LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 15

Phẩm 7: SÁU PHÁP, phần 1

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử lại nói với đại chúng: Các Cụ thọ nên biết! Đức Phật đối với sáu pháp đã tự khéo thông đạt, hiện Đẳng giác rồi, vì các đệ tử tuyên thuyết, khai thị. Nay chúng ta nên hòa hợp kết tập, để sau khi Đức Phật diệt độ chớ nên có tranh cãi, chống đối. Nên khiến cho pháp luật thuận theo phạm hạnh được trụ lâu, tạo lợi ích cho vô lượng hữu tình. Lại thương xót các chúng trời, người ở thế gian, khiến họ đạt được nghĩa lợi an lạc thù thắng.

Những gì là sáu pháp? Trong đây có 2 Tụng nêu tổng quát:

**

1. Tụng nêu tổng quát thứ nhất:

Một: Sáu pháp có mười

Là thức, xúc, nội, ngoại

Cùng thọ, tưởng, tư, ái

Thoái, không thoái đều sáu.

Gồm có: Sáu nội xứ, sáu ngoại xứ, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân, sáu ái thân, sáu pháp thuận thoái chuyển, sáu pháp thuận không thoái chuyển.

*

– Sáu nội xứ: 1. Nội xứ của mắt. 2. Nội xứ của tai. 3. Nội xứ của mũi. 4. Nội xứ của lưỡi. 5. Nội xứ của thân. 6. Nội xứ của ý.

Hỏi: Thế nào là Nội xứ của mắt?

Đáp: Như mắt đối với sắc, hoặc đã thấy, hoặc đang thấy, hoặc sẽ thấy, hoặc các thứ đồng phần, đó gọi là Nội xứ của mắt.

Nội xứ của Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý theo chỗ ứng hợp nên nói rộng.

*

– Sáu ngoại xứ: 1. Ngoại xứ của sắc. 2. Ngoại xứ của thanh. 3. Ngoại xứ của hương. 4. Ngoại xứ của vị. 5. Ngoại xứ của xúc. 6. Ngoại xứ của pháp.

Hỏi: Thế nào là Ngoại xứ của sắc?

Đáp: Như sắc được mắt, hoặc đã nhìn thấy, hoặc đang nhìn thấy, hoặc sẽ nhìn thấy, hoặc các thứ đồng phần, đó gọi là Ngoại xứ của sắc.

Ngoại xứ của Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp theo chỗ ứng hợp nên nói rộng.

*

– Sáu thức thân: 1. Nhãn thức thân. 2. Nhĩ thức thân. 3. Tỷ thức thân. 4. Thiệt thức thân. 5. Thân thức thân. 6. Ý thức thân.

Hỏi: Thế nào là Nhãn thức thân?

Đáp: Mắt và các sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Ở đây, mắt là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên. Đối với mắt đã nhận biết về sắc với các tánh phân biệt rõ, tánh phân biệt hết sức rõ, tánh phân biệt rõ về sắc. Đó gọi là Nhãn thức thân.

Các thứ thức thân như Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý theo chỗ ứng hợp nên nói rộng.

*

– Sáu xúc thân: 1. Nhãn xúc thân. 2. Nhĩ xúc thân. 3. Tỷ xúc thân. 4. Thiệt xúc thân. 5. Thân xúc thân. 6. Ý xúc thân.

Hỏi: Thế nào là Nhãn xúc thân?

Đáp: Mắt và các sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Ba thứ ấy hòa hợp nên có xúc. Ở đây, mắt là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên. Đối với mắt đã nhận biết về sắc với các xúc cùng xúc, cùng tánh của xúc, đã xúc, sẽ xúc. Đó gọi là Nhãn xúc thân.

Các thứ xúc thân như Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý theo chỗ ứng hợp nên nói rộng.

*

– Sáu thọ thân: 1. Nhãn xúc sinh thọ thân. 2. Nhĩ xúc sinh thọ thân. 3. Tỷ xúc sinh thọ thân. 4. Thiệt xúc sinh thọ thân. 5. Thân xúc sinh thọ thân. 6. Ý xúc sinh thọ thân.

Hỏi: Thế nào là Nhãn xúc sinh thọ thân?

Đáp: Mắt và các sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Ba thứ ấy hòa hợp nên có xúc. Xúc làm duyên nên có thọ. Ở đây, mắt là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên. Nhãn xúc làm nhân, nhãn xúc cùng khởi, là chủng loại nhãn xúc, nhãn xúc đã sinh, nhãn xúc đã khởi tác ý tương ưng. Nơi mắt đã nhận biết sắc có các thọ cùng thọ, hiện tiền cùng thọ, đã thọ, sẽ thọ. Đó gọi là Nhãn xúc sinh thọ thân.

Các thứ thọ thân do Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý xúc sinh theo chỗ ứng hợp nên nói rộng.

*

– Sáu tưởng thân: 1. Nhãn xúc sinh tưởng thân. 2. Nhĩ xúc sinh tưởng thân. 3. Tỷ xúc sinh tưởng thân. 4. Thiệt xúc sinh tưởng thân. 5. Thân xúc sinh tưởng thân. 6. Ý xúc sinh tưởng thân.

