LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 10

Phẩm 17: CĂN

Một thời, Đức Bạc-già-phạm trú tại khu vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, có Phạm chí tên là Sinh Văn đến chỗ Đức Phật, chấp tay cung kính bạch Phật: Con có đôi điều muốn thưa hỏi Sa-môn Kiều-đáp-ma tôn quý, xin được chấp thuận.

Đức Thế Tôn bảo Phạm chí: Ông cứ theo ý thưa hỏi, Ta sẽ vì ông giảng nói đầy đủ.

Phạm chí Sinh Văn hỏi: Căn có bao nhiêu thứ?

Đức Thế Tôn bảo: Căn có 22 thứ. Những gì là hai mươi hai?

1. Nhãn căn.
2. Nhĩ căn.
3. Tỷ căn.
4. Thiệt căn.
5. Thân căn.
6. Ý căn.
7. Nữ căn.
8. Nam căn.
9. Mạng căn.
10. Lạc căn.
11. Khổ căn.
12. Hỷ căn.
13. Ưu căn.
14. Xả căn.
15. Tín căn.
16. Tinh tấn căn.
17. Niệm căn.
18. Định căn.
19. Tuệ căn.
20. Vị tri đương tri căn.
21. Dĩ tri căn.
22. Cụ tri căn.

Đó gọi là hai mươi hai căn. Hai mươi hai căn nầy gồm thâu tất cả các căn.

Phạm chí Sinh Văn nghe Đức Phật đã giảng nói về các căn, nên rất vui mừng, cung kính chào Đức Phật rồi ra về.

*

1. Thế nào là Nhãn căn?

Đáp: Nghĩa là mắt đối với sắc đã thấy, đang thấy, sẽ thấy, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Nhãn căn.

Lại, mắt tăng thượng phát sinh nhãn thức, đối với sắc đã, đang và sẽ phân biệt rõ, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Nhãn căn.

Lại, mắt đối với sắc đã, đang và sẽ bị trở ngại, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Nhãn căn.

Lại, mắt đối với sắc đã, đang và sẽ hành tác, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Nhãn căn.

Như vậy các mắt hiện có của quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là Nhãn căn, cũng gọi là đối tượng được nhận biết, nhận thức, thông đạt, nhận biết khắp, đoạn trừ, lãnh hội, thấy rõ, đạt được, giác ngộ, hiện đẳng giác, hiểu rõ, cùng hiểu rõ, quán, cùng quán, xét kỹ, quyết trạch, tiếp xúc, cùng tiếp xúc, chứng đắc, cùng chứng đắc. Việc nầy lại là thế nào? Là sắc tịnh do bốn đại chủng tạo nên, hoặc địa ngục, hoặc bàng sinh, hoặc cõi quỷ, hoặc trời, hoặc người, hoặc trung hữu cùng do tu tạo thành, các danh hiệu hiện có, dị ngữ tăng ngữ, các tưởng cùng tưởng, nêu đặt để nói năng, gọi đó là mắt, là nhãn xứ, là nhãn giới, là nhãn căn, là thấy, là con đường, là dẫn đường, là trắng, là tịnh, là kho tàng, là cửa, là ruộng, là sự, là sông, là ao, là biển, là sang, là sang môn, là bờ nầy. Nhãn căn như thế là thuộc về Nội xứ.

*

2. Thế nào là Nhĩ căn?

Đáp: Nghĩa là tai đối với âm thanh đã, đang và sẽ nghe, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Nhĩ căn.

Lại, tai tăng thượng phát sinh nhĩ thức, đối với âm thanh đã, đang và sẽ phân biệt rõ, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Nhĩ căn.

Lại, tai đối với âm thanh đã, đang và sẽ bị trở ngại, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Nhĩ căn.

Lại, tai đối với âm thanh đã, đang và sẽ hành tác, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Nhĩ căn.

Như vậy các tai hiện có của quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là Nhĩ căn, cũng gọi là đối tượng được nhận biết v.v… cho đến gọi là đối tượng cùng chứng đắc. Việc nầy lại là thế nào? Là sắc tịnh do bốn đại chủng tạo ra, hoặc địa ngục v.v… cho đến cùng do tu tạo thành, các danh hiệu hiện có, dị ngữ tăng ngữ, các tưởng cùng tưởng, nêu đặt để nói năng, gọi đó là tai, là nhĩ xứ, là nhĩ giới, là nhĩ căn, là nghe, là con đường v.v… cho đến gọi là bờ nầy. Nhĩ căn như thế là thuộc về Nội xứ.

*

3. Thế nào là Tỷ căn?

Đáp: Nghĩa là mũi đối với hương đã, đang và sẽ ngửi, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Tỷ căn.

Lại, mũi tăng thượng phát sinh tỷ thức, đối với hương đã, đang và sẽ phân biệt rõ, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Tỷ căn.

Lại, mũi đối với hương đã, đang và sẽ bị trở ngại, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Tỷ căn.

Lại, mũi đối với hương đã, đang và sẽ hành tác, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Tỷ căn.

Như vậy các mũi hiện có trong quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là Tỷ căn, cũng gọi là đối tượng được nhận biết v.v… cho đến gọi là đối tượng cùng chứng đắc. Việc nầy lại là thế nào? Là sắc tịnh do bốn đại chủng tạo ra, hoặc địa ngục v.v… cho đến trung hữu, không phải do tu tạo thành, các danh hiệu hiện có, dị ngữ tăng ngữ, các tưởng cùng tưởng, nêu đặt để nói năng, gọi đó là mũi, là tỷ xứ, là tỷ giới, là tỷ căn, là ngửi, là con đường v.v… cho đến gọi là bờ nầy. Tỷ căn như thế là thuộc về Nội xứ.

*

4. Thế nào là Thiệt căn?

Đáp: Nghĩa là lưỡi đối với vị đã, đang và sẽ nếm, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Thiệt căn.

Lại, lưỡi tăng thượng phát sinh thiệt thức, đối với vị đã, đang và sẽ phân biệt rõ, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Thiệt căn.

Lại, lưỡi đối với vị đã, đang và sẽ bị trở ngại, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Thiệt căn.

Lại, lưỡi đối với vị đã, đang và sẽ hành tác, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Thiệt căn.

Như vậy các lưỡi hiện có trong quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là Thiệt căn, cũng gọi là đối tượng được nhận biết v.v… cho đến gọi là đối tượng cùng chứng đắc. Việc nầy lại là thế nào? Là sắc tịnh do bốn đại chủng tạo nên, hoặc địa ngục v.v… cho đến trung hữu, không phải do tu tạo thành, các danh hiệu hiện có, dị ngữ tăng ngữ, các tưởng cùng tưởng, nêu đặt để nói năng, gọi đó là lưỡi, là thiệt xứ, là thiệt giới, là thiệt căn, là nếm, là con đường v.v… cho đến gọi là bờ nầy. Thiệt căn như thế là thuộc về Nội xứ.

*

5. Thế nào là Thân căn?

Đáp: Nghĩa là thân đối với xúc đã, đang và sẽ xúc chạm nhận biết, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Thân căn.

Lại, thân tăng thượng phát sinh thân thức, đối với xúc đã, đang và sẽ phân biệt rõ, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Thân căn.

