LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 4
Phần 1: GIỚI PHÁP CỦA TỲ KHEO
Đoạn 3: NÓI VỀ HAI PHÁP BẤT ĐỊNH
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà thường tới lui nhà một cư sĩ. Vào một buổi sáng sớm nọ, Bạt-nan-đà đắp y mang bát đến nhà cư sĩ ấy. Ở nhà chỉ có mỗi một vợ cư sĩ, Bạt-nan-đà trải Ni-sưđàn nơi chỗ vắng vẻ rồi cùng bà ta ngồi nói những lời xấu xa, thô tục về dâm dục. Khi ấy, Lộc-tử mẫu Tỳ-xá-khư nghe Bạt-nan-đà cùng người vợ cư sĩ ngồi một mình nơi chỗ vắng nói những lời thô ác về dâm dục, nghĩ: Nếu cư sĩ về bắt gặp chắc sinh tâm xấu đối với Tỳ-kheo khác, cũng như sẽ khiến Bạt-nan-đà trong đêm dài sinh tử thọ nhận nhiều khổ não. Ta nên sai người đến bạch với Đức Thế Tôn. Bà liền bảo Bà-lamôn tên là Na-lân-già, người thường được bà sai đến cúng dường Phật: Ngươi đến chỗ Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân Ngài, rồi trình bày rõ việc này. Người Bà-la-môn liền đến bạch Phật. Đức Phật vì Bà-lamôn Na-lân-già giảng nói pháp diệu rồi bảo trở về. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự thầy có như vậy không? Bạt-nan-đà thưa: Thật sự có như vậy, bạch Đức Thế Tôn… Đức Phật bằng mọi hình thức quở trách, như trong giới dâm đã nói, rồi bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng với một người nữ, một mình ngồi chỗ vắng, chỗ có thể hành dâm, Ưu-bà-di đáng tin thấy, nói một trong ba pháp, nghĩa là hoặc nói Ba-la-di, hoặc nói Tăng-già-bàthi-sa, hoặc nói Ba-dật-đề. Nếu Tỳ-kheo đó công nhận như lời người Ưu-bà-di đã nói, thì nên tùy theo đó mà trị một trong ba pháp, gọi là pháp Bất định”.
Một mình: Là một Tỳ-kheo, một người nữ chứ không có người thứ ba. Chỗ vắng: Là chỗ mắt không thấy. Đáng tin: Là người đã thấy bốn
chân đế, không vì mình, không vì người, không vì lợi mà nói dối. Ưubà-di: Là người nữ thọ ba tự quy, tuyệt đối chấm dứt với tà đạo.
Bất định: Một trong ba pháp chưa nhất định là pháp nào. Các Tỳkheo Thượng tọa nên hỏi Tỳ-kheo ấy: Thầy có đến nhà đó hay không? Nếu Tỳ-kheo nói có, thì chưa đủ yếu tố để trị. Thượng tọa nên hỏi nhẹ nhàng: Thầy cùng với người nữ, một mình ngồi chỗ vắng nói lời thô ác về pháp hành dâm dục phải không? Nếu nói không thì Tỳ-kheo Thượng tọa, Hạ tọa nên nói một cách tha thiết: Thầy nên nói thật, đừng nên nói dối. Như lời Ưu-bà-di nói có đúng hay không? Nếu nói: Như lời Ưu-bà-di nói là đúng. Như vậy tùy theo đó mới trị tội. Sa-di phạm Độtkiết-la.
Giới bất định thứ hai là cùng người nữ ngồi chỗ trống thì trừ Bala-di, ngoài ra như trên đã nói.
Chỗ trống: Là chỗ mắt có thể thấy.
Đoạn 4: NÓI VỀ 30 PHÁP XẢ ĐỌA
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy các Tỳkheo chỉ được cất chứa ba y, vậy mà các Tỳ-kheo Lục quần trước bữa ăn, buổi xế chiều, mỗi thời gian mặc một loại y khác nhau. Các Tỳkheo thấy thế hỏi: Đức Thế Tôn không cho phép chứa y dư, các thầy không nghe hay sao? Lục quần trả lời: Chúng tôi có nghe chứ, nhưng những y này của chúng tôi là nhận được từ Tăng, hoặc từ Cư sĩ hay từ đồ vất bỏ. Vì nhu cầu đắp mặc nên họ cho tôi, vốn không khiến tôi vì năm nhà mà cất chứa. Các Tỳ-kheo bằng mọi cách quở trách, rồi cùng đưa đến chỗ Đức Phật để trình bày vấn đề. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các thầy có như vậy không? Lục quần Tỳ-kheo thưa: Sự thật có như vậy, bạch Thế Tôn. Đức Phật bằng mọi hình thức quở trách: Trước đây các thầy không nghe Ta khen ngợi hạnh thiểu dục, tri túc: Áo cắt rọc đủ để che thân, cơm ăn đủ để nuôi sống hay sao?! Ví như các loài chim chỉ có đôi lông cánh, Tỳkheo cũng như vậy, chỉ mang theo ba y mà thôi. Tại sao nay các thầy lại tích giữ cất chứa phi pháp. Bằng mọi cách quở trách rồi, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay, giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào chứa y dư, quá một đêm phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Kể từ ấy, các Tỳ-kheo lúc cần mỗi một y nào, chúng Tăng Yếtma, đem số vật nên phân mà phân cho. Vào một dịp nọ, y của A-na-luật cũ rách hư hoại, các Tỳ-kheo nói: Y của thầy cũ rách sao không đến Tăng xin sai người may một ngày cho xong? A-na-luật nói: Tôi không dám xin, sợ một ngày may không xong, phạm tội Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo ở ấp Ba-lợi với ý muốn đến thành Xá-vệ để hậu an cư, song không còn thời gian nữa, nên hợp ý nhau an cư tại ấp Ta-bệ-đà và đã hoàn tất. Ngày mười sáu cùng nhau đến chỗ Phật ở. Vì mưa nên suốt lộ trình lầy lội ướt át, ba y đã thô nặng, bị ướt càng thêm nặng, các Tỳ-kheo rất nhọc mệt với gánh nặng này. Các Tỳ-kheo đến nơi, kính lễ sát chân Phật rồi ngồi lui qua một bên. Phật thăm hỏi các Tỳ-kheo: An cư có vui hòa không? Trên đường đi có nhọc mệt lắm không? Các Tỳ-kheo thưa: Chúng con an cư được vui hòa, khất thực không bị thiếu thốn. Chúng con trước ở ấp Ba-lợi ý muốn về nơi đây an cư, nhưng trong đoàn có nhiều bạn quen nên không khởi hành sớm được. Chúng con tưởng đến kịp hậu an cư song cũng vẫn không kịp bèn tới an cư tại Ta-bệ-đà và đã hoàn tất. Ngày mười sáu lên đường về đây, trên đường đi bị mưa, đường lầy lội ướt át, ba y đã thô nặng bị ướt càng nặng nên rất vất vả suốt lộ trình. Các Tỳ-kheo nhân việc này trình bày lên Phật vấn đề không dám xin may y của A-na-luật. Đức Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng. Sau khi khen ngợi hạnh thiểu dục, tri túc, khen giới, khen người trì giới, Ngài bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép thọ y Cahi-na, để khỏi phạm năm việc:
- Ăn riêng chúng.
- Có thể ăn nhiều lần.
- Trước bữa ăn, sau bữa ăn đi đến gia đình nào đó khỏi phải dặn Tỳ-kheo khác.
- Chứa y dư.
- Ngủ riêng không mất ba y.
Khi ấy, các Tỳ-kheo lại có ý nghĩ: Đức Phật cho thọ Y Ca-hi-na, cho phép chứa y dư, không biết được phép ấy vào lúc nào. Với suy nghĩ này lại bạch Phật. Phật dạy: Khi đã thọ Ca-hi-na thì được phép chứa. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào ba y đã xong, y Ca-hi-na đã xả, chứa y dư quá một đêm, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Lúc ấy, Tôn giả A-nan vì Trưởng lão Xá-lợi-phất mà nhận hai trương vải kíp bối. Vào lúc ấy Trưởng lão Xá-lợi-phất lại đi vắng. Tôn giả A-nan áy náy nghĩ ngợi: Đức Thế Tôn không cho phép chứa y dư quá một đêm, nay Trưởng lão Xá-lợi-phất lại không có mặt ở trú xứ phải giải quyết việc này thế nào đây?! Đem nghi vấn này bạch Phật, Đức Phật hỏi A-nan: Bao nhiêu ngày nữa Xá-lợi-phất trở về? A-nan thưa: Khoảng mười ngày, hoặc không đến mười ngày. Do đó Đức Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng và Ngài đã hết lời khen ngợi sự thiểu dục, tri túc, khen giới, khen người trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào ba y đã xong, y Ca-hi-na đã xả, chứa y cho đến mười ngày, nếu quá, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Ba y đã xong: Tức là giặt, nhuộm, may đã xong.
Y Ca-hi-na đã xả: Tức bạch nhị yết-ma xả.
Y dư: Ngoài ba y đều gọi là dư.
Y: Là y kíp bối, y Khâm-ba-la, y bằng tơ tằm, y độn, y vải thô.
Mười ngày: Nếu ngày thứ nhất được y nên xả ngay trong ngày, hoặc thọ trì, hoặc cho người, hoặc tịnh thí. Nếu không xả liền trong ngày, ngày thứ hai lại được y, nên xả cả hai trong ngày này. Nếu ngày ấy không xả, ngày thứ ba cho đến ngày thứ mười lại được y, cũng nên xả hết trong ngày ấy. Nếu ngày này không xả, đến ngày thứ mười một, khi tướng mặt trời xuất hiện, y nhận được trong mười ngày đều phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề. Nếu có y quá mười ngày nên xả cho Tỳ-kheo Tăng, hoặc xả cho một, hai, ba Tỳ-kheo, không được xả cho người khác và phi nhân. Xả rồi tiếp theo sau là sám hối: Nếu không xả mà sám hối thì tội kia càng sâu. Trừ trường hợp ba y dư, nếu các y khác dư, cho đến khăn lau tay quá mười ngày đều phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiếtla. Nếu tịnh thí thì không phạm.
