LUẬN XÁ LỢI PHẤT A TỲ ĐÀM
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Đại sư Đàm Ma Da Xá, Đàm Ma Quật Đa
Việt dịch: Phật tử Nguyên Huệ
QUYỂN 18
Phẩm thứ 11: PHẦN KHÔNG PHẢI HỎI VỀ PHIỀN NÃO, phần 1
Có một người xuất thế là Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đã đoạn bỏ pháp ác bất thiện, sinh khởi các pháp thiện, dứt trừ pháp khổ, đạt được pháp vui, làm tĩnh lặng các lậu, diệt các lậu, trừ các nghiệp đã gây tạo, có thể đạt được tịch tĩnh nơi đệ nhất nghĩa trong mát, tận cứu cánh, phạm hạnh cứu cánh, an lạc cứu cánh, biên vực khổ cứu cánh, đạt được Niết-bàn. Do nhân duyên này, nên nay phải tập hợp pháp môn bất thiện.
Dựa cậy vào sự sinh, dựa cậy tộc họ, dựa cậy sắc, dựa cậy của cải, dựa cậy sự giàu sang, dựa cậy sự tôn thắng, dựa cậy tộc họ hào quý, dựa cậy không bệnh, dựa cậy tuổi tráng niên, dựa cậy thọ mạng khỏe mạnh, dựa cậy nơi sự khéo léo, dựa cậy học rộng, dựa cậy biện tài, dựa cậy được lợi dưỡng, dựa cậy được cung kính, dựa cậy được tôn trọng, dựa cậy chỗ đầy đủ, dựa cậy nơi thầy mẫu mực, dựa cậy nơi giới, dựa cậy đồ chúng, dựa cậy bè nhóm, dựa cậy nơi hàng trưởng thượng, dựa cậy ở sức, dựa cậy ở thần túc, dựa cậy ở thiền, dựa cậy ở khổ không mong cầu, nhờ cậy ở tri túc, dựa cậy ở chỗ một mình, dựa cậy nơi A-lan-nhã, dựa cậy khất thực, dựa cậy y phấn tảo, dựa cậy ở ta có thể lìa thức ăn phung phí, dựa cậy thọ thực một bữa, dựa cậy ở chốn gò mả, dựa cậy ở chỗ trống trải, dựa cậy bên cội cây, dựa cậy ở chỗ thường ngồi ngay ngắn, dựa cậy tùy tọa cụ trải ngồi, dựa cậy chỉ ba y.
Dua nịnh, kính tà, hiện tướng để cầu lợi, dựa vào sự sai khiến, khen để cầu xin, dùng lợi để cầu lợi, cho ta vượt hơn, ham thích vị, không gìn giữ giới, tướng giận thay đổi, giận đối với lời dạy của bậc tôn trưởng, trái với lời dạy của bậc tôn trưởng, ngang ngược đối với lời dạy của bậc tôn trưởng, khi dể lấn lướt, đánh đập, lừa dối về hộc, đấu, lừa dối về cân đong, lừa dối của vật, gây tổn thương, xâm hại, bị trói buộc, giam giữ, đụng chạm gây sự, xâm đoạt, cố làm, lời nói dài dòng, lời nói ngang ngược, lời nói khinh thị, chê bai, bức hiếp, dối trá điều thiện, cất giấu, cùng giữ lấy, ưa nói việc quan, việc của thế gian, việc binh giáp, việc chiến đấu, việc đại thần, việc xe cộ, việc phụ nữ, việc tràng hoa, việc rượu thịt, việc dâm dục, việc giường nằm, việc y phục, việc ăn uống, việc của chốn bán rượu, việc bà con làng xóm, nói từng ấy việc, tư duy việc thế gian, nói việc biển, không biết pháp, không biết nghĩa, không biết thời, không biết đủ, không biết tự thân, không biết các chúng, không biết người, không biết người hơn kém, tà kiến, biên kiến, kiến điên đảo, kiến cầu tìm, giới cầu tìm, đạo giới cầu tìm, thân kiến, loạn động, tự khen mình, không tin, không hiểu biết, keo kiệt, khen trước mặt, ngăn cản, luyến tiếc, không tin nghiệp, không tin nghiệp báo, hủy báng thí, hủy báng học, tự cho là hơn, khen kẻ oán, khen giả dối.
Không tự tại, lệ thuộc người khác, phụng sự người khác, không oán ghét, oán ghét, chìm mất, tâm buồn bã, không chán lìa, không siêng năng tinh tấn, không nhẫn nhục, không phải oai nghi, không thọ giáo, gần gũi với tri thức ác, thân hậu với ác, nhận lấy hành ác, hành ác, gần gũi với kẻ khiếp nhược, thọ nhận pháp khiếp nhược, nhận biết pháp khiếp nhược, giữ lấy pháp khiếp nhược, không thuận với tư duy, thân cận với đạo khiếp nhược, tâm yếu kém, tâm tán loạn, ưa thích tranh cãi, giới cấm trống trải, kính pháp tà, thoái mất pháp thiện, trạo cử, trang sức thân, tạo nguy hiểm, chịu đựng xấu hổ, lời nói cuồng loạn, tâm không ghi nhớ, nghĩ đến bên ngoài, tùy theo lo mừng, tự cao, chê bai người khác, không kính trọng, không tự ty, không thật kính trọng, khó đầy, khó nuôi dưỡng, lười biếng vô dụng, biếng nhác, lùi lại giữa chừng, thiện về sau, siêng nơi dục, siêng nơi khổ.
Tham, tham trói buộc, não, tâm buồn thảm, khổ, lo, nhiều khổ, sợ hãi, dáng dấp nhu nhược, dáng dấp miễn cưỡng, nghi hoặc, không thân gần, chướng ngại pháp thiện, không vừa ý nhau, trở ngại pháp thiện, biên thật, không thân cận, lìa gần, thấp kém, tự cưỡng, nhịn nhục, theo tham, tự cử động, tự buông thả, không giữ gìn, lìa thiền, không ăn năn, ôm hận, tiếc lẫn, tà giáo, tranh tụng, không khiêm tốn, cung kính lỗi lầm, mừng tai họa, cầu tìm lỗi lầm, phi hạnh, cầu thiền, thiền vô ích, không biết ơn, không biết ơn của mình, khinh chê, giận dữ, tánh ác, ương bướng, đoạn tu học, quở trách, can gián, trở lại sinh chê trách, quở trách, can gián, nói năng lộn xộn, sinh giận dữ, quở trách can gián không thành, quở trách can gián không sáng suốt.
Nhận lấy thân kiến, thân kiến đói, dựng cờ thân kiến, thân kiến lo, cầu thân kiến, gần gũi với thân kiến, thân mạn kiến, thân kiến vui chơi, luyến tiếc thân kiến, ngã nơi thân kiến, dục nhiễm, cùng với dục nhiễm, bi ai, không thân gần, tăng thêm dục lạc, hy vọng, lại hy vọng, hoàn toàn hy vọng, khó đủ, khó đầy, vướng mắc, rưới khắp, thấm nhuần, trôi chảy, chìm mất chi ái, lưới sinh gốc khổ, mong cầu ham thích, cháy khát, ở nhà, gắng nhẫn, trần cấu, mụt nhọt, thọ nhận, thất niệm, không chánh tri, không gìn giữ các căn môn, ăn không biết đủ, vô minh, hữu ái, hữu kiến, không phải là hữu kiến, dục lậu, hữu lậu, cầu dục, cầu hữu, không trì giới, kiến hại, giới suy, kiến suy, mạng suy, oai nghi suy, hành suy, làm ác, không làm thiện, gần gũi với tại gia, thân cận với xuất gia.
Do hai duyên nên sinh dục nhiễm, do hai duyên nên sinh tà kiến, giận dữ, dò xét oán thù, ôm hận, nóng bức, ganh ghét, keo kiệt tiếc lẫn, biến hóa huyễn hoặc, gian dối, không hổ, không thẹn, khoe khoang, tự kiêu, tranh tụng, cao ngạo, phóng dật, mạn, tăng thượng mạn.
