LUẬN TỨ ĐẾ
Nguyên tác: Bà-tẩu-bạt-ma Hán dịch: Đời Trần, Tam tạng Chơn Đế, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 2
Phẩm Thứ Ba: PHẦN 2: PHÂN BIỆT KHỔ ĐẾ
Những tướng như răng rụng v.v… không phải đều có khắp. Khổ chẳng phải là không khắp. Vì sao nói lão là Khổ thánh đế?
Đáp: Các hành thay đổi khác nhau khắp trong ba cõi, gọi là lão, nên gọi lão là khổ Thánh đế; ví như thọ mạng chấm dứt. Trong kinh dạy: Tất cả chúng sanh lấy lão làm pháp. Lại nữa, thân chư thiên vi diệu, sự hao tổn, biến đổi, hủy hoại trước sau khác nhau, nhưng chẳng phải là không có lão, nó vi tế nên khó biết, như thân ấy vậy. Lại nữa, sự trú trước sau có khác nhau, tướng hữu vi ấy đầy khắp các hành, nên gọi là lão; như bò có giống và khác. Pháp hữu vi không trụ, mỗi niệm đều diệt; thế sao lại có lão?
Đáp: Tất cả pháp hữu vi trong từng sát na đều diệt, thật sự không có trụ lại. Nương vào tương tục trụ mà gọi là tướng lão. Vì như sông, lửa ngọn đèn, mưa. Sông ấy nước chảy. Cũng vậy, niệm niệm không trú, nên thấy nối tiếp nhau liên tục, không gián đoạn. Người đời cho rằng, sông này nước chảy mạnh, hoặc nói sông dài. Lửa ngọn đèn và mưa cũng vậy. Lại nữa, khoảng giữa của sanh và tử gọi là lão. Vì sao? Vì đầu tiên khởi năm ấm, gọi đó là sanh; sau cùng ấm huỷ hoại, gọi đó là tử; ở khoảng giữa ấy các ấm thay đổi khác.
Vì chữa trị bệnh, vì công cụ gắn kết việc sống, chết nên gọi bệnh là khổ. Hoặc do bệnh nên thân luôn khổ, thì tại sao không trái với lời kệ: “Không bệnh là lợi ích thứ nhất?”
Đáp: Các bệnh lạnh nóng đến, làm cơ thể khó chịu, nên nói thân thường bị các bệnh. Vì thoát khỏi các bệnh nặng như phong hủi … nên có năng lực tu hành, đọc tụng, tư duy và mọi uy nghi tự tại. Vì thế căn cứ ở thân này mà nói: “Không bệnh là ích lợi thứ nhất”. Lại nữa, và bị lửa Hành khổ, thiêu đốt, nên cho rằng thân thường bệnh. Bởi có tạm thời lìa khổ, nên nói không bệnh là lợi ích thứ nhất. Lại nữa, vì phải luôn hỗ trợ điều trị, nên nói thường bệnh. Do thân giới có lúc tạm thời điều hòa, do đó mới nói: “Không bệnh là lợi ích thứ nhất”. Nếu ở cõi trời không có bệnh, tất cả chúng sanh lấy bệnh làm pháp, thì lời nói này nên sửa đổi?
Đáp: Ấm sanh là khổ đầy khắp ba cõi, thì chính là chư thiên bệnh. Như kinh dạy: Sắc sanh là khổ. Sanh là chỗ nương tựa của các bệnh. Như sắc các ấm khác cũng vậy. Kinh dạy: Tỳ-kheo nếu nói bệnh thì đó là tên gọi riêng khá của năm ấm, cho đến các bệnh như ung nhọt, v.v… Lại nữa, các sư khác nói: Chư thiên khi sắp bị thoái lui thì thân tâm nặng nề chậm chạp, loạn động, đó gọi là chư thiên bệnh. Luận Chánh đạo dạy: Bệnh là quả của nghiệp. Quả Khổ của nghiệp này là khổ hay chẳng phải Khổ Thánh đế.
Đáp: Quả báo của nghiệp này không lìa quả ái. Cho nên nói quả báo của nghiệp, tức là nói quả của ái. Vì tham ái không xa lìa nghiệp, như đèn cùng với nghiệp ánh sáng. Quả của thức, ngã kiến và ái lấy khổ làm tánh nên thuộc về Khổ đế, không trái với lời Đức Phật dạy khổ là bệnh. Kệ nói: Đói là bệnh thứ nhất; thế thì hai cách nói kia tại sao khác?
Đáp: Nếu nói bệnh là khổ, thì bệnh nhẹ vừa nặng đều gồm thâu về Khổ; còn đói thì không như vậy. Cho nên, hai cách nói có khác nhau. Lại vì không thể trị được, nên cho rằng đói là bệnh thứ nhất. Vì sao? Vì khổ của đói khát là khó chữa trị, trị không hết! Như cách ngày phát bệnh sốt rét, các bệnh mắt v.v.. thì không như vậy. Lại nữa, không có điểm dừng; bệnh đói khát này từ khi sanh cho đến lúc chấm dứt không tạm dừng nghỉ. Bệnh khác không như vậy. Lại nữa, bệnh đói khát luôn cần nhu cầu cung cấp, như nhà hư mục dường như không bệnh; hoặc như oan gia giả bộ thân thiện, và khắp mọi nơi. Chúng sanh tìm kiếm thức ăn đều lo khổ bị đói. Như trong phẩm địa ngục đã có dạy. Thế nên bệnh đói là hàng đầu.
Thế nào là tử (chết)?
Đáp: Mạng căn đoạn dứt gọi là tử. Khắp tất cả chúng sanh đều có. Do có hỏa đại có thể tiêu hóa thức ăn, thân giới như con rắn độc luôn chống trái nhau, tánh của nó tận diệt và do đây diệt nên các căn không ăn, tùy theo hỏa đại mà diệt. Tâm và tâm pháp lấy căn làm thượng duyên. Vì căn diệt nên tâm pháp thuận theo mà diệt. Noãn, mạng căn và thức lìa bỏ, thân căn, ngay lúc ấy gọi là tử. Như kệ nói:
Noãn, mạng và ý thức
Nếu lìa bỏ nơi thân
Thây chết nằm ở đất
Như cây khô vô tri.
Lại nữa, sự tương tục của Ấm, giới, nhập v.v.. mà đồng tụ đã được, bị đoạn dứt, đó gọi là tử. Tử có hai loại: Một là tự tánh tử. Hai là hoạnh tử. Tự tánh tử có hai loại. Một do nghiệp hết. Hai do mạng đã chấm dứt. Hoạnh tử cũng có hai loại: Một là tự mình oan uổng chết (chết bất ngờ). Hai là bị người khác gây chết oan uổng. Tử lại có ba loại: Một là chết theo từng sát na. Hai là oan uổng mà chết. Ba là do nhân hết mà chết. Chết theo sát na là: Từ khi nhập vào thai cho đến Kha-la-la mười một giai đoạn, từng sát na diệt không gián đoạn, không ngừng nghỉ, gọi là chết theo từng sát na. Như kệ nói:
Chúng sanh từ đêm đầu
Ái gá trụ nơi thai
Không ngại tự nhiên đi
Một hướng đi không lại.
Kinh dạy: Tỳ-kheo các ông, trong từng sát na sát na có sanh, lão và tử. Đó gọi là chết theo sát na tử. Hoạnh tử là tự mình hay người khác cầm thuốc độc, lửa, đao, gậy gây chết, do đấy mà mạng căn chấm dứt. Đấy gọi là hoạnh tử. Nhân hết mà chết là nghiệp chiêu cảm sống lâu đã hết không còn. Đấy còn gọi là chơn thật tử, chỉ có bậc A-la-hán mới có được, như đèn đã hết. Đấy gọi là nhân đã hết mà chết. Thế nào là tướng tử? Thế nào là sự của tử? Thế nào là duyên của tử?
Đáp: Mạng căn đoạn tuyệt, gọi là tướng tử. Lìa bỏ đạo gốc gọi là sự của tử. Sanh là duyên của tử.
Thế nào là khổ?
