LUẬN TẬP CHƯ PHÁP BẢO TỐI THƯỢNG NGHĨA
Tác giả: Bồ-tát Thiện Tịch
Hán dịch: Đại sư Thi Hộ, đời Triệu Tống
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN THƯỢNG
Quy mạng hết thảy Phật
Quy mạng các Pháp tạng
Đảnh lễ Nhất thiết trí
Lý thâm diệu rộng lớn
Con nay tạo luận này,
Tên là: Bảo Tối Thượng
Nghĩa chân thật thù thắng.
Luận nói: Hoặc người hoặc trời và các loại hữu tình từ vô thỉ đến nay do si ám làm nhân, lời nói và hành động là cội rễ của nẻo ác, nếu ai muốn thể nhập vào cảnh giới thanh tịnh Nhất thiết trí kia, nên quy mạng chư Phật đó gọi là trở về nương tựa vào ánh sáng.
Trong đây tại sao nói là lìa các tánh ngã v.v… và tất cả các nhân? Nên biết: Mọi thứ nghiệp phiền não sanh ra các pháp tạp nhiễm, không đầu tiên, không thường trụ và không có thật thể, tuy có sở sanh mà giống như mộng huyễn v.v… Vì giống như mộng huyễn nên từ phân biệt mà khởi.
Nên biết: Tất cả các pháp từ nhân duyên sanh, cho nên Chư Phật từ trong ý nghĩa nhân duyên nói tánh của các pháp và các vật thể là “không”, không có tự tánh, nhưng cũng không phải từ đó tạo tưởng không có thật. Cho nên, có thức A-lại-da thanh tịnh, tuy có chỗ thọ nhận mà không có chỗ đắm chấp, ý nghĩa này rất thâm diệu lại rộng lớn, trong các Kinh giáo đều nói như vậy.
Người nào ưa muốn cầu giải thoát thì phải hiểu rõ như thật về các pháp. Nên biết các pháp không lìa khỏi thức, nếu lìa khỏi thức thì tánh của nó liền đoạn, nên trong các pháp không có thật tánh, trong Kinh Pháp Tập đã nói như vậy.
Pháp là thật hoặc pháp không thật, hoặc có tự tánh, hoặc không tự tánh thì hai thứ đó không phải như huyễn dụ v.v… Tất cả các pháp chẳng phải có tánh, chẳng phải không có tánh. Trong đây nói: Nếu thật không có tánh, thì không có tánh gọi là “không”, “không” tức thành đoạn diệt. Nếu thật có tánh thì tánh là thường. Nên biết, “ không” và chẳng phải “không” khác nhau, mà tách rời “không”, chẳng phải “không” cũng không có chỗ đạt được. Như sáng và tối hai lĩnh vực không tương hợp nhau, mà rời tối, rời sáng đều không không có chỗ đạt được. Vì thế biết, đây nói sáng không hiện tiền thì tối làm sao lìa. Trí và ngu cả hai không tương hợp, mà lìa trí lìa ngu cũng không có loại nào có được. Chẳng phải trí, chẳng phải ngu, giữa hai thứ này, tưởng Ngã đều rỗng không, tất cả các pháp không có ở bên trong, không có ở bên ngoài, cũng không có ở chính giữa, không có pháp có thể giữ lấy, không có pháp có thể xả bỏ.Trong Kinh Bảo Tích đã dạy như thế.
Nếu nói “có” tức là một bên, nếu nói “không có” tức là một bên thứ hai. Hoặc là một, hoặc là cả hai, hoặc trung gian đều không có tướng, không thể thấy. Vì không có tướng để thấy nên cũng không thể nói; không có hình không có bóng dáng nên không thể biểu thị, không có chủng loại pháp, không có gì thâu chứa, cũng chẳng phải chính giữa, hai bên mà có chỗ thiết lập được. Đây là nói chân thật về tánh cùng không tánh xưa nay vốn như vậy. Hiểu được như thế, thật quán về Thánh đế có thể lìa khỏi tham và các phiền não khác. Giả sử có phiền não sanh khởi thì nhờ tu quán Thánh đế mà không còn chấp trước. Biết như vậy, hiểu như vậy tức được thân tập hợp các công đức của Như lai, cất tiếng rống sư tử chuyển đại pháp luân, khắp cho tất cả chúng sanh đều được thấy nghe. Trong Kinh Lăng Già đã nói như vậy.
Trong kinh Chuyển Thức dạy: Ta nói vô tướng mà cũng không thể chấp giữ Vô tướng ấy.
Trong kinh Thọ ký nói: Lìa thức mà có pháp thì lý chẳng tương ưng.
Trong kinh Thập Địa nói: Nên biết tâm, thức hiện bày khắp tất cả pháp.
Trong Kinh Na Nâu Cu Lê nói: Sắc pháp không thật, không thể lấy bỏ.
Nếu hiểu rõ tánh của các pháp tức không phải cảnh sở trí của trí, nên trng trí không có cai thật Thật để chứng đắc, thì thể của Trí không thật, phải biết là như huyễn. Trong các kinh giáo đều nói như thế.
Các Bồ-tát tùy theo các tướng mà chuyển, tướng đó không có nghĩa “thật”, không có gì là có được, nên trong Thắng nghĩa đế ngôn ngữ không thể thiết lập. Kinh Bảo Vân đã nói như thế.
Nếu vốn không có, thì không thể nói có, nhận thức lìa phân biệt thì danh không thể thiết lập. Lý chân thật của Thắng nghĩa đế kia lìa khỏi ngôn ngữ mà tánh của các vật thể thật sự không có gì là có được, nên đây là lời nói quyết định. Ý của chư Phật nói là để phá trừ các chấp không có trí. Kinh Hiện Ái đã nói như thế.