Hỏi: Thế nào là Nhãn xúc sinh tưởng thân?

Đáp: Mắt và các sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Ba thứ ấy hòa hợp nên có xúc. Xúc làm duyên nên có tưởng. Ở đây, mắt là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên. Nhãn xúc làm nhân, nhãn xúc cùng khởi, là chủng loại nhãn xúc, nhãn xúc đã sinh, nhãn xúc đã khởi tác ý tương ưng. Nơi mắt đã nhận biết sắc có các tưởng cùng tưởng, hiện tiền cùng tưởng, đã tưởng, sẽ tưởng. Đó gọi là Nhãn xúc sinh tưởng thân.

Các thứ tưởng thân do Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý xúc sinh theo chỗ ứng hợp nên nói rộng.

*

– Sáu tư thân: 1. Nhãn xúc sinh tư thân. 2. Nhĩ xúc sinh tư thân. 3. Tỷ xúc sinh tư thân. 4. Thiệt xúc sinh tư thân. 5. Thân xúc sinh tư thân. 6. Ý xúc sinh tư thân.

Hỏi: Thế nào là Nhãn xúc sinh tư thân?

Đáp: Mắt và các sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Ba thứ ấy hòa hợp nên có xúc. Xúc làm duyên nên có tư. Ở đây, mắt là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên. Nhãn xúc làm nhân, nhãn xúc cùng khởi, là chủng loại nhãn xúc, nhãn xúc đã sinh, nhãn xúc đã khởi tác ý tương ưng. Nơi mắt đã nhận biết sắc có các tư cùng tư, hiện tiền cùng tư, đã tư, sẽ tư, tạo nghiệp của tâm ý. Đó gọi là Nhãn xúc sinh tư thân.

Các thứ tư thân do Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý xúc sinh theo chỗ ứng hợp nên nói rộng.

*

– Sáu ái thân: 1. Nhãn xúc sinh ái thân. 2. Nhĩ xúc sinh ái thân. 3. Tỷ xúc sinh ái thân. 4. Thiệt xúc sinh ái thân. 5. Thân xúc sinh ái thân. 6. Ý xúc sinh ái thân.

Hỏi: Thế nào là Nhãn xúc sinh ái thân?

Đáp: Mắt và các sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Ba thứ ấy hòa hợp nên có xúc. Xúc làm duyên nên có thọ. Thọ làm duyên nên có ái. Ở đây, mắt là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên. Nơi mắt đã nhận biết sắc có các thứ tham cùng tham, nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu thích. Đó gọi là Nhãn xúc sinh ái thân.

Các thứ ái thân do Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý xúc sinh theo chỗ ứng hợp nên nói rộng.

*

– Sáu pháp thuận thoái chuyển: 1. Trụ nơi không cung kính Phật. 2. Trụ nơi không cung kính Pháp. 3. Trụ nơi không cung kính Tăng. 4. Trụ nơi không cung kính việc học. 5. Đầy đủ lời nói ác. 6. Gặp gỡ bạn ác.

1. Trụ nơi không cung kính Phật: Thế nào là tánh không cung kính đối với Phật?

Đáp: Nghĩa là các tánh không cung kính đối với Phật, Thế Tôn, tánh không bình đẳng cung kính, tánh không cùng tự tại, tánh không bình đẳng cùng tự tại. Đó gọi là tánh không cung kính đối với Phật.

2. Trụ nơi không cung kính Pháp: Cũng như thế.

3. Trụ nơi không cung kính Tăng: Cũng như thế.

4. Trụ nơi không cung kính việc học: Cũng như thế.

5. Đầy đủ lời nói ác: Thế nào là tánh của lời nói ác?

Đáp: Như trước đã nói về lời nói thô ác.

6. Gặp gỡ bạn ác: Thế nào là tánh của bạn ác?

Đáp: Như trước đã nói về bạn ác.

*

* Sáu pháp thuận không thoái chuyển: 1. Trụ nơi có cung kính Phật. 2. Trụ nơi có cung kính Pháp. 3. Trụ nơi có cung kính Tăng. 4. Trụ nơi có cung kính sự học. 5. Đầy đủ lời nói thiện. 6. Gặp gỡ bạn lành.

1. Trụ nơi có cung kính Phật: Thế nào là tánh có cung kính đối với Phật?

Đáp: Nghĩa là các tánh cung kính đối với Phật, Thế Tôn, tánh có cung kính, tánh có cùng với tự tại, tánh có lo sợ tùy tự tại chuyển. Đó gọi là tánh có cung kính đối với Phật.

2. Trụ nơi có cung kính Pháp: Cũng như vậy.

3. Trụ nơi có cung kính Tăng: Cũng như vậy.

4. Trụ nơi có cung kính sự học: Cũng như vậy.

5. Đầy đủ lời nói thiện: Thế nào là tánh của lời nói thiện?

Đáp: Như trước đã nói về lời nói thiện.

