LUẬN TỨ ĐẾ
Nguyên tác: Bà-tẩu-bạt-ma Hán dịch: Đời Trần, Tam tạng Chơn Đế, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

Phẩm Thứ Năm: PHÂN BIỆT VỀ DIỆT ĐẾ

Kinh dạy: Khổ diệt. Lời dạy này là thế nào? Do nhân gì phát khởi? Pháp nào là diệt? Tướng gì, sự gì, duyên gì gọi là Diệt? Nghĩa gì không còn diệt? Xa lìa diệt? Xả bỏ? Đoạn trừ? Bảy nghĩa này khác nhau thế nào? Vì sao tận vô dư gọi là Diệt đế? Ấy là không nói mỗi niệm đều diệt. Nếu khát ái diệt gọi là Diệt đế; vô dư Niết bàn tức chẳng phải Diệt đế. Khát ái sạch hết, thì nên gọi là tập diệt. Vì sao nói khổ diệt? Nếu do khát ái tận, tức là diệt khổ thì người không còn khát ái, thì không khổ. Hiện tại thấy có khổ, thì lý này thế nào? Ở trong mười kết hoặc, chỉ nói diệt khát ái là Diệt đế, để thành lập bốn quả. Làm thế nào thành lập được? Trong mười hai nhân duyên, nói diệt có mười hai loại, vì sao chỉ nói khát ái tận là diệt. Trì tán kệ nói:

Chỗ nào nói nghĩa trên
Bảy nghĩa và diệt niệm
Diệt kia đắc La-hán
Diệt mười kiết, mười hai.

Ông hỏi: Kinh dạy khổ diệt, lời nói này thế nào? Do nhân gì phát khởi?

Đáp: Do pháp này sanh nên pháp này có; do pháp này diệt nên pháp này không; ví như đèn. Lại nữa, đã nói khát ái là nhân của Khổ đế. Nay nói do khát ái tận nên hiển bày sự diệt khổ. Ví như duyên bệnh mà diệt, thì bệnh lành. Lại nữa, khát ái này có mặt khắp ba cõi, phát sanh từ vô thỉ, muốn đối trị các Hữu, nên A-la-hán không diệt trừ khát ái, vì để phá trừ các tà chấp của ngoại đạo nên nói khổ diệt.

Tại sao Ông hỏi: Pháp gì, tướng gì, sự gì, duyên gì là diệt?

Đáp: Diệt có nhiều loại. Một là trung gian diệt. Hai là mỗi niệm diệt. Ba là chống trái diệt. Bốn là diệt không còn sanh lại. Trung gian diệt là: Bố thí, trì giới, thiền định, Tam-ma-bạt-đề có thể diệt ba cõi. Do bố thí này… được pháp thoát ly đã đối trị; nghĩa là tham sân… tạm thời không khởi, gọi là trung gian diệt. Mỗi niệm diệt là tất cả hữu vi thuận theo từng sát na chấm dứt, gọi đó là niệm niệm diệt. Chống trái diệt là pháp hữu vi đó cùng với nhân chống trái, tánh tướng của chúng trái nhau. Vì diệt liên tục nên gọi là chống trái diệt. Ba loại này gọi là tương tợ diệt. Diệt không còn sanh là diệt sạch hết nhân của hữu; năm ấm phải sanh mà không thể sanh được, đấy gọi là diệt chân thật. Có sư khác nói: Nhân và nhân của hữu, khát ái hữu sau không sanh, gọi là diệt. Lại nữa, khát ái và đoạn trừ ái phiền não nghiệp khổ không sanh, gọi là diệt. Lại nữa, dụng chân thật nầy trải qua thời gian, không còn sở hữu, lìa có, lìa không, chứng đắc Niết bàn gọi là Diệt đế, như trong truyện Cù đàm đã kể. Lại nữa, diệt có hai loại:

  1. Phi trạch diệt.
  2. Trạch diệt.

Phi trạch diệt là tự tánh của các pháp hữu vi bị phá hoại, gọi là Phi trạch diệt; như đá rơi trên không trung. Trạch diệt là do lửa trí tuệ có thể thiêu đốt của Hoặc, gọi là Trạch diệt, như do lửa mà củi bị đốt hết.

