LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 3

Phẩm 3: HAI PHÁP, phần 3

* Lại có 2 pháp: 1. Xa-ma-tha. 2. Tỳ-bát-xá-na.

1. Thế nào là Xa-ma-tha?

Đáp: Tức là tánh khéo chú tâm nơi một cảnh. Đó gọi là Xama-tha.

2. Thế nào là Tỳ-bát-xá-na?

Đáp: Tức là tương ưng với pháp Xa-ma-tha, đối với các pháp cần lựa chọn nên lựa chọn tận cùng, lựa chọn tột bậc, nhân đấy đã hiểu rõ, cùng hiểu rõ, hiểu gần, hiểu khắp, trí sáng nơi cơ duyên thông đạt thẩm xét thấu suốt, tuệ nhận biết rõ hành Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là Tỳ-bát-xá-na.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Chẳng có định không tuệ

Chẳng có tuệ không định

Cần có định có tuệ

Mới chứng được Niết-bàn.

Chẳng có định không tuệ: Nghĩa là như có loại tuệ như thế, tất có đạt được loại định như thế. Nếu không có loại tuệ như vậy, tức không đạt được loại định như vậy, nên nói: “Chẳng có định không tuệ”.

Chẳng có tuệ không định: Nghĩa là như có tuệ là do định sinh ra, do định làm nhân, chủng loại của định ấy do định mà phát khởi. Nếu có loại định như thế tức có đạt được loại tuệ như thế. Nếu không có loại định như vậy tức không đạt được loại tuệ như vậy, nên nói: “Chẳng có tuệ không định”.

Cần có định có tuệ, Mới chứng được Niết-bàn: Nghĩa là khi ái đã lìa dứt hết đạt được tịch diệt gọi là Niết-bàn. Khi đó, cần đủ cả định, tuệ mới có thể chứng đắc, nếu theo đấy thiếu một thứ tất không thể chứng được. Do nhân duyên ấy nên nói: “Cần có định có tuệ, Mới chứng được Niết-bàn”.

Lại nữa, hoặc có Bổ-đặc-già-la đạt được nội tâm yên dứt, chưa được pháp quán của tuệ tăng thượng. Hoặc có Bổ-đặc-già-la đạt được pháp quán của tuệ tăng thượng, chưa được nội tâm yên dứt. Hoặc có Bổ-đặc-già-la đạt được nội tâm yên dứt cũng đạt được pháp quán của tuệ tăng thượng. Hoặc có Bổ-đặc-già-la không được nội tâm yên dứt cũng không được pháp quán của tuệ tăng thượng.

Thế nào là Bổ-đặc-già-la đạt được nội tâm yên dứt, chưa được pháp quán của tuệ tăng thượng? Nghĩa là như Bổ-đặc-già-la đạt được bốn tĩnh lự của thế gian, chưa được Thánh tuệ xuất thế gian.

Thế nào là Bổ-đặc-già-la đạt được pháp quán của tuệ tăng thượng, chưa được nội tâm yên dứt? Nghĩa là như Bổ-đặc-già-la đạt được Thánh tuệ xuất thế gian, chưa được bốn tĩnh lự của thế gian.

Thế nào là Bổ-đặc-già-la đạt được nội tâm yên dứt cũng đạt được pháp quán của tuệ tăng thượng? Nghĩa là như Bổ-đặc-già-la đạt được bốn tĩnh lự của thế gian, cũng đạt được Thánh tuệ xuất thế gian.

Thế nào là Bổ-đặc-già-la không được nội tâm yên dứt cũng không được pháp quán của tuệ tăng thượng? Nghĩa là như Bổ-đặcgià-la không được bốn tĩnh lự của thế gian, cũng không được Thánh tuệ xuất thế gian.

Như nói bốn tĩnh lự của thế gian đã tương ưng, thì tâm trụ đều trụ nơi tất cả, trụ gần, an trụ pháp đẳng trì thâu giữ khiến không hề tán loạn.

Tánh khéo chú tâm nơi một cảnh: Tức là hiển bày nội tâm được yên dứt.

Như nói được Thánh tuệ xuất thế gian gồm thâu: Tức là đối với các pháp cần lựa chọn nên lựa chọn tận cùng, lựa chọn tột bậc, nhân đấy đã hiểu rõ, cùng hiểu rõ, hiểu gần, hiểu khắp, trí sáng nơi cơ duyên thông đạt thẩm xét thấu suốt, tuệ nhận biết rõ hành Tỳ-bátxá-na. Đây là chỉ rõ pháp quán của tuệ tăng thượng.

Đó gọi là Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na.

*

* Lại có 2 pháp: 1. Minh. 2. Giải thoát.

1. Thế nào là minh?

Đáp: Nghĩa là ba thứ minh của bậc vô học. Những gì là ba? Đó là: a. Là minh vô học túc trụ tùy niệm trí tác chứng. b. Là minh vô học tử sinh trí tác chứng. c. Là minh vô học lậu tận trí tác chứng. Đó gọi là minh.

2. Thế nào là giải thoát?

Đáp: Nghĩa là ba thứ giải thoát. Đó là: a. Tâm giải thoát. b. Tuệ giải thoát. c. Vô vi giải thoát.

