LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

 

Phần 1: GIỚI PHÁP CỦA TỲ KHEO

Đoạn 5: NÓI VỀ 91 PHÁP ĐỌA (Tiếp Theo)

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo, theo thứ tự, giáo giới Tỳ-kheo-ni, nói với Tỳ-kheo-ni: Sáng mai tới phiên Tỳ-kheo Ban-đa giáo giới, các cô sẽ đến đó thọ lãnh giáo pháp. Nói như vậy rồi, quý vị trở về trú xứ nói với Ban-đa: Sáng sớm thầy nên giáo giới Tỳkheo-ni. Trưởng lão Ban-đa, sáng sớm hôm sau đến giờ ăn, mặc y bưng bát vào thành khất thực. Sau khi ăn, trở về quét dọn trong ngoài, múc nước sạch, để sẵn khăn lau tay lau chân, dọn chỗ ngồi nơi đất trống, tự lấy giường dây ngồi thiền một bên. Khi các Tỳ-kheo-ni đến chỗ Banđa, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi tới chỗ ngồi để ngồi. Tiếp đó, Ban-đa hỏi các Tỳ-kheo-ni: Các cô đã từng nghe Tám kính pháp chưa? Các cô thưa: Đã nghe. Ban-đa nói: Các cô nên nghe lại:

  1. Chúng Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng nên đến chúng Tỳ-kheo thỉnh vị giáo giới.
  2. Chúng Tỳ-kheo-ni khi an cư cần phải nương nơi chúng Tỳ-kheo Tăng.
  3. Tỳ-kheo-ni khi Tự tứ nên bạch nhị Yết-ma, sai ba Tỳ-kheo-ni đến chúng Tỳ-kheo thỉnh tội thấy, nghe, nghi.
  4. Thức-xoa-ma-na, hai năm học sáu pháp rồi, nên đối trước hai bộ chúng cầu thọ giới Cụ túc.
  5. Tỳ-kheo-ni không được mắng Tỳ-kheo, không được nói với bạch y về tội phạm giới, phạm oai nghi, tà kiến, tà mạng của Tỳkheo.
  6. Tỳ-kheo-ni không được cử tội Tỳ-kheo, nhưng Tỳ-kheo được quở trách Tỳ-kheo-ni.
  7. Tỳ-kheo-ni phạm tội thô nên đến hai bộ Tăng cầu nửa tháng hành Ma-na-đỏa, hành Ma-na-đỏa rồi, hành A-phù-ha-na, nên đến trước hai mươi vị Tỳ-kheo và hai mươi vị Tỳ-kheo-ni xuất tội.
  8. Tỳ-kheo-ni tuy thọ giới Cụ túc trước một trăm năm, nên lễ bái Tỳ-kheo mới thọ đại giới. Nói tám kính pháp rồi, Ban-đa liền nói kệ:

Muốn tâm được tốt đừng phóng dật
Siêng học pháp thiện của Thánh nhân
Nhất tâm ấy là người trí huệ
Họa ưu sầu đâu nữa phải lo.

Nói kệ xong, Ban-đa nhắm mắt ngồi thẳng. Khi ấy các Tỳ-kheoni trộm lời với nhau: Tỳ-kheo này chỉ biết có một bài kệ, làm sao có thể giáo giới chúng ta! Ban-đà nghe khởi ý niệm: Các Tỳ-kheo-ni ấy khinh dể ta. Ban-đà liền bay vụt lên hư không, hiện một thân thành vô số thân, rồi trở lại thành một thân, đi xuyên qua vách đá, đi trên nước như đi trên đất, vào trong đất như vào trong nước, hoặc hiện nửa thân, hoặc hiện toàn thân, hoặc thân trên tuôn ra khói, thân dưới tuôn ra lửa, hoặc thân trên tuôn ra lửa, thân dưới tuôn ra khói, hoặc thân trên tuôn ra nước, thân dưới tuôn ra lửa, hoặc thân trên tuôn ra lửa, thân dưới tuôn ra nước, hoặc ngồi nằm trên hư không như chim dang hai cánh, hoặc dùng tay sờ mặt trời, mặt trăng, hoặc thân đứng thẳng đến trời Phạm Tự tại. Hiện thần biến như vậy rồi, Ban-đà trở lại chỗ cũ, nói kệ như trước. Các Tỳ-kheo-ni thấy các thứ thần biến này tâm rất hoan hỷ, bạch: Đại đức! Xin lại dùng thần túc để giáo hóa.

Liền khi ấy, Ban-đà hiện ra nơi phương Đông chìm mất vào phương Tây, hiện ra nơi phương Tây chìm mất vào phương Đông. Các phương khác cũng vậy. Hiện tất cả các thần biến như vậy rồi trở về chỗ cũ, lại nói bài kệ trên, cho đến mặt trời lặn, Ban-đà mới cho ra về. Bấy giờ, đã xẩm tối rồi, Tỳ-kheo-ni đến cửa thành, cửa thành đã đóng, gõ cửa xin vào, người giữ cửa hỏi: Các ngươi là ai? Đáp lời: Chúng tôi là Tỳ-kheo-ni. Người giữ cửa hỏi: Tại sao đi tối thế? Các Tỳ-kheo-ni nói: Tôn giả Ban-đà giáo giới chúng tôi, cho nên về trễ. Người giữ cửa nói: Có thể trở về lại chỗ cũ, chứ dù Vua đến, tôi cũng không dám mở. Các Tỳ-kheo-ni không vào được, hoặc ở bên cửa, hoặc ở bên hào, hoặc nương bên gốc cây, suốt đêm bị mòng muỗi gió bụi gây não.

Sáng ngày cửa thành mở, các ni vào trước hơn mọi người. Các Cư sĩ hỏi nhau: Các Tỳ-kheo-ni này, từ đâu đến mà cửa thành vừa mở đã vào trước hết? Có người nói: Chính là họ đi tìm nam tử trở về. Những người không tin ưa Phật pháp bằng mọi cách chê bai nói: Chúng ta là bạch y, không tu phạm hạnh… chứ các Tỳ-kheo-ni này đầu không tóc, mặc đồ hoại sắc mà cũng như vậy chăng! Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe liền quở trách Ban-đà: Tại sao giáo giới Tỳ-kheo-ni đến tối? Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Ban-đà: Thật sự ông có như vậy không? Ban-đà công nhận là có. Đức Phật bằng mọi hình thức quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào Tăng sai giáo giới Tỳ-kheo-ni cho đến chiều tối, phạm Ba-dật-đề”.

Tăng sai: Tức bạch nhị Yết-ma sai. Nếu Tỳ-kheo đã được Tăng sai thì nên nói với các Tỳ-kheo-ni: Này các cô! Nếu lúc không phải nạn thì nên giáo giới, còn khi có nạn thì không giáo giới. Nếu nhận tới trú xứ của Tỳ-kheo-ni giáo giới thì nên nói: Các cô trải tòa, tôi sẽ đến. Nếu không đến được, cần giáo giới tại trú xứ của mình thì lau quét sạch sẽ như trước. Nên mời theo một Tỳ-kheo khỏe làm bạn, bằng không có thì mới đi một mình. Nói tám kính pháp rồi, nếu còn sớm thì nói thêm các pháp khác cũng tốt. Nên trù tính xong sớm kịp trong ngày về đến trú xứ của mình. Nếu nói pháp rồi nên đi trước thì đi. Nếu chỗ có sự khủng bố thì Tỳ-kheo nên đưa Tỳ-kheo-ni về tới nơi. Nếu Tỳ-kheo giáo giới cho Tỳ-kheo-ni đến chiều tối, mỗi lời giáo giới đều phạm Ba-dật-đề. Sa-di phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ hai mươi hai

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy các Tỳ-kheo, theo thứ tự giáo giới Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo-ni đều đạt được các thiền giải thoát, Tammuội chánh thọ. Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo, Tăng không sai cũng đến giáo giới, chỉ nói những lời thô ác, bất thiện, các Tỳ-kheo-ni trưởng lão im lặng không phục, còn Lục quần Tỳ-kheo-ni thì khen ngợi, nói: Lành thay! Không ai hơn. Với sự việc như vậy, Tỳ-kheo-ni Ba-xà-ba-đề cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni đến chỗ Đức Phật, báo lại việc trên. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có thật như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào vào trong trú xứ của Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề”.

Nhân khi các Tỳ-kheo có nhân duyên hoặc việc của pháp, việc của Tăng, hay việc riêng cần vào trú xứ của Tỳ-kheo-ni nhưng vì e ngại không dám vào, không biết nên thế nào, đem vấn đề bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu không vì nhân duyên giáo giới thì không cho phép vào. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào Tăng không sai, do nhân duyên giáo giới, vào trú xứ của Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo tuy Tăng sai mà vẫn e ngại không dám vào, do đó, các Tỳ-kheo-ni không được giáo giới, nên không chứng đắc được gì, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Tỳ-kheo được Tăng sai, cho phép vào. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào Tăng không sai, vì giáo giới, cố vào trú xứ của Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề”.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-lâm bệnh sai người tin cậy đến bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, mời Tôn giả đến để thuyết pháp lần cuối cùng cho cô nghe. Tôn giả nói: Đức Phật không cho phép Tăng không sai vì vấn đề giáo giới mà cố vào trong trú xứ của Tỳ-kheo-ni. Do đó, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Cho phép Tăng không sai nhưng do Tỳ-kheo-ni bệnh được đến thuyết pháp. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào Tăng không sai, vì giáo giới, cố vào trú xứ của Tỳ-kheo-ni, trừ nhân duyên, phạm Ba-dậtđề”.

