LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 14

Phẩm 6: NĂM PHÁP, phần 4

* Năm căn: 1. Tín căn. 2. Tinh tấn căn. 3. Niệm căn. 4. Định căn. 5. Tuệ căn. Tướng của năm căn này như trước đã nói rộng.

*

* Năm lực: 1. Tín lực. 2. Tinh tấn lực. 3. Niệm lực. 4. Định lực. 5. Tuệ lực.

1. Thế nào là tín lực?

Đáp: Tức ở chỗ Đức Như Lai tu tập gieo trồng các thứ tịnh tín, sinh căn, an trụ. Không bị các Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Thiên Ma Phạm, hay các thế gian khác dẫn dụ chiếm đoạt. Đó gọi là tín lực.

2. Thế nào là tinh tấn lực?

Đáp: Tức đối với mình, khi sinh các pháp bất thiện vì nhằm đoạn trừ vĩnh viễn, nên sinh khởi mong muốn, cố gắng, thúc đẩy, cho đến nói rộng về bốn chánh đoạn. Đó gọi là tinh tấn lực.

3. Thế nào là niệm lực?

Đáp: Tức đối với nội thân an trụ, tuần tự quán về thân, cho đến nói rộng về bốn thứ niệm trụ. Đó gọi là niệm lực.

4. Thế nào là định lực?

Đáp: Tức lìa bỏ các pháp bất thiện dục ác, cho đến nói rộng về bốn tĩnh lự. Đó gọi là định lực.

5. Thế nào là tuệ lực?

Đáp: Tức hiểu biết đúng như thật đây là khổ Thánh đế, đây là khổ tập Thánh đế, đây là khổ diệt Thánh đế, đây là hướng tới hành khổ diệt Thánh đế. Đó gọi là tuệ lực.

Vì sao gọi là lực? Vì nhân nơi lực như thế, dựa nơi lực như thế, trụ vào lực như thế, nên có thể đoạn trừ, có thể loại bỏ, có thể phá trừ tất cả các thứ kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền, nên gọi là lực.

*

* Năm Bất hoàn: Những gì là năm? 1. Bổ-đặc-già-la Trung bát Niết-bàn. 2. Bổ-đặc-già-la Sinh bát Niết-bàn. 3. Bổ-đặc-già-la Hữu hành bát Niết-bàn. 4. Bổ-đặc-già-la Vô hành bát Niết-bàn. 5. Bổ-đặcgià-la Thượng lưu. Đó gọi là năm Bất hoàn.

1. Thế nào là Bổ-đặc-già-la Trung bát Niết-bàn?

Đáp: Có các Bổ-đặc-già-la (Hữu tình) ở nơi hiện pháp, đã đoạn dứt năm kiết thuận phần dưới, chưa đoạn dứt năm kiết thuận phần trên, nên còn tạo tác tăng trưởng, dấy khởi các nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục. Do đó, sau khi thân hoại mạng chung, trung hữu của người ấy khởi sinh nơi cõi trời thuộc Sắc giới, đã khởi xong liền được lực của đạo vô lậu như thế, tiến đến việc đoạn dứt hết các kiết còn lại mà Bát Niết-bàn. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la Trung bát Niết-bàn.

Vì sao gọi là Bổ-đặc-già-la Trung bát Niết-bàn? Do Bổ-đặcgià-la này có căn trí rất mạnh mẽ, các kiết thì mỏng yếu, đã vượt khỏi cõi Dục, nhưng chưa đến cõi Sắc. Ở trong khoảng giữa đó liền được lực của đạo vô lậu như thế, tiến đến việc đoạn dứt hết các kiết còn lại mà bát Niết-bàn, nên gọi là Bổ-đặc-già-la Trung bát Niết-bàn.

