LUẬN TẠP A TỲ ĐÀ TÂM
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu
Hán dịch: Tam Tạng Tăng già Bạt Ma, người Thiên Trúc, Đời Lưu Tống
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 11

Phẩm 10: TRẠCH (Phần cuối)

Hỏi: Biết pháp, hiểu pháp, rõ pháp, những việc này thế nào?

Đáp:

Biết là tất cả pháp

Hiểu và rõ cũng vậy

Trí và ý thức sáng

Đều tùy việc mà nói.

Khổ trí kia biết khổ, cho đến đạo trí biết đạo, trí vô lậu duyên phần đoạn. Đẳng trí thiện cũng biết khổ, cho đến số hư không phi số diệt duyên khắp tất cả pháp. Thức cũng biết tất cả pháp. Nhãn thức kia biết sắc, cho đến thân thức biết xúc, vì nhiếp thọ tự tướng. Ý thức biết mắt, sắc và nhãn thức, vì đều duyên khắp tất cả như vậy. Sự sáng suốt cũng làm sáng tỏ tất cả pháp tùy theo việc kia. Khổ nhẫn, khổ trí kia làm sáng tỏ nỗi khổ, cho đến đạo nhẫn, đạo trí làm sáng tỏ đạo, vì duyên phần đoạn. Tuệ hữu lậu thiện cũng làm sáng tỏ, hư không phi số diệt.

Hỏi: Kiếp có lỗi thế nào?

Đáp:

Đao binh, bệnh, đói khát

Gọi là lỗi trung kiếp

Trừ địa, ba thứ khác

Gọi là lỗi đại kiếp.

Đao binh, bệnh, đói khát, gọi là lỗi trung kiếp: Nghĩa là ba thứ lỗi ở trung kiếp, đó là nạn đao binh, bệnh dịch, đói khát. Kiếp đao binh: Là đến lúc tuổi thọ của con người giảm xuống chỉ còn mười tuổi, là cảnh giới tham lam, thô bạo, độc ác, vận hành các pháp tà, mọi người đều có tâm hãm hại nhau, tay cầm cỏ, cây đều biến thành dao gươm, sát hại lẫn nhau. Thảm trạng như vậy, kéo dài đến bảy ngày. Đó là lỗi đao binh ở trung kiếp.

Kiếp bệnh dịch: Cũng xảy ra vào lúc tuổi thọ của con người chỉ có mười, với nhiều bệnh tật, không có bác sĩ, thuốc hay và sự chẩn đoán bệnh. Con người bấy giờ vì phước đức quá mỏng, nên hễ bị bệnh là chết ngay. Tình huống như vậy, kéo dài đến bảy tháng, bảy ngày. Đó là tội lỗi về bệnh dịch của trung kiếp.

Kiếp đói khát: Lúc con người cũng sống được mười tuổi, họa đói khát càng tăng thêm, làm cho cơ thể của con người càng yếu đuối. Nạn hạn hán kéo dài khắp thiên hạ, gieo trồng không thu hoạch số lượng gạo không đủ ăn, phải nấu xương người để húp nước. Thảm trạng như vậy, tiếp diễn suốt trong bảy năm, bảy tháng, bảy ngày. Đó là lỗi về đói khát của trung kiếp.

Nói như vậy, còn nếu ở vào đời hiện nay, người nào giữ giới không sát sinh, trong một ngày một đêm, thì không bao giờ sinh trong kiếp đao binh kia. Nếu dùng một quả ha-lê-lặc cúng dường ruộng phước tăng, thì không bao giờ sinh trong kiếp bệnh dịch kia. Nếu bố thí cho ruộng phước tăng một bữa ăn thì không bao giờ sinh vừa kiếp đói khát kia.

Trên đây là kiếp ác ở cõi Diêm-phù-đề sinh khởi lẫn nhau. Ở phương khác thì có một ít phần giống nhau. Như sinh trong kiếp đao binh ấy, người kia chỉ có thêm sự tức giận, nếu sinh trong kiếp bệnh dịch ấy, người kia chỉ có một ít sức yếu đuối, nếu sinh vào kiếp đói khát, người kia chỉ thêm sự đói khát.

Hỏi: Lỗi của đại kiếp là thế nào?

Đáp: Trừ địa ra, ba thứ kia gọi là lỗi của đại kiếp. Ba đại chủng, gọi là lỗi của đại kiếp, đó là: lửa, nước, gió, chẳng phải địa chủng. Vì sao? Vì bất lợi. Lợi là làm hoại đại kiếp.

Lại nữa, kiếp hoại của địa chủng, nghĩa là kiếp hoại lẽ ra phải đến đệ Tứ thiền mà chưa từng đến đệ Tứ thiền.

Hỏi: Vì sao kiếp hoại không đến đệ Tứ thiền?

Đáp: Vì trời Tịnh Cư. Trời đó không sinh địa trên, ở ngay địa đó mà nhập Niết-bàn. Cũng không sinh xuống địa dưới, vì địa dưới chẳng phải thường diệt. Nếu kiếp trụ kia trải qua kiếp hoại cũng không đúng, vì sức phước tăng thượng nên sinh vào xứ đó, vì sự rối loạn bên trong không có. Nếu bên trong địa đó có sự khuấy rối, thì bên ngoài sẽ có tai họa. Trong Sơ thiền kia, vì có lửa giác quán khuấy rối, nên bên ngoài bị hỏa tai đốt cháy. Trong đệ Nhị thiền có nước hỷ nhiễu loạn, nên bên ngoài bị thủy tai cuốn trôi. Trong đệ Tam thiền có hơi thở gió ra vào khuấy rối, nên bên ngoài bị phong tai làm tan hoại.

Hỏi: Đệ Tứ thiền không hề có sự nhiễu loạn, đâu được không thường còn?

Đáp: Vì bị sát-na vô thường hủy hoại. Nói như vậy, nghĩa là địa của đệ Tứ thiền không nhất định nối tiếp nhau, hễ vị trời kia sinh thì cung điện đều có theo. Nếu vị trời ấy qua đời, thì cung điện cũng mất theo.

Hỏi: Kiếp nào hết trước nhất?

Đáp:

Bảy lửa lần lượt qua

Sau đến một thủy tai

Bốn chín lửa, bảy nước,

Lại bảy lửa, gió sau.

Bảy lửa lần lượt khởi: Nghĩa là kiếp lửa khởi lên trước nhất. Nói như thế này: Nếu kiếp lửa sắp khởi, bấy giờ tuổi thọ của con người là tám vạn tuổi. Người địa ngục chết, không còn sanh lại, nên biết là kiếp hết, cho đến ở địa ngục cũng không có một chúng sinh nào cư trú, đó gọi là kiếp địa ngục hết. Như kiếp địa ngục hết, súc sinh, ngạ quỷ cũng như vậy. Nếu súc sinh hữu dụng đối với người, thì đều tận diệt một lượt với con người. Và lúc ấy, ở Diêm-phù-đề chỉ còn một người, không ai chỉ dạy bèn nhập Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, bèn cất tiếng xướng: Ly sinh hỷ lạc thật là vui sướng, âm thanh như vậy, lần lượt bảo nhau khắp cả Diêm-phù-đề. Các chúng sinh khác cũng không có thầy giáo hóa, đều nhập Sơ thiền, cho đến cả Diêm-phù-đề, không có một chúng sinh nào ở. Đó gọi là hết kiếp Diêm-phù-đề, chỉ trừ châu Uất-đơn-việt, tất cả các đường lành cõi Dục cũng giống như vậy. Ở Châu Uất-đơn-việt chết, không người nào được thiền, vì không có sự lìa dục. Lại nữa, lúc đó, một chúng sinh ở Sơ thiền, không có ai giáo hóa, bèn nhập đệ Nhị thiền. Sau khi xuất thiền, cất tiếng xướng: Định sinh hỷ lạc thật là vui sướng. Âm thanh như vậy vang khắp đến Phạm thiên. Các chúng sinh khác cũng giống như thế. Cho đến Sơ thiền, không có một chúng sinh nào cư ngụ, đó gọi là kiếp của đời chúng sinh hết. Thế giới lúc đó trống rỗng trong một thời gian lâu, mãi cho đến khi bảy mặt trời xuất hiện.