Nhân duyên: Là Tỳ-kheo-ni bệnh, gọi là nhân duyên. Nếu Tăng không sai vì giáo giới, cố vào trú xứ của Tỳ-kheo-ni, tùy theo việc vào nhiều hay ít, mỗi bước đều phạm Ba-dật-đề. Nếu một chân vào trong cửa, phạm Đột-kiết-la, Sa-di phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ hai mươi ba

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo Thượng tọa, theo thứ tự giáo giới Tỳ-kheo-ni, các Tỳ-kheo-ni hoặc biệt thỉnh cúng dường, hoặc cúng dường đãy đựng bát, dây lưng, dầu đèn, y thực, thuốc thang. Lục quần Tỳ-kheo thấy vậy nói với các Tỳ-kheo: Có thể sai chúng tôi làm người giáo thọ. Các Tỳ-kheo nói: Theo lời Phật dạy, sai người thành tựu mười pháp, các thầy không có, thì làm sao sai? Lục quần Tỳ-kheo bèn nói: Các Tỳ-kheo vì lợi dưỡng nơi sự cúng dường nên giáo giới Tỳ-kheo-ni. Các Tỳ-kheo Trưởng lão bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi hình thức quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nói các Tỳ-kheo vì lợi dưỡng nên giáo giới Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Nếu nói vì lợi của sự cúng dường nên giáo giới Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la”. Nếu nói Tỳ-kheo hành mười hai hạnh đầu đà, tọa thiền, tụng kinh, làm các công đức, đều là vì lợi của sự cúng dường, mỗi lời nói đều phạm Đột-kiết-la. Sa-di phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ hai mươi bốn

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, các Tỳ-kheo cùng với Tỳkheo-ni ngồi nơi chỗ vắng, sinh tâm nhiễm, không vui sống phạm hạnh, có người hoàn tục, có người làm ngoại đạo. Các Cư sĩ thấy, dị nghị chê trách nói: Những Sa-môn này cùng Tỳ-kheo-ni một mình ngồi chỗ vắng, giống như bạch y đối với dâm nữ, ăn của tín thí mà làm việc như thế, không có hạnh của Sa-môn, phá pháp Sa-môn.

Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch với Đức Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tỳkheo kia: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có thật như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng Tỳ-kheo-ni ngồi chỗ vắng, phạm Ba-dật-đề”.

Cùng với Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni ngồi chỗ vắng cũng như vậy. Sa-di phạm Đột-kiết-la. Nếu số đông Tỳ-kheo cùng Tỳ-kheo-ni cùng ngồi, hoặc có nạn sự khởi, cần phải cùng ngồi nơi chỗ vắng đều không phạm.

Xong giới thứ hai mươi lăm

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo A-lan-nhã, trú ngụ nơi A-lan-nhã, ban đầu không thân quen với bất kỳ người nào. Tỳ-kheo kia, vào một buổi sáng, mặc y bưng bát vào thôn khất thực, trên đường đi gặp hai Tỳ-kheo-ni. Cô ni này nói với cô ni kia: Nay tôi muốn cùng Tỳ-kheo kia làm quen, cô đồng ý không? Tốt lắm! Cô ni kia trả lời. Khi Tỳ-kheo kia đến, cô ni tác lễ. Tỳ-kheo im lặng không nói năng gì cả. Hai cô ni cùng nhau bàn nói: Tỳ-kheo này không muốn chúng ta làm quen giữa đường, chúng ta nên đến trú xứ của Tỳ-kheo để bái chào. Sáng sớm hôm sau, hai Tỳ-kheo-ni đến chỗ Tỳ-kheo lễ bái thăm hỏi. Lạy một lạy, lạy hai lạy, Tỳ-kheo không nói gì, đến lạy thứ ba, Tỳ-kheo mới nói: “Lão thọ” (từ dùng để đáp lễ có nghĩa cầu chúc điều tốt lành cho nhau). Hai Tỳ-kheo-ni kính lễ xong ra về. Sau đó, Tỳkheo kia vào thôn khất thực, hai Tỳ-kheo-ni gặp nơi đường hẻm, liền lễ bái hỏi chào, cùng nhau nói chuyện. Hai Tỳ-kheo-ni bèn dùng một đoạn vải và chỉ may nhuộm rồi, cúng cho Tỳ-kheo. Tỳ-kheo thọ nhận. Hai cô ni lại thưa: Đại đức có mỏi mệt, mời đến trú xứ của chúng con tạm nghỉ một chút rồi đi khất thực. Tỳ-kheo bèn đến đó nghỉ. Nghỉ xong, gần đến giờ khất thực, Tỳ-kheo-ni lại thưa: Nơi đây có rau tương, nếu được thức ăn rồi mời thầy về lại đây dùng. Tỳ-kheo lại nhận lời, được thức ăn rồi đem về đó, nhiều lần như vậy. Có khi Tỳ-kheo khất thực về trước, đợi Tỳ-kheo-ni, có khi Tỳ-kheo-ni khất thực về trước, đợi Tỳ-kheo. Từ đó, thường khen ngợi lẫn nhau khi đến gia đình nào đó. Một hôm, Tỳ-kheo nhận được một tấm y tốt, bèn khởi tâm không đúng đắn, nghĩ như sau: Nay ta đem y này biếu cho Tỳ-kheo-ni kia, chắc chắn cô ta không nhận, như thế ta sẽ nhận được cái ân huệ cho nhiều hơn nữa. Với ý nghĩ như vậy, việc trước hết là đến trước các Tỳ-kheo khen ngợi Tỳ-kheo-ni kia: Tỳ-kheo-ni ___ là con nhà giòng dõi xuất gia, lòng tin kiên định, chánh trực, ít ham muốn, biết vừa đủ. Các Tỳ-kheo nói: Người xuất gia như vậy là đáng khen. Sau đó, đem y cho Tỳ-kheo-ni kia, cô ta nhận y ngay. Mưu đồ bị vỡ, ôm lòng não hận, lại đến các Tỳ-kheo nói: Tỳ-kheo-ni___ tín tâm mỏng manh, nhiều ham muốn, không biết nhàm chán. Các Tỳ-kheo nói: Thầy vừa rồi nói Tỳ-kheo-ni ___ ít ham muốn, biết vừa đủ, sao bây giờ lại nói như vậy? Tỳ-kheo tỏ bày những lắc léo của lòng mình. Các Tỳ-kheo bằng mọi cách quở trách: Tại sao tâm không xả vật, đã hứa cho người mà còn tính đến việc người ta không nhận, lấy cảm tình người ta bằng sự hư dối, vọng ngữ này! Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tỳ-kheo kia: Thật sự ông có như vậy không? Đương sự thú nhận là có. Đức Phật bằng mọi cách quở trách: Há ông không nghe Ta khen ngợi với tâm xả vật cho người mới được công đức lớn hay sao? Tại sao nay ông với tâm không xả vật mà dối đem cho người?! Quở trách rồi, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cho y cho Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề”.

Khi ấy, các Tỳ-kheo có Tỳ-kheo-ni bà con, y phục ngọa cụ đều thô tệ, đau ốm thuốc men cũng không thể có được. Các Tỳ-kheo có suy nghĩ: Nếu Đức Thế Tôn cho phép ta cho y vật cho Tỳ-kheo-ni bà con thì đâu đến nỗi như thế. Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo cho y vật cho Tỳ-kheo-ni bà con. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào  cho y cho Tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, phạm Ba-dật-đề”.

Bấy giờ, tại thành Xá-vệ, hai bộ Tăng nhận được y đã may thành, cùng phân chia cho nhau. Có trường hợp Tỳ-kheo nhận được cỡ y của Tỳ-kheo-ni, có trường hợp Tỳ-kheo-ni nhận được cỡ y của Tỳ-kheo, muốn trao đổi cho nhau mà không dám, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo cùng Tỳ-kheo-ni đổi y. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào cho y cho Tỳ-kheo-ni chẳng phải bà con, trừ trao đổi, phạm Ba-dật-đề”. Nếu cho y cho Tỳ-kheo-ni bà con mà họ là người phá giới, phá kiến, phạm Đột-kiết-la. Nếu cho y cho Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni không phải bà con, phạm Đột-kiết-la. Sa-di phạm Đột-kiết-la. Nếu vì lo liệu công việc, hoặc vì khéo nói kinh pháp, hoặc vì tụng nhiều kinh giới nên cho y thì không phạm.

