LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 4

Phẩm 4: BA PHÁP, phần 2

* Ba tâm: 1. Tâm dụ như lậu nhọt. 2. Tâm dụ như ánh chớp. 3. Tâm dụ như kim cương.

1. Thế nào là tâm dụ như lậu nhọt?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại hữu tình bẩm tánh rất hung ác, nói năng thô dữ. Khi có chút xúc não liền khởi nhiều phẫn nộ, kết oán gây hận, nói năng hung bạo. Như lậu nhọt ác vừa bị vật chạm thì vỡ ra, máu mủ đầm đìa. Tâm kia cũng như vậy, chỉ cần gặp chút nghịch duyên là liền giận dữ, oán hận không dứt.

Vì sao tâm của kẻ ấy gọi là dụ như lậu nhọt? Vì tâm ý thức của kẻ ấy vừa xúc chạm nơi duyên tức thì phát sinh vô số các thứ uế ác. Thế nên gọi là tâm dụ như lậu nhọt.

2. Thế nào là tâm dụ như ánh chớp?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại hữu tình thường ở chốn A-lan-nhã, hoặc ở bên các gốc cây, hay trụ nơi trống vắng, siêng năng tu tập, tu tập nhiều, nên chứng được tâm định tịch tĩnh như thế. Do nương nơi tâm định ấy nên có thể vĩnh viễn đoạn trừ năm kiết thuận phần dưới, chứng được quả Bất hoàn, thọ hóa sinh bậc thượng tức trụ nơi cõi trên, đắc Bát Niết-bàn, không còn sinh trở lại nơi cõi Dục. Giống như trời cuối hạ sang đầu thu, từ đám mây dày đặc kia phát ra ánh chớp, vừa hiện hình sắc thì liền ẩn mất. Như thế, một loại hữu tình thường ở chốn A-lan-nhã cho đến nói rộng. Vị ấy đã có được tâm gọi là dụ như ánh chớp.

Vì sao tâm của vị ấy gọi là dụ như ánh chớp? Vì tâm ý thức của vị ấy chứng quả Bất hoàn, vừa có thể tỏa sáng liền trở lại ẩn mất. Thế nên gọi là tâm dụ như ánh chớp.

3. Thế nào là tâm dụ như kim cương?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại hữu tình thường ở chốn A-lan-nhã, hoặc ở bên các gốc cây, hay trụ nơi trống vắng, siêng năng tu tập, tu tập nhiều, nên chứng được tâm định tịch tĩnh như thế. Do nương nơi tâm định ấy nên có thể dứt hết các lậu, chứng được tâm vô lậu, tuệ giải thoát. Ở trong hiện pháp nhờ có thông tuệ thù thắng, nên tự chứng biết thọ nhận các công đức viên mãn. Nghĩa là tự chứng biết: Nẻo sinh tử của Ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Ví như kim cương, không có một chút vật nào mà không thể cắt đứt, hoặc xuyên thủng, hoặc phá vỡ. Đó là những vật hoặc là sắt, ngà voi, sò ốc, hoặc sừng, hoặc châu báu, ngọc đá v.v… Như thế, một loại hữu tình thường ở chốn A-lan-nhã cho đến nói rộng. Vị ấy đã có được tâm gọi là dụ như kim cương.

Vì sao tâm của vị ấy gọi là dụ như kim cương? Vì tâm ý thức của vị ấy đã chứng được quả vô học, không có các kiết trói buộc nào mà không thể phá trừ. Thế nên gọi là tâm dụ như kim cương.

*

* Ba hữu tình: 1. Hữu tình trí tuệ bị che kín. 2. Hữu tình trí tuệ ở nơi đầu gối. 3. Hữu tình trí tuệ rộng lớn.

1. Thế nào là hữu tình trí tuệ bị che kín?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại hữu tình, vì muốn được nghe pháp nên ngồi trước vị Bí-sô, Bí-sô thương xót nên giảng nói các pháp yếu, chỉ bày các pháp trước, giữa, sau đều thiện, văn nghĩa xảo diệu, thuần nhất viên mãn, phạm hạnh trong trắng. Hữu tình ấy, ở nơi pháp tòa, đối với các pháp đã giảng nói gồm đủ các phần trước, giữa, sau đều không thể nhận biết, nhưng từ nơi tòa đứng dậy, đối với các pháp đã giảng như trước cũng không thể hiểu rõ. Vì sao? Vì hữu tình ấy đều không có trí tuệ, giống như một cái bình đậy kín, tuy rót nhiều nước nhưng không chảy vào được giọt nào. Như thế, một loại hữu tình vì muốn được nghe pháp nên ngồi trước vị Bí-sô, nói rộng cho đến hữu tình ấy hoàn toàn không có trí tuệ. Đó gọi là hữu tình trí tuệ bị che kín.

Do đâu gọi là hữu tình trí tuệ bị che kín? Vì người ấy có trí tuệ như thế, khi ở nơi pháp tòa, đối với các pháp đã giảng nói gồm đủ các phần trước, giữa, sau, tuy đều muốn nghe hiểu, nhưng do không có trí tuệ nên không thể hiểu được gì. Vị ấy có trí tuệ như vậy, nên từ tòa ngồi đứng dậy, đối với các pháp đã giảng nói như trước, tuy đều muốn hiểu nhưng vì không có trí tuệ nên cũng không thể hiểu được. Vì vậy gọi là hữu tình trí tuệ bị che kín.

2. Thế nào là hữu tình trí tuệ ở nơi đầu gối? (Rất hạn chế)

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại hữu tình, vì muốn được nghe pháp nên ngồi trước vị Bísô, Bí-sô thương xót nên giảng nói các pháp yếu, chỉ bày các pháp trước, giữa, sau đều thiện, văn nghĩa xảo diệu, thuần nhất viên mãn, phạm hạnh trong trắng. Hữu tình ấy, ở nơi pháp tòa, đối với các pháp đã giảng nói gồm đủ các phần trước, giữa, sau thảy đều có thể nhận biết, nhưng từ nơi tòa ngồi đứng dậy ra về thì đều không thể hiểu rõ, tức trước tuy lãnh nhận nhưng sau lại quên mất cả. Ví như có người được thức ăn uống ngon đem để nơi đầu gối, do mất niệm nên khi đứng lên thì tất cả thức ăn đều rơi hết. Như thế, một loại hữu tình vì muốn được nghe pháp nên ngồi trước vị Bí-sô, nói rộng cho đến sau đó quên mất cả. Đó gọi là hữu tình trí tuệ ở nơi đầu gối.