Hỏi: Mặt trời xuất hiện từ đâu?

Đáp: Có thuyết nói: Lúc kiếp thành, ở sau núi Càn-đà có bảy mặt trời trụ, từ nơi ấy xuất hiện.

Có thuyết nói: Một mặt trời chia thành bảy phần.

Lại có thuyết nói: Năng lượng của một mặt trời nóng gấp bảy lần.

Lại có thuyết nói: Lửa của địa ngục Vô gián tỏa ra. Nói như vậy: Nghĩa là vì sức nghiệp của chúng sinh làm cho quả tăng thêm, khí thế giới khởi, nghiệp chúng sinh đó hết, như vậy, sự nhiễu loạn phát sinh cho đến đốt cháy cả trời Phạm, bảy hỏa tai như vậy thứ lớp đi qua. Sau đó, là một thủy tai, nghĩa là bảy hỏa tai xảy ra rồi, sau đó mới là một thủy tai, cho đến làm tan rã đệ Nhị thiền.

Hỏi: Nước dâng lên từ đâu?

Đáp: Có thuyết nói: Từ ranh giới của đệ Tam thiền nước mưa bị đun nóng. Có thuyết lại nói: Bánh xe nước vọt lên, xảy ra nhiễu loạn như trước đã nói. Bốn chín lửa, bảy nước: Nghĩa là bảy hỏa tai theo thứ lớp xảy ra, sau đó là một thủy tai. Như vậy bốn mươi chín lần hỏa tai và bảy lần thủy tai.

Lại bảy lửa, gió sau: Nghĩa là lại bảy lần hỏa tai, về sau là một phong tai. Thủy tai, phong tai nổi lên, theo thứ lớp từ hỏa tai. Đấy là khéo nói, Tịnh cư thiên sống lâu đến sáu mươi bốn kiếp, mới bị thủy tai làm trôi dạt, cho đến đệ Nhị thiền bị phong tai làm tan hoại. Cho đến đệ Tam thiền, trăm ức bốn thiên hạ hư hoại cùng một lúc.

Mười chín trung kiếp thế gian trống rỗng, một trung kiếp khí thế gian tan hoại, một trung kiếp khí thế giới hình thành, mười chín trung kiếp theo thứ lớp an trụ dần. Nếu ở kiếp không trước nhất là ở kiếp trụ sau cùng. Nếu ở kiếp không sau cùng là ở kiếp trụ trước nhất.

Hỏi: Thế nào là tâm rối loạn?

Đáp:

Lầm lẫn, nghiệp báo gốc

Sợ hãi và tổn hại

Nếu hiểu chi tiết kia

Thánh nói nước, lửa, gió.

Lầm lẫn nghiệp báo gốc, sợ hãi và tổn hại: Nghĩa là bốn nhân duyên làm cho tâm rối loạn, đó là bốn đại loạn, nghiệp báo gốc, sự sợ hãi và gây tổn hại cho thân.

Bốn đại rối loạn: Nghĩa là ăn uống không thích hợp, nên bốn đại rối loạn. Vì bốn đại rối loạn nên khiến tâm người kia loạn. Nghiệp báo gốc là nghiệp báo là gốc tạo ra tâm tán loạn chín muồi.

Hỏi: Việc này ra sao?

Đáp: Ưa loan truyền những tai họa suy sụp, làm cho người khác buồn rầu, khổ sở. Hoặc lại mắng rằng: Ông là người ngu si, điên rồ, tâm tán loạn. Hoặc xua đuổi, đàn áp chúng sinh, khiến họ rơi vào chỗ nguy hiểm. Đốt núi, đầm, cho người uống rượu. Hoặc do vọng tưởng nên nói ngược lời Phật. Những nghiệp xấu như thế, dẫn tới hậu quả là tâm loạn.

Sự sợ hãi: Nghĩa là kinh hoàng sợ hãi khi thấy hình phi nhân đến. Vì sợ hãi nên tâm người kia loạn, gây tổn hại cho thân, tức bị phi nhân đánh. Vì người kia đã dùng vật bất tịnh làm cấu uế chỗ đại chúng hội họp và tháp Phật, Tăng, nên khiến cho phi nhân ở nơi đó giận, mà đánh, cho nên tâm người kia loạn.

Đó là nói người phàm phu, bậc Thánh không có hành báo của nghiệp gốc làm tâm loạn. Nếu người nào trước đã gieo trồng nghiệp báo nhất định, thì trước hết thọ báo, sau đó mới vượt lên ly sinh. Nếu kẻ nào gieo trồng nghiệp báo không nhất định, nếu vượt lên ly sinh, thì nghiệp của họ sẽ tiêu mất.

Tâm loạn: Là ở cõi Dục. Địa ngục kia không tâm loạn, vì thường loạn. Súc sinh, ngạ quỷ và người thì tâm loạn, trừ châu Uất-đơn-việt, các tầng trời cõi Dục cũng có tâm loạn.

Hỏi: Những bậc Thánh nào có tâm loạn?

Đáp: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chiPhật. Chỉ có tâm Phật không loạn, tiếng nói không hư hoại, tóc không bạc, mặt không nhăn, không dần dần nhập Niết-bàn.

Từ lâu, Đức Thế Tôn đã dứt hết nghiệp nhiễu loạn, vì Phật thực hành hạnh mầu nhiệm. Sự rối loạn là ở ý thức, chứ không phải ở năm thức tâm, vì không phân biệt. Tâm hữu lậu loạn, vô lậu thì không, vì hành chân thật. Thế nên, nếu nói tâm điên loạn là tán loạn chăng? Nên chia làm bốn trường hợp:

Trường hợp đầu: Nói điên, là tâm hữu lậu thiện, tâm vô ký không ẩn mất.

Trường hợp thứ hai: Nói tự tướng trụ, là tâm cấu uế.

Trường hợp thứ ba: Nói người điên, là tâm cấu uế.

Trường hợp thứ tư: Nói tự tướng trụ tâm thiện và tâm vô ký không ẩn mất.

Hỏi: Những đại nào có thể làm tan rã chi tiết?

Đáp: Nếu có thể làm tan rã chi tiết, bậc Thánh nói: Ba đại nước, lửa và gió là có thể làm tan rã chi tiết, chẳng phải địa đại vì bất lợi.

Đại lửa làm tan rã chi tiết: Nghĩa là lúc chết, đại lửa tăng, đốt cháy khắp gân, đốt gân xong, làm tan rã từng lóng đốt, làm tan rã lóng đốt rồi, không bao lâu sẽ chết.

Đại nước làm tan rã chi tiết, nghĩa là lúc từng lóng đốt rời ra, trước hết làm cho gân thối rữa, gân thối rữa rồi, chi tiết khác tiếp tục như trước đã nói. Đại gió làm tan rã chi tiết, nghĩa là làm cho gân nát vụn, gân nát vụn rồi, chi tiết khác tiếp tục như trước nói. chi tiết đã làm tan rã rồi, không quá một ngày đêm sẽ chết,, vì bốn đại rối loạn. Địa ngục không có việc làm tan rã chi tiết, vì các chi tiết thường bị tan rã, nhưng do nghiệp báo, nên không chết. Súc sinh, ngạ quỷ và ba phương đều có sự tan rã chi tiết, trừ châu Uất-đơn-việt, vì không có tội nghiệp. Cõi trời cũng như vậy. Phàm phu, bậc Thánh đều tan rã chi tiết, chỉ trừ Phật. Tội báo nghĩa làm tan rã chi tiết. Phật không có tội báo.

Đã nói tách rời chi tiết, nay sẽ nói: Về sự lui sụt.

Thối pháp có ba thứ

Đắc, vị đắc, tập hành

Hoặc một người, một thối

Vị đắc thối là hai

Là tập hành thối kia

Ba Thánh đều cũng vậy.

Thối pháp có ba thứ: Đắc thối, vị đắc thối và tập hành thối.

Đắc thối, nghĩa là công đức đã được mà gặp phải nhân duyên lui sụt là thối. Vị đắc thối nghĩa là công đức đáng lẽ được, nhưng vì buông lung nên không được. Tập hành thối là công đức đã được, vì có nhân duyên nên không được tập hành.