Xong giới thứ hai mươi sáu

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, có một Tỳ-kheo-ni ít người quen biết, nhận được vải y chưa may thành, mà tự mình không biết may, nói với các Tỳ-kheo-ni: Tôi không biết may y, nhờ các cô may giùm. Các Tỳ-kheo-ni nói: Này cô! Chúng tôi nhiều việc không thể may được, cô có thể đến nơi chúng Tỳ-kheo thưa, có thầy nào rủ lòng thương chắc sẽ may cho cô. Cô liền đến trong chúng Tỳ-kheo thưa: Con là kẻ ít người quen biết, nhận được vải y nhưng chưa may thành, con không tự may được, mong các thầy may giùm cho. Các Tỳ-kheo cũng đều từ chối, vì bận việc. Cô đến Trưởng lão Ưu-đà-di thưa như trên. Ưu-đà-di nói: Tôi có thể may được, nhưng đừng lúc nào cũng đến thúc hối, tùy tôi may khi nào xong thì thôi, đồng ý như vậy tôi sẽ may cho. Cô thưa: Tùy Trưởng lão, khi nào may xong cũng được. Ưu-đà-di nhận lấy vải y cắt may. Trải qua thời gian lâu không thấy giao y, Tỳ-kheo-ni đến hỏi: Thưa Đại đức y may xong chưa? Ưu-đà-di nói: Trước đây tôi đã giao hẹn như vậy, tại sao nay đến hối thúc? Cô ni thưa: Con đến hỏi để biết chứ không dám hối thúc. Cô liền rút lui. Sau đó, Ưu-đà-di dùng các loại chỉ đủ màu sắc, thêu thành hình nam nữ giao hội trên phần vải giữa tấm y. Thêu xong, kêu cô ni đến giao. Cô ni đến nhận, Ưu-đà-di dặn: Chưa có thể trương ra xem và cũng đừng cho ai coi: Khi nào Tỳ-kheo-ni Baxà-ba-đề đến chỗ Đức Phật, nơi đầu đường, khi đó mới mặc. Tỳ-kheoni nhận được y đem về, không trương ra xem cũng không đưa ai xem. Khi Tỳ-kheo-ni Ba-xà-ba-đề đến chỗ Đức Phật, tại đầu đường, cô ni đó mặc y vào, người đi đường thấy, không ai không vỗ tay cười lớn, cùng nhau nói: Tỳ-kheo-ni này thật là người khéo tay mới có thể thêu thành hình dâm dục trên y như vậy được. Tỳ-kheo-ni xấu hổ hết sức, trở về lại trú xứ. Tỳ-kheo-ni Ba-xà-ba-đề cuốn cái y đó mang đến chỗ Đức Phật trương ra, thưa: Cúi xin Đức Thế Tôn chứng tri cho việc làm này. Đức Phật vì Cù-đàm-di nói các pháp rồi bảo bà trở về trú xứ. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Ưu-đà-di: Thật sự ông có như vậy không? Ưu-đà-di thú nhận là có. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách: Ông là người ngu si, tại sao thêu hình người nhớp nhúa này lên trên y?! Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào may y cho Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề”.

Trường hợp các Tỳ-kheo có Tỳ-kheo-ni bà con, y phục bị hư rách, xin được một khổ vải mà không biết may, các Tỳ-kheo lại có suy nghĩ: Nếu Đức Thế Tôn cho phép ta may y cho Tỳ-kheo-ni bà con thì không trở ngại cho điều này. Quý vị bạch Phật, nhân việc ấy, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo vì Tỳkheo-ni bà con may y. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào may y cho Tỳ-kheo-ni không phải bà con, phạm Ba-dật-đề”. Tỳ-kheo vì Tỳ-kheo-ni không phải bà con nhận vải, phạm Đột-kiết-la, cắt, may, nhuộm phạm Ba-dật-đề. Khi may, mỗi mũi kim đều phạm Ba-dật-đề.

Ngoài ra như trong giới cho y đã nói.

Xong giới thứ hai mươi bảy

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo ở nước Ma-kiệt Đề cùng các Tỳ-kheo-ni du hành trong nhân gian, hoặc một Tỳ-kheo cùng một Tỳ-kheo-ni đi, cho đến số đông, hoặc lội qua nước sâu, hoặc leo lên gành cao, thấy hình nhau, sinh tâm nhiễm đắm, không vui sống phạm hạnh, đưa đến tình trạng hoàn tục, hoặc làm ngoại đạo. Các bạch y thấy, dè bỉu nói: Đám Sa-môn này, như người đời dẫn vợ hay dâm nữ đi chơi… chê trách đủ cách như trong giới ngồi một mình nơi chỗ vắng đã nói. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳkheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng Tỳ-kheo-ni đi một đường, phạm Ba-dật-đề”.

Trường hợp các Tỳ-kheo cùng số đông bạn đồng đi một đường, thấy các Tỳ-kheo-ni cũng đi trên đường đó, bèn khởi ý nghĩ: Chúng ta có phạm Ba-dật-đề không! Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu trước không cùng hẹn mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng Tỳ-kheo-ni hẹn trước cùng đi một đường, phạm Ba-dật-đề”.

Trường hợp các Tỳ-kheo cùng Tỳ-kheo-ni trước đã hẹn đi một đường, sau không dám đi, hoặc hai bên tránh nhau, do trước có hẹn nên nghi, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu trước cùng Tỳ-kheo-ni hẹn đồng đi một đường, hoặc không đi, hoặc hai bên tránh nhau mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng Tỳ-kheoni, có hẹn trước cùng đi một đường, từ xóm làng này đến xóm làng kia, phạm Ba-dật-đề”.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo-ni, nơi đoạn đường nguy hiểm, thấy một Tỳ-kheo, liền kêu: Đại đức đến mau, để cùng đi với nhau. Tỳ-kheo kia đến nói: Này cô! Đức Phật cấm không cho phép cùng Tỳ-kheo-ni đi một đường. Tỳ-kheo-ni thưa: Đoạn đường này nguy hiểm, mà con là nữ yếu ớt, xin được nương nơi Đại đức mới có thể đi qua được. Tỳ-kheo vẫn nói như trước, rồi bỏ đi. Tỳ-kheo-ni đi sau bị giặc cướp đoạt y phục, lõa hình, kêu la lớn: Giặc lột đồ con! Giặc lột đồ con! Tỳ-kheo kia từ xa nghe. Khi về đến trú xứ nói với các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo, nếu gặp chỗ nguy hiểm, nghi ngờ có sự khủng bố, được cùng Tỳ-kheo-ni đồng đi một đường. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng Tỳ-kheo-ni, trước hẹn cùng đi một đường, từ xóm làng này đến xóm làng kia, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề”.

Nhân duyên: Hoặc có nhiều bạn, chỗ có sự nghi ngờ, gọi là nhân duyên. Nếu Tỳ-kheo cùng Tỳ-kheo-ni trước hẹn đi một đường, chỗ không có xóm làng, thì nửa do-tuần phạm Ba-dật-đề. Nếu cùng Thứcxoa-ma-na, Sa-di-ni trước hẹn cùng đi một đường cũng như vậy. Sa-di phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ hai mươi tám

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nước Ma-kiệt Đề, cùng các Tỳ-kheo-ni đồng đi trên một thuyền, hoặc một Tỳ-kheo cùng một Tỳ-kheo-ni cùng đi một thuyền, cho đến số đông. Khi lên xuống thuyền cùng nhau thấy hình thể. Bạch y chê trách nói: (như trước). Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe… cho đến câu: Đức Phật bảo các Tỳ-kheo… đều như trong giới “Cùng đi một đường” đã nói: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng Tỳ-kheo-ni hẹn trước đồng đi một thuyền, phạm Ba-dật-đề”.

Có một Tỳ-kheo-ni đứng bên bờ sông A-di-la đợi đò để qua sông. Sau đó, có một Tỳ-kheo đến, Tỳ-kheo-ni thưa: Thưa Đại đức, nơi đây có nạn nguy hiểm có thể cho con cùng qua một chuyến đò. Tỳ-kheo trả lời: Đức Phật cấm không cho chúng tôi cùng Tỳ-kheo-ni đi trên cùng một đò. Người lái đò lại nói: Cả hai vị cùng lên đò, mỗi vị ngồi một đầu. Tỳ-kheo không đồng ý. Tỳ-kheo-ni thưa: Nếu không được thì mời Đại đức qua trước. Tỳ-kheo liền qua chuyến đò trước. Chuyến đò chưa đến bên kia, Tỳ-kheo-ni đã bị giặc cướp trấn lột. Người lái đò thấy vậy rất bất bình chê trách: Các người đồng xuất gia mà không thể bảo hộ nhau, huống chi là đối với người ngoài, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Tỳ-kheo kia trở về trong Tăng phường, kể lại câu chuyện cho các Tỳ-kheo nghe. Các Tỳ-kheo đem vấn đề đến bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tỳ-kheo kia: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có xảy ra như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách: Ông là người ngu si, tại sao bỏ Tỳ-kheo-ni lại để giặc cướp đoạt như thế! Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng Tỳ-kheo-ni trước có hẹn đồng đi một thuyền, hoặc thuận dòng nước, hoặc nghịch dòng nước, trừ đò ngang, phạm Ba-dật-đề”. Ngoài ra, như trong giới “Đồng đi một đường” đã nói.

