LUẬN BỒ ĐỀ TƯ LƯƠNG
– Thứ tự kinh văn số 1660 thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, quyển thứ 32, Luận Tập Bộ Toàn. Từ trang 517 đến trang 541.
– Bản gốc của Thánh Giả Long Thọ.
– Tỳ Kheo Tự Tại giải thích.
– Đại Tùy Nam Ấn Độ Tam Tạng Đạt Ma Hấp Đa dịch từ Phạn văn ra Hán văn.
– Sa Môn Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác Hannover, Đức quốc, dịch từ Hán văn ra Việt văn.

 

Quyển thứ hai

Hỏi về nhẫn Ba La Mật đã giải thích rồi. Bây giờ lại nói về tinh tấn Ba La Mật.

Đáp rằng: Đó là dũng kiện thể tướng, dũng kiện tác nghiệp v.v… có tên là tinh tấn. Ở trong đó có các Bồ Tát từ sơ phát tâm cho đến cứu cánh tọa Bồ Đề. Kiến lập tất cả Bồ Đề phần tương ưng với thân khẩu ý thiện nghiệp. Đây gọi tên là Tinh Tấn Ba La Mật. Lại nữa nếu cùng phàm phu, học, vô học, Thanh Văn, Độc Giác thì chẳng gọi là tinh tấn. Đây có tên là Tinh Tấn Ba La Mật – mà tinh tấn thì có 3 nghĩa. Đó là thân khẩu ý. Đối với thân khẩu tinh tấn thì tâm tinh tấn phải đi trước. Lược nói là 3 loại phước điền, mà thân và phước tương ưng thì gọi là thân tinh tấn. Khẩu cùng tương ương, thì gọi khẩu tinh tấn. Ý tương ưng thì gọi là ý tinh tấn. Lại nữa ở nơi tự lợi hoặc lợi tha thì thân đều làm việc lành. Đây là thân tinh tấn. Khẩu làm việc khẩu tinh tấn. Ý làm việc ý tinh tấn. Nghĩa là chẳng dứt chủng tử tinh tấn nơi Tam Bảo, thành thục vô lượng chúng sanh tinh tấn. Nhiếp thọ vô lượng lưu chuyển tinh tấn, vô lượng cúng dường để gần gũi tinh tấn. Tụ tập vô lượng thiện căn tinh tấn. Xuất sanh vô lượng tinh tấn tinh tấn, lành nói làm cho chúng sanh hoan hỷ tinh tấn. An ủi tất cả chúng sanh tinh tấn. Tùy thuận các chúng sanh mà làm tinh tấn. Ở nơi tất cả chúng sanh mà làm hạnh xả tinh tấn. Thọ các giới học tinh tấn. Nhẫn lực điều nhu tinh tấn. Xuất sanh các Thiền Định chỉ quán tinh tấn. Đầy đủ chẳng nhiễm, trí huệ tinh tấn. Thành tựu bốn phạm hạnh tinh tấn. Xuất sanh 5 thần thông tinh tấn. Ở nơi tất cả quốc độ Phật, công đức thành rồi, Phật độ tinh tấn. Hàng phục các ma tinh tấn. Như pháp hàng phục các ngoại đạo luận sư tinh tấn. Đầy đủ 10 lực vô úy và Phật Pháp tinh tấn. Trang nghiêm thân, khẩu, ý tinh tấn. Độ được tất cả sở hữu tinh tấn. Hại các phiền não tinh tấn. Kẻ chưa độ làm cho độ, kẻ chưa giải thoát làm cho được giải thoát; kẻ chưa hồi tâm làm cho hồi tâm; kẻ chưa Niết Bàn làm cho Niết Bàn tinh tấn. Tụ tập trăm phước tướng tư lương tinh tấn. Nhiếp thọ tất cả Phật Pháp tinh tấn. Di vô biên nước Phật tinh tấn. Thấy vô lượng chư Phật tinh tấn.

Tất cả những tinh tấn nầy đều từ lòng đại bi mà ra, lìa thân khẩu ý, trụ ở nơi chẳng thủ chẳng xả. Được chẳng cao chẳng thấp, nhiếp chẳng sanh chẳng khởi. Như thế 32 pháp đầy đủ rồi, tinh tấn Ba La Mật sẽ được thanh tịnh viên mãn. Trong nầy lại có kệ tụng của Thánh:

So với các thí Ba La Mật
Tinh tấn là lực sẽ thành tựu
Cho nên tinh tấn là căn bản
Chư Bồ Tát đã được thân Phật
Tinh tấn phương tiện cầu Bồ Đề
Ta nghĩ tinh tấn thắng phương tiện
Nơi đây xả ly tinh tấn rồi
Phương tiện chẳng thế làm, bị làm
Chỉ có độc nhất một phương tiện
Chẳng phải khuyên răn làm sự nghiệp
Làm đó là làm cho tinh tấn
Cho nên tinh tấn hơn phương tiện
Tâm có xảo lực làm phương tiện
Tâm nầy từ đây sanh tinh tấn
Cho nên các việc làm như thế
Đều lấy tinh tấn làm căn bản.
Các luận và những công xảo nầy
Đủ tinh tấn rồi sang bờ kia
Cho nên ở tất cả việc làm
Tinh tấn tối vi thành tựu vậy
Cho đến tự tại và tài vật
Người tinh tấn kia liền gặt được
Cho nên họ ở được an lạc
Tất cả đều do nhân tinh tấn
Khi đã thù thắng tinh tấn rồi
Phật đối Thanh Văn là trên hết
Cho nên với lực tinh tấn nầy
Tối vi thắng nhơn chẳng khác hơn
Thắng hơn tinh tấn kẻ dũng kiện
Tuy ở mỗi mỗi chung cùng đất
Nhưng kia lại hay được nơi cao
Cho nên thường hay khởi tinh tấn
Phật ngồi lúc ấy dưới Bồ Đề
Vì tinh tấn ấy mà giác ngộ
Cho nên tinh tấn là căn bản
Được thân Phật ấy là nhơn rồi.

Hỏi và đã đáp ngắn gọn về tinh tấn Ba La Mật rồi, bây giờ sẽ nói về Thiền Na Ba La Mật.

Đáp rằng: Thiền Na có nghĩa là có 4 loại thiền. Nghĩa là có giác, có quán, ly sanh hỷ lạc. Ở nơi sơ thiền thì vô giác vô quán, định sanh hỷ lạc. Ở nơi nhị thiền lìa vui, hành xả niệm huệ thọ lạc. Ở nơi tam thiền thì diệt khổ lạc, xả niệm thanh tịnh, bất khổ bất lạc. Ở nơi tứ thiền thì trong 4 loại thiền ở đây lìa chứng Thanh Văn, Độc Giác địa. Hồi hướng Phật địa rồi, liền có tên là Thiền Na Ba La Mật. Các Bồ Tát có 16 loại Thiền Na Ba La Mật. Các Thanh Văn, Độc Giác thì không có.

Thế nào là 16 loại? Nghĩa là chẳng giữ thật thiền. Chẳng đắm trước vị thiền, Đại bi phan duyên thiền, Tam Ma Địa hồi chuyển thiền, Khởi tác thần thông thiền, Tâm kham năng thiền, Chư Tam Ma Bột Đế thiền, Tịch tĩnh phục tịch tĩnh thiền, Bất khả động thiền, Ly ác đối thiền, Nhập trí huệ thiền, Tùy chúng sanh tâm hành thiền, Tam Bảo chủng chẳng đoạn thiền, Bất thoái đọa thiền, Nhứt thiết pháp tự tại thiền, Phá tán thiền. Như thế có 16 loại thiền. Đó là Thiền Na Ba La Mật.

Bất thủ thật thiền nghĩa là đầy đủ Như Lai thiền vậy. Bất trước vị thiền có nghĩa là chẳng tham vui riêng. Đại bi phan duyên thiền nghĩa là thị hiện đoạn trừ những phương tiện phiền não của chúng sanh. Tam Ma Địa hồi chuyển thiền là lấy phan duyên của dục giới làm duyên. Khởi tác thần thông thiền nghĩa là muốn biết tất cả tâm hạnh của chúng sanh. Tâm kham năng thiền nghĩa là thành tựu tân tự tại trí vậy. Chư Tam Ma Bột Đế thiền là ra khỏi cõi sắc và vô sắc. Tịch tĩnh phục tịch tĩnh thiền là ra khỏi Thanh Văn, Độc Giác, Tam Ma Bột Đế. Bất khả động thiền là cứu cánh hậu biên. Ly ác đối thiền là hại các sự huân tập tương tục. Nhập trí huệ thiền là ra khỏi thế gian. Tùy chúng sanh tâm hạnh thiền là độ cho chúng sanh. Tam Bảo chủng bất đoạn thiền là Như Lai thiền vô tận. Bất thoái đọa thiền là thường hay nhập định. Nhứt thiết pháp tự tại thiền là các nghiệp đã mãn. (Trong nầy, chỉ thứ 16 Phá tán thiền, không giải thích).

Lại nữa Niệm tịnh, Huệ tịnh, Thú tịnh, Tàm tịnh, Trì tịnh, Trì tâm hy vọng tịnh, Hồi hướng Bồ Đề tịnh, Căn tịnh, Vô ý tịnh, Bất thủ thật tịnh, Khởi tác thần thông tịnh, Tâm kham năng tịnh, Thân viễn ly tịnh, Nội tịch thanh tịch, Ngoại bất hành tịnh, Hữu sở đắc kiến tịnh, Vô chúng sanh vô mệnh vô nhơn tịnh, Tam giới trong bất trụ tịnh, Giác phần môn tịnh, Ly ế quang minh tịnh, Nhập trí huệ tịnh, Nhơn quả bất tương vi tịnh, Nghiệp tư duy nhẫn tịnh, Khai bào tạng tương trí tịnh, Nhiếp phương tiện tiền xảo tịnh, Bồ Đề tràng chướng ngại tịnh, Bất trước Thanh Văn, Độc Giác tịnh, An trụ thiền xa xuất sanh quang minh tịnh, Phật Tam Ma Địa bất tán loạn tịnh. Quán tự tân hành tịnh, Tri chư chúng sanh các căn như ưng thuyết pháp tịnh. (Bản nầy thiếu 2 tịnh), gồm 16 loại Thiền Na Ba La Mật, do đây mà sanh ra 32 tịnh và được thanh tịnh, được vào Như Lai địa. Ở đây có kệ nói rằng:

Kia có mười sáu loại
Lại ba mươi hai tịnh
Cùng Thiền độ tương ưng
Đó là cầu giác ngộ
Đến Thiền kia bờ giác
Thiện trí thiền na nghiệp
Trí giả năng thần thông
Ra khỏi nơi đọa lạc
Các sắc không cùng tận
Thông đạt thật tánh nầy
Lại hơn mắt cõi trời
Thấy khắp các sắc tướng
Chỉ tai trời thanh tịnh
Xa nghe các âm thanh
Kẻ trí đều biết hết
Tiếng không thể nói được
Do nơi tâm chúng sanh
Quán xem mỗi mỗi tướng
Các tâm dụ như huyễn
Rõ biết tự tánh nầy
Chúng sanh ở đời trước
Như thật nhớ biết rõ
Các pháp chẳng quá khứ
Lại biết tự tánh nầy
Sanh về nơi biết trước
Thấy đó đủ trang nghiêm
Tướng đất như hư không
Rõ biết thật tánh nầy
Chúng sanh các phiền não
Đều do loạn tâm sanh
Cho nên là người trí
Rộng tu các thiền định.

Hỏi và giải thích về Thiền Na Ba La Mật rồi như đã lược nói bên trên. Bây giờ theo thứ tự lại nói về Bát Nhã Ba La Mật.

Đáp rằng: Bát Nhã Ba La Mật như trước đã giải thích là làm tư lương ban đầu. Bây giờ giải thích về tướng nầy, như trước nói kệ.

Thí, giới, nhẫn, tiến, định
Đầy đủ là năm loại
Với những Ba La kia
Trí tuệ nhiếp phục hết.

Nơi đây còn có 4 Ba La Mật khác. Nghĩa là Xảo phương tiện Ba La Mật; Nguyện Ba La Mật; Lực Ba La Mật và Trí Ba La Mật. Bốn Ba La Mật nầy đều được nhiếp bởi Bát Nhã Ba La Mật là Đức Phật Thế Tôn ở nơi cội Bồ Đề, một niệm tương ưng trí, giác ngộ rõ biết hết các pháp. Đó là Bát Nhã Ba La Mật. Lại nữa, đó là tướng vô ngại, không có thân, không có tướng biên giới, hoàn toàn là hư không, tưởng chẳng thể so sánh được. Các pháp chẳng phải chỗ được, tướng xa rời, cứu cánh đều không, tướng chẳng thế hàng phục, lại chẳng được vậy. Tướng không câu văn, vô danh thân, tướng chẳng tụ họp, lìa đến đi. Vô nhơn tướng, lìa kẻ làm. Vô sanh tướng, sanh chẳng còn. Tướng chẳng đến đi, lìa lưu chuyển. Tướng chẳng tán hoại, lìa trước sau. Tướng vô nhiễm, chẳng thể thủ. Tướng vô hí luận, lìa các hí luận. Tướng vô động, pháp giới tự thể. Tướng vô khởi, chẳng phân biệt. Tướng vô lượng, lìa sự đo lường. Tướng vô y chỉ, nương tựa chẳng có. Tướng chẳng dơ, chẳng sanh ra. Tướng chẳng thể đo, không giới hạn. Tướng tự nhiên, biết các pháp tự tánh.

Lại Bát Nhã Ba La Mật là tướng văn huệ. Cùng vào chánh tư duy; tướng văn huệ kia có 80 loại. Nghĩa là lạc dục và chánh tư nhập. Có 32 loại. Nghĩa là an trụ Xa Ma Tha (chỉ). Lại nữa Bát Nhã Ba La Mật chẳng cùng với 16 loại túc trụ và vô minh cụ. Như thế tướng Bát Nhã Ba La Mật tùy lượng mà nói rồi. Nếu nói đầy đủ thì cho đến vô lượng. Bát Nhã Ba La Mật nầy hay nhiếp phương tiện thiện xảo trong Ba La Mật. Có 8 loại thiện xảo. Đó là: Chúng thiện xảo, Giới thiện xảo, Nhập thiện xảo, Đế thiện xảo, Duyên sanh thiện xảo, Tam thế thiện xảo, Chư thừa thiện xảo, Chư pháp thiện xảo.