Nếu nói các vật hữu đó là “không”, sao nghiệp báo chúng sanh lại có nhiễm tịnh, đã có nhiễm tịnh tức có tạo tác, đã có sự tạo tác tức là có các tướng tùy theo thế gian mà chuyển, đã có tướng chuyển thì nhận thức về hữu được chấp nhận. Nếu có thể an trú vào tưởng không điên đảo, tức là biết tánh của các pháp không có một thật thể riêng khác. Ý nghĩa như vậy là Bồ-tát Từ Thị hỏi. Thế Tôn như thật nói. Ngã vốn không có biên nào (có, không …) Bồ-đề cũng không có biên, Bồ-đề không có biên nên không có Bồ-đề có thể đạt được. Ngã không có biên nên không có người cầu Bồ-đề, cũng không có một chút pháp nào là cảnh sở tri của trí, chỉ có Trí của Phật mới có thể chiếu soi rõ ràng. Pháp Chân như tức là vô tánh; Vô tánh tức là Như Lai. Như Lai tức là tánh vô sanh. Kinh Táp Bát Đa Thiết Đa đã nói như thế.
Tất cả các pháp hoặc cho là có thì đó là chấp thường, hoặc cho là không có thì chấp đoạn, hoặc chẳng phải có, chẳng phải không có, cho đến chính giữa cũng không thể xác lập. Kinh Bảo Tinh đã nói như vậy.
Các phiền não như tham v.v… tất cả các pháp nhiễm nếu như giải thoát thì đó chính là không tận trừ tướng. Hoặc có thể biết rõ tự tánh của các phiền não xưa nay vốn thanh tịnh, trong thắng nghĩa đế giải thoát vốn không có gì là giải thoát. Nếu muốn quán về Như lai một cách chân thật thì nên quán đối tượng sinh giải thoát của Như lai, không từ nhân sanh, cũng không phải từ duyên sanh, chẳng có tưởng sanh, chẳng phải phân biệt sanh, xa lìa tất cả các danh ngôn sai biệt, chẳng phải tướng của sắc, chẳng phải sắc, từ chân như cho đến chẳng phải thức, chẳng phải thức, chân như chẳng phải tối, chẳng phải sáng, chẳng phải nó, chẳng phải lìa khỏi nó, chẳng phải kiến, chẳng phải tri, lìa các thức, pháp, chẳng pháp đã phân biệt. Chẳng phải tồn tại trong tất cả các thức, pháp. Nếu quán Như lai như vậy là chánh quán. Nếu quán theo cách khác gọi là tà quán. Do tà quán nên không thể thấy được Như lai chân thật. Đây là nói về nghĩa như thật, tức lìa có, lìa không có, chẳng phải có tự tánh, chẳng phải không có tự tánh. Như vậy là chân thật thấy Như lai. Kinh Vô Cấu Xứng đã nói như thế.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, có một vị trời xuống hỏi Bồ-tát Diệu Cát Tường: Thế nào là lời nói thật và nói không thật về tất cả phiền não, làm sao điều phục? Bồ-tát Diệu Cát Tường đáp: Như người đang trong giấc mộng thấy con rắn lớn, người đó tuy thấy rắn nhưng không bị độc của rắn cắn làm hại. Phiền não tuy sinh khởi mà không có thật tánh, tánh ấy thanh tịnh tự điều phục lấy. Đây là lời nói thật không phải lời không thật.
Lại, Bồ-tát Hải Tuệ hỏi Phạm thiên Bất Tư Nghì: Pháp vốn không chứng và không thể ngôn thuyết sao lại có Phật và Pháp Phật? Phạm thiên Bất Tư Nghì đáp: Đức Phật Như Lai xuất hiện ra đời và diễn thuyết các phần của Phật pháp hoặc “có” hoặc “không” thì pháp vốn tự như vậy. Xưa nay, vốn không có người thuyết, củng không có pháp sở chứng. Không có người thuyết nên không có nghe, không có pháp sở chứng nên không có đắc. Chỉ vì chúng sanh do nghiệp phiền não sanh ra tánh của các quả báo nên dẫn sanh tâm Bồ-đề của Chư Phật, an trú vào cảnh giới tâm từ bi của Bồ-tát. Nếu các phiền não của chúng sanh tánh có thể tự điều phục thì các hành hiện có mà không thường hành, không cầu, không mong. Tánh của các phiền não kia đều là thanh tịnh. Chư Phật cũng lại không chứng, không thuyết. Lại nữa, Kinh đây, Đồng tử Thiện Tài nói: Nên biết các pháp đều là như huyễn tôi ở trong huyễn mà cầu giải thoát. Những nghĩa như trên là trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói.
Nên biết các pháp như huyển, như mộng, như nắng lóa, như bọt nước tụ, như thành Càn-thát-bà. Tất cả các pháp trong tam giới từ tâm thức sanh. Tâm vốn như huyễn nên tam giới cũng như huyễn. Nếu có một vật có thật thể thì ở đây nói huyễn dụ về lý là không tương ưng. Kinh Tam Ma Địa Vương đã nói như vậy. Những ý nghĩa như trên trong các kinh khác đều nêu rõ.
Lại nữa, nay Tôi căn cứ vào các kinh để lược giải thích thêm một vài ý nghĩa. Như Bồ-tát Diệu Cát Tường nói: Bồ-đề không thể dùng thân mà đắc, cũng không thể dùng tâm mà đắc. Nếu không có tâm tức không có thân, thân tâm tách rời nên không có làm, không có tạo, như huyễn, như hóa. Nếu nói như vậy là Bồ-đề, thì cũng chính là Bồ đề của chư Phật đã thuyết có thể hội nhập cảnh giới bình đẳng của chư Phật. Được như vậy, mới gọi là trí tuệ trang nghiêm mà chẳng là trang nghiêm, Nhất thiết trí vì tánh Nhất thiết trí là không thể đạt được. Bồđề không sanh cũng lại không diệt, không một, không khác, chẳng phải đây, chẳng phải kia. Chư Phật Như Lai đều dạy như vậy.