Lại nữa diệt có ba loại:

  1. Chưa có tức là diệt.
  2. Hàng phục, xa lìa tức là diệt.
  3. Vĩnh viễn xa lìa tức là diệt.

Nếu Hoặc chưa sanh, duyên chưa được tức chưa có là diệt. Nếu Hoặc đã sanh, duyên đã được, nhưng do đạo thế, xuất thế ở hiện tại không cho sanh khởi, tức hàng phục, xa lìa là diệt. Nếu Hoặc đã hàng phục, xa lìa, nhân bị diệt không còn sót; trong vị lai chắc chắn không còn sanh; gọi là diệt bằng cách xa lìa hoàn toàn. Như kinh dạy: “Dục chưa sanh, muốn cho vị lai vĩnh viễn không sanh trở lại thì biết đấy là diệt. Bộ Phân biệt nói:

Diệt có ba loại:

  1. Mỗi niệm diệt.
  2. Chống trái diệt.
  3. Diệt không còn sót; ví như đèn tắt.

Lại có sư khác nói: Diệt có bốn loại:

  1. Tự tánh diệt.
  2. Vô sanh diệt.
  3. Trung gian diệt.
  4. Vĩnh ly diệt.

Không do nhân mà diệt gọi là tự tánh diệt, như kệ:

Các hành đều Vô thường
Pháp ấy là sanh diệt
Nếu sanh trở lại diệt
Tịch diệt này là vui.

Lại kinh dạy: Nếu pháp có sanh pháp ấy tức có diệt, không do dụng công, như vật nặng hay nhẹ, tự nhiên nổi hay chìm; gọi đó là tự tánh diệt. Do không có nhân, nên quả không sanh được, gọi là diệt do không sanh. Như kinh dạy: Do vô minh diệt, nên ba hành không dấy khởi, như trong Thất lưu, nhân hạt giống, mầm bị hư hoại, thì quả không sanh, gọi không sanh tức là diệt. Do năng lực của định, gọi là trung gian diệt. Như kinh dạy: Tâm tối thượng điều phục xa lìa các hoặc, gọi là hữu thời tâm giải thoát. Chín thứ tuần tự diệt, như các sự duyên của Tỳ-kheo Nan-đề-kha làm chứng minh, gọi là trung gian diệt. Do tám Thánh đạo diệt, gọi là diệt, như kinh dạy: Nếu người tu tập tưởng vô thường, có thể diệt tất cả các kiết sử và tùy miên hoặc, do minh sanh mà diệt hết vô minh, cũng gọi vĩnh viễn xa lìa là diệt, ví như bình đã đậy kín và đuốc được đốt sáng. Luận này chính là luận về vĩnh viễn xa lìa là diệt.

Tướng thế nào? Sự thế nào? Duyên thế nào? Không có gì, gọi là tướng diệt. Tâm không còn thiêu đốt, nóng bức gọi là sự của diệt. Thông suốt thật tế, gọi là duyên của diệt. Đại đức nói: Tịch tĩnh là tướng. Tâm an lạc, dừng nghỉ là sự. Tri kiến giải thoát tột cùng là duyên.

Ông hỏi: Gọi là diệt, có nghĩa là gì?

Đáp: Diệt gọi là Ni-lư-đà. Ni là chỉ cho không có. Lư đà là chỉ cho chướng ngại ngăn cản. Khát ái… là pháp thường chướng ngại. Trong đây, hoàn toàn không có, nên gọi là Ni-lư-đà. Pháp chống trái sanh khởi, nên dòng chảy khát ái vĩnh viễn không sanh lại. Ví như ngói, sành nung nóng, màu đỏ, sinh khởi, tướng màu xanh gốc cũ không còn sanh lại.

Ông hỏi: không còn, tịch diệt, xa lìa, diệt mất, dứt bỏ, đoạn trừ, bỏ đi, bảy nghĩa này khác nhau thế nào?