Ở trong nầy thiện xảo Ba La Mật có biên tế (giới hạn). Lại hay tùy theo sanh vào nơi cảnh giới nào mà theo hình tướng nơi đó. Vì sự giác ngộ mà tự tăng trưởng thiện căn và điều phục chúng sanh. Ở nơi những cảnh giới kia sanh ra và làm tất cả những loại phương tiện ở mọi nơi. Những bậc đại nhơn đã phân biệt nói. Ta nay chỉ nói một phần nhỏ trong kinh kia. Nếu đã làm hay đang làm một việc lành nhỏ thì có thể làm cho càng ngày càng nhiều lên. Đây là phương tiện. Chẳng phải vì mình mà vì cho chúng sanh. Đây cũng là phương tiện. Duy chỉ có Đa Na (thí = cho) làm cho Ba La Mật đầy đủ. Đây là phương tiện. Giống như Thi La (giới) nhiếp phục các nơi của chúng sanh để trang nghiêm thân, khẩu, tâm vì sự giác ngộ. Tỳ Lê Ya an trú tinh tấn ở nơi Thiền chẳng thối chuyển. Bát Nhã là xa rời vô vi, hay nương theo từ bi để làm. Bi chẳng bị lưu chuyển. Vui hay nhẫn, chẳng vui lạc mà xả đi để sinh khởi việc thiện. Thân nhãn chấp lấy Phật nhân. Thân nhĩ làm đầy đủ Phật nhĩ. Biết được tâm trí kia mỗi mỗi gốc rễ. Nhớ nghĩ ở ba đời chẳng ngại, tự tại thông được Như Lai tự tại thông, nhập vào tâm chúng sanh muốn biết các hành tướng. Khi độ xong thì hoàn nhập trở lại, vô nhiễm mà xả nhiễm, đảm đương lại đảm đương, vô lượng thị hiện có giới hạn tối thắng hiện ra. Vì phương tiện mà tương ưng với Niết Bàn mà có đọa lạc lưu chuyển. Duy Niết Bàn nầy chẳng cứu cánh tịch diệt hiện thành 4 ma mà siêu quá các ma, đạt 4 đế trí, lại quán vô sanh, mà không vào chánh vị. Tuy làm thật ồn mà chẳng làm theo con mắt phiền não. Tuy đi xa lìa mà chẳng nương vào thân tâm cùng tận. Tuy làm ở 3 cõi mà ở nơi ấy chẳng làm việc của thế đế. Tuy làm việc ở nơi không, mà tất cả thời hằng cầu Phật pháp. Tuy làm việc vô vi, mà chẳng ở nơi vô vi tác chứng. Tuy ở lục thông mà chẳng tận lậu. Tuy hiện uy nghi của Thanh Văn, Độc Giác mà xả vui, muốn cầu Phật pháp. Như thế những xảo phương tiện Ba La Mật là vì giáo hóa chúng sanh mà phương tiện. Những phương tiện kia là Bồ Tát giáo hóa xảo phương tiện trụ xứ, nên biết như vậy. Đây là bài kệ:

Súc sanh ở trong đường khổ não
Sanh địa ngục ngạ quỷ cũng vậy
Nơi ấy lưu chuyển tương ưng thọ
Chúng sanh nhiều loại gây quá ác
Những khổ gom lại chẳng thể chướng
Ở nơi chúng sanh khởi từ tâm
Chư Phật liền bảo Bồ Tát kia
Tất cả thế gian thương vô ngại
Luận nói nhiều thiện có họp lại
Chúng nhiều như số họ tạo nghiệp
Công xảo các minh và việc khác
Tất cả đều cùng ái ngữ giữ
Giới, tiền nghe tu liền tịch tĩnh
Đây là công đức nhiếp hóa chúng
Nhiếp rồi liền làm cho tương tục
Hơn cả chư Tiên ở đường lành
Hoặc hiện nữ thân hay nam thân
Làm cho điều phục mà thọ giáo
Hoặc hiện nam thân hóa nữ thân
Làm cho điều phục mà thọ giáo
Nếu chẳng ở yên nhiễm cảnh vui
Thương cho không chỗ lại vào chỗ
Tùy cửa chúng sanh mà hóa hiện
Gặp não thật nhiều lại chẳng xả
Hoặc có tín giải nơi vô ngã
Hoặc biết các pháp lìa tự tánh
Người nầy chưa lìa pháp thế gian
Hay làm như thế quán đổi thay
Bởi nghiệp và quả, sanh tin tưởng
Mà bởi vô biên những khắc khổ
Ở nơi ấy thọ quả khổ rồi
Chẳng vui các khổ như đã gặp
Nếu ở Thanh Văn mà xuất gia
Liền cho ở nơi thật yên ổn
Hoặc cho ở nơi của Duyên Giác
Hoặc cho ở nơi mười thừa tốt
Làm cho chứng được thừa chánh giác
Hoặc được yên ổn và cõi trời
Như thế từ sơ đến cứu cánh
Trượng phu khó làm đều làm được
Nương đó nhiều loại xảo phương tiện
Xa rời tất cả thương chẳng thương
Thừa nầy chư Phật thường tán thán
Trăm ngàn công đức thật trang nghiêm
Hay sanh thế gian chỗ tin sâu
Mà nói con đường thật vi diệu
Ở nơi Duyên Giác và Thanh Văn
Cho đến cõi trời cùng các thừa
Đều do thập thiện mà thành thục
Lại nơi nhơn thừa mà thành người.