Xong giới thứ hai mươi chín

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, Nan-đà, Bạt-nan-đà ăn thức ăn do Tỳ-kheo-ni khen ngợi mà được. Các Tỳ-kheo thấy, bằng mọi cách quở trách. Lúc đó, hai Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên du hành trong nhân gian, tới thành Vương-xá. Có một Cư sĩ nghe hai vị đến, ra nghinh đón, đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lùi qua một bên. Hai vị vì người ấy giảng nói pháp chỉ bày điều lợi ích, khiến họ vui mừng. Cư sĩ liền mời sáng hôm sau thọ trai, được hai vị im lặng nhận lời. Cư sĩ liền về nhà sửa soạn các món ăn thức uống, trải tọa cụ tốt. Hai Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đến giờ, mặc y bưng bát tới nhà đó. Tôn giả Xá-lợi-phất đi trước, muốn vào nhưng nghe tiếng nói của Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà đã có mặt trong nhà này rồi, nên dừng lại không vào. Tỳ-kheo-ni kia thấy gia chủ sửa soạn thức ăn, trải tọa cụ tốt, hỏi: Nay gia chủ có rước Vua hay làm đám cưới? Gia chủ trả lời: Không rước Vua cũng chẳng làm đám cưới, mà là muốn cúng dường Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên. Tỳ-kheo-ni nói: Tại sao không thỉnh bậc Đại long mà lại cúng dường Tỳ-kheo tiểu đức này? Cư sĩ hỏi: Vị nào là Đại long? Đáp lời: Tỳ-kheo Lục quần. Cô ni lại nói: Muốn thỉnh hàng Tỳ-kheo tộc tánh xuất gia, tu đầu đà, bốn niệm xứ, cho đến tám Thánh đạo phần, Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán, muốn cầu được người rể tốt, con tốt, sinh thiên, giải thoát, hiện đời này giàu sang thì nên cúng dường cho Lục quần Tỳ-kheo. Cô ni khen ngợi như vậy, rồi im lặng. Sau đó, hai Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên mới vào. Tỳ-kheo-ni Thâu-lanan-đà đến trước hai vị hỏi chào rồi nói: Lành thay Tôn giả! Mời Tôn giả an tọa nơi đây. Cô ni lại nói với Cư sĩ: Lành thay Cư sĩ! Nay người được phước lợi lớn, mới thỉnh được Tỳ-kheo hàng Đại long như thế này. Cư sĩ liền chê trách nói: Vừa rồi cô nói “Tiểu đức”, bây giờ lại nói “Đại long”? Ăn nói ngược ngạo như vậy, tại sao không xấu hổ? Từ nay đến sau cô đừng tới nhà này, tôi không cúng dường cho cô nữa đâu. Thế là người Cư sĩ tự tay sớt thức ăn cúng dường. Ăn xong dâng nước, rồi lấy chiếc ghế nhỏ ngồi trước hai Tôn giả. Hai Tôn giả vì gia chủ giảng nói pháp diệu, xong liền rời tòa ngồi ra về, đến chỗ Đức Phật. Đức Phật từ xa thấy bèn nói: Lành thay Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên! Quý vị ăn cơm khách từ đâu về đó? Bạch Đức Thế Tôn! Vừa rồi chúng con đến một nhà Cư sĩ, có một Tỳ-kheo-ni gọi chúng con là “Tiểu đức” rồi gọi là “Đại long”. Đức Phật hỏi: Tại sao gọi như thế? Hai Tôn giả kể rõ đầu đuôi câu chuyện. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có ăn thức ăn do Tỳ-kheo-ni khen ngợi mà được hay không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào ăn thức ăn do Tỳ-kheo-ni khen ngợi mà được, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo-ni khen ngợi nơi chỗ vắng, sau khi Tỳ-kheo ăn xong mới biết, bèn sinh hổ thẹn: Phải chăng ta đã phạm Ba-dật-đề?! Do đó, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu không biết do Tỳ-kheo-ni khen ngợi nên được thức ăn mà ăn, phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào biết do Tỳ-kheo-ni khen ngợi được thức ăn mà ăn, phạm Ba-dật-đề”.

Bấy giờ, có một gia đình thỉnh năm trăm Tỳ-kheo thọ trai. Tỳkheo-ni do gia đình này trước đây đã cúng dường, có nói: Nên cúng dường cho các Tỳ-kheo đừng để mất cơ hội tốt. Các Tỳ-kheo nghe bèn sinh xấu hổ, không dám ăn, trở về bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu Tỳ-kheo-ni trước không khen ngợi, đến khi ăn mới nói: Nên cúng dường thức ăn tốt cho các Tỳ-kheo. Tỳ-kheo ăn thức ăn này mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào biết Tỳ-kheo-ni do nhân duyên khen ngợi, nên được thức ăn mà ăn, trừ người đàn-việt trước có ý phát tâm rồi, phạm Ba-dật-đề”.

Khen ngợi: Khen ngợi được pháp hơn người. Nếu Thức-xoa-mana, Sa-di, Sa-di-ni khen ngợi Tỳ-kheo nhân đó nên được thức ăn mà ăn, phạm Đột-kiết-la. Sa-di phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ ba mươi

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, có một Đại thần thường cúng dường Phật và Tỳ-kheo Tăng. Có một người nghèo thấy vậy nghĩ: Nay vị Đại thần này được phước lợi lớn mới có thể cúng dường Phật và Tăng như thế. Nếu ta có của cũng sẽ làm như vậy. Người ấy lại nghĩ: Nay ta không có tài vật thì nên sử dụng công việc đi làm thuê chính đáng để cúng dường. Người ấy liền đi làm thuê cho một người chủ nọ. Hằng ngày ăn một phần để lại một phần. Người chủ hỏi: Tại sao ngươi để lại một phần không ăn? Tôi để lại một phần sau sẽ nhận luôn. Vậy là thời gian trôi qua trên người làm thuê và người ấy biết số tiền dành dụm đủ, bèn nói với người chủ: Hãy lấy hết số tiền dồn lại từ lâu, vì tôi làm các thức ăn cho đầy đủ. Người chủ hỏi: Nay ông nghèo khổ, tại sao dùng hết số tiền đó làm các thức ăn uống để làm gì? Ông ta trả lời: Trước đây tôi thấy vị Đại thần của thành Vương-xá này thường thỉnh Phật và Tăng để cúng dường các thức ăn, nên tôi phát nguyện cũng sẽ làm như vậy. Do đó, tôi mới đi làm thuê cho ông để thực hiện ý muốn này. Nay tính đã đủ để thiết lập một lễ cúng dường, bây giờ phải nhanh chóng chuẩn bị thức ăn. Người chủ nghe như vậy, một sự xúc động hiếm thấy trong lòng ông, ông nghĩ: Người nghèo khổ đem thân làm thuê, làm mướn như thế này, được một ít tài vật còn dùng để cúng dường, huống chi là ta giàu có, nếu lòng ta muốn tức khắc có đủ mọi thức ăn uống, thế mà không thể làm được! Người chủ liền xoay sang trả tiền gấp bội cho người làm thuê để ông tha hồ sắm các thức ăn cam mỹ. Được người chủ tác động như thế, ông ta mang ngay tài vật ấy đến chỗ Đức Phật, rồi sắm sửa đầy đủ các thức ăn ngon bổ nhất. Nhờ tấm lòng thành này, nên cả quỷ thần cũng đến giúp đỡ. Chỉ trong chốc lát tự nhiên đầy đủ thức ăn. Hôm đó, gặp ngày tiết hội, nhiều người cúng dường, họ tranh nhau đến thỉnh chư Tăng về nhà thọ trai. Các Tỳ-kheo bàn nói với nhau: Hôm nay người nhà nghèo này tận lực để cúng dường, đối với các gia đình khác chúng ta nên dùng một ít thôi. Tuy dặn nhau là ăn rất ít, nhưng do nhiều nhà mời nên khá no. Khi người nhà nghèo sửa soạn xong, mời thọ trai, các Tỳ-kheo đều tập trung an tọa nơi tòa, chỉ trừ có Đức Phật là ở tại phòng. Người nhà nghèo phấn khởi tự tay sớt các thức ăn, các Tỳ-kheo thọ thực rất ít, người nhà nghèo lại có ý nghĩ: Các Tỳ-kheo vì thương ta nghèo khổ sở không dám ăn no, hay là thức ăn không ngon nên các vị nuốt không xuống?! Người nhà nghèo liền đặt vấn đề thắc mắc hỏi: Trong số Tỳ-kheo có vị lòng nghĩ sao nói vậy: Sợ ông thức ăn ít nên đã ăn trước nơi các nhà khác. Người nghèo buồn, thưa: Tại sao đã nhận lời mời của con mà lại đến ăn trước nơi các nhà khác?! Con quyết dốc hết mọi khả năng của con để cúng dướng cho bằng được, nay các Đại đức không thể dùng hết thì tùy ý các thầy cứ mang hết, đừng để dư. Các Tỳ-kheo nghe, bèn cố ăn, nhưng vẫn không hết phân nửa. chúng Tăng dùng rồi, người nghèo hối tiếc nhgĩ: Ta cố ép chư Tăng dùng như vậy không biết có mắc tội hay không? Người nghèo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Lành thay, bần sĩ! Ngươi thấy người làm phước mà đem thân đi làm thuê để được làm phước như người, tuy ngươi đang thọ thân người nhưng nhân duyên để sinh lên cõi trời đã đầy đủ. Từ khi ngươi phát tâm muốn cúng dường Phật và Tăng đến nay, tất cả việc làm của ngươi đều có vô lượng công đức. Dù cho chúng Tăng không thọ thực món cúng dường của ngươi một hạt cơm đi nữa, thì công đức của ngươi cũng đầy đủ. Nay ngươi sẽ được quả báo hiện đời này. Người nghèo nghe Phật dạy xong vui mừng hớn hở. Đức Phật lại vì người nghèo giảng nói các pháp vi diệu. Người nghèo liền ở nơi chỗ ngồi xa trần lìa cấu, đạt được mắt pháp trong sạch, thấy pháp rồi, liền thọ ba pháp quy y, phụng trì năm giới, từ chỗ ngồi đứng dậy đầu mặt kính lễ sát chân, nhiễu quanh Phật rồi cáo lui.

Bấy giờ, có năm trăm người lái buôn, từ nước Ưu-thiền-na đến, với tuyến đường xa xôi nên đã hết lương thực ba ngày. Họ sai người cỡi ngựa đi trước để tìm thức ăn đã nấu sẵn. Người ấy rao nói: Chúng tôi gồm năm trăm người lái buôn, tứ nước Ưu-thiền-na đến, hết lương thực ba ngày, nên sai tôi đến trước tìm thức ăn đã nấu sẵn, nếu ai có thì giá nào chúng tôi cũng xin mua. Người trong thành nói: Nơi đây không có ai, chỉ có một người nghèo đang cúng dường tại Tăng phường, có dư thức ăn rất nhiều, ông có thể đến đấy xem chắc có thể có. Sứ giả kia bèn thúc ngựa đến đó, trình bày tình cảnh như vậy. Người nghèo trả lời: Nay tôi thiết lễ cúng dường không vì tài lợi, cần thì đến đây gấp đi, đừng nghĩ tới chuyện giá cả. Sứ giả nghe như vậy, cho là ngoài ý mong muốn của mình, liền trở về báo lại. Trong chốc lát, đoàn khách buôn đến nơi, họ cảm động nói: Cho chúng tôi ăn mau, chúng tôi sẽ hậu tạ. Người nghèo vẫn trả lời như trước. Đoàn buôn ăn vội vàng. Đã được no đủ rồi, họ theo dò hỏi người khác để biết sự nghiệp của người cho mình ăn, mới biết người này nghèo mà thiết lễ cúng dường Phật và Tăng. Đoàn khách buôn nghe rồi càng cho là điều hiếm có. Họ góp nhau một trăm ngàn lượng vàng để trả ơn cho người kia. Đoàn lái buôn lại hỏi thăm: Tại thành này có người tên là ___ hiện nay ở đâu? Đáp: Ông ấy qua đời rồi. Đoàn buôn lại hỏi: Ông ấy còn con cháu gì không? Được trả lời: Người vừa rồi cho các ông ăn đó là con của ông ấy. Cả đoàn lái buôn nghe như thế liền thốt lên: Đúng rồi, người nghèo ơi! Cụ thân sinh của ông chính là thầy của chúng tôi. Họ liền lấy ra một trăm ngàn lượng vàng nữa để tặng gọi là báo đáp ân tình trước kia.

