LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ-tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 6

Phẩm 11: PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC

Hỏi: Sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng thực hiện như thế nào, trong một ngày đêm thực hành mấy thời?

Đáp:

Dùng gối bên phải quỳ sát đất,

Trệch áo bày vai bên tay phải,

Chắp hai tay tâm thật cung kính,

Trong một ngày đêm hành sáu thời.

Để tỏ lòng cung kính nên quỳ đầu gối bên phải chấm đất, để hở vai bên phải và chắp tay. Cách lễ ấy phải làm vào thời lễ đầu hôm, kính lạy hết thảy chư Phật, sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng. Giữa đêm và gần sáng cũng làm như vậy. Ban ngày thì buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều cũng làm như vậy. Cả ngày đêm là sáu thời, một lòng nhớ đến chư Phật như ở ngay trước mặt mình.

Hỏi: Thực hành như vậy rồi được quả báo gì?

Đáp:

Nếu như thực hành dù một thời,

Phước đức mà thật có hình tướng,

Thì thế giới như cát sông hằng,

Cũng không thể nào chứa hết được.

Thực hành như vậy trong một thời mà phước mình có được, nếu như có hình tướng thì ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn vẫn không chứa hết. Như trong phẩm Trừ Tội Nghiệp của kinh Tam Hữu có nói: “Phật bảo Xálợi-phất: Nếu có người thiện nam-người thiện nữ nào đem bảy báu đầy ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, bố thí cho chư Phật, nếu lại có người khuyến thỉnh chư Phật Chuyển pháp luân, thì phước đức của người này lại vượt xa phước bố thí kia”.

Lại nữa, như phẩm Tùy Hỷ Hồi Hướng trong kinh Bát Nhã Ba La Mật nói: “Hay lắm! Hay lắm! Này Tu-bồ-đề! Thầy có thể làm việc Phật, nói cách hồi hướng cho các Bồ-tát . Nếu Bồ-tát nghĩ như vậy: Như chư Phật đã thấy biết về thể tướng, gốc ngọn phước đức căn thiện này do đâu mà có mình cũng như vậy thuận theo sự thấy biết của chư Phật mà hồi hướng. Người này được nhiều phước, ví như chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng đều thành tựu được mười thiện đạo, thì phước đức mà Bồ-tát hồi hướng sẽ cao tột hơn hết, rất tốt đẹp không gì bằng, không gì có thể đem so sánh. Thầy Tu-bồđề! Nếu chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, thành tựu mười thiện đạo; hoặc chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng đều được Tứ thiền, phước ấy so với phước hồi hướng này, thì hồi hướng vẫn là tối thắng-tối diệu-tối thượng. Bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, năm thần thông, được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-Phật đạo, cũng lại như vậy, pháp hồi hướng là phước đức tối thắng-tối diệu- tối thượng. Thầy Tu-bồ-đề! Nếu chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, đều thành Bích-chi-Phật, hoặc có chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; lại có chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, trong ấy có một Bồ-tát đem tâm chấp tướng, cúng dường các chúng sinh này những y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang, trải qua vô số kiếp nhiều như cát sông Hằng, dùng mọi thứ âm nhạc cung kính cúng dường, tôn trọng khen ngợi, mỗi một Bồ-tát đều làm như vậy. Thầy Tu-bồ-đề nghĩ sao? Các Bồ-tát ấy do nhân duyên này có nhiều phước đức không?

Thầy Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Phước rất nhiều. Phước đức nhiều như vậy cho nên không thể tính số hay lấy thí dụ mà nói đến được, nếu phước đức này có hình tướng thì thế giới nhiều như cát sông Hằng cũng không thể nào tiếp nhận hết được.

Đức Phật bảo với Tu-bồ-đề: Hay lắm, hay lắm! Thầy Tu-bồ-đề! Bồ tát này vị giữ gìn Bát-nhã Ba-la-mật, dùng thiện căn hồi hướng thuận theo pháp tánh mà được phước đức, các Bồ tát trước chấp tướng phước đức của bố thí, trăm phần không bằng một, ngàn phần-vạn phầntrăm ngàn vạn ức phần, cho đến toán số bố thí cũng không thể nào sánh kịp. Tại vì sao? Bởi vì các Bồ tát trước chấp tướng phân biệt Bố thí, đều là phước đức có hạn lượng-có tính đếm.”

Lại nữa, trong phẩm Hồi hướng của kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tịnh Cư: Giả sử chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác còn có chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, mỗi một Bồ-tát dùng tâm chấp tướng cúng dường các chúng sinh này những y phục, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc thang, và các vật dụng riêng tư, tùy ý cúng dường trong số kiếp nhiều như cát sông Hằng. Này các Thiên tử! Nếu chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng này đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngoài ra, còn có chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, cũng đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trong số đó có một Bồ-tát cúng dường cho những Bồ-tát này về y phục, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc thang, các đồ dùng cá nhân cần thiết, trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng, là bố thí mà phân biệt chấp tướng. Như vậy, các Bồ-tát đều trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng, cúng dường cho các Bồ-tát này những thứ cần dùng như y phục, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc thang, tùy ý cúng dường cung kính, tôn trọng khen ngợi, đều là bố thí chấp tướng. Nếu Bồ-tát được che chở từ Bát nhã Ba-la-mật mà thực hành những phẩm Giới-định-tuệ, phẩm Giải thoát, phẩm Giải thoát tri kiến của chư Phật ở quá khứ-hiện tại-vị lai và năm phẩm Thanh văn, cho đến những người phàm phu gieo trồng căn thiện trong ấy, hoặc đã trồng-đang trồng-sẽ trồng. Hết thảy đều hòa hợp, tương ưng với số lượng, không còn rơi sót chút nào, thì phước đức tùy hỷ đó là tối thắng-tối diệu-tối thượng, không gì bằng, không gì có thể so sánh, không thể nghĩ bàn. Đem phước đức ấy hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, rồi nghĩ như vậy: Phước đức này của mình, có thể đến Phật đạo. Phước đức này so với phước đức chấp tướng trước kia, thì phước trước kia trong trăm phần không được một, ngàn-vạn phần-ức phần cho đến toán số thí dụ cũng không tính được. Vì sao? Vì những Bồ-tát ấy bố thí mà còn chấp tướng, còn phân biệt. Lại có chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thân-miệng- ý đều làm nghiệp thiện. Lại có chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu người nào trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng, đều có khả năng chịu đựng, nhẫn nhịn trước những lời mắng nhiếc ác độc trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng, thân tâm tinh tiến, trừ bỏ mọi sự lười nhác, nhiếp tâm vào thiền định không còn các ý tưởng rối loạn mà đều chấp lấy tướng thì không bằng Bồ-tát hồi hướng như pháp tánh, phước hồi hướng ấy là hơn hẳn. Vì vậy như ông nói trước đây, làm sự việc như vậy có được lợi ích như thế nào? Đạt được phước đức tích tụ to lớn như vậy. Vì vậy, nếu người nào muốn có được phước đức tích tụ vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn như vậy, thì cần phần thực hành theo pháp sám hối khuyến thỉnh-tùy hỷ-hồi hướng này, không tiếc thân mạng-lợi dưỡng-danh tiếng, ở trong ngày đêm thường thuận theo chịu khó thực hành.

Hỏi: Ông chỉ nói đến phước đức trong khuyến thỉnh-tùy hỷ-hồi hướng, vì sao không nói đến phước đức trong sám hối vậy?