Lại, thân đối với xúc đã, đang và sẽ bị trở ngại, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Thân căn.

Lại, thân đối với xúc đã, đang và sẽ hành tác, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Thân căn.

Như vậy các thân hiện có của quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là Thân căn, cũng gọi là đối tượng được nhận biết v.v… cho đến gọi là đối tượng cùng chứng đắc. Việc nầy lại là thế nào? Là sắc tịnh do bốn đại chủng tạo ra, hoặc địa ngục v.v… cho đến trung hữu, không phải do tu tạo thành, các danh hiệu hiện có, dị ngữ tăng ngữ, các tưởng cùng tưởng, nêu đặt để nói năng, gọi đó là thân, là thân xứ, là thân giới, là thân căn, là nhận biết, là con đường v.v… cho đến gọi là bờ nầy. Thân căn như thế là thuộc về Nội xứ.

*

6. Thế nào là Ý căn?

Đáp: Nghĩa là ý đối với pháp đã, đang và sẽ nhận biết, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Ý căn.

Lại, ý tăng thượng phát sinh ý thức, đối với pháp đã, đang và sẽ phân biệt rõ, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Ý căn.

Lại, ý đối với pháp đã, đang và sẽ bị trở ngại, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Ý căn.

Lại, ý đối với pháp đã, đang và sẽ hành tác, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Ý căn.

Như vậy các ý hiện có của quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là Ý căn, cũng gọi là đối tượng được nhận biết v.v… cho đến gọi là đối tượng cùng chứng đắc. Việc nầy lại là thế nào? Nghĩa là các tâm ý thức, hoặc địa ngục v.v… cho đến hoặc trung hữu, hoặc do tu tạo thành, các danh hiệu hiện có, dị ngữ tăng ngữ, các tưởng cùng tưởng, nêu đặt để nói năng, gọi đó là ý, là ý xứ, là ý giới, là ý căn, là nhận biết, là con đường v.v… cho đến gọi là bờ nầy. Ý căn như thế là thuộc về Nội xứ.

*

7. Thế nào là Nữ căn?

Đáp: Nghĩa là nữ, thể nữ, tánh nữ, là thế phần của nữ, tác dụng của nữ. Việc nầy lại là thế nào? Là phần nhục thân hiện có từ dưới rún, vùng trên đầu gối, gân mạch máu chuyển chảy, nếu ở chỗ nầy giao hội với nam căn phát sinh lạc thọ được lãnh nhận bình đẳng. Đó gọi là Nữ căn.

*

8. Thế nào là Nam căn?

Đáp: Nghĩa là nam, thể nam, tánh nam, là thế phần của nam, tác dụng của nam. Việc nầy lại là thế nào? Là phần nhục thân hiện có từ dưới rún, vùng trên đầu gối, gân mạch máu chuyển chảy, nếu ở chỗ nầy giao hội với nữ căn phát sinh lạc thọ được lãnh nhận bình đẳng. Đó gọi là Nam căn.

*

9. Thế nào là Mạng căn?

Đáp: Nghĩa là các hữu tình kia ở trong tụ của các hữu tình không dời, không chuyển, không hư, không hoại, không mất, không thoái, có đời sống tồn tại, được che chở, tùy che chở, chuyển đổi, tùy chuyển đổi, là mạng, là mạng căn. Đó gọi là Mạng căn.

*

10. Thế nào là Lạc căn?

Đáp: Nghĩa là xúc thuận theo lạc sinh khởi thân lạc, tâm lạc, thọ nhận bình đẳng, thuộc về thọ, đó gọi là Lạc căn. Lại nữa, khi tu tĩnh lự thứ ba, xúc thuận theo lạc sinh khởi tâm lạc, thọ nhận bình đẳng, thuộc về thọ, đó gọi là Lạc căn.

*

11. Thế nào gọi là Khổ căn?

Đáp: Nghĩa là xúc thuận theo khổ sinh khởi thân khổ, thọ nhận không bình đẳng, thuộc về thọ. Đó gọi là Khổ căn.

*

12. Thế nào là Hỷ căn?

Đáp: Nghĩa là xúc thuận theo hỷ sinh khởi tâm hỷ, thọ nhận bình đẳng, thuộc về thọ, đó gọi là Hỷ căn. Lại nữa, khi tu hai tĩnh lự đầu, xúc thuận theo hỷ sinh khởi tâm mừng vui, thọ nhận bình đẳng, thuộc về thọ, đó gọi là Hỷ căn.

*

13. Thế nào là Ưu căn?

Đáp: Nghĩa là xúc thuận theo ưu sinh khởi tâm ưu sầu, thọ nhận không bình đẳng, thuộc về thọ. Đó gọi là Ưu căn.

*

14. Thế nào là Xả căn?

Đáp: Nghĩa là xúc thuận theo xả sinh khởi thân xả, tâm xả, thọ nhận không bình đẳng, không phải không bình đẳng, thuộc về thọ, đó gọi là Xả căn. Lại nữa, khi tu định vị chí, tĩnh lự trung gian, tĩnh lự thứ tư cùng định vô sắc, xúc thuận theo không khổ không vui sinh khởi tâm xả, thọ nhận không bình đẳng, không phải không bình đẳng, thuộc về thọ, đó gọi là Xả căn.

*

15. Thế nào là Tín căn?

Đáp: Nghĩa là nương vào pháp thiện sinh ra do hạnh xuất gia và xa lìa, đã khởi các thứ tin, tánh tin, tánh tin hiền tiền, tùy thuận, thừa nhận, ái mộ, tánh ái mộ, tâm lắng tịnh, đó gọi là Tín căn. Lại nữa, tín học, tín vô học, cùng tất cả tín phi học phi vô học, đều gọi là Tín căn.

*

16.Thế nào là Tinh tấn căn?

Đáp: Nghĩa là nương vào pháp thiện sinh ra do hạnh xuất gia và xa lìa, đã khởi sức siêng năng tinh tấn, thế dụng mạnh mẽ, hăng hái tột bậc, khó ngăn cản được, tâm ý luôn cố gắng không dừng, đó gọi là Tinh tấn căn. Lại nữa, tinh tấn học, tinh tấn vô học, cùng tất cả tinh tấn phi học phi vô học, đều gọi là Tinh tấn căn.

*

17. Thế nào là Niệm căn?

Đáp: Nghĩa là nương vào pháp thiện sinh ra do hạnh xuất gia và xa lìa, đã khởi các niệm tùy niệm, chuyên niệm, ức niệm, không quên không mất, không sót không thiếu, tánh không mất pháp, tánh tâm ghi rõ, đó gọi là Niệm căn. Lại nữa, niệm học, niệm vô học, cùng tất cả niệm phi học phi vô học, đều gọi là Niệm căn.

18. Thế nào là Định căn?

Đáp: Nghĩa là nương vào pháp thiện sinh ra do hạnh xuất gia và xa lìa, đã khởi các tâm trụ cùng trụ, trụ gần, an trụ, không tán, không loạn, thâu giữ đẳng trì (Định), tánh tâm một cảnh, đó gọi là Định căn. Lại nữa, định học, định vô học, cùng tất cả định phi học phi vô học, đều gọi là Định căn.

