LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 3
Phẩm 3: CHỨNG TỊNH, phần 2
3. Thế nào gọi là Tăng chứng tịnh?
Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: “Các đệ tử Thánh nầy, do tướng như thế theo đấy nhớ nghĩ đến Tăng. Nghĩa là đệ tử Phật có đầy đủ hành diệu, hành chất trực, hành như lý, hành pháp tùy pháp, hành hòa kính, hành thuận pháp. Đối với Tăng ở đây, có: hướng Dự lưu, quả Dự lưu, hướng Nhất lai, quả Nhất lai, hướng Bất hoàn, quả Bất hoàn, hướng A-la-hán, quả A-la-hán. Như thế gồm chung có Bổ-đặc-giàla đắc bốn hướng, bốn quả. Chúng đệ tử Phật có giới đầy đủ, định đầy đủ, tuệ đầy đủ, giải thoát đầy đủ, giải thoát tri kiến đầy đủ, là bậc đáng thỉnh mời, đáng quy phục, nên cung kính, là phước điền vô thượng, là bậc Ứng cúng của thế gian”.
Ở đây:
Nói: Nầy, đây: Tức như đã nói rộng nơi phần Phật chứng tịnh ở trước.
Các đệ tử Thánh: Phật Pháp Tăng gọi là Thánh, đã quy y Phật Pháp Tăng nên gọi là các đệ tử Thánh.
Do tướng như thế theo đấy nhớ nghĩ đến Tăng: Nghĩa là do tướng nầy, môn nầy, lý nầy, ở chỗ chư Tăng khởi niệm tùy niệm, chuyên niệm, ức niệm, không quên không mất, không sót không thiếu, tánh không mất pháp, tánh ghi tâm sáng, vì vậy gọi là do tướng như thế theo đấy nhớ nghĩ đến Tăng.
Nói: Hành diệu: Nghĩa là Đức Thế Tôn nói có bốn thứ hành: 1. Hành khổ trì thông. 2. Hành khổ tốc thông. 3. Hành lạc trì thông. 4. Hành lạc tốc thông. Chúng đệ tử Phật ở trong các hành đó hành trì nên gọi là hành diệu. Lại, Đức Thế Tôn nói có bốn thứ hành: 1. Hành không an ổn. 2. Hành an ổn. 3. Hành điều phục. 4. Hành tịch tĩnh. Chúng đệ tử Phật chỉ hành trì ba hành sau nên gọi là hành diệu.
Hành chất trực: Tức tám chi Thánh đạo gọi là chất trực. Vì sao? Vì tám chi Thánh đạo không tà vạy, không quanh co, không xa xôi, nhưng là ngay thẳng, đúng thật, bằng phẳng, một hướng. Chúng đệ tử Phật hành trì các hành đó nên gọi là hành chất trực.
Hành như lý: Tức tám chi Thánh đạo gọi là như lý. Chúng đệ tử Phật ở trong ấy hành trì nên gọi là hành như lý.
Lại, Đức Thế Tôn nói bốn niệm trụ, bốn chánh thắng, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy đẳng giác chi, và chánh định cùng các tư, cụ gọi là đúng lý. Như Đức Thế Tôn nói: Đạo nhất hướng nầy khiến các hữu tình đều được thanh tịnh, vượt mọi ưu sầu, diệt hết khổ não, chứng pháp như lý. Nghĩa là Thánh chánh định cùng các tư, cụ, là bảy Thánh đạo chi gọi là tư, cụ của Thánh chánh định. Những gì là bảy? Tức là chánh kiến v.v… cho đến chánh niệm. Do Thánh chánh định nhân nơi bảy đạo chi nầy dẫn dắt, tu trị mới được thành tựu đầy đủ, nên gọi là tư cụ của Thánh chánh định. Chúng đệ tử Phật ở trong các việc ấy hành trì nên gọi là hành như lý.
Hành pháp tùy pháp: Tức Niết-bàn gọi là pháp, tám chi Thánh đạo gọi là tùy pháp. Chúng đệ tử Phật ở trong ấy hành hóa nên gọi là hành pháp tùy pháp.
Lại, biệt giải thoát gọi là pháp, luật nghi biệt giải thoát gọi là tùy pháp. Chúng đệ tử Phật ở trong các pháp ấy hành trì nên gọi là hành pháp tùy pháp.
Lại, thân luật nghi, ngữ luật nghi và mạng thanh tịnh gọi là pháp, thọ trì các pháp ấy gọi là tùy pháp. Chúng đệ tử Phật ở trong các pháp ấy hành trì nên gọi là hành pháp tùy pháp.
Hành hòa kính: Tức chúng đệ tử Phật cùng một giới, một môn, một lời nói, một biệt giải thoát, đồng giới, đồng học, đồng nói, đồng biệt giải thoát. Học xứ nên học của Bí-sô thọ trăm tuổi giới, Bí-sô mới thọ cũng nên học. Học xứ nên học của Bí-sô mới thọ giới, Bí-sô thọ trăm tuổi giới cũng đồng học. Như các Học xứ, các Học pháp cũng như vậy. Chúng đệ tử Phật có thể ở trong ấy, tánh một giới, tánh một học, tánh một lời nói, tánh một biệt giải thoát, tánh đồng giới, tánh đồng học, tánh đồng nói, tánh đồng biệt giải thoát, nên gọi là hành hòa kính.
Lại, chúng đệ tử Phật hỗ tương, cung kính cùng nhường nhịn nhau. Đối với bậc Trưởng túc, lúc nào cũng tôn trọng, đứng dậy đón tiếp, chấp tay an ủi, thăm hỏi, lễ bái, biểu hiện tướng hòa kính. Chúng đệ tử Phật luôn hành như thế nên gọi là hành hòa kính.
Hạnh thuận pháp: Tức tám chi Thánh đạo gọi là thuận pháp. Chúng đệ tử Phật ở trong ấy tùy thuận du hóa, hành trì, nên gọi là hành thuận pháp.
Tăng ở đây: Nghĩa là chúng đệ tử Phật. Đây tức hiển bày về nghĩa tóm lược của Tụ (Tập hợp), Uẩn (Tích tụ), Bộ (Bộ phận).
Hướng Dự lưu: Tức người tu tập đã được đạo vô gián, có thể chứng quả Dự lưu. Nghĩa là nơi đạo vô gián để chứng quả Dự lưu, người nầy đối với tham dục, giận dữ ở cõi Dục, do đạo thế gian, trước chưa thể đoạn dứt nhiều phần về phẩm loại, đối với bốn Thánh đế, trước chưa hiện quán nay đã tu tập hiện quán, nên gọi là hướng Dự lưu.
Quả Dự lưu: Nghĩa là ở trong hiện pháp, đối với ba thứ kiết đã đoạn dứt hoàn toàn và nhận biết khắp, đó là hữu thân kiến, giới cấm thủ và nghi. Người nầy trụ trong sự đoạn trừ ấy, chưa thể tiến đến cầu chứng quả Nhất lai, nên gọi là quả Dự lưu.
Hướng Nhất lai: Tức đã được đạo vô gián, có thể chứng quả Nhất lai. Nghĩa là nơi đạo vô gián để chứng quả Nhất lai, người nầy đối với tham dục, giận dữ ở cõi Dục, do đạo thế gian, hoặc trước đã đoạn dứt nhiều phần về phẩm loại, đối với bốn Thánh đế, trước chưa hiện quán nay đã tu tập hiện quán, hoặc đã trụ vào quả Dự lưu, có thể tiến đến cầu chứng quả Nhất lai, nên gọi là hướng Nhất lai.