Như trong thế gian tất cả các hạt giống có khả năng sanh trưởng tất cả mọi mầm. Nếu không có hạt giống thì các mầm không nảy sanh. Bồ-tát Thích Ca ngồi ở Bồ-đề đạo tràng thành đẳng Chánh giác nghĩa cũng như vậy. Duyên từ các pháp mà sanh khởi. Tuy có sự chứng đắc mà kỳ thực là không. Ở đây gọi là thần thông diệu dụng. Vì thế nên biết: Không pháp có ngoài khác, chư Phật Như Lai cũng không có tánh nên lìa thức thì thật sự không có một pháp. Nếu lìa thức thì pháp chẳng sanh. Nếu tâm là chủ thể sanh, tâm tức không sanh. Nếu pháp là đối tượng được sanh thì pháp cũng không sanh. Từ ý nghĩa đó chư Phật Như Lai nơi tâm vô sanh mà nói nghĩa Bồ-đề.
Phật dạy thức tâm có thể sanh Bồ-đề, cũng không phải thức tâm mà có thể sanh. Vì sao? Do tánh thức là “không”. Nghĩa Bồ-tát Diệu Cát Tường đã nói trên là chân thật tối tượng, chính từ trong cảnh giới chân thật của Chư Phật mà nói.
Lại nữa, các pháp từ duyên sanh, do duyên sanh nên cũng không có tự tánh, cho nên các pháp đều như huyễn. Nói như huyễn như vậy là nói chân thật.
Bồ-tát Từ Thị hiện trú trong Tam-ma-địa Như huyễn, cho nên Đức Thế Tôn từ trong Tam-ma-địa đó thọ ký cho Bồ-tát vì để biểu thị.
Đức Thế Tôn từ rất nhiều kinh đã nói các pháp từ thức mà biểu hiện nên lìa sanh, lìa diệt, chẳng phải tướng có, chẳng phải thâu chứa, không khởi tạo tác, không dừng nghỉ, chẳng có, chẳng không, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn. Phải biết tánh trí thảy đều như huyễn, huống nữa là có phân biệt về các pháp. Nếu có chấp trước vào lời nói đoạn, thường thì không phải thực hành chân chánh, Phật không chấp nhận. Nếu biết tất cả các pháp đều chẳng phải đoạn, chẳng phải thường thì tức là tương ưng chân chánh, gọi là chân thật. Đối với tự phần và ngoài không có pháp nào có thể vướng mắc, cũng không có pháp đối là chỗ đối trị của tâm. Tuy đối với các pháp nói nhiều câu nghĩa mà chỉ là tùy theo các pháp để được biểu thị. Nên biết tự thức không phải là tha thức, mà đối với nghĩa ngoài tự nó cũng không có một pháp nhỏ nào là được ưa muốn. Tự thức tha thức đều không có tự tánh. Cả tự và tha cũng không phải là tánh khác. Trí chân thật là lìa có, lìa không. Nên biết Ngã, Thức cũng chẳng phải có, chẳng phải thuộc về nói là uẩn của Bổ-đặc-già-la. Do đó, nên biết tất cả chư Phật và pháp đều tự phần có hoặc lìa tự phần có, mà tìm cầu thì đều không thể được, tức ở đây nói lìa có lìa không là ý nghĩa thâm diệu. Chư Phật đều nói đây là pháp, vì diệu xa lìa tất cả chấp trước, phân biệt, mà rời khỏi phân biệt này cũng lại không có pháp riêng khác nào để nói. Các kẻ mê lầm hoặc chấp ở có, tức thấy các cảnh giới thiện ác các cõi hai loại sai khác; hoặc chấp ở không có, tức không có nghĩ tưởng về sát na sanh khởi. Vì thế cho nên, đắm trước ở có, ở không có, ở cả hai, là không tương ưng. Chư Phật Như Lai do tâm đại bi theo phương tiện nói về ý nghĩa này. Nói tất cả các pháp lìa có, lìa không, nói như vậy là câu nghĩa tối thượng. Cho nên đây nói chân thật, của các pháp là tánh không chấp trước, chẳng phải là đối tượng quán, tánh không chấp trước, là lìa có lìa không. Nếu biết như vậy là bậc đại trí, như quán hư không, không tăng giảm, không phân lượng, không có biên hạn, tức từ hư không nầy mà xuất sanh tất cả. Tâm thức thanh tịnh cũng lại như vậy. Tâm này không tâm mà xuất sanh hết thảy. Như ngọc báu Ma-ni, thanh tịnh không tâm mà tất cả ảnh tượng đều hiện rõ. Có người hỏi: Tại sao có phần vị mà không có thể giữ lấy? Đáp: Vì hư không không có tạo biên giới nên không có thể giữ lấy. Nếu hư không không có tạo biên giới thì làm sao mà lường được. Nên biết tất cả chúng sanh giới giống như từng tụ bụi nhỏ mà một hư không kia thảy đều có thể dung nạp, nhưng… nơi hư không giới của các chúng sinh v.v… không tăng, không giảm. Nếu tất cả hữu tình, phương phần, chủng loại, hình tướng, từng thứ đều phân biệt thì không có do một tánh mà sanh khởi. Từ ý nghĩa này nên biết tánh không phải một, không phải nhiều; một, nhiều và giữa đều không có tánh. Nếu cho một tánh quyết định có thể được tức là các loại tánh mà có sai biệt, thì có sai biệt tức là phân biệt sanh, cho nên một tánh, nhiều tánh đều là bình đẳng. Nếu đối với nghĩa ở ngoài không có pháp nắm giữ thì đối với trí cũng vậy, không có gì sở đắc. Hoặc đối với nghĩa ở ngoài không có gì nắm giữ thì trí cũng lại không hề có sanh khởi. Nếu tâm, thức, biết lìa các tướng hữu mà có pháp ngoài thì làm sao phân lượng? Nếu tâm thức biết chính là tướng hữu mà có pháp ngoài thì cũng làm sao phân lượng? Cho nên biết các pháp ngoài kia thật sự không có một tánh mà có thể sanh khởi được. Như các pháp trong mộng v.v… thì không có tác dụng xác thật. Hoặc là nói các pháp là đây; thì đây không có tự tướng; hoặc các pháp là kia, mà kia cũng không thật; hoặc nói ở tự tâm có đối tượng liễu tri, tức là tự tâm này thì cũng không thật. Hoặc biết như thật thì gọi là biết rõ được tướng thức, hoặc có tất cả tâm phân biệt thô trọng dấy khởi; nên biết đây đều là do phiền não sai biệt sanh ra. Nếu có thể rõ được tánh phiền não, lìa tâm phân biệt, thì tức sanh tử Niết-bàn cả hai đều thanh tịnh. Tánh thanh tịnh này là tánh của các pháp. Tánh ấy cũng gọi là chân như, gọi là thật tế, cũng gọi là “không”, là trong các tánh hoặc nhiễm hoặc tịnh khi dùng thật trí quán xét đều được bình đẳng.