Đáp: Ở đây đều là tên khác của Niết bàn. Bảy tên này đều nương vào khí thế gian mà nói. Như Niết bàn có sáu mươi tên khác nhau. Lại nữa, tâm vắng lặng và tùy miên đều diệt sạch, như cây bị đốn gốc, gọi là diệt không còn. Tuần tự diệt hết, như dụ cán búa, gọi là diệt. Chỗ xưa kia bị trói buộc nay có lực đạo nên không còn trói buộc; như người giàu có, không vướng bần tiện, gọi là xa lìa. Thù thắng, khác với xưa thối lui, như bậc Thánh xa lìa; vì xấu ác đã tận, gọi là diệt. Lại như nghĩa trước, Ni-lư-đà gọi là diệt. Nếu pháp với Hoặc lìa nhau, cũng ví như xả bỏ vật, gọi là xả bỏ đời hiện tại. Hiện tại và vị lai không còn tiếp nối, ví như các căn bên trong, gọi là đoạn diệt. Không còn nắm giữ, như bình đựng nước úp lại gọi là bỏ đi. Lại nữa, tất cả khát ái đều dứt sạch, gọi là không còn. Dần dần phá hủy gọi là diệt. Quán quá khứ, tâm không dấy khởi chấp trước, gọi là hành viễn ly. Đoạn trừ các kết sử, duyên khởi cũng không còn, nên gọi là diệt. Giải thoát phiền não gọi là xả. Duyên với trí mà Hoặc ban đầu, vĩnh viễn diệt gọi là đoạn. Trước chấp về ngã, nay đã xả bỏ, nên gọi là trừ bỏ.

Ông hỏi: Vì sao diệt hết không còn sót gọi là Diệt đế, mà không nói mỗi niệm diệt…?

Đáp: Do diệt không còn sót, nên khổ vị lai không thể sanh lại; chứ không do mỗi niệm diệt mà nói. Không còn sót (Vô dư) gọi là khổ bị diệt hết, nên không nói mỗi niệm diệt… nếu quán tướng của diệt không còn sót, vắng lặng v.v… thì có thể diệt trừ các hoặc; mỗi niệm diệt… thì không như vậy. Lại nữa, vì tùy thuộc vào đạo, vì không còn pháp nào tối thắng hơn, vì thịên chân thật vì đắc pháp bất cộng, vì phiền não không thể phá hoại, vì nói không chống trái, vì duyên an tâm, nên nói ‘Không còn sót” tức là Khổ diệt, mà không nói mỗi niệm diệt.

Ông hỏi: Nếu diệt trừ khát ái, gọi là Diệt đế, thì vô dư Niết bàn chẳng phải Diệt đế sao?

Đáp: Luận sư khác nói: Vì là quả phạm hạnh thanh tịnh, nên phiền não diệt gọi đó là Diệt đế. Diệt tất cả giả danh, gọi là vô dư Niết bàn. Ở đây đã bàn luận về cảnh giới Vô dư Niết bàn là Diệt đế chân thật. Vì sao? Vì đạt được diệt này là chứng đắc phạm hạnh thanh tịnh, như trong kinh Phú-lâu-na thất xa thí có dạy: Các A-la-hán đã diệt hết Hoặc không còn sót, nhưng các khổ tổn hại trói buộc như: Lão, bệnh, tử, lạnh nóng, đói khát vẫn còn chưa dứt, vì thế cảnh giới Vô dư Niết bàn là Diệt đế chân thật. Diệt đế chân thật này do nhân tận mà có được, nên cũng gọi khát ái tận là Diệt đế chân thật. Luận Ưu Ba Cấp Đa Đạo Lý Túc dạy: do có thể làm cho đạt đến cảnh giới Vô dư Niết bàn, cho nên tham ái tận được gọi là Diệt đế. Tuy nhiên, hai cảnh giới Niết bàn là Hữu dư và Vô dư, đều gọi là Diệt đế. Vì sao? Vì nhân diệt thì gọi là Hữu dư; quả diệt thì gọi là Vô dư. Do nhân diệt nên hữu nhân đó mà diệt, như đèn tắt thì ánh sáng dứt. Vì thế hai diệt đều gọi là Diệt đế.

Ông hỏi: Khát ái dứt lẽ ra gọi là Tập diệt, mà sao lại nói là khổ diệt?