*

19. Thế nào gọi là Tuệ căn?

Đáp: Nghĩa là nương vào pháp thiện sinh ra do hạnh xuất gia và xa lìa, đối với các pháp đã khởi đều lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng, lựa chọn tận cùng, nhân đấy đã hiểu rõ, cùng hiểu rõ, hiểu gần, thông đạt sáng tỏ thẩm xét tường tận, tuệ giác soi rõ hành Tỳ-bát-xá-na, đó gọi là Tuệ căn. Lại nữa, tuệ học, tuệ vô học, cùng tất cả tuệ phi học phi vô học, đều gọi là Tuệ căn.

*

20. Thế nào là Vị tri đương tri căn?

Đáp: Nghĩa là Hành giả đã nhập chánh tánh ly sinh, các tuệ căn, tuệ hữu học hiện có, cùng các hành tùy tín, tùy pháp, đối với bốn Thánh đế chưa hiện quán, tức nên hiện quán, do đó các căn chuyển đổi. Đó gọi là Vị tri đương tri căn.

*

21. Thế nào là Dĩ tri căn?

Đáp: Nghĩa là người đã kiến đế các tuệ căn, tuệ hữu học hiện có cùng tín thắng giải, kiến chí, thân chứng, đối với bốn Thánh đế đã hiện quán, tức nên hiện quán để đoạn trừ các phiền não còn lại, thế nên các căn chuyển đổi. Đó gọi là Dĩ tri căn.

*

22. Thế nào là Cụ tri căn?

Đáp: Nghĩa là bậc A-la-hán các tuệ căn, tuệ vô học hiện có, cùng tuệ giải thoát, cùng giải thoát, đối với bốn Thánh đế đã hiện quán, cần hiện quán để được Hiện pháp lạc trụ, thế nên các căn chuyển đổi. đó gọi là Cụ tri căn.

***

Phẩm 18: XỨ

Một thời, Đức Bạc-già-phạm trú tại khu vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, có Phạm chí tên là Sinh Văn, đến chỗ Đức Phật, chấp tay cung kính, dùng lời dịu dàng thăm hỏi Đức Thế Tôn. Phật cũng dùng lời dịu dàng thăm hỏi lại vị ấy. Sau khi thăm hỏi xong, Phạm chí ngồi sang một bên, chấp tay cung kính bạch Phật: Con có đôi điều muốn thưa hỏi Sa-môn Kiều-đáp-ma tôn quý, xin được chấp thuận chỉ dạy tóm lược.

Đức Thế Tôn bảo Phạm chí ấy: Ông cứ theo ý thưa hỏi, Như Lai sẽ vì ông giải đáp đầy đủ.

Phạm chí hỏi: Tất cả pháp, sao gọi là tất cả pháp?

Đức Thế Tôn bảo: Tất cả pháp tức là 12 Xứ. Những gì là mười hai?

1. Nhãn xứ.
2. Sắc xứ.
3. Nhĩ xứ.
4. Thanh xứ.
5. Tỷ xứ.
6. Hương xứ.
7. Thiệt xứ.
8. Vị xứ.
9. Thân xứ.
10. Xúc xứ.
11. Ý xứ.
12. Pháp xứ.

Đó gọi là mười hai Xứ.

Lại có chỗ nói: Đây không phải là tất cả. Nói tất cả tức lại có pháp riêng. Điều ấy chỉ có nơi ngôn từ, không là sự thật. Nếu hỏi trở lại thì không thể hiểu rõ. Người kia về sau tư duy xét kỹ, tự sinh mê muội, do tất cả pháp không phải là cảnh giới của kẻ ấy.

Lúc nầy, Phạm chí Sinh Văn nghe lời Phật giảng nói, hết sức vui mừng liền cung kính từ biệt ra về.

*

1. Thế nào là Nhãn xứ?

Đáp: Nghĩa là như Nhãn căn. Nên nói rõ về tướng của nó.

*

2. Thế nào là Sắc xứ?

Đáp: Nghĩa là sắc được mắt đã, đang và sẽ thấy, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Sắc xứ.

Lại, sắc được mắt tăng thượng phát sinh nhãn thức, đã, đang và sẽ phân biệt rõ, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Sắc xứ.

Lại, đối với mắt, sắc đã, đang và sẽ bị trở ngại, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Sắc xứ.

Lại, sắc được mắt đã, đang và sẽ hành tác, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Sắc xứ.

Như vậy các sắc hiện có của quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là Sắc xứ, cũng gọi là đối tượng được nhận biết v.v… cho đến gọi là đối tượng cùng chứng đắc. Việc nầy lại là thế nào? Nghĩa là bốn đại chủng đã tạo ra các thứ sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, mây, khói, bụi, sương mù, dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp, thẳng hay xiên, bóng hình ánh sáng, bóng tối, một thứ hiện sắc của hư không cùng các sắc pha tạp như đỏ tía, xanh ngọc bích, xanh lục, vàng sẫm, cùng hết thảy các thứ sắc hiện có khác, nhãn căn đã thấy được, nhãn thức đã hiểu biết, các danh hiệu hiện có, dị ngữ tăng ngữ, các tưởng cùng tưởng, nêu đặt để nói năng, gọi đó là sắc, là sắc giới, là sắc xứ v.v… là bờ kia. Sắc xứ như thế là thuộc về Ngoại xứ.

*

3. Thế nào là Nhĩ xứ?

Đáp: Nghĩa là như Nhĩ căn. Nên nói rõ về tướng của nó.

*

4. Thế nào là Thanh xứ?

Đáp: Nghĩa là tiếng được tai đã, đang và sẽ nghe, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Thanh xứ.

Lại, tiếng được tai tăng thượng phát sinh nhĩ thức, đã, đang và sẽ phân biệt rõ, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Thanh xứ.

Lại, đối với tai, tiếng đã, đang và sẽ bị trở ngại, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Thanh xứ.

Lại, tiếng được tai đã, đang và sẽ hành tác, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Thanh xứ.

Như vậy các tiếng hiện có của quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là Thanh xứ, cũng gọi là đối tượng được nhận biết v.v… cho đến gọi là đối tượng cùng chứng đắc. Việc nầy lại là thế nào? Nghĩa là bốn đại chủng đã tạo ra các thứ tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng bước chân, tiếng thổi ốc, tiếng chuông rung, tiếng trống lớn nhỏ, tiếng ca, tiếng ngâm vịnh, tiếng tán thán, tiếng Phạn, cùng âm thanh của bốn đại chủng hỗ tương, xúc chạm nơi ngày đêm, âm thanh của ngôn ngữ, cùng mọi thứ tiếng hiện có khác, nhĩ căn đã nghe thấy, nhĩ thức đã hiểu rõ, các danh hiệu hiện có, dị ngữ tăng ngữ, các tưởng cùng tưởng, nêu đặt để nói năng, gọi đó là tiếng, là thanh giới, là thanh xứ, là bờ kia. Thanh xứ như thế là thuộc về Ngoại xứ.

*

5. Thế nào là Tỷ xứ?

Đáp: Nghĩa là như Tỷ căn. Nên nói rõ về tướng của nó.

