LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 12

Phẩm 21: DUYÊN KHỞI, phần 2

4. Thế nào là Danh sắc duyên Lục xứ?

Đáp: Nghĩa là có một loại hữu tình bị lạnh bức bách nên mong cầu được ấm áp. Khi được ấm áp rồi liền khởi trong thân sự ấm áp kết hợp với đại chủng. Ở đây, hoặc ấm áp, hoặc ấm áp kết hợp cùng đại chủng gọi là sắc, tức sắc ấy đã sinh ra thọ tưởng hành thức, gọi là danh. Do danh sắc nầy nên các căn nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý đều được tăng trưởng. Đó gọi là Danh sắc duyên Lục xứ.

Trường hợp bị nóng bức bách mong cầu được mát mẻ, nên biết cũng như vậy.

Lại có một loại hữu tình bị đói bức bách nên mong cầu được ăn. Khi ăn no đủ rồi liền dấy khởi trong thân sự ăn no kết hợp với đại chủng. Ở đây, hoặc ăn no, hoặc ăn no kết hợp cùng đại chủng gọi là sắc, tức nơi sắc ấy đã sinh thọ tưởng hành thức, gọi là danh. Do danh sắc nầy nên các căn nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý đều được tăng trưởng. Đó gọi là Danh sắc duyên Lục xứ.

Lại có một loại hữu tình bị khát bức bách nên mong cầu được uống. Khi uống đã khát rồi liền dấy khởi trong thân sự uống kết hợp với đại chủng. Ở đây, hoặc uống, hoặc uống kết hợp với đại chủng, gọi là sắc, tức nơi sắc ấy đã sinh thọ tưởng hành thức, gọi là danh. Do danh sắc nầy nên các căn nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý đều được tăng trưởng. Đó gọi là Danh sắc duyên Lục xứ.

Lại có một loại hữu tình bị mỏi mệt bức bách nên mong cầu được nghỉ ngơi. Khi được ngủ nghỉ toại ý rồi liền dấy khởi trong thân sự nghỉ ngơi kết hợp với đại chủng. Ở đây, hoặc nghỉ ngơi, hoặc nghỉ ngơi kết hợp với đại chủng, gọi là sắc, tức nơi sắc ấy đã sinh thọ tưởng hành thức, gọi là danh. Do danh sắc nầy nên các căn nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý đều được tăng trưởng. Đó gọi là Danh sắc duyên Lục xứ.

Lại có một loại hữu tình, vào lúc quá nóng gắt bị nóng khát bức bách, nên đi vào ao nước trong mát tùy ý tắm uống, liền khởi trong thân sự tắm uống kia kết hợp với đại chủng. Ở đây, hoặc nước trong mát, hoặc nước được tắm uống kết hợp với đại chủng gọi là sắc, tức nơi sắc nầy đã sinh thọ tưởng hành thức, gọi là danh. Do danh sắc nầy nên các căn nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý đều được tăng trưởng. Đó gọi là Danh sắc duyên Lục xứ.

Lại nữa, trong Kinh Giáo Hối Phả Lặc Lũ Na, Đức Phật nói: Nầy Phả-lặc-lũ-na! Vì thức làm thức ăn nên đời sau sinh khởi. Thức nầy là thế nào? Nghĩa là Kiện-đạt-phược v.v… nói rộng cho đến cùng hòa hợp với tự thể Yết-lạt-lam. Tự thể Yết-lạt-lam hòa hợp nầy gọi là sắc, tức nơi sắc ấy đã sinh ra thọ, tưởng, hành thức, gọi là danh. Bấy giờ, tác ý phi lý cùng sinh danh sắc làm duyên, trong bào thai mẹ sắu căn sinh khởi. Đó gọi là Danh sắc duyên Lục xứ.

Lại nữa, trong Kinh Giáo Hối Sa Để, Đức Phật nói: Ba sự hòa hợp nên nhập nơi bào thai mẹ v.v… nói rộng cho đến thức nầy không gián đoạn, nhập nơi bào thai mẹ. Sự nhập thai nầy gọi là sắc, tức nơi sắc ấy đã sinh thọ, tưởng, hành thức, gọi là danh. Bấy giờ, tác ý phi lý cùng sinh danh sắc làm duyên, trong bào thai mẹ sáu căn sinh khởi.

Đó gọi là Danh sắc duyên Lục xứ.

Lại có một loại hữu tình tâm bị tham sân si trói buộc nên tạo ra ba thứ hành ác của thân ngữ ý, trong đó hành ác của thân ngữ gọi là sắc, hành ác của ý gọi là danh. Do danh sắc của hành ác nầy làm duyên, nên sau khi mạng chung bị đọa vào địa ngục, sáu căn sinh khởi. Đó gọi là Danh sắc duyên Lục xứ.

Như nói về địa ngục, các nẻo bàng sinh, cõi quỷ, nên biết cũng như vậy.

Lại có một loại hữu tình luôn chú tâm mong cầu các thứ an vui nơi cõi người. Nhân nơi sự mong cầu đó nên người ấy đã tạo ra các hành diệu của thân ngữ ý có thể chiêu cảm nơi cõi người. Ở đây, hành diệu của thân ngữ gọi là sắc, hành diệu của ý gọi là danh. Do danh sắc của hành diệu nầy làm duyên, nên sau khi mạng chung được sinh nơi cõi người, sáu căn sinh khởi. Đó gọi là Danh sắc duyên Lục xứ.

Như nói về cõi người, các cõi trời như trời Tứ Đại Vương chúng v.v… cho đến cõi trời Tha-hóa-tự-tại, nên biết cũng như vậy.

Lại có một loại hữu tình đối với cõi trời Phạm chúng luôn chú tâm mong cầu. Nhân nơi sự mong cầu ấy nên người ấy siêng năng tu tập gia hạnh, lìa bỏ dục và các pháp ác bất thiện v.v… cho đến trụ đầy đủ vào bậc tĩnh lự thứ nhất. Ở trong định nầy, các thứ luật nghi của thân và ngữ cùng đời sống thanh tịnh gọi là sắc. Tức nơi sắc nầy đã sinh ra thọ, tưởng, hành, thức, gọi là danh. Do nhân duyên ấy nên sau khi mạng chung được sinh vào chúng đồng phận của cõi trời Phạm chúng, sáu căn sinh khởi. Đó gọi là Danh sắc duyên Lục xứ.

Như nói về cõi trời Phạm chúng, các cõi trời Phạm phụ v.v…cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, theo chỗ ứng hợp nên biết cũng như vậy. Đó gọi là Danh sắc duyên Lục xứ.

Như vậy các lục xứ đều do danh sắc làm duyên, danh sắc làm chỗ nương dựa, danh sắc tạo sự kiến lập, nên sinh khởi cùng sinh khởi, tụ tập xuất hiện. Đó gọi là Danh sắc duyên Lục xứ.