Xong giới thứ nhất
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc này nhóm Tỳ-kheo mười bảy người an cư xong muốn du hành, lại có ý nghĩ: Chúng ta sẽ trở về lại đây, đem theo một y là đủ, phiền gì phải đem nhiều. Nghĩ sao làm vậy, các Tỳ-kheo lấy khăn gói các y còn lại đem để trên giá, gởi cho các Tỳ-kheo tại trú xứ, rồi ra đi. Cũng vào lúc đó nhóm sáu Tỳ-kheo từ nơi khác trở về, nói với Tỳ-kheo ở trú xứ: Cung cấp phòng cho tôi. Tỳ-kheo tại trú xứ chỉ ngay phòng của nhóm mười bảy người để y. Nhóm sáu Tỳ-kheo thấy y để trên giá hỏi: Tại sao các thầy cất chứa các y dư này? Tỳ-kheo trú xứ nói: Đây là y của nhóm mười bảy Tỳ-kheo, an cư xong du hành trong nhân gian không thể mang theo được nên lưu lại gởi cho tôi đó. Được cớ, nhóm sáu Tỳ-kheo tha hồ quở trách rồi đem vấn đề trình lên Đức Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi nhóm mười bảy Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn đúng như vậy. Đức Phật bằng mọi cách khéo léo quở trách: Các ông ngu si, không nghe Ta dạy: Vật bất ly thân của một Tỳ-kheo là ba y và bình bát giống như con chim bay được là tự nhờ đôi cánh lông của nó đó sao? Quở trách rồi, Phật bảo cácTỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay, giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào ba y đã xong, y Ca-hi-na đã xả, trong ba y, nếu lìa mỗi một y nào, ngủ quá một đêm phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Bấy giờ, một Tỳ-kheo nọ có một y phấn tảo muốn đến ấp Sa-kiệtđà, nhưng y nặng không thể mang theo, muốn xả, không biết nên như thế nào, bạch các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo cùng đưa đến chỗ Phật để trình lên Ngài sự việc. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu các Tỳ-kheo thọ trì y phấn tảo nặng, muốn du hành nơi khác, không thể mang theo được, Tỳ-kheo ấy nên đến xin Tăng Yết-ma không mất y với nghi thức như sau: Đương sự cởi giày dép, đầu mặt đảnh lễ sát chân Tăng, quỳ gối, chấp tay bạch: Đại đức Tăng xin lắng nghe, tôi Tỳ-kheo tên là ___ muốn du hành đến xứ ___ y phấn tảo nặng không thể mang theo được, muốn để lại. Nay đến xin Tăng Yếtma pháp không mất y. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng bạch xin như vậy. Sau đó, một Tỳ-kheo trong Tăng xướng: Đại đức Tăng xin lắng nghe, Tỳ-kheo tên là ___ muốn du hành đến xứ ___ y phấn tảo nặng không thể mang theo được, muốn để lại. Nay đến Tăng xin Yết-ma không mất y. Nay Tăng trao cho Yết-ma không mất y. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đây là lời tác bạch.
Đại đức Tăng xin lắng nghe, Tỳ-kheo tên là ___ muốn du hành đến xứ ___ y phấn tảo nặng không thể mang theo, muốn lưu lại, đến xin Tăng Yết-ma không mất y. Nay Tăng trao cho Yết-ma không mất y. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng, ai không đồng ý xin nói.
Tăng đã trao cho Tỳ-kheo tên là ___ Yết-ma không mất y rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo thấy Đức Thế Tôn cho phép Yết-ma ly y, bèn thường tác Yết-ma ly y để ngủ đêm, thậm chí Yết-ma ly hết cả ba y, chỉ mặc y cũ rách để đi. Tỳ-kheo Trưởng lão thấy hỏi: Tại sao các thầy mặc y cũ rách đi như thế? Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật cho phép Yết-ma ly y, cho nên chúng tôi thường Yết-ma ly y để ngủ đêm, cũng Yết-ma ly ba y luôn. Các Tỳ-kheo bằng mọi cách quở trách, rồi cùng đưa đến Đức Phật trình bày sự việc. Đức Phật dạy: Các thầy không được phép nhiều lần Yết-ma ly y để ngủ đêm và Yết-ma ly cả ba y. Đây là hai Yết-ma phi pháp, Tỳ-kheo Tăng phạm hai tội Đột-kiết-la. Đối với Yết-ma ly y để ngủ đêm này, mỗi y, một đêm đều phạm tội mất y. Nay cho phép Tỳ-kheo Yết-ma lưu y lại, tiền an cư được chín tháng, hậu an cư được tám tháng, không được Yết-ma lưu y Tăng-già-lê, An-đà-hội, cho phép Yết-ma Ưu-đa-la-tăng. Chỗ có nạn giặc cướp, trong ba y, y cắt rọc nào hơn hết, cho phép tùy theo đó mà lưu (gởi). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, ba y đã xong, y Ca-hi-na đã xả, trong ba y, nếu lìa mỗi một y nào, ngủ quá một đêm, trừ Tăng yết-ma, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Ly y: Vườn, đồng giới khác giới; nhà, đồng giới khác giới; Tinh xá của Tỳ-kheo-ni, đồng giới khác giới; xóm làng, đồng giới khác giới; nhà lầu, đồng giới khác giới; xe, đồng giới khác giới; thuyền, đồng giới khác giới; khoảng đất rộng, đồng giới khác giới; nơi gốc cây, đồng giới khác giới; đất trống, đồng giới khác giới; trên đường đi, đồng giới khác giới.
Vườn đồng giới: Tăng Yết-ma quy định ranh giới không mất y, trong đó tự do tới lui. Khác giới: Tăng không Yết-ma quy định ranh giới không mất y, tuy là cùng một vườn mà không được tự do tới lui trong đó. Nhà, Tinh xá Tỳ-kheo-ni, xóm làng, nhà lầu cũng như vậy.
Xe đồng giới: Trong đó được tự ý lấy hay di chuyển. Khác giới:
Trong đó không được tự ý lấy hay di chuyển.
Thuyền cũng như vậy.
Khoảng đất rộng đồng giới: Là chỗ sân phơi lúa, được tự ý lấy. Khác giới là không được tự ý lấy.
Nơi gốc cây đồng giới: Chỗ có bóng mát che. Khác giới là chỗ không có bóng mát che.
Đất trống đồng giới: Là chỗ ngồi kiết già cách trước mặt bảy thước. Khác giới là ngoài bảy thước.
Trên đường đi đồng giới: Là cách thân hình bảy cung. Khác giới là ngoài bảy cung, cho đến tướng mặt trời có mặt, khi ấy Tỳ-kheo trở về tới giới, cho đến một chân vào trong giới cũng không mất y. Hoặc là miệng tự nói: Tôi xả y đó, cũng không mất y. Nếu không nói xả, khi tướng mặt trời có mặt thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.
Ngoài ba y của Tỳ-kheo, những thứ y thọ dụng khác, mà xa lìa để ngủ ban đêm thì phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thứcxoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ hai
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo y đã đủ, y Cahi-na đã xả, lại được y phi thời, các Tỳ-kheo tự thấy xấu hổ nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận y phi thời. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các thầy có nhận được y phi thời mà tự xấu hổ nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận y phi thời, phải vậy không? Các Tỳ-kheo trả lời: Bạch Thế Tôn thật vậy. Đức Phật bằng nhiều cách khen ngợi hạnh thiểu dục, tri túc, khen giới, khen người trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép nhận y phi thời. Khi ấy Lục quần Tỳ-kheo nảy sinh ý nghĩ: Đức Thế Tôn đã cho phép nhận y phi thời, chúng ta có thể tha hồ thọ nhận. Nhận nhiều song họ không thọ trì, không cho người, cũng không tịnh thí. Các Tỳ-kheo thấy vậy hỏi: Các thầy không nghe Đức Thế Tôn chế cấm không được chứa y dư hay sao? Họ trả lời: Tuy Đức Phật chế cấm chứa y dư, nhưng cho phép nhận y phi thời. Các Tỳ-kheo hỏi: Có phải bất cứ lúc nào các thầy cũng chứa y phi thời, lại không thọ trì, không cho người, không tịnh ví như thế hay sao? Họ trả lời: Đúng như vậy. Các Tỳ-kheo Trưởng lão bằng mọi hình thức quở trách, trình lên Đức
Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn có thật như vậy, Lục quần thưa. Đức Phật bằng lời lẽ nghiêm khắc quở trách: Các ông là kẻ ngu si. Không nên ham cầu xin quá nhiều như thế. Đối với pháp của ngoại đạo, người nhận, nhận mấy cũng không chán, kẻ cho lại so lường tính toán. Trong chánh pháp của Ta thì thiểu dục, tri túc, người thí tuy tích cực rộng rãi, nhưng kẻ nhận chỉ nhận ít mà thôi. Quở trách rồi, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Nếu Tỳ-kheo nào nhận được y phi thời, không thọ trì, không cho người, không tịnh thí, cho đến một đêm phạm Đột-kiết-la”.
Khi ấy, có một trú xứ nọ, các Tỳ-kheo nhận được nhiều y, thọ trì, cho người, tịnh thí, còn dư một khúc vải, cho các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo không nhận, nói: Đức Phật không cho phép chúng tôi nhận vải không đủ may y. Tỳ-kheo cho vải lại nói: Cứ nhận đi, cần đủ vải thì sẽ đủ ngay. Có Trưởng lão Già-tỳ nhận được miếng vải vừa hẹp vừa ngắn, hằng ngày cứ kéo ra, hy vọng miếng vải dài rộng hơn trước. Thường lệ, cứ mỗi năm ngày, Đức Phật đi xem xét các phòng, thấy Già-tỳ kéo vải, hỏi: Thầy làm gì vậy? Già-tỳ thưa: Con nhận được miếng vải nhỏ này, không thọ trì được. Đức Phật hỏi: Thầy có hy vọng nhận được chỗ nào nữa không? Thưa có, Già-tỳ đáp. Đức Phật lại hỏi: Thời gian lâu mau nữa sẽ nhận được? Già-tỳ đáp: Trong vòng một tháng. Nhân việc này, Đức Phật bằng nhiều cách khen ngợi hạnh thiểu dục, tri túc, khen giới, khen người trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo: “Từ nay cho phép chứa y phi thời, nếu không đủ, chờ cho đủ trong vòng một tháng”.