2. Thế nào gọi là Bổ-đặc-già-la Sinh bát Niết-bàn?

Đáp: Có các Bổ-đặc-già-la ở nơi hiện pháp, đối với năm kiết thuận phần dưới đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nhưng năm kiết thuận phần trên thì chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, nên còn tạo tác tăng trưởng, dấy khởi các nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục. Do đó, sau khi thân hoại mạng chung, trung hữu của người ấy khởi sinh nơi cõi trời thuộc Sắc giới, đã sinh vào Sắc giới rồi không bao lâu liền đạt được lực của đạo vô lậu như thế, tiến đến việc đoạn dứt hết các kiết còn lại mà bát Niết-bàn. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la Sinh bát Niết-bàn.

Vì sao gọi là Bổ-đặc-già-la Sinh bát Niết-bàn? Do Bổ-đặc-giàla này vừa sinh chưa bao lâu liền đạt được lực của đạo vô lậu như thế, tiến đến việc đoạn dứt hết các kiết còn lại mà bát Niết-bàn, nên gọi là Bổ-đặc-già-la Sinh bát Niết-bàn.

Lại nữa, có chỗ nói: Do Bổ-đặc-già-la như thế vừa sinh chưa bao lâu liền đạt được lực của đạo vô lậu như thế, tiến đến việc đoạn dứt hết các kiết còn lại, sau đấy đã sống cho đến hết thọ mạng mới nhập Niết-bàn vô dư, nên gọi là Bổ-đặc-già-la Sinh Bát Niết-bàn.

3. Thế nào là Bổ-đặc-già-la Hữu hành bát Niết-bàn?

Đáp: Có các Bổ-đặc-già-la ở nơi hiện pháp, đối với năm kiết thuận phần dưới đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nhưng năm kiết thuận phần trên thì chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, nên còn tạo tác tăng trưởng, dấy khởi các nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục. Do đó, sau khi thân hoại mạng chung, trung hữu của người ấy khởi sinh nơi cõi trời thuộc Sắc giới, sinh đến Sắc giới, sinh rồi thời gian sau nương vào đạo hữu hành, do có siêng năng hành trì, có siêng năng tác ý, tu tập không dứt đạo gia hạnh, tiến đến việc đoạn dứt hết các kiết còn lại mà bát Niết-bàn. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la Hữu hành bát Niết-bàn.

Vì sao gọi là Bổ-đặc-già-la Hữu hành bát Niết-bàn? Do Bổđặc-già-la này dựa vào đạo hữu hành, do có siêng năng hành trì, có siêng năng tác ý, tu tập không dừng đạo gia hạnh, tiến đến việc đoạn dứt hết các kiết còn lại mà bát Niết-bàn, nên gọi là Bổ-đặc-già-la Hữu hành bát Niết-bàn.

Lại nữa, có chỗ nói: Do Bổ-đặc-già-la này nương vào định duyên nơi hữu vi, tiến đến việc đoạn dứt hết các kiết còn lại mà bát Niết-bàn, nên gọi là Bổ-đặc-già-la Hữu hành bát Niết-bàn.

4. Thế nào là Bổ-đặc-già-la Vô hành bát Niết-bàn?

Đáp: Có các Bổ-đặc-già-la ở nơi hiện pháp, đối với năm kiết thuận phần dưới đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nhưng năm kiết thuận phần trên thì chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, nên còn tạo tác tăng trưởng, dấy khởi các nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục. Do đó, sau khi thân hoại mạng chung, trung hữu của người ấy khởi sinh nơi cõi trời thuộc Sắc giới, sinh đến Sắc giới, sinh rồi thời gian sau nương vào đạo vô hành, do hành không siêng gắng và tác ý vô cần, tu tập đạo gia hạnh chỉ tức, tiến đến việc đoạn dứt hết các kiết còn lại mà bát Niết-bàn vô dư y. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la Vô hành bát Niết-bàn.

Vì sao gọi là Bổ-đặc-già-la Vô hành bát Niết-bàn? Do Bổ-đặcgià-la này nương vào đạo vô hành, do hành vô cần cùng tác ý vô cần, tu đạo gia hạnh chỉ tức, tiến đến việc đoạn dứt hết các kiết còn lại mà bát Niết-bàn, nên gọi là Bổ-đặc-già-la Vô hành bát Niết-bàn.