Đáp: Lửa khổ, dùng khát ái làm củi. Nếu không còn củi khổ khát ái, thì lửa khổ liền diệt, như củi hết thì lửa tắt. Lại nữa, Khổ đế lấy ái làm thức ăn để trụ, do thức ăn ái đoạn nên Khổ đế liền hết, gọi đó là khổ diệt. Các sư kỳ cựu nói: Không phải vì lìa khổ quá khứ và hiện tại, mà Đức Phật tu phạm hạnh thanh tịnh. Vì sao? Vì tự tánh của quá khứ đã diệt, cùng với hiện tại chắc chắn phải lìa nhau, nên chính là vì làm cho khổ vị lai không sanh, do đó Đức Phật tu phạm hạnh thanh tịnh. Khổ nầy không sanh là do khát ái dứt hết. Căn cứ khổ đời sau hết sạch mà nói ái đoạn khổ diệt.

Ông hỏi: Nếu do khát ái dứt hết, nên khổ diệt, thì người không có khát ái, phải không có khổ, mà hiện tại thì thấy có khổ, lý này thế nào?

Đáp: Khổ lo buồn, hối tiếc thiêu đốt đã vắng lặng, như kinh Thủ trưởng giả đã nói. Lại nữa, vĩnh viễn xa lìa tâm bệnh, như đã nhổ sạch gai trong tim. Lại nữa, mong cầu khổ đoạn, như đã giàu có, thỏa mãn sáu trần. Do khát ái diệt, nên các vị A-la-hán vĩnh viễn xa lìa tâm khổ, mà không trái với lý. Lại nữa, chẳng phải khổ của quá khứ, vị lai và hiện tại mà gọi là Khổ đế, cũng chẳng phải đối tượng phá trừ của Thánh đạo. Vì sao? Vì quá khứ đã chấm dứt, vị lai chưa có và hiện tại chắc chắn phải lìa nhau; chỉ do thông suốt cõi chân thật, nên khát ái diệt tận. Do xa lìa khát ái, nên về sau khổ không sanh, lại tu tám chánh đạo, do nghĩa này nên nói A-la-hán không có khổ, như thí dụ hết bệnh.

Ông hỏi: Trong mười kiết hoặc, chỉ nói khát ái diệt là Diệt đế, thì an lập bốn quả, thế nào thành được?

Đáp: Tham ái có bốn loại. Các quả vị như Tu-đà-hoàn… đã phá trừ, do diệt này nên các kiết sử khác cùng khởi một lúc đều diệt sạch, gọi là Diệt đế. Vì thế thành lập được bốn quả, với lý này thì không trái. Lại nữa, vì cùng một tướng, một vị. Nếu nói khát ái diệt tức nói tất cả kiết sử diệt, cũng như nói tám Thánh đạo tức là nói tất cả phẩm đạo. Do cùng một tướng, cùng thành một việc. Lại nữa, có các hoặc khác, cũng có thể thành lập tướng Tập đế, nhưng khát ái là khả năng chính nối tiếp đời vị lai, khiến có hữu sau. Vì nghĩa này, nên chỉ nói khát ái gọi là Tập đế. Như vậy tất cả hoặc diệt hết thì đều nhập vào tướng Diệt đế, chỉ có nhân diệt sạch, tức khát ái diệt, gọi đó là Diệt đế.

Ông hỏi: Mười hai duyên sanh, nói diệt có tới mười hai loại; sao chỉ nói diệt sạch khát ái là Diệt?

Đáp: Như trước đã hỏi về vấn nạn này nên tự tìm hiểu vậy. Với lại như đạo đoạn ái tận dục, diệt và Niết bàn; Năm tên gọi này, nghĩa là một, nhưng hỗ trợ hiển bày. Thế nên, nói khát ái hết; tức là nói đoạn mười hai đạo đoạn. Lại nữa khát ái tận là Diệt chung diệt của mười hai đạo v.v… gọi là Diệt riêng.

Hỏi: Tên riêng của Niết bàn gồm có sáu mươi sáu câu, nghĩa của chúng là thế nào?