Thế nào là Danh sắc duyên Xúc?

Đáp: Nghĩa là mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc. Ở đây, mắt và sắc gọi là sắc, tức sắc ấy đã sinh ra thọ, tưởng, hành, thức, gọi là danh. Danh sắc như thế làm duyên sinh ra nhãn xúc. Đó gọi là danh sắc duyên xúc v.v… Cho đến ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba thứ đó hòa hợp nên sinh ra xúc. Trong ấy, các ý thức nhận biết về sắc gọi là sắc, tức nơi sắc nầy đã sinh ra thọ, tưởng, hành, thức, gọi là danh. Danh sắc như thế làm duyên sinh ra ý xúc. Đó gọi là Danh sắc duyên Xúc.

Lại nữa, trong Kinh Giáo Hối Phả Lặc Lũ Na, Đức Phật nói: Nầy Phả-lặc-lũ-na! Do thức làm thức ăn nên đời sau sinh khởi. Thức nầy là thế nào? Nghĩa là Kiện-đạt-phược v.v… nói rộng cho đến hòa hợp cùng tự thể Yết-lạt-lam. Tự thể Yết-lạt-lam hòa hợp nầy gọi là sắc, tức nơi sắc nầy đã sinh ra thọ, tưởng, hành, thức gọi là danh. Bấy giờ, tác ý phi lý cùng sinh danh sắc làm duyên, trong bào thai mẹ các xúc sinh khởi. Đó gọi là Danh sắc duyên Xúc

Lại nữa, trong Kinh Giáo Hối Sa Để, Đức Phật nói: Ba sự hòa hợp nên nhập nơi bào thai mẹ v.v… nói rộng cho đến thức nầy không gián đoạn nhập nơi bào thai mẹ. Sự nhập thai ấy gọi là sắc, tức nơi sắc đó đã sinh ra thọ, tưởng, hành thức, gọi là danh. Bấy giờ, tác ý phi lý cùng sinh danh sắc làm duyên, trong bào thai mẹ các xúc sinh khởi. Đó gọi là Danh sắc duyên Xúc.

Lại có một loại hữu tình, do tham sân si buộc trói tâm, nên tạo ra ba thứ hành ác của thân ngữ ý. Ở đây, hành ác của thân, ngữ gọi là sắc, hành ác của ý gọi là danh. Do danh sắc của hành ác nầy làm duyên, nên sau khi mạng chung bị đọa vào địa ngục, ở đấy các xúc sinh khởi. Đó gọi là Danh sắc duyên Xúc.

Như nói về địa ngục, các cõi bàng sinh, quỷ, nên biết cũng như vậy.

Lại có một loại hữu tình luôn chú tâm mong cầu các thứ an vui nơi cõi người. Nhân nơi mong cầu ấy nên người ấy tạo ra các hành diệu của thân, ngữ, ý có thể chiêu cảm nơi cõi người. Ở đây hành diệu của thân, ngữ gọi là sắc, hành diệu của ý gọi là danh. Do danh sắc của hành diệu làm duyên, nên sau khi qua đời được sinh nơi cõi người, ở đấy các xúc sinh khởi. Đó gọi là Danh sắc duyên Xúc.

Như nói về cõi người, các cõi trời như trời Tứ Đại Vương chúng v.v… cho đến cõi trời Tha-hóa-tự-tại, nên biết cũng như vậy.

Lại có một loại hữu tình luôn chú tâm mong cầu nơi cõi trời Phạm chúng. Nhân nơi mong cầu đó nên người ấy siêng năng tu tập gia hạnh, lìa bỏ dục và các pháp ác bất thiện v.v… cho đến trụ đầy đủ nơi tĩnh lự thứ nhất. Ở trong định nầy, các thứ luật nghi của thân và ngữ cùng đời sống thanh tịnh gọi là sắc, tức nơi sắc nầy đã sinh ra thọ, tưởng, hành, thức, gọi là danh. Do nhân duyên ấy nên sau khi mạng chung được sinh vào chúng đồng phận của cõi trời Phạm chúng, các xúc được sinh khởi. Đó gọi là Danh sắc duyên Xúc.

Như nói cõi trời Phạm chúng, các cõi trời như Phạm phụ v.v…cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tùy theo chỗ ứng hợp nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, trong Kinh Đại Nhân Duyên, Tôn giả Khánh Hỷ hỏi Phật: Các xúc là có duyên hay không? Đức Phật đáp: Có duyên. Đó gọi là danh sắc v.v… nói rộng cho đến: Nếu nương dựa vào tướng nầy để thiết lập thân danh, tướng ấy nếu không thì có thể thiết lập xúc tăng ngữ không? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Hỏi: Nếu nương dựa nơi tướng đó để thiết lập thân sắc, tướng ấy nếu không thì có thể thiết lập xúc có đối không? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Hỏi: Nếu thân danh sắc đều không hiện có, thì có thể thiết lập có các xúc không? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn! Thế nên, nầy Tôn giả Khánh Hỷ! Các xúc đều do danh sắc làm duyên, đó gọi là Danh sắc duyên Xúc.

Như vậy các xúc đều do danh sắc làm duyên, danh sắc làm nơi nương dựa, danh sắc tạo sự kiến lập, nên sinh khởi cùng sinh khởi, tụ tập xuất hiện. Đó gọi là Danh sắc duyên Xúc.

*

5. Thế nào là Lục xứ duyên Xúc?

Đáp: Nghĩa là mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc v.v… Cho đến ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc. Đó gọi là Lục xứ duyên Xúc.

Lại nữa, mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc. Ở đây, mắt là duyên bên trong, sắc là duyên bên ngoài, sinh ra nhãn xúc v.v… Cho đến ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba thứ ấy hòa hợp nên sinh xúc. Trong ấy, ý là duyên bên trong, pháp là duyên bên ngoài, sinh ra ý xúc. Đó gọi là Lục xứ duyên Xúc.

Lại nữa, mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc. Ở đây, nhãn xúc là do mắt, sắc và nhãn thức làm duyên v.v… Cho đến ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba thứ ấy hòa hợp nên sinh xúc. Trong ấy, ý xúc là do ý, pháp và ý thức làm duyên. Đó gọi là Lục xứ duyên Xúc.

Lại nữa, mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc. Ở đây mắt, sắc và nhãn thức đều không phải là xúc, do ba thứ đó hòa hợp nên có xúc sinh v.v… Cho đến ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc. Trong ấy, ý, pháp và ý thức đều không phải là xúc, do ba thứ đó hòa hợp nên có xúc sinh. Đó gọi là Lục xứ duyên Xúc.

Như vậy các xúc đều do lục xứ làm duyên, lục xứ làm chỗ nương dựa, lục xứ tạo sự kiến lập, nên sinh khởi cùng sinh khởi, tụ tập xuất hiện. Đó gọi là Lục xứ duyên Xúc.