Đã giải thích về xảo phương tiện Ba La Mật rồi. Nay ta sẽ nói về nguyện Ba La Mật.

Nầy các Bồ Tát! Đầu tiên có 10 Đại Nguyện.

Nghĩa là cúng dường cung cấp cho chư Phật không thừa. Đó là nguyện thứ nhất.

Ở nơi chư Phật mà giữ đại chánh pháp, nhiếp thọ chánh giác, phổ hộ chánh giáo. Đó là nguyện thứ hai.

Cùng xuất hiện trong các thế giới với các Đức Phật. Đầu tiên từ ở nơi cõi trời Đẩu Suất cho đến giáng sanh, nhập vào thai, ở nơi thai cho đến sơ sanh và xuất gia, chứng chánh giác, thỉnh chuyển pháp luân, nhập Đại Niết Bàn. Tất cả đều cung cấp cúng dường từ đầu chẳng hề rời bỏ. Đó là đại nguyện thứ ba.

Chư Bồ Tát hành quảng đại vô lượng, chẳng lìa Ba La Mật, mà nhiếp lành các nơi thanh tịnh, ra đời cùng chung hay phân biệt, đồng tướng, dị tướng, cùng chuyển hoặc chẳng cùng chuyển với các hạnh của Bồ Tát, như thật, như 10 địa mà nói, tu giữ Ba La Mật, giáo huấn, giáo thọ, thọ rồi hay giữ gìn, phát khởi sanh ra tâm như thế. Đó là đệ tứ Đại Nguyện.

Không biết bao nhiêu thế giới của chúng sanh như hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng. Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, tam giới cùng vào ở chung với 6 loài chúng sanh ấy. Thuận theo sự sanh và sự mất với hình tướng ấy mà nhiếp thọ. Cùng với không biết bao nhiêu chúng sanh đều làm cho họ thành thục, làm cho họ thâm nhập Phật Pháp. đoạn trừ các cảnh giới, an lập họ ở nơi tất cả trí tuệ. Đó là đệ ngũ Đại Nguyện.

Không biết bao nhiêu thế giới, rộng không thể kể xiết, dầu nhỏ, dầu thô, dầu ngang, dầu dọc, dầu bằng, dầu nông v.v… cùng nhập vào ở chung vào tùy thuận theo họ. Trong mười phương ấy phân chia như màn lưới; nhưng vào nơi ấy thứ tự thuận hành. Đây là Đại Nguyện thứ 6.

Tất cả quốc độ tức một quốc độ; một quốc độ, tức tất cả quốc độ, bình đẳng thanh tịnh vô lượng quốc độ. Đều làm cho trang nghiêm lìa các phiền não. Đường lành đầy đủ vô lượng tri tướng. Đầy đủ chúng sanh vào cảnh giới thượng diệu của Phật. Tùy theo tâm chúng sanh mà thị hiện, làm cho hoan hỷ. Đây là Đại Nguyện thứ 7.

Vì cùng với các Bồ Tát đồng nhất tâm mà chẳng đồng căn lành gần gũi với nhau. Vì cùng với các Bồ Tát cùng một nhân duyên hay chẳng rời sự bình đẳng của Bồ Tát. Vì phát khởi tự tâm, nhập vào Như Lai uy thần. Vì được bất thoái, hành thần thông. Vì du hành các thế giới. Vì ảnh đến vây quanh Đại Chúng. Vì tự thân thuận nhập vào sanh các nơi. Vì đầy đủ bất tư nghì Đại Thừa. Vì hành Bồ Tát hạnh. Đây là Đại Nguyện thứ 8.

Vì lúc nào cũng thăng tiến, chẳng thoái chuyển khi hành Bồ Tát hạnh. Vì thân, khẩu, ý nghiệp chẳng không; tức ở nơi thấy thời làm cho quyết định Phật Pháp.Vì khi phát xuất một âm thanh, thời làm cho nhập vào trí huệ. Vì lúc có lòng tin thì làm cho chuyển đổi phiền não. Vì được như thân của Đại Dược Vương vậy. Vì hành các hạnh Bồ Tát. Đây là Đại Nguyện thứ 9.