Lại nữa, có chỗ nói: Do Bổ-đặc-già-la này dựa vào định, duyên nơi vô vi, tiến đến việc đoạn dứt hết các kiết còn lại mà bát Niết-bàn vô dư y, nên gọi là Bổ-đặc-già-la Vô hành bát Niết-bàn.

5. Thế nào là Bổ-đặc-già-la Thượng lưu?

Đáp: Có các Bổ-đặc-già-la ở nơi hiện pháp, đối với năm kiết thuận phần dưới đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nhưng năm kiết thuận phần trên thì chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, cho đến hiện tu xen tạp loại tĩnh lự thứ tư của thế tục, cho đến khi sắp mạng chung thì thoái xuống ba tĩnh lự, chỉ trụ vào tĩnh lự thứ nhất mà mất. Do đó nên tạo tác tăng trưởng, dấy khởi các nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục.

Sau khi qua đời, trung hữu của người ấy sinh khởi nơi cõi trời thuộc Sắc giới, được sinh lên trời Phạm chúng thuộc Sắc giới. Sinh rồi, thời gian sau hiện nhập nơi tĩnh lự thứ hai của thế tục, cho đến khi mạng chung đã tạo tác thêm nhiều, nên dấy khởi các nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục.

Sau khi qua đời, trung hữu của người ấy sinh khởi nơi cõi trời thuộc Sắc giới, được sinh lên trời Quang âm thuộc Sắc giới. Sinh rồi, thời gian sau hiện nhập nơi tĩnh lự thứ ba của thế tục, cho đến khi mạng chung đã tạo tác thêm nhiều, nên dấy khởi các nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục.

Sau khi qua đời, trung hữu của người ấy hiện khởi nơi cõi trời thuộc Sắc giới, được sinh lên trời Biến tịnh thuộc Sắc giới. Sinh rồi, thời gian sau hiện nhập nơi tĩnh lự thứ tư của thế tục, cho đến khi mạng chung đã tạo tác thêm nhiều, nên dấy khởi các nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục.

Sau khi qua đời, trung hữu của người ấy hiện khởi nơi cõi trời thuộc Sắc giới, được sinh lên trời Quảng quả thuộc Sắc giới. Sinh rồi, thời gian sau hiện nhập tu xen tạp phẩm hạ nơi tĩnh lự thứ tư của thế tục, cho đến khi mạng chung đã tạo tác thêm nhiều, nên dấy khởi nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục.

Sau khi qua đời, trung hữu của người ấy hiện khởi nơi cõi trời thuộc Sắc giới, được sinh lên trời Vô phiền thuộc Sắc giới. Sinh rồi, thời gian sau hiện nhập tu xen tạp phẩm trung nơi tĩnh lự thứ tư của thế tục, cho đến khi mạng chung đã tạo tác thêm nhiều, nên dấy khởi các nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục.

Sau khi qua đời, trung hữu của người ấy hiện khởi nơi cõi trời thuộc Sắc giới, được sinh lên trời Vô nhiệt thuộc Sắc giới. Sinh rồi, thời gian sau hiện nhập tu xen tạp phẩm thượng nơi tĩnh lự thứ tư của thế tục, cho đến khi mạng chung đã tạo tác thêm nhiều, nên dấy khởi các nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục.

Sau khi qua đời, trung hữu của người ấy hiện khởi nơi cõi trời thuộc Sắc giới, được sinh lên trời Thiện hiện thuộc Sắc giới. Sinh rồi, thời gian sau hiện nhập tu xen tạp phẩm thượng thắng nơi tĩnh lự thứ tư của thế tục, cho đến khi mạng chung đã tạo tác thêm nhiều, nên dấy khởi các nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục.