*

6. Thế nào là Xúc duyên Thọ?

Đáp: Nghĩa là mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc, do xúc làm duyên sinh ra thọ v.v… Cho đến ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc, xúc làm duyên sinh ra thọ. Đó gọi là Xúc duyên Thọ.

Lại nữa, mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc, hoặc thuận với lạc thọ, hoặc thuận với khổ thọ, hoặc thuận với thọ không khổ không lạc. Xúc thuận với lạc thọ làm duyên sinh ra lạc thọ, xúc thuận với khổ thọ làm duyên sinh ra khổ thọ, xúc thuận với thọ không khổ không lạc làm duyên sinh ra thọ không khổ không lạc. Cho đến ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc, hoặc thuận với lạc thọ, hoặc thuận với khổ thọ, hoặc thuận với thọ không khổ không lạc. Xúc thuận với lạc thọ làm duyên sinh ra lạc thọ, xúc thuận với khổ thọ làm duyên sinh ra khổ thọ, xúc thuận với thọ không khổ không lạc làm duyên sinh ra thọ không khổ không lạc. Đó gọi là Xúc duyên Thọ.

Lại nữa, như trong Khế kinh nói: Tôn giả Khánh Hỷ nói với Trưởng giả Cù-sử-la: Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới, tự thể đều riêng biệt. Hai thứ mắt, sắc thuận với lạc thọ làm duyên sinh ra nhãn thức. Ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc, gọi là xúc thuận với lạc thọ. Xúc thuận với lạc thọ nầy làm duyên sinh ra lạc thọ. Thuận với khổ thọ, hai thứ mắt, sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc, gọi là xúc thuận với khổ thọ. Xúc thuận với khổ thọ nầy làm duyên sinh ra khổ thọ. Thuận với thọ không khổ không lạc, hai thứ mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc, gọi là xúc thuận với thọ không khổ không lạc. Xúc thuận với thọ không khổ không lạc nầy làm duyên sinh ra thọ không khổ không lạc. Ba giới của năm thứ kia (nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) nói rộng cũng như vậy. Đó gọi là Xúc duyên Thọ.

Lại nữa, trong Kinh Đại Nhân Duyên, Tôn giả Khánh Hỷ hỏi Đức Phật: Các thọ là có duyên không? Đức Phật đáp: Có duyên. Duyên ấy gọi là xúc, nói rộng cho đến: Nếu không có nhãn xúc để có nhãn xúc làm duyên thì có sinh ra các nội thọ về lạc, về khổ, về không lạc không khổ chăng? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Cho đến: Nếu không có ý xúc, để có ý xúc làm duyên, thì có sinh ra các nội thọ về lạc, về khổ, về không lạc không khổ chăng? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Hỏi: Nếu hoàn toàn không có xúc, thì có thể thiết lập các thứ thọ không? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Thế nên, nầy Tôn giả Khánh Hỷ! Các thọ đều do xúc làm duyên, đó gọi là Xúc duyên Thọ.

Như vậy các thọ đều do xúc làm duyên, xúc làm chỗ nương dựa, xúc tạo sự kiến lập, nên sinh khởi cùng sinh khởi, tụ tập xuất hiện. Đó gọi là Xúc duyên Thọ.

*

7. Thế nào là Thọ duyên Ái?

Đáp: Nghĩa là mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc. Do xúc làm duyên nên sinh ra thọ, thọ làm duyên nên sinh ra ái. Cho đến ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức. Ba thứ đó hòa hợp nên sinh xúc. Do xúc làm duyên nên sinh ra thọ, thọ làm duyên nên sinh ra ái. Đó gọi là Thọ duyên Ái.

Lại nữa, thọ của nhãn vị làm duyên, nên lại luôn đối với mắt tùy thuận mà trụ. do tùy thuận nên luôn đối với mắt khởi tham cùng tham, nắm giữ, phòng hộ, chấp chặt, ái nhiễm. Cho đến thọ của ý vị làm duyên, nên lại luôn đối với ý tùy thuận mà trụ. Do tùy thuận nên luôn đối với ý khởi tham cùng tham v.v… nói rộng như trước. Đó gọi là Thọ duyên Ái.

Lại nữa, trong Kinh Thủ Uẩn, Đức Phật có nói: Bí-sô nên biết! Ta đối với sắc vị đã tầm tư kỹ. Các hữu tình đối với sắc hoặc đã khởi vị, hoặc đang khởi vị, Ta đều dùng chánh tuệ để thấy biết đúng đắn. Hữu tình kia do thọ của sắc vị làm duyên, nên luôn đối với sắc tùy thuận mà trụ. Do tùy thuận nên lại thường đối với sắc khởi tham cùng tham, nói rộng như trước. Cho đến: Ta đối với thức vị đã tầm tư kỹ. Các hữu tình đối với thức, hoặc đã khởi vị, hoặc đang khởi vị, Ta đều dùng chánh tuệ để thấy biết đúng đắn. Hữu tình kia do thọ của thức vị làm duyên, nên lại luôn đối với thức tùy thuận mà trụ. Do tùy thuận nên lại thường đối với thức khởi tham cùng tham, nói rộng như trước. Đó gọi là Thọ duyên Ái.

Lại nữa, trong Kinh Thủ Uẩn, Đức Phật lại nói: Bí-sô nên biết! Nếu trong các sắc đều không có vị, thì các hữu tình không nên đối với sắc khởi nhiễm. Do trong các sắc không phải đều không có vị, thế nên hữu tình đối với sắc khởi nhiễm. Hữu tình kia do thọ của sắc vị làm duyên, nên lại luôn đối với sắc tùy thuận mà trụ. Do tùy thuận nên thường đối với sắc khởi tham cùng tham, nói rộng như trước. Cho đến: Nếu trong các thức đều không có vị, thì các hữu tình không nên đối với thức khởi nhiễm. Do trong các thức không phải đều không có vị, thế nên hữu tình đối với thức khởi nhiễm. Hữu tình kia do thọ của thức vị làm duyên, nên lại luôn đối với thức tùy thuận mà trụ. Do tùy thuận nên thường đối với thức khởi tham cùng tham, nói rộng như trước. Đó gọi là Thọ duyên Ái.

Lại nữa, trong Kinh Lục Xứ, Đức Phật có nói: Bí-sô nên biết! Ta đối với nhãn vị đã tầm tư kỹ. Các hữu tình đối với mắt hoặc đã khởi vị, hoặc đang khởi vị, Ta đều dùng chánh tuệ để thấy biết đúng đắn. Hữu tình kia do thọ của nhãn vị làm duyên, nên lại luôn đối với mắt tùy thuận mà trụ. Do tùy thuận nên lại thường đối với mắt khởi tham cùng tham, nói rộng như trước. Cho đến: Ta đối với ý vị đã tầm tư kỹ. Các hữu tình đối với ý hoặc đã khởi vị, hoặc đang khởi vị, Ta đều dùng chánh tuệ để thấy biết đúng đắn, nói rộng như trước. Đó gọi là Thọ duyên Ái.