Hỏi: Những người nào thối lui và thối lui việc gì?

Đáp: Hoặc một người, một thối lui. Nếu người đắc thối là Thanh văn, thuộc căn cơ chậm lụt, không phải căn cơ nhạy bén. Căn cơ nhạy bén là sức của Tam-muội, nên nói như vậy.

Hỏi: Làm sao biết có đắc thối?

Đáp: Do nói có hai loại A-la-hán. Đó là Thối pháp và bất thối pháp. Nếu nói thối đạo mà quả không thối là không đúng. Vì sao? Vì đoạn đắc hợp với đạo. Đắc là thuộc đạo đế, thế nên, đạo thối chẳng phải đoạn là không đúng. Nếu nói lìa thì hạt giống phiền não làm sao phát sinh? Nên nói như tâm vô lậu ban đầu, không có nhân trước mà sinh, đạo thối kia cũng như vậy.

Lại nữa, vì có phần tự, phần nhân, nên từ nơi không có biên vực sinh tử, phần tự, phần nhân của phiền não sinh ra. Nói phiền não khởi ở ba chỗ là nói sai là không đúng. Vì sao? Vì phiền não khởi là có đầy đủ nên nói là chúng sinh khởi phiền não, phải có đủ ba nhân duyên, đó là: Sức nhân, sức cảnh giới và sức phương tiện. Sử của dục ái kia, chưa đoạn, chưa biết là sức của nhân (đoạn là vô ngại, biết là giải thoát). Triền của dục ái chấp pháp là sức của cảnh giới. Sự tư duy không đúng đắn là sức của phương tiện, là ý của thuyết kia. Nếu theo thuyết kia nói, sự tư duy bất chánh, nghĩa là trước kia không có tư duy bất chánh thì không khởi. Nếu tư duy bất chánh trước kia có thì là không cùng.

Lại nữa, tâm thiện, vô ký đã đến mức rốt ráo bất sinh. (Nếu sự tư duy bất chánh cứ tiếp nối nhau không cùng thì những niệm khác sẽ không được sinh). Nếu bất sinh thì sự giải thoát cũng không có phần. Đốt cháy các phiền não, không sinh trở lại, như lửa đốt gỗ thành tro, đến cuối cùng, thì tro không còn là gỗ nữa. Cũng vậy, A-la-hán dùng lửa trí để đốt củi phiền não, không lẽ lại là phiền não. Sự bất ưng kia là như vậy. Vì sao? Vì thí dụ không đúng. Sao lại như đốt củi có tro? Nếu như vậy phiền não của A-la-hán có thừa như tro kia chăng? Nếu có thừa, thì không phải là A-la-hán, vì có phiền não. Nếu không có thừa phiền não thì chẳng giống như thí dụ trên. Nhưng chẳng phải Thánh đạo kia như lửa đốt củi. Thánh đạo chỉ bắt đầu khởi sự dứt trừ phiền não, là được giải thoát, được chứng quả. Nếu vị kia lìa Thánh đạo thì cũng xả bỏ giải thoát, bị trói buộc, còn khởi lại. Như các sự lui sụt là trái với kinh nói, nên biết vì nói bất thời giải thoát, nên nói vị đắc thối tức nói hai, nghĩa là nếu vị kia là vị đắc thối thì đó là Thanh văn, Bích-chi-Phật, chứ chẳng phải Phật, vì Phật đã an trụ tối thắng. Thanh văn không được căn cơ tối thắng của Bích-chi-Phật Phật. Bích-chi-Phật không được căn cơ tối thắng của Phật, cho nên mới có vị đắc thối. Nói lược là tất cả chúng sinh tu hành lẽ ra đều được tuệ nhãn của bậc Thánh. Nếu người không tu hành mà nhập danh sắc, đó là Vị đắc thối. Hỏi: Làm sao biết được có Vị đắc thối?

Đáp: Vì tin tưởng lời Phật nói. Như Đức Thế Tôn nói: Chư thiên và người đời lui sụt trí tuệ, nghĩa là mê đắm danh sắc, không thấy Thánh đế, nói ho là tập hành thối. Ba Thánh đều cũng như vậy, nghĩa là nếu người tập hành thối, thì đó là ba Thánh: Thanh văn, Bích-chi-Phật và Như lai đều có, do các nhân duyên ở khoảng giữa mà công đức có được, không thể thường hiện ở trước mặt.

Hỏi: Làm sao biết có tập hành thối?

Đáp: Vì nói tâm, tâm pháp lui sụt. Đức Thế Tôn nói: Bốn thứ tâm, tâm pháp này, được trụ trong hiện pháp an lạc. Ta nói vị kia, mỗi mỗi lui sụt, như Tu-đa-la có nói rộng.

Lại có thuyết nói: Ý bất động, thân giải thoát, chứng quả, thành tựu diệu dụng, những thứ đó là không lui sụt. Vì lý do này, nên biết, Đức Thế Tôn cũng có Tập hành thối. Cho nên nói: Đức Thế Tôn phần nhiều là diệu dụng vị chí, chẳng phải địa căn bản. Vì sao? Vì gần cõi Dục. Dù ý bất động, có giải thoát, có tập hành thối, nhưng vì người đã thành tựu tu đắc nên tất cả những thứ kia khi ở hiện tại, đều thường được chuyển theo. Tâm, tâm pháp của người là hiện tại tu, nghĩa là những gì không hiện ở trước đều gọi là thối. Tập hành thối nhiều nhất là Đức Thế Tôn. Vì sao? Vì công đức vô biên. Như vua Thánh Chuyển luân thọ nhận rộng cảnh giới.

Lại nói, vì thâu nhiếp người khác, nên gọi là bất động, vì tự nhiếp nên gọi là tâm, tâm pháp. Đức Thế Tôn thường thâu nhiếp người, ít khi tự thâu nhiếp. Như vậy, Đức Thế Tôn là đấng đại bi, đại xả.

Hỏi: Xứ nào không thối?

Đáp:

Chư thiên thì bất thối

Quả thối không hề chết

Cũng không tạo nghiệp ấy

Trụ quả mà không làm.

Chư thiên thì bất thối: Nghĩa là các vị trời không lui sụt, vì trời căn cơ nhạy bén, vì trời là được quả. Người căn cơ bén nhạy thì không thối. Nếu người căn cơ chậm lụt mà được quả, sau đó sinh lên cõi trời cũng không thối. Vì vô sinh. Bậc Thánh vô sinh nên không thối. Việc này trước đây đã nói. Vì thối kia đều không có phần. Đức Thế Tôn nói năm thối đầy đủ, nhiều sự nghiệp.

Vì năm thối pháp kia, trời không có cho nên không thối. Do trời không thối, nên biết thối phải ở trong loài người, vì thối đủ có thể được.

Quả thối không hề chết, nghĩa là người có quả thối, không bao giờ chết, phải đắc quả lại. Vì sao? Vì sinh ở địa dưới, chẳng phải thường diệt, chẳng phải pháp thường diệt, không còn hiện ở trước, vì pháp bất sinh, vì đạo quyết định và quyết định rốt ráo đều thuộc về quả. Vì chỗ chết đi sống lại của đạo quả, nên người kia được sống lại. Lại vì quả xứ được tự khéo giữ gìn, vì vị trí của quả đủ ba nhân duyên và năm nhân duyên, như trước đã nói.

Thối ba quả kia, chẳng phải là quả của Tu-đà-hoàn, vì kiến đạo dứt phiền não chẳng phải là sự đối trị. Thấy đạo dứt phiền não dựa vào chỗ ngã mà chuyển, không có ngã. Tu đạo dứt phiền não là đối sự, tu đạo dứt phiền não là xứ tịnh chuyển. Tu-đà-hoàn kia có tưởng tịnh và tướng bất tịnh. Họ tư duy các hành bất tịnh, họ tư duy tịnh được lìa dục. Đối với cái thấy bất tịnh thì lui sụt, tư duy không có pháp ngã, ngã sở.

Đối với phi ngã thì thấy được thối.