Đáp: Tất cả các câu đều là pháp Vô vi, ca ngợi về tướng mạo. Nhân thiết lập đối trị, trái nghịch v.v… phải giải thích rộng do đâu như thế. Niết bàn này không sanh, không trưởng, không diệt, chẳng phải nhân duyên tạo ra. Trái nghịch pháp hữu vi, nên nói là Vô vi. Sáu mươi sáu câu là:

  1. Cao vượt ba cõi, lìa hẳn thiên chấp dưới thấp, không có gì bằng, nên nói Vô hạ.
  2. Vĩnh viễn xa lìa các dòng, các dòng không còn sanh lại, chẳng còn lưu lại dấu tích, nên nói Vô lưu.
  3. Chẳng hư vọng, chẳng điên đảo, chẳng chống trái; nên nói Chân đế.
  4. Không nghi ngờ lo sợ rắn độc của các cõi, tận cùng ba cõi xả bỏ chỗ dụng công, vượt biển sanh tử, nên gọi là Bỉ ngạn.
  5. Trí tối thắng thông hiểu, nên nói là Thính tế (thông tỏ tường) tận.
  6. Như hoa Ưu đàm ở thế gian khó gặp, nên nói Nan kiến (khó thấy).
  7. Không lão, không phá, nên gọi là Vô hoại.
  8. Không động bản hữu nên gọi là thường ở nơi Vô tránh.
  9. Pháp đối trị trừ bỏ, thể đầy đủ không thiếu, nên nói Vô thất (không mất).
  10. Vượt qua cảnh giới của mắt, không có pháp nào bằng, nên nói Vô thí (không có thí dụ).
  11. Không có các kiến, tham ái, mạn chấp, nên nói Vô hý luận.
  12. Lửa hoặc diệt sạch nên nói là Tịch tĩnh.
  13. Vượt qua cảnh giới thần tử, nên nói là Cam lộ.
  14. Là mùi vị ngon nhất, vắng lặng đáng yêu nên gọi là Cực diệu.
  15. Vẳng lặng không có khổ nên gọi là Chỉ.
  16. Pháp thiện chân thật gọi là An.
  17. Không bị khát ái thiêu đốt, nên gọi là Ái tận.
  18. Mọi người sanh sự tán thán điều kỳ diệu nên gọi là Hy hữu.
  19. Trong sanh tử chưa hề được, vì đức này, nên gọi là Vị tằng đắc (chưa từng được).
  20. Các sự ngang trái của lão… không thể làm hại, nên gọi là Vô uổng (không oan uổng).
  21. Bên trong không thiếu, bên ngoài không có chướng ngại xấu ác, nên nói Vô tai (không bị tai họa).
  22. Không có khổ sanh của đời sau an lạc rốt ráo, nên gọi là Niết bàn.
  23. Khác với tướng “có, không” nên gọi là Nan tư (khó lường).
  24. Cùng xa lìa việc sanh các tội lỗi được an lạc, nên gọi là Bất sanh.
  25. Các ma không tìm đến được, nên gọi là Vô tích (không vết tích).
  26. Không do nhân mà thành, nên nói Phi tác (chẳng phải tạo tác).
  27. Chẳng phải nơi buồn thương hiện hành nên nói là Vô ưu (không buồn).
  28. Một khi chứng đắc thì không thối lui, nên gọi là Trụ.
  29. Không có pháp tương tợ nên gọi Vô đẳng (không gì bằng).
  30. Vĩnh viễn xa lìa chấp giữ, ham muốn nên gọi là Vô cầu (không mong cầu).
  31. Trước sau không giới hạn nên gọi là Vô biên.
  32. Khó có thể thông đạt nên gọi là Vi tế.
  33. Không còn bị bức bách nên gọi Vô tổn (không tổn hại).
  34. Không có Hoặc, nhiễm trước nên gọi là Ly dục.
  35. Không có những lỗi lầm sai trái nên gọi là Tịnh.
  36. Kiết sử trói buộc đều đoạn trừ, nên gọi là Giải thoát.
  37. Lìa xa nơi nương tựa nên gọi là Phi trụ (chẳng phải trụ).
  38. Không có hai pháp nên gọi là Phi đối (chẳng phải đối).
  39. Không gì bằng nên gọi là Đẳng (bằng).
  40. Các nơi đi vào đều lắng xuống nên gọi là Vô hại.
  41. Ngoại đạo không đắc được nên gọi là Thậm thâm (rất sâu).
  42. Nếu xa lìa lời giảng dạy chơn chánh của Phật thì không hiểu rõ, nên gọi là Nan giải (khó hiểu).
  43. Quán xét các công đức này, khiến đạt đến bờ giác kia, gọi là có Năng độ (khả năng vượt qua).
  44. Định của pháp tối thượng thì đứng đầu, nên gọi là Vô thượng.
  45. Thâu thập tìm tòi trong biển pháp, chỗ thu hoạch chân thật, là sở đắc của bậc thượng nhân, nên gọi là Thắng.
  46. Muôn hạnh đạt được là tối thượng vô giá, nên gọi là Thánh quả.
  47. Xa lìa nhân lo sợ nên gọi là Vô úy.
  48. Thánh ái mộ kiên cố, nên gọi là Bất xả (không bỏ).
  49. Phàm, Thánh đều có nên gọi là Biến mãn (khắp đầy đủ).
  50. Công đức khó lường nên gọi là Vô lượng.
  51. Không thuộc về sáu đường nên gọi là Vô số.
  52. Thể rất kiên cố chân thật nên gọi là Bất phá (không thể phá hoại).
  53. Không có pháp nào trên nữa nên gọi là Tôn.
  54. Tịnh tối diệu đáng xưng tán nên gọi là Ưng tán (đáng khen).
  55. Nơi dừng trú của bậc Thánh nên gọi là Xá.
  56. Có thể cứu khổ cho chúng sanh nên gọi là Quy y (quay về nương tựa).
  57. Sự tranh cải đã vắng lặng nên gọi là Vô tránh.
  58. Vốn có chẳng phải tạo tác nên gọi là Vô giả (không nhờ).
  59. Xa lìa dục, sân, si nên gọi là Vô cấu (không có cấu nhiễm).
  60. Loại trừ bóng tối vô minh, nên gọi là Đăng (đèn).
  61. Các thọ vắng lặng nên gọi là Lạc.
  62. Thoát khỏi đọa lạc cảnh sắc… nên gọi là Vô đọa (không bị đọa).
  63. Không chìm trong bốn dòng nên gọi là Châu (cù lao).
  64. Tâm tán loạn không thể chứng đắc nên gọi là Bất động.
  65. Rủ bỏ sạch mười tướng nên gọi là Vô sở hữu (không còn có gì).
  66. Không nương tựa chỗ nào nên gọi là Vô trước (không chấp trước).