Lại nữa, trong Kinh Lục Xứ, Đức Phật có nói: Bí-sô nên biết! Nếu trong các mắt đều không có vị, thì các hữu tình không nên đối với mắt khởi nhiễm. Do trong các mắt không phải đều không có vị, thế nên hữu tình đối với mắt khởi nhiễm. Hữu tình kia do thọ của nhãn vị làm duyên, nói rộng như trước. Cho đến: Nếu trong các ý đều không có vị, thì các hữu tình không nên đối với ý khởi nhiễm. Do trong các ý không phải đều không có vị, thế nên hữu tình đối với ý khởi nhiễm. Hữu tình kia do thọ của ý vị làm duyên, nên lại luôn đối với ý tùy thuận mà trụ. Do tùy thuận nên thường đối với ý khởi tham cùng tham, nói rộng như trước. Đó gọi là Thọ duyên Ái.

Lại nữa, trong Kinh Lục Xứ, Đức Phật có nói: Bí-sô nên biết! Ta đối với sắc vị đã tầm tư kỹ. Các hữu tình đối với sắc hoặc đã khởi vị, hoặc đang khởi vị, Ta đều dùng chánh tuệ để thấy biết đúng đắn. Hữu tình kia do thọ của sắc vị làm duyên, nói rộng như trước. Cho đến: Ta đối với pháp vị đã tầm tư kỹ. Các hữu tình đối với pháp hoặc đã khởi vị, hoặc đang khởi vị, Ta đều dùng chánh tuệ để thấy biết đúng đắn. Hữu tình kia do thọ của pháp vị làm duyên, nên lại luôn đối với pháp tùy thuận mà trụ. Do tùy thuận nên lại thường đối với pháp khởi tham cùng tham, nói rộng như trước. Đó gọi là Thọ duyên Ái.

Lại nữa, trong Kinh Lục Xứ, Đức Phật có nói: Bí-sô nên biết! Nếu trong các sắc đều không có vị, thì các hữu tình không nên đối với sắc khởi nhiễm. Do trong các sắc không phải đều không có vị, thế nên hữu tình đối với sắc khởi nhiễm. Hữu tình kia do thọ của sắc vị làm duyên, nên lại luôn đối với sắc tùy thuận mà trụ, nói rộng như trước. Cho đến: Nếu trong các pháp đều không có vị, thì các hữu tình không nên đối với pháp khởi nhiễm. Do trong các pháp không phải đều không có vị, thế nên hữu tình đối với pháp khởi nhiễm. Hữu tình kia do thọ của pháp vị làm duyên, nói rộng như trước. Đó gọi là Thọ duyên Ái.

Lại nữa, Đức Phật nói với Đại Danh Ly Chiếp Tỳ: Đại Danh nên biết! Nếu sắc hoàn toàn là khổ không vui, không tùy thuộc vui, không phải là chỗ nắm giữ của thọ nhận vui mừng, thì không có hữu tình vì cầu tìm vui, nên ở trong các sắc khởi tham khởi nhiễm, bị phiền não trói buộc. Nầy Đại Danh! Do sắc không phải hoàn toàn là khổ, nó cũng là vui, là chỗ tùy thuộc của vui, là chỗ nắm giữ của thọ nhận vui mừng, nên có hữu tình vì cầu tìm vui, nên ở trong các sắc khởi tham khởi nhiễm, bị phiền não trói buộc. Hữu tình kia do thọ của sắc vị làm duyên, nên lại luôn đối với sắc tùy thuận mà trụ. Do tùy thuận nên thường đối với sắc khởi tham cùng tham, nói rộng như trước. Cho đến: Nếu thức hoàn toàn là khổ, không lạc, không phải là chỗ tùy thuộc của lạc, không phải là chỗ nắm giữ của thọ nhận vui mừng, thì không có hữu tình vì cầu lạc, nên ở trong các sắc khởi tham khởi nhiễm, bị phiền não trói buộc. Do thức không phải hoàn toàn là khổ, nó cũng là lạc, là chỗ tùy thuộc của lạc, là chỗ nắm giữ của thọ nhận vui mừng, nên có hữu tình vì cầu tìm lạc, nên ở trong các thức khởi tham khởi nhiễm, bị phiền não trói buộc. Hữu tình kia do thọ của thức vị làm duyên, nên lại đối với thức tùy thuận mà trụ. Do tùy thuận nên thường đối với thức khởi tham cùng tham, nói rộng như trước. Đó gọi là Thọ duyên Ái.

Lại nữa, trong Kinh Mãn Nguyệt, Đức Phật đã nói: Bí-sô nên biết! Do sắc làm duyên nên khởi lạc sinh hỷ, đó gọi là sắc vị. Hữu tình kia do thọ của sắc vị làm duyên, nên lại luôn đối với sắc tùy thuận mà trụ. Do tùy thuận nên thường ở nơi sắc khởi tham cùng tham, nói rộng như trước. Cho đến: Do thức làm duyên nên khởi lạc sinh hỷ, đó gọi là thức vị. Hữu tình kia do thọ của thức vị làm duyên, nên đối với thức lại luôn tùy thuận mà trụ. Do tùy thuận nên khởi tham cùng tham, nắm giữ, phòng hộ, chấp chặt, ái nhiễm. Đó gọi là Thọ duyên Ái.

Lại nữa, trong Kinh Đại Nhân Duyên, Đức Phật nói với Tôn giả Khánh Hỷ: Do ái làm duyên nên cầu tìm, cầu tìm làm duyên nên đắc, đắc làm duyên nên tích tập, tích tập làm duyên nên chấp trước, chấp trước làm duyên nên tham, tham làm duyên nên keo kiệt, keo kiệt làm duyên nên thâu nhận, thâu nhận làm duyên nên phòng giữ. Nhân nơi phòng giữ nên cầm lấy đao gậy, cãi cọ, tranh tụng, dua nịnh, dối trá, lừa gạt tạo ra vô số thứ pháp ác bất thiện. Đức Phật bảo Tôn giả Khánh Hỷ: Cầm lấy đao gậy, cãi cọ, tranh tụng, dua nịnh, dối trá, lừa gạt tạo ra vô số thứ pháp ác bất thiện đều nhân nơi phòng giữ, phòng giữ làm duyên nên có các sự việc như thế. Nếu không phòng giữ thì có các sự việc như vậy chăng? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn! Hỏi: Thế nên các việc như cầm lấy đao gậy v.v… là do phòng giữ làm đầu mối, phòng giữ làm nhân, phòng giữ tạo sự tích tập, phòng giữ làm duyên nên đắc sinh khởi. Như thế là phòng giữ nhân nơi thâu nhận, thâu nhận làm duyên mà có phòng giữ. Nếu không có thâu nhận thì có phòng giữ chăng? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Hỏi: Thế nên phòng giữ thâu nhận làm đầu mối, thâu nhận làm nhân, thâu nhận làm nơi tích tập, thâu nhận làm duyên nên đắc sinh khởi, nói rộng cho đến các sự cầu tìm như thế đều nhân nơi ái. Do ái làm duyên mà có các thứ cầu tìm. Nếu ái ấy không có thì có cầu tìm chăng? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Thế nên các sự cầu tìm, ái là đầu mối, ái là nhân, ái là chỗ tụ tập, ái là duyên nên đắc sinh khởi. Khánh Hỷ nên biết! Ái có hai thứ là ái dục và ái hữu. Hai thứ ái nầy đều dựa nơi thọ mà có. Nếu thọ không có thì hai ái cũng không. Đó gọi là Thọ duyên Ái.