Hai pháp hòa hợp trong, hòa hợp ngoài, hòa hợp trong ngoài, hy vọng, rất hy vọng, hy vọng xấu ác.
Tham, tham ác, dục nhiễm phi pháp, ba căn bất thiện, ba việc khó điều phục, ba tối tăm, ba hoang phế, ba triền, ba động, ba cấu uế bên trong, ba sự tranh chấp bên trong, ba oán bên trong, ba sức cứng bên trong, ba hại bên trong, ba điều ghét bên trong, ba độc, ba thứ vượt hơn, ba tụ tối tăm, ba lực.
Lại có ba lực, ba ái, ba không gồm thâu, ba hành ác, ba hành ác của thân, ba hành ác của ý, ba thứ bất tịnh, ba thứ không hiểu nhận biết, ba thứ không ngay thẳng, ba ấm đàm, ba dục, ba tưởng, ba giác, ba cầu, ba lửa, ba thứ ấm áp, ba noãn, ba thiêu đốt, ba nhiệt, ba sự cháy khô, ba ác, ba hữu, ba lậu, ba không khinh dể, ba thứ không mềm dịu, ba pháp không trừ.
Bốn lưu, bốn ách, bốn thủ, bốn nhiễm, bốn hành ác của miệng, bốn kiết, bốn mũi tên, bốn trụ xứ của thức, bốn duyên sinh ái, bốn ái cùng duyên, bốn hành đường ác, bốn phiền não nghiệp, bốn điên đảo, bốn sợ hãi. Lại có bốn sợ hãi. Lại có bốn pháp thoái chuyển.
Năm dục, năm cái, năm phiền não phần dưới, năm phiền não phần trên, năm đường, năm tâm hoang, năm tâm triền, năm sợ, năm oán, năm vô gián, năm phạm giới, năm ngữ phi pháp, năm điều không ưa thích, năm thứ đáng ghét, năm pháp sân hận, năm pháp ưu căn, năm thứ ganh ghét, năm duyên sinh, thùy miên phạm giới, năm lỗi lầm tai hại duyên phạm giới. Lại có năm lỗi lầm tai hại: Không kính cha, mẹ. Không kính Sa-môn, Bà-la-môn. Không kính bậc thân trưởng.
Sáu thứ dựa vào tham hỷ, sáu thứ dựa vào tham ưu, sáu thứ dựa vào tham xả, sáu thứ nhiễm, sáu thứ vui. Lại có sáu lạc, sáu ái, sáu giận, sáu móc sắt, sáu không gìn giữ, sáu gốc tranh cãi.
Bảy thứ cùng nhiễm, bảy thứ cùng dục nhiễm, bảy xứ thức trụ, bảy mạn, bảy thứ không kính, bảy lậu, bảy pháp khiếp nhược, bảy động, bảy tự dựa cậy, bảy cầu, bảy sự dò tìm, bảy tạo tác, bảy sinh.
Tám pháp thế gian, tám thứ không phải Thánh ngữ, tám việc lười biếng, tám xứ nạn, tám thứ trở ngại tu phạm hạnh.
Chín từng ấy pháp, chín pháp căn ái, chín nơi cư trú của chúng sinh, chín lỗi lầm tai hại của phạm giới.
Mười phiền não sử, mười phiền não kiết, mười tưởng, mười giác, mười pháp tà, mười việc xúc não, mười đạo nghiệp bất thiện, mười pháp gây tạo bị đọa nơi địa ngục nhanh chóng như giáo đâm phóng.
Mười một tâm cấu uế. Hai mươi thứ thân kiến, hai mươi pháp gây tạo bị đọa nơi địa ngục nhanh chóng như giáo đâm phóng. Hai mươi mốt tâm cấu uế.
Ba mươi pháp gây tạo đọa địa ngục nhanh chóng như giáo đâm phóng. Ba mươi sáu hành ái. Bốn mươi pháp gây tạo bị đọa nơi địa ngục nhanh như giáo đâm phóng. Sáu mươi hai kiến.
Hỏi: Thế nào là dựa cậy vào sự sinh?
Đáp: Chúng sinh quý trọng sự sinh, lấy sự sinh làm chỗ tự đề cao, dùng sự sinh làm cảnh giới. Nếu tâm nhớ nghĩ thì cho là sự sinh tốt đẹp, lấy làm điều để tự đề cao. Đó gọi là dựa cậy vào sự sinh.
Lại nữa, dựa cậy vào sự sinh, sự sinh của ta là vượt hơn sự sinh trong xứ kia, sự sinh ở đấy thấp. Sự sinh của ta là hơn hết trong các sự sinh của thế gian. Chúng sinh tôn trọng sự sinh, thường kính trọng sự sinh. Nếu tâm nhớ nghĩ đến các sinh, các loài tốt đẹp, lấy đó để tự đề cao. Đó gọi là dựa cậy vào sự sinh.
Dựa cậy tộc họ, dựa cậy sắc, dựa cậy của cải, dựa cậy giàu sang, dựa cậy sự tôn thắng, dựa cậy tộc họ hào quý, dựa cậy không bệnh, dựa cậy tuổi tráng niên, dựa cậy thọ mạng khỏe mạnh, dựa cậy nơi sự khéo léo, dựa cậy học rộng, dựa cậy biện tài, dựa cậy được lợi dưỡng, dựa cậy được cung kính, dựa cậy được tôn trọng, dựa cậy chỗ đầy đủ, dựa cậy nơi thầy mẫu mực, dựa cậy nơi giới, dựa cậy đồ chúng, dựa cậy bè nhóm, dựa cậy nơi hàng trưởng thượng, dựa cậy ở sức, dựa cậy ở thần túc, dựa cậy ở thiền, dựa cậy ở khổ không mong cầu, nhờ cậy ở tri túc, dựa cậy ở chỗ một mình, dựa cậy nơi A-lannhã, dựa cậy khất thực, dựa cậy y phấn tảo, dựa cậy ở ta có thể lìa thức ăn phung phí, dựa cậy thọ thực một bữa, dựa cậy ở chốn gò mả, dựa cậy ở chỗ trống trải, dựa cậy bên cội cây, dựa cậy ở chỗ thường ngồi ngay ngắn, dựa cậy tùy tọa cụ trải ngồi, dựa cậy chỉ ba y… như đã nói rộng ở trên.
Hỏi: Thế nào là dua nịnh?
Đáp: Nếu dựa vào người khác để cầu lợi, đổi thay nghi thức, biểu hiện gồm thâu các căn, đó gọi là dua nịnh.
Hỏi: Thế nào là kính tà?
Đáp: Nếu dựa vào người khác để cầu lợi, nói lời trau chuốt hoa mỹ, thuận theo ý người khác, biểu hiện giả dối theo phương tiện khôn khéo, do đấy nên hành cung kính, đó gọi là kính tà.
Hỏi: Thế nào là hiện tướng để cầu lợi?
Đáp: Nếu dựa vào người khác để cầu lợi, thấy có các vật như y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang v.v…, khởi tâm mong muốn có được, hiện tướng nêu tốt, đó gọi là hiện tướng để cầu lợi.
Hỏi: Thế nào là dựa vào sự sai khiến?
Đáp: Bị người sai khiến, nô dịch, tuy là hèn hạ, nhưng do lợi nên theo đuổi mãi không ngừng, đó gọi là dựa vào sự sai khiến.
Hỏi: Thế nào là khen để cầu xin?
Đáp: Nếu dựa vào người khác để cầu lợi, thấy có các thứ như y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang v.v…, khởi tâm mong muốn có được, nên trước hết khen sự tốt đẹp của người kia. Lại nói: “Tôi cần”, đó gọi là khen để cầu xin.
Hỏi: Thế nào là dùng lợi để cầu lợi?
