LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 8

 Phẩm 5: BỐN PHÁP, phần 3

* Bốn pháp thọ: 1. Pháp thọ có khả năng chiêu cảm dị thục hiện vui, sau khổ. 2. Pháp thọ có khả năng chiêu cảm dị thục hiện khổ, sau vui. 3. Pháp thọ có khả năng chiêu cảm dị thục hiện khổ, sau khổ. 4. Pháp thọ có khả năng chiêu cảm dị thục hiện vui, sau vui.

1. Thế nào là pháp thọ có khả năng chiêu cảm dị thục hiện vui, sau khổ?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các Bí-sô nên biết! Như có một loại Bổ-đặc-già-la cùng với hỷ lạc cùng hại sinh mạng, không cho mà lấy, dâm dục tà hạnh, nói dối, nói lời ly gián, nói lời thô ác, nói lời uế tạp, tham dục, sân giận, tà kiến. Kẻ ấy hại sinh mạng v.v…, nói rộng cho đến tà kiến, lấy các thứ ấy làm duyên nên được hỷ được lạc. Các thứ thân lạc, tâm lạc như thế đều là bất thiện, hoàn toàn thâu nhận là loại bất thiện, nên có thể chướng ngại thông tuệ, có thể chướng ngại đẳng giác, có thể chướng ngại Niết-bàn. Đó gọi là pháp thọ có khả năng chiêu cảm dị thục hiện vui, sau khổ.

2. Thế nào là pháp thọ có khả năng chiêu cảm dị thục hiện khổ, sau vui?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các Bí-sô nên biết! Như có một loại Bổ-đặc-già-la cùng với ưu khổ cùng lìa bỏ hại sinh mạng, lìa bỏ không cho mà lấy, lìa bỏ dâm dục tà hạnh, lìa bỏ nói dối, lìa bỏ nói lời ly gián, lìa bỏ nói lời thô ác, lìa bỏ nói lời uế tạp, không tham, không sân, chánh kiến. Người ấy đã lìa bỏ hại sinh mạng v.v…, nói rộng cho đến chánh kiến, lấy các thứ ấy làm duyên nhưng bị sầu bị khổ. Các thứ thân khổ, tâm khổ như thế đều là thiện, hoàn toàn thâu nhận là loại thiện, nên có thể dẫn đến thông tuệ, có thể chứng đắc đẳng giác, có thể đạt đến Niết-bàn. Đó gọi là pháp thọ có khả năng chiêu cảm dị thục hiện khổ, sau vui.

3. Thế nào là pháp thọ có khả năng chiêu cảm dị thục hiện khổ, sau khổ?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các Bí-sô nên biết! Như có một loại Bổ-đặc-già-la cùng với sầu khổ cùng hại sinh mạng, không cho mà lấy, dâm dục tà hạnh, nói dối, nói lời ly gián, nói lời thô ác, nói lời uế tạp, tham dục, giận dữ và tà kiến. Kẻ ấy hại sinh mạng v.v…, nói rộng cho đến tà kiến, lấy các thứ ấy làm duyên nhưng bị sầu bị khổ. Các thứ thân khổ, tâm khổ như thế đều là bất thiện, hoàn toàn thâu nhận là loại bất thiện, nên có thể chướng ngại thông tuệ, có thể chướng ngại đẳng giác, có thể chướng ngại Niếtbàn. Đó gọi là pháp thọ có khả năng chiêu cảm dị thục hiện khổ, sau khổ.

4. Thế nào là pháp thọ có khả năng chiêu cảm dị thục hiện vui, sau vui?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các Bí-sô nên biết! Như có một loại Bổ-đặc-già-la cùng với hỷ lạc cùng lìa bỏ hại sinh mạng, lìa bỏ không cho mà lấy, lìa bỏ dâm dục tà hạnh, lìa bỏ nói dối, lìa bỏ nói lời ly gián, lìa bỏ nói lời thô ác, lìa bỏ nói lời uế tạp, không tham, không sân và chánh kiến. Người ấy đã lìa bỏ hại sinh mạng v.v…, nói rộng cho đến chánh kiến, lấy các thứ ấy làm duyên nên được hỷ được lạc. Các thứ thân lạc, tâm lạc như thế đều là thiện, hoàn toàn thâu nhận là loại thiện, nên có thể dẫn đến thông tuệ, có thể chứng đắc đẳng giác, có thể đạt đến Niết-bàn. Đó gọi là pháp thọ có khả năng chiêu cảm dị thục hiện vui, sau vui.

*

* Bốn ách: 1. Ách dục. 2. Ách hữu. 3. Ách kiến. 4. Ách vô minh.

1. Thế nào là ách dục?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các Bí-sô nên biết! Có các phàm phu ngu tối không hiểu biết, đối với dục đã tích tập, chìm ngập nơi vị, ghét bỏ nẻo xuất ly, nên không nhận biết đúng như thật. Những kẻ ấy đối với dục đã tích tập như thế, nên ở trong các dục là dục hiện có, dục tham, dục ham muốn, dục gần gũi, dục ái, dục ưa thích, dục mê muội, dục đắm chấp, dục đam mê, dục cất giữ, dục thuận theo, tâm luôn bị trói buộc đè nặng. Đó gọi là ách dục.