*

6. Thế nào là Hương xứ?

Đáp: Nghĩa là hương được mũi đã, đang và sẽ ngửi, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Hương xứ.

Lại, hương được mũi tăng thượng phát sinh tỷ thức, đã, đang và sẽ phân biệt rõ, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Hương xứ.

Lại, đối với mũi, hương đã, đang và sẽ bị trở ngại, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Hương xứ.

Lại, hương được mũi đã, đang và sẽ hành tác, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Hương xứ.

Như vậy các hương hiện có nơi quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là Hương xứ, cũng gọi là đối tượng được nhận biết v.v… cho đến gọi là đối tượng cùng chứng đắc. Việc nầy lại là thế nào? Nghĩa là bốn đại chủng đã tạo ra các thứ hương của rễ, cộng cây, cành cây, lá, hoa quả v.v… hay mùi thơm, mùi thối, mùi bình thường, cùng các thứ hương hiện có khác, tỷ căn đã ngửi được, tỷ thức đã hiểu rõ, các danh hiệu hiện có, dị ngữ tăng ngữ, các tưởng cùng tưởng, nêu đặt để nói năng, gọi đó là hương, là hương giới, là hương xứ, là bờ kia. Hương xứ như thế là thuộc về Ngoại xứ.

*

7. Thế nào là Thiệt xứ?

Đáp: Nghĩa là như Thiệt căn. Nên nói rõ về tướng của nó.

*

8. Thế nào là Vị xứ?

Đáp: Nghĩa là vị được lưỡi đã, đang và sẽ nếm, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Vị xứ.

Lại, vị được lưỡi tăng thượng phát sinh thiệt thức, đã, đang và sẽ phân biệt rõ, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Vị xứ.

Lại, đối với lưỡi, vị đã, đang và sẽ bị trở ngại, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Vị xứ.

Lại, vị được lưỡi đã, đang và sẽ hành tác, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Vị xứ.

Như vậy các vị hiện có trong quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là Vị xứ, cũng gọi là đối tượng được nhận biết v.v… cho đến gọi là đối tượng cùng chứng đắc. Việc nầy lại là thế nào? Nghĩa là bốn đại chủng đã tạo ra các thứ vị của rễ cây, cộng cây, nhánh cây, lá, hoa, quả, vị của thức ăn, thức uống và các thứ rượu, vị đắng, vị chua, ngọt, cay, mặn, lạt, vị thích ý, vị trái ý, vị thuận xả, cùng các thứ vị hiện có khác, thiệt căn đã nếm vị, thiệt thức đã hiểu rõ, các danh hiệu hiện có, dị ngữ tăng ngữ, các tưởng cùng tưởng, nêu đặt để nói năng, gọi đó là vị, là vị giới, là vị xứ, là bờ kia. Vị xứ như thế là thuộc về Ngoại xứ.

*

9. Thế nào là Thân xứ?

Đáp: Nghĩa là như Thân căn. Nên nói rõ về tướng của nó.

*

10. Thế nào là Xúc xứ?

Đáp: Nghĩa là xúc được thân đã, đang và sẽ xúc chạm, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Xúc xứ.

Lại, xúc được thân tăng thượng phát sinh thân thức, đã, đang và sẽ phân biệt rõ, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Xúc xứ.

Lại, đối với thân, xúc đã, đang và sẽ bị trở ngại, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Xúc xứ.

Lại, xúc được thân đã, đang và sẽ hành tác, cùng đồng phận của nó, đó gọi là Xúc xứ.

Như vậy các xúc hiện có nơi quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là Xúc xứ, cũng gọi là đối tượng được nhận biết v.v… cho đến gọi là đối tượng cùng chứng đắc. Việc nầy lại là thế nào? Nghĩa là bốn đại chủng đã tạo ra các tánh trơn, nhám, nhẹ, nặng, lạnh, ấm, đói khát, cùng các thứ xúc hiện có khác, thân căn đã nhận biết, thân thức đã hiểu rõ, các danh hiệu hiện có, dị ngữ tăng ngữ, các tưởng cùng tưởng, nêu đặt để nói năng, gọi đó là xúc, là xúc giới, là xúc xứ, là bờ kia. Xúc xứ như thế là thuộc về Ngoại xứ.

*

11. Thế nào là Ý xứ?

Đáp: Nghĩa là như Ý căn. Nên nói rõ về tướng của nó.

*

12. Thế nào là Pháp xứ?

Đáp: Nghĩa là pháp được ý đã, đang và sẽ nhận biết, đó gọi là Pháp xứ.

Lại, pháp được ý tăng thượng phát sinh ý thức, đã, đang và sẽ phân biệt rõ, đó gọi là Pháp xứ.

Lại, đối với ý, pháp đã, đang và sẽ bị trở ngại, đó gọi là Pháp xứ.

Lại, pháp được ý đã, đang và sẽ hành tác, đó gọi là Pháp xứ.

Như vậy các pháp hiện có nơi quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là Pháp xứ, cũng gọi là đối tượng được nhận biết v.v… cho đến gọi là đối tượng cùng chứng đắc. Việc nầy lại là thế nào? Nghĩa là các thứ thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý, dục, thắng giải, tín, tinh tấn, niệm định, tuệ, tầm, tứ, phóng dật, không phóng dật, căn thiện, căn bất thiện, căn vô ký, tất cả kiết, phược, tùy miên, tùy phiền não, triền, các thứ trí, các thứ kiến, các thứ hiện quán hiện có, đắc, định vô tưởng, định diệt tận, sự vô tưởng, mạng căn, chúng đồng phận, y đắc, sự đắc, xứ đắc, tánh sinh, lão, trụ, vô thường, danh thân, cú thân, văn thân, hư không, trạch diệt, phi trạch diệt, cùng các thứ pháp hiện có khác, ý căn đã nhận biết, ý thức đã hiểu rõ, các danh hiệu hiện có, dị ngữ tăng ngữ, các tưởng cùng tưởng, nêu đặt để nói năng, gọi đó là pháp, là pháp giới, là pháp xứ, là bờ kia. Pháp xứ như thế là thuộc về Ngoại xứ.

***

Phẩm 19: UẨN

Một thời, Đức Bạc-già-phạm trú tại khu vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với chúng Bí-sô: Có 5 Uẩn. Những gì là năm?

  1. Sắc uẩn.
  2. Thọ uẩn.
  3. Tưởng uẩn.
  4. Hành uẩn.
  5. Thức uẩn.

Đó gọi là năm uẩn.

*

1. Thế nào là Sắc uẩn?

Đáp: Nghĩa là các thứ sắc hiện có, tất cả đều là bốn đại chủng và do bốn đại chủng tạo nên. Đó gọi là Sắc uẩn.

*

2. Thế nào là Thọ uẩn?

Đáp: Nghĩa là các thọ, cùng thọ, thọ riêng, tánh của thọ, thuộc về thọ. Đó gọi là Thọ uẩn.

Lại có hai thứ thọ, gọi là Thọ uẩn: Nghĩa là thân thọ và tâm thọ. Thế nào là thân thọ? Là năm thức thân tương ưng các với các thọ v.v… cho đến thuộc về thọ, đó gọi là thân thọ. Thế nào là tâm thọ? Là ý thức tương ưng với các thọ v.v… cho đến thuộc về thọ, đó gọi là tâm thọ.

