LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 2

Phẩm 2: CHI DỰ LƯU

Một thời, Đức Bạc-già-phạm ngụ tại khu vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với chúng Bí-sô: Có 4 thứ pháp, nếu chánh cần tu tập thì người ấy gọi là đã làm được nhiều việc. Những gì là bốn?

  1. Gần gũi bậc Thiện sĩ.
  2. Lắng nghe chánh pháp.
  3. Tác ý như lý.
  4. Pháp tùy pháp hành.

Chư vị Bí-sô nên học như vầy: Ta nên gần gũi cúng dường bậc Thiện sĩ, cung kính nhất tâm, lắng nghe chánh pháp, quan sát như lý diệu nghĩa sâu xa, tinh tấn tu hành, pháp tùy pháp hành.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn thâu tóm các nghĩa vừa nêu, nên nói tụng:

Lành thay! Gặp Thiện sĩ

Hay đoạn nghi, thêm tuệ

Khiến ngu thành người trí

Bậc tuệ nên gần gũi

Bậc Thiện sĩ nên gần

Khi thân cận bậc ấy

Khiến nghi dứt, tuệ tăng

Kẻ ngu thành người trí.

*

1. Gần gũi bậc Thiện sĩ:

Hỏi: Thế nào gọi là Thiện sĩ?

Đáp: Thiện sĩ (Thiện tri thức) nghĩa là Đức Phật và các đệ tử của Ngài. Đó gọi là Thiện sĩ.

Lại, những Bổ-đặc-già-la đủ giới, đủ đức, lìa các lỗi lầm cấu uế, thành tựu các pháp thiện, có thể nối tiếp ngôi vị của Thầy, thành tựu các thắng đức, luôn biết xấu hổ, hối lỗi, khéo giữ gìn, ham học hỏi, đầy đủ các thứ thấy biết, ưa tư duy lựa chọn, thích nêu tính, suy lường, tánh vui quan sát, thông minh hiểu rõ, tuệ dứt truy cầu, có các loại tuệ, lìa diệt mọi hướng đến tham sân si, hành điều thuận hướng đến điều thuận, trụ tịch tĩnh hướng tịch tĩnh, sống giải thoát hướng đến giải thoát, vượt qua hướng đến vượt qua, diệu giác hướng tới diệu giác, Niết-bàn hướng tới Niết-bàn, thích điều thuận các đế, lìa kiêu mạn phóng dật, vui với nhẫn nhục, nhu hòa, chất trực, lời nói và kiến giải là một. Chuyên tự điều phục, chuyên tự tịch tĩnh, chuyên tự Niết-bàn, vì để nuôi sống thân, nên đi đến khắp đất nước, kinh đô, thành thị, thôn xóm, cầu có được các vật dụng như y phục, thức ăn uống. Chất trực đủ, điều thuận đầy đủ. Chất trực và điều thuận đủ, nhẫn nhục đủ, nhu hòa đầy đủ. Nhẫn nhục và nhu hòa đủ, cúng dường đủ, cung kính đầy đủ. Cúng dường và cung kính đủ, chánh hạnh đủ, giữ căn môn đầy đủ. Chánh hạnh và giữ căn môn đủ, phép tắc đủ, hành tác đầy đủ. Phép tắc và hành tác đủ. Tín, giới cùng văn, xả, tuệ, tự đủ tịnh tín, cũng có thể khuyên giúp, an lập hữu tình đồng đủ tịnh tín. Tự đủ giới cùng văn, xả, tuệ, cũng có thể khuyên giúp, an lập hữu tình cùng đủ giới và văn, xả, tuệ. Đó gọi là bậc Thiện sĩ.

Do đâu gọi là bậc Thiện sĩ? Đã nói về Thiện sĩ, là lìa pháp bất thiện thành tựu các pháp thiện, thành tựu đầy đủ bốn niệm trụ (Bốn niệm xứ), bốn chánh thắng (Bốn chánh cần), bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy đẳng giác chi, tám chi Thánh đạo, nên gọi là bậc Thiện sĩ.

Đối với bậc Thiện sĩ như vừa nêu, nếu có thể gần gũi phụng sự, cung kính cúng dường như thế, gọi là Gần gũi bậc Thiện sĩ.

*

2. Thế nào gọi là Lắng nghe chánh pháp?

Đáp: Nghĩa là đã gần gũi cúng dường các bậc Thiện sĩ, những nơi chốn chưa hiển bày đều được hiển bày đúng đắn. Những điều chưa nghe, chưa tỏ ngộ đều được nghe ngộ đúng đắn. Dùng tuệ thông đạt các văn nghĩa thâm diệu. Dùng mọi phương tiện vì các người ấy tuyên thuyết, nêu bày an lập, khai thị. Dùng vô lượng môn chính thức chỉ bày: Khổ tập diệt đạo đúng thật là khổ tập diệt đạo.

Thế nào gọi là dùng vô lượng môn chính thức chỉ bày rõ Khổ đúng thật là khổ? Nghĩa là chính thức khai thị: Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, ghét bỏ mà gặp nhau là khổ, yêu thương mà phải biệt ly là khổ, cầu không được là khổ, lược nói tất cả năm thủ uẩn là khổ. Như có tụng nêu:

Các uẩn khởi là khổ

Sinh và xuất cũng khổ

Sinh rồi có già khổ

Bệnh khổ cùng chết khổ.