2. Thế nào là ách hữu?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các Bí-sô nên biết! Có các phàm phu ngu tối không hiểu biết, đối với hữu đã tích tập, chìm ngập nơi vị, ghét bỏ nẻo xuất ly, nên không nhận biết đúng như thật. Những kẻ ấy đối với hữu đã tích tập như thế, nên ở trong các hữu là hữu hiện có, hữu tham, hữu ham muốn, hữu gần gũi, hữu ái, hữu ưa thích, hữu mê muội, hữu đắm chấp, hữu đam mê, hữu cất giữ, hữu thuận theo, tâm luôn bị trói buộc đè nặng. Đó gọi là ách hữu.

3. Thế nào là ách kiến?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các Bí-sô nên biết! Có các phàm phu ngu tối không hiểu biết, đối với kiến đã tích tập, chìm ngập nơi vị, ghét bỏ nẻo xuất ly, nên không nhận biết đúng như thật. Những kẻ ấy đối với kiến đã tích tập như thế, nên ở trong các kiến là kiến hiện có, kiến tham, kiến ham muốn, kiến gần gũi, kiến ái, kiến ưa thích, kiến mê muội, kiến đắm chấp, kiến đam mê, kiến cất giữ, kiến thuận theo, tâm luôn bị trói buộc đè nặng. Đó gọi là ách kiến.

4. Thế nào là ách vô minh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các Bí-sô nên biết! Có các phàm phu ngu tối không hiểu biết, đối với sáu xúc xứ đã tích tập, chìm ngập nơi vị, ghét bỏ nẻo xuất ly, nên không nhận biết đúng như thật. Những kẻ ấy đối với sáu xúc xứ đã tích tập như thế, đã không nhận biết đúng như thật, nên hiện có chấp trước, vô minh, vô trí, tùy miên tùy tăng. Đó gọi là ách vô minh.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Hữu tình cùng ách dục

Ách hữu, kiến tương ưng

Do ngu si dẫn đầu

Lưu chuyển trong sinh tử.

*

* Bốn thứ lìa trói buộc (Ly hệ): 1. Lìa trói buộc nơi ách dục. 2. Lìa trói buộc nơi ách hữu. 3. Lìa trói buộc nơi ách kiến. 4. Lìa trói buộc nơi ách vô minh.

1. Thế nào là lìa trói buộc nơi ách dục?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các Bí-sô nên biết! Có các đệ tử đa văn của Đức Phật, đối với các thứ dục đã tích tập, chìm ngập trong vị dục v.v…, đã xuất ly, có thể nhận biết đúng như thật, do đấy nên đối với các thứ dục như dục tham, dục ham muốn v.v…, tâm không hề bị vướng buộc. Đó gọi là lìa trói buộc nơi ách dục.

2. Thế nào là lìa trói buộc nơi ách hữu?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các Bí-sô nên biết! Có các đệ tử đa văn của Đức Phật, đối với các thứ hữu đã tích tập, chìm ngập trong vị hữu v.v…, đã xuất ly, có thể nhận biết đúng như thật, do đấy nên đối với các thứ hữu như hữu tham, hữu ham muốn v.v…, tâm không hề bị vướng buộc. Đó gọi là lìa trói buộc nơi ách hữu.

3. Thế nào là lìa trói buộc nơi ách kiến?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các Bí-sô nên biết! Có các đệ tử đa văn của Đức Phật, đối với các thứ kiến đã tích tập, chìm ngập trong vị kiến v.v…, đã xuất ly, có thể nhận biết đúng như thật, do đấy nên đối với các thứ kiến như kiến tham, kiến ham muốn v.v…, tâm không hề bị vướng buộc. Đó gọi là lìa trói buộc nơi ách kiến.

4. Thế nào là lìa trói buộc nơi ách vô minh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các Bí-sô nên biết! Có các đệ tử đa văn của Đức Phật, đối với sáu xúc xứ đã tích tập, chìm ngập trong vị v.v…, đã xuất ly, có thể nhận biết đúng như thật, do đấy nên đối với các thứ chấp trước, vô minh, vô trí hiện có nơi sáu xúc xứ, tâm không hề bị vướng buộc. Đó gọi là lìa trói buộc nơi ách vô minh.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu đoạn ách dục, hữu

Cùng vượt khỏi ách kiến

Xa lìa ách vô minh

Liền được vui an ổn.

Ở trong pháp hiện tại

Chứng tịch diệt vĩnh viễn

Xa lìa tất cả ách

Tất không còn hữu sau.

* Bốn bộc lưu (Dòng thác): 1. Bộc lưu dục. 2. Bộc lưu hữu. 3. Bộc lưu kiến. 4. Bộc lưu vô minh.

1. Thế nào là bộc lưu dục?

Đáp: Ngoại trừ các kiến, vô minh hệ thuộc cõi Dục, các thứ kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền hệ thuộc cõi Dục còn lại, đó gọi là bộc lưu dục.

2. Thế nào là bộc lưu hữu?

Đáp: Ngoại trừ các kiến, vô minh hệ thuộc cõi Sắc, cõi Vô sắc, các thứ kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền hệ thuộc cõi Sắc, cõi Vô sắc còn lại, đó gọi là bộc lưu hữu.