Lại nữa, quả Tu-đà-hoàn có phương tiện rộng, trước kia đã tu như là thí, giới, v.v… để hướng đến giải thoát, so sánh như vậy. Lại nữa, quả Tu-đà-hoàn do thấy đạo mà được, nên không có kiến đạo thối, vì đạo nhanh chóng, vì nhạy bén, vì đối trị Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Nếu quả A-la-hán, thối đến quả Tu-đà-hoàn, nên biết là thối ba quả. Vì đối trị phiền não được thành tựu, cũng không gây ra các nghiệp. Như A-la-hán kia đã trụ ở quả, nghĩa là nếu người được quả mà không làm, thì người của quả thối đó cũng không làm. Vì sao? Vì được luật nghi không tạo tác, vì Thánh đạo đã diệt trừ hành vi ác, như đã từng uống thuốc. Lại nữa, vì sự hy vọng đầy đủ, A-la-hán kia hy vọng ở quả diệt, vì đối trị hành vi ác.

Hỏi: Ngang đâu thì gọi là Bồ-tát?

Đáp:

Nếu tu các tướng tốt

Phương tiện khởi nghiệp kia

Từ đó, càng tiến thêm

Được gọi là Bồ-tát.

Nếu có chúng sinh bố thí một bữa ăn, khởi tâm quyết định, phát tâm không sợ nói rằng: “Ta sẽ thành Phật, có thể khởi báo tướng, tăng trưởng nghiệp kia”, ngang đó gọi là Bồ-tát, vì có thể từ đấy sẽ tạo nghiệp tương tợ nối tiếp. Nếu không được như vậy là chỉ có danh hiệu suông”. Bồ-tát dù có khởi tâm bất thối ngay từ đầu, nhưng đó là Bồ-đề quyết định, chứ chẳng phải thú hướng quyết định (Thú nên nói là đến, đồng với từ ngữ thú hướng), nghĩa là tạo nghiệp báo của tướng rồi thì đều quyết định, cho nên được mang danh hiệu ngang đồng với nghiệp báo của tướng Phật, vì tướng của Phật lìa bốn nhân duyên, đó là lìa đường ác, lìa phi nam, lìa dòng họ thấp hèn, và lìa không căn đủ. Được một nhân duyên, là sinh ra, biết được túc mạng. Do sinh ra biết túc mạng, nên vừa nghe thì thọ trì, quyến thuộc tín thọ, lìa lỗi chúng sinh, vượt qua ba A-tăng-kỳ kiếp, gieo trồng nghiệp báo tướng trong trăm kiếp, trừ Đức Thích Ca Mâu Ni, vì Thích Ca Mâu Ni là Bồ-tát tinh tiến, trừ chín kiếp, còn lại chín mươi mốt kiếp.

Có thuyết nói: Hai, ba A-tăng-kỳ, không phải là kiếp A-tăng-kỳ, nói A-tăng-kỳ kiếp sinh A-tăng-kỳ, và hành thiện A-tăng-kỳ.

Hỏi: Nghiệp báo của tướng là những tánh nào?

Đáp: Thân nghiệp, khẩu nghiệp tăng thượng và ý nghiệp. Lại nữa, tánh của tư tuệ này chẳng phải văn tuệ, vì yếu kém, cũng chẳng phải tu tuệ, vì cõi Dục không nhất định, là chủng loại của Diêm-phù-đề, chẳng phải phương nào khác, người nam chẳng phải người nữ, Đức Phật ra đời, chẳng phải không ra đời, thấy Phật chẳng phải không thấy Phật, là duyên tạo nghiệp, chẳng phải duyên khác.

Có thuyết nói: Một nghĩ mong, gieo trồng nghiệp ba mươi hai tướng. Về sau, các thứ nghiệp viên mãn. Lại có thuyết nói: Một tâm định, một hành, một duyên phần nhiều là nghĩ mong hiện ở trước, có nguyện vọng dưới chân được quả trụ an bình, có nguyện cho đến nhục kế, mỗi tướng đó là quyến thuộc của trăm phước. Về số lượng phước, Có thuyết nói: Phước của một vua Thánh Chuyển luân, gọi là lượng của một phước. Lại nói: Phước của một Đế-thích. Có thuyết lại cho: Lúc kiếp thành, nghiệp của tất cả chúng sinh tăng thượng, khí thế giới phát sinh, đó gọi là lượng của phước. Có thuyết nói: Trừ Bồ-tát ở địa gần Phật, còn lại là các phước lạc tự tại của nghiệp chúng sinh, đó gọi là số lượng của một phước. Pháp vô học của Phật là Bồ-đề, gọi là trí tận, trí vô sinh. Tát-đỏa cầu trí này, nên gọi là Bồ-đề. Tát-đỏa được Bồ-đề này là giác ngộ tất cả pháp, nên gọi là Phật. Chỉ có nghiệp báo của tướng, về sau mới được ngôi vua Thánh Chuyển Luân, mà tướng của vua Thánh nên biết là nghiệp báo khác.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ Tát-bà-đa?

Đáp:

Một thứ phân biệt khác

Có thuyết nói tướng khác

Hoặc nói từng phần khác

Hoặc lại nói dị khác.

Bốn thứ Tát-bà-đa: Một thứ phân biệt khác, nghĩa là thuyết kia nói lúc các pháp tùy theo đời chuyển biến, là phần khác chẳng phải sự khác. Như sữa biến thành lạc, là bỏ chất béo của vị, chứ không bỏ màu sắc. Như món đồ bằng vàng bạc, hư rồi, làm lại món khác, là bỏ hình dáng, không bỏ màu sắc. Pháp từ vị lai đến hiện tại cũng như thế. Nên biết, đây là chuyển biến Tát-bà-đa.

Khác tướng: Nghĩa là pháp quá khứ kết hợp với tướng quá khứ, không lìa tướng vị lai, hiện tại. Như người đã mê đắm một sắc, thì chẳng phải không mê đắm sắc khác. Pháp quá khứ kia cũng như vậy.

Thuyết này có lỗi, vì nếu các pháp của quá khứ, không lìa tướng vị lai, hiện tại thì rốt cuộc chúng sẽ t thành gì? Cũng thành nghĩa hợp. Nếu vậy thì đời rối loạn. Như người mê đắm một sắc, chỉ yêu đắm ở một sắc đó, cũng hoạt động cũng thành tựu, đối với thành tựu khác thì không hoạt động? Cho nên, thuyết kia nói đời rối loạn, thí dụ cũng trái nhau.

Từng phần khác, là nói lúc các pháp, tùy theo thế gian chuyển biến, từng phần khác, chẳng phải sự khác. Đó là kiến lập thế gian không rối loạn. Vì sao? Vì nghiệp khác nhau, nghĩa là pháp chưa tạo nghiệp gọi là vị lai, pháp đang tạo nghiệp gọi là hiện tại, tạo nghiệp rồi gọi là quá khứ. Từng phần khác đó, nghĩa là các pháp được nói kia, tùy theo thế gian chuyển biến, trước sau đối đãi nhau, không phải việc khác, cũng chẳng phải phần khác. Như một cô gái, vừa gọi là con gái, vừa gọi là mẹ, vì thời gian trước sau đối đãi nhau, nghĩa là ngắm cô gái thì biết là mẹ, nhìn người mẹ thì biết là con. Đó là kiếp lập thế gian rối loạn, vì một sát-na của đời quá khứ, có ba đời mà nói là: Quán tướng khởi trước gọi là vị lai, quán tướng khởi sau, gọi là hiện tại.

Hỏi: Các sư nói đế vô gián đẳng, mỗi đế đều khác. Tát-bà-đa và Bà-ta bộ nói đế vô gián đẳng theo thứ lớp. Đàm Vô Đức v.v…. nói một vô gián đẳng, vậy đâu là sự thật?

Đáp: Nay sẽ dùng năm chi để nói như thật. Năm chi là Tông, nhân, dụ, hợp, kết và nghĩa sẽ nói qua kệ sau:

Thứ đệ vô gián đẳng

Đế trí vì tướng khác

Thấy bình không thấy áo

Thấy đế kia cũng vậy.

Người tu hành trước hết là tu khổ vô gián đẳng, về sau mới đến đạo.

Hỏi: Vì sao?