Quả Nhất lai: Nghĩa là ở trong hiện pháp, đối với ba thứ kiết đã đoạn dứt hoàn toàn và nhận biết khắp cùng đoạn trừ nhiều phần nơi tham dục, giận dữ. Người nầy trụ trong sự đoạn trừ ấy, chưa thể tiến đến cầu chứng quả Bất hoàn, nên gọi là quả Nhất lai.
Hướng Bất hoàn: Tức đã được đạo vô gián, có thể chứng quả Bất hoàn. Nghĩa là nơi đạo vô gián để chứng quả Bất hoàn, người nầy đối với tham dục, giận dữ ở cõi Dục, do đạo thế gian, hoặc trước đã đoạn dứt hẳn, đối với bốn Thánh đế, trước chưa hiện quán nay đã tu tập hiện quán, hoặc đã trụ vào quả Nhất lai, có thể tiến đến cầu chứng quả Bất hoàn, nên gọi là hướng Bất hoàn.
Quả Bất hoàn: Nghĩa là ở trong hiện pháp, đối với năm thứ kiết thuận phần dưới đã đoạn dứt hoàn toàn cùng nhận biết khắp, đó là hữu thân kiến, giới cấm thủ, nghi, tham dục, giận dữ. Người nầy trụ trong sự đoạn trừ ấy, chưa thể tiến đến cầu chứng quả A-la-hán, nên gọi là quả Bất hoàn.
Hướng A-la-hán: Tức đã được đạo vô gián, có thể chứng quả A-la-hán. Nghĩa là nơi đạo vô gián để chứng quả A-la-hán tối thượng, người nầy đã trụ vào quả Bất hoàn, có thể tiến đến cầu chứng quả A-la-hán, nên gọi là hướng A-la-hán.
Quả A-la-hán: Nghĩa là ở trong hiện pháp, tất cả các phiền não như tham sân si v.v… đều đã đoạn trừ vĩnh viễn, nên gọi là quả A-la-hán.
Nói bốn đôi Bổ-đặc-già-la: Nghĩa là Hướng Dự lưu, quả Dự lưu là đôi thứ nhất. Hướng Nhất lai và quả Nhất lai là đôi thứ hai. Hướng Bất hoàn và quả Bất hoàn là đôi thứ ba. Hướng A-la-hán và quả A-la-hán là đôi thứ tư.
Nói tám thứ Bổ-đặc-già-la riêng lẻ: Nghĩa là hiển bày, an lập các Bổ-đặc-già-la như hướng Dự lưu v.v… làm tám thứ đều riêng biệt.
Chúng đệ tử Phật: Nghĩa là nêu bày chỉ rõ về chúng đệ tử Phật có đủ công đức thù thắng.
Giới đầy đủ: Nghĩa là các vị Tăng hữu học, vô học đã thành tựu đầy đủ các giới học và vô học.
Định đầy đủ: Nghĩa là các vị Tăng hữu học, vô học đã thành tựu đầy đủ các định học và vô học.
Tuệ đầy đủ: Nghĩa là các vị Tăng hữu học, vô học đã thành tựu đầy đủ các tuệ học và vô học.
Giải thoát đầy đủ: Nghĩa là các vị Tăng hữu học, vô học đã thành tựu đầy đủ các giải thoát học và vô học.
Giải thoát tri kiến đầy đủ: Nghĩa là các vị Tăng hữu học, vô học đã thành tựu đầy đủ các giải thoát tri kiến học và vô học.
Bậc đáng thỉnh mời: Nghĩa là nên dâng tặng, nên cúng dường, nên cúng tế, thế nên gọi là bậc đáng thỉnh mời.
Đáng quy phục: Nghĩa là đã dâng tặng, khéo dâng tặng, đã cúng dường, khéo cúng dường, đã cúng tế, khéo cúng tế, tạo công sức ít, quả lợi lớn, nên gọi là đáng quy phục.
Nên cung kính: Nghĩa là hoặc quen biết, hoặc không quen biết, đều nên đứng dậy trân trọng đón tiếp, cúi mình chấp tay, đảnh lễ nơi chân các vị Thánh Tăng, tán thán thăm hỏi: Mọi việc hành đạo đều được an lạc chăng? Đó gọi là nên cung kính.
Vô thượng: Như Đức Thế Tôn nói với chúng Bí-sô: Trong tất cả chúng bộ loại hòa hợp thì chúng đệ tử Phật là hơn hết, là bậc nhất, là tối tôn, tối thắng, tối thượng, vô thượng, nên gọi là vô thượng.
Phước điền: Như Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan-đà: Ta chưa hề thấy trong chúng trời người có chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn v.v… nào đáng được thọ nhận các sự dâng thí, khéo dâng thí, đã cúng dường, khéo cúng dường, đã cúng tế, khéo cúng tế như hàng Tăng chúng của Ta. Tôn giả A-nan nên biết! Nếu đối với các Tăng chúng của Ta đã dâng thí, khéo dâng thí, đã cúng dường, khéo cúng dường, đã cúng tế, khéo cúng tế, thì công sức tuy ít, nhưng nhận được quả lợi lớn. Lại như Thiên đế đến đỉnh núi Linh Thứu dùng kệ vi diệu tán thán, hỏi han:
Lễ bậc hay biện thuyết
Các pháp đến bờ kia
Vượt tất cả sợ hãi
Đại Kiều Đáp Ma tôn.
Có vô lượng chúng sinh
Ưa phước, tu bố thí
Thường khởi tín chí thành
Tu các phước hữu y.
Nguyện Phật rủ lòng thương
Nói phước điền chân thắng
Khiến vô lượng chúng sinh
Thí ít được quả lớn.
Đức Thế Tôn vì thương xót các chúng sinh nên cũng dùng kệ đặc biệt bảo Thiên đế:
Nếu vô lượng chúng sinh
Ưa phước, tu bố thí
Luôn khởi tín chí thành
Tu các phước hữu y.
Nay Ta vì chư vị
Nói phước điền chân thắng
Khiến vô lượng chúng sinh
Thí ít được quả lớn.
Nếu hành bốn hướng Thánh
Cùng trụ bốn quả Thánh
Là Tăng nên cúng dường
Đủ giới, định, tuệ báu.
Ruộng Tăng chân thắng nầy
Công đức rất rộng lớn
Hay thấm nhuần vô lượng
Cũng như bốn biển cả.
Đệ tử thắng thiện Phật
Đã khởi pháp sáng tỏ
Đáng nhận cúng dường quý
Thọ cúng kính thù thắng.
Nơi ít Tăng hành thí
Tức thí tất cả Tăng
Tất sẽ được quả lớn
Nhất thiết trí khen ngợi.
Trong các loại phước điền
Ruộng Tăng là thắng diệu
Chư Phật đều khen ngợi
Thí được phước cao tột.
Đối chúng đệ tử Phật
Thí ít đạt quả lớn
Nên những hàng thông tuệ
Nên cúng dường chúng Tăng.
Thánh chúng trì pháp diệu
Đủ Minh hạnh, Đẳng trì
Nên đối với Tăng bảo
Hành thí là tối thượng.
Dùng ba thứ tâm tịnh
Thí Tăng thức ăn, mặc
Tất được báo thù thắng
Thành Thiện sĩ trời người.
Định ở trong đời sinh
Lìa tên độc, phiền não
Vượt qua các nẻo ác
Thọ thắng lạc trời người.
Tự gom tiền, vật báu
Tự tay hành bố thí
Vì lợi mình và người
Tất đạt được quả lớn.