Đáp: Và khổ sợ hãi. Người ấy sắp qua đời bị kim cương chết phá vỡ, phải đến phương khác, chẳng hề truy xét, sắp phải xa lìa người thân, bè bạn, người yêu của ta. Nhà cửa thân mạng. Khi bị phá hoại ai là người bảo hộ, vĩnh viễn xa lìa đời sống đã tạo dựng càng thêm sợ hãi. Do đó nói chết là khổ. Lại nữa, lửa sẽ thiêu đốt những người đã từng làm những việc xấu ác, không thích làm thiện, lúc sắp qua đời do nhân phá giới; nên thấy hiện ra tướng trạng cõi ác, sẽ sanh vào, mà dấy khởi nhiều lo buồn, hối hận, thân tâm khổ não, như pháp chết mà kinh đã dạy. Cho nên, gọi là khổ của tử. Lại nữa, trong thai quá khổ; con người lúc ở trong thai thường chịu nhiều khổ, do mẹ ăn uống trái nghịch, đi đứng mệt mỏi, khổ vì bị ép ngặt; tuy chịu nhiều khổ nhưng không mất mạng. Nếu khổ của tử đến, thì bỗng nhiên đoạt mất cái khổ trước, mạng căn liền chấm dứt! Ra khỏi thai cũng vậy, tuy chịu nhiều khổ nhưng không mất mạng. Khổ của tử nếu đến lấy mất sự khổ của sanh này, thì mạng căn cũng bị chấm dứt. Lại nữa, thời trai tráng, thọ nhận sáu trần, không biết nhàm chán, thỏa mãn cùng mọi người thân yêu sống chung chưa lâu; lại do trai tráng không bệnh, dòng họ thế lực mạnh, giàu có tài vật, nên thường say đắm, ngã mạn; đang khi ấy mà chết thì khổ này không gì bằng! Nếu người qua tuổi trai tráng, có đầy đủ vật dụng trong sinh hoạt, nhiều của quý, nhiều lúa gạo, gấm vóc… tất cả thảy đều đầy đủ. Hoặc phải chịu hình phạt nặng của vua, hoặc gặp bệnh nan y, suy nghĩ như vầy: Ta chắc chắn phải chết; tâm ta đã quyết. Nhưng mắt đầy lệ nóng, cổ họng tắt nghiẹn thấy người thân yêu, mắt nhìn không chớp! Sống chết sắp từ bỏ, khổ nào đau đớn hơn đây. Lại cái chết như núi lớn bốn phương đều đến, cơ hội ngăn cản là không thể. Lại nữa, tử như kẻ oán có thế lực mạnh, không thể bị khuất phục, ăn nuốt tất cả như miệng ngựa; như lửa thiêu đốt dữ dội tất cả giống như ngày tàn cuối kiếp; tất cả chúng sanh không thể nào thoát khỏi. Như biển nước động người không thể vượt quá đến bờ. Như kim cang, sấm chớp nghiền nát ngọn núi năm ấm. Như gió lớn dữ, quật ngã cây thân. Như Già-lâu-la ăn nuốt ấm rồng. Như quỷ uống vị chết, tính bắt người có sơ hở, lỗi lầm. Như giặc cướp mạnh thường đoạt thân mạng của báu. Như người phạm trọng tội nặng tâm không được an vui. Như vua ác, ra hình phạt nặng thì khó mà thoát được. Như mùa Xuân chắc chắn sẽ đến. Do những nghĩa này nên nói tử là khổ.
Chết buông lung, chết do phá giới chết, chết do duyên sanh. Ba loại này khác nhau thế nào?
Đáp: Tuệ mạng đoạn diệt gọi là chết do buông lung. Giới mạng thanh tịnh là người chết do phá giới. Thọ mạng và căn bị đoạn dứt, nên gọi là chết do duyên sanh. Lại nữa làm thoái lui chánh pháp gọi là chết do buông lung. Mất đi tánh Tỳ-kheo, gọi là chết do phá giới. Phần đồng của tụ thân bị suy tổn, gọi là chết do duyên sanh. Lại chết có hiểu biết và không hiểu biết. Chết có hối hận hay không hối hận. Chết có phóng dật hay không phóng dật. Chết có chấp trước hay không chấp trước. Chết có điều phục hay không điều phục. Chết chỉ có một phần điều phục. Những tướng ấy là thế nào?
Đáp: Phàm phu Thánh và Bồ-tát thực hành pháp thiện, khởi lên nhớ nghĩ chơn chánh, xả bỏ thọ mạng và căn, gọi là chết có hiểu biết. Khác với ở đây, gọi là chết không hiểu biết. Người chết do phá giới, gọi là chết có hối hận. Người chết do trì giới, gọi là chết không hối hận. Do say đắm năm việc, không cung kính tu hành pháp luật và các học xứ, gọi là chết do phóng dật. Khác với ở đây gọi là chết không phóng dật. Đối với cha mẹ, vợ con… dấy khởi tâm luyến ái, tham chấp mà xả bỏ thọ mạng, gọi là chết có chấp trước. Khác với ở đây gọi là chết không chấp trước. Các bậc A-la-hán ở nơi sáu trần luôn điều phục sáu căn, khi xả bỏ thân mạng, gọi là chết có điều phục. Phàm phu làm những việc ác, tâm tán loạn, ngã mạn, gọi là chết không điều phục. Bậc Thánh hữu học xả bỏ mạng căn, gọi là chết có điều phục phần ít.
Năm ấm mỗi niệm tự diệt, chết do người khác hại, làm sao mà thành được?
Đáp: Các ấm thật sự mỗi niệm đều diệt mất, luôn lưu chuyển liên tục, nương vào sự liên tục nên chết do người khác hại thì được thành. Như dựa vào sự tương tục, mà nói nên cho là đèn tắt. Lại nữa, các căn không thể làm việc, ví như bình vỡ. Lại nữa, vì căn thọ mạng hủy hoại. Có người nói: căn thọ mạng chẳng phải từng sát na diệt. Vì sao? Vì nếu mỗi niệm đều diệt, thì thọ mạng cũng không. Chết đúng lúc hay chết không đúng lúc, chết do người khác hại đều không thành tựu, ba loại bệnh cũng không thành tựu. Vì thế, mạng căn chẳng phải mỗi niệm diệt.
Thế nào là oán ghét gặp nhau là khổ?
Đáp: Oán ghét hay thương yêu là không nhất định. Nếu ngoại cảnh là chỗ oán ghét, thì khi chúng tụ hội, cũng là chỗ oán ghét. Ví như người đối với thức ăn của heo. Ngoại đạo cho rằng: Nếu vậy, Khổ đế không thành lập được, là do không nhất định sao?
Đáp: Không vì cảnh trần oán ghét, thân yêu không nhất định mà oán ghét mà gặp gỡ sanh khổ không nhất định. Giống như cảnh giới không nhất định. Nếu sanh thiện thì định, ác cũng như vậy. Oán ghét gặp gỡ là khổ cũng vậy. Lại nữa, do nghiệp ác đời trước mà quả tương tợ, tụ tập, gọi là oán ghét gặp nhau là khổ. Lại nữa, khổ do oán ghét gặp nhau là dựa vào khổ thọ nhận và tích lũy mà nói. Vì sao? Vì tất cả chúng sanh đều vui ở yêu, khổ ở ghét nên thọ nhận gặp gỡ này gọi là oán ghét mà gặp. Lại nữa, vì chung nhóm với bạn ác, có nhiều tội lỗi nên nói oán ghét gặp nhau là khổ. Như kệ nói:
Tụ họp cùng bạn ác
Chẳng tích chứa tội lỗi
Được công đức tối thắng
Lìa không lo buồn, hối.
Tụ họp cùng bạn tốt
Ta nghĩ khó phán quyết
Khi xa lìa là khổ
Lúc hội tụ là quí.
Người tu tập giới thanh tịnh, thấy những lỗi nhỏ thì lo sợ, phạm, nhận những giới ác thì oán ghét, sanh nhiều hối hận, quán xét thấy ác dấy khởi. Người tu tập theo đó, thì oán ghét thường làm khô héo diệt trừ pháp thiện; phiền não thiêu đốt, là oán thù của Thánh. Nhân thường trái nghịch với tâm an tĩnh, nên trong đây nói pháp nghiệp ác tương xứng với quả phiền não tương ưng gọi là oán ghét gặp nhau. Thế nào là tướng oán ghét gặp nhau? Thế nào là sự của oán ghét gặp nhau? Thế nào là duyên của oán tắng hội?