3. Thế nào là bộc lưu kiến?

Đáp: Đó là năm thứ kiến: a. Hữu thân kiến. b. Biên chấp kiến. c. Tà kiến. d. Kiến thủ. đ. Giới cấm thủ. Năm thứ kiến như thế gọi là bộc lưu kiến.

4. Thế nào là bộc lưu vô minh?

Đáp: Ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc đều không trí, đó gọi là bộc lưu vô minh.

*

* Bốn thủ (Chấp giữ): 1. Thủ dục. 2. Thủ kiến. 3. Thủ giới cấm. 4. Thủ ngã ngữ.

1. Thế nào là thủ dục?

Đáp: Ngoại trừ các kiến cùng thủ giới cấm hệ thuộc cõi Dục, các thứ kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền hệ thuộc cõi Dục còn lại, đó gọi là thủ dục.

2. Thế nào là thủ kiến?

Đáp: Đó là bốn thứ kiến: a. Hữu thân kiến. b. Biên chấp kiến. c. Tà kiến. d. Kiến thủ. Bốn thứ kiến như thế gọi là thủ kiến.

3. Thế nào là thủ giới cấm?

Đáp: Như có một loại hữu tình, đối với giới đã chấp giữ: Nghĩa là chấp giới này có thể dẫn đến thanh tịnh, có thể đạt đến giải thoát, xuất ly, có thể vượt khỏi khổ vui, đạt tới biên vực tận cùng của khổ vui. Hoặc đối với cấm đã chấp giữ như vừa nêu. Hoặc đối với giới cấm cùng chấp giữ như đã nêu. Đó gọi là thủ giới cấm.

4. Thế nào là thủ ngã ngữ?

Đáp: Ngoại trừ các kiến cùng thủ giới cấm hệ thuộc cõi Sắc, cõi Vô sắc, các thứ kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền hệ thuộc cõi Sắc, cõi Vô sắc còn lại, đó gọi là thủ ngã ngữ.

*

* Bốn thứ trói buộc thân: 1. Trói buộc thân do tham. 2. Trói buộc thân do sân. 3. Trói buộc thân do giới cấm thủ. 4. Trói buộc thân do chấp giữ điều ấy là thật.

1. Thế nào là trói buộc thân do tham?

Đáp: Tham: Nghĩa là đối với cảnh dục có các thứ tham cùng tham v.v…, nói rộng cho đến là loại tham, sinh ra tham. Đó gọi là tham. Trói buộc thân: Nghĩa là khi các thứ tham đó chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Đối với các hữu tình nơi các thứ thân, nơi các thứ tụ tập, nơi các thứ có được v.v… đều do tự thể làm nhân làm duyên để trói buộc, cùng trói buộc, đều trói buộc riêng, liên kết, nối tiếp mới được trụ lâu. Như người thợ chuyên kết tràng hoa hoặc đám học trò của ông ta, gom các thứ hoa để trước mặt, rồi dùng một sợi tơ dài chắc xâu kết lại thành các thứ tràng hoa. Các thứ hoa ấy dùng sợi tơ làm nhân làm duyên để xâu kết lại, cùng kết, đều kết riêng, cùng liên hệ nối tiếp mới thành tràng hoa. Tham ở đây cũng thế, vì chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, nên đối với các hữu tình nơi các thứ thân, nơi các thứ tụ tập, nơi các thứ có được, đều do tự thể làm nhân làm duyên để trói buộc, cùng trói buộc, đều trói buộc riêng, liên kết, nối tiếp mới được trụ lâu. Đó gọi là trói buộc thân.

2. Thế nào là trói buộc thân do sân?

Đáp: Sân: Nghĩa là đối với các hữu tình muốn gây tổn hại v.v…, nói rộng cho đến hiện gây lỗi lầm tai họa. Đó gọi là sân. Trói buộc thân: Như trước đã nói.

3. Thế nào là trói buộc thân do giới cấm thủ?

Đáp: Giới cấm thủ và thân bị trói buộc đều như trước đã nói.

4. Thế nào là trói buộc thân do chấp giữ điều ấy là thật?

Đáp: Chấp giữ điều ấy là thật: Nghĩa là hoặc có kẻ chấp ngã và thế gian là thường, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm. Hoặc lại có kẻ chấp ngã và thế gian là vô thường, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm. Hoặc lại có kẻ chấp ngã và thế gian cũng là thường, cũng là vô thường, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm. Hoặc lại có kẻ chấp ngã và thế gian là phi thường phi vô thường, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm.

Hoặc lại có kẻ chấp ngã và thế gian là hữu biên, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm. Hoặc lại có kẻ chấp ngã và thế gian là vô biên, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm. Hoặc lại có kẻ chấp ngã và thế gian cũng là hữu biên, cũng là vô biên, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm. Hoặc lại có kẻ chấp ngã và thế gian là phi hữu biên phi vô biên, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm.

Hoặc có lối chấp mạng sống tức là thân, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm. Hoặc có lối chấp mạng sống là khác với thân, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm.

Hoặc có lối chấp là Như Lai sau khi diệt độ rồi là có, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm. Hoặc có lối chấp Như Lai sau khi diệt độ rồi là không phải có, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm. Hoặc có lối chấp Như Lai sau khi diệt độ rồi là cũng có cũng không phải có, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm. Hoặc có lối chấp Như Lai sau khi diệt độ rồi là phi hữu phi phi hữu, cho điều ấy là thật, các thứ khác đều là sai lầm.