Đáp: Phước đức sám hối lớn nhất trong các phước đức, vì nghiệp chướng tội lỗi bị diệt trừ, khéo thực hành được hạnh Bồ-tát, làm cho khuyến thỉnh-tùy hỷ-hồi hướng cùng hòa hợp không có gì khác với Không-Vô tướng-Vô nguyện.

Lại nữa, sám hối ví như ngọc báu Như ý tùy nguyện đều đạt được, như Phật đã nói: “Nếu ai muốn sinh trong dòng Bà-la-môn uy thế lớn, sinh trong dòng Sát-đế-lợi uy thế lớn, sinh trong nhà Cư sĩ uy thế lớn, thì nên sám hối nghiệp tội như vậy, không được che giấu tội lỗi, nguyện về sau không dám tái phạm. Nếu có người muốn sinh lên các cõi trời Tứ Thiên vương, Đao-lợi, Dạ-ma, Đâu-suất-đà, Hóa-lạc, Tha-hóa-tựtại, thì cũng nên như vậy mà sám hối nghiệp tội, không được che giấu tội lỗi nào, về sau không dám tái phạm. Nếu người muốn sinh lên cõi Phạm, cho đến cõi Phi tưởng phi phi tưởng, thì người này cũng nên như vậy mà sám hối nghiệp tội, không được che giấu tội nào, về sau không dám tái phạm. Nếu người muốn được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, Ana-hàm, A-la-hán, thì cũng nên như vậy mà sám hối nghiệp tội. Nếu người muốn được ba minh-sáu thông và sức lực tự tại trong đạo Thanh văn, cùng tận công đức Thanh văn để đến bờ bên kia, thì cũng nên như vậy mà sám hối nghiệp tội. Nếu người muốn được đạo Bích-chi-Phật thì cũng nên như vậy mà sám hối tội nghiệp. Nếu người muốn được Nhất thiết trí, trí tuệ không thể nghĩ bàn, trí tuệ vô ngại, trí tuệ vô thượng, thì cũng nên như vậy mà sám hối nghiệp tội, không được che giấu tội nào, về sau không dám tái phạm”. Vì vậy nên biết sám hối có được phước báo rất lớn.

Hỏi: Ông nói sám hối trừ nghiệp, diệt nghiệp chướng tội lỗi trong kinh khác nói: “Phật bảo A-nan: Cố ý gây ra nghiệp thì chắc chắn sẽ nhận chịu báo ứng”. Còn trong A-tỳ-đàm nói: “Nhân duyên của mọi nghiệp không phải không có, cho nên quả báo không mất và không hoại diệt”. Lại trong kinh nói: “Chúng sinh đều ràng buộc do nghiệp, đều do nghiệp mà có, nương tựa vào nghiệp này, chúng sinh tùy theo nghiệp đều tự mình nhận chịu quả báo, hoặc hiện báo, hoặc sinh báo, hoặc hậu báo”. Lại trong kinh Nghiệp Báo, vua Diêm-la vì chúng sinh mà nói: “Ôi, chúng sinh! Tội này của các ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải trời làm, hay Sa-môn, Bà-la-môn làm, mà chính các ngươi gây ra thì tự mình phải nhận lấy quả báo”. Lại trong bài kệ Hiền Thánh nói:

Pháp chân thật giống như kim cang,

Tướng của nghiệp lực không hơn được,

Nay Ta đã chứng được đạo quả,

Mà nhận chịu khổ báo ác nghiệp,

Biển rộng cùng với những núi non,

Gò đồi-cây cối và rừng rậm,

Đất-nước-gió-lửa cùng vạn vật,

Trời-trăng-tinh tú với hư không,

Nếu đến lúc kiếp hoại bùng cháy,

Đều diệt hết không còn lại gì,

Nghiệp lực trải qua vô lượng kiếp,

Thường tồn tại mà không mất đi.

Ông gặp được người đầy đủ tướng,

Nhất thiết trí bậc thầy của người,

Tội nghiệp do đời trước tạo ra,

Đã đền trả quả báo của mình,

Nay tuy là được gặp Đức Phật,

Cấu trược không còn-chứng quả Thánh,

Bởi vì nhân duyên còn sót lại,

Cây đâm hãy còn hại đến thân.

Vì vậy không nên nói là sám hối thì tội lỗi nghiệp chướng tiêu trừ.

Đáp: Tôi không nói sám hối thì nghiệp tội diệt hết không còn có quả báo. Tôi nói sám hối thì tội từng lúc sẽ mỏng đi. Vì vậy cho nên sám hối.

Trong bài kệ nói: “Nếu phải chịu quả báo trong ba đường dữ thì nguyện nhận chịu trong thân hiện tại.”

Còn trong kinh Như Lai Trí Ấn nói: “Đức Phật bảo với Di lặc: Các Bồ tát đối với đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác phát tâm hết sức quý trọng và ưa thích, có tội lỗi nhận chịu báo ứng ở đường ác thì tội lỗi giảm nhẹ, đời sau nhận chịu hình hài xấu xí, hoặc nhiều bệnh tật, không có uy đức, sinh trong nhà thấp kém, trong nhà nghèo thiếu, trong nhà tà kiến, trong nhà tự nuôi sống bằng tà nghiệp, sinh ở nơi trái ý, nơi lắm điều ưa sầu; đất nước bị tàn phá, thôn làng bị tàn phá, nhà ưa bị tàn phá, mọi thứ yêu quý bị tàn phá. Không gặp được thiện tri thức, luôn luôn không được nghe pháp, không có được lợi dưỡng. Nếu có được thì chỉ là loại tồi tệ, thường không cung cấp đủ cho mình, có thể làm cho hạng thấp kém tin tưởng kính trọng, đối với các bậc Đại nhân không có được sự tin tưởng kính trọng. Lúc tu tập những phước thiện, có nhiều chướng ngại không được thành tựu. Các căn tối tăm chậm chạp, tu tập thiền định thì ý tán loạn, không đạt được công đức của giác ý vô lậu, không biết kinh pháp để thuận theo hướng đến cho thích hợp, cho đến gặp ác mộng đền trả báo ứng trong đường ác.”

Lại nữa, Phật nói: “Ai có tội nhỏ thì ngay đời này phải nhận quả báo. Nếu tội này trở nên nhiều thì phải đọa vào địa ngục”.

Tại sao người đó ở đời này chỉ có tội nhẹ, mà trở thành tội nhiều để rơi vào địa ngục? Có người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, không có ý chí lớn, thì kẻ ấy, dù mắc tội nhỏ, cũng rơi vào địa ngục.

Tại sao người này có tội ở đời này phải chịu quả báo? Tội không tăng thêm thì không đọa vào địa ngục. Có người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, có ý chí lớn, không có tâm cố chấp, người như vậy có tội nhưng tội sẽ không tăng thêm cho nên chịu quả báo ngay đời này. Ví như người lấy đồ đựng nhỏ chứa đầy nước, rồi bỏ vào đó một thăng muối thì không thể uống được. Nếu lại có người đem một thăng muối đổ vào hồ rộng thì vẫn không cảm thấy vị mặn, huống là không uống ư? Tại vì sao? Bởi vì nước nhiều mà muốt ít, tội lỗi cũng như vậy. Kệ nói:

Thăng muối trút vào trong biển rộng,

Vị của biển không có gì khác,

Nếu bỏ vào om nhỏ ít nước,

Thì mặn chát không thể uống được.

Như người tích lũy nhiều phước thiện,

Mà có một chút nhỏ tội ác,

Không thể rơi vào trong đường ác,

Duyên còn lại mà chịu báo nhẹ.