Đức Phật đã cho phép chứa vải phi thời mà không đủ may y, các Tỳ-kheo lại mang vải này du hành quá một tháng. Các Tỳ-kheo thấy vậy hỏi: Đức Phật không cho phép chứa vải phi thời, không đủ may y quá một tháng, tại sao các thầy lại mang nó du hành quá một tháng? Sau khi bằng mọi cách quở trách, các Tỳ-kheo cũng đưa đến chỗ Đức Phật, trình bày sự việc lên Ngài. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào ba y đã đủ, y Cahi-na đã xả, lại được vải phi thời, cần thì nhận, nhận rồi phải sớm thọ trì, đủ thì tốt, nếu không đủ thì chờ đợi có chỗ cho thêm đủ để may, cho đến một tháng, nếu quá phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Y phi thời: Y nhận được sau khi xả y Ca-hi-na, đều gọi là y phi thời.
Cần: Trong ba y có cái cũ rách cần để bổ sung.
Hy vọng có chỗ nhận được: Có nơi nào đó, hy vọng họ sẽ cho.
Nhận được từ một ngày cho đến một tháng: Nếu Tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được vải mà không đủ may y, ngay trong ngày lại nhận được đủ vải như ước muốn phải may thành y để thọ trì, hoặc cho người hay tịnh thí, nếu không thọ trì, không cho người, không tịnh thí, đến ngày mười một khi tướng mặt trời xuất hiện, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dậtđề. Ngày thứ hai cho đến mười ngày cũng vậy. Ngày thứ mười một có hy vọng, nếu nhận được thì nội nhật nên may thành y, để thọ trì, hoặc cho người hay tịnh thí, đến ngày mười hai, khi tướng mặt trời xuất hiện phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề. Cho đến ngày ba mươi cũng như vậy. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ ba
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc này, nơi ấp Ưu-thiện-na có một thiếu niên cư sĩ trên đường du lịch vui chơi gặp một người con gái tên là Liên Hoa-sắc, sắc đẹp như hoa đào, tướng nữ trọn vẹn. Đã nặng tình kính yêu tương hợp, người thiếu niên ấy cưới cô ta làm vợ. Sau một thời gian ngắn người vợ có thai. Gần đến ngày sinh, cô ta về lại nhà cha mẹ, và sinh được một đứa con gái. Vì người vợ ở cữ nên người chồng không thể gần gũi được. Anh ta lại vụng trộm tư thông với mẹ của cô. Liên Hoa-sắc biết được muốn vất bỏ tất cả, cắt đứt đạo vợ chồng nhưng lại sợ liên lụy đến cha mẹ, hơn nữa vì thương con nên phải ôm sầu, nuốt hận chịu tủi nhục để nuôi con. Liên Hoa-sắc về lại nhà chồng nuôi đứa con gái của mình lên tám tuổi, sau đó mới bỏ nhà ra đi, đến thành Bala-nại, đói khát mệt lả người, cô ta ngồi nghỉ bên mé nước. Trong khi ấy, có ông Trưởng giả nọ đi du ngoạn vừa thấy cô ta đã đem lòng yêu mến sâu nặng liền ngỏ lời hỏi han: Cha mẹ, dòng họ của cô ở đâu? Hiện nay cô có bị ai ràng buộc không, hay còn độc thân? Liên Hoa-sắc trả lời: Tôi là đứa con gái thuộc dòng họ ___ nay tôi không thuộc sở hữu của ai. Ông Trưởng giả lại ngỏ lời: Nếu không thuộc sở hữu của ai thì có thể vì tôi làm chánh thất được không? Liên Hoa-sắc nói: Người con gái lấy chồng tại sao không được! Ông Trưởng giả liền đưa cô ta lên xe trở về nhà rồi phong làm vợ cả. Liên Hoa-sắc giải quyết sắp đặt chu toàn mọi việc trong nhà. Từ lớn đến nhỏ, hòa thuận sung túc, vợ chồng tương kính nặng nghĩa lẫn nhau. Sau tám năm, bấy giờ ông Trưởng giả nói với người vợ: Tôi có đầu tư vốn tại ấp Ưu-thiện-na, kiểm tra số nợ lãi tám năm qua theo sổ sách, kế toán cho đến nay lãi sinh từ số vốn ấy, lên đến số cả ức. Hôm nay tôi muốn đến đó thu nợ lãi về, chúng ta tạm thời xa nhau. Người vợ nói: Phong tục tại ấp đó người nữ thích phóng dật, anh đến đó coi chừng sẽ bị mất tiết tháo của người trượng phu. Của cải như phấn thổ sao lại quá bận lòng tính toán làm chi! Người chồng trả lời: Tôi tuy biết rõ nhược điểm của mình nhưng không đến nỗi bị điều đó mê loạn. Người vợ lại nói: Nếu anh tự quyết định cần phải đi thì nên suy nghĩ và cho em nghe được một lời thề. Người chồng nói: Tốt lắm, anh thề: “Nếu anh có khởi tâm làm điều đó, thì khi anh trở về, lúc về cửa ngõ anh sẽ chết với tâm tà ấy”.
Với lời thề như thế, người chồng đến ấp Ưu-thiện-na. Anh ta thu tiền lãi nhiều nơi nên trải qua thời gian cả năm. Xa nhà càng lâu ngày, nhớ nhà càng gấp bội, lòng sinh nọ kia, nảy ra ý nghĩ: Ta nên giải quyết thế nào để khỏi trái với lời thề trước mà vẫn thỏa tình hiện nay! Trưởng giả lại nghĩ: Nếu ta tà dâm thì trái với lời thề trước vợ, thôi thì tạo một nhà riêng là xong chuyện, khỏi trái với lời thề. Trong khi trao đổi, dò la, ông Trưởng giả gặp một người con gái dung nhan tao nhã, dịu dàng, toát lên một vẻ đoan chính. Ông yêu thương cô ta một cách say đắm, liền tìm đến cầu hôn. Cha người con gái thấy ông Trưởng giả tiền tài sung túc, giàu có vô cùng, nên hoan hỷ nhận lời gả con. Thu nợ xong, ông Trưởng giả cùng với người vợ mới cưới trở về bổn xứ, đến ở yên nơi một tổ ấm riêng, sau đấy ông mới trở về nhà cũ. Từ đó, ông Trưởng giả sáng đi chiều về, khác hẳn với ngày trước. Liên Hoa-sắc ngạc nhiên, âm thầm hỏi người tùy tùng, người ấy nói: Ngoài ấy có một thiếu phụ nên mới đi như vậy. Chiều hôm đó, người chồng về, Liên Hoa-sắc hỏi: Anh có người hầu tại sao giấu em, không cho em thấy? Ông Trưởng giả nói: Sợ em biết sẽ hận anh, nên phải giấu ngoài ấy. Người vợ nói: Em không ghen ghét, hiềm khích đâu, thần minh chứng giám cho em điều đó, anh nên gọi cô ấy về để cùng em lo liệu việc nhà. Ông Trưởng giả bèn đưa người ấy về và người đó chính là con gái của Liên Hoa-sắc. Mẹ con gặp nhau mà không hề hay biết. Thời gian sau, nhân lúc gội đầu, để ý nhìn kỹ tướng mạo, Liên Hoa-sắc mới nghi là con gái của mình, bà ta khéo léo hỏi rõ về làng xã, cha mẹ, tộc tánh của thiếu phụ và thiếu phụ đã trả lời cặn kẽ. Thế là vỡ lẽ! Liên Hoa-sắc kinh hoàng nói: Xưa kia mẹ và con đồng một chồng! Nay con và mẹ cùng một chàng rể! Sinh tử mê loạn cho đến nỗi này ư?! Nếu không đoạn ái dục, xuất gia học đạo thì sự điên đảo mê hoặc này làm sao chấm dứt được?! Liên Hoa-sắc liền vất bỏ tất cả ra đi và đến được cửa Kỳ-hoàn, đói khát mệt lả, ngồi tựa vào gốc cây.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi giữa một rừng người vây quanh để nghe Ngài thuyết pháp. Liên Hoa-sắc thấy hàng hàng lớp lớp người tấp nập ra vào tới lui, nghĩ là tiết hội chắc có thức ăn, bèn vào trong Tinh xá, thấy Đức Thế Tôn đang vì mọi hạng người giảng nói pháp. Liên Hoa-sắc nghe pháp, lãnh hội được vấn đề, sự đói khát từ đó được xua tan. Ngay lúc ấy, Đức Thế Tôn quan sát khắp chúng hội xem ai có thể độ được. Ngài thấy rõ chỉ có Liên Hoa-sắc là người sẽ đắc được đạo quả, nên liền nói pháp bốn chân đế: Khổ, tập, tận, đạo. Từ nơi chỗ ngồi Liên Hoa-sắc liền rũ sạch mọi trần cấu, đạt được mắt pháp trong sạch. Khi đắc quả rồi, Liên Hoa-sắc một lòng chấp tay hướng đến Đức Phật. Đức Phật giảng nói pháp xong, chúng hội đều ra về. Liên Hoa-sắc đến trước Đức Phật, kính lễ sát chân, quỳ gối, chấp tay bạch Phật: Con nguyện xin được xuất gia trong chánh pháp của Đức Phật. Đức Phật liền chấp thuận, rồi bảo Tỳ-kheo-ni Ba-xà-ba-đề: Này Tỳ-kheo-ni nên độ người nữ ấy thực hành đạo. Ma-ha-ba-xà-ba-đề thọ giáo, liền độ cho xuất gia thọ giới. Liên Hoa-sắc siêng năng tinh tấn hành đạo, nên dẫn đến thành bậc A-la-hán, nhờ vui thú trong các cảnh thiền giải thoát, nên dung nhan, tướng mạo càng sáng rực bội phần so với trước.