Đáp: Chẳng yêu mến mà tụ hội, đó là tướng. Tâm lo buồn là sự. Nghiệp phiền não là duyên. Thế nào là khổ oán ghét gặp nhau?
Đáp: Khổ não bức bách làm thể, như làng xóm ác là nhân của khổ. Như muôn thú thấy hổ lang, thân tâm hoảng sợ; như gai độc ở thân. Sân giận là duyên, như thấy được kẻ thù xưa, không có nhân an lạc. Như truyện kể về vua Vô Ưu. Lại nữa, phẩm loại của nó tương ưng nhiều loại khổ trùng lặp, có thể hại thân mình, như truyện xưa của Tôn giả A-nan. Chẳng phải thương yêu hợp nhau mà sanh ra nhiều mong cầu, tìm cầu mong muốn là nhân duyên, sanh ra nhiều loại khổ. Như kệ nói: Ái làm khổ người cầu tìm. Lại nữa, do bạn ác, nên sanh nhiều sợ hãi; như nai thấy người thợ săn; như người nằm, ngồi ở giường báu được áo trời che phủ, nhưng lấy kim sắt nung đỏ đấm chích vào thân, thâm tâm đau đớn, sanh nhiều khổ nạn. Thế nên gọi là khổ do oán ghét gặp nhau. Nếu các loại oán ghét tụ hội vĩnh viễn không thể lìa nhau, nghĩa này ắt phải có?
Đáp: Cảnh giới trong một thời gian, tánh và dụng liên tục nhau, luôn nối tiếp nhau, nên biết các pháp thường hội tụ. Oán ghét gặp nhau ở đây có nghĩa khác, nên vấn nạn không thành được.
Lại nữa, khổ thọ gọi là oán ghét, thọ này không lìa tâm, nghĩa như thế là thuận với khó khăn?
Đáp: Như trong kinh dạy: Tóm thâu có nhiều nghĩa, hội tụ cũng vậy. Như Trì tán kệ nói:
Tâm một phần hay đủ,
Tương ưng như dụng Đạo
Loại xứ và tự tánh
Kinh nói đó thuộc pháp.
Tóm thâu có nhiều loại hội tụ cũng như vậy. Là cùng một cảnh không lìa nhau, đối nhau chấp giữ nhau v.v… Vì thế, vấn nạn này thuận hay nghịch đều được.
Thế nào thương yêu phải chia lìa là khổ?
Đáp: Cảnh trần, hoặc là chúng sanh thân yêu hoặc chẳng phải là chúng sanh; mà xa lìa chúng, gọi là thương yêu phải xa lìa. Lại nữa, trai tráng không bệnh hoạn, sống lâu, hình sắc giàu sang, tự tại, người thân, bè bạn… mà bị xa lìa, cũng gọi là thương yêu bị xa lìa. Lại nữa, thuộc về quả báo của nghiệp thiện, sáu nhập tiếp xúc bị thoái mất, đấy gọi là thương yêu phải xa lìa, như cõi trời bị thối lui. Lại nữa, thọ vui bị phá hoại cũng gọi là thương yêu bị xa lìa. Vì sao ? Vì thọ vui là chỗ yêu thương chấp đắm, do yêu chấp này, nên đối với cảnh của các sắc cũng dấy khởi yêu chấp; làm bạn, của thọ vui, cho đến tưởng, hành, thức cũng là chỗ yêu chấp. Nếu bàn luận về nghĩa chơn thật, thì chỉ thọ vui bị hoại, mới gọi là thương yêu mà xa lìa.
Thế nào là tướng thương yêu xa lìa? Thế nào là sự của thương yêu xa lìa? Thế nào là duyên của thương yêu xa lìa?
Đáp: Xa lìa các thứ thương yêu là tướng. Tâm buồn, thương là sự. Mất sự gặp gỡ là duyên. Thế nào là khổ của thương yêu xa lìa?
Đáp: Do thương yêu bị xa lìa, nên chúng sanh bên trong lo buồn, như cây giữa trời, lửa ở đồng trống thiêu đốt. Kinh dạy: Chư thiên thoái đọa, khổ xa lìa sự thương yêu còn kịch liệt hơn khổ vào địa ngục. Như truyện đời trước của Mục Liên. Lại nữa, nếu chúng sanh nghi ngờ, nghe, thấy, biết, nhớ nghĩ về những gì thương yêu mà phải xa lìa, thì phát sinh khổ buồn thương. Vì thế, gọi là khổ xa lìa sự thương yêu. Lại nữa, cha mẹ, vợ con, yêu thương và quyến thuộc là nhân của sự xa lìa, như tiền của bị mất tâm buồn rầu, nuối tiếc; như dính mắc vào quỷ dãy dụa, nói nhãm nhí, gào khóc, mê muội, tuyệt vọng, quây cuồng, như người sắp chết. Như vua mất ngôi vị, chịu nhiều khổ não, bức bách. Như kẻ không biết, không thấy, mê loạn, ngậm câm. Như thuyền bị thủng lo sợ chìm xuống đáy biển; nên đều gọi là khổ thương yêu phải xa lìa. Lại già… tụ họp tức khổ oán ghét phải gặp. Thời trai tráng ra đi, tức khổ thương yêu phải xa lìa.
Lại nói oán ghét gặp, thương yêu phải chia lìa. Sao không phải nói lặp lại?
Đáp? Các thứ lão tụ hội, trai tráng lại phải xa lìa. Hai cái khổ này bậc A-la-hán cũng có, chỉ không có ghét mà gặp. Như kệ:
Tất cả đều xa lìa
Oán ghét và thương yêu
Tâm không lo, không nhiễm
Vị này đạt Niết bàn.
Vì nghĩa này nên không lặp lại. Lại nữa, do các thứ lão, bệnh…. không phân biệt khổ chung với bậc A-la-hán, như kệ trước đã nói: “Già xấu thân ông quả đáng lo!”. Khổ do oán ghét gặp nhau và thương yêu xa lìa là do phân biệt mà dấy khởi đều thuộc khổ của tâm. Người chưa lìa xa dục, tức có khổ này. Lại do các thứ lão, bệnh… gọi là khổ nương vào bên trong. Ghét nhau mà gặp và thương yêu xa lìa gọi là nương vào khổ bên ngoài, cho nên chẳng phải nói lặp lại.
Thế nào cầu không được là khổ?
Đáp: Nghĩa là khổ xa lìa cùng với khổ không được tụ hội. Tức muốn được vui vẻ mà không xa lìa, mong cầu điều này không được, gọi là cầu không đạt được là khổ. Lại nữa, cùng với các thứ khổ sanh, lão, bệnh, không mong cầu gặp nhưng không thể được, pháp nhất định sanh khởi, nên gọi cầu không được là khổ. Lại nữa, cầu oán ghét không gặp, thương yêu chớ xa lìa lại không thể được, nên gọi cầu không được là khổ. Ngoại đạo cho rằng: Khổ này có trước hai khổ đã trình bày, vì sao lặp lại?
Đáp: Chẳng phải là yêu thích mà tụ họp, nên gọi oán ghét lại gặp nhau. Chỗ thương yêu phân ly gọi là thương yêu mà xa lìa. Nay cầu mong không gặp oán ghét, thương yêu không xa lìa, trái ngược hai loại trước là khổ, nên chẳng phải nói lặp lại. Lại nữa, trước có oán ghét, nay chưa xả bỏ thì cùng với sự oán ghét gặp lại nhau, gọi là oán ghét gặp nhau. Trước có yêu thương, nay chgưa xả bỏ, thì cùng với sự yêu thương mà không được gặp, gọi là thương yêu mà xa lìa. Chưa được, chưa xả bỏ, thì chỗ ưa thích mong cầu không được, gọi cầu không được là khổ. Do thiết lập ở ba đời nên không là nói lại. Thế nào là tướng cầu không được? Thế nào là sự của cầu không được? Thế nào là duyên của cầu không được?