Còn đối với người phước đức ít,

Mà có một chút nhỏ tội ác,

Bởi vì tâm chí thật nhỏ nhoi,

Tội lỗi khiến rơi vào đường ác.

Nếu như người sức nóng suy yếu,

Ăn một chút thức ăn khó tiêu,

Người này tuy là không chết được,

Mà thân thể chịu nhiều khổ sở.

Nếu như người thân thể khẻo mạnh,

Ăn một chút thức ăn khó tiêu,

Người này cuối cùng không chết được,

Chỉ nhận chịu đôi chút khổ sở.

Lửa phước thiện-trí tuệ kém cỏi,

Mà có một chút ít tội ác,

Tội lỗi này không ai cứu được,

Có thể khiến rơi vào địa ngục.

Người có nhiều phước thiện công đức,

Tuy có làm điều gây tội ác,

Mà không khiến rơi vào địa ngục,

Thân hiện tại nhận chịu nhẹ nhàng.

Ví như Ương-quật-ma-la ấy,

Giết chết rất nhiều người vô tội,

Lại muốn giết hại mẹ và Phật,

Đạt được đạo quả A-la-hán.

Đời này nhận quả báo nhẹ cũng như vua A-xà-thế giết cha, là người đắc đạo. Bởi vì nhân duyên gặp Phật và Văn-thù-sư-lợi cho nên tội nặng của ông chỉ nhận chịu nhẹ nhàng.

Lại như người rắn độc sinh ra thì trời luôn mưa máu, sau dần lớn lên khi có ý muốn giết người, mắt nhìn vào lập tức chết liền, hoặc dùng hơi thở phun ra cũng làm chết người. Vì vậy người lúc ấy gọi là kẻ hà hơi chết người. Lúc này mạng chung, Xá-lợi-phất đi đến chỗ ấy, trong tâm người này giận dữ đưa mắt nhìn không chết, hà hơi cũng không chết. Xá-lợi-phất phương tiện hiện bày ánh sáng trên sắc thân, tâm người ấy liền được thanh tịnh, nhìn Xá-lợi-phất từ trên xuống dưới bảy lần. Nhờ nhân duyên này sau khi mạng chung, bảy lần sinh lên cõi trời, bảy lần sinh trong loài người. Về sau, lúc con người thọ bốn vạn tuổi, sẽ đạt được đạo quả Bích-chi-Phật, thân màu vàng ròng. Người lúc ấy gọi là khối vàng đến. Muốn chặt lấy vàng thì liền mạng chung nhập Niết bàn.

Lại như vua A-thâu-già đưa binh đánh nước Diêm-phù-đề, giết chết một vạn tám ngàn cung nhân. Nhưng đời trước ông đã cúng đất cho Phật, xây tám vạn ngôi tháp, thường nghe kinh pháp nơi bậc A-la-hán, nên về sau ông chứng quả Tu-đà-hoàn. Thân ông chỉ đền chút tội nhẹ. Những tội ác như vậy phần nhiều nhờ làm phước đức với ý chí rộng lớn, các phước đức này tích tụ thêm nhiều cho nên không bị đọa vào đường dữ.

Vì vậy, trước đây ông hỏi vặn là nếu sám hối nghiệp tội thì diệt hết không còn quả báo, nói vậy là không đúng. Mặt khác, nếu nói tội không thể tiêu diệt thì trong Tỳ-ni, Phật nói: Sám hối tiêu trừ tội, thì không thể tin? Điều này không phải như vậy. Vì vậy mắc tội lỗi nghiệp chướng thì nên sám hối.

 

Phẩm 12: PHÂN BIỆT BỐ THÍ

Phần 1

Bồ-tát có năng lực thực hành sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng như vậy.

Sức mạnh phước đức càng tăng lên,

Tâm cũng thêm nhu hòa mềm mỏng,

Chính là tin vào công đức Phật,

Và công hạnh lớn của Bồ tát.

Bồ tát này nhờ vào sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng cho nên phước lực càng tăng lên, tâm điều hòa mềm mỏng, đối với vô lượng công đức thanh tịnh bậc nhất của Chư Phật, hàng phàm phu vốn không tin được mà Bồ tát luôn luôn tin nhận, và Đại hạnh thanh tịnh của các Bồ tát cùng với việc khó làm hiếm có mà cũng luôn luôn tin nhận. Lại nửa:

Tất cả mọi chúng sinh khổ não,

Không có pháp thanh tịnh xấu xa,

Đối với họ sinh lòng thương xót,

Mà phát tâm Từ Bi sâu sắc.

Bồ tát tin tưởng vô lượng công đức thanh tịnh hết sức sâu xa bậc nhất của Chư Phật và Bồ tát, mà thương xót cho các chúng sinh, không có công đức này chỉ bởi vì các tà kiến mà nhận chịu các loại khổ não, cho nên sinh tâm Bi cảm sâu sắc.

Nghĩ đến những chúng sinh như vậy,

Đang chìm trong bùn lầy khổ não,

Mình nên cứu giúp kéo họ ra,

Làm cho đến được nơi an ổn.

Bồ tát này có được tâm Bi rồi dấy lên nghĩ như vậy: Những chúng sinh này thường bị tham-sân-si làm cho thành căn bệnh, mà thân tâm phải chịu mọi nỗi khổ não, mình nên cứu giúp khiến cho thân tâm xa lìa vũng bùn sâu của khổ não, chấm dứt không còn tai họa của sinh già bệnh chết, được trú trong xứ sở an ổn của niềm vui Niết-bàn. Vì vậy đối với chúng sinh khổ não này mà phát sinh tâm Bi sâu sắc. Nhờ vào tâm Bi cho nên tiến hành cầu mong tùy ý khiến được an lạc, thì gọi là tâm Từ.

Nếu Bồ tát suy nghĩ như vậy,

Hết sức thuận theo tâm Từ Bi,

Đoạn tuyệt hết thảy mọi tham tiếc,

Chịu khó tinh tiến hành bố thí.

Bồ tát là người mong cầu Phật đạo, cứu độ chúng sinh đang khổ não. Niệm là thuận theo, có nghĩa là tùy thuận với tâm Từ Bi chứ không thuận theo tâm niệm nào khác. Lòng Từ sâu sắc là tình thương bao phủ khắp nơi, nghĩ đến các chúng sinh cùng tận xương tủy. Vật vốn có là tất cả đồ vật trong và ngoài thân, hết thảy vàng bạc-châu báu-quốc thànhvợ con… Tham là mong muốn có được không hề chán tiếc là yêu quý giữ chặt không muốn cho người khác. Đoạn là lìa bỏ hài tâm lý xấu xa này, như vậy thì mở toang cánh cửa bố thí Ba-la-mật. Vì vậy thường xuyên phải dốc lòng chịu khó thực hành không để cho phóng túng. Tại vì sao? Bởi vì Bồ tát dấy lên ý niệm như vậy! Nay mình thuận theo năng lực của mình làm lợi ít cho chúng sinh, phát tâm thực hành bố thí kiên cố.

Tất cả mọi đồ vật vốn có,

Có mạng hoặc không có mạng sống,

Ngôi vị của Chuyển luân Thiên vương,

Không có ai xin mà không cho,

Ngay cả con cái trai hay gái,

Thê thiếp xinh đẹp giòng họ lớn,

Tuổi trẻ rất đoan chánh nghiêm trang,

Khôn khéo tự mình hầu hạ người,

Tâm cung kính thuận thảo nhu hòa,

Tình thương nghĩ đến thật thiết tha,

Mạng sống là điều tiếc hơn hết,

Người cầu thì đều có thể cho.

