảy ra tại đâu? Tại thành Chiêm-bà. Nhân ai phát khởi? Lục quần Tỳ-kheo.
– Vấn đề nên áp dụng Tỳ-ni Ức-niệm thì phải áp dụng Tỳ-ni Ức- niệm: Xảy ra tại đâu? Tại thành Vương-xá. Nhân ai phát khởi? Đà-bà Lực Sĩ Tử.
– Vấn đề nên áp dụng Tỳ-ni Bất-si thì phải áp dụng Tỳ-ni Bất-si: Xảy ra tại đâu? Tại thành Vương-xá. Nhân ai phát khởi? Tỳ-kheo Già Già.
– Vấn đề nên áp dụng Pháp tự ngôn thì phải áp dụng Pháp tự ngôn: Xảy ra tại đâu? Tại thành Xá-vệ. Nhân ai phát khởi? Tỳ-kheo Dị.
– Vấn đề nên áp dụng đa nhân ngữ thì phải áp dụng đa nhân ngữ: Xảy ra tại đâu? Tại thành Xá-vệ. Nhân ai phát khởi? Số đông Tỳkheo.
– Vấn đề nên áp dụng như thảo bố địa thì phải áp dụng như thảo bố địa: Xảy ra tại đâu? Tại thành Xá-vệ. Nhân ai phát khởi? Số đông Tỳ-kheo.
– Vấn đề nên áp dụng pháp bổn ngôn trị thì phải áp dụng pháp bổn ngôn trị: Xảy ra tại đâu? Tại thành Xá-vệ. Nhân ai phát khởi? Ưu-đà-di.