Đáp: Mong cầu không được, trái nghịch với ý muốn, là tướng. Lo buồn, khao khát là sự. Hiện tại không có công dụng, đời trước không làm thiện duyên. Thế nào cầu không được là khổ? Như cái bình bằng ngọc như ý bị vỡ, sự mong cầu các vương vị đã bị mất. Lại nữa, nhân duyên của khổ là ở chỗ mong cầu năm trần, bởi vì không thể muốn bị lửa đốt. Như Thuật Bà Già v.v… thiêu cháy thành tro, nên gọi là cầu không được là khổ. Lại nữa, trong ba thời thường sanh các khổ. Chỗ mong cầu lợi cho ta mà không được, nay không được, quá khứ cũng không được, do điều này mà sanh các khổ như lo buồn… nên gọi cầu không được là khổ. Cảnh trần, mạng sống tức là khổ, đến khi được cũng khổ, cầu không được sao gọi là khổ?
Đáp: Vì không nhất định, được hay chưa hẳn là khổ. Vì sao? Vì nếu được tín căn không gọi là khổ. Lại là chỗ y chỉ của tâm chán ghét buồn rầu. Người cầu không đượcth sinh mong cầu chán ghét buồn não; được năm lợi ích của trần, thì không như vậy; là tưởng về vui. Lại nữa, như thân trai tráng về sau sẽ già nên nói là khổ. Như vậy, được lợi năm trần mà về sau thất bại, nên nói là khổ. Như chấp giữ ấm là chỗ y chỉ của khổ, nên nói là khổ, được lợi của năm trần nói là khổ, nghĩa cũng như vậy.
Do nhân duyên gì mà cầu không được?
Đáp: Vì nhân duyên không đủ. Ví như hạt giống, nếu không có duyên, thì mầu không được sanh. Do nhân keo kiệt, ganh tị, tà kiến, sân giận, phá hoại; ở đời trước nên ngày nay cầu không được. Như truyện đời trước của Tỳ-kheo Uất-đa-la. Do nhân pháp xấu ác, nên mong được an vui lìa xa khổ nạn, nhưng cầu không được. Ví như chúng sanh ở trong địa ngục A tỳ mong cầu không được, nói tóm lược, có ba nhân: Một là không có nhân thiện đời trước; hai là tự mình không có công đức; ba là người khác không thương yêu kính mến. Vì sao nói tóm lược năm ấm là khổ?
Đáp: Vì khổ tóm thâu cả ba thời: Đầu, giữa và sau cùng, nên sanh là khổ ban đầu; chết là khổ cuối cùng; các thứ lão, sầu, lo… gọi là khổ chặng giữa. Lại nữa, vì thâu tóm khổ có gián đoạn. Khổ có gián đoạn là các thứ lão, bệnh, tử. Khổ không gián đoạn là luôn tùy thuận tất cả các phần hữu. Lại nữa vì thâu nhiếp tất cả tự tướng, vô biên các khổ, nên nói năm thủ ấm là khổ thuộc tướng chung. Vì sao? Vì các khổ khác nhau rất nhiều. Giả sử Như lai trong vô lượng kiếp, nói rộng về các tướng khổ cũng không hết. Lại nữa, các khổ sanh v.v… như lửa, năm thủ ấm như củi, như kinh Thiêu nhiên đã nói. Lại nữa, năm thủ ấm là nền tảng của các khổ sanh v.v… Vì sao? Vì khổ của thủ ấm sanh gọi là thủ ấm sanh. Khổ của sự đổi khác, gọi là thủ ấm lão. Khổ của phiền não bức bách, gọi là thủ ấm bệnh. Khổ của hủy hoại, gọi là thủ ấm tử. Khổ chẳng phải thương yêu mà tụ họp, gọi là thủ ấm oán ghét mà gặp. Khổ thương yêu xa lìa, gọi là thủ ấm thương yêu mà chia lìa. Việc mong cầu mà không vừa ý, gọi là cầu mà không đạt được. Nghĩa tóm lược thế nào?
Đáp: Có ba loại. Một là nhiều. Hai là khác. Ba là một nơi… nghĩa là việc phân tán chủng loại khắp ba đời, không giống nhau, thâu tóm tại một nơi, nên gọi là tóm lược. Lại nữa, tóm lược có hai loại. Một là tóm lược về nghĩa. Vì một nghĩa bao gồm nhiều nghĩa. Ví như vật báu chân thật. Hai là tóm lược về danh, cú, kệ, có thể thâu gồm nghĩa tóm lược như đồ đựng vật báu chân thật. Như vậy, khổ có nhiều tên gọi, nhiều nghĩa nhưng chỉ dùng một nghĩa, một tên gọi thâu gồm tất cả, nói hết được mọi thứ nên gọi là tóm lược.
Hỏi: Tướng các ấm thế nào? Nghĩa của ấm thế nào? Các ấm có cùng một hành tướng? Vì sao không thành lập một ấm? Hai loại ấm và thủ ấm là thế nào?
Đáp: Đúng như những gì đã hỏi; bàn luận về năm ấm thì nơi phẩm Tư trạch đã phân biệt rộng.
Hỏi: Vì sao gọi thủ ấm là khổ mà không nói thẳng ấm là khổ?
Đáp: Muốn phân biệt đế có bốn tướng, nên mới nói thủ ấm là khổ. Nếu nói thẳng ấm là khổ, thì hai đế không thành. Vì sao? Vì ấm của minh… năm ấm như giới, định v.v… đều thành Khổ đế.
Hỏi: Nghĩa của thủ ấm là thế nào?
Đáp: Ái dục là nghĩa thủ, ấm này là chủ thể sanh thủ. Vì đối tượng sanh của thủ cùng với thủ tương ưng. Đối tượng theo đuổi của thủ là chủ thể có thủ, nên gọi là thủ ấm.
Hỏi: Quán một khổ; theo đó thì có thể thông suốt cả Khổ đế, thì cần gì phải phân biệt rộng tướng của các khổ?
Đáp: Hành giả cần phải quán xét rộng các khổ để sanh tâm nhàm chán xa lìa. Sanh tâm nhàm chánh rồi mới có thể quán khổ chung, được đi vào chánh quán. Vì công dụng này, nên cần giảng nói rộng. Lại nữa, vì phân biệt về khổ của sanh lão… để phát sanh trí tư duy, chọn lựa. Khi được trí này rồi, thì quán xứ nghĩa của một khổ, trí vô phân biệt quyết định; cũng nhờ quán đây mà được sanh khởi trí này, vì cảnh bình đẳng, không mệt dụng công, tự nhiên mà thông suốt, không có giác, quán đó gọi là trí thứ tám. Lại nương theo cảnh pháp mà sanh, như thí dụ về voi báu.
Hỏi: Trong kinh nói tên gọi là lạc (vui) tức là y chỉ vào lạc. Vì sao nói thủ ấm là khổ? Đáp: Như kệ nói:
Chấp đối trị là lạc,
Dục điên đảo nên lạc.
Kinh nói đó là khổ
Chánh kiến nên không lạc.
Nghĩa này đã giảng rộng trong luận về năm ấm. Đối với khổ nhẹ ít và trong đối trị khổ, dấy khởi tưởng mà lạc, thật ra chỉ là khổ.
Hỏi: Trong kinh này tại sao nói tóm lược; còn kinh khác giảng thuyết rộng về sắc là khổ.
Đáp: Đối với bậc trí tuệ đa văn, nên nói tóm lược thủ ấm là khổ. Nếu người không có văn tuệ thì giảng nói rộng sắc, thủ… là khổ. Như vậy với người thấy biết rõ thì nói tóm lược, còn người chưa hiểu cần giảng thuyết rộng.
Hỏi: Vì sao nói thủ ấm là khổ?
Đáp: Vì nhiều khổ bức bách. Như người ở nơi lầu bằng bảy báu, được trang hoàng bằng năm trần khả ái. Tâm thường vui mừng hoan lạc; hễ chạm vào gai nhỏ liền sanh Khổ thọ, quên mất niềm vui trước, như nếm phải vị chua, mặn. Lại nữa, vì khổ rất nhiều, như: lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ưu bi khổ não, cầu được mà mất, các khổ hãm hại… Trong thủ ấm thì khổ nhiều nhất mà vui lại ít! Giả dối như nước giếng bị hỏng.