Như vậy các ái đều do thọ làm duyên, thọ làm nơi nương dựa, thọ tạo sự kiến lập, nên sinh khởi cùng sinh khởi, tụ tập xuất hiện. Đó gọi là Thọ duyên Ái.

*

8. Thế nào là Ái duyên Thủ?

Đáp: Nghĩa là khi pháp kia mới sinh gọi là ái. Phần vị ái tăng thạnh, chuyển đổi, gọi là thủ. Việc nầy như thế nào? Nghĩa là như có một loại hữu tình đối với các cảnh dục chú tâm quan sát dấy khởi tham dục ràng buộc. Kẻ ấy từ sự ràng buộc nầy lại khởi sự ràng buộc khác, tăng thượng càng tăng thượng, mãnh liệt càng mãnh liệt, đầy đủ càng đầy đủ. Sự ràng buộc dấy khởi trước gọi là ái, sự ràng buộc dấy khởi sau chuyển gọi là thủ. Đó gọi là Ái duyên Thủ.

Lại nữa, như có một loại hữu tình đối với các cảnh sắc hoặc cảnh vô sắc chú tâm quan sát dấy khởi tham sắc ràng buộc, hoặc tham vô sắc ràng buộc. Người ấy từ sự ràng buộc nầy lại dấy khởi sự ràng buộc khác, tăng thượng càng tăng thượng, mãnh liệt càng mãnh liệt, đầy đủ càng đầy đủ. Sự ràng buộc dấy khởi trước gọi là ái, sự ràng buộc dấy khởi sau chuyển gọi là thủ. Đó gọi là Ái duyên Thủ.

Lại nữa, trong Kinh Hiểm Khanh, Đức Phật nói: Nầy các Bí-sô! Ta sẽ nói rõ cho chúng Bí-sô biết những pháp chính yếu đã được xét chọn về các uẩn, đó là bốn niệm trụ, bốn chánh thắng, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy đẳng giác chi, tám chi Thánh đạo. Nếu khi giảng nói các pháp yếu đã được xét chọn về các uẩn như thế mà có một loại hữu tình mang đầy ngu si, đối với pháp Ta đã nêu rõ, không trụ nơi sự tin yêu cung kính mãnh liệt, thì những hữu tình ấy rất khó chứng đắc đạo quả vô thượng diệt hết các lậu.

Lại có một loại hữu tình đầy đủ tuệ sáng, đối với các pháp Ta đã giảng nêu, có thể trụ nơi sự tin yêu cung kính mãnh liệt, thì các hữu tình ấy sẽ nhanh chóng chứng được đạo quả vô thượng diệt hết các lậu.

Lại nữa, có một loại hữu tình đối với các pháp Ta đã giảng nói về sắc uẩn, theo đấy quán về ngã, tức người ấy có thể hành quán, dùng gì làm duyên, lấy gì làm chỗ tích tập, chúng là chủng loại nào, từ cái gì sinh ra? Nghĩa là xúc vô minh đã sinh các thọ, làm duyên sinh ái. Hành được sinh ấy lấy ái kia làm duyên, dùng ái kia làm nơi tụ tập, là chủng loại của ái kia, từ nơi ái kia sinh ra.

Ái là chủ thể sinh ấy lấy gì làm duyên, dùng gì làm nơi tích tụ, thuộc về chủng loại nào, từ cái gì sinh ra? Nghĩa là do xúc vô minh đã sinh ra các thọ. Ái đã sinh ấy lấy thọ làm duyên, dùng thọ làm nơi tích tụ, là chủng loại của thọ, từ thọ sinh ra.

Thọ là chủ thể sinh ấy lấy gì làm duyên, dùng gì làm chỗ tụ tập, thuộc về chủng loại nào, từ cái gì sinh ra? Nghĩa là do xúc vô minh nên thọ được sinh ra ấy dùng xúc làm duyên, dùng xúc làm nơi tụ tập, thuộc chủng loại của xúc, từ xúc sinh ra.

Xúc là chủ thể sinh ấy lấy gì làm duyên, dùng gì làm nơi tích tụ, thuộc về chủng loại nào, từ cái gì sinh ra? Nghĩa là lục xứ. Xúc được sinh ra ấy do lục xứ làm duyên, dùng lục xứ làm nơi tụ tập, thuộc chủng loại lục xứ, từ lục xứ sinh ra. Lục xứ như thế là vô thường, hữu vi, là có tạo tác, từ các duyên sinh ra. Như thế có thể hành quán về xúc, thọ, ái, chúng cũng là vô thường, hữu vi, là có tạo tác, do các duyên sinh ra. Ở đây, cùng tùy quán sắc là ngã, là hữu thân kiến hiện đã khởi ràng buộc. Hữu tình kia từ ràng buộc nầy lại khởi ràng buộc khác, tăng thượng càng tăng thượng, mãnh liệt càng mãnh liệt, đầy đủ càng đầy đủ. Sự ràng buộc dấy khởi trước gọi là ái, ràng buộc dấy khởi sau chuyển gọi là thủ. Đó gọi là Ái duyên Thủ.