Vì ở nơi thế giới chánh giác A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Vì một sợi lông cho đến tất cả đường tơ kẽ tóc. Tất cả đều xuất hiện sanh ra, ngồi nơi đạo tràng, chuyển pháp luân, nhập vào Đại Bát Niết Bàn. Vì làm cho nhập vào trí huệ Phật đại cảnh giới uy thần lực. Vì ở nơi tất cả chúng sanh như thân ý của Phật đúng thời thì khai ngộ, làm cho được tịch tịnh mà thị hiện. Vì chánh giác một pháp và tất cả pháp và tướng Niết Bàn. Vì thốt ra một âm thanh làm cho tâm của chúng sanh hoan hỷ. Vì hiện Đại Bát Niết Bàn mà chẳng đoạn sức lực khi làm. Vì hiện đại trí huệ địa mà an lập các pháp. Vì các cảnh giới Phật, pháp trí thần thông biến vào các thế giới. Đây là Đại Nguyện thứ 10.

Như thế 10 sự mong muốn to lớn khi tái sanh, lấy 10 Đại Nguyện ấy làm đầu. Khi đầy đủ 10 Đại Nguyện nầy rồi, kiến lập Bồ Tát A Tăng Kỳ hơn trăm ngàn lời nguyện. Đắc trụ Bồ Tát hoan hỷ địa. Đây có tên là Ba La Mật. Nguyện Ba La Mật đã giải thích rồi, nay ta sẽ nói về lực Ba La Mật. Trong nầy lược nói các Bồ Tát có 7 loại lực. Đó là phước báo sanh lực, thần thông lực, tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, Tam Ma Đề (định) lực và Bát Nhã lực.

Phước báo sanh lực có nghĩa là như 10 con voi nhỏ hợp lực lại thành lực một con Long Tượng (voi lớn). Mười Long Tượng lực sẽ thành một Hương Tượng lực. Mười Hương Tượng lực sẽ thành một Đại Hương Tượng lực. Mười Đại Hương Tượng lực thành một Đại Lực Sĩ lực. Mười Đại Lực Sĩ lực thành một nửa Na La Diên lực (Nàràyana = tên vị lực sĩ ở Thượng Thiên). Mười nửa Na La Diên lực thành một Na La Diên lực. Mười Na La Diên lực thành một Đại Na La Diên lực. Mười Đại Na La Diên lực thành hơn 100 kiếp Bồ Tát lực. Mười lần hơn 100 kiếp Bồ Tát lực thành hơn một trăm ngàn kiếp Bồ Tát lực. Mười lần hơn trăm ngàn kiếp Bồ Tát lực trở thành một Đắc Nhẫn Bồ Tát lực. Mười Đắc Nhẫn Bồ Tát lực sẽ thành Tối Hậu Sanh Bồ Tát lực.
Ở những lực như thế rồi, Bồ Tát lúc sanh thường đi bảy bước. Mười lần Tối Hậu Sanh Bồ Tát lực, cho đến Bồ Tát lực lúc thiếu niên. Bồ Tát trụ ở lực nầy rồi, vui nơi Bồ Đề Đạo Tràng thành đẳng chánh giác. Khi đã chánh giác rồi, trải qua hơn trăm ngàn công đức lực sẽ thành tựu Như Lai Chánh Biến Tri Nhứt Chủng Xứ Phi Xứ lực. Như thế thập lực thành tựu. Tên gọi nầy chư Phật Bồ Tát cùng với một ít chúng sanh có phước báu nầy; nên gọi là Phước Báo Sanh lực.