Đại thần nơi thành Vương-xá và người chủ thuê mướn trước kia biết rõ việc này rất đỗi vui mừng, lại mỗi người biếu tặng một ngàn lượng vàng để kết tình bạn tốt. Cũng trong ngày ấy, Vua Bình-sa tấn phong cho người nghèo chức “Đại thần”. Chỉ trong một ngày mà người nghèo kia trở thành kẻ giàu có và quyền quý. Người trong nước ban cho tước hiệu là “Trưởng giả bất ngờ”. Các Tỳ-kheo đem vấn đề ấy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có nhận lời mời của người mà lại ăn trước nơi nhà khác không? Các Tỳ-kheo thú nhận là có. Đức Phật bằng mọi cách quở trách: Các ông là người ngu si, tại sao đã nhận lời thỉnh của người mà lại đi ăn trước nơi nhà khác?! Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào ăn nhiều lần, phạm Ba-dật-đề”.

Khi ấy, Tất-lăng-già-bà-ta cùng tám mươi Tỳ-kheo, đều mắc trọng bệnh không thể ăn một lần đủ no. Nhân việc này bạch Phật, Đức Phật hợp Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Cho phép Tỳ-kheo bệnh được ăn nhiều lần. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào ăn nhiều lần, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề”.

Nhân duyên là khi bệnh. Như vậy gọi là nhân duyên.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn cho phép các Tỳ-kheo thọ y Ca-hi-na được khỏi phạm năm việc. Các Tỳ-kheo lại nảy ra ý nghĩ: Khi thời của y không phạm tội ăn nhiều lần, thời của y xong rồi có phạm hay chăng? Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Thời của y không phạm, ngoài thời của y thì phạm. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào ăn nhiều bữa, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề”. Nhân duyên là khi bệnh, khi thời của y, như vậy gọi là nhân duyên.

Có các bạch y biết các Tỳ-kheo không được phép ăn nhiều lần, bèn nghĩ ra một cách: Ta nên tạo phương tiện vì các Tỳ-kheo may y, Tỳ-kheo đến nhận, nhân đó ta cúng dường. Họ thực hiện ngay việc may y rồi thỉnh các Tỳ-kheo đến. Các Tỳ-kheo nói: Chúng tôi không được phép ăn, chỉ nhận y thôi. Các Cư sĩ thưa: Bạch Đại đức! Nhận thức ăn của chúng con rồi mới cúng y. Các Tỳ-kheo lại suy nghĩ: Nếu Đức Thế Tôn cho phép ta ăn nhiều bữa, trong trường hợp có người cúng y thì có thể khỏi bị thiếu y. Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép Tỳ-kheo vì thí y nên được ăn nhiều lần. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào được ăn nhiều lần, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề”. Nhân duyên là khi bệnh, khi thời y, khi thí y. Như vậy gọi là nhân duyên.

Vào một ngày nọ, Tôn giả A-nan đến nhà Trưởng giả, ông Trưởng giả bày biện các thức ăn, Tôn giả A-nan quên trước đã nhận lời mời bèn thọ thức ăn này, khi sắp ăn mới nhớ lại, liền nói với người chủ: Xin lỗi dọn cất đi, trước đây tôi đã nhận lời mời của người khác rồi, nên không thể ăn được. Ông Trưởng giả buồn nói: Tại sao đã thọ thức ăn của tôi lại bỗng dưng hối hận, không ăn. Như thế là Tôn giả A-nan vội vàng về bạch Phật, Đức Phật dạy: Nếu có nhân duyên như vậy nên khởi tâm niệm nhường lại chỗ mời trước cho vị khác như sau: Phần thỉnh của tôi, xin nhường lại cho Tỳ-kheo tên là ___ nghĩ như vậy, rồi có thể ăn. Nếu không nghĩ như vậy mà ăn, phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, lại có trường hợp người thỉnh trước lại dọn thức ăn sau, có trường hợp người dọn thức ăn trước rồi thỉnh sau, các Tỳ-kheo không biết nên như thế nào, bạch Phật, Đức Phật dạy: Khi thỉnh nên nói: Chỗ nào dọn trước thì tôi sẽ ăn chỗ đó. Ăn nhiều lần: Trước nhận người thỉnh sau lại ăn chỗ khác, như vậy gọi là ăn nhiều lần. Tỳ-kheo-ni cũng vậy, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Nếu được Tăng sai, hoặc ăn phòng riêng, hoặc bạch y đến thọ tám giới, thiết trai cúng dường, hay thường thực thì không phạm.

Xong giới thứ ba mươi mốt

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, Điều-đạt tìm người làm vây cánh nên giáo hóa các Cư sĩ. Theo lệnh của Điều-đạt, mỗi một nhà thỉnh bốn Tăng hoặc năm, hoặc mười vị. Các Tỳ-kheo Trưởng lão quở trách các Tỳ-kheo thọ thỉnh: Tại sao vì vấn đề vây cánh của Điều-đạt mà nhận sự thỉnh ăn riêng chúng? Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có nhận sự thỉnh ăn riêng chúng của Điều-đạt không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳkheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận sự thỉnh ăn riêng chúng, phạm Ba-dật-đề”.

Có một Tỳ-kheo dắt Tỳ-kheo bệnh đi khất thực, nên bệnh tình trầm trọng thêm. Các Cư sĩ thấy, nói: Đừng dắt Tỳ-kheo bệnh đi khất thực, cứ đến nhà con lấy thức ăn. Tỳ-kheo nói: Đức Thế Tôn kiết giới không cho phép chúng tôi nhận mời ăn riêng chúng, nếu cúng dường cho chúng Tăng, trong đó có phần chúng tôi thì được. Các Cư sĩ nói: Gia đình chúng con nghèo không thể cúng nhiều được, chỉ có thể đủ sức cúng cho người bệnh mà thôi, nếu cần thì Đại đức đến nhận. Các Tỳkheo không biết nên như thế nào, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo bệnh nhận sự mời ăn riêng chúng. Thời của y, khi thí y như trong giới ăn nhiều lần đã nói. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận sự thỉnh ăn riêng chúng, trừ nhân duyên, Ba-dật-đề”. Nhân duyên là khi bệnh, khi thời của y, khi thí y. Như vậy gọi là nhân duyên.

Có các Tỳ-kheo may y, phải đi khất thực nên y lâu xong, phế bỏ việc hành đạo, lại có ý nghĩ: Nếu khi may y mà Đức Phật cho phép ta nhận sự mời ăn riêng chúng thì y may xong, không phế bỏ việc hành đạo. Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo, khi may y được nhận sự thỉnh ăn riêng chúng. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận sự mời ăn riêng chúng, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề”. Nhân duyên là khi bệnh, thời gian của y, khi thí y, khi may y. Như vậy gọi là nhân duyên.

Có các Tỳ-kheo cùng với bạn đồng đi đến một xóm làng, nói với các người bạn: Chúng tôi vào thôn khất thực, có thể chờ cho một chút. Các người bạn nói: Khỏi phải khất thực, chúng tôi cung cấp thức ăn cho. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật không cho phép chúng tôi nhận sự mời ăn riêng chúng. Nói xong, vào thôn khất thực. Các người bạn bỏ đi. Tỳkheo khất thực rồi, đi không kịp bạn, bị giặc cướp trấn lột. Các Tỳ-kheo nghĩ: Nếu Đức Thế Tôn cho phép chúng ta, khi đi đường, được nhận sự mời ăn riêng chúng thì đâu bị tai nạn này!

Có các Tỳ-kheo quá giang thuyền của người ta, đến giờ khất thực chủ thuyền bỏ đi, gặp các khổ nạn như trên. Hai việc ấy được bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép các Tỳ-kheo, khi đi đường, khi đi thuyền, nhận sự mời ăn riêng chúng. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, nhận sự mời ăn riêng chúng, trừ nhân duyên, Ba-dật-đề”. Nhân duyên là khi bệnh, khi thời của y, khi thí y, khi may y, khi đi đường, khi đi thuyền. Như vậy gọi là nhân duyên.

Lệ thường pháp các Đức Phật, hai lần đại hội trong năm vào tháng cuối mùa Xuân và tháng cuối mùa hạ, Tỳ-kheo từ bốn phương tụ họp về để thăm hỏi nhau. Với số chúng đông như vậy, theo thứ tự thỉnh rất ít và khất thực khó được, các Tỳ-kheo khởi ý nghĩ: Nếu Đức Thế Tôn cho phép chúng ta khi đại hội được nhận sự thỉnh ăn riêng chúng thì không đến nỗi bị khổ như thế. Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo, khi đại hội được nhận sự mời ăn riêng chúng. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, nhận sự mời ăn riêng chúng, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề”. Nhân duyên là khi bệnh, khi thời của y, khi thí y, khi may y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại hội. Như vậy gọi là nhân duyên.