Như thế v.v…, gọi là trói buộc thân do chấp giữ điều ấy là thật.

**

4. Tụng nêu tổng quát thứ tư:

Bốn: Bốn pháp có mười

Là đại chủng, thực, trụ

Ái, không nên hành, vấn

Thí, nhiếp, sinh, tự thể.

Gồm có: Bốn đại chủng, bốn cách ăn, bốn thức trụ, bốn ái, bốn thứ không nên làm mà làm, bốn thứ ký vấn, bốn thứ thí, bốn nhiếp sự, bốn sinh, bốn thứ được tự thể.

*

* Bốn đại chủng: 1. Địa giới. 2. Thủy giới. 3. Hỏa giới. 4. Phong giới. Bốn thứ này đã nói rộng trong phần Lục giới nơi Luận Pháp Uẩn.

*

* Bốn cách ăn: 1. Đoạn thực hoặc thô hoặc tế. 2. Xúc thực. 3. Ý tư thực. 4. Thức thực.

1. Thế nào là đoạn thực hoặc thô hoặc tế?

Đáp: Nếu từng phần ăn (đoạn) làm duyên, có thể khiến cho các căn được nuôi lớn, các đại chủng tăng trưởng. Lại có thể làm thấm nhuần, theo đấy được thấm nhuần, sung mãn, theo đấy được sung mãn, che chở, theo đấy được che chở, chuyển đổi, theo đấy được chuyển đổi, giữ gìn, theo đấy được giữ gìn. Đó gọi là đoạn thực.

Vì sao cần thiết lập đoạn thực thô tế? Là dựa vào việc để nuôi lớn hữu tình, nên các thức ăn lớn, nhỏ cùng từng phần lần lượt được thiết lập.

Sự việc thô tế như thế nào? Như loài thú Đăng-kỳ-la ăn là thô, loài thú Ni-dân-kỳ-la ăn là tế. Loài thú Ni-dân-kỳ-la ăn là thô, loài thú Nê-di ăn là tế. Loài thú Nê-di ăn là thô, các loài cá, rùa, ba ba ăn là tế. Loài cá, rùa, ba ba ăn là thô, loài vật sinh trong nước khác ăn là tế.

Lại nữa, như voi, ngựa, bò ăn là thô, loài dê, nai, heo v.v… ăn là tế. Loài dê, nai, heo v.v… ăn là thô, loài dã can, chó ăn là tế. Loài dã can, chó ăn là thô, loài nhạn, khổng tước ăn là tế. Loài nhạn, khổng tước ăn là thô, các loài vật sống trên đất còn lại ăn là tế.

Lại nữa, nếu các hữu tình ăn các thứ cây cỏ, cành lá v.v…, ăn như thế là thô, nếu các hữu tình ăn các thứ cơm, cháo v.v…, ăn như thế là tế. Hoặc các hữu tình ăn các thứ cơm, cháo v.v…, ăn như thế là thô, hoặc các hữu tình ăn dầu, tô v.v…, ăn như thế là tế.

Lại nữa, như các hữu tình dùng miệng, mỏ, lưỡi để thâu nhận thức ăn rồi nhai, gặm, nhấm, nuốt, ăn như thế là thô. Như các hữu tình còn ở trong thai, trong trứng, chỉ hút lấy các chất nước bổ theo cuống rốn vào để nuôi thân, ăn như thế là tế.

Lại nữa, nếu các hữu tình ăn rồi còn có bài tiết, ăn như thế là thô. Nếu các hữu tình ăn rồi không có bài tiết, ăn như thế là tế. Như có loài ăn chất thơm nơi vị Tô-đà tuy có ăn nhưng không có bài tiết.

Như vậy là đã thiết lập phần thô tế của đoạn thực.

2. Thế nào là xúc thực?

Đáp: Như có loài hữu tình dùng xúc lậu làm duyên, có thể khiến cho các căn được nuôi lớn, các đại chủng tăng trưởng. Lại có thể làm thấm nhuần, theo đấy được thấm nhuần v.v…, cho đến giữ gìn, theo đấy được giữ gìn. Đó gọi là xúc thực.

Sự việc ấy như thế nào? Như các loài chim ngỗng, nhạn, khổng tước, anh vũ, cù dục, mạng mạng v.v…, sau khi đẻ trứng luôn gần gũi ấp ủ, che chở, luôn giữ cho ấm áp khiến sinh ra những xúc chạm vui thích. Nếu các trứng của những loài chim kia đã được sinh ra nhưng không được gần gũi ấp ủ, che chở, luôn giữ cho ấm áp khiến sinh ra những xúc chạm vui thích thì các trứng ấy sẽ bị hư hoại. Còn như các trứng kia được gần gũi ấp ủ, che chở, luôn giữ cho ấm áp khiến sinh ra những xúc chạm vui thích, thì các trứng ấy không bị hư hoại. Các loại như thế gọi là xúc thực.

3. Thế nào là ý tư thực?

Đáp: Như có loài hữu tình dùng tư lậu làm duyên, có thể khiến cho các căn được nuôi lớn, các đại chủng tăng trưởng. Lại có thể làm thấm nhuần, theo đấy được thấm nhuần v.v…, cho đến giữ gìn, theo đấy được giữ gìn. Đó gọi là ý tư thực.