Có những vị thông tuệ
Tâm tịnh tín hành thí
Sẽ sinh cõi an vui
Thọ diệu lạc, thông sáng.
Do nêu bày như thế nên gọi là phước điền.
Bậc Ứng cúng của thế gian: Nghĩa là các đệ tử Thánh, có thể làm thanh tịnh thế gian, nên là pháp khí ứng cúng. Đã hành ứng cúng, là đạo thanh tịnh, nên thành tựu ứng cúng, là ba nghiệp thanh tịnh, thế nên gọi là bậc Ứng cúng của thế gian.
Nếu các đệ tử Thánh, do tướng như thế theo đấy nhớ nghĩ đến Tăng già, do kiến văn làm căn bản, chứng trí tương ưng với các niềm tin, tánh tin, tánh tin hiện tiền, tùy thuận, thừa nhận, ái mộ, tánh ái mộ, tâm chứng, tâm tịnh. Đó gọi là Tăng chứng tịnh. Nếu có thể đối với các pháp ấy khuyến khích, an lập, nên biết đó gọi là dùng các phương tiện để khuyến khích an lập, khiến trụ trong Tăng chứng tịnh.
*
4. Thế nào gọi là Giới được bậc Thánh yêu mến?
Đáp: Nghĩa là thân luật nghi, ngữ luật và mạng thanh tịnh vô lậu, đó gọi là Giới được bậc Thánh yêu mến.
Vì sao gọi là Giới được bậc Thánh yêu mến? Tức chư Phật và các đệ tử Phật gọi là Thánh. Vì chư vị ấy đối với giới kia luôn ái mộ, vui mừng, thuận nhận không hề trái nghịch, thế nên gọi là Giới được bậc Thánh yêu mến.
Nếu có thể đối với các pháp ấy khuyến khích, an lập, nên biết đó gọi là dùng các phương tiện để khuyến khích, an lập, khiến trụ nơi Giới được bậc Thánh yêu mến.
***
Phẩm 4: QUẢ SA MÔN
Một thời, Đức Bạc-già-phạm ngụ tại khu vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc thuộc thành Thất-la-phiệt.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với chúng Bí-sô: Có 4 quả Sa-môn. Những gì là bốn?
- Quả Dự lưu.
- Quả Nhất lai.
- Quả Bất hoàn.
- Quả A-la-hán.
Đó gọi là bốn quả Sa-môn.
*
1. Thế nào gọi là quả Dự lưu?
Đáp: Quả Dự lưu lược có hai thứ: Hữu vi và vô vi.
Quả Dự lưu hữu vi: Nghĩa là chứng đắc quả ấy cùng đạt được những gì nơi quả ấy, là căn lực hữu học, Thi la hữu học, pháp thiện hữu học, tám pháp hữu học, cùng chủng loại nơi các pháp hữu học kia. Đó gọi là quả Dự lưu hữu vi.
Quả Dự lưu vô vi: Nghĩa là ở trong quả ấy ba thứ kiết đã được đoạn dứt hoàn toàn cùng chủng loại nơi pháp kiết kia đã đoạn dứt vĩnh viễn. Tức là tám mươi tám thứ tùy miên đã được đoạn trừ hoàn toàn, cùng chủng loại nơi pháp kiết đã đoạn trừ vĩnh viễn. Đó gọi là quả Dự lưu vô vi.
*
2. Thế nào gọi là quả Nhất lai?
Đáp: Quả Nhất lai lược có hai thứ: Hữu vi và vô vi.
Quả Nhất lai hữu vi: Nghĩa là chứng đắc quả ấy cùng đạt được những gì nơi quả ấy, là căn lực hữu học, Thi la hữu học, pháp thiện hữu học, tám pháp hữu học, cùng chủng loại nơi các pháp hữu học kia. Đó gọi là quả Nhất lai hữu vi.
Quả Nhất lai vô vi: Nghĩa là ở trong quả ấy đã đoạn dứt hoàn toàn ba thứ kiết cùng chủng loại nơi pháp kiết kia đã đoạn dứt vĩnh viễn. Tức là tám mươi tám thứ tùy miên đã đoạn trừ hoàn toàn cùng chủng loại nơi pháp kiết đã đoạn trừ vĩnh viễn, cũng như phần lớn các tham sân si, phần lớn chủng loại nơi pháp kiết đều đã đoạn dứt hẳn. Đó gọi là quả Nhất lai vô vi.
*
3. Thế nào gọi là quả Bất hoàn?
Đáp: Quả Bất hoàn lược có hai thứ: hữu vi và vô vi.
Quả Bất hoàn hữu vi: Nghĩa là chứng đắc quả ấy cùng đạt được những gì nơi quả ấy, là căn lực hữu học, Thi la hữu học, pháp thiện hữu học, tám pháp hữu học, cùng chủng loại nơi các pháp hữu học kia. Đó gọi là quả Bất hoàn hữu vi.
Quả Bất hoàn vô vi: Nghĩa là ở đây năm kiết thuận phần dưới đã đoạn dứt hoàn toàn cùng chủng loại nơi pháp kiết kia đã đoạn dứt vĩnh viễn. Tức là chín mươi hai thứ tùy miên đã đoạn trừ hoàn toàn cùng chủng loại nơi pháp kiết đã đoạn trừ vĩnh viễn. Đó gọi là quả Bất hoàn vô vi.
*
4. Thế nào gọi là quả A-la-hán?
Đáp: Quả A-la-hán lược có hai thứ: hữu vi và vô vi.
Quả A-la-hán hữu vi: Nghĩa là chứng đắc quả ấy cùng đạt được những gì nơi quả ấy, là căn lực vô học, Thi la vô học, pháp thiện vô học, mười pháp vô học, cùng chủng loại nơi các pháp vô học kia. Đó gọi là quả A-la-hán hữu vi.
Quả A-la-hán vô vi: Nghĩa là ở đây tất cả các phiền não như tham sân si v.v… đều đã đoạn trừ hoàn toàn, vượt khỏi tất cả nẻo, đoạn trừ tất cả đường, ba thứ lửa đều tịch tĩnh, vượt qua bốn dòng thác, các thứ kiêu mạn, phóng dật đều xa lìa, mọi khát ái đều dứt hẳn, các nơi chốn giam hãm đều bị phá trừ hết, rốt ráo vô thượng, tịch tĩnh vô thượng, ái tận vô thượng, lìa bỏ, diệt độ, Niết-bàn. Đó gọi là quả A-la-hán vô vi.
***
Phẩm 5: THÔNG HÀNH
Một thời, Đức Bạc-già-phạm ngụ nơi khu vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc thuộc thành Thất-la-phiệt.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với chúng Bí-sô: Có 4 thứ Thông hành. Những gì là bốn?
- Khổ trì thông hành.
- Khổ tốc thông hành.
- Lạc trì thông hành.
- Lạc tốc thông hành.
Đó gọi là bốn Thông hành.
*
1. Thế nào gọi là Khổ trì thông hành?
Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: “Có các Bí-sô do năm thủ uẩn nên đã bị nhiều hủy nhục, tổn hại. Các vị ấy nhân nơi năm thứ thủ uẩn như thế, nên bị bức bách trói buộc như phải mang một gánh nặng, cho đến mạng chung vẫn luôn bị đeo đuổi. Do đấy nên đối với năm thủ uẩn như vậy phải sinh tâm chán khinh sâu xa, luôn chê trách, chống cự”.
Ở đây:
Gọi là khổ: Tức do đấy các Bí-sô kia liền khởi năm căn như tín v.v… nhưng rất mờ, độn, yếu, kém. Năm căn như thế, do mờ, do độn, do yếu, do kém, nên đã làm chậm lại việc chứng đắc quả lậu tận vô thượng.