Lại có hai thứ thọ, gọi là Thọ uẩn: Nghĩa là thọ có vị và thọ không vị. Thế nào là thọ có vị? Là tác ý hữu lậu tương ưng với các thọ v.v… cho đến thuộc về thọ, đó gọi là thọ có vị. Thế nào là thọ không vị? Là tác ý vô lậu tương ưng với các thọ v.v… cho đến thuộc về thọ, đó gọi là thọ không vị.

Lại có thuyết nói: Tác ý của cõi Dục tương ưng với thọ, gọi là thọ có vị. Tác ý của cõi Sắc và cõi Vô sắc tương ưng với thọ, gọi là thọ không vị. Nay trong nghĩa nầy nói tác ý hữu lậu tương ưng với thọ, gọi là thọ có vị. Tác ý vô lậu tương ưng với thọ, gọi là thọ không vị.

Như nói về thọ có vị, thọ không vị, các thứ thọ đọa lạc, thọ không đọa lạc, thọ dựa vào tham đắm, thọ dựa vào xuất ly, thọ thuận kiết, thọ không thuận kiết, thọ thuận thủ, thọ không thuận thủ, thọ thuận theo triền, thọ không thuận theo triền, thọ thế gian, thọ xuất thế gian v.v… cũng như vậy.

Lại có ba thứ thọ, gọi là Thọ uẩn: Nghĩa là lạc thọ, khổ thọ, thọ không khổ không lạc. Thế nào là lạc thọ? Là xúc thuận theo lạc sinh khởi thân và tâm đều vui, thọ nhận bình đẳng, thuộc về thọ, đó gọi là lạc thọ. Lại nữa, khi tu các thứ tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự thứ hai, tĩnh lự thứ ba, xúc thuận theo lạc sinh khởi tâm vui, thọ nhận bình đẳng, thuộc về thọ, đó gọi là lạc thọ. Thế nào là khổ thọ? Là xúc thuận theo khổ sinh khởi thân và tâm đều khổ, thọ nhận không bình đẳng, thuộc về thọ, đó gọi là khổ thọ. Thế nào là thọ không khổ không lạc? Là xúc thuận theo không khổ không lạc sinh khởi thân xả và tâm xả, thọ nhận không bình đẳng, không phải là không bình đẳng, đều thuộc về thọ, đó gọi là thọ không khổ không lạc. Lại nữa, khi tu định vị chí, tĩnh lự trung gian, tĩnh lự thứ tư cùng định vô sắc, xúc thuận theo không khổ không lạc sinh khởi tâm xả, thọ nhận không bình đẳng, không phải là không bình đẳng, đều thuộc về thọ, đó gọi là thọ không khổ không lạc.

Lại có bốn thứ thọ, gọi là Thọ uẩn: Nghĩa là thọ cõi Dục, thọ cõi Sắc, thọ cõi Vô sắc và thọ không hệ thuộc. Thế nào là thọ cõi Dục? Là tác ý của cõi Dục tương ưng với các thọ v.v… cho đến đều thuộc về thọ, đó gọi là thọ cõi Dục. Thế nào là thọ cõi Sắc? Là tác ý của cõi Sắc tương ưng với các thọ v.v… cho đến đều thuộc về thọ, đó gọi là thọ cõi Sắc. Thế nào là thọ cõi Vô sắc? Là tác ý của cõi Vô sắc tương ưng với các thọ v.v… cho đến đều thuộc về thọ, đó gọi là thọ cõi Vô sắc. Thế nào là thọ không hệ thuộc? Là tác ý vô lậu tương ưng với các thọ v.v… cho đến đều thuộc về thọ, đó gọi là thọ không hệ thuộc.

Lại có năm thứ thọ, gọi là Thọ uẩn: Nghĩa là lạc thọ, khổ thọ, hỷ thọ, ưu thọ, xả thọ. Năm thọ như thế nói rộng như nơi Phẩm Căn.

Lại có sáu thứ thọ, gọi là Thọ uẩn: Nghĩa là mắt tiếp xúc sinh ra thọ, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sinh ra thọ. Thế nào là mắt tiếp xúc sinh ra thọ? Nghĩa là mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ hòa hợp nên sinh ra xúc, xúc làm duyên sinh ra thọ. Ở đây, mắt là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên, còn nhãn xúc làm nhân, nhãn xúc là đẳng khởi, là chủng loại của nhãn xúc, là thứ sinh nhãn xúc, cùng nhãn xúc sinh ra tác ý tương ưng với các thọ do nhãn thức đã phân biệt rõ về sắc v.v… cho đến đều thuộc về thọ. Đó gọi là mắt tiếp xúc sinh ra thọ. Các thứ tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc sinh ra thọ: Nói rộng cũng như vậy. Đó gọi là Thọ uẩn.

*

3. Thế nào là Tưởng uẩn?

Đáp: Như Thọ uẩn, Tưởng uẩn theo chỗ ứng hợp nói rộng cũng như vậy.

*

4. Thế nào là Hành uẩn?

Đáp: Hành uẩn có hai thứ: 1. Hành uẩn của tâm tương ưng. 2. Hành uẩn của tâm không tương ưng.

Thế nào là hành uẩn của tâm tương ưng? Nghĩa là tư, xúc, tác ý v.v… nói rộng cho đến các trí, kiến, hiện quán hiện có. Ngoài ra lại có các loại pháp như thế cùng tương ưng với tâm. Đó gọi là Hành uẩn của tâm tương ưng.

Thế nào là hành uẩn của tâm không tương ưng? Nghĩa là đã chứng được định vô tưởng v.v… nói rộng cho đến văn thân. Ngoài ra lại có các loại pháp như thế không tương ưng với tâm. Đó gọi là Hành uẩn của tâm không tương ưng.

Như thế, hành uẩn của tâm tương ưng và hành uẩn của tâm không tương ưng, gọi chung là Hành uẩn.

*

5. Thế nào là Thức uẩn?

Đáp: Như Thọ uẩn, Thức uẩn theo chỗ ứng hợp nói rộng cũng như vậy.

***

Phẩm 20: NHIỀU GIỚI, phần 1

Một thời, Đức Bạc-già-phạm trú tại khu vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan-đà ở riêng một mình nơi tĩnh thất khởi suy nghĩ: “Những kẻ gây ra các việc sợ hãi, các tai họa, các việc nhiễu loạn khổ não v.v… đều là hàng phàm phu ngu tối, không phải là các bậc trí”. Nghĩ như thế rồi, đến khoảng xế chiều, từ tĩnh thất đi đến chỗ Đức Phật, lạy nơi chân Phật rồi ngồi qua một bên, đem các điều đã suy nghĩ thưa đầy đủ với Đức Phật.