Sự việc ấy như thế nào? Như các loài cá, rùa, ba ba, loài Thấtthủ-ma-la-bộ-lư-ca v.v… lên bờ bãi đào cát đẻ trứng, lấp cát lại rồi xuống nước. Nếu các trứng ấy luôn nhớ nghĩ đến mẹ không quên thì không bị hư hoại. Nếu các trứng ấy không nhớ nghĩ đến mẹ thì đều bị hư hoại. Các loại như thế gọi là ý tư thực.

4. Thế nào là thức thực?

Đáp: Như có loài hữu tình dùng thức lậu làm duyên, có thể khiến cho các căn được nuôi lớn, các đại chủng tăng trưởng. Lại có thể làm thấm nhuần, theo đấy được thấm nhuần v.v…, cho đến giữ gìn, theo đấy được giữ gìn. Đó gọi là thức thực.

Sự việc ấy như thế nào? Như trong Kinh Phả Lặc Lũ Na Ký, Đức Thế Tôn có dạy: Phả-lặc-lũ-na nên biết! Thức thực có thể khiến sinh khởi thân sau của vị lai. Các loại như thế gọi là thức thực.

*

* Bốn thức trụ: 1. Sắc thức trụ. 2. Thọ thức trụ. 3. Tưởng thức trụ. 4. Hành thức trụ.

Thế nào là sắc thức trụ?

Đáp: Nếu các sắc hữu lậu thuận theo các thủ, đối với các sắc ấy hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai sinh khởi các dục, hoặc tham hoặc sân hoặc si, hoặc tùy theo mỗi mỗi tâm sở đều có tùy phiền não hiện hành. Đó gọi là sắc thức trụ.

Các thứ Thọ, Tưởng, Hành thức trụ nói rộng cũng như thế.

*

* Bốn ái: Những gì là bốn? 1. Có Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi y phục sinh ái, lúc nên sinh liền sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên cầm giữ thì cầm giữ. 2. Có Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi thức ăn uống sinh ái, lúc nên sinh liền sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên cầm giữ thì cầm giữ. 3. Có Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi ngọa cụ sinh ái, lúc nên sinh liền sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên cầm giữ thì cầm giữ. 4. Có Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi có – không có sinh ái, lúc nên sinh liền sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên cầm giữ thì cầm giữ. Đó gọi là bốn ái.

1. Thế nào là Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi y phục sinh ái, lúc nên sinh liền sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên cầm giữ thì cầm giữ?

Đáp: Ở đây, y phục nghĩa là các thứ vải vóc may mặc do lông thú dệt thành. Hoặc do phiến-na, do sô-ma, do sợi gai dệt thành. Hoặc do Kiện-cổ-la, do sợi tơ tằm, sợi bông vải hay dạ nĩ dệt thành. Hoặc do Kiều-châm-bà, do Đột-lũ-la, hoặc A-già-lạn-đà dệt thành. Lại nữa, y phục là tiếng gọi chung về các thứ vật dụng che thân như áo choàng, áo khoác, áo mặc ngoài, áo mặc trong, áo lá, quần đơn, quần kép, quần ngắn, quần dài để che chắn v.v… Đối với các thứ y phục như thế dấy khởi những thứ tham cùng tham để nắm giữ, cất chứa, phòng hộ, chấp chặt, ái nhiễm. Đó gọi là Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi y phục sinh ái, lúc nên sinh liền sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên cầm giữ thì cầm giữ.

2. Thế nào là Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi thức ăn uống sinh ái, lúc nên sinh liền sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên cầm giữ thì cầm giữ?

Đáp: Ở đây, thức ăn uống nghĩa là năm thứ thức ăn cứng cần nhai nuốt và năm thứ để dùng bữa. Năm thứ thức ăn cứng v.v… là củ, thân cây, lá, hoa và quả. Năm thứ để dùng bữa là cơm, cháo, bún, cá thịt và canh thịt. Đối với các thức ăn uống như thế dấy khởi những thứ tham cùng tham để nắm giữ, cất chứa, phòng hộ, chấp chặt, ái nhiễm. Đó gọi là Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi thức ăn uống sinh ái, lúc nên sinh liền sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên cầm giữ thì cầm giữ

3. Thế nào là Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi ngọa cụ sinh ái, lúc nên sinh liền sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên cầm giữ thì cầm giữ?

Đáp: Ở đây, ngọa cụ nghĩa là nhà cửa, phòng xá, đền đài, lầu gác, hành lang, mái hiên, mái tranh vách đất, hoặc sảnh đường rộng lớn, hoặc am thất lợp cỏ lá, hay hang hốc bằng đất đá. Lại, ngọa cụ nghĩa là các thứ giường chõng, nệm thảm, lụa trải giường, mền đơn, mền kép, bằng len, dạ nĩ, nhung gấm, hoặc vải thô, vải gai, gối nằm, gối ôm, các thứ ghế ngồi sạp gụ v.v… Đối với các thứ ngọa cụ như thế dấy khởi những thứ tham cùng tham để nắm giữ, cất chứa, phòng hộ, chấp chặt, ái nhiễm. Đó gọi là Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi ngọa cụ sinh ái, lúc nên sinh liền sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên cầm giữ thì cầm giữ.