Nói là trì (chậm chạp): Nghĩa là không gấp, không mau, không nhanh, không dễ, không chóng chứng đắc.
Nói vô thượng: Như Thế Tôn nói: Ở trong các pháp hữu vi, vô vi, Ta nói việc lìa nhiễm là cần yếu bậc nhất, là tối tôn, tối thắng, tối thượng, vô thượng. Đối với các pháp vô thượng, có thể đạt được theo đấy đạt được, có thể tiếp xúc cùng tiếp xúc, có thể chứng tác chứng, nên gọi là chứng đắc.
Nói lậu tận: Lậu tức là ba thứ lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Đối với ba thứ lậu ấy có thể dứt hết, cùng dứt hết, dứt hết khắp, dứt hết vĩnh viễn, diệt hết, hết hoàn toàn, nên nói là lậu tận.
Nói thông hành: Nghĩa là hành nầy tức siêu vượt, dũng mãnh, tinh tấn, thúc đẩy, sinh khởi mong muốn tột bậc. Đối với bốn Thánh đế tu hành hiện quán. Đối với các quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán tu hành tác chứng. Đối với những cấu uế của tham sân si kiêu mạn v.v… đều tu hành đoạn trừ vĩnh viễn. Do rất mực cung kính, an trụ, ân cần, trân trọng tư duy, thâu giữ khắp các tâm sở rồi, do nhân, do môn, do lý, do tướng, nên tu hành thông đạt, thế nên gọi là Khổ trì thông hành.
Lại, hành như thế, đối với nghĩa mong cầu, do tu tập, tu tập nhiều, nên có thể đạt được theo đấy đạt được, có thể tiếp xúc cùng tiếp xúc, có thể chứng tác chứng, thế nên gọi là Khổ trì thông hành.
Lại, hành như thế, do ngữ tăng ngữ, do tưởng cùng tưởng, thiết lập để nói là khổ trì thông hành, vì thế gọi là Khổ trì thông hành.
*
2. Thế nào gọi là Khổ tốc thông hành?
Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: “Có các Bí-sô do năm thủ uẩn nên đã bị nhiều hủy nhục, tổn hại. Các vị ấy nhân nơi năm thứ thủ uẩn như thế, nên bị bức bách trói buộc như phải mang một gánh nặng, cho đến mạng chung vẫn luôn bị đeo đuổi. Do đấy nên đối với năm thủ uẩn như vậy phải sinh tâm chán khinh sâu xa, luôn chê trách, chống cự”.
Ở đây:
Gọi là khổ: Tức do đấy liền khởi năm căn như tín v.v… rất sáng, lanh, mạnh, thịnh. Năm căn như thế, do sáng, do lanh, do mạnh, do thịnh, nên có thể nhanh chứng đắc lậu tận vô thượng.
Nói là tốc (nhanh chóng): Nghĩa là có thể gấp, có thể mau, có thể nhanh, có thể dễ, có thể chóng chứng đắc.
Nói vô thượng: Như Thế Tôn nói: Ở trong các pháp hữu vi và vô vi, Ta nói việc lìa nhiễm là cần yếu bậc nhất, là tối tôn, tối thắng, tối thượng, vô thượng. Đối với các pháp vô thượng, có thể đạt được theo đấy đạt được, có thể tiếp xúc cùng tiếp xúc, có thể chứng tác chứng, nên gọi là chứng đắc.
Nói lậu tận: Lậu tức là ba thứ lậu: Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Đối với ba thứ lậu ấy, có thể dứt hết, cùng dứt hết, dứt hết khắp, dứt hết vĩnh viễn, diệt hết, hết hoàn toàn, nên nói là lậu tận.
Nói thông hành: Tức như đã nói rộng nơi phần Khổ trì thông hành ở trước, cho đến thế nên gọi là Khổ tốc thông hành.
Lại, hành như thế, do ngữ tăng ngữ, do tưởng cùng tưởng, thiết lập để nói là khổ tốc thông hành, vì thế gọi là Khổ tốc thông hành.
*
3. Thế nào gọi là Lạc trì thông hành?
Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: “Có các Bí-sô đã lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có tứ, ly sinh hỷ lạc, nơi tĩnh lự thứ nhất an trụ đầy đủ. Tầm tứ đều dứt, bên trong cùng tâm tịnh một hướng, không tầm không tứ định sinh hỷ lạc. Nơi tĩnh lự thứ hai an trụ đầy đủ, lìa hỷ trụ nơi xả, chánh niệm chánh tri, thân thọ lạc như Phật đã nói, đủ niệm, xả, trụ vào an lạc. Nơi tĩnh lự thứ ba an trụ đầy đủ, đoạn dứt vui khổ, các sự mừng lo trước đây đều mất, không khổ không vui, xả niệm thanh tịnh. Nơi tĩnh lự thứ tư an trụ đầy đủ. Bấy giờ, người ấy không tư duy về tự hại, không tư duy về hại người khác, không tư duy về hại cả hai, nhưng có thể tư duy về tự lợi, có thể tư duy về lợi tha, có thể tạo lợi cho nhiều đời, có thể tạo an lạc cho nhiều đời, có thể thương xót thế gian, có thể tạo nghĩa lợi an lạc cho chúng trời, người, không có các thứ tổn hại”.
Ở đây:
Gọi là lạc (vui): Tức do đấy liền khởi năm căn như tín v.v… nhưng rất mờ, độn, suy, kém. Năm căn như thế, do mờ, do độn, do suy, do kém, nên có thể làm chậm lại việc chứng đắc lậu tận vô thượng.
Nói là trì (chậm chạp): Nghĩa là không gấp, không mau, không nhanh, không dễ, không chóng chứng đắc.
Nói vô thượng: Như trước đã nói rộng. Đối với các pháp vô thượng, có thể đạt được tùy đạt được, có thể tiếp xúc cùng tiếp xúc, có thể chứng tác chứng, nên gọi là chứng đắc.
Nói lậu tận: Lậu tức là ba lậu: Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Như trước đã nêu rõ.
Nói thông hành: Nghĩa là hành nầy tức siêu vượt, dũng mãnh, tinh tấn, thúc đẩy, sinh khởi mong muốn tột bậc. Đối với bốn Thánh đế tu hành hiện quán. Đối với các quả Bất hoàn, A-la-hán tu hành tác chứng. Đối với các thứ Thần cảnh trí tác chứng thông, Thiên nhĩ trí tác chứng thông, Tâm sai biệt trí tác chứng thông, Túc trụ tùy niệm trí tác chứng thông, Tử sinh trí tác chứng thông, Lậu tận trí tác chứng thông đều tu hành tác chứng. Đối với những cấu uế của tham sân si kiêu mạn v.v… đều tu hành đoạn dứt vĩnh viễn. Do rất mực cung kính, an trụ, trân trọng tư duy, nên thâu giữ khắp các thứ tâm sở rồi, do nhân, do môn, do lý, do tướng, nên tu hành thông đạt, thế nên gọi là Lạc trì thông hành.
Lại, hành như thế, đối với nghĩa mong cầu, do tu tập, tu tập nhiều, nên có thể đạt được theo đấy đạt được, có thể tiếp xúc cùng tiếp xúc, có thể chứng tác chứng, thế nên gọi là Lạc trì thông hành.
Lại, hành như thế, do ngữ tăng ngữ, do tưởng cùng tưởng, thiết lập để nói là lạc trì thông hành, vì thế gọi là Lạc trì thông hành.