Đến giờ, Liên Hoa-sắc mang bát vào thành khất thực. Một người Bà-la-môn trông thấy liền mê đắm sắc đẹp của Liên Hoa-sắc nên nảy sinh ý nghĩ: Đây là Tỳ-kheo-ni, ta không thể chiếm đoạt, chỉ có một cách là tìm đến chỗ ở rồi tạo phương tiện để hành sự. Liên Hoa-sắc khất thực xong trở về nơi vườn An-đà, rồi đi vào trú phòng. Người Bà-lamôn kia theo quan sát, biết được chỗ ở của Liên Hoa-sắc. Hôm sau, khi đến giờ khất thực, vắng người, từ phía sau ông ta đột nhập vào phòng Tỳ-kheo-ni Liên Hoa-sắc nằm dưới gầm giường. Suốt ngày ấy, các Tỳkheo-ni nghe xong thời thuyết pháp thì trời đã tối. Về đến phòng, vì mệt mỏi nên nằm xuống ngủ say. Ngay lúc ấy, người Bà-la-môn từ dưới gầm giường bò ra làm hạnh bất tịnh. Tỳ-kheo-ni liền thức dậy rồi vụt bay lên hư không. Lúc đó, người Bà-la-môn từ ngay trên giường đọa thẳng vào địa ngục. Liên Hoa-sắc nhân đó bay đến chỗ Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân rồi bạch Phật vấn đề vừa xảy ra. Đức Phật hỏi: Ngay lúc ấy tâm con thế nào? Liên Hoa-sắc thưa: Lúc ấy như lưới sắt đốt nóng đỏ rực áp vào thân con. Đức Phật dạy: Như thế là vô tội. Liên Hoa-sắc lại bạch Phật: Ngủ một mình có phạm tội hay không? Đức Phật dạy: Người đắc đạo thì không phạm.
Bấy giờ, có đám giặc tập trung lại cùng nhau bàn luận: Vật dụng chúng ta thu được nên phân chia nơi nào đó để dễ dàng có thức ăn ngon lại được gái đẹp. Chúng đều nói: Nơi vườn An-đà này là trú xứ của Tỳkheo-ni, chắc chắn có sắc đẹp và cũng sẽ có nhiều thức ăn ngon cung cấp, ta đến đó phân chia vật dụng đương nhiên sẽ được như ý muốn. Trong khi ấy, tên cầm đầu đám giặc lại có lòng tin kính Phật pháp, nghe nói như vậy, lấy làm lo lắng, ông ta trong ý nghĩ hình dung mọi việc: Người này chắc sẽ đến gây náo loạn các Tỳ-kheo-ni. Ta nên âm thầm cho người đến báo trước. Ông ấy liền sai người đến nói với Tỳ-kheo-ni: Tối nay sẽ có đám người ác đến đấy khủng bố ắt sẽ xảy ra não loạn, để được an lành chư ni nên đi tránh. Các Tỳ-kheo-ni nghe vậy vội vã vào trong thành Xá-vệ. Vị Đại thần coi thành này trước đây có dành riêng một ngôi nhà cho Tỳ-kheo Tăng, nhưng hôm đó không có Tăng ở, các Tỳ-kheo-ni xế chiều đến đấy, và đêm trú ngụ tại ngôi nhà ấy. Tối lại đám giặc đến vườn An-đà tuyệt nhiên không tìm thấy một ai. Vị chủ tướng của đám giặc với ý nghĩ vui mừng: Chư Tỳ-kheo-ni đã thoát được cảnh hoạn nạn sỉ nhục, không gì vui bằng! Ông ta lấy một tấm vải rất tốt, gói đầy đủ đồ ăn thức uống thơm ngon rồi treo trên nhánh cây với tâm niệm: Nếu Tỳ-kheo-ni nào đắc đạo thần thông thì đến lấy thức ăn nơi gói này. Cảm ứng được, Tỳ-kheo-ni Liên Hoa-sắc nhanh như cánh tay co duỗi của một lực sĩ, từ thành Xá-vệ đến vườn An-đà lấy thức ăn trên nhánh cây. Sáng hôm sau tới giờ ăn, thay vì đem ăn, Liên Hoa-sắc thiết dọn sẵn sàng để cúng dường Trưởng lão Ưu-ba-tư-na và Bạt-nanđà. Đến giờ thọ thực, hai vị tới và thọ dụng từng món ăn ấy. Ăn xong hai vị rửa tay rồi tiếp nhận nước uống. Liên Hoa-sắc, trước chúng ngồi trên chiếc ghế nhỏ thỉnh cầu hai vị nói pháp diệu. Sau khi Ưu-ba-tư-na vì họ thuyết pháp xong liền đứng dậy cáo từ ra về. Bạt-nan-đà ở lại, hỏi Liên Hoa-sắc: Sư cô được thức ăn ngon ấy từ đâu? Liên Hoa-sắc trình bày đầy đủ sự việc. Bạt-nan-đà nói: Có thể cho tôi xem tấm vải ấy được không? Cô vội đem vải cho Bạt-nan-đà xem. Bạt-nan-đà thấy tấm vải đẹp lòng tham nổi dậy, muốn chiếm giữ nên nài nỉ theo xin. Liên Hoa-sắc nói: Điều này không thể được. Tại sao? Người nữ phước mỏng nên phải cất năm y. Bạt-nan-đà nói: Như người đem voi ngựa bố thí mà lại không cho dây cương, sư cô cũng như vậy. Tại sao cúng dường thức ăn ngon được mà lại tiếc tấm vải không cho? Bạt-nan-đà bằng tài ăn nói tìm mọi cách nài nỉ thuyết phục xin cho kỳ được. Bất đắc dĩ Liên Hoa-sắc phải trao cho. Bạt-nan-đà được tấm vải rồi về lại trú xứ. Các Tỳ-kheo thấy tấm vải đẹp nói: Thầy là người phước đức nên mới được tấm vải tốt ấy. Bạt-nan-đà nói: Tôi đâu có phước đức gì, tôi năn nỉ Tỳkheo-ni muốn gãy lưỡi mới được đấy. Các Tỳ-kheo nghe thế bằng mọi cách mọi cách quở trách: Tại sao thầy lại cưỡng bức bằng lời nói để đoạt vải của Tỳ-kheo-ni!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lo ngại bốn chúng tới lui ồn ào nên bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta muốn vào tĩnh thất ba tháng, không cho ai đến chỗ ta đang trú, chỉ trừ Tỳ-kheo đem cơm. Các thầy nên lập quy chế. Vâng lời Phật dạy các Tỳ-kheo lập định chế: Từ nay không ai được đến chỗ Phật ở, chỉ trừ Tỳ-kheo đem cơm. Nếu người nào vi phạm, phạm Badật-đề. Trong khi ấy, Trưởng lão Ưu-ba-tư-na không nghe quy chế của Tăng, sau khi đến thành Xá-vệ hỏi Tỳ-kheo khác để biết Đức Phật ở phòng nào. Theo chỉ dẫn của Tỳ-kheo này, Ưu-ba-tư-na đến trước cửa phòng Phật đưa tay gõ cửa. Đức Phật mở cửa. Ưu-ba-tư-na kính lễ sát chân Phật rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật hỏi Ưu-ba-tư-na: Chúng của thầy rất mực oai nghi thanh tịnh, thầy giáo hóa cách nào mà được như vậy? Trưởng lão thưa: Nếu có người nào đến con cầu xin xuất gia, con dạy họ mười hai hạnh Đầu đà. Con bảo: Phải trọn đời làm Tỳ-kheo ở A-lan-nhã, khất thực, nhất tọa thực, nhất chủng thực, nhất thọ thực, tuần tự khất thực, ở nơi gò mả, mặc y phấn tảo, ba y, phu tọa tùy thân, ngồi bên gốc cây, ngồi chỗ đất trống. Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu người nào nói trọn đời có thể phụng hành pháp này thì được nhập vào chúng của con, con làm thầy họ. Đức Phật khen: Hay lắm! Hay lắm! Như vậy thầy có thể gọi là hạng người khéo giáo dục đồ chúng. Đức Phật lại hỏi: Thầy biết chúng Tăng này có quy chế hay không? Vị ấy thưa: Con không biết. Tại sao vậy? Con từng nghe Phật dạy: Những gì Phật chưa chế không được tự ý chế, những gì Phật đã chế nên phụng hành. Đức Phật thuật lại đầy đủ quy chế trên. Vị ấy thưa: Con không tùy theo quy chế của Tăng mà sám hối tội Ba-dật-đề được. Đức Phật dạy: Hay lắm, thầy nhận xét như thế là đúng! Khi đó, Tỳ-kheo cựu trú đứng ở trước phòng, chờ Ưu-ba-tư-na đi ra để nói: Thầy phạm quy chế của Tăng, nên tác pháp sám Ba-dật-đề. Vị ấy trả lời: Tôi phạm Ba-dật-đề nào? Các Tỳ-kheo trình bày đầy đủ các quy chế trên. Vị ấy trả lời: Tôi không thể dựa theo quy chế của Tăng để sám hối được. Tại sao? Chính tôi nghe Phật dạy: Nếu Phật không chế thì Tăng không được chế. Nếu Phật chế rồi thì Tăng không được trái phạm. Lúc ấy, Đức Phật đích thân ra nói với các Tỳ-kheo: Từ nay nếu có Tỳ-kheo A-lan-nhã nào như Ưuba-tư-na thì cho phép đến chỗ ta. Các Tỳ-kheo nghe rồi lại có ý nghĩ: Chúng ta nên phụng hành hạnh Đầu đà để được đến chỗ Đức Thế Tôn.