Thần Thông lực nghĩa là: Lành tu bốn thần túc nhiều lần rồi, lại có Thần Thông lực hy hữu nầy, có thể điều phục tất cả chúng sanh. Hy Hữu Thần lực ấy hiển hiện hoặc hình tướng, hoặc sức lực, hoặc trụ trì, hoặc các chúng sanh hợp theo với những sắc tướng ấy mà điều phục. Tức sắc tướng nầy ở nơi tất cả chúng sanh thị hiện hoặc sắc thân Phật, hoặc sắc thân Độc Giác, hoặc sắc thân Thanh Văn như thế; hoặc Thích Phạm Hộ Thế Chuyển Luân Vương hình tướng. Ngoài những hình tướng như thế, cho đến hình tướng của súc sanh. Vì điều phục chúng sanh mà thị hiện những hình tượng như thế. Nếu có nhiều lực như kiêu mạn, sân nộ, hung ác, tự cao của chúng sanh thì liền hiện ra những lực như thế để điều phục. Tức hiện ra lực nầy; hoặc Đại Lực Sĩ lực. Hoặc tứ phần Na La Diên lực. Hoặc nửa phần Na La Diên lực; hoặc một Na La Diên lực. Với lực nầy; Tu Di Sơn Vương cao 16 vạn 8 ngàn Thâu Giá Na, cho đến 8 vạn 4 ngàn Thâu Giá Na nơi 3 lóng tay. Như lấy qua Am Ma Lặc để nơi thế giới khác, mà Tứ Thiên Vương Thiên cùng với 33 cõi trời vô sở Nhiệt Não. Ở nơi Bồ Tát lực ấy lại chẳng giảm tổn. Lại nữa ở nơi ba ngàn đại thiên thế giới lại càng rộng hơn nữa. Từ cõi nước cho đến cõi trời Hữu Đảnh, để nơi tay mà trải qua nhiều kiếp để ở nơi các Thần Thông lực, đầy đủ thị hiện những thần lực như thế. Nếu có những chúng sanh kiêu mạn, tăng thượng mạn, sân nộ, hung ác, tự cao thường hay thuyết pháp điều phục làm cho lìa kiêu mạn, tăng thượng mạn, sân nộ, hung ác v.v… kia được những thần túc, rồi biết giữ gìn. Với trí giữ gìn nầy có nơi được giữ gìn tùy ý mà được như Đại Hải làm dấu tích của trâu. Tức thành dấu tích của trâu. Nếu dấu tích của trâu như biển lớn, tức thành biển lớn. Nếu ở kiếp thiên mà nước đọng lại, tức thành thủy tụ. Nếu thủy tụ làm hỏa tụ, tức thành hỏa tụ. Sau khi hỏa tụ rồi thì gió tụ, tức thành gió tụ. Khi gió tụ thì hỏa tụ, tức thành hỏa tụ. Như thế nơi đây được giữ gìn. Tùy theo sự giữ gìn theo pháp thượng, trung, hạ, liền nắm giữ rồi. Chẳng có người nào hay chấn động, ổn một. Nghĩa là hoặc Thích, hoặc Phạm cho đến cùng với pháp thế gian, trừ Phật Thế Tôn. Ở nơi những chúng sanh, mà chẳng có chúng sanh nào ở nơi Bồ Tát mà giữ gìn pháp chấn động ổn một. Giữ gìn lực ấy rồi vì nhiều loại thắng thượng vui vẻ ca tụng, tôn kính các chúng sanh mà thuyết pháp. Thần túc lực kia bay cao tự tại. Qua khỏi phiền não ma, vào cảnh giới của Phật làm cho chúng sanh giác ngộ, gom góp thiện căn đời trước làm tư lương mà ma và thân ma, chư thiện v.v… chẳng thể làm chướng ngại. Đây có tên là Bồ Tát Thần Thông lực.

Tín lực nghĩa là: Ở nơi Phật Pháp Tăng cùng các hàng Bồ Tát, một lòng tín giải hướng về chẳng có gì cản trở hủy hoại. Nếu có ác ma hiện làm thân Phật đến mà dùng mọi pháp muốn phá hoại lòng tin nầy thì với Bồ Tát tín giải lực làm cho ma kia không thể động đến Bồ Tát tín lực được. Đây có tên là Tín Lực.

Tinh Tấn lực có nghĩa là Bồ Tát nếu phát khởi tinh tấn cùng với những thiện pháp tương ưng thì ở nơi ấy được Kiên Cố lực. Tùy theo chỗ thọ lãnh mà chư thiên hay loài người chẳng thể động hoại làm cho ngưng nghỉ được. Nên đây có tên là Tinh Tấn lực.

Niệm Lực có nghĩa là trụ ở nơi Pháp, tâm nầy dừng nghỉ an ổn, loại trừ các phiền não, làm cho chẳng thể tán loạn. Nếu niệm lực nầy giữ gìn thì các phiền não sẽ bị phá bỏ. Những phiền não kia chẳng thể phá hoại nơi sở niệm của Bồ Tát. Nên đây có tên là Niệm lực.

Tam Ma Đề lực nghĩa là nơi không yên ổn mà hành hạnh viễn ly. Các âm thanh và lời nói xuất hiện cũng chẳng làm chướng ngại ở cõi Sơ Thiền. Làm lành quán giác chẳng ngại nơi nhị thiền. Sanh nơi ái lạc chẳng ngại tam thiền. Thành thục chúng sanh nhiếp thọ các pháp chưa xong bỏ phế, chẳng ngại tứ thiền. Như thế qua lại 4 loại thiền. Các việc ác đối với thiền chẳng thể phá hoại được. Tuy ở các thiền mà chẳng phải tùy nơi thiền sanh. Nên đây có tên là Bồ Tát Tam Ma Đề lực.

Bát Nhã lực nghĩa là thế, xuất thế pháp có trí chẳng thể hoại. Ở nơi đời đời chẳng do Thầy dạy, những nghiệp làm tuy theo công xảo minh cho đến thế gian tối thắng khó làm khó nhẫn, Bồ Tát tất cả có thể hiện tiền. Nếu ở pháp xuất thế có thể cứu đời. Khi Bồ Tát dùng trí tuệ để tùy thuận nhập vào rồi thì cả trời, người, A Tu La đều chẳng thể phá hoại. Đây có tên là Bát Nhã lực.

Như thế Bồ Tát có 7 lực, đã lược nói giải thích rồi, nếu nói đầy đủ, chẳng có cuối cùng. Đây có tên là Bồ Tát lực Ba La Mật.

Đã giải thích về lực Ba La Mật rồi, bây giờ ta sẽ nói về Trí Ba La Mật.