Kinh Bộ hỏi: Thế nào gọi là tư Trạch diệt?

Đáp: Lìa xa các kiết sử gọi là tư Trạch diệt.

Hỏi : Pháp gì để xa lìa kiết sử (suy nghĩ về Trạch diệt)?

Đáp: Là Tư Trạch diệt. Nếu vậy giải thích, hai pháp này hỗ trợ lẫn nhau, cuối cùng không thể làm rõ thể, tướng của hai pháp. Vì thế, phải tách biệt phương tiện nói tướng và thể của chúng. Bậc Thánh không phân biệt, chỉ chứng trí thì biết được thể, tướng này. Như vậy có thể nói là rất sai khác đối với vật khác. Hoặc nói xa lìa kiết sử, hoặc nói tư trạch diệt.

Các Sư Kinh bộ nói: Tất cả các pháp vô vi chẳng phải là vật hiện có. Vì sao? Không như sắc, thọ có; đối với các vật khác, thì vật nào chỉ vì không có tiếp xúc, tức gọi là hư không? Như kinh nói: Trong bóng tối không có ngăn ngại, không bị che lấp, thì gọi là hư không. Do năng lực của Bát nhã và tùy miên hoặc ở hiện tại, thể, tánh, chúng chống trái nhau, phần sau này không còn sanh, gọi là Tư trạch diệt. Xa lìa tư trạch này, nhân duyên không đủ. Phần còn lại không được sanh, gọi là Phi tư Trạch diệt. Ví như giữa một chu kỳ sống chết, bất ngờ chết, quả còn lại không tiếp tục nữa.

Luận sư bộ khác nói: Tùy miên, phiền não về sau không sanh được, là do năng lực suy nghĩ, chọn lựa này nên gọi là tư Trạch diệt. Do duyên không đủ, về sau khổ không còn sanh; trong đấy không có năng lực suy nghĩ, chọn lựa; nên nói là Phi Tư Trạch diệt. Luận nói: Nghĩa ấy không đúng. Nếu lìa suy nghĩ, chọn lựa, thì diệt đó không thành tựu. Cho nên biết thuộc về Tư trạch diệt. Lại nữa, các bộ khác nói: “Như pháp đã sanh về sau tự diệt. Do đó, tự tánh diệt gọi là Phi tư Trạch diệt”. Nếu như chấp này là Phi tư Trạch diệt thì nên là vô thường. Vì sao? Vì pháp khi chưa hoại thì chưa có diệt.