Hỏi: Nói tóm lược có tám thứ khổ nghĩa nó thế nào?
Đáp: Vì là chỗ nương tựa của các khổ nên sanh, gọi là khổ; thường làm cho biến đổi cho nên lão gọi là khổ; thường làm thân bức rứt khó chịu cho nên bệnh gọi đó là khổ; thường tiêu diệt các căn cho nên tử gọi là khổ; chẳng phải thương yêu mà gặp nhau cho nên oán tắng hội, gọi là khổ; yêu thương mà xa lìa cho nên ái biệt, gọi là khổ; mong cầu mà không được cho nên cầu không được gọi là khổ, tướng của các khổ, này cố giữ lấy ấm gọi là khổ. Ví như bãi tập bắn tên. Lại nữa, hữu chính thật là khổ, hữu tức là sanh. Sanh là pháp thế nào? Đó là danh và sắc. Sắc bị lão, bệnh, tử hủy hoại. Danh, thì bị các khổ về biệt ly, oán ghét lại gặp, cầu không được hủy hoại. Thủ ấm bị các khổ làm não hại. Lại nữa, lão bệnh tử là thân khổ, vì không phân biệt… Ba thứ khổ như ái biệt ly là tâm khổ. Do phân biệt dấy khởi. Sanh và thủ ấm là khổ thuộc cả thân và tâm. Lại nữa, do sanh mà nói là hành khổ; do tử mà nói hoại khổ, còn năm loại khác gọi là khổ khổ. Ba loại khổ này lấy thủ ấm làm nhân. Lại nữa, hữu thủ ấm dấy khởi gọi là sanh, xuất hiện trong sáu đường, thân biến đổi thành thục gọi là lão, do gầy yếu tiều tụy. Thân giới mất quân bình tăng trưởng gọi là bệnh, vì làm cho trái nghịch. Lúc qua đời, năm ấm bị hủy hoại gọi là tử, vì lìa bỏ đạo (cõi) gốc. Tiếp nhận người chẳng yêu thích, vì cùng tự hội gọi là oán ghét mà gặp; vì tương ưng với nghịch ý. Tiếp nhận người thương yêu, vì xa nhau, gọi là thương yêu phải lìa xa. Không cùng chung với người thương yêu. Mong cầu chẳng toại nguyện, gọi là cầu không được, như nguyện không thành. Là nền tảng của tất cả khổ, nên thủ ấm gọi là khổ, vì các khổ tự sanh chứ không có dụng công. Đến đây, Pháp sư Bà-số-bạc-ma đã phân biệt Khổ đế xong.
Phẩm Thứ Tư: SUY XÉT VỀ TẬP ĐẾ
Đã luận về Khổ đế rồi, sao phải theo thứ lớp giảng nói tiếp về Tập đế? Tập là nghĩa thế nào? Thế nào là tự hỏi và đáp? Khát ái là thế nào? Thế nào là tướng khát ái? Thế nào là ự khát ái? Thế nào là duyên của khát ái? Khát ái, là nói về nghĩa trội, vì sao khát ái là Tập? Lời nói kia tự nó đã đầy đủ? Nói khát ái rồi, thì cần gì nói khả năng chiêu cảm hữu sau? Khả năng chiêu cảm hữu sau nghĩa đó thế nào? Khả năng chiêu cảm hữu sau tướng ham thích dục quyết định và tùy theo mỗi nơi mà ái tham đắm, vì sao nói nhiều loại? Nghĩa của hỷ dục là thế nào? Nói kỹ lại về ái tham chấp các nơi là thế nào? Các Hoặc khác có thể làm tướng của Tập, sao chỉ nói khát ái là Tập? Do đâu chỉ nói khát ái là Tập mà không nói các nghiệp? Nếu tham ái… cũng là Tập của nghiệp phiền não sao chỉ nói là Tập của khổ? Ái của diệt Vô minh, duyên quán vị, duyên với ba thọ; chúng có gì khác? Đã nói bốn đại, xúc, danh sắc là nhân của các ấm, lại nói khát ái là nhân? Hai cách nói này tại sao không chống trái nhau? Khát ái, vô minh, ngã mạn, nghiệp thực đều là nhân của khổ. những thứ này tướng khác nhau thế nào? Hỷ dục và dục, nghĩa này là thế nào? Rừng dây v.v… là tên khác của tham, nghĩa này là thế nào?… Ông hỏi: Nói Khổ đế rồi, vì sao phải tiếp theo nói về Tập?
Đáp: Tâm đã chắc chắn tin quả, nhưng chưa biết tin nhận; muốn cho biết tin nhân nên tiếp theo giảng nói Tập để hiển bày nhân duyên tuỳ thuộc của khổ đế. Lại nữa, vì người tiếp nhận giáo hóa mê muội về mười hai nhân duyên, nên giảng nói Khổ đế nương vào nhân duyên sanh. Lại nữa, Khổ đế giống như các cơ quan, tùy thuộc vào nhân duyên, nên tự tánh suy yếu, không có tướng của ngã. Lại nữa, thế gian bị vòng tham ái kiên cố trói buộc, không thể thoát khỏi lao ngục sanh tử, nên phải hiển bày chủ thể và đối tượng của trói buộc. Lại nữa, có các chúng sanh suy nghĩ như vầy: Khổ đế này không có đầu đuôi, khó có thể trừ diệt; rồi chấp vào đó nên không thật siêng năng tu tập. Vì thế Đức Phật dạy: “Khổ tuy không có đầu mối, mà do nhân duyên sanh nên có thể diệt trừ. Ví như chủng tử. Do đó, phải thật siêng năng tu tập Ông hỏi: Nghĩa Tập là gì?
Đáp: Bình đẳng, tích tụ, sinh khởi đó là Tập. Nếu lìa ba nghĩa này thì không thành nhân. Lại nữa, khiến cho dấy khởi suối nguồn căn bản của hữu, khả năng thành lập, kảh năng hiện bày nhân duyên ngăn chận, đó gọi là nghĩa Tập.
Ông hỏi: Thế nào là tự hỏi và đáp?
Đáp: Vì có các đệ tử không hiểu, tâm định lo sợ, muốn giữ gìn ba việc này, nên Đức Phật tự hỏi và trả lời để phá trừ nhân tà trở ngại, hiển bày thành lập chánh nhân. Có các dị chấp cho rằng: Phạm vương, Tự tại và trời người thời, tánh bốn đại, không, làm hư v.v… là chánh nhân. Vì để phá trừ chấp tà, muốn hiển bày chánh nhân, nên Đức Phật tự đáp. Lại nữa, về Mười hai nhân duyên, trong các kinh cũng đã giảng nói rất nhiều loại Tập. Có các đệ tử chưa biết trong kinh này quyết định lấy pháp gì làm Khổ Tập. Cho nên, Đức Phật tự hỏi đáp và vì muốn cho đạt được trí lực quyết định. Lại nữa, vì trí tuệ bị che lấp, tiếp nhận sự giáo hóa không thông suốt, nghĩa trong giáo lý tóm lược, vì muốn khai mở sự hiểu biết, nên Đức Phật tự hỏi và đáp. Lại nữa, vì trí tuệ tối thắng nên tiếp nhận giáo hóa với nhiều giác quán, không chấp giữ muốn cho trí tuệ vững chắc; nên Đức Phật tự hỏi và đáp. Lại nữa, vì trí tuệ hiểu rõ, tiếp nhận sự giáo hoá, muốn cho đạt được trí lực quyết định nên Đức Phật tự hỏi và đáp. Lại nữa, vì các đệ tử có trí phân biệt, khiến cho được hiểu rõ, như đốt đèn sáng, nên Đức Phật tự hỏi và đáp.
Ông hỏi khát ái là gì? Tướng, sự và duyên của khát ái là gì?