Có người không ở nơi sắc cùng tùy quán về ngã mà cùng tùy quán: Ngã có các sắc, có không cùng tùy quán. Ngã có các sắc, mà cùng tùy quán. Sắc là ngã sở, có không cùng tùy quán. Sắc là ngã sở mà cùng tùy quán. Ngã ở trong sắc có không cùng tùy quán. Ngã ở trong sắc mà cùng tùy quán. Thọ tưởng hành thức là ngã có không cùng tùy quán. Thọ tưởng hành thức là ngã mà cùng tùy quán. Ngã có thọ tưởng hành thức có không cùng tùy quán. Ngã có thọ tưởng hành thức mà cùng tùy quán. Thọ tưởng hành thức là ngã sở có không cùng tùy quán. Thọ tưởng hành thức là ngã sở mà cùng tùy quán. Ngã ở trong thọ tưởng hành thức có không cùng tùy quán. Ngã ở trong thọ tưởng hành thức mà có khởi nghi hoặc, không khởi nghi hoặc, mà có khởi hữu kiến, không hữu kiến, không khởi hữu kiến không hữu kiến, nhưng không lìa ngã mạn, nên do cùng tùy quán về ngã và ngã sở mà khởi ngã mạn. Hành ngã mạn nầy do gì làm duyên, dùng gì làm nơi tích tập, là chủng loại gì, từ nơi gì sinh? Nghĩa là xúc vô minh đã sinh các thọ làm duyên sinh ái. Hành đã sinh ấy dùng ái kia làm duyên, do ái kia làm nơi tụ tập, là chủng loại của ái, từ nơi ái kia sinh, nói rộng cho đến: Lục xứ như thế là vô thường, hữu vi, là có tạo tác, do các duyên sinh ra. Như thế thì hành ngã mạn của xúc thọ ái cũng là vô thường, hữu vi, là có tạo tác, do các duyên sinh ra, ngã mạn như vậy là hữu thân kiến dấy khởi mạn ràng buộc. Hữu tình kia từ ràng buộc nầy lại khởi lên ràng buộc khác, tăng thượng càng tăng thượng, mãnh liệt càng mãnh liệt, đầy đủ càng đầy đủ. Ràng buộc dấy khởi trước gọi là ái, ràng buộc dấy khởi sau chuyển gọi là thủ. Đó gọi là Ái duyên Thủ.

Lại nữa, có kẻ chấp: Thế gian là thường hoặc vô thường, hoặc cũng thường cũng vô thường, hoặc không phải thường cũng không phải vô thường.

Có kẻ chấp: Thế gian là hữu biên hoặc vô biên, hoặc cũng hữu biên cũng vô biên, hoặc không phải hữu biên cũng không phải vô biên.

Có kẻ chấp: Mạng sống là thân, hoặc chấp mạng sống khác với thân.

Có kẻ cho: Như Lai sau khi diệt độ là có hoặc không có, hoặc cũng có cũng không có, hoặc không phải có cũng không phải không có.

Các thứ chấp trên đều là biên chấp kiến, hiện khởi ràng buộc. Hữu tình kia từ ràng buộc ấy lại khởi ràng buộc khác, tăng thượng càng tăng thượng, mãnh liệt càng mãnh liệt, đầy đủ càng đầy đủ. Ràng buộc dấy khởi trước gọi là ái, ràng buộc dấy khởi sau chuyển gọi là thủ. Đó gọi là Ái duyên Thủ.

Lại có kẻ chấp: Đức Thế Tôn không phải là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến không phải là Thiên Nhân Sư. Chấp chánh pháp của Phật không phải là khéo giảng nói hiện thấy v.v… cho đến không phải là bậc trí được nội chứng. Chấp các đệ tử của Phật không đầy đủ các hạnh diệu v.v… cho đến không phải là hành tùy pháp. Hoặc chấp không có khổ, tập, diệt, đạo, hoặc chấp không có tất cả các hành vô thường, không có tất cả các pháp vô ngã, không có Niếtbàn tịch tĩnh. Những thứ ấy đều là tà kiến hiện khởi ràng buộc. Hữu tình kia từ ràng buộc nầy lại khởi ràng buộc khác, nói rộng như trước. Đó gọi là Ái duyên Thủ.

Lại nữa, có kẻ chấp: Thế gian là thường, đấy là thật, còn các thứ khác đều là mê lầm. Hoặc chấp là không thường v.v… cho đến chấp: Như Lai sau khi diệt độ không phải có, không phải không có, đấy là thật, các thứ khác là mê lầm. Những thứ ấy đều là kiến thủ hiện khởi ràng buộc. Hữu tình kia từ ràng buộc nầy lại khởi ràng buộc khác, nói rộng như trước. Đó gọi là Ái duyên Thủ.

Lại nữa, có hữu tình khởi giới thủ, hoặc khởi cấm thủ, hoặc khởi giới cấm thủ. Cho giới nầy, cấm nầy, giới cấm nầy có thể đạt được thanh tịnh, có thể dẫn đến giải thoát, có thể xuất ly, có thể vượt quá khổ vui, đạt tới xứ vượt khổ vui. Những thứ ấy đều là giới cấm thủ hiện khởi ràng buộc. Hữu tình kia từ ràng buộc ấy lại khởi ràng buộc khác, nói rộng như trước. Đó gọi là Ái duyên Thủ.

Lại nữa, có hữu tình đối với Đức Thế Tôn dấy khởi do dự: Đây là Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hay là không phải Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác v.v… cho đến là Thiên Nhân Sư hay không phải là Thiên Nhân Sư? Đối với chánh pháp của Phật sinh khởi do dự: Đây là pháp khéo giảng nói hiện thấy hay không phải là pháp khéo giảng nói hiện thấy v.v… cho đến là bậc trí nội chứng hay không phải là bậc trí nội chứng? Đối với hàng đệ tử Phật dấy khởi do dự, là có đầy đủ hành diệu hay không có đầy đủ hành diệu v.v… cho đến là hành tùy pháp hay không phải là hành tùy pháp? Đối với bốn Thánh đế cũng sinh khởi do dự: Đó là khổ hay không phải là khổ v.v… cho đến đó là đạo hay không phải là đạo? Đối với ba pháp ấn cũng sinh khởi do dự: Đó là tất cả hành đều là vô thường hay không phải vô thường, tất cả pháp đều là vô ngã hay không phải vô ngã, Niết-bàn là tịch tĩnh hay Niết-bàn không tịch tĩnh? Các thứ ấy đều là nghi hiện khởi ràng buộc. Hữu tình kia từ nơi ràng buộc nầy lại khởi ràng buộc khác, nói rộng như trước. Đó gọi là Ái duyên Thủ.

Lại nữa, tất cả bốn thủ đều do ái làm duyên, dùng ái làm nơi tụ tập, thuộc chủng loại ái, từ nơi ái sinh ra. Bốn thủ là gì? Đó là: a. Dục thủ. b. Kiến thủ. c. Giới cấm thủ. d. Ngã ngữ thủ.

Thế nào là Dục thủ? Đáp: Nghĩa là hệ thuộc cõi Dục, trừ các kiến còn lại là toàn bộ các kiết phược, các tùy miên, tùy phiền não, triền, đó gọi là Dục thủ.

Thế nào là Kiến thủ? Đáp: Nghĩa là gồm các thứ hữu thân kiến, biên chấp kiến, tà kiến và kiến thủ. Bốn kiến như thế đó gọi là Kiến thủ.

Thế nào là Giới cấm thủ? Đáp: Nghĩa là có một loại hữu tình giữ lấy (thủ) giới, giữ lấy cấm, giữ lấy giới cấm, cho là có thể đạt được thanh tịnh, dẫn đến giải thoát, xuất ly, vượt khỏi các khổ vui, đến được xứ vượt khỏi mọi khổ vui. Đó gọi là Giới cấm thủ.