Cho đến máu thịt trên thân thể,

Xương tủy và tay chân đầu mặt,

Mắt tai mũi lưỡi cùng mọi thứ,

Thân mạng này đều luôn luôn cho.

Bồ tát này trong tâm quyết định hành hạnh bố thí, tất cả mọi vật vốn có ngoài thân, hoặc có mạng sống hoặc không có mạng sống, không có ai xin mà không cho. Vật không có mạng sống là vàng bạc châu báu, cho đến ngôi vị Chuyển luân Thánh vương, ngôi vị thiên vương. Vật có mạng sống là con trai con gái dòng họ cao quý, thê thiếp trẻ trung gia đình tốt lành, đoan nghiêm nhu hòa cung kính hiếu thuận, yêu quý thiết tha hơn cả chính thân mạng của mình mà có thể bố thí cho người, như Bồ tát Nhất thiết Thí vốn có vật bên ngoài và vợ con… đều tự mình luôn luôn bố thí. Bồ tát này ngay cả máu thịt đầu mắt tai mũi tay chân trên thân thể mình đều đem bố thí, cắt thịt lòi xương-đập xương lấy tủy, như Tát-bà-đa-luân, hoặc đem cả thân mạng mà bố thí. Tất cả mọi thứ yêu quý không có gì hơn thân mạng, Bồ tát cũng có thể bố thí như Tát-hòađàn. Như Bồ tát làm loài Thỏ đem thân bố thí cho Tiên nhân, như vua Thi-tỳ lấy thân mình thế cho chim bồ câu. Hỏi: Bồ tát này bởi vì phân biệt biết rõ bố thí và quả báo của Bố thí, cho nên có thể đem bố thí những điều khó bố thí, hay là chỉ vì tâm Từ bi mà phát nguyện bố thí?

Đáp:

Người thực hành bố thí như vậy,

Thì cảm được quả báo như vậy,

Bên trong dùng các phần thân thể,

Cùng với những vật khác bên ngoài.

Vật bên trong là đầu, mắt, tay, chân. Vật bên ngoài là vợ con, vàng bạc, vật báu… Bồ-tát này biết như thật về việc bố thí. Sự chứng đắc này hay quả báo này, tất cả đều phân biệt rõ ràng. Hơn nữa, lại tin tưởng ở các kinh đã nói, hoặc dùng thiên nhãn mà biết được.

Hỏi: Trước đây ông nói về biết đem thân mạng bố thí và vật bên ngoài để bố thí mà cảm được quả báo, nay có thể nói về quả báo đạt được chăng?

Đáp: Trong nghĩa bố thí Ba-la-mật ở phẩm thứ ba mươi là phẩm Vô tận Ý Bồ tát trong kinh Bảo Đảnh nói: “Bồ tát lập nguyện: Ai cần thì cho ăn, khiến cho mình đạt được năm sự báo ứng.

  1. Được sống lâu.
  2. Được chăm sóc.
  3. Được vui vẻ.
  4. Được sức mạnh.
  5. Được sắc tướng.

Ai cần nước cháo cho nước cháo, thì trước tiên ở trong loài người

được uống nước thơm ngọt, về sau được trừ diệt mọi khát ái phiền não. Ai cần xe cho xe, thì được báo ứng vui vẻ tùy ý, thành tựu bốn như ý túc, về sau đạt được đạo quả Tam thừa. Ai cần áo quần cho áo quần, thì cảm được báo áo quần tàm quý. Ai cần đèn sáng cho đèn sáng, thì cảm được báo Phật nhãn sáng suốt. Ai cần kỹ nhạc cho kỹ nhạc, thì cảm được Thiên nhĩ đầy đủ. Ai cần hương bột hương xoa cho hương bột hương xoa, thì cảm được thân thể không hôi hám. Ai cần nước sữa cho nước sữa, thì cảm được báo biết được mọi mùi vị. Ai cần nhà cửa cho nhà cửa, thì cảm được báo làm nơi nương tựa-cứu giúp cho tất cả chúng sinh.

Người bố thí vật dụng cung cấp giúp cho đời sống, thì cảm được công đức hỗ trợ Bồ đề. Người bố thí thuốc thang, thì cảm được thân không có già bệnh chết, thường vui vẻ yên ổn. Người bố thí tôi tớ, thì cảm được trí tuệ đầy đủ tùy ý tự tại. Người bố thí vàng bạc-san hô-xa cừ-mã não, thì cảm được ba mươi hai tướng đầy đủ. Người bố thí các loại đồ vật trang nghiêm cho thân, thì cảm được tám mươi vẻ đẹp trên thân hình. Người bố thí voi-ngựa-xe cộ, thì cảm được pháp Đại thừa đầy đủ. Người bố thí vườn rừng, thì cảm được đầy đủ niềm vui của thiền định. Người bố thí con trai con gái, thì cảm được sự quý trọng đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Người bố thí kho thóc-kho báu, thì cảm được pháp tạng đầy đủ. Người bố thí ngôi vị vua chúa trong một đất nước-một cõi Diêm-phù-đề- một cõi tứ thiên hạ, thì cảm được địa vị Pháp vương tự tại nơi đạo tràng. Người bố thí các dụng cụ chơi đùa vui vẻ, thì cảm được niềm pháp lạc.

Người đem chân bố thí, thì cảm được đôi chân giáo pháp có năng lực đi đến chốn đạo tràng. Người đem tay bố thí thì cảm được đôi tay quý báu có năng lực bố thí tất cả. Người đem tai mũi bố thí, thì cảm được thân thể đầy đủ. Người đem đôi mắt bố thí, thì cảm được pháp nhãn đầy đủ không có gì chướng ngại. Người đem đầu bố thí, thì cảm được tất cả trí tuệ, cả ba cõi vô cùng tôn kính. Người đem máu thịt bố thí, khiến cho mọi chúng sinh cảm được công hạnh kiên cố. Người đem tủy bố thí, thì cảm được thân kim cang, không có thế lực nào có năng lực hủy hoại được”.

Như vậy đã mở thông về phần quả báo của bố thí. Quả báo của những loại bố thí khác cũng cần phải biết rõ.

Người dùng đồ nằm bố thí, cảm được giường nằm an ổn giải thoát của ba thừa. Người dùng chỗ ngồi bố thí, thì cảm được nơi chốn không thể hủy hoại nơi đạo tràng dưới cội cây Bồ đề. Người đem vợ bố thí thì cảm được niềm pháp hỷ vui sướng. Người đem đạo lý bố thí, thì cảm được tiến vào chánh đạo làm cho chúng sinh mất đi đường khổ đau của sinh tử. Người đem bè mảng bố thí, thì cảm được vượt qua các dòng chảy của tham dục, dòng chảy của Hữu, dòng chảy của kiến, dòng chảy của vô minh. Người dùng xương bố thí, thì cảm được giới kiên cố, tuệ kiên cố, giải thoát kiên cố, giải thoát tri kiến kiên cố, chúng sinh kiên cố. Người đem quyến thuộc bố thí, thì cảm được sự thành tựu vô lượng vô biên A-tăng-kỳ phước đức, quyến thuộc trời-người chung lòng thanh tịnh không có thể ngăn cản hủy hoại được. Người dùng lời khen tốt lành bố thí, thì cảm được lúc thuyết pháp trời rồng, dạ xoa, càn-thát-bà, Sa môn, Bà-la-môn đều hoan hỷ ca ngợi. Người đem kinh sách bố thí, thì cảm được chín bộ kinh tồn tại lâu dài trải qua vô lượng thời gian. Người đem giáo pháp bố thí, thì cảm được sự thông đạt tất cả các pháp, quy tập tất cả công đức.