Tâm giải thoát: Nghĩa là tâm tương ưng với căn thiện không tham, đã thắng giải, đang thắng giải, sẽ thắng giải. Đó gọi là tâm giải thoát. Tuệ giải thoát: Nghĩa là tâm tương ưng với căn thiện không si, đã thắng giải, đang thắng giải, sẽ thắng giải. Đó gọi là tuệ giải thoát.

Vô vi giải thoát: Nghĩa là trạch diệt. Đó gọi là vô vi giải thoát.

Ở đây:

Tâm giải thoát hoặc là học, hoặc là vô học, hoặc là phi học phi vô học. Thế nào là tâm giải thoát học? Tức là bậc hữu học, tâm tương ưng với căn thiện không tham, đã thắng giải, đang thắng giải, sẽ thắng giải. Thế nào là tâm giải thoát vô học? Tức là bậc vô học, tâm tương ưng với căn thiện không tham, đã thắng giải, đang thắng giải, sẽ thắng giải. Thế nào là tâm giải thoát phi học phi vô học? Tức là tâm tương ưng với căn thiện không tham hữu lậu, đã thắng giải, đang thắng giải, sẽ thắng giải. Đó gọi là phi học phi vô học.

Tuệ giải thoát cũng có hoặc học, hoặc vô học, hoặc phi học phi vô học. Thế nào là tuệ giải thoát hữu học? Tức là bậc hữu học, tâm tương ưng với căn thiện không si, đã thắng giải, đang thắng giải, sẽ thắng giải. Thế nào là tuệ giải thoát vô học? Tức là bậc vô học, tâm tương ưng với căn thiện không si, đã thắng giải, đang thắng giải, sẽ thắng giải. Thế nào là tuệ giải thoát phi học phi vô học? Tức là tâm tương ưng với căn thiện không si hữu lậu, đã thắng giải, đang thắng giải, sẽ thắng giải. Đó gọi là phi học phi vô học.

Vô vi giải thoát chỉ có phi học phi vô học.

Đó gọi là minh, giải thoát.

*

* Lại có 2 pháp: 1. Trí tận. 2. Trí vô sinh.

1. Thế nào là trí tận?

Đáp: Tức là nhận biết như thật: Ta đã nhận biết Khổ, ta đã đoạn trừ Tập, ta đã chứng đắc Diệt, ta đã tu tập Đạo. Đây là nơi sinh ra trí thấy biết sáng suốt và tuệ hiểu quán tỏ. Đó gọi là trí tận.

2. Thế nào là trí vô sinh?

Đáp: Tức là nhận biết như thật: Ta đã nhận biết Khổ, không còn nhận biết nữa. Ta đã đoạn trừ Tập, không còn đoạn trừ nữa. Ta đã chứng đắc Diệt, không còn chứng đắc nữa. Ta đã tu tập Đạo, không còn tu tập nữa. Đây là nơi sinh ra trí thấy biết sáng suốt và tuệ hiểu quán tỏ. Đó gọi là trí vô sinh.

Lại nữa, nếu nhận biết đúng như thật đã diệt hết dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, đó gọi là trí tận. Nếu nhận biết như thật ba thứ lậu đã diệt hết, không còn sinh nữa, đó gọi là trí vô sinh.

Lại nữa, nếu nhận biết đúng như thật đã diệt hết tất cả sự trói buộc của các tùy miên, tùy phiền não, kiết, phược, đó gọi là trí tận. Nếu nhận biết đúng như thật đã diệt hết tất cả sự trói buộc của các tùy miên, tùy phiền não, kiết, phược, không còn dấy khởi nữa, đó gọi là trí vô sinh.

***

Phẩm 4: BA PHÁP, phần 1

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử lại nói với đại chúng: Các Cụ thọ nên biết! Đức Phật đối với ba pháp đã tự khéo thông đạt, hiện Đẳng giác rồi, vì các đệ tử tuyên thuyết khai thị. Nay chúng ta nên hòa hợp kết tập, để sau khi Đức Phật diệt độ chớ nên có tranh cãi, chống đối. Nên khiến cho pháp luật thuận theo phạm hạnh được trụ lâu, đem lại lợi lạc cho vô lượng hữu tình. Lại thương xót các chúng trời, người ở thế gian, khiến họ đạt được nghĩa lợi an lạc thù thắng.

Những gì là ba pháp? Ở đây có 5 Tụng tổng quát:

**

1. Tụng nêu tổng quát thứ nhất:

Ba pháp đầu có mười

Là căn, tầm, hành, giới

Ba trước đều có hai

Một sau có bốn thứ.

Gồm có: Ba căn bất thiện và ba căn thiện, ba tầm bất thiện và ba tầm thiện, ba hành ác và ba hành diệu.

Gồm có nhiều thứ ba giới: Ba giới: Dục, giận, hại. Ba giới: Xuất ly, không giận, không hại. Ba giới: Dục, sắc, vô sắc. Ba giới: Sắc, vô sắc, diệt.

*

* Ba căn bất thiện: 1. Căn bất thiện tham. 2. Căn bất thiện sân. 3. Căn bất thiện si.

1. Căn bất thiện tham: Thế nào là tham? Nghĩa là đối với cảnh dục có các thứ tham cùng tham, nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, chấp chặt, yêu thích, mê muội, đắm vướng, đam mê ưa muốn khắp, trói buộc nội tâm, dục cầu, tham đắm, là khổ tập, là loại tham, sinh ra tham v.v… gọi chung là tham. Thế nào là căn bất thiện? Tức pháp tham này tánh là bất thiện, có thể gây tạo vô lượng gốc của pháp bất thiện, thế nên pháp ấy có thể làm gốc bệnh, gốc ung nhọt, gốc tên độc, gốc sầu não, gốc khổ, gốc uế trược, gốc tạp nhiễm, gốc không thanh tịnh, gốc không trắng sạch. Do đấy gọi là căn bất thiện tham.