Sau khi qua đời, trung hữu của người ấy hiện khởi nơi cõi trời thuộc Sắc giới, được sinh lên trời Thiện kiến thuộc Sắc giới. Sinh rồi, thời gian sau hiện nhập tu xen tạp phẩm thượng thượng hoàn toàn đầy đủ nơi tĩnh lự thứ tư của thế tục, cho đến khi mạng chung đã tạo tác thêm nhiều, nên dấy khởi các nghiệp dị thục và nghiệp sinh dị thục.

Sau khi qua đời, trung hữu của người ấy hiện khởi nơi cõi trời thuộc Sắc giới, được sinh lên trời Sắc cứu cánh. Sinh rồi, thời gian sau mới được lực của đạo vô lậu như thế, tiến đến việc đoạn dứt hết các kiết còn lại mà bát Niết-bàn vô dư y. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la Thượng lưu.

Vì sao gọi là Bổ-đặc-già-la Thượng lưu? Có hai thứ lưu (Dòng chảy) sinh tử: Đó là nghiệp sinh tử và phiền não. Người này đối với hai thứ lưu ấy đều chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, do nhân duyên đó nên phải đi trên con đường ấy, lưu chuyển theo dòng chảy của sinh tử và phiền não ấy, nên gọi là Bổ-đặc-già-la Thượng lưu.

Lại nữa, có nơi nói: Do loại hữu tình bất hoàn này dần dần thắng tiến càng về sau chứng được định, nên có thể lãnh nhận, theo đấy lãnh nhận các định vĩnh viễn không còn thoái chuyển, nên gọi là Bổ-đặc-già-la Thượng lưu.

Lại nữa, thượng lưu lược nêu có hai thứ, đó là: a. Hành cõi Sắc. b. Hành cõi Vô sắc. Hành cõi Sắc: Tức xem trời Sắc cứu cánh là xứ cao tột nhất. Hành cõi Vô sắc: Tức xem xứ Phi tưởng phi phi tưởng là xứ cao tột nhất.

*

* Năm trời Tịnh Cư: Những gì là năm? 1. Trời Vô Phiền. 2. Trời Vô Nhiệt. 3. Trời Thiện Hiện. 4. Trời Thiện Kiến. 5. Trời Sắc Cứu Cánh. Đó gọi là năm trời Tịnh cư.

1. Thế nào là trời Vô phiền?

Đáp: Nghĩa là hữu tình nơi trời Vô phiền đều là một loại, là bạn bè cùng chúng đồng phần, do nương dựa, sự việc, nơi chốn đạt được đều đồng. Lại, nếu sinh vào trời Vô phiền thì các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức hiện có đều là vô phú vô ký. Đó gọi là trời Vô phiền.

Lại nữa, do trời Vô phiền đối với khổ thấy là khổ, đối với tập thấy là tập, đối với diệt thấy là diệt, đối với đạo thấy là đạo, nên gọi là trời Vô phiền.

Lại nữa, vì trời Vô phiền thân tâm không bị phiền nhiễu, do thân tâm không bị phiền nhiễu nên lãnh nhận các thọ vô lậu vi diệu, hoàn toàn tịch tĩnh, tịch tĩnh khắp, nên gọi là trời Vô phiền.

Lại nữa, đây là danh hiệu, là dị ngữ, là tăng ngữ, là các tưởng cùng tưởng đã được thiết lập để nêu bày, nên gọi là trời Vô phiền.

2. Thế nào là trời Vô nhiệt?

Đáp: Nghĩa là hữu tình nơi trời Vô nhiệt đều là một loại, là bạn bè cùng chúng đồng phần, do nương dựa, sự việc, nơi chốn đạt được đều đồng. Lại, nếu sinh vào trời Vô nhiệt thì các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức hiện có đều là vô phú vô ký. Đó gọi là trời Vô nhiệt.

Lại nữa, do trời Vô nhiệt đối với khổ thấy là khổ, đối với tập, diệt, đạo đều thấy là tập, diệt, đạo, nên gọi là trời Vô nhiệt.