*
4. Thế nào gọi là Lạc tốc thông hành?
Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: “Có các Bí-sô đã lìa pháp dục ác bất thiện v.v…, nói rộng cho đến đối với tĩnh lự thứ tư đã an trụ đầy đủ. Bấy giờ, người ấy không tư duy về tự hại, không tư duy về hại người khác, không tư duy về hại cả hai, nhưng có thể tư duy về tự lợi, có thể tư duy về lợi tha, có thể tạo lợi cho nhiều đời, có thể tạo an lạc cho nhiều đời, có thể thương xót thế gian, có thể tạo nghĩa lợi an lạc cho các chúng trời, người, không có các thứ tổn hại”.
Ở đây:
Gọi là lạc (vui): Tức do đấy liền khởi năm căn như tín v.v… rất sáng, lanh, mạnh, thịnh. Năm căn như thế, do sáng, do lanh, do mạnh, do thịnh, nên có thể mau chóng chứng đắc lậu tận vô thượng.
Nói là tốc (nhanh chóng): Nghĩa là có thể gấp, có thể mau, có thể nhanh, có thể dễ, có thể chóng chứng đắc.
Nói vô thượng: Như trước đã nói. Đối với các pháp vô thượng có thể đạt được theo đấy đạt được, có thể tiếp xúc cùng tiếp xúc, có thể chứng tác chứng, nên gọi là chứng đắc.
Nói lậu tận: Lậu tức là ba thứ lậu: Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, như trước đã nói.
Nói thông hành: Nghĩa là như trước đã nói nơi phần Lạc trì thông hành, cho đến: Lại, hành như thế, do ngữ tăng ngữ, do tưởng cùng tưởng được thiết lập để nói là lạc tốc thông hành, vì thế gọi là Lạc tốc thông hành.
Trong đây, nếu đối với Khổ trì thông hành tu tập, tu tập nhiều, tức có thể khiến Khổ tốc thông hành mau chóng đạt được viên mãn. Nếu đối với Lạc trì thông hành tu tập, tu tập nhiều, tức có thể khiến
Lạc tốc thông hành mau chóng đạt được viên mãn. Lại, nếu đối với Khổ trì thông hành tu tập, tu tập nhiều, tức có thể khiến Lạc trì thông hành mau chóng đạt được viên mãn. Nếu đối với Khổ tốc thông hành tu tập, tu tập nhiều, thì có thể khiến Lạc tốc thông hành mau chóng đạt được viên mãn.
***
Phẩm 6: THÁNH CHỦNG
Một thời, Đức Bạc-già-phạm ngụ tại khu vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc, thuộc thành Thất-la-phiệt.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với chúng Bí-sô: Có 4 Thánh chủng là tối thắng, là chủng tánh, là đáng ưa thích, hiện không uế tạp, từng không uế tạp, sẽ không uế tạp. Các Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hay chúng Thiên, Ma, Phạm, hoặc cõi thế gian khác, không thể dùng pháp để hủy báng. Những gì là bốn?
1. Hàng đệ tử Hiền Thánh đa văn của Ta, tùy thuận có được y phục liền sinh hỷ túc (Tri túc), khen ngợi hỷ túc, không vì nhân duyên cầu tìm y phục khiến cho thế gian sinh luận bàn chê trách. Nếu cầu tìm không được thì trọn không buồn bực than thở, ngóng cổ trông mong, vuốt ngực phiền muộn. Nếu cầu tìm có được, như pháp thọ dụng, không sinh nhiễm vướng, tham đắm, rồi tàng trữ tích chứa. Khi thọ dụng có thể thấy rõ các lỗi lầm tai họa, luôn chánh tri về nẻo xuất ly. Người ấy do tùy thuận có được y phục sinh hỷ túc, nên trọn không tự đề cao khinh miệt kẻ khác, nhưng có thể siêng năng tự khích lệ, buộc giữ niệm chánh tri. Đó gọi là an trụ nơi Thánh chủng cổ tích.
2. Đệ tử như thế tùy thuận có được các thức ăn uống liền sinh hỷ túc, nói rộng như trước.
3. Đệ tử như thế tùy thuận có được ngọa cụ liền sinh hỷ túc, nói rộng như trước.
4. Đệ tử như thế đối với việc đoạn dứt ái lạc, siêng năng tinh tấn tùy học. Đối với việc đoạn dứt ái lạc, vui thích tu tập, cũng siêng năng tinh tấn tùy học. Người ấy do đoạn tu ái lạc như thế, nên trọn không tự đề cao khinh miệt kẻ khác, nhưng có thể siêng năng tự khích lệ, buộc giữ niệm chánh tri. Đó gọi là an trụ nơi Thánh chủng cổ tích.
Các đệ tử Hiền Thánh đa văn của Ta, thành tựu 4 Thánh chủng như thế, nếu dựa vào các phương Đông Tây Nam Bắc để trụ, nhiều kẻ không ưa thích ngụ ở đấy, nhưng chư vị đệ tử kia thì ưa thích cư ngụ. Đối với điều ưa thích không ưa thích, chư vị ấy đều có thể cùng nhận.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhằm thâu tóm các nghĩa trước đây, nên nói kệ:
Dũng không ưa ở đấy
Người kia ưa ở đấy
Ở trong thích, không thích
Người dũng đều cùng nhận.
Đã trừ bỏ các dục
Không vật nào ngăn được
Thêm vàng ròng Thiệm-bộ
Ai lại nên hủy báng.
Ở đây:
Có bốn Thánh chủng là tối thắng: Tức bốn Thánh chủng là tất cả Phật và các đệ tử, cùng được thiết lập nêu bày là tối thắng.
Là chủng tánh: Tức bốn Thánh chủng là tất cả Phật cùng các đệ tử, từ xa xưa không cùng là chủng tánh của hàng tại gia.
Là đáng ưa thích: Tức bốn Thánh chủng là tất cả Phật cùng các đệ tử, từ xa xưa đến nay, nơi các thời của ngày đêm, đều là pháp đáng ưa thích.
Hiện không uế tạp: Tức bốn Thánh chủng không bị các pháp ác bất thiện của hiện tại gần gũi làm cấu nhiễm, vì tánh không xen tạp với chúng mà có thể xa lìa.
Từng không uế tạp: Tức bốn Thánh chủng không bị các pháp ác bất thiện của quá khứ gần gũi làm cấu nhiễm, vì tánh không xen tạp với chúng mà có thể xa lìa.
Sẽ không uế tạp: Tức bốn Thánh chủng không bị các pháp ác bất thiện của vị lai gần gũi làm cấu nhiễm, vì tánh không xen tạp với chúng mà có thể xa lìa.
Các Sa-môn v.v… không thể dùng pháp để hủy báng: Tức bốn Thánh chủng nầy không phải là tất cả Phật và các đệ tử, hoặc các bậc Hiền quý, hoặc các bậc Thiện sĩ có thể hủy báng, cho là: Thánh chủng nầy là pháp bất thiện, là loại hạ tiện, tin hiểu thọ trì là có thể tự hại, hại kẻ khác, hoặc hại cả hai, có thể diệt trừ trí tuệ, có thể ngăn cản loại ấy, có thể làm chướng ngại Niết-bàn, thọ trì pháp ấy không sinh thông tuệ, không dẫn đến Bồ-đề, không thể chứng đắc Niết-bàn. Thánh chủng không phải là pháp hủy báng như thế.