Bồ tát này thích thực hành bố thí như vậy, biết rõ bố thí thanh tịnh, biết rõ quả báo của bố thí đã cảm được nhiều ít. Vì vậy:

Bố thí tiền của không hợp pháp,

Cho đến trí trách mắng bố thí,

Không có cách bố thí như vậy,

Chỉ bố thí hòa hợp với không.

Phi pháp là do làm điều ác mà có được tiền bạc. Tiền bạc là vật giúp đỡ cung cấp cho cuộc sống. Lấy điều quan trọng mà nói, dùng tiền của có được bằng ác nghiệp mà bố thí, thì Bồ tát biết sự bố thí này không thanh tịnh. Những cách bố thí không hợp pháp thuộc loại như vậy, cho đến cách bố thí mà người trí trách mắng, không phải là bố thí thanh tịnh. Bồ tát thực hành bố thí, chỉ hòa hợp các loại công đức cùng với những trí tuệ về không.

Hỏi: Đã nói về bố thí tài vật có được do phi pháp, và bố thí hòa hợp cùng trí tuệ về không, hai cách bố thí này nên phân biệt rộng ra chăng?

Đáp: Hai cách bố thí này, trong phẩm Vô tận ý Bồ tát Hội và trong Đàn Ba-la-mật nói: Trước hết phân biệt về công đức bố thí, đó gọi là các Bồ tát không bố thí tài vật mong cầu phi pháp. Không bố thí sự phiền muộn, khổ não cho chúng sinh. Không bố thí sự sợ hãi. Không bố thí vì cố chấp. Không bố thí khi không có mong cầu. Không bố thí không giống như đã hứa. Không bố thí vì tiếc cái tốt mà cho cái xấu. Không bố thí với tâm không sâu xa. Không bố thí với tâm dua nịnh quanh co. không bố thí với tâm giả dối. Không bố thí với tâm tổn hại đến kết quả. Không bố thí với tâm tà vạy. Không bố thí với tâm si mê.

Không bố thí với tâm hỗn tạp. Không bố thí với tâm không tin giải thoát. Không bố thí với tâm mệt mỏi chán nản. Không bố thí với tâm thân cận nhờ cậy. Không bố thí với tâm hy vọng thuận theo mình. Không bố thí với tâm mong cầu gặp người có phước. Không bố thí với tâm khinh rẻ tất cả chúng sinh không phải là người có phước. Không bố thí với tâm phân biệt trì giới-phá giới hay cao thấp. Không bố thí với tâm mong cầu danh tiếng. Không bố thí với tâm tự cao. Không bố thí với tâm chê người hèn hạ. Không bố thí với tâm tiếc nuối sâu kín. Không bố thí với tâm hối tiếc. Không bố thí vì kêu gọi khẩn cấp. Không bố thí với tâm xấu xa hèn hạ. Không bố thí pháp theo cách tự nhiên. Không bố thí với tâm mong cầu quả báo. Không bố thí với tâm giận dữ. Không bố thí với tâm làm cho người khao khát chở đợi, không bố thí với tâm làm phiền muộn người cầu xin. Không bố thí với tâm khinh chê đùa cợt người xin. Không bố thí với tâm lừa dối khi dễ. Không bố thí với tâm hẹn rồi trách mặt, không bố thí bằng cách ném cho.

Không bố thí khi không nhất tâm. Không bố thí mà không tự tay mình trao. Không bố thí miễn cưỡng. Không bố thí tạm thời. Không bố thí rồi chấm dứt. Không bố thí vì tranh hơn người. Không bố thí với tâm khinh thường đồ vật. Không bố thí vì người cầu xin, tùy ý bừa bãi mà đưa cho vật đã bị gạt bỏ. Không bố thí không hợp với khả năng. Không bố thí với tâm không phải là phước điền. Không bố thí với tâm thấp kém cỏi vì một ít đồ vật. Không bố thí với tâm kiêu căng cậy vào nhiều đồ vật. Không bố thí với tâm tà hạnh. Không bố thí với tâm vui thích thọ thân đời sau. Không bố thí với tâm cậy thế sắc tộc giàu sang. Không bố thí với tâm mong cầu sinh lên cõi trời Tứ vương Thích Phạm. Không bố thí với tâm mong cầu Thanh văn thừa và Bích-chi-Phật thừa. Không bố thí với tâm mong cầu Quốc vương, vương tử. Không bố thí với tam hạn định trong một đời. Không bố thí với tâm thỏa mãn, không bố thí mà không hồi hướng về Tá-bà-nhã. Không bố thí với tâm bất tịnh. Không bố thí không hợp thời cơ. Không bố thí dao gậy độc hại. Không bố thí với tâm làm phiền muộn, đùa cợt chúng sinh. Không bố thí sai trái mà người trí đã chỉ bày quở trách.

Như vậy đã nêu ra rõ ràng về phần bố thí, những loại bố thí bất tịnh khác cũng cần phải biết. Đó là các Bồ tát không bố thí đồ vật đang vất bỏ. Không bố thí cho hạng oán ghét Niết-bàn. Không bố thí cho người giàu có dễ dàng có được vật dụng. Không bố thí tùy theo ân tình. Không bố thí với tâm trả ơn. Không bố thí với tâm mong cầu báo đáp. Không bố thí với tâm mong cầu che chở không bố thí với tâm mong cầu điều tốt lành. Không bố thí với tâm kiêu mạn. Không bố thí theo cách truyền thống gia đình. Không bố thí với tâm nhờ cậy được liền. Không bố thí với tâm không thực hành suốt đời. Không bố thí với tâm cấu trược. Không bố thí với tâm đùa vui. Không bố thí vì người ấy là thiện tri thức. Không bố thí với tâm khinh khi. Không bố thí với tâm đùa cợt phóng túng. Không bố thí vì mất mát. Không bố thí vì mình được khen. Không bố thí vì bị trách mắng. Không bố thí vì bị nguyền rủa . không bố thí vì được khen là chuyện hiếm có. Không bố thí vì làm sáng tỏ niềm tin của mình. Không bố thí vì sợ hãi. Không bố thí với tâm lừa dối. Không bố thí vì mong cầu quyến thuộc. Không bố thí với tâm không dẫn dắt. Không bố thí với tâm dẫn dụ mọi người. Không bố thí với tâm không tin. Không bố thí với tâm không có nhân duyên. Không bố thí tùy ý. Không bố thí với tâm thể hiện kỳ lạ. Không bố thí với tâm tự khen ngợi mình. Không bố thí với tâm không thuận theo mong cầu. Không bố thí vì chèn ép người khác bố thí. Không bố thí với tâm không yêu quý. Không bố thí vật không được sử dụng. Không bố thí với tâm không cung kính. Không bố thí với tâm thấp hèn. Không bố thí vì tướng trạng kỳ lạ. Không bố thí với tâm chèn ép. Không bố thí với tâm dựa thế mạnh có được đồ vật. Không bố thí với tâm không thanh tịnh. Không bố thí với tâm nghi ngờ. Không bố thí với tâm phá hoại người cầu xin. Không bố thí đồ vật bị ngăn cấm. Không bố thí với tâm phân biệt. Không đem được bố thí. Không đem vũ khí gậy gộc để bố thí. Không chiếm đoạt đồ vật của người để bố thí. Không bố thí với tâm làm chong khác sinh ngờ vực. Không vì thân cận mà bố thí. Không bố thí với tâm nói về lỗi lầm của người khác. Không thuận theo những gì yêu quý mà bố thí. Không bố thí với tâm giận dữ. Không bố thí với tâm si mê. Không bố thí với tâm hý luận. không bố thí với tâm không vì Bồ đề.