Lại nữa, do trời Vô nhiệt thân tâm không bị nhiệt não, do thân tâm không bị nhiệt não nên lãnh nhận các thọ vô lậu vi diệu, hoàn toàn tịch tĩnh, tịch tĩnh khắp, nên gọi là trời Vô nhiệt.

Lại nữa, đây là danh hiệu, là dị ngữ, là tăng ngữ, là các tưởng cùng tưởng đã được thiết lập để nêu bày, nên gọi là trời Vô nhiệt.

3. Thế nào là trời Thiện hiện?

Đáp: Nghĩa là hữu tình nơi trời Thiện hiện đều là một loại, là bạn bè cùng chúng đồng phần, do nương dựa, sự việc, nơi chốn đạt được đều đồng. Lại, nếu sinh vào trời Thiện hiện thì các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức hiện có đều là vô phú vô ký. Đó gọi là trời Thiện hiện.

Lại nữa, do trời Thiện hiện đối với khổ thấy là khổ, đối với tập, diệt, đạo đều thấy là tập, diệt, đạo, nên gọi là trời Thiện hiện.

Lại nữa, do chư Thiên nơi trời Thiện hiện có hình sắc vi diệu, oai nghiêm thanh tịnh, mọi người đều ưa thích nhìn ngắm, hơn hẳn chư Thiên nơi hai trời Vô phiền, Vô nhiệt, nên gọi là trời Thiện hiện.

Lại nữa, đây là danh hiệu, là dị ngữ, là tăng ngữ, là các tưởng cùng tưởng đã được thiết lập để nêu bày, nên gọi là trời Thiện hiện.

4. Thế nào là trời Thiện kiến?

Đáp: Nghĩa là hữu tình nơi trời Thiện kiến đều là một loại, là bạn bè cùng chúng đồng phần, do nương dựa, sự việc, nơi chốn đạt được đều đồng. Lại, nếu sinh vào trời Thiện kiến thì các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức hiện có đều là vô phú vô ký. Đó gọi là trời Thiện kiến.

Lại nữa, do trời Thiện kiến đối với khổ thấy là khổ, đối với tập, diệt, đạo đều thấy là tập, diệt, đạo, nên gọi là trời Thiện kiến.

Lại nữa, do chư Thiên nơi trời Thiện kiến có hình sắc càng trở nên vi diệu, càng oai nghiêm thanh tịnh, mọi người càng ưa thích nhìn ngắm, hơn hẳn chư Thiên nơi các trời Vô phiền, Vô nhiệt và Thiện hiện, nên gọi là trời Thiện kiến.

Lại nữa, đây là danh hiệu, là dị ngữ, là tăng ngữ, là các tưởng cùng tưởng đã được thiết lập để nêu bày, đó gọi là trời Thiện kiến.

5. Thế nào là trời Sắc cứu cánh?

Đáp: Nghĩa là hữu tình nơi trời Sắc cứu cánh đều là một loại, là bạn bè cùng chúng đồng phần, do nương dựa, sự việc, nơi chốn đạt được đều đồng. Lại, nếu sinh vào trời Sắc cứu cánh thì các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức hiện có đều là vô phú vô ký. Đó gọi là trời Sắc cứu cánh.

Lại nữa, do trời Sắc cứu cánh đối với khổ thấy là khổ, đối với tập, diệt, đạo đều thấy là tập, diệt, đạo, nên gọi là trời Sắc cứu cánh.

Lại nữa, do trời Sắc cứu cánh tự Thể đạt được, đối với nẻo sinh sắc là tối thắng, bậc nhất, nên gọi là trời Sắc cứu cánh.

Lại nữa, cõi này cũng gọi là trời Ngại cứu cánh. Ngại nghĩa là thân bị ngăn ngại. Đây là xứ thân bị ngăn ngại rốt ráo nhất, nên gọi là trời Ngại cứu cánh.

Lại nữa, đây là danh hiệu, là dị ngữ, là tăng ngữ, là các tưởng cùng tưởng đã được thiết lập để nêu bày, nên gọi là trời Sắc cứu cánh, hoặc là trời Ngại cứu cánh.