Hoặc có người hỏi: Trong tất cả pháp, cái gì là không hoại? Nên trả lời thế này: Trong các pháp chính nhân của tự nó không hoại. Tại sao không hoại? Vì tánh nhân không hoại. Hoặc tánh pháp “có” hoặc tánh pháp “không có” cũng không lìa tự tánh của nó, ngoài nghĩa hai thứ đó làm sao có thể an lập? Nếu nhân của các pháp và các tác dụng có sự hủy hoại thì lý có tất cả xứ là không tương ưng, tánh thật của các pháp làm sao tùy chuyển? Nghĩa là tánh thật kia không có gì để trụ nên các pháp không có tánh làm sao có nhân được? Lìa nhân lại cũng không có tánh riêng khác. Lại nữa, tánh thật của các pháp mà không có gì để hoại, tức tên gọi hoại thì cũng lại không có trụ, và trong đó cũng không có tánh nhân sai biệt, vì tánh, hoại diệt kia không có phần vị. Nếu tánh chân thật của các pháp là thường trú, ắt tánh thường trú kia chẳng phải tánh vô thường, thì nếu lài tánh thật có nghĩa là tác dụng riêng khác về lý không tương ưng và hẳn nhiên tánh các sự vật cũng không giảm thiểu. Lại, tánh chẳng phải vô thường là tánh chân thật, thì trong tánh chân thật có nghĩa gì là tác dụng của nó đều không có tánh sai biệt không thể phân biệt; tất cả thường biến khắp tất cả xứ. Lại nữa, tánh chẳng phải vô thường là tánh chân thật thì tướng trong tánh chân thật làm sao có được? Các thứ không chân thật làm sao thiết lập? Các tánh dị biệt làm sao hiển hiện? Vì thế, tánh chẳng phải vô thường nên biết như vậy. Lại nữa, nên biết tánh vô thường là trong tánh của các vật theo tự loại mà chuyển, là do nhân của tụ loại hiển hiện sai biệt, mà sở dục làm nhân nên có sự sanh khởi. Hoặc vì các tánh vô thường kia mà ở đây làm quyết định nói thì cùng với nghĩa duy thức, là không tương ưng lý. Vì tánh vô thường kia không có quyết định, nên pháp không hoại cũng chẳng phải không hoại. Có pháp trong sát na sinh khởi, nếu nói là không hoại sao gọi là tánh vô thường; nếu nói chẳng phải không hoại sao gọi là tánh nhân. Pháp quá khứ và vị lai cũng lại như thế, tức là không có tánh của vật, quyết định là thật, phân biệt. Các pháp tùy chuyển, tùy theo phần vị của nó đây lại là nhân gì? Tức là không có trụ. Các pháp hữu vi hiện tiền các sự biến diệt, tức sau đấy các sự đó trở lại là sanh khởi. Trước đã không thể phân biệt dẫn sanh phần sau, thì sau không thể phân biệt từ phần sanh trước. Nếu nói các pháp ở đây có chỗ được có, tức ở trong đấy khởi nhân phân biệt. Hoặc nói các pháp ở kia có chỗ được có, tức ở trong kia khởi nhân phân biệt. Quá khứ, vị lai, thì không có trụ cũng vậy. Trong đó không nên có nghĩa, phân biệt được nói pháp sát na có hoại, không hoại, không phải là pháp sát na. Đối với nhân kia biết rõ như vậy: đời trước, sau và giữa đều không thể phân biệt.