6. Gặp gỡ bạn lành: Thế nào là tánh của bạn lành?

Đáp: Bạn lành nghĩa là Phật và đệ tử của Phật, nói rộng cho đến các hành xa lìa si, hành điều phục si. Đó gọi là tánh của bạn lành. Nếu đối với bạn lành như thế, các hành tập cận cùng hành tập cận thân cận, cùng thân cận, cung kính phụng sự. Đấy gọi là gặp gỡ bạn lành.

**

2. Tụng nêu tổng quát thứ hai:

Hai: Sáu pháp: Mười bốn

Là hỷ ưu xả hằng

Giới xuất căn hỷ thông

Minh niệm thượng quán loại.

Gồm có: Sáu hành vui gần, sáu hành lo gần, sáu hành xả gần, sáu thứ luôn trụ, sáu giới, sáu cảnh giới xuất ly, sáu pháp là gốc tranh cãi, sáu pháp đáng vui mừng, sáu thông, sáu tưởng thuận phần minh, sáu tùy niệm, sáu pháp vô thượng, sáu pháp quán đối, sáu loại sinh.

*

– Sáu hành vui gần (Hỷ cận hành): 1. Mắt thấy sắc thuận xứ vui, hành sắc gần. 2. Tai nghe tiếng thuận xứ vui, hành tiếng gần. 3. Mũi ngửi mùi thuận xứ vui, hành mũi gần. 4. Lưỡi nếm vị thuận xứ vui, hành vị gần. 5. Thân biết xúc thuận xứ vui, hành xúc gần. 6. Ý hiểu pháp thuận xứ vui, hành pháp gần.

Mắt thấy sắc thuận xứ vui, hành sắc gần: Nghĩa là khi mắt thấy sắc rồi, đối với sắc hoàn toàn là đáng yêu thích, đáng vui mừng, vừa ý. Do thuận nơi xứ vui, nên tác ý tư duy. Nếu đối với sắc ấy, do thuận với xứ vui nên tác ý tư duy sinh ra hỷ thọ. Đó gọi là mắt thấy sắc thuận xứ vui, hành sắc gần.

Các thứ hành vui gần của Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý cũng như thế.

*

– Sáu hành lo gần (Ưu cận hành): 1. Mắt thấy sắc thuận xứ lo, hành sắc gần. 2. Tai nghe tiếng thuận xứ lo, hành tiếng gần. 3. Mũi ngửi mùi thuận xứ lo, hành mùi gần. 4. Lưỡi nếm vị thuận xứ lo, hành vị gần. 5. Thân biết xúc thuận xứ lo, hành xúc gần. 6. Ý hiểu pháp thuận xứ lo, hành pháp gần.

Mắt thấy sắc thuận xứ lo, hành sắc gần: Nghĩa là khi mắt thấy sắc rồi, đối với sắc hoàn toàn là không đáng yêu thích, không đáng vui mừng, không vừa ý. Do thuận nơi xứ lo, nên tác ý tư duy. Nếu đối với sắc ấy, do thuận nơi xứ lo nên tác ý tư duy sinh ra ưu thọ. Đó gọi là mắt thấy sắc thuận xứ lo, hành sắc gần.

Các thứ hành lo gần của Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý cũng như thế.

*

– Sáu hành xả gần (Xả cận hành): 1. Mắt thấy sắc thuận xứ xả, hành sắc gần. 2. Tai nghe tiếng thuận xứ xả, hành tiếng gần. 3. Mũi ngửi mùi thuận xứ xả, hành mùi gần. 4. Lưỡi nếm vị thuận xứ xả, hành vị gần. 5. Thân biết xúc thuận xứ xả, hành xúc gần. 6. Ý hiểu pháp thuận xứ xả, hành pháp gần.

Mắt thấy sắc thuận xứ xả, hành sắc gần: Nghĩa là khi mắt thấy sắc rồi, đối với sắc không có việc đáng hay không đáng yêu thích, vui mừng, vừa ý. Do thuận nơi xứ xả, nên tác ý tư duy. Nếu đối với sắc ấy, do thuận nơi xứ xả nên tác ý tư duy sinh ra xả thọ. Đó gọi là mắt thấy sắc thuận xứ xả, hành sắc gần.

Các thứ hành xả gần của Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý cũng như thế.

*

– Sáu thứ luôn trụ: 1. Mắt thấy sắc không vui không lo, đủ niệm chánh tri, luôn an trụ nơi xả. 2. Tai nghe tiếng không vui không lo, đủ niệm chánh tri, luôn an trụ nơi xả. 3. Mũi ngửi mùi không vui không lo, đủ niệm chánh tri, luôn an trụ nơi xả. 4. Lưỡi nếm vị không vui không lo, đủ niệm chánh tri, luôn an trụ nơi xả. 5. Thân biết xúc không vui không lo, đủ niệm chánh tri, luôn an trụ nơi xả. 6. Ý hiểu pháp không vui không lo, đủ niệm chánh tri, luôn an trụ nơi xả.