Do đâu gọi là hữu tình trí tuệ ở nơi đầu gối? Vì người ấy có trí tuệ như thế, khi ở nơi pháp tòa, đối với các pháp đã giảng nói gồm đủ các phần trước, giữa, sau đều có thể nhận biết, nhưng từ nơi tòa ngồi đứng dậy ra về thì nơi các giáo pháp ấy tuy trước đã lãnh nhận nhưng sau đấy đều quên mất. Vì vậy gọi là hữu tình trí tuệ ở nơi đầu gối.

3. Thế nào là hữu tình trí tuệ rộng lớn?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại hữu tình, do muốn được nghe pháp nên ngồi trước vị Bí-sô, Bí-sô thương xót giảng nói các pháp yếu, chỉ bày các pháp trước, giữa, sau đều thiện, văn nghĩa xảo diệu, thuần nhất viên mãn, phạm hạnh trong trắng. Hữu tình ấy, ở nơi pháp tòa, đối với các pháp đã giảng nói gồm đủ các phần trước, giữa, sau thảy đều có thể nhận biết, nhưng từ nơi tòa ngồi đứng dậy ra về vẫn còn nhớ hiểu các pháp đã lãnh nhận, lại có thể khéo nhận biết về nghĩa lý sâu xa nơi các pháp kia. Như các thiếu nữ thuộc tộc họ Sát-đế-lợi, hoặc tộc họ Bà-la-môn, hoặc là con các gia đình Trưởng giả, Cư sĩ v.v…, dùng nước sạch tắm gội, thoa các thứ dầu thơm, chải tóc, trang điểm diện mạo, mặc quần áo đẹp, mang chuỗi ngọc, vòng vàng khiến nhan sắc tăng thêm, chỉ còn thiếu các tràng hoa để cài lên mão đội đầu. Bấy giờ, nhiều người giàu sang mang các thứ tràng hoa quý, đẹp như Ốt-bát-la, Chiêm-bác-ca v.v… đem trao cho các thiếu nữ theo ý ưa thích của mình. Khi ấy, các cô gái vô cùng vui mừng, cung kính nhận lấy các tràng hoa, cài giắt lên mão đội đầu, thâm tâm yêu thích, hoàn toàn không để rơi mất. Như thế, một loại hữu tình do muốn được nghe pháp nên ngồi trước vị Bísô, nói rộng cho đến khéo nhận biết về nghĩa lý sâu xa nơi các pháp kia. Đó gọi là hữu tình trí tuệ rộng lớn.

Do đâu gọi là hữu tình trí tuệ rộng lớn? Vì người ấy có trí tuệ như thế, khi ở nơi pháp tòa, đối với các pháp đã giảng nói gồm đủ các phần trước, giữa, sau, do có trí tuệ nên thảy đều có thể nhận biết. Vị ấy có trí tuệ như vậy, nên từ nơi tòa ngồi đứng dậy ra về, thì nơi các pháp đã lãnh nhận ấy đều ghi nhớ, hiểu rõ, lại có thể khéo nhận biết về nghĩa lý sâu xa nơi các pháp kia. Vì vậy gọi là hữu tình trí tuệ rộng lớn.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Tuệ che, không thông sáng

Tuy nhiều lần nghe pháp

Không trí nên chẳng hiểu

Như rót nước bình kín.

Tuệ đầu gối hơn trước

Ngồi nghe tuy hiểu được

Đứng dậy đều quên hết

Như cơm để đầu gối.

Tuệ rộng là thù thắng

Ngồi nghe hoặc đứng dậy

Văn nghĩa đều hiểu đủ

Như thiếu nữ cài hoa.

Đủ biện tài nhớ, giữ

Ưa tu tịnh, trừ nhiễm

Dứt kiêu mạn, phóng dật

Hay bỏ các nẻo ác.

*

* Ba Thượng tọa: 1. Thượng tọa lớn tuổi. 2. Thượng tọa thế tục. 3. Thượng tọa pháp tánh.

1. Thế nào là Thượng tọa lớn tuổi?

Đáp: Là có nhiều vị già cả, lớn tuổi. Đó gọi là Thượng tọa lớn tuổi.

2. Thế nào là Thượng tọa thế tục?

Đáp: Như có các Trưởng giả giàu sang hiểu biết pháp, cùng lập quy ước: Các hữu tình hiểu biết pháp, có nhiều tài sản, ngôi vị, thuộc tộc họ lớn, có thế lực, quyến thuộc, đồ chúng đông đảo hơn chúng ta, thì chúng ta đều nên suy tôn làm Thượng tọa, cung kính cúng dường, tôn trọng khen ngợi. Do nhân duyên ấy, nên có người tuy tuổi mới hai mươi, hai mươi lăm, nếu có khả năng hiểu biết pháp, có nhiều tài sản, ngôi vị, thuộc tộc họ lớn, có thế lực, quyến thuộc, đồ chúng đông đảo, thì đều nên hòa hợp suy tôn là Thượng tọa, cung kính cúng dường, tôn trọng khen ngợi. Như các nơi thành ấp, quận huyện, kinh đô trong nước, có những người học rộng, khéo hiểu biết về toán số, biện tài, luận thư, in ấn, hoặc thành thạo tinh xảo trong các ngành nghề, đều hơn người khác, thì nên cùng hòa hợp suy tôn là Thượng tọa, cung kính cúng dường, tôn trọng khen ngợi. Như trong lãnh vực buôn bán, những người giàu có nhất cũng được nhiều người cùng hòa hợp suy tôn là Thượng tọa, cung kính cúng dường, tôn trọng khen ngợi. Hoặc như các bậc vua chúa, đại thần v.v… cũng được dân chúng cùng cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán. Như chuyện vua Nanđà thuộc dòng vua Trường Phát, muốn hưng binh chiến đấu nên chiêu mộ vua Mã Thắng thuộc dòng Sát-đế-lợi đến ban thưởng tiền bạc, vật báu, khiến vị ấy hiện bày vô số tài nghệ. Khi nhà vua biết rõ tài nghệ của Mã Thắng rồi, bèn bảo đám đại thần: Các vị nên biết! Ta muốn kính lễ nơi chân vua Mã Thắng thuộc dòng Sát-đế-lợi. Đại thần tâu: Thiên chủ không nên lễ nơi chân vua Mã Thắng thuộc dòng Sát-đế-lợi. Vì sao? Vì họ vốn là hàng quan phải phò tá nhà vua, vua không nên lạy nơi chân hàng quan phò tá được. Các sự việc như thế có vô lượng thứ. Nay ở trong nghĩa này ý nói vua Nan-đà thuộc dòng vua Trường Phát thời ấy là Thượng tọa thế tục.