Bấy giờ, em Vua Bình-sa tên là Ca-lưu, phụng thờ một đạo, đạo này hằng năm mời rộng chín mươi sáu hạng Sa-môn tổ chức một đại hội, nghe Sa-môn Thích tử không nhận sự mời ăn riêng chúng và theo khả năng thì không thể thỉnh cả chúng Tăng. Do thiếu Sa-môn của đạo Phật nên ông ta ưu sầu không vui, lại có ý nghĩ: Ta nên làm thế nào để thỉnh được Sa-môn Thích tử, chỉ có cách là nhờ nhà Vua mới có thể được kết quả, bèn đến trình bày với Vua. Nhận lời, nhà Vua liền đến chỗ Đức Phật, nêu bày đầy đủ sở nguyện của em mình. Sau khi nhà Vua ra về, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo khi Sa-môn hội được nhận sự mời ăn riêng chúng. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận sự mời ăn riêng chúng, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề”. Nhân duyên là khi bệnh, khi thời của y, khi thí y, khi may y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại hội, khi Sa-môn hội. Như vậy gọi là nhân duyên. Thỉnh ăn riêng chúng: Là ở trong chúng mà thỉnh riêng bốn vị trở lên. Như vậy gọi là thỉnh ăn riêng chúng. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sadi, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Nếu mới bắt đầu nhận sự mời ăn riêng chúng, khi đến lại chia ra, nói thọ thỉnh khác, không thành chúng thì không phạm.

Xong giới thứ ba mươi hai

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc này, các nơi bị đói kém, khất thực khó được, tất cả các Tỳ-kheo tập trung về thành Vương-xá. Người ở bốn phương xa xôi nói: Trước đây, chúng ta mai chiều đều thấy các Tỳ-kheo, tại sao nay tuyệt nhiên không thấy nữa? Có người bảo: Lúc này khất thực khó được, tất cả đều đến thành Vương-xá nên vắng bóng Tỳ-kheo. Các Cư sĩ nói: Chúng ta có thể kiến lập một cái nhà nhỏ, mỗi ngày lo cho một Tỳ-kheo ngủ một đêm, ăn một bữa. Nếu không vị nào đến dùng cơm thì nên gom góp lại, đợi các Tỳ-kheo đến sau. Họ liền thực hiện. Khi ấy, có một gia đình thường làm thức ăn ngon, Lục quần Tỳ-kheo du hành trong nhân gian, thường đến nhà đó. Các Tỳ-kheo khác đều không được đến, nói với các Cư sĩ: Các vị vì Tăng nên thiết lập “nhất túc thực”, tại sao tôi không được dự một lần nào? Cư sĩ thưa: Bổn nguyện của tôi là vì Tăng nên thiết lập chỗ này, nhưng Lục quần Tỳ-kheo ở mãi không đi, khiến tôi không được đón tiếp vị Tăng nào khác. Đây là lỗi tại Lục quần Tỳ-kheo, chứ chẳng phải do tôi. Các Tỳkheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách Lục quần Tỳ-kheo, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, chỗ cúng một bữa ăn, ăn quá một bữa, phạm Ba-dật-đề”.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất bị trúng gió, đến nơi cúng một bữa ăn, ăn một bữa rồi bèn muốn đi chỗ khác. Các Tỳ-kheo thưa: Trưởng lão bệnh hoạn không nên đi chỗ khác chúng tôi sẽ nhường phần ăn để cúng dường. Tôn giả Xá-lợi-phất nói: Đức Thế Tôn không cho phép chỗ ngủ một đêm, ăn quá một bữa. Có các Cư sĩ nghe Tôn giả Xá Lợi Phật bị bệnh cũng cùng nhau thỉnh ở lại. Tôn giả cũng trả lời như trước, rồi ôm bệnh ra đi. Các Tỳ-kheo lại có những suy nghĩ: Nếu Đức Thế Tôn cho phép Tỳ-kheo bệnh, đối với chỗ cúng một bữa ăn được ăn quá một bữa thì không có sự khổ tâm này. Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta cho phép các Tỳ-kheo bệnh, đối với chỗ cúng một bữa, được ăn quá một bữa. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, không bệnh mà đối với chỗ cúng một bữa ăn, ăn quá một bữa, phạm Ba-dật-đề”. Chỗ cúng một bữa ăn, số đông Tỳ-kheo vào buổi chiều đồng thời đến, nếu đàn-việt có cúng nước phi thời, hay dầu xoa chân, cho phép theo thứ tự nhận, sáng ngày, theo thứ tự ăn. Nếu không, thì chỉ nghỉ một đêm, ăn một bữa rồi nên đi. Nếu đàn-việt mời ở lại thì được phép ở. Nếu đi rồi có duyên sự cần trở lại, nên nói với chủ nhân, chủ nhân cho phép ở thì ở, không cho phép thì nên đi. Nếu Tỳ-kheo đến sau nên nhận thức ăn đủ ăn một bữa, có dư nên cho Tỳ-kheo do chủ nhân lưu lại. Nếu Tỳ-kheo đến, có nhiều chỗ cúng một bữa ăn, các Tỳ-kheo nên chia ra các nơi. Nếu nhà bà con mà nhận quá một bữa ăn phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Nếu có các nạn không đi được thì không phạm.

Xong giới thứ ba mươi ba

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, có một người nữ sắp về lại nhà chồng, chuẩn bị các thứ bánh để dùng làm lương thực đi đường. Có một Tỳ-kheo theo thứ tự khất thực đến nhà ấy, người nữ hỏi: Thầy cần gì? Tỳ-kheo nói: Tôi cần thức ăn. Có thể ăn Khư xà ni được không? Đáp lời: Được. Cô gái bèn lấy bình bát đặt đầy bánh để dâng. Tỳ-kheo này nhận được bánh rồi lại nói các Tỳ-kheo khác: Nhà đó có nhiều thức ăn ngon, thầy nên tới đó xin. Các Tỳ-kheo nghe theo đều đến xin. Tất cả các bánh chín rồi đều đem cho hết. Khi ấy, phía nhà chồng cho người tới giục. Cô gái trả lời: Lương thực làm chưa xong. Cô ta lại làm các thức ăn khác, như vậy cho đến Ba lần, Tỳ-kheo cũng đến xin đều đem cho hết. Nhà chồng Ba lần hối thúc, người nữ đều trả lời như lần đầu. Ông chồng đùng đùng nổi giận, nghĩ là người nữ đã đổi ý, bèn sai người nói: Ta đã cưới người vợ khác rồi, không cần đến người nữ nhắm mắt lại như cô nữa. Như thế là cả gia đình người nữ nổi giận nói: Do Sa-môn Thích tử nên con ta bị ở góa. Họ nhục mạ đủ thứ, không chừa một lời thô bỉ nào. Người xung quanh hỏi: Người khác bạc bẽo đối với con bà, can dự gì đến Sa-môn mà bà nhục mạ họ? Gia đình kể rõ lại vấn đề. Người không tin Phật pháp đều khoái chí: Do kính Sa-môn nên mới như thế, nếu gần gũi lại còn gặp những điều tệ hại hơn nữa.

Bấy giờ, lại có người chủ khách buôn nói với các lái buôn: Sửa soạn lương thực, hôm đó là ngày tốt, ta sẽ khởi hành. Mọi người đều chuẩn bị lương thực đi đường. Có một Tỳ-kheo, theo thứ tự khất thực đến nhà một người lái buôn. Người lái buôn hỏi: Thầy cần gì? Tỳ-kheo nói: Tôi cần thức ăn. Lại hỏi: Bánh bún dùng được không? Tỳ-kheo nói: Được. Người lái buôn liền lấy bình bát đặt một bát đầy để cho. Tỳ-kheo nhận được rồi, nói với các Tỳ-kheo khác: Tại nhà đó có nhiều thức ăn ngon, các thầy có thể đến đó xin. Các Tỳ-kheo tới đó xin đều được. Do vậy, lương đi đường của người lái buôn hết sạch. Người chủ khách buôn nói: Ngày tốt đã đến, chúng ta nên khởi hành. Người lái buôn này nói: Lương thực chưa xong. Người chủ khách buôn nói: Trước đây tôi đã bố cáo chuẩn bị lương thực, tại sao nay lại nói chưa xong? Người lái buôn nói: Vì Sa-môn đến xin nên tôi cho hết. Người chủ khách buôn bảo: Nay là ngày tốt, không thể không khởi hành, tôi đi trước, người có thể đi sau. Người chủ khách buôn bèn khởi hành. Sau chuyến buôn trở về được an ổn, thu nhiều lợi nhuận. Người lái buôn kia đi sau, gặp đám cướp quét sạch của cải, kêu la khóc nói: Do Sa-môn Thích tử nên tôi mới bị khốn đốn thế này! Đám giặc hỏi: Tôi cướp của ngươi, tại sao lại oán người ta? Người lái buôn kể rõ đầu đuôi câu chuyện. Lũ giặc nghe rồi lại nói: Ngươi gần gũi Sa-môn nên bị đánh, bị giết, bị cướp đồ là phải. Nếu còn có sự gần gũi nữa cũng sẽ bị như vậy. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo kia: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có thật vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đến nhà bạch y, họ cho lấy thức ăn theo ý muốn, hoặc bánh, hoặc bún, nếu cần thì nhận hai, ba bát, nhận quá, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo bệnh, vào thôn khất thực, một Cư sĩ cho nhiều thức ăn, bảo lấy theo ý muốn, lấy quá hai, ba bát nhưng không dám thọ nữa, đem vấn đề bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta cho phép Tỳ-kheo bệnh nhận quá hai, ba bát. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đến nhà bạch y, cho nhiều thức ăn, họ yêu cầu tùy ý lấy, hoặc bánh hoặc bún, cần thì nên lấy hai, ba bát. Nếu không bệnh nhận quá, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo đến nhà mời thọ trai, ăn rồi lại xin thêm mang đi. Các Tỳ-kheo mang vấn đề này bạch Phật. Phật dạy: Đến nhà người mời ăn, không được xin thêm mang đi. Nếu không ăn thì được lấy mang về.