Hỏi: Bố thí tiền của có được từ sự mong cầu phi pháp, cho đến bố thí với tâm không vì Bồ đề, đối với Bồ tát là có hay là không có. Nếu tất cả không có thì phạm vào lỗi là không cầu phước điền, đối với tâm chúng sinh không có gì sai khác, cũng không có ý niệm tri ân và báo ân, cũng không bố thí theo truyền thống gia đình-truyền thống quốc gia. Nếu như có thì tại sao điều nói là không có?

Đáp: Bố thí tiền của có được từ sự mong cầu phi pháp này, cho đến bố thí với tâm không vì bồ đề thì Bồ tát không hẳn là hoàn toàn không có, có lúc cũng có, nhưng cách bố thí này vốn không thuộc về bố thí Ba-la-mật, không có thể đầy đủ bố thí Ba-la-mật cho nên nói là không có. Bố thí hòa hợp với những công đức về không, như trong phẩm Đàn Ba-la-mật của kinh Vô tận Ý Bồ tát nói: “Bồ tát bố thí phù hợp với tâm không, cho nên không cùng tận. Bố thí này tu pháp Vô tướng cho nên không cùng tận, bố thí này bảo vệ vô nguyện cho nên, không cùng tận. Bố thí này thuộc về thiện căn cho nên không cùng tận. Bố thí này thuận theo tướng giải thoát cho nên không cùng tận. Bố thí này có năng lực phá tan tất cả các ma cho nên không cùng tận. Bố thí này không lẫn tạp phiền não cho nên không cùng tận. Bố thí này cảm được lợi ích tốt đẹp hơn cho nên không cùng tận. Bố thí này là tâm quyết định cho nên không cùng tận. Bố thí này quy tập các pháp hỗ trợ Bồ đề cho nên không cùng tận. Bố thí này đích thực hồi hướng cho nên không cùng tận. Bố thí này đạt được quả vị giải thoát nơi đạo tràng cho nên không cùng tận. Bố thí này vô biên cho nên không cùng tận. Bố thí này không thể cùng tận cho nên không cùng tận. Bố thí này không đoạn mất cho nên không cùng tận. Bố thì này rộng lớn cho nên không cùng tận. Bố thí này không thể hủy hoại cho nên không cùng tận. Bố thí này không thể hơn được cho nên không cùng tận. Bố thí này đến được tất cả trí tuệ cho nên không cùng tận. Bố thí này đoạn trừ cấu trược của những loại bố thí tài vật từ sự mong cầu phi pháp, thành tựu các công đức hòa hợp với không, cho nên không cùng tận.

Những loại bố thí tài vật từ sự mong cầu phi pháp là bố thí bằng sự bố thí cấu trược; cùng với cấu trược hòa hợp là bố thích không thanh tịnh hòa hợp với các công đức của không là bố thí thanh tịnh.

Lại nữa, bố thí thanh tịnh và không thanh tịnh này, nay sẽ tiếp tục nói. Kinh nói bố thí có bốn loại:

1. Có loại bố thí, đối với người thí là thanh tịnh, không thanh tịnh đối với người nhận.

2. Có loại bố thí, đối với người nhận là thanh tịnh, không thanh tịnh đối với người thí.

3. Có loại bố thí, đối với người thí là thanh tịnh, đối với người nhận cũng thanh tịnh.

4. Có loại bố thí, không thanh tịnh đối với người thí, cũng không thanh tịnh đối với người nhận.

Nếu người thí thành tựu thiện nghiệp của thân miệng ý mà người nhận thành tựu ác nghiệp của thân miệng ý, thì gọi là thanh tịnh đối với người thí mà không thanh tịnh đối với người nhận. Nếu người thí thành tựu ác nghiệp của thân miệng ý người nhận thành tựu thiện nghiệp của thân miệng ý, thì gọi là thanh tịnh đối với người nhận mà không thanh tịnh đối với người thí. Nếu người thí thành tựu thiện nghiệp của thân miệng ý và người nhận cũng thành tựu thiện nghiệp của thân miệng ý, thì gọi là thanh tịnh đối với người thí mà cũng thanh tịnh đối với người nhận. Nếu người thí thành tựu bất thiện nghiệp của thân miệng ý người nhận cũng thành bất thiện nghiệp của thân miệng ý, thì gọi là không thanh tịnh đối với người thí mà cũng không thanh tịnh đối với người nhận.

Tham dục-sân giận-ngu si, hoặc đoạn trừ hay không đoạn trừ, cũng nên phân biệt như vậy.

Vả lại, trong bốn loại bố thí, thì có thanh tịnh hay không thanh tịnh:

  1. Thanh tịnh từ người thí.
  2. thanh tịnh từ người nhận.
  3. Cả hai cùng thanh tịnh, thì gọi là thanh tịnh.
  4. Không thanh tịnh từ người thí.
  5. Không thanh tịnh từ người nhận.
  6. Cả hai đều không thanh tịnh, thì gọi là không thanh tịnh.

Trong này, người thí có công đức cho nên từ người thí mà bố thí được thanh tịnh. Bởi vì người nhận có công đức cho nên từ người nhận mà bố thí được thanh tịnh. Bởi vì người thí và người nhận đều có công đức, cho nên từ người thí và người nhận mà bố thí được thanh tịnh. Người thí có tội lỗi cho nên từ người thí mà bố thí không thanh tịnh. Người nhận có tội lỗi cho nên từ người nhận mà bố thí không thanh tịnh. Người thí và người nhận đều có tội lỗi, cho nên từ người thí và người nhận mà bố thí không thanh tịnh. Người thí có công đức và người nhận có công đức, người thí có tội lội và người nhận có tội lỗi, như đã nói trước đây.

Hỏi: Ông nói trong bốn loại bố thí này, Bồ tát nên thực hànyh loại bố thí nào?

Đáp: Trong bốn loại bố thí đã nói, thực hành hai loại thí thanh tịnh,

Không mong cầu đối với danh lợi, và không mong cầu vì quả báo.

Bố thí này có bốn loại, ba điều kiện thanh tịnh và ba điều kiện không thanh tịnh, không thanh tịnh đều không nên thực hành. Trong thanh tịnh thì nên thực hành loại thanh tịnh:

  1. Người thí thanh tịnh mà không thanh tịnh đối với người nhận.
  2. Cả hai đều thanh tịnh.

Ở trong hai loại thí thanh tịnh này cần phải luôn luôn tinh tiến.

Tại vì sao? Bởi vì Bồ tát này không mong cầu quả báo, nếu như mong cầu quả báo thì cầu cho người nhận thanh tịnh. Thanh tịnh có nghĩa là người thí và người nhận đều có công đức trang nghiêm tâm tư thanh tịnh. Không thanh tịnh là người thí có tâm tham tiếc keo kiệt. Như Đức Phật nói “Keo kiệt là vết bẩn của bố thí, những phiền não khác tuy là bất tịnh nhưng mà keo kiệt là nặng nề nhất.”