3. Thế nào là Thượng tọa pháp tánh?

Đáp: Những bậc trưởng thượng, cao niên đã thọ giới cụ túc, gọi là Thượng tọa pháp tánh. Có chỗ nói đây cũng là Thượng tọa lớn tuổi. Vì sao? Vì như Đức Phật nói: Xuất gia thọ giới cụ túc, gọi là sống chân chánh. Hoặc như các Bí-sô đã chứng quả A-la-hán, các lậu hoàn toàn dứt hết, những việc cần làm đã làm xong, đã buông bỏ gánh nặng, đạt được lợi mình, trừ sạch các kiết, chánh tri giải thoát, tâm khéo tự tại v.v… Ở trong nghĩa này ý nói như thế gọi là Thượng tọa pháp tánh.

Như Đức Thế Tôn nói về các Thượng tọa, có tụng:

Tâm động nhiều thêu dệt

Ý nhiễm, tư duy loạn

Tuy ẩn lâu vườn rừng

Không phải Thượng tọa thật.

Đủ giới, trí, chánh niệm

Tịch tĩnh, tâm giải thoát

Hay quán đúng các pháp

Là Thượng tọa chân chánh.

*

* Ba tụ: 1. Tụ tà tánh định. 2. Tụ chánh tánh định. 3. Tụ bất định.

1. Thế nào là tụ tà tánh định?

Đáp: Tức là tạo năm thứ nghiệp vô gián.

2. Thế nào là tụ chánh tánh định?

Đáp: Tức là pháp hữu học và vô học.

3. Thế nào là tụ bất định?

Đáp: Tức là ngoại trừ năm nghiệp vô gián, là pháp hữu lậu khác, cùng vô vi.

*

* Ba sự nêu tội: 1. Do thấy nên nêu tội. 2. Do nghe nên nêu tội. 3. Do nghi nên nêu tội.

1. Do thấy nên nêu tội: Thế nào là thấy, thế nào là nêu tội, thế nào là sự việc, để nói là do thấy nên nêu tội?

Đáp: Thấy: Nghĩa là thấy có Bí-sô cố ý đoạn sinh mạng, vật không cho mà lấy, hành phi phạm hạnh, dâm dục, đã nhận biết đúng mà nói. Hoặc thấy có Bí-sô nói lời hư dối, cố ý xuất chất bất tịnh, ăn phi thời, uống các thứ rượu, tự tay đào đất, chặt phá cây cỏ, ca múa đàn nhạc, giắt cài hoa nơi mão đội đầu, hành tác phóng dật v.v… Đó gọi là do thấy nên nêu tội.

Tức có năm thứ nêu tội: a. Xét biết nên nêu tội. b. Nhớ nghĩ nên nêu tội. c. Nên tác pháp Yết-ma để nêu tội. d. Khi Bố-sái-tha (Bố-tát) an lập nên nêu tội. đ. Lúc Tứ cử (Tự tứ) an lập nên nêu tội.

Thế nào là xét biết nên nêu tội? Nghĩa là xét biết về Bí-sô khác, nói: Cụ thọ đã phạm tội như thế như thế, nên phát lồ sám hối, chớ nên che giấu. Nếu phát lồ sẽ được an ổn, không phát lồ tội càng nặng thêm. Đó gọi là xét biết nên nêu tội.

Thế nào là nhớ nghĩ nên nêu tội? Nghĩa là có chỉ dạy Bí-sô khác khiến họ tự nhớ nghĩ, bảo: Cụ thọ, ông đã từng phạm tội như thế như thế, nên phát lồ sám hối, chớ có che giấu. Nếu phát lồ sẽ được an ổn, không phát lồ tội càng nặng thêm. Đó gọi là nhớ nghĩ nên nêu tội.

Thế nào là nên tác pháp yết-ma để nêu tội? Nghĩa là nên bảo: Cụ thọ, chớ nên khiến tôi nhận biết mà im lặng. Ông nên ra khỏi trụ xứ này, tôi muốn nói với ông vài lời v.v… Đó gọi là nên tác pháp yếtma để nêu tội.

Thế nào là khi Bố-sái-tha (Bố-tát) an lập nên nêu tội? Nghĩa là khi Bố-sái-tha, nêu chỗ sai phạm, nói như vầy: Chúng Bí-sô đây hòa hợp cùng ngồi hành pháp Bố-tát. Tôi là Bí-sô tên v.v… nay vì hành Bố-tát nên nêu chỗ sai phạm v.v… Đó gọi là khi Bố-sái-tha an lập nên nêu tội.

Thế nào là khi Tứ cử (Tự tứ) an lập nên nêu tội? Nghĩa là khi Tứ cử, nêu chỗ sai phạm, nói như vầy: Chúng Bí-sô đây hòa hợp, cùng ngồi hành pháp Tứ cử. Tôi là Bí-sô tên v.v… nay vì chúng Tứ cử nên nêu chỗ sai phạm v.v… Đó gọi là khi Tứ cử an lập nên nêu tội.