Đáp: Tâm mong muốn được, như theo người kia để được lợi, tức bảo cho người này biết. Hoặc theo người này để được lợi, tức bảo cho người kia biết. Lợi được từ chỗ này, hướng tới chỗ người kia khen đây là thí chủ. Lợi được từ chỗ kia, hướng tới người này khen đây là thí chủ. Nếu hành như thế mà được lợi, đó gọi là dùng lợi để cầu lợi.
Hỏi: Thế nào là cho ta vượt hơn?
Đáp: Nếu do kiêu mạn tự cao, cho mình là hơn, đó gọi là cho ta vượt hơn.
Hỏi: Thế nào là ham thích vị?
Đáp: Tham ăn, mưu cầu nhiều thứ vị, đó gọi là ham thích vị.
Hỏi: Thế nào là không giữ gìn giới?
Đáp: Nếu buông bỏ oai nghi của người xuất gia, đó gọi là không giữ gìn giới.
Hỏi: Thế nào là tướng giận thay đổi?
Đáp: Nếu khởi tâm bất thiện, khiến các căn đổi khác, hoặc do mười não, mỗi mỗi phát khởi, khiến các căn đổi khác, đó gọi là tướng giận thay đổi.
Hỏi: Thế nào là giận đối với lời dạy của bậc tôn trưởng?
Đáp: Tôn trưởng nghĩa là Phật, đệ tử Phật. Nếu truyền dạy bèn chống trái, giận dữ, hoặc nói nhiều, hoặc nhăn nhó, hiện tướng giận. Nếu dạy bảo nên cẩn thận giữ gìn trọng cấm, liền chống đối trái ngược, phẫn nộ, hoặc nói nhiều, hoặc nhăn nhó, cau có, hiện dáng giận. Đó gọi là giận đối với lời dạy của bậc tôn trưởng.
Hỏi: Thế nào là trái với lời dạy của bậc tôn trưởng?
Đáp: Tôn trưởng nghĩa là Phật, đệ tử Phật. Nếu truyền dạy khiến thuận theo việc giữ gìn trọng cấm thì chống trái không theo, đó gọi là trái với lời dạy của bậc tôn trưởng.
Hỏi: Thế nào là ngang ngược đối với lời dạy của bậc tôn trưởng?
Đáp: Như Đức Thế Tôn đã chế: Đừng nên làm theo thuyết ấy. Đừng nên làm việc làm ấy. Đừng nên nói lời nói ấy. Đừng tạo sự phân biệt ấy. Người kia đối với các điều chế: Đừng nên làm theo thuyết ấy, cho là nên thuyết. Đừng nên làm việc làm ấy, cho là nên làm. Đừng nên nói lời nói ấy, cho là nên nói. Đừng nên tạo sự phân biệt ấy, cho là nên phân biệt. Đó gọi là ngang ngược đối với lời dạy của bậc tôn trưởng.
Hỏi: Thế nào là khi dể lấn lướt?
Đáp: Nếu đối với chúng sinh xúc não, khinh miệt, không muốn đoạn hại mạng họ, đó gọi là khi dể lấn lướt.
Hỏi: Thế nào là đánh đập?
Đáp: Nếu khinh thị, tay cầm gậy gộc đánh đập, đó gọi là đánh đập.
Hỏi: Thế nào là lừa dối về hộc, đấu?
Đáp: Nếu khởi tâm không công bằng, thu nhận, chi ra nhiều ít, đó gọi là lừa dối về hộc, đấu.
Hỏi: Thế nào là lừa dối về cân đong?
Đáp: Nếu theo tâm không công bằng, thu nhận, phát ra nặng nhẹ, đó gọi là lừa dối về cân đong.
Hỏi: Thế nào là lừa dối của vật?
Đáp: Nếu đem vật xấu dở khiến lẫn lộn trong vật tốt đẹp, hoặc phân ra nhiều thứ vật, nếu đã lấy theo giới hạn, chuẩn mực nhất định, lại dời đổi chỗ cũ, đó gọi là lừa dối của vật.
Hỏi: Thế nào là gây tổn thương?
Đáp: Nếu xâm phạm, hủy hoại thân người khác, đó gọi là gây tổn thương.
Hỏi: Thế nào là xâm hại?
Đáp: Nếu khinh miệt chúng sinh, giận dữ mong gây tổn hại, muốn đoạn dứt mạng của họ, đó gọi là xâm hại.
Hỏi: Thế nào là bị trói buộc, giam giữ?
Đáp: Nếu chúng sinh bị sinh tử trói buộc, thường ở nơi chốn tăm tối, đó gọi là bị trói buộc, giam giữ.
Hỏi: Thế nào là đụng chạm gây sự?
Đáp: Nếu khởi tâm bất thiện, dùng tay để tìm kiếm, đó gọi là đụng chạm gây sự.
Hỏi: Thế nào là xâm đoạt?
Đáp: Nếu khởi tâm bất thiện, lừa dối cướp đoạt của cải của người khác, đó gọi là xâm đoạt.
Hỏi: Thế nào là cố làm?
Đáp: Nếu tâm khởi hành không tĩnh lặng, tâm biết mà vẫn gây tạo, đó gọi là cố làm.
Hỏi: Thế nào là lời nói dài dòng?
Đáp: Nếu nói lời ương bướng, khinh thường, chê bai, đó gọi là lời nói dài dòng.
Hỏi: Thế nào là lời nói ngang ngược?
Đáp: Nếu nói lời vô nghĩa, đó gọi là lời nói ngang ngược.
Hỏi: Thế nào là lời nói khinh thị, chê bai?
Đáp: Là nói không chân thật, lừa dối người khác, đó gọi là lời nói khinh thị, chê bai.
Hỏi: Thế nào là bức hiếp?
Đáp: Nếu quốc vương, hoặc là quan lại của vua, nếu giẫm đạp tạo mọi khốn khổ, tịch thu tài sản, vật dụng của người khác, đó gọi là bức hiếp.
Hỏi: Thế nào là dối trá điều thiện?
Đáp: Nếu nhằm lừa dối, hoặc nhận lấy của cải, vật dụng của người khác mà biểu hiện như thân thuộc, đó gọi là dối trá điều thiện.
Hỏi: Thế nào là cất giấu?
Đáp: Nếu người cùng với vật chưa phân chia, riêng lấy vật tốt đẹp đem cất giấu, đó gọi là cất giấu.
Hỏi: Thế nào là cùng giữ lấy?
Đáp: Nếu người đã phát thẻ phân chia vật, lấy vật không tốt, cưỡng chọn lấy vật tốt, đó gọi là cùng giữ lấy.
Hỏi: Thế nào là ưa nói việc quan?
Đáp: Thường đem pháp của quan ra nói trước hết, hoặc nói về kế sách, hoặc nói về chỗ hơn kém, ưu khuyết nhiễm thích việc này, đó gọi là ưa nói về việc quan.
Việc của thế gian, việc binh giáp, việc chiến đấu, việc đại thần, việc phụ nữ, xe cộ, việc tràng hoa, việc rượu thịt, việc dâm dục, việc giường nằm, việc y phục, việc ăn uống, việc của chốn bán rượu, việc bà con làng xóm… cũng lại như thế, nếu nhiễm thích việc ấy.
Hỏi: Thế nào là nói từng ấy việc?
Đáp: Trừ các việc ưa nói trên, nếu là việc khác, chúng sinh khác, vật khác, cảnh giới khác, tự nhiên khác. Đó gọi là nói từng ấy việc.
Hỏi: Thế nào là tư duy việc thế gian?
Đáp: Nếu nhớ nghĩ làm đầu, tư duy việc thành hoại của thế gian, đó gọi là tư duy việc thế gian.
Hỏi: Thế nào là nói việc biển?
Đáp: Nếu lấy biển làm hàng đầu để nói, hoặc nói về các thứ báu, hoặc nói về thật, giả, nhiễm thích việc ấy, đó gọi là nói việc biển.
Hỏi: Thế nào là không biết pháp?
Đáp: Nếu đối với pháp thiện, bất thiện, vô ký, không nhận biết về tự tướng, không quán tướng, không phân biệt tướng, đó gọi là không biết pháp.
Hỏi: Thế nào là không biết nghĩa?