2. Căn bất thiện sân: Thế nào là sân? Nghĩa là đối với các hữu tình muốn gây tổn hại, tâm luôn ôm giữ sự tàn hại, muốn gây não loạn cho mọi người. Đã giận, đang giận, sẽ giận, ưa gieo họa hay các thứ tai họa trầm trọng cho người khác, ý luôn phẫn hận, hành tác trái ngược, tàn bạo đối với các hữu tình. Đã gây tội lỗi, hiện gây tội lỗi, sẽ gây tội lỗi v.v…, gọi chung là sân. Thế nào là căn bất thiện? Tức pháp sân giận này tánh là bất thiện, có thể gây tạo vô lượng gốc của pháp bất thiện, thế nên pháp ấy có thể làm gốc bệnh, gốc ung nhọt, gốc tên độc, gốc sầu não, gốc khổ, gốc uế trược, gốc tạp nhiễm, gốc không thanh tịnh, gốc không trắng sạch.

Do đấy gọi là căn bất thiện sân.

3. Căn bất thiện si: Thế nào là si? Nghĩa là đối với biên vực trước không nhận biết, biên vực sau không nhận biết, cả biên vực trước sau đều không nhận biết. Không nhận biết trong, không nhận biết ngoài, cả trong ngoài đều không nhận biết. Không nhận biết nghiệp, không nhận biết dị thục, không nhận biết dị thục của nghiệp. Đối với việc tạo nghiệp thiện không nhận biết, tạo nghiệp ác cũng không nhận biết, cả tạo nghiệp thiện ác cũng không nhận biết. Không nhận biết nhân, không nhận biết pháp do nhân sinh ra. Không nhận biết Phật, không nhận biết Pháp, không nhận biết Tăng. Đối với Khổ không nhận biết, Tập không nhận biết, Diệt không nhận biết, Đạo cũng không nhận biết. Không nhận biết pháp nào là thiện, pháp nào là bất thiện. Không nhận biết pháp nào là có tội, pháp nào là không tội. Không nhận biết pháp nào nên tu, pháp nào không nên tu. Không nhận biết pháp nào là thấp kém, pháp nào là thắng diệu. Pháp đen không nhận biết, pháp trắng cũng không nhận biết. Không nhận biết pháp nào là đối địch, pháp nào là duyên sinh. Đối với sáu xúc xứ cũng không nhận biết đúng như thật. Như thế là không thấy, không biết, không hiện quán. Tất cả đều tối tăm, ngu si, mờ mịt. Luôn bị vây bọc buộc ràng trong một màn lưới mông muội, ngờ nghệch, đầy những vẩn đục ngăn che. Từ đó phát sinh đui mù, đần độn, vô trí, diệt hết tuệ sáng, chướng ngại các pháp thiện, khiến không nhận biết Niết-bàn. Nó là lậu vô minh, là bộc lưu vô minh, là ách vô minh, là gốc độc vô minh, thân độc vô minh, cành độc vô minh, lá độc vô minh, hoa độc vô minh, quả độc vô minh. Là si cùng si, si cùng cực, si tàn tệ, là loại si sinh ra si, tàn tệ sinh ra tàn tệ v.v… gọi chung là si. Thế nào là căn bất thiện? Tức pháp si này tánh là bất thiện, có thể gây tạo vô lượng gốc của pháp bất thiện, thế nên pháp ấy có thể làm gốc bệnh, gốc ung nhọt, gốc tên độc, gốc sầu não, gốc khổ, gốc uế trược, gốc tạp nhiễm, gốc không thanh tịnh, gốc không trắng sạch. Do đấy gọi là căn bất thiện si.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Các ác tham, sân, si

Não hại nơi tâm mình

Như ruột cây có sâu

Vỏ và trái đều hư.

*

* Ba căn thiện: 1. Căn thiện không tham. 2. Căn thiện không sân. 3. Căn thiện không si.

1. Căn thiện không tham: Thế nào là không tham? Nghĩa là đối với cảnh dục có các thứ không tham không cùng tham, không nắm giữ, không cất giấu, không phòng hộ, không chấp chặt, không yêu thích, không mê muội, không đắm vướng, không đam mê ưa muốn khắp, không trói buộc nội tâm, không dục cầu, không tham đắm, không phải là khổ tập, không phải là loại tham, không phải sinh ra tham v.v… gọi chung là không tham. Thế nào là căn thiện? Tức pháp không tham này tánh là thiện, có thể gây tạo vô lượng gốc của pháp thiện, thế nên pháp ấy có thể làm gốc không bệnh, gốc không ung nhọt, gốc không tên độc, gốc không uế trược, gốc không tạp nhiễm, là gốc thanh tịnh, là gốc trắng sạch. Do đấy gọi là căn thiện không tham.