Phiền não sinh là khổ

Sinh rồi trụ cũng khổ

Không thông sáng luôn khổ

Không điều phục, chết khổ

Hữu tình không trí: khổ

Tăng yết trá tư khổ

Kẻ ngu sinh tử khổ

Nhiều kiếp trôi nổi khổ.

Những thứ như thế gọi là dùng vô lượng môn chính thức chỉ bày rõ: Khổ đúng thật là khổ.

Thế nào gọi là dùng vô lượng môn chính thức chỉ bày rõ Tập đúng thật là tập? Nghĩa là chính thức khai thị: Sau ái có ái, vui thích cùng hành ái, người người vui thích ái. Ái là gốc nhân của các khổ trong ba đời. Đường đi do đầu mối có thể gây tạo các duyên, khởi tập cùng khởi, có thể khởi tập cùng khởi. Trong hiện pháp các khổ hủy hoại thân, các khổ sau do đấy sinh ra. Như tụng nói:

Nhân ái, bỏ lương y

Gốc ung nhọt dây quấn

Chưa điều phục tất cả

Luôn chiêu cảm các khổ.

Như cây gốc chưa nhổ

Tuy chặt rồi lại sinh

Chưa nhổ tùy miên ái

Luôn chiêu cảm các khổ.

Như tên độc nơi thân

Tổn hoại cả sắc, lực

Chúng sinh trong có ái

Tổn hoại các căn thiện.

Những thứ như thế gọi là dùng vô lượng môn chính thức chỉ bày rõ: Tập đúng thật là tập.

Thế nào gọi là dùng vô lượng môn chính thức chỉ bày rõ Diệt đúng thật là diệt? Nghĩa là chính thức khai thị: Như trên đã nói: Sau ái có ái, vui thích cùng hành ái, người người vui thích ái v.v… Các ái như thế đã diệt trừ hoàn toàn, không còn sót. Từ bỏ, làm biến đổi, lìa hết nhiễm diệt, tịch tĩnh vĩnh viễn. Đó gọi là nhà cửa, cũng gọi là bến bãi, cũng gọi là cứu giúp, cũng gọi là quy y, cũng gọi là nơi chốn hướng đến, cũng gọi là không lo, cũng gọi là không bệnh, cũng gọi là không động, cũng gọi là không mất, cũng gọi là không thiêu đốt, cũng gọi là không nóng, cũng gọi là an ổn, cũng gọi là an nhiên, cũng gọi là sự thiện, cũng gọi là an lành, cũng gọi là Niết-bàn v.v… Như có tụng nêu:

Quả Sa-môn rốt ráo

Điều phục được khen ngợi

Ngã mạn diệt trừ hết

Chứng đắc nẻo cam lồ.

Quy trụ nơi nhà cửa

Phật khen cung điện đẹp

An nhiên diệt vô biên

Bờ giác thường an ổn.

Chỗ dựa hết, khổ diệt

Hoàn toàn thoát hang sâu

Thắng nghĩa chỉ ứng cúng

Trí hành tập Thánh vui.

Không còn già bệnh chết

Không sầu lo khổ não

Nhỏ khó thấy vô biên

Diệt đế không đồng loại.

Những thứ như thế gọi là dùng vô lượng môn chính thức chỉ bày rõ: Diệt đúng thật là diệt.

Thế nào gọi là dùng vô lượng môn chính thức chỉ bày rõ Đạo đúng thật là đạo? Nghĩa là chính thức khai thị: Con đường nầy, hành nầy, đối với các khổ trong ba đời có thể đoạn, có thể bỏ, có thể loại trừ, có thể dứt hết, có thể lìa nhiễm, có thể diệt, có thể tịch tĩnh, có thể khiến hoàn toàn vắng lặng. Con đường đó là thế nào? Là tám chi Thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Như có tụng nêu:

Một nẻo uy dũng ấy

Như dấu chim trời xanh

Định Mâu-ni đã hành

Vì chúng luôn tuyên thuyết.

Thương xót nói một nẻo

Kiến đạo dứt biên sinh

Đạo nầy nơi dòng thác

Ba đời đều vượt qua.

Hay điều tịnh rốt ráo

Dứt được dòng sinh tử

Hay thông đạt nhiều cõi

Khéo mở đạo mắt sáng.

Như sông Hằng chảy xiết

Nhanh hướng đến biển cả

Chỉ bày đạo tuệ rộng

Mau chứng đắc Niết-bàn.

Thương xót hết thảy chúng

Chuyển pháp luân chưa nghe

Dạy dẫn chúng trời, người

Kính lạy vượt biển hữu.

Những thứ như thế gọi là dùng vô lượng môn chính thức chỉ bày rõ: Đạo đúng thật là đạo.

Nếu đối với chánh pháp đã được giảng nói ấy, vui thích lắng nghe, vui thích thọ trì, vui thích cứu cánh, vui thích hiểu rõ, vui thích quan sát, vui thích tầm tư, vui thích suy cứu, vui thích thông đạt, vui thích thắng giải, vui thích chứng đắc, vui thích tác chứng. Vì nghe pháp nên vượt qua đoạn đường hiểm khó, băng qua nẻo đường giáp ranh để du hành trên con đường rộng bằng phẳng, đều không e ngại khó khăn. Vì thọ trì nên thường dùng nhĩ căn, đối với pháp âm được nêu giảng phát khởi nhĩ thức thù thắng. Như vậy gọi là Lắng nghe chánh pháp.