4. Thế nào là Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi có – không có sinh ái, lúc nên sinh liền sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên cầm giữ thì cầm giữ?

Đáp: Ở đây, có tức là năm thủ uẩn, là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Còn không có tức là năm thủ uẩn này nơi vị lai sẽ đoạn dứt. Như có một loại hữu tình suy nghĩ: Ta mong nơi đời vị lai năm uẩn sinh khởi. Lại có một loại hữu tình khởi suy nghĩ: Nguyện ta sau khi qua đời, năm uẩn sẽ đoạn dứt. Đối với các thứ có – không có như thế dấy khởi những thứ tham cùng tham để nắm giữ, cất chứa, phòng hộ, chấp chặt, ái nhiễm. Đó gọi là Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi có – không có sinh ái, lúc nên sinh liền sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên cầm giữ thì cầm giữ.

*

* Bốn thứ không nên làm mà làm: 1. Do tham dục nên việc không nên làm mà làm. 2. Do sân giận nên việc không nên làm mà làm. 3. Do ngu si nên việc không nên làm mà làm. 4. Do sợ hãi nên việc không nên làm mà làm.

1. Thế nào là do tham dục nên việc không nên làm mà làm?

Đáp: Như có một loại Bí-sô, đối với các Thân giáo sư (Hòa thượng), hoặc Quỹ phạm sư (A-xà-lê), hoặc đồng với thân giáo, hoặc đồng với quỹ phạm, hoặc tùy theo mỗi mỗi vị lui tới kết bạn thân. Lúc này trong Tăng chúng đang dấy sự tranh cãi, vị kia khởi suy nghĩ: “Nếu ta cùng với các sư nói trên giao du kết bạn thì rơi vào chỗ không đúng pháp. Còn nếu không cùng làm bạn với các sư thì lại rơi vào nẻo bất nghĩa”. Tuy suy nghĩ như thế, nhưng do bị tham dục ngăn che nên đã khởi các hành thân, ngữ xấu ác. Đó gọi là do tham dục nên việc không nên làm mà làm

2. Thế nào là do sân giận nên việc không nên làm mà làm?

Đáp: Như có một loại Bí-sô, có kẻ oán ghét. Lúc này trong Tăng chúng đang dấy sự tranh cãi, vị kia khởi suy nghĩ: “Nếu ta giúp đỡ kẻ oán ghét thì tình không thể, nhưng nếu không giúp đỡ thì trái với đạo lý”. Tuy suy nghĩ như thế, nhưng do bị sân giận ngăn che, nên đã khởi các hành thân, ngữ xấu ác. Đó gọi là do sân giận nên việc không nên làm mà làm.

3. Thế nào là do ngu si nên việc không nên làm mà làm?

Đáp: Như có một loại Bí-sô bẩm tánh ám độn, đối với các Thân giáo sư hay Quỹ phạm sư, hoặc đồng với thân giáo, hoặc đồng với quỹ phạm, hoặc tùy theo mỗi mỗi vị lui tới kết bạn thân. Lúc này trong Tăng chúng đang dấy sự tranh cãi, vị kia khởi suy nghĩ: “Ta nay không biết thế nào là phải trái, tốt xấu, chỉ nên dựa vào các Thân giáo sư v.v…”. Nhưng kẻ ấy do bị ngu si ngăn che, nên đã khởi các hành thân, ngữ xấu ác. Đó gọi là do ngu si nên việc không nên làm mà làm.

4. Thế nào là do sợ hãi nên việc không nên làm mà làm?

Đáp: Như có một loại Bí-sô hoặc là bạn thân của quốc vương, hoặc là bạn thân của các đại thần, hoặc là bạn thân với đám giặc cướp. Lúc này trong Tăng chúng đang dấy sự tranh cãi, vị kia khởi nghĩ: “Nếu ta nay không hỗ trợ kẻ có thế lực thì do nhân duyên ấy, ta hoặc mất danh lợi, hoặc mất y bát, hoặc có thể mất cả mạng. Vì thế nhất định ta phải dựa vào những kẻ có thế lực”. Nhưng người ấy do sợ hãi ngăn che, nên đã khởi các hành thân, ngữ xấu ác. Đó gọi là do sợ hãi nên việc không nên làm mà làm.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Kẻ có tham sân si

Và sợ, nên trái pháp

Sợ thoái mất danh lợi

Như phần tháng không trăng.

*

* Bốn thứ ký vấn (Thưa hỏi, ghi nhận): 1. Ký vấn bằng cách hoàn toàn chấp thuận. 2. Ký vấn bằng cách nên phân biệt. 3. Ký vấn bằng cách hỏi trở lại. 4. Ký vấn bằng cách để qua một bên.

1. Thế nào là ký vấn bằng cách hoàn toàn chấp thuận?

Đáp: Như có người thưa hỏi Đức Thế Tôn là bậc Như Lai, A

La Hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật – Bạc Già Phạm chăng? Pháp của Phật giảng nói là nói về thiện, hiện thấy, không nhiệt não, hướng dẫn hợp thời, những bậc trí gần gũi quán xét sẽ được nội chứng chăng? Chúng đệ tử của Phật gồm đủ các hành diệu, hành chất trực, hành như lý, hành pháp tùy pháp, hành hòa kính, hành tùy pháp chăng? Khổ, tập, diệt, đạo là Thánh đế chăng? Tất cả hành đều là vô thường chăng? Tất cả pháp đều là vô ngã chăng? Niết-bàn là tịch tĩnh chăng? Những câu hỏi như thế có vô lượng môn, nên hoàn toàn ghi nhận Đức Thế Tôn là Như Lai, A-la-hán, nói rộng cho đến Niết-bàn là tịch tĩnh? Đó gọi là ký vấn bằng cách hoàn toàn chấp thuận.