Đáp: Các chúng sanh luôn thấy công đức của pháp hữu vi, nương vào những hành trang hữu dụng tâm không biết chán đủ, nên gọi là khát ái; như uống nước mặn, như người bị nắng mùa hạ chiếu rọi làm cho khô khát bực bội, bèn tìm kiếm nước khắp nơi, đến uống nước biển mặn, có uống đi nữa cũng không hết khát. Như vậy phàm phu ở thế gian thường vì hành trang của sống, chết mà yêu thích ham muốn, thiêu đốt tâm mình, phân biệt tà, vọng khiến sanh nóng bức, kháo khát một lòng mong cầu khoái lạc của năm dục; Mắt, tai, thân thức và tâm luôn nhớ nghĩ, gìn giữ những vật đã thọ dụng; đã được hay chưa được nhưng không bao giờ nhàm chán. Cho nên nói pháp này gọi là khát ái. Lại nữa, không biết chán đủ cũng gọi là khát ái; như lửa thiêu đốt những vật có được như cỏ, củi, hoa quả, tía tô, sáp ong… biết thế nào cho chán đủ..! Phàm phu ở thế gian bị tham ái đốt cháy tâm đối với năm pháp trần tốt đẹp, thượng hạng trong cõi Trời, Người mỗi niệm muốn thọ dụng mà không biết thỏa mãn, như vua Đảnh Sanh. Lại nữa, tánh, thấy và loại của khát ái có riêng khác, mỗi thứ chia làm hai loại. Khác về loại là đối với trong năm ấm bèn dấy khởi ngã chấp, ngã ái; gọi là tham duyên với loại bên trong; đối với loại chẳng giữ lấy thì dấy khởi chấp ngã sở tức hành trang nơi ái gọi là tham duyên loại bên ngoài. Khác về thấy là dựa vào nhân thấy “Có” mà mong cầu có đời sống tốt đẹp nên gọi là nương vào ái “Có”; thấy “Không có” thì mong muốn ưa thích ta đoạn gọi là ái “Không có”. Khác về tánh. Nếu tham ái, điên đảo dấy khởi che giấu làm sự nghiệp, giống như mây giăng bủa, thì gọi là tham ái ở tâm trên; tùy miên theo đuổi làm sưng hiệp giống như chuột độc thì gọi là ái ở tâm xa lìa.
Lại nữa, nhân, nương tựa duyên và nghiệp của khát ái có sự khác biệt nhau, mỗi thứ chia làm ba loại; Khác về nhân là mong cầu, ưa thích cảnh trần chưa từng được; ái này gọi là nhân của khổ tìm cầu; đối với cảnh trần đã được thì tâm tham chấp; ái này gọi là nhân của khổ chấp giữ; đối với cảnh trần đã mất thì tâm lo buồn, ái này gọi là nhân của khổ lo buồn, bức rứt bên trong. Khác về nương tựa là chúng sanh, xứ sở và vật tiếp nhận. Chúng sanh là, thích được các ấm của vị lai, mong muốn được sanh ra, gọi là nương tựa chúng sanh mà ái. Xứ sở là, thích các đường trong ba cõi, thường mong cầu những nơi ấy, gọi là nương tựa xứ sở mà ái. Ưa thích những cảnh trần tốt đẹp như sắc, thanh, hương, vị, xúc; mong muốn để thọ dụng, gọi là nương tựa vật tiếp nhận mà ái. Khác về duyên là tham ái thường tạo duyên nghiệp, phiền não, Khổ và duyên với ba thứ này mà dấy khởi, khác về nghiệp nghĩa là bình đẳng, không bình đẳng, và liên tục khát ái. Ái bình đẳng là nương vào đạo lý để tìm cầu thọ dụng, gọi là ái bình đẳng. Trái ngược đây gọi là ái không bình đẳng Ái liên tục là tùy miên, tham ái từ vô thủy theo sát nhau, gọi là ái liên tục.
Lại nữa, khát ái có chấp thủ, đạo (cách) đối trị và hành trạng riêng khác, mỗi thứ chia làm bốn loại. Khác về chấp thủ: trong cõi Dục ham thích dục, mê đắm, khát ái tham chấp, gọi đó là Dục thủ. Đối với ngã Ngữ, Kiến, giới chấp trước cũng vậy. khác về đạo đối trị, nghĩa là tùy thuộc tánh của bốn quả Thánh mà đối trị. Khác về hành trạng là bốn sự: ăn uống, y phục, chỗ nằm ngồi, thuốc thang.
Lại nữa, khát ái dựa vào sai khác của ba thọ, nên phân thành năm loại. Trong thọ lạc có hai loại ái; đó là ái tụ tập và ái việc không xa lìa. Trong thọ khổ cũng sinh hai loại; đó là ái việc không tụ hội và ái việc xa lìa. Trong thọ xả thì dấy khởi vô minh ái. Lại nữa, khát ái do sự khác nhau, nên chia ra làm năm loại: Một là chưa được thì cầu cho được, lấy mong muốn làm sự. Hai là sanh khởi mong muốn ưa thích vật đã tìm cầu rồi làm sự. Ba là tìm cầu được rồi thì phát triển làm sự. Bốn là khi đã phát triển rồi thì gìn giữ làm sự. Năm là đã giữ được rồi, sau đó bị phá mất, thì lo buồn làm sự. Lại nữa, khát ái dựa vào năm ấm nên có năm. Dựa vào sáu căn nên có sáu. Dựa vào sáu căn, mỗi căn đều có ba thọ, nên thành mười tám. Lại nữa, dựa vào kiết sử và xa lìa kiết sử nên có ba mươi sáu thứ. Như vậy, tham ái là cây, tùy miên là gốc, Ngã ái là hành trang (phân nước…), thọ là chi thân. Tham ái nơi ba cõi là tàn cây cao lớn. Sáu ái tích tập là cành. Ái hành là lá sum suê. Một trăm lẻ tám ái là hoa. các thứ sanh v.v… là quả ác. Như đây, thì khát ái này là nhân tích tập của khổ, là nhân sanh khổ; gọi là khát ái; tức những gì trong đấy cần phải biết.
Tướng khát ái là tướng trạng tâm ham thích. Sự là, mười một loại như: không biết chán, đủ, v.v… Duyên là, xét công đức của pháp hữu vi làm duyên.
Ông hỏi: Khát ái nói ở đây, nghĩa đã trội hẳn, vì sao khát ái chính là Tập? Lời nói kia tự nó đã đầy đủ rồi?
Đáp: Khát ái có nhiều loại. Nếu có chiêu cảm đời sau thì mới quyết định là Tập, ngoài đây thì không được chọn là Tập. Nếu không như vậy thì nghe chánh pháp… cũng phải là Tập. Lại nữa, khát ái có khả năng chiêu cảm đời vị lai, nếu không thể chiêu cảm thì chẳng được chọn là Tập. Lại nữa, khát ái ấy nếu tương ưng với ham thích dục, thì gọi là Tập; nếu không như vậy thì chẳng được chọn là Tập. Lại nữa, vì muốn giản lược bớt pháp tương tợ Tập đế nên nói là khát ái. Lại nữa, nắm giữ là để hiển bày chứng minh về lượng. Như khổ ở đời hiện tại, do khát ái sanh, ấy là chứng minh về lượng đã có được; nên biết quá khứ khổ đã sanh thì không xa lìa khát ái, như kinh trưởng giả Úc-già đã dạy.
Ông hỏi: Đã nói khát ái rồi, cần gì nói khả năng chiêu cảm hữu sau?
Đáp: Khát ái ở đây nói chưa rõ, cho nên trình bày khả năng chiêu cảm hữu sau để nói rõ khẳng định về khát ái. Nếu chỉ nói khát ái là Tập, thì A-la-hán làm cạn nước ái… cũng phải là Tập. Nếu có làm cạn ái thường làm chỗ y chỉ diệt trừ khát ái, thì đó cũng phải thành Tập.
Ông hỏi: Khả năng chiêu cảm hữu sau của Tập, nghĩa ấy là thế nào?