*
1. Thánh chủng thứ nhất:
Tùy thuận có được y phục liền sinh hỷ túc: Nghĩa là hàng đệ tử Hiền Thánh đa văn của Phật, theo chỗ có được y phục phấn tảo, hoặc theo chỗ có được y phục do thí chủ cúng dường, hoặc xấu hoặc tốt liền sinh hỷ túc (biết đủ), dùng để che thân, ngăn nóng lạnh.
Khen ngợi hỷ túc: Nghĩa là thường khen ngợi đối với việc tùy thuận có được y phục sinh hỷ túc, cho là hỷ túc nầy có thể dẫn đến suốt trong nẻo sinh tử, hạnh thiểu dục hỷ túc, dễ đủ dễ nuôi, giảm trừ các ác, tăng trưởng các thiện, có thể nhanh chóng được viên mãn các công đức Đầu-đà. Đối với các vật dụng sinh sống có thể khéo biết về lượng, có thể khiến cho mình và người thân tâm đều được nghiêm tịnh.
Thường khen ngợi: Nghĩa là không phải luôn nói, chỉ lúc nào thấy việc đáng nói, tùy theo duyên mà nêu bày, khiến người khác khâm phục, tôn trọng hạnh hỷ túc ấy.
Không vì nhân duyên cầu tìm y phục khiến cho thế gian sinh luận bàn chê trách: Nghĩa là các đệ tử Phật không phải như một loại hữu tình vì cầu tìm y phục nên đến nhà các thí chủ giả hiện oai nghi, bịa đặt nói năng biện luận, hiện tướng khổ hạnh, dùng lợi cầu lợi, khiến cho thế gian nhiều lời chê trách. Các đệ tử Phật không giống với hạng ấy, nên không khiến người khác bàn luận chê trách.
Nếu cầu tìm không được thì trọn không buồn bực than thở v.v…: Nghĩa là đệ tử Phật khi cầu tìm y phục, nếu không vừa ý thì trọn không áo não than thở, ngóng cổ mong chờ, vuốt ngực phiền muộn.
Áo não: Là tâm nóng bức, cùng nóng bức, nóng bức khắp, bên trong tức giận thiêu đốt, sầu lo hối hận, như tên găm vào tim, không tự biết xử sự ra sao, chỉ luôn buồn phiền oán trách, gọi chung là áo não. Than thở: Là tâm nhiệt não như thế rồi, thì suy nghĩ: Ta không có y phục, phải nên dùng phương cách nào để tự cứu giúp? Nhân đấy phát ra vô số lời lẽ nói về ý nghĩ của mình, gọi chung là than thở. Ngóng cổ mong chờ: Là buồn bực than thở xong, lại ngóng cổ trông mong thí chủ đổi ý. Vuốt ngực phiền muộn: Là đợi chờ lâu chẳng được, hết đường hy vọng, nên đành vuốt ngực buồn phiền. Các đệ tử Phật đều không có các sự việc như thế.
Nếu cầu tìm có được, như pháp thọ dụng, không sinh nhiễm vướng v.v… : Nghĩa là các đệ tử Phật cầu được y phục, như pháp thọ dụng, tâm không nhiễm vướng, tham đắm, rồi tàng trữ tích chứa. Các từ như nhiễm vướng v.v… đều hiển bày về tham ái, trước sau, nặng nhẹ, phân vị có sai biệt.
Khi thọ dụng có thể thấy rõ về các lỗi lầm tai họa, luôn chánh tri về nẻo xuất ly: Nghĩa là các đệ tử Phật khi thọ dụng các thứ y phục có được, có thể thấy rõ những lỗi lầm tai họa. Tức những thứ y phục nầy là vô thường biến động, lúc cầu tìm thì khó nhọc, thọ dụng phi lý lại sinh trưởng bệnh tật, là pháp mất hoại, là pháp tăng giảm, tạm được lại mất, qua nhanh không dừng, xưa không nay có, có rồi hoàn không, chẳng thể giữ gìn, tin cậy. Lại, khi thọ dụng, chánh tri về nẻo xuất ly, thành tựu việc tiến đạt tuệ xuất ly, nhằm hướng nhập Niết-bàn nên thọ dụng y phục. Lại, khi thọ dụng trước hết là để điều phục tham dục, kế tiếp là đoạn trừ tham dục, sau hết là ra khỏi tham dục. Do nhân duyên nầy nên tâm đối với y phục lìa nhiễm và được giải thoát.
Người ấy do tùy thuận có được y phục sinh hỷ túc, nên trọn không tự đề cao khinh miệt kẻ khác: Nghĩa là đệ tử Phật, tuy đối với việc có được y phục sinh tâm hỷ túc, nhưng không tự đề cao khinh chê kẻ khác. Không như một loại Bí-sô, do hạnh hỷ túc mà tự kiêu mạn, nghĩ: Các Bí-sô khác đều không có hạnh thiểu dục, hỷ túc, ít sự ít việc như thế, nói rộng cho đến có ai đã có thể khéo vì người khác khen ngợi pháp hỷ túc. Các đệ tử Phật đều không có các sự việc như thế.
Nhưng có thể siêng năng tự khích lệ, buộc giữ niệm chánh tri: Nghĩa là đệ tử Phật đối với việc tùy thuận có được y phục sinh hỷ túc, như pháp thọ dụng, không sinh nhiễm vướng, có thể thấy rõ về các lỗi lầm tai họa, luôn chánh tri về nẻo xuất ly giải thoát, không tự kiêu mạn khinh miệt người khác, lại có thể siêng năng tự khích lệ, chánh tri giữ niệm.
Siêng năng tự khích lệ: Là hiển bày về chánh tinh tấn. Chánh tri: Là hiển bày về chánh kiến. Buộc giữ niệm: Là hiển bày về chánh niệm. Ở đây lược hiển bày về ba thứ chi đạo (Chánh tinh tấn, chánh kiến, chánh niệm).
Đó gọi là an trụ nơi Thánh chủng cổ tích: Câu đầu tiên: Đó gọi là: Tức hiển bày về các đệ tử Phật đã thành tựu việc điều phục ý lạc thiện, như trước đã nói. Câu sau: Thánh chủng cổ tích: Tức làm rõ về ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, tất cả các Hiền Thánh đều ở nơi Thánh chủng như thế tu tập, tu tập nhiều, mới đạt đến cứu cánh. Câu giữa: Nói an trụ: Tức hiển bày về đệ tử Phật, đối với việc tùy thuận có được y phục sinh hỷ túc, đã tăng thượng sinh khởi đạo hữu lậu thiện cùng đạo vô lậu, an trụ cùng trụ, trụ khắp trụ gần.
*
2. Thánh chủng thứ hai:
Đệ tử như thế tùy thuận có được các thức ăn uống liền sinh hỷ túc: Nghĩa là hàng đệ tử Hiền Thánh đa văn của Phật, khi hành khất thực được các thức ăn uống, hoặc theo chỗ mời thỉnh, cúng dường có được thức ăn uống, hoặc ngon hoặc dở liền sinh hỷ túc, nhận lấy thọ dụng là để nuôi thân trừ dứt đói khát.
Nói rộng như trước: Tức khen ngợi hạnh hỷ túc v.v… nói rộng như trước về việc tùy thuận có được y phục liền sinh hỷ túc.
*
3. Thánh chủng thứ ba:
Đệ tử như thế tùy thuận có được ngọa cụ liền sinh hỷ túc: Nghĩa là hàng đệ tử Hiền Thánh đa văn của Phật, đối với việc tùy nghi có được ngọa cụ để trải bên gốc cây, hoặc các thứ ngọa cụ trong phòng nhà v.v…, hoặc tốt hoặc xấu liền sinh hỷ túc, nhận dùng là để giúp thân trừ bỏ mệt nhọc.