Như vậy gọi là nêu tội. Còn sự việc tức như trước đã nói, là thấy các sự việc phạm tội. Đó gọi là sự việc. Như thế hợp gọi là do thấy nên nêu tội.

2. Do nghe nên nêu tội: Thế nào là nghe, thế nào là nêu tội, thế nào là sự việc, để nói là do nghe nên nêu tội?

Đáp: Nghe: Nghĩa là nghe có Bí-sô cố ý đoạn sinh mạng, vật không cho mà lấy, hành phi phạm hạnh, dâm dục, đã nhận biết đúng mà nói. Hoặc nghe có Bí-sô nói lời hư dối, cố ý xuất chất bất tịnh, ăn phi thời, uống các thứ rượu, tự tay đào đất, chặt phá cây cỏ, ca múa đàn nhạc, giắt cài hoa nơi mão đội đầu, hành tác phóng dật v.v… Đó gọi là do nghe nên nêu tội. Nghĩa là năm thứ nêu tội như trước đã nói. Như vậy gọi là nêu tội. Còn sự việc tức như trước đã nói, là nghe các sự việc phạm tội. Đó gọi là sự việc. Như thế hợp gọi là do nghe nên nêu tội.

3. Do nghi nên nêu tội: Thế nào là nghi, thế nào là nêu tội, thế nào là sự việc, để nói là do nghi nên nêu tội?

Đáp: Nghi: Nghĩa là do năm duyên nên sinh ra nghi: a. Do sắc. b. Do âm thanh. c. Do hương. d. Do vị. đ. Do xúc.

Do sắc nên sinh nghi: Tức như thấy có Bí-sô phi thời vào ra nơi thôn xóm, hoặc cùng với người nữ vào ra nơi tòng lâm, hoặc chơi thân với ngoại đạo, hoặc giao du với đám người Bán trạch ca, hoặc lui tới thân mật với Bí-sô-ni, với dâm nữ, với đám trai trẻ, với các người nữ lớn tuổi, các quả phụ v.v… Thấy những việc đáng nghi như thế liền sinh nghi, nên suy nghĩ: Xem Bí-sô ấy hiện làm những việc không thanh tịnh như thế, đó không phải là Sa-môn, không phải là hạnh tùy thuận. Như vậy Bí-sô ấy nhất định đã phạm tội về pháp phi phạm hạnh. Đó gọi là do sắc nên sinh nghi.

Do âm thanh nên sinh nghi: Tức như nghe việc Bí-sô phi thời vào ra nơi thôn xóm, hoặc cùng với người nữ vào ra nơi tòng lâm, hoặc chơi thân với ngoại đạo, hoặc giao du với đám người Bán trạch ca, hoặc lui tới thân mật với Bí-sô-ni, với dâm nữ, với đám trai trẻ, với các người nữ lớn tuổi, các quả phụ v.v… Nghe những việc đáng nghi như thế liền sinh nghi, nên suy nghĩ: Nghe Bí-sô ấy đã làm những việc không thanh tịnh như thế, đó không phải là Sa-môn, không phải là hạnh tùy thuận. Như vậy Bí-sô ấy nhất định đã phạm tội về pháp phi phạm hạnh. Đó gọi là do âm thanh nên sinh nghi.

Do hương nên sinh nghi: Tức như có Bí-sô hoặc do rửa tay, hoặc do rửa mặt, hoặc do uống nước, hoặc vì một lý do nào đấy nên vào chỗ ở của Bí-sô khác, ở đấy có mùi hôi tạp nhiễm như là mùi của người nữ, mùi rượu thịt, hay mùi dầu thơm thoa, xông, hoặc một thứ mùi nào khác của sự dâm dật v.v… Ngửi các mùi như thế liền sinh nghi, nên suy nghĩ: Nay nơi trụ xứ của Bí-sô này đã có các thứ mùi không thanh tịnh như thế, đó không phải là Sa-môn, không phải là hương tùy thuận. Như vậy Bí-sô ấy nhất định đã phạm tội về pháp phi phạm hạnh. Đó gọi là do hương nên sinh nghi.

Do vị nên sinh nghi: Tức như có Bí-sô hoặc do rửa tay, hoặc do rửa mặt, hoặc do uống nước, hoặc vì một lý do nào đấy nên vào chỗ ở của Bí-sô khác, thấy Bí-sô kia trong miệng có ngậm nhai những vị tạp nhiễm như chất Đam-bổ-la, long não, đậu khấu, hoặc những chất khác có vị của dâm dật v.v… Thấy như thế rồi liền sinh nghi, nên suy nghĩ: Bí-sô này nay đã nếm các vị không thanh tịnh như thế, đó không phải là Sa-môn, không phải là vị tùy thuận. Như vậy Bí-sô ấy nhất định đã phạm tội về pháp phi phạm hạnh. Đó gọi là do vị nên sinh nghi.

Do xúc nên sinh nghi: Tức như có Bí-sô hoặc do rửa tay, hoặc do rửa mặt, hoặc do uống nước, hoặc vì một lý do nào đấy nên vào chỗ ở của Bí-sô khác, thấy Bí-sô kia đang nằm trên giường tòa có hương báu, trang sức bằng những thứ lụa là mềm mại, cùng gấm vóc nhung tơ làm phu cụ. Ở hai đầu giường đều có đặt một chiếc gối đỏ, dùng vải Ca-lăng-già-hạt phủ lên. Ở chỗ vị ấy lại thấy có người nữ trẻ tuổi đẹp đẽ, hoặc nằm hay ngồi. Thấy sự việc như thế rồi liền sinh nghi, nên suy nghĩ: Nay thân của Bí-sô ấy đã tiếp xúc những việc không thanh tịnh như vậy, đó không phải là Sa-môn, không phải là xúc tùy thuận. Như vậy Bí-sô ấy nhất định đã phạm tội về pháp phi phạm hạnh. Đó gọi là do xúc nên sinh nghi.