Quý vị đều đua nhau tu khổ hạnh. Bấy giờ, các Cư sĩ lập nên các phòng xá cúng dường, không có vị nào nhận. Tỳ-kheo đem vấn đề ấy bạch Phật, Đức Phật dạy các Tỳ-kheo: Nay cho phép bốn chúng được tự do đến thăm ta. Tỳ-kheo-ni Ba-xà-ba-đề nghe Đức Phật dạy như vậy, liền cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni lên đường đến thăm Đức Phật, trên đường đi gặp Ưu-ba-tư-na. Trong chúng của Ưu-ba-tư-na có một Tỳ-kheo mặc y thô rách, Ba-xà-ba-đề hỏi: Tại sao Trưởng lão mặc chiếc y như vậy? Vị ấy trả lời: Vì không có chiếc nào khác! Tỳ-kheo-ni lại chỉ vào chiếc y của mình mà nói: Thầy có thể mặc y này không? Trưởng lão đáp: Có thể. Lại hỏi: Trưởng lão có thể cho con chiếc y đang mặc không? Có thể. Hai bên liền trao đổi y. Khi đến trước Đức Phật, Tỳ-kheo-ni đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật hỏi Cù-đàm-di: Tại sao cô mặc chiếc y rách rưới như thế? Cù-đàm-di trình bày sự việc vừa xảy ra. Đức Phật giảng nói pháp cho Cù-đàm-di nghe rồi, bảo về lại trú xứ. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tỳ-kheo kia: Thật sự ông có đổi chiếc y thô xấu rách rưới của ông để lấy chiếc y tốt của Tỳ-kheo-ni không? Bạch Đức Thế Tôn! Có thật như vậy. Đức Phật nghiêm khắc quở trách: Ông là người ngu si, nhiều ham muốn. Các Tỳkheo nhân việc này, đem việc của Bạt-nan-đà ra bạch Phật. Đức Phật hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có thật như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận lấy y từ Tỳ-kheo-ni, phạm Ni-tát-kỳ-badật-đề”.
Một số Tỳ-kheo có bà con là Tỳ-kheo-ni và nhiều người quen biết, có thể từ các người này nhận được y vật. Thấy các Tỳ-kheo mặc y xấu rách, các Tỳ-kheo-ni bà con hỏi: Tại sao thầy mặc y xấu rách thế? Tỳ-kheo nói: Không có người nào để xin. Các Tỳ-kheo-ni nói: Sao không đến để nhận! Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật cấm không cho đến các Tỳ-kheo-ni nhận y. Các Tỳ-kheo-ni nói: Trong phạm vi bà con thì biết điều nên cho và nên nhận, xin thầy bạch Phật việc này. Các Tỳ-kheo liền bạch Phật, nhân việc ấy Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bằng nhiều cách khen ngợi người thiểu dục, tri túc, khen giới, khen người trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đến Tỳ-kheo-ni không phải bà con nhận y, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dậtđề”.
Bấy giờ, tại thành Xá-vệ, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni nhận được y cúng dường, cùng nhau phân chia. Vì có Tỳ-kheo nhận lầm y của Tỳ-kheo-ni, hay ngược lại. Các Tỳ-kheo-ni thưa với các Tỳ-kheo: Cho chúng con đổi y. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật không cho chúng tôi nhận y từ Tỳ-kheo-ni không phải bà con. Các Tỳ-kheo-ni thưa: Dùng y đổi y tại sao nói là nhận y? Quý vị bèn đến bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bằng nhiều cách khen ngợi người ít ham muốn, biết vừa đủ, khen giới, khen người trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận y từ Tỳ-kheo-ni không phải bà con, trừ trao đổi, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Chẳng phải bà con: Không liên hệ bên cha hay bên mẹ trong phạm vi bảy đời. Trao đổi: Hai bên đều có ích, lại tùy theo sở thích của mỗi người. Nhận y từ Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiếtla. Nếu người bà con phạm giới, có tà kiến mà nhận y nơi họ, phạm Đột-kiết-la. Sa-di nhận y của Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni, nhận y phạm Đột-kiết-la. Nếu không có tâm tìm cầu, họ tự bố thí, hay biết người kia dư mà nhận thì không phạm.
Xong giới thứ tư
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà, trời vừa sáng đã mặc y bưng bát đến nơi chỗ ở của Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà. Cách ngồi xuống hớ hênh của cô ni đã để lộ hình. Bạt-nan-đà nhìn thấy không kìm chế nổi, xuất bất tịnh. Tỳ-kheo-ni biết, nói: Trưởng lão thay y cho tôi giặt. Bạt-nan-đà trao y đã thay cho cô ni. Cô ta nhận y dính nhớp bất tịnh, cô lấy thứ bất tịnh ấy đặt vào âm hộ của mình.
Lại có các Tỳ-kheo khác cũng đưa y cho các Tỳ-kheo-ni giặt, nhuộm, đập. Một khi các Tỳ-kheo-ni phải bận rộn với công việc như thế nên việc đọc tụng, tọa thiền, hành đạo… bị xao lãng, bỏ phế. Các bạch y thấy thế, lại lắm lời chê trách, mỉa mai: Các Tỳ-kheo-ni lấy việc giặt, nhuộm, đập y làm sự nghiệp, người tu hành với kẻ tại gia đâu có khác gì?! Vào dịp ấy, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni đến chỗ ở Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức Phật hỏi Cù-đàm-di: Tại sao tay chân của các Tỳ-kheo-ni lại dính đầy sắc màu nhuộm? Chư ni bạch Phật đầy đủ vấn đề các Tỳ-kheo sai giặt, nhuộm. Đức Phật vì họ giảng nói pháp diệu xong, họ về lại trú xứ. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các thầy có sai các Tỳ-kheo-ni giặt, nhuộm, đập y hay không? Bạch Đức Thế Tôn! có thật như vậy. Nhân việc ấy, các Tỳ-kheo đem việc của Bạt-nan-đà bạch Phật. Đức Phật bằng mọi hình thức quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào sai Tỳ-kheo-ni giặt y cũ hoặc nhuộm, hoặc đập, phạm Ni kỳ Ba-dật-đề”.
Nhân có các Tỳ-kheo già, bệnh, không thể tự giặt, nhuộm hay đập y của mình được, các Tỳ-kheo-ni bà con có khả năng làm được công việc này, với ý muốn giúp đỡ đến xin nhận làm thay. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật không cho phép chúng tôi sai Tỳ-kheo-ni giặt nhuộm hay đập y. Các Tỳ-kheo-ni nói: Trong phạm vi bà con mới biết được việc làm nên hay không nên, xin thầy bạch Phật cho điều đó. Các Tỳ-kheo liền bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, khen hạnh thiểu dục, tri túc, khen giới, khen người trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào sai Tỳ-kheo-ni không phải bà con giặt y cũ hoặc nhuộm, hoặc đập, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Y cũ: Là y đã mặc, có nhơ nhớp, bảo giặt giũ mà không nhuộm, không đập; hoặc bảo nhuộm mà không giặt, không đập; hoặc bảo đập mà không giặt, không nhuộm; hoặc bảo giặt nhuộm mà không đập; hoặc bảo giặt đập mà không nhuộm; hoặc khiến nhuộm mà không giặt; hoặc khiến giặt nhuộm, đập đều phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề. Nếu bảo giặt, không giặt mà nhuộm; hoặc khiến giặt, không giặt mà đập; hoặc bảo giặt, không giặt mà nhuộm đập, đều phạm Đột-kiết-la. Khiến nhuộm không nhuộm mà giặt, mà đập, mà giặt đập. Khiến đập không đập mà giặt mà nhuộm. Khiến giặt nhuộm, không giặt nhuộm mà đập. Khiến giặt đập không giặt đập mà nhuộm. Khiến nhuộm đập không nhuộm đập mà giặt, cũng như vậy. Nếu khiến chẳng phải bà con giặt, nhuộm, đập, mà bà con giặt, nhuộm, đập. Nếu khiến chẳng phải bà con giặt, nhuộm, đập mà bà con, chẳng phải bà con cùng giặt, nhuộm, đập. Nếu khiến bà con, chẳng phải bà con cùng giặt, nhuộm, đập mà bà con giặt, nhuộm, đập. Nếu khiến bà con, chẳng phải bà con cùng giặt, nhuộm, đập, mà chẳng phải bà con giặt, nhuộm, đập. Nếu khiến bà con, chẳng phải bà con cùng giặt, nhuộm, đập mà bà con, chẳng phải bà con cùng giặt, nhuộm, đập, đều phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề. Nếu y chưa có thể giặt, nhuộm, đập, mà khiến chẳng phải bà con giặt, nhuộm, đập, phạm Đột-kiết-la. Nếu khiến bà con giặt nhuộm đập mà chẳng phải bà con giặt, nhuộm, đập thì không phạm. Ngoài ra như trong giới nhận y đã nói.