Mắt thấy sắc không vui không lo, đủ niệm chánh tri, luôn an trụ nơi xả: Nghĩa là khi mắt thấy sắc, đối với việc đáng yêu thích, đáng vui mừng, đáng vừa ý thì không đáng yêu thích, không đáng vui mừng, không đáng vừa ý. Hoặc là chỗ nương dựa, hoặc là đẳng vô gián, hoặc là đối tượng duyên, hoặc là nơi chốn, hoặc là sắc tăng thượng, do thuận nơi xứ xả nên tác ý tư duy. Nếu đối với sắc ấy do thuận nơi xứ xả nên tác ý tư duy sinh ra diệu xả. Đó gọi là mắt thấy sắc không vui không lo, đủ niệm chánh tri, luôn an trụ nơi xả.

Các thứ luôn an trụ của Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý cũng như thế.

Trong đây, thế nào gọi là xả? Nói xả tức chỉ cho tâm có tánh bình đẳng, tâm có tánh ngay thẳng, tâm có tánh không kinh sợ, tự nhiên an trụ.

Lại nữa, có chỗ nói: Sáu thức tương ưng duyên nơi các cảnh của sắc thanh hương vị xúc pháp, nên có xả thọ gọi là xả. Nay trong nghĩa này nên biết ý nói tâm có tánh bình đẳng, tâm có tánh ngay thẳng, tâm có tánh không kinh sợ, tự nhiên an trụ, hành xả, gọi là xả.

*

– Sáu giới: 1. Giới đất. 2. Giới nước. 3. Giới lửa. 4. Giới gió. 5.

Giới hư không. 6. Giới thức. Phân biệt về sáu thứ giới này, như nơi Luận Pháp Uẩn đã nói.

*

– Sáu cảnh giới xuất ly: Cụ thọ nên biết! Những gì là sáu?

1. Như có Bí-sô nói: Đối với định tâm Từ, tôi tuy đã hành tập, đã tu, đã hành tác nhiều, nhưng tâm tôi vẫn còn bị giận dữ buộc trói. Nên nói với vị ấy: Chớ nên nói như thế! Vì sao? Vì nếu có Bí-sô đối với định tâm Từ đã hành tập, đã tu, đã hành tác nhiều, không xứ nào là không dung nạp nhưng tâm vẫn còn bị giận dữ trói buộc, thì không hề có điều ấy. Nghĩa là định tâm Từ tất có công năng xuất ly tất cả mọi sự trói buộc của giận dữ.

Ở đây, thế nào gọi là xuất ly? Dứt trừ hoàn toàn sự trói buộc của giận dữ cũng gọi là xuất ly. Vượt khỏi sự trói buộc của giận dữ cũng gọi là xuất ly. Các định tâm Từ cũng gọi là xuất ly. Nay trong nghĩa này ý nói định tâm Từ gọi là xuất ly.

2. Lại có Bí-sô nói: Đối với định tâm Bi, tôi tuy đã hành tập, đã tu, đã hành tác nhiều, nhưng tâm tôi vẫn còn bị não hại buộc trói. Nên nói với vị ấy: Chớ nên nói như thế! Vì sao? Vì nếu có Bí-sô đối với định tâm Bi đã hành tập, đã tu, đã hành tác nhiều, không xứ nào là không dung nạp nhưng tâm vẫn còn bị não hại trói buộc, thì không hề có điều ấy. Nghĩa là định tâm Bi tất có công năng xuất ly tất cả mọi sự trói buộc của não hại.

Ở đây, thế nào gọi là xuất ly? Dứt trừ hoàn toàn sự trói buộc của não hại cũng gọi là xuất ly. Vượt khỏi sự trói buộc của não hại cũng gọi là xuất ly. Các định tâm Bi cũng gọi là xuất ly. Nay trong nghĩa này ý nói định tâm Bi gọi là xuất ly.

3. Lại có Bí-sô nói: Đối với định tâm Hỷ, tôi tuy đã hành tập, đã tu, đã hành tác nhiều, nhưng tâm tôi vẫn còn bị không an lạc buộc trói. Nên nói với vị ấy: Chớ nên nói như thế! Vì sao? Vì nếu có Bí-sô đối với định tâm Hỷ đã hành tập, đã tu, đã hành tác nhiều, không xứ nào là không dung nạp nhưng tâm vẫn còn bị không an lạc trói buộc, thì không hề có điều ấy. Nghĩa là định tâm Hỷ tất có công năng xuất ly tất cả mọi sự trói buộc của không an lạc.

Ở đây, thế nào gọi là xuất ly? Dứt trừ hoàn toàn sự không an lạc cũng gọi là xuất ly. Vượt khỏi sự không an lạc cũng gọi là xuất ly. Các định tâm Hỷ cũng gọi là xuất ly. Nay trong nghĩa này ý nói định tâm Hỷ gọi là xuất ly.

4. Lại có Bí-sô nói: Đối với định tâm Xả, tôi tuy đã hành tập, đã tu, đã hành tác nhiều, nhưng tâm tôi vẫn còn bị dục, tham, sân trói buộc. Nên nói với vị ấy: Chớ nên nói như thế! Vì sao? Vì nếu có Bísô đối với định tâm Xả đã hành tập, đã tu, đã hành tác nhiều, không xứ nào là không dung nạp nhưng tâm vẫn còn bị dục tham sân trói buộc, thì không hề có điều ấy. Nghĩa là định tâm Xả tất có công năng xuất ly tất cả mọi sự trói buộc của dục, tham, sân.