Nói rộng như trước: Tức khen ngợi pháp hỷ túc v.v… nói rộng như trước về việc tùy nghi có được y phục liền sinh hỷ túc.
*
4. Thánh chủng thứ tư:
Đệ tử như thế đối với đoạn dứt ái v.v…: Nghĩa là hàng đệ tử Hiền Thánh đa văn của Phật thường đoạn ái tu ái, đoạn lạc tu lạc, siêng năng tinh tấn tùy học pháp đoạn tu ái lạc.
Thế nào là đoạn ái tu ái? Nghĩa là nếu chưa đoạn trừ các pháp ác bất thiện, chưa tu tập các pháp thiện, vị ấy đối với việc đoạn, tu, không ái (yêu thích), không ái hết mực, có việc ngóng chờ, trông đợi. Nếu đã đoạn các pháp ác bất thiện, đã tu tập các pháp thiện, vị ấy đối với việc đoạn, tu, có ái (yêu thích), có ái tột bậc, không có ngóng trông, chờ đợi.
Thế nào là đoạn lạc tu lạc? Nghĩa là đối với việc đoạn, tu, có lạc (ưa thích), có thắng lạc.
Thế nào là siêng năng tinh tấn tùy học pháp đoạn tu ái lạc? Nghĩa là đối với việc đoạn tu ái lạc, do tăng thượng nên siêng năng dốc tùy học.
Người ấy do đoạn tu ái lạc như thế, nên trọn không tự đề cao khinh miệt kẻ khác: Nghĩa là đệ tử Phật, tuy đối với việc đoạn tu ái lạc đã tinh tấn tùy học, nhưng không tự đề cao, khinh chê kẻ khác. Không như một loại Bí-sô, nhân nơi việc đoạn tu ái lạc khởi niệm: Các Bí-sô khác đều không có hạnh thiểu dục, hỷ túc, ít sự ít việc như thế v.v…, nói rộng cho đến đoạn ái tu ái, đoạn lạc tu lạc, tinh tấn tùy học pháp đoạn tu ái lạc. Các đệ tử Phật đều không có các sự việc như thế.
Nhưng có thể siêng năng tự khích lệ, buộc giữ niệm chánh tri: Như trước đã nói.
Đó gọi là an trụ nơi Thánh chủng cổ tích: Giải thích rộng như trước, nhưng có sai biệt: Câu giữa: An trụ: Tức chỉ rõ các đệ tử Phật, đối với việc đoạn tu ái lạc, đã tăng thượng để sinh khởi các pháp thiện hữu lậu và đạo vô lậu, an trụ cùng trụ, trụ khắp, trụ gần.
***
Phẩm 7: CHÁNH THẮNG, phần 1
Một thời, Đức Bạc-già-phạm ngụ nơi khu vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc, thuộc thành Thất-la-phiệt.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với chúng Bí-sô: Có 4 Chánh thắng (Bốn Chánh cần). Những gì là bốn?
1. Có các Bí-sô, vì nhằm đoạn trừ các pháp ác bất thiện đã sinh, nên phát khởi những mong muốn, phát sinh sức siêng năng tinh tấn, thúc đẩy tâm, giữ vững tâm.
2. Vì nhằm ngăn trừ các pháp ác bất thiện chưa sinh sẽ không sinh, nên phát khởi những mong muốn, phát sinh sức siêng năng tinh tấn, thúc đẩy tâm, giữ vững tâm.
3. Vì khiến các pháp thiện chưa sinh được sinh, nên phát khởi những mong muốn, phát sinh sức siêng năng tinh tấn, thúc đẩy tâm, giữ vững tâm.
4. Vì khiến các pháp thiện đã sinh được bền trụ, không quên, tu tập đầy đủ, bội tăng rộng lớn khiến trí tác chứng, nên phát khởi những mong muốn, phát sinh sức siêng năng tinh tấn, thúc đẩy tâm, giữ vững tâm.
Đó gọi là bốn Chánh thắng.
Lúc nầy, Đức Thế Tôn muốn thâu tóm các nghĩa trên, nên nói kệ:
Khi mới tu Chánh thắng
Đã thắng hữu sinh tử
Nếu tu đến bờ kia
Hay diệt trừ quân ma.
Lìa phiền não, các ác
Không bị duyên ác ngăn
Đến Niết-bàn bờ kia
Chứng cực lạc rốt ráo.
*
1. Chánh thắng thứ nhất: Vì nhằm đoạn trừ các pháp ác bất thiện đã sinh, nên phát khởi những mong muốn, phát sinh sức siêng năng tinh tấn, thúc đẩy tâm, giữ vững tâm.
Thế nào là các pháp ác bất thiện đã sinh?
Đáp: Nghĩa là năm thứ cái (ngăn che) quá khứ, hiện tại. Đó là: 1. Cái tham dục. 2. Cái giận dữ. 3. Cái hôn trầm thùy miên. 4. Cái trạo cử ố tác. 5. Cái nghi.
Thế nào là nhằm đoạn trừ các pháp ác bất thiện đã sinh nên hành chánh thắng (chánh cần)?
Đáp: Nghĩa là: Có Bí-sô, vì nhằm đoạn trừ các cái tham dục đã sinh, nên như lý tư duy: “Cái tham dục kia có nhiều lỗi lầm tai họa, là pháp bất thiện, là điều của kẻ thấp hèn đã tin hiểu thọ trì. Còn Đức Phật và các đệ tử, các bậc Thiện sĩ hiền quý đều cùng chê trách chán lìa. Vì đấy là pháp có thể tự hại, có thể hại kẻ khác, có thể hại cả hai, có thể tiêu diệt trí tuệ, có thể ngăn trở loại ấy, có thể làm chướng ngại tịch diệt. Nếu thọ trì pháp đó tức không sinh thông tuệ, không dẫn đến Bồ-đề, không chứng đắc Niết-bàn”. Tư duy như thế rồi, liền phát sinh sức siêng năng tinh tấn, thế dụng hết sức mạnh mẽ, không gì có thể ngăn cản, tâm ý luôn cố gắng không dừng. Đạo nầy gọi là pháp Chánh thắng, có thể khiến các cái tham dục đã sinh được đoạn trừ vĩnh viễn. Người ấy đối với đạo như thế đã tu tập, tu tập nhiều, nên liền đoạn trừ các cái tham dục đã sinh.
Phát khởi những mong muốn: Nghĩa là nhằm đoạn trừ các cái tham dục đã sinh, nên khởi cùng khởi, sinh cùng sinh, tụ tập xuất hiện, vui mừng ưa thích, mong cầu tiến tới. Người ấy do phát khởi các thứ mong muốn như thế, nên liền đoạn trừ các cái tham dục đã sinh.
Phát sinh sức siêng năng tinh tấn: Nghĩa là nhằm đoạn trừ các cái tham dục đã sinh, nên phát sinh sức siêng năng tinh tấn v.v…, nói rộng cho đến tâm ý luôn cố gắng không dừng. Người ấy do phát sinh sức siêng năng tinh tấn như thế, nên liền đoạn trừ các cái tham dục đã sinh.
Thúc đẩy tâm: Nghĩa là nhằm đoạn trừ các cái tham dục đã sinh, nên phát sinh sức siêng năng tinh tấn tu tập tâm hỷ cùng hành, tâm vui thích cùng hành, tâm gắng sức cùng hành, tâm không thấp kém cùng hành, tâm không tối tăm cùng hành, tâm xả cùng hành, tâm định cùng hành. Người ấy do tu tập tâm như thế, nên liền đoạn trừ các cái tham dục đã sinh.