Đáp: Vì tướng khác của đế trí. Trí của khổ, tập, diệt, đạo, mỗi trí đều có tướng khác, vì hành khác nhau. Nếu hành là khổ trí, thì hành này chẳng phải là trí khác. Nếu không như thế sẽ không có bốn trí được kiến lập, đế cũng có tướng khác. Nỗi bức bách kia là tướng khổ, sự sinh khởi là tướng tập, sự vắng lặng là tướng diệt, sự ra khỏi là tướng đạo. Chẳng phải trí không khác tướng khác, một vô gián đẳng của đế. Ví như lúc thấy chiếc bình, thì không thấy chiếc áo, vì tướng của bình và áo khác nhau. Vì tướng khác nhau, nên hễ thấy bình thì không thấy áo, thấy áo thì không thấy bình. Việc thấy đế kia cũng như vậy. Đối với tướng khác nhau của đế, lúc thấy khổ không thấy tướng nào khác, tất cả đều như vậy. Cho nên thứ lớp vô gián đẳng, nói là một vô gián đẳng, nghĩa là thuyết kia nói: Một vô gián đẳng đối với đế. Vì sao? Vì tin tưởng ở Thánh Hiền. Như Đức Thế Tôn nói: Tỳ-kheo đối với khổ chẳng hoài nghi, tập cũng chẳng nghi, diệt, đạo cũng như thế. Như chiếc đèn, bốn việc đều có tác động: Bình đựng dầu nóng lên, tim cháy, dầu cạn, phá tan bóng tối. Một trí như vậy biết khổ, cho đến tu đạo. Thế nên là một vô gián đẳng. Thuyết ấy nói: Trí đế có tướng khác là không đúng, vì một tướng, tất cả tuệ, một trí tướng đối với cảnh giới của tất cả pháp, làm nên hành vô ngã. Đức Thế Tôn nói: Tất cả pháp là vô ngã, người trí tuệ có thể thấy. Người trí tuệ kia, lúc nhàm chán nỗi khổ, đấy tức là đạo thanh tịnh, về tướng đế, cũng nói như vậy. thí dụ bình, áo có tướng khác, điều này cũng không đúng. Vì sao? Vì vô gián đẳng không có phần của tự tướng và cảnh giới của cộng tướng. Vô gián đẳng chẳng phải tự tướng, đó là tướng hư hoại của năm ấm như sắc v.v… (tướng hư hoại tức là tướng vô thường). Cảnh giới chung là trí của một vô gián đẳng. Nếu khác là tự sinh lỗi lầm. Nói thứ lớp vô gián, nghĩa là ông nói là lời của Hiền Thánh, đó là mật ngữ. Thuyết này có nghĩa khác. Đức Thế Tôn nói: Nếu khổ thì không nghi thì đối với tất cả không nghi, vì hành vi nghi ngờ của người kia, cho nên nói. Nếu khổ kia sinh vô gián đẳng, thì nghi kia đều rốt ráo không hiện hành, vì chẳng phải thường diệt. Vì trừ có thuyết khác, nên Đức Thế Tôn nói trong Kinh Cấp Cô Độc thế này: “Trưởng giả đối với bốn Thánh đế theo thứ lớp không gián đoạn, nói rộng như vậy”.

Như chiếc đèn đã nói, nghĩa là chiếc đèn có lỗi là nhiều tánh chất, nhiều nghiệp dụng. Tôi không chấp nhận việc chiếc đèn, vì nếu khi phân biệt thì chiếc đèn đã bỏ tên của mình, như trước đã nói. Ánh sáng của đèn kia là thuộc sắc nhập, có công năng phá tan bóng tối, sức nóng của đèn kia thuộc xúc nhập, có thể làm việc khác. Nếu không như vậy thì hoại nghĩa quyết định. Tuệ thì không như vậy. Nếu nói là đồng thì có lỗi, còn nếu nói một tướng thì điều này cũng không đúng, vì hành khác nhau. Hành vô thường khác với trí. Khổ, không, vô ngã, v.v… hành trí cũng đều khác, theo như vậy mà so sánh. Nếu không như thế sẽ không có môn giải thoát. Hành không hư hoại là môn giải thoát (Lìa quán gọi là hoại, ba thoát khác quán nên không hoại). Như ông nói, duyên với tất cả pháp làm nên hành vô ngã, vì quán ngay tất cả pháp. Đó là phần tư duy không nhất định và tư duy định một phần, hành đều duyên riêng mỗi đế, do vậy, không nên nói, người tu hành kia lúc nhàm chán khổ, tức là đạo thanh tịnh. Vì không thể đem hành nhàm chán để duyên với diệt, đạo. Vì diệt đạo là việc đáng ưa chuộng. Tất cả duyên nghĩa là không chung tất cả, vì trái nhau, do hành vô ngã, không tức hành. Vì hành vô ngã này, vì tự tánh không tự quán sát, cũng không có hai tánh quyết định, cũng không quán tương ưng, vì cùng một hành, một duyên. Cũng không quán chung, có chung, vì một quả, một quyết định. Lại nói:

Tất cả hành vô thường, nghĩa là cũng chẳng phải là hành vô thường, vì làm diệt vô gián đẳng. Diệt là thường, nên biết, hành đó cách xa chân đế. Như đã nói, quán chúng sinh này suốt đêm dài sinh tử, đã thành tựu những hành vi ác của thân, miệng, ý, nói chúng sinh này, tức là địa ngục và đường ác khác. Thật ra, chẳng phải người này, tức là địa ngục, vì hướng đến địa ngục, nên nói người đó cũng như vậy.

Lại nữa, không vô gián đẳng này, chẳng phải là vô nguyện, vô tướng vì cảnh giới tất cả pháp kia không có, nên chớ nói là có lỗi. Thế nên, hành vô ngã của tất cả pháp, là sự suy nghĩ không nhất định. Sự suy nghĩ nhất định là duyên hữu lậu. Nếu không như vậy, là môn giải thoát giảm. Nếu nói tự tướng vô gián đẳng là không có, thì không đúng. Vì sao? Vì là quán. Tự tướng, cộng tướng này gọi là tướng bức bách, là tướng khổ. Vì quán ba đế là tự tướng, vì quán ấm là cộng tướng. Như vậy, tất cả phải biết, đều do quán nên nói là tự tướng, cộng tướng. Nói không như vậy là không đúng. Vì sao? Vì quán không hư hoại như trước đã nói. Thuyết trung ấm ở trước nói, về sau sẽ nói, thì nay nói.

Hỏi: Có trung ấm hay không?

Đáp:

Nên biết có trung ấm

Do Đức Thế Tôn nói

Như con đường trong xóm

Kia đều cùng đi qua.

Đây nói có trung ấm. Vì sao? Vì do Đức Thế Tôn nói. Đức Thế Tôn nói: Đường của bảy sĩ phu có trung bát Niết-bàn. Nếu không có trung ấm thì không có trung bát Niết-bàn. Nếu nói có thì trung yếu từ bát Niết-bàn kia, là không đúng, vì trong đường trời không có nói. Tuđa-la của Đức Thế Tôn nói: Trời Tứ Thiên vương cho đến Phi tưởng Phi phi tưởng xứ, đều không nói có trung yểu, ngoài ra cũng có lỗi, vì nếu nói sinh bát Niết-bàn thì còn có tên là sinh thiên chăng? Như vậy, tất cả A-na-hàm lẽ ra cũng có lỗi là nói như vậy. Thế nên, thuyết kia là thuyết vọng tưởng. Nếu nói trung gian mạng sống lâu là bát Niết-bàn thì không đúng, vì trừ châu Uất-đơn-việt và Bồ-tát ở biên sau, có nhiều chúng sinh không hết tuổi thọ mà đã chết, đó đều là trung bát Niết-bàn chăng? Cho nên, các giả thuyết này đều có lỗi.

Hỏi: Việc này thế nào?

Đáp: Ví như con đường trong xóm, nối liền từ một xã này đến một xã khác. Như vậy tử ấm sinh ấm, từ tử ấm hướng đến sinh ấm cũng như thế. Như kinh A-thấp-ba-la-diên nói: Nếu từ mỗi chỗ kia đến, nói rộng như thế.