Thế nào là Ngã ngữ thủ? Đáp: Nghĩa là hệ thuộc cõi Sắc và Vô sắc, trừ các kiến, còn lại là toàn bộ các kiết phược, các tùy miên, tùy phiền não, triền. Đó gọi là Ngã ngữ thủ.

Lại nữa, trong Kinh Đại Nhân Duyên, Tôn giả Khánh Hỷ hỏi Đức Phật: Các thủ là có duyên hay không? Đức Phật nói: Có duyên. Duyên ấy gọi là ái, nói rộng cho đến: Nếu hoàn toàn không có ái để có thể thiết lập thì có các thủ hay không? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Thế nên, nầy Tôn giả Khánh Hỷ! Các thủ đều do ái làm duyên, đó gọi là Ái duyên Thủ.

Như vậy các thủ đều do ái làm duyên, ái làm chỗ nương dựa, ái tạo sự kiến lập, nên sinh khởi cùng sinh khởi, tụ tập xuất hiện. Đó gọi là Ái duyên Thủ.

*

9. Thế nào là Thủ duyên Hữu?

Đáp: Nghĩa là do Thủ làm duyên thiết lập nhiều Hữu. Tức là Đức Phật hoặc nói năm uẩn trong ba cõi gọi là Hữu. Hoặc nói có thể chiêu cảm nghiệp của đời sau gọi là Hữu. Hoặc nói phần sinh năm uẩn gọi là Hữu.

Thế nào là nói năm uẩn trong ba cõi gọi là Hữu? Tức như nói ba hữu là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

Thế nào là nói có thể chiêu cảm nghiệp của đời sau gọi là Hữu? Như Đức Thế Tôn nói với Tôn giả A-nan-đà: Nếu nghiệp có thể chiêu cảm đời sau thì gọi là Hữu.

Thế nào là nói phần sinh năm uẩn gọi là Hữu? Như Đức Thế Tôn bảo Cụ thọ Phả-lặc-lũ-na: Do thức làm thức ăn nên đời sau sinh khởi.

Lại nữa, như trong Kinh Đại Nhân Duyên, Tôn giả Khánh Hỷ hỏi Đức Phật: Các Hữu là có duyên hay không? Đức Phật bảo: Có duyên. Duyên ấy gọi là thủ, nói rộng cho đến: Nếu hoàn toàn không có thủ để có thể thiết lập thì có các hữu không? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Thế nên, nầy Tôn giả Khánh Hỷ! Các Hữu đều do thủ làm duyên, đó gọi là Thủ duyên Hữu.

Như vậy các hữu đều do thủ làm duyên, thủ làm nơi nương dựa, thủ tạo sự kiến lập, nên sinh khởi cùng sinh khởi, tụ tập xuất hiện. Đó gọi là Thủ duyên Hữu.

*

10. Thế nào là Hữu duyên Sinh?

Đáp: Nghĩa là có một loại hữu tình do tham sân si trói buộc tâm, nên đã tạo ba thứ hành ác của thân ngữ ý. Ba thứ hành ác nầy gọi là nghiệp Hữu. Do nhân duyên nầy nên sau khi mạng chung bị đọa vào địa ngục, ở đấy các sinh cùng sinh, hướng nhập xuất hiện uẩn, được giới, xứ và các uẩn sinh thì mạng căn khởi, gọi là sinh. Sinh nầy duyên nơi Hữu nên khởi. Đó gọi là Hữu duyên Sinh.

Như nói về địa ngục, các nẻo bàng sinh, cõi quỷ, nên biết cũng như vậy.

Lại có một loại hữu tình đối với các thứ an lạc nơi cõi người luôn chú tâm mong cầu, khởi suy nghĩ: “Mong cho ta được sinh nơi đồng phận của cõi người, cùng với mọi người đồng thọ nhận an lạc”. Nhân nơi mong cầu ấy, nên người đó đã tạo ba hành diệu của thân ngữ ý có thể chiêu cảm được cõi người. Ba hành diệu đó gọi là nghiệp hữu. Do nhân duyên ấy nên sau khi mạng chung được sinh trong chúng đồng phận của cõi người, ở đây các sinh cùng sinh v.v… cho đến mạng căn dấy khởi, gọi là sinh, sinh nầy duyên hữu nên khởi. Đó gọi là Hữu duyên Sinh.

Như nói về cõi người, các cõi trời như trời Tứ Thiên Vương chúng v.v… cho đến trời Tha-hóa-tự-tại, nên biết cũng như vậy.

Lại có một loại hữu tình đối với cõi trời Phạm chúng luôn chú tâm mong cầu, khởi suy nghĩ: “Mong cho ta được sinh nơi chúng đồng phận của cõi trời Phạm chúng”. Nhân nơi mong cầu ấy, nên người ấy siêng năng tu tập gia hạnh, lìa bỏ dục và các pháp ác bất thiện, có tầm và tứ, ly sinh hỷ lạc, trụ đầy đủ vào tĩnh lự thứ nhất. Trong định nầy, các thứ luật nghi của thân và ngữ cùng đời sống thanh tịnh, gọi là nghiệp hữu. Do nhân duyên nầy nên sau khi mạng chung được sinh nơi chúng đồng phận của cõi trời Phạm chúng, ở đấy các sinh cùng sinh v.v… cho đến mạng căn dấy khởi, gọi là sinh, sinh nầy duyên hữu nên khởi. Đó gọi là Hữu duyên Sinh.

Như nói về trời Phạm chúng, các cõi trời như Phạm phụ v.v… cho đến cõi trời Quảng quả, nên biết cũng như vậy.

Lại có một loại hữu tình đối với cõi trời Vô tưởng luôn chú tâm mong cầu, khởi suy nghĩ: “Mong cho ta được sinh nơi chúng đồng phận của cõi trời Vô tưởng”. Nhân nơi mong cầu đó, nên người ấy siêng tu gia hạnh, tư duy các tưởng là chướng khổ to, tư duy về vô tưởng là lìa tịnh diệu. Do tư duy như thế nên có thể diệt hết các tưởng, an trụ vào vô tưởng. Người ấy đã diệt hết các tưởng, lúc trụ vào vô tưởng gọi là định vô tưởng. Khi nhập định nầy, các thứ luật nghi của thân và ngữ cùng đời sống thanh tịnh gọi là nghiệp hữu. Do nhân duyên nầy nên sau khi mạng chung được sinh vào chúng đồng phận của cõi trời Vô tưởng, ở đấy các sinh cùng sinh v.v… cho đến mạng căn dấy khởi, gọi là sinh. Sinh nầy duyên hữu nên khởi. Đó gọi là Hữu duyên Sinh.