Đáp: Nếu đối với nghĩa đời nay, đời sau của các pháp, không nhận biết về tự tướng, không quán tướng, không phân biệt tướng, đó gọi là không biết nghĩa.
Hỏi: Thế nào là không biết thời?
Đáp: Như không biết thời tiết nên vào, nên ra khỏi làng xóm, thời nào nên đọc tụng, thọ học, tư duy. Đối với sự việc này không nhận biết về tự tướng, quán tướng, phân biệt tướng, đó gọi là không biết thời.
Hỏi: Thế nào là không biết đủ?
Đáp: Là không biết đủ về lời nói, về ăn uống, không nhận biết về tự tướng, quán tướng, phân biệt tướng, đó gọi là không biết đủ.
Hỏi: Thế nào là không biết tự thân?
Đáp: Không biết ta nên có niềm tin như thế, giới như thế, học vấn như thế, thí như thế, tuệ như thế, ứng đáp như thế. Nếu đối với pháp này không nhận biết về tự tướng, không quán tướng, không phân biệt tướng, đó gọi là không biết tự thân.
Hỏi: Thế nào là không biết các chúng?
Đáp: Chúng Sát-lợi, chúng Bà-la-môn, chúng Cư sĩ, Sa-môn, tức nên phải qua lại như thế, ngồi đứng như thế, phải nói năng, im lặng như thế. Nếu ở trong các chúng ấy không nhận biết về tự tướng, không quán tướng, không phân biệt tướng, đó gọi là không biết các chúng.
Hỏi: Thế nào là không biết người?
Đáp: Nếu người giữ giới, hủy phạm giới, nếu người có thể quán, nếu đối với những người này không nhận biết về tự tướng, không quán tướng, không phân biệt tướng, đó gọi là không biết người.
Hỏi: Thế nào là không biết người hơn kém?
Đáp: Nếu đối với người trên dưới, sang hèn, không nhận biết về tự tướng, không quán tướng, không phân biệt tướng, đó gọi là không biết người hơn kém.
Hỏi: Thế nào là tà kiến?
Đáp: Hoặc có người khởi kiến như thế này: Cho là không có thí, không có cho, không có cúng tế, không có nghiệp báo thiện ác, không có đời này, đời sau, không có cha mẹ, không có trời, không có chúng sinh hóa sinh, không có Sa-môn, Bà-la-môn nơi thế gian, hướng tới nẻo chánh, đạt đến nẻo chánh, hoặc đời nay, đời sau, tự nhận biết chứng, phân biệt nói, đó gọi là tà kiến.
Hỏi: Thế nào là biên kiến?
Đáp: Như kiến chấp hết thảy là có, hết thảy không, chấp hết thảy là một, hết thảy là khác. Như đủ tất cả các loại kiến chấp ấy, đó gọi là biên kiến.
Hỏi: Thế nào là kiến điên đảo?
Đáp: Nếu thấy chánh giác nói là phi chánh giác, nếu phi chánh giác cho là chánh giác. Nếu thấy pháp thiện nói là không phải pháp thiện, nếu thấy pháp bất thiện nói là pháp thiện. Nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn hướng đến nẻo chánh, nói là không phải hướng đến nẻo chánh. Nếu không phải Sa-môn, Bà-la-môn hướng đến nẻo chánh, cho là hướng đến nẻo chánh. Hoặc có tạo ra kiến này: Ta ưa thích thế gian an vui đời sau sẽ ưa thích, là pháp thường hằng không gián đoạn, không biến đổi, thường trụ cố định. Đó gọi là kiến điên đảo.
Hỏi: Thế nào là kiến cầu tìm?
Đáp: Nếu ở trong các kiến đã lựa chọn, lựa chọn cho mình, đó gọi là kiến cầu tìm.
Hỏi: Thế nào là giới cầu tìm?
Đáp: Nếu lấy giới làm tịnh, tham cầu, tiếp xúc, đó gọi là giới cầu tìm.
Hỏi: Thế nào là đạo cầu tìm?
Đáp: Nếu lấy đạo làm tịnh, tham cầu, tiếp xúc, đó gọi là đạo cầu tìm.
Hỏi: Thế nào là đạo giới cầu tìm?
Đáp: Nếu cùng cho đạo giới là tịnh, tham cầu, tiếp xúc, đó gọi là đạo giới cầu tìm.
Hỏi: Thế nào là thân kiến?
Đáp: Nếu là ngã kiến.
Hỏi: Thế nào là ngã kiến?
Đáp: Hoặc có người cho sắc là ngã, trong sắc có ngã. Sắc là ngã có, ngã là sắc có. Kiến về thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế. Đó gọi là ngã kiến.
Hỏi: Thế nào là loạn động?
Đáp: Nếu các cử động lui tới luôn khinh suất, vội vàng, đó gọi là loạn động.
Hỏi: Thế nào là tự khen mình?
Đáp: Nếu khen điều tốt đẹp vượt quá khả năng của mình, đó gọi là tự khen mình.
Thế nào là không tin?
Nếu không tin, không tin nhập, không tin điều vượt hơn,
không tin điều chân thật, nếu tâm không tin, đó gọi là không tin.
Hỏi: Thế nào là không hiểu biết?
Đáp: Nếu không có tuệ, đó gọi là không hiểu biết.
Hỏi: Thế nào là keo kiệt tiếc lẫn?
Đáp: Nếu tham không bỏ, đó gọi là keo kiệt tiếc lẫn. Lại nữa, keo kiệt tiếc lẫn là ghét người khác hành thí lợi dưỡng, vật cần dùng, đó gọi là keo kiệt tiếc lẫn.
Hỏi: Thế nào là khen trước mặt?
Đáp: Không cầu của cải, lợi lộc của người khác, tùy thuận ý của người khác, đối khen ngợi việc thiện của người ấy, đó gọi là khen trước mặt.
Hỏi: Thế nào là ngăn cản luyến tiếc?
Đáp: Nếu keo kiệt, tiếc lẫn nơi của vật, sai người luôn phòng giữ cửa ngõ, sợ Sa-môn, Bà-la-môn vào được xin cầu, đó gọi là ngăn cản luyến tiếc.
Hỏi: Thế nào là không tin nghiệp?
Đáp: Nếu đối với nghiệp thiện, bất thiện, vô ký, không hiểu, lại không hiểu, rốt cuộc là không hiểu biết, đó gọi là không tin nghiệp.
Hỏi: Thế nào là không tin nghiệp báo?
Đáp: Nghiệp thiện, bất thiện có báo, nếu đối với báo này không hiểu, lại không hiểu, rốt cùng là không hiểu biết, đó gọi là không tin nghiệp báo.
Hỏi: Thế nào là hủy báng thí?
Đáp: Nếu người hành thí phi pháp, đó gọi là hủy báng thí.
Hỏi: Thế nào là hủy báng học?
Đáp: Nếu người học sai trái, đó gọi là hủy báng học.
Hỏi: Thế nào là tự cho là hơn?
Đáp: Nếu tự cao cho: Ta đã có tín, giới, thí, kiến văn, trí tuệ, biện tài, đó gọi là tự cho là hơn.
Hỏi: Thế nào là khen kẻ oán?
Đáp: Nếu người có kẻ oán, muốn hiện sự xấu ác của họ thì lại khen việc thiện của họ, là có tín, giới, thí, nghe, trí tuệ, biện tài, đó gọi là khen kẻ oán.
Hỏi: Thế nào là khen giả dối?
Đáp: Tâm có sự ăn năn bất chính, nếu không có tín, giới, thí, văn, tuệ, biện tài mà khen nói là có, đó gọi là khen giả dối.
Hỏi: Thế nào là không tự tại?
Đáp: Nếu tâm có phiền não dấy khởi mà tạo ra mọi việc thiện, không được tùy ý, đó gọi là không tự tại.
Hỏi: Thế nào là lệ thuộc người khác?
Đáp: Nếu tạo nghiệp bất tịnh, nếu muốn hiện sự thân thuộc, hoặc làm kẻ hầu hạ, tùy tùng, đó gọi là lệ thuộc người khác.