Xong giới thứ năm
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, trong thành có ông Trưởng giả thích mặc loại áo sang trọng. Ông ta rất mực tin yêu Phật pháp, thường đến chỗ Phật nghe pháp. Hôm nọ, ông Trưởng giả mặc trong, ngoài hai sắc áo tốt cùng với các vị khách và tùy tùng ra khỏi thành, đến viếng thăm Đức Thế Tôn và các Tỳ-kheo. Đức Phật vì họ giảng nói pháp. Họ rất vui mừng vì đã nghe Phật chỉ dạy những điều lợi ích. Họ đảnh lễ ra về, ngay lúc ấy gặp Bạt-nan-đà. Bạt-nan-đà lại vì họ nói pháp. Trước khi ra về, họ nói: Mời Trưởng lão ngày mai đến thọ bữa cơm đạm bạc. Bạt-nan-đà nói: Tôi không thiếu ăn, mà lại bị khổ vì thiếu mặc. Trưởng giả có thể cho bớt tôi chiếc áo hiện ông đang mặc hay không? Ông Trưởng giả nói: Sẽ cho nhưng không thể cho liền được, về nhà tôi sẽ tính sau. Bạt-nan-đà nói: Tôi nghe Trưởng giả ưa làm việc bố thí, tại sao đối với riêng tôi lại hờ hững như thế? Bạt-nan-đà nói tiếp: Tôi nói pháp khiến ông có thể xa lìa sinh, lão, bệnh, tử, ưu bi khổ não, để làm công việc cứu độ nên xả bỏ tất cả không mưu cầu gì cho chính bản thân. Tại sao nay ông lại keo kiệt đối với chiếc áo này? Nghe phải, ông Trưởng giả liền cởi áo cho. Khi về đến cửa thành, người giữ cửa hỏi: Ra đi ông mặc hai lớp áo, khi trở về thì nhẹ nhàng, vì người đẹp mà cởi áo cho hay bị ai đó tước đoạt? Ông Trưởng giả nói: Tôi không cho người nữ, cũng không bị ai cướp, mà lại bị Sa-môn Thích tử cưỡng bức xin, nên tôi phải cho. Người giữ cửa nói: Ông đừng nói như vậy! Tôi nghe Sa-môn Thích tử ít ham muốn, biết vừa đủ, có người cho còn không nhận huống là nay lại cưỡng bức xin vật của người? Ông trưởng giả kể lại việc đã xảy ra cho người giữ cửa nghe. Đối với những người không có lòng tin ưa Phật pháp, nghe thế, lớn tiếng miệt thị: Đây chính là cướp đoạt. Những ai gần gũi họ cũng sẽ bị trấn lột như thế. Đích thị Sa-môn Thích tử thường khen việc bố thí, chê việc không cho mà lấy, nay cưỡng đoạt y vật của người thì đâu khác gì đám cướp? Ông Trưởng giả về đến nhà, người trong nhà hỏi, ông Trưởng giả cũng phân trần như trên.
Sự việc này lọt đến tai các Tỳ-kheo Trưởng lão. Bằng mọi cách, các vị quở trách xong cùng đưa đến chỗ Đức Phật và bạch lên Ngài sự việc trên. Nhân việc ấy Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nanđà: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật nghiêm khắc quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đến chỗ cư sĩ hay vợ cư sĩ xin y, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dậtđề”.
Lúc này, có các Tỳ-kheo mặc y thô xấu rách rưới, các người bà con thấy vậy hỏi: Tại sao thầy lại mặc y vứt đi như thế? Hãy đến nơi con lấy y khác. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật không cho chúng tôi đến chỗ cư sĩ hay vợ Cư sĩ xin y. Nếu đem y cúng cho Tăng, tôi sẽ nhận từ Tăng thì được. Các người bà con nói: Con chỉ muốn cúng cho thầy, chứ không muốn cúng cho Tăng, vì sợ vị khác nhận được. Các Tỳ-kheo nói: Nếu Đức Phật cho phép chúng tôi đến chỗ cư sĩ hay vợ cư sĩ bà con xin y thì chúng tôi đâu có mặc y xấu rách thế này! Các người bà con thưa: Trong chỗ bà con với nhau thì biết lúc nào nên nhận và không nên nhận, xin thầy bạch lên Đức Phật điều ấy. Các Tỳ-kheo liền bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đến chỗ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải bà con xin y, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Bấy giờ, có nhiều chúng Tỳ-kheo đi theo đoàn khách buôn, lạc đường, bị đám cướp cướp đoạt sạch, cứ để mình trần thân trụi đến thành Xá-vệ. Người đi đường thấy hỏi: Ông là người nào? Trả lời: Tôi là Samôn Thích tử. Lại hỏi: Y bát của ông đâu? Lại trả lời: Bị đám cướp cướp sạch cả rồi. Khi đến Kỳ-hoàn, các Tỳ-kheo hỏi đáp với nhau cũng như vậy. Lại hỏi: Nếu ông là Tỳ-kheo thì thọ giới, Bố-tát, Tự tứ phải như thế nào? Lại trả lời: Thọ giới như vậy! Bố-tát như vậy! Tự tứ như vậy! Các Tỳ-kheo hỏi rồi vẫn không đưa y cho mặc. Quý vị đến chỗ Phật ở. Đức Phật quở trách: Tại sao các ông lõa hình đến thăm Như Lai! Các ông đâu không thể lấy lá cây hay cỏ che thân lại được hay sao! Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Từ nay lõa hình đến trước Như Lai, phạm Độtkiết-la. Các Tỳ-kheo bạch Phật: Ngài không cho phép chúng con đến chỗ cư sĩ hay vợ cư sĩ chẳng phải bà con xin y, trong khi đó, bà con của chúng con ở cách đây rất xa thì làm sao có y được! Đức Phật hỏi: Các thầy đã đến nơi ở của Tỳ-kheo cựu trú chưa? Thưa, chúng con đã đến rồi. Tại sao họ không đưa y cho các thầy? Thưa, các thầy ấy vừa thấy chúng con, liền hỏi: Thọ giới thế nào? Bố-tát thế nào? Tự tứ thế nào? Tuy chúng con trả lời như pháp mà vẫn không thấy các thầy ấy đưa cho y để mặc. Đức Phật chuyển lời quở trách các Tỳ-kheo cựu trú: Tại sao chính mắt trông thấy Tỳ-kheo lõa hình mà không trợ cấp gấp! Đối với Tỳ-kheo mất y, Ngài khen hạnh ít ham muốn, biết vừa đủ, khen giới, khen người trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đến chỗ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải bà con xin y, trừ có nhân duyên, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Có nhân duyên là: Y bị cướp, y bị mất, y bị cháy, y bị nước cuốn trôi, y bị rách. Như vậy gọi là có nhân duyên.
Nếu y bị đoạt cho đến y bị hư hoại nhưng vốn có y khác và có y để chỗ khác thì không được xin. Tỳ-kheo-ni cũng y theo như vậy. Thứcxoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ sáu
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, nhiều chúng Tỳ-kheo từ nơi ấp Ba-lợi đi đến chỗ Đức Phật, gặp đám cướp cướp mất y, cùng nhau nói: Có tới năm nhân duyên được Đức Phật cho phép đến chỗ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải bà con xin y. Tuy vậy, ta cũng không biết đến ai để xin bây giờ! Được cơ hội, Lục quần Tỳ-kheo lại nảy xin ra ý nghĩ: Các Tỳ-kheo bị mất y này không biết đến ai xin y, ta nên đi xin hộ cho họ, nếu có dư thì ta sẽ lấy. Với ý nghĩ đó, Lục quần liền đến đề nghị với các Tỳ-kheo mất y. Các Tỳ-kheo mất y nói: Hay lắm! Tốt lắm! Được thỏa thuận như vậy, Lục quần Tỳ-kheo đi khắp trong thành, đến các Cư sĩ hay vợ Cư sĩ nói: Các Tỳ-kheo từ ấp Ba-lợi về hầu thăm Đức Thế Tôn, không may bị đám giặc cướp mất y, quý vị có thể giảm bớt chỗ cắt may cùng nhau đem y đến cúng. Các Cư sĩ, vợ Cư sĩ mỗi người tích thiểu thành đa, được một số y phục khá lớn đem đến cúng. Mỗi vị đều đầy đủ. Các Tỳ-kheo mất y nói: Chúng tôi đủ rồi, không phiền phải xin nữa. Lục quần Tỳ-kheo nói: Các thầy có nhân duyên xin y, còn chúng tôi thì không được phép. Chúng tôi dựa vào nhân duyên của thầy mới có lý do để xin. Các Tỳ-kheo mất y nói: Điều đó tùy ý các Trưởng lão. Như thế là Lục quần Tỳ-kheo lại đi đến các nơi xin nữa, thu được số y rất nhiều. Khi ấy, các Cư sĩ họp lại cùng nêu ra ý kiến: Tỳ-kheo mất y không có bao nhiều người, trong thành chúng ta, nam nữ, lớn nhỏ đều đem y đến cúng, như vậy là quá đủ rồi, tại sao còn đến xin nữa! Phải chăng mấy ông này muốn tích trữ để mua bán trao đổi, không tu phạm hạnh? Khi các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe được, bằng mọi cách quở trách, rồi đem việc ấy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? – Bạch Thế Tôn, thật sự đúng như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay, giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, y bị cướp, bị mất, bị cháy, bị trôi, bị hư hoại, đến chỗ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải bà con xin y, nếu Cư sĩ hay vợ Cư sĩ muốn đem nhiều y để cúng, Tỳ-kheo nên thọ hai y, nếu thọ quá, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Ba chúng dưới thì phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ bảy
Đức Phạt ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà thường tới lui một nhà Cư sĩ để nói pháp, trường hợp họ bệnh hoạn hay có việc gì, Bạt-nan-đà cũng lo liệu luôn. Có một Tỳ-kheo vào buổi sáng sớm nọ đắp y bưng bát vào thành khất thực, khi đến gia đình này, gặp lúc hai vợ chồng đang cùng nhau bàn nói: Bạt-nan-đà đối với ta là ân nhân, nên sử dụng giá tiền may y như vậy để may y cúng cho Tôn giả. Tỳ-kheo khất thực nghe như vậy rồi khi trở về nói với Bạt-nan-đà: Thầy có phước đức. Bạt-nan-đà hỏi: Có phước đức gì? Tỳ-kheo ấy đáp: Tôi vừa khất thực, đến nhà Cư sĩ đó, nghe vợ chồng họ bàn nói: Bạt-nan-đà đối với ta là ân nhân, nên dùng giá tiền như thế may y như thế để cúng cho Tôn giả. Nay thầy đến đó, chắc chắn được y không có gì trở ngại. Sáng sớm hôm sau, tới giờ khất thực, Bạt-nan-đà mặc y, bưng bát đến nhà kia. Cư sĩ vội vàng ra đón chào. Bạt-nan-đà hỏi: Phật tử dùng số tiền như thế để may y như thế cho tôi phải không? Bạch thầy đúng như vậy. Bạt-nanđà nói: Phật tử dư biết tôi không mặc y xấu chứ? Nếu may tốt thì tôi sẽ mặc. Hãy nhớ cho, lúc Phật tử có bệnh hoạn hay có việc chi tôi đều liệu lý. Nếu y không tốt thì tôi cho đệ tử hay đem cất mà thôi, như vậy vật này coi như vất đi, việc cho không có tác dụng phước đức. Bất bình, Cư sĩ kia nói với người xung quanh: Thầy này tham lam quá, ai cung cấp nổi, làm sao thỏa mãn được. Đã gấp năm, sáu lần hơn, so với chỗ phát tâm của tôi mà vẫn không thỏa lòng. Trước đây tôi có lòng tốt như vậy, nhưng nay thì không còn nữa. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe như thế, bằng mọi cách quở trách, rồi đem việc này bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Thật đúng như vậy, bạch Đức Thế Tôn. Đức Phật bằng mọi hình thức quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, Cư sĩ hay vợ Cư sĩ chẳng phải bà con bàn luận: Nên dùng số tiền như vậy may y như vậy để cúng cho Tỳ-kheo có tên như vậy. Tỳ-kheo ấy, trước không được mời như ý muốn, bèn đến nhà Cư sĩ, vợ Cư sĩ nói: Người vì tôi dùng số tiền như vậy, may y như vậy phải không? Người ấy trả lời: Đúng như vậy. Tỳ-kheo bèn nói: Lành thay Cư sĩ, vợ Cư sĩ có thể may y như vậy cho tôi, vì muốn đẹp, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Trước không được mời như ý muốn: Nghĩa là trước không hỏi Tỳkheo muốn thứ y nào. Vì muốn đẹp: Tức là yêu cầu khiến may rất đẹp, rất tốt so với trước. Nếu đến người bà con xin y tốt, phạm Đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ tám