QUYỂN HẠ
Lại nữa, nay nói về sanh, trú, dị, diệt, bốn tướng này từng sát na, sát na đều có chỗ chuyển động. Tướng không tương ưng, và không thật, do không tương ưng và không thật nên không thể khởi lên hai sự phân biệt, không thể nói một thời, không thể nói khác thời, lại không thể nói không có thời, vì lý mâu thuẫn. Nếu nói là thời hoại (đang hoại) thì hoại tức không sanh. Thế nên biết: thời sanh không có trú, lúc trú cũng lại không có gì được có, tánh kia đã không có trú làm sao có diệt? Sanh và trú kia gọi là dị. Nếu gốc là không sanh, làm sao có thể trú, nếu pháp không trú làm sao được có? Do vì không sanh và không trú, nên đối nghĩa nào mà nói có diệt? Nếu pháp có trú, ở trong pháp trú có thể nói có tánh dị, tánh pháp đã không có trú, làm sao có tánh dị? Tánh dị đã không thì không nên phân biệt. Nên biết tánh dị, mà chẳng phải tánh trú nhưng thật sự không có một tánh mà có thể phân biệt, cho nên các tướng và tâm phân biệt đây là hai loại. Nếu không có các tướng tức không phân biệt. Nếu các tướng kia, và tâm phân biệt có phân biệt tức cả hai đều phân biệt. Nghĩa như thật là không có tướng, nên không có phân biệt. sanh, trụ, dị, diệt. Nếu có tánh thì ở tất cả thời, tất cả chỗ, tất cả pháp ở phần đầu, giữa và cuối không thể an lập. Nếu có thể như lý Tư duy như vậy, Phật nói người ấy là đại Trí. Các tánh ở đầu, giữa, cuối trong ba phần tánh ấy thật ra không có một tánh có chỗ sanh khởi. Cho nên tánh của các pháp chẳng phải một, chẳng phải nhiều; một, nhiều trung gian và cả hai đều không có gì được có. Nếu tất cả pháp, lìa một tánh, lìa nhiều tánh, thì tức là thường cùng vô thường không hề có phân biệt. Cho nên chẳng phải vô thường cũng chẳng phải không vô thường, trong đó không thể phân biệt có hai. Nên biết phần đầu phần giữa và phần cuối không cùng thời sanh, không cùng thời hiện hữu. Ví như đã là tánh của người khác, tức tánh tự mình không có. Hoặc đã là tánh của tự thể thì tha tánh làm sao có? Ở đây nói tự tánh còn không có thì tha tánh làm sao có được? Cho nên, tự cũng không có tánh, tha cũng không có tánh. Nên biết mọi chỗ hiện hành, tạo tác của tất cả pháp không lìa tánh nhân. Các pháp hoại và không hoại chẳng phải là đối tượng tư duy của tâm thì không thể phân biệt, đầu, giữa và cuối. Nếu như thật tư duy đều là tướng vô vi, không có tướng dị biệt, thì tức không nên phân biệt mỗi mỗi tánh của mỗi chủng tử của mỗi mỗi các pháp. Mỗi mỗi không tách rời nhau, mà chủng tử trí sanh khởi trong mỗi một sát na, thời phần chuyển dịch nên tánh của tất cả các pháp kia với tâm chủ thể tư duy làm sao sanh khởi? Mọi sự tướng sai biệt trong tất cả pháp, nên biết không có nhân cũng không sai biệt, vì các pháp xưa nay vốn không có gì là được tạo tác, tuy có tác dụng nối tiếp mà có cái gì là thật? Cho nên tất cả các pháp sở tri và người năng tri, cả hai trong từng sát na không thể hòa hợp. Tánh kia như vậy thật có chủ thể giữ lấy, ở trong đó không có sở hữu cũng không có sở đắc, tức phải quán các pháp sanh rồi liền hoại. Nếu pháp không hoại tức chẳng phải pháp sanh, vì pháp hoại nên không có sở đắc. Pháp không hoại kia có tánh thường trú mà tánh thường trú kia cũng lại có tánh xa lìa, là ngay trong pháp lìa đó cũng xả ly. Nếu biết như vậy, tức hiểu rõ tánh sai biệt kia của các pháp. Nhân thường trú tánh vô sai biệt cũng lại như vậy. Các pháp hữu vi tức sanh tức diệt, nên gọi là không trú. Nếu có trú thì có sở đắc (đối tượng được có) vì không có tướng trú nên không có sở đắc. Kia không có pháp trú thế nên tương ưng với các hành sai biệt trong tất cả các hành. Nếu tánh của mỗi mỗi pháp kia có sở đắc thì đối với các hành không sai biệt làm sao đối trị? Cho nên trong các hành sai biệt, không có tánh có thể sanh.
Lại nữa, phải biết các thức nơi nhãn v.v… có tính hiện lượng. Chính Đức Phật đã giảng nói. Nếu lìa tánh hiện lượng có lượng khác giữ lấy là phi lượng thì trước kia đối với lượng đây làm sao có được? Mọi sự tạo tác trước đó của thế gian vốn có đều không có chỗ nương tựa, như các vật được tạo tác, không có tánh tác dụng. Hoặc có sự tạo tác hiện tiền như vậy thì sự hiện tiền đó cũng không thành tựu. Ở đây nếu có cái được hành và không được hành thì nghĩa của các tác dụng đều chống trái nhau. Cho nên, tất cả sự tạo tác không thật, đều như hư không, thường và vô thường, đều không thể chấp. Nên biết các pháp đều từ duyên sanh. Do duyên sanh nên không có một pháp nhỏ có thể giữ được, các duyên như huyễn nên pháp sanh ra cũng như huyễn, các duyên kia như vậy xuất sanh các pháp. Do ý nghĩa ấy nên các pháp không có tánh, cũng chẳng phải không có tánh; nghĩa như thật này Đức Chánh Đẳng Chánh Giác đã giảng nói như thật. Nên biết tất cả các pháp không chấp trước, không ngăn ngại là lời nói chân thật trong pháp Đại thừa. Biết rõ như vậy