*

* Năm cảnh giới xuất ly: 1. Cụ thọ nên biết! Có các chúng Thánh đệ tử đa văn gồm đủ kiến thức rộng khắp, sắc bén, như khi nghĩ về các dục, tức thì đối với các dục, tâm không hướng nhập, không tin ưa, không an trụ, không thắng giải, luôn lui giữ, không vươn tới, luôn trụ trong sự từ bỏ, chán ghét, khinh chê, điều phục, chống đối. Như các sợi gân hay lông chim khi bị đốt cháy thì co rút lại. Như vậy, chúng Thánh đệ tử đa văn gồm đủ kiến thức rộng khắp, sắc bén, nếu nghĩ về các dục, tức thì đối với các dục, tâm không hướng nhập, cho đến nói rộng. Nhưng nếu nghĩ về nẻo xuất ly, tức thì đối với nẻo xuất ly, thâm tâm hướng nhập, tin ưa, an trụ, có thắng giải, không lui giữ mà luôn vươn rộng, tâm không chán ghét tự nhiên hiện hành, tâm được an lạc, dễ dàng tu tập, khéo tu tập. Đối với các duyên của dục đã khởi sinh các lậu gây tổn hại bức não đều được giải thoát. Các vị ấy, từ đấy dấy khởi giải thoát lìa trói buộc, nên không còn tiếp nhận những nhân duyên nơi các thọ. Như thế gọi là đối với dục đã xuất ly.

2, 3, 4. Đối với giận – không giận, đối với hại – không hại, đối với sắc – vô sắc, nên biết cũng như thế.

5. Cụ thọ nên biết! Có các chúng Thánh đệ tử đa văn gồm đủ kiến thức rộng khắp, sắc bén, như khi nghĩ về hữu thân, tức thì đối với hữu thân, tâm không hướng nhập, không tin ưa, không an trụ, không thắng giải, luôn lui giữ, không vươn tới, luôn trụ trong sự từ bỏ, chán ghét, khinh chê, điều phục, chống đối. Như các sợi gân hay lông chim khi bị đốt cháy thì co rút lại. Như vậy, chúng Thánh đệ tử đa văn gồm đủ kiến thức rộng khắp, sắc bén, nếu nghĩ về hữu thân, tức thì đối với hữu thân tâm không hướng nhập, cho đến nói rộng. Nhưng nếu nghĩ về hữu thân diệt để được Niết-bàn, tức thì đối với điều ấy, thâm tâm hướng nhập, tin ưa, an trụ, có thắng giải, không lui giữ mà luôn vươn rộng, tâm không chán ghét tự nhiên hiện hành, tâm được an lạc, dễ dàng tu tập, khéo tu tập. Đối với các duyên của hữu thân đã khởi sinh các lậu gây tổn hại bức não đều được giải thoát. Các vị ấy từ đấy dấy khởi giải thoát lìa trói buộc, nên không còn tiếp nhận những nhân duyên nơi các thọ. Như thế gọi là đối với hữu thân đã xuất ly.

Đó gọi là năm cảnh giới xuất ly.

Ở đây:

Nói các hữu: Nghĩa là tên họ như thế, chủng loại như thế, ăn uống như thế, thọ nhận khổ vui như thế, sống lâu như thế, biên vực của thọ mạng như thế, nên gọi là các hữu.

Đa văn: Nghĩa là được nghe nhiều chánh pháp. Nhiều chánh pháp tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Phúng tụng, Tự thuyết, Nhân duyên, Thí dụ, Bổn sự, Bổn sinh, Phương quảng, Hy pháp, Nghị luận v.v… Nghe lãnh hội các pháp đó nên gọi là đa văn.

Thánh đệ tử: Thánh đây nghĩa là chư Phật, đệ tử của Phật gọi là đệ tử Thánh. Những người đã quy y Phật, Pháp, Tăng, tất cả đều được gọi là đệ tử của Thánh.