*

1. Thế nào gọi là Tác ý như lý?

Đáp: Nghĩa là từ nơi bậc Thiện sĩ được nghe chánh pháp, nội tâm vui mừng, hoan hỷ tột bậc: Kỳ diệu thay! Kỳ diệu thay! Đức Thế Tôn đã có thể giảng nói chánh pháp thâm diệu như thế! Đức Phật nêu giảng về Khổ, Tập, Diệt, Đạo đúng là Khổ, Tập, Diệt, Đạo chân thật. Người ấy do nội tâm vui mừng, hoan hỷ tột bậc như vậy, nên tâm được thâu giữ, tùy thâu giữ, cùng thâu giữ, tác ý phát ý, quán xét đúng đắn, kỹ lưỡng về câu nghĩa sâu diệu. Như vậy gọi là Tác ý như lý.

*

2. Thế nào gọi là Pháp tùy pháp hành?

Đáp: Nghĩa là người ấy liên tục tác ý như lý, quán xét đúng, kỹ về câu nghĩa sâu diệu rồi, liền khởi xuất ly, xa lìa, sinh ra năm pháp thắng thiện, là: Tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ. Người ấy đối với nội tâm phát khởi nẻo xuất ly, xa lìa đã sinh ra năm pháp thắng thiện, tu tập kiên trụ, tu tập không gián đoạn, gia hạnh tăng thượng. Như vậy gọi là Pháp tùy pháp hành.

*

Tinh tấn tu tập pháp tùy pháp hành liền được hướng nhập chánh tánh ly sinh. Sở dĩ được nhập chánh tánh ly sinh là do tinh tấn tu pháp tùy pháp hành. Sở dĩ có thể tu pháp tùy pháp hành là do quán như lý về diệu nghĩa vô cùng sâu xa. Sở dĩ có thể quán về diệu nghĩa vô cùng sâu xa là do có thể cung kính lắng nghe chánh pháp. Sở dĩ lại có thể lắng nghe chánh pháp là do có thể gần gũi, cúng dường các bậc Thiện sĩ. Nếu có thể thân cận cúng dường bậc Thiện sĩ, liền được nghe chánh pháp. Nghe chánh pháp rồi liền có thể quán xét như lý về nghĩa lý thâm diệu. Quán xét như lý về nghĩa thâm diệu rồi tức có thể tiến tu pháp tùy pháp hành. Đã tinh tấn tu pháp tùy pháp hành liền được hướng nhập chánh tánh ly sinh. Như trên đỉnh núi cao, khi trời mưa tầm tã, đầu tiên là các khe, lạch đầy nước. Các khe, lạch đầy nước thì đến các suối nhỏ mới đầy, các suối nhỏ đầy nước thì đến các suối lớn đầy nước, sau đó mới đến các dòng sông nhỏ đầy nước, tiếp theo là các con sông lớn đầy nước đổ về biển cả, dần dần mới đầy v.v… Biển cả Thánh đạo cũng lại như thế. Trước hết cần phải gần gũi, cúng dường các bậc Thiện sĩ, mới được nghe chánh pháp, nghe chánh pháp rồi mới quán như lý về diệu nghĩa sâu xa. Quán xét như lý về nghĩa thâm diệu rồi tức có thể tiến tu pháp tùy pháp hành. Tinh tấn tu tập pháp tùy pháp hành được viên mãn mới được hướng nhập chánh tánh ly sinh. Đã hướng nhập chánh tánh ly sinh liền được gọi là đã sinh tám chi Thánh đạo, tức là chánh kiến v.v… như trước đã nói. Bốn thứ như thế gọi là Chi Dự Lưu.

Do bốn thứ ấy nên đối với dòng Thánh đạo có thể thâu nhận, có thể đạt được, có thể đi đến tùy thuận đi đến, có thể hoàn thành, có thể viên mãn, có thể xúc chứng, có thể tác chứng, nên gọi là Chi Dự Lưu.

Lại, bốn thứ ấy, đối với nghĩa cầu đạt được, do tu tập, tu tập nhiều, nên có thể thâu nhận, đạt được, đi đến, tùy đi đến, hoàn thành, viên mãn, xúc chứng, tác chứng, nên gọi là Chi Dự Lưu.

Lại, bốn thứ ấy, đối với dòng Thánh đạo có thể tùy thuận, có thể tăng trưởng, có thể tô điểm, có thể làm sáng rỡ, có thể là chốn thường an lạc, hỗ trợ về tư lương, nên gọi là Chi Dự Lưu.

Lại, bốn thứ ấy, do nói về tăng ngữ, do tưởng cùng tưởng được thiết lập để nói là chi Dự lưu, thế nên gọi là Chi Dự Lưu.

***

Phẩm 3: CHỨNG TỊNH, phần 1

Một thời, Đức Bạc-già-phạm ngụ tại khu vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với chúng Bí-sô: Nếu các hữu tình đối với lời giảng dạy của Bí-sô sinh tâm tin tưởng, lắng nghe, thọ nhận, có thể phụng hành, thì các vị nên thương xót, dùng phương tiện để khuyên bảo, khuyến khích an lập khiến trụ nơi 4 Chứng tịnh. Những gì là bốn?

  1. Phật chứng tịnh.
  2. Pháp chánh tịnh.
  3. Tăng chứng tịnh.
  4. Giới được bậc Thánh yêu mến.

Vì sao? Vì có các giới đất, nước, lửa, gió, là bốn đại chủng thâu nhận có thể cải đổi. Nhưng nếu thành tựu 4 Chứng tịnh ấy thì các đệ tử Phật tất không bị cải đổi biến đổi. Do đấy các đệ tử Phật đa văn, nếu thành tựu 4 Chứng tịnh như thế, lại bị đọa vào địa ngục, bàng sinh, cõi quỷ thì không hề có điều nầy. Do vậy, nếu có hữu tình đối với ngôn giáo của các Bí-sô, tâm tin tưởng lắng nghe nhận lãnh và có thể phụng hành, thì các vị nên thương xót, dùng phương tiện để khuyến khích, hỗ trợ an lập khiến họ trụ vào 4 Chứng tịnh.