Có các Tỳ-kheo nhận hai, ba bát mang đi rồi, không cho Tỳ-kheo khác cùng ăn. Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nên cho các Tỳ-kheo để cùng ăn. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đến nhà bạch y, cúng nhiều thức ăn, yêu cầu tùy ý nhận, hoặc bánh hoặc bún, không ăn tại nhà đó, cần thì nên nhận hai, ba bát, ra ngoài nên cho các Tỳ-kheo cùng ăn. Nếu không bệnh, nhận quá mức đó, và không cho các Tỳ-kheo khác ăn, phạm Ba-dật-đề”.

Tùy ý cho thức ăn: Tức là đến xin cho liền. Nếu Tỳ-kheo nhận bát thứ nhất, về chùa nên nói với các Tỳ-kheo: Tôi đã nhận nơi nhà đó một bát, còn hai bát, thầy cần thì đến lấy. Nếu nhận bát thứ hai, nên nói: Tôi đã nhận nhà đó hai bát, còn một bát, cần thì thầy đến nhận. Nếu nhận bát thứ ba, nên nói: Tôi đã nhận nhà đó ba bát rồi, đừng đến nhận nữa. Nếu không nói phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoama-na, Sa-di, Sa ni di, phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ ba mươi bốn

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, các nơi bị đói kém, khất thực khó được, các Tỳ-kheo đều trở về thành Vương-xá. Các Cư sĩ nơi thành Vương-xá hỏi: Tăng có bao nhiêu vị thọ trai và có bao nhiêu người hứa cúng? Các Tỳ-kheo trả lời: Tăng có ___ vị, có ___ đã hứa. Khi ấy, các Cư sĩ họp lại và có chung một giải pháp: Chúng ta sẽ vì các Tỳ-kheo, tùy theo khả năng từng nhà mà làm thức ăn, hoặc một người lo thức ăn từ một cho đến mười Tỳ-kheo. Hoặc hai người cho đến mười người cùng nhau lo thức ăn cho một Tỳ-kheo đến mười Tỳ-kheo. Sắp xếp việc ăn đâu đó ổn rồi, các Cư sĩ chủ trương lại có ý nghĩ: Chúng ta tuy tùy theo khả năng làm thức ăn để ăn từ một người cho đến mười người, sợ e không chu đáo, nay cần phải kiểm tra lại các vật phẩm để làm thức ăn đồng đều. Nếu có trường hợp nào không đầy đủ ta sẽ bổ túc. Họ thực hiện ngay việc kiểm tra lấy từng vật phẩm, trong số đó có người nghèo, tuy lòng họ không tiếc của nhưng họ không có gạo tốt. Đậu, mạch… thuộc các gia đình nghèo, do kiểm tra đã sung vào một loại. Các Cư sĩ chủ trương liền sai làm các loại thức ăn gấp nên các thức ăn uống đều thô cứng, xấu xí. Các Tỳ-kheo già bệnh không thể ăn được, đem cho người ăn xin hay người ngoại đạo, rồi đến nhà quen biết xin thức ăn khác. Các Cư sĩ biết, dị nghị nói: Chúng tôi giảm bớt phần ăn của vợ con để gieo giống phước điền, tại sao Tỳ-kheo lại coi rẻ thức ăn của chúng tôi?! Sử dụng của đi xin đem cho người ăn xin và ngoại đạo, rồi đi tìm thức ăn ngon khác là sao?! Hạng người này chủ đích là tìm giải thoát, để khỏi già, bệnh, chết, tại sao nay lại tìm thức ăn ngon, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn.

Khi ấy, người thí chủ của Bạt-nan-đà đến giám sát bữa ăn. Bạtnan-đà đã ăn với chúng rồi, lại đến nhà người thí chủ đòi thức ăn ngon. Người thí chủ hỏi: Vừa rồi Đại đức không ăn với chúng sao? Bạt-nan-đà trả lời: Có ăn với chúng, nhưng sợ đàn-việt mất phước đức cúng riêng, cho nên đến đây. Người kia dè bỉu nói: Hiện nay ở đời đói khổ, mọi người kiệt quệ mà phải chung nhau làm thức ăn, tại sao lại coi nhẹ để đi tìm thức ăn ngon?! Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự các ông có như vậy không? Có như vậy, bạch Thế Tôn. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào ăn rồi, lại ăn trở lại, phạm Ba-dật-đề”.

Lúc ấy, Tất-lăng-già-bà-ta cùng tám mươi Tỳ-kheo bị bệnh, các Tỳ-kheo vì họ mà xin thức ăn, họ ăn không hết, bỏ trước phòng, các Cư sĩ thấy hỏi: Những thức ăn nào đây? Được trả lời: Thức ăn dư của các Tỳ-kheo bệnh. Các Cư sĩ nói: Sao không lấy ít? Đáp: Vì các Tỳ-kheo bệnh có người ăn nhiều, có người ăn ít, nên chúng tôi không thể lấy ít được. Cư sĩ lại nói: Hiện nay bị đói kém, đem bố thí một hạt cơm, phước cũng đủ sinh thiên, tại sao lại vất bỏ, không ơn huệ để bố thí. Có người lại nói: Các Sa-môn này, thức ăn dư thà họ vất bỏ chứ không cho ai đâu. Chúng ta đã cúng cho Tăng, một hạt cơm rơi xuống đất cũng coi đó là một tội lớn, tại sao Tỳ-kheo lại không tiếc? Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch với Phật. Đức Phật hỏi Tôn giả A-nan: Có người nào có thể ăn thức ăn ấy hay không? Tôn giả thưa: Tỳkheo nuôi bệnh đi xin thức ăn ấy, vậy mà chính họ vẫn ăn chưa đủ. Họ muốn ăn thức ăn dư ấy, nhưng không dám ăn. Đức Phật nhân việc này, tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo ăn thức ăn dư của Tỳ-kheo bệnh.

Bấy giờ, trong thành Vương-xá chúng Tăng ăn rồi, có Tỳ-kheo từ bên ngoài nhận được thức ăn đem về, các Tỳ-kheo không biết nên giải quyết thế nào, bạch Phật, Đức Phật dạy: Có thể dùng thức ăn này cho Tỳ-kheo bệnh. Quý vị đem cho, các Tỳ-kheo bệnh nói: Thức ăn này làm cho tăng thêm bệnh, chúng tôi không dùng. Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Cho các Tỳ-kheo đến bên Tỳ-kheo bệnh làm pháp tàn thực để ăn. Lúc ấy, trong thành Vương-xá, chúng Tăng ăn rồi đứng dậy, lại có Tỳkheo từ bên ngoài nhận được thức ăn đem về, khiến Tỳ-kheo hết bệnh ăn. Tỳ-kheo này không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nên đến bên Tỳ-kheo ăn chưa xong, làm pháp tàn thực để ăn. Nếu không có vị nào ăn chưa xong, thì đến vị chưa ăn để làm. Nếu trong chúng không có Tỳ-kheo nào chưa ăn thì nên tìm đến nơi gần nhất, nếu nơi gần nhất lại cũng không có, thì nên cho một Sa-di đủ điều kiện thọ giới Cụ túc, thọ giới, rồi đến bên vị tân Tỳ-kheo đó làm pháp tàn thực để ăn. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào ăn rồi, không làm pháp tàn thực mà ăn, phạm Ba-dật-đề”.

Có Tỳ-kheo buổi sáng mời các Tỳ-kheo dùng tiểu thực bằng thức ăn Khư-đà-ni, thức ăn Xa đà ni, các Tỳ-kheo gọi đó là túc thực, không dám ăn nữa, bạch Phật. Phật dạy: Đây không gọi là túc thực. Có năm thức ăn gọi là túc thực: Cơm, cơm khô, bánh, bún, cá và thịt. Đối với năm thức ăn này, mỗi thức ăn có năm trường hợp gọi là túc thực:

  1. Có thức ăn.
  2. Có trao cho.
  3. Có nhận ăn.
  4. Không nhận thêm.
  5. Thân lìa khỏi chỗ cũ.

Nếu lìa khỏi chỗ cũ rồi lại nhận được thức ăn cơm, bún, không làm pháp tàn thực mà ăn thì mỗi miếng ăn phạm Ba-dật-đề. Các Tỳkheo không biết cách làm pháp tàn thực, bạch Phật, Đức Phật dạy: Để thức ăn vào bình bát rồi bưng nơi tay, trống vai bên phải, đầu gối bên phải chấm đất, bạch: Trưởng lão nhất tâm niệm: Tôi tên là ___ ăn đã đủ, xin vì tôi làm pháp tàn thực. Tỳ-kheo kia bưng bát, hỏi: Thức ăn này cho tôi phải không? – Vâng! Vị kia ăn một ít còn bao nhiêu trả lại, hoặc hoàn toàn không ăn chỉ bưng rồi đưa lại, nói: Đây là thức ăn dư của tôi, thầy dùng đi! Như vậy gọi là làm pháp tàn thực. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa ni di, phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ ba mươi lăm

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, có hai Tỳ-kheo cùng kết bạn thân với nhau, một người thông minh, một người ám độn thường phạm tội ác, người thông minh luôn luôn nêu tội kia và khuyên bạn phải sám hối. Lòng người ám độn sinh ra giận hờn, dấy lên ý nghĩ: Nay ta cũng sẽ tìm tội lỗi của bạn ta. Nhưng không tìm được bèn chờ người bạn ăn xong, không làm pháp tàn thực, bảo bạn ăn. Tỳ-kheo kia do tình bạn bè nên không nghi, bèn ăn, ăn xong ông bạn ám độn nói: Thầy ăn thêm mà không làm pháp tàn thực, phạm tội cần phải sám hối, đừng để vi phạm phạm hạnh, nhiều đời chịu khổ. Tỳ-kheo kia than phiền: Tôi muốn đem lại điều lợi cho thầy nên cùng nhau chỉ vẽ, tại sao thầy giận tôi đưa tôi đến chỗ phạm tội?! Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng nhiều cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tỳ-kheo kia: Thật sự ông có như vậy không? Tỳkheo kia nhận là có. Bằng nhiều cách Đức Phật quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào không làm pháp tàn thực, nài nỉ cho Tỳ-kheo ăn rồi ăn nữa, muốn khiến cho người kia phạm tội, phạm Ba-dật-đề”.