Hỏi: Thế nào là phụng sự người khác?
Đáp: Nếu cùng với người sang trọng, vượt hơn ngao du, vui đùa, dựa cậy vào thế lực bề ngoài, đó gọi là phụng sự người khác.
Hỏi: Thế nào là không oán ghét?
Đáp: Nếu yêu thích, vui mừng, đó gọi là không oán ghét.
Hỏi: Thế nào là oán ghét?
Đáp: Là giận dữ, phẫn nộ, đó gọi là oán ghét.
Thế nào là chìm mất?
Nếu pháp thiện bị bỏ dở, thoái lui, đó gọi là chìm mất.
Hỏi: Thế nào là tâm buồn bã?
Đáp: Nếu tâm buồn bã bất thiện, đó gọi là tâm buồn bã.
Hỏi: Thế nào là không chán lìa?
Đáp: Nếu đối với vật dụng sinh hoạt có nhiều dục, không dừng lại, đó gọi là không chán lìa.
Hỏi: Thế nào là không siêng năng, tinh tấn?
Đáp: Nếu ý không chuyên ưa đối với pháp thiện, đó gọi là không siêng năng, tinh tấn.
Hỏi: Thế nào là không nhẫn nhục?
Đáp: Nếu đối với pháp thiện, không thể gắng nhẫn, thọ lãnh, đó gọi là không nhẫn nhục. Lại nữa, không nhẫn nhục, hoặc có người không nhẫn chịu đối với sự đói, khát, lạnh, nóng, gió, mưa, muỗi, rận cắn chích, cùng lời nói không vừa ý. Nếu thân tâm khổ não, luôn thấy khổ sở, khi lâm chung, gió dao cắt xẻ thân hình, không thể chịu đựng nổi, đó gọi là không nhẫn nhục.
Hỏi: Thế nào là không phải oai nghi?
Đáp: Nếu chê bai Phật kiết giới, đó gọi là không phải oai nghi.
Hỏi: Thế nào là không thọ giáo?
Đáp: Nếu như pháp truyền dạy, tâm không kính thuận, đó gọi là không thọ giáo.
Hỏi: Thế nào là gần gũi với tri thức ác?
Đáp: Nếu ở các nơi chốn sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, phóng dật, hoặc gần gũi với những người ấy, cho là tri thức quan trọng, tri thức cứu cánh, cùng kính niệm tri thức, đó gọi là gần gũi với tri thức ác.
Hỏi: Thế nào là thân hậu với ác?
Đáp: Nếu ở các nơi chốn sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, phóng dật, hoặc kết thân tình cùng với họ, thân tình sâu nặng, thân tình cứu cánh, kính niệm nhau, không lìa, đó gọi là thân hậu với ác.
Hỏi: Thế nào là nhận lấy hành ác?
Đáp: Nương dựa vào người sát sinh, học theo việc sát sinh, tâm hướng đến tôn thượng kẻ sát sinh kia, dốc hướng theo sự sát sinh kia, lấy sự việc ấy làm sự hiểu biết. Nương dựa vào kẻ trộm cắp, học theo việc trộm cắp, dựa vào kẻ tà dâm, học theo việc tà dâm, dựa vào người nói dối, học theo việc nói dối, dựa vào xứ uống rượu, phóng dật, học theo việc uống rượu, phóng dật, tâm hướng đến tôn thượng kẻ uống rượu kia, dốc hướng theo sự uống rượu kia, lấy sự việc ấy làm sự hiểu biết, đó gọi là nhận lấy hành ác.
Hỏi: Thế nào là hành ác?
Đáp: Nếu là hành của cảnh giới bất thiện, đó gọi là hành ác.
Hỏi: Thế nào là gần gũi với kẻ khiếp nhược?
Đáp: Nếu là người không tin, người không hổ, không thẹn, kẻ không học vấn, kẻ lười biếng, kẻ hay quên mất, kẻ không có tuệ, nếu thân cận với những người ấy, cung kính phụng sự, đó gọi là gần gũi với kẻ khiếp nhược.
Hỏi: Thế nào là thọ nhận pháp khiếp nhược?
Đáp: Nếu đối với pháp của người khiếp nhược nói, cung kính thọ nhận, hành trì, đó gọi là thọ nhận pháp khiếp nhược.
Hỏi: Thế nào là nhận biết pháp khiếp nhược?
Đáp: Nếu pháp do kẻ khiếp nhược đã nói là pháp ác, khéo nghe nhận, tâm có thể phân biệt, đó gọi là nhận biết pháp khiếp nhược.
Thế nào là giữ lấy pháp khiếp nhược?
Nếu pháp do kẻ khiếp nhược đã nói, nếu giữ lấy pháp này,
đang giữ lấy, trụ nơi không quên, nhớ nghĩ nối tiếp nhau không mất, đó gọi là giữ lấy pháp khiếp nhược.
Hỏi: Thế nào là không thuận với tư duy?
Đáp: Nếu không thuận với tư duy về thiện, đó gọi là không thuận với tư duy.
Hỏi: Thế nào là thân cận với đạo khiếp nhược?
Đáp: Nghĩa là tà kiến cho đến tà định. Nếu gần gũi, học theo đấy nhiều, đó gọi là thân cận với đạo khiếp nhược.
Hỏi: Thế nào là tâm yếu kém?
Đáp: Nếu tâm lười biếng, đó gọi là tâm yếu kém.
Hỏi: Thế nào là tâm tán loạn?
Đáp: Nếu tâm tán loạn ở nơi năm dục là sắc, thanh, hương, vị, xúc, đó gọi là tâm tán loạn.
Hỏi: Thế nào là ưa thích tranh cãi?
Đáp: Nếu tranh tụng, hoặc trói buộc, giam cầm, thường trái ngược nhau, đó gọi là ưa thích tranh cãi.
Hỏi: Thế nào là giới cấm trống trải?
Đáp: Nếu thiếu sót, nếu bỏ dở, nếu cấu uế, khiến lìa giới cấm, đó gọi là giới cấm trống trải.
Hỏi: Thế nào là kính pháp tà?
Đáp: Nếu đối với pháp ác bất thiện, cho đấy là tôn quý, có thể được định, đó gọi là kính pháp tà.
Hỏi: Thế nào là thoái mất pháp thiện?
Đáp: Nếu pháp xuất thế gian, đối với pháp ấy bỏ dở, thoái lui, đó gọi là thoái mất pháp thiện.
Hỏi: Thế nào là trạo cử?
Đáp: Nếu dao động, tâm tán loạn, không tĩnh lặng, không tĩnh lặng chính đáng, đó gọi là trạo cử.
Hỏi: Thế nào là trang sức thân?
Đáp: Nếu tự thực hiện việc trang sức, đó gọi là trang sức thân.
Hỏi: Thế nào là tạo nguy hiểm?
Đáp: Nếu nghiệp thân, khẩu, ý khởi động không thuận hợp, đó gọi là tạo nguy hiểm.
Hỏi: Thế nào là chịu đựng xấu hổ?
Đáp: Nếu ở nơi đám đông, không hỏi thì không nói sai lạc, đó gọi là chịu đựng xấu hổ.
Hỏi: Thế nào là lời nói cuồng loạn?
Đáp: Nếu nói năng phóng túng, không thâu giữ, đó gọi là lời nói cuồng loạn.
Hỏi: Thế nào là tâm không ghi nhớ?
Đáp: Nếu quên mất việc thiện, đó gọi là tâm không ghi nhớ.
Hỏi: Thế nào là nghĩ đến bên ngoài?
Đáp: Nếu nhớ nghĩ nơi năm dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc, đó gọi là nghĩ đến bên ngoài. Lại nữa, nghĩ đến bên ngoài nghĩa là nếu nghĩ đến ngoại đạo, nếu kính nghĩ đến ngoại đạo, tâm ở pháp ngoại đạo, đó gọi là nghĩ đến bên ngoài.
Hỏi: Thế nào là tùy theo lo mừng?