Hỏi: Nếu Bồ tát đối với người thí thanh tịnh và cả hai đều thanh tịnh, thì hai loại thí này cần phải chịu khó thực hành; keo kiệt là vết bẩn của người thí, cũng là vết bẩn lớn của bố thí, nếu Bồ tát chưa lìa tham dục, chưa có năng lực đoạn trừ keo kiệt, thì làm sao có thể thực hành hai loại bố thí thanh tịnh này?

Đáp: Nếu vật có thể khởi keo kiệt, thì không cất giữ những vật này.

Nếu Bồ tát đối với vật có mạng sống hay không có mạng sống, biết tâm mình sinh ra keo kiệt thì không nên cất giữ vật này. Vì vậy có mà bố thí đều không còn tâm keo kiệt tham tiếc.

Hỏi: Vật bên ngoài có thể không cất giữ, còn thân mạng nên làm thế nào?

Đáp: Thường vì lợi ích của chúng sinh, hiểu rõ thân này như cây thuốc.

Vì lợi ích của chúng sinh, cho nên tin và hiểu rõ thân này giống như cây thuốc. Như cây thuốc thì mọi chúng sinh có sử dụng rễ thân cành lá hoa quả đều được chữa lành mọi căn bệnh tùy ý mà lấy chứ không có gì ngăn cản bảo vệ. Bồ tát cũng như vậy, vì lợi ích của chúng sinh cho nên luôn luôn tự mình xả thân, dấy lên ý nghĩ như vậy: Nếu chúng sinh lấy đầu mắt tay chân, xương gân đùi vế, ruột gan tim phổi, mũi tai răng lưỡi, mấu thịt xương tủy… của mình, thì đều thuận theo những gì cần dùng để luôn luôn giúp cho họ, hoặc bố thí tất cả thân mình. Hàng phục tâm tư, tu tập thiện căn như vậy, làm phương tiện mà che chở để thực hành công hạnh bố thí Ba-la-mật.

 

Phẩm 12: PHÂN BIỆT BỐ THÍ

Phần 2

Bố thí có tổng tướng-biệt tướng,

Tất cả đều có thể hồi hướng.

Bồ-tát có khả năng thực hành hai loại tịnh thí trên cho nên có khả năng biết hai loại hồi hướng: Tướng chung (tổng tướng) và tướng riêng (biệt tướng).

Tổng tướng hồi hướng là có bố thí được những gì, Bồ-tát đều hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Biệt tướng bố thí thì như trong quả báo bố thí đã nói.

Lại nữa, tổng tướng hồi hướng là vì sự an lạc, lợi ích cho hết thảy chúng sinh.

Biệt tướng hồi hướng là nếu có ai không tin thì giúp họ tin. Với kẻ phá giới giúp họ trì giới. Với kẻ ít học giúp họ học rộng. Với người làm biếng giúp họ siêng năng. Người tâm rối loạn, giúp họ thiền định. Ai ngu si giúp họ có trí tuệ. Ai keo kiệt giúp họ có lòng xả bỏ. Đó là các loại biệt tướng.

Lại nữa, tổng tướng hồi hướng là dùng sáu pháp Ba-la-mật hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Hồi hướng theo tướng riêng là khi bố thí vật bên ngoài, thì nguyện cho hết thảy chúng sinh được an vui bậc nhất. Khi bố thí chi phần của thân thể, Bồ-tát nguyện cho tất cả chúng sinh đều được thân Phật cụ túc.

Hỏi: Bố thí có bao nhiêu loại hồi hướng và bao nhiêu loại không hồi hướng?

Đáp: Về tịnh thí có bốn loại hồi hướng và có ba loại không hồi hướng. Bồ-tát bố thí thanh tịnh có bốn loại hồi hướng và ba loại không hồi hướng.

Ba loại không hồi hướng là:

  1. Không vì được làm vua mà hồi hướng.
  2. Không vì được dục lạc mà hồi hướng.
  3. Không vì được Thanh văn, Bích-chi-Phật mà hồi hướng.

Không vì được làm vua mà hồi hướng, là ngăn lại ước mong làm vua, cũng là ngăn cản thế lực tự do của hết thảy những người giàu sang.

Không vì được dục lạc mà hồi hướng, là ngoài hạng giàu sang trên, những kẻ khác đều thọ hưởng thú vui năm dục.

Không vì được Thanh văn, Bích-chi-Phật mà hồi hướng, là ngăn ngừa cái nhân Tiểu thừa nhập Niết-bàn vô dư, khiến họ an trú trong Đại thừa. Phải rất lâu về sau, họ mới chứng được Niết-bàn vô dư.

Bốn loại thanh tịnh hồi hướng nghĩa là Bồ-tát bố thí:

  1. Vì làm thanh tịnh cõi Phật cho nên hồi hướng.
  2. Vì thanh tịnh Bồ-đề nên hồi hướng.
  3. Vì giáo hóa chúng sinh thanh tịnh cho nên hồi hướng.
  4. Vì thanh tịnh Nhất thiết trí cho nên hồi hướng.

Bồ-tát nên dùng phương tiện hồi hướng như vậy, chẳng những không làm pháp bố thí bị tổn giảm mà còn làm cho nó có thế lực mạnh.

Hỏi: Vì điều gì làm cho bố thí bị tổn giảm và vì điều gì mà bố thí được tăng thêm?

Đáp:

Nếu bố thí mà không hồi hướng,

Cũng không hề có phương tiện gì,

Cầu mong sinh ở nơi thấp kém,

Gần gũi những hạng ác tri thức,

Bố thí với tâm niệm như vậy,

Chính là bố thí bị tổn giảm.

Nếu bố thí mà không hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì vốn là đuổi theo thú vui của thế gian. Cầu mong sinh ở nơi thấp kém không hề có phương tiện gì. Luôn luôn phát sinh quả báo của thiền định và bố thí mà tự tại sinh ra. Thân cận với ác tri thức làm chướng ngại cho Đại thừa. Vì bốn điều này mà bố thí bị tổn giảm.

Lìa bốn thí này được tăng thêm,

Lại thuận theo ba tâm bố thí,

Bồ tát tùy thuận lời Phật dạy,

Cũng không mong cầu quả báo gì.

Lìa khỏi bốn loại bố thí đã nói thì được bốn ích lợi là:

  1. Hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
  2. Có phương tiện hồi hướng.
  3. Mong cầu xứ sở của Pháp vương.
  4. Được gần gũi thiện tri thức.

Lại cần phải dùng ba tâm mà thực hành bố thí:

  1. Xót thương hết thảy mọi loài cho nên dùng tâm Bồ đề mà thực hành bố thí.
  2. Không lìa xa pháp Phật mà thực hành bố thí.
  3. Không cầu quả báo mà thực hành bố thí.

Lại nữa:

Bởi vì có được ba tâm pháp,

Mà thực hành công hạnh bố thí,

Bởi vì mong cầu được hai pháp,

Cho nên luôn thực hành bố thí.