*

1. Thế nào là Phật chứng tịnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: “Các đệ tử Thánh nầy, do tướng như thế theo đấy nhớ nghĩ đến chư Phật. Nghĩa là Đức Thế Tôn đây là bậc Như Lai, A La Hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật – Bạc Già Phạm”.

Ở đây:

Nói: Nầy, đây: Nghĩa là cõi Dục nầy, hoặc thế giới nầy, châu Thiệm-bộ nầy.

Lại, nói nầy: Nghĩa là thân nầy duy trì cùng duy trì, có thân cùng có thân, tích tụ để có được tự thể.

Lại, nói nầy: Nghĩa là sinh xứ nầy. Phật và các đệ tử, các vị tiên Mâu-ni, là các bậc thông tuệ, các bậc khéo điều phục, các bậc khéo điều thuận.

Lại, nói nầy, đây: Nghĩa là giáo pháp được trao truyền chỉ dạy khuyên bảo nầy là ở trong pháp thiện thuyết, thế nên gọi là nầy, đây.

Đệ tử Thánh: Thánh nghĩa là Phật Pháp Tăng, quy y Phật Pháp Tăng nên gọi là đệ tử của bậc Thánh.

Do tướng như thế theo đấy nhớ nghĩ đến chư Phật: Nghĩa là do tướng ấy, môn ấy, lý ấy, ở chỗ chư Phật, khởi niệm tùy niệm, chuyên niệm, ức niệm, không quên không mất, không sót không thiếu, không mất pháp tánh, tánh ghi tâm sáng, vì vậy gọi là do tướng như thế theo đấy nhớ nghĩ đến chư Phật.

Nói: Nghĩa là: Tức là tướng như thế, trạng như thế, chủng như thế, loại như thế, nên nói nghĩa là.

Đây: Nghĩa là giới như thế, pháp như thế, tuệ như thế, thông như thế, giải thoát như thế, trụ nhiều như thế, nên gọi là đây, nầy.

Đức Thế Tôn: Như phần sau sẽ giải thích.

Như Lai: Như Đức Thế Tôn nói: Từ đêm Bồ-tát chứng đắc quả vị Chánh đẳng Bồ đề vô thượng v.v… cho đến đêm Phật nhập cõi Niết-bàn vô dư y, trong khoảng thời gian đó, những điều được giảng nói, ban bố, nêu bày, diễn giải v.v… tất cả đều là Như, không có hư vọng, không có biến dời đổi khác, đúng thật như lý, không có điên đảo, đều dùng chánh tuệ như thật như thế, thấy biết rồi mới nói, mới nêu giảng, nên gọi là Như Lai.

A-la-hán: Lược có hai thứ tánh A-la-hán, là hữu vi và vô vi.

Thế nào là tánh A-la-hán hữu vi? Là quả chứng đắc cùng những thứ chứng đắc, là căn, lực vô học, giới vô học, căn thiện vô học, mười pháp vô học và các pháp vô học của chủng loại ấy, đó gọi là tánh A-la-hán hữu vi.

Thế nào là tánh A-la-hán vô vi? Là tham sân si cùng tất cả các phiền não thảy đều đoạn trừ vĩnh viễn, vượt lên trên tất cả cõi, dứt hết mọi đường, ba thứ lửa hoàn toàn vắng lặng, các khát ái đều hết, kiêu mạn phóng dật đều lìa mọi trụ xứ giam hãm đều phá bỏ, vượt khỏi bốn dòng thác, cứu cánh vô thượng, tịch tĩnh vô thượng, ái tận vô thượng, diệt độ và Niết-bàn, đó gọi là tánh A-la-hán vô vi. Như Lai đã thành tựu đầy đủ viên mãn tánh A-la-hán hữu vi và vô vi như đã nói như thế, nên gọi là A-la-hán.

Lại, tham sân si và các phiền não khác thảy đều nên đoạn trừ. Như Lai đối với điều đó đều đã đoạn dứt hoàn toàn, đã nhận biết khắp. Như cây Đa la đã bị chặt đứt gốc rễ và bẻ ngọn, không còn sót gì, ở đây, nơi vị lai đều được pháp vĩnh viễn không sinh nữa, nên gọi là A-la-hán.

Lại, ba thứ hành ác của thân ngữ ý đều nên trừ dứt vĩnh viễn. Như Lai đối với việc đó đều đã đoạn dứt hoàn toàn, đã nhận biết khắp, cho đến nói rộng, nên gọi là A-la-hán.

Lại, Phật quá khứ đều đã xa lìa các pháp ác, bất thiện, cùng những tạp nhiễm hiện có, đối với các quả dị thục khổ sẽ thiêu đốt hậu hữu, chư Phật đều được pháp hoàn toàn không sinh nơi vị lai, Phật nay cũng như thế, nên gọi là A-la-hán.

Lại, Phật – Thế Tôn đã thành tựu các công đức an lành tối thắng, là bậc xứng đáng thọ nhận vô số sự cúng dường về y phục, thức ăn uống, tọa cụ, ngọa cụ, thuốc men thượng diệu và mọi thứ vật dụng khác, nên gọi là A-la-hán. Như có tụng nói:

Thế gian nên thọ dụng

Vô số vật thượng diệu

Như Lai đều nên nhận

Nên gọi là A-la-hán.