Đáp: Nếu trong thế tục có vô số thứ vui mừng, lo khổ, tâm có mong cầu, tùy thuận hòa hợp, đó gọi là tùy theo lo mừng.
Thế nào là tự cao?
Nếu khen thân tướng của mình có nhiều khả năng, đó gọi là tự cao.
Hỏi: Thế nào là chê bai người khác?
Đáp: Nếu nói về ưu, khuyết hơn kém của người khác, đó gọi là chê bai người khác.
Hỏi: Thế nào là không kính trọng?
Đáp: Nếu khi dể, đối với bậc tôn trưởng không có kính sợ, đó gọi là không kính trọng.
Hỏi: Thế nào là không tự ty?
Đáp: Nếu không hạ mình đối với người khác, đó gọi là không tự ty.
Hỏi: Thế nào là không thật kính trọng?
Đáp: Nếu đối với người tịnh hạnh, xưng tụng vô số lời hoa mỹ giả dối, không thật, đó gọi là không thật kính trọng.
Hỏi: Thế nào là khó đầy?
Đáp: Nếu ăn uống không biết nhàm chán, đó gọi là khó đầy.
Hỏi: Thế nào là khó nuôi dưỡng?
Đáp: Luôn tìm cầu vị ngon, đó gọi là khó nuôi dưỡng.
Hỏi: Thế nào là lười biếng vô dụng?
Đáp: Nếu luôn biếng trễ, đó gọi là lười biếng vô dụng.
Hỏi: Thế nào là biếng nhác?
Đáp: Là luôn biếng trễ vô dụng, đó gọi là biếng nhác.
Hỏi: Thế nào là lùi lại giữa chừng?
Đáp: Nếu cầu lợi trên hết thì duyên nơi phần dễ, vì lười biếng nên khiến dứt bỏ, đó gọi là lùi lại giữa chừng.
Hỏi: Thế nào là thiện về sau?
Đáp: Nếu ở trong pháp thiện, lỗi lầm được diệt mất, đó gọi là thiện về sau.
Hỏi: Thế nào là siêng nơi dục?
Đáp: Là ưa thích, vướng mắc nơi dục, đó gọi là siêng nơi dục.
Hỏi: Thế nào là siêng nơi khổ?
Đáp: Có vô số thứ thân khổ, song không phải là pháp Thánh, không có oai nghi, vô ích, vô nghĩa, đó gọi là siêng nơi khổ.
Hỏi: Thế nào là tham?
Đáp: Nếu ái rộng lớn, rất xa đối với bờ bên kia, đó gọi là tham.
Hỏi: Thế nào là tham trói buộc?
Đáp: Nếu ái rộng lớn, hết sức xa đối với bờ bên kia, đó gọi là tham trói buộc.
Hỏi: Thế nào là não?
Đáp: Nếu chúng sinh bị từng ấy khổ bức bách, hoặc là phiền não, phiền não trầm trọng, phiền não hoàn toàn, bên trong nóng bức, nội tâm mờ tối, đó gọi là não.
Hỏi: Thế nào là tâm buồn thảm?
Đáp: Nếu chúng sinh bị khổ não bức bách, mũi tên buồn bã ghim vào tâm, hoặc khóc lóc, miệng kể lể, nhớ nghĩ đeo đuổi mãi không bỏ, đó gọi là tâm buồn thảm.
Hỏi: Thế nào là khổ?
Đáp: Nếu thân không chịu đựng nổi, mắt tiếp xúc khổ thọ, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp xúc với khổ thọ, đó gọi là khổ.
Hỏi: Thế nào là lo?
Đáp: Nếu tâm không chịu đựng nổi khổ, đó gọi là lo.
Thế nào là nhiều khổ?
Nếu bị nhiều thứ khổ bức bách, tâm không dừng nghỉ, đó gọi là nhiều khổ.
Hỏi: Thế nào là sợ hãi?
Đáp: Nếu tâm kinh động, đó gọi là sợ hãi.
Hỏi: Thế nào là dáng dấp nhu nhược?
Đáp: Nếu tạo ra pháp thiện, vướng mắc nơi sự vui mừng tăm tối, đó gọi là dáng dấp nhu nhược.
Hỏi: Thế nào là dáng dấp miễn cưỡng?
Đáp: Như lời nói của trẻ con, không có kiêng dè, đó gọi là dáng dấp miễn cưỡng.
Hỏi: Thế nào là nghi hoặc?
Đáp: Hai tâm do dự không thể đoạn trừ kiết, đó gọi là nghi hoặc.
Hỏi: Thế nào là không thân gần?
Đáp: Xa lìa pháp thiện, đó gọi là không thân gần.
Hỏi: Thế nào là chướng ngại pháp thiện?
Đáp: Là trái với pháp thiện, đó gọi là chướng ngại pháp thiện.
Hỏi: Thế nào là không vừa ý nhau?
Đáp: Nếu vui mừng vì tranh chấp ràng buộc cùng nói năng tranh tụng, đó gọi là không vừa ý nhau.
Hỏi: Thế nào là trở ngại pháp thiện?
Đáp: Nếu tạo ra pháp thiện, nhân đấy sinh khởi tự cao, đó gọi là trở ngại pháp thiện.
Hỏi: Thế nào là biên thật?
Đáp: Nếu kẻ theo biên kiến chấp kiến giải của mình là chắc thật, đó gọi là biên thật.
Hỏi: Thế nào là không thân cận?
Đáp: Nếu không thân cận Phật, đệ tử của Phật, không cúng dường, cung kính, lễ bái, đó gọi là không thân cận.
Hỏi: Thế nào là lìa gần?
Đáp: Nếu đã từng thân cận Phật, đệ tử Phật, cúng dường, cung kính, lễ bái, về sau bèn bỏ dở, thoái lui, không còn thân cận, cúng dường, cung kính lễ bái nữa, đó gọi là lìa gần.
Hỏi: Thế nào là thấp kém?
Đáp: Nếu nghiệp thân, miệng, ý tạo ra pháp thấp kém, giả dối, không thật, đó gọi là thấp kém.
Hỏi: Thế nào là tự cưỡng?
Đáp: Nếu khởi tâm bất thiện, biểu hiện ở thân, miệng, ý, đó gọi là tự cưỡng.
Hỏi: Thế nào là nhịn nhục?
Đáp: Nếu tham vướng pháp thế tục, mong cầu qua lại không dừng nghỉ, đó gọi là nhịn nhục.
Hỏi: Thế nào là theo tham?
Đáp: Nếu do tham theo đuổi lợi dưỡng không ngừng nghỉ, mất tướng của người thiện, đó gọi là theo tham.
Hỏi: Thế nào là tự cử động?
Đáp: Nếu nghiệp, thân, miệng, ý cùng trạo cử dao động, đó gọi là tự cử động.
Hỏi: Thế nào là tự buông thả?
Đáp: Nếu tâm động loạn, phân tán không thâu giữ, đó gọi là tự buông thả.
Hỏi: Thế nào là không gìn giữ?
Đáp: Tay chân nhiễu loạn, không gìn giữ cố định, vẽ ngang vẽ dọc dưới đất, đó gọi là không gìn giữ. Lại nữa, không gìn giữ nghĩa là nếu ham thích đi lại, đó gọi là không gìn giữ.
Hỏi: Thế nào là lìa thiền?
Đáp: Nếu không gần gũi chốn tĩnh lặng, đó gọi là lìa thiền.
Hỏi: Thế nào là không ăn năn?
Đáp: Nếu khởi tâm bất thiện, rồi vui mừng phấn khích, không có sửa đổi lỗi lầm, đó gọi là không ăn năn.
Hỏi: Thế nào là ôm hận?
Đáp: Nếu có trường hợp không thể luôn khiến không dứt, nhân đấy thêm phiền não, đó gọi là ôm hận.
Hỏi: Thế nào là tiếc lẫn?
Đáp: Nếu đối với của cải, giáo pháp, luôn gìn giữ, nhớ nghĩ, không buông bỏ, đó gọi là tâm tiếc lẫn.