2. Căn thiện không sân: Thế nào là không sân? Nghĩa là đối với các hữu tình không gây tổn hại, tâm không ôm giữ tàn hại, không muốn gây não loạn cho mọi người. Không phải là đã từng giận, đang giận, sẽ giận, không ưa gieo họa hay các thứ tai họa trầm trọng cho người khác, ý không phẫn hận, không hành tác trái ngược, tàn bạo đối với các hữu tình. Không hề đã, đang và sẽ gây tội lỗi v.v… gọi chung là không sân. Thế nào là căn thiện? Tức pháp không sân này tánh là thiện, có thể gây tạo vô lượng gốc của pháp thiện, thế nên pháp ấy có thể làm gốc không bệnh, gốc không ung nhọt, gốc không tên độc, gốc không uế trược, gốc không tạp nhiễm, là gốc thanh tịnh, là gốc trắng sạch. Do đấy gọi là căn thiện không sân.

3. Căn thiện không si: Thế nào là không si? Nghĩa là trí nhận biết biên vực trước, trí nhận biết biên vực sau, trí nhận biết cả biên vực trước sau. Trí nhận biết trong, trí nhận biết ngoài, trí nhận biết cả trong ngoài. Trí nhận biết nghiệp, trí nhận biết dị thục, trí nhận biết cả dị thục của nghiệp. Trí nhận biết việc tạo nghiệp thiện, trí nhận biết việc tạo nghiệp ác, trí nhận biết cả việc tạo nghiệp thiện ác. Trí nhận biết nhân, trí nhận biết pháp do nhân sinh ra. Trí nhận biết Phật, Pháp, Tăng. Trí nhận biết khổ, tập, diệt, đạo. Trí nhận biết pháp thiện và pháp bất thiện. Trí nhận biết pháp có tội, pháp không tội. Trí nhận biết pháp nào nên tu, pháp nào không nên tu. Trí nhận biết pháp thấp kém, pháp thắng diệu. Trí nhận biết pháp đen, pháp trắng. Trí nhận biết pháp đối địch, pháp duyên sinh. Trí nhận biết sáu xúc xứ đúng như thật. Như thế là trí thấy biết sáng tỏ, tuệ hiểu, quán thấu suốt, gọi chung là không si. Thế nào là căn thiện? Tức pháp không si này tánh là thiện, có thể gây tạo vô lượng gốc của pháp thiện, thế nên pháp ấy có thể làm gốc không bệnh, gốc không ung nhọt, gốc không tên độc, gốc không uế trược, gốc không tạp nhiễm, là gốc thanh tịnh, là gốc trắng sạch. Do đấy gọi là căn thiện không si.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu lìa tham, sân, si

Thì gọi là bậc trí

Cũng gọi là Thượng sĩ

Không não hại tự tâm.

Thế nên phải xa lìa

Tham sân cùng vô minh

Siêng tu khởi tuệ sáng

Mau dứt hết các khổ.

*

* Ba tầm bất thiện: 1. Tầm dục. 2. Tầm giận. 3. Tầm hại.

1. Thế nào là tầm dục?

Đáp: Nghĩa là dục tham tương ưng với các tâm tìm cầu, tìm cầu khắp, tìm cầu gần, tâm hiển bày, hiển bày cùng cực, hiển bày hiện tiền, suy lường, nêu kế sách, tư duy, phân biệt. Gọi chung là tầm dục.

2. Thế nào là tầm giận?

Đáp: Nghĩa là sân giận tương ưng với các tâm tìm cầu, tìm cầu khắp, tìm cầu gần, tâm hiển bày, hiển bày cùng cực, hiển bày hiện tiền, suy lường, nêu kế sách, tư duy, phân biệt. Gọi chung là tầm giận.

3. Thế nào là tầm hại?

Đáp: Nghĩa là hại tương ưng với các tâm tìm cầu, tìm cầu khắp, tìm cầu gần, tâm hiển bày, hiển bày cùng cực, hiển bày hiện tiền, suy lường, nêu kế sách, tư duy, phân biệt. Gọi chung là tầm hại.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Tầm ác phục chúng sinh

Khiến nơi uế thấy tịnh

Càng thêm lớn tham ái

Tự buộc trói chặt mình.

*

* Ba tầm thiện: 1. Tầm xuất ly. 2. Tầm không giận. 3. Tầm không hại.

1. Thế nào là tầm xuất ly?

Đáp: Nghĩa là suy xét về các lỗi lầm tai họa do tầm dục gây ra. Do tầm dục này là pháp bất thiện, chỉ có hạng thấp kém mới tin hiểu hành tác. Tất cả chư Như Lai cùng các đệ tử, những bậc Hiền quý, Thiện sĩ đều cùng chê trách, chán lìa, vì pháp ấy hại mình, hại người và hại cả hai, có thể diệt mất trí tuệ, tạo chướng ngại cho các đạo phẩm và Niết-bàn. Nếu hành theo pháp ấy thì không sinh thông tuệ, không dẫn đến Bồ-đề, không chứng được Niết-bàn. Khi suy xét về các lỗi lầm tai họa của tầm dục như thế, các tâm luôn tìm cầu, tìm cầu khắp, tìm cầu gần, tâm hiển bày, hiển bày tận cùng, hiển bày hiện tiền, suy lường, nêu kế sách, tư duy, phân biệt. Đó gọi là tầm xuất ly.