Vì sao nơi câu hỏi ấy nên hoàn toàn ghi nhận? Do đối với câu hỏi ấy, nếu hoàn toàn ghi nhận tức có thể dẫn đến nghĩa lợi, có thể dẫn đến pháp thiện, có thể dẫn đến phạm hạnh, có thể dẫn đến thông tuệ, có thể sinh khởi Đẳng giác, có thể chứng đắc Niết-bàn. Vì vậy đối với câu hỏi ấy nên hoàn toàn ghi nhận.

2. Thế nào là ký vấn bằng cách nên phân biệt?

Đáp: Như có người hỏi: Thế nào là pháp? Khi gặp câu hỏi này nên phân biệt ghi nhận. Vì pháp có nhiều thứ: Hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai. Hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký. Hoặc hệ thuộc cõi Dục, hoặc hệ thuộc cõi Sắc, hoặc hệ thuộc cõi Vô sắc. Hoặc học, hoặc vô học, hoặc phi học phi vô học. Hoặc do kiến đạo đoạn, hoặc do tu đạo đoạn, hoặc không đoạn. Các pháp như thế v.v… có vô lượng môn, nên phân biệt ghi nhận. Đó gọi là ký vấn bằng cách nên phân biệt.

Vì sao nơi câu hỏi ấy nên phân biệt ghi nhận? Do đối với câu hỏi ấy, nếu phân biệt ghi nhận tức có thể dẫn đến nghĩa lợi, có thể dẫn đến pháp thiện, có thể dẫn đến phạm hạnh, có thể dẫn đến thông tuệ, có thể sinh khởi Đẳng giác, có thể chứng đắc Niết-bàn. Vì vậy đối với câu hỏi ấy nên phân biệt ghi nhận.

3. Thế nào là ký vấn bằng cách hỏi trở lại?

Đáp: Như có người hỏi: Nên vì tôi mà giảng nói pháp? Gặp câu hỏi này nên ghi nhận bằng cách hỏi trở lại: Pháp có nhiều thứ, nay ông hỏi về pháp nào? Là pháp quá khứ, hiện tại, vị lai? Là pháp thiện, pháp bất thiện, pháp vô ký? Là pháp hệ thuộc cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc? Là pháp học, pháp vô học, pháp phi học phi vô học? Là pháp do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn, hay không đoạn? Các pháp như thế có vô lượng môn, nên hỏi trở lại để ghi nhận. Đó gọi là ký vấn bằng cách hỏi trở lại.

Vì sao nơi câu hỏi ấy nên hỏi trở lại để ghi nhận? Do đối với câu hỏi ấy, nếu hỏi trở lại để ghi nhận tức có thể dẫn đến nghĩa lợi, có thể dẫn đến pháp thiện, có thể dẫn đến phạm hạnh, có thể dẫn đến thông tuệ, có thể sinh khởi Đẳng giác, có thể chứng đắc Niết-bàn. Vì vậy đối với câu hỏi ấy nên hỏi trở lại để ghi nhận.

4. Thế nào là ký vấn bằng cách để qua một bên?

Đáp: Như có người hỏi: Thế gian là thường chăng? Là vô thường chăng? Là cũng thường cũng vô thường chăng? Là phi thường phi vô thường chăng? Thế gian là hữu biên chăng? Là vô biên chăng? Là cũng hữu biên cũng vô biên chăng? Là phi hữu biên phi vô biên chăng? Mạng sống tức là thân chăng? Mạng sống khác với thân chăng? Đức Như Lai sau khi diệt độ là có chăng? Là không có chăng? Là cũng có cũng không có chăng? Là phi có phi phi có chăng? Đối với các câu hỏi như thế là không đúng lý nên ghi nhận bằng cách để qua một bên. Nghĩa là nên ghi nhớ lời này: Phật nói những câu hỏi ấy là không nên ghi nhận. Vì thường, vô thường v.v… đều không đúng lý. Đó gọi là Ký vấn bằng cách để qua một bên.

Vì sao nơi câu hỏi ấy nên ghi nhận bằng cách để qua một bên? Do đối với câu hỏi ấy, nếu ghi nhận bằng cách để qua một bên tức có thể dẫn đến nghĩa lợi, có thể dẫn đến pháp thiện, có thể dẫn đến phạm hạnh, có thể dẫn đến thông tuệ, có thể sinh khởi Đẳng giác, có thể chứng đắc Niết-bàn. Vì vậy đối với câu hỏi ấy nên để qua một bên ghi nhận.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

  1. Nên hoàn toàn ghi nhận
  2. Nên phân biệt ghi nhận
  3. Nên hỏi lại ghi nhận
  4. Nên để qua ghi nhận.

Bốn thứ hỏi như vậy

Biết cách để ghi nhận

Dẫn nghĩa lợi, pháp thiện

Cùng phạm hạnh thuần tịnh.