Ở đây, thế nào gọi là xuất ly? Dứt trừ hoàn toàn các thứ dục, tham, sân cũng gọi là xuất ly. Vượt khỏi các thứ dục, tham, sân cũng gọi là xuất ly. Các định tâm Xả cũng gọi là xuất ly. Nay trong nghĩa này ý nói định tâm Xả gọi là xuất ly.

5. Lại có Bí-sô nói: Đối với định Tâm vô tướng, tôi tuy đã hành tập, đã tu, đã hành tác nhiều, nhưng tâm tôi vẫn còn bị thức tùy tướng trói buộc. Nên nói với vị ấy: Chớ nên nói như thế! Vì sao? Vì nếu có Bí-sô đối với định Tâm vô tướng đã hành tập, đã tu, đã hành tác nhiều, không xứ nào là không dung nạp nhưng tâm vẫn còn bị thức tùy tướng trói buộc, thì không hề có điều ấy. Nghĩa là định Tâm vô tướng tất có công năng xuất ly tất cả thức tùy tướng.

Ở đây, thế nào gọi là xuất ly? Dứt trừ hoàn toàn thức tùy tướng cũng gọi là xuất ly. Vượt khỏi thức tùy tướng cũng gọi là xuất ly. Được định Tâm vô tướng cũng gọi là xuất ly. Nay trong nghĩa này ý nói định Tâm vô tướng gọi là xuất ly.

6. Lại có Bí-sô nói: Tôi tuy đã xa lìa ngã mạn, không quán thấy có ngã, ngã sở, nhưng tâm tôi vẫn còn bị mũi tên nghi ngờ, do dự trói buộc làm tổn hại. Nên nói với vị ấy: Chớ nên nói như thế! Vì sao? Vì nếu có Bí-sô đã xa lìa ngã mạn, không quán thấy có ngã, ngã sở, không xứ nào là không dung nạp nhưng tâm vẫn còn bị mũi tên nghi ngờ, do dự trói buộc làm tổn hại, thì không hề có điều ấy. Nghĩa là đã xa lìa ngã mạn, không còn quán thấy có ngã, ngã sở, tất có công năng xuất ly hết thảy các mũi tên nghi ngờ, do dự.

Ở đây, thế nào gọi là xuất ly? Dứt trừ hoàn toàn ngã mạn cũng gọi là xuất ly. Vượt khỏi ngã mạn cũng gọi là xuất ly. Nay trong nghĩa này ý nói vượt khỏi các mạn gọi là xuất ly.

*

* Sáu pháp là gốc tranh cãi: Cụ thọ nên biết! Những gì là sáu?

Có một loại hữu tình có phẫn có hận. Nếu có phẫn có hận như thế, nên đối với bậc Đại sư không thể cung kính, cúng dường tôn trọng, khen ngợi, do vậy tức không thể thấy pháp. Nếu không thấy pháp tức không lưu tâm đến Sa-môn. Nếu không lưu tâm đến Samôn liền dấy khởi nhiễm chấp khinh chê tranh cãi. Do khởi nhiễm chấp khinh chê tranh cãi làm chỗ dựa, nên khiến nhiều chúng sinh không nghĩa không lợi thọ các khổ não. Vì thế có thể dẫn phát vô lượng hàng trời, người không nghĩa không lợi phải chịu các sự khổ não. Gốc tranh cãi như thế, chư vị nếu đã thấy rõ hoặc trong hoặc ngoài có chỗ nào chưa đoạn trừ, tức nên tụ tập hòa hợp siêng năng tinh tấn tìm cầu các phương tiện để đoạn trừ, không được phóng dật. Chư vị nên khiến gốc tranh cãi như thế được đoạn trừ trọn vẹn, như trước đây chưa khởi gốc tranh cãi. Chư vị nếu đã thấy rõ hoặc trong hoặc ngoài thảy đều đã đoạn trừ tức nên phát khởi chánh niệm chánh tri, tâm siêng năng tinh tấn mạnh mẽ để gìn giữ, khiến nơi đời vị lai vĩnh viễn không còn sinh khởi. Đó là chánh đoạn, là khéo đoạn trừ gốc tranh cãi.

Như có phẫn hận, thì nếu có che giấu, não hại, hoặc có ganh tỵ, keo kiệt, hoặc có dối trá, dua nịnh, hoặc có tà kiến, đảo kiến, nói rộng cũng như thế.