Ông hỏi: Nếu như vậy, thì tư Trạch diệt cũng phải là vô thường. Vì sao? Vì Tư trạch có trước, sau đó bị diệt?

Đáp: Sự diệt này không lấy Tư trạch làm trước. Vì sao? Vì pháp chưa sanh, không sanh àm tồn tại sau Tư trạch thì không có nghĩa này. Vì sao? Vì khi chưa suy nghĩ chọn lựa thì pháp chưa sanh, không sanh xưa nay vốn đã có, pháp ấy phải sanh. Khi Tư trạch chính thức khởi lên, thì sau đó pháp không được sanh, đó là do lực của Tư trạch. Hoặc này từ xưa đến nay chưa có sanh chướng ngại, nay nhờ lực Tư trạch đọn trừ sự sanh của chúng. Ngoại đạo hỏi: Nếu quyết định lấy nghĩa “không sanh” là Niết bàn, thì làm sao giải thích thông suốt Kinh Quốc Thí. Kinh nói: Thường tu tập, thực hành nhiều công năng diệt của năm căn: Tín v.v… và đoạn dứt các khổ nơi quá khứ, hiện tại và vị lai, gọi là Niết bàn. Như vậy, không sanh, chỉ thuộc ở vị lai, chứ chẳng phải hiện tại và quá khứ?

Đáp: Có Kinh như đây, mà nghĩa, không như văn. Vì sao? Vì thường duyên khổ, hoặc trong ba đời đã diệt, nên gọi là Khổ diệt. Như các kinh khác dạy: Này các vị! Nên xả bỏ ái dục đối với sắc. Do ái dục diệt nên sắc ấm của các ông tức sẽ diệt lìa, cho đến thức ấm cũng vậy. Vì nghĩa kinh nên diệt khổ trong ba đời. Nghĩa Kinh nên như vậy.

Ngoại đạo hỏi: Nếu nói khổ diệt thì nghĩa đó có thể như thế. Lại như trong kinh Quốc Thí dạy: Tu tập năm căn có thể diệt Hoặc của đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Tại sao không trái với kinh này?

Đáp: Như trước đã giải thích, lại có giải thích khác: “Hoặc” của quá khứ thì thuộc về đời trước. “Hoặc” của đời hiện tại thì thuộc về đời nay. “Hoặc” trong hai đời này, ở trong sự liên tục thì chủng tử đã thành tựu, có thể sanh mầm mê hoặc ở vị lai. Do diệt được chủng tử này, nên nói diệt được Hoặc của ba đời. Như quả báo đã hết thì nói nghiệp nhân dứt. Tức khổ và hoặc vị lai dứt; vì chủng tử không có nên vĩnh viễn không sanh trở lại. Cho nên, trong kinh mới nói là Hoặc của ba đời đều diệt. Nếu không như vậy, thì quá khứ, hiện tại làm sao có chỗ diệt.Vì sao? Vì pháp đã diệt và pháp hướng đến diệt dụng công làm sao thực hiện được.

Ngoại đạo hỏi: Như kinh Thượng Thắng dạy: Trong tất cả pháp hữu vi và vô vi, nhân của pháp lìa dục là “không có”; vì sao “không có” lại hơn pháp “không có” khác?

Đáp: Tôi không nói vô vi nhất định là “không có”. Như trước đã nói: Vì như thế nên có. Ví như người thế gian nói: Trước khi có tiếng là không có tiếng; sau khi có tiếng là không có tiếng. Không thể vì nghĩa này mà nói cho rằng không có vật gì trở thành có. Nên biết nghĩa Vô vi cũng vậy. Tuy giống là “không có” mà có, “không có” mà được tán dương hơn pháp khác; “không có” ấy như những tai họa ngang trái rốt ráo không sanh. Vô vi này là thù thắng rất đáng tán thán, được người tiếp nhận sự giáo hóa khởi tâm nguyện cầu. Vì thế cho nên, Đức Phật khen ngợi.

Ngoại đạo hỏi: Nếu pháp vô vi chỉ là không có pháp, là diệt thì trở thành Thánh đế. Vì sao? Vì không có gì là có (Vô sở hữu)?