Hàng đệ tử Phật gồm đủ kiến thức rộng khắp, sắc bén: Thế nào là rộng khắp, sắc bén? Đó là viên mãn thuộc thượng phẩm, nên gọi là rộng khắp, sắc bén. Thế nào là kiến thức? Như nương vào nẻo xuất ly, xa lìa đã sinh khởi pháp thiện, đối với các pháp cần lựa chọn nên lựa chọn thật kỹ lưỡng v.v…, nói rộng cho đến hành Tỳ-bát-xá-na, đó gọi là kiến thức.

Như khi nghĩ về các dục: Thế nào là các dục? Dục cũng gọi là các dục, cõi Dục cũng gọi là các dục, năm cảnh dục lạc nổi bật cũng gọi là các dục. Nay trong nghĩa này ý nói năm cảnh dục lạc nổi bật gọi là các dục. Do đấy nên nói như khi nghĩ về các dục.

Tức thì đối với các dục, tâm không hướng nhập, không tin ưa, không an trụ, không thắng giải: Nghĩa là các đệ tử Thánh, đối với cảnh dục nổi bật đã được tán dương, tác ý cùng hành, thì khi tư duy xét kỹ, họ đều không khởi tâm thuận theo, tin thuận theo, ý muốn thuận theo, thắng giải thuận theo, đã và sẽ thắng giải. Do đấy nên nói: Tức thì đối với các dục, tâm không hướng nhập v.v…, cho đến không thắng giải.

Luôn lui giữ, không vươn tới: Nghĩa là các đệ tử Thánh, nơi các dục nổi bật, tâm không vui trụ, không tùy thuận, không hướng tới, không đi vào, nên gọi là luôn lui giữ, không vươn tới.

Luôn trụ trong sự từ bỏ, chán ghét, khinh chê v.v…: Nghĩa là các đệ tử Thánh, nơi các dục nổi bật, khi tư duy xét kỹ đã luôn trụ trong sự từ bỏ, chán ghét, khinh chê, điều phục, chống đối.

Nếu nghĩ về nẻo xuất ly: Thế nào là xuất ly? Xuất ly cũng gọi là xuất ly, cảnh giới xuất ly cũng gọi là xuất ly, căn thiện của cõi Sắc cũng gọi là xuất ly, tĩnh lự thứ nhất cũng gọi là xuất ly. Nay trong nghĩa này ý nói tĩnh lự thứ nhất gọi là xuất ly. Do đó nên nói nếu nghĩ về nẻo xuất ly.

Tức thì đối với nẻo xuất ly, thâm tâm hướng nhập, tin ưa, an trụ, có thắng giải: Nghĩa là các đệ tử Phật đối với nẻo xuất ly này do thắng giải, tác ý cùng hành, tư duy kỹ liền sinh tâm tùy thuận, tin tưởng tùy thuận, ước muốn tùy thuận, thắng giải tùy thuận, đã và sẽ thắng giải. Do đấy nên nói tức thì đối với nẻo xuất ly, thâm tâm hướng nhập, tin ưa, an trụ, có thắng giải.

Không lui giữ mà luôn vươn rộng: Nghĩa là các đệ tử Phật đối với nẻo xuất ly ấy, do khen ngợi khi tác ý cùng hành suy tư kỹ, tâm vui thích an trụ, thuận hướng, đi vào, nên nói là không lui giữ mà luôn vươn rộng.

Tâm không chán ghét tự nhiên hiện hành: Nghĩa là các đệ tử Phật, đối với nẻo xuất ly này, do khen ngợi cùng hành khi tác ý tư duy kỹ, không phải như đối với các dục, tâm không thích trụ, lại chán ghét, khinh chê, điều phục, chống đối. Do đấy nên nói tâm không chán ghét tự nhiên hiện hành.

Tâm được an lạc: Nghĩa là các đệ tử Phật, ngay lúc ấy tâm họ được an lạc, không cực nhọc, hao tổn, nên thành tựu pháp không mỏi mệt, do đó gọi là tâm được an lạc.