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bạt-nan-đà thường lui tới các gia đình. Có hai gia đình, vợ chồng cùng nhau bàn nói: Chúng ta mỗi người nên vì Tôn giả Bạt-nan-đà sử dụng số tiền may y như vậy để may y cho Tôn giả Bạt-nan-đà. Tỳ-kheo khất thực nghe, cũng lại về nói. Bạt-nanđà liền đến hỏi Cư sĩ, vợ Cư sĩ: Tôi nghe quý vị mỗi người đều vì tôi dùng số tiền như vậy để may y cho tôi phải không? Họ thưa: Thật như thế. Bạt-nan-đà nói: Quý vị có thể hiệp lại để may một y cho hết sức tốt. Nếu thật tốt thì tôi sẽ mặc, để luôn nhớ đến quý vị. Nếu không tốt thì tôi xếp bỏ vào một chỗ. Như vậy là coi như vứt đi, vật thí này không có tác dụng phước đức nữa. Khi ấy, Cư sĩ, vợ Cư sĩ đùng đùng nổi giận nói: Ông này tham lam quá, làm sao cung cấp nổi, làm sao thỏa mãn nổi. Tuy yêu cầu hiệp lại thành một cái, song so với chỗ phát tâm của chúng tôi đã nhiều gấp năm, sáu lần hơn, ấy thế cũng không thỏa lòng. Kẻ ác thế này, không đủ để tồn tại, từ nay không cho đến đây nữa. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe như thế, bằng mọi cách quở trách, rồi cùng đến chỗ Đức Phật trình bày sự việc lên Ngài. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạt-nan-đà thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật con có như vậy. Đức Phật hết sức nghiêm khắc quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Nếu không phải Cư sĩ, vợ Cư sĩ bà con cùng nhau nghị bàn: Ta sẽ cùng dùng số tiền may y như vậy, may y cho Tỳ-kheo có tên như vậy. Tỳ-kheo ấy trước không được mời, tùy ý đến nói với Cư sĩ hay vợ Cư sĩ: Quý vị dùng số tiền may y như vậy cho tôi phải không? Thí chủ nói: Đúng như thế. Tỳ-kheo bèn nói: Lành thay! Cư sĩ, vợ Cư sĩ có thể chung lại may thành một y cho tôi, vì muốn đẹp, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Tỳ-kheoni cũng như vậy. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ chín
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, Đại thần Vương-xá nói với người dưới quyền: Ngươi đến chỗ Bạt-nan-đà, nhân danh ta đảnh lễ thăm hỏi, và đem số tiền may y này cúng cho Tôn giả. Sứ giả thừa lệnh đến chỗ Bạt-nan-đà nói: Đại thần Vương-xá thăm hỏi sức khỏe và cho tôi đem số tiền may y này cúng Đại đức, xin Đại đức nhận cho.
Bạt-nan-đà nói: Tôi không được phép nhận tiền may y này, nếu được tịnh y thì sẽ thọ trì. Sứ giả hỏi: Đại đức có người chấp sự hay không? Bạt-nan-đà liền chỉ chỗ người chấp sự. Sứ giả bèn đến chỗ người chấp sự nói: Đại thần Vương-xá cho tôi đem số tiền may y cúng cho Tôn giả Bạt-nan-đà, ông hãy vì Tôn giả mà nhận cất cho, khi nào Bạt-nan-đà đến lấy thì đưa. Sứ giả đưa tiền rồi trở lại chỗ Bạt-nan-đà nói: Đại đức chỉ chỗ người chấp sự, tôi đã đưa tiền rồi, khi nào Đại đức cần y thì đến đó lấy. Sứ giả thưa như vậy rồi trở về. Sau một thời gian, Đại thần lại sai người đến hỏi Bạt-nan-đà: Gần đây tôi có sai sứ đem tiền may y đến gởi nơi người chấp sự, Đại đức đã may mặc chiếc y đó chưa? Bạt-nan-đà nói: Tôi chưa lấy để mặc. Người kia trở về thưa lại như vậy, Đại thần đâm ra suy nghĩ: Ta thực hiện đúng cách cho y. Đã lâu rồi sao chưa lấy mặc, chắc y của ta không đáng giá, cho nên Tôn giả không đến lấy để mặc. Đại thần lại bảo người tin cậy đến nói với Bạtnan-đà: Đại thần cúng y lâu rồi, vì sao không mặc, nếu không cần thì trả lại cho Đại thần. Bạt-nan-đà trả lời: Tôi rất cần. Bạt-nan-đà liền đến chỗ của người chấp sự vào lúc phi thời, nói: Nay tôi cần y, có thể cho tôi nhận. Người chấp sự thưa: Xin Đại đức chờ một chút, nay mọi người nhóm họp, tôi phải đến tham dự, nếu không đến kịp sẽ bị phạt năm trăm kim tiền. Bạt-nan-đà nói: Đối với pháp duyên ông thường vui vẻ hết lòng, tại sao nay lại coi trọng việc thế tục. Người chấp sự nghe câu nói này đâm ra suy nghĩ: Dù có bị phạt cũng vẫn giao y cho xong sau rồi mới đến họp. Người chấp sự tất bật lo liệu có y để giao. Quá mất nhiều thời gian mới xong việc nên đến trễ. Mọi người hỏi: Tại sao anh đến trễ? Đương sự trả lời: Bạt-nan-đà đòi y, phải lo liệu để giao, nên mới đến trễ. Mọi người đều nói: Coi trọng một Tỳ-kheo mà xem nhẹ quy chế của nhiều người, theo lý, không thể tha thứ, phải nộp phạt. Đương sự bị phạt rồi, nổi giận nói: Sa-môn Thích tử tự nói có đạo lý, làm lợi ích cho mọi người mà nay ngược lại khiến cho ta bị phạt. Người không có lòng ưa Phật pháp, đồng tình nói: Ông tin kính Sa-môn để rồi đền nổi bị phạt nặng như vậy, nếu lại cứ gần gũi sẽ bị nặng hơn. Tiếng xấu ác đồn khắp cả thành Xá-vệ, lọt đến tai các Tỳ-kheo Trưởng lão, bằng mọi cách các vị ấy quở trách, rồi cùng đưa đến chỗ Đức Phật trình bày lên Ngài vấn đề. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạt-nan-đà thưa: Bạch Thế Tôn, có thật như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi, Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Nếu Vua hay Đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ vì Tỳkheo nên sai sứ giả đem tiền may y đến. Sứ giả tới chỗ Tỳ-kheo nói: Đại đức, Đại thần của Vua, Bà-la-môn, Cư sĩ đưa số tiền may y này đến đây, Đại đức nhận cho. Tỳ-kheo này nói: Tôi không được phép nhận tiền may y, nếu được y thanh tịnh thì sẽ nhận thọ trì. Sứ giả hỏi: Đại đức có người chấp sự hay không? Tỳ-kheo liền chỉ chỗ người chấp sự. Sứ giả đến chỗ người chấp sự nói: Đại thần của Vua tên đó, đưa tiền may y này đến cho Tỳ-kheo tên đó, ông vì Tỳ-kheo nên cất cho, khi Tỳ-kheo cần lấy thì đưa. Sứ giả đưa rồi trở lại chỗ Tỳ-kheo nói: Đại đức chỉ người chấp sự, tôi đã đưa tiền cho họ rồi, khi nào Đại đức cần y cứ đến đó lấy. Tỳ-kheo ấy hai lần, Ba lần đến chỗ người chấp sự nói: Tôi cần y! Tôi cần y! Nếu nhận được y thì tốt, nếu không nhận được bốn lần, năm lần, sáu lần đến trước người chấp sự đứng im lặng. Nhận được y thì tốt, nếu đến quá mức đó để cầu cho được, thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Nếu không được y, tới chỗ người sứ giả đưa tiền đến, hoặc chính mình, hoặc sai người tin cậy đến nói: Trước đây ông vì Tỳ-kheo có tên ___ sai người đưa tiền may y tới, cuối cùng Tỳ-kheo đó không nhận được y, ông nên đến lấy lại đừng để mất. Việc như vậy nên làm như vậy. Tỳ-kheoni cũng như thế. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ mười
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, chúng Tăng nhận được nhiều tơ sợi, cùng nhau phân chia. Các Tỳ-kheo dùng tơ để may Tăng-già-lê, Uất-đa-la-tăng, An-đà-hội, và tất cả các loại y khác, lại làm dây lưng, dây ngồi thiền, cho đến dây cột cửa, mà vẫn không hết. Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo lại thuê thợ dệt, dệt làm một y, tơ sợi vẫn con dư. Chỗ sợi dư dệt thêm một tấm lót thì lại không đủ, bèn đi xin thêm, Trưởng giả, Cư sĩ đều cho. Được dễ dàng như vậy, Lục quần Tỳ-kheo, “Nhất dạ sinh bá kế” nói: Ta đạt được thiện lợi, từ nay ta chỉ nên làm theo nghề này. Lục quần đi xin nhiều tơ sợi rồi thuê tất cả thợ dệt đến dệt. Khi ấy có một Cư sĩ đến thuê thợ dệt, dệt y. Thợ dệt nói: Tôi đã hứa dệt cho Tỳ-kheo rồi, nên không thể nhận dệt được. Đi khắp các nơi, người Cư sĩ đó cũng chỉ nhận câu trả lời như thế của thợ dệt. Nổi giận, Cư sĩ nói: Samôn Thích tử ít ham muốn, biết vừa đủ, nay lại đi khắp thuê tất cả các thợ dệt, ham hố, bao nhiêu cũng không vừa, lòng tham của họ đâu có khác gì của người đời?! Họ không có hạnh của Sa-môn, phá pháp của Sa-môn! Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe thế bằng mọi cách quở trách rồi bạch sự việc lên Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Các ông có như vậy không? Lục quần thưa: Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn. Đức Phật nghiêm khắc quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay, giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào tự mình đi xin tơ sợi, rồi thuê thợ dệt, dệt thành y, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy.