Nghe xong, Phật xác nhận nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Những kẻ gây ra các việc sợ hãi, các tai họa, các việc nhiễu loạn khổ não v.v… đều là hàng phàm phu ngu tối, không phải là các bậc trí. Như đặt lửa trong nhà cỏ lau khô thì lầu đền đài quán cũng bị thiêu cháy. Kẻ ngu cũng vậy, vì không có trí nên gây ra các thứ sợ hãi, tai họa v.v…

Khánh Hỷ nên biết! Nơi quá khứ, hiện tại, vị lai, các sự sợ hãi, các tai họa, các thứ nhiễu loạn khổ não v.v… đều do kẻ phàm ngu sinh ra, không phải là các bậc trí, do các bậc trí không khởi các việc đó.

Khánh Hỷ nên biết! Kẻ phàm ngu có sợ hãi, bậc trí không có sợ hãi, kẻ phàm ngu có tai họa, bậc trí không có tai họa, kẻ phàm phu có các việc nhiễu loạn khổ não, bậc trí không có các thứ nhiễu loạn khổ não.

Do đấy, Khánh Hỷ nên biết! Kẻ phàm ngu và bậc trí, pháp nhận biết rồi, nên xa lìa pháp của các kẻ phàm ngu, thọ hành pháp của các bậc trí.

Tôn giả A-nan-đà thưa: Như thế nào thì gọi là hạng phàm ngu?

Đức Phật nói: Nếu có hữu tình đối với các thứ giới, xứ, uẩn, các thứ duyên khởi và các pháp xứ phi xứ, không khéo léo hiểu biết, đó là hạng phàm ngu.

Tôn giả A-nan-đà thưa: Ngang mức nào thì được gọi là bậc trí?

Đức Phật đáp: Nếu có hữu tình đối với giới, xứ, uẩn, đối với duyên khởi, pháp xứ phi xứ, đạt được thiện xảo, đó gọi là bậc trí.

Tôn giả A-nan-đà thưa: Thế nào là bậc trí đối với giới đạt được thiện xảo?

Đức Phật dạy: Bậc trí đối với mười tám giới đều thấy biết đúng như thật, gọi là đạt được thiện xảo về giới. Nghĩa là thấy biết đúng như thật về: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới, nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới, thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới, thân giới, xúc giới, thân thức giới, ý giới, pháp giới, ý thức giới.

Lại, đối với sáu giới thấy biết đúng như thật gọi là đạt được thiện xảo về giới. Nghĩa là thấy biết đúng như thật về các giới: địa, thủy, hỏa, phong, không và thức.

Lại, đối với sáu giới thấy biết đúng như thật gọi là đạt được thiện xảo về giới. Nghĩa là thấy biết đúng như thật về các giới: dục, giận, hại và không dục, không giận, không hại.

Lại, đối với sáu giới thấy biết đúng như thật gọi là đạt được thiện xảo về giới. Nghĩa là thấy biết đúng như thật về các giới: lạc, khổ, hỷ, ưu, xả, vô minh.

Lại, đối với bốn giới thấy biết đúng như thật gọi là đạt được thiện xảo về giới. Đó là giới thọ, tưởng, hành, thức.

Lại, thấy biết đúng như thật về ba giới, gọi là đạt được thiện xảo về giới. Đó là cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc.

Lại, thấy biết đúng như thật về ba giới, gọi là đạt được thiện xảo về giới. Đó là các giới: sắc, vô sắc, diệt.

Lại, thấy biết đúng như thật về ba giới, gọi là đạt được thiện xảo về giới. Đó là các giới: quá khứ, vị lai, hiện tại.

Lại, thấy biết đúng như thật về ba giới, gọi là đạt được thiện xảo về giới. Đó là các giới: thấp kém, trung bình, thượng diệu.

Lại, thấy biết đúng như thật về ba giới, gọi là đạt được thiện xảo về giới. Đó là các giới: thiện, bất thiện, vô ký.

Lại, thấy biết đúng như thật về ba giới, gọi là đạt được thiện xảo về giới. Đó là các giới: học, vô học, phi học phi vô học.

Lại, thấy biết đúng như thật về hai giới, gọi là đạt được thiện xảo về giới. Đó là giới hữu lậu, giới vô lậu.

Lại, thấy biết đúng như thật về hai giới, gọi là đạt được thiện xảo về giới. Đó là giới hữu vi, giới vô vi.

Đó gọi là bậc trí đối với giới đạt được thiện xảo.

Tôn giả A-nan-đà thưa: Thế nào là bậc trí đối với xứ đạt được thiện xảo?

Đức Phật đáp: Bậc trí thấy biết đúng như thật về mười hai xứ, gọi là đạt được thiện xảo về xứ. Nghĩa là thấy biết đúng như thật về xứ của mắt, sắc, tai, tiếng, mũi, hương, lưỡi, vị, thân, xúc, ý, thức, gọi là bậc trí đối với xứ đạt được thiện xảo.

Tôn giả A-nan-đà thưa: Thế nào là bậc trí đối với uẩn đạt được thiện xảo?

Đức Phật đáp: Bậc trí thấy biết đúng như thật về năm uẩn, gọi là đạt được thiện xảo về uẩn. Nghĩa là thấy biết đúng như thật về sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, gọi là bậc trí đối với uẩn đạt được thiện xảo.

Tôn giả A-nan-đà thưa: Thế nào là bậc trí đối với duyên khởi đạt được thiện xảo?

Đức Phật đáp: Bậc trí thấy biết đúng như thật về mười hai chi duyên khởi thuận và nghịch, gọi là đạt được thiện xảo về duyên khởi.

Nghĩa là thấy biết đúng như thật dựa vào cái nầy có nên cái kia có, cái nầy sinh nên cái kia sinh. Tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, phát sinh sầu than khổ ưu nhiễu não. Như vậy chính là tích tập thuần là uẩn khổ lớn. Lại thấy biết đúng như thật nếu dựa vào cái nầy không nên cái kia không, cái nầy diệt nên cái kia diệt. Nghĩa là vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục xứ diệt, lục xứ diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sinh diệt, sinh diệt nên già chết, già chết nên sầu than khổ ưu nhiễu não diệt. Như thế là diệt hết toàn bộ uẩn khổ lớn. Đó gọi là bậc trí đạt được thiện xảo về duyên khởi.

Tôn giả A-nan-đà thưa: Thế nào là bậc trí đạt được thiện xảo về pháp xứ phi xứ?

Đức Phật đáp: Bậc trí thấy biết đúng như thật về xứ phi xứ, gọi là đạt được thiện xảo về xứ phi xứ. Nghĩa là:

Thấy biết đúng như thật: Không xứ, không thừa nhận là hành ác của thân ngữ ý chiêu cảm dị thục (quả báo) đáng yêu mến, ưa thích, mừng vui, vừa ý. Có xứ, có thừa nhận là hành ác của thân ngữ ý chiêu cảm dị thục không yêu mến, ưa thích, mừng vui, vừa ý. Không xứ, không thừa nhận là hành diệu của thân ngữ ý chiêu cảm dị thục không đáng yêu mến, không đáng ưa thích, mừng vui, vừa ý. Có xứ, có thừa nhận là hành diệu của thân ngữ ý chiêu cảm dị thục đáng yêu mến, ưa thích, mừng vui, vừa ý. Không xứ, không thừa nhận là hành ác của thân ngữ ý, do nhân duyên ấy nên sau khi qua đời được sinh nơi các nẻo thiện. Có xứ, có thừa nhận là hành ác của thân ngữ ý, do nhân duyên ấy nên sau khi qua đời bị đọa vào các nẻo ác. Không xứ, không thừa nhận là hành diệu của thân ngữ ý, do nhân duyên ấy nên sau khi qua đời bị đọa vào các nẻo ác. Có xứ, có thừa nhận là các hành diệu của thân ngữ ý, do nhân duyên ấy nên sau khi qua đời được sinh vào các nẻo thiện. Đó gọi là bậc trí đối với xứ phi xứ đạt được thiện xảo.