Bậc Chánh Đẳng Giác: Như Đức Thế Tôn nói: Các pháp hiện có, tất cả chánh tánh, tất cả mọi thấy biết, hiểu rõ của Như Lai đều thấu suốt đúng đắn, rõ ràng hơn hết, nên gọi là bậc Chánh Đẳng Giác.

Lại, các thứ pháp, nghĩa là bốn niệm trụ, bốn chánh thắng, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy đẳng giác chi, tám Thánh đạo chi, tất cả mọi thấy biết, hiểu rõ của Như Lai về chúng đều thấu suốt đúng đắn, rõ ràng hơn hết, nên gọi là Chánh Đẳng Giác.

Lại, đối với tất cả khổ tập diệt đạo, đều có thể hành đạo hiện quán, có thể chứng đắc các đạo quả như quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất hoàn, quả A-la-hán, có thể chứng đắc: Thần cảnh trí tác chứng thông, Thiên nhĩ trí tác chứng thông, Tha tâm trí tác chứng thông, Túc trụ tùy niệm trí tác chứng thông, Tử sinh trí tác chứng thông, Lậu tận trí tác chứng thông. Có thể diệt hết mọi nẻo cấu nhiễm của tham sân si, mạn, kiêu. Như Lai đối với tất cả đều Chánh đẳng giác, chí thành, kiên trụ, tác ý cẩn trọng, do nhân, do môn, do lý, do tướng, đều là Chánh đẳng giác, nên gọi là bậc Chánh Đẳng Giác.

Minh Hạnh Viên Mãn: Những gì là Minh? Nghĩa là Đức Phật hiện có ba thứ Minh vô học: 1. Minh vô học Túc trụ tùy niệm trí tác chứng. 2. Minh vô học Tử sinh trí tác chứng. 3. Minh vô học Lậu tận trí tác chứng. Đó gọi là Minh.

Những gì là Hạnh? Nghĩa là Đức Phật hiện có các thứ thân luật nghi vô học, ngữ luật nghi vô học, và mạng thanh tịnh học. Đó gọi là Hạnh.

Lại, Đức Phật hiện có các oai nghi thượng diệu, tới lui nhìn xem, co duỗi cúi ngẩng, khi mặc Tăng-già-chi, đắp y mang bát v.v…, tất cả đều nghiêm chỉnh, đó gọi là Hạnh. Hạnh nầy với Minh nêu trước, gọi chung là Minh hạnh. Như Lai đã thành tựu đầy đủ, viên mãn minh hạnh như thế, hoàn toàn trắng sạch, hoàn toàn vi diệu, hoàn toàn vô tội. Thế nên gọi là Minh Hạnh Viên Mãn.

Thiện Thệ: Nghĩa là Đức Phật đã thành tựu pháp diệu, dẫn đến sự an ổn cực lạc không hề khó khăn, nên gọi là Thiện Thệ.

Lại, tham sân si và các phiền não khác, sinh ra vô số ngăn ngại, khó khăn đối với các pháp hướng đến, Như Lai đối với điều đó đều đã đoạn dứt hoàn toàn, đã nhận biết khắp. Như cây Đa la đã bị chặt đứt mọi gốc rễ và bẻ ngọn, không còn sót gì. Ở đây, nơi đời vị lai đều được pháp vĩnh viễn không sinh, nên gọi là Thiện Thệ.

Lại, như chư Phật – Thế Tôn thời quá khứ đều nương vào đạo như thật không hư vọng, hướng đến nẻo xuất thế gian, đạt công đức thù thắng vi diệu, một lần đến đến vĩnh viễn, không còn thoái lui. Nay Phật cũng như thế, nên gọi là Thiện Thệ.

Thế Gian Giải: Năm thủ uẩn gọi là thế gian. Như Lai đối với các điều ấy đều đã thấy biết, hiểu rõ, đều “Chánh đẳng giác”, nên gọi là Thế Gian Giải.

Lại, năm nẻo gọi là thế gian. Như Lai đối với các điều ấy đều đã thấy biết, hiểu rõ, đều “Chánh đẳng giác”, nên gọi là Thế Gian Giải.

Lại, nói sáu xứ cũng gọi là thế gian. Như Lai đối với các điều ấy đều đã thấy biết, hiểu rõ, đều “Chánh đẳng giác”, nên gọi là Thế Gian Giải.

Lại, nói các xứ thuộc về ba cõi gọi là thế gian. Từ đó mà sinh, từ đó mà khởi, từ đó mà xuất. Nhân đấy mà sinh, nhân đấy mà khởi, nhân đấy mà xuất. Như Lai đối với các điều ấy đều đã thấy biết, hiểu rõ, đều “Chánh đẳng giác”, nên gọi là Thế Gian Giải.

Vô Thượng Trượng Phu: Như Đức Thế Tôn nói: Các hữu tình hiện có hoặc không có chân, hoặc hai chân, hoặc bốn chân, hoặc nhiều chân, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, không phải tưởng, không phải không tưởng v.v…, trong số đó, Như Lai được tôn xưng là bậc tối thắng, tối tôn, tối thượng, vô thượng, bậc nhất, thế nên gọi là Vô Thượng Trượng Phu.