Ba chúng dưới Đột-kiết-la.
Xong giới thứ mười một
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, Bạt-nan-đà thường tới lui một nhà khách buôn nói pháp, chữa bệnh. Người khách buôn nói với vợ: Bạt-nan-đà là ân nhân của ta, có thể dùng số tơ sợi này thuê thợ dệt thành y, khi ta trở về sẽ đem cúng. Sau khi người chồng đi, bà vợ đem tơ sợi đến chỗ thợ dệt thuê dệt thành y. Bà ta nói: Ông tính cho đủ, đừng để dư, đừng để thiếu. Bạt-nan-đà biết được việc này, liền đến gia đình khách buôn, người vợ ra đón chào thăm hỏi và thưa: Chồng của con bảo con vì Đại đức dệt y, con đã nhờ thợ dệt đang dệt. Bạt-nan-đà hỏi: Thuê thợ nào dệt? Người vợ đáp: Con thuê thợ tên đó. Bạt-nan-đà bèn đến nhà thợ dệt nói: Ông có biết chăng? Y này họ dệt để cúng cho tôi, ông dệt cho tốt, cho dài, cho rộng, riêng phần tôi ít nhiều sẽ trả ơn ông. Người thợ dệt nói: Bà ấy bảo tôi tính toán vừa đủ đâu vào đó rồi, nay làm sao tôi theo đề nghị của thầy được. Bạt-nan-đà nói: Cứ dệt cho tốt, nếu chỉ sợi không đủ, ông cứ đến bảo bà ta cho tôi xin thêm sợi, đảm bảo bà ấy sẽ đưa cho thôi. Người thợ dệt nghe theo lời, dệt hết chỉ đến xin thêm. Bà vợ của người khách buôn nói: Trước đây tôi đã bảo ông tính cho đủ kia mà, tại sao nay lại đến lấy thêm? Ông thợ dệt kể lại đầu đuôi câu chuyện để trả lời. Người vợ bèn đưa thêm chỉ. Khi người khách buôn trở về, hỏi bà vợ: Trước đây tôi bảo bà vì Bạt-nan-đà dệt y, nay đã dệt xong chưa? Xong rồi, người vợ trả lời. Đâu, bà lấy đem cho tôi xem với. Người vợ mang đến cho chồng xem. Thấy y quá tốt, quá dày, người chồng hỏi: Với số tơ mình dự trù ít sao dệt được y dày tốt thế này? Bà vợ nói: Bạt-nan-đà lại đến lấy thêm, cho nên được thế này. Người khách buôn nổi giận mắng càn: Bạt-nan-đà, túi tham không đáy, không ai cung cấp, thỏa mãn nổi cho ông ta đâu! Với y như thế này là gấp hai lần số tơ ta dự định ban đầu. Tuy trước kia là ân nhân nhưng bây giờ thì xin tuyệt giao, bèn không cúng y cho Bạt-nan-đà nữa. Như vậy là tiếng xấu lan khắp gần xa, và lọt đến tai các Tỳ-kheo Trưởng lão, bằng mọi cách các vị quở trách rồi cùng đưa đến chỗ Đức Phật, trình bày lên Ngài sự việc. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nanđà: Thật sự ông có như vậy không? Bạt-nan-đà thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Nếu Cư sĩ, vợ Cư sĩ vì Tỳ-kheo bảo thợ dệt, dệt y. Tỳ-kheo ấy trước không được nhận lời mời tùy ý, bèn đến chỗ thợ dệt bảo: Ông biết không? Y này họ may để cho tôi, ông dệt y cho tốt, phải cho thật dày rộng, tôi sẽ đền ơn riêng cho ông. Sau đó dù trả thêm bằng một bữa ăn hay giá trị bằng một bữa ăn, nhận được y, phạm Ni-tát-kỳba-dật-đề”. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Ba chúng dưới Đột-kiết-la.
Xong giới thứ mười hai
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, Bạt-nan-đà nói với người đệ tử tên là Đạt-ma: Nay tôi muốn cùng ông đi du hành đến nước Câutát-la. Đạt-ma thưa: Nước đó lạnh, không có y con không thể đi được. Bạt-nan-đà nói: Nếu ông có thể đi thì tôi sẽ cho ông y. Đạt-ma nói: Phải cho y con trước rồi sau mới đi. Bạt-nan-đà đem y cho ngay. Được y rồi, Đạt-ma lại không chịu đi. Bạt-nan-đà nói: Ông nói có được y sẽ đi, tại sao nhận y rồi lại không chịu đi? Nếu không chấp nhận đi thì trả y lại cho tôi. Đạt-ma thưa: Thầy đã cho rồi, tại sao đòi lại! Bạt-nan-đà nói: Chẳng phải tôi cho ông, mà tôi muốn ông cùng du hành nên mới cho. Nay ông không đi, không có lý do gì mà ông không trả y lại cho tôi. Bạt-nan-đà cưỡng bức lấy lại y. Đạt-ma lớn tiếng khóc la, Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, hỏi: Tại sao khóc? Đạt-ma đáp: Thầy tôi đoạt y tôi. Các Tỳ-kheo bằng mọi cách quở trách Bạt-nan-đà: Tại sao gọi là Tỳkheo mà lại đoạt y của người ta? Bạt-nan-đà nói: Tôi muốn Đạt-ma cùng đi với tôi đến nước Câu-tát-la nên mới dùng y để thuê ông ấy. Ông ta nhận được y rồi, không chịu đi, nên tôi lấy lại, chứ không phải cưỡng đoạt. Các Tỳ-kheo lại bằng mọi cách quở trách Đạt-ma: Tại sao ông dối trá đối với thầy, đòi cho y để đi, được y rồi lại không đi?! Các Tỳ-kheo đưa cả hai đến chỗ Đức Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có đem y cho đệ tử rồi đoạt lại hay không? Bạch Thế Tôn, con có cho y. Đức Phật lại hỏi Đạt-ma: Thật sự ông có dối trá đối với thầy ông hay không? Bạch Thế Tôn, con có dối trá. Đức Phật bằng mọi cách quở trách hai Tỳ-kheo rồi, bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay, giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đem y cho Tỳ-kheo rồi đoạt lấy lại, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Bấy giờ, Lục quần Tỳ-kheo đem y cho các Tỳ-kheo rồi bảo Sa-di hay người giữ vườn đoạt lấy lại. Các Tỳ-kheo hỏi: Thầy không nghe Đức Phật cấm, đã đem y cho Tỳ-kheo rồi không được lấy lại hay sao? Lục quần nói: Có nghe chứ! Nhưng nay tôi bảo Sa-di hay người giữ vườn đoạt lại nên không trái với lời Phật cấm. Các Tỳ-kheo nói: Tự mình đoạt lại, dạy người đoạt đâu có khác gì?! Bằng mọi cách quở trách rồi, các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch lên Đức Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi hình thức quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đã đem y cho Tỳ-kheo khác, rồi tự mình đoạt lại hay sai người đoạt lại, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề”.
Có các Tỳ-kheo khác gởi y cho Tỳ-kheo cựu trú rồi đi bặt, lâu lắm mới trở về, sợ phạm giới này nên không dám đòi lại. Lại có các Tỳ-kheo trên lộ trình đi, đem y gởi cho Tỳ-kheo. Sau một hành trình dài trở về, sợ phạm giới này cũng không dám đòi y lại, hoặc là đã đòi rồi lòng lại thấy xấu hổ vì nghĩ là phạm giới ấy nên tác pháp hối Xả đọa. Các Tỳ-kheo đem các vấn đề ấy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Thật có như vậy. Đức Phật khen ngợi hạnh thiểu dục, tri túc, khen giới, khen người trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo: Nếu xin nhận lại y đã gởi mà phạm Xả đọa, điều này không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đã đem y cho Tỳ-kheo khác, sau vì giận, bất hòa tự mình đoạt lại hay sai người khác đoạt lại, nói như vầy: Trả y lại cho tôi, tôi không cho thầy, phạm Ni-tát-kỳ-badật-đề”. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ mười ba