Như vậy gọi là do nghi nên nêu tội. Nghĩa là có năm thứ nêu tội như trước đã nói. Đó gọi là nêu tội. Còn sự việc, nghĩa là các sự nghi về phạm tội ở trước, gọi là sự. Như thế hợp gọi là do nghi nên nêu tội.

*

* Ba không phòng hộ: Nghĩa là ba nghiệp của chư Như Lai đều không có lỗi lầm, đâu cần phải ẩn giấu vì sợ người khác hay biết, nên gọi là không phòng hộ. Những gì là ba thứ? 1. Hết thảy nghiệp thân hiện có của Như Lai luôn hiện hành thanh tịnh, không gì là không thanh tịnh. Nghiệp thân hiện hành do sợ người khác thấy biết nên mới phải che giấu, giữ gìn. 2. Hết thảy nghiệp ngữ hiện có của Như Lai luôn hiện hành thanh tịnh, không gì là không thanh tịnh. Nghiệp ngữ hiện hành do sợ người khác thấy biết nên mới phải che giấu, giữ gìn. 3. Hết thảy nghiệp ý hiện có của Như Lai luôn hiện hành thanh tịnh, không gì là không thanh tịnh. Nghiệp ý hiện hành do sợ người khác thấy biết nên mới phải che giấu, giữ gìn.

1. Thế nào là nghiệp thân hiện có của Như Lai luôn hiện hành thanh tịnh?

Đáp: Nghiệp thân hiện hành thanh tịnh: Đó là lìa đoạn dứt sinh mạng, lìa không cho mà lấy, lìa dâm dục tà hạnh.

Lại nữa, lìa đoạn dứt sinh mạng, lìa không cho mà lấy, lìa phi phạm hạnh.

Lại nữa, nghiệp thân của hàng hữu học hiện có luôn hiện hành thanh tịnh, nghiệp thân của bậc vô học hiện có luôn hiện hành thanh tịnh, nghiệp thân của hàng phi học phi vô học thiện hiện có luôn hiện hành thanh tịnh, gọi chung là nghiệp thân hiện hành thanh tịnh. Ở trong nghĩa này ý nói Như Lai hiện có nghiệp thân của bậc vô học luôn hiện hành thanh tịnh cùng hiện có nghiệp thân của hàng phi học phi vô học thiện luôn hiện hành thanh tịnh. Như Lai đã thành tựu đầy đủ viên mãn nghiệp thân luôn hiện hành thanh tịnh như thế, nên nói Như Lai hiện có nghiệp thân hiện hành thanh tịnh.

Vì sao nghiệp thân của Như Lai không gì là không hiện hành thanh tịnh? Nghiệp thân hiện hành không thanh tịnh: Đó là đoạn sinh mạng, không cho mà lấy, dâm dục tà hạnh.

Lại nữa, là đoạn sinh mạng, không cho mà lấy, phi phạm hạnh.

Lại nữa, nghiệp thân bất thiện hiện có, nghiệp thân dẫn đến việc phi lý hiện có, nghiệp thân hiện có có thể gây chướng ngại nơi định, gọi chung là nghiệp thân hiện hành không thanh tịnh. Đối với nghiệp thân hiện hành không thanh tịnh ấy, Như Lai đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, như diệt trừ gốc rễ cỏ dại, hay chặt đứt ngọn cây Đa-la khiến nó chết hẳn không còn sinh lại nữa. Do đó, Như Lai không cần phải ẩn giấu, ngăn che cất giữ v.v…, vì người khác không thể thấy nơi nghiệp thân của Như Lai có uế tạp gì, nên nói nghiệp thân của Như Lai không gì là không hiện hành thanh tịnh.

2. Thế nào là nghiệp ngữ hiện có của Như Lai luôn hiện hành thanh tịnh?

Đáp: Nghiệp ngữ hiện hành thanh tịnh: Đó là lìa các thứ nói dối, nói lời ly gián, nói lời thô ác, nói lời uế tạp.

Lại nữa, nghiệp ngữ của hàng hữu học hiện có luôn hiện hành thanh tịnh, nghiệp ngữ của bậc vô học hiện có luôn hiện hành thanh tịnh, nghiệp ngữ của hàng phi học phi vô học thiện hiện có luôn hiện hành thanh tịnh, gọi chung là nghiệp ngữ hiện hành thanh tịnh. Ở trong nghĩa này ý nói Như Lai hiện có nghiệp ngữ của bậc vô học luôn hiện hành thanh tịnh cùng hiện có nghiệp ngữ của hàng phi học phi vô học thiện luôn hiện hành thanh tịnh. Như Lai đã thành tựu đầy đủ viên mãn nghiệp ngữ luôn hiện hành thanh tịnh như thế, nên nói Như Lai hiện có nghiệp ngữ hiện hành thanh tịnh.

Vì sao nghiệp ngữ của Như Lai không gì là không hiện hành thanh tịnh? Nghiệp ngữ hiện hành không thanh tịnh: Đó là nói dối, nói lời ly gián, nói lời thô ác, nói lời uế tạp.

Lại nữa, nghiệp ngữ bất thiện hiện có, nghiệp ngữ dẫn đến phi lý hiện có, nghiệp ngữ hiện có có thể gây chướng ngại nơi định, gọi chung là nghiệp ngữ hiện hành không thanh tịnh. Đối với nghiệp ngữ hiện hành không thanh tịnh ấy, Như Lai đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, như diệt trừ gốc rễ cỏ dại, hay chặt đứt ngọn cây Đa-la khiến nó chết hẳn không còn sinh lại nữa. Do đó, Như Lai không cần phải ẩn giấu, ngăn che cất giữ v.v…, vì người khác không thể thấy nơi nghiệp ngữ của Như Lai có uế tạp gì, nên nói nghiệp ngữ của Như Lai không gì là không hiện hành thanh tịnh.

3. Thế nào là nghiệp ý hiện có của Như Lai luôn hiện hành thanh tịnh?

Đáp: Nghiệp ý hiện hành thanh tịnh: Đó là không tham, không sân và chánh kiến.