Giữ vững tâm: Nghĩa là nhằm đoạn trừ các cái tham dục đã sinh, nên giữ vững tâm tu tập tám chi Thánh đạo, tức là chánh kiến cho đến chánh định. Người ấy đối với đạo như thế đã giữ vững tâm tu tập, tu tập nhiều, nên liền đoạn trừ các cái tham dục đã sinh.
Lại có Bí-sô, vì nhằm đoạn trừ các cái tham dục đã sinh, nên như lý tư duy về công đức của hạnh xuất gia: “Xuất gia như thế là pháp chân thiện, là điều của hàng tôn thắng đã tin hiểu thọ trì. Còn Đức Phật và các đệ tử, các bậc Thiện sĩ hiền quý đều cùng vui mừng khen ngợi. Vì đấy là pháp không làm hại mình, hại người, không hại cả hai, là pháp khiến tăng trưởng trí tuệ, không ngăn trí tuệ, không chướng ngại Niết-bàn, có thể sinh thông tuệ, có thể dẫn đến Bồ-đề, có thể chứng đắc Niết-bàn”. Tư duy như thế rồi, liền phát sinh sức siêng năng tinh tấn v.v…, nói rộng cho đến tâm ý luôn cố gắng không dừng. Đạo nầy gọi là pháp Chánh thắng có thể khiến các cái tham dục đã sinh được đoạn trừ vĩnh viễn. Người ấy đối với đạo như thế đã tu tập, tu tập nhiều, nên liền đoạn trừ các cái tham dục đã sinh. Phát khởi những mong muốn v.v… cho đến thúc đẩy tâm, giữ vững tâm: Đều như trước đã nói.
Lại có Bí-sô, vì nhằm đoạn trừ các cái tham dục đã sinh, nên như lý tư duy: “Cái tham dục kia như bệnh hoạn, như ung nhọt, như mũi tên độc não hại, luôn là vô thường, khổ, không, vô ngã, chuyển động, lao nhọc, suy khốn, là pháp mất tan, nhanh chóng trôi qua không dừng, hao tổn hư tán, không hằng trụ, không thể giữ gìn tin tưởng, là pháp biến hoại”. Tư duy như thế rồi, liền phát sinh sức siêng năng tinh tấn v.v…, nói rộng cho đến tâm ý luôn cố gắng không dừng. Đạo nầy gọi là pháp Chánh thắng có thể khiến các cái tham dục đã sinh được đoạn trừ vĩnh viễn. Người ấy đối với đạo như thế đã tu tập, tu tập nhiều, nên liền đoạn trừ các cái tham dục đã sinh. Phát khởi những mong muốn v.v… cho đến thúc đẩy tâm, giữ vững tâm: Đều như trước đã nói.
Lại có Bí-sô, vì nhằm đoạn trừ các cái tham dục đã sinh, nên như lý tư duy: “Diệt là tịch tĩnh, Đạo tức có thể xuất ly, giải thoát”. Tư duy như thế rồi, liền phát sinh sức siêng năng tinh tấn v.v…, nói rộng cho đến tâm ý luôn cố gắng không dừng. Đạo nầy gọi là pháp Chánh thắng có thể khiến cho các cái tham dục đã sinh được đoạn trừ vĩnh viễn. Người ấy đối với đạo như thế đã tu tập, tu tập nhiều, nên liền đoạn trừ các cái tham dục đã sinh. Phát khởi những mong muốn v.v… cho đến thúc đẩy tâm, giữ vững tâm: Đều như trước đã nói.
Như cái tham dục, bốn thứ còn lại (sân giận, hôn trầm – thùy miên, trạo cử – ố tác, nghi) cũng như vậy. Có sự sai biệt là nên nói về tên gọi của mỗi thứ.
Lại có Bí-sô, vì nhằm đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh, nên như lý tư duy: “Các pháp ác bất thiện ấy có nhiều lỗi lầm tai họa, là pháp bất thiện, là điều của kẻ thấp hèn đã tin hiểu thọ trì v.v…, nói rộng cho đến không chứng đắc Niết-bàn”. Tư duy như thế rồi, liền phát sinh sức siêng năng tinh tấn v.v…, nói rộng cho đến tâm ý luôn cố gắng không dừng. Đạo nầy gọi là pháp Chánh thắng có thể khiến cho các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh được đoạn trừ vĩnh viễn. Người ấy đối với đạo như thế đã tu tập, tu tập nhiều, nên liền đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh.
Phát khởi những mong muốn: Như trước đã nói. Người ấy do phát khởi các thứ mong muốn như thế, nên liền đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh.
Phát sinh sức siêng năng tinh tấn: Như trước đã nói rộng.
Thúc đẩy tâm: Nghĩa là nhằm đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh, nên phát sinh sức siêng năng tinh tấn tu tập tâm hỷ cùng hành v.v… nói rộng cho đến tâm định cùng hành. Người ấy do tu tập tâm như thế, nên liền đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh.
Giữ vững tâm: Nghĩa là nhằm đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh, nên giữ vững tâm tu tập tám chi Thánh đạo, tức là chánh kiến cho đến chánh định. Người ấy đối với đạo như thế đã giữ vững tâm tu tập, tu tập nhiều, nên liền đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh.
Lại có Bí-sô, vì nhằm đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh, nên như lý tư duy về công đức của hạnh xuất gia: “Xuất gia như thế là pháp chân thiện, là điều của hàng tôn thắng đã tin hiểu thọ trì v.v…, nói rộng cho đến có thể chứng đắc Niết-bàn”. Tư duy như thế rồi, liền phát sinh sức siêng năng tinh tấn v.v…, nói rộng cho đến tâm ý luôn cố gắng không dừng. Đạo nầy gọi là pháp Chánh thắng có thể khiến các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh được đoạn trừ vĩnh viễn. Người ấy đối với đạo như thế đã tu tập, tu tập nhiều, nên liền đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh. Phát khởi những mong muốn v.v… cho đến thúc đẩy tâm, giữ vững tâm: Đều như trước đã nói.
Lại có Bí-sô, vì nhằm đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh, nên như lý tư duy: “Các pháp ác bất thiện kia như bệnh hoạn, như ung nhọt v.v…, nói rộng cho đến là pháp biến hoại”. Tư duy như thế rồi, liền phát sinh sức siêng năng tinh tấn v.v… nói rộng cho đến tâm ý luôn cố gắng không dừng. Đạo nầy gọi là pháp Chánh thắng có thể khiến cho các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh được đoạn trừ vĩnh viễn. Người ấy đối với đạo như thế đã tu tập, tu tập nhiều, nên liền đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh. Phát khởi những mong muốn v.v… cho đến thúc đẩy tâm, giữ vững tâm: Đều như trước đã nói.
Lại có Bí-sô, vì nhằm đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh, nên như lý tư duy: “Diệt là tịch tĩnh, Đạo tức có thể xuất ly, giải thoát”. Tư duy như thế rồi, liền phát sinh sức siêng năng tinh tấn v.v…, nói rộng cho đến tâm ý luôn cố gắng không dừng. Đạo nầy gọi là pháp Chánh thắng có thể khiến cho các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh được đoạn trừ vĩnh viễn. Người ấy đối với đạo như thế đã tu tập, tu tập nhiều, nên liền đoạn trừ các pháp ác bất thiện theo một chủng loại đã sinh. Phát khởi những mong muốn v.v… cho đến thúc đẩy tâm, giữ vững tâm: Đều như trước đã nói.
HẾT – QUYỂN 3