tức là tâm Bồ-đề xưa nay bình đẳng. Tất cả chư Phật trong ba đời mười phương, biết rõ như thật, nên mới sinh ra phương tiện tuyên nói tất cả các pháp môn thâm diệu, tùy theo sự thích hợp mà dùng danh ngôn phân biệt. Cho nên mỗi mỗi sự tuyên nói biểu thị đã sản sinh các pháp, đó như là pháp bốn Đế, pháp duy thức v.v… Tuy có sự tuyên nói mà luôn chân thật, mà mỗi mỗi các pháp đều là như huyễn. Do như huyễn nên không thể tầm cầu suy xét, không thể biết, không biểu thị, không thâu chứa. Nếu xa lìa như vậy tức biết pháp chân thật. Từ trí chân thật đó mà mau chóng đạt tâm Bồ-đề giải thoát. Sự giải thoát đó thì chư Phật cũng vậy, chúng sanh cũng vậy, sanh tử, Niết-bàn, pháp giới cũng vậy, cho nên Phật và chúng sanh, cả hai đều bình đẳng, sanh tử và Niết-bàn cũng bình đẳng. Trong ấy, hiểu rõ như thật ý nghĩa lời dạy của đức Phật nay là Bồ-đề của chư Phật, cho nên chỗ hành chỗ tạo tác ắt có thể thành tựu. Những lời giảng nói này là đệ nhất nghĩa, lìa ý nghĩa ấy không có nghĩa đệ nhất khác. Đệ nhất nghĩa này thâu nhiếp tất cả pháp, là ngữ, hành chân thật không thể nghĩ bàn; lìa có, lìa không, chẳng phải trí, chẳng phải ngu, chẳng phải ít, chẳng phải nhiều, không có tướng, không có tánh, không có gì soi chiếu thấu đạt, trí không thể biết, thức không thể phân biệt, chẳng phải tự tánh mà không lìa tự tánh, không lấy, không bỏ, lìa tướng lấy, bỏ. Từ trí như thật sanh ra, tùy sự sanh ra, tùy vào nói năng không giữ tướng, không cất chứa. Chẳng phải tâm suy nghĩ nên không có thể biết, chẳng phải mắt thấy, không thể thấy. Tại sao vậy? Vì tâm không có tự tánh. Do tâm không có tự tánh, tức các pháp không tự không tha. Do không có tự, tha hai thứ sai biệt tức tự tánh của tất cả pháp tương ưng, không sanh, không diệt, không tụ không tán, chẳng phải trí, chẳng phải ngu. Không có pháp nhỏ có hiển thị nào có chiếu đạt nào, nên biết mỗi mỗi đều là chủng tử Bồ-đề, mà mỗi thứ tướng đều biểu thị rõ ràng. Hoặc có khả năng quán sát từng tướng vô ngã ấy thì chủng tử Bồ-đề cũng không được sanh. Các Bồ-tát Ma-ma-tát với tự tánh chân thật, dùng phương tiện thiện xảo xuất hiện ở đời, khởi tâm đại từ bi thị hiện điều mình chứng đắc nhưng tự tánh của các Bồ-tát chân thật không sanh, không diệt. Nên biết rõ pháp của thức xa lìa nghi hoặc thì không có một chút pháp nào có thể sanh khởi. Ngã, ngã sở rỗng không mà không và có các tướng rõ ràng biểu thị. Có tướng của thức, tướng ánh sáng mà không có tự tánh, song tánh của ánh sáng, tánh của thức kia tự nó là thường. Cho nên tánh của ngã tướng là không có tánh ánh sáng. Trong không có ánh sáng thì sao có thể nói có tướng ánh sáng? Như các ánh sáng có khả năng phá trừ bóng tối, song tối và sáng không gần gũi, không hòa hợp. Tuy nhiên, không gần gũi thì sáng làm sao có thể phá, không hòa hợp thì tối làm sao mà phá? Hoặc tướng sáng tối xa nhau thì đều có là không có chỗ được. Thế nên, biết ánh sáng có thể phá bóng tối là bất tức bất ly không thể ở trong định mà phân biệt thật. Tối tuy có bị phá trừ nhưng không pháp năng phá. Pháp năng phá kia không có phần lượng riêng. Vì sao vậy? Vì tên gọi phá không trú. Từ đây mà biết tất cả các pháp kia đều do nhân duyên hòa hợp mà có đối tượng sanh. Do duyên sanh nên thành tựu như huyễn. Trong pháp như huyễn kia si ám v.v… cũng chẳng phải phiền não, chỉ do chướng ngại trí mà không rõ. Cho nên, lìa thức phân biệt, cũng chẳng phải ánh sáng kia mà có sanh khởi. Tánh thật của cả hai đều không phân biệt, trong ấy nếu thấy một bên thì không thể được.
Lại nữa, nên biết xúc tác, ý, thọ, tưởng, tư, dục thắng giải, niệm, định, tuệ, các tâm sở hữu pháp như vậy mỗi thứ đều là tướng của Bồ-đề và tất cả là tự tánh thanh tịnh. Hoặc có pháp chẳng phải là tướng Bồ-đề, thì không tương ưng với lý tự thể. Như tự tánh hư không, vốn thanh tịnh, thì tánh trí kia cũng thanh tịnh như vậy. Nếu biết tướng ngã thật là không có gì, thì tức tâm thức kia cũng lại không sanh. Nếu thức ấy không sanh thì tất cả pháp làm sao có? Cho nên phải biết, các pháp từ chân thật mà sanh, các pháp nhân duyên hòa hợp liền sanh. Tuy sanh mà không có thật, không hề có vì các pháp đều như huyễn, tâm thức như huyễn, duyên cũng như huyễn. Do như vậy nên thức từ duyên sanh, nên biết trí tánh cũng lại như huyễn. Không có gì để phân biệt, không có gì để biết rõ, tự tướng của các pháp chẳng phải sở tri của trí, chỉ có ngôn thuyết thì đều không tương ưng. Trong đây, nếu có thể xa lìa các phân biệt, hoặc sanh, hoặc diệt thảy đều xa lìa, duyên năng sanh như huyễn, sở sanh cũng như huyễn thì sao trong như huyễn mà thật có sanh? Nên biết tâm thức chúng đã như huyễn thì trí cũng như huyễn. Trí như huyễn nên sự nhận biết cũng như huyễn. Trí và sự nhận biết đều có là như huyễn, nên pháp sanh cũng vậy, Pháp sanh như huyễn nên các pháp