Thâm diệu đều hàng phục

Biết nghĩa cùng phi nghĩa

Bỏ phi nghĩa, lấy nghĩa

Xét kỹ là bậc trí.

*

* Bốn thứ thí: Những gì là bốn? 1. Có thứ thí, người thí thanh tịnh, người nhận không thanh tịnh. 2. Có thứ thí, người nhận thanh tịnh, người thí không thanh tịnh. 3. Có thứ thí, người thí và người nhận đều thanh tịnh. 4. Có thứ thí, người thí và người nhận đều không thanh tịnh. Đó gọi là bốn thứ thí.

1. Thế nào là có thứ thí, người thí thanh tịnh, người nhận không thanh tịnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Bí-sô nên biết! Nếu có thí chủ gồm đủ tịnh giới, trụ nơi luật nghi, nhận biết có nương dựa, có quả, dựa nơi kiến giải như thế nên nêu bày như thế: Quyết định là có bố thí, có quả, có dị thục. Còn người nhận thì không gồm đủ tịnh giới, không trụ nơi luật nghi, không nhận biết có nương dựa, có quả, dựa nơi kiến giải như thế nên nêu bày như thế: Quyết định không có bố thí, không có quả, không có dị thục. Đó gọi là có thứ thí, người thí thanh tịnh, người nhận không thanh tịnh.

Vì sao trong thứ thí này, người thí thanh tịnh, người nhận không thanh tịnh? Vì người thí đối với các chi phần, các tư lương nên tu tập đều thành tựu. Còn người nhận đối với các chi phần, các tư lương nên tu tập đều không thành tựu. Thế nên trong thứ thí này, người thí thanh tịnh, người nhận không thanh tịnh.

2. Thế nào là có thứ thí, người nhận thanh tịnh, người thí không thanh tịnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Bí-sô nên biết! Nếu có thí chủ không gồm đủ tịnh giới, không trụ nơi luật nghi, không nhận biết có nương dựa, có quả, dựa nơi kiến giải như thế nên nêu bày như thế: Quyết định không có bố thí, không có quả, không có dị thục. Còn người nhận thì gồm đủ tịnh giới, trụ nơi luật nghi, nhận biết có nương dựa, có quả, dựa nơi kiến giải như thế nên nêu bày như thế: Quyết định là có bố thí, có quả, có dị thục. Đó gọi là có thứ thí, người nhận thanh tịnh, người thí không thanh tịnh

Vì sao trong thứ thí này, người nhận thanh tịnh, người thí không thanh tịnh? Vì người thí đối với các chi phần, các tư lương nên tu tập đều không thành tựu. Còn người nhận đối với các chi phần, các tư lương nên tu tập đều thành tựu. Thế nên trong thứ thí này, người nhận thanh tịnh, người thí không thanh tịnh.

3. Thế nào là có thứ thí, người thí và người nhận đều thanh tịnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Bí-sô nên biết! Nếu có người thí gồm đủ tịnh giới, trụ nơi luật nghi, nói rộng như trước v.v… Còn người nhận cũng gồm đủ tịnh giới, trụ nơi luật nghi, nói rộng như trước v.v…. Đó gọi là có thứ thí, người thí và người nhận đều thanh tịnh.

Vì sao trong thứ thí này, người thí và người nhận đều thanh tịnh? Vì người thí và người nhận đối với các chi phần, các tư lương nên tu tập đều thành tựu. Thế nên trong thứ thí này, người thí và người nhận đều thanh tịnh.

4. Thế nào là có thứ thí, người thí và người nhận đều không thanh tịnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Bí-sô nên biết! Nếu có người thí không gồm đủ tịnh giới, không trụ nơi luật nghi, nói rộng như trước v.v… Còn người nhận cũng không gồm đủ tịnh giới, không trụ nơi luật nghi, nói rộng như trước v.v… Đó gọi là có thứ thí, người thí và người nhận đều không thanh tịnh.

Vì sao trong thứ thí này, người thí và người nhận đều không thanh tịnh? Vì người thí và người nhận đối với các chi phần, các tư lương nên tu tập đều không thành tựu. Thế nên trong thứ thí này, người thí và người nhận đều không thanh tịnh.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Thí đủ giới, thiếu giới

Thanh tịnh mà chứng pháp

Tín dị thục nghiệp quả

Là chỉ người thí tịnh.

Thí thiếu giới, đủ giới

Chẳng tịnh, dẫn phi pháp

Chê dị thục nghiệp quả

Là chỉ người nhận tịnh.

Thí thiếu giới, thiếu giới

Chẳng tịnh, dẫn phi pháp

Chê dị thục nghiệp quả

Ta nói không quả lớn.

Thí đủ giới, đủ giới

Thanh tịnh mà chứng pháp

Tin dị thục nghiệp, quả

Ta nói có quả lớn.

Tin dị thục nghiệp quả

Tự tôn trọng bố thí

Cha mẹ cùng tôi tớ

Bậc trí đều khen ngợi.

Thân, ngữ, ý không chấp

Bí-sô hành hạnh diệu

Không cầu tự phú quý

Luôn rộng thí người khác.

Hữu tình đã lìa dục

Thí xong cũng lìa dục

Ta nói thí như thế

Tột bậc trong tài thí.

HẾT – QUYỂN 8