Điều Ngự Sĩ: Nghĩa là Phật – Thế Tôn đã lược dùng ba thứ sự điều ngự thiện xảo để điều phục hết thảy hữu tình được hóa độ: 1. Đối với một loại hữu tình chỉ dùng toàn pháp nhu hòa. 2. Đối với một loại hữu tình chỉ dùng toàn pháp thô dữ. 3. Đối với một loại hữu tình đã dùng cả pháp nhu hòa và thô dữ.

Thế nào là Như Lai đối với một loại hữu tình chỉ dùng toàn pháp nhu hòa để điều phục? Nghĩa là Đức Như Lai đã vì những người ấy giảng nói: Đây là hành diệu của thân, hành diệu của thân nầy đã chiêu cảm dị thục. Đây là hành diệu của ngữ, hành diệu của ngữ nầy đã chiêu cảm dị thục. Đây là hành diệu của ý, hành diệu của ý nầy đã chiêu cảm dị thục. Đây là trời, là người, là nẻo thiện, là đời vui, là Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai đối với một loại hữu tình chỉ dùng toàn pháp nhu hòa để điều phục.

Thế nào là Như Lai đối với một loại hữu tình chỉ dùng toàn pháp thô dữ để điều phục? Nghĩa là Đức Như Lai đã giảng nói với họ: Đây là hành ác của thân, hành ác của thân nầy đã chiêu cảm dị thục. Đây là hành ác của ngữ, hành ác của ngữ nầy đã chiêu cảm dị thục. Đây là hành ác của ý, hành ác của ý nầy đã chiêu cảm dị thục. Đây là địa ngục, là bàng sinh, là cõi quỷ, đây là hiểm nạn, là nẻo ác, là đọa lạc. Đó gọi là Như Lai đối với một loại hữu tình chỉ dùng toàn pháp thô dữ để điều phục.

Thế nào là Như Lai đối với một loại hữu tình đã dùng cả pháp nhu hòa và thô dữ để điều phục? Nghĩa là có nhiều lúc vì họ giảng nói: Đây là hành diệu của thân, của ngữ, của ý. Hành diệu của thân, của ngữ, của ý đã chiêu cảm dị thục. Hoặc có nhiều lúc lại giảng nói: Đây là hành ác của thân, của ngữ, của ý. Hành ác của thân, của ngữ, của ý đã chiêu cảm dị thục. Có lúc nói về trời, người, nẻo thiện, đời vui, Niết-bàn. Hoặc có lúc lại nói về địa ngục, bàng sinh, cõi quỷ, các hiểm nạn, nẻo ác, đọa lạc. Đó gọi là Như Lai đối với một loại hữu tình đã dùng cả pháp nhu hòa và thô dữ để điều phục.

Đức Như Lai đối với các hữu tình đã dùng ba thứ sự điều ngự thiện xảo ấy để điều phục như thế, ngăn dứt như thế, tịch tĩnh như thế, để khiến họ hoàn toàn dứt bỏ tất cả phiền não như tham sân si v.v…, dứt bỏ rốt ráo. Đã khiến dứt bỏ hoàn toàn, rốt ráo tất cả phiền não như tham sân si v.v… như thế là khiến vĩnh viễn được điều phục, khiến vĩnh viễn được ngăn dứt, khiến vĩnh viễn được tịch tĩnh, đạt điều ngự trên hết, đạt điều ngự thù thắng, đạt trong mát tối thắng, trừ bỏ hoàn toàn tâm ý quanh co uế tạp, khéo dứt mọi cấu trược của mạn, phú (che giấu), siểm (dua nịnh). Thế nên Như Lai gọi là Điều Ngự Sĩ.

Thiên Nhân Sư: Như Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan-đà: Ta không những chỉ là Thầy của bốn chúng: Bí-sô, Bí-sô-ni, Ô-ba-sáchca, Ô-ba-tư-ca mà đối với các chúng nhân thiên như chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn v.v… Ta là thầy, là bậc thầy thù thắng, bậc thầy tùy thuận, là bậc mô phạm, là bậc mô phạm hơn hẳn, là bậc mô phạm tùy thuận, vì họ luôn hướng dẫn dìu dắt. Thế nên Như Lai gọi là Thiên Nhân Sư.

Gọi là Phật: Nghĩa là Đức Như Lai có trí kiến vô học, trí tuệ giác ngộ tỏa sáng, soi chiếu hiện quán rồi có thể phát khởi đầy đủ và được thành tựu, nên gọi là Phật.

Như có một vị Đại Bà-la-môn đến chỗ Phật dùng kệ để khen ngợi và hỏi Phật:

Lễ Đạo sư thế gian

Bậc Giác ngộ tối thượng

Duyên gì cả mẹ cha

Tôn kính gọi Phật-đà?

Đức Thế Tôn thương xót vị Bà-la-môn ấy, nên cũng dùng kệ bảo:

Bà-la-môn nên biết!

Ta như Phật khứ, lai

Thành tựu tướng bậc giác

Nên Ta gọi Phật-đà.

Bà-la-môn nên biết

Ta quán hành ba cõi

Đều có pháp sinh diệt

Nên Ta gọi Phật-đà.

Bà-la-môn nên biết

Ta nơi nên biết đoạn

Việc tu chứng đã xong

Nên Ta gọi Phật-đà.

Bà-la-môn nên biết

Ta đối tất cả cảnh

Đủ Nhất thiết trí, kiến

Nên Ta gọi Phật-đà.

Bà-la-môn nên biết

Ta nơi vô lượng kiếp

Tu các hạnh thuần tịnh

Trải vô lượng sinh tử.