Nếu không có trung ấm thì sẽ không có việc tới lui, cho nên phải có trung ấm, nếu nói vì trừ Tu-đa-la là có thuyết khác. Đức Thế Tôn nói Tu-đa-la và kệ: “Năm tội Vô gián đã gây ra thì theo thứ lớp sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián”. Lại nữa, vì Phạm chí mà nói kệ:“Trẻ thành già, bệnh trôi dạt đến chỗ Diêm vương”. Phạm chí không có trụ xứ, cũng không có lương thực, cho nên không có trung ấm, là không đúng. Vì sao? Vì nghiệp của đường không gián đoạn, nên nói Tu-đa-la và kệ là nói: Tạo nghiệp vô gián rồi, thì trước phải chịu báo Vô gián, sau đó mới thọ nghiệp báo khác, cũng phải đọa vào đường địa ngục, không phải đường khác.

Hỏi: Như ông giải thích, Đức Thế Tôn nói Tu-đa-la là tạo năm nghiệp vô gián rồi, theo thứ lớp đọa vào địa ngục, phải là năm nghiệp Vô gián mới đọa vào địa ngục hay chỉ hai, ba, bốn nghiệp? Hay còn tội khác đọa vào địa ngục?

Đáp: Nên biết kinh này và ý bài kệ. Nếu nói như ảnh, nghĩa là mặt trăng rất xa, ảnh của trăng hiện dưới đáy nước, không phải là mặt trăng kia đi đến trong nước. Như vậy, tử ấm, sinh ấm cũng như ảnh, chúng sinh sinh đâu cần gì đến trung ấm. Điều này cũng không đúng. Vì sao? Vì những điều kia đều có lỗi. Mặt trăng và nước đi chung, tử ấm sinh ấm không đi chung, cho nên có lỗi, dưới chân nhãn thức là tay thân thức, cũng như vậy. Nếu trước kia đã nhận lấy sinh ấm mà bỏ tử ấm như chiết lâu trùng là không đúng. Vì sao? Vì đường không khác và hai thức kết hợp là có lỗi. Vì vậy, nên nói có trung ấm, như đã nói ở bốn thứ Tát-bà-đa.

Hỏi: Là có tất cả hữu vi hay là không?

Đáp:

Nên biết tất cả hữu

Chẳng có tất cả tướng

Tất cả vô tất cả

Không có pháp tướng khác.

Hữu này là Tát-bà-đa lập ra. Tất cả là nói mười hai nhập, các nhập đó đều có tự tướng, không phải tướng nào khác, tất cả tướng đã tạo đều khác nhau, tạo nên nghiệp khác nhau, như trước đây đã nói.

Tất cả vô tất cả, nghĩa là pháp hữu học trong pháp học, không có pháp vô học. Có pháp vô học trong pháp vô học, cũng không có pháp vô học, như trong hư không chẳng có dấu vết, cứ so sánh như vậy.

Hỏi: Ở đây nói là có, vì sao nói không có?

Đáp: Không có pháp của tướng khác, như tướng của mắt, là nhãn nhập, không có tướng nhập khác, vì khác nhau. Vì lý do ấy nên nói tất cả pháp đều không lẫn lộn.

Tất cả thế gian có

Không trái sự thích ứng

Do Mâu-ni nói ra

Tăng Thanh văn không Phật.

Có ba đời Tát-bà-đa, đây là do Tát-bà-đa lập.

Hỏi: Vì sao đời hiện tại là do quán quá khứ, vị lai mà lập ra?

Đáp: Nếu không có quá khứ, vị lai thì sẽ không có đời hiện tại. Đời hiện tại đã không, thì cũng không có pháp hữu vi, cho nên có ba đời. Đừng nói có lỗi. Nếu nói thời gian lâu xa là quá khứ, sẽ có là vị lai thì chẳng phải là có, chỉ có hiện tại, điều này không đúng. Vì sao? Vì có nghiệp báo. Đức Thế Tôn nói có nghiệp, có báo, chẳng phải nghiệp báo này đều có trong hiện tại. Nếu nghiệp hiện tại, nên biết báo ở vị lai. Nếu chịu báo ở hiện tại, phải biết: Nghiệp đã có trong quá khứ. Nếu nói những lời thế tục thường nói: Nghĩa là cũng nói tác giả là không thật có. Nếu cho những lời người thế tục thường nói là có nghiệp, có báo thì điều này cũng không đúng, vì Đức Thế Tôn cũng nói tác giả không thật có, đây cũng là lời của thế tục thường nói hay sao? Do miệng thần đã nói Tu-đa-la đệ nhất nghĩa không, mà ông vọng tưởng nói là ở đây có nên kia có, so sánh như vậy.

Phải biết, như ông nói: Thời gian lâu xa là quá khứ, sẽ có là vị lai, thì chẳng phải là có, chỉ hiện tại là có. Nghĩa là chớ nên nói, tôi cũng có thể nói, cái hiện tại đối với đã qua là vị lai, đối với sẽ có là quá khứ, thì điều này chẳng phải người trí nói.

Như đã nói, nếu không có năm căn như tín v.v… ta nói là chúng phàm phu, nếu người hữu học còn bị phiền não ràng buộc, nên năm căn như Tín, v.v… không hiện ở trước, vì đạo và phiền não không đi chung, cho nên biết có quá khứ, vị lai. Nếu nói khác, thì bậc Thánh lẽ ra là phàm phu. Nếu nói, chứng đắc là tùy theo sinh thì điều này cũng không đúng, không có pháp chứng đắc, vì không có chỗ nương dựa.

Thanh văn Tăng không có Phật: Nghĩa là Phật không thuộc Tăng Thanh văn. Vì sao? Vì ba ngôi báu không giảm. Nếu Đức Thế Tôn thuộc về Thanh văn thì lẽ ra có hai ngôi báu, chẳng phải ba, vì Phật không có tự thể riêng. Quy y và trong sạch không hư hoại, niệm v.v… cũng như vậy, chớ nói có lỗi, thế nên, Phật không thuộc về Thanh văn tăng. Như Đức Thế Tôn nói Tu-đa-la của “Kiều-đàm-di. Bố thí tăng, cũng chính là cúng dường ta”. Nên biết là nói Tỳ-kheo Tăng, Thánh Tăng, ruộng phước Tăng, Đức Thế Tôn thuộc về ba tăng đó, vì đã phá phiền não, vì là Thánh, vì là ruộng phước đệ nhất nghĩa, chẳng phải Thanh văn Tăng tự giác.

Nếu khiến chương cú rộng

Chúng sinh rất sợ hãi

Tướng sâu không gì hơn

Nay ta chỉ nói lược.

Nếu nói rộng thì chúng sinh sẽ cảm thấy sợ hãi, nên hôm nay, con không nói rộng. Về các câu trong mỗi chương thật sâu xa. A-tỳ-đàm sáng suốt, thanh tịnh, trí tuệ đã am hiểu. Đối với nghĩa nhiệm mầu, âm thanh của các luận ở đây chỉ nói lược.

Các Đại sư thuở xưa

Giảng nói vô lượng nghĩa

Nay con theo chỗ hiểu

Phân biệt nói ít phần.

Đối với pháp, Tôn giả Pháp Thắng đã nói, nay tôi xin dùng chút ít trí tuệ để suy nghĩ so lường gom góp, để tạo lập chương cú, tường thuật lại để giúp tuyên dương giáo pháp của Phật, chẳng phải muốn kiêu mạn, hay cầu được tiếng khen. Như Tôn giả Pháp Thắng đã nói: Nếu sinh các phiền não là Thánh nói, thì đạo hữu lậu diệt, cũng sinh phiền não, mà chẳng thêm hữu lậu, vì phiền não không có. Vô lậu duyên phiền não, chỉ có bớt mà không thêm, như trước đã nói, cho nên tôi nói là thêm. Vô lậu duyên hạ trung thượng không thêm, là không đúng, vì dựa vào thêm.

Quyết định biết luận này

Chương cú nghĩa mầu nhiệm

Đối chúng trí tuệ kia

Mạnh mẽ không hề sợ.

Đối với nghĩa vị chương, cú của luận này, người trí khéo phân biệt nói, nghĩa là không có tâm khiếp sợ ở trong các chúng trí tuệ, vì khéo hiểu pháp tướng.

Nay tôi luận tăng ích

Tâm tôi không ham gì

Khiến người trí ưa thích

Chóng được vui Niết-bàn.