cũng vậy. Như người thấy con, Voi do huyễn thuật làm ra. Nếu như đối tượng được sanh của nó tức có ba sự tướng thì các hành trong thế gian cũng lại như vậy, giống như đối tượng được sanh kia cũng có ba sự. Nếu đối với tâm này chấp có tượng vật thấy, thì liền có ngôn thuyết và sự tạo tác vật. Nếu hiểu rõ không có tâm tức không có vật để suy nghĩ. Không có tâm, không suy nghĩ, làm sao có các pháp? Nếu có tướng ngã và có ngã sở có thể nói có thấy, thì vô ngã và ngã sở làm sao có thấy? Tướng Bồ-đề kia cũng làm sao chứng được? Tướng vô ngã ấy như vậy nên biết. Tất cả pháp huyễn mà không hề có pháp như huyễn được hiển hiện gọi là có là có tánh không tánh là tánh của tự tánh kia. Tánh ấy không chấp trước mà tất cả hiện xứ. Nếu pháp là “có” tức chẳng phải “không”. Cái “có” ở đây hiện tại cũng lại không có “thể”. Nếu pháp là “không” tức là không nên “có”. “Không” đây hiện tiền cũng lại thật có. Cho nên, không sanh ra cũng không thâu chứa. Do đấy nên biết, nếu pháp nói “có” thì không phải có như vậy. Nếu không có như vậy thì phải là không. Trong đây nói “có” lại không thể xác định, tự tánh pháp giới cũng được nói như vậy. Nếu các sắc pháp là thật có “thể” thì đối với đệ nhất nghĩa là không hề có. Cho nên trong đấy các sự tạo tác đều từ huyễn hóa phân biệt khởi lên. Pháp có tánh, hoặc pháp không có tánh, xưa nay như thế. Chẳng phải có tánh, chẳng phải không có tánh cũng lại vậy. Có tánh, không có tánh, tự tánh tương ưng. Tánh và không có tánh, không phải tâm phân biệt. Hoặc nói các pháp đều là không có tự tánh. Hoặc cho các pháp có các sai khác không có tự tánh; trong tất cả các pháp tánh của không tự tánh không thể nói được. Hết thảy chư Phật tùy chuyển trong ba đời, khiến cho tất cả chúng sanh trong thế gian được giải thoát, nhưng cõi chư Phật nhân không tăng trưởng, tánh cũng lại không tăng trưởng; trong tánh chân thật chư Phật thường hiện hữu. Nên biết tất cả pháp phân biệt có bốn là có, hoặc không, là hai và hai loại chẳng phải. Thế gian như huyễn, tâm cũng như vậy. Tại sao không nói mà lại có điều được nói? Tất cả các pháp rỗng không, lìa các chấp trước. Không cũng không lìa tánh chân như kia, trong đó không nên lý luận phân biệt. Từ ý nghĩa đó, nên các pháp không có tánh, nên nói như vậy. Nên biết chư Phật chánh đẳng chánh giác, chẳng phải tánh, chẳng phải không có tánh. Tánh và không có tánh đều lìa chấp trước. Đây tức chẳng phải “không”, cũng chẳng phải “chẳng không”, cũng không thể thiết lập, không có và trung gian, cho nên tất cả pháp đều không sanh, không tánh. Vì không sanh, không tánh nên tùy theo tướng “có” khắp nơi để biểu thị. Song nếu chấp vào tướng, nghĩa thì không có gì là được, không có tánh thật để giữ đó tức là chân thật. Các pháp không sanh cũng lại không diệt. Tất cả các pháp kia đều đồng một tướng. Do đồng một tứơng nên tất cả các pháp không nhiễm không tịnh. Nếu nói các pháp có sanh có diệt, thì nên biết đều là từ chủng tử phiền não hư vọng sanh khởi. Nếu nói các pháp là vô sanh, thì đó gọi là tăng ngữ đoạn kiến. Nếu nói các pháp là không diệt, thì đó gọi là tăng ngữ thường kiến. Cho nên biết các pháp lìa ngôn thuyết không thể nói sanh, không thể nói diệt. Trong tất cả các pháp, hoặc sanh hoặc diệt, mà thật sự không có một pháp nhỏ được có. Nếu có khả năng lìa hai loại tăng ngữ tức tất cả pháp chẳng đoạn, chẳng thường; tánh “có”, tánh “không có”, tánh chân thật của tự nó, trong đây không có một chút pháp nào là tướng có thể có được, không một việc nào thật có thể chuyển. Các pháp tuy có sanh nhưng không hề có, trong đó cũng không có cảnh giới thật, trí như hư không, lìa các tướng có, trí và hư không thảy đều bình đẳng. Nên biết tất cả phân biệt, sai biệt là lưới phiền não làm chướng ngại tánh thanh tịnh. Chân như vô tướng lìa các đối tượng duyên. Tự tánh thanh tịnh có ánh sáng lớn. Nên biết chư Phật Thế Tôn vốn tánh chân như, đó là Phật bảo. Nhờ nhân thanh tịnh biểu hiện pháp thanh tịnh mở bày chánh giải, giữ gìn tư tánh đó là Pháp bảo. Chỉ chân thật đạo tự thể tương ưng, đó là Tăng bảo, nên Tam bảo đều là tướng vô vi không phải pháp uẩn v.v… Không phải tập, không có sở hữu, không có tướng, không phân biệt, cho nên chư Phật Thế Tôn trụ trong thắng nghĩa đế đều từ như thật đạo, như thật mà đến, cho nên gọi là Như Lai. Hiểu rõ như thật các pháp vô ngã v.v… do đó hiện các sắc tướng và pháp công đức. Từ khi mới phát tâm tu các thắng hạnh được bất thoái chuyển, cho đến sau cùng là Nhất sanh bổ xứ, thành Chánh đẳng Chánh giác, đấy là nhân ấy, từ chân như vô cấu hiện các thân Phật, hiện thân này là do phương tiện sanh để tuyên nói các pháp nhưng không nói về tướng. Tại sao vậy? Vì không có tánh không hề có. Tâm thức thanh tịnh, thức ấy có các sự tạo tác cũng thể hiện như vậy, tuy thể hiện mà không giữ lấy cũng