Nay với thân sau cùng

Lìa tên độc phiền não

Chứng đắc giác vô thượng

Nên Ta gọi Phật-đà.

Bạc-già-phạm: Nghĩa là có pháp thiện gọi là Bạc-già-phạm. Thành tựu các pháp thiện vô thượng, hoặc tu tập các pháp thiện, đã tu tập các pháp thiện vô thượng, nên gọi là Bạc-già-phạm.

Lại, Phật Thế Tôn tu tập viên mãn thân giới tâm tuệ, thành tựu đại bi vô hạn vô lượng, thành tựu vô lượng pháp nên gọi là Bạcgià-phạm.

Lại, Phật Thế Tôn có đầy đủ oai đức lớn, có thể đi có thể đến, có thể thành có thể hoại, có thể tự tại chuyển, nên gọi là Bạc-già-phạm.

Lại, Phật Thế Tôn đã phá trừ vĩnh viễn tất cả pháp ác bất thiện như tham sân si v.v…, đã vĩnh viễn phá trừ tất cả tạp nhiễm nơi quả dị thục khổ thiêu đốt hữu sau, đã vĩnh viễn phá trừ mọi sinh già bệnh chết nơi vị lai, nên gọi là Bạc-già-phạm.

Như có kệ nói:

Trừ hết tham sân si

Các pháp ác bất thiện

Đủ pháp thắng vô lậu

Nên gọi Bạc-già-phạm.

Lại, Đức Phật Thế Tôn đối với các pháp chưa được nghe, có thể tự thông tỏ, đạt được giác ngộ tối thượng, thành tựu trí hiện pháp, trí không chướng ngại, khéo hiểu rõ về vị lại, tu tập quả phạm hạnh, vì các đệ tử phân biệt giải nói, thiết lập pháp hội lớn, thí khắp hữu tình, nên gọi là Bạc-già-phạm.

Như có tụng nêu:

Như Lai lập pháp hội

Thương khắp kẻ lạc loài

Thiên nhân sư như thế

Kính lạy: Vượt biển hữu.

Lại, Đức Phật Thế Tôn vì các đệ tử tùy nghi giảng nói pháp, đều khiến họ hoan hỷ cung kính tin nhận, như giáo pháp tu hành, danh xưng truyền khắp các phương, xứ, ai cũng nghe biết, tán thán kính lễ, nên gọi là Bạc-già-phạm.

Nếu các đệ tử Phật dùng các tướng như thế, theo đấy nhớ nghĩ đến chư Phật, do kiến văn làm căn bản, chứng trí tương ưng với các thứ tin, tánh tin, tánh tin hiện tiền, tùy thuận, thừa nhận, ái mộ, tánh ái mộ, tâm lặng, tâm tịnh. Đó gọi là Phật chứng tịnh. Nếu có thể đối với các pháp ấy khuyến khích, thúc đẩy, an lập, nên biết đó gọi là dùng các phương tiện khuyến khích, an lập, khiến trụ vào Phật chứng tịnh.

*

2. Thế nào gọi là Pháp chứng tịnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: “Các đệ tử Thánh nầy, do tướng như thế theo đấy nhớ nghĩ đến chánh pháp. Nghĩa là chánh pháp của Phật đã khéo giảng nói, hiện thấy, không nhiệt não, đúng thời, dẫn dắt, quán gần, bậc trí được nội chứng”.

Ở đây:

Nói: Đây, nầy: Tức như đã nói rộng nơi phần Phật chứng tịnh ở trước.

Các đệ tử Thánh: Thánh tức là Phật, Pháp, Tăng, quy y nơi Phật, Pháp, Tăng nên gọi là các đệ tử Thánh.

Do tướng như thế theo đấy nhớ nghĩ đến chánh pháp: Nghĩa là do tướng nầy, môn nầy, lý nầy, đối với chánh pháp khởi niệm tùy niệm, chuyên niệm, ức niệm, không quên không mất, không sót không thiếu, tánh không mất pháp, tánh ghi tâm sáng. Đó gọi là do tướng như thế theo đấy nhớ nghĩ đến chánh pháp.

Khéo giảng nói: Nghĩa là những điều Phật giảng nói về khổ đúng thật là khổ, về tập, diệt, đạo đúng thật là tập, diệt, đạo, nên gọi là khéo giảng nói. Nếu Đức Phật, Thế Tôn không phải khổ nói là khổ, không phải tập, diệt, đạo nói là tập, diệt, đạo thì không phải là khéo giảng nói. Vì Đức Phật, Thế Tôn đối với khổ nói là khổ, đối với tập, diệt, đạo nói là tập, diệt, đạo, nên chánh pháp của Phật gọi là khéo giảng nói.

Hiện thấy: Nghĩa là tu tập đúng đắn giáo pháp khổ, tập, diệt, đạo do Đức Thế Tôn giảng nói, lúc hành hiện quán ở trong hiện pháp tức chứng nhập khổ, tập, diệt, đạo, nên gọi là hiện thấy. Nếu tu tập các pháp khổ tập diệt đạo do Đức Thế Tôn giảng nói, lúc hành hiện quán không ở trong hiện pháp để chứng nhập khổ tập diệt đạo thì không phải là hiện thấy. Do chính tu tập các pháp khổ tập diệt đạo do Đức Thế Tôn giảng nói, lúc hành hiện quán đã ở trong hiện pháp, chứng nhập khổ tập diệt đạo, nên chánh pháp của Phật gọi là hiện thấy.