Đáp: Luôn làm cho thức ấm v.v… bám vào hữu sau. Vì sao? Vì ngã và ngã sở là nơi để chấp. Như vậy, khát ái thường làm cho thức v.v… chấp vào nơi này. Như bụi nhỏ bám vào áo ướt, hạt giống bám vào ruộng ướt. Lại nữa, nó còn có khả năng sanh ra hữu ở vị lai, như mẹ sanh ra con. Lại nữa, nó có thể làm thức ăn ở đời vị lai; như Thức thực, Xúc thực. Lại nữa, vì khả năng dẫn dắt, khả năng tham ái nên nói có khả năng chiêu cảm hữu sau. Lại nữa, có các Luận sư kì cựu, trước đây giải thích lời dạy của Phật: Khát ái có bốn nhân duyên, thường chiêu cảm hữu sau. Một là có khả năng khiến cho duyên nhau, như kinh dạy:
Tùy miên, tham ái chưa đoạn trừ được, thì khổ này thường sanh liên tục, như mạch nước trong hồ. Hai là khả năng thâu tóm các đạo. Như kinh dạy: “Nếu Tỳ-kheo đối với cảnh giới của sắc v.v… mà sanh khởi tham dục, ái chấp trước, thì thức tùy dựa theo sắc mà trụ; thọ tưởng, hành cũng như vậy. Ba là khả năng trói buộc, khả năng nối tiếp. Như kinh dạy: Có khả năng trói buộc, liên tục không rời bỏ cảnh, khiến ba hữu ở đời vị lai được sanh. Bốn là khả năng khiến thọ sanh. Như trong kinh dạy: Ở nơi có bốn việc ăn này, nếu có ái dục, danh sắc liền sanh.
Ông hỏi: Khả năng chiêu cảm hữu sau, tướng ham thích dục quyết định, tùy theo mỗi nơi mà ái tham đắm, vì sao lại nói nhiều loại?
Đáp: Ba câu này đều là tên khác của khát ái. Ví như tay người gọi là Át-tất-đa cũng gọi là Kha-la, cũng gọi là Ba ni. Lại nữa, cảnh giới bè bạn của quả cũng riêng khác, thế nên nói nhiều loại. Vì khả năng cho quả ở vị lai nên nói khả năng chiêu cảm hữu sau. Vì ham thích dục là bạn, nên mới nói tướng ham thích dục quyết định. Vì tùy thuận chấp giữ các cảnh, nên nói tùy theo mỗi nơi mà ái tham đắm. Vả lại, có pháp chỉ chiêu cảm hữu sau mà không thuận theo với tướng hỷ dục, như tùy miên, tham ái. Có pháp chỉ thuận theo hỷ dục mà không thể sanh hữu, như không đọa vào tham của cõi. Vì thế mà nói đủ nhiều tên khác nhau.
Ông hỏi: Nghĩa của hỷ dục là thế nào?
Đáp: Hỷ là đối với những gì bồi đắp (hành trạng) của hữu, tâm sanh ra sự an lạc, gọi là hỷ lạc, tâm sanh dục gọi là hỷ dục; ví như sắc dục. Lại nữa, hỷ (vui mừng) các loại dục gọi là hỷ dục, thí như bình báu. Lại nữa, lạc này có nhiễm gọi là hỷ, tâm đắm trước gọi là dục; kết hợp hai điều này gọi là hỷ dục, thí như danh sắc. Lại nữa, cùng hỗ trợ cho nhau mà sanh, gọi là hỷ dục; như quả hạt Am-la…
Ông hỏi: Nghĩa của tương tùy (tùy thuận nhau) là thế nào?
Đáp: Nghĩa cùng chung gọi là tùy, Tùy miên này cùng với tâm trên làm bạn, có thể sanh hữu sau. Lại nữa, ái cảnh bên ngoài cùng hiện hành, nên nói ái bên trong cùng thuận theo hỷ, thí như ái thủ. Lại nữa, tùy nghĩa là đắc địa. Lại nữa, bộ Phân biệt nói: Tương tùy có bốn loại: Một tương tùy cảnh giới; hai là tương tùy tương ưng; ba là tương tùy gián tạp; bốn là tương tùy duyên khởi. Tương tùy cảnh giới là như Kinh dạy: Nếu người khởi giác quán thì phân biệt tương tùy cùng với sắc. Tương tùy tương ưng là như Kinh dạy: Tâm này tương tùy với từ. Tương tùy gián tạp là như Kinh dạy: Người tu tập ấy tu tập tín căn tương tùy với tâm từ. Lại nữa, có kinh nói: Nhiễm trước vào tương tùy oán giận, là tương tùy của tư duy. Tương tùy duyên khởi là như Kinh dạy: Tu tập chánh kiến tương tùy với không buông lung. Luận này đã nói rõ về Hỷ dục tức là tương tùy gián, tạp.
Ông hỏi: Nói kỹ lại về ái tham chấp các nơi thì thế nào?
Đáp: Trong ba cõi, ái chấp trước tất cả mọi cảnh giới. Đối với các cõi, ái chấp trước mọi nơi sanh ra. Đối với các nơi sanh ra, ái chấp trước vào tất cả tụ chúng sanh. Đối với tụ chúng sanh ái chấp trước vào các căn. Đối với các căn, ái chấp trước vào các trần. Đối với các trần ái chấp trước vào tất cả các nghiệp. Lại nữa, tâm như vượn theo cảnh, không cố định, thường ưa chấp giữ các trần, tùy thuận chạy theo khát ái với đủ mọi hữu và tư lương của hữu, do đó, tùy thuộc, thâu nhiếp, xả bỏ ái chấp trước mọi nơi. Lại nữa, quán chỗ chấp trước, mong cầu hiện hành không nhất định; ví như trộm bò và lúa. Lại nữa, xả bỏ, chấp giữ các trần khác cũng không xa lìa dục. Ví như mẹ của năm người ở tù. Vì thế cho nên nói: ái chấp trước mọi nơi.
Ông hỏi: Có các Hoặc khác, có thể làm tướng của Tập; tại sao chỉ nói khát ái là Tập?
Đáp: Vì nó trội nhất. Như chỗ của vua Khát ái đã đến, chúng thần các Hoặc đều cùng tụ tập. Lại nữa, do khát ái gồm thâu. Nếu khát ái không khiến cho hoặc khác nếm được vị, thì hoặc khác liền diệt. Nếu các Hoặc không khởi, thì tham ái cũng không sanh. Vì sao? Vì chỗ nương tựa không phân biệt. Lại nữa, giả sử không còn Hoặc mà chỉ có tham ái, thì sanh tử cũng khởi, như tay nắm lấy cát ướt. Lại nữa, vì khó phân biệt, do khát ái này cũng nhập vào pháp thiện, nhưng xem như dục của miệng, như oán kết trong nhà. Lại chỉ đến cửa mà không vào; cũng như A-na-hàm đến cửa Niết bàn. Do tham ái nên không thể được vào trở thành bậc thượng lưu.
Lại hỏi: Vô minh cũng trội nhất, sao không lập thành Tập?
Đáp: Không đúng! Vô minh như người mù, do khát ái nên bị rơi vào hố khổ của ấm. Ví như voi mù. Lại vì mong muốn đời sau, nên nhận quả báo ở vị lai không do vô minh. Thí như, sanh ra bị mù mà phải đi vào các cửa. Do nghĩa này nên nói khát ái là Tập.
Ông hỏi: Nhân đâu chỉ nói riêng khát ái là Tập mà không nói về các nghiệp?
Đáp: Phiền não là trội nhất. Vì sao? Vì các tham ái… chính là nhân sanh ra thật sự. Nghiệp thì không như vậy. Vì sao biết? Nghiệp tuy có đủ khắp, nhưng vì tham ái tận, nên các vị A-la-hán về sau không còn sanh lại. Trước đã nói đến Tập tương tợ và chân thật của hữu, thì tham ái có thể làm nhân của hữu; là Tập đế chân thật; nghiệp là nhân dẫn đến hữu, tức là Tập đế tương tợ. Lại nữa, tham… do đạo mà diệt được. nghiệp thì không như vậy. Vì sao? Chư Phật đã tu đạo rốt ráo rồi, vẫn chấp nhận có nghiệp tàn dư còn tồn tại. Lại nữa, nghiệp không còn làm rơi vào các cõi, thì không gọi là Tập đế chân thật.
Ông hỏi: Nếu tham ái… là Tập của phiền não, nghiệp, sao lại chỉ nói là Tập của khổ?