Lại nữa, vì nhằm đoạn trừ tầm dục nên suy xét về các công đức của tầm xuất ly. Nghĩa là tầm xuất ly này là pháp thắng thiện, được những bậc tôn thắng luôn tin hiểu hành trì. Tất cả chư Như Lai cùng các đệ tử, những bậc Hiền quý, Thiện sĩ đều cùng khen ngợi, vì pháp ấy không hại mình, không hại người hay không hại cả hai, cũng không diệt mất trí tuệ, không tạo chướng ngại cho các đạo phẩm và Niết-bàn. Nếu hành theo pháp ấy thì có thể phát sinh thông tuệ, có thể dẫn đến Bồ-đề, có thể chứng đắc Niết-bàn. Khi suy xét về các công đức của tầm xuất ly như thế, các tâm luôn tìm cầu v.v…, cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm xuất ly.

Lại nữa, suy xét về tầm dục như bệnh, như ung nhọt, như tên độc gây não hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã v.v… chuyển động, gây khó nhọc, mệt mỏi, suy yếu v.v…, là pháp hư hoại. Nó hiện ra nhanh chóng, không hề dừng nghỉ, luôn suy tàn, mục nát, không phải thường hằng, không thể bảo vệ tin cậy, vì là pháp biến hoại. Khi suy xét về các tầm dục như thế, các tâm luôn tìm cầu v.v…, cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm xuất ly.

Lại nữa, vì nhằm đoạn trừ tầm dục, nên tư duy về diệt là sự tịch tĩnh chân thật, tư duy về đạo là nẻo xuất ly chân thật. Khi tư duy về diệt, đạo như thế, các tâm luôn tìm cầu v.v…, cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm xuất ly.

Lại nữa, khi tư duy về định tâm xả và đạo tâm xả tương ưng với định, là định vô tưởng, định diệt tận và trạch diệt. Khi tư duy như thế, các tâm luôn tìm cầu v.v…, cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm xuất ly.

Lại nữa, khi tư duy về nẻo xuất ly và xuất ly tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức, và khi người ấy cùng khởi nghiệp thân, ngữ, nhưng tâm không tương ưng với hành v.v…, các tâm luôn tìm cầu v.v… cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm xuất ly.

2. Thế nào là tầm không giận?

Đáp: Nghĩa là suy xét về các lỗi lầm tai họa do tầm giận gây ra. Do tầm giận này là pháp bất thiện, chỉ có hạng thấp kém mới tin hiểu hành tác. Tất cả chư Như Lai cùng các đệ tử, những bậc Hiền quý, Thiện sĩ đều cùng chê trách, chán lìa, vì pháp ấy hại mình, hại người và hại cả hai, có thể diệt mất trí tuệ, tạo chướng ngại cho các đạo phẩm và Niết-bàn. Nếu hành theo pháp ấy thì không sinh thông tuệ, không dẫn đến Bồ-đề, không chứng được Niết-bàn. Khi suy xét về các lỗi lầm tai họa của tầm giận như thế, các tâm luôn tìm cầu, tìm cầu khắp, tìm cầu gần, tâm hiển bày, hiển bày tận cùng, hiển bày hiện tiền, suy lường, nêu kế sách, tư duy, phân biệt. Đó gọi là tầm không giận.

Lại nữa, vì nhằm đoạn trừ tầm giận nên suy xét về các công đức của tầm không giận. Nghĩa là tầm không giận này là pháp thắng thiện, được những bậc tôn thắng luôn tin hiểu hành trì. Tất cả chư Như Lai cùng các đệ tử, những bậc Hiền quý, Thiện sĩ đều cùng khen ngợi, vì pháp ấy không hại mình, không hại người hay không hại cả hai, cũng không diệt mất trí tuệ, không tạo chướng ngại cho các đạo phẩm và Niết-bàn. Nếu hành theo pháp ấy thì có thể phát sinh thông tuệ, có thể dẫn đến Bồ-đề, có thể chứng đắc Niết-bàn. Khi suy xét về các công đức của tầm không giận như thế, các tâm luôn tìm cầu v.v… cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm không giận.

Lại nữa, suy xét về tầm giận như bệnh, như ung nhọt, như tên độc gây não hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã v.v… chuyển động, gây khó nhọc, mệt mỏi, suy yếu v.v…, là pháp hư hoại. Nó hiện ra nhanh chóng, không hề dừng nghỉ, luôn suy tàn, mục nát, không phải thường hằng, không thể bảo vệ tin cậy, vì là pháp biến hoại. Khi suy xét về các tầm giận như thế, các tâm luôn tìm cầu v.v… cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm không giận.

Lại nữa, vì nhằm đoạn trừ tầm giận, nên tư duy về diệt là sự tịch tĩnh chân thật, tư duy về đạo là nẻo xuất ly chân thật. Khi tư duy về diệt, đạo như thế, các tâm luôn tìm cầu v.v… cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm không giận.

Lại nữa, khi tư duy về định tâm từ và đạo tâm từ tương ưng với định, là định vô tưởng, định diệt tận và trạch diệt. Khi tư duy như thế, các tâm luôn tìm cầu v.v… cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm không giận.

Lại nữa, khi tư duy về không giận và không giận tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức, và khi người ấy cùng khởi nghiệp thân, ngữ, nhưng tâm không tương ưng với hành v.v…, các tâm luôn tìm cầu v.v… cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm không giận.