Lại có một loại hữu tình chấp giữ kiến giải của mình, khởi chấp cứng chắc, rất khó khuyên dạy, từ bỏ. Nếu đã cố chấp như thế, nên đối với bậc Đại sư không thể cung kính, cúng dường tôn trọng, khen ngợi, do vậy tức không thể thấy pháp. Nếu không thấy pháp tức không lưu tâm đến Sa-môn. Nếu không lưu tâm đến Sa-môn liền dấy khởi nhiễm chấp khinh chê tranh cãi. Do khởi nhiễm chấp khinh chê tranh cãi làm chỗ dựa, nên khiến nhiều chúng sinh không nghĩa không lợi thọ các khổ não. Vì thế có thể dẫn phát vô lượng hàng trời, người không nghĩa không lợi phải chịu các sự khổ não. Gốc tranh cãi như thế, chư vị nếu đã thấy rõ hoặc trong hoặc ngoài có chỗ nào chưa đoạn trừ, tức nên tụ tập hòa hợp siêng năng tinh tấn tìm cầu các phương tiện để đoạn trừ, không được phóng dật. Chư vị nên khiến gốc tranh cãi như thế được đoạn trừ trọn vẹn, như trước đây chưa khởi gốc tranh cãi. Chư vị nếu đã thấy rõ hoặc trong hoặc ngoài thảy đều đã đoạn trừ tức nên phát khởi chánh niệm chánh tri, tâm siêng năng tinh tấn mạnh mẽ để gìn giữ, khiến nơi đời vị lai vĩnh viễn không còn sinh khởi. Đó là chánh đoạn, là khéo đoạn trừ gốc tranh cãi.

Có phẫn, có hận, hoặc có che giấu, não hại, hoặc có ganh tỵ, keo kiệt, hoặc có dối trá, dua nịnh, tất cả đều như trước đã nói.

Có tà kiến, đảo kiến: Thế nào là tà kiến? Tức là các kiến giải hiện có, cho là không có bố thí, không có cúng tế, không có yêu thích v.v…, nói rộng cho đến không có tự nhận biết: Nẻo sinh tử của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau. Đó gọi là tà kiến.

Thế nào là đảo kiến? Tức là chỗ thấy biết điên đảo của tà kiến.

Chấp giữ kiến giải của mình, khởi chấp cứng chắc, rất khó khuyên dạy, từ bỏ: Thế nào là chấp giữ kiến giải của mình? Tức như chấp ngã và thế gian thường còn, chỉ điều ấy là đúng thực, các điều khác đều là ngu tối, sai lầm, nói rộng cho đến chấp: Như Lai sau khi diệt độ không phải có cũng không phải không phải có, chỉ điều này là đúng thực, các điều khác đều ngu tối, sai lầm. Đó gọi là chấp giữ kiến giải của mình.

Thế nào là khởi chấp cứng chắc? Tức do chấp giữ kiến giải của mình, thế nên khởi chấp cứng chắc.

Thế nào là rất khó khuyên dạy, từ bỏ? Tức do đối với kiến giải của mình dấy khởi sự yêu thích, cùng yêu thích, hiện tiền yêu thích. Thế nên rất khó khuyên dạy khiến chán lìa, giải thoát.

*

* Sáu pháp đáng vui mừng: Những gì là sáu?

1. Như có Bí-sô, ở chỗ bậc Đại sư cùng các vị có trí đồng phạm hạnh khởi nghiệp thân từ bi, đó gọi là pháp đáng vui mừng thứ nhất. Do pháp này nên có thể phát sinh các sự đáng yêu mến, đáng tôn trọng, đáng vừa ý, có thể dẫn đến mọi sự đáng yêu mến, tôn trọng, vừa ý, nên thâu nhận được sự hoan hỷ hoàn toàn không trái nghịch, không tranh cãi.

2. Lại có Bí-sô, ở chỗ bậc Đại sư cùng các vị có trí đồng phạm hạnh khởi nghiệp ngữ từ bi, đó gọi là pháp đáng vui mừng thứ hai. Do pháp này nên có thể phát sinh các sự đáng yêu mến v.v…, nói rộng cho đến hoàn toàn không tranh cãi.

3. Lại có Bí-sô, ở chỗ bậc Đại sư cùng các vị có trí đồng phạm hạnh khởi nghiệp ý từ bi, đó gọi là pháp đáng vui mừng thứ ba. Do pháp này nên có thể phát sinh các sự đáng yêu mến v.v…, nói rộng cho đến hoàn toàn không tranh cãi.

4. Lại có Bí-sô, do pháp nên đạt được lợi dưỡng như pháp, ít nhất là các thức ăn uống nhận được trong bát khi hành khất thực. Nơi các thứ lợi dưỡng này Bí-sô đã cùng với các vị có trí đồng phạm hạnh cùng nhau thọ dụng không hề cất giấu riêng. Đó gọi là pháp đáng vui mừng thứ tư. Do pháp này nên có thể phát sinh các sự đáng yêu mến v.v…, nói rộng cho đến hoàn toàn không tranh cãi.

5. Lại có Bí-sô, các giới hiện có không thiếu sót, không lẫn lộn xen tạp, ứng cúng, không chấp trước, là thiện rốt ráo, khéo nhận giữ, nên được các vị có trí khen ngợi, không chê trách. Đối với các giới như thế Bí-sô đã cùng với các vị có trí đồng phạm hạnh cùng nhau thọ trì không hề ẩn giấu. Đó gọi là pháp đáng vui mừng thứ năm. Do pháp này nên có thể phát sinh các sự đáng yêu mến v.v…, nói rộng cho đến hoàn toàn không tranh cãi.