Đáp: Nếu vậy, nghĩa đế là thế nào?

Ngoại đạo nói: Không điên đảo là nghĩa của đế.

Đáp: Hai pháp này bậc Thánh quán xét đều không có điên đảo. Khổ như là tướng; tướng khổ không có như là Vô tướng. Do nghĩa này cho nên đâu có trái với Thánh đế!

Ngoại đạo hỏi: Vì sao không có vật là đế thứ ba?

Đáp: Thành lập làm Thánh đế, như trước đã nói: Nương vào đế thứ hai thì tiếp sau nói là đế thứ ba.

Ngoại đạo hỏi: Nếu vô vi chỉ là không có pháp, thì trí duyên hư không và Niết bàn tức không có cảnh giới?

Đáp: Tôi không nói Nhất thiết trí lấy có pháp làm cảnh. Hoặc như duyên pháp ‘có” là chẳng phải ở đời quá khứ, vị lai, thì có vật làm cảnh; hoặc duyên với pháp khác, thì pháp “không có” làm cảnh.

Ngoại đạo hỏi: Nếu ông chấp nhận vô vi có vật, thì có ở đâu?

Đáp: Nếu tôi chấp nhận vô vi có vật, có ở chỗ nào đó thì sao?

Ngoại đạo hỏi: Nếu ông chấp nhận thì nghĩa của tôi được chọn lấy.

Đáp: Chư thiên nên chọn lấy. Nếu chấp nhận được chọn lấy thuyết của ông, tức chấp nhận nghĩa không thật. Vì sao? Vì pháp vô vi không như sắc, thọ mà tánh của chúng có thể chứng. Không như sự việc mắt có thể nhìn thấy là vật, là diệt. Sao có thể phân biệt là vô vi và hữu vi. Sự việc chẳng liên quan nhau. Vì sao? Vì chẳng phải nhân quả, lẫn nhau, chỉ trái nghịch khát ái là lý của đạo ấy. Như nói “Hoặc” vốn không có gọi đó là vô vi.

Ngoại đạo nói: Nếu thành lập pháp vô vi là có, do Hoặc này khi đạt đạo, chứng đắc là đoạn thì có thể nói diệt này là Hoặc diệt. Nếu nói vô vi là không có pháp, thì vô vi này nhân gì có thể quyết định đạt đạo, chứng đắc? Kinh dạy: Tỳ-kheo ấy đã đạt đạo, chứng đắc Niết bàn ở pháp hiện tại. Nếu Niết bàn là không có thì sao có thể đạt đến, chứng đắc?

Đáp: Do đối trị sanh khởi chứng đắc nối tiếp chống trái rốt ráo với Hoặc sinh đời sau. Cho nên, nói đạt đến, chứng đắc hiện pháp Niết bàn. Lại các kinh A-hàm dạy: Chỉ vì không có pháp nên gọi đó là Niết bàn. Kinh dạy: Là khổ diệt, Vô dư, Xả bỏ tận cùng và Ly dục. Khổ không tiếp nối đến, không sinh là Tĩnh, là Diệu”. Xả những gì? Tất cả những chấp thủ, bao gồm những khát ái và dứt hết bát Niết bàn.

Ngoại đạo hỏi: Vì sao không chấp nhận ở trong đó (Niết-bàn) những vật khác không sanh mà chỉ nói đây không sanh gọi là Niết bàn?

Đáp: Tôi nhận thấy chấp thủ này, không có cái gì có thể hơn được. Ông cho là ở trong đó vật khác không sanh thì vì là có nên không sanh vật khác hay vì là chứng đắc nên không sanh vật khác? Nếu là có nên không sanh vật khác thì Niết bàn thường có trong cõi phải vĩnh viễn không sanh. Nếu do chứng đắc nên không sanh vật khác thì các bậc A-la-hán chứng đắc lúc này năm ấm phải diệt ngay. Nếu như các ông chấp có thì lỗi lầm như thế. Do đó, biết chỉ vô sở hữu mới gọi là Niết bàn. Như kệ nói: Như lý đạo chân chánh. Kệ nói: Như ánh đèn tắt. Tâm giải thoát cũng vậy. Như ánh đèn tắt, thì chẳng phải là có vật. Tâm Phật giải thoát, lại cũng như vậy.

Pages: 1 2 3 4