Đáp: Có nghĩa như vậy ở đây thành lập Bốn đế cho nên nói là Tập của Khổ. Vì sao? Vì ở trong Thánh đế, đã chọn lộc nhân chơn thật, nên nói những khát ái… là Tập của Khổ đế. Lại nữa, hữu và sanh ấm, thì khát ái là tập. Khát ái này ở đời hiện tại cùng các duyên như sanh v.v… chung làm Tập của nghiệp phiền não, không giống như khát ái riêng là Tập của khổ mà chỉ nói khát ái là Tập của Khổ đế. Lại nữa, chắc chắn do tùy miên khát ái là Tập của Khổ đế. Để hiển bày nghĩa này, Đức Phật nói kệ:
Gốc cây chưa chặt dứt
Tuy đoạn, còn sanh lại
Tùy miên ái chưa trừ
“Thể” khổ thường tiếp nối.
Căn cứ khát ái trong duyên mà nói thì duyên ái dấy khởi thủ (nắm giữ). Căn cứ khát ái ngoài, duyên mà nói duyên thì thủ khởi nghiệp tìm cầu.
Ông hỏi: Ái của duyên vô minh, duyên quán vị, duyên ba thọ, chúng khác nhau thế nào?
Đáp: Kinh dạy: Vô minh là duyên của ái, ái này là duyên của phiền não khởi. Kinh nói quán các vị nên biết được cảnh sanh khởi thường là tà kiến. Nhân đây ái sanh khởi, ái làm cho nghiệp dấy khởi. Kinh dạy: Do tham ái nên được ba loại thọ. Ái này là duyên cảu thọ dấy khởi. Lại nữa, tất cả phiền não lấy vô minh duyên. Tham ái này duyên với vô minh phát khởi, nên nói ái của duyên vô minh. Tất cả các kiến là duyên của các nghiệp, duyên các kiến này khởi lên tham ái; ái này gọi là ái của duyên nghiệp. Tất cả khổ, lấy ba thọ làm thể, duyên thọ này dấy khởi ái, gọi là ái của duyên ái. Lại nữa, không tin rõ làm nhân, gọi là ái của duyên vô minh. Quán các vị thường, lạc… của pháp hữu vi, lấy tà trí làm nhân, gọi là ái của duyên quán vị. Còn các loại khác làm nhân gọi là ái của duyên thọ. Ái này làm duyên khởi cho đến quả có ba. Bởi vì cảnh giới có sáu.
Ông hỏi: Đã nói bốn đại, xúc, danh sắc là nhân của các ấm. Lại còn nói khát ái làm nhân. Hai cách nói này sao không chống trái nhau?
Đáp: Vì để nói rõ nhân hữu, nên nói hữu khát ái thôi. Vì để làm rõ nhân đẳng phần nên nói bốn đại. Vì để nói rõ các loại nhân nên nói xúc; vì xúc không phải một nên có ba thọ. Vì tin chắc vào nhân, nên nói danh sắc. Như Kinh Đại Duyên Sanh nói:
– Này A-nan! Nếu thức không gá vào thai mẹ, thì Ca-la-la có kết quả không?
– Bạch Thế Tôn! Không được!
Này A-nan! Nếu không có Ca-la-la, thì thức có thể gá vào thai mẹ được không?
– Bạch Thế Tôn! Không được!
Do hai pháp này duy trì lẫn nhau, nên phần cứng được trụ. Lại nữa, nhân từ thời vô thủy gọi là khát ái. Nhân trong một thời gian gọi là bốn đại. Nhân trong sát na là Xúc và Danh sắc thì đủ hai nhân: Nhân đời trước và nhân hiện tại đang sử dụng. Lại nữa, nhân đời trước của năm ấm là khát ái, trong thọ sanh thì bốn đại làm nhân ban đầu, như Cala-la làm nhân của Át-phù-đà… Nhân cùng sanh khởi, gọi là Xúc. Nhân của thời gian trước và cùng (câu) khởi gọi là sắc.
Ông hỏi: Khát ái, vô minh, ngã mạn, nghiệp, thực đều là nhân của khổ. Tướng khác nhau thế nào?
Đáp: Khát ái làm nhân không có cái riêng khác. Nghiệp làm nhân có cái riêng khác. Thực là nhân dẫn dắt, duy trì khổ. Vô minh và ngã mạn làm nhân của tất cả. Lại nữa, khát ái có thể làm nhân của hữu. Nghiệp làm nhân của đạo (cõi). Thực làm nhân bình đẳng. Vô minh và ngã mạn làm nhân lẫn nhau nữa. Lại nữa, khát ái là nhân đúng thật của khổ, là nguồn gốc của khổ, còn các nhân khác chỉ là tư lương, chỉ tích tập, hỗ trợ cho tham ái.
Ông hỏi: Hỷ dục, dục nghĩa chúng thế nào?
Đáp: Cảnh trần đã tiếp xúc, tâm sinh hoan hỷ, do hỷ sanh ái nên gọi là Hỷ dục. Mong cầu cảnh trần chưa được gọi là dục. Do dục này khởi ái, gọi là Dục dục.
Ông hỏi: Rừng dây… là tên gọi khác của tham, nghĩa đó thế nào?
Đáp: Cảnh trần dục là cảnh giới, thường nhiễm vào tâm nên nói: Dục nhiễm. Tham chấp bốn định và quả, gọi là dục cõi Sắc. Tham chấp vào định (Tam-ma-bạt-đề) và quả, gọi là dục về hữu. Thường làm chướng ngại hành Niết bàn, gọi là gai (châm chích). Thường thiêu đốt tâm gọi là lửa dục. Thường làm nhiễm ô tâm gọi là cảnh trần dục thường làm tâm dơ bẩn gọi là cấu uế dục. Thường trói buộc tâm gọi là bên dây dục. Không tư duy, so lường gọi là dây trói dục. Khiến cho si mê gọi là mê muội (dục). Tâm bị chìm đắm gọi là chấp trước dục. Thuận theo hữu vận hành gọi là theo dòng. Thường mong cầu gọi là không chán. Không thấy no đủ gọi là tham. Ngăn cản xa lìa gọi là ngăn che. Thường che dấu, gọi là phiền não. Khiến không lìa hữu gọi là ràng buộc. Suy nghĩ bất chánh bức não gọi là cái dù. Thường loanh quanh, gai góc gọi là dây leo. Càng làm tăng lên gọi là lớn. Dục biến khắp các cõi, đủ cả các căn, trần, nhiều thứ ưa thích, nên gọi là khắp. Chấp vào các trần, dấy khởi nhiều chấp trước gọi là ái chấp. Đối với hành trang trong sanh tử chưa được và được nhưng tâm sanh hoan hỷ, gọi là hỷ dục không biết chán. Tích chứa những tham muốn về ngoại cảnh, về lợi dưỡng, gọi là khát ái. Như vậy, với mọi cách đều liên tục xoay vòng đưa đi, dẫn đến không lìa sanh tử, gọi là tham muốn mãi. Nước phiền não xoay vòng trói buộc bằng dây ái, gọi là lưới dục. Từ trên xuống dưới đều chảy vào biển sanh tử, gọi là sông ái. Ví như bệnh khát biến đổi làm khó chịu phải nhảy vào biển trần cảnh. Do đấy mà không thấy thỏa mãn, gọi là khát. Như biển tóm thâu các dòng nước. Như lửa thiêu đốt củi. Như các mê hoặc không đầy, gọi đó là không dừng nghỉ. Thường trói buộc trong sanh tử, trước sau không gián đoạn, nên gọi là liên kết. Khát ái này tồn tại, khiến cho sanh tử tiếp mãi không gián đoạn. Hoặc chính mình hay người khác mà thường tiếp nhận sanh tử trong sáu đường. Đối với các Hoặc khác gọi là Tập, thì nói đầy đủ như trong phẩm Đại hữu. Phẩm này giải thích về tham ái có mười một loại, cần nên biết:
- Danh.
- Nghĩa.
- Thể.
- Dụng.
- Nhân.
- Đối trị.
- Tịnh.
- Bất tịnh.
- Sanh thứ tự.
- Lập vấn nạn.
- Giải nghĩa.
Nếu hành giả biết những điều này rồi thì khởi quán, tự thực hành và giáo hóa người, để thông tỏ đạo lý. Vì thế nói nghĩa này.