6. Lại có Bí-sô, những kiến giải hiện có là nẻo xuất ly của bậc Thánh đều có thể khéo thông đạt, nếu thực hiện được pháp ấy thì có thể chính thức dứt hết các khổ. Đối với kiến giải như thế Bí-sô đã cùng với các vị có trí đồng phạm hạnh cùng nhau tu học không hề ẩn giấu. Đó gọi là pháp đáng vui mừng thứ sáu. Do pháp này nên có thể phát sinh các sự đáng yêu mến, đáng tôn trọng, đáng vừa ý, có thể dẫn đến mọi sự đáng yêu mến, tôn trọng, vừa ý, nên thâu nhận được sự hoan hỷ hoàn toàn không trái nghịch, không tranh cãi.

Ở đây:

1. Ở chỗ bậc Đại sư: Thế nào là Đại sư? Đại sư là chỉ cho tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Cùng các vị có trí đồng phạm hạnh: Thế nào là các vị có trí đồng phạm hạnh? Tức là các Tôn giả như Giải Kiều Trần Na v.v… cho đến nói rộng.

Khởi nghiệp thân từ bi: Thế nào là nghiệp thân từ bi? Tức hưng khởi các nghiệp thân hiện có cùng hành thương xót các hữu tình. Trong đây ý nói gọi là nghiệp thân từ bi tức ở chỗ bậc Đại sư cùng những vị có trí đồng phạm hạnh thì nghiệp thân từ bi ấy hòa hợp hiện tiền. Do đó nên nói ở chỗ bậc Đại sư cùng các vị có trí đồng phạm hạnh khởi nghiệp thân từ bi.

Đó gọi là pháp đáng vui mừng thứ nhất: Tức pháp như thế là có thể tùy thuận rất đáng yêu thích, nuôi lớn thân tướng đoan nghiêm, ứng cúng, luôn thuận hợp, gồm đủ tư lương. Thế nên gọi là pháp đáng vui mừng.

Có thể phát sinh các sự đáng yêu mến v.v…: Tức do pháp này nên có thể phát sinh các sự việc đáng yêu mến. Cũng do pháp này nên có thể phát sinh các sự việc đáng tôn trọng, đáng vừa ý.

Có thể dẫn đến mọi sự đáng yêu mến, tôn trọng, vừa ý, nên thâu nhận được sự hoan hỷ hoàn toàn không trái nghịch, không tranh cãi: Tức do pháp này nên có thể dẫn đến các sự việc đáng yêu mến, tôn trọng, vừa ý, vui lòng, để thâu nhận được sự hoan hỷ hoàn toàn không trái nghịch, tranh cãi. Ở đây, thâu nhận: Nghĩa là khiến hòa hợp. Nói hoàn toàn: Tức hướng đến một cảnh một vị hiện tiền.

2, 3. Như nghiệp thân từ bi, thì các nghiệp ngữ, nghiệp ý từ bi nên biết cũng như thế.

4. Do pháp nên đạt được lợi dưỡng như pháp: Thế nào là do pháp nên đạt được các lợi dưỡng như pháp? Nếu các lợi dưỡng không do dối gạt mà được, không do giả trá mà được, không do hiện tướng mà được, không do kích động mà được, không do dùng lợi cầu lợi mà được, nhưng khi thọ dụng không sinh trưởng tội, đó gọi là do pháp nên đạt được lợi dưỡng như pháp.

Ít nhất là các thức ăn uống nhận được trong bát: Tức thấp nhất là các thức ăn uống dưới đáy bát hãy còn cùng nhau thọ dụng, huống chi là các thứ tài sản vật dụng khác v.v…

Nơi các thứ lợi dưỡng này Bí-sô đã cùng với các vị có trí đồng phạm hạnh cùng nhau thọ dụng, không hề cất giấu riêng: Tức là các lợi dưỡng do pháp nên thâu nhận được đúng pháp, đó là: Đối với các thứ lợi dưỡng này. Nếu các Bí-sô, Bí-sô-ni, Chánh học, Cần sách nam (Sa-di), Cần sách nữ (Sa-di-ni), Cận sự nam (Ưu-bà-tắc), Cận sự nữ (Ưu-bà-di), đó gọi là các vị có trí đồng phạm hạnh. Do pháp nên có được các lợi dưỡng như pháp nên cùng với các vị có trí đồng phạm hạnh cùng nhau thọ dụng, không nên cất giấu để dùng riêng.

Đó gọi là pháp đáng vui mừng thứ tư: Như trước đã nói rộng.

5. Các giới hiện có: Thế nào gọi là các giới hiện có? Tức là có nghiệp thân, nghiệp ngữ vô lậu và thọ mạng thanh tịnh, tất cả đều gọi là các giới hiện có.

Không thiếu sót, không lẫn lộn xen tạp: Nghĩa là các giới này luôn tùy hành, luôn tùy chuyển, bình đẳng cùng hành, bình đẳng cùng chuyển, nên gọi là không thiếu sót, không lẫn lộn xen tạp.