Lại có một loại hữu tình đối với cõi trời Không vô biên xứ luôn chú tâm mong cầu, khởi suy nghĩ: “Mong cho ta được sinh nơi chúng đồng phận của cõi Không vô biên xứ”. Nhân nơi mong cầu nầy, nên người đó siêng tu gia hạnh, vượt lên tưởng các sắc, diệt hết tưởng có đối, không tư duy đến các thứ tưởng, nhập vào vô biên không, trụ đầy đủ nơi xứ Không vô biên. Ở trong định nầy, các tư duy cùng tư duy, hiện tiền tư duy, đã và sẽ tư duy, tánh và chủng loại tư duy, tạo nghiệp tâm ý, gọi là nghiệp hữu. Do nguyên nhân nầy nên sau khi mạng chung được sinh nơi chúng đồng phận của cõi trời Không vô biên xứ, ở đấy các sinh cùng sinh v.v… cho đến mạng căn phát khởi, gọi là sinh. Sinh nầy duyên hữu nên khởi. Đó gọi là Hữu duyên Sinh.

Như nói về cõi trời Không vô biên xứ, cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, trong Kinh Đại Nhân Duyên, Tôn giả Khánh Hỷ hỏi Đức Phật: Các sinh có duyên hay không? Đức Phật nói: Có duyên. Duyên đó gọi là hữu. Nói rộng cho đến: Nếu không có nghiệp hữu thì các loài cá, chim, rắn, rít, Na-già, Dược-xoa, Bộ-đa, loài ăn hương, chư Thiên, người, các loài không chân, hai chân, nhiều chân, loài khác, các hữu tình kia nơi các tụ hợp sinh cùng sinh là có được không? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Hỏi: Nếu hoàn toàn không có hữu để có thể thiết lập thì có các sinh chăng? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Thế nên, nầy Cụ thọ Khánh Hỷ! Các sinh đều do hữu làm duyên, đó gọi là Hữu duyên Sinh.

Như vậy các sinh đều do hữu làm duyên, hữu làm nơi nương dựa, hữu tạo sự kiến lập, nên sinh khởi cùng sinh khởi, tụ tập xuất hiện. Đó gọi là Hữu duyên Sinh.

*

11. Thế nào là Sinh duyên Lão tử?

Đáp: Nghĩa là vô số hữu tình kia ở trong các tụ của chúng, các sinh cùng sinh, hướng nhập xuất hiện được uẩn, giới, xứ, các uẩn sinh, mạng căn khởi, gọi là sinh. Khi tóc đã bạc và rụng, da dùn, mặt nhăn, thân khòm, lưng còng, hơi thở khò khè, gấp rút, nương nơi gậy lần bước, thân thể loang lỗ nốt ruồi, suy kém, chậm chạp. Các căn biến hoại, các hành cỗi, hư v.v…, gọi là già. Các hữu tình kia ở trong các tụ của chúng, dời chuyển, hoại mất, thọ mạng sức ấm và thức diệt, mạng căn bất động, các uẩn tan v.v… gọi là tử. Già chết như thế duyên sinh nên khởi, đó gọi là Sinh duyên Lão tử.

Lại nữa, trong Kinh Đại Nhân Duyên, Tôn giả Khánh Hỷ hỏi Đức Phật: Lão tử là có duyên hay không? Đức Phật bảo: Có duyên. Duyên ấy gọi là sinh, nói rộng cho đến: Nếu không có sinh, thì các loài cá, chim, rắn, rít, Na-già, Dược-xoa, Bộ-đa, loài ăn hương, chư Thiên, người, các loài không chân, hai chân, nhiều chân, loài khác, vô số hữu tình nơi các tụ của họ, những sự chết hiện có là có được hay không? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Hỏi: Nếu hoàn toàn không có sinh để có thiết lập, thì có già chết không? Đáp: Thưa không, bạch Đức Thế Tôn. Thế nên, nầy Cụ thọ Khánh Hỷ! Già chết đều do sinh làm duyên, đó gọi là Sinh duyên Lão tử.

Như vậy lão tử đều do sinh làm duyên, sinh làm nơi nương dựa, sinh tạo sự kiến lập, nên sinh khởi cùng sinh khởi, tụ tập xuất hiện. Đó gọi là Sinh duyên Lão tử.

*

12. Thế nào là Phát sinh sầu than khổ ưu nhiễu não?

Đáp: Nghĩa là có một loại hữu tình, hoặc nhân nơi cha mẹ, anh em, chị em, thầy, bạn qua đời, hoặc nhân nơi thân tộc bị mất hết, hoặc nhân nơi tài sản địa vị đều thất tán, nên khiến tự thân nhận lấy khổ thọ bức bách dữ dội như muốn đoạn mạng. Bấy giờ, người ấy tâm ý bứt rứt, bực bội như bị nung đốt, dấy khởi sầu não, đã sầu sẽ sầu, tên độc sầu ở trong tâm, gọi là sầu.

Lại có một loại hữu tình nhân nơi cha mẹ, anh em, chị em, thầy, bạn qua đời, nói rộng như trước cho đến: Do duyên cớ ấy nên bày lời than oán: Khổ thay! Khổ thay! Ôi! Cha ta, mẹ ta v.v… nói rộng cho đến tài sản, địa vị của ta chỉ trong một sớm sao đến nỗi nầy! Ở đây, các lời than oán hiện có nơi vô số ngữ nghiệp gọi là than.

Năm thức tương ưng với thọ nhận không bình đẳng gọi là khổ.

Ý thức tương ưng với thọ nhận không bình đẳng gọi là sầu.

Các tâm rối loạn, sầu não, đã và sẽ sầu não, tánh loại sầu não, gọi là nhiễu não.

Từ nơi phần vị của lão tử phát sinh các thứ sầu than khổ ưu nhiễu não như thế.

Hỏi: Thế nào là liền tích tập thuần uẩn khổ lớn như thế?

Đáp: Nghĩa là ở trong phần vị của lão tử như thế, đã tích tập một loại tụ của các uẩn khổ, gồm những tai ương họa hoạn lớn.

Lại nữa, do khổ uẩn vô minh làm duyên khởi khổ uẩn hành, khổ uẩn hành làm duyên khởi khổ uẩn thức, khổ uẩn thức làm duyên khởi khổ uẩn danh sắc, khổ uẩn danh sắc làm duyên khởi khổ uẩn lục xứ, khổ uẩn lục xứ làm duyên khởi khổ uẩn xúc, khổ uẩn xúc làm duyên khởi khổ uẩn thọ, khổ uẩn thọ làm duyên khởi khổ uẩn ái, khổ uẩn ái làm duyên khởi khổ uẩn thủ, khổ uẩn thủ làm duyên khởi khổ uẩn hữu, khổ uẩn hữu làm duyên khởi khổ uẩn sinh, khổ uẩn sinh làm duyên khởi khổ uẩn lão tử, do lão tử nên phát sinh vô số khổ uẩn sầu than khổ ưu nhiễu não. Nên gọi chung là liền tích tập thuần khổ uẩn lớn như thế.

HẾT – QUYỂN 12