Lại, chính lúc tu tập các pháp do Đức Thế Tôn giảng nói, khi có thể đoạn trừ các phiền não do thấy khổ, thấy tập, thấy diệt, thấy đạo đoạn trừ, cùng các tùy miên do tu đạo đoạn trừ, tức ở trong hiện pháp liền đoạn trừ hết thảy tùy miên do thấy bốn đế đoạn trừ, cùng do tu đạo đoạn trừ, nên gọi là hiện thấy. Nếu không ở trong hiện pháp hành tác như thế thì không gọi là hiện thấy. Chính vì luôn ở trong hiện pháp hành tác và chứng nhập như thế, nên chánh pháp của Phật gọi là hiện thấy.

Lại, chính lúc tu tập các pháp do Đức Thế Tôn giảng nói, khi có thể chứng đắc việc diệt hết các thứ tùy miên do thấy bốn đế đoạn trừ, cùng do tu đạo đoạn trừ, tức ở trong hiện pháp liền chứng được việc diệt hết các thứ tùy miên do thấy bốn đế đoạn trừ, cùng do tu đạo đoạn trừ, nên gọi là hiện thấy. Nếu không ở trong hiện pháp hành tác như thế thì không gọi là hiện thấy. Do luôn ở trong hiện pháp hành tác và chứng nhập như thế, nên chánh pháp của Phật gọi là hiện thấy.

Không nhiệt não: Nghĩa là tám chi Thánh đạo gọi là không nhiệt não. Vì sao? Vì nóng bức (nhiệt) là phiền não, nhưng trong tám chi Thánh đạo, tất cả phiền não đều không thể được, không thể gần được, không có, không cùng có, nên chánh pháp của Phật gọi là không nhiệt não.

Đúng thời: Nghĩa là tám chi Thánh đạo gọi là đúng thời. Vì sao? Vì chính lúc tu tập giáo pháp khổ tập diệt đạo do Đức Thế Tôn giảng nói và khi hành hiện quán, liền hội nhập nơi khổ tập diệt đạo để hiện quán, nên gọi là đúng thời. Nếu chính lúc tu tập giáo pháp khổ tập diệt đạo do Đức Thế Tôn giảng nói và hành hiện quán, sau đó mới hội nhập nơi khổ tập diệt đạo để hiện quán, thì không gọi là đúng thời. Do luôn tu tập hành tác đúng thứ lớp như thế, nên chánh pháp của Phật gọi là đúng thời.

Lại, chính lúc tu tập giáo pháp do Đức Thế Tôn giảng nói, khi có thể đoạn trừ các thứ tùy miên do thấy bốn Đế đoạn trừ, cùng do tu đạo đoạn trừ, liền đoạn trừ hết thảy tùy miên do thấy bốn đế đoạn trừ cùng do tu đạo đoạn trừ, nên gọi là đúng thời. Nếu không tu tập hành tác đoạn trừ đúng như thế thì không gọi là đúng thời. Chính do luôn hành tác đoạn trừ các tùy miên đúng như thế, nên chánh pháp của Phật gọi là đúng thời.

Lại, chính lúc tu tập giáo pháp do Đức Thế Tôn giảng nói, khi có thể chứng đắc việc diệt trừ các tùy miên do thấy bốn đế đoạn trừ, cùng do tu đạo đoạn trừ, liền chứng đắc việc diệt hết các tùy miên do thấy bốn đế đoạn trừ, cùng do tu đạo đoạn trừ, nên gọi là đúng thời. Nếu không tu tập, hành tác, đoạn trừ, chứng đắc đúng như thế, thì không gọi là đúng thời. Chính do luôn tu tập, hành tác, đoạn trừ, chứng đắc đúng như thế, nên chánh pháp của Phật gọi là đúng thời.

Dẫn dắt: Nghĩa là tám chi Thánh đạo gọi là dẫn dắt. Vì sao? Vì nếu tu tập, tu tập nhiều tám chi Thánh đạo, đối với khổ tập diệt đạo lúc hành hiện quán, tức có thể hướng dẫn, dắt dìu, có thể tùy thuận, theo đuổi gắn bó, nên chánh pháp của Phật gọi là dẫn dắt.

Quán gần: Nghĩa là tám chi Thánh đạo gọi là quán gần. Vì sao? Vì nếu tu tập, tu tập nhiều tám chi Thánh đạo, tức có thể đối với khổ tập diệt đạo thấy biết đúng như thật về khổ tập diệt đạo, nên chánh pháp của Phật gọi là quán gần.

Bậc trí được nội chứng: Phật và đệ tử Phật được gọi là bậc trí, là người trí. Đối với khổ tập diệt đạo do Đức Thế Tôn giảng nói, người trí tự nơi nội tâm thấy biết, hiểu rõ, giác ngộ đúng đắn rộng khắp là khổ tập diệt đạo, nên chánh pháp của Phật gọi là bậc trí được nội chứng.

Nếu các đệ tử Phật dùng tướng như thế theo đấy nhớ nghĩ đến chánh pháp, do kiến văn làm căn bản, chứng trí tương ưng với các niềm tin, tánh tin, tánh tin hiện tiền, tùy thuận, thừa nhận, ái mộ, tánh ái mộ, tâm chứng, tâm tịnh. Đó gọi là Pháp chứng tịnh. Nếu có thể đối với các pháp ấy khuyến khích thúc đẩy an lập, nên biết đó gọi là dùng các phương tiện để chỉ bảo khuyến khích an lập khiến được trụ nơi Pháp chứng tịnh.

HẾT – QUYỂN 2