Có Tỳ-kheo ăn đủ rồi, các Tỳ-kheo không biết lại bảo khiến cho ăn, Tỳ-kheo kia nói: Tôi ăn xong rồi. Các Tỳ-kheo bèn sinh nghi: Ta cố bảo ăn, có phạm Ba-dật-đề không? Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu không biết người kia ăn xong rồi, bảo họ ăn mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào biết Tỳ-kheo kia ăn xong rồi, không làm pháp tàn thực, chỉ nài nỉ khiến ăn, muốn cho người kia phạm tội, phạm Ba-dật-đề”. Nếu nài nỉ Tỳ-kheo ăn, mỗi miếng phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa ni di, phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ ba mươi sáu

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn chưa chế Tỳ-kheo được nhận thức ăn để ăn. Đối với các gia đình quen biết, các Tỳ-kheo không được mời mà ăn, các bạch y chê trách, nói: Chúng tôi không thích thấy người ác này, mặc áo hoại sắc cắt rọc, không được nhận thức ăn mà ăn. Ăn thức ăn không được người mời (trao) tức là lấy của không cho. Lúc này, Tôn giả Đại Ca-diếp mặc y phấn tảo nhặt những thức ăn đã bỏ đi khắp nơi hang cùng, ngõ hẻm mà ăn. Các Cư sĩ thấy vậy rất bất bình, chê trách: Sa-môn này giống như chó, được đồ ăn thì ăn không kể sạch dơ, làm sao để cho họ vào nhà chúng ta. Các Tỳkheo Trưởng lão nghe hai việc như vậy rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, trước hết hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông không thọ thực mà ăn hay không? Các Tỳ-kheo nhận là có. Đức Phật bằng nhiều cách quở trách rồi nói với Ca-diếp: Tuy là ông thiểu dục song làm cho người ta coi thường, vậy không nên ăn thức ăn vất bỏ, nếu ăn thì phạm Đột-kiết-la. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào không nhận thức ăn mà để thức ăn vào miệng, phạm Ba-dật-đề”.

Khi ấy, các Tỳ-kheo được người làm thức ăn mời nếm, không dám nếm, nên khi bị mặn, khi bị lạt, họ buồn không chịu phục vụ nữa. Do vậy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép vì người nấu thức ăn, nếm thức ăn nhưng không được nuốt vào. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào không nhận thức ăn mà để thức ăn vào miệng, trừ nếm thức ăn, phạm Ba-dật-đề”.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo không nhận nhành dương (tăm xỉa răng) và nước, không dám xỉa răng và súc miệng, thúi miệng, mờ mắt. Khi nói chuyện với ai, họ nghe hơi thối này, hỏi: Tại sao miệng Đại đức thối? Các Tỳ-kheo rất xấu hổ, bèn xin nhận nhành dương và nước, các người nói: Thầy tự đi tìm lấy, chứ có ai lại trao cho thầy nhành dương và nước. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép nhận nhành dương và nước. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào không nhận thức ăn mà để thức ăn vào miệng, trừ nếm thức ăn, nhành dương và nước, phạm Ba-dật-đề”.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bị trúng gió, Tôn giả Mục-kiền-liên đến hỏi: Khi thầy còn ở nhà đã từng có chứng bệnh này chưa? Xá-lợiphất đáp: Có bị rồi. Hỏi: Trị bằng thứ gì lành? Đáp: Bằng ngó sen. Thế là Mục-kiền-liên đến ao A-nậu-đạt lấy ngó sen đem về. Xá-lợi-phất hỏi: Lấy từ đâu? Mục-kiền-liên trả lời: Nơi ao A-nậu-đạt. Xá-lợi-phất lại hỏi Mục-kiền-liên: Từ ai cho vậy? Nhận từ rồng. Xá-lợi-phất không dám ăn, bạch Phật, Đức Phật dạy: Cho phép nhận thức ăn từ rồng.

Khi ấy, Tôn giả Đại Ca-diếp đến khất thực nơi nhà người nghèo, Thích-đề-hoàn-nhân khởi ý niệm: Nay Đại đức Ca-diếp khất thực nơi nhà nghèo, ta nên tạo phuơng tiện để cho Tôn giả nhận thức ăn nơi ta. Theo thứ tự khất thực của Ca-diếp, Thích-đề-hoàn-nhân hóa làm một người thợ dệt ngồi trên khung cửi, lại hóa một người con gái đưa thoi. Theo thứ tự, Ca-diếp đến chỗ thợ dệt, người con gái lấy bình bát đặt đầy thức ăn bách vị đem dâng. Sau khi nhận lại bình bát, Ca-diếp liền có ý nghĩ: “Người ấy bần cùng làm sao có được thức ăn này”, liền nhập định để xem xét biết là trời Đế Thích, bèn nói: Này Kiều Thi Ca! Sau này đừng làm như vậy. Do thế, Ca-diếp không dám ăn, bạch Phật. Phật dạy: Nay cho phép các Tỳ-kheo nhận thức ăn từ hàng trời.

Lúc này, Đức Thế Tôn du hóa trên tuyến đường xa xăm, vào buổi chiều, đến thôn của quỷ Khoáng dã. Gặp được Phật, quỷ thần rất hoan hỷ bèn thỉnh Phật và Tăng thọ trai vào ngày mai. Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng. Suốt đêm, quỷ sửa soạn các thức ăn uống đầy đủ. Sáng sớm, trải tòa phu cụ thỉnh Phật và Tăng. Phật ra lệnh cho các Tỳkheo phải cùng nhận lời mời của quỷ. Phật và Tăng đến đông đủ rồi ngồi vào tòa. Quỷ thần tự tay san sớt thức ăn. Các Tỳ-kheo không dám thọ, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nay cho phép các Tỳ-kheo nhận thức ăn từ loài quỷ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn du hóa nơi rừng cây Ta-la, có một con khỉ từ trên cây nhảy xuống, định lấy bình bát Phật đem đi, các Tỳ-kheo nắm lấy bát không cho. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Cứ để khỉ lấy bát đem đi. Khỉ lấy ngay bát rồi đến trên một cây lớn lấy đầy bát mật ong đem dâng Phật. Đức Phật thấy có ong con nên không nhận. Khỉ nhìn kỹ thấy ong con liền bắt bỏ rồi dâng Phật. Đức Phật vì khỉ nhận bát mật. Thế là khỉ vui mừng nhảy múa, hớn hở rồi cáo từ. Đức Phật đem bình bát mật ong này cho các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo không dám ăn, bạch Phật. Đức Phật dạy: Cho phép nhận thức ăn từ loài khỉ trao.

Khi đó, có người buôn ngựa thỉnh Phật và Tăng đến thọ trai. Sửa soạn vừa xong, có người đến báo: Chuồng ngựa bị cháy. Do vậy người buôn ngựa không tự trao thức ăn được, nói với các Tỳ-kheo: Xin quý vị tự lấy thức ăn cho! Nói xong liền bỏ chạy… Các Tỳ-kheo nghi ngại, không dám lấy thức ăn, bạch Phật. Phật dạy: Nếu không có tịnh nhân, cho phép các Tỳ-kheo, dựa theo lời người thí chủ, tự lấy thức ăn để ăn.

Lại có các bạch y, từ xa ném thức ăn cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đem việc này bạch Phậ. Phật dạy: Không được nhận thức ăn từ xa ném đến. Có các Tỳ-kheo già bệnh, mắt lại mờ, khi nhận được thức ăn xúc chạm tay tịnh nhân, phải rửa tay nhiều lần nên rất phiền phức, bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng lá cây trải trên mặt đất, lấy tay đè xung quanh, khiến họ để thức ăn vào đó, việc này cũng gọi là thọ thực. Các Tỳ-kheo bèn trải rộng lá cây ra, đem điều này bạch Phật. Phật dạy: Không nên trải rộng, chỉ trải ngang bằng tầm tay với tới. Có các bạch y khinh ghét Tỳ-kheo không chịu đích thân trao thức ăn, bỏ trên đất trước mặt Tỳ-kheo và nói:

Tự lấy thức ăn đi! Các Tỳ-kheo không biết nên như thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nếu thí chủ khinh ghét không chịu trao thức ăn, cũng cho phép dựa theo lời nói của họ mà lấy thức ăn.

Có bốn cách thọ: thần trao thân nhận, vật trao vật nhận, tay trao tay nhận, bảo lấy mà nhận. Có nước muối, Tỳ-kheo không thọ, không dám uống, bạch Phật. Phật dạy: Nếu không bỏ muối vào mà tự nó mặn thì cho phép không thọ được uống. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoama-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ ba mươi bảy