Lại, thấy biết đúng như thật: Không xứ, không thừa nhận là không trước không sau có hai vị Chuyển luân Thánh vương sinh trong một thế giới. Có xứ, có thừa nhận là không trước không sau chỉ có một vị Chuyển luân Thánh vương sinh trong một thế giới. Không xứ, không thừa nhận là không trước không sau có hai Đức Như Lai sinh trong một thế giới. Có xứ, có thừa nhận là không trước không sau chỉ có một Đức Như Lai sinh trong một thế giới. Đó gọi là bậc trí đối với xứ phi xứ đạt được thiện xảo.

Lại, thấy biết đúng như thật: Không xứ, không thừa nhận là người nữ làm Chuyển luân Thánh vương, Đế thích, Ma vương, Phạm vương, cùng chứng Bồ-đề Độc giác, hoặc chứng Bồ-đề Chánh đẳng vô thượng. Có xứ, có thừa nhận là người nam làm Chuyển luân Thánh vương, Đế thích, Ma vương, Phạm vương, cùng chứng được Bồ-đề Độc giác, hoặc chứng Bồ-đề Chánh đẳng vô thượng. Đó gọi là bậc trí đối với xứ phi xứ đạt được thiện xảo.

Lại, thấy biết đúng như thật: Không xứ, không thừa nhận là bậc có đầy đủ Thánh kiến mà cố ý giết cha, hại mẹ, hại A-la-hán, phá hòa hợp Tăng, khởi tâm ác khiến thân Phật chảy máu. Có xứ, có thừa nhận các phàm phu đã gây tạo năm tội vô gián. Không xứ, không thừa nhận là bậc có đủ Thánh kiến cố ý đoạn dứt mạng sống của chúng sinh. Có xứ, có thừa nhận hàng phàm phu đã cố ý đoạn dứt mạng sống của chúng sinh. Không xứ, không thừa nhận là các bậc có đủ Thánh kiến lại cố ý vượt bỏ các Học xứ. Có xứ, có thừa nhận các phàm phu đã cố ý vượt bỏ các Học xứ. Không xứ, không thừa nhận là bậc có đủ Thánh kiến lại bỏ Học xứ thù thắng để hướng tới Học xứ thấp kém, hoặc cầu ngoại đạo làm thầy, hoặc cầu ngoại đạo làm phước điền, hoặc chiêm ngưỡng các Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo, hoặc xem các thứ bói toán, đoán điềm tốt xấu cho là thanh tịnh, hoặc thọ nhận hữu thứ tám. Có xứ, có thừa nhận là các phàm phu đã làm những việc như thế. Đó gọi là bậc trí đối với xứ phi xứ đạt được thiện xảo.

Lại, thấy biết đúng như thật: Không xứ, không thừa nhận là chưa đoạn dứt năm thứ cái, khiến tâm nhiễm ô, khiến tuệ lực suy kém, làm chướng ngại đạo phẩm, trái với Niết-bàn, mà tâm khéo trụ nơi bốn niệm trụ. Có xứ, có thừa nhận là đã đoạn dứt năm thứ cái, tâm khéo trụ nơi bốn niệm trụ. Không xứ, không thừa nhận là chưa đoạn dứt năm thứ cái v.v… nói rộng cho đến trái với Niết-bàn, tâm chưa khéo trụ nơi bốn niệm trụ, lại có thể tu tập bảy giác chi. Có xứ, có thừa nhận là đã đoạn dứt năm thứ cái, tâm đã khéo trụ nơi bốn niệm trụ, có thể tu tập bảy giác chi. Không xứ, không thừa nhận là chưa đoạn dứt năm thứ cái v.v… nói rộng cho đến trái với Niết-bàn, tâm chưa khéo trụ nơi bốn niệm trụ, chưa tu tập bảy giác chi, lại có thể chứng được Thanh văn, Độc giác, Bồ-đề vô thượng. Có xứ, có thừa nhận là đã đoạn dứt năm thứ cái v.v… tâm đã khéo trụ nơi bốn niệm trụ, đã có thể tu tập bảy giác chi mới có thể chứng được Thanh văn, Độc giác, Bồ-đề vô thượng. Đó gọi là bậc trí đối với xứ phi xứ đạt được thiện xảo.

Tôn giả A-nan-đà thưa: Nay pháp môn nầy nên gọi tên là gì, phụng trì như thế nào?

Đức Phật bảo Tôn giả Khánh Hỷ: Pháp môn nầy gọi là Tứ chuyển, cũng gọi là Đại pháp cảnh (Gương pháp lớn), cũng gọi là Cam lồ cổ (Trống cam lồ), cũng gọi là Nhiều cảnh giới. Nên như thế mà phụng trì.

Lúc đó, Tôn giả A-nan-đà hoan hỷ kính thọ.

**

Tiếp theo là giải thích các giới vừa nêu trên:

* Nói về 18 giới: Đó là nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới v.v…

cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới.

1. Thế nào là Nhãn giới?

Đáp: Nghĩa là như Nhãn căn.

2. Thế nào là Sắc giới?

Đáp: Nghĩa là như Sắc xứ.

3. Thế nào là Nhãn thức giới?

Đáp: Nghĩa là mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Ở đây, mắt là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên. Đối với mắt nhận biết về sắc, các thứ phân biệt rõ, phân biệt rõ khác, đều phân biệt rõ riêng về sắc. Đó gọi là Nhãn thức giới.

Mười lăm giới còn lại: Theo chỗ ứng hợp nói rộng cũng như vậy.

*

* Nói về 6 giới: Đó là các giới địa, thủy, hỏa, phong, không và thức.

1. Thế nào là Địa giới?

Đáp: Nghĩa là Địa giới có hai loại là trong và ngoài.

Thế nào là Địa giới trong? Nghĩa là bên trong thân nầy hiện có các thứ mang tánh cứng rắn, loại cứng rắn khác nhau, có nắm giữ, có thọ nhận. Đây lại là thế nào? Đó là các thứ tóc, lông, móng, răng v.v… cho đến phẩn uế. Lại còn có các thứ ở bên trong thân mang tánh cứng rắn, loại cứng rắn khác, có nắm giữ, có thọ nhận. Đó gọi là Địa giới trong.

Thế nào là Địa giới ngoài? Nghĩa là bên ngoài thân nầy hiện có các thứ mang tánh cứng rắn, loại cứng rắn thuộc về bên ngoài, không nắm giữ, không thọ nhận. Đây lại là thế nào? Đó là các thứ đất đai, núi non, đá, đá sỏi, ngói, trai, hầu, ốc sên, đồng, sắt, thiếc, chì, mạt ni, chân châu, lưu ly, loa bối, san hô, ngọc bích, vàng bạc, thạch tạng, chử tạng, phả chi ca, xích châu, thạch tuyền, cát bồi, cỏ cây, nhánh lá, hoa quả, hoặc lại có đất dựa nơi thủy luân mà trụ. Lại còn có các thứ ở bên ngoài thân mang tánh cứng chắc, loại cứng chắc khác, không nắm giữ, không thọ nhận. Đó gọi là Địa giới ngoài.