Lại nữa, nghiệp ý của hàng hữu học hiện có luôn hiện hành thanh tịnh, nghiệp ý của bậc vô học hiện có luôn hiện hành thanh tịnh, nghiệp ý của hàng phi học phi vô học thiện hiện có luôn hiện hành thanh tịnh, gọi chung là nghiệp ý hiện hành thanh tịnh. Ở trong nghĩa này ý nói Như Lai hiện có nghiệp ý của bậc vô học luôn hiện hành thanh tịnh cùng hiện có nghiệp ý của hàng phi học phi vô học thiện luôn hiện hành thanh tịnh. Như Lai đã thành tựu đầy đủ viên mãn nghiệp ý luôn hiện hành thanh tịnh như thế, nên nói Như Lai hiện có nghiệp ý hiện hành thanh tịnh.

Vì sao nghiệp ý của Như Lai không gì là không hiện hành thanh tịnh? Nghiệp ý hiện hành không thanh tịnh: Đó là tham, sân và tà kiến.

Lại nữa, nghiệp ý bất thiện hiện có, nghiệp ý dẫn đến phi lý hiện có, nghiệp ý hiện có có thể gây chướng ngại nơi định, gọi chung là nghiệp ý hiện hành không thanh tịnh. Đối với nghiệp ý hiện hành không thanh tịnh ấy, Như Lai đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, như diệt trừ gốc rễ cỏ dại, hay chặt đứt ngọn cây Đa-la, khiến nó chết hẳn không còn sinh lại nữa. Do đó, Như Lai không cần phải ẩn giấu, ngăn che cất giữ v.v…, vì người khác không thể thấy nơi nghiệp ý của Như Lai có uế tạp gì, nên nói nghiệp ý của Như Lai không gì là không hiện hành thanh tịnh.

**

3. Tụng nêu tổng quát thứ ba:

Ba: Ba pháp có chín

Là ba ái, lậu, cầu Cùng hữu, thân tối tăm Sợ, thọ, khổ, loại mạn.

Gồm có: Ba ái, ba lậu, ba cầu, ba hữu, ba thân tối tăm, ba sợ, ba thọ, ba tánh khổ, ba loại mạn.

*

* Ba ái: 1. Ái dục. 2. Ái sắc. 3. Ái vô sắc.

1. Thế nào là ái dục?

Đáp: Nghĩa là ở trong các dục, có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái dục.

Lại nữa, ở trong cõi Dục bị trói buộc nơi các pháp của mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn, có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái dục.

Lại nữa, dưới từ đại địa ngục Vô gián, trên lên đến trời Thahóa-tự-tại, ở trong các pháp đã gồm thâu sắc, thọ, tưởng, hành, thức, có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái dục.

2. Thế nào là ái sắc?

Đáp: Nghĩa là ở trong các sắc, có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái sắc.

Lại nữa, ở trong cõi Sắc bị trói buộc nơi các pháp của mười bốn giới, mười xứ, năm uẩn, có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái sắc.

Lại nữa, dưới từ trời Phạm chúng, trên lên đến trời Sắc cứu cánh, ở trong các pháp đã gồm thâu sắc, thọ, tưởng, hành, thức, có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái sắc.

3. Thế nào là ái vô sắc?

Đáp: Nghĩa là ở trong các vô sắc, có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái vô sắc.

Lại nữa, ở trong cõi Vô sắc bị trói buộc nơi các pháp của ba giới, hai xứ, bốn uẩn, có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái vô sắc.

Lại nữa, như cõi Dục và cõi Sắc, quyết định có các nơi chốn trên dưới cao thấp có sai biệt, không cùng xen tạp. Trong cõi Vô sắc không có sự việc như thế. Nhưng có thể dựa nơi định, dựa nơi sinh có hơn kém để nói có cao thấp. Nghĩa là dưới từ trời Không vô biên xứ, trên lên đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, ở trong các pháp đã gồm thâu thọ, tưởng, hành, thức, có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái vô sắc.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Những sĩ phu có ái

Nhiều đời luôn lưu chuyển

Luôn thọ thai tạng khổ

Qua lại nơi các cõi.

Các hữu tình đoạn ái

Bộc lưu đã đoạn dứt

Vì không ái trợ lực

Không lưu chuyển thân sau.

*

* Lại có ba ái: 1. Ái dục. 2. Ái hữu. 3. Ái không hữu.

1. Thế nào là ái dục?

Đáp: Là ở trong các dục, có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái dục.

2. Thế nào là ái hữu?

Đáp: Là ở nơi cõi Sắc và Vô sắc, có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái hữu.

3. Thế nào là ái không hữu?

Đáp: Là vui mừng nơi không hữu. Ở trong không hữu có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái không hữu.

Sự việc này lại như thế nào? Như có một loại người bị sợ hãi bức bách gây não hại, bị sầu khổ bức bách gây não hại, tiếp xúc khổ thọ, do đó đã suy nghĩ: Làm thế nào khiến thân ta sau khi chết thì đoạn hoại, là không hữu, dứt hẳn các bệnh, há chẳng an vui sao? Thế nên người ấy vui với không hữu, ở trong không hữu có các thứ tham cùng tham, sinh ra nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, đắm chấp, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là ái không hữu.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Hữu tình còn chấp ái

Tâm tham hữu, không hữu

Ma ách tạo nên ách

Thân thường không an lạc.

Lưu chuyển trong các hữu

Sinh rồi quy già, chết

Như nghé con ham sữa

Theo mẹ bú không lìa.

*

* Ba lậu: 1. Lậu dục. 2. Lậu hữu. 3. Lậu vô minh.

1. Thế nào là lậu dục?

Đáp: Trừ vô minh hệ thuộc cõi Dục, các thứ kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền hệ thuộc cõi Dục còn lại, đó gọi là lậu dục.

2. Thế nào là lậu hữu?

Đáp: Trừ vô minh hệ thuộc cõi Sắc, Vô sắc, các thứ kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền hệ thuộc cõi Sắc, Vô sắc còn lại, đó gọi là lậu hữu.