Kinh này là nói theo nghĩa rất lược mà sâu rộng, khó có thể thọ trì, như luận về hư không khó có thể biết rõ như trước đã nói, cho nên, bổn luận tăng ích tùy thuận nghĩa của Tu-đa-la, giúp cho chúng ta được hiểu rõ một cách dễ dàng, vì biết nghĩa thì phiền não dứt.

 

Phẩm 11: LUẬN

Đã nói xong phẩm Trạch, nay sẽ nói lược các luận, khiến cho người trí ưa thích.

Lìa luật không luật nghi

Mà được ở luật nghi

Không do kia vượt hơn

Người năng quyết định nói.

Đáp: Có. Đó là lúc từ cõi Vô Sắc mất, sinh cõi Sắc. Phàm phu ở cõi Vô Sắc, gọi là phi luật nghi, phi bất luật nghi, vì luật nghi thiện ác không có ở cõi Vô Sắc. Lúc từ cõi Vô Sắc kia chết, sinh cõi Sắc thì được luật nghi thiện, vì luật nghi cõi Sắc, đều có chung với tâm, chẳng phải thắng tiến, vì cõi Vô Sắc là cõi thù thắng.

Từng được quả Sa-môn

Hiền Thánh lìa các lỗi

Được pháp thiện hữu vi

Không gọi là tu tập.

Đáp: Có, đó là Thánh đạo thuộc về quả diệt rồi về sau mới thối. Căn không tiến thêm mà lại được. Căn đó, trước kia thuộc về quả quá khứ, vì đạo trước diệt tiên nên chẳng phải tu, vì nhân của hiện tại không có.

Lìa các lỗi: Nghĩa là vì chẳng phải thế tục, Hữu vi là chẳng phải vô vi. Thiện nghĩa là vì không phải bất thiện, vô ký.

Lúc đạo chưa hưng khởi

Xa lìa các lỗi lầm

Lúc giải thoát lìa ác

Người năng quyết định nói.

Đáp: Có, đó là người tu hành trụ Tam-muội Kim Cương, trừ tận trí đầu tiên và các pháp vô học khác, là lúc chưa khởi, vì không hướng đến. Lúc giải thoát: Là khi tất cả đạo vô học giải thoát ngay, thì tận trí đầu tiên phát sinh, lúc phát sinh này là lúc giải thoát. Lìa các lỗi ác: Nghĩa là vì chẳng phải hữu lậu.

Lại Triền Quang Âm khởi

Là tương ưng định kia

Sơ thiền thanh tịnh thối

Mà được ở thối pháp.

Đáp: Có, đó là lúc A-la-hán lui sụt triền đệ Nhị thiền, tận trí đã được, sự lui sụt của Sơ thiền được kết hợp với tận trí. Có lui sụt sự huân tu, vì Sơ thiền kết hợp với đệ Tứ thiền. A-na-hàm cũng vậy. Nói tịnh, nghĩa là làm sáng tỏ chỗ thối, vì chẳng phải vô học.

Lại ở đạo kiến đế

Được các pháp thiện kia

Pháp đó là có duyên

Thánh trí không thấy duyên.

Đáp: Có nghĩa là đi chung với khổ tỷ trí, đẳng trí của cõi Dục, với khổ tỷ trí đều cùng chung khổ vô gián đẳng v.v… biên tu, cũng không thấy trí kia duyên, vì trí đó duyên cõi Dục, mà khổ tỷ trí không duyên cõi Dục. Tập, diệt vô gián đẳng biên cũng như vậy. Đạo tỷ nhẫn được duyên với trí của ba đế mà không quán đế đó vì trụ cảnh giới khác. Như trụ pháp học được pháp vô học, được pháp vô học chẳng phải pháp học. Như thế, từ phẩm Pháp trí đến phẩm Tỷ trí, phẩm Tỷ trí lại đến phẩm Pháp trí.

Về quả tuệ hữu lậu

Tuệ vô lậu đã dứt

Quả kia do nhân khởi

Là tuệ không lìa dục.

Đáp: Có. Đó là bậc Thánh lìa dục cõi Dục, chưa lìa dục của Sơ thiền. Tâm biến hóa của quả Sơ thiền ở cõi Dục đã lìa dục, vì ái của cõi Dục đã hết. Tuệ của Sơ thiền chưa lìa dục, vì ái của thiền đó chưa hết, tất cả tâm biến hóa cũng vậy, theo nghĩa đó, trừ quả của địa mình.

Lại trụ đạo vô ngại

Mà được ở các diệt

Phiền não trái nhau này

Chẳng phải kiến vô lậu.

Đáp: Có. Đó là lúc phàm phu tu thần thông. Đạo vô ngại dứt, phiền não, trái với thần thông mà được các diệt, chẳng phải trái với kiến vô lậu. Vì sao? Vì lúc bậc Thánh lìa dục thì pháp nhẫn được hiện ở trước, vì đắc nhẫn trái với phiền não diệt.

Lại các phiền não diệt

Người lìa dục đạt được

Không dứt các phiền não

Mà được sạch không nhơ.

Đáp: Có, đó là lúc địa trên chết, sinh Phạm thiên, được phiền não cõi Dục diệt mà không dứt phiền não đó, vì trước đã dứt rồi. Tất cả địa khác cũng như vậy.

Địa thanh tịnh không nhơ

Chưa từng được mà được

Chẳng lìa dục, chẳng thối

Không dựa vào kiến đạo.

Đáp: Có. Đó là Sơ thiền lìa dục, dựa vào Sơ thiền và quyến thuộc vượt lên ly sinh. Đạo tỷ trí phát sinh, thành tựu quả A-na-hàm của ba địa. Xuất định đó, nhập đệ Nhị thiền, đạt được vô lậu của đệ Nhị thiền. Lúc được vô lậu của thiền đó, chẳng lìa dục, vì trước đã lìa dục, chẳng phải thối vì tinh tiến vượt hơn, chẳng phải kiến đạo, vì thấy đạo rốt ráo.

Nên biết địa trên và các căn tăng ích cũng đều như vậy.

Là được chưa từng được

Mà đạt được vắng lặng,

Không xả kia không được

Như bâc Năng tri nói.

Đáp: Có. Đó là trừ quyến thuộc khổ pháp mà nhẫn và được, được đạo vô lậu khác, xả vô lậu ban đầu kia. Tánh của tất cả phàm phu đều không được, những cái khác không xả, vì trước kia đã xả.

Nếu thành tựu tám nhẫn

Cũng thành tựu bảy trí

Các kiến vô lậu này

Không thấy vô lậu nào.

Đáp: Có. Đó là nói người này trụ đạo tỷ nhẫn, thành tựu tất cả tuệ của kiến đạo, kiến tất cả diệt, tất cả đạo chỉ trừ, quyến thuộc của đạo tỷ nhẫn. Nhẫn kia không thấy tự tánh, vì không tự quán sát, không có hai tánh, cũng không thấy tương ưng với một hành, một duyên, không thấy có chung một quả, một quyết định.

Lại pháp chưa từng được

Cảnh giới bên hữu lậu

Chỉ có người bất động

Năng kích động pháp thiện.

Đáp: Có. Đó là nói vô tướng của vô tướng, đối với sự sinh tử vô cùng cực chưa từng được mà được. Vì Thánh đạo vắng lặng, nên nói duyên hữu lậu, chẳng phải thường diệt, nên nói cảnh giới biên, ngoài ra không có, nên nói chỉ có bất động, vì Thánh đạo vắng lặng, nên nói kích động pháp thiện.

Đã khởi tuệ vô lậu

Người chưa khởi tuệ đó

Đời trước, chẳng nhân sau

Như bâc Năng tri nói.

Đáp: Có. Đó là sự thêm trước, chẳng phải nhân kém ở sau, vì quả kia tương tợ và thêm.

Lại lìa dục sáu địa

Thánh cũng đắc quả kia

Không được thiền vô lậu

Như bâc Năng tri nói.