3. Thế nào là tầm không hại?

Đáp: Nghĩa là suy xét về các lỗi lầm tai họa do tầm hại gây ra. Do tầm hại này là pháp bất thiện, chỉ có hạng thấp kém mới tin hiểu hành tác. Tất cả chư Như Lai cùng các đệ tử, những bậc Hiền quý, Thiện sĩ đều cùng chê trách, chán lìa, vì pháp ấy hại mình, hại người và hại cả hai, có thể diệt mất trí tuệ, tạo chướng ngại cho các đạo phẩm và Niết-bàn. Nếu hành theo pháp ấy thì không sinh thông tuệ, không dẫn đến Bồ-đề, không chứng được Niết-bàn. Khi suy xét về các lỗi lầm tai họa của tầm hại như thế, các tâm luôn tìm cầu, tìm cầu khắp, tìm cầu gần, tâm hiển bày, hiển bày tận cùng, hiển bày hiện tiền, suy lường, nêu kế sách, tư duy, phân biệt. Đó gọi là tầm không hại.

Lại nữa, vì nhằm đoạn trừ tầm hại nên suy xét về các công đức của tầm không hại. Nghĩa là tầm không hại này là pháp thắng thiện, được những bậc tôn thắng luôn tin hiểu hành trì. Tất cả chư Như Lai cùng các đệ tử, những bậc Hiền quý, Thiện sĩ đều cùng khen ngợi, vì pháp ấy không hại mình, không hại người hay không hại cả hai, cũng không diệt mất trí tuệ, không gây chướng ngại cho các đạo phẩm và Niết-bàn. Nếu hành theo pháp ấy thì có thể phát sinh thông tuệ, có thể dẫn đến Bồ đề, có thể chứng đắc Niết-bàn. Khi suy xét về các công đức của tầm không hại như thế, các tâm luôn tìm cầu v.v…, cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm không hại.

Lại nữa, suy xét về tầm hại như bệnh, như ung nhọt, như tên độc gây não hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã v.v… chuyển động, gây khó nhọc, mệt mỏi, suy yếu v.v…, là pháp hư hoại. Nó hiện ra nhanh chóng, không hề dừng nghỉ, luôn suy tàn, mục nát, không phải thường hằng, không thể bảo vệ tin cậy, vì là pháp biến hoại. Khi suy xét về các tầm hại như thế, các tâm luôn tìm cầu v.v…, cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm không hại.

Lại nữa, vì nhằm đoạn trừ tầm hại, nên tư duy về diệt là sự tịch tĩnh chân thật, tư duy về đạo là nẻo xuất ly chân thật. Khi tư duy về diệt, đạo như thế, các tâm luôn tìm cầu v.v…, cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm không hại.

Lại nữa, khi tư duy về định tâm bi và đạo tâm bi tương ưng với định, là định vô tưởng, định diệt tận và trạch diệt. Khi tư duy như thế, các tâm luôn tìm cầu v.v…, cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm không hại.

Lại nữa, khi tư duy về không hại và không hại tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức, và khi người ấy cùng khởi nghiệp thân, ngữ, nhưng tâm không tương ưng với hành v.v…, các tâm luôn tìm cầu v.v…, cho đến phân biệt. Đó gọi là tầm không hại.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Ưa diệt các tầm ác

Siêng tu quán bất tịnh

Thường nghĩ đoạn tham ái

Hay hoại trói buộc chắc.

*

* Ba hành ác: 1. Thân hành ác. 2. Miệng nói ác. 3. Ý nghĩ ác.

1. Thế nào là thân hành ác?

Đáp: Nghĩa là đoạn dứt sinh mạng, không cho mà lấy và dâm dục tà hạnh. Lại nữa, là đoạn dứt sinh mạng, không cho mà lấy và phi phạm hạnh. Lại nữa, hết thảy nghiệp thân bất thiện hiện có, hết thảy nghiệp thân hiện có dẫn đến không đúng lý, hết thảy nghiệp thân hiện có gây chướng ngại nơi định, gọi chung là thân hành ác.

2. Thế nào là miệng hành ác?

Đáp: Nghĩa là nói dối, nói lời ly gián, nói lời thô ác, nói lời uế tạp. Lại nữa, hết thảy nghiệp ngữ bất thiện hiện có, hết thảy nghiệp ngữ hiện có dẫn đến không đúng lý, hết thảy nghiệp ngữ hiện có gây chướng ngại nơi định, gọi chung là miệng hành ác.

3. Thế nào là ý hành ác?

Đáp: Nghĩa là tham dục, giận dữ, tà kiến. Lại nữa, hết thảy nghiệp ý bất thiện hiện có, hết thảy nghiệp ý hiện có dẫn đến không đúng lý, hết thảy nghiệp ý hiện có gây chướng ngại nơi định, gọi chung là ý hành ác.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu thân tạo hành ác

Miệng, ý hành ác rồi

Không tu pháp đối trị

Nên đọa nơi địa ngục.

*

* Ba hành diệu: 1. Thân hành diệu. 2. Miệng hành diệu. 3. Ý hành diệu.

1. Thế nào là thân hành diệu?

Đáp: Nghĩa là lìa bỏ đoạn dứt sinh mạng, lìa bỏ không cho mà lấy, lìa bỏ dâm dục tà hạnh. Lại nữa, lìa bỏ đoạn dứt sinh mạng, lìa bỏ không cho mà lấy, lìa bỏ phi phạm hạnh. Lại nữa, các nghiệp thân của hàng hữu học, các nghiệp thân của bậc vô học, các nghiệp thân thiện của hàng phi học phi vô học, gọi chung là thân hành diệu.