3. Thế nào là lậu vô minh?

Đáp: Nơi ba cõi đều không có trí, đó gọi là lậu vô minh.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu Bí-sô đã đoạn

Lậu dục, hữu, vô minh

Các lậu đã dứt hẳn

Bát Niết-bàn không ảnh.

*

* Ba cầu: 1. Cầu dục. 2. Cầu hữu. 3. Cầu phạm hạnh.

1. Thế nào là cầu dục?

Đáp: Trụ nơi cõi Dục, đối với các pháp ở cõi Dục, chưa được thì cầu được, các thứ cầu theo đấy mà cầu, cùng thuận cầu, mong cầu, vui cầu, xét cầu, siêng cầu. Đó gọi là cầu dục.

2. Thế nào là cầu hữu?

Đáp: Trụ nơi cõi Sắc và Vô sắc, đối với các pháp ở cõi Sắc, Vô sắc, chưa được thì cầu được, các thứ cầu v.v… cho đến siêng cầu. Đó gọi là cầu hữu.

3. Thế nào là cầu phạm hạnh?

Đáp: Tức lìa hai thứ giao tiếp, gọi là phạm hạnh. Tám chi Thánh đạo cũng gọi là phạm hạnh. Ở trong nghĩa này ý nói tám chi Thánh đạo là phạm hạnh. Các hữu tình đối với tám chi Thánh đạo này pháp nào chưa được thì cầu được, các thứ cầu v.v… cho đến siêng cầu. Đó gọi là cầu phạm hạnh.

Lại nữa, cầu dục không phải là cầu sau khi chết sẽ được sinh nơi các cõi, nhưng đối với cuộc sống hiện tại ham thích các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, tiền bạc, vật dụng hằng ngày v.v…, thứ nào chưa được thì mong đạt được, có các thứ cầu v.v… cho đến siêng cầu, đó gọi là cầu dục.

Cầu hữu: Hữu nghĩa là năm thủ uẩn, là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Như có một loại người khởi suy nghĩ: Làm thế nào nơi đời vị lai khiến ta có được các loại sắc, thọ, tưởng, hành, thức như vậy. Người ấy sau khi chết sẽ sinh nơi các cõi, đối với năm uẩn như sắc v.v… luôn có các thứ cầu v.v… cho đến siêng cầu, đó gọi là cầu hữu.

Cầu phạm hạnh: Nghĩa là từ pháp Thế đệ nhất, khi hướng đến khổ pháp trí nhẫn, có cầu phạm hạnh không có phạm hạnh. Vì sao? Vì tám chi Thánh đạo được gọi là phạm hạnh. Bấy giờ, đối với pháp ấy chưa được, chưa được gần, chưa có, chưa hiện có. Khi từ khổ pháp trí nhẫn hướng đến khổ pháp trí, thì có cầu phạm hạnh cũng có phạm hạnh. Vì sao? Vì tám chi Thánh đạo gọi là phạm hạnh. Lúc này, đối với phạm hạnh là đã được, đã được gần, đã có, đã hiện có.

Như thế, từ khổ pháp trí hướng đến khổ loại trí nhẫn, từ khổ loại trí nhẫn hướng đến khổ loại trí, từ khổ loại trí hướng đến tập pháp trí nhẫn, từ tập pháp trí nhẫn hướng đến tập pháp trí, từ tập pháp trí hướng đến tập loại trí nhẫn, từ tập loại trí nhẫn hướng đến tập loại trí, từ tập loại trí hướng đến diệt pháp trí nhẫn, từ diệt pháp trí nhẫn hướng đến diệt pháp trí, từ diệt pháp trí hướng đến diệt loại trí nhẫn, từ diệt loại trí nhẫn hướng đến diệt loại trí, từ diệt loại trí hướng đến đạo pháp trí nhẫn, từ đạo pháp trí nhẫn hướng đến đạo pháp trí, từ đạo pháp trí hướng đến đạo loại trí nhẫn, từ đạo loại trí nhẫn hướng đến đạo loại trí, từ đạo loại trí hướng đến đạo loại trí. Hoặc khi hướng đến các trí vô lậu khác thì có cầu phạm hạnh cũng có phạm hạnh. Vì sao? Vì tám chi Thánh đạo được gọi là phạm hạnh. Người kia lúc đó đối với phạm hạnh là đã được, đã được gần, đã có, đã hiện có.

Lại nữa, nếu nơi đạo thế gian, khi đã chứng được quả Nhất lai, quả Bất hoàn, thì có cầu phạm hạnh không có phạm hạnh. Vì sao? Vì tám chi Thánh đạo được gọi là phạm hạnh. Bấy giờ, đối với pháp ấy là chưa được, chưa được gần, chưa có, chưa hiện có. Nếu đối với đạo vô lậu chứng được quả Dự lưu, hoặc khi chứng được các quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, thì có cầu phạm hạnh cũng có phạm hạnh. Vì sao? Vì tám chi Thánh đạo được gọi là phạm hạnh. Lúc này, vị kia đối với phạm hạnh là đã được, đã được gần, đã có, đã hiện có.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Đủ niệm định chánh tri

Chân đệ tử chư Phật

Biết đúng cầu đạo Thánh

Trọn không cầu việc khác.

Nếu mong cầu đã diệt

Thánh đạo sẽ hướng tận

Bí-sô cầu dứt hết

Nhập Niết-bàn không ảnh.

*

* Ba hữu: 1. Hữu dục. 2. Hữu sắc. 3. Hữu vô sắc.

1. Thế nào là hữu dục?

Đáp: Nếu nghiệp thuộc cõi Dục, thủ làm duyên, chiêu cảm về dục sẽ có, là dị thục của nghiệp kia. Đó gọi là hữu dục.

2. Thế nào là hữu sắc?

Đáp: Nếu nghiệp thuộc cõi Sắc, thủ làm duyên, chiêu cảm về dục sẽ có, là dị thục của nghiệp kia. Đó gọi là hữu sắc.

3. Thế nào là hữu vô sắc?

Đáp: Nếu nghiệp thuộc cõi Vô sắc, thủ làm duyên, chiêu cảm về dục sẽ có, là dị thục của nghiệp kia. Đó gọi là hữu vô sắc.