Hai thứ trong ngoài ấy gọi chung là Địa giới.

2. Thế nào là Thủy giới?

Đáp: Nghĩa là Thủy giới có hai loại là trong và ngoài.

Thế nào là Thủy giới trong? Nghĩa là bên trong thân nầy hiện có các thứ mang tánh ẩm ướt, loại ẩm ướt khác nhau, có nắm giữ, có thọ nhận. Đây lại là thế nào? Đó là các thứ nước mắt, mồ hôi v.v… cho đến tiểu tiện. Lại còn có các thứ ở bên trong thân mang tánh ẩm ướp, loại ẩm ướt khác, có nắm giữ, có thọ nhận. Đó gọi là Thủy giới trong.

Thế nào là Thủy giới ngoài? Nghĩa là bên ngoài thân nầy hiện có các thứ mang tánh ẩm ướt, loại ẩm ướt thuộc về bên ngoài, không nắm giữ, không thọ nhận. Đây lại là thế nào? Đó là các thứ nước nhựa của rễ, cộng, nhánh, lá, hoa, quả v.v… các thứ rượu, sữa, lạc, tô, dầu, mật, đường, ao, đầm, vũng, hồ, sông Căng-già, sông Lam-mẫuna, sông Tát-lạt-du, sông Ắt-thị-la-phiệt-để, sông Mạc-si, biển Đông, biển Tây, biển Nam, biển Bắc, nước trong bốn biển lớn, hoặc lại có nước nương vào phong luân mà trụ. Lại còn có các thứ ở bên ngoài thân mang tánh ẩm ướt, loại ẩm ướt khác, không nắm giữ, không thọ nhận. Đó gọi là Thủy giới ngoài.

Hai thứ trong và ngoài ấy gọi chung là Thủy giới.

3. Thế nào là Hỏa giới?

Đáp: Nghĩa là Hỏa giới có hai loại là trong và ngoài.

Thế nào là Hỏa giới trong? Nghĩa là bên trong thân nầy hiện có các thứ mang tánh nóng, loại nóng khác nhau, có nắm giữ, có thọ nhận. Đây lại là thế nào? Tức là trong thân nầy hiện có các thứ nóng cùng nóng, nóng khắp, do đấy các việc ăn uống đều dễ tiêu hóa. Nếu sự nóng nầy tăng thạnh tức khiến thân nóng bức như bị đốt cháy. Lại còn có các thứ ở bên trong thân mang tánh nóng, loại nóng khác, có nắm giữ, có thọ nhận. Đó gọi là Hỏa giới trong.

Thế nào là Hỏa giới ngoài? Nghĩa là bên ngoài thân nầy hiện có các thứ mang tánh nóng, loại nóng thuộc về bên ngoài, không nắm giữ, không thọ nhận. Đây lại là thế nào? Tức là các thứ đất ấm, lửa, mặt trời, thuốc, mạt ni, cung điện, các vì sao, đống lửa to, đèn, các đám cháy làng, cháy thành, cháy sông, cháy các đồng rộng, cháy củi, cỏ, hoặc mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, một trăm gánh, hoặc vô số gánh bị đốt cháy rực rỡ. Hoặc sức ấm nóng tại những nơi như núi, đầm, sông, ao, hang động, phòng nhà, cung điện, lầu đài, hoặc sức ấm nóng của những cỏ cây, rễ, cộng, nhánh, lá, hoa, quả v.v… Lại còn có các thứ ở bên ngoài thân mang tánh nóng, loại nóng khác, không nắm giữ, không thọ nhận. Đó gọi là Hỏa giới ngoài.

Hai thứ trong ngoài ấy gọi chung là Hỏa giới.

4. Thế nào là Phong giới?

Đáp: Nghĩa là Phong giới có hai loại là trong và ngoài.

Thế nào là Phong giới trong? Nghĩa là bên trong thân nầy hiện có các thứ mang tánh động, loại động khác nhau, có nắm giữ, có thọ nhận. Đây lại là thế nào? Tức là bên trong thân nầy có hơi gió đi lên, hơi gió đi xuống, hoặc hơi gió đi ngang hai bên, hơi gió ở hông, nơi ngực, nơi lưng, bụng, tim, rốn. Các thứ gió Ốt-bát-la, Tất-bát-la, hơi gió đao, kiếm, kim, hơi gió nối kết, trói buộc, kéo trì xuống, nâng cao lên, mạnh mẽ, hoặc tùy từng chi tiết theo hơi thở ra vào. Lại còn có các thứ ở bên trong thân mang tánh động, loại động khác, có nắm giữ, có thọ nhận. Đó gọi là Phong giới trong.

Thế nào là Phong giới ngoài? Nghĩa là bên ngoài thân nầy hiện có những thứ mang tánh động, loại động thuộc về bên ngoài, không nắm giữ, không thọ nhận. Đây lại là thế nào? Tức là các thứ gió Đông, Tây, Nam, Bắc, gió có bụi bặm, gió không có bụi bặm, gió xoáy, gió dữ dội, gió Phệ-lam-bà, gió hiu hiu, gió lớn, gió vô lượng, gió của phong luân, gió dựa nơi không hành. Lại còn có các thứ ở bên ngoài thân mang tánh động, loại động khác, không nắm giữ, không thọ nhận. Đó gọi là Phong giới ngoài.

Hai thứ trong ngoài ấy gọi chung là Phong giới.

5. Thế nào là Không giới?

Đáp: Nghĩa là Không giới có hai loại là trong và ngoài.

Thế nào là Không giới trong? Nghĩa là bên trong thân nầy hiện có các thứ mang tánh không, loại không khác nhau, có nắm giữ, có thọ nhận. Đây lại là thế nào? Tức là bên trong thân nầy có những khoảng trống theo nơi da thịt, máu huyết, xương tủy v.v… hoặc hố mắt, lỗ tai, lỗ mũi, cửa miệng, họng, yết hầu, tim, các khoảng trống nơi ruột, nơi bụng v.v… do đấy nên tích trữ chung thức ăn uống cùng khiến thải ra ngoài. Lại còn có các thứ ở bên trong thân mang tánh không, loại không khác, có thể nắm giữ, có thọ nhận. Đó gọi là Không giới trong.

Thế nào là Không giới ngoài? Nghĩa là bên ngoài thân nầy hiện có các thứ mang tánh không, loại không khác nhau, không nắm giữ, không thọ nhận. Đây lại là thế nào? Tức là khoảng không bên ngoài rất xa, gần với Sắc ha già. Đó gọi là Không giới ngoài.

Hai thứ trong ngoài ấy gọi chung là Không giới.

6. Thế nào là Thức giới?

Đáp: Nghĩa là năm thức thân và ý thức hữu lậu. Đó gọi là Thức giới.

HẾT – QUYỂN 10