Đáp: Có. Đó là không xứ lìa dục, dựa vào thiền vị chí, vượt lên ly sinh. Khổ, pháp nhẫn sinh, đạo tỷ trí chưa sinh, vì tám mươi chín quả Samôn, nên nói là thành tựu quả của địa kia, vì khổ pháp trí là khổ pháp nhẫn nơi quả dựa và quả công dụng. Phiền não do thấy khổ dứt hết, thấy khổ dứt phiền não, là quả giải thoát và quả công dụng, mà không thành tựu thiền vô lậu, vì chưa được.

Lại các pháp vô lậu

Mà vì thuộc về quả

Người năng sinh pháp kia

Không nhập vào cõi đó.

Đáp: Có, đó là giới vô lậu, thuộc về cõi vô lậu kia, chẳng thuộc hữu lậu. Giới là do bốn đại tạo nên, vì quả của bốn đại đó. Bốn đại thuộc về giới xúc, vì là cảnh giới của thân thức.

Có một đại chủng diệt

Ở địa thiền không khởi

Hai đại chủng ở trước

Như bâc Năng Tri nói.

Đáp: Có. Đó là nói bậc Thánh sinh ở Sơ thiền vô lậu cõi Dục, theo thứ lớp Sơ thiền hữu lậu hiện ở trước. Một chủng bốn đại diệt, đó là bốn đại cõi Dục, do vô lậu chuyển biến theo. Vì nếu sự sinh ở cõi Dục kia, được hiện ở trước, tức là bốn đại tạo địa cõi Dục đó. Hai thứ bốn đại hiện ở trước, nghĩa là cõi Dục và bốn đại của địa Sơ thiền. (Giới chung của đạo, gọi là vô lậu chuyển biến theo. Nếu sinh ở cõi Dục kia, tức là bốn đại tạo cõi Dục đó, nên bốn đại này, đều có sự khởi diệt với vô lậu).

Về ba đạo nhân pháp

Là ba thứ lớp tánh

Nói ba thứ một địa

Cũng lại ở ba địa.

Đáp: Có, đó là tuệ vô học, dùng kiến đạo, tu đạo, đạo vô học kia làm nhân. Trí tận, trí vô sinh, đẳng kiến vô học là tự tánh. Vì phần hạ trung, thượng khác nhau, nên nói là ba thứ, vì thuộc về địa vô học nên nói là một địa, có giác có quán đều phân biệt, nên ở ba địa.

Từng có hữu lậu thọ

Hai thành, một không thành

Hai căn, hai thứ thành

Đây nói là thân chứng.

Đáp: Có, đó là người thân chứng, căn cứ vào Sơ thiền, quyến thuộc của Sơ thiền và căn cơ thắng tiến của đệ Nhị thiền. Địa trên chẳng hiện ở trước, thành tựu khổ căn, lạc căn hữu lậu. Người này trước đây đã được lạc căn vô lậu của địa đệ Tam thiền. Vì chuyển căn, nên xả rồi chưa được trở lại, vì dựa vào căn thắng tiến của địa dưới nên không tu đạo học của địa trên. Như được một ưu căn của quả Học không thành tựu, vì lìa dục. Hỷ căn, xả căn, mỗi căn đều có hai thứ, nghĩa là hữu lậu, vô lậu khởi đều thành tựu, do xả căn thuộc về thiền Vị chí, thiền trung gian, cho nên được xả căn. Hỷ căn thuộc Sơ thiền, Nhị thiền, cho nên được hỷ căn.

Phiền não Cửu địa diệt

Mà được ở các thiền

Không được định Vô Sắc

Hoặc lại được sẽ nói.

Đáp: Có, đó là A-la-hán có thể được thiền định, chẳng phải Vô Sắc. Các thiền cũng được, cũng hiện ở trước. Người ở cõi Vô Sắc thành tựu mà không hành.

Một pháp có nhiều tánh

Hoặc một, ba, có không

Đó là pháp Vô học

Sức nhân đã nuôi lớn.

Đáp: Có, đó là vô tri căn, vì kiến lập một căn nên nói là một, vì chín căn hòa hợp nên nói là nhiều tánh. Do nhiều tánh nên nói chẳng phải một. Vì một địa vô học, nên nói một địa, vì giác quán phân biệt nên nói là ba địa. Có: Là có danh. Vô: Là không có việc khác, vì Vô học đắc, nên nói là pháp Vô học, vì ba nhân thành lập, nên nói là nhân nuôi lớn.

Về pháp là có phần

Cùng kia có phần khác

Sinh, trụ, hoại giống nhau

Như bâc Năng Tri nói.

Đáp: Có, đó là sắc nhập thì có phần khác. Tướng sắc kia và nhập đều có sinh, trụ, diệt vì chung một quả. Sắc nhập, nghĩa là vì không tạo nghiệp nên nói là có phần khác. Tướng sắc kia, nghĩa là vì thuộc pháp nhập, nên là có nhập.

Về các pháp tương ưng

Hoặc nói có phần khác

Hoặc lại nói có phần

Như bậc Năng tri nói.

Đáp: Có, đó là pháp bất sinh ở vị lai, ý nhập là có phần khác, vì không tạo nghiệp, tâm pháp khác là có phần, vì thuộc về pháp nhập.

Về hai A-na-hàm

Sinh chung ở một địa

Pháp thứ nhất hoặc thành

Cùng được một quả địa.

Đáp: Có, đó là một A-na-hàm, dựa vào đệ Nhị thiền, vượt lên ly sinh. A-na-hàm thứ hai dựa vào đệ Tam thiền. A-na-hàm kia chết, đều sinh đệ Tam thiền. Người A-na-hàm kia dựa vào đệ Nhị thiền, vượt lên ly sinh, là vì thiền tăng tiến, bỏ pháp đệ nhất thế gian, tức là dựa vào đệ Tam thiền, nghĩa là thành tựu, không bỏ, các địa trên cũng như vậy.

Được một quả địa, đó là thiền vô giác, vô quán.

Từng có pháp bất động

Đều thọ ở một hữu

Một thành tựu chín địa

Thiện hữu lậu, một vô.

Đáp: Có. Nghĩa là một lần sinh cõi Dục, một lần sinh Sơ thiền. Lần sinh cõi Dục, có chín địa, thành tựu pháp hữu lậu. Lần sinh Sơ thiền, có tám địa trừ địa cõi Dục. Tăng và xả, đều thọ một hữu, nên nói là một hữu. Hữu lậu: Nghĩa là do vô lậu sinh lên địa trên, thành tựu địa dưới, nên nói là hữu lậu.

Từng trụ một sát-na

Được, xả ba môn thoát

Hoặc lại xả cả hai

Một xả lại còn được.

Đáp: Có, đó là người sinh cõi Vô Sắc, sẽ được A-la-hán, trụ Tammuội Kim Cương, được ba môn giải thoát vô học, xả ba môn giải thoát của học, xả định diệt thọ tưởng và Phi tưởng Phi phi tưởng xứ, xả tất cả phần thối, được tất cả phần thắng tiến. (Vì trong một niệm vừa xả vừa được, nên nói là một niệm. Định diệt thọ tưởng và phi tưởng được đoạn trị. Nói xả hai là xả thối và được, vì thắng tiến nên xả một, được một).

Từng thành quả Sa-môn

Thành tựu Thánh, phi Thánh

Mà không được dứt biết

Như bậc Năng tri nói.

Đáp: Có, đó là vô gián đẳng, khổ trí sinh, tập trí chưa sinh. Bấy giờ, ở tám mươi chín phần quả Sa-môn thì thành tựu, ở bốn quả Sa-môn thì không thành tựu, cũng không được dứt biết.

Độ biển vô thắng kia

Sức kém, không kham được

Nay con theo khả năng

Nói rộng nghĩa sâu xa.

Người nghèo cùng thế gian

Có thể được giàu có

Kẻ ngu không như vậy

Cần phương tiện to lớn.

Báu thế gian dễ được

Báu tuệ thật khó được

Cho nên phải siêng học

Dần nhập trí sâu xa.

Hiểu đúng đường Niết-bàn

Lầm nẻo tà sinh tử

Tuệ xua tan tối si

Như mặt trời trừ tối

Vì mong cầu giải thoát

Phải siêng tu trí tuệ.

Bài kệ trang nghiêm A-tỳ-đàm của Tỳ-kheo Tát-bà-đa là mong sao tất cả chúng sinh, trí tuệ ngày càng thêm, mau được giải thoát.