Nói ứng cúng: Nghĩa là nếu các hữu tình còn tham sân si gọi là cấp sử. Nếu các hữu tình đã lìa tham sân si gọi là ứng cúng, đáng được thọ nhận nơi hàng Cấp sử dùng các thứ y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men v.v… thường cúng dường.

Không chấp trước: Nghĩa là các đệ tử Phật đối với giới không dấy khởi chấp trước.

Là thiện rốt ráo: Nghĩa là đối với các giới này khéo giữ khéo hộ hết sức rốt ráo.

Khéo nhận giữ: Nghĩa là đối với các giới này luôn ân cần, tôn trọng, cung kính, thọ nhận đầy đủ.

Các vị có trí khen ngợi, không chê trách: Nghĩa là chư Phật và các đệ tử Phật gọi là bậc có trí, các bậc trí này đều cùng khen ngợi, không hề chê trách.

Đối với các giới như thế Bí-sô đã cùng với các vị có trí đồng phạm hạnh cùng nhau thọ trì không hề ẩn giấu: Thế nào gọi là đối với các giới như thế? Nghĩa là giới bình đẳng. Giới bình đẳng nghĩa là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng trong tám Thánh đạo, gọi là giới bình đẳng.

Cùng với các vị có trí đồng phạm hạnh: Tức là các Tôn giả như Giải Kiều Trần Na v.v…

Cùng nhau thọ trì không hề ẩn giấu: Nghĩa là đối với giới này cùng với các vị có trí đồng phạm hạnh, cùng một nghĩa lợi, cùng một nẻo hướng đến, đây kia đều giống nhau.

Đó gọi là pháp đáng vui mừng thứ năm: Như trước đã nói rộng.

6. Những kiến giải hiện có: Thế nào gọi là những kiến giải hiện có? Nếu dựa vào sự xuất ly, xa lìa đã sinh ra các pháp thiện, đối với các pháp tướng cần lựa chọn nên lựa chọn hết sức kỹ lưỡng v.v…, cho đến nói rộng. Như thế gọi là những kiến giải hiện có.

Là nẻo xuất ly của bậc Thánh: Như trước đã nói rộng.

Đối với kiến giải như thế Bí-sô đã cùng với các vị có trí đồng phạm hạnh cùng nhau tu học, không hề ẩn giấu: Thế nào gọi là đối với kiến giải như thế? Nghĩa là kiến giải bình đẳng. Kiến giải bình đẳng tức là chánh kiến trong tám Thánh đạo.

Phần còn lại: Như trước đã nói.

Như thế cũng gọi là Sáu pháp hòa kính.

*

* Sáu thông: 1. Thần cảnh trí chứng thông. 2. Thiên nhĩ trí chứng thông. 3. Tha tâm trí chứng thông. 4. Túc trụ trí chứng thông. 5. Tử sinh trí chứng thông. 6. Lậu tận trí chứng thông.

1. Thế nào là Thần cảnh trí chứng thông?

Đáp: Nghĩa là lãnh nhận thị hiện vô số thần cảnh v.v… cho đến nói rộng. Đó gọi là Thần cảnh trí chứng thông.

Ở đây, thế nào gọi là thông? Là diệu trí hiện có đối với các thần cảnh.

2. Thế nào là Thiên nhĩ trí chứng thông?

Đáp: Do thiên nhĩ nghe được vô số âm thanh. Nghĩa là âm thanh của loài người, âm thanh của hàng phi nhân, âm thanh xa, gần v.v…

Ở đây, thế nào gọi là thông? Là diệu trí hiện có đối với cảnh giới của thiên nhĩ.

3. Thế nào là Tha tâm trí chứng thông?

Đáp: Nghĩa là đối với hữu tình khác, tâm tầm tứ của Bổ-đặcgià-la đều nhận biết đúng như thật. Tức là có tâm tham thì nhận biết đúng là có tâm tham. Đã lìa tâm tham thì nhận biết đúng là đã lìa tâm tham. Như thế, có tâm sân, lìa tâm sân, có tâm si, lìa tâm si, tâm tóm gọn, tâm phân tán, tâm hạ thấp, tâm nêu cao, tâm trạo cử, tâm không trạo cử, tâm tịch tĩnh, tâm không tịch tĩnh, tâm định, tâm không định, tâm tu, tâm không tu, tâm giải thoát, tâm không giải thoát v.v… đều nhận biết đúng như thật. Đó gọi là Tha tâm trí chứng thông.

Ở đây, thế nào gọi là thông? Là diệu trí hiện có đối với tha tâm v.v…

4. Thế nào là Túc trụ trí chứng thông?

Đáp: Nghĩa là theo đấy có thể nhớ nghĩ về vô lượng các sự việc đã sống của đời trước nơi quá khứ, hoặc một đời v.v…, cho đến nói rộng.

Ở đây, thế nào gọi là thông? Là diệu trí hiện có đối với các sự sống nơi đời trước.

5. Thế nào là Tử sinh trí chứng thông?

Đáp: Như đã nói rộng nơi Minh.

6. Thế nào là Lậu tận trí chứng thông?

Đáp: Cũng như đã nói rộng nơi Minh.

HẾT – QUYỂN 15