Ở đây trong đời có kẻ làm sách vở, tính toán v.v… cho đến tánh giới luận (như gió mưa, bói toán v.v…), phương luận (nghĩa là y phương luận) để trị các bịnh khô héo, cuồng tâm v.v… các bịnh như thế, phá các trùng độc. Lại tạo ra những chuyện vui cười, viết nên những bài hư ảo v.v… làm cho sanh vui thích. Sanh ra trong thôn, thành, vườn, ấp, ao, hồ, giếng, hoa quả, thuốc thang hoặc nơi tòng lâm. Hay thị hiện vàng bạc Ma Ni lưu ly, ngọc thạch, san hô v.v… cùng các loại đồ quý. Và nơi trời, trăng, tinh tú, địa chấn, mộng mị v.v… tạo nên tướng và các phần của thân thể v.v… Biết cấm giới hành xứ, thiền na, thần thông vô lượng sắc xứ cho đến chánh giác tương ưng lợi lạc chúng sanh đến bờ kia. Lại nữa biết tất cả sự thành hoại của thế giới. Tùy theo thế giới thành, tùy theo thế giới hoại, tất cả đều rõ biết. Lại nữa biết rõ về nguyên nhân của nghiệp để tạo thành thế giới đó và bao giờ nghiệp tận thì thế giới ấy hoại. Biết thế giới ấy thành tựu lúc nào và biết thế giới ấy ở lại bao lâu thì hoại diệt. Biết rõ giới hạn của đất nước, gió, lửa, lớn, nhỏ vô lượng sai biệt. Biết rất rõ ràng từng vi trần một. Lại biết rõ từng hạt bụi cực nhỏ tụ tập và từng vi trần phân tán. Biết trong thế giới ấy có rất nhiều vi trần về đất. Như thế cũng nên biết nước, lửa, gió v.v… vi trần cũng nhiều như thế. Biết tất cả chúng sanh số nhiều như vi trần và quốc độ cũng nhiều như vi trần. Biết rõ thân của chúng sanh sai biệt từ thô đến tế. Cho đến lại biết những vi trần hợp thành địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, A Tu Lan, thân của trời, người v.v… Biết sự thành hoại của dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Cho đến biết vô lượng sự sai biệt sai biệt lớn nhỏ khác. Biết về thân thể của chúng sanh về nghiệp, về báo và về sắc thân. Biết tất cả các thân trong các quốc độ lớn nhỏ về dơ sạch, cho đến biết rõ sự sai biệt ngang, dọc, mặt phẳng, mặt lưới v.v…

Biết về nghiệp báo của thân có tên sai biệt gọi về thân. Biết sự gọi tên sai biệt về thân của Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát. Biết thân Như Lai, thân Chánh Giác, nguyện thân, hóa thân, trụ trì thân. Hình sắc tướng hảo trang nghiêm thân, uy quang thân, ý niệm thân, phước thân, pháp thân. Biết rõ về trí thân, phân biệt như lý, suy nghĩ tốt xấu. Nếu quả tương ưng thì nhiếp lấy thế gian và xuất thế gian. Hay an lập tam thừa, cộng pháp và bất cộng pháp. Hoặc xuất thế, hoặc chẳng xuất thế; hoặc học, hoặc vô học; biết trong pháp thân đều bình đẳng bất động. Làm cho nơi thế đế có tên gọi. An lập cho chúng sanh và chẳng phải chúng sanh. An lập Phật Pháp Thánh Chúng. Biết thân hư không có vô lượng thân ở trong ấy. Tất cả các xứ chẳng hình tướng, chơn thật vô biên, vô sắc thân sai biệt. Được sanh ra những thân có trí tuệ như thế. Lại được mệnh tự tại, tâm tự tại, chúng cụ tự tại, nghiệp tự tại, nguyện tự tại, tín giải tự tại, thần thông tự tại, trí tự tại, sanh tự tại, pháp tự tại. Được 10 tự tại như thế rồi thì làm kẻ có trí bất tư nghì, kẻ vô lượng trí, kẻ bất thoái trí. Như thế, trí có 8 vạn 4 ngàn hình tướng. Đó là Bồ Tát Trí Tri Ba La Mật. Như thế tùy phần giải thích trí Ba La Mật. Nếu muốn nói đầy đủ chỉ có Đức Thế Tôn mới có thể giải nói hết.

Sáu Ba La Mật nầy
Gồm Bồ Đề tư lương
Giống như giữa hư không
Nhiếp hết tất cả vật.

Như đã giải thích về Ba La Mật. Tổng nhiếp tất cả Bồ Đề tư lương, giống như sự đi đứng của các vật trong hư không, có thức, chẳng thức, tất cả đều nhiếp hóa. Như thế những tư lương nầy đều được nhiếp hóa ở sáu Ba La Mật. Cùng tướng, khác tướng hãy nên biết.

Luận Bồ Đề Tư Lương
Hết quyển hai

Trang: 1 2 3 4 5 6