Hỏi: Thế nào là tà giáo?
Đáp: Nếu giảng nói pháp tà, đó gọi là tà giáo. Như người tà kiến tập hợp biểu hiện ở miệng như âm thanh, câu, ngôn ngữ, đó gọi là tà giáo.
Hỏi: Thế nào là tranh tụng?
Đáp: Tìm tòi ưu khuyết, hơn kém của người khác, không sinh khởi hòa thuận, đó gọi là tranh tụng.
Hỏi: Thế nào là không khiêm tốn?
Đáp: Nếu nghiệp đã tạo, tâm tự cao, không có kính thuận, đó gọi là không khiêm tốn.
Hỏi: Thế nào là cung kính lỗi lầm?
Đáp: Nếu cung kính, tự hạ mình không đúng pháp, đó gọi là cung kính lỗi lầm.
Hỏi: Thế nào là mừng tai họa?
Đáp: Nếu thấy cảnh suy thoái, mất mát của người khác, lại sinh vui mừng, thích thú, đó gọi là mừng tai họa, Hỏi: Thế nào là cầu tìm lỗi lầm?
Đáp: Nếu có oán đối, ngờ vực, thường dò xét chỗ khuyết điểm, sai sót của người khác, đó gọi là cầu tìm lỗi lầm.
Hỏi: Thế nào là phi hạnh?
Đáp: Nếu Tỳ-kheo phạm mất oai nghi, tạo ra hành không đúng oai nghi, đó gọi là phi hạnh.
Hỏi: Thế nào là cầu thiền?
Đáp: Nếu ở chỗ đông người tụ tập, tâm cầu danh lợi, bèn hiện tướng ngồi thiền, đó gọi là cầu thiền.
Hỏi: Thế nào là thiền vô ích?
Đáp: Nếu người ngồi thiền không có oai nghi, đó gọi là thiền vô ích.
Hỏi: Thế nào là không biết ơn?
Đáp: Nếu từ nơi người khác được tài thí, pháp thí, không biết phân biệt, phân biệt thích hợp, không duyên nơi phân biệt, đó gọi là không biết ơn.
Hỏi: Thế nào là không biết ơn của mình?
Đáp: Nếu từng theo người khác được tài vật thí, pháp thí, không chịu ơn, đó gọi là không biết ơn của mình.
Hỏi: Thế nào là khinh chê?
Đáp: Nếu nói về lỗi lầm của người khác, tâm không kiêng nể, đó gọi là khinh chê.
Hỏi: Thế nào là giận dữ?
Đáp: Nếu phẫn nộ, không gìn giữ ý của người khác, đó gọi là giận dữ.
Hỏi: Thế nào là tánh ác?
Đáp: Nếu thân, miệng, ý vốn bạo ác, đó gọi là tánh ác.
Hỏi: Thế nào là ương bướng?
Đáp: Nếu không có hạnh nhẫn nhục, đó gọi là ương bướng.
Hỏi: Thế nào là đoạn tu học?
Đáp: Nếu ngăn chận người khác làm điều thiện, đó gọi là đoạn tu học.
Hỏi: Thế nào là quở trách, can gián, trở lại sinh chê trách?
Đáp: Nếu người làm việc ác, khéo can gián không nhận, đó gọi là quở trách, can gián, trở lại sinh chê trách.
Hỏi: Thế nào là quở trách, can gián, nói năng lộn xộn, sinh giận dữ?
Đáp: Đều như trên đã nói.
Hỏi: Thế nào là quở trách, can gián không thành?
Đáp: Đều như trên đã nói.
Hỏi: Thế nào là quở trách, can gián không sáng suốt?
Đáp: Đều như trên đã nói.
Hỏi: Thế nào là nhận lấy thân kiến?
Đáp: Vì duyên nơi thân kiến nên nhận lấy thân kiến. Vì thân kiến xấu ác nên nhận lấy thân kiến. Như con đường hiểm nạn, có cỏ cây, rừng rậm che phủ lên trên, kẻ đi đến con đường ấy không biết cao thấp, sâu cạn. Người nhận lấy thân kiến cũng như thế, không nhận biết phải quấy, tốt xấu. Đó gọi là nhận lấy thân kiến.
Hỏi: Thế nào là thân kiến đói?
Đáp: Vì duyên nơi thân kiến nên gọi là thân kiến đói. Vì thân kiến xấu ác, nên gọi là thân kiến đói. Khiến các chúng sinh ở nơi khổ nạn, như sự đói khát trong ấy, như sự đói của các trùng ác, cầm thú, sự đói của nhân, phi nhân. Như thế, người đi tới con đường kia phải nhận lấy vô lượng thứ khổ. Như thế, nhận lấy thân kiến là nhận lấy các thứ khổ não, không đến bờ kia. Đó gọi là thân kiến đói.
Hỏi: Thế nào là dựng cờ thân kiến?
Đáp: Nếu ưa thích dấy khởi thân kiến, đó gọi là dựng cờ thân kiến.
Hỏi: Thế nào là thân kiến lo?
Đáp: Nếu duyên nơi thân kiến, nên sinh ưu não, lại sinh, sinh tột cùng ưu não, đó gọi là thân kiến lo.
Hỏi: Thế nào là cầu thân kiến?
Đáp: Nếu duyên nơi thân kiến, nên đã mong cầu sai lạc về sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đó gọi là cầu thân kiến.
Hỏi: Thế nào là gần gũi với thân kiến?
Đáp: Nếu duyên nơi thân kiến, nên thân cận với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đó gọi là gần gũi với thân kiến.
Hỏi: Thế nào là thân mạn kiến?
Đáp: Nếu duyên nơi thân kiến, nên thân kiêu mạn, tô điểm cho thân mình, đó gọi là thân mạn kiến.
Hỏi: Thế nào là thân kiến vui chơi?
Đáp: Nếu duyên nơi thân kiến, đó gọi là thân kiến vui chơi.
Hỏi: Thế nào là luyến tiếc thân kiến?
Đáp: Do duyên nơi thân kiến nên nhận lấy ái nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đó gọi là luyến tiếc thân kiến.
Hỏi: Thế nào là ngã nơi thân kiến?
Đáp: Nếu duyên nơi thân kiến, nên nhận lấy ngã nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đó gọi là ngã nơi thân kiến.
Hỏi: Thế nào là dục nhiễm?
Đáp: Nếu theo dục của cõi dục, dục của cõi sắc, cõi vô sắc, đó gọi là dục nhiễm. Cùng với dục nhiễm buồn thương, không thân gần, tăng thêm dục lạc cũng như thế.
Hỏi: Thế nào là hy vọng?
Đáp: Nếu là ái nơi xúc ban đầu, đó gọi là hy vọng.
Hỏi: Thế nào là lại hy vọng?
Đáp: Nếu ái rộng lớn, chưa đến tận bờ kia, đó gọi là lại hy vọng.
Hỏi: Thế nào là hoàn toàn hy vọng?
Đáp: Nếu ái rộng lớn, do đến tận nơi bờ kia, đó gọi là hoàn toàn hy vọng.
Hỏi: Thế nào là khó đủ?
Đáp: Nếu nơi cõi dục không đủ, cõi sắc, cõi vô sắc không đủ, đó gọi là khó đủ.
Khó đầy, vướng mắc, rưới khắp, thấm nhuần, trôi chảy, chìm mất chi ái, lưới sinh gốc khổ, mong cầu, ham thích, cháy khát, ở nhà, gắng nhẫn, trần cấu, mụt nhọt, thọ nhận cũng nói như trên.
Hỏi: Thế nào là thất niệm?
Đáp: Nếu bỏ niệm thiện, đó gọi là thất niệm.
Hỏi: Thế nào là không chánh tri?
Đáp: Hoặc có Tỳ-kheo, không do chánh tri để đi đến, co duỗi, xoay chuyển, mặc Tăng-già-lê, mang y, bưng bát, ăn uống, tiện lợi, nghỉ ngơi, ngủ, đi đứng, ngồi nằm, lúc ngủ, khi thức, lúc im lặng, không tự giữ gìn các hành, đó gọi là không chánh tri.