*

* Ba thân tối tăm: 1. Thân tối tăm quá khứ. 2. Thân tối tăm vị lai. 3. Thân tối tăm hiện tại.

1. Thân tối tăm quá khứ: Quá khứ là gì, tối tăm là gì, thân là gì, để gọi là thân tối tăm quá khứ?

Đáp: Quá khứ: Nghĩa là các hành đã khởi, đã cùng khởi, đã sinh, đã cùng sinh, đã chuyển, đã hiện chuyển, đã tụ tập, đã xuất hiện, đã từ tạ đi qua, đã diệt hết, đã lìa biến, thuộc tánh quá khứ, loại quá khứ, đời quá khứ. Đó gọi là quá khứ.

Tối tăm: Nghĩa là đối với các hành quá khứ, phát khởi các thứ mong cầu các tuệ hiểu biết dị biệt, nói rộng cho đến tên độc của nghi ngờ, do dự. Đó gọi là tối tăm.

Thân: Tức có thuyết nói nghi tương ưng với vô minh gọi là thân. Ở trong nghĩa này thì nghi gọi là thân. Vì sao? Vì hắc (Đen) tức là vô trí, do hắc nên có ám (Tối) gọi là hắc ám (Tối tăm). Đây tức là nghi, tức do tối tăm này nên gọi là thân. Thế nên nói là thân tối tăm quá khứ.

2. Thân tối tăm vị lai: Vị lai là gì, tối tăm là gì, thân là gì, để gọi là thân tối tăm vị lai?

Đáp: Vị lai: Nghĩa là các hành chưa khởi, chưa cùng khởi, chưa sinh, chưa cùng sinh, chưa chuyển, chưa hiện chuyển, chưa tụ tập, chưa xuất hiện, thuộc tánh vị lai, loại vị lai, đời vị lai. Đó gọi là vị lai.

Tối tăm: Nghĩa là đối với các hành vị lai, phát khởi các thứ mong cầu các tuệ hiểu biết dị biệt, nói rộng cho đến tên độc của nghi ngờ, do dự. Đó gọi là tối tăm.

Thân: Tức có thuyết nói nghi tương ưng với vô minh gọi là thân. Ở trong nghĩa này thì nghi gọi là thân. Vì sao? Vì đen tức là vô trí, do đen nên có tối, gọi là tối tăm. Đây tức là nghi, tức do tối tăm này nên gọi là thân. Thế nên nói là thân tối tăm vị lai.

3. Thân tối tăm hiện tại: Hiện tại là gì, tối tăm là gì, thân là gì, để nói là thân tối tăm hiện tại?

Đáp: Hiện tại: Nghĩa là các hành đã khởi, đã cùng khởi, đã sinh, đã cùng sinh, đã chuyển, đã hiện chuyển, tụ tập, xuất hiện, dừng trụ, chưa từ tạ, chưa diệt hết, chưa lìa biến, đang hòa hợp hiện tiền, thuộc tánh hiện tại, loại hiện tại, đời hiện tại. Đó gọi là hiện tại.

Tối tăm: Nghĩa là đối với các hành hiện tại, phát khởi các thứ mong cầu các tuệ hiểu biết dị biệt, nói rộng cho đến tên độc của nghi ngờ, do dự. Đó gọi là tối tăm.

Thân: Tức có thuyết nói nghi tương ưng với vô minh gọi là thân. Ở trong nghĩa này thì nghi gọi là thân. Vì sao? Vì đen tức là vô trí, do đen nên có tối, gọi là tối tăm. Đây tức là nghi, tức do tối tăm này nên gọi là thân. Thế nên nói là thân tối tăm hiện tại.

*

* Ba sợ: 1. Sợ bệnh. 2. Sợ già. 3. Sợ chết.

1. Thế nào là sợ bệnh?

Đáp: Bệnh tức là như đau đầu v.v…, nói rộng như trong Luận Pháp Uẩn. Đó gọi là bệnh

Thế nào là sợ? Như có một loại người, thấy người khác bị bệnh thì hết sức lo sợ, tự nghĩ: Thân ta cũng có phần đó, cũng có tánh đó, cũng có pháp đó, chưa thể vượt qua pháp đó, do đấy nên hết sức sợ hãi, sợ hãi dựng cả lông tóc. Đó gọi là sợ.

Do bệnh dấy khởi sợ hãi nên gọi là sợ bệnh.

2. Thế nào là sợ già?

Đáp: Già tức là tóc bạc, rụng v.v…, nói rộng như trong Luận Pháp Uẩn. Đó gọi là già.

Thế nào là sợ? Như có một loại người, thấy người khác già cả thì sinh lo sợ v.v…, nói rộng cho đến sợ hãi dựng cả lông tóc. Đó gọi là sợ.

Do già dấy khởi sợ hãi nên gọi là sợ già.

3. Thế nào là sợ chết?

Đáp: Chết tức là các hữu tình kia ở nơi các tụ hữu tình ấy dời chuyển, hoại mất, nói rộng như trong Luận Pháp Uẩn. Đó gọi là chết.

Thế nào là sợ? Như có một loại người, thấy người khác chết thì hoảng sợ v.v…, nói rộng cho đến sợ hãi dựng cả lông tóc. Đó gọi là sợ.

Do chết chóc dấy khởi sợ hãi nên gọi là sợ chết.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Phàm phu tuy có thể

Chán pháp bệnh, già, chết

Nhưng không thể như thật

Chán lìa thân dựa này.

Ta vì chán thân này

Hiểu sâu rõ pháp ấy

Nên không vui trụ lâu

Mau nhập vô dư y.

Ta quán tất cả thứ

Tuổi trẻ không bệnh, chết

Bệnh, già, chết hủy hoại

Chỉ xuất ly an ổn.

Ta đã siêng tinh tấn

Thấu đạt nẻo cứu cánh

Nên không tập theo dục

Xả bỏ, tu phạm hạnh.

HẾT – QUYỂN 4