2. Thế nào là miệng hành diệu?

Đáp: Nghĩa là lìa bỏ nói dối, lìa bỏ nói lời ly gián, lìa bỏ nói lời thô ác, lìa bỏ nói lời uế tạp. Lại nữa, các nghiệp ngữ của hàng hữu học, các nghiệp ngữ của bậc vô học, các nghiệp ngữ thiện của hàng phi học phi vô học, gọi chung là miệng hành diệu.

3. Thế nào là ý hành diệu?

Đáp: Nghĩa là không tham, không giận và chánh kiến. Lại nữa, các nghiệp ý của hàng hữu học, các nghiệp ý của bậc vô học, các nghiệp ý thiện của hàng phi học phi vô học, gọi chung là ý hành diệu.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu thân tu hành diệu

Miệng, ý hành diệu rồi

Duyên trở ngại đều không

Nên sinh Thiên thọ lạc.

*

– Các giới dục, giận, hại. Các giới xuất ly, không giận, không hại: Như nơi Luận Pháp Uẩn đã nêu.

*

– Giới dục, giới sắc, giới vô sắc: Cũng như nơi Luận Pháp Uẩn đã nêu. Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Các hữu hay biết khắp

Giới dục, sắc, vô sắc

Khởi nương nơi tất cả

Sẽ chạm vô dư y.

Thân chứng giới cam lồ

Vô lậu không nghĩ bàn

Thế Tôn nói Niết-bàn

Vì lợi ích quần sinh.

*

– Giới sắc, giới vô sắc và giới diệt: Cũng như nơi Luận Pháp Uẩn đã nêu. Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Hữu tình trụ giới sắc

Cùng trụ giới vô sắc

Không chứng biết nơi diệt

Nhất định đến thân sau.

Nếu biết khắp giới sắc

Không trụ nơi vô sắc

Hướng đến diệt cứu cánh

Tức giải thoát sinh tử.

**

2. Tụng nêu tổng quát thứ hai:

Hai: Ba pháp có mười

Đời, ngôn y, xứ, hành

Tâm, sổ thú, Thượng tọa

Tụ, cử, không hộ, ba.

Gồm có: Ba đời, ba ngôn y, ba xứ sắc, ba hành, ba tâm, ba Bổ-đặc-già-la, ba Thượng tọa, ba tụ, ba sự nêu tội, ba không phòng hộ.

*

* Ba đời: 1. Đời quá khứ. 2. Đời vị lai. 3. Đời hiện tại.

1. Thế nào là đời quá khứ?

Đáp: Nghĩa là các hành đã khởi, đã cùng khởi, đã sinh, đã cùng sinh, đã chuyển, đã hiện chuyển, đã tụ tập, đã xuất hiện, đều tàn tạ đi qua, là diệt hết, là lìa biến, là tánh quá khứ, là loại quá khứ, thuộc về đời quá khứ. Đó gọi là đời quá khứ.

2. Thế nào là đời vị lai?

Đáp: Nghĩa là các hành chưa khởi, chưa cùng khởi, chưa sinh, chưa cùng sinh, chưa chuyển, chưa hiện chuyển, chưa tụ tập, chưa xuất hiện, là tánh vị lai, là loại vị lai, thuộc về đời vị lai. Đó gọi là đời vị lai.

3. Thế nào là đời hiện tại?

Đáp: Nghĩa là các hành đã khởi, đã cùng khởi, đã sinh, đã cùng sinh, đã chuyển, đã hiện chuyển, tụ tập, xuất hiện, trụ dừng, chưa tàn tạ, chưa diệt hết, chưa lìa biến, đang hòa hợp hiện tiền, là tánh hiện tại, là loại hiện tại, thuộc về đời hiện tại. Đó gọi là đời hiện tại.

Đời là nghĩa thế nào? Đáp: Đời là hiển bày các hành tăng ngữ.

*

* Ba ngôn y: 1. Quá khứ ngôn y. 2. Vị lai ngôn y. 3. Hiện tại ngôn y.

1. Quá khứ ngôn y: Quá khứ là gì, ngôn là gì, y là gì, mà nói là Quá khứ ngôn y?

Đáp: Các hành đã khởi, đã cùng khởi, đã sinh, đã cùng sinh, đã chuyển, đã hiện chuyển, đã tụ tập, đã xuất hiện, đã tàn tạ đi qua, là diệt hết, là lìa biến, là tánh quá khứ, là loại quá khứ, thuộc về đời quá khứ, đó gọi là quá khứ. Tức y (Nương dựa) vào quá khứ như thế các hành đã khởi: Nói năng, nêu bày, bình luận, kêu gọi, tuyên thuyết, hiển thị, dạy khuyên nơi ngữ lộ, ngữ âm, ngữ nghiệp, ngữ biểu, đó gọi là ngôn. Tức như những điều đã nói ở trước, các hành của quá khứ cũng gọi là y (Nương dựa). Là ngôn nhân nơi gốc, theo con đường của mắt duyên khởi nên liên tục phát sinh, có thể tạo sinh duyên tập cùng khởi, vì dựa vào các hành của quá khứ khởi các ngôn thuyết, nên các hành của quá khứ gọi là Quá khứ ngôn y.