Hỏi: Thế nào là không giữ gìn các căn môn?
Đáp: Nếu thấy sắc liền nhận lấy, đó gọi là không giữ gìn các căn môn.
Hỏi: Thế nào là ăn không biết đủ?
Đáp: Là ăn không lường tính, đó gọi là ăn không biết đủ.
Hỏi: Thế nào là vô minh?
Đáp: Nếu là căn bất thiện si, đó gọi là vô minh.
Hỏi: Thế nào là hữu ái?
Đáp: Là ái của cõi sắc, cõi vô sắc, đó gọi là hữu ái.
Hỏi: Thế nào là hữu kiến?
Đáp: Nếu là thường kiến, đó gọi là hữu kiến.
Hỏi: Thế nào là không phải hữu kiến?
Đáp: Nếu là đoạn kiến, đó gọi là không phải hữu kiến.
Hỏi: Thế nào là dục lậu?
Đáp: Nếu tham vướng nơi pháp cõi dục, đó gọi là dục lậu.
Hỏi: Thế nào là hữu lậu?
Đáp: Nếu tham vướng nơi pháp cõi sắc, cõi vô sắc, đó gọi là hữu lậu.
Hỏi: Thế nào là cầu dục?
Đáp: Nếu cõi dục chưa vượt qua, cõi dục chưa nhận biết, cõi dục chưa đoạn dứt, đối với ấm, giới, nhập, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của cõi dục, nếu cầu tìm, tụ tập, đó gọi là cầu dục.
Hỏi: Thế nào là cầu hữu?
Đáp: Nếu cõi sắc, vô sắc chưa vượt qua, cõi sắc, vô sắc chưa nhận biết, cõi sắc, vô sắc chưa đoạn dứt, đối với ấm, giới, nhập, thiền, giải thoát, định, nhập định của cõi sắc, vô sắc, nếu cầu tìm, tụ tập, đó gọi là cầu hữu.
Hỏi: Thế nào là không trì giới?
Đáp: Nếu phá bỏ giới, nếu không giữ giới, đó gọi là không trì giới.
Hỏi: Thế nào là kiến hại?
Đáp: Là sáu mươi hai kiến và tà kiến, đó gọi là kiến hại.
Hỏi: Thế nào là giới suy?
Đáp: Nếu hủy hoại giới, không gìn giữ, đó gọi là giới suy.
Hỏi: Thế nào là kiến suy?
Đáp: Nếu là sáu mươi hai kiến và tà kiến, đó gọi là kiến suy.
Hỏi: Thế nào là mạng suy?
Đáp: Nếu là tà mạng, đó gọi là mạng suy.
Hỏi: Thế nào là oai nghi suy?
Đáp: Nếu không phải hạnh oai nghi, đó gọi là oai nghi suy.
Hỏi: Thế nào là hành suy?
Đáp: Nếu Tỳ-kheo không thể hành nơi cảnh giới của mình, đó gọi là hành suy.
Hỏi: Thế nào là làm ác?
Đáp: Là tạo thành pháp bất thiện, đó gọi là làm ác.
Hỏi: Thế nào là không làm thiện?
Đáp: Pháp thiện xuất thế gian, nếu không làm, không thành tựu, đó gọi là không làm thiện.
Hỏi: Thế nào là gần gũi với tại gia?
Đáp: Nếu thuận với thế gian, trái với chánh hành, đó gọi là gần gũi với tại gia.
Hỏi: Thế nào là thân cận với xuất gia?
Đáp: Nếu không thuận theo pháp tại gia, trái với hành thế gian, đó gọi là thân cận với xuất gia.
Hỏi: Thế nào là do hai duyên nên sinh dục nhiễm?
Đáp: Nếu duyên nơi sắc tịnh, duyên không thuận tư duy, sinh dục nhiễm, đó gọi là do hai duyên nên sinh dục nhiễm.
Hỏi: Thế nào là do hai duyên nên sinh giận dữ?
Đáp: Duyên nơi oán ghét, duyên không thuận tư duy, đó gọi là do hai duyên nên sinh giận dữ.
Hỏi: Thế nào là do hai duyên nên sinh tà kiến?
Đáp: Duyên nơi tà thuyết của người khác, duyên không thuận tư duy sinh tà kiến, đó gọi là do hai duyên nên sinh tà kiến.
Hỏi: Thế nào là giận dữ?
Đáp: Nếu phẫn nộ, lại phẫn nộ, đó gọi là giận dữ.
Hỏi: Thế nào là dò xét oán thù?
Đáp: Nếu muốn ràng buộc báo thù, ràng buộc đến cùng, tâm hành nghiệp si, phẫn nộ hoặc giận dữ đến cùng, đó gọi là dò xét oán thù.
Hỏi: Thế nào là ôm hận?
Đáp: Nếu tâm cấu uế, bị phiền não làm nhiễm ô, đó gọi là ôm hận.
Hỏi: Thế nào là nóng bức?
Đáp: Nếu không vừa ý mà sinh ưu não, đó gọi là nóng bức.
Hỏi: Thế nào là ganh ghét?
Đáp: Nếu thấy người khác được lợi dưỡng, tôn trọng, cung kính, lễ bái, mà sinh tâm ganh ghét, lại ganh ghét, hoàn toàn ganh ghét, đó gọi là ganh ghét.
Hỏi: Thế nào là keo kiệt, tiếc lẫn?
Đáp: Nếu tham lam, bủn xỉn về tài thí, pháp thí, không buông bỏ, ưa tụ tập tham vướng, đó gọi là keo kiệt tiếc lẫn.
Hỏi: Thế nào là biến hóa huyễn hoặc?
Đáp: Nếu đối với bậc tôn thắng và trước mặt người khác, vì tiếng đồn, sự khen ngợi giả dối, tự che giấu lỗi lầm của mình, lừa dối người khác, đó gọi là biến hóa huyễn hoặc.
Hỏi: Thế nào là gian dối?
Đáp: Nếu tâm tà vạy, bất chánh, đó gọi là gian dối.
Hỏi: Thế nào là không hổ?
Đáp: Nếu tự tạo ra điều xấu ác, nội tâm không hối hận, đó gọi là không hổ. Lại nữa, không hổ nghĩa là nếu người không hổ, đối với pháp đáng xấu hổ, không biết xấu hổ, đối với pháp ác bất thiện đã làm không biết xấu hổ, đó gọi là không hổ.
Hỏi: Thế nào là không thẹn?
Đáp: Nếu tự làm điều xấu ác, không hổ thẹn đối với người khác, đó gọi là không thẹn. Lại nữa, không thẹn nghĩa là nếu người không thẹn, đối với pháp đáng hổ thẹn, không biết hổ thẹn, đối với pháp ác bất thiện đã làm không biết hổ thẹn, đó gọi là không thẹn.
Hỏi: Thế nào là khoe khoang tự kiêu?
Đáp: Nếu tự khen mình, kiêu mạn đối với người khác, đó gọi là khoe khoang tự kiêu.
Hỏi: Thế nào là tranh tụng?
Đáp: Nếu khởi lời nói thô ác, bất thiện dao động của thân, miệng, ý, lại phẫn nộ, xúc não, đó gọi là tranh tụng.
Hỏi: Thế nào là cao ngạo?
Đáp: Nếu khởi tâm bất thiện, tổ điểm nơi thân mình, khen ngợi việc thiện của mình, ý không mở bày, đó gọi là cao ngạo.
Hỏi: Thế nào là phóng dật?
Đáp: Nếu không thâu giữ ý khiến niệm tán loạn, đó gọi là phóng dật.
Hỏi: Thế nào là mạn?
Đáp: Nếu nói ta là hơn hết, đó gọi là mạn.
Hỏi: Thế nào là tăng thượng mạn?
Đáp: Nếu nói ta là hơn cùng bằng, đó gọi là tăng thượng mạn.
HẾT – QUYỂN 18