Bồ-tát vì đạt được ba pháp cho nên thực hành Bồ tát:

  1. Pháp Phật.
  2. Thuyết pháp.
  3. Làm cho mọi chúng sinh trú trong niềm vui Vô thượng.

Lại vì mong cầu hai pháp mà thực hành bố thí:

  1. Giàu có.
  2. Có đầy đủ bố thí Ba-la-mật.

Tại vì sao? Bởi vì nếu Bồ tát giàu có, thì lìa xa nghèo khổ, không lấy tài sản của người khác, không cầu mong lợi dưỡng, không có chủ nợ, không lo trả nợ. Nhiều tiền bạc giàu có đầy đủ có thể tự do cơm áo cho mình, có khả năng giúp đỡ làm lợi ích cho bà con họ hàng và các bậc thiện tri thức, quyến thuộc yên vui gia đình dồi dào sung túc, thường ngày giống như lễ tết, tâm tư luôn luôn vui vẻ, có năng lực giúp đỡ nhiều người. Quyến thuộc không xem thường, mọi người đều cung kính ngưỡng mộ. Lời nói ra đều được mọi người tin nhận, làm nơi nương tựa cho mọi người, được thầy yêu mến, vào trong đại chúng không hề sợ hãi. Thường thích tắm gội, hương quý xoa thân, mặc áo quần đẹp đẽ sạch sẽ, các thứ trang nghiêm đầy đủ. Thấy những cảnh sắc tốt đẹp, nghe những âm thanh hay, ngửi các mùi hương tuyệt diệu, thường ăn thức ăn có mùi vị ngon lành nhất, tiếp xúc với những vật mịn màng mềm mại. Kẻ oán thù khó phá hoại, thiện tri thức thường hoan hỷ. Đây là đối với thân người cảm được quả báo tốt lành. Được mọi người kính phục ngưỡng mộ thường khen ngợi tốt lành. Quên mất hình dáng xấu xí của mình, tuy sinh ở nơi thấp hèn mà có tướng của bậc Đại nhân. Tuy không nói năng khéo léo mà trở thành người khéo léo nói năng. Tuy không học rộng mà trở thành người hiểu biết. Tuy ít trí tuệ mà trở thành người có trí tuệ. Nếu trước đã đoan chánh thì nay lại đoan chánh xinh đẹp gấp bội. Nếu trước đã sinh trong nhà họ lớn thì nay lại tôn quý gấp bội. Nếu trước đã nói năng khéo léo thì nay lại nói năng khéo léo gấp bội. Nếu trước đã học rộng thì nay hiểu biết gấp bội. Nếu trước đã có trí tuệ thì nay có trí tuệ gấp bội. Được ngồi nằm trên giường ghế bằng vật báu quý giá, thức hay ngủ đều yên ổn, có người hầu hạ bảo vệ đầy đủ. Các thứ báu làm nhà, tùy ý vui đùa đi lại. Thân tướng quý trọng, cần đến các loại kinh sách tùy ý lập tức có được. Thế lực địa vị tùy ý dễ dàng thân cận vua chúa, những người cao quý đều nghĩ đến. Những thầy thuốc giỏi tự đến thăm viếng, thường có người thân tín nói cho biết mọi tin tức. Có chút ít bệnh tật hoặc bệnh nặng thì dễ dàng chữa lành. Xa lìa nỗi sợ hãi của đời này và đời sau. Say cho cùng là vĩnh viễn lìa khỏi nỗi sợ hãi không sống được, thường xuyên có người cứu giúp. Có nhiều người thân cận tự cho là mình nhiều phước, vì được đồng ý cho nên chính mình hết sức vui mừng. Có chút ân đức bố thí mà cảm được sự đền đáp to lớn. Nếu làm điều ác nhỏ thì gánh chịu tai họa to lớn. Người nữ trẻ tuổi đoan chánh trang nghiêm đầy đủ thuộc dòng dõi cao quý tự mình cầu mong cung cấp hầu hạ, những người hài hòa nhanh nhẹn đều đến với mình. Nếu làm điều ác thì điều ác trở thành bé nhỏ, làm chút điều thiện bố thí thì cảm được lợi ích to lớn. Có nhiều thiện tri thức thì người oán ghét càng ít hơn. Rắn rít thuốc độc, người ác phóng túng, mọi điều không tốt như vậy không ngang nhiên đến gần được. Những điều yêu quý cung kính đều tìm quay về. Nếu lúc được lợi ích thì mọi người vui mừng thay mình. Nếu có điều buồn phiền xót xa thì mọi người đều lo buồn thương xót. Mọi người cùng dẫn dắt chỉ bày, tranh nhau học theo điều tốt lành, khiến cho xa lìa pháp sai trái mà an trú trong pháp thiện. Thiện pháp bố thí to lớn, mọi người trông thấy đều hoan hỷ. Nếu chung lòng với nhau thì cho là đủ rồi, không mong cầu danh lợi giàu sang của thế gian làm gì.

Giả sử ở địa vị con người, suy nghĩ tìm cách giúp đỡ trừ diệt những nỗi buồn phiền khổ đau, thấy người khác giàu sanh nhưng mình không hề có mong cầu, còn được mọi người ca tụng phẩm đức của họ chứ không vạch ra lỗi lầm của họ, tuy là hạng tiểu nhân mà được gọi là bậc Đại nhân, có đầy đủ sắc tướng. Nhìn thấy nhan sắc dung mạo của người khác mà mình không làm ra vẻ kỳ dị lạ lùng. Nếu làm Bà-la-môn, ở trong chùa miếu cảm được quả báo to lớn, đọc các kinh sách cảm được lợi ích thật sự, có được lợi ích mà tự mình thực hành bố thí. Nếu là hàng Sát-đế-lợi đã luyện tập thành tựu, khéo phát ra âm thanh, cố gắng tự mình rèn luyện thành thạo, cai trị thế gian bằng sách vở chuẩn mực, thì có thể cảm được quả báo. Nếu như là nhà nông thì gieo trồng đều được như ý. Nếu là khách buôn thì có thể cảm được lợi ích buôn bán. Nếu là Thủ-đà-la thì sự nghiệp đã làm phần nhiều đều được như ý.

Hỏi: Trước đây ông nói Bồ tát bố thí không vì tâm mong cầu quả báo, lại cũng không vì giàu sang mà bố thí, bây giờ lại nói mong cầu giàu có cho nên bố thí, lời nói này có thể không tự trái ngược với nhau chăng?

Đáp: Không trái ngược với nhau. Nếu như vì bản thân mình có mong cầu giàu có để hưởng thụ vui sướng, thì vì vậy nói là không nên mong cầu giàu có. Nay nói mong cầu có chỉ vì lợi ích cho chúng sinh, vì vậy nói là muốn bố thí rộng lớn cho nên mong cầu giàu có. Không vì bản thân mình mà mong cầu giàu có để hưởng thụ vui sướng, đó là trong quả nói đến nhân. Nếu Bồ tát không cảm được giàu có, thì tuy tin tưởng và thích bố thí nhưng mà không có tài sản để có thể giúp đỡ. Vì vậy ông không nên chất vấn về điều này. Vả lại, đoạn trừ hai pháp cho nên thuận theo thực hành bố thí. Những gì là hai pháp? Đó là:

  1. Keo kiệt.
  2. Tham lam.

Hai pháp này là vết bẩn lớn nhất của bố thí.

Lại có được hai pháp cho nên thực hành bố thí, đó gọi là Tận trí và vô sinh trí. Lại tăng thêm ba loại trí tuệ:

  1. Trí tuệ tự lợi.
  2. Trí tuệ vốn có.
  3. Trí tuệ đa văn.

Có người nói: Vì tăng trưởng hai pháp cho nên thuận theo thực hành bố thí, đó là thiện và tuệ. Nói tóm lại là Bồ tát thuận theo thực hành bốn loại bố thí thâu nhiếp tất cả mọi thiện pháp:

  1. Bố thí với tâm bình đẳng.
  2. Bố thí không có đối đãi.
  3. Bố thí hồi hướng cho Bồ đề.
  4. Bố thí với tâm rỗng lặng đầy đủ mọi thiện pháp.

Bồ tát đầy đủ bố thí Ba-la-mật như vậy cho nên thường xuyên thực hành tài thí.