2. Vị lai ngôn y: Vị lai là gì, ngôn là gì, y là gì, mà nói là Vị lai ngôn y?

Đáp: Các hành chưa khởi, chưa cùng khởi, chưa sinh, chưa cùng sinh, chưa chuyển, chưa hiện chuyển, chưa tụ tập, chưa xuất hiện, là tánh vị lai, là loại vị lai, thuộc về đời vị lai, đó gọi là vị lai. Tức y (Nương dựa) vào vị lai như thế các hành đã khởi: Nói năng, nêu bày, bình luận, kêu gọi, tuyên thuyết, hiển thị, dạy khuyên nơi ngữ lộ, ngữ âm, ngữ nghiệp, ngữ biểu, đó gọi là ngôn. Tức như những điều đã nói ở trước, các hành của vị lai cũng gọi là y (Nương dựa). Là ngôn nhân nơi gốc, theo con đường của mắt duyên khởi nên liên tục phát sinh, có thể tạo sinh duyên tập cùng khởi, vì dựa vào các hành của vị lai khởi các ngôn thuyết, nên các hành của vị lai gọi là Vị lai ngôn y.

3. Hiện tại ngôn y: Hiện tại là gì, ngôn là gì, y là gì, mà nói là Hiện tại ngôn y?

Đáp: Các hành đã khởi, đã cùng khởi, đã sinh, đã cùng sinh, đã chuyển, đã hiện chuyển, tụ tập, xuất hiện, trụ dừng, chưa tàn tạ, chưa diệt hết, chưa lìa biến, đang hòa hợp hiện tiền, là tánh hiện tại, là loại hiện tại, thuộc về đời hiện tại, đó gọi là hiện tại. Tức y (Nương dựa) vào hiện tại như thế các hành đã khởi: Nói năng, nêu bày, bình luận, kêu gọi, tuyên thuyết, hiển thị, dạy khuyên nơi ngữ lộ, ngữ âm, ngữ nghiệp, ngữ biểu, đó gọi là ngôn. Tức như những điều đã nói ở trước, các hành của hiện tại cũng gọi là y (Nương dựa). Là ngôn nhân nơi gốc, theo con đường của mắt duyên khởi nên liên tục phát sinh, có thể tạo sinh duyên tập cùng khởi, vì dựa vào các hành của hiện tại khởi các ngôn thuyết, nên các hành của hiện tại cũng gọi là Hiện tại ngôn y.

Không có loại thứ tư, thứ năm, vì dựa vào hữu vi mà nói. Nghĩa là pháp hữu vi chỉ có ba thứ, lại không có loại thứ tư, thứ năm có thể đạt được. Có thuyết nói đây là dựa vào tất cả pháp mà nói, các pháp vô vi tức thuộc vào hiện tại ngôn y. Lại không có loại thứ tư, thứ năm có thể đạt được. Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Hữu tình ưa ngôn tưởng

Hằng nương ngôn tưởng trụ

Chưa biết khắp ngôn tưởng

Vào sinh tử vô cùng.

Nếu biết khắp ngôn tưởng

Nơi khác không ngôn thuyết

Cũng chẳng ưa khác nói

Thường vui tu tĩnh lự.

Định tịch siêng tinh tấn

Thấy bờ sinh tử hết

Diệt trừ các quân ma

Vượt sinh tử, bờ kia.

*

* Ba xứ sắc: Nghĩa là có ba xứ gồm thâu tất cả sắc. Những gì là ba? 1. Có sắc, có kiến, có đối. 2. Có sắc, không kiến, có đối. 3. Có sắc, không kiến, không đối.

1. Thế nào là có sắc, có kiến, có đối?

Đáp: Đó là một xứ.

2. Thế nào là có sắc, không kiến, có đối?

Đáp: Đó là chín xứ.

3. Thế nào là có sắc, không kiến, không đối?

Đáp: Đó là phần ít của một xứ.

*

* Ba hành: 1. Hành của thân. 2. Hành của miệng. 3. Hành của ý.

1. Thế nào là hành của thân?

Đáp: Thân cũng gọi là hành của thân. Nghiệp thân cũng gọi là hành của thân. Hít vào thở ra cũng gọi là hành của thân. Ở trong nghĩa này ý nói hít vào thở ra là hành của thân. Vì sao? Vì hít vào, nghĩa là hô hấp đưa khí từ ngoài vào trong thân. Thở ra, tức là đưa khí từ trong thân ra ngoài. Do lực của cách thế đó nên khiến thân chuyển động thông suốt và được yên ổn. Thế nên hít vào thở ra gọi là hành của thân.

2. Thế nào là hành của miệng?

Đáp: Lời nói cũng gọi là hành của miệng. Nghiệp ngữ cũng gọi là hành của miệng. Tầm tứ (giác, quán) cũng gọi là hành của miệng. Ở trong nghĩa này ý nói tầm tứ là hành của miệng. Vì sao? Vì cần phải tầm tứ rồi mới phát ra lời nói, không phải là không tầm tứ. Thế nên tầm tứ gọi là hành của miệng.

3. Thế nào là hành của ý?

Đáp: Ý cũng gọi là hành của ý. Nghiệp ý cũng gọi là hành của ý. Tưởng, tư cũng gọi là hành của ý. Ở trong nghĩa này ý nói tưởng tư là hành của ý. Vì sao? Vì tưởng và tư là pháp tâm sở, nương dựa nơi tâm, hệ thuộc vào tâm, nương vào tâm mà chuyển lại hỗ trợ cho tâm. Thế nên tưởng tư gọi là hành của ý.

HẾT – QUYỂN 3