không thể nêu bày. Do thắng nghĩa đế nên không giữ lấy, không thể nêu bày. Không giữ lấy, không nêu bày ở đây, tự thể tánh chân thật cũng không thể nêu bày. Do không thể nêu bày nên không phân biệt. Tánh không phân biệt là thắng nghĩa đế. Trong thắng nghĩa đế tùy sự phân biệt tất cả, tức các âm thanh pháp hiện có. Các pháp như vậy, các pháp đó không có tướng được nói. Tánh của các pháp đều bình đẳng, các pháp vô ngã cũng không có tự tánh. Tánh “có”, tánh “không” tánh, vô tánh, mỗi mỗi tự tánh đều lìa có, lìa không, không thể giữ lấy, không thể nêu bày. Trong đấy như vậy hoặc có hoặc không, ngữ nghĩa thâm diệu theo sự lìa tướng mà nói. Các pháp không tướng chứng gọi là Chánh đẳng Chánh giác. Pháp lìa tướng nêu bày gọi là nói chân thật. Không sanh cũng không diệt, ý nghĩa của các pháp sâu xa, mỗi mỗi cảnh giới không ngã và không chuyển, pháp ngoài không thể chuyển, không thể giữ lấy. Các pháp như thí, giới v.v… tuy nói mà không có tướng, nên đối với tất cả pháp không có gì chấp giữ lấy tướng, tức không hề chấp trước, ở đấy cũng lại không có chỗ tác dụng khác. Nếu có tạo tác cũng gọi là “không”. Tác dụng là “không” nên không có hành tướng thật; trong hành tướng không thật, pháp không tăng không giảm. Nếu hư vọng phân biệt các pháp, thì nên biết tâm kia do tướng chấp chuyển, khởi tâm như vậy là ngu si, chấp vướng tính phiền não nên không được giải thoát. Nếu không khởi tâm hư vọng phân biệt, thì mọi sự tạo tác ấy đều đươc tịch tĩnh, tâm đó đều là như thật được giải thoát. Do không phân biệt nên tâm tánh thường vắng lặng. Các pháp từ duyên sanh, tuy có xuất sanh mà gọi là không. Nên quán pháp chính nó mà không có các tướng, bậc Chánh đẳng Chánh giác đã dạy như vậy. Nên biết các pháp không hợp không tan, không tự, không tha, không có một pháp nhỏ nào mà có tướng có thể được chấp giữ. Lúc đầu cũng như lúc cuối, trước sau tương ưng, nên tánh chân như kia chiếu sáng rực rỡ. Nếu có thể chiếu thấu suốt tánh chân như, thì các pháp duyên sanh hiển hiện mà vô ngại. Pháp do như huyễn, sanh cũng nói như vậy. Trong nói là từ Đại thừa xuất sanh, nên biết tất cả pháp hoặc sanh hoặc diệt chẳng phải do cách suy tìm tứ mà có thể biết được. Tại sao vậy? Các ngữ nghĩa một phía thì không chấp trước. Tánh chân thật kia không thể biết, nên tuy hiện tiền mà không có chỗ nào chấp giữ. Người trí xa lìa như thật lìa ngôn thuyết, tâm phân biệt gọi là màng lưới. Lìa tâm phân biệt liền được giải thoát. Tâm giải thoát kia như hư không bình đẳng. Lời dạy như vậy là pháp sâu xa. Nếu ở đây tin hiểu như thật, là bậc đại trí. Tâm tin hiểu kia cùng với ba cõi v.v… là tâm thanh tịnh lìa các trần cấu, lại có thể xa lìa tất cả nhiễm chấp tức là đối với các pháp không lấy, không bỏ, xa lìa tất cả ngu si nhiễm chấp. Đó tức có thể đạt được mười loại tự tại, đối với tự pháp kia hiểu rõ thật tánh; trong không có tự tánh cũng không có chỗ trụ; ở trong các pháp tin hiểu như thật, an trụ như thật trong sự tin hiểu. Thí như hư không hiện bày khắp tất cả. Tất cả các pháp kia sinh ra đầy đủ cũng lại như vậy, là pháp bình đẳng phổ biến hết thảy, không có pháp nào hoặc đến hoặc đi. Do không đến đi, nên các pháp hiện ngay trước mặt. Biết rõ ý nghĩa ấy là thông đạt giáo pháp của Phật. Tất cả pháp sanh đều không vướng mắc, khác pháp này cũng không có pháp riêng, đây là đạo chính yếu nơi các pháp Đại thừa. Lại sâu diệu tối thượng như thật mà chuyển, tâm thức thanh tịnh cho nên tất cả không vướng mắc cùng với lý tất cả pháp không chống trái nhau. Cho nên biết tất cả tâm chấp khắp cùng các pháp. Pháp kia sâu thẳm không phải dùng trí quan sát, không phải trí nhận biết rõ. Hai lãnh vực có, không đều không thể thiết lập. Vì nghĩa đó nên Bồ-đề của chư Phật không có người năng chứng, không có pháp sở chứng, nên trong pháp Bồ-đề không có chỗ an lập. Nếu có khả năng như thật thật chứng Phật của tự mình thì cùng chính tất cả pháp tương ưng. Các pháp không nhân cũng không có chỗ tạo tác. Các người ngu si suy nghĩ phân biệt. Nếu chấp không nhân rồi lại không có khả năng tích tập các việc phước đức, khởi tâm nhiễm chấp, chiêu cảm quả báo nơi cõi ác. Cho nên người trí ở trong diệu pháp sâu xa này, tin hiểu như thật, tôn trọng cung kính liền được vô lượng phước đức tối thượng, gọi là tu tập chân thật Đại thừa. Cho nên người hiểu rõ đạo này là đạo như thật, là đạo không chấp trước, tối thượng, tối thắng, có thể phát sinh lòng tin thanh tịnh, chư Phật khen ngợi. Có các ngoại đạo tà kiến không thể bỏ tâm chấp trước, pháp thâm diệu này không nên giảng nói cho họ. Nếu thuyết giảng thì không phù hợp với lý.
Con nay xưng tán pháp tối thượng
Đầu giữa sau thiện, lý tương ưng
Gồm thâu câu: chân thật tối thượng
Sâu xa vi diệu khó suy lường
Hợp các công đức số vô biên
Thí khắp tất cả chúng sanh giới.