Dễ dàng tu tập: Nghĩa là các đệ tử Phật, ngay lúc ấy thường xuyên tu tập, luôn luôn tác ý, tu tập tương ưng, nên gọi là dễ dàng tu tập.

Khéo tu tập: Nghĩa là các đệ tử Phật, ngay lúc ấy vì có đủ các thứ nhân, môn, lý và hành nên cẩn trọng tu tập, kiên trụ tu tập, cung kính tu tập, tác ý tu tập, nên gọi là khéo tu tập.

Đối với các duyên của dục đã khởi sinh các lậu gây tổn hại bức não đều được giải thoát. Các vị ấy từ đấy dấy khởi giải thoát lìa trói buộc: Nghĩa là các đệ tử Phật, do nhân duyên ấy nên ở trước các dục tâm được giải thoát, từ đấy dấy khởi giải thoát lìa trói buộc.

Không còn tiếp nhận những nhân duyên nơi các thọ: Nghĩa là đối với các lậu nếu chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, tức sẽ nhận lấy các khổ não. Nếu đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì không còn tiếp nhận các khổ thọ. Thế nên nói không còn tiếp nhận những nhân duyên nơi các thọ.

Như thế gọi là đối với dục đã xuất ly: Nay ở trong đây, thế nào gọi là xuất ly? Đoạn dứt hoàn toàn các dục cũng gọi là xuất ly, vượt qua các dục cũng gọi là xuất ly, lìa bỏ trần tục cũng gọi là xuất ly, căn thiện nơi cõi Sắc cũng gọi là xuất ly, tĩnh lự thứ nhất cũng gọi là xuất ly. Nay trong nghĩa này ý nói tĩnh lự thứ nhất gọi là xuất ly.

1. Đối với giận dữ, không giận dữ: Thế nào là giận dữ? Giận dữ cũng gọi là giận dữ, cảnh giới giận dữ cũng gọi là giận dữ. Nay trong nghĩa này ý nói cảnh giới giận dữ gọi là giận dữ. Thế nào là không giận dữ? Không giận dữ cũng gọi là không giận dữ, cảnh giới không giận dữ cũng gọi là không giận dữ, định tâm Từ cũng gọi là không giận dữ. Nay trong nghĩa này ý nói định tâm Từ gọi là không giận dữ.

2. Đối với hại, không hại: Thế nào là hại? Hại cũng gọi là hại, cảnh giới hại cũng gọi là hại. Nay trong nghĩa này ý nói cảnh giới hại gọi là hại. Thế nào là không hại? Không hại cũng gọi là không hại, cảnh giới không hại cũng gọi là không hại, định tâm Bi cũng gọi là không hại. Nay trong nghĩa này ý nói định tâm Bi gọi là không hại.

3. Đối với sắc, vô sắc: Thế nào là sắc? Sắc cũng gọi là sắc, cõi Sắc cũng gọi là sắc, bốn tĩnh lự cũng gọi là sắc. Nay trong nghĩa này ý nói bốn tĩnh lự gọi là sắc. Thế nào là vô sắc? Vô sắc cũng gọi là vô sắc, cõi Vô sắc cũng gọi là vô sắc, bốn xứ vô sắc cũng gọi là vô sắc. Nay trong nghĩa này ý nói bốn xứ vô sắc gọi là vô sắc.

4. Có các chúng Thánh đệ tử đa văn gồm đủ kiến thức rộng khắp, sắc bén: Như trước đã nói.

Như khi nghĩ về hữu thân: Hữu thân cũng gọi là hữu thân, năm thủ uẩn cũng gọi là hữu thân. Nay trong nghĩa này ý nói năm thủ uẩn gọi là hữu thân.

Tức thì đối với hữu thân, tâm không hướng nhập v.v…: Như trước đã nói về dục.

Nếu nghĩ về hữu thân diệt: Hữu thân diệt cũng gọi là diệt, trạch diệt cũng gọi là diệt. Nay trong nghĩa này ý nói trạch diệt gọi là diệt, không phải thứ khác.

HẾT – QUYỂN 14